Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tuệ Giải Thoát

02/05/201908:16(Xem: 7223)
Tuệ Giải Thoát
duc the ton 2
TUỆ GIẢI THOÁT
Tâm Tịnh cẩn tập



Vì thương xót hết thảy hữu tình phải chịu phiền não, đau thương do tham ái mà bị trôi dài trong bể khổ sinh tử luân hồi, Đức Phật hiện ra ở đời để lại cho thế gian vô số pháp môn tu tập, tùy theo căn cơ, sở trường và hoàn cảnh của mỗi chúng sanh mà chọn lựa pháp hành thích ứng để tu tập nhằm chuyển hóa nỗi khổ và niềm đau thành an lạc, giải thoát, niết bàn. Chư pháp của Thế Tôn được ví như những thang thuốc tùy bệnh mà bốc thuốc. Trong số đó, Tuệ quán vô thường, khổ và vô ngã của tất cả pháp, qua đó hành giả quán tánh ly tham, quán tánh đoạn diệt, quán tánh xả ly của tất cả pháp, là pháp “tối thượng” và vi diệu ‘nhất’ vì nếu hành giả thường xuyên hành trì sẽ ‘chứng đạt’ Tuệ Giải Thoát, vị ấy sẽ đoạn tận mọi kiết sử, không còn khổ đau, phạm hạnh đã thành, chánh trì giải thoát, là bậc A-La-Hán.

Bài kết tập này tập trung tìm hiểu những vấn đề liên quan về Tuệ Giài Thoát trên nền tảng giáo điển của Nikaya (Pali tạng) ngõ hầu giúp quý đạo hữu phần nào có cái nhìn sâu sắc và chi tiết về thuần quán: Tuệ quán vô thường, khổ và vô ngã của hết thảy pháp. Những vấn đề chính cần được triển khai như sau: Thế nào là Tuệ Giải Thoát? Làm sao có được Trí Tuệ Giải Thoát? Những hành giả với Tuệ Giải Thoát có thần thông lực hay không?

  1. 1.     Thế nào là tuệ giải thoát?

Có thể hiểu hành giả chứng được tuệ giải thoát là người đã thành thục pháp hành thuần quán về tất cả pháp đều vô thường, khổ và vô ngã, và từ đó nhàm chán và ly tham tất cả pháp, đạt được cứu cánh giải thoát, an ổn mọi khổ ách, như đã được Thế Tôn chỉ dạy cho tân Tỷ kheo Susìma trong bài kinh số 70 Tương Ưng Nhân Duyên thuộc Tương Ưng Bộ:

Tân Tỷ kheo Susīma hỏi Phật về Tuệ Giải Thoát vì Susìma phân vân khi được nghe nhiều Tỷ-kheo trước mặt Thế Tôn đã tuyên bố chánh trí như sau: “Chúng tôi biết rõ rằng: 'Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.” và họ nói với Susìma: “Chúng tôi đã chứng được Tuệ Giải Thoát”.

Sau đây là lời dạy của Đức Thích Tôn:

Rồi Tôn giả Susīma từ chỗ ngồi đứng dậy và đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, Tôn giả Susīma trình bày lên Thế Tôn tất cả câu chuyện với các Tỷ-kheo ấy.

—Này Susīma, trước hết là trí về pháp trú, sau là trí về Niết-bàn.

—Bạch Thế Tôn, con không hiểu được ý nghĩa một cách rộng rãi lời nói vắn tắt này của Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, lành thay nếu Thế Tôn nói lên cho con để con có thể hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi, lời nói vắn tắt này của Thế Tôn!

—Này Susīma, dù cho ông có biết hay ông không có biết, trước hết là trí về pháp trú, sau là trí về Niết-bàn. Này Susīma, ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?

—Là vô thường, bạch Thế Tôn?

—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

—Là khổ, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi chúng ta quán vật ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Thọ là thường hay vô thường?

—Vô thường, bạch Thế Tôn.

—Tưởng là thường hay vô thường?

