Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

27. Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa)

17/03/201408:42(Xem: 31083)
27. Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa)
blank

Trên Đỉnh Cao
Linh Thứu
(Gijjhakūṭa)

Trở lại ngọn đồi đá trắng Cālikapabbata, thị trấn Cālika xinh đẹp chưa được bao lâu, đức Phật lại ôm bát ra đi, về phương nam. Sau tháng ngày dầm sương dãi nắng, đức Phật lên ngụ tại núi Linh Thứu, phía nam kinh đô Rājagaha một thời gian mà không cho ai hay biết. Khi thì đức Phật tìm một động vắng, tĩnh chỉ cả tuần lễ, lúc thì ngài dạo chơi đây đó, chỉ một mình. Buổi sớm, ngài lên một đỉnh núi cao nhất để ngắm nhìn mặt trời mọc; và cũng vậy, vào buổi chiều, ngài ngắm nhìn mặt trời lặn. Đôi khi, ngài lại ngồi giữa trăng khuya, cô liêu giữa đỉnh trời, sương mù bàng bạc; và hình bóng ngài như lẫn giữa mênh mông, bao la, không còn phân biệt đâu là hữu tướng, đâu là vô tướng. Thảng hoặc, ngài ngắm nhìn một con thác đổ, trắng xóa, hơi nước mong manh, tan vào khí đá, cỏ cây! Chỉ những người yêu thích sự tĩnh cư mới nếm thưởng được niềm phúc lạc thanh cao, yên tĩnh, êm đềm của các bậc xuất trần! Tuy nhiên, chẳng ai biết, trong thời gian ấy, đức Phật đang chiêm nghiệm, lắng nghe, ngắm nhìn bài học của thiên nhiên, của tự nhiên để cho giáo pháp thêm vẻ sắc màu, phong phú và đa dạng. Có lẽ không ai hiểu đâu, giáo pháp của ngài, sau lần đó, sẽ như mặt trời mọc, sẽ như mặt trời lặn. Mặt trời mọc, nó xóa tan sương mù, mang hơi ấm và ánh sáng cho vũ trụ một cách vô danh như bản thân nó mà không cần một đền đáp nào! Mặt trời lặn như hoàn tất một hành trình để bắt đầu một chu kỳ mới, cho cỏ cây được yên nghỉ, âm thầm, lặng lẽ sáng tạo với trăng, với nước sương để bồi dưỡng thêm sinh lực, ngày mới! Mặt trời là trí tuệ vô lậu, mặt trăng là tứ vô lượng tâm - đấy là sự toàn hảo của giáo pháp. Đức Phật còn học bài học tự nhiên của dòng thác đổ, nó rơi xuống, nó va đập vào ghềnh đá, nó thành suối chảy; và nó không bao giờ trở lại, nó đi miết, qua các con sông, qua các đầm lầy, qua những mương rãnh rồi cuối cùng cũng tìm về biển lớn. Giáo pháp của ngài cũng vậy, từ thuở đầu nguồn, nó va đập vào truyền thống ngàn đời của Vệ Đà, nó va đập thượng đế, đại ngã phạm thiên, tiểu ngã linh hồn thường kiến; nó va đập vào tế tự, lễ nghi, cúng bái, cầu nguyện, chơn ngôn, mật chú; nó va đập vào bốn giai cấp nghiệt ngã, va đập vào cái tròng nô lệ lên thân phận nhỏ nhoi, bé mọn của chiên-đà-la, thủ-đà-la... khốn khổ! Rồi, nó đi không trở lại, về biển đại đồng, mênh mông, vô lượng của sự thoát khổ, của giải thoát tâm, của giải thoát trí...

Có hôm, sau khi độ thực bằng trái cây rừng và nước suối, nhìn mặt trời bắt đầu bước qua chính ngọ; ngài nghĩ, tuổi tác ngài cũng vậy, đã qua tuổi năm mươi, cũng bắt đầu đi vào chênh xế. Dòng thời gian cứ mải miết trôi đi. Và bánh xe chuyển pháp đã có lực đẩy, và thế là nó cũng cứ việc trôi đi, lướt đi...

