Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tận Trừ Nghiệp Chướng

30/04/202410:30(Xem: 3781)
Tận Trừ Nghiệp Chướng

 
thich nguyen tang



 

TẬN TRỪ NGHIỆP CHƯỚNG

Bài viết của TT Thích Nguyên Tạng 

Diễn đọc: PT Diệu Danh

 

🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️ 🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️



 

Con người thường hay thắc mắc tại sao mình có mặt ở cõi giới Ta Bà này để chịu khổ triền miên. Câu trả lời thường được nghe là: Để trả nghiệp. Nhưng nghiệp là gì? Và làm sao để thoát khỏi? Then chốt cho câu trả lời được gói ghém trong 2 câu:

 

“Ái bất trọng, bất sanh Ta Bà
Niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Độ”

 

 Có nghĩa là:

“Nghiệp ái luyến không nặng, sẽ không tái sanh ở cõi Ta Bà
Niệm Phật không nhất tâm, sẽ không vãng sanh về Tịnh Độ”

 

Nhất định là như thế và câu hỏi tiếp theo: “Nghiệp từ đâu mà có? Câu trả lời đã được Phật giải đáp trong Kinh Trung Bộ [1] : "Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu".

Như vậy rõ ràng Nghiệp hay Ái Nghiệp là do chính mình tạo ra chứ không phải do một đấng thần linh tối cao nào đó ban thưởng hay trừng phạt như Cụ Nguyễn Du thổ lộ trong Truyện Kiều:

“Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.

 

Trong Kinh Pháp Cú [2] mô tả rõ hơn về hình ảnh tạo nghiệp và hệ quả của nghiệp:

"Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý ô nhiễm
Nói năng hay hành động,
Khổ não bước theo sau
Như
xe, chân vật kéo. (Dh 1)

 

Và ngược lại:

"Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý thanh tịnh
Nói năng hay hành động
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình". (Dh 2)

 

Tổ Sư Linh Hựu (771-853) đã khuyến cáo hành giả bằng cách nhắc lại lời Phật dạy trong Quy Sơn Cảnh Sách rằng, một khi nghiệp đã được tạo rồi thì không bao giờ biến mất:

“Cố kinh vân, giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ” [3].

 

Nghĩa là:

“Cho nên kinh dạy: Giả sử qua trăm nghìn kiếp, nghiệp đã tạo rồi không bao giờ mất, khi đủ nhân duyên, người ấy phải chịu quả báo”.

 

Khi đọc lời dạy này khiến chúng ta nhớ lại câu chuyện “Ông Già Chồn” [4] xuất hiện trong các thời Pháp của Tổ Bách Trượng.

Tổ Bách Trượng Hoài Hải (720-814), là một trong những Thiền sư Trung Hoa lừng danh đời Nhà Đường, Ngài là đệ tử nối pháp của Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất và là đời thứ ba sau Lục Tổ Huệ Năng.


Chuyện kể rằng, sau buổi giảng, mọi người đều lui về nghỉ, cuối giảng đường chỉ còn lại một ông già. Tổ Bách Trượng hỏi: “Ông già có việc gì cần hỏi?”

Ông lão trình bạch: “Kính bạch Hòa Thượng, con vốn không phải là người, con chỉ là một con chồn sống trong hang núi ở phía sau chùa của Hòa Thượng. Năm trăm kiếp trước, vào thời Đức Phật Ca Diếp, con là một vị Tăng tinh tấn tu hành, Trụ trì một ngôi chùa. Một hôm có một vị Tăng hỏi con rằng “Bậc đại tu hành có còn bị nhân quả chi phối hay không?”, con đã trả lời:“Bậc đại tu hành không còn bị nhân quả chi phối” (Bất lạc nhân quả). Con không biết là con trả lời sai chỗ nào, nhưng sau khi mạng chung kiếp ấy, con bị đọa làm thân con chồn, đến nay đã năm trăm đời, kính mong Hòa Thượng từ bi hoan hỷ khai thị một câu để giúp con thoát khỏi thân chồn

Tổ Bách Trượng bảo: “Ông già hãy hỏi lại ta đi”.


