Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nghe mà không nghe

01/07/201509:19(Xem: 9113)
Nghe mà không nghe
                         Bo_Tat_Quan_Am_1

NGHE MÀ KHÔNG NGHE
 
Như Hùng


 

Có những tiếng những lời những âm thanh nghe hoài không chán, nghe mãi không quên, không nghe thì trông ngóng đợi chờ. Tiếng nói của người thương kẻ nhớ kẻ đợi người mong, âm thanh của những ngọt ngào êm dịu, lời ru miên man đưa ta về miền gợi nhớ, những yêu thương da diết chôn dấu trong từng góc khuất, những trăn trở buồn vui có dịp đi qua. Và còn nữa, những thứ mà lúc nào ta cũng trông mong, lời khen tán thưởng tiếng vỗ tay tung hô của thiên hạ.

 

Có những thứ tiếng chỉ nghe một lần là không muốn nghe, nhắm mắt bịt tai ngày chán đêm phiền. Âm thanh của những người ta ghét cay ghét đắng, những gì ta chẳng ưa chẳng thèm, chẳng muốn nhìn mặt, chẳng muốn nghe tên, những đắng cay ngậm ngùi nằm im trong sâu thẳm ta sợ động vào khuấy lên. Và còn có sự phiền muộn thi nhau rượt đuổi theo âm thanh ngôn ngữ, lời chê bai phê phán tiếng thở dài cằn nhằn mọi lúc mọi nơi, ôm chặt lấy ta khiến ta sống trong lo sợ não phiền chưa biết đến bao giờ mới thoát ra được.

 

Những trạng thái và tâm cảnh đó, đều là những nguyên nhân và mầm mống làm cho ta trôi lăn trong đau khổ. Sự đắm nhiễm tham ái cứ liên tục dâng cao, không còn khoảng trống để ta hít thở, nếu ta không biết kìm chế giữ tâm cho thật bình thản, thì sẽ tăng trưởng lòng kiêu mạn và lớn mạnh của bản ngã, sự nguy hại ngày càng gia tăng, nghiệp quả bất thiện ngày càng sâu dày.  Muốn thoát ra không còn vấn vương lệ thuộc, là khi ta biết chuyển hoá thành lòng từ ái bi mẫn, thăng hoa nội tâm để được trong sáng thảnh thơi, lắng nghe con tim chân thật của mình mách bảo, biết dâng hiến cho đời những giá trị an lành cao đẹp.

 

Trong tận cùng sâu xa dấu chôn những ẩn mang vi tế trú ngụ, đâu đó trong ta vẫn ưa thích lưu luyến nghe theo những gì bản năng mách bảo xúi dục, và ngược lại chán ghét những gì ta không vừa ý bằng lòng. Chỉ với hai thứ khen chê thương ghét và với cái tâm phân biệt ưa thích đắm nhiễm, mà làm cho ta đi hoài đi mãi loanh quanh trong cõi mịt mùng tăm tối, mãi lang thang đếm bước trên từng cuộc lữ vẫn chưa thấy đâu là bờ mê bến ngộ. Từng ý nghĩ và hành động chứa đầy lo sợ bất an, tâm tư nhọc nhằn trĩu nặng khô héo rã rời, khổ đau vây quanh nghe vô thường đếm bước. Thời gian qua mau tâm thức đợi mong lỗi nhịp, những biến động luân phiên vổ vào từng ý niệm. Đêm lại đêm mộng gối chốn vô thường, tìm đâu điểm dừng mong manh trên lối về lữ thứ, tay trắng tay lòng đắng lòng phận làm cam chịu, có không được mất vây quanh đứng đợi tự bao giờ.

