Văn Học Phật Giáo Việt Nam - Tập 3
Chú Thích Thiền Uyển Tập Anh (5)
Tiến sĩ Lê Mạnh Thát
Nguồn: Tiến sĩ Lê Mạnh Thát
38. THIỀN SƯ HIỆN QUANG
(1) Bắc thành địa dư chí lục 2 viết: “Núi Yên Tử ở tại xã Nam Mẫu huyện Đông Triều, một tên là Tượng Sơn. Long mạch chi tả bổ xuống làm tổ các núi ở Hải Dương. Cứ Đồ kinh thì núi ở hương Cấn. Mạch Quyết nói: “Nó nở như sen, nó bay như diều, hai cái không đều, sinh nhiều ngỗ nghịch”. Hải nhạc danh sơn đồ đời Tống cho núi này là một trong bốn đất phúc. Xưa, An Kỳ Sinh đời Hán tu luyện ở đấy. Trên núi (Tiên) có chùa gọi Hoa Yên, gọi Tử Tiêu, lại có khe tên Giải Oan, tên Long Hàm, khéo léo thanh vắng, thật là một bồng đảo của thiên nhiên..”.. Xem thêm Đại nam nhất thống chí, tỉnh Hải Dương, mục Sơn xuyên.
(2) Chuyện người cùng tử trong kinh Pháp hoa, sau một thời gian trôi giạt gặp bất ngờ cha mình trong cảnh giàu sang tột bực, nhưng không nhận ra đó là cha, mà chỉ bằng lòng nhận thân phận nô dịch. Xem Diệu pháp liên hoa kinh tờ 16 b 25.
(3) Đại Việt sử lược 3 tờ 10a11: “Trinh Phù năm thứ 5 (1180) mùa đông cho thủ lãnh châu Vị long Hà Công Phụ cưới công chúa Hoa Dương”. Công chúa Hoa Dương như vậy là con của Lý Anh Tông.
(4) Nguyên văn: Khấp kỳ. Từ lấy ra ở thiên Nghi tợ của Lã thị xuân thu 22 tờ 21b12-13 về việc “Mặc tử thấy đường rẽ mà khóc”. Thiên Thuyết lâm của Hoài nam tử 17 tờ13b13-14 giải rõ hơn: “Dương Tử thấy đường rẽ mà khóc vì nó có thể đi về nam hay bắc”.
(5) Bố Đại hòa thượng (...) thường dùng một cây gậy quảy một túi vải trên vai. Tịch đời Lương, niên hiệu Trinh Minh thứ hai (916). Xem Truyền đăng lục 27 tờ 434a19.
(6) Các sư tăng có lệ cấm túc, giới hạn trong một khu vực, trong một thời gian không ra khỏi giới hạn đó. Cuộc cấm túc này có lẽ xảy ra vào năm 1212, mà Đại Việt sử lược 3 tờ 24a1 ghi lại việc Lý Huệ Tông cùng Thái hậu đến trước Phật thệ rằng: “Trẫm đem đức mọn mà trộm nối ngôi quí, đến nỗi phải gặp loạn ly, sắp đổ sự nghiệp trước, thậm chí cung giá phải dời đổi nhiều lần. Nay muốn lãnh ngôi trời để nhường cho người hiền đức “nói xong, vua lấy dao muốn cắt tóc thì (Trần) Tự Khánh và quần thần đều cúi đầu chảy nước mắt”. Bởi vì sau năm đó loạn lạc càng thêm và đến năm 1214 thì Tự Khánh đốt sạch cung điện như Đại Việt sử lược 3 tờ 26a4 ghi: “Điện Vũ Nghi không thấy tên trong sử”.
(7) Hứa Do là tên nhà cao sĩ đời thượng cổ Trung Quốc, trước ở ẩn tại Bãi Trạch, vua Nghiêu đem thiên hạ nhường cho, bèn không nhân, rồi trốn đến dưới núi Cơ ở Dĩnh Thủy cày ruộng. Vua Nghiêu lại mời làm Cửu Chân trưởng. Hứa Do không muốn nghe, bèn đến bên sông Dĩnh lấy nước rửa lỗ tai mình.
(8) Tự ngu tập này nghi có thể là tác phẩm của Ngu Ông, một trong những đệ tử của Tiêu Diêu.
39. CƯ SĨ ỨNG VƯƠNG
(1) Truyện của Tức Lự nói: “Ứng Thuận cư sĩ, ấy là pháp tự của Lự”. Nhưng không hiểu sao đây gọi Ứng Vương, hoặc chữ Vương là một khắc sai của chữ Thuận. Hoặc là một cách gọi để tỏ lòng tôn kính như trường hợp Thông Sư.
(2) Phường Hoa thị nay không biết thuộc phường nào của thủ đô Hà Nội.
(3) Tức triều Trần Thái Tông (1225-1257). Khi Thái Tông mất vào năm 1277 và đem táng vào lăng thì lăng của Thái Tông gọi là Chiêu lăng. Xem Đại Việt sử ký toàn thư B5 tờ 36a5.
(4) Cứ Lược dẫn thiền phái đồ trong Thượng sĩ ngữ lục tờ 7b thì Tiêu Diêu là đệ tử của Ứng Thuận và là thầy của Tuệ Trung. Ngoài Tiêu Diêu ra, nó còn cho biết Quốc Nhất, Đạo Si, Quế Thâm và Chân Giám là những đệ tử khác của Thuận. Và ngoài Tuê, Trung ra, thì Thạch Đầu Vị Hài, Đạo Tiềm, Thần Tán, Lại Toản, Thạch Lâu, Thôn Tăng, Thủ Nhân, Ngu Ông và Vô Sở là đệ tử của Tiêu Diêu.
Thượng sĩ Hành trạng trong Thượng sĩ ngữ lục tờ 38a8-b1 nói: “(Tuệ Trung) lúc còn để chỏm, rất chuộng cửa Không, đến học thiền sư Tiêu Diêu ở Phúc Đường, hiểu được yếu chỉ, dốc lòng thờ làm thầy”. Còn bài tựa do Huệ Nguyên viết năm 1763 trong Thượng sĩ ngữ lục tờ 3b1-3 nói: “Thượng tổ Tiêu Diêu... vừa đến nước ta, đã thoát thế vô y, cầm câu không lưỡi mà vào kinh thành”. Như thế Diêu chưa hẳn là người nước ta. Lời tựa đây cũng nói Thượng sĩ ngữ lục là một tác phẩm của Tiêu Diêu.
Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ Tiêu Diêu chắc quê quán Phúc Đường tại vùng Thanh Trì ngày nay.
40. THIỀN SƯ TÌ NI ĐA LƯU CHI
(1) Đối chiếu với các tư liệu Trung Quốc:
a. Lịch đại tam bảo ký 10 tờ 102c3-9: “Tam tạng pháp sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi nước Ô Trượng, Bắc Thiên Trúc. Tùy dịch là “Diệt hỷ”. Khi đã nghe đức Hoàng đế ta phục hưng Tam bảo, nên có thể không cho 500 do tuần là xa, bèn chống gậy nhắm phương đến xem sự thạnh hóa đến mức nào. Bèn được mời vào, sai dịch kinh, tức ở nơi chùa Đại Hưng Thiện dịch ra (kinh Tượng đầu tinh xá và Đại thừa phương quảng tổng trì). Cấp sự Lý Đạo Bảo và thứ tử của Bát Nhã Lưu Chi là Đàm Bì, hai người truyền dịch. Sa môn chùa Đại Hưng Thiện là Thích Pháp Toản từ Trường An bút thọ thành chữ Hán, cùng chỉnh đốn so sánh văn nghĩa. Sa môn Ngạn Tôn viết tựa cho cả hai”.
b.Đại Đường nội điển lục 5 tờ 275a14-19 chép như (a)
c. Tục cao tăng truyện 2 tờ 433b2-5 chép y như (b)
d. Khai nguyên thích giáo lục 7 tờ 547c8-14 đại cương chép như (a) nhưng thêm chi tiết là các kinh kể trên “dịch vào năm Khai Hoàng thứ 2 (582) Nhâm Dần đời Văn Đế”, và thêm đính chính rằng “Trường Phòng (tức (a)) nói phiên dịch tại chùa Đại Hưng Thiện là sai”.
e. Trinh nguyên tân định Thích giáo mục lục 10 tờ 646a8-14 chép như (đ). So sánh các tư liệu Trung Quốc vừa dẫn với nhau, ta thấy ngay một điểm bất thường nổi bật ngay, đấy là việc Khai nguyên Thích giáo lục nói Lịch đại tam bảo ký ghi Tỳ Ni Đa Lưu Chi dịch những kinh của ông tại chùa Đại Hưng Thiện là sai, nhưng không nói rõ nếu đúng thì dịch chúng ở đâu. Lịch đại tam bảo ký do Phí Trường Phòng viết xong năm 597, còn Khai nguyên Thích giáo lục do Trí Thăng soạn năm 730. Việc Thăng phản đối Phòng về nơi dịch kinh của Tỳ Ni Đa Lưu Chi rõ ràng muốn nói rằng Tỳ Ni Đa Lưu Chi không bao giờ dịch kinh tại chùa Đại Hưng Thiện cả. Ngược lại, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã dịch chúng ở những nơi khác. Nhưng nơi khác đây là nơi đâu, Thăng không nói. Do thế, Thiền uyển tập anh không phải là không có lý, khi nói Tỳ Ni Đa Lưu Chi dịch kinh Tượng đầu ở Quảng Châu và kinh Tổng trì ở nước ta, dầu rằng nó có xuất hiện hậu kỳ. Từ kết luận đây, những chi tiết khác liên quan đến Tỳ Ni Đa Lưu Chi do Phòng ghi lại vị tất là có thể đáng tin hoàn toàn. Sự thực, nếu Tỳ Ni Đa Lưu Chi không dịch kinh tại chùa Đại Hưng Thiện, thì việc “mời vào khiến dịch kinh” khó có thể tin được.
