Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1963 Chan Hòa Huyết Lệ (sách)

17/10/201307:24(Xem: 40341)
1963 Chan Hòa Huyết Lệ (sách)
chan hoa huyet le-1


1963 Chan Hòa Huyết Lệ 
Tác giả: HT Thích Minh Tâm (bút hiệu: Khinh An)
Do PT Diệu Danh diễn đọc







50 năm qua, cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1963 chống chính quyền Đệ nhất Cọng hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo đã đàn áp Phật giáo.

Sự việc đã lui về quá khứ nhưng vết thương trong lòng dân tộc, trong tim của Phật tử Việt Nam thì vẫn còn đó và có lẽ mãi còn trong lịch sử đau thương mà cũng lắm hào hùng.

Rồi, ai quên, ai nhớ, ai phản bội, ai trung thành? Lớp hậu bối sau này còn biết gì về sự hy hiến xương máu của bao lớp cha anh, để họ còn thở được, sống được như hôm nay?

Rồi, những người có trách nhiệm, những người đang lãnh đạo thế quyền cũng như giáo quyền truyền cái gì? Dạy cái gì? Để con em, hậu duệ, biết ơn, báo ơn, tưởng nhớ như thế nào?

Với một nhận thức còn kém, trí óc còn non nhưng là chứng nhân mà cũng là nạn nhân của thời cuộc, tôi lượm lặt, vận dụng trí nhớ viết những dòng chữ trong đây, để kỷ niệm 50 năm pháp nạn 1963. Dĩ nhiên, khó tránh khỏi những sai sót mong được chỉ bày bổ khuyết của chư Tôn Đức và chư Thiện Hữu.

Tôi xin được có lời cảm ơn các tác giả đã cho tôi tài liệu để tham khảo và sự góp ý chỉ bày của một vài vị thức giả đàn anh.

Xin gởi đến mọi người lòng biết ơn và mong muốn quyển sách nhỏ này là một lễ mọn nhưng tâm thành dâng lên chư giác linh, chơn linh, hương linh, vong linh đã nằm xuống cho đạo pháp trường tồn, cho non sông bền vững.

Xin cầu nguyện Tam Bảo chứng minh.

Phật Ân tự, mùa sen 2557

Thích Khinh An



Tháng 6 năm 1954, khi Ngô Đình Diệm ở Mỹ về Việt Nam làm Thủ tướng. Các Ngài lãnh đạo Phật giáo đã tiên liệu: “Dưới chế độ Diệm cuộc sống sẽ hiểm nghèo so với lúc dưới thời Pháp thuộc, chúng ta chắc phải trải qua những ngày tháng khó khăn hơn”.

Và, đúng như thế, chế độ Diệm gọi là nền Đệ nhất Cọng hòa, Phật giáo Việt Nam trải qua 9 năm (1954–1963) bị đàn áp, khủng bố, ép buộc tín đồ bỏ Phật theo Chúa, thậm chí bị bắn giết, thủ tiêu nếu trung thành với Phật.

Vài trường hợp điển hình như:

  • Ngày 28/08/1956, ông Vĩnh Cơ, Hội trưởng Hội Phật giáo Nguyên Thủy tại Đà Nẵng bị kết án ngụy tạo 10 năm khổ sai và tịch thu toàn bộ tài sản.
  • Năm 1956, chính quyền Diệm hủy bỏ ngày Đại lễ Phật đản trong danh sách các ngày nghỉ lễ của Tôn giáo.
  • Ngày 21/04/1956, Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã gởi văn bản lên chính phủ Diệm yêu cầu công nhận ngày lễ Phật đản là ngày lễ Tôn giáo hằng năm. Nhưng bị làm ngơ.
  • Tháng 3 năm 1957, Đại hội Phật giáo tại chùa Từ Đàm đã đặt lại vấn đề ngày lễ Phật đản. Mãi đến ba năm sau, chính phủ Diệm mới công nhận.
  • Các khu dinh điền ở Tây Nguyên, tín đồ Phật giáo bị bắt buộc bỏ Phật theo Chúa, ai không tuân bị ghép vào tội theo cọng.
  • Chính quyền Diệm tìm cách cưỡng chiếm núi Thiên Bút ở Quảng Ngãi để làm nhà thờ Thiên Chúa bị nhân dân kịch liệt phản đối, mãi đến ngày 07/02/1963, Bộ Nội vụ mới đình hoãn việc xây nhà thờ ở núi Thiên Bút.
  • Ngày 27/07/1961, đông đảo Phật tử và Sư sãi Khmer làm lễ tại chùa Cao Dân, xã Tân Lộc, Cà Mau bị quân đội Diệm xả súng bắn vào chùa làm trên 20 người chết và bị thương.
  • Ngày 18/10/1961, tại thị xã Trà Vinh trên 900 Sư sãi và đông đảo đồng bào Phật tử biểu tình đòi chính quyền Diệm chấm dứt khủng bố, đàn áp, giết hại người theo Phật.
  • Ngày 18/07/1961, Chi hội trưởng Phật giáo Tuy Hòa (Phú Yên) đã làm đơn khiếu nại lên chính quyền Diệm tố cáo Ban Tuyên giáo Thiên Chúa bắt ép Phật tử bỏ Phật theo Chúa nếu không bị vu khống đủ điều.
  • Ngày 15/12/1961, Khuôn hội Phước Thắng ở Bình Định, chính quyền không cho Phật tử đi chùa lễ Phật, ai bất tuân bắt di dân lên các vùng ma thiêng nước độc.
  • Tại quận Tuy Phước, tỉnh Bình Định, Giáo hội Tăng già cũng tố cáo chính quyền Diệm ép dân theo Chúa nếu không bị hủy bỏ tiêu chuẩn khi di dân, nên Phật tử rất khó khăn đói khổ.
  • Ngày 20/02/1962, Hội Phật giáo Trung phần đã làm đơn tố cáo chính quyền các địa phương kiêm Ban truyền giáo Thiên Chúa tại các tỉnh Liên khu 5 (Nam, Ngãi, Bình, Phú) lợi dụng quyền hành bắt nạt, khủng bố tín đồ Phật giáo, có người bị chôn sống như ông Nguyễn Chuyển thôn Mậu Lâm, nhiều người bị hành hạ đến chết, hay uất ức mà tự tử ở Bình Định, bị sát hại tại Quế Sơn (Quảng Nam).

Tổng hội kèm theo nhiều tài liệu, bằng chứng, đơn từ khắp các tỉnh từ Quảng Trị vào đến Bình Thuận, tỉnh nào cũng có sự giết hại Phật tử, bắt ép bỏ Phật theo Chúa. Trong đơn Tổng hội đã nói rõ: “Chúng tôi muốn ngăn ngừa một tai họa cho quốc gia khi mà hàng Phật tử chúng tôi thấy cần bảo vệ đúng mức Tôn giáo của mình”.


Hàng trăm, hàng ngàn vụ như thế tiếp diễn công khai hay bí mật, đơn khiếu nại, tố cáo tới tấp gởi về Tổng hội với những lời cầu cứu thống thiết và cấp bách. Tổng trị sự cũng thấy rõ vấn đề và cấp bách thống thiết không kém gởi lên các cấp chính quyền, nhưng đã có chủ trương, có lãnh đạo của phía chính quyền Thiên Chúa và tình hình mỗi ngày mỗi xấu hơn, sự oán hận lên cao chín tầng trời, sức chịu đựng, lòng ẩn nhẫn của con người có giới hạn và đã đến lúc Tăng Ni và Phật tử Việt Nam thấy “Đã đến lúc Tôn giáo của mình cần phải được bảo vệ”.

Một giọt nước cuối cùng đổ vào ly nước vốn đã đầy. Tức nước vỡ bờ, khi lệnh của phủ Tổng thống qua công điện số 9195 ngày 06/05/1963 ra lệnh triệt hạ cờ Phật giáo trong ngày Phật đản PL.2507.


13 giờ ngày 06/05/1963, ông Nguyễn Văn Đẳng, Tỉnh trưởng Thừa Thiên lên chùa Từ Đàm vận động các vị lãnh đạo Phật giáo yêu cầu các Ngài thông cáo đừng cho tín đồ treo cờ Phật giáo trong ngày đại lễ Phật đản. Ông cố vấn Ngô Đình Cẩn muốn các thầy có vài dòng thông cáo như vậy thôi chứ treo hay không, không cần thiết.

Các thầy đã trả lời: “Lời yêu cầu mà tiên quyết không thể chấp nhận được chứ không cần tìm hiểu lý do và ẩn ý”.

Ông Tỉnh trưởng trở về. Rồi,…

20 giờ 30 ngày 06/05/1963 công điện số 9195 ký ngày 06/05/1963 của phủ Tổng thống cấm treo cờ Phật giáo được ông Tỉnh trưởng Thừa Thiên chuyển đến chùa Từ Đàm, nội dung chủ yếu:

Nơi gởi: Đổng lý Văn phòng phủ Tổng thống.

Nơi nhận: Quý ông Đô Trưởng Sài Gòn.

Tỉnh trưởng

Thị trưởng

Đồng điện các ông

Đại biểu Chính phủ

Ra chỉ thị trên các cơ sở Tôn giáo (nhà thờ, chùa chiền) chỉ treo cờ quốc gia mà thôi… … …

Công điện còn nêu câu: “đã được sự đồng ý của các tổ chức Tôn giáo”. Sự ngụy tạo này chỉ xảy ra trước lễ Phật đản 41 giờ đồng hồ và lại còn nói chung là các Tôn giáo để tỏ ra công bằng che đậy một âm mưu rất quỷ quyệt vì đạo dụ số 10 đã ưu tiên cho Thiên Chúa giáo hoàn toàn ngoại lệ. Ông Tỉnh trưởng Thừa Thiên sao chuyển công điện, số 40 TT-HC-PT ngày 06/05/1963 nguyên văn viết: “Trân trọng yêu cầu quý Giáo hội thông báo cho các cơ quan phụng tự và các tín đồ thi hành đúng đắn chỉ thị trên đây của Tổng thống”.

*

* *

Nhận được công điện hạ cờ Phật giáo trong ngày Phật đản. Chư Tôn Đức lãnh đạo Phật giáo tại Huế đã họp khẩn cấp trong đêm 06/05/1963 và đã quyết định cương quyết phản đối và thảo ngay 3 điện văn gởi các nơi:

  1. 1. Gởi Phật giáo thế giới.

Nội dung: “Cờ Phật giáo bị không cho treo tại các tự viện Phật giáo ngay trong ngày đại lễ Phật đản quốc tế, yêu cầu can thiệp với chính phủ VNCH”.

  1. 2. Điện văn gởi Tổng thống Diệm:

“Phật giáo rất xúc động nhận được công điện số 9195 không cho treo cờ Phật giáo trong lễ Phật đản quốc tế. Chúng tôi không tin rằng quyết định đó xuất phát từ Tổng thống. Thỉnh cầu Tổng thống ra lệnh điều tra và thu hồi công điện nói trên. Trân trọng”.

  1. 3. Công điện gởi các tập đoàn PHẬT GIÁO:

“Cờ Phật giáo bị triệt hạ bởi công điện 9195. Đã điện Phật giáo thế giới can thiệp và điện Tổng thống thỉnh cầu đình chỉ. Nhưng các tập đoàn vẫn thông báo các đơn vị và chờ chỉ thị”.

*

* *

9 giờ sáng ngày 07/05/1963

Một cuộc hội kiến giữa hai bên tại tư dinh Ngô Đình Cẩn (cố vấn, lãnh chúa miền Trung) đã nhanh chóng thống nhất: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Văn Lương lãnh trách nhiệm về Sài Gòn yêu cầu Tổng thống Diệm thu hồi công điện. Ít nhất cũng tại Huế. Khi ra về, Ngô Đình Cẩn đã nói: “Một trò ơn chết mà chết cả một chính phủ, huống chi cờ một Tôn giáo”.

*

* *

Tuy thế, lệnh triệt hạ cờ Phật giáo vẫn được cảnh sát thi hành khắp thành phố Huế.

*

* *

Chiều ngày 07/05/1963, phái đoàn Phật giáo đến Tỉnh đường Thừa Thiên để yêu cầu giải quyết. Quần chúng Phật tử khắp nơi đổ về hậu thuẫn tạo thành một rừng người, uất hận dâng cao. Tỉnh trưởng lánh mặt, Phó Tỉnh trưởng không đủ thẩm quyền. Các Hòa thượng trưởng lão tuyên bố: “Chính quyền đã phản bội cuộc thảo luận buổi sáng”. Các Ngài ở lại tòa tỉnh cho đến lúc nào cờ đèn được treo lên như cũ thì mới trở về chùa. Cuối cùng ông Tỉnh trưởng phải nhượng bộ và cho hai xe thông tin đi loan báo cờ đèn được treo như cũ. Các Ngài mới ra về.

*

* *

Công điện hạ cờ Phật giáo của Tổng thống đã bị Tăng Ni và Phật tử Huế vô hiệu hóa ngay bữa đầu tiên.

*

* *

Tối ngày 07/05/1963, các vị lãnh đạo Phật giáo quyết định sáng ngày 08/05/1963 mở đầu tranh đấu bằng cuộc biểu tình có tổ chức từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm với sách lược:

- Thuần túy tín ngưỡng là tính chất.

- Đòi bình đẳng Tôn giáo là mục đích.

- Bất bạo động là phương pháp.

- Chính sách bất công là đối tượng.

Một số Huynh Trưởng GĐPT ở lại chùa Từ Đàm tối đó để nhận công tác do các Ôn, các Thầy giao phó, trong đó có Huynh Trưởng Phan Văn Gái được giao phó công tác đặc biệt hơn.


Ngày 08/05/1963

Đoàn cung nghinh Phật đản từ chùa Diệu Đế lên Từ Đàm năm nay tinh thần được nung nấu khác thường. Tâm tư nặng trĩu lo âu và khí thế như sẵn sàng hy sinh vì Đạo.

Khi đoàn rước qua khỏi cầu Tràng Tiền thì một số biểu ngữ xuất hiện với nội dung:

- Cờ Phật giáo quốc tế không thể bị triệt hạ.

- Phật giáo đồ chỉ ủng hộ chính sách Bình đẳng Tôn giáo.

- Yêu cầu chính phủ thi hành chính sách Tôn giáo Bình đẳng.

- Đã đến lúc chúng tôi bị bắt buộc tranh đấu cho chủ trương Bình đẳng Tôn giáo. Chúng tôi không từ chối một hy sinh nào.

- Phản đối chính sách bất công gian ác.

- Phật giáo đồ nhất trí bảo vệ chánh pháp dù phải hy sinh.

