ĐANG LÃNG PHÍ TÀI NGUYÊN GÌ ?
Nguyễn Hữu Đức
Phật giáo Việt Nam vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng của mình, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới và chưa đáp ứng được lòng kỳ vọng của quần chúng Phật tử, đòi hỏi của dân tộc Việt Nam.
Với xu thế đi lên của đất nước, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Nhà nước, trong những năm qua, Phật giáo Việt Nam đã từng bước chuyển mình phát triển và có những thành quả đáng ghi nhận, mà điển hình là một mùa Phật đản 2011 khởi sắc.
Nhưng ngay trong mùa Phật đản vừa qua, bên cạnh những nơi làm rất tốt với nhiều hoạt động phong phú, thu hút đông đảo người dân, cũng có nhiều nơi Phật đản còn trầm lắng, buồn tẻ, không đáp ứng mong mỏi của người dân đối với một lễ hội lớn nhất của Phật giáo.
Nói như thế để thấy rằng, Phật giáo Việt Nam vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng của mình, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới và chưa đáp ứng được lòng kỳ vọng của quần chúng Phật tử, đòi hỏi của dân tộc Việt Nam.
Dưới đây là những “tài nguyên” mà Phật giáo chúng ta còn lãng phí, chưa tận dụng hết cho sự phát triển của mình.
LÃNG PHÍ “TÀI NGUYÊN” TỰ VIỆN
Hơn hai ngàn năm Phật giáo du nhập vào Việt Nam, cha ông ta và thế hệ hôm nay đã xây dựng biết bao tự viên để làm nơi thờ Phật và tu học. Chưa có thống kê chính xác nhưng ước chừng số tự viện cũng gần 15.000. Phật giáo là tôn giáo có cơ sở thờ tự nhiều nhất trong các tôn giáo có mặt ở Việt Nam.
Nhưng thực tế hiện nay có bao nhiêu phần trăm trong hàng số đó định kỳ hàng tuần, hàng tháng tổ chức các buổi truyền giảng giáo lý, tổ chức các khóa tu, các buổi sinh hoạt cho Phật tử?
Bao nhiêu phần trăm trong số đó có thống kê, quản lý Phật tử của mình?
Ngôi chùa không chỉ là nơi thờ tự, để lễ bái, cầu xin mà phải là nơi hoằng dương Phật pháp.
Ngôi chùa không phải chỉ là nơi dành cho các bậc xuất gia tu hành, cho người già lễ chùa mà phải là nơi thu hút, tập hợp tất cả lứa tuổi đến để sinh hoạt Phật pháp.
Ngôi chùa không phải là thâm nghiêm u tịch để lánh xa sự đời mà phải là nơi nhập thế phụng sự chúng sinh.
Ngôi chùa không phải là nơi diễn ra các hoạt động mê tín, dị đoan mà là nơi giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và nơi lưu truyền chính pháp.
Ngôi chùa không chỉ là trường dạy Phật pháp mà còn là trường đời dạy đạo đức, cách sống làm người.
Bao giờ thì những hình này trở nên phổ biến trong các ngôi chùa Việt Nam mỗi khi hè về?
Lãng phí “tài nguyên” tự viện có lẽ là sự lãng phí dễ dãi nhất, vì chùa vốn có sẵn, dù có đổ nát siêu vẹo. Người dân vốn có tục lệ đến chùa để cúng bái, cầu khấn vào các ngày rằm, mùng một. Hơn nữa chùa lại là cơ sở Phật giáo hòa nhập trong đời sống người dân, gần dân nhất, dễ gắn bó với người dân nhất.
Các ngôi chùa ở ngoài bắc các ngày lễ tết, ngày rằm, mùng một rất đông người đến lễ bái cầu xin, nhưng có ai trong số họ đến chùa được nhà chùa giảng dạy giáo lý nhà Phật để họ hiểu biết giáo lý, trở thành một người Phật tử đích thực? Hay để họ đến chùa lễ xong lại về, mấy chục năm đi lễ chùa nhưng không hiểu gì về đạo Phật.
Việc xây dựng ngôi chùa thực sự là nơi thu hút đông đảo quần chúng mọi lứa tuổi đến tu học Phật pháp là trách nhiệm của người trụ trì được Giáo hội bổ nhiệm.
Nếu chùa không có Tăng, Ni trụ trì, Ngành hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp cần đào tạo ra những cư sĩ nòng cốt, hiểu đạo, hiểu Pháp luật, có năng lực để làm nhiệm vụ hoằng pháp và hướng dẫn tu học. Không thể bỏ mặc những chùa không sư trụ trì cho các ban hộ tự chỉ biết thu tiền công đức về cho địa phương, hay làm việc hương, đèn.
