Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[07] Truyền bá Giáo Pháp

23/05/201319:48(Xem: 5718)
[07] Truyền bá Giáo Pháp



Đức Phật và Phật Pháp
(The Buddha and His Teachings)
Hòa thượng Narada, 1980
Phạm Kim Khánh dịch Việt, 1998

---o0o---

Truyền bá Giáo Pháp

Hạnh phúc thay Chư Phật giáng sinh!
Hạnh phúc thay Giáo Pháp cao minh!
Hạnh phúc thay Tăng Già hòa hiệp!
Hạnh phúc thay Tứ Chúng đồng tu!
-- Kinh Pháp Cú.

---o0o---

Cảm Hóa Yasa và Các Bạn Hữu

Tại thành Benares có con một nhà triệu phú tên Yasa, trưởng thành trong khung cảnh dồi dào phong phú. Một buổi sáng, chàng dậy sớm hơn mọi khi, và lúc nhìn các nàng hầu thiếp nằm ngủ ngổn ngang bừa bãi thì lấy làm nhờm chán. Ấn tượng ghê tởm này luôn luôn ám ảnh chàng. Toàn thể đền đài nguy nga tráng lệ bấy giờ đối với chàng chỉ còn là một nơi tối tăm buồn bã, đầy dẫy những hình ảnh thô kịch xấu xa. Nhận thức tánh cách tạm bợ của đời sống phàm tục, Yasa trốn nhà ra đi. Chàng nói: "Thống khổ thay cho tôi! Đọa đày thay cho tôi!" và đi về phía Isipatana, nơi mà Đức Phật tạm ngự sau khi độ năm vị tỳ khưu đắc Quả A La Hán [1].

Yasa đến nơi lúc Đức Phật đang đi kinh hành. Thấy chàng từ xa đến, Đức Phật bước ra ngoài đường kinh hành và ngồi lại một nơi đã dọn sẵn. Yasa đứng cách đấy không xa, than rằng: "Thống khổ thay cho con! Đọa đày thay cho con!"

Đức Phật dạy:

"Nơi đây không có thống khổ, hỡi này Yasa! Nơi đây không có đọa đày, này hỡi Yasa! Hãy đến đây, Yasa! Hãy ngồi xuống đây, Như Lai sẽ giảng Giáo Pháp cho con."

Yasa lấy làm hoan hỷ được nghe những lời khuyến khích của Đức Phật. Chàng tháo đôi giày bằng vàng ra và đến gần Đức Phật, cung kính đảnh lễ Ngài và ngồi lại một bên.

Đức Phật thuyết Pháp và sau khi nghe, chàng đắc Quả Tu Đà Hườn (Nhập Lưu), tầng thứ nhất trong bốn tầng thánh.

Đầu tiên, Đức Phật giải thích về hạnh bố thí (dana), giới luật (sila), những cảnh Trời (sagga), những tai hại của nhục dục ngũ trần (kamadinava), về phước báu của sự xuất gia (nekkhammanisamsa). Đến khi nhận thấy tâm của Yasa bắt đầu thuần thục và sẵn sàng lãnh hội giáo lý cao siêu, Ngài giảng về Bốn Chân Lý Thâm Diệu (Tứ Diệu Đế).

Mẹ của Yasa là người đầu tiên ghi nhận sự vắng mặt của con. Bà báo cho chồng. Nhà triệu phú liền ra lệnh cho gia đinh cỡi ngựa đi tìm bốn phương và chính ông đi về hướng Isipatana. Khi nhận ra dấu đôi giày bằng vàng của Yasa in trên đất, ông phăng lần đến nơi Đức Phật.

Thấy ông từ xa đến, Đức Phật dùng thần thông không cho ông nhận ra con. Nhà triệu phú đến gần Đức Phật và cung kính hỏi thăm Ngài có thấy con ông không? Đức Phật bảo: "Hãy ngồi lại đây. Con sẽ được gặp mặt con của con". Nghe vậy, ông triệu phú lấy làm mừng rỡ, vâng lời ngồi xuống. Đức Phật giảng cho ông một thời Pháp. Ông rất hoan hỷ bạch:

"Lành Thay! Lành thay! Bạch hóa Đức Thế Tôn, cũng tựa hồ như có người kia dựng lại ngay ngắn một vật gì đã bị lật đổ, hay khám phá ra một vật đã được giấu kín, hay vạch đường chỉ lối cho người lạc bước, hay cầm ngọn đèn rọi sáng trong đêm tối để cho ai có mắt có thể trông thấy, Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn giảng dạy bằng nhiều phương thức cũng dường thế ấy.

Bạch Đức Thế Tôn, con xin quy y Phật, Pháp và Tăng. Xin Đức Thế Tôn thâu nhận con vào hàng thiện tín. Xin Ngài cho phép con nương tựa nơi Tam Bảo, từ ngày này đến giờ phút cuối cùng của đời con."

