PHẬT GIÁO VÀ CỘNG ÐỒNG PHẬT TỬ Ở NƯỚC NGOÀI
Bùi Minh
---o0o---
Hiện nay, trên khắp các châu của địa cầu, Á, Âu, Mỹ, Phi, Úc, chỉ trừ châu Nam cực, ở đâu cũng có đồng bào Việt Nam chúng ta sinh sống. Số đồng bào đó có khoảng 2,3 triệu người, tức là cứ khoảng 100 người Việt, thì có đến 3 hay 4 người sống ở nước ngoài. Họ sống nhiều nhất ở các nước, mà về mặt tôn giáo, tôn giáo chính là Thiên Chúa giáo, dù rằng đó là Chính Thống giáo, hay Công giáo, Tin Lành, hoặc Anh Quốc giáo. Một số ít hơn thuộc ảnh hưởng Phật giáo. Một số ít nữa thuộc ảnh hưởng Ấn Ðộ giáo hay Hồi giáo.
Nói đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài thì đề tài rộng rãi quá, bao la quá, cho nên ở đây chúng ta đưa ra một số giới hạn.
Giới hạn thứ nhất là chúng tôi không nói đến số người Việt chỉ ở nước ngoài trong một thời gian ngắn, hoặc vì lý do du lịch, hoặc lý do học vấn, hay nghề nghiệp, để rồi có ngày về sống ở quê hương. Chúng tôi chỉ nói đến người Việt chọn nước định cư làm quê hương thứ hai.
Trừ một số ít người còn thì đa số đồng bào ta mới đến nước ngoài sau này. Họ gặp biết bao nhiêu điều mới lạ. Khiến họ hoang mang, ngỡ ngàng. Họ đã chứng kiến, phải đương đầu, phải thích nghi với bao điều không hề gặp ở nước nhà : Ở Việt Nam có bao giờ họ thấy tuyết rơi, có bao giờ họ thấy cái lạnh dưới 0 độ, hay cái nóng gay gắt ở miền xích đạo. Bên cạnh đó sự khác biệt đó về thiên nhiên, còn có sự khác biệt về xã hội : từ tổ chức hành chánh, đến văn hoá phong tục. Ở bên nhà đâu có cảnh trai gái ôm hôn nhau ở ngoài đường ? đâu có cảnh trai gái sống với nhau không hôn thú ? Ðâu có cảnh, cha mẹ sống cô độc trong tuổi già, không có con cháu bên cạnh, sớm thăm, tối viếng, trái với truyền thống của dân tộc : “Trẻ cậy cha, già cậy con” ? Ðối với người Phật tử, lại còn thêm một sự mất mát lớn : Không còn được nghe sáng, chiều, tiếng chuông chùa trầm hùng như nâng mình lên cảnh siêu thoát.
Trên kia, chúng ta chỉ kể qua một số ít điều khác biệt, một số ít điều mất mát. Nhưng trong đời sống thực tế hàng ngày, chúng ta còn gặp biết bao điều khác biệt khác nữa, còn thấy mất mát đi biết bao điều thân thiết khác nữa ?
Tất cả những khác biệt đó, những mất mát đó, đối với một số người, cơ chừng không vượt qua nổi, rồi đâm ra thất vọng , thở than:
“ Phương tây nào phải tây phương,
Tưởng cực lạc hoá ra cực nhục”
Cố luật sư Vũ Văn Huyền đã có lần tâm sự : “Con cái tôi có hiếu, tôi không phải gặp nghịch cảnh gia đình, nhưng đời sống ở đây (ở Pháp) không thích hợp với tôi.” Là một luật sư nổi tiếng, là một người được đào tạo trong văn hóa Pháp, cố luật sư còn thấy khó khăn, huống chi bao người khác.
Tất nhiên là đời sống ở nước ngoài không phải chỉ có toàn chướng ngại, mà còn rất nhiều thuận lợi. Nhưng ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến những điều khó khăn, trở ngại mà đồng bào chúng ta gặp phải. Ðó là hạn chế thứ nhì.
Hạn chế thứ ba là trong đại cộng đồng người Việt ở nước ngoài, bên cạnh những người không tôn giáo, còn có những người có tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Hòa Hảo, Cao Ðài, Phật giáo thì ở đây chúng tôi chỉ nói đến cộng đồng Phật tử. Và trong cái cộng đồng Phật tử này chỉ nói đến cộng đồng Phật tử tại Pháp, vì lẽ chúng tôi tương đối hiểu biết cộng đồng này hơn, dù rằng những vấn đề mà Phật tử Pháp gặp phải, và giải pháp để đối phó, có lẽ cũng là những giải pháp tương tự.
