Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Giáo Việt Nam Đang Lãng Phí Tài Nguyên Gì ?

11/06/201101:09(Xem: 3423)
Phật Giáo Việt Nam Đang Lãng Phí Tài Nguyên Gì ?

PHẬT GIÁO VIỆT NAM
ĐANG LÃNG PHÍ TÀI NGUYÊN GÌ ?

Nguyễn Hữu Đức

Phật giáo Việt Nam vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng của mình, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới và chưa đáp ứng được lòng kỳ vọng của quần chúng Phật tử, đòi hỏi của dân tộc Việt Nam.

Với xu thế đi lên của đất nước, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Nhà nước, trong những năm qua, Phật giáo Việt Nam đã từng bước chuyển mình phát triển và có những thành quả đáng ghi nhận, mà điển hình là một mùa Phật đản 2011 khởi sắc.

Nhưng ngay trong mùa Phật đản vừa qua, bên cạnh những nơi làm rất tốt với nhiều hoạt động phong phú, thu hút đông đảo người dân, cũng có nhiều nơi Phật đản còn trầm lắng, buồn tẻ, không đáp ứng mong mỏi của người dân đối với một lễ hội lớn nhất của Phật giáo.

Nói như thế để thấy rằng, Phật giáo Việt Nam vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng của mình, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới và chưa đáp ứng được lòng kỳ vọng của quần chúng Phật tử, đòi hỏi của dân tộc Việt Nam.

Dưới đây là những “tài nguyên” mà Phật giáo chúng ta còn lãng phí, chưa tận dụng hết cho sự phát triển của mình.

LÃNG PHÍ “TÀI NGUYÊN” TỰ VIỆN

Hơn hai ngàn năm Phật giáo du nhập vào Việt Nam, cha ông ta và thế hệ hôm nay đã xây dựng biết bao tự viên để làm nơi thờ Phật và tu học. Chưa có thống kê chính xác nhưng ước chừng số tự viện cũng gần 15.000. Phật giáo là tôn giáo có cơ sở thờ tự nhiều nhất trong các tôn giáo có mặt ở Việt Nam.

Nhưng thực tế hiện nay có bao nhiêu phần trăm trong hàng số đó định kỳ hàng tuần, hàng tháng tổ chức các buổi truyền giảng giáo lý, tổ chức các khóa tu, các buổi sinh hoạt cho Phật tử?

Bao nhiêu phần trăm trong số đó có thống kê, quản lý Phật tử của mình?

Ngôi chùa không chỉ là nơi thờ tự, để lễ bái, cầu xin mà phải là nơi hoằng dương Phật pháp.

Ngôi chùa không phải chỉ là nơi dành cho các bậc xuất gia tu hành, cho người già lễ chùa mà phải là nơi thu hút, tập hợp tất cả lứa tuổi đến để sinh hoạt Phật pháp.

Ngôi chùa không phải là thâm nghiêm u tịch để lánh xa sự đời mà phải là nơi nhập thế phụng sự chúng sinh.

Ngôi chùa không phải là nơi diễn ra các hoạt động mê tín, dị đoan mà là nơi giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và nơi lưu truyền chính pháp.

Ngôi chùa không chỉ là trường dạy Phật pháp mà còn là trường đời dạy đạo đức, cách sống làm người.

bangg_409480151

Bao giờ thì những hình này trở nên phổ biến trong các ngôi chùa Việt Nam mỗi khi hè về?

Lãng phí “tài nguyên” tự viện có lẽ là sự lãng phí dễ dãi nhất, vì chùa vốn có sẵn, dù có đổ nát siêu vẹo. Người dân vốn có tục lệ đến chùa để cúng bái, cầu khấn vào các ngày rằm, mùng một. Hơn nữa chùa lại là cơ sở Phật giáo hòa nhập trong đời sống người dân, gần dân nhất, dễ gắn bó với người dân nhất.

Các ngôi chùa ở ngoài bắc các ngày lễ tết, ngày rằm, mùng một rất đông người đến lễ bái cầu xin, nhưng có ai trong số họ đến chùa được nhà chùa giảng dạy giáo lý nhà Phật để họ hiểu biết giáo lý, trở thành một người Phật tử đích thực? Hay để họ đến chùa lễ xong lại về, mấy chục năm đi lễ chùa nhưng không hiểu gì về đạo Phật.

Việc xây dựng ngôi chùa thực sự là nơi thu hút đông đảo quần chúng mọi lứa tuổi đến tu học Phật pháp là trách nhiệm của người trụ trì được Giáo hội bổ nhiệm.

Nếu chùa không có Tăng, Ni trụ trì, Ngành hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp cần đào tạo ra những cư sĩ nòng cốt, hiểu đạo, hiểu Pháp luật, có năng lực để làm nhiệm vụ hoằng pháp và hướng dẫn tu học. Không thể bỏ mặc những chùa không sư trụ trì cho các ban hộ tự chỉ biết thu tiền công đức về cho địa phương, hay làm việc hương, đèn.

Giáo hội cần có giải pháp cụ thể để ngày càng có nhiều những ngôi chùa như Bằng A, Sùng Phúc, Đình Quán, Hòe Nhai… (Hà Nội), Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Phật Quang(BRVT), chùa Từ Tân, Hoằng Pháp, Viên Giác, Giác Ngộ, Ấn Quang (TP.HCM)…

Mô hình sinh hoạt Phật pháp của những ngôi chùa đó cần được học hỏi và nhân rộng ra cả nước.

LÃNG PHÍ “TÀI NGUYÊN” NHỮNG NGƯỜI YÊU MẾN ĐẠO PHẬT


Ngoại trừ hơn 10% dân số Việt Nam theo các tôn giáo như Ki-tô La Mã, Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài…, còn lại là hơn 80% người dân Việt Nam hoặc theo đạo Phật hoặc theo tín ngưỡng thờ ông bà tổ tiên.

Những người theo tín ngưỡng thờ ông bà tổ tiên mặc dù họ chưa quy y Tam bảo, nhưng đa số đều hơn 1 lần đến chùa lễ Phật. Dù họ chưa từng nghe giảng về đạo Phật nhưng mỗi lần thắp hương trên bàn thờ tổ tiên thì câu đầu tiên họ đều xưng tụng Nam mô A Di Đà Phật.

Mặc dù chưa là Phật tử nhưng mỗi khi có dịp người thân, bạn bè, hay công ty tổ chức đi hành hương chiêm bái các danh lam cổ tự họ đều nhiệt tình tham gia.

Trong suy nghĩ của họ, Đức Phật là một người có lòng từ bi, luôn cứu giúp, che chở cho mọi người. Đức Phật thật gần gũi, thân thương như hình ảnh ông Bụt hiền từ trong câu chuyện cổ tích Tấm Cám.

Điều đó cho thấy phần đông người dân Việt Nam có cảm tình với đạo Phật, yêu mến đạo Phật. Họ là mảnh đất phì nhiêu, mầu mỡ và tiềm năng cho Phật giáo chúng ta gieo trồng hạt giống bồ đề.

Phật giáo có thể dễ dàng truyền giảng giáo lý đạo Phật, dẫn dắt họ vào đạo và hướng dẫn con đường tâm linh cho họ theo chính pháp của đức Phật.

Rất tiếc là chúng ta vẫn để lãng phí một “tài nguyên” vô giá đó trong bối cảnh các tôn giáo khác đang quyết liệt khai thác bằng tất cả các nguồn lực, hoặc để cho tư tưởng mê tín, dị đoan có dịp bùng phát.

44_124362182

Phật giáo Việt Nam không thể và không được phép lãng phí những tài nguyên
được vun đắp hơn 2000 năm qua

Ki-tô giáo La mã tại Việt Nam có Câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình để tập hợp trí thức Ki-tô giáo, trong khi Phật giáo Việt Nam vẫn chưa có hình thức tập hợp lực lượng trí thức yêu đạo Phật để khai thác trí tuệ, ảnh hưởng của họ trong việc truyền bá chính pháp.

Các doanh nhân, đại thí chủ Phật giáo mới chủ yếu cúng tiền cho việc xây chùa, chứ chưa đầu tư tiền bạc xứng đáng vào việc xây dựng các tác phẩm văn hóa nghệ thuật Phật giáo mang tính quảng đại quần chúng, các bộ tài liệu, giáo trình, sách, băng, đĩa, chương trình phát thanh truyền hình Phật giáo.

f8_218048095

Phật giáo Việt Nam mới tập trung vào việc xây chùa (sức mạnh cứng), mà chưa phát huy các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục (sức mạnh mềm)

Nếu ngày xưa Đức Phật không tự thân và yêu cầu các đệ tử mỗi người đi một hướng truyền bá chính pháp, vua Asoka không cử các đại sư đến các nước truyền đạo thì làm sao đạo Phật có thể được mở mang như ngày nay.