(2) Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 3 tờ 32a1-3 nói: “Chùa Pháp Vân ở tại thôn Văn Giáp huyện Thượng Phúc tỉnh Hà Nội. Tương truyền một hôm mây mưa sấm chớp nổi lớn, cây si ngã xuống, người trong thôn lấy gỗ nó khắc tượng dựng chùa thờ, nên có tên đó”. Xác định chùa Pháp Vân như vậy, các tác giả Cương mục đã sử dụng tài liệu của Bắc thành địa dư chí lục 3, theo đó “chùa Đại Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện ở làng Văn Giáp, huyện Thượng Phúc”. Nhưng đương nhiên chùa Pháp Vân nói tới đây không phải là chùa Pháp Vân làng Cổ Châu, Long Biên, mà thực ra chùa Pháp Vũ hay chùa Thành Đạo hay chùa Đậu, nơi thờ Pháp Vũ. Vậy chùa Pháp Vân làng Cổ Châu là chùa nào?
Làng Cổ Châu, Long Biên, nay gồm đất làng Khương Tự huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Tại làng này hiện có một chùa tên Diên Ứng và một cây tháp tên Hòa Phong.
Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh, mục Tự quan, viết: “Chùa Diên Ứng ở xã Khương Tự, huyện Siêu Loại, có bốn tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện rõ có linh tích. Đời Trần, Mạc Đĩnh Chi dựng chùa Trăm Gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp, di chỉ nay còn. Xét Pháp Vân Phật truyện thì lúc Sĩ Nhiếp làm Thái thú cai trị thành Luy Lâu, sư Khưu Đà La ở tại núi xanh phía tây của thành. Có người con gái của Tu Định là A Man bị Sư đụng đến, mà có thai sinh một đứa bé gái. Sư đem bỏ vào trong một cây lớn ở rừng sâu. Sau gió mưa nổi lớn, cây trốc gốc, trôi nổi trong sông, trôi đến bến Luy Lâu. Người ta lấy làm lạ, vớt lên bờ, sai thợ đẽo bốn pho tượng Phật, dựng chùa gọi là chùa Thiền Định... tức nay chùa Diên Ứng..., đặt bốn pho tượng Phật phụng thờ. Sau mỗi lần cầu mưa đều có linh ứng, người ta đặt tên Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện và Pháp Lôi. Tập di ký của Lý Tế Xuyên nói người Cổ Châu mỗi năm đến ngày mừng Phật đản thì hội họp tại chùa Thiền Định. Trần Nghệ Tông có ban mỹ hiệu. Sử nhà Lê chép: Năm Thái
Hòa thứ 6 đời Nhân Tông sai Lê thái úy đến Cổ Châu rước Phật Pháp Vân về đến chùa Báo Thiên ở kinh thành để cầu mưa”.
Chùa Pháp Vân ở Cổ Châu, Long Biên tức chùa Diên Ứng hay chùa Dâu tại xã Khương Tự huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
(3) Tức nam Ấn. Nhưng các tư liệu Trung Quốc đã dẫn, đều nói người bắc Thiên Trúc, tức bắc Ấn.
(4) Nguyên bản viết “Nhâm Ngọ” là sai, Trần Đại Kiến thứ 6 năm Giáp ngọ.
(5) Phật tổ lịch đại thông tải 10 tờ 557a: Năm Giáp Ngọ, Chu Võ Đế, niên hiệu Kiến Đức thứ 3 (574), tháng 5 ngày 17, xuống chiếu hủy Phật.
(6) Nghiệp, bây giờ là kinh đô nhà Bắc Tề.
(7) Tổ Tăng Xán, sau khi được truyền pháp, đến ẩn cư trong núi Hoàn Công, Thư Châu. Gặp lúc Chu Võ Đế phá diệt Phật pháp, ngài lánh sang núi Tư Không, huyện Thái Hồ sống không nhất định một nơi nào, trải qua 10 năm... Đến Tùy Khai Hoàng 12 (592), truyền pháp cho Đạo Tín. Xem Truyền đăng lục 3 ĐTK. 2078 tờ 221c.
(8) Các tư liệu Trung Quốc, xem chú thích (1) trên đều ghi như nhau. Sư dịch 2 tác phẩm.
(a) Tượng đầu tinh xá kinh 1 quyển (xem ĐTK 466). Chú thích của Trường Phòng (sđd. 102c1): “Năm Khai Hoàng thứ 2 (582), tháng 2 dịch. Bản dịch lần thứ 2, cùng nguyên bản với kinh Già da sơn đỉnh (xem ĐTK 465)”.
(b) Đại phương quảng tổng trì kinh, 1 quyển (xem ĐTK 275). Ghi chú của Trường Phòng (sđd): “Khai Hoàng, năm thứ 2, tháng 7, dịch”.
(9) Nghiệp báo sai biệt kinh, 1 quyển, gọi đủ là: Phật thuyết thủ trưởng giả nghiệp báo sai biệt kinh, đời Tùy, Cù Đàm Pháp Trí dịch (xem ĐTK 80) Ghi chú của Trường Phòng: “Khai Hoàng năm thứ 2, tháng 2, dịch..”. Bản dịch của Tỳ Ni Đa Lưu Chi phải chăng đã mất và chắc chắn nội dung không phải thuộc loại kinh này. Bởi vì học lý của Tỳ Ni Đa Lưu Chi xuyên qua hai bản dịch trên, không thể nào để cho ông dịch một tác phẩm với một học lý, như nó thể hiện trong bản dịch Nghiệp báo sai biệt kinh ngày nay.
(10) Tăng Xán, Tín tâm minh tờ 376b 22-23 :
Viên đồng thái hư
Vô khuyết vô dư
Lương do thủ xả
Sở dĩ bất như.
Cũng xem Truyền đăng lục 30 tờ 457a 21-22.
(11) Kiến văn tiểu lục 4 tờ 13a1-3 chép :
Phi tích lai Nam quốc
Văn quân cửu tập thiền
Ứng khai chư Phật tín
Viễn hiệp nhất tâm nguyên
Hạo hạo Lăng già nguyệt
Phần phần bát nhã liên
Hà thời tái đắc kiến
Tương dự thoại trùng huyền.
Những chữ in đậm là khác với chữ trong bản in 1715 ở đây.
41. THIỀN SƯ PHÁP HIỀN
(1) Tức núi Tiên Du ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Xem chú thích (1) truyện Thiền Lão.
(2) Cương mục tiền biên 2 tờ 10b1-2 nói: “Huyện Chu Diên, đời Hán đặt thuộc quận Giao Chỉ, đời Đường đổi làm Diên châu, đời Lê là phủ Tam đái, nay tức đất phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây”.
Nhưng cả Tùy thư 21 tờ 7b8 lẫn Cựu đường thư 41 tờ 42b11 đều nói Chu Diên là đất Vũ Bình thời trước. Ngoài ra, Nguyên hòa quận huyện đồ chí 38 tờ 13a1 và Thái Bình hoàn vũ ký 170 tờ 10a5 lại ghi Chu Diên ở về phía đông nam của trị phủ Giao Châu, mà sau này Độc sử phương dư kỷ yếu 112 tờ 8a3 chép lại, nghĩa là Chu Diên ở về phía đông nam thủ đô Hà Nội ngày nay. Phần đất của nó như vậy bao gồm trong tỉnh Hưng Yên. Kết luận này tỏ ra hợp lý, bởi vì đất Quận Bình, chúng ta đã đồng nhất với đất những huyện Tiên Lữ, Ân Thi, KhoÁi Châu, Kim Động, Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Xem chú thích (2) truyện Tịnh Lực.