Vấn đề mà chúng tôi mạn phép đưa ra ở đây là : Phật giáo giúp đỡ gì cho sự hội nhập của những người Phật tử.
Trong số những vấn đề mà cộng đồng người Việt, và cách riêng cộng đồng Phật tử ở nước ngoài còn gặp phải, có hai loại :
Một loại chỉ thuộc riêng cho người nước ngoài, loại nữa, là những vấn đề không phải chỉ riêng người nước ngoài gặp phải, mà nó còn là những vấn đề của dân bản địa.
Trước tiên chúng tôi trình bày những vấn đề, mà chỉ riêng cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng Phật tử gặp phải.
Vấn đề nổi cộm, đập trước mắt, là tự cảm thấy xa lạ, bơ vơ, lạc lõng, mất sở thủ, mất phương hướng, không còn lòng tự tin trong một môi trường xa lạ, dù không nhất thiết là thù nghịch.
Ðứng trước tình huống đó, chúng ta có ba thái độ khác nhau : hoặc tẩy chay bằng cách tự cô lập, Kiều Bá Di, Thúc Tề tẩy chay nhà Chu ? Hoặc ra sức đồng hóa hoàn toàn với người dân bản địa, từ cách ăn mặc, đến cách suy nghĩ, “không thèm nói tiếng Việt, không thèm học tiếng Việt” với tồn tại nếp suy nghĩ, “nôm na là cha mách qué”, để mà đổi tên, đổi họ, nhuộm tóc cho vàng, sửa mũi cho cao, để rồi bảo rằng: “Tổ tiên chúng ta là người Gô Loa”.
Hai giải pháp đó có thể thực hiện được không ?
Giải pháp thứ nhất chỉ dẫn đến chỗ tự sát.
Giải pháp thứ nhì cũng thất bại. Cộng đồng người Việt sẽ loại bỏ và khinh miệt chúng ta, cùng lắm là thương một kẻ lạc lối mất gốc. Cộng đồng người Pháp cũng không thừa nhận chúng ta là một phần tử chính thống của họ, giống như cơ thể không chịu nhận một sự xâm nhập lạ vào đó. Chúng ta trở thành một con dơi, phi cầm, phi thú.
Thế thì, theo chúng tôi, chúng ta chỉ còn giải pháp thứ ba : Vừa hội nhập vào đời sống nước Pháp, vừa giữ được bản sắc của mình để chống lại nghịch cảnh, nói như Ðức Không Tử : Chúng ta “ hoà mà đồng”. Chúng ta chọn giải pháp trung đạo này trong hai giải pháp cực đoan trên kia, là tẩy chay và đồng hóa.
Mà muốn giữ bản sắc của mình, chúng ta phải hội đủ ít nhất hai điều kiện : Ðiều kiện tiên quyết là phải có bản sắc, điều kiện thứ nhì là tự tin, tự hào rằng bản sắc đó là tốt đẹp.
Vậy thì người Phật tử có bản sắc không ? Hay nói cách khác, Phật giáo có bản sắc không ?
Trong bốn tôn giáo lớn hiện nay, là Aán giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Phật giáo, thì Phật giáo có một điểm nổi bật khác hẳn ba tôn giáo kia. Ðó là, trong ba tôn giáo kia đều là tôn giáo thần quyền, tôn thờ một thượng đế sáng tạo vũ trụ, Phật giáo trái lại, không công nhận điều đó. Vì thế có người cho rằng Phật giáo không phải là một tôn giáo, vì theo quan niệm truyền thống phương tây đã là tôn giáo thì phải công nhận một thượng đế sáng tạo. Nếu hiểu biết tôn giáo như thế thì rõ ràng Phật giáo không phải là tôn giáo. Nhưng nếu hiểu tôn giáo là một tín thuyết cho rằng đời sống con người không chấm dứt trong nấm mồ sau khi chết, thì Phật giáo cũng là một tôn giáo như ba tôn giáo kia. Dù thế nào đi nữa bảo rằng Phật giáo là một tôn giáo thì cũng không thêm gì cho Phật giáo, mà bảo rằng Phật giáo không phải là một tôn giáo, thì cũng không bớt cái gì cho Phật giáo. Trước sau thì Phật giáo vẫn là Phật giáo. Nhưng ở đây vì thói quen thông thường chúng tôi xem Phật giáo là một tôn giáo.