Ông già chắp tay cung kính hỏi: “ Bạch Hòa Thượng, bậc đại tu hành có còn rơi vào nhân quả hay không?”.


Tổ đáp: “Không còn mê lầm về nhân quả” (Bất muội nhân quả).


Nghe xong câu nói này, ông già liền đại ngộ, lễ tạ Tổ và thưa: “Con niệm ơn Hòa Thượng đã giúp con thoát khỏi thân chồn. Con ở trong hang sau chùa, dám xin Hòa Thượng lấy phép Tăng làm lễ tống táng cho con”.


Sau giờ Ngọ trai hôm ấy, Tổ Bách Trượng bảo Thầy Duy-na đánh kiền-chùy tập hợp đại chúng để đưa đám một vị Tăng. Đại chúng cùng nhau bàn tán và thắc mắc: “Trong chúng đều khỏe mạnh, nhà bệnh không có ai nằm, tại sao có đám tang?". Tổ Bách Trượng dẫn chúng đệ tử đến hang núi phía sau, lấy tích trượng bới ra xác một con chồn vừa chết, đem về làm lễ hỏa táng như một vị Tăng.

Quả thật quá sợ hãi khi ta nghe qua câu chuyện trên. Chỉ vì vô tình theo cái biết chưa rốt ráo của mình nên phạm sai lầm lớn là bác bỏ luật nhân quả nghiệp báo. Vị Tăng này cứ đơn giản nghĩ rằng nhân quả không ảnh hưởng gì đến những bậc tu hành cao tột, trong khi luật nhân quả là cốt tủy giáo lý của Đạo Phật, phủ nhận luật nhân quả là phủ nhận toàn bộ lời Phật dạy, cho nên quả báo của khẩu nghiệp nói sai này phải làm thân chồn đến 500 đời. Tuy nhiên Ông già chồn nhờ công đức tinh tấn tu tập ở kiếp xưa khi làm Tăng nên đời này thác sanh làm loài chồn ở cạnh chùa của Tổ Bách Trượng, để mỗi ngày được nghe kinh, thính pháp, rồi cuối cùng khi duyên lành hội đủ, ông già đã được Tổ hóa độ.


Bấy nhiêu đó cũng đủ thấy nghiệp chướng đeo mang theo chúng ta trong vòng luân hồi sanh tử này như thế nào. Và chúng ta phải làm gì để có thể tận trừ nghiệp chướng?

Giáo lý Phật đưa ra nhiều phương pháp để thanh lọc, tận trừ nghiệp chướng xuyên qua các pháp tu như: sám hối, thiền định, niệm Phật, bố thí, phóng sanh, cúng dường v.v...

Trong Kinh Tăng Chi [5] Phật dạy phương pháp thanh lọc nghiệp qua hình ảnh của “muối và nước sông Hằng”:

“Này các Tỷ-kheo, ví như có người bỏ một nắm muối vào trong một chén nước nhỏ. Nước trong chén ấy có phải nắm muối trở thành mặn và không uống được phải không?

- Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Nước trong chén nhỏ này ít, do nắm muối này, nước trở thành mặn, không uống được.

- Này các Tỷ-kheo, ví như có người bỏ một nắm muối vào sông Hằng, sông Hằng có vì nắm muối trở thành mặn không?

- Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Vì cả  sông Hằng là một khối nước lớn, khối nước ấy không vì nắm muối mà trở thành mặn, và nước ấy có thể uống được”.

 

Lời dạy của Đức Thế Tôn quá tuyệt vời giúp cho hàng đệ tử chúng ta đời này dễ dàng hình dung và ngẫm lại cho chính mình rằng, “chén nước phước đức” của tự thân quá ít ỏi không thể hóa giải hết vị mặn của “nắm muối tội lỗi” mà chúng ta đã tạo tác, nhưng nếu với một dòng sông phước đức thì có thể. Hiểu được điều đó thì từ giờ phút này trở đi, chúng ta nên phát nguyện cố gắng tu tập ngăn chận không cho nắm muối tội lỗi phát triển thêm, đồng thời mau chóng tăng trưởng chén nước phước đức thành dòng sông phước đức, hầu mong nhờ công đức sâu dày trong quá trình tu tập có thể hóa giải và tiêu trừ hết thảy nghiệp chướng mà mình đã tạo.