 

Một khi ta nghe những não phiền thị phi, tranh giành dối gạt, mưu mô chiếm đoạt, hơn thua giành giựt, gọi mời rỉ rã, ngọt bùi thương tiếc, những vớ va vớ vẫn. Trong ta lại khởi lên phiền muộn đắm say, sống với cái tâm tưởng bất định, tự mình đánh mất làm khổ chính mình. Dĩ nhiên ta không thể nhắm mắt bịt tai, phong tỏa mọi ngõ ngách đi lại, điều quan trọng ta hướng cái nghe đó cho mục đích cao cả, dẫn cái nghe đến với sự trong sáng trọn vẹn như thật, không tạo sức ép sự căng thẳng sẽ đưa đến bế tắc và khủng hoảng. Nếu ta không làm chủ được thân tâm, vận dụng trí tuệ sáng soi, hành xử đúng mực, thì sẽ khiến cho tâm tánh của mình chạy theo vướng mắc, trói buộc vào cảnh duyên, trôi theo từng biến động. Làm cho mình vốn đã lận đận lại càng lận đận, vương vấn lại càng vấn vương, càng phiền càng khổ lại càng thêm đau. Thực tập xã ly buông bỏ, hoán chuyển niềm đau nỗi khổ thành tấm lòng từ bi bao la rộng lớn, đó là cách tốt nhất để ta quân bình nội tâm tìm thấy giá trị đích thực của cuộc sống.

 

Khi nghe biết nghe lắng nghe là ta thanh lọc và từng bước làm cho cái nghe của mình trở nên cao đẹp, chuyển hóa cái nghe của mình trở nên tinh tế diệu kỳ, nghe mà tâm không đọng không vương, không lưu luyến giận hờn, không phiền muộn khổ đau. Nghe từng nhịp thở bao dung thương yêu nơi con tim đong đầy cảm thông chia xẻ, cõi lòng ngập tràn nhân ái độ lượng, tâm tư thảnh thơi tỉnh thức. Chỉ nghe những gì nên nghe cần phải nghe, không nên nghe những gì làm cho mình ràng buộc biến động chao đảo, nhọc lòng mệt trí. Nghe điều hay lẽ phải điều thiện tốt lành, những gì phù hợp với chánh pháp, giúp ích cho sự tu học đưa đến an lạc giải thoát. Không nên nghe những gì làm cho rối dạ nhiễm tâm, phiền não tham sân si nổi lên vô minh trổi dậy, ta phải nhất quyết loại trừ gạt bỏ ra ngoài. Hiểu và biết những gì nên nghe và không nghe, đó là dấu hiệu tích cực đáng quý trong việc gỡ bỏ những vướng mắc nguy hại. Hãy để cho nó trở về với điểm khởi mà nó đã đến, trả nó về với bản thể ban đầu mà nó đã trú ngụ. Ta duy trì phòng hộ các căn bằng sự minh mẫn tỉnh thức, thường xuyên tăng trưởng tâm lành an lạc.

 

Thật ra nghe được đã là một hạnh phúc lớn, có biết bao người không nghe được và cũng chẳng có cơ hội được nghe, hoặc được nghe nhưng trong sự méo mó và không đúng với tính chất như thật. Cái nghe của mình cũng tội nghiệp lắm, nó chỉ làm trọn chức năng đã được giao phó “mắt thấy tai nghe” nhưng nghe như thế nào và tại làm sao, thì  do anh bạn lớn tên Ý quyết định. Cái anh tâm ý đó, khi thì hiền lành dễ thương khi thì dữ dằn khủng khiếp, lúc thì tra tấn đàn áp lúc thì vổ về an ủi, anh ta không vừa lòng điều gì cả và rất khó hầu hạ, chạy nhảy lăn xăn tâm tánh thất thường. Anh ta dư thừa chiêu thức mưu mô mánh lới mê hoặc, dẫn ta đi từ tâm cảnh nầy đến biến động khác mà không hề mõi mệt, rủ rê dụ dỗ ta chạy từ đông sang tây hết chổ nầy đến chổ kia mà vẫn chưa vừa lòng. Thỉnh thoảng ta phát hiện ra, ta lo lắng tìm cách thoát ly, nhưng có lẽ anh ấy mưu mô qủy quyệt đa đoan khiến ta đành bất lực chào thua, và phần nhiều tại ta không quyết lòng không bình tâm lắng đọng suy xét. Cứ lần lựa trôi theo tháng ngày không làm cuộc cách mạng triệt để, không giải quyết một lần cho xong cho trọn. Ta cố tình tạo ranh giới, bày ra cuộc chơi, để rồi phân định đúng sai nhờ vả dựa dẫm và lợi dụng, rồi lại tìm cách vượt qua xây dựng đạp đổ ngụy tạo thật nhiều.  Cuối cùng ta phẩn nộ la hét, đánh đấm túi bụi vào bức tường không tưởng ấy. Ưa và ghét cũng chỉ là trạng thái tâm lý, bản năng cố hữu đi lại bất chợt ở trong ta, một khi ta quyết lòng bền chí nhận rõ tất cả đều mang tính tùy tiện tương tác, đừng tạo nên sự áp đặt đừng vận mãi vào ôm cứng lấy thân tâm, phải tỉnh thức dứt khoát đẩy bung vượt qua bằng mọi giá, lên đường làm mới làm sạch thân tâm bằng chất liệu của giải thoát.