Ðiểm nổi bậc khác nữa là trong lịch sử truyền giáo của mình đạo Phật không dùng vũ lực để cưỡng bức, không dùng tiền bạc cơm áo để mua chuộc, dụ dỗ. Có người làm ra vẻ đa nghi và bảo : Phật giáo không dùng vũ lực vì Phật giáo không có khí giới, không có binh lính; Phật giáo không dùng tiền bạc, cơm áo, vì Phật giáo nghèo. Các tu sĩ Phật giáo há không tự xưng là “bần tăng” đó sao. Giá Phật giáo có đủ vũ lực, có thừa tiền bạc thử xem.Theo ý những người này, Phật giáo không dùng tiền bạc để dụ dỗ, không dùng vũ lực để ép buộc, chinh phục, chỉ vì Phật giáo không có hai thứ đó.
Ðể giải tỏa nghi ngờ này, chúng tôi chưng dẫn một bằng chứng lịch sử.
Vào những năm 260, 250 trước kỷ nguyên Gia Tô, Ấn Ðộ có một ông vua hùng tài là A Dục (Acoka). Trước khi biết đạo Phật, ông là một hôn quân bạo chúa, chuyên đi chinh phạt. Nhưng từ khi biết đạo Phật, thành Phật tử, ông trở nên hiền lành, đạo đức, từ bỏ mọi hành vi gian ác, chuyên làm việc thiện.
Ngay ở nước ta, vào hai thời đại Lý Trần, Phật giáo rất thịnh đạt. Dù thế Phật giáo không uy hiếp ai, cưỡng bức ai theo đạo Phật. Hai giáo khác là Lão và Khổng vẫn tự do pháy triển.
Truyền thống của Phật giáo là chỉ truyền giáo bằng chính hình ảnh, chính đời sống của Ðức Phật, bằng giáo lý Ðức Phật và bằng đời sống cao đẹp của người truyền giáo.
Thuở Phật còn sinh thời, một đệ tử của Phật, ngài Phú Lâu Na, đi truyền giáo ở một vùng xa lạ. Phật hỏi ông, nếu người xứ đó chửi mắng ông, đánh đập ông, thậm chí sát hại ông, thì ông nghĩ sao, ông có oán trách họ không ? Ông trả lời, không những ông không oán trách họ mà ông còn cám ơn họ.
Ngoài ra, Phật giáo cũng có những tự viện, những phương pháp tu hành, những tu sĩ, những tín đồ, những kinh điển, mà mục lục của nó, năm 1930, đã in hơn 1500 trang sách, khiến cho nhiều người choáng ngợp. Như thế, rõ ràng đạo Phật có một bản sắc riêng biệt, không thể lầm lẫn với tôn giáo khác.
Chúng ta trả lời dứt khoát là có. Ðạo giáo chúng ta được sáng lập bởi một con người vốn cũng chỉ là người như chúng ta, nhưng là một con người vĩ đại, nhờ tu hành mà diệt trừ mọi xấu xa, tham sân si, một con người gồm đủ bi, trí, dũng, mà thành Phật, đấng giác ngộ hoàn toàn.
Chúng ta tự hào, không phải vì đức Phật là một tiên tri, không phải vì đức Phật là con một thượng đế. Mà chỉ vì đức Phật là một người giác ngộ.
Chúng ta đều biết rằng đứng trước cái khổ, sinh, già, bệnh, chết mà muôn loại phải chịu đựng, đức Phật quyết tâm tìm đường diệt khổ, và Ngài đã tìm ra. Cho nên chúng ta tự hào không những về đời sống cao đẹp của giáo chủ chúng ta, mà còn vì giáo lý đúng sự thật của Ngài, do Ngài phát hiện ra, chứ không phải sáng tạo ra.
Tất cả triết lý của đạo Phật đặt nền móng trên thuyết nhân quả, nghĩa là không có cái gì tự nhiên mà có, mà nó có do nhiều nguyên nhân hợp thành tạo ra nó.
Ðạo lý này nếu xét theo chiều dọc thời gian thì là đạo lý Vô thường, xét theo chiều ngang không gian, thì là đạo lý Vô ngã.