Một khi Phật giáo còn hờ hững, chưa chủ động mở rộng cánh cửa chùa, chưa dấn thân bước vào đời để hoằng dương Phật pháp, thì e rằng nguồn “tài nguyên” này sẽ cạn kiệt lúc nào không hay.

Và khi, cây Phật pháp không còn bám rễ sâu trong dân, thì chỉ một cơn gió nhẹ cũng có thể làm bật gốc.

LÃNG PHÍ "TÀI NGUYÊN" GIÁO PHÁP VI DIỆU CỦA ĐỨC PHẬT

Đạo Phật là khoa học, giáo lý nhà Phật soi rọi và mở đường cho khoa học, khi khoa học phát triển không làm lu mờ giáo lý nhà Phật mà còn kiểm chứng được tính đúng đắn của đạo Phật

Đạo Phật là chân lý, trí tuệ. Đạo Phật nói thật bản chất của vũ trụ, của vạn vật, của nỗi khổ thế gian. Nhìn sự vật như chúng thật sự là.

Đạo Phật là đạo từ bi, yêu thương tất cả chúng sinh bằng tình yêu không phân biệt.

Đạo Phật là đạo của hòa bình, trong suốt của quá trình truyền đạo và hành đạo của mình, Phật giáo không gây chiến tranh và thù hận. Đạo Phật đi đến đâu hòa bình và tình thương được gieo trồng.

Đạo Phật là đạo của tự do, giải thoát con người khỏi sự nô lệ về thần quyền, con người làm chủ cuộc đời của họ.

Đạo Phật là đạo dân chủ, bình đẳng, mọi chúng sinh đều có thể giác ngộ thành Phật.

Đạo Phật không mê muôi chúng sinh, không ru ngủ con người ta bằng ảo tưởng về thiên đàng, hay đe dọa địa ngục mà con người bằng chính nghiệp mình gây tạo sẽ quyết định đích đến cho mình trong hiện tại và cả kiếp sau.

Đạo Phật là đạo cứu khổ ban vui, chỉ ra phương pháp trị liệu cho những nỗi khổ niềm đau của chúng sinh

Đạo Phật là con đường tâm linh có thể kiểm chứng, những ai hành trì theo lời Phật dậy thì đều có thể chứng đạt, và có lợi ích thiệt thực ngay trong hiện đời không cần phải chờ đến kiếp sau...

Tất cả những điều đó nói lên giáo lý nhà Phật là cao siêu vi diệu như một viên ngọc quý. Chúng ta có ngọc quý, nhưng lại để bụi phủ, cất kín trong bốn bức tường chùa.

Chúng ta có thuốc quý trị bách bệnh, nhưng đa số mới chỉ trưng bày cho người bệnh thờ cúng, cầu khấn.

dangsaogianhan_222890245

Người dân dâng sao giải hạn tràn ra đường như thế này là sự lãng phí "tài nguyên" giáo pháp của nhà chùa rất đáng trách

Trong khi đó, cuộc sống hiện nay còn nhiều khổ đau, bệnh tham – sân – si còn phát tác gây nhiều hậu quả trong thân và tâm của mỗi cá nhân, lên đời sống kinh tế, xã hội, môi trường.

Đạo đức xã hội đang bị suy giảm nghiêm trọng, giới trẻ bơ vơ giữa nhiều luồng văn hóa, nền tảng gia đình đang bị lung lay, văn hóa truyền thống của dân tộc bị lu mờ.

vannan_157560467

Nhiều vấn nạn xã hội cần bàn tay từ bi trí tuệ của Phật pháp

Hơn lúc nào hết, bây giờ chính là lúc người dân, xã hội cần đến những phương thuốc trị liệu quý báu của Đức Phật, cần đến những giáo pháp vi diệu, màu nhiệm nhưng cũng hết sức thực tế.

Một khi tinh túy, cốt lõi của giáo lý tuyệt vời ấy được truyền trao rộng khắp thì người dân sẽ được an lạc, xã hội hòa hợp, thái bình, tâm bệnh và thân bệnh của chúng sinh được gột rửa. Khi đó, Niết bàn, Tịnh độ sẽ xuất hiện chính trong cuộc đời này.

Tiếc rằng, chúng ta chưa làm được.

LÃNG PHÍ LỊCH SỬ HƠN 2000 NĂM ĐỒNG HÀNH, GẮN BÓ CÙNG DÂN TỘC

Con đường hành đạo của Phật giáo trong suốt hơn 2000 năm qua trên đất Việt đã tạo thành một bản sắc Phật giáo Việt Nam, hun đúc thành một truyền thống hộ quốc an dân quý báu.

Ngay từ buổi đầu độc lập dân tộc, những nhà sư uyên bác lỗi lạc như Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh với con mắt chiến lược, tầm nhìn xa trông rộng đã cố vấn và kiến tạo cho vương triều, củng cố nền độc lập xây dựng quốc gia vững mạnh, trong ấm ngoài yên.

Đỉnh cao là Phật giáo Việt Nam là ở thời Trần. Trần Nhân tông là vị vua anh minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn cũng là sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền thuần việt và nhập thế.

Khi đã thành đạo, Phật Hoàng Trần Nhân Tông công du khắp cõi để truyền bá đạo Phật. Thời trần, Phật giáo được coi là quốc giáo. Triều đình, Vua quan đều là Phật tử thấm nhuần giáo lý nhà Phật do vậy có nhiều chính sách hợp lòng dân, khoan thư sức dân, đoàn kết nhân tâm để làm nên những chiến công hiển hách, văn minh Đại Việt phát triển rực rỡ, vang xa khắp chốn, lân bang nể phục.

Những năm tháng dưới ách thực dân đế quốc, nhà chùa là nơi bào vệ và che giấu cách mạng, nhà chùa là nơi gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc, là thành trì vững chãi chống lại sự xâm lăng của văn hóa và tôn giáo Phương tây.

Phật giáo Việt Nam luôn hòa chung dòng chảy của dân tộc, đồng cam cộng khổ, đồng hành cùng dân tộc. Phật giáo trong suốt 2000 truyền đạo và hành đạo của mình chưa từng quay lưng phản bội lại dân tộc. Phật giáo VN chưa từng phải nói lên lời sám hối vì đã gây đau thương cho dân tộc Việt Nam.

Đó là truyền thống quý báu, là lịch sử vẻ vang đầy tự hào của PGVN. Truyền thống đó chưa được chúng ta tuyên truyền quảng bá sâu rộng đến tăng ni Phật tử và toàn thể dân tộc Việt Nam để tăng ni, Phật tử gìn giữ và kế thừa, để mọi người hiểu giá trị cao quý của Phật giáo Việt Nam. Để đồng bào có cái nhìn trân trọng và thiện cảm với PGVN, cùng góp phần chấn hưng PGVN.

PGVN còn là một Phật giáo nhập thế, dấn thân phụng sự dân tộc và đạo pháp. Trong lịch sử ngôi chùa vừa là nơi bốc thuốc chữa bệnh, các nhà sư không chỉ là bậc thầy tâm linh và còn là thầy thuốc vân du khắp chốn chữa bệnh cho dân.

Nhà chùa không chỉ là nơi dậy đạo còn là nơi dạy chữ, dạy đạo lý làm người. Nhà chùa còn là nơi nương tựa của nhiều mảnh đời bất hạnh.

Rất tiếc nhiều nhà sư trụ trì hiện nay coi chùa như là một ốc đảo, một chốn để lánh xa trần thế. Nhà chùa nhận tiền cúng dàng của thập phương cốt để xây đắp chùa to Phật lớn, sắm sửa tiện nghi, phương tiện mà thờ ơ với nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống của Phật tử.

Thử đặt câu hỏi có bao nhiêu vị trụ trì làm được những việc sau:

- Nắm rõ được trong làng, trong thôn, trong vùng chùa của mình có bao nhiêu người già cô đơn, gia đình nghèo túng khó khăn cần giúp đỡ để nhà chùa vận động Phật tử lập quỹ xóa đói giảm nghèo, tương thân tương ái.

- Những chuyện vui của Phật tử được nhà chùa đến chúc mừng. Khi Phật tử không may gặp hoạn nạn, tai ương thì được nhà chùa đến thăm hỏi, động viên, an ủi.

- Trong làng ngoài xóm có gia đình bất hòa, hàng xóm láng giềng bất hòa được nhà chùa đến khuyên nhủ hòa giải?

- Khi Phật tử có như cầu hướng dẫn con đường tâm linh thì được nhà chùa giúp đỡ thay vì để họ tự tìm đến thầy cúng, thầy đồng cốt, bói toán dẫn tới mê tín dị đoan vừa tốn kém mà không có lợi lạc…?

- Trẻ em, người lớn, người già được an vui không chỉ trong giáo pháp, mà trong các hoạt động đời sống như quốc tế thiếu nhi, tết trung thu, chúc thọ…

Có rất nhiều việc mà Phật giáo chúng ta ngày nay chưa tương xứng với truyền thống nhập thế và với phương châm phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật hơn 2000 năm qua.