 

Nếu ta chỉ chọn lựa phân loại và dừng lại nơi sự nghe thì vẫn chưa đủ, trước hết ta cần quật khởi được bản thể thường tại của tánh nghe, bằng cách làm chủ và hướng cái nghe đến chổ như thật tánh của các pháp. Khi nào ta thực tập đến chổ nghe không còn nằm nơi căn trần thức, mà nghe bằng tánh nghe một cách tinh tường thông suốt, và đó cũng chính là bản thể vi diệu bất biến nằm sẵn ở trong ta. Cái tánh giác phải được châm ngòi bùng lên bằng sự quyết tâm hết lòng vực dậy, thường xuyên tăng trưởng những gì mang lại sự giác ngộ, phong toả những gì làm cho mê mờ tăm tối, tạo cơ hội để ánh sáng của chân lý soi tỏ muôn lối.

 

Vô thường bức hại tiêu diệt nuốt chửng tất cả mọi thứ, cái nghe âm thanh ngôn ngữ cũng vậy, nhưng tánh nghe thì có khác. Nó lắng đọng trùm khắp vượt ra ngoài biên độ, không có điểm khởi đầu và chung cuộc, không có ranh giới ngăn chia, không nằm ở vị trí và phương hướng nào. Do vậy nó không bị biến mất không bị chi phối sai sử, không bị tướt đoạt biến thể, nó nguyện vẹn nhất như, nó vốn dĩ như thế, đến cũng như đi không hề đổi thay. Khi ta tu tập giỏi, là không để cho sự biến đổi có cơ hội chi phối hủy diệt, dù ta đang sống trong sự đổi thay, liên tục bị vô thường vây quanh truy bức, thân tứ đại sẽ có ngày tan hoại, sáu căn có khi bị bế tắt, mắt mờ tai điếc, nhưng cái chân tánh nơi ta lúc nào và ở đâu cũng vẫn thường tại. Nhờ nhận biết và thực tu mới không làm cho ta lúng túng, không làm cho ta dao động, vì ta đã nhận ra bản chất đích thực của nó vốn như vậy.

 

Thông thường sáu căn, mắt tai mũi lưỡi thân ý của ta tranh nhau hoạt động, giành nhau chi phối điều khiển, dù vậy nhưng lại dựa dẫm vào nhau nên rất khó để ta cột lại một chổ. Một khi nó hoạt động thì luôn phiên lôi kéo xúi dục, đẩy ta rơi vào dính mắt lầm chấp, phần nhiều do tâm thức của ta chất đầy phiền não, vô minh hằn sâu in đậm trong chủng tử nhiều đời nhiều kiếp nên khó đổi thay. Khoảng trống để cho điều lành cái tốt điều hay cái đẹp không còn chổ trú ngụ. Ta đánh mất chân tánh, bỏ quên bản tâm, không tạo cho mình cơ hội làm mới làm sạch làm chủ, nên ta chìm đắm trôi lăn dạo quanh cõi mộng bờ mê một đời trôi nỗi.