Viên sỏi trắng của Tổ Sư Ưu Ba Cúc Đa (Upagupta) [6] cũng là một hình ảnh tuyệt vời trong quá trình thanh lọc ác nghiệp của hành giả mà chúng ta đã học được.

Tổ Sư Ưu Ba Cúc Đa là vị Tổ thứ tư của Phật Giáo Ấn Độ (cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn), Ngài thuộc giai cấp Thủ Đà La, hạng bần cùng hạ tiện của xã hội Ấn Độ, nhưng Ngài có phước tướng đẹp đẽ trang nghiêm. Vào năm 12 tuổi, Ngài có duyên gặp được Tam Tổ Thương Na Hòa Tu (Sana-vasin), Ngài Ưu Ba Cúc Đa đảnh lễ Tam Tổ và xin Tổ chỉ dạy cho phương pháp tu tập. Tổ Thương Na Hòa Tu dạy rằng: "Ngày nào tâm con nghĩ điều thiện thì bỏ một viên sỏi trắng vào hũ, ngày nào nghĩ điều bất thiện thì bỏ một viên sỏi đen vào hũ".


Ngài Ưu Ba Cúc Đa làm theo lời dạy, thời gian đầu trong hũ nhiều sỏi đen, dần dần thời gian sau sỏi trắng nhiều hơn sỏi đen và cuối cùng là toàn sỏi trắng.


Chúng ta thấy phương pháp bỏ sỏi trắng vào hũ này rất hay và cụ thể, bởi vì mỗi ngày chúng ta cần phải quán chiếu lại tất cả hành động, lời nói và suy nghĩ của chúng ta trong ngày, tự nhận biết điều nào đúng, điều nào sai để chọn viên sỏi có màu thích hợp, và chính nhờ màu sắc trắng, đen của những viên sỏi này đã nhắc nhở chúng ta tự mình tẩy nghiệp tâm đen tối, để đưa tâm thức của chính mình tiến lần tới trong sáng và giải thoát của tự thân.


Và như chúng ta đã biết, Pháp môn niệm Phật hiện nay trở thành thời thượng cho hành giả trong thời hiện đại, vì dễ thực hiện và phù hợp với mọi căn cơ hơn các pháp môn khác.

Trong Sách Liên Tông Bảo Giám, Tổ Sư khai thị:

"Lục tự Di Đà vô biệt niệm
Bất lao đàn chỉ đáo Tây Phương"

(Sáu chữ Di Đà không có niệm nào khác
Không mất công lao nhọc, sát na đến Tây Phương)

 

Nghĩa là hành giả chỉ cần chuyên niệm sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật, mà không khởi lên bất kỳ một tạp niệm nào khác, trong khoảng khẩy móng tay, một sát na, hành giả ấy sẽ được thác sanh về cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà mà không mất công lao nhọc làm gì cả.


Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang (1920-2008) soạn nghi khai thị Hương Linh trước lễ di quan an táng có câu:

"Tử sanh là ải phải đi qua,
Đi mãi nhưng ai đã đến nhà
Qua lại ba đường cùng sáu cõi.
Muốn ra cần phải niệm A Di Đà"
 [7]

 

Câu kệ khai thị của Hòa Thượng nhắm thẳng vào chỗ giải thoát cho hành giả “muốn thoát khỏi cảnh trầm luân khổ đau của ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh; và muốn vượt lên sáu cõi luân hồi: Trời, Người, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sanh, hành giả cần phải niệm Phật A Di Đà. Niệm Phật phải niệm đủ 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”, và phải hiểu nghĩa từng chữ để nhận ra sự vi diệu của pháp môn này:

- Nam Mô: quay về

- A: vô

- Di Đà: Lượng.