Ông là người thiện nam đầu tiên thọ lễ quy y với đầy đủ ba ngôi Tam Bảo. Khi nghe Đức Phật thuyết Pháp cho cha, Yasa đắc quả A La Hán. Vừa lúc ấy, Đức Phật thâu thần thông để nhà triệu phú nhìn thấy con. Ông lấy làm vui mừng, thỉnh Đức Phật cùng vị đệ trử về nhà trai tăng ngày hôm sau. Đức Phật chấp nhận bằng cách làm thinh.

Sau khi ông triệu phú ra về, Yasa xin Đức Phật cho thọ lễ xuất gia sa di và tỳ khưu . Đức Phật truyền giới cho Yasa với những lời sau đây:

"Hãy đến đây hỡi Tỳ Khưu! Giáo Pháp đã được truyền dạy đầy đủ. Hãy sống đời phạm hạnh thiêng liêng của bậc xuất gia để chấm dứt mọi đau khổ. [2]"

Với Đức Yasa, tổng số các vị A La Hán lúc bấy giờ tăng lên sáu. Ngày hôm sau, Đức Phật đến nhà ông triệu phú với sáu vị đệ tử A La Hán. Hai bà -- mẹ và bà trước kia là vợ của Ngài Yasa -- đến nghe Đức Phật thuyết pháp, đắc quả Tu Đà Hườn và xin thọ lễ quy y Tam Bảo. Hai bà là những người tín nữ đầu tiên. [3]

Đại Đức Yasa có bốn người bạn tên Vimala, Subahu, Punnaji và Gavampati. Khi bốn vị này đã nghe tin người bạn cao quý của mình đã cạo râu tóc và đắp y để sống đời không nhà cửa, không sự nghiệp, thì đến thăm và tỏ ý muốn noi theo gương lành ấy. Đức Yasa tiến dẫn cả bốn vào yết kiến Đức Phật, và sau khi nghe Pháp, cả bốn đều đắc Quả A La Hán.

Năm mươi người bạn trứ danh khác của Đại Đức Yasa, tất cả đều thuộc về các gia đình nổi tiếng nhất trong vùng, cũng đến thính Pháp, đắc Quả A La Hán và xuất gia tỳ khưu.

Trong khoảng gần hai tháng, đã có sáu mươi vị thành đạt Đạo Quả A La Hán. Tất cả sáu mươi vị đều sanh trưởng trong những gia đình danh giá nổi tiếng và đều là con ưu tú của các người cha đáng kính.

Những Nhà Truyền Bá Chân Lý Đầu Tiên (Dhammaduta)

Ít lâu sau khi tế độ sáu mươi vị đệ tử thành đạt Đạo Quả A La Hán, Đức Phật quyết định gởi các Ngài đi truyền bá Giáo Pháp mới mẻ ấy cho tất cả, không có bất luận một sự phân biệt nào. Ngài kêu gọi các vị đệ tử như sau:

"Này hỡi các Tỳ Khưu, Như Lai đã thoát ra khỏi mọi trói buộc, dầu ở cảnh người hay các cảnh Trời. [4]

"Các con cũng vậy, này hỡi các Tỳ Khưu, các con cũng đã thoát ra khỏi mọi trói buộc, dầu ở cảnh người hay các cảnh Trời.

"Hãy ra đi, các Tỳ Khưu, đem sự tốt đẹp lại cho nhiều người, đem hạnh phúc đến nhiều người. vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc lại cho chư Thiên và nhân loại [5]. Mỗi người hãy đi một ngã. Này hỡi các Tỳ Khưu, hãy hoằng dương Giáo Pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối cùng, toàn hảo trong cả hai, tinh thần và văn tự. Hãy công bố đời sống thiêng liêng cao thượng [6], vừa toàn thiện, vừa trong sạch.

Có những chúng sanh còn vướng ít nhiều cát bụi trong mắt và nếu không nghe được Giáo Pháp sẽ sa đọa. Cũng có những người sẽ am hiểu Giáo Pháp.

Chính Như Lai cũng đi. Như Lai sẽ đi về hướng Uruvela ở Senanigama để hoằng dương Giáo Pháp.

Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí. Hãy truyền dạy Giáo Pháp cao siêu. Hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Được vậy, là các con đã hoàn tất nhiệm vụ".