LÃNG PHÍ “TÀI NGUYÊN” HỖ TRỢ CỦA NHÀ NƯỚC VÀ NGƯỢC LẠI

Với hơn 2000 năm gắn bó, cắm rễ sâu trong đời sống người Việt, một người nào đó nếu ghi tôn giáo “không”, không hẳn là không có tôn giáo, mà họ vẫn có một nơi sâu thẳm trong cõi tâm linh để nương tựa, dù không nói ra, chính là Đức Phật và Phật pháp. Và với đa số quan chức, công chức, viên chức Nhà nước, Phật giáo chính là tôn giáo để họ hướng về, và họ cũng là những người hộ pháp tiềm tàng.

Nhìn lại lịch sử gần đây, trong những năm tháng dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc, nhà chùa là nơi che chở, nuôi dưỡng cán bộ và tổ chức cách mạng.

Nhiều nhà sư, Phật tử đã theo tiếng gọi của non sông, của Bác Hồ lên đường nhập ngũ bảo vệ quê hương đất nước, nhiều người đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường.

Đất nước hòa bình, Nhà nước làm tất cả vì mục tiêu dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ Văn minh. Đường lối ấy không khác gì với con đường dấn thân của đạo Phật là xây dựng xã hội hướng thượng, tốt đẹp văn minh, một tịnh độ tại nhân gian.

Nhà nước chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, chủ trương ấy cũng đồng nhất với gì Phật giáo đã và đang làm là:

Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.


Nhà chùa là nơi bảo tồn các bảo vật quốc gia, giá trị truyền thống của dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc, phong tục và tôn giáo truyền thống của dân tộc.

Một sự gặp gỡ giao thoa giữa những mục tiêu phát triển của Nhà nước với phương châm hành đạo của Phật giáo. Cùng với chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, Nhà nước luôn tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển.

Nhưng Phật giáo Việt Nam chưa lắm bắt hết thuận lợi này. Phật giáo chúng ta không chỉ hoằng pháp cho đồng bào Phật tử mà còn cần coi trọng việc hoằng pháp đối với những người quản trị đất nước. Điều đó không chỉ gây dựng một lực lượng hộ pháp, mà còn mang lại lợi lạc cho nhân dân nhờ có việc quản trị tốt trên cơ sở đạo đức và phương pháp Phật giáo.

Chúng ta chưa có nhiều vị Tăng Ni xứng tầm, am hiểu và có khả năng vận dụng Phật pháp vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, các học thuyết quản lý, quản trị.

Phật giáo chưa mạnh dạn tìm ra những cơ chế, phương pháp, hình thức để tư vấn, hỗ trợ, phản biện đối với các chính sách của Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội.

Mặt khác, Phật giáo không chỉ thụ động trông chờ Nhà nước mà phải chủ động đề xuất với Nhà nước những hỗ trợ giúp đỡ cho Phật giáo Phát triển.

Mạnh dạn đề xuất Nhà nước giúp kiện toàn tổ chức Giáo hội, thành lập được tất cả các ban trị sự, ban đại diện tại tất cả các tỉnh thành và quận huyện.

Đề xuất Nhà nước tạo điều kiện cho Phật giáo hoằng pháp tại những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng trắng Phật giáo, vùng biên giới hải đảo để Phật giáo được mở mang khắp cõi và là tiền đồn bảo vệ đất nước.

Đề xuất Nhà nước hỗ trợ xây dựng các trung tâm hoằng pháp tại các vùng miền, các trung tâm văn hóa Phật giáo làm nơi truyền bá chính pháp và tổ chức các đại lễ Phật giáo, sự kiện văn hóa Phật giáo tầm cỡ quốc gia và thế giới.

Đề xuất Nhà nước quán triệt chính quyền các địa phương, nhất là cấp thôn xã về vai trò, vị trí của Phật giáo trong sự nghiệp hộ quốc an dân, gìn giữ các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, tránh những sự cản trở, gây khó dễ cho hoạt động Phật giáo.

Đề xuất nhà nước tạo điều kiện cho PGVN quan hệ trao đổi Phật pháp, kinh nghiệm hoạt động Phật sự đối với các tổ chức Phật giáo và giáo hội trên thế giới.

* * *

Tất cả những tài nguyên trên của PGVN đều là những tài nguyên vô giá mà không có một tôn giáo nào tại Việt nam có được. PGVN đang đứng trước tiền đồ sáng lạn khi đang có những yếu tố thuận lợi và tiềm năng cho sự phát triển của mình.

Chỉ có điều, nếu chúng ta còn thụ động, bàng quan, không có tầm nhìn, không nỗ lực dấn thân, không đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của tứ chúng, sự ủng hộ của Nhà nước và quần chúng, không đi sâu, sát trong đời sống xã hội, không tự trang nghiêm thanh tịnh, thì thời cơ và cơ hội sẽ trôi qua rất nhanh, Phật giáo Việt Nam sẽ bị thời đại bỏ lại phía sau, bị các tôn giáo khác lấn lướt.

Tuy nhiên, với di sản 2000 năm của các thế hệ đi trước, với những tiềm năng mạnh mẽ đã đề cập, với sự quyết tâm của mỗi người con Phật, tin rằng Phật giáo Việt Nam sẽ vượt thoát được những trì trệ, cản trở nội tại và bên ngoài, cùng hành động để khẳng định vị thế xứng đáng trong lòng dân tộc, có được thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, và quan trọng nhất, mãi là một của báu của người dân Việt Nam.

Nguyễn Hữu Đức
(Phật Tử Việt Nam)

Phản hồi (32 bài gửi):

Chánh Khaivào lúc 07/06/2011 23:46

Ngàn lần cám ơn Phật tử Nguyễn Hữu Đức,ý kiến khá hay và đúng là Giáo Hội ta đang lãng phí các nguồn tài nguyên trên.Sau đây tôi xin kể một chuyện có thật làm tôi phải mất ngủ vài ngày.

Thật tình là mấy hôm nay tôi phải nhắn tin và gọi điện để khuyên một người bạn thân thời trung học đang tin Phật bỗng dưng sau một vài lần theo bạn bè trong công ty đi nhà thờ ở Q Tân Phú và quyết định cải đạo.
Do anh ta so sánh là việc anh ta quy y mà không làm đúng lời Phật dạy nên bị Phật trừng Phạt bị bệnh chữa không hết .Cộng với việc anh ta vào chùa thấy sinh hoạt của một vài vị tăng không trang nghiêm và cộng với việc bị một Phật tử tại công ty lừa dối .
Từ đó so sánh hai người bạn Thiên Chúa anh đang có quá tốt nên quyết định CẢI ĐẠO vào thứ bảy tuần này.
Cũng may trước khi theo Chúa anh ta gọi cho tôi và tôi với kiến thức Phật giáo non nớt cũng ráng nói với anh ta là Phật không trừng phạt ai cả và bệnh tật là do nghiệp của anh tạo ra mà thôi...Còn anh ta bảo là hai người giáo dân đó tốt .Tôi hỏi lại:vậy tôi và Vũ(một người bạn thời trung học)có xấu không??Sao bạn lại từ bỏ đạo của truyền thống tâm linh dân tộc Việt....Khuyên cả hơn một giờ .Thế là cuối cùng anh ta bảo là Thôi không cải đạo nữa.

Nhưng tôi rất lo vì mình không cùng làm việc với anh ta và cô Phật tử kia thì anh ta cho là người xấu còn anh bạn giáo dân thì luôn ở bên cạnh anh ta,luôn rử anh đi nhà thờ,mà tôi rử anh đi chùa Viên Giác-Tân Bình thì anh bảo là đau cột sống hay thần kinh tọa gì đó vào chùa tụng kinh không có chỗ dựa lưng nào là ngồi lâu khônng được, bụng luôn phải nịt để cố dịnh cột sống...
Rồi anh so sánh giáo dân di nhà thờ nghiêm túc ăn mặc đẹp không ồn ào như Phật tử đi chùa.Do anh thấy đi nghe giảng Pháp ở các chùa có một số Phật tử ngồi phía sau và hành lanh hay nói chuyện.Trong khi đó giáo dân đứng ngoài lề đường hành lễ rất thành kính....Rồi anh lại bảo là mùa Noel nghe nhạc thánh ca thấy an lành....hay hơn nhạc Phật Đản của Phật giáo...

Qua sự việc này tôi mong quý thầy cô nên có phòng tư vấn cho người có ý tưởng mất niền tin vào Phật pháp cũng như người muốn cải đạo vì đa số người dân ta ai cũng hay bảo ĐẠO NÀO CŨNG TỐT ,rồi TÙY DUYÊN(tôi có cầu cứu một số người bạn Phật tử khuyên anh ta không cải đạo thì họ không khuyên và bảo tùy duyên anh ta???)