Cũng tại nơi này, nhiều năm về trước, đức Phật đã có những buổi pháp thoại với Đại phạm thiên Sahampati, với Đế Thích (Sakka) thiên chủ, với Tứ đại thiên vương (Catummahārājika) oai trấn bốn phương; và họ đã trở thành những vị hộ pháp đắc lực và vô cùng nhiệt tâm. Các vị trưởng lão như Sāriputta, Moggallāna, Mahā Kassapa, Anuruddha, Puṇṇa Mantāniputta, Upāli, Ānanda... cũng đã nhiều lần hình thành những buổi pháp thoại lớn, nhỏ, liên hệ đến những điểm giáo pháp tinh yếu nhất... Bây giờ, các vị ấy ai cũng đã chững chạc, đang độ chín muồi trí tuệ, công hạnh, năng lực cũng như phương tiện giáo hóa; đều đã xứng đáng là những bậc trưởng lão, những cội tùng bách sum suê và vững chãi cho tứ chúng nương nhờ.

Cũng do hôm đó, đức Phật hỏi:

- Là một vị trưởng lão, để được xứng đáng được gọi là một bậc trưởng lão, phải có đầy đủ những đức tánh gì?

Ai cũng suy nghĩ hồi lâu.

Sau đó tôn giả Mahā Kassapa đáp:

- Ít nhất là cũng phải hội đủ năm đức tánh, bạch đức Thế Tôn!

- Ừ, thì đó là năm đức tánh gì?

- Thưa. Thứ nhất là phải biết sống đời đầu-đà khổ hạnh, tam y nhất bát tùy duyên giáo hóa chúng sanh. Thứ hai là phải vừa lòng, biết đủ trong các nhu cầu về ăn, về ở, về mặc, về chỗ nghỉ ngơi. Thứ ba là giới hạnh không được khuyết thủng hay sứt mẻ; mà phải tròn trặn, sáng trong như viên ngọc maṇi không tì vết. Thứ tư là phải có tâm quảng đại, rộng lượng, biết chia sẻ giáo pháp đến cho hàng tỳ-khưu hậu học cũng như đối với hai hàng cư sĩ tại gia. Thứ năm là chứng đạt vô lậu tâm, vô lậu trí, giải quyết trọn vẹn tử sinh đại sự, là lý tưởng tối hậu của những thiện gia nam tử cần cầu xuất ly thế tục!

- Đúng vậy! Đúng vậy! Đức Phật gật đầu - Được năm điều tối hảo như thế thì quả thật xứng đáng danh xưng một bậc trưởng lão trong giáo pháp của Như Lai.

Tôn giả Mahā Moggallāna mỉm cười:

- Đầy đủ năm đức tánh kia thì quả thật là tuyệt vời. Nhưng đệ tử cũng có năm điều khác, chỉ như là năm điểm sáng của năm con đom đóm thôi, bạch đức Thế Tôn!

Đức Phật biết sự khiêm tốn của vị đệ nhị đại đệ tử nên ngài mỉm cười:

- Ừ, thì năm cái điểm sáng đom đóm ấy ra sao?

- Thưa, thứ nhất là phải thành tựu những thắng trí để những cái thấy, cái biết được xa rộng hơn; nghĩa là nên trang bị thêm tai, mắt thượng nhân để suốt thông ba cõi, để xuyên thấu nghìn đời. Thứ hai là phải có khả năng hóa độ chư thiên, ma vương, long vương, dạ-xoa cùng các loại phi nhân khác. Thứ ba, phải biết giảng nói rành rẽ về pháp và luật cho đến bất kỳ một đối tượng học chúng nào, bất kỳ trong hoàn cảnh nào. Thứ tư là phải dẫn dắt chư đệ tử tỳ-khưu, sa-di đến quả vị cuối cùng; như người mẹ hiền nuôi con cho đến khi chúng tự đi được, tự bước những bước đi ra ngoài sinh tử. Thứ năm là phải biết vận dụng thiện xảo những phương tiện trí; thiện xảo về thân, thiện xảo về khẩu, thiện xảo về ý, cả về phương cách thể hiện...

Đức Phật gật đầu, mỉm cười:

- Đấy là những sở đắc hoàn hảo của ông. Chẳng phải là cái lập lòe của năm con đom đóm đâu! Đừng tự khiêm nữa! Bổ túc, bổ sung như vậy là tốt lắm! Xứng đáng lắm!