—Vô thường, bạch Thế Tôn.

—Các hành là thường hay vô thường?

—Vô thường, bạch Thế Tôn.

—Thức là thường hay vô thường?

—Vô thường, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

—Là khổ, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu chúng ta quán vật ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Do vậy, này Susīma, cái gì thuộc sắc pháp quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả sắc pháp cần phải được quán như chơn như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

Cái gì thuộc thọ quá khứ, vị lai hay hiện tại… (như trên)…

Cái gì thuộc tưởng quá khứ, vị lai hay hiện tại… (như trên)…

Cái gì thuộc hành quá khứ, vị lai hay hiện tại… (như trên)…

Cái gì thuộc thức quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả thức cần phải quán như chơn với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

Này Susīma, thấy như vậy, vị Đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Này Susīma, ông có thấy chăng: “Do duyên sanh, già chết sanh khởi”?

—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Rõ ràng đoạn kinh văn trên trước hết Đức Phật chỉ cho Hiền Giả Susìma: Trí về pháp trú - Trí hiểu biết về thật tánh của tất cả pháp hữu vi, ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là vô thường, khổ và vô ngã: không có tự tánh, sau đó lá trí niết bàn: quán tánh ly tham, quan tánh tánh đoạt diệt, và giải thoát.

  1. 2.     Pháp hành trì đế chứng được Tuệ Giải Thoát

2.1 Thường xuyên hành trì thuần quán:

Tất cả các pháp đều bình đẳng, không hơn, không kém vì tất cả pháp hữu vi đều vô thường, khổ và vô ngã, thường quán niệm như vậy cho nên hành giả không chấp thủ một pháp nào. Do không chấp trước, nên không phiền não, do không phiền não, hành giả tự chứng niết bàn như lời dạy của Tôn Sư trong bài kinh số 37 Đoạn Tận Ái Giải Thoát thuộc Trung Bô Kinh như sau:

Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn ở tại Savatthi (Xá-vệ), Đông Viên (Pubbarama), giảng đường Lộc Mẫu (Migaramatu).

Rồi Thiên chủ Sakka đến tại chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên. Thiên chủ Sakka đứng một bên, bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, nói một cách tóm tắt, đến mức độ nào, một Tỷ-kheo ái tận giải thoát, cứu cánh thành tựu, cứu cánh an ổn khỏi các khổ ách, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh viên mãn, bậc tối thắng giữa chư Thiên và loài Người?

-- Ở đây, này Thiên chủ, Tỷ-kheo được nghe như sau: "Thật không xứng đáng, nếu có thiên vị đối với tất cả pháp". Này Thiên chủ, nếu Tỷ-kheo được nghe như sau: "Thật không xứng đáng, nếu có thiên vị đối với tất cả pháp", vị ấy biết rõ tất cả pháp. Sau khi biết rõ tất cả pháp, vị ấy biết một cách rốt ráo tất cả pháp. Do biết một cách rốt ráo tất cả pháp, nếu có một cảm thọ nào, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy sống quán tánh vô thường, sống quán tánh ly tham, sống quán tánh đoạn diệt, sống quán tánh xả ly trong các cảm thọ ấy. Vị ấy nhờ sống quán tánh vô thường, sống quán tánh ly tham, sống quán tánh đoạn diệt, sống quán tánh xả ly trong các cảm thọ ấy, nên không chấp trước một vật gì ở đời; do không chấp trước nên không phiền não, do không phiền não, vị ấy chứng đạt Niết-bàn. Vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa". Này Thiên chủ, một cách tóm tắt, đến mức độ như vậy, một Tỷ-Kheo ái tận giải thoát, cứu cánh thành tựu, cứu cánh an ổn khỏi các khổ ách, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh viên mãn, bậc tối thắng giữa chư Thiên và loài Người.