- Phật: Giác ngộ, là tánh biết, là chơn tâm của chúng ta (chỗ không vọng tưởng, điên đảo).


Như vậy, niệm danh hiệu: “Nam Mô A Di Đà Phật”, có nghĩa là “quay về với tánh giác vô lượng” của chính bản thân mỗi người. Một khi đã quay về và sống với tánh giác vô lượng vô biên của chính mình rồi, thì hành giả không còn khởi niệm vọng tưởng, điên đảo nữa. Không còn khởi niệm gì nữa thì ta đang sống trong vô niệm, rỗng lặng, rõ biết hiện tiền, mà rỗng lặng rõ biết hiện tiền, chính là thong dong tự tại và giải thoát.

 

Thich Nguyen Tang-11
Thich Nguyen Tang-12


Lời kết:

Ái dục là cội gốc của sanh tử, do ái nghiệp dẫn ta đi đầu thai vào kiếp người khổ lụy này, muốn thoát ra cõi khổ Ta Bà, phải chí thành nhất tâm niệm Phật, nên nói “Niệm bất nhất, bất sanh tịnh độ”, niệm Phật không nhất tâm thì không thể vãng sanh về Tịnh Độ được, niệm Phật nhất tâm chính là vô niệm, vô niệm cũng chính phương pháp tận trừ gốc rễ của nghiệp chướng, và cũng có thể nói vô niệm là điểm đến cuối cùng của tất cả các pháp môn Phật dạy, vì vô niệm thì không còn có bất cứ niệm khởi nào trong tâm nữa, còn niệm khởi là còn tạo nghiệp, một khi đã vô niệm rồi thì không còn nghiệp nào nữa để dẫn mình đi luân hồi, nên Cổ Đức từng khuyến tấn:

‘‘Sáu Chữ Di Đà Tiêu Nghiệp Chướng

Một Câu Niệm Phật Giải Oan Khiên”.

 

Và chúng ta cũng không thể quên lời di giáo để lại cho đời sau của Đức Phật Ca Diếp (Kassapa) [8] là vị Phật thứ ba trong số năm vị Phật của hiền kiếp, trước khi nhập Niết Bàn:

“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo„

 

Nghĩa là:

‘‘Không làm các điều ác,
Siêng làm các điều lành,
Giữ tâm ý thanh tịnh,
Đó là lời Phật dạy”.

 

Rõ ràng, cốt tủy giáo lý của Đạo Phật không phải dừng lại ở chỗ “làm lành lánh ác” mà phải đi đến giai đoạn rốt ráo vượt lên trên thiện ác,“giữ tâm ý thanh tịnh“ (tự tịnh kỳ ý), bảo hộ thân tâm này trong sạch toàn vẹn để đi đến giải thoát giác ngộ.

Nghiệp đã tan rồi lòng nhẹ nhõm

Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong./.

 

Nam Mô A Di Đà Phật

Tu Viện Quảng Đức, Trọng Thu 2023
TK. Thích Nguyên Tạng

 

 

 



[1] Trung Bộ Kinh, số 135: Tiểu kinh Nghiệp phân biệt (Cùlakammavibhanga sutta): HT Thích Minh Châu dịch, 2003

[2] Kinh Pháp Cú (The Dhammapada) HT Thích Minh Châu dịch, 1969

[3] Luật Sa Di và Sa Di Ni. HT Thích Trí Quang dịch, 1973

[4]  Lược theo Thiền Sư Trung Hoa, Tập 1. HT Thích Thanh Từ, 1990

[5] Phẩm Hạt Muối, Chương 3 Pháp. Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1. HT Thích Minh Châu dịch, 2005