Tôn giả Ānanda nói:

- Hai vị tôn giả đưa ra mười điều kia thì đã lấy hết giáo pháp của đức Tôn Sư rồi. Nhưng đệ tử cũng muốn góp ý thêm, chỉ như năm hạt cát của con sông Gaṅgā thôi! Bạch đức Thế Tôn.

- Ừ, thì cứ cho Như Lai xem năm hạt cát ấy ra sao?

- Thưa, thứ nhất là phải nghe pháp cho thật nhiều, luôn luôn tầm cầu pháp như con thơ khát sữa; lập tâm ghi nhớ pháp đừng để cho quên mất một câu, một đoạn, một ví dụ, một hình tượng, một đoản ngôn; từ đó, kiến văn sẽ phong phú, kiến thức sẽ sung mãn. Thứ hai là phải biết thuyết lại tất cả Phật ngôn, tất cả những giáo giới của chư đại trưởng lão một cách thông suốt, minh nhiên và toàn hảo. Thứ ba là phải biết sống đời phục vụ không mệt mỏi; phục vụ đức Tôn Sư, phục vụ chư tôn đức thượng thủ, phục vụ Tăng ni huynh đệ, tỉ muội, phục vụ hai hàng cận sự tại gia khi họ cần mình dẫn dắt tu tập. Thứ tư là phải biết cung kính, biết vâng lời, biết lễ nghi khuôn phép, biết học hỏi với các bậc thượng túc của Tăng đoàn. Thứ năm là phải biết chia sẻ y bát, vật thực, vật dụng đến những tu sĩ thiếu thốn hơn mình; và sau đó là sống thiện bạn hữu, thiện thân tình với Tăng ni hai chúng.

- Đẹp lắm, này Ānanda! Và ông nói như thế nào thì ông cũng đã sống đúng như vậy. Đấy chẳng phải là năm hạt cát mà chính là năm hạt ngọc sáng lấp lánh, chói ngời giáo hội của Như Lai!

Rồi đức Phật quay sang tôn giả Sāriputta:

- Còn ông thì sao, Sāriputta?

- Thưa, dường như mười lăm điều kia gộp lại, đã trở thành cái gì toàn bích trong tâm, trong trí của chư đại trưởng lão, bạch đức Thế Tôn! Đệ tử có nói thêm thì cũng y như những giọt nước rơi xuống biển lớn, chẳng thể nào làm cho lượng nước biển kia nhiều hơn một tí nào!

- Ừ, thì cũng được! Đức Phật gật đầu - Thêm những giọt nước, hay lắm, ví von hay lắm! Hãy cho mọi người xem những giọt nước ấy ra sao!

- Thưa, thứ nhất là phải thành tựu tuệ phân tích, tứ vô ngại giải; ở đây là nghĩa vô ngại, pháp vô ngại, ngôn ngữ vô ngại và biện tài vô ngại. Thứ hai là phải thông suốt Abhidhamma, khả dĩ trình bày được những pháp tế vi, đệ nhất nghĩa của tâm, của tâm sở, của sắc pháp và của Niết-bàn. Thứ ba là không chỉ có tâm thỉnh cầu pháp, mà phải suy tư pháp, chiêm nghiệm pháp, thẩm sát pháp cả chiều sâu, chiều rộng, lớn thì như núi Sineru, nhỏ thì như mảnh lân hư trần. Thứ tư là phải có trí, có tâm, biết lắng nghe để khả dĩ hòa giải mọi cuộc tranh chấp, bất đồng ý kiến, quan điểm giữa các tỳ-khưu và các nhóm tỳ-khưu. Thứ năm là luôn luôn có bốn vô lượng tâm để sống với Tăng ni, đệ tử cũng như các hàng cư sĩ tại gia.

Sau khi bốn vị trưởng lão đưa ra hai mươi điều, hai mươi đức tánh, như đúc kết toàn bộ hai mươi pháp cần có trong tâm trí của bậc trưởng lão – thì chẳng còn ai góp ý thêm một điều nào nữa. Nó đầy đủ chân thiện mỹ, đầy đủ thể tướng dụng, đầy đủ giới định tuệ, đầy đủ pháp và luật rồi.