Mặt khác tôi cũng mong các nhạc sĩ cần sáng tác những bài hát về Phật hay hơn với những giai điệu vui hơn như chachacha,pa-sô -đốp,pipop....

Vài dòng tâm sự mong Giáo hội quan tâm mà thành lập các phòng tâm lý để giúp Phật tử hiểu hơn về chánh Pháp mà không dễ cải đạo.Hoặc có thể chúng tôi sẽ đưa người thân muốn cải đạo để quý thầy cô Tư vấn...


Vì tôi cũng lo sợ nay mai anh ta đổi ý theo Chúa thì sao vì anh ta làm xếp trong công ty???Nếu anh ấy theo thì sẽ kéo theo nhiều người nữa...
Nsm mô Hộ Pháp Chư tôn Bồ tát.

ttvào lúc 07/06/2011 23:49

Bài viết rất hay rất giá trị.

minh ngocvào lúc 08/06/2011 00:01

PGVN còn lãng phí một dàn lãnh đạo trẻ năng động.

KHANH NGUYỄNvào lúc 08/06/2011 00:12

các doanh nhân đại thí chủ chủ yếu cúng tiềng xây chùa mà ,mà không quan đầu tư vào tác phẩm nghệ thuật văn hóa phật giáo chẳng hạn như phát hành sách ,đỉa dvd chương trình phát thanh phật giáo v.v.theo ý mình hoàng pháp về sách và băng đĩa cũng là hữu hiệu nhất .

le huyvào lúc 08/06/2011 00:16

Mến chào bạn Hữu Đức!

Tôi thật sự cảm ơn bài viết của bạn, cảm mến sự hiểu biết của bạn về bài viết này. Bạn còn khá trẻ nhưng đã có cái nhìn "vĩ mô" về hiện trạng của Phật giáo VN. Tôi nghĩ Phật giáo VN càng phải mạnh dạn, mạnh mẽ, dấn thân hơn nữa vào đời sống xã hội, hiện đại hóa và làm mới nhiều mặt dựa để phù hợp với tầng lớp nhất, là các bạn trẻ. Phật giáo phải là tôn giáo của từ bi và trí tuệ. Phần từ bi có lẽ đã thể hiện được một phần trong đời sống xã hội. Riêng phần trí tuệ cần phải đưa giáo lý của Đức Phật để mọi người hiểu và thẩm thấu tư tưởng đó. Đó là trách nhiệm của Giáo hội và của mỗi người Phật tử chân chính

anh hongvào lúc 08/06/2011 08:56

Cảm ơn bạn vì bài viết rất hay. Tôi cũng thấy rằng bây giờ nhiều chùa chỉ lo xây dựng, lo cúng bái nhiều hơn chứ không hề lo giảng giải về giáo lý cho mọi người. Xây chùa rất quan trọng, nhưng xây chùa xong thì phải tổ chức tu học. Vấn nạn này tôi thấy còn nhiều nhất là các chùa ở vùng xa trung tâm, vùng thôn quê về mặt nhận thức của người dân còn quá hạn chế, trong khi đó niềm tin vào các Thầy thì lại là tuyệt đối, vì nhiều thầy chỉ lo cúng bái cho dân chứ chưa thực sự có những việc làm thiết thực để cho dân hiểu được thế nào là Phật giáo. Tôi nghĩ rằng khi tất cả đã hiểu được đúng đắn lời đức phật dậy rồi thì việc cúng bái với họ chẳng còn ý nghĩa gì. Mong sao có các Quý Thầy vì nỗi khổ của chúng sinh ở thế giới ta bà này mà có những phương pháp để giúp cho chúng sinh được tiếp cận, được hiểu biết nhiều hơn nữa về phật giáo, chứ không để tình trạng người dân chỉ coi chùa là nơi để cầu khấn, van xin điều này điều kia khi cần thì họ mới đến.

quang dieu huongvào lúc 08/06/2011 11:03

Mo phat ! bai viet cua dao huu rat co ich cho tat .Cung nhu tieng chuong danh thuc cho phat giao va nguoi viet len phai nghi va nen lam nhu the nao trong tat ca chung ta a .Cam on bai bao tac gia viet !!!!!!!!!!

Nguyễn Hữu Đứcvào lúc 08/06/2011 11:40

Xin cảm ơn các độc giả đã đồng tình với quan điểm của mình.
Rất mong Giáo hội cùng chia sẻ với buồn và trăn trở của những Phật tử Minh Thạnh, Chánh Khai.. và những người khác đang suy tư cho thực trạng PGVN hiện nay và sự tồn vong của đạo Pháp
Rất mong giáo hội nhận thực được sự tầm quan trọng của việc Hoằng không bao giờ chủ quan :PG VN có đông tín đồ nhất không cần phải hoằng Pháp
Đạo Phật có giáo lý cao siêu vi diệu không cần phải quảng bá mà tự nó hữu xã tự nhiên hương.
Rất mong giáo hội nhận thức được thực trạng cải đạo tín đồ PG đang diễn ra âm thầm nhưng mạnh mẽ được bao bọc bởi mỹ từ đối thoại liên tôn, tôn giáo nào cũng tốt.
Rất mong giáo hội tích cực chủ động, đổi mới phương thức hoằng pháp cho phù hợp với thời đại mới, tập hợp được tất cả lực lượng tăng ni, cư sĩ có nhiệt huyết cho việc hộ trì và hoằng dương Phật pháp.
(xin nhắn lời tới đọc giả Chánh Khai,trường hợp bạn của đọc giả, độc giả có thể dẫn tới chùa Giác Ngộ gặp thầy Thích Nhật Từ tư vấn, khai mở)

Chánh Tịnh Lâmvào lúc 08/06/2011 12:44

MỘT BÀI VIẾT RẤT SÁT THỰC VỚI TÌNH HÌNH PHẬT GIÁO HIỆN NAY!
" Ngôi chùa không chỉ là nơi thờ tự, để lễ bái, cầu xin mà phải là nơi hoằng dương Phật pháp " -> Câu này tác giả nói rất đúng. Mình đã ghé thăm, biết rất nhiều Chùa Chiền. Việt Nam mình, nhất là miền Bắc - Chùa không thiếu gần như Tỉnh nào cũng có tới vài trăm cái. Nhưng trong mắt người dân, nhà lãnh Đạo. Chùa không phải là nơi Hoằng Dương Phật Pháp mà chỉ là nơi văn hóa tâm linh, nơi để những cụ già tới lui, rất nhiều Chùa Cổ -> các sư trụ trì thiếu hiểu biết về giáo lý, không có tâm Hoằng Pháp. Nếu tính tổng số những ngôi Chùa có Quý Thầy hiểu Đạo, tâm huyết muốn truyền Bá Chánh Pháp thì rất ít so với tổng số ngôi Chùa hiện có.
Chùa vốn sinh ra là để Truyền Bá Phật Pháp. Nhưng giờ đây, nhiều ngôi Chùa đã không còn ý nghĩa đó nữa. THẬT LÀ RẤT LÃNG PHÍ TÀI NGUYÊN.
Mong sao Giáo Hội sẽ có những cách Đào tạo thật nhiều Tăng Sĩ Hiểu Đúng Chánh Pháp, rồi cử về các Ngôi Chùa để Hoằng Dương Phật Pháp. Vì chỉ có Quý Thầy đi tu vì yêu Đạo mới có cái tâm đó.

MNvào lúc 08/06/2011 16:57

Gửi bạn Chánh Khai.
Tôi vô cùng cảm động khi nghe câu chuyện của bạn. Tuy bạn tự nhận là kiến thức học Phật non nớt nhưng bạn đã làm được những việc mà nhiều người chưa chắc làm được, tuy chỉ có kết quả trước mắt, còn về lâu dài, chưa biết thế nào.
Nếu tôi là bạn, tôi sẽ không điện thoại, nhắn tin mà sẽ đến thăm người bạn vong niên này và quà cho nhau là những băng đĩa thuyết pháp của thầy Nhật Từ, Chân Tính... bạn nên khuyên anh bạn của mình có thể ở nhà nghe giảng qua băng đĩa, và cố gắng tu tâp khi điều kiện sức khỏe không cho phép.
Chúc việc làm của bạn có kết quả như mong muốn.