Giáo hội cần có giải pháp cụ thể để ngày càng có nhiều những ngôi chùa như Bằng A, Sùng Phúc, Đình Quán, Hòe Nhai… (Hà Nội), Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Phật Quang(BRVT), chùa Từ Tân, Hoằng Pháp, Viên Giác, Giác Ngộ, Ấn Quang (TP.HCM)…
Mô hình sinh hoạt Phật pháp của những ngôi chùa đó cần được học hỏi và nhân rộng ra cả nước.
LÃNG PHÍ “TÀI NGUYÊN” NHỮNG NGƯỜI YÊU MẾN ĐẠO PHẬT
Ngoại trừ hơn 10% dân số Việt Nam theo các tôn giáo như Ki-tô La Mã, Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài…, còn lại là hơn 80% người dân Việt Nam hoặc theo đạo Phật hoặc theo tín ngưỡng thờ ông bà tổ tiên.
Những người theo tín ngưỡng thờ ông bà tổ tiên mặc dù họ chưa quy y Tam bảo, nhưng đa số đều hơn 1 lần đến chùa lễ Phật. Dù họ chưa từng nghe giảng về đạo Phật nhưng mỗi lần thắp hương trên bàn thờ tổ tiên thì câu đầu tiên họ đều xưng tụng Nam mô A Di Đà Phật.
Mặc dù chưa là Phật tử nhưng mỗi khi có dịp người thân, bạn bè, hay công ty tổ chức đi hành hương chiêm bái các danh lam cổ tự họ đều nhiệt tình tham gia.
Trong suy nghĩ của họ, Đức Phật là một người có lòng từ bi, luôn cứu giúp, che chở cho mọi người. Đức Phật thật gần gũi, thân thương như hình ảnh ông Bụt hiền từ trong câu chuyện cổ tích Tấm Cám.
Điều đó cho thấy phần đông người dân Việt Nam có cảm tình với đạo Phật, yêu mến đạo Phật. Họ là mảnh đất phì nhiêu, mầu mỡ và tiềm năng cho Phật giáo chúng ta gieo trồng hạt giống bồ đề.
Phật giáo có thể dễ dàng truyền giảng giáo lý đạo Phật, dẫn dắt họ vào đạo và hướng dẫn con đường tâm linh cho họ theo chính pháp của đức Phật.
Rất tiếc là chúng ta vẫn để lãng phí một “tài nguyên” vô giá đó trong bối cảnh các tôn giáo khác đang quyết liệt khai thác bằng tất cả các nguồn lực, hoặc để cho tư tưởng mê tín, dị đoan có dịp bùng phát.
Phật giáo Việt Nam không thể và không được phép lãng phí những tài nguyên
được vun đắp hơn 2000 năm qua
Ki-tô giáo La mã tại Việt Nam có Câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình để tập hợp trí thức Ki-tô giáo, trong khi Phật giáo Việt Nam vẫn chưa có hình thức tập hợp lực lượng trí thức yêu đạo Phật để khai thác trí tuệ, ảnh hưởng của họ trong việc truyền bá chính pháp.
Các doanh nhân, đại thí chủ Phật giáo mới chủ yếu cúng tiền cho việc xây chùa, chứ chưa đầu tư tiền bạc xứng đáng vào việc xây dựng các tác phẩm văn hóa nghệ thuật Phật giáo mang tính quảng đại quần chúng, các bộ tài liệu, giáo trình, sách, băng, đĩa, chương trình phát thanh truyền hình Phật giáo.
Phật giáo Việt Nam mới tập trung vào việc xây chùa (sức mạnh cứng), mà chưa phát huy các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục (sức mạnh mềm)
Nếu ngày xưa Đức Phật không tự thân và yêu cầu các đệ tử mỗi người đi một hướng truyền bá chính pháp, vua Asoka không cử các đại sư đến các nước truyền đạo thì làm sao đạo Phật có thể được mở mang như ngày nay.
Một khi Phật giáo còn hờ hững, chưa chủ động mở rộng cánh cửa chùa, chưa dấn thân bước vào đời để hoằng dương Phật pháp, thì e rằng nguồn “tài nguyên” này sẽ cạn kiệt lúc nào không hay.
Và khi, cây Phật pháp không còn bám rễ sâu trong dân, thì chỉ một cơn gió nhẹ cũng có thể làm bật gốc.