Hơn nữa truyện Đạo Lâm tờ 66b3 nói Lâm, người Cửu Cao, Chu Diên”. Mà căn cứ Đại Việt lịch triều đăng khoa lục 2 thì Cửu Cao là tên một ngôi làng thuộc “hạt Gia Lâm”, Nơi xuất thân của những tiến sĩ Trần Văn Bính khoa năm 1505, Vũ Hữu Nghiêm khoa năm 1514 v.v..., và khoảng đến năm 1706 thì đổi thành làng Thượng Tốn, khi có Đỗ Công Đỉnh đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Như thế, địa phận của Chu Diên đời Lý phải gồm luôn tối thiểu phần đất phía đông nam của huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
Từ đó, quê của Pháp Hiền tất phải nằm khoảng huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh cho đến những huyện phía bắc tỉnh Hưng Yên.
(3) Tham chiếu Truyền đăng lục về cuộc đối thoại đầu tiên giữa Đạo Tín và Hoằng Nhẫn: “Một hôm Tín đến huyện Hoàng Mai, giữa đường gặp một đứa trẻ cốt tướng kỳ vĩ, khác với trẻ thường, Sư hỏi: “Con họ gì?” Trẻ đáp : “Là họ Phật”. Sư hỏi: “Ngươi không có họ sao?” Trẻ đáp: “Tánh không vậy”. Sư lặng biết nó là một bậc tài giỏi của đạo, liền sai người hầu đến nhà nó gặp cha mẹ, xin cho nó xuất gia. Cha mẹ cho là có duyên xưa, nên không có chút vẻ làm khó khăn, liền cho đi làm đệ tử, có tên gọi Hoằng Nhẫn”. Xem Truyền đăng lục 3 tờ 222b10-16.
(4) Tục cao tăng truyện 18 tờ 573b25-c14 trong truyện của Đàm Thiên ghi rõ là vua Tùy Cao Tổ ban xá lợi gồm cả thảy ba lần. Lần đầu cho 30 châu vào tháng 6 năm Nhân Thọ thứ nhất (601). Lần thứ hai cho 51 châu khác vào tháng giêng năm sau. Và lần thứ ba vào tháng giêng năm Nhân Thọ thứ 4 (604), ra lệnh các châu lớn xây thêm hơn một trăm bảo tháp, để nhận thêm xá lợi. Cứ Xá lợi cảm ứng ký trong Quảng Hoằng minh tập 17 tờ 216b10 thì lần ban xá lợi thứ nhất, chùa Thiền Chúng của Giao Châu được chọn làm một trong 30 chỗ xây tháp của Cao Tổ. Nhưng năm đó, cứ Đại Việt sử ký ngoại kỷ của Đại Việt sử ký toàn thư 4 tờ 23a1-8 và Tùy thư 2 tờ 10a6-7, nước ta hiện đang là một nước độc lập dưới quyền lãnh đạo của Lý Phật Tử, thì việc ban xá lợi có thể coi như một công tác ngoại giao. Cho nên, chắc phải trước năm 602 khi Lưu Phương đã dụ hàng thành công Lý Sư Lợi, người con nối nghiệp của Lý Phật Tử, thì mới có chuyện ban xá lợi cho Giao Châu. Việc ban năm hòm xá lợi cùng một lần do thế là một có thể, và việc Pháp Hiền chọn chùa Pháp Vân, chứ không phải chùa Thiền Chúng của Xá lợi cảm ứng ký làm nơi xây bảo tháp là một sự thực.
(5) Xá lợi cảm ứng ký của Quảng hoằng minh tập 17 tờ 216b10 nói xây tháp tại chùa Thiền Chúng để cúng dường xá lợi ở Giao Châu. Nhưng đây nói là “xây ở chùa Pháp Vân của Luy Lâu”, thì tỏ ra đúng sự thực hơn. Cứ Đại Việt sử lược 2 tờ 6a5-7 thì vào năm 1034 các nhà sư chùa Pháp Vân ở Cổ Châu dâng thư nói rằng trong chùa phóng ánh sáng ra vài luồng, theo ánh sáng đó mà đào lên thì được hòm đá một hòm, trong hòm có hòm bạc, trong hòm bạc có hòm vàng, trong hòm vàng có bình lưu ly, trong bình có xá lợi”. Hòm nói đến đây dĩ nhiên là hòm xá lợi mà Tùy Cao Tổ đã ban, bởi vì theo Xá lợi cảm ứng ký của Quảng hoằng minh tập 17 tờ 213a18-22 đã mô tả với một sai khác không quan trọng là, thay vì bình bạc, nó có bình đồng bên trong bình đá.
(6) Cương mục tiền biên 1 tờ 1b7-2a3 viết: “Phong Châu, sử cũ chua là Bạch Hạc. Địa lý chí đời Đường nói Phong Châu gồm năm huyện. Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử chép quận Thừa Hóa của Phong Châu tức nước Văn Lang xưa. Thế thì, Phong Châu tức nay thuộc địa hạt cả phủ Vĩnh Tường và Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây”
(7) Cương mục tiền biên 4 tờ 15b2-6 viết: “Hoan Châu xưa là bộ Hoài Hoan đời Hùng Vương, đời Tần thuộc Tượng Quận, đời Hán thuộc quận Nhật Nam, đời Lương đổi Đức Châu. Đời Tùy Khai Hoàng đổi Hoan Châu, khoảng Đại Nghiệp đổi Nhật Nam. Đời Đường Trinh Quán Lại đặt Hoan Châu. Đời Đinh Lê nhân theo. Đời Lý đổi làm châu Nghệ An. Đời Trần cải trấn Lâm Giang. Đời thuộc Minh là các phủ Nghệ An và Diễn Châu. Đời Lê Quang Thuận đặt Nghệ An thừa tuyên. Nay là tỉnh Nghệ An”. Đất Hoan Châu hiện nay thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh.
(8) Cương mục tiền biên 4 tờ 20b1-2 nói: “Trường Châu, xưa là bộ Vũ Định, nay là tỉnh Tuyên Quang”. Nhưng Cựu đường thư 41 tờ 42a11-12 nói Trường Tây ở phía tây nam của Giao Châu, còn Ái Châu ở phía tây của châu đó. Ngoài ra, ở tờ 44b8-9 nó viết: “Trường Châu, thổ tục nó giống với Cửu Chân. Đời Đường đặt Trường Châu. Năm tháng bắt đầu nó nay đã mất. Năm Thiên Bảo thứ nhất (742) đổi làm quận Văn Dương. Năm Càn Nguyên thứ nhất (758) lại đặt Trường Châu, gồm bốn huyện Văn Dương, Đồng Thái, Trường Sơn và Kỳ Thường, đều cùng đặt với châu một lần”.
Cứ vào báo cáo đó của Cựu đường thư thì Trường Châu rõ ràng phải rơi vào địa phận những tỉnh Ninh Bình, Nam Định ngày nay, chứ có thể nào lại ở tại tỉnh Tuyên Quang, như Cương mục đã có. Bởi vì không những thổ tục của Trường Châu giống với Ái Châu, mà ngay cả vị trí của chúng cũng liên tiếp nhau, đấy là Trường Châu ở phía tây nam trị phủ Giao Châu, trong khi Ái Châu ở phía tây.
(9) Cựu đường thư 41 tờ 43b8 nói: “Ái Châu, đời Tùy là quận Cửu Chân. Năm Vũ Đức thứ 5 (622) đặt Ái Châu, gồm bốn huyện Cửu Chân, Tùng Nguyên, Dương Sơn và An Định”. Đại nam nhất thống chí 16 tỉnh Thanh Hóa, mục Kiến trí diên cách nói: “Tỉnh Thanh Hóa, xưa thời Hùng Vương là quận Cửu Chân, đời Lưỡng Hán nhân theo tên quận cũ thuộc Giao Chỉ. Đời Ngô năm Nguyên Hưng thứ 1 (264) phân một huyện của quận Cửu Chân, mà đặt quận Cửu Đức. Đời Tấn và Tống nhân theo. Đời Nam Tề lúc đầu ở quận Cửu Chân đặt thêm Cao An, Quân An và Đô Lung mà làm thành 10 huyện. Vua Vũ Đế lấy quận Cửu Chân làm Ái Châu, và tên Ái Châu bắt đầu từ đây. Đời Tùy lúc đầu thì gọi Ái Châu, sau đổi tên gọi là quận Cửu Chân gồm 7 huyện. Đời Đường gọi Ái Châu gồm huyện Cửu Chân 6 huyện. Đời Minh phân làm đạo. Đời Lê đổi làm lộ. Đời Lý năm Thuận Thiên thứ 1 (1010) đổi làm trại, sau cải làm phủ Thanh Hóa... Xem việc ghi thời Lý Nhân Tông, tên Thanh Hóa bắt đầu từ đây. Đời Trần năm Thiên Ứng Chính Bình 11 (1242) định làm lộ Thanh Hóa. Năm Nguyên Phong thứ 3 (1253) đổi làm trại. Trong khoảng Thiệu Long lại làm lộ gồm sở thuộc ba lộ Thanh Hóa, Cửu Chân và Ái Châu, sau gọi là trấn... Đời thuộc Minh gọi là phủ Thanh Hóa. Lê Quang Thuận năm thứ nhất (1460) thuộc đạo Hải Tây. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đặt Thanh Hóa thừa tuyên. Năm thứ 10 (1469) cải làm Thanh Hóa thừa tuyên...Gia Long năm thứ nhất (1802) triều ta gọi là trấn Thanh Hóa...Năm Thiệu Trị thứ nhất (1840) cải làm tỉnh Thanh Hóa..”.. Nay là đất tỉnh Thanh Hóa.