Đoàn rước Phật đến chùa Từ Đàm các biểu ngữ được đưa cao. Thầy Hội trưởng lên lễ đài đọc và giải thích rồi xác nhận những yêu cầu và tín đồ qua các biểu ngữ là chính đáng và có tinh thần xây dựng, không những ích lợi cho Phật giáo, cho nhân dân đất nước mà còn có lợi cho cả chính quyền. Và Hội hứa sẽ đạo đạt nguyện vọng chính đáng này lên chính phủ yêu cầu đáp ứng. Nhất là đạo dụ số 10 quá bất công với Phật giáo và chính phủ của Tổng thống Diệm phải chịu trách nhiệm cũng như chấm dứt ngay hành động giết hại tín đồ Phật giáo khắp nơi, mà Phật giáo đã chịu đựng suốt 9 năm qua – bây giờ không còn chịu đựng được nữa, mà phải đứng lên bảo vệ Tín ngưỡng của mình và Ngài khuyên mọi người chờ lệnh của Hội, khi hành xử phải có kỷ luật cao để nêu lên tinh thần từ bi và trí tuệ của người con Phật.

Buổi lễ tiến hành sau đó và quần chúng ra về trong kỷ luật.


Tối ngày 08/05/1963 (15/4 AL)

Theo chương trình có buổi phát thanh lại buổi lễ tại Từ Đàm hồi sáng. Nhưng, Đài phát thanh Huế không phát mà chỉ phát nhạc không lời.

Tín đồ Phật giáo tập trung trên 10.000 người tại Đài phát thanh Huế đòi nghe lại truyền thanh buổi lễ.

Hòa thượng Trí Quang, Hòa thượng Mật Nguyện đích thân đến giải quyết.

Thiếu tá Đặng Sĩ, Phó Tỉnh trưởng nội an (tín đồ Thiên Chúa giáo) huy động lực lượng quân đội đến đàn áp bằng xe tăng, thiết giáp, xe xịt nước, súng và lựu đạn nổ vào đám đông.

Ban đầu quần chúng hoảng hốt chạy tán loạn, 15 phút sau lấy lại bình tĩnh, họ lại kéo nhau trở lại Đài phát thanh tìm thầy (T.T. TQ) khắp các ngã đường đông nghẹt người và người, họ cầm cờ Phật giáo, hô to các khẩu hiệu “Đả đảo chế độ bất công gian ác”, “Đả đảo hành vi đàn áp Phật giáo”. Cảnh sát và quân đội hoàn toàn bất lực trước làn sóng người uất hận. Ông Tỉnh trưởng lo sợ rõ rệt và thấy sự bất lực của mình phải nhờ Thượng Tọa Trí Quang đứng trên mui xe thông tin, đích thân khuyên các Phật tử trở về đợi lệnh của Hội, Phật tử răm rắp tuân lời giải tán trong trật tự, đến 2 giờ sáng mới giải tán xong cuộc biểu tình đêm đẫm máu ấy.

Kết quả 8 em GĐPT bị giết, 14 người bị thương nặng đi cấp cứu.

(Xem bài “Đêm kinh hoàng tại Đài phát thanh Huế”, phụ lục 3).

8 em bị giết hại phần đông là Đoàn sinh GĐPT:

  1. Đặng Văn Công
  2. Trần Thị Phước Trị
  3. Nguyễn Thị Ngọc Lan
  4. Nguyễn Thị Phúc
  5. Nguyễn Thị Yến
  6. Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoa
  7. Lê Thị Kim Anh
    1. Dương Văn Đạt.

Ngày 09/05/1963 (16/4 AL)

  • Tại Sài Gòn, Thượng tọa Thích Tâm Châu, Phó Hội Chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra tâm thư kêu gọi Phật giáo đồ đứng lên bảo vệ Phật Pháp, vạch trần tội ác của chính quyền họ Ngô.
  • Tại Huế, lệnh triệu tập của Tổng hội Phật giáo Việt Nam lên chùa Từ Đàm để nghe công bố những điều cần thiết về lập trường của cuộc vận động.

Tín đồ Thừa Thiên Huế với tinh thần kỷ luật cao nhưng rất cương quyết và cảm động. Giữa đám đông có nhiều gia đình mang khăn tang với các biểu ngữ:

- Hãy trả con tôi lại cho tôi.

- Chúng tôi biết ai đã giết con tôi.

- Hãy giết chúng tôi đi.

- Máu đã chảy, chúng tôi sẵn sàng đổ máu.

- Đả đảo hành động sát nhân.


Ngày 10/05/1963 (17/4 Quý Mão)

Đám tang các Thánh tử đạo ở Huế có rất đông tín đồ Phật giáo tham dự, trang nghiêm và hết sức cảm động. Những gia đình có con em tử nạn không khóc than như thường tình mà nét mặt đăm chiêu, đanh thép, tỏ một thái độ kiên cường bất khuất như sẵn sàng tiếp nối hy sinh.

Ở khắp nơi trên toàn quốc hưởng ứng phong trào tranh đấu ở Huế.

Điều không tránh khỏi là các thế lực khác lợi dụng phong trào này để xía vào ăn có, ít nhiều cũng ảnh hưởng làm cho một số quần chúng nghi ngờ, biết thế, các nhà lãnh đạo Phật giáo đã sáng suốt minh định lập trường đánh bạt đi những gì mà ma quân muốn lợi dụng, giữ được sự trong sạch của phong trào.

Phật giáo tuyên bố 5 nguyện vọng tối thiểu và chính đáng, yêu cầu chính quyền đáp ứng 5 nguyện vọng này.


Ngày 11/05/1963

Trước sự uất hận của quần chúng Phật tử. Chính quyền e ngại tìm cách chối tội ra thông cáo đổ thừa là C.S. liệng chất nổ giết hại Phật tử tại Đài phát thanh Huế trong đêm 15/4 AL.

Điều này: Khi 3 giờ sáng ngày 09/05/1963, dù rất vất vả giải quyết gần suốt đêm để quần chúng Phật tử ra về. T.T. TQ khi trở về chùa Từ Đàm đã thao thức rồi tiên liệu: “Họ sẽ đổ thừa cho C.S. để chối tội vụ giết hại tàn độc này”.

Lời tiên liệu ấy đã đúng như vậy.


Ngày 12/05/1963

Linh mục Lê Quang Oánh cùng với 9 linh mục và một số con chiên gởi đến Tổng hội Phật giáo “Huyết lệ thư” khẳng định: “Rất đau buồn cho thế đạo nhân tâm: Xin kính cẩn phân ưu cùng quý vị và các Phật tử trong cuộc tang thương vào dịp Phật đản năm nay ở Huế, tán đồng quan điểm đấu tranh cho “Tín ngưỡng tự do” chúng tôi lên án “Tội bất công” đã giết hại đồng bào vô tội, thật là tàn bạo, dã man, phản dân chủ, phản tự do, phản đạo đức, làm nhục quốc thể Việt Nam, một nước văn hiến trên bốn ngàn năm lịch sử. Dám quả quyết rằng nhân nghĩa sẽ thắng!”.

Ngày 13/05/1963

Khí thế đấu tranh lan ra xa, các Tỉnh hội hưởng ứng nhiệt tình, nhất là các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú vì các nơi này bị đàn áp từ lâu, lòng uất hận đã sẵn…


Ngày 14/05/1963

Năm nguyện vọng tối thiểu và chính đáng của Phật giáo được phổ biến rộng rãi trong hàng ngũ Phật tử:

  1. Yêu cầu chính phủ VNCH thu hồi vĩnh viễn công điện triệt hạ cờ Phật giáo.
  2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng quy chế đặc biệt như các Hội truyền giáo Thiên Chúa đã ghi trong đạo dụ số 10.
  3. Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.
  4. Yêu cầu cho Tăng tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.
  5. Yêu cầu chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ bị giết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức.

5 nguyện vọng trên được tuyên bố ngày 10/05/1963 và lúc này các tỉnh được phổ biến rộng rãi khắp nơi trên toàn quốc. (Tài liệu tại Phú Yên và Bình Định).


Ngày 15/05/1963

Phái đoàn Phật giáo Sài Gòn diện kiến Tổng thống Diệm trình bày 5 nguyện vọng của Phật giáo.

Tổng thống Diệm nói quanh chối tội. Buổi diện kiến không đem lại kết quả nào.

Khi phái đoàn Phật giáo trở về chùa Xá Lợi bị Tăng Ni và Phật tử chất vấn, phái đoàn đã trình bày cụ thể sự thiếu thiện chí giải quyết của Tổng thống Diệm.

Ngày 16/05/1963

Thượng tọa Thích Tâm Châu họp báo tại chùa Xá Lợi tuyên bố, Phật giáo tiếp tục tranh đấu vì Tổng thống không giải quyết thỏa đáng lại còn quanh co dối gạt.

Trong cuộc họp báo này, Phật giáo đã công bố bản Tuyên ngôn ngày 10/05/1963 của Phật giáo và tố cáo những tội ác của chính phủ Diệm và sự chịu đựng của Phật giáo đồ Việt Nam trong 9 năm qua.


Ngày 17/05/1963

Do buổi tiếp kiến Tổng thống Diệm không có kết quả, và phái đoàn bị chất vấn nên Trưởng phái đoàn Phật giáo đã làm văn thư gởi Bộ Trưởng Công dân vụ của chính phủ Tổng thống Diệm nói rõ sự khó khăn của phái đoàn để chính quyền thấy rõ hơn thái độ quyết tâm của tín đồ Phật giáo.

Đồng thời, tại chùa Ấn Quang trình bày cụ thể hình ảnh vụ thảm sát tại Huế, nên có sức thuyết phục to lớn đối với dư luận quần chúng, do đó, càng củng cố thêm việc tranh đấu của Phật giáo rất có chính nghĩa.

Ngày 20/05/1963 (28/4 Quý Mão)

- Đại lễ cầu siêu các chư Thánh tử đạo diễn ra khắp nơi ở các chùa, các niệm Phật đường.

- Chính quyền kéo kẽm gai ngăn chặn các ngã đường đến các địa điểm hành lễ.

- Tám (8) gia đình có con em tử nạn, đầu bịt khăn tang vượt qua mọi chướng ngại đến các địa điểm hành lễ.

Ngày 21/05/1963

Hòa thượng Thích Tịnh Khiết và hàng ngàn Tăng Ni cùng Phật tử cử hành lễ truy điệu các Thánh tử đạo hy sinh tại Huế. Lễ rước linh từ chùa Ấn Quang đến chùa Xá Lợi để làm lễ do Thượng tọa Thích Quảng Liên điều khiển.

Trên 1.000 Tăng Ni tham dự, chỉ mang theo một biểu ngữ duy nhất bằng chữ Việt và chữ Anh: “Tưởng niệm những Phật tử Việt Nam đã chết vì chính nghĩa ở Huế”.


Ngày 23/05/1963

Tổng hội công bố “Bản phụ đính” của “Bản tuyên ngôn ngày 10/05/1963”.

Đây là một văn kiện rất quan trọng giải thích rõ ràng, cụ thể 5 nguyện vọng của Phật giáo, khẳng định mục tiêu và phương pháp đấu tranh rằng: “Tranh đấu cho lý tưởng công bình, chứ không phải tranh đấu với tư cách một Tôn giáo chống một Tôn giáo và phương pháp là BẤT BẠO ĐỘNG”.

Văn bản này công bố xong, nhất là hàng ngũ trí thức hưởng ứng nhiệt liệt vì thấy rõ thêm tinh thần bao dung của Phật giáo.

Ngày 24/05/1963

Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết gởi một văn thư nữa cho Tổng thống N.Đ. Diệm minh định rõ thêm lập trường của Phật giáo qua Tuyên ngôn và bản phụ đính và thông báo đã chỉ thị cho 6 tập đoàn Phật giáo tuyệt thực 48 giờ đồng hồ từ 14 giờ 30 phút ngày 30/05/1963.


Ngày 25/05/1963

Một Hội nghị đại biểu của 11 Tông phái Phật giáo họp tại chùa Xá Lợi thảo kế hoạch đấu tranh. Thành lập Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo, thống nhất ý chí và hành động, tạo sức mạnh hợp quần. Chính quyền Diệm rất e ngại.

Ngày 27/05/1963

Hòa thượng Thích Quảng Đức viết tâm thư xin tự thiêu gởi lên các Ngài lãnh đạo Phật giáo, nhưng các Ngài chưa chấp thuận vì thấy chưa cần thiết.

Ngày 30/05/1963

Các vị lãnh đạo Phật giáo của 6 tập đoàn toàn quốc tuyệt thực 48 giờ để yêu cầu chính quyền giải quyết 5 nguyện vọng của Phật giáo theo lệnh của Tổng hội.

*

* *

Cuộc biểu tình tuyệt thực vĩ đại của Tăng Ni và Phật tử Sài Gòn tại 3 địa điểm: Trụ sở Quốc hội có 352 vị tu sĩ và đông đảo Phật tử; tại chùa Xá Lợi có 405 vị; và tại chùa Ấn Quang có 200 vị cùng rất đông Phật tử tham gia.

Ngày 31/05/1963

Đoàn sinh viên Phật tử Huế họp bất thường và gởi cho Tổng thống N.Đ. Diệm bản kiến nghị yêu cầu Tổng thống giải quyết gấp 5 nguyện vọng chính đáng của Phật giáo.

Cũng trong ngày này, Tổng hội ban hành “nghiêm lệnh” Tăng Ni và Phật tử phải tuyệt đối tuân hành:

- Hễ mặt trời tắt thì không di chuyển, không tụ tập trên đường.

- Bất bạo động, không hô khẩu hiệu, không mang biểu ngữ để tỏ thái độ ôn hòa của người con Phật.


Ngày 01/06/1963 đến 06/06/1963

  • Các tỉnh: Nha Trang, Đà Lạt, Huế, Bình Định, Phan Rang và nhiều tỉnh thành khác đồng loạt biểu tình tuyệt thực trong tinh thần bất bạo động để đòi hỏi chính quyền đáp ứng 5 nguyện vọng của Phật giáo.
  • Tại Huế, từ chùa Diệu Đế, chùa Từ Đàm, Phật tử kéo về Tỉnh đường dâng kiến nghị và báo đến các cấp chính quyền biết quyết tâm sống chết vì đạo, cho 5 nguyện vọng chính đáng và tối thiểu của Phật giáo. Sau đó trở về chùa Từ Đàm tuyệt thực thêm 24 giờ đồng hồ nữa.

*

* *

  • Cùng ngày này 01/06/1963, Đại biểu chính phủ tại Trung phần và Đại tá Tư lệnh Sư đoàn 1 ra thông cáo cấm dân chúng tụ tập đông đảo trên toàn lãnh thổ Việt Nam theo lệnh của Tổng thống, ai vi phạm sẽ nghiêm trị theo pháp luật.

Ngày 02/06/1966

Bất chấp lệnh cấm Đoàn sinh viên Phật tử Huế cũng như Sài Gòn ra Huế gởi khẩn cấp điện cho Tổng thống N.Đ. Diệm yêu cầu giải quyết gấp 5 nguyện vọng của Phật giáo và thề đem xương máu của mình cho 5 nguyện vọng của Phật giáo liên quan đến lý tưởng Tự do Bình đẳng của con người.