Vị ấy nhờ sống quán tánh vô thường, sống quán tánh ly tham, sống quán tạnh đoạn diệt, sống quán tánh xả ly trong các cảm thọ: lạc, khổ, không lạc không khổ, thì vị ấy không còn chấp thủ một vật gì ở đời, và vị ấy tự chứng niết bàn: Rõ ràng Thế Tôn có ý nhắc nhỡ rằng trong đời sống những ai thường quan niệm như vậy sẽ được an ổn mọi khổ ách.

2.2  Chọn pháp môn tu hành phù hợp với căn cơ và sở trường và từ đó quán tánh vô thường, quán tánh ly tham, quán tánh đoạn duyện, quán tánh xả ly thọ lạc do hành trì kiên định pháp môn mình tu tập mang lại, như bài kinh “Bát Thành” số 52, Trung Bộ Kinh trong đó Ngài Anan đã chỉ ra mười một pháp bất tử: Tứ vô lượng tâm, tứ thiền hiện rại lạc trú và tam thiền tịch tịnh trú: khi hành giả thực hành thành tựu chỉ một pháp chẳng hạn trong Tứ vô lượng tâm, hành giả thành tựu chỉ một tâm như Từ tâm giải thoát tức là sân tâm không còn ngự trị trong tâm, hoặc Bi tâm giải thoá, tức là hại tâm không còn ngự trị trong tâm, Hỷ tâm giải thoát, thì bất lạc không còn ngự trị trong tâm, Xả tâm giải thoát, tức là tham tâm không còn ngự trị trong tâm; hoặc thành tựu sơ thiền vv; từ đây nhận biết Từ tâm giải thoát, Bi tâm giải thoát vv là pháp hữu vi nên vô thường, chịu sự hoại diệt, từ đó hành giả quán tánh ly tham, quán tánh đoạn diệt và quán tánh xả ly của những pháp này. Nhờ vậy, hành giả không còn chấp trước nên tự chứng niết bàn (52 Kinh Bát Thành, Trung Bộ Kinh, hoặc Mười Một Cửa Giải Thoát, Tâm Tịnh).

 

  1. 3.     Bậc Tuệ Giải Thoát có năng lực thần thông không?

 

3.1 Đức Phật không phủ nhận lời chỉ trích của du sỹ Vehhanassa về không có năng lực thần thông của một số Tỷ Kheo đã đoạn tận ái dục, phạm hành đã thành:

Một du sỹ ngoại đạo Vekhanassa, bộ tộc Kaccana phẫn nộ và bất mãn cho rằng có một số Sa-môn, Bà-la-môn không biết về quá khứ, không thấy về tương lai, nhưng các vị ấy tự cho: "Sanh đã diệt, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, từ nay không trở lại đời sống này nữa". Lời nói như vậy của họ tự chứng tỏ là đáng cười, tự chứng tỏ là nói suông, tự chứng tỏ là trống không, tự chứng tỏ là hư vọng”.

Đức Phật không phủ nhận lời chỉ trích của du sỹ Vekhanassa. Nhưng Thế Tôn nói: “hãy bỏ qua quá khứ, hãy bỏ qua tương lai. Hãy đến, người có trí không gian trá, không xảo quyệt, chơn trực và nói như sau: "Ta giảng dạy, ta thuyết pháp". Nếu thực hành theo điều đã dạy, thời không bao lâu người ấy tự biết mình, tự thấy mình: "Như vậy thật sự là đã giải thoát khỏi sự ràng buộc chánh, tức là sự ràng buộc của vô minh" (Kinh 80 Vekhanassa, Trung Bộ Kinh).

3.2  Năng lực thần thông không có đối với bậc Tuệ Giải Thoát như Kinh số 70 Susìma Tương Ưng Bộ

Thế Tôn không phủ nhận lời chỉ trích của du sỹ Vekhanassa vì đối với Tỷ Kheo chứng được Tuệ Giải Thoát thì không có năng lực thần thông như được giải thích rõ ở  Chương 12: Tương Ưng Nhân Duyên, vii Đại Phẩm, Kinh số 70 Susìma thuộc Tương Ưng Bộ:

Tân Tỷ kheo Susìma hỏi trực tiếp với các tỷ kheo chứng đạt Tuệ Giải Thoát về khả năng thần thông lực và được chư tỷ kheo trả lời là không trong những đoạn kinh tiêu biểu dưới đây:

—Có đúng sự thật chăng, chư Tôn giả ở trước mặt Thế Tôn đã tuyên bố chánh trí như sau: “Chúng con biết rõ rằng: 'Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa'”?