42. THIỀN SƯ THANH BIỆN
(1) Đại Việt sử ký toàn thư B5 tờ 7b6-9 nhân nói về Trần Thủ Độ chôn sống tôn thất nhà Lý vào năm Thiên Ứng Chính Bình thứ nhất (1232), viết: “Mùa đông năm đó nhân khi họ đến bái yết Tiên hậu ở Thái Đường Hoa Lâm. Thủ Độ ngầm đào một hầm sâu dựng nhà ở trên, đợi khi các người họ Lý uống rượu say, bèn liền giựt máy, chôn sống hết”. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 6 tờ 13a2 chú rằng: “Hoa Lâm là tên xã. Thái Đường là tên thôn, đều thuộc huyện Đông Ngạn, tỉnh Bắc Ninh.
Đại Việt lịch triều đăng khoa lục 2 có ghi một làng tên Hoa Lâm hạt Đông Ngạn, quê hương của Trịnh Xuân Chú tiến sĩ khoa 1743. Làng Hoa Lâm, phủ Thiên Đức đây như vậy chắc chắn là làng này. Nếu vậy, làng Hoa Lâm ngày nay phải nằm tại huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh. Làng Hoa Lâm của Trịnh Xuân Chú hiện gọi là Danh Lâm, tên gọi đời Nguyễn. Đại việt lịch triều đăng khoa lục, phần Tục biên, có ghi Trịnh Xuân Thưởng tiến sĩ khoa 1847 là người làng Danh Lâm, huyện Đông Ngạn, tỉnh Bắc Ninh.
(2) Cái tên Cổ Giao được Thiền uyển tập anh kể tới ba lần. Một ở đây. Một ở truyện Khánh Hỷ tờ 61a3 và một ở truyện Tịnh Thiền tờ 68a3. Hai lần nhắc sau đều ghi “Làng Cổ Giao, Long Biên”. Cứ vào đấy thì làng Cổ Giao phải nằm tại một làng nào đó chung quanh làng Cổ Châu, tức những làng Khương Tự và Đại Tự huyện Thuận Thành hiện nay, bởi vì chùa Pháp Vân làng Cổ Châu ở Long Biên, mà ta đã xác định được vị trí của làng Cổ Châu, nghĩa là vị trí thực sự của một thành phần Long Biên, là ở tại Khương Tự và Đại Tự. Chúng tôi hiện chưa có dịp điều tra hiện địa vùng này, nên không thể xác nhận rõ làng Cổ Giao phải là làng nào hiện nay tại tỉnh Hà Bắc. Có người đồng nhất làng Cổ Giao với Cổ Điển thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, Nhưng không biết dựa vào đâu. Xem Trần Văn Giáp, Lược truyện các tác giả Việt Nam, tr. 190 và Gaspardone, Bibliographie Annamite, BEFEO XXXIV (1934) 215.
(3) Chùa Phổ Quang này rất có thể là chùa Phổ Quang tại làng Nghĩa Trú huyện Văn Giang, mà Tam tổ thực lục tờ 26a4 nói tới như là chỗ ở của Trùng Chiếu người chủ trì việc đúc 1000 tượng Phật vào năm 1322.
(4). Dẫn kinh Kim cang: “Nhất thiết chư Phật cập chư Phật a nậu đa la tam miệu tam bồ đề pháp giai tùng thử kim xuất”. (Tất cả các đức Phật và giáo pháp giác ngộ không gì hơn của các Đức Phật đó đều từ kinh đấy mà ra). Xem Kim cang bát nhã ba la mật kinh tờ 74b23.
A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, Phạn: Anuttara-samyak-sambodhi, nghĩa là sự giác ngộ đúng đắn không gì hơn.
(5) Đại Châu Huệ Hải hỏi một vị tăng giảng kinh Kim cang: “Kinh đó là do ai nói?. Tăng lên tiếng nói: “Thiền sư sắp đùa rồi đấy. Há không biết là Phật nói sao?”. Sư đáp: “Nếu bảo Như Lai có chỗ thuyết pháp là hủy báng Phật, người đó không hiểu ý nghĩa những điều do ta nói. Nếu bảo kinh đó không phải là Phật nói, tức là hủy báng kinh. Xin Đại đức trả lời xem”. Vị tăng không trả lời được. Xem Truyền đăng lục 6 tờ 247a2-6.
43. THIỀN SƯ ĐỊNH KHÔNG
(1) Cảm ứng xá lợi ký do Vương Thiệu viết vào cuối năm 601 dẫn trong Quảng hoằng minh tập 17 tờ 216b10 có ghi chùa Thiền Chúng như là nơi dựng tháp rước xá lợi vào năm đó tại Giao Châu. Thiền uyển tập anh nói dựng tháp nơi chùa Pháp Vân, có lẽ hợp lý hơn. Xem chú thích (5) truyện Pháp Hiền. Làng Dịch Bảng nay là làng Đình Bảng huyện Từ Sơn, tỉnh Hà Bắc. Ở làng này nay còn có chùa nào tên Thiền Chúng hay không, chúng tôi hiện chưa biết.
(2) Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 2 tờ6b3-6 nói: “Cổ Pháp, tên châu, đời Đinh về trước là châu Cổ Lãm, đời Lê đổi Cổ Pháp, đời Lý thăng làm phủ Thiên Đức, đời Trần cải làm huyện Đông Ngạn. Đời Hậu Lê nhân theo. Nay là huyện Đông Ngạn, tỉnh Bắc Ninh”. Nhưng truyện đây nói Định Không “đổi tên làng mình thành Cổ Pháp”. rồi chua thêm “tên cũ là Diên Uẩn”. Như vậy, Cổ Pháp nguyên là tên một làng từ thời Định Không, sau đó tới thời Lê mới trở thành tên châu. Thực tế, ta không hiểu tại sao nếu Không đã đổi Diên Uẩn thành Cổ Pháp thì tại sao cho đến thời Lý Công Uẩn vẫn còn có tên Diên Uẩn. Viết về việc sét đánh thành sấm báo hiệu sự lên ngôi của Uẩn, Đại Việt sử ký toàn thư B1 tờ 31a7-8 nói: “Nguyên trước cây bông gạo làng Diên Uẩn, Cổ Pháp bị sét đánh”, trong khi đó Đại Việt sử lược 2 tờ 1a9 chép: “trong làng vua ở có cây bông gạo bị sét đánh”. Rõ ràng, làng của Lý Công Uẩn ở có tên Diên Uẩn, và đấy là vào thời Lý. Thế sao, ở đấy truyện bảo Không đổi tên Diên Uẩn, thành Cổ Pháp? Dầu sao đi nữa Diên Uẩn cũng là Cổ Pháp, và Cổ Pháp là môt phần làng Đình Bảng sau này.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 2 tờ 7b2, nhân chú về chùa làng Cổ Pháp, nói “chùa Cổ Pháp ở tại xã Đình Bảng, huyện Đông Ngạn, tỉnh Bắc Ninh”. Làng Cổ Pháp của Định Không do đó là làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn tỉnh Hà Bắc hiện nay.
Trong cả bản in đời Lê lẫn đời Nguyễn chỉ ghi “Định Không cổ nhân”, nhưng chúng tôi ở đây đã thêm chữ pháp thành “người Cổ Pháp”, bởi vì truyện Định Không đây rõ ràng nói Không người Cổ Pháp.
(3) Nguyên văn: Kê cư loan nguyệt hậu. “Loan nguyệt” nghi là một viết sai của chữ “thử nguyệt”, mà sau này La Quý dùng trong một câu tương tự: “Thố kê thử nguyệt nội”, để nói tới việc Lý Công Uẩn lên ngôi vào tháng 11, tức tháng con chuột, tức thử nguyệt của năm con gà, tức năm Kỷ Dậu Cảnh Thụy thứ 2 (1009). Chúng tôi dựa vào cách hiểu đây và dịch là “tháng chuột”. Chữ loan và chữ thử, tự dạng chúng khá giống nhau.
(4) Nguyên văn: Đường Nguyên Hòa tam niên Bính Tý. Nhưng Đường Nguyên Hòa năm thứ 3, cứ Cựu đường thư thì phải là năm Mậu Tý, chứ không phải Bính Tý. Chữ Bính chắc chắn là một viết lộn của chữ Mậu.
(5) Chùa Lục Tổ đây tức cũng ở làng Dịch Bảng. Xem chú thích (1) truyện Thường Chiếu.
44. THIỀN SƯ LA QUÝ
(1) Tức làng Phù Ninh huyện Từ Sơn, tỉnh Hà Bắc ngày nay. Xem chú thích (2) truyện Thường Chiếu.