Ngày 03/06/1963

Tỉnh trưởng Thừa Thiên gởi công điện mật số 124/TTVP/BT/MM đến Bộ Nội vụ báo cáo việc “đã hết sức chận các ngã đường vậy mà quần chúng Phật tử vẫn tìm mọi cách tập trung đến chùa Từ Đàm thật đông đảo nhưng hết sức trật tự”.

Khi bị ngăn chặn tại cầu Bến Ngự GĐ Phật tử ngồi giữa đường niệm Phật, quân đội đã dùng lựu đạn cay, lựu đạn khói, lựu đạn acid để đàn áp, kể cả chó Bec-rê, vụ đàn áp khốc liệt này đã làm cho 142 người bị thương, 49 người bị thương nặng phải đi cấp cứu ở bệnh viện và bị bắt 35 người.


Ngày 04/06/1963

Chính phủ Diệm thành lập Ủy ban Liên Bộ để giải quyết các vấn đề của Phật giáo.

Ngày 05/06/1963

Ủy ban Liên bộ họp với Ủy ban Liên phái. Buổi họp suốt 6 giờ đồng hồ không có kết quả nào đáng kể.

Ngày 08/06/1963

Phong trào phụ nữ liên đới của bà Trần Lệ Xuân (Ngô Đình Nhu) ra thông cáo lên án cuộc tranh đấu của Phật giáo.

Ngày 09/06/1963

Một cuộc thảo luận nữa giữa Phật giáo và Chính quyền lại không có kết quả hơn.


Ngày 11/06/1963

Trên 800 Tăng Ni và đông đảo Phật tử làm lễ cầu nguyện tại Phật Bửu Tự, sau đó tuần hành trong trật tự theo chiếc xe du lịch hiệu Austin số TBA 599 chở Hòa thượng Thích Quảng Đức đến ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt dừng lại và thực hiện cuộc Tự thiêu trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên quốc tế và quốc nội.

Hòa thượng Thích Quảng Đức, 73 tuổi, nguyên quán ở Khánh Hòa, ở tại chùa Quan Thế Âm (Phú Nhuận).

Sau khi tự thiêu, nhục thân của Ngài được đưa về chùa Xá Lợi để nhập quan và chờ ngày hỏa táng.

Chiều lại, chính quyền cho các phương tiện và quân đội phong tỏa các chùa tại Sài Gòn nhất là chùa Xá Lợi.

Tối đến, qua đài phát thanh, Ngô Đình Diệm đọc thông điệp lên án vụ tự thiêu. Ông Diệm còn tuyên bố: “Sau lưng Phật giáo trong nước còn có Hiến pháp, nghĩa là có Tôi”.

Sau vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức cả thế giới rúng động, báo chí và các đài phát thanh trên thế giới loan tin với sự kính phục, quy hướng về Việt Nam, từ đó phong trào lên một tầm cao mới.

Ngày 12/06/1963

Hòa thượng Thích Tịnh Khiết cùng các Thượng tọa Thích Thiệu Minh, Thích Mật Nguyện, Thích Huyền Quang… vào Sài Gòn để trực tiếp lãnh đạo cuộc tranh đấu.

*

* *

Hòa thượng Hội chủ và chư Tôn Đức hàng giáo phẩm tối cao Tôn vinh Hòa thượng Thích Quảng Đức lên hàng Bồ Tát.

*

* *

Ngày 12/06/1963, tại Washington D.C. nhân dân Mỹ xúc động khi đọc báo, nghe đài tin về cuộc vận động của Phật giáo và vụ tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức nên họ tỏ thái độ ủng hộ Phật giáo và chống C.Q. Ngô Đình Diệm.


Ngày 13/06/1963

Báo Nhân Dân tại Hà Nội viết bài xã luận lên án trước dư luận quốc tế việc Chính phủ Diệm không giải quyết vụ Phật giáo dẫn đến sự hy sinh của Hòa thượng Quảng Đức.

Ngày 14/06/1963

Hòa thượng Hội chủ công cử một phái đoàn chính thức của Phật giáo gặp gỡ Ủy ban Liên bộ để thảo luận chung 5 điểm yêu cầu của Phật giáo.

Đây là buổi họp đầu tiên của Ủy ban Liên bộ và Ủy ban Liên phái Phật giáo. Sau 5 buổi họp mới có bản thông cáo chung ra đời lúc 2 giờ sáng ngày 16/06/1963.






Ngày 16/06/1963

Lúc 1 giờ 30 phút đêm, bản Thông cáo chung của chính quyền và Phật giáo được công bố.

Ủy ban Liên bộ có:

- Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ.

- Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nguyễn Đình Thuần.

- Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương.

Phái đoàn Phật giáo có:

- Trưởng phái đoàn: T.T. Thích Thiện Minh

- Đoàn viên: T.T. Thích Tâm Châu

- Đoàn viên: T.T. Thích Thiện Hoa

- Thư ký: T.T. Thích Huyền Quang

- Phó thư ký: T.T. Thích Đức Nghiệp

*

* *

Ngày này (16/06/1963) Giáo hội Thiên Chúa giáo tại Việt Nam do Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình lên tiếng xác định “Giáo hội Thiên Chúa hoàn toàn đứng ngoài cuộc tranh chấp mặc dù vai trò chủ động gây ra cuộc tranh chấp là tín đồ Thiên Chúa giáo”.

CHÍNH QUYỀN PHẢN BỘI

CÔNG KHAI ĐÀN ÁP

Ngày 17/06/1963

Hơn 700.000 Phật tử kéo nhau ra đường để chờ đưa đám Hòa thượng Thích Quảng Đức đến an dưỡng địa hỏa táng bị cảnh sát chận đánh. Đồng bào phẫn uất dùng guốc giày đành trả gây ra cuộc xô xát và cảnh sát dùng lựu đạn cay thẳng tay đàn áp.


Ngày 19/06/1963

Sau 8 ngày Kim Quang Bồ Tát Quảng Đức được đưa từ chùa Xá Lợi lúc 7 giờ 15 phút. Có 51 xe chở Chư Tôn giáo phẩm và 3 xe báo chí đi theo.

Lộ trình qua các đường: Bà Huyện Thanh Quan – Hiền Vương – Trần Quốc Toản – Sư Vạn Hạnh – Minh Mạng – Hùng Vương và Lục Tỉnh đến An Dưỡng Địa.

Đúng 10 giờ hỏa thiêu. Đến chiều lấy ra được 7 viên Xá Lợi và đặc biệt quả tim đốt 3 lần nhiệt độ 3.0000C quả tim vẫn không cháy.

*

* *

Trong lúc Phật giáo tỏ thiện chí tối đa chờ CQ thực thi bản thông cáo chung thì phủ Tổng thống Diệm đánh mật điện mang số 1342/VP/TT đề ngày 19/06/1963 gởi các cấp chính quyền, nói rõ tạm thời làm dịu tình hình vì sự đấu tranh quyết liệt của bọn Phật giáo. Tổng thống và ông Cố vấn ra lịnh tạm thời nhún nhường chờ một kế hoạch mới. Hãy theo dõi và thanh trừng những phần tử bất mãn kể cả sĩ quan và công chức cao cấp.

  • Ủy ban Tôn giáo bảo vệ hòa bình ở Nhật Bản tổ chức mét-ting phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo VN.

Ngày 23/06/1963

Tại chùa Xá Lợi, các vị lãnh đạo Phật giáo đã nói rõ: “Có người đã cho rằng chúng tôi đã bị mua chuộc, cho rằng bản thông cáo chung đã thỏa mãn yêu cầu của Phật giáo, chúng ta phải hiểu rằng: “Khi có bình đẳng Tôn giáo sẽ có bình đẳng về mọi mặt. Phật giáo đã xem cuộc vận động của mình là cuộc đấu tranh của cả dân tộc”.

Ngày 26/06/1963

Tổng hội Phật giáo gởi văn thư số 109-THGP/HC tố cáo chính quyền không chịu thi hành thông cáo chung mà còn tiếp tục bắt bớ, khủng bố, thủ tiêu tín đồ Phật giáo.

Ở Bình Định, Phú Yên chính quyền ép nhân dân mét-ting lên án Phật giáo.

Ở Quảng Trị chính quyền tiếp tục phong tỏa chùa Tỉnh hội.

Ngày 30/06/1963

Tại New York, Mục sư Donalds Harrington trong một bài giảng ông đã ví sự tự thiêu của H.T. Thích Quảng Đức như cái chết của Giê-su hơn cả hành động mổ bụng của người Nhật.

*

* *

Ủy ban Liên bộ gởi văn thư cho Ủy ban Liên phái phủ nhận các vụ vi phạm thông cáo chung và Tổ chức Thanh niên Cọng Hòa là phong trào quần chúng chứ không phải của chính phủ. Ý nhà nước bảo: “Việc phản đối Phật giáo là quần chúng không chịu bản thông cáo chung”. Điều này chứng tỏ thêm một thái độ hèn nhát chối tội của chính quyền Diệm.


Ngày 01/07/1963

Văn thư số 67/UBL/HC Ủy ban Liên phái Phật giáo gởi cho Tổng thống Diệm tiếp tục tố cáo cán bộ chính quyền vi phạm thông cáo chung. Cụ thể như tài liệu học tập số 3 Thanh niên Cọng Hòa của Ngô Đình Nhu sáng lập và làm thủ lĩnh đã phủ nhận bản thông cáo chung.

Chính ngày này (01/07/1963) Ngô Đình Nhu đã công kích các nhà lãnh đạo Phật giáo là “Phần tử phiến loạn”, cuồng tín đã tưới xăng đốt H.T. Thích Quảng Đức là một vụ giết người có tổ chức.

Điều này làm cho quần chúng càng thêm khinh ghét Diệm Nhu vì thái độ ngoan cố ấy.


Ngày 07/07/1963

Trong tù, nhà văn Nhất Linh uống thuốc tự tử, không chịu để cho chính quyền Diệm Nhu xét xử.

Báo Newsweek đã nhận định rằng: “Sau vụ tự thiêu của H.T. Quảng Đức, cái chết của Nhất Linh đã đóng thêm một cái đinh vào quan tài của Tổng thống Diệm”.

Tại Huế, cụ Nguyên Nghị Đoàn Đình Luận, Hội viên Hương Bình thi xã làm một bài thơ Đường Luật phúng điếu cụ Nguyễn Tường Tam, bút hiệu Nhất Linh như sau:

Mấy ai như cụ Nguyễn Tường Tam

Đúng mặt anh hùng nước Việt Nam

Tủi phận sanh nhằm thời Pháp mạt,

Vuốt nư khóc tủi bạn tâm đàm.

Sống chung một đất thân càng khổ,

Chết rẽ hai trời thế mới cam.

Tâm sự chìm ngầm sanh vãn nổi,

Mấy ai như cụ Nguyễn Tường Tam.


Ngày 08/07/1963

Chính quyền Diệm đưa ra trước Tòa án quân sự đặc biệt để xử vụ đảo chánh hụt ngày 11/11/1960 và nhóm Caravelle mục đích là để dằn mặt và cảnh cáo các phần tử muốn đảo chánh hay chống đối chính quyền.

Lại thêm một trò hề với hàng thức giả và những người có tinh thần bất khuất.

Ngày 09/07/1963

Chính quyền Diệm ban hành nghị định số 358-BNV/KS quy định treo cờ Phật giáo chỉ dành cho Tổng hội Phật giáo Việt Nam.

Lại một mưu đồ chia rẽ Phật giáo.

Ngày 11/07/1963

Ủy ban Liên bộ gởi cho Ủy ban Liên phái thư văn số 16/UBLB đổ thừa vụ thảm sát tại Đài phát thanh Huế đêm 08/05/1963 là do chất nổ Plastic của Cọng sản, chứ quân đội VNCH không có loại đó.


Ngày 12/07/1963

Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo họp khẩn tuyên bố một nghị quyết:

- Hợp sức trong cuộc vận động chung bằng phương pháp bất bạo động và gởi văn thư số 82 lên Tổng thống Diệm tố cáo những vi phạm của chính quyền có “tính cách công khai” và “tính cách nguyên tắc” đối với bản thông cáo chung.

Riêng nghị định số 358 ngày 09/07/1963 của Bộ Nội vụ, văn thư phân tích nghị định này có mưu đồ chia rẽ các Tôn giáo với Phật giáo hoặc chia rẽ các Tông phái khác với Tổng hội Phật giáo.


Ngày 14/07/1963

Tổng hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Liên phái ra thông tư phát động mạnh mẽ hơn gây một phong trào đòi thực thi thông cáo chung.

*

* *

Ủy ban Liên phái phát động khắp Thế giới việc chính phủ Diệm vẫn tiếp tục đàn áp Phật giáo tinh vi và khốc liệt hơn.

*

* *

Hòa thượng Thích Tịnh Khiết gởi tiếp văn thư số 83 báo cho Tổng thống biết là Ngài đã chỉ thị cho Tăng Tín đồ Phật giáo tiếp tục tranh đấu dưới mọi hình thức nhưng vẫn với tinh thần bất bạo động và tôn trọng bản thông cáo chung.

Ngày 15/07/1963

Ủy ban Liên phái Phật giáo ra thông bạch xác định tiếp tục đòi thực thi thông cáo chung, với “Khẩu hiệu đòi hỏi, hình thức đòi hỏi, thời gian đòi hỏi, mục đích đòi hỏi với tinh thần Bất bạo động”.





Ngày 16/07/1963

Thượng tọa Tâm Châu, Chủ tịch Ủy ban Liên phái hướng dẫn Tăng Ni đến biểu tình trước tư dinh Đại sứ Mỹ Nolting, yêu cầu chính phủ Mỹ đừng tiếp tế vũ khí cho chính phủ Diệm đàn áp Phật giáo.

Ủy ban Liên phái yêu cầu Thế giới tự do phải có thái độ với một chính quyền vi phạm nhân quyền và tự do tín ngưỡng.

Ngày 17/07/1963

Tăng Tín đồ các vùng phụ cận Sài Gòn kéo nhau về chùa Giác Minh để đi thăm chư Tôn Đức đang tuyệt thực tại chùa Xá Lợi, bị cảnh sát chận lại bằng kẽm gai nên hơn 1.000 người ngồi xuống đường niệm Phật đúng tinh thần Bất bạo động ngay giữa đường Phan Thanh Giãn, cách chùa Giác Minh 100m. Sau đó phong tỏa chùa Giác Minh và Từ Quang suốt 54 tiếng đồng hồ.

