Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sáu Tính Chất Của Tam Bảo

04/06/202406:52(Xem: 4096)
Sáu Tính Chất Của Tam Bảo


ht thai hoa-1

SÁU TÍNH CHẤT CỦA TAM BẢO

Pháp ngữ Hòa thượng Thích Thái Hòa 

giảng cho đạo tràng tu Bát quan trai
tại chùa Phước duyên, Huế, ngày 02 tháng 06 năm 2024

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến.

Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành.

Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:

Thứ nhất là Hy hữu.

Hy hữu, có nghĩa là hiếm có. Người đệ tử Phật, dù xuất gia hay tại gia, luôn luôn nghĩ rằng, "mình được quy y Phật Pháp Tăng là những nhân duyên hiếm có, là những nhân duyên đặc biệt". Vì Phật vô lượng kiếp, từ khi phát tâm bồ đề cho đến khi thành tựu Phật quả, trải qua tam a-tăng-kỳ kiếp mới thành tựu. Vì vậy, Phật là hy hữu, là hiếm có. Pháp do Phật chứng nghiệm, Pháp ấy cũng hiếm có. Tăng, do đức Phật thiết lập, giáo hóa, hướng dẫn và đồng hành với Phật là hiếm có. Quý vị phải luôn luôn nuôi dưỡng chất liệu hiếm có này trong đời sống hằng ngày của mình để nỗ lực làm những gì cần làm, không làm những gì không cần làm; nói những gì cần nói, và không nói những gì không cần nói; nghĩ những gì cần nghĩ và không nghĩ những gì không cần nghĩ. Nhờ quý vị quán chiếu và thực tập, khiến cho chất liệu hiếm có của Tam bảo luôn luôn ở trong tâm của quý vị. Cho nên, quý vị phải thấy rằng, trong đời sống này, Tam bảo là hiếm có.

Tính chất thứ hai là Minh tịnh.

Tam bảo là trong sáng, thanh tịnh, rõ ràng, minh bạch. Quý vị quán chiếu tính chất này để thấy, Phật không phải là Pháp, Phật không phải là Tăng, Tăng không phải là Pháp, Tăng không phải là Phật, Phật-Pháp-Tăng có vị trí và chức năng rõ ràng để làm chỗ nương tựa cho thế giới người, trời. Và trong ba ngôi Phật - Pháp - Tăng, thì Phật là tối thượng, Tăng là đồng hành với Phật qua sự thực hành Pháp. Nếu Tăng mà không đồng hành với Phật, không thực hành Pháp, thì đó không phải là Tăng, mà đó là một đám người ô hợp mệnh danh là Phật pháp, mà quả thực là phi Phật pháp. Quý vị phải nhớ cho rõ điều này, để đừng bị thiên ma, ngoại đạo và những kẻ tà tâm, tà kiến lừa phỉnh.

Tính chất thứ ba là Trang nghiêm.

Phật rất trang nghiêm. Đối với bản thân, đức Phật có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp. Đối với sự thực hành, Ngài đi, đứng, nằm, ngồi ở trong uy nghi, ở trong tịnh đức của Giới, tịnh đức của Định, tịnh đức của Tuệ. Cho nên, Phật rất là trang nghiêm. Đối với khẩu, đức Phật chỉ nói những gì cần nói, chỉ làm những gì cần làm. Ngài nói những lời cần nói, cần làm đó đúng lúc, không đúng lúc thì Ngài không nói; không đúng chỗ thì Ngài không nói và không làm; không đúng người thì Ngài không nói và không làm; không đúng việc thì Ngài không nói và không làm; không đúng pháp thì Ngài không nói và không làm. Nhờ vậy mà đức Phật rất trang nghiêm đối với ba nghiệp đạo của mình. Pháp do đức Phật chứng ngộ và tuyên bố cho thế giới cho thế giới người trời, Pháp ấy là để trang nghiêm ba nghiệp thanh tịnh. Và Tăng do đức Thế tôn thành lập, là đoàn thể đồng hành với Phật ở trong Pháp hòa hợp, thanh tịnh. Vì vậy, Tam bảo có tính chất trang nghiêm. Không trang nghiêm thì không phải Tam bảo, và không trang nghiêm thì không phải đệ tử của Phật, dù đó là đệ tử tại gia.