Đức Phật đưa mắt một vòng nhìn mọi người:

- Vậy là toàn hảo! Vậy là cả hai mươi điều của các ông, cộng lại, sẽ trở thành kim chỉ nam giá trị cho hàng hậu học noi theo. Như Lai không cần phải thêm bớt một điều nào nữa. Tuy nhiên, nếu đọng lại, cô rút lại, tinh yếu lại, tóm tắt lại, giả dụ như chỉ còn hai điều thì chỉ cần nói tuệ vô lậu, tâm vô lượng, đầy đủ cả mặt trời và mặt trăng. Tuệ vô lậu là cứu cánh rốt ráo của sa-môn hạnh và bốn tâm vô lượng là để sống với mọi tương quan trong Tăng đoàn, học chúng cũng như nhân quần, xã hội – có phải thế chăng?

- Thưa, đúng vậy!

Tôn giả Sāriputta chợt hỏi:

- Bốn tâm vô lượng thì chư trưởng lão ai cũng thành tựu ít nhiều, đã viên mãn hoặc gần như viên mãn. Nhưng tuệ vô lậu thì vị A-la-hán nào cũng giải thoát tất thảy tham, sân, si, phiền não. Nhưng còn sự sâu cạn của tuệ thì không phải đơn giản; vậy xin đức Tôn Sư chỉ giáo thêm.

- Đúng vậy! Ông đã hỏi một câu hỏi rất chính xác. Đối với Như Lai thì tuệ ấy cần phải có thêm mười trí bổ trợ, bổ sung thì nó mới toàn hảo, viên mãn. Như Lai có đủ mười trí ấy; mà các ông hiện nay cũng đã thành tựu được mấy phần rồi. Hãy nghe, Như Lai sẽ thuyết!

- Thưa vâng, bạch đức Tôn Sư!

Rồi đức Phật cặn kẽ giảng nói như sau:

- Thứ nhất(1)là trí (ñāṇa) thấy rõ, biết rõ cái gì là xứ và cái gì không phải là xứ! Xứ (ṭhāna) là một nơi chốn, một cái chỗ nào, mà từ đó, các pháp phát sanh. Hiểu theo nghĩa rộng thì xứ ấy, có thể nó như là cái gốc, cái nguyên lý; mà cái gốc, cái nguyên lý thì bất di dịch, không thay đổi; nó luôn luôn như chân, như thật. Không phải xứ thì ngược lại, nó sái với nguyên lý, là không phải nguyên lý. Người có trí này thì biết rõ, thấy rõ sự vận hành của các pháp, quy luật của mọi vận động đúng và không đúng; trung chính, chánh hay nghiêng lệch, tà; nó diễn ra trong một quy trình, nó có một quy trình để biết cái gì xảy ra và cái gì không xảy ra...

Thứ hai(2)là trí thấy rõ, biết rõ quả nghiệp dị thục xảy ra như thế nào. Ở đây, khi một nhân, một duyên đã sanh khởi, trí này sẽ thấy biết rõ nó sẽ trổ quả dị thục(3)thiện hay bất thiện ra sao, xảy ra trong ba thời như thế nào.

Thứ ba(1)là trí thấy rõ, biết rõ nơi đến, nơi đi mọi sanh thú của chúng sanh; nghĩa là thấy biết rõ mọi pháp hành dẫn đến tái sanh trong các cõi khổ, vui. Như người không có thí, không có giới, hành mười nghiệp ác thì tái sanh vào tứ ác đạo. Như người có thí, có giới, có mười nghiệp lành thì sanh cõi người và sáu cõi trời dục giới. Như người tu thiền định thì hóa sanh cõi sắc giới hay vô sắc giới. Còn người thực hành bát chánh đạo, tu tập giới, định, tuệ thì trước sau cũng giải thoát, giác ngộ, Niết-bàn...

Thứ tư(2)là trí thấy rõ, biết rõ chủng, loại của tất thảy cảnh giới của chúng sanh. Ở đây là trí thấy biết rõ bản chất dị biệt của mỗi chủng, mỗi loại, mỗi uẩn, mỗi xứ, mỗi giới của tất cả chúng sanh một cách như thực.

Thứ năm(3)là trí thấy rõ, biết rõ khuynh hướng khác nhau, tâm tánh khác nhau của tất cả chúng sanh. Nếu trong quá khứ có tâm tánh hạ liệt, khuynh hướng hạ liệt thì hiện tại sống trong cảnh giới hạ liệt ra sao. Nếu trong quá khứ có tâm tánh thanh cao, khuynh hướng thanh cao thì hiện tại sống trong cảnh giới thanh cao như thế nào.

