- 01. Mùa An Cư Thứ Mười Lăm
- 02. Kinh Đại Không
- 03. Lửa Địa Ngục Trong Phòng
- 04. Đất Rút
- 05. Như Lai Không Tranh Luận Với Đời
- 06. Giảng Sư Rāhula
- 07. Tỳ-Khưu Rāhula Vô Dư Niết-Bàn
- 08. Tâm Hộ Pháp Của Hai Vị Đại Thí Chủ
- 09. Cậu Công Tử Hư Hỏng
- 10. Thương Nhiều Khổ Nhiều
- 11. Ta Thương Yêu Bản Thân Ta Nhất
- 12. Bốn Câu Hỏi Của Trời Đế Thích
- 13. Mùa An Cư Thứ Mười Sáu
- 14. Chấn Chỉnh Chư Tăng Āḷavakā
- 15. Độ Người Nông Dân Nghèo
- 16. Tu Tập Niệm Chết
- 17. Mùa An Cư Thứ Mười Bảy
- 18. Đất Hoá Vàng
- 19. Tấm Lòng Của Cô Gái Uttarā
- 20. Đần Độn Quá Trời!
- 21. Làm Bậy! Làm Bậy!
- 22. Ai Mua Mỹ Nhân?
- 23. Tên Đồ Tể
- 24. Về Vải Dơ Quăng Bỏ
- 25. Ngỗng Trời Cất Cánh Thênh Thang
- 26. Mùa An Cư Thứ Mười Tám
- 27. Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa)
- 28. Ruộng Phước
- 29. Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta
- 30. Mùa An Cư Thứ Mười Chín
- 31. Ngạ Quỷ Mình Trăn
- 32. Cùng Một Nguyên Lý
- 33. “Hớt” Phước Của Người Nghèo!
- 34. Mùa An Cư Thứ Hai Mươi
- 35. Bảy Thánh Sản
- 36. Chuyện Kể Về Cõi Trời
- 37. Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn
- 38. Nhân Duyên Quá Khứ
- 39. Mùa An Cư Thứ Hai Mươi Mốt
- 40. Tôn Giả Ānanda Làm Thị Giả
- 41. Đông Phương Lộc Mẫu
- 42. Cảm Hóa Aṅgulimāla
- 43. “Cái Một”
- 44. Nam Hóa Nữ, Nữ Hóa Nam
- 45. Từ Hạ Thứ Hai Mươi Hai Đến Hạ Thứ Bốn Mươi Bốn
- 46. Bà Mẹ Hộ Độ Tuyệt Vời
- 47. Từ Ngũ Giới Đến Bát Quan Trai Giới
- 48. Thu Phục Rồng Chúa Nandopananda(1)
Nhân Duyên Quá Khứ
Câu chuyện về gia đình người thợ săn vẫn chưa chấm dứt. Tuy đại chúng đã thỏa mãn mọi câu hỏi nghi ngờ, nhưng họ cũng còn tò mò không hiểu, do nhân duyên gì mà chàng thợ săn Kukkuṭamitta, vợ và các con trai, con dâu đồng loạt đắc quả Tu-đà-hoàn như thế? Một gia đình săn thú, giết thú mấy mươi năm, sát hại không biết bao nhiêu sinh linh vô tội mà lại dễ dàng đắc quả như thế sao?
Thế là đức Bổn Sư lại phải kể lại câu chuyện xưa.
“- Vào thời đức Chánh Đẳng Giác Kassapa, lúc ngài nhập diệt, cận sự nam nữ hai hàng bàn tính với nhau về việc xây dựng thánh tháp để tôn trí xá-lợi. Sau khi thống nhất ý kiến, họ đồng thuận là lấy hùng hoàng vàng và thạch tín đỏ làm đất, lấy dầu mè làm nước. Tiếp đến, họ nghiền thêm nhiều loại đá thành bột, trộn chung với nhau để đúc thành những viên gạch, lấy dầu có chất dính kết trộn với cát làm hồ vữa để xây. Họ còn dự định bên trong, bên ngoài tháp sẽ được dát vàng; riêng cửa ra, cửa vào thì phải lót gạch toàn bằng vàng khối, mỗi viên gạch như thế trị giá cả trăm ngàn đồng tiền vàng.
Công trình xây dựng như thế là phải phí tổn một ngân khoản rất lớn. Vị triệu phú nổi tiếng ở một ngôi làng ngoài thành phố, cư sĩ lâu năm, phát hỷ tâm cúng dường mười triệu đồng tiền vàng rồi tuyên bố:
- Tôi muốn là người chủ trì công trình, và sau khi hoàn tất, cũng chính tôi là người chủ lễkhánh thành tòa bảo tháp này, bà con có đồng ý không?
Cận sự nam nữ bàn tán xôn xao về số tiền lớn lao ấy, và ai cũng nghĩ thầm, thế thì ông ta làm chủ trì công trình, chủ lễ khánh thành là xứng đáng. Tuy nhiên, có một số người nghe vậy lại chạm tự ái, nghĩ rằng: “Cả trong thành phố mà lại không có ai đủ sức, đủ tài của, lại để cho một ông triệu phú ngoài thành cuỗm mất danh dự!”
Trong thành có một vị triệu phú, ai cũng biết danh, bình tĩnh lắng nghe mọi dư luận, ông cười vui trong lòng, sau đó, tuyên bố với mọi người:
- Nếu chỉ mười triệu mà được cả hai danh dự kia thì không đáng, tôi xin cúng dường hai mươi triệu! Xin bà con bầu chọn tôi.