*

* *

Trước chợ Bến Thành, Tăng Ni trương biểu ngữ “Yêu cầu chính quyền thực thi thông cáo chung”, bị cảnh sát đàn áp nhưng không hiệu quả, họ đổi chiến thuật lầy danh dự hứa chở về chùa Xá Lợi: Tăng Ni bằng lòng lên xe bị họ đánh lừa chở lên Chợ Lớn. Giữa đường Tăng Ni biết bị lừa nên nhảy xuống xe bất chấp nguy hiểm, một vài vị giành tài xế đạp thắng, xe phải dừng lại, Tăng Ni xuống xe đi bộ về chùa Xá Lợi và bị cảnh sát dã chiến đàn áp khốc liệt, bắt chở về An Dưỡng Địa giam giữ, thiếu ăn thiếu uống đến ngày 19/07/1963, nhờ sự can thiệp của Ủy ban Liên phái mới được trở về chùa.


Ngày 18/07/1963

Trước sự đấu tranh quyết liệt của Phật giáo. Ngô Đình Diệm phải đọc thông điệp cờ Phật giáo được áp dụng cho môn phái nào chấp nhận Phật giáo kỳ và hứa giải quyết tại chỗ nếu ai vi phạm thông cáo chung, để tỏ thiện chí hòa giải của chính quyền.

Đó chỉ là trò lừa bịp, vì các cơ sở tranh đấu của Phật giáo vẫn bị phong tỏa nghiêm ngặt.

Ngày 19/07/1963

Các Ngài lãnh đạo Phật giáo lại viết tiếp văn thư số 94 khẳng định: “Chúng tôi thà chịu chết chứ không thể để lòng tin nơi sự thành tín của Tổng thống bị đánh lừa mãi, nên vẫn tiếp tục đấu tranh”.


Ngày 20/07/1963

Ngô Đình Nhu tương kế tựu kế tổ chức Thương phế binh và Dân vệ biểu tình tại chùa Xá Lợi chống báng Phật giáo.

Trong chùa phản ứng bằng cách cầu nguyện cho anh em Thương phế binh thức tỉnh. Và, ngày 01/08/1963, anh em Thương phế binh lại kéo đến chùa Xá Lợi không phải để biểu tình mà đến khóc và xin thành tâm sám hối và nguyện đứng vào hàng ngũ Phật giáo để tranh đấu cho chân lý được trường cửu.

Ngày 21/07/1963

Một nhóm thanh niên len lỏi vào hàng ngũ tín đồ Phật giáo phát tán tài liệu giả mạo. Khi bị lực lượng trật tự của Phật giáo bắt được, một anh khai rằng đã nhận lệnh đến chùa Xá Lợi phát tán tài liệu giả mạo này để làm mất uy tín của phong trào tranh đấu.


Ngày 23/07/1963

Sư Bà Diệu Huệ tổ chức họp báo tại chùa Xá Lợi và tuyên bố sẵn sàng tự thiêu để bảo vệ Phật giáo.

Trong lúc đó chính phủ Diệm tổ chức một nhóm Thương phế binh biểu tình lên án Phật giáo, rồi ngay ngày hôm sau:

Ngày 24/07/1963

Nhóm Thương phế binh hôm qua (23/07/1963) lên án Phật giáo thì ngay ngày hôm nay (24/07/1963) nhóm này lại đến chùa Xá Lợi sám hối và bày tỏ sự ủng hộ Phật giáo, thư văn viết: “Chúng con nguyện xin góp phần vào cuộc tranh đấu hợp pháp trong tinh thần “Bất bạo động” với đồng bào Phật tử cho đến khi nào sự bình đẳng Tôn giáo và Tự do tín ngưỡng được thực thi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”.

Cùng ngày, một nhóm thanh niên và sinh viên Thiên Chúa giáo tại Sài Gòn gởi đức Khâm sứ Tòa Thánh Vatican bày tỏ sự căm phẫn của họ với chính phủ Diệm đã đàn áp Phật giáo rất dã man, xâm phạm đến danh dự và uy tín của tín đồ Thiên Chúa giáo.


Ngày 25/07/1963

Một nhóm 17 tín đồ Thiên Chúa gởi thư cho Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm bày tỏ sự bất bình của họ với Tổng thống Diệm và ủng hộ tinh thần đấu tranh của Phật giáo.

Ngày 29/07/1963

Tại Huế, chính quyền thông báo trên Đài phát thanh cấm quần chúng Phật tử không được tham gia ngày lễ chung thất của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Càng cấm, càng sôi sục khí thế, trên 15.000 người tham gia đoàn rước di ảnh của Hòa thượng Quảng Đức từ chùa Từ Đàm về chùa Diệu Đế. Dọc hai bên đường, hằng trăm bàn Hương án nghinh đón đoàn cung nghinh rất nghiêm trang, hàng ngàn người quỳ xuống đảnh lễ hết sức cảm động. Lúc này đã có một số sĩ quan và quân nhân Phật tử gởi thư đến các cấp Giáo hội âm thầm ủng hộ và chúc cuộc tranh đấu chóng thành công.


Ngày 30/07/1963

Nhân lễ chung thất của Hòa thượng Quảng Đức, các Ngài lãnh đạo Phật giáo lại vạch rõ sự sai lầm của chính phủ Diệm đã đưa đất nước đến chỗ đổ nát suy vi, dân chúng lầm than chia rẽ.

Hàng trăm ngàn người đã đổ về chùa Xá Lợi dự lễ, ngực áo đeo băng tang, bất chấp mọi khủng bố và đe dọa của các lực lượng cảnh sát và quân đội của Diệm.

Ngày 01/08/1963

Ủy ban Liên phái gởi thư số 124 đến ông Nolting, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam để phản đối ông này đã bào chữa và bao che cho chính phủ Diệm đàn áp Phật giáo, chứng tỏ sự thiếu hiểu biết và không tôn trọng sự thật của họ.


Ngày 03/08/1963

Bà Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu) tuyên bố lời lẽ mạ lỵ Phật giáo: “Hoạt động của Phật giáo là một hình thức phản bội xấu xa”. Bà trả lời với báo New York Times vụ tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức là sự “nướng sư”, bà còn dọa “Tôi còn đánh sư gấp 10 lần như thế nữa”.

Ngày 04/08/1963

Đại Đức Nguyên Hương tự thiêu tại Phan Thiết. Đại Đức sinh năm 1940 tại làng Long Tỉnh, xã Liên Hương, quận Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Thân phụ là Huỳnh Thân, thân mẫu là Trương Thị Sang. Sinh hạ một mình Đại Đức đặt tên là Huỳnh Văn Lễ. Xuất gia năm 6 tuổi, 12 tuổi thọ ngũ giới, 20 tuổi thọ cụ túc giới, pháp hiệu Thích Đức Phong. Trú trì chùa Bửu Tạng, Bổn sư là Thượng tọa Thích Quang Chí.

Đại Đức phát nguyện tự thiêu để đòi chính quyền thực thi bản Thông cáo chung lúc 12 giờ trưa ngày 04/08/1963.


Ngày 11/08/1963

Hơn 10 ngàn đồng bào Phật tử đến chùa Xá Lợi tham dự tuyệt thực và lễ cầu nguyện bất chấp nắng mưa của trời và khủng bố của người. Đông nhất là nam nữ thanh niên, sinh viên và học sinh. Có 3 vị tu sĩ sẵn sàng tự thiêu nếu chính quyền ra tay với các thành viên tham gia tuyệt thực.

Ngày 12/08/1963

Tại chùa Xá Lợi, nữ sinh Mai Tuyết An tự chặt tay trái của mình để phản đối chính quyền Diệm.

Ngày 13/08/1963

Đại Đức Thích Thanh Tuệ, tên là Bùi Huy Chương, 18 tuổi, sanh chánh quán làng Ba Khê, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là Bùi Dư, thân mẫu là Hoàng Thị Phục, bà mất khi Đại đức mới 10 tuổi. Đại Đức tu tại chùa Phước Duyên, thuộc xã Hương Long, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, quy y với Hòa thượng Thích Đảnh Lễ.

Đại Đức tự thiêu đêm sáng 13/08/1963 để cầu nguyện cho bản thông cáo chung được thực thi.

Và sau đó, chính quyền đã tổ chức cướp xác Đại Đức Thanh Tuệ.

Ngày 15/08/1963

Sư cô Diệu Quang tự thiêu tại Ninh Hòa sáng ngày 15/08/1963 trước chùa Chi hội Phật học.

Sư cô tục danh là Ngô Thị Thu Minh, tự Minh Nguyệt, sinh năm 1960 tại quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Con ông Ngô Đình Hòa và bà Nguyễn Thị Nghĩa. Sư cô là giáo viên tốt nghiệp khóa Sư phạm cấp tốc tại Nha Trang. Sư cô xuất gia với Ni sư Diệu Hoa tại chùa Vạn Hạnh, Nha Trang.

Đây là vị Sư cô độc nhất đã tự thiêu hy hiến đời mình cho cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam.

*

* *

Tại Huế, hơn 1.000 sinh viên, học sinh biểu tình phản đối chính quyền cướp xác Đại đức Thanh Tuệ.


Ngày 16/08/1963

Tại Huế thực hiện phong trào đình công bãi thị dù chính quyền đã ban hành lịnh giới nghiêm.

*

* *

Thương phế binh Phật tử Hồng Thể tự thiêu tại Vũng Tàu.

Ngày 16/08/1963

Thượng tọa Thích Tiêu Diêu tự thiêu tại chùa Từ Đàm, Huế.

Thượng tọa tên đời là Đoàn Mễ, con cụ Đoàn Điểu ở làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, có pháp danh là Tâm Nguyên. Xuất gia năm 1930, tu tại chùa Tường Vân, đệ tử của Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết. Thọ cụ túc giới năm 1952. Tham dự các lớp Phật pháp tại Phật học viện Tây Thiên, Linh Quang.

Thượng tọa đã từng phát nguyện mổ bụng, hay tuyệt thực cho đến chết, nhưng không được chư Tôn Đức chấp thuận, nên phát nguyện tự thiêu sau khi đã trì trọn bộ Kinh Pháp Hoa tại Chánh điện chùa Từ Đàm.

Ngày 16/08/1963

Chính quyền Diệm cho lập phái Cổ Sơn Môn để chống lại phong trào Phật giáo.

Ngày 17/08/1963

Linh mục Cao Văn Luận – Viện trưởng Viện Đại học Huế bị bãi chức vì không cấm được sinh viên tham gia tranh đấu. Cùng ngày này các Khoa trưởng, giảng viên Đại học Huế đồng loạt từ chức để phản đối chính phủ Diệm đàn áp Phật giáo quá dã man. Chính quyền cử Giáo sư Trần Hữu Thế ra Huế thay Linh mục Luận bị giáo sư và sinh viên Huế đuổi “Trần Hữu Thế, cút ngay”.

Vụ 40 giáo sư Huế đồng loạt từ chức đưa phong trào lên một bước tiến xa. Kéo theo sinh viên và học sinh toàn quốc đồng loạt bãi khóa, biểu tình.


Ngày 18/08/1963

Cuộc tranh đấu bất bạo động của Phật giáo đã đến hồi quyết liệt, sự bất mãn với chính quyền Diệm đã sôi lên cực điểm.

Phía chính phủ yêu cầu tổ chức một Ủy ban hỗn hợp để giải quyết mọi vấn đề.

Phía Phật giáo yêu cầu chính phủ thực thi bản thông cáo chung rồi mới có sự phối hợp.

Thượng tọa Thích Thiện Hoa chủ trì lễ cầu nguyện vĩ đại có trên 30 ngàn người tham dự này và Đại đức Thích Giác Đức giải thích và lên án sự gian ác dối trá của chính phủ.


Đêm 20/08/1963

KẾ HOẠCH NƯỚC LŨ

TỔNG TẤN CÔNG CHÙA CHIỀN

18 giờ ngày 20/08/1963, được mật báo chính quyền sẽ càn quét tất cả chùa chiền. Ủy ban Liên phái họp khẩn tìm giải pháp đối phó.

Giải pháp cuối cùng là cất giấu kỹ trái tim bất diệt của Bồ Tát Quảng Đức, còn Tăng Ni và Phật tử nhất tâm cầu nguyện để rõ nét hơn tinh thần bất bạo động của Phật giáo và rõ mặt hơn chính sách dã man tàn ác của chính quyền.

Khuya ngày 20/08/1963, quân đội đặc biệt của Diệm Nhu đã tấn công tất cả chùa chiền trên toàn quốc, bắt tất cả Tăng Ni và Phật tử tham gia tranh đấu đem nhốt đầy các lao xá, chật rồi nhốt vào các sân vận động. Tổng thống Diệm ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, sợ phản ứng quần chúng về việc chiếm chùa hại Tăng.

Trong đêm 20 rạng 21/08/1963 trên toàn quốc chính phủ Diệm đã bắt tù mấy ngàn người. Tại Huế, họ dùng cả sân vận động mới nhốt hết người bị bắt.

Ngày 21/08/1963 chính quyền còn lục lạo vào các tư gia Phật tử bắt thêm trên 2.000 người nữa.

Thời gian này, họ thành lập Ủy ban Liên hiệp Phật giáo thuần túy do Thượng tọa Thích Nhật Minh nhận lệnh chính phủ kêu gọi để đánh lừa dư luận quốc tế.

Ngô Đình Nhu bắt Thanh niên Cọng hòa biểu tình hoan hô lệnh giới nghiêm và kế hoạch chiếm chùa hại Tăng của Tổng thống.

Chiến dịch nước lũ của chính phủ, các cấp lãnh đạo Phật giáo đã bị cầm tù. Tăng Ni bị bắt gần hết, hàng trăm ngàn Phật tử vào nhà lao. Diệm Nhu coi như đã dẹp xong Phật giáo. Nhưng, họ đã lầm. Bây giờ là việc của quần chúng, của nhân dân, mở đầu giai đoạn 3 của phong trào là: Công nhân viên chức, là giáo sư, sinh viên, học sinh, công thương gia… Mọi tầng lớp nhân dân đứng lên cứu nguy Phật giáo.


Ở trong tù, Thượng tọa Tâm Châu chuyển ra một bài thơ gởi Phật tử VN:

PHẬT NẠN 2507

Trào nước mắt qua dòng tim tê tái

Chấp hai tay cầu nguyện giữa thương đau

Ôi! Còn chi là đạo cả nhiệm mầu

Còn chi nữa, cửa Thiền đang nhuộm máu

Chúng giết Thầy, lưỡi lê đầy sắc máu

Giữa lời Kinh tắt nghẹn trở về tim

Suốt một đời người đạo lý mãi tìm

Nay gục xuống dưới bàn chân đức Phật

Trên vũng máu lũ bạo tàn tự đắc

Cất tiếng cười kinh động cửa Từ Bi

Chúng là người sao chẳng có lương tri

Chúng là quỷ đội lốt người có phải?

Chín tầng thép sáng, mây mờ nắng quái

Xá Lợi ôi! Tan nát còn đâu

Miệng niệm Phật kéo nhau vào ngục tối

Sáng hôm sau một lớp người ngu muội

Không phải đâu, một lũ quỷ vô thường

Cất tiếng cười ghê rợn giữa đau thương

Giữa tiếng khóc của muôn người Phật tử

Ôi đức Phật vô cùng hỷ xả

Tha cho con tội uất hận hôm nay

Những tâm hồn tựu lại trong tay

Thành những nắm gió cao bất diệt.