Không Vô thường sao được, để cho có trái, hoa không còn là hoa ! Nhưng cũng cần lưu ý rằng, nếu chỉ có hoa không thôi, thì không thể thành trái được. Ðể cho trái, hoa cần kết hợp với nhiều nhân khác nữa như nước, như không khí, như ánh sáng...
Hoa cho trái, nhưng để có hoa thì cũng cần nhiều nguyên nhân tạo thành nó. Cứ ngược dòng thời gian n hư thế, nhân này lại cho nhiều nhân khác tạo nên nó. Mà đã có nhân thì có quả. Hoa sinh trái, trái lại sinh cây. Vậy quả lại thành nhân. Thế thì quả là quả của nhân có trước nó, và nhân của một quả có sau nó. Như thế, nhân của cái quả thì vô thỉ, mà quả của cái nhân thì vô chung..
Chúng ta vừa nói, muốn có quả thì phải có nhiều nguyên nhân tạo thành nó. Vậy thì không có cái gì độc lập tồn tại, mà phải nương náu vào nhau mà tương sinh, tương thành, đó là đạo lý Vô ngã. Ðạo lý này được diễn tả tuyệt vời trong Kinh Hoa Nghiêm với thuyết pháp giới trùng trùng duyên khởi : một là tất cả, tất cả là một. Một cái búng tay cũng chuyển động thế giới ba nghìn. Cả vũ trụ ba nghìn cũng biểu hiện trong một mảy lông mùa thu. Lời của đức Khổng Tử “một lời nói có thể đựng nước, một lời nói có thể mất nước” (nhất ngôn khả dĩ hưng bang, nhất ngôn khả dĩ táng bang) có cái gì tương tự. (Cũng tương tự như thế, khi ErnstMach cho rằng trong khối một vật, lực quan tính của nó, sức cản của nó chống lại chuyển động là kết quả của ảnh hưởng toàn thể vũ trụ đối với nó (Trịnh Xuân Thuận, La mélodie secrète, tr. 337)
Sự vật đã vô thường thì không thể vô ngã : không vô ngã sao được khi nó luôn luôn biến đổi hủy diệt, đâu còn cái gì là ngã, mà đã vô ngã thì không thể không vô thường: không vô thường sao được khi nó do cái khác nhau tạo thành ? Mà như chúng ta đã nói trên kia, đạo lý Vô thường là đạo lý Nhân quả xét theo chiều thời gian, đạo lý Vô ngã là đạo lý Nhân quả xét theo chiều không gian. Vậy thì không gian, không tách rời khỏi thời gian, thời gian không thể tách rời khỏi không gian. Mà cả hai kết hợp lại thành một thể thống nhất :Không-thời-gian.
Ðạo lý Vô thường, Vô ngã là nguồn gốc của đau khổ, của luân hồi sinh tử, mà cũng là nguồn gốc của giải thoát niết bàn. Nguồn gốc của đau khổ là vì lẽ, đời là vô thường, vô ngã, mà chúng ta cứ tưởng, cứ mong muốn nó là thường, là ngã, và sống mê muội trong tà kiến đó.
Nguồn gốc của giải thoát là vì nếu không vô thường thì Tất Ðạt Ða, làm sao thành Phật được; nếu không vô ngã thì làm sao chúng ta có quan hệ với tha nhân để thực hiện đức từ bi, một đức cần thiết cho thoát.
Nhưng đạo lý nhân quả không đơn giản, do đó có người không chấp nhận nó, hoặc hiểu lầm nó, lẫn lộn nhân quả, lấy nhân làm quả, lấy quả làm nhân. Một bậc đại trí như đức Lão Tử mà cũng phạm phải sai lầm này khi ngài chỉ trích đức Khổng Tử mà bảo rằng chính nhân nghĩa đã làm cho xã hội loạn lạc, nát bét. Ngài đã đảo lộn nhân quả. Chính vì xã hội loạn lạc nát bét mà người ta cần cầu đến nhân nghĩa, chứ đâu phải ngược lại, nhân nghĩa làm cho xã hội nát bét. Cũng vì không biết đạo lý Nhân quả, mà con người đã tự gây lấy cho mình, hay gây cho đồng bào, đồng loại biết bao tai ương, họa hoạn. Chúng ta bảo rằng đức Phật có cả hai đức từ bi và trí tuệ. Hai đức này bổ xung cho nhau, không thể thiếu nhau.