Như vậy, Đức Phật là vị giáo chủ đầu tiên gởi các đệ tử đã chứng ngộ và đã thọ lễ xuất gia đi truyền bá giáo lý, vì lòng từ bi, vì tình thương người khác. Không có một nơi ở nhất định, một mình và không tiền của, những nhà truyền giáo đầu tiên ấy đi đây đi đó để truyền dạy Giáo Pháp. Ngoài tấm y để che thân và cái bát để trì bình khất thực độ nhật, các Ngài không còn tài sản riêng tư nào nữa. Phạm vì hoạt động thì bao la mà người hành sự thì ít, nên các Ngài luôn luôn thui thủi đi một mình. tất cả sáu mươi vị đều đã đắc Quả A La Hán, nghĩa là đã siêu thoát, đã vượt ra khỏi mọi trói buộc vật chất. Các Ngài chỉ có một trọng trách duy nhất là truyền dạy Giáo Pháp và công bố đời sống thiêng liêng phạm hạnh (brahmacariya). Chức vụ căn bản của chư vị A La Hán, những người đã thành tựu mục tiêu giải thoát, là nâng cao đời sống đạo đức của người khác bằng cách nêu gương lành trong sạch và nghiêm túc trì giới. Các tiến triển vật chất, dầu là cần thiết, không làm cho các Ngài lưu ý.

Thành Lập Giáo Hội Tăng Già

Vào thuở ấy có sáu mươi vị A La Hán trên thế gian. Với nhóm người hoàn toàn trong sạch ấy làm nòng cốt, Đức Phật sáng lập "Giáo Hội của những người độc thân".

Các hội viên đầu tiên là những người thuộc giai cấp lãnh đạo có học thức và cao sang nhất trong xã hội thời bấy giờ. Tuy nhiên, Giáo Hội luôn luôn mở rộng cửa cho tất cả mọi người xứng đáng, không phân biệt giai cấp, đẳng cấp hay chủng tộc. Cả già lẫn trẻ, ở mọi tầng lớp, đều có thể được chấp nhận vào đoàn thể để chung sống trong tình huynh đệ như anh em trong một gia đình. Giáo Hội Tăng Già vẫn còn tồn tại đến ngày nay dưới hình thức một đoàn thể tu sĩ độc thân xưa nhất trong lịch sử nhân loại.

Đức Phật không khuyên tất cả mọi người nên rời bỏ đời sống gia đình để mang bát, đắp y, trở thành tu sĩ không nhà cửa, không tài sản sự nghiệp. Một người cư sĩ cũng có thể sống đời cao đẹp, thích ứng với Giáo Pháp và chứng đắc các thánh Quả. Cha, mẹ, và vợ của Ngài Yasa là những người tu tại gia đầu tiên bước theo dấu chân của Đức Phật. Tất cả ba vị đều tiến triển đầy đủ về mặt tinh thần để thành tựu Đạo Quả Tu Đà Hườn. Với sáu mươi vị A La Hán, xem như những nhà truyền giáo lý tưởng để hoằng dương Chân Lý, Đức Phật quyết định quảng bá pháp mầu đến những ai có tai vui lòng muốn nghe.

Thâu Nhận Ba Mươi Thanh Niên

Ơ Isipatana một ít lâu, Đức Phật ra đi về hướng Uruvela. Trên đường, một hôm Đức Phật dừng chân, ngồi dưới cội cây, trong một cụm rừng nhỏ.

Cùng lúc ấy có ba mươi thanh niên vui vẻ trẻ trung cũng dắt vợ đến chơi trong cụm rừng. Một trong những người ấy không vợ nên dắt theo một người bạn gái.

Trong khi ai nấy vui đùa với nhau thì cô bạn gái bỏ đi, lén đem theo các món đồ quý giá của mấy người kia. Đến lúc hay ra, cả ba mươi thanh niên cùng nhau chạy đi tìm kiếm trong rừng. Thấy Đức Phật, các người trai trẻ ấy đến gần hỏi thăm Ngài có thấy một thiếu phụ đi ngang qua đó không.

Đức Phật hỏi lại:

"Theo ý các con thì nên tìm một người phụ nữ hay nên tự tìm ra mình là hơn?"

- Bạch Ngài tự tìm ra mình hẳn là hơn [7].

- Vậy hãy ngồi lại đây, Như Lai sẽ giảng Giáo Lý cho các con.

- Chúng con xin vâng.

Và tất cả đều quỳ xuống, cung kính đảnh lễ rồi ngồi lại một bên, chăm chỉ lắng nghe. Sau đó, cả ba mươi thanh niên lấy làm hoan hỷ, xin xuất gia theo Đức Phật.

Cảm Hóa Ba Anh Em Kassapa (Ca Diếp)

Từ nơi này đến nơi khác, khi đi lúc nghỉ, một ngày nọ, Đức Phật đến Uruvela.

Ơủ đây có ba anh em nhà tu sĩ khổ hạnh (jatila) để tóc dài và thắt lại thành bím, tên là Uruvela Kassapa, Nadi Kassapa, và Gaya Kassapa. Ba anh em sống mỗi người một nơi. Người anh cả có năm trăm đệ tử, anh giữa ba trăm và người em út hai trăm. Riêng người anh cả tin tưởng mãnh liệt vào sự thành công tinh thần của mình, và cho rằng mình đã đắc Quả A La Hán.