cnttvào lúc 08/06/2011 22:17

Cảm ơn Tác giả đã mạnh dạn nêu lên những vấn đề này.Quan điểm của Bạn cũng là quan điểm và mong mỏi của khá nhiều người Phật tử và cả các Tu sĩ PG còn băn khoăn,trăn trở ....
Còn một điều nữa Bạn chưa nói tới đó là CHỖ ĂN KHÔNG HẾT,CHỖ LẦN KHÔNG RA...
cÁC SƯ TỔ CÓ NÓI PHÚ QUÝ HỌC ĐẠO NAN.TỨC LÀ GIÀU CÓ KHÓ HỌC ĐẠO .SUY NGẪM THÌ ĐÚNG VẬY .
Các nhà hảo tâm,các thí chủ chỉ tập trung CÚNG DÀNG Ở NHỮNG CHÙA TO,PHẬT LỚN...Các vị đó có biết đâu sự TU TRÌ ,TỤNG,NIỆM của các quý Thày có thường xuyên...hay không ... chỉ nhìn được hình tướng của các Thày đẹp đẽ,tuấn tú ...là thích,ưa rồi CÚNG DÀNG...Không ít những ngôi chùa ở vùng sâu,vùng xa,vùng nông thôn...nhiều nhiều Quý Thày tuy có nhiều khó khăn về mọi mặt đấy nhưng SỚM MÕ,CHIỀU CHUÔNG VẪN NGÂN VANG DUY TRÌ ĐỀU ĐẶN ,THƯỜNG XUYÊN...Giữa cuộc đời này vàng thau còn lẫn lộn nhiều lắm...Không ít những bậc chân tu còn đang khổ hạnh vẫn duy trì nề nếp Đạo hạnh ...phải chăng đó là những Bồ Tát hay Thánh Tăng đang hiện hữu giữa cuộc đời này mà những người có tiền,của không nghĩ tới...
Một lần nữa xin cảm ơn TINH THẦN HỘ PHÁP CỦA TÁC GIẢ

Chánh Khaivào lúc 08/06/2011 22:57

Rất cám ơn bạn Nguyễn Hữu Đức và MN cùng chia sẽ những trăn trở của tôi nói riêng và các Tăng Ni Phật tử nói chung về tình hình Cải Đạo hiện nay ĐANG DIỄN RA ÂM THẦM VÀ BỀN BỈ.

Đúng như bạn NM nói là tôi sẽ cố gắng đến nhà gặp gỡ anh ta .Nếu thuyết phục được thì tôi sẽ dẫn anh ta đến gặp Thầy Nhật Từ.

Chiều nay 8/6/2011 tôi nhận được điện thoại của một người bạn T và có báo về việc anh N muốn theo Chúa.Thật là trùng hợp anh T cũng cho biết là tuần qua khi từ công ty Du Lịch Sài Gòn Tourist đi ăn trưa gặp một bạn trẻ hơn 20tuổi làm quen mời uống nước rồi sau đó tặng Kinh Thánh và bảo là hãy xem kinh và theo Chúa sẽ được giàu sang hạnh phúc ...Bạn trẻ ấy còn nói là người tín đồ Tin Lành có cuộc sống rất tiện nghi còn người theo Phật giáo thì nghèo quá ...Cũng may là anh T này vững vàng về chánh pháp nên dứt khoát không nhận kinh sách cũng như không đi xem nhạc truyền giảng.

Trước thực tế Cải đạo đang diễn ra hàng ngày hàng giờ ,không chỉ qua hôn nhân mà qua mọi hình thức giao tiếp ...Ở các TCG TL mỗi tín đồ đều là một nhà truyền giáo thế thì Phật giáo chúng ta cần phải tổ chức đổi mới hình thức sinh hoạt Phật sự cho phù hợp với từng lứa tuổi.Đặc biệt trong mùa hè cũng như vào những ngày cuối tuần Phật giáo nên có các hình thức sinh hoạt hay tổ chức các lớp giáo lý nhẹ nhàng hoặc những thời giảng pháp khoảng 15 hay 30 phút sau thời kinh cho các bạn trẻ ....

Hiện nay Thiên Chúa giáo tại Sài Gòn đã đòi được khu đất của Đại chủng viện Thánh Jêsu trên đường Tôn Đức Thắng Q1 và họ đã thành lập TRUNG TÂM VĂN HÓA CÔNG GIÁO ngay tại trung tâm Sài Gòn từ nhiều năm qua .Còn Phật giáo TP HCM chưa thành lập được TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO ,thật là một thiếu sót lớn cho con em Phật tử chúng ta không có nơi sinh hoạt Phật giáo tại khu vực trung tâm Sài Gòn.

Tôi cứ mơ ước một ngày không xa Phật giáo Sài Gòn nói riêng và Phật giáo cả nước nói chung sẽ kiến nghị với nhà nước cho khôi phục các ngôi cổ tự tại trung tâm thành phố như :chùa Báo Thiên -Hà Nội;Chùa Khải Tường-TP HCM...Rồi ngày lễ Phật Đản sẽ được tổ chức tại trung tâm thành phố với lễ Rước Phật tại đây thật hoành tráng....

Một lần nữa tôi mong các Thầy Cô nếu không có điều kiện tổ chức các lớp giáo lý thì ít ra cũng tổ chức đưa con em của các Phật tử chùa mình đi cắm trại hay tham quan Vũng tàu chẳng hạn nhằm gieo duyên Phật pháp cho các em giúp các em gần với các Tăng Ni hơn và gần với lời dạy của Đức Phật hơn.

Kính chào Quý Tăng Ni mùa an cư PL2555 thắng lợi
Kính chúc quý Phật tử luôn vững vàng mãi mãi đi theo con đường Phật Pháp.

Bạch Tầm Xuânvào lúc 08/06/2011 23:09

Vô cùng cảm ơn tác giả Nguyễn Hữu Đức. Bài viết sâu sắc này đã tổng hợp và phân tích vấn đề tồn đọng bấy lâu nay.

Bài viết tham luận này có thể gửi đến các cuộc hội thảo lớn của Phật giáo Việt Nam, gửi đến các Ban Trị sự GHPG TW và địa phương.v.v...

Xin tri ân tác giả!

loannguyenvào lúc 09/06/2011 03:26

Chao Bac Chanh Khai,
Toi co nguoi chi lay chong la Muc Su Tin Lanh o VN, trong suot hon 20 nam nay (van tiep tuc), nam nao toi cung goi tien ve de cho 2 dua con cua chi toi an hoc. Moi khi nguoi nha bi binh(chi toi cung theo dao Tin Lanh de duoc lay chong) thi toi cung phai goi tien ve de lo binh vien phi va thuoc men. Nay doc tin thay co cau be tre hon 20 tuoi noi la " Nhung nguoi dao Tin Lanh thi co cuoc song rat tien nghi va nhung nguoi theo Phat Giao thi ngheo qua". Toi la Phat Tu, tuy khong giau nhung cung co kha nang de giup do g/d ong anh Muc Su cua toi trong bao nam qua. Toi rat mong muon, neu co the duoc thi nho cau thanh nien tre nay chi dum ong anh re Muc Su cach nao de co cuoc song tien nghi hon ma toi khong can phai goi tien ve giup nua. Ten cua Muc Su la Nguyen Quang Trung, neu toi khong lam thi Muc Su coi tat ca hoi thanh cua ca Dong Nam A day.
Neu cau thanh nien muon lien lac truc tiep voi toi qua email [email protected] cung duoc hoac lien lac truc tiep voi Muc Su de chi cach cho Muc Su co cuoc song kha hon thi toi cam on cau thanh nien nhieu lam. Cam on Bac Chanh Khai.
A, con 1 chuyen nua. Ban Bac do thua la "theo Phat ma khong lam dung loi Phat day nen bi benh chua hoai khong het". Anh re Muc Su cua toi co nguoi em trai cung la Muc Su ten Thanh. Thu Hai vua roi toi nhan duoc dien thoai cua chi toi goi tu VN qua bao tin la Muc Su Thanh (52 tuoi) vua moi chet tai My (Boston) vi cao huyet ap. Khi noi chuyen voi anh re toi thi toi biet ro la Muc Su Thanh qua MY 2 nam do Hoi Thanh bao lanh de di giang dao, nhung vi bi ap luc cua cuoc song (com,ao,gao, tien,1 minh di lam Muc Su de nuoi 1 vo va 1 con), roi lai bi binh cao huyet ap (tai My thuoc rat mac), ma khong uong thuoc moi ngay, chi uong khi mau len cao. Theo loi anh re ke lai thi lan nay uong thuoc xong, dua vao cap cuu binh vien thi mach mau da vo trong nao roi. Khong biet ban cua Bac nghi gi khi 1 ong Muc Su tin Chua tu luc con trong bung me ma co binh cung van chet nhu thuong. Cau chuc ban Bac co duoc tri tue de thay moi chuyen khong qua khoi Ly Nhan Qua. Cam on Bac.

