Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

22. Những Người Bạn Cũ

05/11/201321:28(Xem: 28249)
22. Những Người Bạn Cũ
mot_cuoc_doi_bia_3


Những Người Bạn Cũ



Đây là lần thứ ba sau khi giác ngộ, đức Phật trở lại quê hương. Trời nắng hanh, khô, bụi bặm bám đầy cây lá ven đường do những đoàn xe bộ hành thương mãi ngày ngày ngược bắc xuôi nam.

Lúc qua sông Rohini, đức Phật dừng chân lại. Ngài đi theo ven bờ xuống phía hạ lưu. Sông mùa này cạn nước, chảy lờ đờ, vàng đục. Nơi này nơi kia đọng lại từng vũng, từng vũng; thỉnh thoảng có những hố nước lớn. Ở đây, người dân hai bên bờ đã làm những con mương nước để dẫn nước sang hai bên rồi dùng sức của những chiếc gàu tay, những thùng tre, đưa nước đến cấp cứu cho những đám ruộng, đám ngô, bắp đậu... ở những bãi biền.

Mấy người nông dân thấy đức Phật và tăng chúng đứng lố nhố quá đông họ sợ hãi nép núp chỗ này chỗ kia. Đức Phật bước lại, cất giọng từ hòa:

- Như Lai đây mà! Như Lai đi thăm hỏi bà con đây mà! Hiện nay, hai bờ con sông này không còn xảy ra tranh chấp nữa chứ?

- Dạ không! Một người đàn ông có vẻ rành rõi bước ra đáp! Chúng tôi vẫn nhớ câu đức Đại Bi đã dạy là “máu quý hơn nước” nên không dại gì để xảy ra tranh chấp với đùi gậy, với gươm giáo nữa.

- Tốt, rất tốt! Vậy, hiện tại, quý vị làm lụng có đủ ăn, đủ mặc không?

- Dạ, cơm ăn thì cũng bữa đực, bữa cái; áo quần thì cũng đầu thừa chắp nối đuôi thẹo, nói chung cũng qua ngày, chưa đến nỗi đói lạnh, thưa đức Tôn Sư!

- Ừ! Thế thì đức vua và các quan tổng trấn họ có tốt không, họ đã đối xử với nhân dân như thế nào?

- Dà, ông vua này ngó bộ cũng biết lo cho dân! Nhưng quan tổng trấn ở đây thì già rồi, có lẽ không còn được mấy hơi, cứ ì ạch, ì ạch ở lì trong trấn phủ, có khi nào đi quan sát dân tình đâu mà biết!

Đức Phật gật đầu:

- Đúng vậy, quan tổng trấn phải trẻ và phải năng động mới được! Một vị quan tốt phải đến tận nhà dân nghèo, phải biết quan sát cái nồi cơm, nhìn xem cái hố xí! Xin lỗi, đôi khi xem dân ỉa ra cái giống gì mới biết được dân đói hay no, ăn cơm hay chỉ ăn với lá và củ!

- Ôi! Hoàn toàn đúng! Đúng đức Tôn Sư là bậc thấy biết khắp thiên hạ, không có gì là không biết!

Mọi người xung quanh đổ xô lại. Một người thưa:

- Quan tổng trấn ở miệt trên, nghe nói trẻ lắm! Đến các vụ mùa gieo cấy hay gặt hái, ông ta ra ngủ với dân, đôi khi còn ăn chung, ăn thử món này món kia; và còn tận tình chỉ dạy từng ly, từng tí cách thức trồng trọt giống này, giống kia nữa!

- Vậy là giỏi lắm! Đức Phật khen ngợi - Phải như vậy mới được! Phải như vậy mới được!

Rời Rohini, thế là đức Phật đã biết sơ về tình hình chung của lãnh thổ, quê hương. Và, tương tợ như Devadaha, Kapilavatthu cũng không mấy thay đổi. Đức vua Mahānāma dầu có trẻ trung, tháo vát nhưng sức nặng truyền thống, những tập tục cổ hủ, nạn phân chia giai cấp đã làm thui chột tất thảy mọi năng lực sáng tạo để đưa đất nước đi lên. Thuở xưa, ngài đã bất lực thì nay Mahānāma cũng bất lực mà thôi.

Ngang qua khu vườn Lumbinī, thấy nơi này xanh mát, đức Phật và đại chúng dừng lại nghỉ ngơi.