LÃNG PHÍ "TÀI NGUYÊN" GIÁO PHÁP VI DIỆU CỦA ĐỨC PHẬT
Đạo Phật là khoa học, giáo lý nhà Phật soi rọi và mở đường cho khoa học, khi khoa học phát triển không làm lu mờ giáo lý nhà Phật mà còn kiểm chứng được tính đúng đắn của đạo Phật
Đạo Phật là chân lý, trí tuệ. Đạo Phật nói thật bản chất của vũ trụ, của vạn vật, của nỗi khổ thế gian. Nhìn sự vật như chúng thật sự là.
Đạo Phật là đạo từ bi, yêu thương tất cả chúng sinh bằng tình yêu không phân biệt.
Đạo Phật là đạo của hòa bình, trong suốt của quá trình truyền đạo và hành đạo của mình, Phật giáo không gây chiến tranh và thù hận. Đạo Phật đi đến đâu hòa bình và tình thương được gieo trồng.
Đạo Phật là đạo của tự do, giải thoát con người khỏi sự nô lệ về thần quyền, con người làm chủ cuộc đời của họ.
Đạo Phật là đạo dân chủ, bình đẳng, mọi chúng sinh đều có thể giác ngộ thành Phật.
Đạo Phật không mê muôi chúng sinh, không ru ngủ con người ta bằng ảo tưởng về thiên đàng, hay đe dọa địa ngục mà con người bằng chính nghiệp mình gây tạo sẽ quyết định đích đến cho mình trong hiện tại và cả kiếp sau.
Đạo Phật là đạo cứu khổ ban vui, chỉ ra phương pháp trị liệu cho những nỗi khổ niềm đau của chúng sinh
Đạo Phật là con đường tâm linh có thể kiểm chứng, những ai hành trì theo lời Phật dậy thì đều có thể chứng đạt, và có lợi ích thiệt thực ngay trong hiện đời không cần phải chờ đến kiếp sau...
Tất cả những điều đó nói lên giáo lý nhà Phật là cao siêu vi diệu như một viên ngọc quý. Chúng ta có ngọc quý, nhưng lại để bụi phủ, cất kín trong bốn bức tường chùa.
Chúng ta có thuốc quý trị bách bệnh, nhưng đa số mới chỉ trưng bày cho người bệnh thờ cúng, cầu khấn.
Người dân dâng sao giải hạn tràn ra đường như thế này là sự lãng phí "tài nguyên" giáo pháp của nhà chùa rất đáng trách
Trong khi đó, cuộc sống hiện nay còn nhiều khổ đau, bệnh tham – sân – si còn phát tác gây nhiều hậu quả trong thân và tâm của mỗi cá nhân, lên đời sống kinh tế, xã hội, môi trường.
Đạo đức xã hội đang bị suy giảm nghiêm trọng, giới trẻ bơ vơ giữa nhiều luồng văn hóa, nền tảng gia đình đang bị lung lay, văn hóa truyền thống của dân tộc bị lu mờ.
Nhiều vấn nạn xã hội cần bàn tay từ bi trí tuệ của Phật pháp
Hơn lúc nào hết, bây giờ chính là lúc người dân, xã hội cần đến những phương thuốc trị liệu quý báu của Đức Phật, cần đến những giáo pháp vi diệu, màu nhiệm nhưng cũng hết sức thực tế.
Một khi tinh túy, cốt lõi của giáo lý tuyệt vời ấy được truyền trao rộng khắp thì người dân sẽ được an lạc, xã hội hòa hợp, thái bình, tâm bệnh và thân bệnh của chúng sinh được gột rửa. Khi đó, Niết bàn, Tịnh độ sẽ xuất hiện chính trong cuộc đời này.
Tiếc rằng, chúng ta chưa làm được.
LÃNG PHÍ LỊCH SỬ HƠN 2000 NĂM ĐỒNG HÀNH, GẮN BÓ CÙNG DÂN TỘC
Con đường hành đạo của Phật giáo trong suốt hơn 2000 năm qua trên đất Việt đã tạo thành một bản sắc Phật giáo Việt Nam, hun đúc thành một truyền thống hộ quốc an dân quý báu.
Ngay từ buổi đầu độc lập dân tộc, những nhà sư uyên bác lỗi lạc như Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh với con mắt chiến lược, tầm nhìn xa trông rộng đã cố vấn và kiến tạo cho vương triều, củng cố nền độc lập xây dựng quốc gia vững mạnh, trong ấm ngoài yên.
Đỉnh cao là Phật giáo Việt Nam là ở thời Trần. Trần Nhân tông là vị vua anh minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn cũng là sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền thuần việt và nhập thế.