Tính chất thứ tư là Thế lực.

Phật có mười phẩm tính, có bốn vô sở úy, có mười sức mạnh trí tuệ, có mười tám pháp bất cộng. Cho nên, đối với Phật, Ngài có thế lực về đạo đức, có thế lực về thiền định, có thế lực về trí tuệ vượt thắng cả thế giới người trời, thế giới của hàng Thanh văn, thế giới của hàng Duyên giác, thế giới của hàng Bồ tát.

Pháp do đức Phật chứng nghiệm và tuyên bố cho thế giới người trời, cho thế giới của các bậc Thánh, thế giới của các bậc Duyên giác, Bồ tát, Pháp ấy có một thế lực dẫn dắt thế giới người trời dứt bỏ điều ác của thế gian mà hướng tới điều thiện xuất thế gian; Pháp ấy có khả năng dẫn dắt và có thế lực đưa người hành trì vượt thoát sinh tử khổ đau, vượt thoát cái bị sinh, cái bị già, cái bị bệnh, cái bị chết, cái bị xa lìa bởi thương yêu, cái bị gặp gỡ bởi oán đối, cái bị mơ ước không thành, cái bị thân năm uẩn ngày đêm xung đột, cực thịnh, cực suy và phân rã. Pháp Phật có thế lực dẫn dắt người thực hành bước ra khỏi khổ đau ngay ở nơi tác nhân của sinh tử.

Tăng là một đoàn thể có thế lực, có thế lực ở trong sự thanh tịnh, có thế lực ở trong sự hòa hợp và đồng hành với Phật qua sự thực hành Pháp.

Thứ năm là Tối thắng.

Tam bảo có tính chất Tối thắng. Thế giới người và trời, cho đến thế giới của các vị thần, cho đến thế giới của các bậc Thánh, cho đến thế giới của các vị Duyên giác, Bồ tát, thì Tam bảo là tối thắng. Có phước báo như Chuyển luân thánh vương cũng phải quy y Tam bảo để nuôi lớn thiện căn phước đức vốn có của mình và phát triển thiện căn phước đức đó ở trong mọi không gian, ở trong mọi thời gian. Vua trời Đế thích cũng quy y Phật, Pháp, Tăng để nuôi dưỡng phước báo chư thiên vốn có của mình, làm cho nó tăng trưởng lớn mạnh. Vua trời Phạm thiên cũng quy y Tam bảo để có thể sống nếp sống phạm hạnh, nếp sống tịnh hạnh đúng với ý nghĩa giải thoát, giác ngộ, mà không phải phạm hạnh chỉ là thực hành ở trong sinh tử. Đối với hàng Thanh văn, tu tập dù chứng đến quả vị A-la-hán cũng nương tựa Tam bảo suốt đời. Đối với hàng Duyên giác, ra đời không gặp Phật, nhưng cũng phải nương tựa Tam bảo ở nơi tự tánh để thấy rõ tính chất vô thường, tính chất vô ngã, tính chất bức hại của các pháp hữu vi do duyên Vô minh và Hành, do duyên Ái, Thủ, Hữu mà sinh khởi. Cho đến hàng Bồ tát, thì không phải quy y Tam bảo chỉ một đời, mà nguyện đời đời kiếp kiếp quy y Tam bảo. Cho đến Bồ tát còn một đời nữa thành Phật cũng quy y Tam bảo.

Cho nên Tam bảo là tối thắng, không phải tối thắng ở trong cõi người, cõi trời, cõi Thanh văn, mà còn tối thắng đối với các hàng Duyên giác, Bồ tát nhất sanh bổ xứ. Vì vậy, không ai có thể phá hủy được Tam bảo.