Tôn giả Ānanda đi dạo quanh một vòng, dừng lại nơi gốc cây có khắc dấu kỷ niệm hoàng tử Sākya Siddhattha đản sanh, cất giọng bùi ngùi:

- Mới đó mà đã gần bốn mươi lăm năm rồi. Xem kìa, cái gốc cây sālā này trông đã già đi nhiều lắm.

Tôn giả Sāriputta đang đứng sau lưng, góp lời:

- Sau này, đây sẽ là cái cây thiêng liêng đấy, pháp đệ!

Từ giã Lumbinī, đức Phật nói:

- Đúng vậy! Nhưng mà kỷ niệm để làm gì! Quả đất này chật chội lắm; còn chúng ta thì cứ sanh tới sanh lui mãi, chưa nhàm chán sao? Chưa mệt mỏi hay sao? Cứ quăng một cục đá lên trời, nơi nào nó rơi xuống, đào lên, sẽ bắt gặp xương cốt hoặc vật gì đó của chúng ta từ một quá khứ vô định nào!

Lời của đức Phật nói, tuy nhỏ nhưng mà lại thoảng vào tai của đại chúng, rõ mồn một. Họ nghe như có tiếng lá rơi vèo, xào xạc giữa không gian. Trời nắng nóng mà họ cảm nghe ngọn gió hư vô lạnh buốt vừa thổi qua. Rùng mình. Họ trực thức trở lại với chánh niệm ngay, không dám vọng tưởng và hoài niệm nữa!

Tiếp tục lộ trình, đức Phật và đại chúng thanh thản đưa mắt nhìn ngắm hai bên trên con đường vào thành. Nhà nhà mở cửa, quét dọn sạch sẽ. Nơi những nhà giàu còn xông thơm ngát hương chiên-đàn. Họ như một đoàn quân chiến thắng khải hoàn; một chiến thắng vinh quang nhất là chiến thắng khổ đau, phiền não và buộc ràng! Và đây cũng là đoàn quân của giáo hội độc thân, của vô sản, bần hàn; nhưng cũng là của tự do, bình đẳng và dân chủ nhất trên toàn cõi châu Diêm-phù-đề!

Chư tăngi địa phương và cận sự nam nữ dòng Sākya biết tin đức Phật sẽ về đây từ mấy hôm trước. Khi ngài và đại chúng còn ở Koliya thì họ đã rủ nhau vào khu Rừng Cây Đa (Nirodhavana) để dọn dẹp vệ sinh toàn bộ các nơi. Cốc liêu chư tăngi cũng được sơn quét, làm sạch, làm đẹp các lối đi và cả những công trình phụ. Tại giảng đường, họ dùng nệm sạch mới trải khắp, sắp đặt chỗ ngồi, ghè nước và treo đèn kết hoa. Bảo tọa của đức Thế Tôn được lát thảm nhung sẫm nâu, tẩm hương liệu rồi họ xông chính giữa giảng đường một lò chiên-đàn lớn để xua tạp khí...

Do chư tăngi ni đến quá đông nên một số phải di tản. Chư ni được dẫn sang ni viện mới do ni trưởng Gotamī, Yasodharā và dòng Sākya kiến tạo. Nơi này sinh hoạt Phật sự có vẻ tăng thịnh vì dù sao cũng là quê hương của Phật; lại nữa, dòng Sākya thường hãnh diện, tự hào về đức Chánh Đẳng Giác đã xuất sinh ở đây, cùng chung huyết thống với họ.

Đức Phật vừa ngồi xuống nghỉ ngơi thì đức vua Mahānāma cùng các quan đại thần trẻ tìm đến. Họ đảnh lễ rất thành kính trong cung cách của những đệ tử tại gia.

Nhìn những sợi tóc bạc lấm tấm của Mahānāma, đức Phật muốn dành một chút thời gian “tâm sự với bạn cũ” nên dịu dàng cất tiếng hỏi:

- Thời gian trôi qua nhanh quá, phải không Mahānāma?

- Đúng vậy, thưa Tôn Sư! Không chỉ nhanh như bóng ngựa qua cửa mà nhanh như từng nháy mắt, từng sát-na!

- Ừ, đúng vậy!

Đức Phật gật đầu. Im lặng một lát, ngài hỏi tiếp ra chiều quan tâm:

- Công việc triều chính, kinh tế, ngoại giao cũng như xã hội, dân sinh... lúc này có những biến chuyển gì, dấu hiệu gì, tốt hay xấu hở đại vương?