—Thưa có vậy, này Hiền giả.

Vậy có phải chư Tôn giả biết như vậy, thấy như vậy, nhớ được nhiều đời quá khứ. Như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy, chư Tôn giả nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết?

—Thưa không phải vậy, này Hiền giả.

—Vậy có phải chư Tôn giả biết như vậy, thấy như vậy, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Chư Tôn giả biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, làm những ác hạnh về lời nói, những ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, làm những thiện hạnh về lời nói, làm những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, các vị thấy sự sống chết của chúng sanh. Các vị biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ?

—Thưa không phải vậy, này Hiền giả.

—Vậy có phải chư Tôn giả biết như vậy, thấy như vậy, sau khi vượt khỏi Sắc giới, thân cảm xúc Vô sắc giới, an trú vào tịch tịnh giải thoát?

—Thưa không phải vậy, này Hiền giả.

—Hay ở đây, có phải chư Tôn giả vừa trả lời như vậy, vừa không chứng được các pháp này?

-Này Hiền giả, không có chứng được gì.

—Như thế nào?

—Thưa Hiền giả Susīma, chúng tôi chứng được tuệ giải thoát.

—Tôi không biết được ý nghĩa một cách rộng rãi lời nói vắn tắt này của chư Tôn giả. Lành thay nếu được chư Tôn giả nói lên cho tôi, để tôi có thể hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi lời nói vắn tắt này của chư Tôn giả!

—Này Hiền giả Susīma, dù cho ông có biết hay ông không biết, chúng tôi chứng được tuệ giải thoát.

Tân Tỷ Kheo Susìma đem vấn đề này đến trình bày Đức Thế Tôn, và sau khi được Đấng Thiện Thệ giải thích rõ Trí biết về pháp trú, trí về niết bàn (như đã trình bày ở trên), và hỏi Hiền Giả Susìma qua pháp thuần quán này các Tỷ Kheo chứng được Tuệ Giải Thoát có năng lực thần thông không?, thì được chính Samôn Susìma trả lời là không như đoạn trích sau:

—Nhưng này, biết như vậy, thấy như vậy, ông có chứng được các thần thông nhiều loại sai khác: Một thân hiện ra nhiều thân; nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim; với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy. Có thể sử dụng thân một cách tự tại cho đến cõi Phạm thiên?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Này Susīma, có phải biết như vậy, thấy như vậy, với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, ông có thể nghe hai loại tiếng, tiếng chư Thiên và tiếng loài Người, tiếng xa và tiếng gần?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Này Susīma, có phải biết như vậy, thấy như vậy, với tâm của mình biết được tâm của chúng sanh sai khác, của loài Người sai khác. Với tâm có tham, ông biết được tâm có tham… với tâm không giải thoát, ông biết được là tâm không giải thoát; với tâm giải thoát, ông biết được là tâm giải thoát?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Này Susīma, có phải biết như vậy, thấy như vậy, ông có thể nhớ được nhiều đời quá khứ sai khác. Như một đời… (như trên)… ông có thể nhớ được nhiều đời quá khứ sai khác cùng với các nét đại cương và các chi tiết?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Này Susīma, nhưng biết như vậy, thấy như vậy, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, ông có thể thấy các chúng sanh chết đi sanh lại… ông có thể biết các chúng sanh tùy theo hạnh nghiệp của họ?