Tính chất thứ sáu là Bất biến, bất hoại, thường trú.

Tam bảo có tính chất hy hữu, có tính chất minh tịnh, có tính chất trang nghiêm, có tính chất thế lực, có tính chất tối thắng. Chính những tính chất này tạo thành tính chất bất biến, bất khả hoại, nghiễm nhiên thường trú của Tam bảo. Vì vậy, có những kẻ manh tâm phá hoại Tam bảo, kẻ ấy chẳng khác nào ngậm máu phun người, trước nhơ miệng mình; kẻ đó chẳng khác nào đi ngược gió mà dê bụi, bụi không tới được người, mà quay trở lại lấm vào thân thể của mình; kẻ phỉ báng Tam bảo, manh tâm phá hoại Tam bảo, nỗ lực vu khống Tam bảo, phá hoại Tăng-già, kẻ ấy chẳng khác nào ngửa mặt, nhổ nước miếng lên trời, nước miếng không thấu trời mà rơi lại nơi mặt mình.

Do đó, chúng ta là đệ tử của đức Phật, dù là xuất gia hay tại gia, chúng ta phải đem hết sinh mệnh của mình mà nương tựa vào ở nơi Phật Pháp Tăng; chúng ta phải hiểu Phật một cách rõ ràng, Pháp một cách minh bạch, Tăng một cách chánh kiến. Tăng không phải là một cá nhân, lại càng không phải là một đoàn thể ô hợp, mà các thành viên của Tăng là những Tỳ-kheo thanh tịnh, là những thầy Tỳ-kheo có Giới, là những thầy Tỳ-kheo có Định, là những thầy Tỳ-kheo có Tuệ. Vì là những Tỳ-kheo có Giới, có Định, có Tuệ, cho nên, trong pháp hành hằng ngày, ngay cả đi khất thực cũng phải khất thực đúng thời, không có Tỳ-kheo nào đúng Pháp mà đi khất thực phi thời; đi khất thực phải đúng xứ, không có Tỳ-kheo nào đúng Pháp mà đi khất thực phi xứ; đi khất thực phải đúng việc, không có Tỳ-kheo nào đi khất thực mà không đúng việc; đi khất thực phải đúng người, chứ không phải Tỳ-kheo nào cũng đi khất thực, bởi vì có Tỳ-kheo bị bệnh - không thể đi khất thực, có những Tỳ-kheo già yếu - không thể đi khất thực, cũng những Tỳ-kheo đang trong thời gian bị Tăng chế tài và phải thực hành pháp sám hối thì không được quyền đi khất thực. Người đời, phần nhiều do ngu si, vô trí, cho nên không hiểu được thế nào là một vị Tỳ-kheo, thế nào là một Tỳ-kheo thanh tịnh, thế nào là  Tỳ-kheo thành viên của Tăng, cho nên đã sử dụng những danh từ sai lạc, vu khống, chụp mũ đối với Tăng. Điều ấy là điều mà Phật tử phải học để trạch pháp một cách rõ ràng, chứ không thôi, giữa này, thầy tà cũng lắm, bạn ác cũng nhiều. Nếu chúng ta vô phước, chúng ta đã đi theo thầy tà.