Trích Tâm Thư

của T.T. Tâm Châu


Ngày 22/08/1963

Mỹ cử Cabodge Lodge làm Đại sứ thay Nolting vì Nolting đã bào chữa cho Diệm và bị Phật giáo phản đối. Triệu chứng thay ngựa đã hiện hình.




NHÂN DÂN VIỆT NAM

CỨU NGUY PHẬT GIÁO

Lệnh giới nghiêm đã ban hành, xe tăng, thiết giáp và quân đội giăng khắp các nẻo đường trong tất cả các thành phố lớn nhỏ trên toàn quốc đề phòng bạo loạn của quần chúng.

Thế mà,

Khắp nơi, phong trào tự phát, công nhân đình công, trường học bãi khóa, chợ bãi thị, nhất là tại Sài Gòn, Huế và Đà Nẵng.

Học sinh trường Chu Văn An đập phá trường, kéo cờ Phật giáo, biểu tình trong sân đòi chính phủ thả ngay Tăng Ni và Phật tử bị cầm tù.

Học sinh trường Võ Trường Toản nêu cao khẩu hiệu: “Đả đảo gia đình họ Ngô”.

Nữ sinh trường Trưng Vương biểu tình kêu gọi quân đội hưởng ứng đạp đổ chế độ nhà Ngô đàn áp Phật giáo.


Ngày 25/08/1963

Học sinh và sinh viên biểu tình tại chợ Bến Thành. Nữ sinh Quách Thị Trang bị bắn chết vì cầm biểu ngữ đi đầu.

Ngày 26/08/1963

Diệm thành lập Ủy ban Liên hiệp Bảo vệ Phật giáo thuần túy và ủng hộ việc Diệm tấn công chùa chiền.

Dù với chính sách khủng bố quyết liệt và tàn độc. Học sinh, sinh viên càng căm phẫn, tinh thần tranh đấu càng dâng cao.

Ngày 31/08/1963

Tại Bangkok (Thái Lan), Đại Hội Đồng Phật giáo toàn quốc, quy tụ có 800 Phật giáo đồ, các cựu Bộ trưởng, Dân biểu, Luật sư, Ký giả, 63 tỉnh trong số 73 tỉnh của Thái Lan. Đại hội để thảo luận vấn đề Phật giáo VN bị đàn áp. Đại hội này còn có sự tham dự của Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Mã Lai, đại diện Đạo Bà La Môn và Hồi giáo, cùng thảo luận lên án một chính sách sai lầm của Tổng thống Diệm.


Ngày 05/10/1963

Lúc 12 giờ 25 phút, Đại đức Thích Quảng Hương đã tự thiêu tại bồn binh chợ Bến Thành.

Đại đức sinh ngày 28/07/1926, tục danh là Nguyễn Ngọc Kỳ, xã An Ninh, quận Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Xuất gia năm 1943, đệ tử của Hòa thượng chùa Kim Cang, thọ cụ túc giới năm 1949 với Hòa thượng Liễu Tôn, trú trì chùa Quảng Sơn.

Đại đức đã tòng học tại Phật học viện Nha Trang năm 1956. Làm giảng sư Tỉnh hội Phật giáo Đà Lạt năm 1959. Làm Trú trì kiêm Giảng sư Tỉnh hội Phật giáo Ban Mê Thuột năm 1961 cho đến ngày vị pháp thiêu thân.






Trong thời gian nguy khốn này, Thượng tọa Thích Pháp Trí đã dẫn một phái đoàn trốn sang Cam Bốt.

Phái đoàn đã được vua sãi Hoàng tộc và vua sãi nhân dân niềm nở đón tiếp giúp đỡ. Phái đoàn đã nói chuyện 2 buổi trên Đài phát thanh vạch rõ tội ác của chính quyền nhà Ngô, phái đoàn còn trích máu viết huyết thư gởi Liên Hiệp Quốc yêu cầu can thiệp để cứu nguy Phật giáo Việt Nam.

Ngày 10/09/1963

Trần Lệ Xuân lên đường đi Âu Châu và Mỹ Châu để “giải độc” cho thế giới. Nhưng đi đâu cũng bị tẩy chay và bị dội cà chua trứng thúi vào mặt.

*

* *

Tại Huế, từ ngày 23/09/1963, chính quyền tổ chức để Đoàn Văn nghệ Công dân vụ ru ngủ nhân dân, nhưng hoàn toàn thất bại vì không ai hưởng ứng. Ông Đoàn trưởng đã tự động cuốn gói về Sài Gòn ngày 08/10/1963.



Với một khả năng đặc biệt, một trí thông minh hơn người, Hòa thượng Trí Quang đã thoát ra khỏi tù một cách ngoạn mục rồi vào tỵ nạn tại Tòa Đại sứ Hoa kỳ càng ngoạn mục hơn.

Hòa thượng đã đặt thẳng vấn đề và quy trách nhiệm cho chính phủ Mỹ có bổn phận trong vấn đề giải quyết vụ Phật giáo bị đàn áp dã man.

Ngày 22/08/1963

Ủy ban chỉ đạo sinh viên Liên khoa được thành lập để lãnh đạo sinh viên, học sinh tranh đấu, cứu nguy Phật giáo.


Ngày 24/08/1963

Ủy ban này tuyên bố bãi khóa, nghỉ học để tranh đấu cho quyền “Tự do Tín ngưỡng”.

Hưởng ứng, 1.200 sinh viên trường Đại học Khoa học xé phiếu báo danh bãi thi, hô khẩu hiệu “Đả đảo chính phủ”.

Trường Đại học Dược khoa, 700 sinh viên kêu gọi bãi khóa, bãi thị, đình công.

Trường Đại học Y và Nha khoa, 1.200 sinh viên tổ chức mét-ting lên án chính quyền.

Trường Đại học Luật khoa, 1.200 sinh viên tuyên bố bãi khóa để phản đối chính quyền.

Ngô Đình Diệm ra lệnh đóng cửa các trường Đại học và lùng bắt các sinh viên và giáo sư lãnh đạo.


Ngày 25/08/1963

Bất chấp lệnh giới nghiêm, thanh niên, sinh viên, học sinh khắp nơi đồng loạt biểu tình kéo nhau về chợ Bến Thành. Đồng bào và tiểu thương các chợ bãi thị hưởng ứng.

Học sinh Quách Thị Trang bị bắn chết, trên 2.000 nam nữ học sinh bị bắt chở về giam tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung.

Tại Huế, tất cả các trường Đại học, Trung học đồng loạt bãi khóa. Giáo sư đồng loạt từ chức. Sân vận động Huế biến thành một trại giam khổng lồ.

Ngày 28/08/1963

Trước đó và ngày này các tỉnh thành khắp nơi cũng xảy ra tình trạng tương tự Huế và Sài Gòn, đưa phong trào quần chúng đấu tranh khắp nước với một khí thế mạnh mẽ, dù chính quyền các nơi thẳng tay đàn áp.

*

* *

Cùng thời gian này, nhiều đoàn thể gấp rút thành lập như:

- Đoàn thanh niên cứu nguy Phật giáo.

- Đoàn thanh niên Quốc Tuệ.

- Việt Nam thanh niên cứu quốc đoàn.

- Thanh niên Tăng đoàn Việt Nam.

Các đoàn này đã đi về các tỉnh lẻ rãi truyền đơn tố cáo chính quyền đàn áp Phật giáo và kêu gọi quần chúng nhân dân đứng lên tranh đấu cứu nguy Phật giáo.

Mạng lưới mật vụ do Diệm Nhu bủa ra không ai ngại ngùng sợ sệt nữa. Quần chúng Phật tử tung ra những hình thức tranh đấu khó lường như:

- Dùng bong bóng thả truyền đơn chống Diệm.

- Tung truyền đơn không có chữ mà chỉ có hình hí họa mô tả chế độ độc tài của Diệm.

- Thả khỉ chạy rong khắp phố mang tên anh em gia đình họ Ngô.




Ngày 24/10/1963

Phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc 7 người tới Việt Nam:

  1. Ông Pazhawak đại diện A Phú Hãn – Trưởng đoàn.
  2. Ông Sergie Correa Da Costa –

Đại sứ (Ba Tây)

  1. Ông Fernando Volio Jimenes –

Đại sứ (Costa Rica)

  1. Ông Lovis Ignacio Pinto –

Đại sứ (Dahomay)

  1. Ông Mohammed Amos –

Đại sứ (Maroc)

  1. Ông Matrica Probab –

Đại sứ (Kocrala)

  1. Ông Senegat Gunauavene –

Đại sứ (Tích Lan)

Họ đại diện Liên Hiệp Quốc điều tra tại chỗ, thăm hỏi nhân chứng liên quan vụ Phật giáo với chính quyền nhà Ngô.

Họ đến Bộ Nội vụ nghe thuyết trình. Đến Dinh Gia Long điều tra tư tưởng Ngô Đình Diệm.


Ngày 25/10/1963

Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến gặp Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và Cố vấn Ngô Đình Nhu. Sau đó thăm chùa Xá Lợi.

Phái đoàn muốn yết kiến Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết nhưng Ủy ban Liên hiệp Phật giáo thuần túy không đồng ý viện cớ Hòa thượng đã già và đang mệt.

Ngày 28/10/1963

Phái đoàn chính thức điều tra Ủy ban Liên hiệp Phật giáo thuần túy. Sau đó, Phái đoàn gặp được Hòa thượng Hội chủ, nhiều câu hỏi đặt thẳng vấn đề và Hòa thượng Hội chủ khẳng định:

- Phật giáo bị ngược đãi kể từ khi Ngô Đình Diệm nắm chính quyền.

- Phật giáo bị đàn áp quá đáng nên phải tranh đấu để sống còn.

- Hiện tại Phật tử, sinh viên, học sinh, GĐPT và nhất là chư Tăng Ni đang bị tra tấn, bị giết hại khắp nơi trong các trại giam và cả ở khắp nơi trên toàn quốc.

- Phật giáo chỉ muốn có chính sách Bình đẳng Tôn giáo và thật sự có Tự do Tín ngưỡng ở Việt Nam.

- Phái đoàn muốn rõ hơn, nên gặp sinh viên, học sinh, giáo sư để hiểu thêm cho chính xác, nhất là gặp được một số nhân dân trí thức vô tư không thiên kiến mới tận tường và công bằng.

- Cám ơn phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã lưu tâm đến Việt Nam để điều tra sự việc cụ thể, để giúp cho Phật giáo Việt Nam qua cơn nghiệt ngã do chính sách kỳ thị, bất công, gian ác của chính quyền Ngô Đình Diệm.




Ngày 27/10/1963

Cùng lúc khi phái đoàn Liên Hiệp Quốc thăm chùa Ấn Quang thì Đại đức Thích Thiện Mỹ tự thiệu tại công trường Hòa Bình, trước Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn, gặp lúc đồng bào và nhiều người trong nhà thờ đi ra, họ bao quanh Đại đức đảnh lễ, cảnh sát chạy đến dùng mền đè xuống nhưng ngọn lửa bùng cháy dữ dội hơn, cảnh sát bỏ chạy, Đại đức từ từ ngồi dậy chấp tay xá đáp lễ những người chung quanh rồi mới từ từ tịch diệt, làm mọi người xúc động, có người khóc nức nở, có vài cảnh sát cũng lén lau nước mắt.

Đây là cây đuốc sống bằng xương bằng thịt thứ 7 thúc đẩy phái đoàn Liên Hiệp Quốc mau chóng hoàn thành nhiệm vụ mà cũng là ngọn lửa cuối cùng đốt cháy một chế độ bạo tàn, thúc đẩy toàn quân làm cuộc cách mạng ngày 01/11/1963 – Cứu nguy Phật giáo.


Ngày 06/11/1963

Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam và Thượng tọa Thích Tâm Châu, Chủ tịch Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo ra một thông bạch tri ân các anh hùng tử sĩ và Phật giáo đồ đã hy sinh để bảo vệ Phật giáo.






Tại chùa Xá Lợi, đại biểu của 11 giáo phái thuộc Nam Tông và Bắc Tông đã tổ chức một Đại hội lịch sử để có GHPHVNTN ra đời với sự trông coi của hai viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo.

GHPGVNTN bảo trọng lý tưởng Hòa bình, phục vụ dân tộc và nhân loại đúng theo nghĩa Từ Bi của đức Phật. Giáo hội đặt sự tồn tại của mình trong sự tồn tại của dân tộc và nhân loại.

Đó là mục đích cao cả và cũng là điều mà dân tộc và nhân loại mong ở nơi Phật giáo, nơi GHPGVNTN.

Lần thứ nhất trên thế giới, tại Việt Nam, Phật giáo đã thực hiện được công cuộc thống nhất nhiều môn phái của Nam Tông và Bắc Tông để suy tôn lên một đức TĂNG THỐNG.




DƯ LUẬN THẾ GIỚI ĐỐI VỚI CÔNG CUỘC TRANH ĐẤU

CỦA PHẬT GIÁO 1963

Khi phong trào tranh đấu mở đầu trong mùa Phật đản 1963 tại Huế, cả thế giới đã quan tâm, nhưng còn nghi ngờ, hời hợt.

Đến khi ngọn lửa của Hòa thượng Quảng Đức bùng lên, các đài phát thanh trên thế giới đưa tin, các đài truyền hình bình luận, nhất là giới báo chí đăng tin lên trang nhất với những hình ảnh rõ ràng, cụ thể, cả thế giới bừng sáng bởi ngọn lửa từ bi, hùng lực và trái tim đốt 3 lần với nhiệt độ sắt, đồng, chảy thành nước mà trái tim vẫn không cháy, thì nhân loại mới sáng mắt, tìm xem cái nước Việt Nam nhỏ bé ấy ở đâu, thành phố Sài Gòn nằm góc nào trên quả địa cầu và cái dân tộc Việt Nam nhỏ bé ấy sao sản xuất những con người vĩ đại như vậy.

Sau đây, xin dẫn chứng một vài điểm để chúng ta biết rõ hơn về cuộc vận động oai hùng ấy của Phật giáo Việt Nam.