Từ bi mà không trí tuệ thì sẽ tác hại, như một bà mẹ thương con không đúng cách, nuông chiều theo mọi sở thích của nó, chỉ là làm hại nó.
Trí tuệ mà không từ bi thì cũng tác hại ví như nhờ trí tuệ mà các tiến bộ khoa học kỹ thuật hình thành. Nếu không từ bi mà sử dụng các tiến bộ đó thì sức tàn phá sẽ vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Ví như sử dụng năng lượng hạt nhân. Nếu sự dụng này với sự chỉ đạo của lòng từ bi, thì lợi ích thật vô cùng, nhưng nếu như dưới sự chỉ đạo của ác tâm, thì tai họa cũng không lường được.
Từ bi không trí tuệ như người có tim mà không óc; trí tuệ mà không từ bi thì cũng như người có óc mà không tim.
Tuy nhiên có từ bi trí tuệ vẫn chưa đủ, nếu không có dũng để thực hiện nó. Biết bao người, từ bi có, trí tuệ có, nhưng vì không có dũng nên chùn lại trước mọi khó khăn, nên không làm được gì. Ðức Phật ngoài bi trí, lại còn có dũng. Chíng nhờ đức dũng mà Ðức Phật từ bỏ đời sống xa hoa vật chất uy quyền mà mọi người ham muốn, chưa có tìm muôn phương nghìn cách để đạt cho có, có rồi thì mọi cách để giữ cho được. Cũng chính nhờ có đức dũng mà đức Phật chống lại mọi tư tưởng sai lầm đương thời đang thống trị xã hội, và đi tìm chân lý.
Nhưng cái dũng nơi đức Phật là cái dũng của bậc thánh nhân chứ không phải cái dũng của người anh hùng. Nghĩa là cái dũng của bậc chiến thắng mọi thói hư, tật xấu, mọi ý kiến sai lầm chất chứa từ lâu đời nơi mình, chứ không phải cái dũng của kẻ chiến thắng kẻ khác; và theo Kinh Pháp Cú:
“Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch
Chẳng bằng tự thắng mình
Thắng mình là cao nhất”
(Pháp cú câu 103, theo bả dịch của Hòa Thượng Thiện Châu)
Cũng là cái dũng mà đức Khổng Tử gọi là “Nam phương chi cường” (cái mạnh cái dũng của phương Nam) của người quân tử đối với “Bắc phương chi cường” (cái dũng của người phương Bắc) của kẻ dũng sĩ.
Thế nào là cái mạnh, cái dũng của phương Bắc, thế nào là cái mạnh cái dũng của phương Nam ?
Theo đức Khổng Tử, cái mạnh cái dũng của phương Bắc (của người Mông Cổ ? Người Mãn Châu ?) là cái dũng của kẻ “bắt cọp dữ rồi lội qua sông”, cái mạnh, cái dũng của phương Nam (của người Hán ?) là khoan hòa nhu thuận, không trả thù chống lại kẻ vô đạo.
Và lẽ tất nhiên đức Khổng Tử chọn cái dũng của phương Nam.
Và cũng lưu ý ở đây đức Khổng Tử không sử dụng từ tiểu nhân để đối lập với từ quân tử, mà dùng từ “cường giả”.
Vậy thì bi, trí, dũng, kết hợp nhau lại tạo nên một cái kiềng ba chân. Thiếu một chân, kiềng sẽ ngã, mà cũng không còn phải là kiềng nữa. Tự hào về đức Phật, về giáo lý của Ngài là một điều cần thiết cho người Phật tử. Người công dân của một nước có tự hào về những người anh hùng, về văn hóa của dân tộc mình thì mới tin tưởng vào tương lai của dân tộc mình; để mà vượt mọi chông gai, trở ngại. Người tín đồ của tôn giáo có tự hào về giáo chủ mình, về giáo lý của đạo mình, thì mới không bị các ngoại thuyết lung lạc. Trong ba mươi bảy đạo phẩm, thì đức tin là một đạo phẩm nằm trong năm căn và năm lực; tín, tấn, niệm, định, huệ.