Vị triệu phú ngoài thành phố cũng không ngán, ông ta tuyên bố:
- Vậy thì tôi xin cúng dường ba mươi triệu, được chưa?
- Chưa được! Vị triệu phú trong thành cười ha hả - vậy thì đã thấm chi. Ông mà ba mươi thì tôi xin cúng dường tám mươi! Theo nổi không nào?
Nghe con số quá khủng, vị triệu phú ngoài thành phố nghĩ thầm: “ Ông ta giàu hơn mình nhiều. Gia tài của mình chỉ có chín chục triệu, còn ông ta nghe đâu có đến bốn trăm triệu. Thế nếu mình cố gắng tận cùng, hô lên chín mươi, hết cả gia sản, còn ông ta hô lên một trăm thì mình sẽ rớt đài rồi. Dại chi cho họ thấy ‘điểm yếu’ của mình”.
Sau khi suy nghĩ chín chắn, ông triệu phú ngoài thành chậm rãi, điềm đạm nói:
- Tám mươi, nghe ra cũng không nhiều! Tôi có thể lên chín mươi và ông có thể lên một trăm. Và nếu thế thì chúng ta cứ đấu với nhau mãi. Tôi nghe đức Đạo Sư dạy rằng: Bố thí, cúng dường, phước báu cao thượng nhất là tâm ly, tâm xả, chứ không phải với tâm đấu, tâm tranh! Quý vị nghĩcó phải không?
Thấy mọi người gật gù và có vẻ đã thấm ý, ông triệu phú ngoại thành nói tiếp:
- Nói tóm lại, ở chỗ này, tại đây, về tiền bạc, thế là tôi đã thua. Tôi thua với tâm phục, khẩu phục – vì tâm thí xả tám chục triệu đồng tiền vàng, thật không dễ gì thế gian làm được. Tuy nhiên, dù thua “tiền của” nhưng tôi sẽ cố gắng bù thêm “công sức” vào, thêm mồ hôi và lao lực vào! Vậy, bắt đầu từ ngày mai, tôi, vợ tôi, bảy đứa con trai của tôi, bảy cô con dâu của tôi, cả thảy mười sáu người sẽ tự nguyện đến đây làm công quả cho đến khi hoàn tất công trình, hoàn mãn lễ lạc thành. Vậy xin bà con cận sự hai hàng, xét bình chọn, xem thử tôi có xứng đáng với hai danh dự kia hay không?
Cả ngàn người đại diện chia ra từng toán, từng nhóm, tìm cách lấy ý kiến đồng thuận là nên bầu chọn cho ai làm chủ trì kiêm chủ lễ. Cuối cùng, ông triệu phú ít tiền của nhưng nhiều công sức được mọi người bầu chọn với số phiếu nhiều hơn.
Nghe kết quả, ông triệu phú tám chục triệu đồng tiền vàng thua cuộc mỉm cười:
- Đem cả lực lượng vợ chồng con cái dâu rể mười sáu người đến làm công quả suốt thời gian công trình thì quả là tôi không bằng được. Tôi thua. Tôi thua cũng với tâm phục khẩu phục. Chính tôi cũng muốn bầu chọn ông bạn già đấy!
- Tại sao vậy? Có người hỏi.
Ông triệu phú thua cuộc ôn tồn đáp:
- Tôi chỉ cúng dường tiền vàng, tức là vật ngoại thân mà thôi. Còn gia đình kia, ngày này sang ngày khác còn cúng dường cả thân, cả khẩu, cả ý của mình nữa. Nếu đức Đạo Sư còn hiện tiền, thì Đạo Sư cũng dạy rằng, đấy là sự cúng dường cao thượng nhất: Cúng dường ba-la-mật đó!
Quả thật vậy, ai cũng đồng ý đấy là sự cúng dường cao thượng.
Nên sau kiếp ấy, cả mười sáu người đồng hóa sanh lên thiên giới. Trong suốt thời gian dài không có Phật, họ thọ hưởng phước báu vinh quang và sang cả không kể xiết. Kiếp hiện tại, người nữ hạ sanh vào gia đình ông triệu phú tại Vương Xá, đắc quả Tu-đà-hoàn khi mới vừa mười sáu tuổi. Người nam do nghiệp quá khứ còn nặng nên hết phước cõi trời, lại rơi vào gia đình thợ săn. Tiểu thư con ông triệu phú vừa mới thấy mặt chàng thanh niên thợ săn đã đem tâm ái luyến mạnh mẽ do họ đã từng là vợ chồng thương yêu thủy chung nhiều đời rồi. Đấy là mối tình tiền kiếp. Các con trai từ thiên giới lại tìm cách đầu thai vào lòng bà mẹ cũ. Chư thiên nữ, những nàng dâu thuở trước, sinh hạ rải rác đó đây, tìm duyên trở lại với những người chồng xưa của mình. Thế là cả một đại gia đình mười sáu người từ thời đức Phật Kassapa thuở xưa, bây giờ họ đoàn tụ ở đây. Do công và của xây dựng thánh tháp tôn trí xá-lợi Phật nên họ đồng đắc quả Tu-đà-hoàn.
Đại chúng thở phào nhẹ nhõm khi thấy rõ nhân quả cùng duyên xưa lối cũ thật nhiệm mầu như vậy.