Nguyễn Hữu Đứcvào lúc 09/06/2011 08:26

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thưa độc giả Chánh Khai. Theo tôi thì anh nên đến thẳng nhà người bạn nói chuyện, tâm sự để chia sẻ trực tiếp. Có những vấn đề khúc mắc về đạo trở ngại trong cs mà anh ko thể giải đáp được thì anh nên dẫn bạn đến Chùa Hoằng Pháp, Chùa Giác Ngộ gặp thầy Chân Tính, Nhật Từ để giải đáp và tháo gỡ bế tắc cho bạn anh. Sau đó bạn anh quyết định cũng chưa muộn mà. Chúc anh thành công
Còn ai đó nói theo Phật giáo toàn nghèo thì hãy nhìn vào đất nước Nhật Bản, Singgapore, Đài Loan, đó là những nước mà Phật giáo chiếm đa số và họ cũng là những nước tiên tiến hàng đầu thế giới
Ai nói theo đạo chúa thì giầu, thì hãy nhìn vào gần ta như Philipin xa hơn nữa như Haiti. Những nước mà đạo chúa là quốc giáo mà họ có giầu hơn Thái Lan không? Haiti theo đạo chúa có cứu nước họ thoát khỏi thảm họa động đất chết đến hơn 100 ngàn người không?
Đất nước giầu hay ngheo là do tài năng quản trị đất nước của người lãnh đạo có theo đúng tinh thần nhân quả và trí tuệ của nhà Phật hay không thôi?

Mộng duvào lúc 09/06/2011 08:37

Gởi Chánh Khai.
Bạn nói rằng:

"Còn Phật giáo TP HCM chưa thành lập được TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO ,thật là một thiếu sót lớn cho con em Phật tử chúng ta không có nơi sinh hoạt Phật giáo tại khu vực trung tâm Sài Gòn."

Trong khi đó:

"Hiện nay Thiên Chúa giáo tại Sài Gòn đã đòi được khu đất của Đại chủng viện Thánh Jêsu trên đường Tôn Đức Thắng Q1 và họ đã thành lập TRUNG TÂM VĂN HÓA CÔNG GIÁO ngay tại trung tâm Sài Gòn từ nhiều năm qua."

Có lầm không vậy, Phật giáo Tp.HCM cũng có đấy chứ.

Việt Minhvào lúc 09/06/2011 09:09

Xin hỏi Mộng Du, ở Sài Gòn, Phật giáo Việt Nam có trung tâm Văn hóa Phật giáo nào? Theo tôi được biết hiện nay chỉ có Phật giáo Huế mới có Trung tâm Văn hóa Liễu Quán.

Mộng duvào lúc 09/06/2011 10:12

Gởi bạn Việt Minh và Chánh Khai.
Các bạn nói đúng, Phật giáo Việt Nam, ngoài Trung Tâm Văn Hóa Liễu Quán tại Huế ra, quả thật, Giáo hội chúng ta chưa có trung tâm văn hóa nào cả.
Nhưng cũng xin hỏi lại các bạn nhé:
Ky Tô giáo đã có Trung Tâm văn hóa nào chưa?

Việt Minhvào lúc 09/06/2011 10:33

Thưa Mộng Du, đây là thông tin về Trung tâm Văn hóa Công giáo:
72/12 Trần Quốc Toản, P.8, Quận 3
ĐT:08 3829 5736, Fax 08 3829 5903, phụ trách: Lm. Ignatiô Hồ Văn Xuân.

Sinh hoạt thường xuyên tại Trung tâm này có Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình - tập hợp các trí thức, doanh nhân công giáo, có các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ...

Mộng Du bớt mộng du đi nhé

Mộng duvào lúc 09/06/2011 13:43

Thân kính gởi bạn Việt Minh.
Xin cảm ơn bạn đã cho biết cụ thể như thế.
Chúc bạn an lạc

tanphuqmvào lúc 09/06/2011 14:25

Ở TPHCM chưa có Trung tâm văn hóa Phât giáo, mà chỉ có Nhà truyền thống Phật giáo- Tại chùa Phổ Quang P2 Quận Tân Bình.

Chúng tôi ước mong Trung Ương Giáo Hội có sự lắng nghe và nhìn thẳng nhìn thật vào thực trạng Phật giáo ngày nay (Như bạn Nguyễn Hữu Đức đã trình bày)... Để có những kế sách, quyết sách thực tế và khả thi đến sự tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Chúng tôi tin chắc rằng Chư Tôn Đức biết rất rõ, nắm rất sát tình hình ... hiện nay.Do vậy chúng con luôn khát ngưỡng quý vị Hành động, vì chỉ có hành động thì Phật giáo mới tồn tại và phát triển được.

Dak Lakvào lúc 09/06/2011 16:00

Tôi rất phục bài viết này của tác giả nói về thực trạng ngày nay của Phật giáo Việt Nam. Nhưng tôi cũng boăng khoăn rằng; không biết những vị trụ trì có đọc bài này không? họ đọc được bao nhiêu người? và bao nhiêu người có tâm huyết lo cho vận mệnh của Phật giáo đang bị cạn kiệt nguồn tài nguyên trẻ. Theo tôi thấy, đại đa số các chùa chiền là nơi đặt nặng về hình thức tín ngưỡng, xây dựng chùa chiền, đúc tượng đúc chuông và phục vụ nghi lễ là chính, rất ít ngôi chùa đề cao vấn đề giáo dục cho giới trẻ. Những việc làm ấy đang là xu thế của các vị trụ trì đang bị mắc phải. Cho nên những ngôi chùa không còn là nơi giáo dục tâm linh đạo đức nữa, mà nó trở thành nơi u u minh minh cho tín đồ Phật giáo, với những buổi lễ dài dòng không có ý nghĩa, và lại đọc kinh toàn là chữ hán, cho nên nhiều bạn trẻ đến chùa cũng không hiểu được, bên cạnh đó, có nhiều bạn tìm đến đạo Phật thì vị trụ trì không có trình độ Phật học lẫn khoa học để nói về giáo lý Phật giáo. Trên quê của tôi đã xảy ra việc này tại thôn 2, xã Hòa Xuân, huyện Cư Jut,TTp. BMT. Chúng tôi đến chùa Bửu Tịnh tại thôn để học Phật Pháp, từ năm 1998 được một vị sư hướng dẫn. Chỉ trong vòng thời gian ngắn chúng tôi hiểu được một số giáo lý căn bản của đạo Phật. Từ đó có rất nhiều bạn tìm đến để tu học mặc dù ngôi chùa rất nhỏ chỉ có hơn nữa xào. Nhưng không may cho chúng tôi, đến năm 2000, vị sư này đi học vào trường Phật học, sau đó học học viện Phât giáo. Khi đi học xa quê, vị ấy vẫn dành thời gian về 3 lần trong năm ( ngày tết, rằm tháng tư, và Vu Lan ) để dự lễ và tổ chức cho chúng tôi khóa tu một ngày. Tình hình này khéo dài được bốn năm. Thì các bác trong ban đại diện của chùa ( vì chùa nay không có thầy), tìm mọi cách hắt cẳn vị sư ấy, không muốn vị ấy về quê mình nữa bằng cách đi tìm một sư cô không có trình độ Phật học, thích những chuyện cúng bái, không muốn giáo dục trẻ em khi đến chùa để hơp tác với bác chánh đại diện để cùng nhau thi hành các hình thức mê tín trong chùa về để bổ nhiệm gấp, và nói với Phật tử nhà quê rằng sư cô này được tỉnh hội cử về để hướng dẫn chúng tôi tu học. Kể từ khi sư cô có mặt đến nay cũng đã bảy năm rồi, mà không có buổi thuyết pháp nào cả, toàn là chưởi bới, và bắt lỗi, bắt phải Phật tử là chính. Tù đó, người ta bỏ chùa gần hết, chỉ còn vài bà già đến chùa. Cụ thể là lễ Phật Đản năm nay, tại chùa Bửu Tịnh này có khỏan trên dưới 40 bà già dự lễ và vài đứa trẻ. Thật là thảm thương. Tôi nhớ, mảnh đất hòa xuân năm ấy, chỉ là mảnh đất rất ít tín đồ Phật giáo, nhưng khi vị sư ấy đến chùa chia sẻ Phật giáo nơi đây. Nhờ vậy, nơi này nhiều bạn trẻ biết đến đạo Phật. Trong vòng 2 năm, có thể nói những buổi tu học và sinh hoạt các bạn trẻ chiếm đông hơn ngừoi lớn tuổi trong những khóa tu và những ngày lễ lễ lớn. Chẳn hạng ngày rằm tháng tư, người trong thôn đến dụ lễ khoản 250 người thì bạn trẻ chiếm gần 150 người. Tất cả những khóa tu và những buổi dự lễ ấy, nó đã mang lại niềm vui cho chúng tôi mỗi khi đến chùa. Nên chúng tôi rất vui và tự hào về đạo Phật mà chúng tôi theo. Từ đó chúng tôi áp dụng lời Phật dạy và cách hành thiền Tứ Niệm Xứ trong cuộc sống. Nó giúp chúng tôi rất nhiều, sống tự tin và vượt qua mọi căn thẳng khi quan niệm hơi thở. Ngày nay, khi về quê tìm lại vị sư ấy không còn nữa mà là một sư cô la với chưởi, đặt nặng vấn đề coi bói ngày giờ để cúng tế với bác đại diện và thỉnh hết tượng này đến tượng khác về thờ làm choáng hết chùa. Và cho rằng Phât tử nghĩa là Phật chết. Nên ngày nay trong xã Hòa Xuân này hầu hết các bạn trẻ không đến chùa nữa. Vì không khí nặng nề quá.Các bạn ấy đi thì thú vui nơi quán rượu, quán nét có vẻ hấp dẫn hơn. Khi nhìn lại, tôi thấy đâu lòng quá. Và tình trạng như thế này thì Phật Giáo đúng là đã và đang cạn kiệt nguồn nhân lực trẻ. Càng nghĩ càng cay đắng và ngậm nguồi đáng thương, đáng tiếc.