3.3  Không thể có thần thông qua hai bài kinh của Trung Bộ Kinh số 70 Kìtàgiri và 52 Bát Thành

Kinh số 70- Kìtàgiri Đức Phật đề cập và giải thích cô đọng về hai bậc A La Hán: bậc Câu Phần Giải Thoát và bậc Tuệ Giải Thoát trong đó bậc Tuệ Giải Thoát tự thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát, vượt qua sắc pháp và vô sắc như sau:

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc câu phần giải thoát? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người, sau khi thân đã chứng đắc các tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, các lậu hoặc của vị này được đoạn trừ hoàn toàn. Vị này, này các Tỷ-kheo, được gọi là hạng người câu phần giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo này, Ta nói rằng không có sự việc cần phải làm, nhờ không phóng dật. Vì sao vậy? Vì sự việc ấy đã được vị này làm, nhờ không phóng dật, vị ấy không có thể trở thành phóng dật.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc tuệ giải thoát? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người, sau khi thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, các lậu hoặc của vị này được đoạn trừ hoàn toàn. Vị này như vậy được gọi là bậc tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo này, Ta nói không có sự việc cần phải làm, nhờ không phóng dật. Vì sao vậy? Vì sự việc ấy đã được vị này làm, nhờ không phóng dật; vị ấy không có thể trở thành phóng dật.

Ở Kinh số 52 Bát Thành trong mười một pháp môn bất tử có tứ thiền hiện tại lạc trú, tứ vô lượng tâm và tam thiền tịch tịnh trú (trừ phi phi tưởng xứ): chỉ cần hành giả thành tựu một pháp môn chẳng hạn như sơ thiền, hoặc nhị thiền, hoặc tam thiền, hoặc Từ tâm giải thoát vv và từ đây nhận biết sơ thiền này, nhị thiền này, tam thiền này, Từ tâm giải thoát này là pháp hữu vi do suy tư tác thành nên vô thường, chịu sự đoạn diệt, và nếu vững trú ở đây, hành giả sẽ đoạn tận các lậu hoặc (52. Kinh Bát Thành, Trung Bộ Kinh, hoặc Mười Một Cửa Giải Thoát, Tâm Tịnh).

Những hành giả từ sơ thiền đến tam thiền không có năng lực thần thông duy chỉ có những hành giả chứng đắc từ tứ thiền trở lên với tâm nhu nhuyến, thuần tịnh, thì mới có thể có năng lực thần thông như trong Kinh Samôn Quả, Trường Bộ Kinh, hoặc theo Kinh Thanh Tịnh Đạo (Visud-dhimagga) thì thần thông (Thiên nhãn) này chỉ đạt được khi hành giả đã thành công vững chắc từ Tứ thiền trở lên (Catuttha Jha(na) và đang phát triển mạnh các “Thiền tâm vô sắc”, như “Không vô biên” hay “Thức vô biên” chẳng hạn ! (Kinh Visuddhimagga: Thanh Tịnh Đạo, đã được học giả Nànamolika dịch Pàli sang Anh Ngữ, do Buddhist Publication, Kandy xuất bản năm 1979, chương XIII, các đoạn 95-101, xem những trang từ 469 đến 471)

  1. 4.      Kết luận:

Qua những gì mà Đức Phật đã chỉ dạy trong một số bài kinh như đã trình bày, hành giả thời này có thể thành tựu Tuệ Giải Thoát khi thường xuyên thực hành thuần quán: Tất cả các pháp đều bình đẳng, không hơn, không kém. Thực tướng của tất cả pháp hữu vi đều vô thường, chịu sự biến hoại, nên khổ và vô ngã. Vì thế, hành giả sanh tâm nhàm chán, không chấp thủ một pháp nào, do chấp thủ không quấy rối vị ấy, vị ấy tự chứng Niết bàn” (Trung Bộ Kinh: Majjhima Nikaya 140. Kinh Giới phân biệt - Dhàtuvibhanga sutta).