 

Ta đứng giữa hai bờ mê ngộ, cõi tử sinh réo gọi chốn vô thường, trong khoảnh khắc từ bề hoang dại ấy, mộng ngàn năm vẫn còn mộng miệt mài. Nghe đâu đây hạnh phúc nỉ non, nghe đâu đó phiền não dâng trào, nghe muôn lối vô thường dạo bước, nghe niềm đau nổi nhớ gọi muôn phương. Ta lận đận một đời chìm trong mộng mị, được mất hơn thua vui buồn khổ não, dòng xuôi ngược với tháng ngày mưa nắng, phận người nghiệp ta lỗi tại cứ thế xoay vần. Ta vẫn chưa chịu dừng để nghe vô thường thổn thức, lắng đọng tâm tư để nghe tiếng lòng thở nhịp tin yêu, để nghe những hụt hẩng miệt mài nhắc nhở, để nghe dư âm trĩu nặng phiền muộn quấn chặt vào hồn. Nghe trong cõi ấy những dâng cao biệt ly tức tưởi, khung trời kỷ niệm mất mát thương đau đêm ngày luôn phiên nhắc nhở.

 

Tất cả như bản hoà tấu bất tận xa tít mù khơi, cung đàn lỡ nhịp trên dòng tử sinh vô tận, rốt cuộc chỉ có cõi lòng độ lượng mới đủ năng lực vượt sông sâu núi thẳm về với tấm chân tình. Chỉ có lòng từ ái bi mẫn cùng với tâm nguyện bao la cao cả mới đủ công năng ra tay tế độ trầm luân chúng sanh. Chỉ có tâm lượng vô biên lớn mạnh ngự mãi nơi cõi bình an mới chấm dứt được phiêu bồng lãng tử. Chỉ có quay về sống thật với nguồn cội chân như mới chấm dứt được huyễn mộng tử sinh.

 

Bây giờ ta hãy lắng cõi lòng để tâm thật tươi đẹp, nghe vua Trần Thái Tông (1218 - 1277) một vị thiền sư cư sỹ nổi tiếng trong thiền sử, đề cập đến cái nghe.

 

Nghiệp căn Tai là:


Ghét nghe chánh pháp, thích lắng lời tà,
Mê mất gốc chơn, đuổi theo ngoại vọng.
Sáo đàn inh ỏi, bảo khúc long ngâm,
Văng vẳng mõ chuông, coi như ếch nhái.
Câu ví bài vè, bỗng nhiên để dạ,
Lời kinh câu kệ, không chút lắng tai.
Thoáng nghe khen tốt, khấp khởi mong cầu,
Biết rõ lời lành, đâu từng ưng nhận.
Vài ba bạn rượu, năm bảy khách chơi,
Tán ngắn bàn dài, châu đầu nghe thích.
Hoặc gặp thầy bạn, dạy bảo đinh ninh,
Những điều hiếu trung, che tai bỏ mặc.
Hoặc nghe tiếng xuyến, thất niệm buông lung,
Nghe nửa câu kinh, liền như tai ngựa.
Những tội như thế, vô lượng vô biên,
Đầy ắp bụi trần, kể sao cho xiết.
Sau khi mạng chung, rơi ba đường ác
Hết nghiệp thọ sanh, lại làm người điếc.

Nếu không sám hối khó được tiêu trừ,

Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối. (C)

 

 

Vua Trần Thái Tông nêu lên những nghiệp quả do cái nghe tác tạo, được vua nói đến cách đây gần một ngàn năm. Có lẽ bản chất của cái nghe ở hiện tại và thời đó cũng không khác gì mấy. Cái nghe của ta bây giờ đa dạng phong phú, lại được hổ trợ bởi cái tâm thức mưu mô ranh mãnh, cùng với phương tiện dồi dào tối ưu, cả ở bên trong lẫn bên ngoài. Cái nghe được nâng cấp vỗ về o bế, cưu mang chất chứa và nhiều dị biệt hơn. Môi trường sống của ta hiện đại tối tân, chiêu thức tiếp cận và trò múa rối dối gạt cũng tinh vi đa dạng, và lẽ đương nhiên tâm thức cùng nghiệp quả do ta tác tạo nặng nề sâu dày khó đoạn trừ hơn. Ta phải tốn nhiều công sức để hàn gắn giải quyết, con đường tu tập cũng phải vất vả hơn, phương pháp hóa giải cũng phải tinh vi đa chiều.