  • Tờ Sunday Times ngày 02/06/1963: “Vụ chính quyền Diệm cấm treo cờ Phật giáo trong ngày Phật đản là một hành động điên rồ”.
  • Tờ Témoigne Chretien (Paris ngày 20/06/1963) viết: “Biến cố trong những tuần qua là kết tinh một tình trạng bất an âm ỉ từ lâu vì sự ngược đãi của chính quyền Diệm và Đức cha Ngô Đình Thục đã cố tình hợp nhất chính quyền với Thiên Chúa giáo”.
  • Tờ Nhật báo Nhân Dân của Angiêri viết: “Sự độc quyền về tôn giáo và quan niệm hẹp hòi của Diệm đã làm cho chính quyền Diệm trở nên tàn bạo”.
  • Tờ Phim Thai ngày 16/05/1963 của Thái Lan thì khẳng định: “Việc giết hại Phật tử tại Đài phát thanh Huế do quân đội Diệm thực hiện chứ không ai khác, không nên đổ thừa trốn tội”.
  • Tờ Temoigne của Pháp ngày 20/06/1963 viết bài “Dưới dây cưa của xe tăng” chỉ rõ: “Chính quan sát viên của Mỹ và những người Thiên Chúa giáo đã khẳng định “Những người ngã xuống đã bị dây cưa của xe tăng nghiền nát đầu sao lại đổ thừa cho kẻ khác”.
  • Hãng thông tin Nôvôxô của Liên Xô cũ ngày 13/06/1963 đã nói: “Phật giáo đồ 17 tỉnh miền Nam và các nhà sư đã biểu tình tuyệt thực cho thấy bộ mặt thật của chính quyền Mỹ Diệm đã công khai đàn áp Phật giáo Việt Nam”.
  • Ở Thụy Sĩ, tờ Journal de Genève ngày 21/05/1963, đã đưa tin và ca ngợi các nhà sư đã biểu tình bất bạo động trước nhà Quốc Hội của VNCH.
  • Báo Công Luận ở Đài Loan ngày 10/06/1963 đã viết bài xã luận “Thế kỷ đen tối của Châu Âu sống lại tại Việt Nam.

Tâm lý bài xích vị kỷ đặt Thiên Chúa giáo lên trên hết, hạn chế hoạt động của 18 triệu tín đồ Phật giáo. Hành vi trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Chúng ta không thể khoanh tay nhìn, cầu nguyện cho các bạn Phật giáo VN”.

  • Ở Angiêri, báo Cách Mạng Châu Phi ngày 15/06/1963 viết: “Những người theo hay không theo đạo Thiên Chúa phải tố giác chính phủ thối nát của N.Đ.D. đã đàn áp bất công thô bạo đối với một tôn giáo đã có từ nghìn xưa ở Việt Nam”.
  • Báo Sunday của Thiên Chúa ở Hồng Kông ra ngày 18/07/1963 viết: “Thiên Chúa giáo lấy làm tiếc việc đối xử tàn nhẫn với Phật giáo Việt Nam và cho rằng sự đối xử ấy là nỗi đau của anh em”.
  • Tất cả các báo ở Nhật Bản đều in các ảnh lớn của Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu với lời tán dương khâm phục.
  • Ở Mỹ, ngày 02/07/1963, báo The New York hết lời tán thán việc tự thiêu của Bồ Tát Quảng Đức và viết thêm một câu châm chọc: “Ngô Đình Diệm đang làm một việc rất hay là ông đang tự đốt hết nền tảng của chế độ ông”.
  • Tờ Francisco đã viết: “Đã đến lúc Hoa Kỳ phải giã từ ông N.Đ.D.”.
  • Tổ chức Thiên Chúa giáo ở Hungary gởi thư cho Hòa thượng Hội chủ bảy tỏ sự ủng hộ của họ trong việc đấu tranh thần thánh của Phật giáo.
  • Tại Luân Đôn (Anh Quốc), Phật tử Anh biểu tình ra kiến nghị yêu cầu Diệm giải quyết “vụ Phật giáo”.
  • Tại Ấn Độ ngày 23/06/1963, Neru – Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Á Phi tuyên bố nguyện đoàn kết chặt chẽ với Phật tử Việt Nam.
  • Đại hội Phật giáo ngày 03/06/1963 nghị quyết yêu cầu chính phủ Diệm chấm dứt hành động đàn áp Phật giáo.
  • Ngày 20/06/1963 Phật giáo Nhật Bản đã biểu tình đến Sứ quán VNCH ở Tokyo để phản đối chính phủ Diệm đàn áp Phật giáo.
  • Tín đồ Phật giáo Tịnh Độ Chơn Tôn tổ chức lễ cầu siêu chư Thánh tử đạo Phật giáo Việt Nam và viết thư ủng hộ sự tranh đấu của Phật giáo.
  • Tổng hội Phật giáo Nhật Bản gởi thư cho Phật giáo thế giới yêu cầu can thiệp để chấm dứt tình trạng bất công với Phật giáo Việt Nam.
  • Hội Phật giáo ở Myanma, tuyên bố ngày 16/08/1963 kêu gọi các nước tôn trọng tự do và nhân quyền phản đối việc Diệm Nhu đàn áp Phật giáo Việt Nam.
  • Nhà văn Daoana nổi tiếng ở Myanma tuyên bố: “Chúng tôi chưa hề thấy hành động tàn độc nào hơn sự đàn áp đối với tín đồ Phật giáo tại Huế”.
  • Ba hội Phật giáo tại Myanma ra tuyên cáo chung tố cáo hành động dã man của chính quyền Diệm đối với Phật giáo ngày 26/08/1963.
  • Ngày 28/05/1963 tại Lào, chư Tăng và Phật tử Lào mét-ting phản đối chính quyền Diệm đàn áp Phật giáo.
  • Tại Campuchia, Thái tử Xihanouk tuyên bố sẽ đưa vấn đề Phật giáo Việt Nam bị đàn áp ra Liên Hiệp Quốc và cử hành lễ cầu siêu cho các nạn nhân bị thảm sát.
  • Ngày 08 và 09/06/1963 tại thủ đô Phnom Penh tổ chức mét-ting tỏ rõ tinh thần đoàn kết với Phật giáo Việt Nam trong cuộc tranh đấu thánh thiện này.
  • Tại Sri Lanka, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao ra thông cáo kêu gọi các nước trên thế giới và Liên Hiệp Quốc dùng biện pháp thích nghi để giúp Phật tử Việt Nam.
  • Ngày 31/05/1963 đại diện chính phủ Sri Lanka gặp Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đặt thẳng vấn đề, yêu cầu can thiệp cứu nguy Phật giáo Việt Nam.
  • Ông Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Uthan kêu gọi Tổng thống Diệm giải quyết vụ Phật giáo theo tinh thần Hòa bình và Công lý.
  • Trong phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 07/10/1963, đại diện chính phủ Sri Lanka lên tiếng mạnh mẽ tố cáo chính phủ Diệm đàn áp Phật giáo Việt Nam và khẳng định chính phủ Sri Lanka theo sát vấn đề, đồng thời quy trách nhiệm cho cả chính phủ Mỹ bao che cho Diệm.
  • Trong phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã cử một phái đoàn đến Việt Nam để điều tra sự việc.



LOẠN TỪ ĐÀM

(Tường thuật vụ tấn công

chùa Từ Đàm đêm 21/08/1963)

3 giờ sáng ngày 21/08/1963, sau khi đổi phiên gác thứ 3, đoàn sinh Gia Đình Phật Tử và Hướng Đạo mới đứng vào vị trí...

Thình lình, lính bên ngoài nhảy vào các cửa, nhiều nhất là góc bệnh xá. Họ trang bị bằng súng có cắm lưỡi lê, tấn công như vũ bão, dồn các Phật Tử và Hướng Đạo lui dần vào trong... Dù bị tấn công thình lình, chúng tôi vẫn đủ bình tĩnh vừa báo động, vừa ngăn cản, không cho lính tiến vào giảng đường, nơi có đặt quan tài cố Đại Đức Tiêu Diêu. Lúc các đội tiếp ứng hay tin và mọi người trong chùa thức dậy thì lính đã chiếm trọn sân thượng và sân hạ, đã lên đến hiên chùa và tầng cấp nhà giảng. Nơi đây họ gặp phải sức kháng cự. Các Phật Tử, Hướng Đạo, sinh viên và học sinh đang ngủ đều vùng đứng dậy một lượt, với hai tay không, sát cánh bên nhau, tay trong tay, kết chặt thành hàng ngang, liều chết để bảo vệ quan tài. Lính không tiến thêm được nữa, mặc cho tên chỉ huy hò hét hùng hổ như một con thú điên cuồng...

5 phút cầm cự, không tấn công thêm được trước sức tự vệ của những người con Phật đang ưỡn ngực chờ chết, thách đố với súng sắt, đạn đồng, tên chỉ huy bèn ra lệnh rút lui sau khi đã gây thương tích cho bác Trưởng phòng Bệnh xá, cướp mất một máy ảnh, bắt theo một nữ Y tá và một Hướng Đạo sinh.

Lúc này, mọi phương tiện báo động của nhà chùa được sử dụng... tiếng trống, chuông, tiếng thùng thiết hòa với tiếng phóng thanh cầu cứu vang lên làm náo động cả một vùng. Mọi phương tiện bố phòng được chuẩn bị. Chiến cụ ở đây là những cái bao bố cũ, những chiếc chiếu rách được bó lại làm đuốc để phòng điện bị cúp hay đậy lựu đạn cay, lựu đạn khói và lửa. Những người có mặt ở trong chùa đều lộ vẻ lo âu, sợ sệt nhưng cương quyết… Các vị Thượng Tọa im lặng cầu nguyện... Tiếng cầu cứu vẫn tiếp tục vì tin rằng quân đội sẽ tấn công lần khác.

Một cuộc hội đàm cấp tốc của các Huynh Trưởng GĐPT và Hướng Đạo đã được thảo luận ngay tại phòng liên lạc (mặc dù đã có phiên họp thường lệ vào mỗi buổi tối để phân công canh gác).

Kế hoạch bố phòng được cải tổ, lực lượng được tăng cường hợp tác bởi hai đoàn sinh viên và học sinh Phật Tử (trước đó canh gác chỉ có Phật Tử và Hướng Đạo). Để dễ kiểm soát, ngoài đồng phục của GĐPT và Hướng Đạo sinh, toàn thể anh em học sinh và sinh viên đều mặc quần đùi áo mailot cho khác với số công an mặc thường phục trà trộn vào khuấy phá.

Một sáng kiến, cũng lựu đạn cay bằng ớt, lựu đạn lửa bằng xăng được bỏ vào lon sữa để chuẩn bị phản công, nhưng xăng trong chùa dùng để đi xe quá ít mà ớt cũng không bao nhiêu, nên anh em nhìn nhau thất vọng.

Một ý nghĩ, sợ cướp xác Đại Đức Tiêu Diêu, một hành động bảo vệ quan tài. Thế là bao nhiêu củi trong bếp, dầu trong phòng, chiếu mền rách và ghế băng được chất chung quanh quan tài và trước tầng cấp nhà giảng. Nếu cần là phóng hỏa để ngăn bước tiến của quân đội.

Lúc này, hăng say uất hận, một số anh em không dằn được lòng mình, tìm bao nhiêu đá sỏi tập trung lại từng đống và cứ núp trong thành chùa nhìn ra hễ thấy người mặc áo rằn ri bò đến hay đi ngang là đôi. Ở trong thì đá gạch liệng ra, ở ngoài thì lựu đạn bay vào. Có những em thiếu niên trên tay không có bao bố, lựu đạn ở ngoài phóng quá nhiều, khói lửa mù mịt, các em nhanh trí chạy vào nhà bếp lấy thau đựng cơm canh thường ngày, đem ra đuổi theo (nói là đuổi theo vì lựu đạn quân đội đôi vào chạy quanh như chuột). Các em úp được trái nào, đứng lên trên đè xuống, hơi trong lựu đạn bung lên, các em lại ré lên cười như một chiến binh thắng trận. May mà lựu đạn khói, cay chứ nếu như là lựu đạn nổ, có lẽ các em phải tan xác như các Thánh tử ở Đài phát thanh vậy.

Đặc biệt hơn, can đảm hy sinh hơn nhưng cũng đáng trách hơn là một em thiếu niên đã tìm cách bò ra khỏi chùa, đến góc hiệu ảnh Tự Do lấy hai chiếc xe gắn máy, một chiếc xe đạp của một người Công an vây chùa, dồn vào một đống rồi phóng hỏa đốt. Lửa gặp xăng bốc cháy dữ dội, trong chốc lát 3 chiếc xe chỉ còn là một đống sắt vụn.

Đến 3 giờ 20 phút, từ trong xóm chùa Vạn Phước, một đoàn người cầm đuốc kéo ra, đi đầu chỉ vài ba thanh niên, theo sau toàn là đàn bà con nít. Họ dừng lại và nghe theo sự điều khiển trên máy phóng thanh, họ đồng ngồi xuống giữa đường rồi lấy tranh khô, rơm củi của các nhà chung quanh đem ra chất đốt sáng từng chỗ, chiếu rõ vẻ mặt rắn rỏi của những thanh niên, lo âu của những bà lão, nhất là vẻ uất hận của những em bé trai trên tay lăm le nắm đá, chừng như chờ sẵn sàng nện vào đầu những kẻ nào sờ vào chúng hay thầy bạn của chúng...

Ở sân hạ, quân đội vẫn bố trí bên ngoài, vẫn liên tục đôi lựu đạn cay, lựu đạn khói và lửa vào, nhưng ở trong đã dùng nhiều bao bố, chiếu rách tẩm nước, hoặc lấy thau úp lên trên nên không mấy ác hại, tuy thế, hằng trăm trái chanh được cắt ra, rỉ vào mắt mới bớt được phần nào hơi cay đang tàn phá nhãn quan những người trong chùa.

3 giờ 40 phút, từ dưới cầu Bến Ngự, một đoàn khác độ 30 người kéo lên, đi đầu là một vị sư trẻ tuổi giơ cao ngọn đuốc. Đến góc bệnh xá đoàn người dừng lại, chưa kịp vào trong vì bị binh lính nổ súng làm cho vị Tăng sĩ ấy trúng đạn gãy chân, đoàn người kia phải chạy tán loạn vì súng bắn quá nhiều. Thấy thế, hai Phật Tử, hai Hướng Đạo sinh băng thành nhảy ra cõng vị sư ấy vào chùa băng bó.

Trong chùa vẫn liên tiếp cầu cứu, tuy nhiên ai cũng nghĩ đến việc cầm cự đến cùng và trông cho mau sáng để có thêm sự tiếp ứng của tín đồ... Bên ngoài vẫn tiếp tục ném lựu đạn cay vào chùa mỗi lúc một nhiều, nhưng không có kết quả, họ lại xoay qua chiến thuật bắn, họ bắn thật sự, ngói, gạch, vôi, cát bị đạn xuyên qua tường rơi xuống lung tung. Một Hướng Đạo sinh, một Phật Tử, và một bà nhà bếp trúng đạn bị thương. Bệnh xá chỉ còn hai nhân viên, làm việc hết sức mới ngăn được phần nào những dòng máu vì đạo.