LeVuvào lúc 09/06/2011 16:14

Ý nghĩa cầu nguyện trong Phật giáo là hành động. Chỉ có hành động mới mang lại kết quả đúng đắn nhất. Vì vậy, kính mong chư tôn đức trong các cấp giáo hội từ trung ương đến địa phương, các vị trụ trì trong các ngôi chùa, tự viện, tịnh xá.vv..hãy coi cơ sở Phật giáo là môi trường tu học tốt cho thế hệ trẻ. Có vậy, chúng ta mới ngăn chặn được tình trạng cải đạo hiện nay. Kính mong quí Ngài hãy quan tâm mở nhiều lớp giáo lý cho nhiều lứa tuổi để đến chùa tu học. Vì tuổi trẻ như chúng con rất thích học Phật Pháp. Nhưng chúng con chờ hoài mà sao không thấy quí Ngài hành động. Hay là quí Ngài chỉ rằng Phật độ người có duyên, có tuổi cao. Còn Như chúng con là người trẻ, chưa có duyên có tuổi.

Mộng duvào lúc 09/06/2011 16:53

Gởi Bạn Daklak.
Bạn có nói trung thực không?
Vị Sư mà bạn nói vào năm 1998 thì tôi không biết, vì lúc ấy tôi đang học tại TP.HCM.
Còn Sư cô trụ trì hiện tại xuất thân tại Ni viện Tuệ Quang ở Đà Lạt.
Sư cô là người ham học, vì học cùng khóa với tôi tại trường Cơ bản Phật học Lâm Đồng.
Chùa Bửu Tịnh, trước khi Sư cô đảm nhận trụ trì, chỉ là một Niệm Phật đường như am nhỏ, do chú Dũng - Chánh đại diện tạm mượn đất của dân.
Chùa Bửu Tịnh nằm heo hút, trơ trọi và tạm bợ.
Vì là bạn học, nhưng lại lớn tuổi, tôi thấy quý cái tinh thần dấn thân của Sư cô. Chính tôi trang trí và giúp đỡ cho Sư cô trong lễ bổ nhiệm.
Khi ấy, tôi phải ở tận tới 12 giờ khuya để trang trí, vì không có ai phụ cả, ngoài những bác lớn tuổi giúp gói bánh, nấu ăn.
Chú Dũng chở tôi về giữa đêm.
Bạn xem lại đi, chứ tôi nghĩ bạn nói quá sự thật.
Và, có vẻ đáng nghi, khi trong văn mạch của bạn có câu này:
"Ngày nay, khi về quê tìm lại vị sư ấy không còn nữa mà là một sư cô la với chưởi, đặt nặng vấn đề coi bói ngày giờ để cúng tế"
Theo đó, có thể bạn đã bỏ xứ đi làm ăn lâu rồi. Có thể và chắc là bạn đã đi khỏi xứ trước khi Sư cô về chùa Bửu Tịnh.

DakLakvào lúc 09/06/2011 18:14

Gởi bạn Mộng Du!
Việc này, nói ra thì dài dòng lắm, tôi không tiện nói ra trên trang web này. Nếu bạn Mộng Du muốn tìm hiểu sự thật, bạn nên vào trong chùa Bửu Tinh hỏi nhiều người trẻ có tâm huyết đối với đạo Phật và những người Phật tử đi chùa trước khi và sau khi sư cô về trụ trì thì bạn sẽ biết sự thật. Còn vấn đề sư cô có la chưởi Phật tử trẻ hay không bạn nên găp Anh Lộc, Anh Thường và bác Cần, Anh Thuận thì sẽ rõ. Và vấn đề coi bói, cúng tế như thế nào, bạn nên hỏi nhiều người Phật tử nơi đây về đạo hạnh tu hành của sư cô coi cô ấy thiên nặng về vấn đề gì thì bạn sẽ biết thôi. Tôi cũng bậc mí cho bạn biết bác Cần là người có tâm huyết lo cho tuổi trẻ, đến chùa, bác phải bỏ chùa vì thấy sư cô không có tâm huyết đến tuổi trẻ và lại hay la vô cớ. Từ đó có cuộc tranh cải giữa sư cô và bác Cần nên bác Cần đành bỏ chùa. Còn bạn Mộng Du muốn tim hiểu bác Dũng thì bạn cũng nên hỏi nhiều người nơi ấy thì sẽ biết thôi.

Chánh Trí Anvào lúc 09/06/2011 19:15

Thế hệ trẻ ngày nay rất tài giỏi và hiếu học, đào tạo các em am hiểu Phật pháp. Tương lai của các em sẽ thành đạt và yêu thương mọi người, hiếu nghĩa với cha mẹ...

Mộng duvào lúc 09/06/2011 20:00

Gởi bạn Daklak
Xin cảm ơn bạn.
Nếu quả đúng như bạn nói, mình rất buồn, cũng như xin gởi lời xin lỗi đến với bạn.
Mình đã không ghé thăm chùa ấy 5 năm.
cách đây gần 6 năm, mình có ghé chùa ấy giảng một lần.
Mình thấy chùa ấy rất tội vì còn nghèo, heo hắt.
Không ngờ thay đổi đến vậy.
Vậy, mình mong bạn cũng đừng nên bỏ chùa.
Gần đó, có chùa Phước Hòa, bạn có thể đến đó để sinh hoạt.
Mong rằng, chùa bạn đang sinh hoạt sẽ có những biến chuyển tốt đẹp trong tương lai.
Mình ở chùa dưới huyện, cách phố 30 km lận, và cách chùa bạn đang sinh hoạt trên dưới 60 km.
Đôi lời chia sẻ.
Chúc bạn cùng GĐPT luôn tinh tấn và an lạc.

Mộng duvào lúc 09/06/2011 22:58

Gởi bạn cntt.
Mình xin góp ý thiển cận của mình như thế này.
Nếu tổ chức một năm trên dưới 3 lần như vậy thì khả dĩ người ta đi đông. Vả lại, tổ chức như vậy thì không phải không có những sự phức tạp mà 1 mình Thầy không đủ sức kiểm soát nổi.
Thầy trụ trì có thể thỉnh quý Thầy, Cô đến giảng 1 tháng 1 lần. Xen kẽ giữa mỗi lần như vậy, thì Thầy trụ trì giảng, nếu có thể thường xuyên.
Nếu chỉ 1,2 người giảng hoài thì cũng không phong phú chủ đề.
Khi làm như cách trên, trung bình mọi người tại chùa bạn sinh hoạt có thể dự thính 2 buổi giảng trong 1 tháng.
Bên cạnh đó, sau khi tụng kinh một tuần, một bộ kinh nào đó, Thầy trụ trì có thể giảng đại ý kinh mà người ta có thể tụng xong, hoặc xong một chương phần.
Chủ đề để giảng, thật ra rất phong phú.
Ví dụ, mình thấy trong bài tụng sám hối có đoạn như vầy:
"Vô lượng Phật pháp
...
Phép Phật nhiệm màu"
Đó là một cái sai rất nghiêm trong do tam sao thất bổn hay sao đó, mà đến giờ này rất ít người thấy ra.
Đúng, theo mình nghĩ, phải là như vầy:
"Vô thượng Phật pháp,
...
Pháp Phật nhiệm màu"
Phật Pháp thì chỉ có một, chỉ có pháp môn mới vô lượng để tu học Phật pháp.
"Phép Phật" hẳn nhiên là sai mà ai cũng đều biết.
Mình chỉ đem cái ấy ra giảng thì cũng thành buổi giảng với thời lượng trên dưới 45 phút rồi.
Đại khái là thế. Đề tài giảng rất phong phú.
Thêm ví dụ nữa.
Cái thông tin tận thế từ tôn giáo Thiên chúa phương Tây tung ra, có nhiều người dao động, Phật tử cũng có số dao động theo.
Tại sao chúng ta không giảng về sự xuất hiện loài người đầu tiên từ đâu, theo quan điểm của Phật giáo?
Có tận thế hay không? và nguyên nhân nào làm cho vũ trụ hủy diệt, dưới cách nhìn đầy trí tuệ của Phật đà?
Làm thế thì buổi giảng rất sinh động, đồng thời làm cho mọi người vững tin hơn với Phật đà.
Thú thật, hôm nay (8-5-Tân mão) chùa mình cư trú thọ bát quan trai, mình đã đem cái sự ngớ ngẫn của ông mục sư Harold Camping ra để phê bình trong buổi giảng chiều nay.
Chúng sanh -tức con người đầu tiên trên trái đất này mà hiện hữu, theo kinh A-Hàm, là do chúng sinh từ cõi Quang âm thiên, tức cõi ánh sáng, khi bay ngang trái đất, thấy mùi thơm của đất. Chúng sanh ấy ghé lại và nếm vị đất. Kẻ nếm nhiều, người nếm ít. Sau đó, dù nếm nhiều hay ít cũng bị mất đi thần túc bay lượn.
Đó là sự xuất hiện của con người đầu tiên trên trái đất này.
Trong Phật giáo không nói đến tận thế, mà chỉ nói đến tam tai bao gồm: đao binh, cơ cẩn và nhân mãn; nghĩa là chiến tranh, bệnh truyền nhiễm và sự giảm tuổi thọ của con người.
Kết lại:
Vũ trụ sinh khởi và hoại diệt bởi chính lòng tham dục của chúng sanh mà thôi.
Đại khái như thế, mở rộng thêm ra là giảng phải hơn 1 tiếng mới nói hết ý.
Phật pháp bất ly thế gian pháp.
Chính thế, chủ đề Phật pháp không bao giờ vơi cạn khi cuộc sống, trong đó có chính mình, đang đầy dẫy khổ đau, tranh chấp, ganh tỵ, phóng dật, đam mê quá độ...
Đôi lời chia xẻ, mong bạn không chê.
Chúc bạn an lạc