Thứ sáu(4)là trí thấy rõ, biết rõ tất thảy mọi căn cơ cao thấp của chúng sanh. Ở đây, toàn bộ căn cơ cao thấp ấy chúng biểu hiện nơi tâm tánh, cá tánh, khuynh hướng, trình độ, tri kiến, hành động, thói quen, những hạt giống ngủ ngầm, lanh lợi, đần độn, dễ dạy, khó dạy, nhiều phiền não, ít phiền não, nhiều tham sân, ít tham sân, giác ngộ khó khăn hay giác ngộ dễ dàng...

Thứ bảy(1)là trí thấy rõ, biết rõ tất cả trạng thái, tính chất của các bậc thiền. Ở đây là thiền nhiễm ô do còn chấp thủ, thiền thanh tịnh do không còn chấp thủ; nói cách khác, định, nhập định, xuất ly định đều phải thấy biết rõ ràng.

Thứ tám(2)là có túc mạng thông, là trí thấy rõ, biết rõ những kiếp sống quá khứ; nghĩa là có khả năng thấy được một đời, nhiều đời, trăm ngàn đời... với chánh báo như vậy, y báo như vậy, hình dong như vậy, tâm tánh như vậy... với đại cương hoặc tất cả chi tiết của đời sống ấy.

Thứ chín(3)là có thiên nhãn thông, là trí thấy rõ, biết rõ sự sống, chết của chúng sanh trong ba cõi, sáu đường. Nếu chúng sanh có hạnh nghiệp như vậy, lành tốt hay xấu ác, thiện hoặc bất thiện thì sẽ tái sanh vào các cảnh giới tương ứng... là cao sang, là hèn hạ, giàu có hay đói nghèo, sắc thân xinh đẹp hay xấu xí, trí hoặc ngu, lạc hoặc khổ...

Thứ mười(4)là trí dập tắt, đoạn tận tất thảy mọi phiền não, tập khí, mọi lậu hoặc, kiết sử thô thiển hoặc tế vi. Nghĩa là phải tự mình thành tựu, chứng nghiệm tuệ vô lậu, giải thoát; và vị ấy thấy rõ, biết rõ mình là như vậy.

Thời pháp chấm dứt. Đúng là buổi pháp thoại ở đỉnh cao Linh Thứu. Hôm ấy chỉ có tôn giả Ānanda là đang ở đầu dòng, còn các vị khác đều ở cuối nguồn Bất Tử. Và hiện nay, thì trong mười trí lực của đức Phật, có vị đã thành tựu được sáu, bảy, có vị đã thành tựu được bốn, năm – chưa sâu nhiệm và toàn diện đúng độ như một bậc Chánh Đẳng Giác.

Đức Phật mỉm nụ tiếu sanh tâm, và nghĩ thầm, họ xứng đáng là những bậc đại trưởng lão thanh tịnh vậy.



(1)Ṭhānāṭhāna-ñāṇa: Trí biết xứ và phi xứ. Tàu dịch: Tri giác xứ phi xứ trí lực.

(2)Kammavipākañāṇa: Trí biết quả nghiệp dị thục. Tàu dịch: Tri tam thế nghiệp báo trí lực.

(3)Quả dị thục hay quả nghiệp dị thục: Dị là khác, thục là chín muồi. Khi ta gây một nhân, nhân ấy không trổ quả ngay mà còn tuỳ thuộc các duyên liên hệ. Có nhân, có duyên mới có quả. Khi quả ấy trổ, nó sẽ không giống với nhân ban đầu, mà nó khác, do quả chín muồi nên nó khác đi, gọi là dị thục. Ví dụ 1, khi ta gieo một hạt cam (nhân); hạt cam ấy cần phải có đất, nước, phân, ánh sáng, thời gian cùng công phu chăm sóc của người nông dân (tất cả điều kiện này là duyên, duyên tốt) nên 3 năm sau ta sẽ có cây cam và quả cam. Quả cam này khác với nhân (hạt cam), nhưng phải đợi đến khi quả cam chín muồi, ngọt – khi ấy mới được gọi là quả dị thục. Ví dụ 2, một người hay chưởi xéo, mắng xéo người khác - kiếp sau sinh được làm người, miệng người ấy bị méo lệch; miệng méo lệch chính là quả dị thục của nghiệp mắng xéo chưởi xéo từ kiếp trước.