Tương tự thế, đức Khổng Tử cũng có nói : “Người mà không có đức tin sẽ không biết làm gì. Cỗ xe lớn không có càng, cỗ xe nhỏ hông có gọng, thì làm sao chuyển (nhân nhi vô tín bất tri kỳ khả dã, đại xa vô nghê, tiểu xa vô ngột kỳ hà dĩ hành tri tai) trong cuộc sống, đức tin cần cho chúng ta như la bàn cần cho người thủy thủ khỏi mất phương hướng giữa phong ba bão táp trong đại dương mênh mông. Ðặc biệt, niềm tin vững chắc nơi đức Phật, nơi đạo Phật cần thiết cho người Phật tử giữa một nơi xa lạ, một nơi không cùng tín ngưỡng, để cho mình tự tin nơi mình trong cuộc sống. Và tin vào đạo Phật cũng là tin vào dân tộc mình vì đạo Phật là đạo đa số người Việt Nam.
Giáo chủ chúng ta vĩ đại như vậy, đạo gíao chúng ta vừa cao siêu, vừa thực tế như vậy, thế mà cũng có một số người bỏ đạo, hay cải đạolà vì sao ?
Trước hết có những người không hiểu đạo mình. Lỗi tại ai ? Cả tập thể và cá nhân chia phần trách nhiệm.
Kế đó, có người bỏ đạo, vì áp lực vật chất hay tinh thần, đặc biệt ở những nước toàn thủ, không bao dung tôn giáo và có những người bảo “nhập gia tùy tục, đáo gia tùy khúc “ (vào nhà người, sinh hoạt theo họ, gặp con sông, theo khúc quanh của nó). E họ hiểu lầm câu ngạn ngữ, vì tôn giáo không phải là một tập tục, không phải là một khúc sông.
Và cũng vì áp dụng sai câu ngạn ngữ này, mà có người bày ra “thiền ôm” vì họ thấy người tây phương ôm nhau để biểu lộ tình cảm. “Thiền ôm” là chỉ một sản phẩm phi Phật giáo, vì Phật giáo chủ trương viễn ly. Tác giả nó có lẽ chỉ nghĩ đến “tùy duyên” mà quen nghĩ đến bất biến”. Mà tùy duyênvà bất biến là hai vế gắn liền nhau, không thể rời nhau ra hai cực của một thanh nam châm.
Tình cảm nào, niềm tin nào cũng cần có sự khuyến khích, nâng đỡ của tập thể, nếu không nó sẽ yếu đuối đến chỗ chết dần, chết mòn vì con người mang trong nó xã hội tính. Rời xã hội con người không thể sống, không thể tồn tại, không thể phát huy được năng lực của mình.
Do đó một ngôi chùa, một niệm Phật đường, thật là hữu ích. Ngôi chùa mái cong, tượng Phật từ bi, tiếng tụng niệm đầy đạo vị, tiếng chuông trầm hùng, tiếng mõ u mặc, đã giúp chúng ta khuyến khích lẫn nhau, cùng nhau tâm sự. Do đó, chùa phải là nơi thanh tịnh trang nghiêm, không phải là nơi bàn chuyện áp phe. Các tu sĩ phải là những người giới hạnh tinh nghiêm, khiêm nhường, không khoe trương buồn cười kiểu “Thượng Tọa Tiến Sĩ”. Ghi thêm bằng cấp sau đạo hiệu, sau mấy chữ “đại đức,” “thượng tọa,” “hòa thượng “ không tăng thêm giá trị gì cho một tu sĩ, mà còn trở thành một chuyện rởm, ngớ ngẩn, buồn cười. Người đời vì nhu cầu nghề nghiệp mà trình bằng cấp ra, chứ đâu nó có tăng gì cho tư cách của họ, huống chi là cho một tu sĩ. Có người cho rằng tu hành là một việc riêng của bản thân, không dính lứu gì đến chùa chiền, không dính lứu gì đến tập thể. Khi nói thế, là họ quên, hay klhông biết ảnh hưởng to lớn của hoàn cảnh. Cho nên nơi nào có điều kiện, nên lập một thiền đường hay một ngôi chùa.
Trên kia chúng ta nói đến những vấn đề mà người nước ngoài gặp phải khi sống trong một môi trường xa lạ cùng giải pháp đối phó. Bây giờ chúng ta nói đến vấn đề chung, nghĩa là những vấn đề không riêng gì của người nước ngoài, mà cũng là những vấn đề của người bản địa, cùng thái độ của đạo Phật trước các vấn đề đó.