Khi đã thành đạo, Phật Hoàng Trần Nhân Tông công du khắp cõi để truyền bá đạo Phật. Thời trần, Phật giáo được coi là quốc giáo. Triều đình, Vua quan đều là Phật tử thấm nhuần giáo lý nhà Phật do vậy có nhiều chính sách hợp lòng dân, khoan thư sức dân, đoàn kết nhân tâm để làm nên những chiến công hiển hách, văn minh Đại Việt phát triển rực rỡ, vang xa khắp chốn, lân bang nể phục.
Những năm tháng dưới ách thực dân đế quốc, nhà chùa là nơi bào vệ và che giấu cách mạng, nhà chùa là nơi gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc, là thành trì vững chãi chống lại sự xâm lăng của văn hóa và tôn giáo Phương tây.
Phật giáo Việt Nam luôn hòa chung dòng chảy của dân tộc, đồng cam cộng khổ, đồng hành cùng dân tộc. Phật giáo trong suốt 2000 truyền đạo và hành đạo của mình chưa từng quay lưng phản bội lại dân tộc. Phật giáo VN chưa từng phải nói lên lời sám hối vì đã gây đau thương cho dân tộc Việt Nam.
Đó là truyền thống quý báu, là lịch sử vẻ vang đầy tự hào của PGVN. Truyền thống đó chưa được chúng ta tuyên truyền quảng bá sâu rộng đến tăng ni Phật tử và toàn thể dân tộc Việt Nam để tăng ni, Phật tử gìn giữ và kế thừa, để mọi người hiểu giá trị cao quý của Phật giáo Việt Nam. Để đồng bào có cái nhìn trân trọng và thiện cảm với PGVN, cùng góp phần chấn hưng PGVN.
PGVN còn là một Phật giáo nhập thế, dấn thân phụng sự dân tộc và đạo pháp. Trong lịch sử ngôi chùa vừa là nơi bốc thuốc chữa bệnh, các nhà sư không chỉ là bậc thầy tâm linh và còn là thầy thuốc vân du khắp chốn chữa bệnh cho dân.
Nhà chùa không chỉ là nơi dậy đạo còn là nơi dạy chữ, dạy đạo lý làm người. Nhà chùa còn là nơi nương tựa của nhiều mảnh đời bất hạnh.
Rất tiếc nhiều nhà sư trụ trì hiện nay coi chùa như là một ốc đảo, một chốn để lánh xa trần thế. Nhà chùa nhận tiền cúng dàng của thập phương cốt để xây đắp chùa to Phật lớn, sắm sửa tiện nghi, phương tiện mà thờ ơ với nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống của Phật tử.
Thử đặt câu hỏi có bao nhiêu vị trụ trì làm được những việc sau:
- Nắm rõ được trong làng, trong thôn, trong vùng chùa của mình có bao nhiêu người già cô đơn, gia đình nghèo túng khó khăn cần giúp đỡ để nhà chùa vận động Phật tử lập quỹ xóa đói giảm nghèo, tương thân tương ái.
- Những chuyện vui của Phật tử được nhà chùa đến chúc mừng. Khi Phật tử không may gặp hoạn nạn, tai ương thì được nhà chùa đến thăm hỏi, động viên, an ủi.
- Trong làng ngoài xóm có gia đình bất hòa, hàng xóm láng giềng bất hòa được nhà chùa đến khuyên nhủ hòa giải?
- Khi Phật tử có như cầu hướng dẫn con đường tâm linh thì được nhà chùa giúp đỡ thay vì để họ tự tìm đến thầy cúng, thầy đồng cốt, bói toán dẫn tới mê tín dị đoan vừa tốn kém mà không có lợi lạc…?
- Trẻ em, người lớn, người già được an vui không chỉ trong giáo pháp, mà trong các hoạt động đời sống như quốc tế thiếu nhi, tết trung thu, chúc thọ…
Có rất nhiều việc mà Phật giáo chúng ta ngày nay chưa tương xứng với truyền thống nhập thế và với phương châm phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật hơn 2000 năm qua.
LÃNG PHÍ “TÀI NGUYÊN” HỖ TRỢ CỦA NHÀ NƯỚC VÀ NGƯỢC LẠI
Với hơn 2000 năm gắn bó, cắm rễ sâu trong đời sống người Việt, một người nào đó nếu ghi tôn giáo “không”, không hẳn là không có tôn giáo, mà họ vẫn có một nơi sâu thẳm trong cõi tâm linh để nương tựa, dù không nói ra, chính là Đức Phật và Phật pháp. Và với đa số quan chức, công chức, viên chức Nhà nước, Phật giáo chính là tôn giáo để họ hướng về, và họ cũng là những người hộ pháp tiềm tàng.
Nhìn lại lịch sử gần đây, trong những năm tháng dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc, nhà chùa là nơi che chở, nuôi dưỡng cán bộ và tổ chức cách mạng.