Đức Phật đến viếng các vị này trước nhất và xin an ngụ qua đêm trong cái phòng thờ Thần Lửa của ông. Trong phòng ấy có một con rắn chúa dữ tộn. Đức Phật dùng thần thông khắc phục rắn. Uruvela Kassapa thấy vậy thì mừng rỡ, thỉnh Đức Phật ở lâu thêm như một vị thượng khách. Nhiều lần khác nhau Đức Phật dùng thần thông để thâu phục, nhưng ông vẫn tin tưởng rằng Đức Phật chưa đắc Quả A La Hán như ông.

Sau cùng, khi hiểu rõ rằng ông chưa đạt đến tầng cao thượng ấy và chính Đức Phật đã đắc Đạo Quả A La Hán, ông xin quy y, rồi xuất gia , cùng với tất cả các đệ tử của ông.

Hai người em và các đệ tử cũng noi theo gương ấy. Cùng với ba anh em Ngài Kassapa và 1000 đệ tử của ba vị ấy, Đức Phật lần hồi đến Gaya Sisa, cách Uruvela không xa, nơi đây Đức Phật giảng bài kinh Aditta-pariyaya Sutta, "Tất cả đều bị thiêu đốt", và cả ba anh em Ngài Kassapa đều chứng đắc Đạo Quả A La Hán.

---o0o---

Aditta Pariyaya Sutta,
Bài Kinh Đề Cập Đến "Tất Cả Đều Bị Thiêu Đốt"

Tất cả đều bị thiêu đốt, này hỡi các Tỳ Khưu! Hỡi này các Tỳ Khưu! Tất cả đều bị thiêu đốt là như thế nào?

"Mắt (nhãn căn) nằm trong lửa, hình sắc (nhãn trần) nằm trong lửa, sự thấy (nhãn thức) nằm trong lửa. Cảm giác (thọ), dầu vui sướng hay đau khổ hay không-vui-sướng, không-đau-khổ, phát sanh do nhãn xúc, đều nằm trong lửa. Lửa ấy bắt nguồn từ đâu? Từ những ngọn lửa tham ái, sân hận, si mê, sanh, bệnh, tử, phiền muộn, ta thán, đau khổ, âu sầu, và thất vọng. Như Lai tuyên bố như vậy.

"Hãy quán tưởng điều này, hỡi các Tỳ Khưu, người đệ tử thuần thành của bậc Thánh Nhân sẽ nhàm chán với nhãn quan, nhãn trần, nhãn xúc, nhãn thức, dầu thọ cảm có như thế nào chăng nữa -- vui sướng, đau khổ, hay không-vui-sướng không-đau-khổ -- phát sanh do nhãn xúc. Người đệ tử thuần thành của bậc Thánh Nhân sẽ nhàm chán với tai, âm thanh, mũi, hương, lưỡi, vị, thân, xúc, tâm, ý, tâm thức, tâm xúc, bất luận cảm giác nào -- vui sướng, đau khổ, hay không-vui-sướng không đau-khổ -- phát sanh do sự tiếp xúc với tâm.

"Vì nhàm chán, người đệ tử thuần thành của bậc Thánh Nhân dứt khoát buông xả mọi luyến ái, và do sự buông xả ấy, hoàn toàn siêu thoát. Từ đó, hành giả biết không còn tái sanh nữa, đã viên mãn sống đời thiêng liêng phạm hạnh của bậc Thánh Nhân, đã làm những việc cần phải làm, và không bao giờ còn trở lại trạng thái ấy nữa".

Khi Đức Phật kết luận bài Pháp, tất cả các vị tỳ khưu đều đắc Quả A La Hán, tận diệt mọi ô nhiễm.

---o0o---

Cảm hóa Đức Sariputta (Xá Lợi Phất) và Đức Moggallana (Mục Kiền Liên)

Cách thành Rajagaha (Vương Xá) không xa, trong làng Upatissa - làng này cũng có tên là Nalaka, có một thanh niên thông minh xuất chúng, tên Sariputta (Xá Lợi Phất), con của bà Sari.

Vì Sariputta (Xá Lợi Phất) sanh trưởng trong gia đình cao sang quyền quý nhất trong làng nên người trong vùng ấy gọi chàng là Upatissa.

Mặc dầu hấp thụ truyền thống Bà La Môn Giáo, Upatissa sớm có một quan điểm rộng rãi về đời sống. Trí tuệ cao minh và thuần thục thúc giục chàng từ bỏ tôn giáo của ông cha để theo giáo lý quảng đại và thuần lý hơn của Đức Phật Gotama (Cồ Đàm). Cha chàng Vanganta, hình như vẫn giữ đức tin trong Bà La Môn Giáo. Mẹ chàng không bằng lòng thay đổi tín ngưỡng -- nhưng về sau, lúc gần lâm chung, chính Đức Xá Lợi Phất dẫn dắt bà quy y theo Phật Giáo.