Vấn đề thì có quá nhiều, ở đây chúng tôi chỉ nói đến mấy vấn đề nổi bật:
-Vấn đề bảo vệ môi sinh
-Vấn đề phá thai
-Vấn đề kỳ thị chủng tộc
-Vấn đề căng thẳng thần kinh.
1.Vấn đề bảo vệ môi sinh.
Vấn đề này gồm mấy vấn đề nhỏ :
-Tàn phá rừng rú thực vật
-Hủy diệt các loại động vật
-Ô nhiễm môi trường
Ðứng trên quan điểm nhà Phật, đời sống con người gắn liền với ngoại cảnh, chủ thể không thể tách rời với khách thể. Con người không thể tách rời thiên nhiên mà tồn tại. Mà sự thực là như vậy. Rừng rú là lá phổi của con người, nó thanh lọc làm cho bầu khí quyển trong sạch. Nó giữ lại nước trong mùa mưa để tránh lụt lội, và cung cấp nước khi hạn hán để xử dụng.
Ðạo Phật là một đạo bảo vệ sự sống, đề cao sự sống không những của loài người mà còn của các loài khác. Phật giáo không chủ trương rằng loài vật là thực phẩm của loài người. Nhưng vì nghiệp báo, chúng ta thác sinh vào một cảnh giới mà sự sống của loài này xây dựng trên sự chết của loài khác, thì chúng ta nếu không tránh được giới sát cũng nên hạn chế tối đa sự giết chóc đến mức “cần thiết”. Ðừng lấy sự săn bắn, sự đi câu làm trò giải trí. Một người không chủ trương giới sát như Mạnh Tử, khi chủ trương về mặt xã hội như sau: “người già cả được mặc lụa, được ăn thịt” (lão giả ý bạch thực nhục) mà còn bảo: “thấy” (một con vật) sống không nhẫn tâm thấy (nó) chết” (kiến kỳ sinh bất nhẫn kỳ tử). Do đó người Phật tử tán thán việc làm của nữ tài tử Brigitte Bardot chống lại sự giết chóc bừa bãi loài vật. Nhưng có lẽ những nhà môi sinh chủ trương bảo vệ loài vật chính vì để bảo vệ loài người, trái lại Phật giáo chủ trương bảo vệ loài vật, là chính vì loài vật.
Xã hội công nghiệp đã làm ô nhiễm môi trường bằng nhiều cách, do các chất ô nhiễm mà nó thải ra, từ nhà máy, từ xe cộ, từ các vật phế thải khác, mà khủng khiếp hàng đầu là ô nhiễm do các vũ khí dùng trong chiến tranh, và đặc biệt, như bom nguyên tử, Mỹ dội xuống nước Nhật bản, hay vũ khí hóa học Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam. Ngoài tác dụng sát hại lớn lao tức thời, di độc tai họa của chúng còn kéo dài triền miên mãi về sau.
Một trong những từ mà chúng ta thường gặp trong sách vở nhà Phật là từ “thanh tịnh”, nghĩa là trong sạch, trong sạch trong tâm cũng như ngoại cảnh. Trong các tông phái Phật giáo, có tông Tịnh Ðo chỉ đường cho coin người về cõi Tịnh Ðộ, cõi trong sạch không có ô trọc, ô nhiễm.
2.Vấn đề phá thai.
Theo nhà Phật, thì khi một tinh trùng gặp một noãn tử, mà không có thần thức thì không thể có bào thai, vì noãn tử và tinh trùng mới chỉ là phần vật chất. Ðể thành một bào thai, cần phải có phần thần thức can dự vào. Nhưng thần thức can dự vào lúc nào ? Nó can dự ngay vào lúc tinh trùng và noãn tử gặp nhau. Vì thế phá thai là một hành động sát nhân.Có người cho rằng cần một thời gian thai nhi mới thành. Vậy phá thai trước thời gian đó không phải là hành vi sát nhân vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Nhưng theo hình luật, khi một yếu tố cấu tạo thành tội phạm còn nghi ngờ, luật pháp cho người bị xử án được hưởng sự nghi ngờ đó, nghĩa là coi yếu tố nghi ngờ đó như là không có, thì tại sao chúng ta không cho phôi thai hưởng sự nghi ngờ đó, nghĩa là xem như phôi thai đã là một sinh mệnh ngay sau khi noãn tử và tinh trùng gặp nhau ?
3.Vấn đề kỳ thị chủng tộc.