(2) Bắc thành địa dư chí lục 4 có liệt ra hai xã mang tên An Chân thuộc trấn Sơn Nam hạ. Một thuộc tổng Đông Hối huyện Thanh Quan, phủ Tiên Hưng. Và một tổng Đông Chân, huyện Quỳnh Côi, phủ Thái Bình. Hai huyện này ngày nay đều thuộc tỉnh Thái Bình. Huyện Thanh Quan nay là huyện Thái Bình, còn huyện Quỳnh Côi nay vẫn giữ tên cũ. Chúng tôi hiện chưa biết làng An Chân nào là quê quán của La Quý.
Ngoài ra, cũng cần thêm là, chữ “An Chân” có thể là một viết sai của An Trinh. Chữ chân với chữ trinh, tự dạng chúng rất giống nhau. Thực ra nếu La Quý là người An Trinh, thì nó hợp lý hơn. Bởi vì cứ truyện Định Huệ tờ 53a9 thì làng An Trinh thuộc phủ Thiên Đức, còn truyện La Quý ở đây để cho thấy La Quý hình như có quê quán tại Cổ Pháp với những câu nói như “đất Cổ Pháp ta” hay những việc làm như trồng cây bông gạo tại chùa Châu Minh.
(3) Cao Biền (?-887) bắt đầu xây thành khoảng vào tháng 11 năm Hàm Thông thứ 7 (866). Thành đây là thành Đại La, nằm tại địa phận thủ đô Hà Nội ngày nay. Xem Đại Việt sử lược 1 tờ 12b2 và Đại Việt sử ký toàn thư B5 tờ 14b-15a.
Về sông Tô Lịch, xem chú thích (9) truyện Đạo Hạnh.
(4) Sông Điềm hay là Điềm giang, chúng tôi hiện chưa tìm thấy một tài liệu nào khác nói tới, nhưng nghi nó có thể chỉ sông Tương nằm ở phía đông của làng Đại Đình, nơi có ngôi chùa Cổ Pháp.
(5) Ao Phù Chẩn chắc nằm tại làng Phù Chẩn huyện Từ Sơn, tỉnh Hà Bắc ngày nay. Bởi vì Đại Việt lịch triều đăng khoa lục 1 và 2 có ghi một số người đậu các khoa tiến sĩ đến từ làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngạn như Trần Cô trạng nguyên khoa 1266, Nguyễn Thì Phùng tiến sĩ khoa 1508, Nguyễn Niệm và Nguyễn Hiên khoa 1588, Nguyễn Xuân Chỉ khoa 1637, Nguyễn Đình Bảng khoa 1670 v.v... Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh, mục Từ miếu, có ghi miếu vua Lê Uy Mục ở xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngạn.
Những ao khác đào tại vùng xung quanh Phù Chẩn này, ngày nay ta không biết và chắc không bao giờ ta biết, vì truyện nói “La Quý khuyên Khúc Lãm lấp chúng lại như xưa”.
(6) Cây bông gạo chùa Châu Minh này chắc là cây bông gạo làng Diên Uẩn, nơi đã bị sét đánh thành bài sấm tuyên truyền cho sự lên ngôi của Lý Công Uẩn, mà Đại Việt sử lược 2 tờ 1a-b và Đại Việt sử ký toàn thư B1 tờ 31a-32 đã chép lại... Xem chú thích (8) truyện Vạn Hạnh.
(7) Nguyên văn:
Đại sơn long đầu khỉ
Cù vĩ ẩn Châu Minh
Thập bát tử định thiềng
Miên thọ hiện long hình
Thố kê thử nguyệt nội
Định kiên nhật xuất thanh”
Đây là một thơ tuyên truyền cho sự ra đời của nhà Lý vào tháng 10 năm Dậu. Và nhà Lý quả ra đời vào tháng 10 năm Đinh Dậu Cảnh Thụy thứ hai (1009).
45. THIỀN SƯ PHÁP THUẬN
(1) Đại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn Tây, mục Sơn xuyên, có ghi một ngọn núi tên Cổ Sơn, và nói “nó nằm tại phía đông huyện Tam Dương, cách huyện lỵ 6 dặm”. Rồi sau đó lại ghi thêm một ngọn khác tên Lộng Sơn và chua “tục gọi là núi Trống”. Núi này cũng “ở phía đông của huyện tại xã Tam Lộng, trên có miếu Long Sơn thần”. Cổ Sơn với Lộng Sơn như vậy là một. Thế thì, phải chăng chùa Cổ Sơn của Pháp Thuận nằm tại núi này? Đó là một có thể.
Nhưng Hồng Đức bản đồ tr.78-79 trong Thiên nam tứ chí lộ đồ thư có ghi tên một chợ gọi là chợ Ải, rồi chua thêm “có núi Tượng bốn bên như rồng bao bọc không hở”. Khảo Đại nam nhất thống chí, tỉnh Thanh Hóa, mục Phố thị, không thấy nói chợ nào tên chợ Ải cả. Nhưng về núi Tượng, nó viết ở quyển 16 tờ 40a1 rằng “núi Tượng ở tại xã Bất Quần phía tây huyện Quảng Xương, giữa đồng ruộng bỗng nổi lên một ngọn núi đá. Núi nhỏ mà cao, sắc xanh mà lạ, dáng giống như voi phục. Trạng nguyên Trịnh Huệ đời Lê dựng am đọc sách dưới chân núi đó”. Cổ Sơn của Pháp Thuận chẳng qua là núi Tượng này? Và Ải quận phải chăng là chợ Ải đây? Chúng tôi hiện chưa trả lời được và chỉ xin nêu ra ý kiến kêu gọi sự đóng góp của những người hiểu biết khác.
(2) Nguyên văn: Ỷ dĩ văn hàn chi nhiệm. Số văn thư đầu triều Lê Đại Hành do Pháp Thuận thảo ra, ngày nay đã thất lạc hết. Chỉ còn một lá thư xin cho Đinh Tuyền do Giang Cự Hoàng và Vương Thiệu Tộ mang sang triều đình nhà Tống vào năm 980, mà Đại Việt sử ký toàn thư B1 12a8-b2 và Tống hội yếu 197 tờ 7724a-b đã chép lại. Văn cú của hai bản chép này khác nhau, nên chúng tôi chép ra cả hai, để cho thấy một phần nào văn tài của Pháp Thuận.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Thần phụ mỗ huynh mỗ, câu hà quốc ân, thiêm phân môn ký, cẩn bảo phong giới, cảm hữu bối vi, hản mã chi lao vị thi, triêu lộ chi bi dĩ cập. Thần đường cấu tương hoại, ai thường vị trừ, quản nội quân dân tướng lại, phiên duệ kỳ điệt đẳng, cọng nghệ triêm khôi chi trung, tất quyền quân thống lữ chi sự. Thần khẩn từ số tứ, thỉnh bức dủ kiên. Tương đãi tấu trần, hựu lự khể tuy sơn dã khoáng ác chi tục, động hác giảo hoạt chi dân, thảng bất tuẩn kỳ tình, khủng hoặc sinh dị biến. Thần cẩn dĩ nhiếp tiết độ hành quân tư mã quyền lĩnh châu quân sự. Phục vọng, giả dĩ chân mạng, lịnh bị liệt phiên, ủy vi thần tận trung chi tâm, cử thánh đại diên thưởng chi điển”.
Tống hội yếu chép: “Thần thế triều tưởng, tị xử x chế ư man tưu, tu chức cống ư tế lữ, thuộc tư môn chi bạc hựu, trỉ tuấn mảng cảm khể ư trợ tế, mao thổ thế cập vị dự ư thủ phiên. Thần phụ Tiên x Liễn, câu hà quốc ân, thiêm phân khổn ký, cẩn bảo phong lược, võng cảm đải hoàng, hản mã chi lao vị thi, lộ triêu chi bi dĩ cập. Thần đường cấu tương hoại, ai thường vị trừ, quản nội tướng lại quân dân, phương duệ kỳ diệt đẳng, cộng nghệ triêm khôi chi thủ, đắc quyền quân lữ chi sự. Thần khẩn từ sổ tứ, thỉnh bức dủ kiên. Tỷ sỹ tấu trần, hựu lự khể tuy sơn thành ngoan khoáng chi tục, động hác giảo hoạt chi dân, thảng bất tuẩn kỳ tình, khủng nhân nhi sinh biến. Thần cẩn dĩ nhiếp tiết x hành quân tư mã quyền lĩnh châu quân sự. Phục vọng tích dĩ chân mạng, lịnh bị liệt phiên, ủy vi thần trung tẩn chi tâm, x thưởng diên chi điển, khắc thiệu di nghiệp, nhân phủ viễn di, đồng trụ chi hư già tuyên, ngự hải chi lực tượng khuyết, x hiệu hiến thâm chi thành”.