Nhiều nhà sư, Phật tử đã theo tiếng gọi của non sông, của Bác Hồ lên đường nhập ngũ bảo vệ quê hương đất nước, nhiều người đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường.
Đất nước hòa bình, Nhà nước làm tất cả vì mục tiêu dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ Văn minh. Đường lối ấy không khác gì với con đường dấn thân của đạo Phật là xây dựng xã hội hướng thượng, tốt đẹp văn minh, một tịnh độ tại nhân gian.
Nhà nước chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, chủ trương ấy cũng đồng nhất với gì Phật giáo đã và đang làm là:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
Nhà chùa là nơi bảo tồn các bảo vật quốc gia, giá trị truyền thống của dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc, phong tục và tôn giáo truyền thống của dân tộc.
Một sự gặp gỡ giao thoa giữa những mục tiêu phát triển của Nhà nước với phương châm hành đạo của Phật giáo. Cùng với chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, Nhà nước luôn tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển.
Nhưng Phật giáo Việt Nam chưa lắm bắt hết thuận lợi này. Phật giáo chúng ta không chỉ hoằng pháp cho đồng bào Phật tử mà còn cần coi trọng việc hoằng pháp đối với những người quản trị đất nước. Điều đó không chỉ gây dựng một lực lượng hộ pháp, mà còn mang lại lợi lạc cho nhân dân nhờ có việc quản trị tốt trên cơ sở đạo đức và phương pháp Phật giáo.
Chúng ta chưa có nhiều vị Tăng Ni xứng tầm, am hiểu và có khả năng vận dụng Phật pháp vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, các học thuyết quản lý, quản trị.
Phật giáo chưa mạnh dạn tìm ra những cơ chế, phương pháp, hình thức để tư vấn, hỗ trợ, phản biện đối với các chính sách của Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội.
Mặt khác, Phật giáo không chỉ thụ động trông chờ Nhà nước mà phải chủ động đề xuất với Nhà nước những hỗ trợ giúp đỡ cho Phật giáo Phát triển.
Mạnh dạn đề xuất Nhà nước giúp kiện toàn tổ chức Giáo hội, thành lập được tất cả các ban trị sự, ban đại diện tại tất cả các tỉnh thành và quận huyện.
Đề xuất Nhà nước tạo điều kiện cho Phật giáo hoằng pháp tại những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng trắng Phật giáo, vùng biên giới hải đảo để Phật giáo được mở mang khắp cõi và là tiền đồn bảo vệ đất nước.
Đề xuất Nhà nước hỗ trợ xây dựng các trung tâm hoằng pháp tại các vùng miền, các trung tâm văn hóa Phật giáo làm nơi truyền bá chính pháp và tổ chức các đại lễ Phật giáo, sự kiện văn hóa Phật giáo tầm cỡ quốc gia và thế giới.
Đề xuất Nhà nước quán triệt chính quyền các địa phương, nhất là cấp thôn xã về vai trò, vị trí của Phật giáo trong sự nghiệp hộ quốc an dân, gìn giữ các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, tránh những sự cản trở, gây khó dễ cho hoạt động Phật giáo.
Đề xuất nhà nước tạo điều kiện cho PGVN quan hệ trao đổi Phật pháp, kinh nghiệm hoạt động Phật sự đối với các tổ chức Phật giáo và giáo hội trên thế giới.
Tất cả những tài nguyên trên của PGVN đều là những tài nguyên vô giá mà không có một tôn giáo nào tại Việt nam có được. PGVN đang đứng trước tiền đồ sáng lạn khi đang có những yếu tố thuận lợi và tiềm năng cho sự phát triển của mình.
Chỉ có điều, nếu chúng ta còn thụ động, bàng quan, không có tầm nhìn, không nỗ lực dấn thân, không đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của tứ chúng, sự ủng hộ của Nhà nước và quần chúng, không đi sâu, sát trong đời sống xã hội, không tự trang nghiêm thanh tịnh, thì thời cơ và cơ hội sẽ trôi qua rất nhanh, Phật giáo Việt Nam sẽ bị thời đại bỏ lại phía sau, bị các tôn giáo khác lấn lướt.
Tuy nhiên, với di sản 2000 năm của các thế hệ đi trước, với những tiềm năng mạnh mẽ đã đề cập, với sự quyết tâm của mỗi người con Phật, tin rằng Phật giáo Việt Nam sẽ vượt thoát được những trì trệ, cản trở nội tại và bên ngoài, cùng hành động để khẳng định vị thế xứng đáng trong lòng dân tộc, có được thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, và quan trọng nhất, mãi là một của báu của người dân Việt Nam.