Upatissa trưởng thành trong cảnh giàu sang sung túc. Chàng có một người bạn chí thân tại Kolita thường được gọi là Moggallana (Mục Kiền Liên). Hai người vốn đã có mối liên hệ mật thiết trong nhiều kiếp sống quá khứ xa xôi. Ngày kia, trong khi cùng vui chơi trên một đỉnh đồi, cả hai đều nhận thức rằng tất cả những thú vui vật chất đều nhất thời, tạm bợ và vô ích. Cùng một lúc, hai người bạn thân đồng quyết định từ bỏ thế gian để tìm con đường thoát khổ. Và cả hai lang thang đó đây để tìm vắng lặng. Trên đường đi tìm chân lý, hai chàng thanh niên đến yết kiến đầu tiên Đạo Sĩ Sanjaya, lúc ấy có rất đông đệ tử và xin thọ giáo.

Không bao lâu, hai người đã lãnh hội tất cả giáo lý của thầy và cảm thấy những hiểu biết ấy thật là mỏng manh, hạn hẹp. Không thỏa mãn, vì giáo lý này không chữa được chứng bệnh trầm kha của nhân loại, hai người lại ra đi, rày đây mai đó, tìm vắng lặng.

Hai người đi đến nhiều vị đạo sĩ Bà La Môn trứ danh, nhưng ở đâu cũng gặp toàn thất vọng. Sau cùng, cả hai đành trở về nhà và trước khi chia tay, hứa với nhau rằng người nào tìm ra trước Con Đường, sẽ cho người kia biết.

Cùng lúc ấy, Đức Phật gởi sáu mươi vị đệ tử đi truyền bá Giáo Pháp tốt đẹp cho thế gian. Chính Đức Phật bổn thân đi về phía Uruvela và Đức Assaji, một trong năm vị đệ tử đầu tiên, đi về hướng thành Rajagaha (Vương Xá).

Đến đây nghiệp tốt của hai chàng thanh niên dốc lòng tìm đạo đã hợp đủ duyên lành để trổ sanh. Upatissa đang đi trong thành Rajagaha (Vương Xá) thì bỗng nhiên nhìn thấy một vị tu sĩ y bát trang nghiêm, tướng đi từ tốn, mắt nhìn xuống độ vài thước phía trước chân, gương mặt trầm tĩnh thong dong, biểu lộ trạng thái vắng lặng thâm sâu bên trong.

Vị đại đức khả kính nọ khoan thai đi từ nhà này sang nhà khác, nhận lãnh chút ít vật thực mà lòng quảng đại trong dân gian vui lòng đặt vào bát. Cốt cách siêu phàm của vị chân tu khiến Upatissa tò mò để ý. Chàng nghĩ thầm, "Chưa khi nào ta gặp được một vị đạo sĩ như thế này. Chắc chắn Ngài là một trong những vị đã đắc Quả A La Hán, hay ít ra cũng là một trong những vị đang đi trên con đường dẫn đến Đạo Quả A La Hán. Ta hãy đến gần hỏi Ngài vì sao Ngài thoát ly thế tục? Thầy của Ngài là ai? Ngài truyền bá giáo lý của ai?"

Tuy nhiên, thấy Đức Assaji đang yên lặng đi trì bình, Upatissa không dám làm rộn.

Khi vị A La Hán Assaji đi bát xong, tìm một nơi thích hợp để ngồi lại thọ thực. Upatissa lấy làm mừng rỡ, chụp lấy cơ hội, cung kính dâng đến Ngài một cái chén mà chàng đã đem theo để dùng, và rót vào một ít nước. Thực hàng xong bổn phận khiêm tốn sơ khởi của người đệ tử, chàng thành kính bạch:

"Kính bạch Đại đức, ngũ quan của Ngài thật là bình thản và an tĩnh. Nước da của Ngài thật là sáng sủa và trong trẻo. Xin Ngài hoan hỷ dạy con, vì mục đích nào Ngài thoát ly thế tục? Ai là vị tôn sư của Ngài? Ngài truyền bá giáo lý của ai?"

Vì A La Hán khiêm tốn trả lời -- và đây là đặc điểm của các bậc vĩ nhân:

"Này Đạo Hữu, bần tăng chỉ là một tu sĩ sơ cơ. Bần tăng không có đủ khả năng để giảng giải Giáo Pháp một cách dong dài và rành rẽ."

- Kính bạch Đại Đức, con là Upatissa, xin Đại Đức hoan hỷ chỉ giáo ít nhiều, con sẽ cố gắng tự tìm hiểu giáo lý bằng trăm ngàn cách. Và chàng nói tiếp:

"Xin Ngài hoan hỷ chỉ dạy, nhiều hay ít cũng được. Xin Ngài dạy cho điểm thiết yếu. Con xin Ngài dạy cho đại lược. Chỉ một vài tiếng tóm tắt ngắn gọn."