Chánh Khaivào lúc 10/06/2011 00:33

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT.
NAM MÔ PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG.

Qua ý kiến của bạn Việt Minh thì Trung tâm Văn hóa của TCG là nơi tập hợp các doanh nhân và tầng lớp trí thức công giáo ...sinh hoạt văn hóa văn nghệ...

Tôi chợt nhớ ra cách đây vài năm cũng vào Mùa Phật Đản có Thầy nêu ý kiến là nên lập các Nhóm Phật tử doanh nhân,trí thức,văn nghệ sỹ.....để cùng sinh hoạt nhằm giúp tất cả gần nhau hơn .Từ đó sẽ có nhiều hình thức ý kiến giúp cho Hoạt động Phật sự ngày càng khởi sắc.

Qua các cô chú tôi biết các hội đoàn này đã được Giáo Hội PG VN Thống Nhứt hình thành từ trước năm 1975 tại Miền Nam.

Thiết nghĩ chỉ có những Phật tử cùng hoạt động sống và làm việc với mọi người mới hiểu và cập nhật được những tâm tư tình cảm ...của họ và qua đó các Phật tử này sẽ trình bày những ý kiến ...lên chư TÔn Đức để Quý Ngài có những kế hoạch Phật sự cụ thể và mang tính thời sự hơn,thiết thực hơn.

Hy vọng một ngày không xa Phật giáo các tỉnh thành sẽ thành lập được TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO.Đó là nơi sinh hoạt của các tầng lớp Phật tử từ người lao động đến người trí thức ,doanh nhân ,văn nghệ sỹ Phật tử.Từ người già đến trẻ em...cùng sinh hoạt sau những giờ ,những ngày lao động học tập vất vả.

Tái bút :có lần tôi góp ý là sao nhạc sỹ Chúc Linh không tập hợp các nhạc sỹ Phật tử thành lập Câu lạc bộ Nhạc sỹ Phật Giáo thì nhạc sỹ bảo là Việc này phải do Quý thầy có tư cách Pháp nhân là Ban văn hóa PG thực hiện.

Kính chúc Quý vị Pháp thể khinh an ,chúng sanh dị độ,Phật sự viên thành.

quannhuvào lúc 11/06/2011 08:17

tặng tác giả bài viết và quý vị, vì đọc được bài của tác giả, và những lời nhận xét, mà Quán Như đã đem tâm huyết của mình, cảm nhận lời dạy xưa trong lịch sử, và bài học hôm nay, mà phân tích những giá trị tồn tại, để qua đó phát hiện tầm quan trọng của mỗi cá nhân trong công việc hoằng pháp, để phát huy hết tài nguyên của cá nhân và mọi người.
A Di Đà Phật
http://www.phattuvietnam.net/nghiencuu/14888.html

Tran Kim Liênvào lúc 11/06/2011 21:13

Xin cảm ơn ngòi bút rất hữu ích của tác giả và chúng con cũng xin đề nghị Chư vị Tôn đức nên quan tâm đến việc mở lớp hoằng páp cho cư sĩ Phật tử theo học để đáp ứng kịp thời khi thiếu nguồn nhân lực hoằng dương chánh pháp.

Văn Khươngvào lúc 16/06/2011 00:14

Rất hoan nghênh và cảm ơn tác giả Nguyễn hữu Đức qua bài viết với những phân tích, nhận định rất xác đáng. Một bài viết có tính xây dựng rất cao.
Rất mong bài tham luận này sớm đến với chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN, lãnh đạo Phật Giáo các thành hội và tỉnh hội trong cả nước. Rất mong được sự quan tâm sâu sắc của chư vị lãnh đạo!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 4789)
Truyền thông là là một trong những phương tiện biểu đạt tư tưởng thông tin đến cho mọi người, ngày nay nhân loại sử dụng nó như là một công cụ hửu hiệu nhất nhằm phục vụ trong tất cả các lảnh vực khác nhau trong đời sống.
09/04/2013(Xem: 4370)
Hiện nay, trên khắp các châu của địa cầu, Á, Âu, Mỹ, Phi, Úc, chỉ trừ châu Nam cực, ở đâu cũng có đồng bào Việt Nam chúng ta sinh sống. Số đồng bào đó có khoảng 2,3 triệu người, tức là cứ khoảng 100 người Việt, . . .
09/04/2013(Xem: 4526)
Chính vào những giai đoạn xáo trộn như hiện nay, con người phân vân trước cuộc sống bao nhiêu thì nhu cầu xét lại gốc rễ nguồn căn làm cơ sở cho hành vi ứng xử của mình, của xã hội lại càng bức thiết bấy nhiêu.
09/04/2013(Xem: 3771)
Ở đây chúng tôi không có ý định viết một bài thuần túy nghiên cứu. Tôi muốn đặt vấn đề và xác nhận lập trường về một bàn cãi có tính cách thời đại: xét lại mối tương quan giữa Khổng giáo và phát triển. Vấn đề này đã và đang gây sôi nổi trên thế giới cũng như trong giới nghiên cứu Hoa kiều và Việt kiều.
09/04/2013(Xem: 4736)
Trong bài này, tôi xin trình bày một vài suy nghĩ phát triển Phật giáo tại Việt Nam trong mấy thập niên tới, giai đoạn mà Việt nam sẽ được phát triển mạnh về kinh tế, và đời sống dân chúng sẽ được sung túc hơn. Ít nhất đó là những điều mà chúng ta hy vọng.
09/04/2013(Xem: 4908)
Trong các bản văn chữ Phạn thời nguyên thủy, zero được gọi là "sùnya". Theo F. Th. Stcherbatsky, Phật giáo nguyên thủy dùng chữ "sùnya" để gọi tên điểm giới hạn của thế giới thường nghiệm (bhùtakoti). Vậy trên phương diện tục đế, là giới hạn của các số hay tổ hợp số, . . .
09/04/2013(Xem: 5097)
Ở cuối thế kỷ này đời sống con người bị stress làm rối loạn. Stress là tự bất ổn của thời đại văn minh. Ðến ngày nay, trên thế giới, có trên 100.00 tài liệu và trên 200 quyển sách bàn về stress. Những nhà chuyên môn y học tâm thể (psychosomaticien), y học tâm lý (psychophysiologiste), . . .
09/04/2013(Xem: 5285)
Hiện nay thế giới đang đứng trước nhiều sự việc và hiện tượng có tác động toàn cầu. Chúng cũng là những thách thức lớn đối với đạo Phật và Phật tử chúng ta.
09/04/2013(Xem: 6478)
Cuộc tâm tình nổi loạn khởi đầu từ Kierkegaard với đặc tính hoàn toàn tình cảm chủ quan phi hệ thống. Sang tới Nietzsche đã thành ý chí chủ quan phi hệ thống. Cả hai đều lấy bản thân ra để thể nghiệm cho chân lý mà họ tìm kiếm ra được, và do họ chủ xướng.
09/04/2013(Xem: 4864)
Đứng trên thềm năm mới, thường người ta mong ước một tương lai tươi đẹp, nhưng cũng thoáng nỗi lo gặp chuyện không may, và chắc hẳn ý tưởng kép này càng lộ rõ trước ngưỡng cửa bước vào một thế kỷ mới.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]