Tâm Tịnh cẩn tập

  1. 5.     Tài Liệu Tham Khảo

1)      Trung Bộ Kinh (Hòa Thượng Thích Minh Châu). 52 Kinh Bát Thành. https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung52.htm

2)      Trung Bộ Kinh (Hòa Thượng Thích Minh Châu). 70. Kìtàgiri. https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung70.htm

3)      Trung Bộ Kinh (Hòa Thượng Thích Minh Châu). 80. Kinh Vekhanassa. https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung80.htm

4)      Trung Bộ Kinh (Hòa Thượng Thích Minh Châu). 140 Kinh Giới Phân Biệt. https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung140.htm

5)      Tương Ưng Bộ Kinh (Hòa Thượng Thích Minh Châu). Chương 12 Tương Ưng Nhân Duyên, VII Đại Phẩm: Mahàvagga, 70 Susìma. https://suttacentral.net/sn12.70/vi/minh_chau

6)      Trương Bộ Kinh (Hòa Thượng Thích Minh Châu). 2 Samôn Quả. https://www.budsas.org/uni/u-kinh-truongbo/truong02.htm

7)      Thanh Tịnh Đạo (Luận sư Bhadantacariya Buddhaghosa), chuyển dịch từ Pàli sang Anh ngữ Trư:ởng lão Nanamoli. Chuyển dịch từ Anh ngữ sang Việt ngữ: Thích Nữ Trí Hải https://www.budsas.org/uni/u-thanhtinh-dao/ttd-00.htm

8)      Tâm Tịnh (2018). Mười Một Cửa Giải Thoát. Phật Giáo. https://phatgiao.org.vn/muoi-mot-cua-giai-thoat-d31051.html