 

 

Tai của ta từ xưa đến nay thích nghe lời ngon tiếng ngọt nịnh hót nỉ non, thích nghe những âm thanh du dương ngọt ngào trìu mến, khi được nghe chánh pháp thì lại lơ đễnh mỏi mệt biếng lười, ngáp ngắn ngáp dài không chuyên tâm suy xét. Khi bản ngã được vỗ về chiều chuộng vuốt ve, ta lại đắc ý thỏa lòng dương dương tự đắc, hãnh diện sung sướng khi tham vọng được đáp ứng đền bù. Ta cắm đầu chúi mũi chạy theo lời khen ngợi lời tán dương ngất ngây, khiến ta càng ngày càng lún càng sâu, trôi theo âm thanh ngôn ngữ tung hô gọi mời. Ta đi trong hoàng hôn với bóng tối dày đặc phủ vây, sống hả dạ ào ạt với hoang tưởng hư dối mà ta chẳng hề hay biết. Ta chạy theo biến động chập chùng mà không hề rõ tác nhân, ta chất chứa muôn vạn sầu đau mà chẳng biết lối ra nẽo về. Ta sống bầm dập ngất ngư, chết dần chết mòn mà vẫn chưa biết vì sao tại sao, có phải tại ta do ta vì ta lỗi ở ta mọi đàng?

 

Những lời thẳng thắn khuyên bảo chỉ bày cho dù có khó nghe nhưng là lời nhắc nhở chân tình, những lời nói ngay nói thật dù ta không chịu nghe nhưng đó là lời thật sự thật việc thật. Những lời nói đong đầy tỉnh thức bi mẫn vẫn là điều ta khó gặp khó nghe, ta phải biết trân quý giữ gìn nếu ta muốn nương vào để thoát ly khổ não. Những lời nói không làm thoả mãn cho bản ngã của ta, nhưng lại làm cho cái tôi của mình nhỏ bé lại, những lời chân thật đôi khi làm cho ta khó chịu, nhưng đó mới là lời nói không hề dối gạt. Những lời dạy của bậc cổ đức đến từ nội tâm hỷ lạc chân lý như thật, ta vững niềm tin quyết lòng nghe theo vâng giữ cho trọn.

 

Khi ta bị người khác chê bai dù đúng hay sai, thật lòng hay giả dối, ta cảm thấy bản ngã bị xói mòn tổn thương, lập tức ta đùng đùng nổi giận, lửa sân hận nổi lên đốt thiêu tất cả hạt giống lành mà ta tốn bao công sức tạo lập. Ở đâu và nhìn đâu ta đều thấy có sự đối kháng biến động nghịch lại, sẵn sàng đạp ta xuống hố thẳm. Ta mất trắng tay bơ vơ lạc lõng phải làm lại từ đầu, nhưng bao giờ và lúc nào mới được đủ đầy ta vẫn chưa làm sao trả lời được.

 

Thật ra hơn ai hết ta phải nổ lực để hoàn thiện chính mình, làm mới thân tâm nếp sống suy nghĩ, hơn là lo sợ nghi ngờ kẻ khác tước đoạt xía vô chuyện của mình, cái nghe của ta nhiều khi nó lại lừa dối chính ta. Có lẽ bản chất bất thiện ở trong ta lúc nào cũng mạnh mẽ nên ta thường xuyên bị quật ngã. Tâm ta liên tục bất an lo lắng, đẩy xô ta vào chổ khốn cùng quẩn trí, riết rồi ta sống trong sự hoang tưởng khiến ta khổ đau buồn phiền. Những lời a dua nịnh hót êm dịu du dương ngọt ngào thánh thót, cứ thế rót vào tai làm ta mê mẫn tâm trí điên đảo thần hồn, bỏ mất bản tâm không kịp suy xét và hậu quả là khổ não chất đầy.

 

Ta suy nghĩ quá nhiều lo sợ thái quá, và quen sống với âm thanh ngôn ngữ tung hô gọi mời, nhưng ta quên mất một điều, khi thích thì thiên hạ nâng lên không thích thì kéo xuống, ta chạy theo đó nên ta khổ đau lo lắng là phải. Muốn thoát ra ta chuyển đổi vị trí không dùng đôi tai để nghe, thực tập lắng nghe bằng chính trái tim và cõi lòng chân thật của mình, lánh xa những gì gây nguy hại tác động, bảo vệ và gìn giữ tâm ý của mình bằng chất liệu cao cả của chánh pháp.