Phản hồi (32 bài gửi):Chánh Khaivào lúc 07/06/2011 23:46 Ngàn lần cám ơn Phật tử Nguyễn Hữu Đức,ý kiến khá hay và đúng là Giáo Hội ta đang lãng phí các nguồn tài nguyên trên.Sau đây tôi xin kể một chuyện có thật làm tôi phải mất ngủ vài ngày. ttvào lúc 07/06/2011 23:49 Bài viết rất hay rất giá trị. minh ngocvào lúc 08/06/2011 00:01 PGVN còn lãng phí một dàn lãnh đạo trẻ năng động. KHANH NGUYỄNvào lúc 08/06/2011 00:12 các doanh nhân đại thí chủ chủ yếu cúng tiềng xây chùa mà ,mà không quan đầu tư vào tác phẩm nghệ thuật văn hóa phật giáo chẳng hạn như phát hành sách ,đỉa dvd chương trình phát thanh phật giáo v.v.theo ý mình hoàng pháp về sách và băng đĩa cũng là hữu hiệu nhất . le huyvào lúc 08/06/2011 00:16 Mến chào bạn Hữu Đức! anh hongvào lúc 08/06/2011 08:56 Cảm ơn bạn vì bài viết rất hay. Tôi cũng thấy rằng bây giờ nhiều chùa chỉ lo xây dựng, lo cúng bái nhiều hơn chứ không hề lo giảng giải về giáo lý cho mọi người. Xây chùa rất quan trọng, nhưng xây chùa xong thì phải tổ chức tu học. Vấn nạn này tôi thấy còn nhiều nhất là các chùa ở vùng xa trung tâm, vùng thôn quê về mặt nhận thức của người dân còn quá hạn chế, trong khi đó niềm tin vào các Thầy thì lại là tuyệt đối, vì nhiều thầy chỉ lo cúng bái cho dân chứ chưa thực sự có những việc làm thiết thực để cho dân hiểu được thế nào là Phật giáo. Tôi nghĩ rằng khi tất cả đã hiểu được đúng đắn lời đức phật dậy rồi thì việc cúng bái với họ chẳng còn ý nghĩa gì. Mong sao có các Quý Thầy vì nỗi khổ của chúng sinh ở thế giới ta bà này mà có những phương pháp để giúp cho chúng sinh được tiếp cận, được hiểu biết nhiều hơn nữa về phật giáo, chứ không để tình trạng người dân chỉ coi chùa là nơi để cầu khấn, van xin điều này điều kia khi cần thì họ mới đến. quang dieu huongvào lúc 08/06/2011 11:03 Mo phat ! bai viet cua dao huu rat co ich cho tat .Cung nhu tieng chuong danh thuc cho phat giao va nguoi viet len phai nghi va nen lam nhu the nao trong tat ca chung ta a .Cam on bai bao tac gia viet !!!!!!!!!! Nguyễn Hữu Đứcvào lúc 08/06/2011 11:40 Xin cảm ơn các độc giả đã đồng tình với quan điểm của mình. Chánh Tịnh Lâmvào lúc 08/06/2011 12:44 MỘT BÀI VIẾT RẤT SÁT THỰC VỚI TÌNH HÌNH PHẬT GIÁO HIỆN NAY! MNvào lúc 08/06/2011 16:57 Gửi bạn Chánh Khai. cnttvào lúc 08/06/2011 22:17 Cảm ơn Tác giả đã mạnh dạn nêu lên những vấn đề này.Quan điểm của Bạn cũng là quan điểm và mong mỏi của khá nhiều người Phật tử và cả các Tu sĩ PG còn băn khoăn,trăn trở .... Chánh Khaivào lúc 08/06/2011 22:57 Rất cám ơn bạn Nguyễn Hữu Đức và MN cùng chia sẽ những trăn trở của tôi nói riêng và các Tăng Ni Phật tử nói chung về tình hình Cải Đạo hiện nay ĐANG DIỄN RA ÂM THẦM VÀ BỀN BỈ. Bạch Tầm Xuânvào lúc 08/06/2011 23:09 Vô cùng cảm ơn tác giả Nguyễn Hữu Đức. Bài viết sâu sắc này đã tổng hợp và phân tích vấn đề tồn đọng bấy lâu nay. loannguyenvào lúc 09/06/2011 03:26 Chao Bac Chanh Khai, Nguyễn Hữu Đứcvào lúc 09/06/2011 08:26 Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật Mộng duvào lúc 09/06/2011 08:37 Gởi Chánh Khai. Việt Minhvào lúc 09/06/2011 09:09 Xin hỏi Mộng Du, ở Sài Gòn, Phật giáo Việt Nam có trung tâm Văn hóa Phật giáo nào? Theo tôi được biết hiện nay