[6] Sử 33 vị tổ Thiền tông Ấn-Hoa. HT Thích Thanh Từ, 1971

[7] Pháp Sự Khoa Nghi Việt Ngữ. HT Thích Huyền Quang, 2002

[8] Tỳ Kheo Giới Kinh. HT Thích Thiện Hòa, 2007







Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/08/2019(Xem: 12693)
Phát Bồ đề Tâm là một pháp môn tu, nếu không hơn thì bằng chứ không kém một pháp môn nào trong tam tạng, bởi nó nói lên được cứu cánh của việc tu hành. Trong kinh Đại Phương Tiện, Phật dạy A Nan: “Phát Bồ Đề Tâm là pháp môn thù thắng giúp hành giả rút ngắn tiến trình tu tập của mình”. Trong kinh Hoa Nghiêm Phật lại ân cần nhắc nhở: “Kẻ chỉ quên việc phát Bồ Đề Tâm thì việc làm Phật sự là đang làm ma sự” huống hồ là kẻ tâm không phát, nguyện không lập.
07/07/2019(Xem: 6733)
Phật giáo không phải là tôn giáo để các tín đồ đến tham gia hay phát động như một phong trào, mà tự thân con người sau quá trình học hỏi, tư duy, nhận thức cốt lõi lời dạy của đấng Từ phụ, từ đó phát tâm tìm đến, thân cận và quy y Tam Bảo: ‘Hôm nay mong giác ngộ hồi đầu - Tịnh tâm ý quy y Tam Bảo’. Với lòng tịnh tín bất động, con người đầu thành vâng giữ mạng mạch giáo pháp, dốc lòng phụng hành đạo lý mình chọn, con người nhờ vậy được chân lý, chánh pháp che chở, thành tựu ‘Phép Phật nhiệm màu – Để mau ra khỏi luân hồi’.
05/06/2019(Xem: 19497)
Niệm Định Tuệ Hữu Lậu & Niệm Định Tuệ Vô Lậu Phật Đản 2019 – Phật lịch 2563 Tỳ kheo Thích Thắng Giải , Ngôn ngữ là một phương tiện để diễn tả đạo lý, nhưng thể thật của đạo thì vượt ra ngoài ngôn ngữ và tất cả ý niệm. Vì vậy, một khi chúng ta liễu tri được nghĩa chân thật của đạo thì lúc đó sẽ thấu tỏ được sự diệu dụng của phương tiện ngôn ngữ. Nếu xét về nghĩa thật của đạo, đó chính là chân tâm không sinh diệt hay chánh kiến vô lậu.
10/05/2019(Xem: 15314)
Các nước phương Tây đang sống trong một thời đại bất thường: Trung Quốc trỗi dậy và uy hiếp, kinh tế khủng hoảng, nợ công cao ngất, nạn di dân đe doạ, xã hội bất bình đẳng, dân chúng nổi giận giúp đưa cho ông Trump vào Tòa Bạch Ốc và đẩy Vương Quốc Anh thống nhất ra khỏi Liên Âu. Đâu là nguyên nhân cho nền kinh tế thị trường không còn vận hành hoàn hảo và giải pháp cho hệ thống dân chủ tự do đang lâm nguy? Phần một lý giải cho vấn đề này theo quan điểm của Francis Fukuyama trong tác phẩm Identity: khủng hoảng về bản sắc của các nhóm sắc tộc là nguyên nhân, đấu tranh để công nhận nhân phẩm là
02/05/2019(Xem: 7282)
Vì thương xót hết thảy hữu tình phải chịu phiền não, đau thương do tham ái mà bị trôi dài trong bể khổ sinh tử luân hồi, Đức Phật hiện ra ở đời để lại cho thế gian vô số pháp môn tu tập, tùy theo căn cơ, sở trường và hoàn cảnh của mỗi chúng sanh mà chọn lựa pháp hành thích ứng để tu tập nhằm chuyển hóa nỗi khổ và niềm đau thành an lạc, giải thoát, niết bàn. Chư pháp của Thế Tôn được ví như những thang thuốc tùy bệnh mà bốc thuốc. Trong số đó, Tuệ quán vô thường, khổ và vô ngã của tất cả pháp, qua đó hành giả quán tánh ly tham, quán tánh đoạn diệt, quán tánh xả ly của tất cả pháp, là pháp “tối thượng” và vi diệu ‘nhất’ vì nếu hành giả thường xuyên hành trì sẽ ‘chứng đạt’ Tuệ Giải Thoát, vị ấy sẽ đoạn tận mọi kiết sử, không còn khổ đau, phạm hạnh đã thành, chánh trì giải thoát, là bậc A-La-Hán.