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/03/2017(Xem: 9034)
Trong nghi thức Cầu Siêu của Phật Giáo Việt Nam, ở phần Quy Y Linh, có ba lời pháp ngữ: “Hương linh quy y PHẬT, đấng PHƯỚC TRÍ VẸN TOÀN – Hương linh quy y PHÁP, đạo THOÁT LY THAM DỤC – Hương linh quy y TĂNG, bậc TU HÀNH CAO TỘT” (chơn tâm – vô ngã). Ba lời pháp ngữ trên chính là ba điều kiện, ba phương tiện siêu xuất, có năng lực đưa hương linh (thân trung ấm) được siêu lên các cõi thiện tùy theo mức độ thiện nghiệp nhiều,
11/03/2017(Xem: 9222)
Do vì đặc thù, cho nên bảy hạng đệ tử Phật (Tỳ kheo Tăng, Tỳ kheo Ni, Sa di, Sa di ni, Thích xoa Ma na, Ưu Bà Tắt, Ưu Bà Di) từ trong thời Phật còn tại thế và hôm nay, ai cũng phải có tâm từ bi là một quy luật ắt phải có sau khi quay về Đạo Phật (Quy y tam bảo) trở thành Phật tử xuất gia. Được có tâm từ bi, là phải học và thực tập Phật Pháp. Dù là những oanh vũ nam, oanh vũ nữ trong tập thể GĐPT, đều phải học đạo lý từ bi và thực tập từ bi, được thấy ở những câu: em thương người và vật, em kính mến cha, mẹ và thuận thảo với anh chi, em.
03/01/2017(Xem: 9489)
Trong quá trình học tập và nghiên cứu Phật điển Hán tạng, chúng tôi nhận thấy việc ghi nhớ các từ ngữ Phật học là điều không dễ, bởi số lượng từ ngữ Phật học rất nhiều, Phật Quang Đại Từ Điển tổng cộng có 22608 mục từ. Nếu đi vào cụ thể từng tông phái thì số lượng mục từ đó vẫn còn chưa đủ, chỉ xét riêng tông Duy Thức đã có hơn 15.000 từ ngữ; Thiền tông có hơn 8.000 mục từ…nếu không tuần tự đi từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu người học sẽ ngập mình trong khối từ ngữ Phật học.
22/12/2016(Xem: 28238)
Tất cả chúng ta đều biết rằng lời Phật dạy trong 45 năm, sau khi Ngài đắc đạo dưới cội cây Bồ Đề tại Gaya ở Ấn Độ, đã để lại cho chúng ta một gia tài tâm linh đồ sộ qua khẩu truyền cũng như bằng văn tự. Kể từ đó đến nay, con Người vĩ đại ấy và giáo lý thậm thâm vi diệu của Ngài đã vượt ra khỏi không gian của xứ Ấn và thời gian trải dài suốt 26 thế kỷ từ Á sang Âu, từ Âu sang Mỹ, từ Mỹ sang Úc, Phi Châu v.v… Như vậy đủ để cho chúng ta thấy rằng giáo lý ấy đã khế hợp với căn cơ của mọi người, dầu tu theo truyền thống Nam truyền hay Bắc truyền và ngay cả Kim Cang Thừa đi nữa cũng là những cổ xe đang chuyên chở mọi người đi đến con đường giải thoát của sanh tử luân hồi.
30/04/2016(Xem: 17310)
Pháp Thân tiếng Sanscrit là Dharmakaya, tiếng Nhật là Hosshimbutsu, tiếng Pháp là Corps d’essence. Đó là nói về Chơn Thân, Đạo Thể, thể của Pháp Tánh. Pháp Thân của Phật có 4 Đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh (4 Đức Ba La Mật). Nó không mắc vào tứ khổ (Sanh, Lão, Bệnh, Tử). Nó không lớn, không nhỏ, không trắng, không đen, không có Đạo, không vô Đạo, nó tự nhiên trường tồn, không thay đổi. Dầu Phật có ra đời hay không thì nó cũng như vậy mãi.
24/04/2016(Xem: 35251)
Qua mạng Amazon.com, tôi đặt mua cuốn sách tiếng Anh “In The Buddha’s Words” của Bhikkhu Bodhi ngay sau khi xuất bản năm 2005. Đọc sơ qua phần đầu rồi để đó. Mỗi lần đi đâu, tôi mang theo để đọc từ từ vài trang, trong lúc chờ đợi, trước khi đi ngủ. Cứ thế dần dần qua năm tháng. Rồi cũng không thẩm thấu được bao nhiêu.
22/03/2016(Xem: 7428)
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa (sa. saddharmapuṇḍarīka-sūtra), hay Pháp Hoa, Phật ám chỉ ba cỗ xe (Tam Thừa) cũng chỉ là thành phần của một cỗ xe, là Nhất Thừa (sa. ekayāna) và kinh chỉ dạy tuỳ theo khả năng tâm trí, tiếp thu bất đồng của mỗi Phật Tử.
06/03/2016(Xem: 10704)
Cách đây khoảng 5 năm, tôi đã có dịp trình bầy một bài về " Khoa học thần kinh (neurosciences) và đạo Phật ", trong đó có nói nhiều đến thiền định: Từ đó đến nay đã có nhiều tiến bộ về nghiên cứu khoa học về phương pháp này, được gọi là " thiền tỉnh thức " (mindfulness).
26/01/2016(Xem: 13810)
Niết Bàn, tiếng Sanscrit là Nirvãna, phiên âm thành Niết-bàn-na. Cũng gọi là Nê-hoàn, Nê-bạn. Đó là cảnh trí của nhà tu hành dứt sạch các phiền não và tự biết rằng mình chẳng còn luyến ái. Niết (Nir): là ra khỏi, thoát ra, giải thoát. Bàn hay Bàn-na (vana): Rừng. Tức là ra khỏi cảnh rừng mê tối, rừng phiền não.
15/12/2015(Xem: 7088)
Yêu thương hay thù oán không chỉ là tình riêng cuả mỗi con người mà còn là một cảm xúc chính trị. Đã có nhiều thí dụ cho thấy là các hiệu ứng của cảm xúc này lan toả đến hệ thống pháp luật, mà đòi công lý hay tự thiêu của dân oan tại Việt Nam là trường hợp phổ biến. Thực ra, trong bất cứ một nền tảng công lý nào thì điểm chính yếu cũng là phải tìm ra một hệ thống luật pháp công minh và tinh thần trọng pháp của người dân và chính quyền để áp dụng trong thực tế.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]