Mãi đến lúc 4 giờ 40 phút, toàn cả lính và lính từ các ngã đường: Bến Ngự lên, Nam Giao về, Báo Quốc qua, Linh Quang tới, hùng hổ lăm le súng trên tay, lưỡi lê chói sáng, mặt bừng sát khí, tiến đánh các đoàn người tay không bên ngoài rồi nhảy thành, đạp rào, băng tường ập vào chùa, khí thế rất mạnh mẽ xem như không có một sức mạnh nào cản nổi...

Trước sự tấn công ồ ạt của binh lính đầy đủ khí giới, anh em Gia Đình Phật Tử, Hướng Đạo, sinh viên và học sinh trên tay chỉ có vài ba viên gạch, hay một lẽ củi không quá ba gang, vẫn sát cánh bên nhau chống giữ kịch liệt...

Một trận đánh diễn ra thật sự ở chùa Từ Đàm, một bên thì củi đá sử dụng bởi những bàn tay chuyên cầm bút giấy, một bên thì súng đạn, lưỡi lê, roi sắt, sử dụng do bàn tay rắn chắc của những con người dày dạn với máu xương, đã từng xông pha nơi chiến trận. Sự thắng bại đã thấy rõ ngay từ lúc đầu, dù thế lòng can đảm của những người con Phật đã được thể hiện một cách sống động trong lúc này.

Qua 15 phút kháng cự, lính tiến vào quá đông, anh em ở trong bị thương lại quá nhiều, nên lần lần bị áp đảo. Sức kháng cự yếu dần... Cuối cùng, lính dồn tất cả vào nhà bếp, nhà Tăng rồi lôi ra từng người, từng người không kể trai gái, già trẻ, thầy, trò...

Họ vừa la hét, vừa dùng bảng súng, dùi gỗ dài độ 5 tấc, gậy, roi sắt, xáng vào đầu, vào lưng, đạp vào ngực, vào bụng. Mặc những tiếng rên la khóc lóc năn nỉ họ không sờn lòng, cứ thẳng tay, thẳng chân đá đạp. Những người quá khiếp đảm trốn vào phòng, họ đập cửa, đấm bể gương, lên đạn đòi bắn, rồi ném lựu đạn cay vào phòng, nên những người ở trong phải ra, thế là họ chụp lại và cứ thay nhau tiếp tục đánh đập.

Khi quân đội chiếm trọn hai sân thì trước nhà giảng lửa bốc cháy, anh em Hướng Đạo sinh phóng hỏa để ngăn đường tiến vào quan tài của cố Đại Đức Tiêu Diêu. Sau 5 phút, quân đội dùng cát dập tắt thì chiếc quan tài ở trong lại bùng cháy, cũng chỉ muốn nhục thân của Ngài không lọt vào tay của bọn người vô đạo.

- “Thằng nớ đó, hắn đút hòm, bắn đi, bắn chết mẹ, bắn đi!”.

Đó là lệnh của tên chỉ huy. Một người lính tuân lệnh đứng ngoài cửa gương chỉ súng nhắm ngay người vừa mới phóng hỏa đốt hòm Đại Đức Tiêu Diêu, lên đạn, chuẩn bị bấm cò… Thình lình, một Hướng Đạo sinh nóng lòng sợ bắn chết nhảy ra nhanh như cắt, cướp ngay khẩu súng. Một tiếng nổ chát chúa, tiếp theo là mảnh gương rơi loảng choảng. May mà viên đạn không trúng ai. Cùng lúc đó một người trong nhà giảng chạy ra ôm lấy người lính. Thế là hai người vật lộn nhau vừa đủ thì giờ cho anh bạn kia bẻ đôi bảng súng vừa cướp được. Lưỡi lê ngời sáng của một người lính mới chạy lên bay vào đầu. Anh bạn xoay mình né tránh, rồi đưa tay đón lấy khẩu súng thứ hai giật mạnh. Người lính mất thăng bằng chúi bổ, làm rơi bể chậu hoa bên cạnh. Nhưng ba người lính khác lại chạy lên, thế là bên 5 bên 2, bên tay không, bên có súng và dùi, đánh nhau kịch liệt (xin nói rõ 2 Hướng Đạo sinh này có học nhu đạo). Nhưng “mãnh hổ nan địch quần hồ”, một người bị lính đánh lõa đầu bất tỉnh nằm lăn trên mặt thềm, còn một người bị đá lăn nhào xuống tầng cấp như con vụ. Cả 5 người lính cùng hè nhau chạy vào chữa lửa trong chiếc quan tài. Khi dập tắt lửa thì đã cháy mất ¼ cái hòm.

Vào lúc này, tiếng kêu gọi cầu cứu trên máy phóng thanh mỗi lúc mỗi gấp, mỗi nghẹn ngào ai oán: “Tình quân dân cá nước, anh em nên thương lấy chúng tôi, những tu sĩ suốt đời chỉ biết tụng kinh niệm Phật. Chúng tôi chỉ đòi tự do tín ngưỡng. Anh em hãy ngừng tay, ngừng tay! Chúng tôi đã đau khổ nhiều rồi. Đừng nghe theo những mật lệnh quá vô lý và bất công, nên nghĩ đến 80% dân tộc Việt Nam là Phật giáo”. “Cốp! Cốp!”, tiếng bảng súng nện vào đầu, tiếp theo là tiếng rên rỉ, thân người ngã quỵ, tiếng trên máy im bặt. Thế là hết, quân đội đã chiếm trọn ngôi chùa, máu lại rơi, thịt lại đổ...

Đánh đập chán chê, họ bắt tất cả ngồi giữa sân chùa rồi vứt lên xe chở đi tất cả, có người bất tỉnh hay bị thương quá nặng họ bồng đôi lên xe như đôi một con lợn, ai còn tỉnh tỏ vài cử chỉ bất tuân thế là họ có dịp hành hùng tát tai, gõ đầu.

Nóng lòng và cảm thương đệ tử, các Sư Cô nước mắt dầm dề, đưa mình hứng lấy hàng chục con roi sắt vun vút bay vào mình như mưa bấc, số Phật Tử khác lại chạy đến chịu thay. Thầy muốn chịu thay cho trò, trò muốn bảo vệ được Thầy, thế rồi cả Thầy lẫn trò cùng chung chịu, rồi cùng được dịp “đi xe chính phủ”.

Xe này đến xe khác, hết người đến của, nào máy móc, tủ gương, tài liệu, tranh ảnh, nào gạo, mì, chén đũa, kể cả hai thùng phước sương và mấy trái dưa trong bếp.

Thế là ngôi chùa lịch sử Từ Đàm, trú sở của một tổ chức Tôn giáo, nơi thờ tự cầu kinh của 80% dân tộc Việt Nam đã biến thành đồn lính. Lính của “chính phủ Việt Nam Cọng Hòa do cụ Ngô lãnh đạo”, đến chiếm đóng ngôi chùa này để “giữ gìn an ninh trật tự” bảo vệ “tự do tín ngưỡng cho dân tộc”.


ĐÊM KINH HOÀNG

TẠI ĐÀI PHÁT THANH HUẾ

Đại lễ Phật đản năm 1963 tại Huế, như thường lệ hàng năm là cuộc rước Phật từ chùa Diệu Đế lên lễ đài chính ở sân chùa Từ Đàm.

Năm nay (1963) đã biến thành cuộc biểu tình tự phát của quần chúng Phật tử phản đối lệnh hạ cờ Phật giáo của Phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Đoàn đến Từ Đàm, các biểu ngữ được đưa cao và ban Tổ chức Đại lễ Phật đản đã mời thầy Trí Quang lên lễ đài giải thích và hứa sẽ đạo đạt nguyện vọng chính đáng của Phật tử lên Tổng thống với tư cách là Hội trưởng Tổng hội Phật giáo tại Trung phần.

Buổi lễ được thu vào băng nhựa và sẽ phát thanh lại vào tối hôm đó 15/4 PL.2508 (08/05/1963).

Khắp các chùa tại Huế chờ đợi, mở radio sẵn để nghe lại buổi phát thanh.

Hòa thượng Thích Mật Nguyện, trú trì chùa Linh Quang và anh Lê Văn Dũng, xướng ngôn viên chính thức của ban Tổ chức Đại lễ Phật đản cầm cuốn băng nhựa đến Đài phát thanh Huế.

Tại đây, ông Ngô Ganh, Giám đốc Đài phát thanh báo là có lệnh trên không cho phát, do đó, ông chỉ co nhân viên phát nhạc.

Khắp nơi, càng chờ đợi càng chẳng nghe gì ngoài nhạc không lời, họ lần lượt kéo đến Đài phát thanh đòi nghe lại truyền thanh buổi lễ.

Tin đến Từ Đàm mời Thầy Trí Quang, Tổng trị sự Phật giáo Trung phần đến giải quyết, ông Ngô Ganh tiếp tại văn phòng, đang thương thảo, thì ở bên ngoài đã nghe tiếng đả đảo chính sách bất công, phải phát thanh cuộc lễ, chúng tôi muốn chính quyền thủ tín truyền thanh phát lại buổi lễ.

Sóng người tràn ngập hành lang, sân vườn, hoa viên chung quanh Đài phát thanh Huế, tràn ra đường Lê Lợi, ngập lối quanh tòa nhà mô ranh tràn lên cầu Tràng Tiền, nghẽn lối đi của xe cộ.

Tình hình căng thẳng, vài nhân viên của Đài tỏ vẻ lo ngại, ông Giám đốc Ngô Ganh cầu cứu “Thầy Hội trưởng” dàn xếp.

Thầy Hội trưởng yêu cầu ông Giám đốc mời ông Tỉnh trưởng xuống để giải thích, có lẽ ông Tỉnh trưởng thấy tình hình bất ổn nên muốn né tránh, vì chúng tôi nghe rất rõ tiếng “Thầy Hội trưởng” nói qua điện thoại: “Ông cứ xuống đây, tôi tin quần chúng Phật tử sẽ không làm gì ông phải ngại… … … Tôi nói, ông cứ xuống đây, có tôi… … …”.

Sau vài phút, “Thầy Hội trưởng” ra đứng ở hành lang, ông Giám đốc đã vâng lời Thầy bắt một dàn loa phóng thanh khá mạnh, cầm micro Thầy ra lệnh: “Các Phật tử hãy yên lặng nghe tôi, tôi bảo, hãy mở một lối đi để ông Tỉnh trưởng vào gặp tôi, hãy giữ trật tự, đợi tôi, mọi việc để tôi giải quyết”. Hàng trăm tiếng dạ rang vang lên, và dù, một rừng người tự động dạt ra hai bên để ông Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng và các cận vệ đi vào, ông Tỉnh trưởng đi qua, sóng người bít lại như cũ. Khi “Thầy Hội trưởng” và ông Tỉnh trưởng, ông Giám đốc Đài phát thanh đang giải quyết ở trong phòng thì bên ngoài lại vang lên nhiều âm thanh: “Đả đảo, đòi hỏi phải phát thanh”. Có nhiều thanh niên leo lên các nhánh cây, các giàn hoa cầm cờ Phật giáo phất qua phất lại, họ tràn lên hành lang của Đài, thấy tình hình quá căng thẳng, Đài phát thanh có thể sập tan trong giây lát, ông Tỉnh trưởng xin “Thầy Hội trưởng” khuyên bảo Phật tử giúp chứ chính quyền hoàn toàn bất lực.

Trong lúc này thì xe xịt nước, xe tăng đã lù lù tiến tới, tiếng la hét, hỗn loạn, nước tung tóe xịt mạnh vào biển người, cảnh tượng càng thêm rối loạn.

Theo lệnh Thầy, một cái bàn gỗ được cấp tốc khiêng ra trước hiên Đài phát thanh, Thầy và ông Tỉnh trưởng leo lên, đứng cao cho mọi người nhìn thấy.

Thầy hỏi, ông Tỉnh trưởng lắc đầu không hề ra lệnh cho xe tăng, quân đội và xe vòi rồng đến đàn áp. Thế là quá rõ, ông Tỉnh trưởng cũng thấy tự mình không có chút quyền lực, “Thầy Hội trưởng” muốn khuyên Phật tử giữ trật tự cũng không ai nghe được trong cảnh quá hỗn loạn với một rừng người đang xô đẩy nhau không kịp vuốt mặt., tóc tai áo quần ướt sũng bằng nước thúi. Xe thiết giáp nối đuôi nhau ùn ùn cán đại vào biển người, tiếp theo là tiếng súng nổ, tiếng lựu đạn, một chiếc xe có lính, có súng đã vào gần hiên chính của Đài phát thanh, một quả lựu đạn liệng ngay vào chỗ “Thầy Hội trưởng” và ông Tỉnh trưởng đứng, quả lựu đạn đụng phải cái “con xơn” đỡ mái ngói nên dội ngược trở ra và nổ ngay trên không, may sao lúc này Thầy và ông Tỉnh trưởng đã lui vào phòng ghi âm. Tôi chạy theo, và thầy trò, kể cả Hòa thượng Mật Nguyện, anh Lê Văn Dũng và vài nhân viên ngồi xuống giữa nền nhà, còn ông Tỉnh trưởng đi lui đi tới trong phòng nét mặt lo lắng, căng thẳng, suy nghĩ và lẩm bẩm: “Ai ra lệnh, họ muốn giết cả thầy lẫn trò”. (Tôi cam đoan điều này không ai biết và chưa từng tiết lộ). Riêng “Thầy Hội trưởng” tuy phong thái vẫn bình tĩnh nhưng không giấu được vẻ lo lắng, sầu não…

Vài phút sau, tiếng xịt nước, âm thanh huyên náo ồn ào hoảng loạn lùi dần ra xa, chung quanh Đài phát thanh một bầu không khí tanh nồng, lặng lẽ, những người lính chạy tới chạy lui như những bóng ma, những chiếc xe thiết giáp nằm im ở các ngã đường.

Cửa phòng hé mở, một nhân viên của Đài phát thanh đi ra đứng nhìn quanh một lát chạy vào đến nói nhỏ vào tai ông Tỉnh trưởng với vẻ hốt hoảng: “Chết, chết nhiều lắm, bị thương nằm la liệt khắp nơi”, ông Tỉnh trưởng rùng mình hoảng hốt, Thầy Hội trưởng thở dài đứng lên. Ông Tỉnh trưởng đến bên Thầy nói nhỏ: “Con đâu ngờ, con đâu có ra lệnh, bây giờ làm sao Thầy?”. Thầy im lặng, quắc mắt. Không khí im lặng, nặng nề, xe cứu thương hú còi chạy tới, Thầy bảo ông Tỉnh trưởng: “Sau phút kinh hoàng, họ sẽ trở lại, ông chuẩn bị xe thông tin có loa phát thanh rồi đi với tôi”.