Thầy tà là thầy gì? Đó là thầy tự xưng, không có Giới pháp; thầy tự xưng, không có thiền định, thiền lực từ nơi nền tảng Giới pháp; thầy tự xưng hiểu biết, sự hiểu biết ấy không thiết lập trên nền tảng của Giới pháp. Cho nên, thầy tự xưng giữa này cũng nhiều. Nếu chúng ta không tu học, chúng ta không phân biệt đâu là thầy ở trong Phật pháp và đâu là thầy phi Pháp. Tuy nhiên, thầy phi Pháp hay thầy đúng với chánh Pháp, lúc nào, ở đâu trong thế giới Ta-bà này, đều có cả. Chúng ta có phúc, chúng ta có phước, chúng ta đã gieo trồng thiện căn phước đức nhiều đời thì chúng ta gặp được những vị thầy thực hành đúng chánh Pháp và hướng dẫn cho ta tu học đúng chánh Pháp. Nếu chúng ta vô phước, kém thiện căn phước đức, chúng ta sẽ gặp thầy tà Pháp, thầy tự xưng, thầy tự phát; rồi thầy tự xưng, tự phát ấy kết bè, kết đảng, kết nhóm, tạo ra một đám thầy hổ lốn để làm rối loạn niềm tin của quần chúng. Tôi nói, làm rối loạn niềm tin của quần chúng, chứ chẳng dính dáng gì đến Tam bảo, chẳng dính dáng gì đến Phật pháp, vì, thiên ma ba-tuần dùng thiên mưu bách chước của tà kiến, của thủ thuật nhưng vẫn không bao giờ phá được Phật pháp. Bởi vì, Phật pháp mà thiên ma phá được, thì đâu còn gọi là Phật pháp; Tam bảo mà thiên ma phá được, thì đâu còn gọi là Tam bảo, đâu còn gọi là châu báu của thế gian và xuất thế gian.

Vậy, là Phật tử, dù là xuất gia hay tại gia, tất cả chúng ta phải thân cận các bậc thiện sĩ, lắng nghe chánh Pháp, học hỏi chánh Pháp, thực hành chánh Pháp, chứng nghiệm chánh Pháp, chứ không đi theo những tín ngưỡng bình thường, rất dễ rơi vào con đường của ma đi, vì con đường của ma đi là con đường cũng có những điều thú vị mà người bình thường khó nhận ra, chỉ có những bậc Trí mới có thể nhận biết con đường ma đi một cách rõ ràng và khuyến khích chúng ta tu hành trong chánh Pháp.

Nên, quý vị là Phật tử, nhất là Phật tử tại gia, không thể không đến chùa để tu học, và không thể không cầu thầy dạy đạo cho mình, dạy Pháp cho mình. Ngoài việc phụng sự, cúng dường, quý vị còn có nhu cầu lớn, đó là nhu cầu nghe Pháp, nhu cầu học Pháp, nhu cầu thực hành Pháp, nhu cầu chứng ngộ Pháp. Đó là điều mà cách đây hơn hai mươi sáu thế kỷ, bà Visākhā, đệ tử thâm tín Tam bảo, đã từng đến tịnh xá Trúc lâm, đã từng đến tịnh xá Kỳ viên, thỉnh cầu đức Phật giảng dạy chánh Pháp cho hàng cư sĩ và hướng dẫn cho hàng cư sĩ tu tập kết duyên, để có điều kiện thì trở thành người xuất gia tu học đúng chánh Pháp. Và các trưởng giả giàu có như Cấp-cô-độc bấy giờ cũng vậy. Các hàng vua chúa, như vua Tần-bà-ta-la, vua Ba-tư-nặc và các tiểu quốc vương thời bấy giờ, cũng đến tự viện Trúc lâm, Kỳ viên thăm viếng đức Phật và hỏi Pháp để Ngài hướng dẫn cho pháp trị nước, an dân, nuôi dưỡng phước báo của vua vốn có, qua việc chăm dân một cách đúng chánh Pháp và dùng chánh Pháp để an dân hơn là dùng luật pháp để thống trị. Vì vậy, quý vị cần phải học, và đừng bao giờ thấy rằng mình có sở đắc. Nếu quý vị thấy rằng mình có sở đắc, là ngay nơi đó, quý vị sẽ chết bất đắc kỳ tử ở trong Phật pháp. Mà ở trong Phật pháp đã bị chết bất đắc kỳ tử rồi, thì rõ ràng, vĩnh viễn không bao giờ trở thành người con Phật đích thực.

Cho nên, tất cả quý vị muốn nuôi dưỡng được thiện căn phước đức của mình, phải đặt hết niềm tin của mình vào nơi Tam bảo, vào sáu tính chất mà tôi vừa chia sẻ, và biến sáu tính chất ấy trở thành đời sống hằng ngày của chính mình, ngang đâu thì quý ngang đó, được ngang đâu thì phước đức lớn lên ngang đó.