Dĩ nhiên đồng bào chúng ta ai cũng là nạn nhân của sự kỳ thị này, vì họ đến nước ngoài không với tư cách là kẻ xâm lăng, kẻ thống trị, coi người dân bản địa như rơm rác, như nô lệ. Mà chính người dân bản địa cũng là nạn nhân, vì họ thấy xấu hổ nhục nhã vì thái độ kỳ thị của một số đồng bào họ. Họ không thể không nhớ đến một tai họa khủng khiếp do nạn kỳ thị chủng tộc của chế độ Ðức quốc xã gây ra cho thế giới và cho chíng đất nước họ. Quan điểm của Phật giáo như thế nào về vấn đề này ? Phật giáo phân chia thế giới chúng sinh ra sáu cõi: Trời, Người, A Tu La, Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc sinh. Chúng sinh vì cộng nghiệp nào thì thác sinh vào cảnh giới đó. Loài người chúng ta lấy thế giới này làm y báo, vì chúng ta có cùng chung cộng nghiệp người. Thế thì vì lý do gì mà chúng ta phân biệt nhau, coi thường nhau ? Ðiều đáng buồn là trong số đồng bào Phật tử chúng ta, vì bị “nhiễm độc” mà có người cho rằng sự kỳ thị chủng tộc là một sự tự nhiên, nếu không thì tại sao lại có người da trắng, người da màu; họ quên rằng trắng cũng là một thứ màu như các thứ màu khác. Hoặc họ a dua, họ nịnh bợ người dân bản địa để cầu sự an thân theo kiểu tru theo chó sói, mà bảo rằng dân tộc này là đáng ghét, dân tộc nọ là đáng khinh, và gọi người Ả Rập là “Rệp” với giọng khinh bỉ, mà không biết rằng có một thời có người gọi người Việt ta là “Mít” (annamite) với giọng kỳ thị.
4.Vấn đề cuối cùng mà chúng tôi muốn nói ở đây là vấn đề căng thẳng thần kinh.
Ðời sống ở các nước công nghiệp nói chung, cũng như ở nước Pháp nói riêng, thật là vội vã gấp gáp, không có vẻ thung dung, chậm rãi như ở các nước nông nghiệp. Ngoài đường người ta vội vã như chạy. Ở xí nghiệp, người ta vội vã sản xuất cho thật nhanh, cho thật nhiều. Người ta vội vã kiếm cho thật nhiều tiền để mua cho bằng được một số quần áo, đúng thời trang, một cái xe hơi, nếu không đẹp hơn thì cũng bằng bộ quần áo cái xe của người bên cạnh.Người ta thấp thỏm lo âu, đau khổ trước nạn thất nghiệp do máy móc cướp đoạt việc làm của con người. Ðã thế, phim ảnh ở rạp chiếu bóng, đài truyền hình, mang tính chất thương mại, chiều bản năng thấp kém con người nên đầy dẫy hình ảnh bạo động, khích dâm. Tất cả những điều đó chỉ khiến cho thần kinh con người căng thẳng. Phương pháp thiền của nhà Phật có thể góp phần trị liệu chứng căng thẳng thần kinh đó. Tất nhiên mục đích cứu cánh của thiền không phải là làm dịu thần kinh, mà là mục đích, cứu cánh của nó là đưa hành giả đến giác ngộ, đến giải thoát. Nhưng chúng ta có thể xem thần kinh êm dịu cũng là một phần, là bước đầu của giải thoát. Thiền cũng không giải quyết được cho chúng ta nạn thất nghiệp, cũng không đem lại cho chúng ta tiền bạc để mua sắm quần áo xe hơi. Nhưng thiền đem lại cho ta sự kinh an, sự bình tĩnh, sự minh mẫn, để mà phân tích cội nguồn vấn đề mà tìm phương giải quyết, vì rằng hiểu rõ một vấn đề là giải quyết được một nửa vấn đề.
Sống ở xứ người, xa chùa chiền, xa quê hương, phải chịu nhiều nỗi bỡ ngỡ, lạc lõng, nhất là những ngày đầu tiên, chúng ta dễ mất tự tín ở chính mình.
Phật giáo và những đồng đạo, tăng sĩ cũng như cư sĩ, giúp ít cho chúng ta không ít, đem lại cho chúng ta niềm tự tín trong cuộc sống mới.
Bùi Minh.
---o0o---
Vi tính : Nguyệt Cung Diệu Thanh