Những chữ x là tượng trưng cho những chữ bị thiếu trong bản chép. Chúng tôi không chép ra đây bản ở trong An nam chí lược.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư B1 tờ 18a5-8: “Thiên Phúc năm thứ 8 (987) nhà Tống lại sai Lý Giác đến san phong. Bấy giờ vua sai Pháp sư tên Thuận giả làm giang lệnh, đi đón. Giác rất giỏi bàn luận văn chương. Gặp lúc có hai con nga bơi trên mặt nước, Giác vui ngâm:
Ngỗng ngỗng đôi con ngỗng?
Ngửa mặt ngó ven trời
Pháp sư đang lúc cầm chèo, tiếp vận theo:
Lông trắng phơi dòng biếc
Sóng xanh chân hồng bơi
Giác càng làm lạ, làm thơ gởi cho Sư rằng:
May gặp thời minh giúp việc vua
Một mình hai đợt sứ Giao Châu
Đông đô đôi biệt lòng thêm luyến
Nam Việt muôn trùng ngóng chửa bưa
Ngựa đạp mây mù qua sóng đá
Xe rời núi biếc thả dòng đưa
Ngoài trời còn có trời soi rạng
Sóng lặng khe đầm thấy nguyệt thu
Thuận đem thơ dâng. Vua cho triệu Ngô Khuông Việt đến xem. Khuông Việt thưa: “Bài thơ này có ý tôn bệ hạ cùng với chúa nó không khác”. Vua khen ý ấy, ban thưởng rất hậu”.
Bài thơ Đôi con ngỗng trên dĩ nhiên không tượng trưng gì hơn một giai thoại ngoại giao, chứng tỏ niềm tự tín và sự lớn mạnh về văn hóa của một dân tộc vừa mới lập quốc chưa đầy 90 năm. Bởi vì nó chỉ là một nhuận sắc khác tinh tế cái bài thơ Vịnh nga, mà Lạc Tân Vương làm khi mới hơn 10 tuổi và Toàn Đường thi tập 2 quyển 79 tờ 864 chép như:
Nga nga nga
Khúc hạng hướng thiên ca
Bạch mao phù lục thủy
Hồng chưởng bát thanh ba
46. THIỀN SƯ MA HA
(1) Bắc thành địa dư chí lục 2 có ghi hai xã mang tên Cổ Miệt thuộc tổng Hương Đại, huyện Thanh Hà, trấn Hải Dương tức nay huyện Thanh Hà, huyện Hải Dương. Dưới mỗi tên, người viết còn chua thêm hai thôn, đấy là thôn Tràng Liệt và thôn Khánh Mậu, thì như vậy, Cổ Miệt trước chắc địa phận rộng hơn những xã cũng có tên đây. Nhưng tại tổng Hương Đại cũng như trong toàn huyện Thanh Hà, chúng tôi không thấy ghi một xã thôn nào có tên Đào Gia cả. Điểm chắc chắn là Cổ Miệt phải ở vùng huyện Thanh Hà, huyện Hải Dương, bởi vì tỉnh này vốn là đất Hồng Lộ thời Lý Trần, như Đại nam nhất thống chí, tỉnh Hải Dương, mục Kiến trí diên cách nói: “Mà ta biết vào thời Lý có một làng Cổ Miệt thuộc Hồng Lộ”. Đại Việt sử lược 3 tờ 18b1-4 viết: “Trị Bình Long Ứng năm thứ 4 (1208) trộm cướp nhân đó nổi lên như ong... vua sai Thượng phẩm phụng ngự Phạm Bỉnh Di đem người Đằng Châu đi chống, mà Phạm Du thì lại về làng Cổ Miệt cùng với người Hồng Lộ là Đoàn Thượng và Đoàn Chủ gặp nhau đánh Đằng Châu. Người Đằng Châu xin Bỉnh Di đánh Du, không dẹp được bèn trở về”.
(2) Bối thông thường là một phiên âm tiêu chuẩn của chữ Bhanïnïa tiếng Phạn và Bhanõnõa tiếng Pàli. Xem Thập tụng luật 37 tờ 269c18-19: Phật ngôn: “Thính nhữ tác thanh bối”. So sánh với Cullavagga.v.3: Bhagavato etam attham ârocesum: anujânâmi bhikkhave sara-bhannam ti. Nó thông thường cũng là một gọi tắt của chữ Bối nặc. Xem Tứ phần luật 3 tờ 587 b21-23 và Sa di tắc bộ hòa ê ngũ phần luật. Và Bối nặc đúng ra là phiên âm tiêu chuẩn của Bhanïnïaka hay Bhanõnõaka. Vậy Bối và Bối nặc là gì? Cứ những tư liệu vừa dẫn Bối hay Bhanna là một lối đọc kinh Phật giáo với những nốt nhạc, nên nó cũng thường được gọi là Thanh bối hay Svarabhanna tiếng Phạn và Sarabhanna tiếng Pàli. Nó khác với lối đọc kinh theo lối ca hát với giọng dài của những người theo Vệ đà, mà Thập tụng luật cho là có tác dụng chính yếu là “làm cho mình và người khác tham trước”, trong khi tác dụng của nó là làm cho người đọc và người nghe khỏi mệt mỏi và giữ được sự trong sáng và âm điệu của ngôn ngữ. Còn Bối nặc hay Bhannaka có nghĩa người đọc tụng theo nốt nhạc, có thể nói đó là người hát lễ nhạc Phật giáo. Vậy nếu Bối Đa giữ chức Bối trong triều đình nhà tiền Lê, thì Bối đây chắc hẳn là chức quan coi về lễ nhạc Phật giáo. Sau này, ta thấy Ma Ha cũng nối nghiệp cha tiếp tục hát bối ở chùa mình, thì cũng đủ rõ bối đây tượng trưng cho lễ nhạc Phật giáo. Cũng cần thêm là, sau chữ bối, Thiền uyển tập anh còn chú thêm rằng, “Xưa gọi là Đà phan”. Chữ Đà có lẽ là một khắc sai của chữ Xà. Và “Xà phan” quả là một phiên âm khá trung thực chữ Sarabhanna tiếng Pàli hay Svaralhanna tiếng Phạn.
(3) Tán Bối vẫn là một thứ ngoại học, một cái học bên ngoài, tối thiểu là cứ theo luật tạng. Xem Thập tụng lụật 37 tờ 269c6-21.
(4) Đại Bi tâm chú. Gọi đủ là Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm bồ tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà la ni, Đại bi chú v.v... Đây là bài chú rút ra từ kinh Thiên thủ. Nó gồm cả thảy 82 câu chữ Phạn do Già Phạm Đạt Mạ phiên âm trong kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà là ni hiện nay trong ĐTK 1060 tờ 107b25-c26. Ngoài bản dịch của Già Phạm Đạt Mạ ra, mà ngày nay đã trở thành bản văn chính thức dùng trong hầu hết các chùa chiền Việt Nam và Trung Quốc, nó còn có những bản dịch khác của Bất Không, Trí Thông v.v... Cứ vào sự thông dụng ngày nay, chúng tôi giả thiết nó chắc cũng thông dụng thời Lý.
(5) Tức núi Long Triều tại xã Trường Yên hạ, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình ngày nay. Đại nam nhất thống chí, tỉnh Ninh Bình, mục Sơn xuyên, nói: “Núi Long Triều ở cách huyện Gia Viễn 10 dặm, một là tên núi Đại Vân, có miếu vua Đinh, vua Lê ở dưới chân núi”. Mục Từ miếu nói: “Miếu vua Đinh Tiên Hoàng ở phía dưới huyện Gia Viễn tại chân núi Long Triều xã Trường Yên hạ”... Miếu vua Lê Đại Hành ở dưới chân núi Đại Vân xã Trường Yên hạ”.
Đây là ngọn núi, mà Lê Đại Hành đã cho dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế vào năm 984 để làm nơi thị triều, phía đông dựng điện Phong Lưu, phía tây dựng điện Tử Hoa, bên trái điện Bồng Lai, bên phải điện Cực Lạc, lại dựng lầu Đại Vân liền với điện Trường Xuân là nơi vua ngủ, như Đại Việt sử lược 1 và Đại Việt sử ký toàn thư tờ 16b ghi lại. Đại Việt sử lược 1 tờ 19b7 viết Đại Vân thành Hỏa Vân.
(6) Hoàng đế Lê Đại Hành, nghi là một chép sai, bởi vì trước đó đã nói là đến năm 1014 Ma Ha mới về tu tại núi Đại Vân, thì sự việc tiếp theo phải xảy ra với Lý Thái Tổ mới hợp lý. Hơn nữa, ta biết chùa Vạn Tuế ở trong Đại nội là do Lý Thái Tổ dựng vào năm 1011, như Đại Việt sử lược 2 tờ 3a6 và Đại Việt sử ký toàn thư B2 tờ 5a2 đã ghi. Do thế, việc giam Ma Ha “tại chùa Vạn Tuế trong đại nội” phải xảy ra sau năm 1011 ấy. Ngoài ra, núi Đại Vân vào thời Lê Đại Hành là nơi Lê Đại Hành xây dựng cung điện, như đã thấy, thì làm sao Ma Ha có thể “dời về ở núi Đại Vân tại Trường An ngày ngày siêng năng tu tập” được? Từ đó, Lê Đại Hành chắc là một chép lộn của Lý Thái Tổ.