 

Vua Trần Thái Tông còn hướng dẫn cho ta phương pháp để nghe và cùng nhau phát lòng hướng nguyện.

 

Đệ tử chúng con, chí tâm phát nguyện:

 

Một nguyện nghe tiếng, liền được ngộ đạo,

Hai nguyện nghe khổ, sớm lo tu hành,

Ba nguyện nghe suốt, khắp bốn phương cõi,

Bốn nguyện nghe vui, thấu đạt vô sanh,

Năm nguyện lời tà, tai không dính mắt,

Sáu nguyện chánh ngữ, chóng nghe rành rõ,

Bảy nguyện tiếng pháp, thường được gần gũi,

Tám nguyện trống pháp, thường lắng tai nghe,

Chín nguyện Quán Âm, cùng được tay nắm,

Mười nguyện Khánh Hỷ, đồng đẳng nổi danh,

Nguyện thứ mười một, người điếc phá chướng,

Và nguyện mười hai, tai hằng thông suốt. (C)

 

 

Cái nghe của ta bây giờ đã được soi sáng thông suốt, thay vì chỉ nghe những điều làm che mờ chơn tánh, ta tập nghe nỗi lòng của kẻ khác, tiếng kêu thương của chúng sanh với tất cả sự bình tâm lắng đọng. Ta nghe từng nhịp thở từng tiếng kêu cứu, từng nổi đau sự khổ mà chúng sanh đang gánh chịu. Nghe một cách yêu thương trọn vẹn những buồn vui của kiếp nhân sinh, để rồi tự mình quán chiếu chiêm nghiệm, tự mình nổ lực vượt thoát, vươn lên xoa dịu nổi thống khổ của tha nhân, bằng sự tu tập đủ đầy và phát khởi bi nguyện cứu độ.

 

Biết một cách rõ ràng, hiểu một cách trọn vẹn, lắng nghe một cách hoan hỷ, thực hành một cách chu toàn, tức là ta đã phần nào giải quyết được những lụy phiền bế tắc do cái nghe mang lại. Quá khứ tương lai hiện tại điệp khúc của vô thường bổng vụt bay mất lối, tiếng của quá khứ dội về tương lai nghe đâu đây mơ hồ niềm hy vọng, nghe đâu đó tiếc nuối bâng khuâng. Khi ta còn ở vào cái phút giây trôi dạt, khi ta đứng giữa hai bờ hai lối, là khi ta đi hoang sầu vạn kiếp, khi ta một lần lỡ bước uổng cả một đời. Điều gì cũng vậy một khi chiếm hữu sở đắc thì sẽ trở thành niềm ray rức khôn nguôi, có phải tại ta nắm vào chứ không chịu buông, ta ôm vào chứ không chịu bỏ, ta nghe hoài không biết chán. Tiếng lòng nỉ non ngọt lịm đến tận tim gan, tiếng nức nở trong đêm trường cô quạnh, tiếng chim gọi đàn về tổ ấm, tiếng ly biệt trong dòng chảy của vô thường, tiếng thác đổ trên trời không đọng lại. Tất cả quyện vào tâm thức cuốn hút lấy ta, đưa ta đi từ buồn phiền nầy đến khổ đau khác, tại ta bỏ công ra sức nắm giữ chiếm hữu cho riêng mình, những xúc cảm cùng với bản năng quấy phá, cảnh duyên tha hồ tác động quyện chặt vào tâm, qua lại tới lui theo vòng lẩn quẩn bất tận.

 

Bồ Tát Quán Thế Âm nhờ tu tập tánh nghe mà đạt được “nhỉ căn viên thông” vô ngại thông suốt tường tận, tánh tướng năng sở các pháp. Kinh văn nói:

 

 “Lúc bấy giờ Bồ tát Quán Thế Âm liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát dưới chân đức Phật, rồi bạch Phật rằng:

Bạch đức Thế Tôn, con nhớ vào thời quá khứ hằng hà sa kiếp, lúc ấy có đức Phật xuất hiện ở đời, danh hiệu là Quán Thế Âm. Con ở trước đức Phật đó phát tâm bồ đề. Ngài dạy con từ nghe, tư duy, tu tập thể nhập chánh định.