- Nói chung là triều chính vẫn trì trệ, mặc dầu đệ tử đã lựa chọn những quan đại thần trẻ trung xuất thân từ đại học Takkasilā. Do nhân số không đủ, chỉ một ít ở triều chính và một ít ở vài ba tổng trấn lớn. Họ có tư duy mới, cách làm việc mới nhưng do cỗ xe đã quá cũ kỹ, quá hao mòn nên sức người không thể chuyển đổi được sức mạnh của nghiệp cộng với sức mạnh của thuyết định mạng!

- Ừ, Như Lai hiểu! Cái thuyết định mạng của bà-la-môn giáo thiệt là tệ quá. Nó còn làm trì trệ châu Diêm-phù-đề này mấy ngàn năm nữa đấy, Mahānāma!

Im lặng. Lát sau, Mahānāma trình bày tiếp:

- Kinh tế thì càng ngày càng rơi vào thế lực của các tập đoàn. Họ năng động, tài giỏi, tư duy sắc bén lại có nhiều tiền bạc nên thế lực mạnh quá, đôi khi triều đình phải lệ thuộc, cần sự tài trợ của đám thương gia ấy.Chúng ta chưa tìm ra một nhà kinh tế học ưu việt, khả dĩ vừa có biện pháp chế tài vừa có chính sách đem đến lợi ích cho muôn dân! Ước gì có một người có trí tuệ khả dĩ bằng một phần mười sáu của đức Thế Tôn!

Đức Phật mỉm cười:

- Rồi để mà làm gì, hở Mahānāma?

Câu hỏi của đức Phật làm ông vua bạn cũ nín lặng. Phải, làm gì đã chứ? Thoáng chốc là phù du cái cuộc đời này! Ông là một vị vua quyền uy hiển hách, phú quý và tài lộc thuộc đệ nhất đẳng, ai cũng tưởng là hạnh phúc; nhưng ông nào có mấy niềm vui? Đêm nằm luôn trăn trở, thao thức từ lo nghĩ, toan tính này sang nỗi buồn phiền, ưu tư nọ vì việc nước, việc nhà, việc thê thiếp và các con. Chỗ nào cũng bất như ý, chỗ nào cũng khó chịu, bực bội, chỗ nào cũng là cái ổ phiền não...

Đức Phật biết nỗi lòng của Mahānāma. Không những hằng trăm cái buồn phiền mà chuyện vừa mới xảy ra đã làm cho ông ta không yên tâm. Số là đức vua Kosala muốn kết thân với ngài nên cho sứ giả sang Kapilavatthu để dạm hỏi một cô công chúa dòng dõi Sākya về làm quý phi. Dòng tộc Sākya vốn kiêu căng, ngã mạn không chịu cho cưới những cô gái cành vàng lá ngọc nên họ thuyết phục đức vua Mahānāma gả cô con gái cưng của ông, vốn lai tạp huyết thống của bà mẹ nô lệ. Cô Vāsabha-Khattiya đúng là một công chúa, lại là rất khả ái, nết na, dịu dàng và xinh đẹp nên rất đúng với tiêu chuẩn yêu cầu. Khi gả cô con gái yêu quý đi rồi, một phần nhớ thương con, một phần thì lo sợ đến lúc nào đó triều đình Kosala phát giác con mình không thuần chủng, như thế là coi khinh họ thì khó tránh khỏi hiểm họa cho đất nước vốn mang thân phận nhược tiểu, chư hầu!

Đức Phật biết tất cả mọi chuyện nhân quả, nghiệp báo, không những bây giờ và còn nhiều kiếp về trước nữa, nhưng không thể tiết lộ, ngài chỉ nói:

- Như Lai đã từng thất bại thì đức vua hãy xem sự thất bại như một bài học cụ thể ở đời để giác ngộ, để thấy rõ bản chất như thực của nội tâm cũng như ngoại cảnh trong tương quan phát sinh. Ngay chính những lo nghĩ, những buồn phiền cũng thế, bản chất chúng cũng sinh diệt, này Mahānāma!

Đức Phật dẫn dắt câu chuyện thật là khéo, đã đưa đức vua vào với giáo pháp hồi nào mà ông ta cũng chẳng hay! Lời giáo giới ấy cho ông ta một phần nào tỉnh thức, khuôn mặt đã thấy giãn ra!