Vậy, tất cả quý vị hãy chắp tay, thành kính mà nói theo tôi:

"Đệ tử chúng con quy y Phật. Đệ tử chúng con quy y Pháp. Đệ tử chúng con quy y Tăng.

Đệ tử chúng con quy y Phật, nguyện từ nay cho đến trọn đời không quy y trời, thần, quỷ, vật.

Đệ tử chúng con quy y Pháp, nguyện từ nay cho đến trọn đời không quy y ngoại đạo, tà giáo.

Đệ tử chúng con quy y Tăng, nguyện từ nay cho đến trọn đời không quy y thầy tà bạn ác.

Đệ tử chúng con quy y Phật, là đấng Phước trí vẹn toàn.

Đệ tử chúng con quy y Pháp, con đường chấm dứt sinh tử khổ đau.

Đệ tử chúng con quy y Tăng, chúng Tu hành thanh tịnh.

Đệ tử chúng con đã quy y Phật rồi, không đọa vào địa ngục.

Đệ tử chúng con đã quy y Pháp rồi, không đọa làm ngạ quỷ.

Đệ tử chúng con đã quy y Tăng rồi, không đọa làm súc sinh.

Kính bạch Tam bảo chứng minh, cho chúng con xả Bát quan trai giới, trở lại đời sống cư sĩ, thọ trì Ba pháp quy y và Năm cấm giới, nguyện suốt đời không sát sanh, nguyện suốt đời không trộm cắp, nguyện suốt đời không tà hạnh, nguyện suốt đời không nói dối, nguyện suốt đời không uống rượu.

Kính xin Tam bảo chứng minh và cho chúng con xả Bát quan trai giới, trở lại đời sống cư sĩ, quy y Phật Pháp Tăng, giữ gìn năm Giới, hộ trì Tam bảo tồn tại thế gian, lợi lạc muôn loài chúng sinh.

Kính xin Tam bảo chứng minh ".