Ban đầu, con ở trong tánh nghe vào được dòng viên thông thì không còn trạng thái sở văn nữa, tướng sở nhập cũng vắng lặng, hai trạng thái động tĩnh rõ ràng chẳng còn sanh. Trạng thái như vậy tăng dần, các tướng năng văn, sở văn đều dứt sạch.

Không dừng trụ trong chỗ dứt sạch năng văn, sở văn, con đạt đến năng giác sở giác đều vắng lặng. Không giác viên mãn tột bậc thì các tướng năng không và sở không đều tịch diệt. Sinh diệt đã diệt thì bản tính tịch diệt hiện tiền.

Bỗng nhiên con vượt ra ngoài thế gian và xuất thế gian, khắp mười phương một thể sáng suốt viên mãn hiển bày, và con đạt được hai cảnh giới thù thắng.

Một là, trên hợp với bổn diệu giác tâm của mười phương chư Phật và cùng Phật Như Lai đồng một từ lực.

Hai là, dưới hợp với tất cả chúng sinh trong lục đạo khắp mười phương và cùng với chúng sinh đồng một bi ngưỡng.”

 

Khi ta tu tập thật giỏi, nâng được cái nghe từ phàm phu lên bậc thánh, vượt qua mọi giới hạn dừng trụ, không còn biên cương ranh giới chủng tộc chúng sinh, tất cả hoà điệu trong tận cùng muôn một, vựt dậy thắp sáng tánh nghe bằng cách nghe từ bản tâm trong tận cõi lòng sâu xa chân thật, những vi diệu cứ thế tuôn trào biến thành năng lực vô biên hạnh nguyện cao cả. Một khi từ trong bản thể chân như lưu xuất, thì tất cả trở nên thông suốt tường tận, không còn do dự đắn đo lo sợ bị tước đoạt.

 

Một khi ta nhập vào được chánh định, tâm ta sẽ trở nên vững chãi kiên cường, không gì lay chuyển xô ngã được, những âm thanh và cái nghe không phù hợp với chân lý đều bị đốt cháy thiêu hủy. Mọi sự ngăn ngại vướng mắc lầm chấp, không còn kẻ hở nhảy vào gây rối, không còn nơi để dung thân bén mãng, tất cả đều bị ánh sáng tuyệt luân của chánh định đẩy bay ra ngoài. Năng sở tánh tướng, tất cả hoà nhập thành một thể nhất như, chỉ còn lại tánh nghe thông suốt vô tận, giải phóng ta ra khỏi trầm luân.

 

Khi nào ta nghe được như thế tu tập được như vậy, thì cái nghe sẽ trở nên tuyệt vời, thong dong về với chân tánh thường hằng, nhập vào dòng luân chuyển vô tận của bản thể tuyệt nhiên, cái nghe trọn vẹn trong vô cùng không lối, nghe để mà không nghe, nghe để mà cứu độ.

 