Câu chuyện vừa ngang đây thì Ānanda, Devadatta, Kimbila, Upāli, Anuruddha, Bhaddiya, Kāḷudāyi... cùng bước vào... Đức vua Mahānāma chưa kịp chào hỏi thì vị này vị kia đến ôm choàng lấy ông làm ông vô cùng mừng tủi. Thấy vị nào cốt cách cũng cao sang, khuôn mặt ngời ngời sáng láng không hề thấy một nếp nhăn dù ai cũng đã trên dưới tứ tuần, ông biết họ có nhiều căn lành, nhiều duyên phúc và nhiều trí tuệ hơn ông!

Đức Phật để cho họ tự do hàn huyên, ngài chỉ hỏi Ānanda:

- Sāriputta và Moggallāna đi đâu?

- Thưa, hai sư huynh của đệ tử đang giáo giới tại ni viện!

- Vậy thì tối nay, Như Lai sẽ vào hoàng cung với Mahānāma để thuyết pháp cho những người không đi được, còn ông, hãy thuyết pháp đến cho các Sākya cận sự nam nữ!

- Thưa vâng, bạch đức Tôn Sư! Nhưng xin đức Tôn Sư cho đề tài phụ hợp với căn cơ.

- Chuyện phước thôi, này Ānandā! Hãy thuyết làm sao cho dòng tộc Sākya biết giữ ngũ giới cho tốt; ngoài ra, giải thích thêm lợi ích của bát quan trai giới!

Ngạc nhiên, tôn giả Ānanda hỏi:

- Dường như đề tài này, đức Tôn Sư, hai vị đại sư huynh và chư trưởng lão đã thuyết nhiều lần tại đây rồi? Sao không cho đệ tử thuyết những pháp cao hơn?

- Hãy cứ thuyết nữa đi! Do một số khá đông trong họ chưa giữ tròn ngũ giới và họ tỏ ra lơ là bát quan trai giới! Cứ nhắc đi nhắc lại mãi thì rồi họ cũng thấm. Vả lại, nếu biết triển khai cho khéo thì những giới sơ cơ ấy cũng có bề rộng và bề sâu vậy!

Ānanda hiểu, tuân mệnh và tôn giả biết mình làm được, thuyết được. Tuy nhiên, tôn giả cũng chưa hiểu dụng ý của đức Chánh Biến Tri, bậc liễu thông tất cả. Chỉ có đức Phật mới biết rằng, trong tương lai, dòng Sākya sẽ bị diệt vong do hiểm họa mà trong tâm tư ông vua Mahānāma đang lo nghĩ! Và chỉ có sức mạnh ngũ giới, bát quan giới được hành trì, tu tập tốt mới là chiếc phao phước báu đưa dòng Sākya đi lên các cõi trời và người mà thôi!