Đức Assaji liền đọc lên bốn câu kệ tóm tắt phần triết lý cao siêu sâu sắc của Đấng Tôn Sư về chân lý của định luật nhân quả:

Ye dhammà hetuppabhavà -
Tesam hetum tathàgato
Aha tesan ca yo nirodho -
evam vàdì mahà samano.

Về các Pháp phát sanh do một nhân.
Nhân ấy, Như Lai đã chỉ rõ.
Và Như Lai cũng dạy phương pháp để chấm dứt.
Đó là giáo huấn của vị Đại Sa Môn.

Trí tuệ của Upatissa lúc bấy giờ đã đủ thuần thục để thấu triệt những chân lý sâu xa, dầu chân lý ấy chỉ được gợi ra một cách vắn tắt. Ngài chỉ cần một tia ánh sáng, và Đức Assaji đọc lên bốn câu kệ thật khéo léo, đưa Ngài ngay vào Con Đường. Khi nghe hai câu đầu, Upatissa đắc Quả Tu Đà Hườn (Sotapatti).

Vị đệ tử mới nhập môn chắc chắn là hết sức thỏa thích và hết lời cảm tạ ông thầy khả kính đã khai thông trí tuệ mình trong giáo lý trác tuyệt cao siêu của Đức Phật.

Upatissa của được nghe Đức Assaji thuật lại các đặc điểm của Đức Phật.

Từ đó về sau, tâm đạo của Ngài càng tăng trưởng và lòng tri ân đối với Đức Assaji càng sâu sắc. Mỗi khi được nghe Đức Assaji ở nơi nào thì Ngài quay về hướng ấy, chắp tay đảnh lễ, và lúc ngủ luôn luôn quay đầu về hướng ấy.

Bấy giờ, đúng theo lời cam kết, Upatissa trở về báo tin lành cho bạn Kolita, vốn cũng là bậc trí tuệ. Khi nghe xong bốn câu kệ, ông cũng đắc Quả Tu Đà Hườn. Lòng mừng khấp khởi, hai người bạn lành đi tìm thầy cũ là đạo sĩ Sanjaya để thuật lại kết quả tốt đẹp mà hai vị đã thành đạt và để dâng lên thầy một niềm tin mới. Hai Ngài thất bại vì đạo sĩ Sanjaya từ chối. Nhưng nhiều đệ tử của Thầy sẵn sàng cùng theo hai Ngài đến Veluvana (Trúc Lâm Tịnh Xá), thọ giáo với Đức Phật.

Do lời thỉnh cầu của hai vị, Đức Phật chấp nhận cả hai vào hàng môn đệ với lời gọi: "-Etha Bhikkhave! - Hãy lại đây, Tỳ Khưu!".

Nửa tháng sau, khi nghe Đức Phật thuyết kinh Vedana Pariggaha Sutta cho đạo sĩ du phương Dighanakha, Đức Sariputta (Xá Lợi Phất) đắc Quả A La Hán. Chiều ngày hôm ấy, Đức Phật triệu tập tất cả các đệ tử đến quanh Ngài để tấn phong hai vị, Đại Đức Upatissa (Sariputta, Xá Lợi Phất) và Kolita (Moggallana, Mục Kiền Liên), cũng đắc Quả A La Hán một tuần trước đó, làm đệ nhất và đệ nhị đệ tử trong Giáo Hội Tăng Già.


Chú thích:

[1] Lúc ấy nhằm ngày thứ năm sau khi Đức Phật Chuyển Pháp Luân.

[2] Xuất gia Sa-di, Pabbajja - đúng theo ngữ nguyên, là đi tới, hay từ khước. Ở đây chỉ có nghĩa là được chấp nhận vào hàng xuất gia bằng cách quy y Phật, Pháp, Tăng. Xuất gia Tỳ Khưu, Upasampada, cụ túc giới, hay tỳ khưu giới, là đầy đủ giới hạnh.

[3] Upasaka = thiện nam, Upasika = tín nữ, đúng theo ngữ nguyên, là người có liên quan mật thiết đến Tam Bảo. Upasaka và Upasika là cận thị nam và cận thị nữ, hay người đàn ông và đàn bà cư sĩ, đi theo con đường của Đức Phật. Người ta trở nên thiện nam hay tín nữ sau khi đọc ba câu kinh quy y:

Buddham Saranam Gacchami - Con xin quy y Phật.
Dhammam Saranam Gacchami - Con xin quy y Pháp.
Sangham Saranam Gacchami - Con xin quy y Tăng.