(1)Sabbatthagāminīpaṭipadāñāṇa: Trí biết hành lộ của mọi sanh thú. Tàu dịch: Tri nhất thiết chí sở đạo trí lực.

(2)Nānādhātuñāṇa: Trí biết tất thảy mọi dị biệt cảnh giới của chúng sanh. Tàu dịch: Tri chủng chủng giới trí lực.

(3)Nānādhimuttikañāṇa: Trí biết rõ những khuynh hướng khác nhau, những tâm tánh khác nhau của chúng sanh. Tàu dịch: Tri chúng sanh tâm tánh trí lực.

(4)Indriyaparopariyattñāṇa: Trí biết rõ căn cơ cao thấp của chúng sanh. Tàu dịch: Căn thượng hạ trí lực.

(1)Jhānādisaṅkilesadiñāṇa: Trí biết rõ tất cả mọi trạng thái, tính chất của các bậc thiền. Tàu dịch: Tri chư thiền giải thoát tam-muội trí lực.

(2)Pubbenivāsānussatiñāṇa: Trí biết rõ tiền kiếp. Tàu dịch: Tri túc mạng trí lực.

(3)Cutūpapātañāṇa: Trí biết sự sanh tử. Tàu dịch: Tri thiên nhãn vô ngại trí lực.