Như Hùng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/02/2024(Xem: 1054)
Bát Chánh Đạo là con đường thánh có tám chi nhánh: Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Đây là con đường trung đạo, là lộ trình kỳ diệu giúp cho bất kể ai hân hoan, tín thọ, pháp thọ trong việc ứng dụng, thời có thể chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, giải thoát, niết bàn. Bát Chánh Đạo là Chơn Pháp vi diệu, là con đường đưa đến khổ diệt, vượt thời gian, thiết thực trong hiện tại, được chư Phật quá khứ, Đức Phật hiện tại và chư Phật tương lai chứng ngộ, cung kính, tán thán và thuyết giảng cho bốn chúng đệ tử, cho loài người, loài trời để họ khai ngộ, đến để mà thấy, và tự mình giác hiểu.
07/02/2024(Xem: 1943)
Từ 1983 đến 1985 khi đang ở Singapore, bận bịu với chương trình nghiên cứu Phật giáo tại Viện Phát triển Giáo Trình, tôi được Tu viện Phật giáo Srilankaramaya và một số đạo hữu mời giảng bốn loạt bài pháp nói về một vài tông phái chính của Phật giáo. Các bài giảng được ưa thích, và nhờ các cố gắng của Ô. Yeo Eng Chen và một số bạn khác, chúng đã được ghi âm, chép tay và in ấn để phát miễn phí cho các học viên. Kể từ đó, các bài pháp khởi đi từ hình thức của các tập rời được ngưỡng mộ và cũng được tái bản. Sau đó, tôi nhận thấy có vẻ hay hơn nếu in ấn bốn phần ấy thành một quyển hợp nhất, và với vài lần nhuận sắc, xuất bản chúng để cho công chúng dùng chung.
20/01/2024(Xem: 950)
Thông thường người ta vào học Phật ít nhiều cũng do có động lực gì thúc đẩy hoặc bởi thân quyến qua đời, hoặc làm ăn thất bại, hoặc hôn nhân dở dang v.v... nhưng cũng không ít người nhân nghe giảng pháp hay gặp một quyển sách khế hợp căn cơ liền phát tâm tu hành hay tìm hiểu học Phật pháp. Phần lớn đệ tử xuất gia hoặc tại gia của Hòa Thượng cũng vì cảm mộ pháp giải của Ngài mà quy y Phật. Quyển vấn đáp này góp nhặt từ những buổi giảng thuyết trong các chuyến hoằng pháp của Hòa Thượng, hy vọng cũng không ngoài mục đích trên, là dẫn dắt người có duyên vào đạo hầu tự sửa đổi lỗi lầm mà giảm trừ tội nghiệp.
20/01/2024(Xem: 1040)
Năm xưa khi Phật thuyết kinh, hoàn toàn dùng khẩu ngữ vì bấy giờ nhân loại chưa có chữ viết (xứ Ấn). Sau khi Phật diệt độ, các đệ tử Phật mới kết tập laị những gì Phật dạy để lưu truyền cho đời sau. Đạo Phật dần dần truyền sang các xứ khác, truyền đến đâu thì kinh điển cũng được phiên dịch sang ngôn ngữ của xứ ấy. Lúc ban đầu kinh Phật được ghi chép bằng tiếng Phạn ( Sancrit, Pali ) sau đó thì dịch sang tiếng: Sinhale, Pakistan, Afghanistan, tiếng Tàu, Thái, Nhật, Hàn, Việt… và sau nữa là tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha…
20/12/2023(Xem: 1576)
Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ (Bạch X. Khỏe) định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1991, hiện đang giảng dạy Hóa học và Hóa học danh dự cho Trường trung học Mira Loma tại thủ phủ Sacramento, CA. Ông quy y với Thiền sư Trừng Quang Thích Nhất Hạnh, có Pháp danh là Tâm Thường Định. Ông đã và đang giảng dạy về Lãnh đạo chánh niệm và phương thức mang chánh niệm vào học đường ở bang California từ năm 2014. Tiến sỹ Bạch cũng giảng dạy cho chương trình huấn luyện giáo viên. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều công việc xã hội trong cộng đồng. Tháng Ba 2023, TS Bạch Xuân Phẻ được Hiệp hội Giáo viên California (California Teachers Association) vinh danh vì những đóng góp giáo dục thực hành chánh niệm của ông. TS Bạch Xuân Phẻ cũng được trao Giải thưởng Nhân quyền người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương năm 2023 của bang California (Human Right Awards).
19/12/2023(Xem: 4350)
Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.
13/12/2023(Xem: 10449)
Hành Thiền, một nếp sống lành mạnh trong sáng, một phương pháp giáo dục hướng thượng (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
13/12/2023(Xem: 9800)
Đức Phật của Chúng Ta (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
12/12/2023(Xem: 4974)
Chánh Pháp và Hạnh Phúc (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
08/06/2023(Xem: 2655)
Trong môi trường văn hóa xã hội của chính chúng ta, thay vì chỉ đổ lỗi cho người khác - đi đến một kết luận chung, có lẽ rất đáng bị đổ lỗi, chúng ta nên cùng nhau, với tư cách là đa số im lặng, đó là nếu mỗi người chúng ta làm việc một cách độc lập và riêng lẻ để phát triển những điều lành mạnh, nội tại, văn hóa tinh thần (Pali: citta-bhavana) của chính chúng ta và của toàn xã hội, và cuối cùng tập thể có thể trở nên được cải thiện đáng kể, đồng thời dựa trên cơ sở củng cố đạo đức và thực thi pháp luật và trật tự.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567