(7) Ái Châu tức tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Xem chú thích (9) truyện Pháp Hiền, trấn Sa Đảng, Đại Việt sử lược 2 tờ 12 a1 có ghi động tên Sa Đảng. Nó viết: “Năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 3 (1061) động Sa Đảng phản, vua thân chinh dẹp được”. Trấn Sa Đảng và động Sa Đảng chắc đây là một. Đại nam nhất thống chí, tỉnh Thanh Hóa, mục Kiến trí diên cách, có ghi một động tên Sa Lung trước thuộc huyện Cẩm Thủy, đến 1904 cắt thuộc châu Quan Hóa. Chúng tôi đoán đất Sa Đảng thời Lý chắc hiện nằm tại huyện Cẩm Thủy và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa ngày nay.
(8) Nam mô Phật, Phạn : namo buddhàya, nghĩa là kính lễ các Đức Phật.
Nam mô Pháp, Phạn : namo dharmàya, nghĩa là kính lễ giáo pháp.
Nam mô Tăng, Phạn : namo sanghàya, tức kính lễ đoàn thể hòa hợp.
(9) Đại Việt sử ký toàn thư B2 tờ 1363 viết : Năm Thiên Thành thứ nhất (1028) lấy Nguyễn Quang Lỵ làm Thái úy. Đây là đô úy Nguyễn Quang Lỵ, chữ Đô có lẽ là một cách viết sai của chữ Thái.
(10) Cứ Đại Việt sử ký toàn thư B1 tờ 27c7-8 và truyện Khai Thiên Trấn Quốc trung phụ tá dực đại vương trong Việt điện u linh tập tờ 48 khi Lê Ngọa Triều “đã được ngôi, thăng Đằng Châu làm phủ Thái Bình”. Phủ Thái Bình ở truyện Ma Ha đây chắc phải là đất Đằng Châu, chứ không phải là đất phủ Thái Bình thời Nguyễn, tức không phải đất những huyện Quỳnh Côi, Phụ Dực, Đông Quan và Thụy anh tỉnh Thái Bình ngày nay. Mà Đằng Châu, theo Cương mục tiền biên 5 tờ 30b 5-7, là đất Khoái Lộ đời Trần, Khoái Châu đời Lê. Nay huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên còn có xã tên Đằng Châu. Làng Đằng Châu thời Lê Ngọa Triều mà Việt điện u linh tập nói tới, và làng Thái Bình thời Lý, mà Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 36b9 và Đại nam nhất thống chí, tỉnh Nam Định, mục Kiến trí diên cách, ghi chắc là xã Đằng Châu đó. Phủ Thái Bình đời Lý như vậy không phải là phủ Thái Bình thời Hậu Lê, ngược lại nó nằm trong địa phận Đằng Châu, tức tương đương với tỉnh Hưng Yên ngày nay. Chùa Khai Thiên, nay không thấy sách nào nói tới.
Đại Việt sử lược 1 tờ 22a 2 nói khi Ngọa Triều “đánh Nghị Man Vương Bình rồi, cải Phong Châu làm phủ Thái Bình”. Chữ Phong đây chắc là một viết sai của chữ Đằng. Tuy về lý, việc đổi Phong Châu làm phủ Thái Bình không phải là phi lý.
47. THIỀN ÔNG ĐẠO GIẢ
(1) Tức nay làng Phù Ninh, huyện Từ Sơn, tỉnh Hà Bắc. Xem chú thích (2) truyện Thường Chiếu.
(2) Tức làng Đình Bảng huyện Từ Sơn, tỉnh Hà Bắc hiện nay. Xem chú thích (2) truyện Định Không.
(3) Đinh trưởng lão, tức trưởng lão La Quý, bởi vì La Quý họ Đinh
48. THIỀN SƯ SÙNG PHẠM
(1) Tức chùa Diên Ứng hay chùa Dâu, làng Khương Tự, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc hiện nay. Xem chú thích (2) truyện Tỳ Ni Đa Lưu Chi.
(2) Vô Ngại chùa Hương Thành, đây chắc chắn không phải chùa Tĩnh Cư, núi Cửu Chân ở thế kỷ thứ VIII và nhà sư Vô Ngại thế kỷ thứ IX trong Man thư của Phàn Xước. Vô Ngại ở Hương Thành như vậy chắc chắn thuộc thế hệ thứ 10 của dòng thiền Pháp Vân.
(3) Lê Đại Hành nghi là một khắc sai của Lý Thái Tông, bởi Phạm mất năm 1087 và thọ 84 tuổi thì tất không thể nào gặp Lê Đại Hành được. Chữ Lê Đại Hành, nếu gặp phải một bản chữ mờ thì rất dễ đọc lộn thành Lý Thái Tông.
(4) Bàng Uẩn tham bái Mã Tổ, hỏi: “Ai là kẻ không cùng vạn pháp làm bạn lữ?” Tổ nói: “Đợi ngươi uống một hớp, hết trọn cả nước sông Tây, thì ta sẽ nói”. Uẩn tỉnh ngộ, làm bài tụng:
Thập phương đồng tụ hội
Cá cá học vô vi
Thử thị tuyển Phật trường
Tâm không cập đệ quy
Xem Bích nham lục 5 tờ 179c3-6
(5) Ly vy là một từ lấy từ phẩm Ly vy thể tịnh của Bảo tạng luận và nó được định nghĩa thế này: “Sở dĩ nói là Ly, vì bản thể chẳng phải hiệp nhất với sự vật, cũng chẳng tách rời sự vật. Ví như gương sáng soi ảnh của mọi vật, nhưng gương sáng ấy không hiệp nhất với ảnh cũng không tách rời nó. Lại như hư không hiệp nhập hết thảy, nhưng không bị ô nhiễm. Năm sắc không thể làm nhớp năm âm không thể làm loạn, muôn vật không thể buộc vào, phong phú không thể làm lộn. Cho nên gọi là Ly. Sở dĩ nó là vy, vì bản thể mầu nhiệm, không hình, không sắc, không tướng, ứng dụng muôn ngõ mà không thể thấy, lắng không thể nghe, nhưng có hằng sa muôn đức, không thường, không đoạn, không rời, không tan, cho nên gọi là vy. Vì thế, hai chữ ly vy bao trùm hết yếu lý của đạo. Xem Bảo tạng luận tờ 146a 7-15.
49. THIỀN SƯ VẠN HẠNH
(1) Ba học là giới, định, tuệ của giáo dục Phật giáo. Trăm luận chỉ các tác phẩm của Bách gia chư tử trong nền giáo dục truyền thống của nước ta.
(2) Tổng trì tam ma địa, cũng gọi đà la ni tam muội, Phạn: Dhàrani-samàdhi, một lối thiền định thực hiện bằng cách đọc các khẩu quyết Phạn ngữ. Kinh Đại phẩm bát nhã viết: “Sao gọi là đà la ni tam muội? Vì trụ trong tam muội đó thì có thể giữ hết những tam muội, nên gọi đà la ni tam muội”. Luận Đại trí độ viết: “Đà la ni tam muội vì được sức của tam muội đó thì các đà la ni văn và trì đều tự nhiên mà được”. Xem Đại trí độ luận 40 tờ 398b 24 và 401c 27-28.
(3) Đại Việt sử lược 1 tờ 19a8-9: Thiên Phúc năm thứ nhất, mùa xuân tháng ba, quân Hầu Nhân Bảo đến Lãng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến Bạch Đằng giang”. Đại Việt sử ký toàn thư B1 tờ 14a1-3: “Thiên Phúc năm thứ 2 mùa xuân tháng 3, Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến Bạch Đằng giang”.
(4) Đại Việt sử lược 1 tờ 19b1-3: “Thiên Phúc năm thứ 2, vua sai Từ Mục v.v...đi sứ Chiêm Thành, bị Chiêm Thành bắt. Vua nổi giận, tự làm tướng đem quân đi đánh, chém đầu vua Chiêm là Bề Mi Thuế tại trận, xẻo tai không thể kể xiết, bắt kỹ nữ trong cung Chiêm vài trăm người, dời trọng khí của Chiêm, thu lấy vàng bạc và đồ quý tới số muôn, phá tan thành trì Chiêm, hủy hoại tôn miếu vua Chiêm”. Đại Việt sử ký toàn thư B1 tờ 16a2-6: “Thiên Phúc năm thứ 3, vua thân chinh Chiêm Thành, thắng. Trước đó, vua sai Từ Mục và Ngô Tử Canh đi sứ Chiêm Thành, bị Chiêm Thành bắt, vua nổi giận, đóng chiến thuyền, đúc khí giới, tự làm tướng đem quân đi đánh, chém đầu Bề Mi Thuế tại trận, Chiêm Thành đại bại, bắt giết sĩ tốt không thể kể xiết, bắt kỹ nữ trong cung Chiêm trăm người và thầy tu Ấn Độ một người, dời trọng khí của Chiêm, thu lấy vàng bạc và đồ quý tới số muôn, phá tan thành trì Chiêm, hủy hoại tôn miếu của Chiêm”.