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/04/2012(Xem: 8449)
Kim Cương thừa có nhiều phương cách thực hành khác nhau, hàng trăm hàng ngàn bản tôn khác nhau để đấu tranh với sự ô nhiễm nhiều vô kể, thông qua thiền định...
09/04/2012(Xem: 3033)
Phật giáo là “chân lý thực tại”, mà cốt lõi chính là đạo đức và giới luật làm nền tảng. Khi Phật còn tại thế, ngài chế giới là để ngăn ngừa sự bại hoại của tăng đoàn.
04/03/2012(Xem: 45809)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (tập 4), mục lục: Sắc đẹp hoa sen Chuyện hai mẹ con cùng lấy một chồng Cảm hóa cô dâu hư Bậc Chiến Thắng Bất Diệt - Bạn của ta, giờ ở đâu? Đặc tính của biển lớn Người đàn tín hộ trì tối thượng Một doanh gia thành đạt Đức hạnh nhẫn nhục của tỳ-khưu Punna (Phú-lâu-na) Một nghệ sĩ kỳ lạ Vị Thánh trong bụng cá Những câu hỏi vớ vẩn Rahula ngủ trong phòng vệ sinh Voi, lừa và đa đa Tấm gương học tập của Rahula Bài học của nai tơ Cô thị nữ lưng gù
17/01/2012(Xem: 7419)
Vô tận trong lòng bàn tay, Sự dị biệt giữa tôn giáo và khoa học được đánh dấu khởi đầu từ luận đề của Galilée và từ đó đã khiến nhiều người cho là hai thế giới này không thể nào gặp nhau được. Einstein khi đối chiếu Phật Giáo với các tôn giáo khác đã cho là: nếu có một tôn giáo có thể đáp ứng được những nhu cầu đòi hỏi của khoa học, thì chính đó là Phật giáo. Einstein muốn nói tới tính cách thuần lý và thực tiển của Phật Giáo, khi ông so sánh thấy các tôn giáo khác chỉ dựa trên kinh điển và giáo điều. Đúng như điều Einstein cảm nhận, Ph
01/08/2011(Xem: 12444)
Tâm Bồ đề là tâm rõ ràng sáng suốt, tâm bỏ mê quay về giác, là tâm bỏ tà quy chánh, là tâm phân biệt rõ việc thị phi, cũng chính là tâm không điên đảo, là chân tâm.
23/06/2011(Xem: 15085)
BỘ SÁCH PHẬT HỌC ỨNG DỤNG Hồng Quang sưu tầm và biên soạn Nhà xuất bản Phương Đông TP. Hồ Chí Minh 2011 GIỚI THIỆU BỘ SÁCH "PHẬT HỌC ỨNG DỤNG" Nguyên Định MỤC LỤC TỔNG QUÁT Cuốn 1: Nghi lễ, Thiền và Tịnh độ Cuốn 2: Giáo lý căn bản Cuốn 3: Bước đầu học đạo Cuốn 4: Bảy tôn giáo ngoài Phật giáo Cuốn 5: Áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống Cuốn 6: Dưỡng sinh Cuốn 7: Khoa học và Phật giáo Cuốn 8: Những vấn đề kiếp sau Cuốn 9: Đạo Phật trong vùng ruộng lúa Cuốn 10: Nghệ thuật diễn giảng và tầm quan trọng của văn nghệ.
30/05/2011(Xem: 18402)
Phật Và Thánh Chúng The Buddha and His Sacred Disciples Chương 1: Đức Phật—The Buddha Chương 2: Đạo Phật—Buddhism Chương 3: Nhân Sinh Quan và Vũ Trụ Quan Phật Giáo Buddhist Points of view on Human Life and Buddhist Cosmology Chương 4: Chuyển Pháp Luân và Năm Đệ Tử Đầu Tiên Turning The Wheel of Dharma and The First Five Disciples Chương 5: Kết Tập Kinh Điển—Buddhist Councils Chương 6: Tam Bảo và Tam Tạng Kinh Điển Triple Jewels and Three Buddhist Canon Baskets Chương 7: Kinh và Những Kinh Quan Trọng—Luật—Luận Sutras and Important Sutras-Rules-Commentaries Chương 8: Đạo và Trung Đạo—Path and Middle Path Chương 9: Vi Diệu Pháp—Abhidharma Chương 10: Tam Thời Pháp—Three Periods of The Buddha’s Teachings Chương 11: Thân Quyến—The Buddha’s Relatives Chương 12: Thập Đại Đệ Tử—Ten Great Disciples Chương 13: Những Đệ Tử Nổi Tiếng Khác—Other Famous Disciples Chương 14: Giáo Đoàn Tăng và Giáo Đoàn Ni—Monk and Nun Orders Chương 15: Tứ Động Tâm—Four Buddhis
12/05/2011(Xem: 5764)
Nhiều lý thuyết siêu hình của Phật giáo tỏ ra xa vời, khó hiểu và khó tiếp cận đối với độc giả trung bình chưa được chuẩn bị để tiếp nhận chúng. Đó là vì chúng đòi hỏi một sự thông hiểu sâu sắc và lâu dài các định luật của thế giới tâm linh và tiết nhịp của đời sống tinh thần, chưa nói đến khả năng hãn hữu cần có để duy trì sự suy nghiệm khô khan. Thêm vào đó, các nhà tư tưởng Phật giáo lại tạo nên một số giả định ngầm mà các triết gia Tây phương hiện đại đã minh nhiên bác bỏ. Thứ nhất, chung cho hầu hết mọi người Ấn độ bình thường*, khác với người châu Âu có tính ‘khoa học’, tư tưởng lấy những kinh nghiệm du-già làm nguyên vật liệu cho phản tỉnh triết học.
11/02/2011(Xem: 30404)
Danh từ Ðạo Phật (Buddhism) xuất phát từ chữ "Budhi" nghĩa là "tỉnh thức" và như vậy Ðạo Phật là triết học của sự tỉnh thức. Nền triết học này khởi nguyên từ một kinh nghiệm thực chứng...
28/01/2011(Xem: 13782)
Chúng tôi viết quyển sách này cho những người mới bắt đầu học Phật. Bước đầu tuy tầm thường song không kém phần quan trọng, nếu bước đầu đi sai, những bước sau khó mà đúng được.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567