chỉ có Phật giáo Huế mới có Trung tâm Văn hóa Liễu Quán. Mộng duvào lúc 09/06/2011 10:12 Gởi bạn Việt Minh và Chánh Khai. Việt Minhvào lúc 09/06/2011 10:33 Thưa Mộng Du, đây là thông tin về Trung tâm Văn hóa Công giáo: Mộng duvào lúc 09/06/2011 13:43 Thân kính gởi bạn Việt Minh. tanphuqmvào lúc 09/06/2011 14:25 Ở TPHCM chưa có Trung tâm văn hóa Phât giáo, mà chỉ có Nhà truyền thống Phật giáo- Tại chùa Phổ Quang P2 Quận Tân Bình. Dak Lakvào lúc 09/06/2011 16:00 Tôi rất phục bài viết này của tác giả nói về thực trạng ngày nay của Phật giáo Việt Nam. Nhưng tôi cũng boăng khoăn rằng; không biết những vị trụ trì có đọc bài này không? họ đọc được bao nhiêu người? và bao nhiêu người có tâm huyết lo cho vận mệnh của Phật giáo đang bị cạn kiệt nguồn tài nguyên trẻ. Theo tôi thấy, đại đa số các chùa chiền là nơi đặt nặng về hình thức tín ngưỡng, xây dựng chùa chiền, đúc tượng đúc chuông và phục vụ nghi lễ là chính, rất ít ngôi chùa đề cao vấn đề giáo dục cho giới trẻ. Những việc làm ấy đang là xu thế của các vị trụ trì đang bị mắc phải. Cho nên những ngôi chùa không còn là nơi giáo dục tâm linh đạo đức nữa, mà nó trở thành nơi u u minh minh cho tín đồ Phật giáo, với những buổi lễ dài dòng không có ý nghĩa, và lại đọc kinh toàn là chữ hán, cho nên nhiều bạn trẻ đến chùa cũng không hiểu được, bên cạnh đó, có nhiều bạn tìm đến đạo Phật thì vị trụ trì không có trình độ Phật học lẫn khoa học để nói về giáo lý Phật giáo. Trên quê của tôi đã xảy ra việc này tại thôn 2, xã Hòa Xuân, huyện Cư Jut,TTp. BMT. Chúng tôi đến chùa Bửu Tịnh tại thôn để học Phật Pháp, từ năm 1998 được một vị sư hướng dẫn. Chỉ trong vòng thời gian ngắn chúng tôi hiểu được một số giáo lý căn bản của đạo Phật. Từ đó có rất nhiều bạn tìm đến để tu học mặc dù ngôi chùa rất nhỏ chỉ có hơn nữa xào. Nhưng không may cho chúng tôi, đến năm 2000, vị sư này đi học vào trường Phật học, sau đó học học viện Phât giáo. Khi đi học xa quê, vị ấy vẫn dành thời gian về 3 lần trong năm ( ngày tết, rằm tháng tư, và Vu Lan ) để dự lễ và tổ chức cho chúng tôi khóa tu một ngày. Tình hình này khéo dài được bốn năm. Thì các bác trong ban đại diện của chùa ( vì chùa nay không có thầy), tìm mọi cách hắt cẳn vị sư ấy, không muốn vị ấy về quê mình nữa bằng cách đi tìm một sư cô không có trình độ Phật học, thích những chuyện cúng bái, không muốn giáo dục trẻ em khi đến chùa để hơp tác với bác chánh đại diện để cùng nhau thi hành các hình thức mê tín trong chùa về để bổ nhiệm gấp, và nói với Phật tử nhà quê rằng sư cô này được tỉnh hội cử về để hướng dẫn chúng tôi tu học. Kể từ khi sư cô có mặt đến nay cũng đã bảy năm rồi, mà không có buổi thuyết pháp nào cả, toàn là chưởi bới, và bắt lỗi, bắt phải Phật tử là chính. Tù đó, người ta bỏ chùa gần hết, chỉ còn vài bà già đến chùa. Cụ thể là lễ Phật Đản năm nay, tại chùa Bửu Tịnh này có khỏan trên dưới 40 bà già dự lễ và vài đứa trẻ. Thật là thảm thương. Tôi nhớ, mảnh đất hòa xuân năm ấy, chỉ là mảnh đất rất ít tín đồ Phật giáo, nhưng khi vị sư ấy đến chùa chia sẻ Phật giáo nơi đây. Nhờ vậy, nơi này nhiều bạn trẻ biết đến đạo Phật. Trong vòng 2 năm, có thể nói những buổi tu học và sinh hoạt các bạn trẻ chiếm đông