[4] Mahavagga, trang 19 - 20

[5] Nên ghi nhận danh từ "chư Thiên", các vị Trời (Deva)

[6] Phạn ngữ Brahmacariya ở đây không có gì liên quan đến một vị Thần Linh hay Phạm Thiên, mà có nghĩa là cao quý, thiêng liêng. Công bố đời sống cao thượng có nghĩa là ban hành lễ xuất gia.

[7] Tự tìm ra mình: tức nhìn vào bên trong mình. Tìm hiểu thực tướng của chính mình. Câu này có nhiều ý nghĩa lý thú. Attanam là một thể của danh từ Atta nghĩa là "ta", "bản ngã". Ở đây, Đức Phật không đề cập đến một linh hồn như một vài học giả cố giải thích như vậy. Có thể nào Đức Phật xác nhận một linh hồn, khi mà Ngài rõ ràng và minh bạch phủ nhận trong bài Pháp thứ nhì?



--- o0o ---

| Thư Mục Tác Giả|

--- o0o ---

Chân thành cám ơn anh Hứa Dân Cường và các thiện hữu đã phát tâm giúp tổ chức đánh máy vi tính; đạo hữu Bình Anson đã gửi tặng phiên bản điện tử bộ sách này.
( Trang nhà Quảng Đức, 02/2002)