Thầy trò chúng tôi bước ra khỏi phòng, nhìn quanh, ôi chao, một cảnh tượng khủng khiếp, thây chết nằm la liệt, có người bị xe tăng nghiền nát đầu, có người bị thương đang quằn quại rên khóc, guốc dép ngỗn ngang, như một bãi chiến trường, trên tường Đài phát thanh từng mảng thịt tươi rói bám vào tường, có mấy mảng thịt còn dính cả chòm tóc. Y tá đang khiêng người bị thương để lên xe cấp cứu, những người lính cầm súng đứng nép vào các gốc cây hay tựa lưng vào các cột của giàn hoa công viên, nét mặt vẫn còn ngỡ ngàng ngơ ngáo, thiếu tá Đặng Sĩ, Phó Tỉnh trưởng nội an, người chỉ huy cuộc đàn áp đẫm máu, chạy tới chạy lui, thúc đẩy thuộc hạ chuẩn bị đối phó với từng đoàn người đang lũ lượt kéo nhau trở lại Đài phát thanh.

Đúng như “Thầy Hội trưởng” dự đoán. Sau phút kinh hoàng, làn sóng Phật tử chạy tán loạn khắp các ngõ để tránh xe tăng, thiết giáp, xe xịt nước, lựu đạn, súng ống. Bây giờ, họ lấy lại bình tĩnh, kết lại từng đoàn, cầm cờ Phật giáo kéo nhau trở lại Đài phát thanh “Tìm Thầy” miệng không ngớt la to các khẩu hiệu:

“Đả đảo chính sách bất công gian ác – Đả đảo”

“Đả đảo sự đàn áp dã man – Đả đảo”

“Tinh thần đấu tranh của Phật giáo đồ bất diệt – Bất diệt”.

Họ kéo từng đoàn, nam phụ lão ấu có đủ – từ Nam Giao xuống, từ Đập Đá lên, từ An Cựu qua, từ chợ Đông Ba vượt cầu Trường Tiền đến, với một khí thế đấu tranh hừng hực, sẵn sàng đổ máu, sẵn sàng hy sinh.

Quân đội và xe tăng thiết giáp, xe vòi rồng hầu như thúc thủ, cảm động nhất là có người hét lên khan cả cổ: “Thầy tui đâu? Chúng tôi trở lại tìm Thầy”.

Từng làn sóng người kéo trở lại Đài phát thanh, không một sức mạnh nào ngăn nổi, các khẩu súng co vòi đứng im, các chiếc xe thiết giáp hầu như tê liệt nằm im trên các góc đường, Thầy và ông Tỉnh trưởng đứng trên mui xe thông tin. Chiếc áo đà trong đêm bên cạnh bộ com lê trắng của ông Tỉnh trưởng, chỉ có hai người đứng trên mui xe. Thầy cầm micro ra lệnh các Phật tử trở về nhà đợi lệnh của Hội, ông Tỉnh trưởng tay cầm cái mũ phất ngơ ngác đứng cạnh Thầy như một đứa trẻ con.

Xe chạy khắp các ngã đường để Thầy khuyên Phật tử giải tán về nhà, đợi lệnh. Tiếng Thầy sang sảng phát ra với bốn chiếc loa sắt hướng bốn phía, có người trèo lên xe sờ cho được cái chân của Thầy: “Đúng là Thầy, Thầy chưa chết, chúng con nghe lời Thầy về nhà, đợi lệnh”.

Hết đường này, qua đường khác, bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc, xe Thầy đến đâu là đoàn người tự động giải tán im lặng trở về nhà. Trong lúc xe cứu thương chở xác chết, chở người bị thương lên bệnh viện.

Khi đi, từ chùa Từ Đàm xuống Đài phát thanh chỉ có 3 thầy trò, Thầy, tôi (thị giả) và anh Phúng lùn lùn lái chiếc xe 404 của Tỉnh hội, khi chạy vào phòng ghi âm của Đài phát thanh, tôi theo sát Thầy vì vừa là thị giả để Thầy sai vặt và thâm ý, tôi nguyện bảo vệ Thầy dù Thầy chẳng cần mà cũng chẳng bảo như thế.

Do đó, trong suốt thời gian này tôi theo sát bên Thầy nên chứng kiến nhiều điều ít ai biết, như cuộc điện đàm với ông Tỉnh trưởng, rồi Thầy ra lệnh mở lối cho ông vào gặp Thầy, Thầy bảo ông Giám đốc Đài phát thanh bắt máy phóng thanh để Thầy khuyên dạy tín đồ và thấy rõ lựu đạn từ trên xe thiết giáp liệng vào chỗ Thầy và ông Tỉnh trưởng đứng, và trong suốt mấy mươi phút nặng nề trong phòng ghi âm của Đài mà ở ngoài Thiếu tá Đặng Sĩ điểu khiển vụ thảm sát, khủng bố đàn áp Phật giáo đồ.

Khi rời khỏi Đài phát thanh Thầy đứng trên mui xe thông tin để khuyên Phật tử giải tán, Thầy chỉ quay qua tôi nói mấy chữ: “Con về chùa trước đợi Thầy”, rồi lên xe với ông Tỉnh trưởng.

Vâng lời, trước khi cuốc bộ từ Đài phát thanh lên Từ Đàm tôi còn nán theo sau xe Thầy, ra đến đầu cầu Tràng Tiền, chứng kiến cái tình cảm thiêng liêng Phật giáo đồ ở Huế dành cho Thầy.

*

* *

Về chùa Từ Đàm, không khí cũng quá nặng nề, tôi tắm rửa qua loa rồi bắt ghế bố nằm trước cửa phòng của Thầy, chờ đợi, Hòa thượng Thiện Siêu lo lắng, bồn chồn, đi tới, đi lui, hỏi tôi: “Con thấy chết có nhiều không? Thầy con có nguy hiểm lắm không? Thầy Mật Nguyện và anh Dũng lúc lựu đạn nổ ở đâu…”. Thấy sao nói vậy, những gì không biết tôi im lặng. Thầy Thiện Siêu tỏ vẻ rất bức xúc, đau buồn.

Đến 2 giờ sáng Thầy tôi mới về đến chùa, nét mặt đăm chiêu, buồn bã, người quá mệt nên bơ phờ.

Trước khi vào phòng nằm nghỉ, Thầy nói với tôi hai điều:

  • Họ sẽ đổ thừa việc chết chóc này cho C.S.
  • Ông Tỉnh trưởng sẽ lên tìm Thầy để thương lượng, Thầy đồng ý mới cho vào.

Quả nhiên hai điều tiên liệu của Thầy rất chính xác…

Phật Ân Tự, mùa Phật đản 2557

Thích Khinh An




Trong một giấc mơ thấy bạn bè, em út đã chết vì Phật giáo, thức giấc, tôi tác ý viết quyển sách nhỏ này để kỷ niệm 50 năm cuộc tranh đấu của Phật giáo.

Khởi viết và kết thúc chỉ có 10 ngày, từ ngày 06 đến ngày 16 tháng 3 AL (15 đến 25/04/2013), vì sắp đến ngày Phật đản, tài liệu thiếu, trí nhớ kém, sức khỏe yếu, mà tâm ý thôi thúc từng giờ.

Cuộc đời, vô thường tấn tốc, chết rồi, còn gì! Góp với đời, hậu thế nên biết, cần biết những gì phải biết, nhưng ai nói cho mà biết, điều khác là “đừng biết sai” vì sự móp méo của sách vở, của cơ tâm xấu xa lợi dụng để đầu độc, để mưu đồ bất chính.

Tôi chúa ghét nói láo, nói thêm, nói sai – thà đừng nói.

Vậy nên… Chấm hết.

Thích Khinh An


SÁCH THAM KHẢO

- Cuộc tranh đấu của Phong trào Phật giáo Miền Nam VN của Lê Cung.

- Trước cơn sóng gió của GĐPT/ VN.

- Trí Quang tự truyện của HT. Trí Quang.

Xin liên hệ:

Thích KHINH AN (Minh tâm)

Chùa PHẬT ÂN

Long Thành – Đồng Nai

ĐT: 0613.844.618 – 0612.643.400 – 0933.451.848

***

Trang Nhà Quảng Đức chân thành cảm ơn Thầy Trung Đạo và Thầy Hiếu Niệm đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này (Thích Nguyên Tạng, 17-10-2013)



 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2010(Xem: 7459)
Văn hóa và giáo dục Phật giáo là phương tiện để ươm mầm và nuôi dưỡng hạt giống bồ đề tâm trong từng cá thể xã hội. Khi những hạt mầm lớn lên sẽ là những con người đi vào cuộc đời bằng tâm bồ đề, bằng trí giác ngộ, bằng trái tim từ bi để không những thắp sáng lý tưởng cao cả của Phật Đạo, mà còn là những nhân tố hữu ích để góp phần xây dựng và phát triển xã hội.
28/08/2010(Xem: 59050)
Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm,
08/08/2010(Xem: 3734)
Làm sao để mọi người đều có thể áp dụng lối sống lành mạnh? Làm sao để xã hội phát triển bền vững, hài hòa? Làm sao để mỗi người được sống hạnh phúc? Tại sao nhiều người đã biết rằng hút thuốc, uống rượu và sử dụng các chất gây nghiện là có hại cho sức khỏe mà họ vẫn không từ bỏ nó? Tại sao nhiều người biết rằng khí hậu toàn cầu đang biến đổi theo chiều hướng bất lợi đối với trái đất nhưng hàng ngày vẫn có những hành động trực tiếp, gián tiếp làm tổn hại đến môi trường sống?...
03/08/2010(Xem: 14140)
Mặc dù được xem như là một tôn giáo, thì Phật giáo vẫn là một trong các truyền thống tri kiến vĩ đại nhất của thế giới, được dựa trên cơ sở về trải nghiệm và lập luận hơn là việc tin tưởng không điều kiện vào thần quyền. Trong nhiều thế kỷ, đạo Phật đã đối thoại với các truyền thống khác ở châu Á như là Ấn giáo, Khổng giáo và Lão giáo, đó là các truyền thống vốn có các luận điểm riêng về thực tại. Nhưng đến kỷ nguyên mới này, thì sự thống trị lại thuộc về khoa học hiện đại vốn là một hệ thống truy cứu và tri kiến về thế giới tự nhiên một cách có lập luận, cho nên nếu muốn duy trì vị thế sẵn có như là một truyền thống thực nghiệm và tập luận truy cứu nghiêm cẩn, thì Phật giáo phải đối mặt với khoa học.
22/07/2010(Xem: 13330)
Tôi phải thú nhận rằng hình như có điều gì không ổn khi một người suốt đời sống trong thế tục như tôi lại viết lời giới thiệu cho một quyển sách về giáo lý của Đức Phật về sự thành đạt, trí tuệ và bình an nội tâm. Quan điểm của tôi về tôn giáo đã bị chỉ trích nhiều, vì tôi tin rằng hầu hết các tôn giáo đều là một hình thức tâm bị nhiễm vi-rút (virus) làm lây nhiễm chúng sanh bình thường mạnh khỏe –và thường là có tri thức. Chỉ có Phật giáo dường như tách biệt với các tôn giáo khác vì tính chất cởi mở, uyển chuyển và thực dụng. Do đã sống hơn nữa thể kỷ ở Sri Lanka, tôi đã nhìn thấy giáo lý của Đức Phật đã được áp dụng như thế nào bởi nhiều thành phần xã hội, bằng nhiều phương cách khác nhau. Dầu nghe có vẻ lạ, nhưng những người hoàn toàn có lý trí và những kẻ bảo thủ một cách điên cuống đều cho rằng niềm tin và thái độ củ
20/07/2010(Xem: 17023)
Với quyển Phật Pháp Cho Mọi Người, chúng tôi tương đối đã đạt được phần nào kết quả khi có thể mang những bài pháp thoại của nhiều tác giả đến với người đọc, nhất là những người sơ cơ như chúng tôi. Cũng đã ba năm kể từ quyển sách đó được phát hành, cũng đã có thêm nhiều bài pháp được chúng tôi chuyển ngữ. Theo sự gợi ý của một số thân hữu, lần này chúng tôi cũng xin tổng hợp các bài dịch rải rác đó đây để mang đến cho quý độc giả xa gần một luồng gió mát của chân Pháp. Mong là chúng tôi không phụ lòng mong đợi của quý độc giả. Dầu đã hết sức cố gắng, nhưng chúng tôi chắc rằng sẽ khó thể tránh những thiếu sót trong phần dịch thuật và biên tập, mong quý tôn sư, quý độc giả hoan hỷ chỉ bày. Lần nữa chúng tôi xin cảm tạ quý đạo hữu luôn chung tay với chúng tôi trong Phật sự này, để một số sách luôn đến tay quý độc giả dưới dạng ấn tống. Nguyện cho phước báu trong Pháp thí này được chia sẻ đến chư thiên, quý ân sư, quý ân nhân, đạo hữu, thân quyến và mọi chúng sanh. Na
18/07/2010(Xem: 14111)
Bất cứ người nào có nghiên cứu Phật học, có kiến thức về giáo lý đạo Phật như được ghi trong ba tạng kinh điển, đều thừa nhận đang có một khoảng cách lớn, phân biệt đạo Phật trong kinh điển (mà tôi tạm gọi là đạo Phật lý thuyết) với đạo Phật ở ngoài đời, trong cuộc sống thực tế. Đạo Phật lý thuyết là đạo Phật lý tưởng. Khoảng cách giữa lý tưởng và thực tế là chuyện tất nhiên và tất yếu. Bởi lẽ nếu không có khoảng cách đó giữa đạo Phật lý tưởng và đạo Phật thực tế thì mọi người chúng ta đều thành Phật cả rồi, và cõi đất này là cõi Phật rồi.
18/07/2010(Xem: 14568)
Chúng ta không ai không hấp thụ một nền giáo dục, hay ít ra tiếp nhận một hình thức giáo dục. Thế nhưng chắc chúng ta không khỏi lúng túng khi gặp câu hỏi bất ngờ như trên và khó trả lời ngay một cách vắn tắt trọn nghĩa và trôi chảy.
04/03/2010(Xem: 4392)
Sau khi đức Phật qua đời, nền tảng đạo đức và triết lý cao siêu của ngài đã được hiểu và thực hành theo từng bối cảnh văn hoá khác nhau. Từ đó, Phật giáo có hai trường phái triết học lớn, trường phái Thượng toạ, thường được mệnh danh là Phật giáo Nam tông hay còn gọi là Nam truyền hoặc Phật giáo Nguyên thuỷ, và trường phái Đại thừa, hay còn gọi là Bắc truyền hoặc Phật giáo phát triển hoặc Phật giáo cách tân
03/03/2010(Xem: 10833)
Cách đây hơn 25 thế kỷ, vào khoảng 560 năm trước "thời đại hoang mang" (560 BC): từ của LLoyd M. Graham trong cuốn Deceptions and Myths of the Bible), một nhân vật lịch sử với một tiểu sử rõ ràng đã sinh ra đời để mở đường cho chúng sinh thấy, giác ngộ và hội nhập cái biết và thấy của Phật (Khai, Thị, Ngộ, Nhập Phật tri kiến). Nhân vật lịch sử này chính là Thái Tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn ở miền Nam Népal ngày nay.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]