16/02/2019(Xem: 7036)
Những câu văn không chuẩn văn phạm vì thiếu những chủ từ [subjects] trong những bài triết luận về Phật Giáo mà tôi đã, đang, và sẽ viết không phải là tôi cố ý lập dị như những triết gia danh tiếng trên thế giới khi họ hành văn chương và viết về triết học nhưng mà tôi không có thể làm cách nào khác hơn khi viết về ý vô ngã [không Tôi] để không bị mâu thuẫn với ý phá ngã.
26/11/2018(Xem: 12849)
Chúng tôi đến thăm Việt Nam một vài lần, tôi nhớ có lần chúng tôi đang ở Hà Nội. Lúc đó là Đại hội Phật Giáo, tôi cũng có buổi thuyết trình cùng với những vị khác nữa. Hôm đó đang ngồi đợi, thì có một vị Thầy trẻ người Việt đến chào, sau khi hỏi từ đâu đến, tôi nói tôi đến từ Australia. Thầy ấy nói, oh… woh… vậy Thầy có biết vị Tăng tên Ajahn Brahm không? … (cả Thiền đường cười). Tôi trả lời: Tôi là Ajahn Brahm đây. Thế là Thầy ấy tỏ ra rất hào hứng, tôi cũng hào hứng... Tôi thích Việt Nam. Tôi thích người Việt.
03/06/2018(Xem: 25186)
CHÁNH PHÁP Số 79, tháng 06.2018 NỘI DUNG SỐ NÀY:  THƯ TÒA SOẠN, trang 2  TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3  THÁNG SÁU EM VỀ HẠ CHỨA CHAN (thơ Tiểu Lục Thần Phong), trang 7  CÚNG DƯỜNG CHÁNH PHÁP (Sa môn Thích Tín Nghĩa), trang 8
17/03/2018(Xem: 11770)
Con người càng ngày càng đông đảo trên thế gian nhưng từ trước đến nay có được bao người giác ngộ, giải thoát khỏi nghiệp chướng, khổ đau? Cho dù, Phật Pháp có đơn giản, dễ dạy đến đâu nhưng khi mà nhân duyên chưa tới với những kẻ độn căn thì cho dù bồ tát có tái sinh, cố tâm chỉ độ pháp Phật cao siêu vi diệu cho nhân sinh còn đầy vô minh cũng chỉ tốn công vô ích, chẳng khác gì đem đàn gảy cho trâu nghe. Một trong những pháp môn đơn giản nhứt của Phật Pháp đó là thiền định (Zen). Zen khả dĩ có thể giúp cho hành giả giảm bớt căn thẳng tâm thần. Nếu luyện tập chuyên cần, Zen có khả năng giúp thân tâm có đủ sức mạnh lẫn nghị lực tinh thần để chuẩn bị đối phó với trở ngại xãy ra. Zen có thể giúp ta hóa giải tâm lý lúc mà đau khổ tái phát làm khổ tâm thân trong cuộc sống thay vì mong tu hành giác ngộ, giải thoát, thành Phật quá xa vời. Cũng như những pháp môn khác, Zen có mục đích giúp ta lúc “đa tâm bấn lo
14/03/2018(Xem: 11678)
Sài Gòn- Trần Củng Sơn- Sáng ngày Thứ Sáu 9 tháng 3 năm 2018, giáo sư Vũ Thế Ngọc đã trình bày về triết học của Tổ sư Long Thọ tại chùa Xá Lợi Sài Gòn với sự tham dự khoảng một trăm thiện hữu tri thức Phật Giáo. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc- một cây bút nổi tiếng trong nước về những bài viết về tuổi trẻ và Phật Giáo- đại diện Ban tổ chức giới thiệu diễn giả.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]