Trình bày : Nguyên Hân Ngọc Hạnh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/03/2021(Xem: 8843)
Anton đã nói với tôi rằng một người bạn nổi tiếng của ông một lần nọ đã lưu ý rằng hầu hết những nhà vật lý lượng tử liên hệ đến lãnh vực này thì ở trong phong thái tâm thần phân liệt. Khi họ ở trong phòng thí nghiệm và chơi đùa với mọi thứ, thì họ là những người thực tế. Họ nói về những quang tử (photon) và điện tử đi đây và đi đó. Tuy nhiên, lúc chuyển sang việc thảo luận triết lý, và hỏi họ về nền tảng của cơ học lượng tử, thì hầu hết sẽ nói rằng không có gì thật sự tồn tại mà không có cơ cấu nhận – định nó.
29/11/2020(Xem: 14870)
“Ma” tiếng Phạn gọi là Mara, Tàu dịch là “Sát,” bởi nó hay cướp của công đức, giết hại mạng sống trí huệ của người tu. “Ma” cũng chỉ cho những duyên phá hoại làm hành giả thối thất đạo tâm, cuồng loạn mất chánh niệm, hoặc sanh tà kiến làm điều ác, rồi kết cuộc bị sa đọa. Những việc phát sanh công đức trí huệ, đưa loài hữu tình đến Niết-bàn, gọi là Phật sự. Các điều phá hoại căn lành, khiến cho chúng sanh chịu khổ đọa trong luân hồi sanh tử, gọi là Ma sự. Người tu càng lâu, đạo càng cao, mới thấy rõ việc ma càng hung hiểm cường thạnh. Theo Hòa Thượng Thích Thiền Tâm trong "Niệm Phật Thập Yếu", Ma tuy nhiều, nhưng cốt yếu chỉ có ba loại: Phiền não ma, Ngoại ma và Thiên ma
04/11/2020(Xem: 9297)
Những chúng sanh thuộc hàng Thanh Văn: Các chúng sanh thuộc hàng Thanh Văn được chứng ngộ khi nghe được những học thuyết về các Uẩn, Giới, Xứ, nhưng lại không đặc biệt lưu tâm đến lý nhân quả. Họ giải thoát được sự trói buộc của các phiền não nhưng vẫn chưa đoạn diệt được tập khí của mình. Họ đạt được sự thể chứng Niết-Bàn, và an trú trong trạng thái ấy, họ tuyên bố rằng họ đã chấm dứt sự hiện hữu, đạt được đời sống Phạm hạnh, tất cả những gì cần phải làm đã được làm, họ sẽ không còn tái sinh nữa. Những vị nầy đã đạt được Tuệ kiến về sự Phi hiện hữu của “Ngã thể” trong một con người, nhưng vẫn chưa thấy được sự Phi hiện hữu trong các sự vật. Những nhà lãnh đạo triết học nào tin vào một "Đấng Sáng Tạo" hay tin vào “Linh hồn” cũng có thể được xếp vào đẳng cấp nầy.
03/10/2020(Xem: 24864)
Đây là một bài nghị luận về Lý Duyên Khởi được Ajahn Brahm viết lần đầu tiên hơn hai thập niên trước. Vào lúc đó, ngài quan tâm nhiều hơn đến những chi tiết phức tạp trong việc giảng dạy kinh điển. Vì lý do đó bài nghị luận này có tính cách hoàn toàn chuyên môn, so với những gì ngài giảng dạy hiện nay. Một trong những học giả Phật học nổi tiếng nhất hiện nay về kinh điển Phật giáo đương đại là Ngài Bhikkhu Bodhi, đã nói với tôi rằng “Đây là bài tham luận hay nhất mà tôi được đọc về đề tài này”.
23/03/2020(Xem: 12385)
Có một con sư tử mẹ đang đi kiếm ăn. Nó sắp làm mẹ. Buổi sáng đó nó chạy đuổi theo một chú nai. Chú nai con chạy thật nhanh dù sức yếu. Sư tử mẹ dầu mạnh, nhưng đang mang thai, nên khá chậm chạp. Sư tử mẹ chạy sau chú nai con rất lâu, khoảng 15 phút, mà vẫn chưa bắt kịp. Sau đó chúng tới một rãnh sâu. Chú nai lẹ làng nhảy qua rãnh, sang bờ bên kia. Sư tử mẹ rất bực tức vì không bắt kịp con mồi, và vì nó đang cần thức ăn cho cả nó và đứa con trong bụng. Vì thế, nó cố hết sức để nhảy qua cái rãnh sâu. Nhưng tai họa đã xảy ra, sư tử mẹ đã sẩy đứa con khi cố nhảy qua rãnh. Dầu qua được bờ bên kia, nhưng sư tử mẹ biết rằng mình đã đánh mất đứa con mà nó đã chờ đợi từ bao lâu, đã yêu thương hết lòng, chỉ vì một phút vô tâm của mình. Nó đã quên rằng nó đang mang một bào thai trong bụng, và nó cần phải hết sức cẩn trọng. Chỉ một phút lơ đễnh, nó đã không giữ được đứa con của mình.
01/03/2020(Xem: 13835)
Kinh Viên Giác là kinh đại thừa đốn giáo được Phật cho đó là “Con mắt của 12 bộ kinh”. “Con mắt” ở đây theo thiển ý có nghĩa là Viên Giác soi sáng nghĩa lý, là điểm tựa, là ngọn hải đăng cho các bộ kinh để đi đúng “chánh pháp nhãn tạng”, không lạc vào đường tà và tu thành Phật. Khi nghe kinh này, đại chúng kể cả chư Phật và chư Bồ Tát đều phải vào chánh định/tam muội, không bình thường như những pháp hội khác.
06/01/2020(Xem: 13181)
Đức Tổng Giám mục Colombo, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith người Sri Lanka,Chủ tịch Hội đồng Giám mục Sri Lanka, phục vụ Giáo hội Công giáo La Mã của Thánh Matthew ở Ekala, Sri Lanka, gần đây đã nói điều gì đó dọc theo dòng “Nhân quyền đã trở thành tôn giáo mới nhất ở phương Tây. . . Người dân Sri Lanka đã nghiêng về con người thông qua Phật giáo, truyền thống tôn giáo chính thống của họ đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử. . . Những người không thực hành tôn giáo là những người bị treo lên Nhân quyền”.
04/01/2020(Xem: 9573)
Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên có thiền truyện thuật lại cuộc hỏi đáp giữa Triệu Châu và Nam Tuyền: " Triệu Châu hỏi Nam Tuyền: 'Thế nào là đạo?' Nam Tuyền đáp : ‘Tâm bình thường là đạo’ (Bình Thường Tâm thị Đạo). _’Lại có thể nhằm tiến đến chăng?’ _ ‘Nghĩ nhằm tiến đến là trái’. _ ‘Khi chẳng nghĩ làm sao biết là đạo?’ _ ‘Đạo chẳng thuộc biết và chẳng biết. Biết là vọng giác, không biết là vô ký. Nếu thật đạt đạo thì chẳng nghi, ví như hư không rỗng rang đâu thể gắng nói phải quấy’. Ngay nơi lời này Triệu Châu ngộ lý, bèn đi thọ giới...." Vậy, thế nào là “Tâm Bình Thường”?
08/12/2019(Xem: 28167)
Kính lễ Phật Pháp Tăng là thể hiện niềm tin sâu xa của Tứ chúng đệ tử đức Phật mỗi ngày đối với Tam bảo. Đệ tử Phật dù tu tập chứng A-la-hán vẫn suốt đời nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng không hề xao lãng. Các vị Bồ tát từ khi phát Bồ đề tâm, tu tập trải qua các địa vị từ Tín, Trú, Hạnh, Hướng, Địa cho đến Đẳng giác không phải chỉ nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng một đời mà đời đời, kiếp kiếp đều nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng. Nhờ sự nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng như vậy, mà Bồ tát không rơi mất hay quên lãng tâm bồ đề, khiến nhập được vào cảnh giới Tịnh độ không thể nghĩ bàn của chư Phật, nhập vào thể tính bất sinh diệt cùng khắp của Pháp và nhập vào bản thể hòa hợp-thanh tịnh, sự lý dung thông vô ngại của Tăng.
08/12/2019(Xem: 30707)
Phật Giáo và Những Dòng Suy Tư (sách pdf)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]