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/03/2011(Xem: 4970)
Nhiều người ngày nay đã hỏi, “Có phải sự tích tập nghiệp báo là nguyên nhân của những vấn đề như động đất, thí dụ trận động đất vừa tàn phá Haiti”? Nếu trả lời điều ấy, dần dần nó được giải thích rằng tích lũy nghiệp báo của tất cả những chúng sinh trên hành tinh này chịu trách nhiệm cho những đặc trưng phổ biến của hành tinh này và những yếu tố làm nên nó. Với những nhân tố hiện diện, những định luật khách quan của vật lý đã vận hành. Thí dụ, sức nóng tăng lên và những chuyển động đa dạng làm nên kết quả, thí như những mãng của trái đất trượt lên nhau, và v.v… Một biểu hiện của chuyển động ấy là động đất. Từ quan điểm này, động đất là những kết quả không tránh khỏi của hành tinh chúng ta sinh khởi như thế ấy; và nó đã từng sinh khởi như nó là kết quả của nghiệp báo tích lũy vô cùng rộng lớn của tất cả chúng sinh những kẻ đã từng sinh sống tự bao giờ trên hành tinh này. Ông có bình luận gì về điều này?
18/03/2011(Xem: 5088)
Vì kinh Thủ Lăng Nghiêm có đề cập đến nhiều tôn giáo hoạt động vào thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế nên chúng tôi nhân đây giới thiệu đến quý Phật tử cái nhìn đơn giản về những tôn giáo lớn trên thế giới hiện nay. Trong mục này vì phải đưa ra một số dữ kiện lịch sử cho nên mặc dầu luôn cố gắng giữ mình trên cương vị khách quan, trong tinh thần xây dựng, nhưng dầu sao ít nhiều chúng tôi cũng không tránh khỏi sự sai lầm để cho cái bản ngã đáng ghét, chủ quan hẹp hòi thiển cận của mình xuất hiện. Nếu có đoạn nào không hài lòng, xin quý độc giả rộng tình bỏ qua. Chân thành cảm tạ.
19/02/2011(Xem: 4991)
Sau thế kỷ ánh sáng, thái độ trịch thượng và độc tài của khoa học không phải chỉ đối với tôn giáo mà còn đối với các khoa học ‘nhân văn’ khác. Những môn học nào không dùng lý trí và phương pháp thực nghiệm đều bị chê là ‘thiếu khoa học” hay khoa học ‘nửa vời’. Các nhà khoa học đắc thắng biến phương pháp khoa học thành ‘chủ nghĩa’ duy vật khoa học.
11/02/2011(Xem: 33830)
Danh từ Ðạo Phật (Buddhism) xuất phát từ chữ "Budhi" nghĩa là "tỉnh thức" và như vậy Ðạo Phật là triết học của sự tỉnh thức. Nền triết học này khởi nguyên từ một kinh nghiệm thực chứng...
05/01/2011(Xem: 9494)
Hiện đại hoá đạo Phật không có nghĩa là thế tục hóa đạo Phật. Đạo Phật đi vào cuộc đời nhưng không bị cuộc đời làm giảm mất đi những đặc tính siêu việt của nó.
05/01/2011(Xem: 36759)
Từ ngày 6 đến ngày 16 tháng 6 năm 2007 này, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ viếng thăm Úc Châu, đây là chuyến thăm Úc lần thứ năm của Ngài để giảng dạy Phật Pháp. Mọi người đang trông đợi sự xuất hiện của ngài. Bốn lần viếng thăm Úc trước đây đã diễn ra vào các năm 1982, 1992, 1996, 2002, đặc biệt trong lần viếng thăm và hoằng pháp lần thứ tư năm 2002, đã có trên 110. 000 người trên khắp các thủ phủ như Melbourne, Geelong, Sydney, và Canberra đến lắng nghe ngài thuyết giảng để thay đổi và thăng hoa đời sống tâm linh của mình.
04/01/2011(Xem: 52050)
QUYỂN 5 MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI BỐN (Năm 574 trước TL) 91 CÁC LOẠI CỎ Đầu Xuân, khi trời mát mẻ, đức Phật tính chuyện lên đường trở về Sāvatthi. Thấy hội chúng quá đông, đức Phật bảo chư vị trưởng lão mỗi vị dẫn mỗi nhóm, mỗi chúng phân phối theo nhiều lộ trình, qua nhiều thôn làng để tiện việc khất thực. Hôm kia, trời chiều, cạnh một khu rừng, với đại chúng vây quanh, đức Phật ngắm nhìn một bọn trẻ đang quây quần vui chơi bên một đám bò đang ăn cỏ; và xa xa bên kia, lại có một đám trẻ khác dường như đang lựa tìm để cắt những đám cỏ xanh non hơn; ngài chợt mỉm cười cất tiếng gọi:
02/01/2011(Xem: 8541)
Người xưa nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Con người có mặt trong cuộc sống, ngoài việc phải nắm bắt thời gian, giành lấy thời gian, tận dụng thời gian, làm nhiều việc mang lại lợi ích cho xã hội, ngoài mục đích kéo dài tuổi thọ về mặt thời gian ra, còn cần phải mở rộng phạm vi đời sống, mở mang không gian tâm linh, để bản thân có thể hòa nhập vào nhân quần, hướng về cộng đồng thế giới.
01/01/2011(Xem: 10466)
Ðức Phật là một chúng sanh duy nhất, đặc biệt Ngài là nhà tư tưởng uyên thâm nhất trong các tư tưởng gia, là người phát ngôn thuyết phục nhất trong các phát ngôn viên...
29/12/2010(Xem: 16190)
"Lược sử thời gian" (A Brief History of Time), một cuốn sách tuyệt diệu, được viết bởi một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của thời đại chúng ta: nhà toán học và vật lý lý thuyết người Anh Stephen Hawking.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]