hơn ngừoi lớn tuổi trong những khóa tu và những ngày lễ lễ lớn. Chẳn hạng ngày rằm tháng tư, người trong thôn đến dụ lễ khoản 250 người thì bạn trẻ chiếm gần 150 người. Tất cả những khóa tu và những buổi dự lễ ấy, nó đã mang lại niềm vui cho chúng tôi mỗi khi đến chùa. Nên chúng tôi rất vui và tự hào về đạo Phật mà chúng tôi theo. Từ đó chúng tôi áp dụng lời Phật dạy và cách hành thiền Tứ Niệm Xứ trong cuộc sống. Nó giúp chúng tôi rất nhiều, sống tự tin và vượt qua mọi căn thẳng khi quan niệm hơi thở. Ngày nay, khi về quê tìm lại vị sư ấy không còn nữa mà là một sư cô la với chưởi, đặt nặng vấn đề coi bói ngày giờ để cúng tế với bác đại diện và thỉnh hết tượng này đến tượng khác về thờ làm choáng hết chùa. Và cho rằng Phât tử nghĩa là Phật chết. Nên ngày nay trong xã Hòa Xuân này hầu hết các bạn trẻ không đến chùa nữa. Vì không khí nặng nề quá.Các bạn ấy đi thì thú vui nơi quán rượu, quán nét có vẻ hấp dẫn hơn. Khi nhìn lại, tôi thấy đâu lòng quá. Và tình trạng như thế này thì Phật Giáo đúng là đã và đang cạn kiệt nguồn nhân lực trẻ. Càng nghĩ càng cay đắng và ngậm nguồi đáng thương, đáng tiếc. LeVuvào lúc 09/06/2011 16:14 Ý nghĩa cầu nguyện trong Phật giáo là hành động. Chỉ có hành động mới mang lại kết quả đúng đắn nhất. Vì vậy, kính mong chư tôn đức trong các cấp giáo hội từ trung ương đến địa phương, các vị trụ trì trong các ngôi chùa, tự viện, tịnh xá.vv..hãy coi cơ sở Phật giáo là môi trường tu học tốt cho thế hệ trẻ. Có vậy, chúng ta mới ngăn chặn được tình trạng cải đạo hiện nay. Kính mong quí Ngài hãy quan tâm mở nhiều lớp giáo lý cho nhiều lứa tuổi để đến chùa tu học. Vì tuổi trẻ như chúng con rất thích học Phật Pháp. Nhưng chúng con chờ hoài mà sao không thấy quí Ngài hành động. Hay là quí Ngài chỉ rằng Phật độ người có duyên, có tuổi cao. Còn Như chúng con là người trẻ, chưa có duyên có tuổi. Mộng duvào lúc 09/06/2011 16:53 Gởi Bạn Daklak. DakLakvào lúc 09/06/2011 18:14 Gởi bạn Mộng Du! Chánh Trí Anvào lúc 09/06/2011 19:15 Thế hệ trẻ ngày nay rất tài giỏi và hiếu học, đào tạo các em am hiểu Phật pháp. Tương lai của các em sẽ thành đạt và yêu thương mọi người, hiếu nghĩa với cha mẹ... Mộng duvào lúc 09/06/2011 20:00 Gởi bạn Daklak Mộng duvào lúc 09/06/2011 22:58 Gởi bạn cntt. Chánh Khaivào lúc 10/06/2011 00:33 NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT. quannhuvào lúc 11/06/2011 08:17 tặng tác giả bài viết và quý vị, vì đọc được bài của tác giả, và những lời nhận xét, mà Quán Như đã đem tâm huyết của mình, cảm nhận lời dạy xưa trong lịch sử, và bài học hôm nay, mà phân tích những giá trị tồn tại, để qua đó phát hiện tầm quan trọng của mỗi cá nhân trong công việc hoằng pháp, để phát huy hết tài nguyên của cá nhân và mọi người. Tran Kim Liênvào lúc 11/06/2011 21:13 Xin cảm ơn ngòi bút rất hữu ích của tác giả và chúng con cũng xin đề nghị Chư vị Tôn đức nên quan tâm đến việc mở lớp hoằng páp cho cư sĩ Phật tử theo học để đáp ứng kịp thời khi thiếu nguồn nhân lực hoằng dương chánh pháp. Văn Khươngvào lúc 16/06/2011 00:14 Rất hoan nghênh và cảm ơn tác giả Nguyễn hữu Đức qua bài viết với những phân tích, nhận định rất xác đáng. Một bài viết có tính xây dựng rất cao. |