(4)Āsavakkhayañāṅa: Trí đoạn tận các lậu hoặc. Tàu dịch: Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/12/2015(Xem: 7135)
Yêu thương hay thù oán không chỉ là tình riêng cuả mỗi con người mà còn là một cảm xúc chính trị. Đã có nhiều thí dụ cho thấy là các hiệu ứng của cảm xúc này lan toả đến hệ thống pháp luật, mà đòi công lý hay tự thiêu của dân oan tại Việt Nam là trường hợp phổ biến. Thực ra, trong bất cứ một nền tảng công lý nào thì điểm chính yếu cũng là phải tìm ra một hệ thống luật pháp công minh và tinh thần trọng pháp của người dân và chính quyền để áp dụng trong thực tế.
09/12/2015(Xem: 8275)
Theo đa số các nhà nghiên cứu, thực trạng nóng lên toàn cầu (global warming) hoặc biến đổi khí hậu toàn cầu (global climate change) là có thật và ngày càng gia tăng một cách trầm trọng. Nguyên nhân chính là sự gia tăng quá nhanh trong việc thải khí cạc-bon đi-ô-xít (carbon dioxide) trong vòng 30 năm qua do đốt nhiên liệu hóa thạch, fossil fuels (Cox, P. M., et al., 2000), cũng như những hoá chất khác không phải do hoá học hữu cơ (Hansen, J., et al., 2000), và vì nhu cầu sinh hoạt của con người từ sự nhả khói và khí độc của các hãng xưởng công nghệ lớn nhỏ, xe ô-tô cho đến nạn phá rừng, các trại chăn nuôi súc vật đến chất liệu phế thải của các nhà máy thuỷ điện, v.v...
03/12/2015(Xem: 29142)
Đức Phật lịch sử tuyên bố trên internet rằng: "Như Lai không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Như Lai mà thôi. Những gì người trí chấp nhận, Như Lai chấp nhận." Sư Triệu Châu mang bát gậy dạo khắp các tùng lâm và tự khuyên mình như sau: 七歲童兒勝我者、我即問伊。百歲老翁不及我者、我即教他。Trẻ con bảy tuổi hơn ta thì ta hỏi nó, ông già trăm tuổi chẳng bằng ta thì ta dạy va."
07/10/2015(Xem: 22215)
Pháp là các Pháp, Giới là Cảnh Giới, giới hạn. Các Pháp Đều có tự thể nhưng vì cảnh giới không đồng cho nên phải phân ra từng cảnh giới. Mỗi cảnh giới là một Pháp Giới như mười cảnh giới: Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thinh Văn, Trời, Người, A-Tu-La, Qủi, Súc Sanh, Địa Ngục gọi là mười Pháp Giới. Nói một cách tổng quát tất cả các pháp trong thế gian, sự vật trong vũ trụ, đều gọi chung là Pháp Giới. Trong vũ trụ vô cùng vô tận, trải qua thời gian, lúc nào và nơi nào cũng có Phật Pháp, gọi chung là Pháp Giới (cõi Pháp của Phật). Trong đời thuyết pháp độ sinh của Đức Phật, Ngài dạy vô số pháp môn, tất cả những Pháp Môn ấy cũng gọi là Pháp Giới. Tất cả những Sự, Lý trên đời đều gọi là Pháp Giới.
26/07/2015(Xem: 11249)
Trước khi xác định Phật Giáo như là một hệ thống tư tưởng triết học (Buddhism as a philosophy) hay như là một tôn giáo (Buddhism as a religion), chúng ta sẽ tìm hiểu triết học là gì ? và Phật giáo là gì ? I . Triết học là gì? Triết học (philosophy) là một từ có nguồn gốc từ tiếng Hy lạp cổ đại: philosophia ( tiếng phiên âm theo Anh văn), có nghĩa là lòng yêu mến sự hiểu biết. Nói rộng hơn, triết học là những quan niệm, tư tưởng, thái độ của một cá nhân hay một nhóm người siêu việt.
25/07/2015(Xem: 5564)
Đức Phật thực ra thấy tất cả vũ trụ trước ai hết : "Trong chú giải kinh Vô Lượng Thọ, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã nói rất rõ ràng: Trước đây, chúng ta tưởng một đơn vị thế giới được nói trong kinh Phật là một thái dương hệ; thật ra, phải nên hiểu một đơn vị thế giới là hệ Ngân Hà thì mới đúng. Nếu một đơn vị thế giới là một hệ Ngân Hà, một tiểu thiên thế giới là một ngàn hệ Ngân Hà. Mười ức hệ Ngân Hà mới là một đại thiên thế giới. Cách nói này cũng rất hợp lý, nói theo kiểu này mới có thể tương ứng với những điều kinh đã giảng. Có thể thấy Phật pháp còn quan sát vũ trụ tỉ mỉ, rõ ràng hơn các nhà thiên văn trong hiện đại."
01/07/2015(Xem: 11503)
Có những tiếng những lời những âm thanh nghe hoài không chán, nghe mãi không quên, không nghe thì trông ngóng đợi chờ. Tiếng nói của người thương kẻ nhớ kẻ đợi người mong, âm thanh của những ngọt ngào êm dịu, lời ru miên man đưa ta về miền gợi nhớ, những yêu thương da diết chôn dấu trong từng góc khuất, những trăn trở buồn vui có dịp đi qua. Và còn nữa, những thứ mà lúc nào ta cũng trông mong, lời khen tán thưởng tiếng vỗ tay tung hô của thiên hạ.
24/06/2015(Xem: 31325)
Lời vàng của Thầy tôi, một Hướng dẫn vào các sự Chuẩn bị cho Tâm-yếu của Phạm Vi Bao La từ Đại Viên Mãn, trình bày các con đường của bốn trường phái chính của Phật Giáo Tây Tạng mà không có bất kỳ mâu thuẫn nào giữa chúng.
15/06/2015(Xem: 23798)
Yếu chỉ tu tập & hành đạo. Tác giả Thích Thái Hòa
24/05/2015(Xem: 11706)
Về cơ bản, lý duyên khởi giải thoát mô tả tâm lý của thiền, nghĩa là, những gì xảy ra trong tiến trình hành thiền được hành giả trải nghiệm từ lúc đầu cho đến lúc cuối. LDKG có liên hệ chặt chẽ với giáo lý duyên khởi nổi tiếng trong đạo Phật. Cho những ai chưa quen thuộc nhiều với những lời Phật dạy, lý duyên khởi là một chuỗi mười hai yếu tố nhân quả kết nối với nhau. Yếu tố cuối cùng trong chuỗi nhân quả này là khổ. Bởi vì là một chuỗi nhân quả, nó cho ta thấy khổ phát sinh như thế nào. Yếu tố thứ nhất của mười hai nhân duyên là vô minh – không có khả năng thấy được thế gian như nó là, và nó thật sự hoạt động như thế nào. Như thế, bắt đầu với vô minh, yếu tố này dẫn đến yếu tố sau, tiếp luôn cho đến khổ đau. Do vậy, lý duyên khởi chỉ cho ta thấy khổ đau chính là hậu quả của vô minh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]