(5) Nguyên văn: Thổ mộc tương sinh ngân bạn kim. Đọc theo lối chiết tự thì Thổ mộc là chữ Đỗ. Ngân nghi là chữ cấn viết sai để kết hợp với chữ kim, để cho ta chữ ngân. Nguyên câu này chỉ Đỗ Ngân. Đỗ Ngân này là ai, không thấy sách sử nào nói tới cả.
(6) Nguyên văn: Đương thời ngụ khẩu thu tâm tuyệt. Đọc theo lối chiết tự, ngũ với khẩu là chữ ngô là “ta”, thu với tâm là chữ sầu. Bồ Đề Đạt Mạ tiên đoán cho Thái thú Dương Huyền về sự mình bị đầu độc sau này với những câu:
Giang tra phần ngọc lãng
Quản cự khai kim tỏa
Ngũ khẩu tương cọng thành
Cửu thập vô bỉ ngã.
Xem Truyền đăng lục 6 tờ 220a
(7) Đại Việt sử lược 2 tờ 2b5-7: “Nguyên trước đó chùa Ứng Thiên làng Cổ Pháp sinh một con chó trắng, trên lưng mọc lông đen thành chữ ‘Thiên tử’, đến lúc ấy vua sinh nhằm năm Giáp Tuất”. Đại Việt sử ký toàn thư B2 tờ 16b-2a1: “Nguyên trước đó viện Cảm Tuyển chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp sinh một con chó trắng có lông đen viền thành hai chữ ‘Thiên tử’. Người biết việc nói rằng bởi đó là cái điềm của người sinh nhằm năm Tuất. Đến lúc ấy Vua sinh nhằm năm Giáp Tuất mà làm Thiên tử, nên điều ấy quả đúng”. Việt sử tiêu án 1 tờ 77a9-b1 nói chuyện này xảy ra tại chùa Thiên Tâm.
(8) Đại Việt sử lược 2 tờ 1a9-b3: “Trong làng vua ở có một cây bông gạo bị sét đánh, dấu để lại thành văn rằng:
Gốc cây nhiều công
Ngọn lá xanh xanh
Hòa đao mộc rụng
Thập bát tử thành
Cung chấn trời hiện
Cung đoài sao chênh
Trong sáu bảy ngày
Thiên hạ thái bình
Vạn Hạnh bèn gọi vua bảo: “Tôi gần đây thấy sự lạ của sấm, biết nhà Lê đương mất, nhà Nguyễn đương lên. Họ Nguyễn không ai là có sự nhân từ, khoan thứ rất được lòng người như ông. Tôi tuổi 70 hơn rồi, chỉ sợ không kịp thay sự thịnh trị mà lấy làm hận”.
Đại Việt sử ký toàn thư tờ 31a7-32a5: “Trước đó, cây bông gạo làng Diên Uẩn, châu Cổ Pháp bị sét đánh. Người trong làng thấy rõ dấu sét có văn rằng:
Gốc cây thăm thẳm
Ngọn lá xanh xanh
Hòa đao mộc rụng
Thập bát tử thành
Đông a vào đất.
Cây khác tái sanh
Cung chấn trời hiện
Cung đoài sao chênh
Khoảng sáu bảy năm
Thiên hạ thái bình
Thầy Vạn Hạnh riêng tự mình bình rằng: “Gốc cây thăm thẳm, gốc là cái cội và cội thì giống như vua vậy. Diểu là âm đồng với chữ yểu, nên viết chữ yểu. Mộc biểu thanh thanh, biểu là ngọn mà ngọn thì giống như bề tôi, còn thanh và thiên, âm chúng gần nhau, nên viết chữ thiên có nghĩa là thịnh vượng. Hòa đao mộc là chữ Lê, Thập bát tử là chữ Lý. Đông a là họ Trần. Vào đất là người phương Bắc vào ăn cướp. Cây khác tái sinh là họ Lê lại sinh ra. Cung chấn trời hiện, chấn chỉ phương đông, hiện là ra, trời tức là thiên tử vậy. Cung đoài sao chênh, đoài chỉ phương tây, chênh cũng như mất đi, sao thì giống như dân thường. Cả bài trên muốn nói vua yểu, tôi thịnh, Lê rụng, Lý thành, phương đông Thiên tử ra đời, phương tây thứ dân chìm mất đi, trải khoảng sáu bảy năm thiên hạ thái bình vậy”. Bèn gọi Lý Công Uẩn nói rằng: “Gần đây, tôi thấy sự lạ của phù sấm, biết họ Lý tráng thịnh thì việc dấy nghiệp là một chắc chắn vậy. Nay xem thiên hạ họ Lý rất nhiều nhưng không có ai khoan từ nhân thứ, rất được lòng người mà tay nắm binh quyền như Thân vệ. Làm tôn chủ muôn dân, mà bỏ Thân vệ thì ai sẽ cáng đáng cho. Tôi nay tuổi hơn 70, mong sao cho đừng mau chết, để thấy được sự đức hóa ra sao thì thật là sự may ngàn năm một lần vậy”.
Việt sử tiêu án 1 tờ 75a-76b cũng chép sự việc và bài thơ như Đại Việt sử ký toàn thư, nhưng rút ngắn lời bàn của Vạn Hạnh lại thành: “Gần đây, tôi xét phù sấm, thì họ Lý đang lên, mà không có ai như Thân vệ cả”. Song lại thêm một lời bàn khá dài: “Xét một cơn sét đánh thành văn chỉ bốn chục chữ, mà trong khoảng 1100 năm, sự phế hưng của các đời, tên họ đều bao gồm gần hết. Trời có nói gì đâu. Đó là bởi Vạn Hạnh giỏi việc xét bói, nhân sét đánh cây bông gạo, thác văn vào đó để tỏ ra thần dị. Lý Nhân Tông tặng thơ nói:
Vạn Hạnh dung ba cõi
Thật hiệp sấm trời xưa
Quê hương tên Cổ Pháp
Chống gậy trấn kinh vua.
Xem mấy câu bình văn trên cây ở trước, biện bạch rõ ràng không sai việc. Hạnh bình luận cả bài cho tới câu “Dị mộc tái sinh” thì sự luận biện đó rõ ràng không sai. Từ câu “Chấn cung..”. trở xuống, lời văn hàm hồ, riêng có ý sâu huyền diệu, không chịu tỏ hết. Gần đây, có kẻ hiếu sự, riêng đem ý mình suy diễn, mê hoặc trí người, đến nỗi thứ gian phu dối toán làm việc phi phận, binh loạn không thôi. Cái hại của sấm cũng thật mãnh liệt thay”.
(9) Mộ Hiển Khánh đại vương tức mộ của cha Lý Công Uẩn. Khi lên ngôi, Uẩn truy phong cho cha mình là Hiển Khánh Vương. Xem Đại Việt sử lược 2 tờ 2a1 và Đại Việt sử ký toàn thư B1 tờ 34a6. Về những tiếng đọc tụng xung quanh mộ này, xem nguyên chú ở cuối truyện đây.
(10) Chùa Song Lâm đây tức là chùa Song Lâm, làng Phù Ninh phủ Thiên Đức, nơi ở chính thức của Thiền Ông, thầy của Vạn Hạnh.
(11) Đại Việt sử lược 2 tờ b3 nói: “Tháng 11 nguyên niên (1009) vua lên ngôi... lấy anh vua Mỗ làm Vũ Uy Vương, em vua là Dực Thánh Vương”. Đại Việt sử ký toàn thư B1 tờ 34b5-6 viết: “...lấy Hoàng huynh làm Vũ Uy Vương, Hoàng thúc làm Vũ Đạo Vương, con của Vũ Uy Vương là Trưng Hiển làm Thái úy, con của Dực Thánh Vương làm Phó Tổng quản”. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 2 tờ 8a4-7 chép lại Đại Việt sử ký toàn thư, thấy rõ Dực Thánh Vương không biết là ai, mà con cũng được phong làm Tổng quản, nên đã chua thêm là: “Thiên nam trung nghĩa lục của Phạm Phi Hiển nói Dực Thánh Vương là con thứ của Thái Tổ”. Nhưng rõ ràng theo Đại Việt sử lược thì Dực Thánh Vương là em của Lý Công Uẩn.
Căn cứ truyện Vạn Hạnh đây thì Lý Công Uẩn còn có chú bác và đều được phong vương. Bằng vào những dẫn chứng trên, chỉ Đại Việt sử ký toàn thư và những sử chép theo nó mới ghi phong hiệu người chú của Uẩn, đó là Vũ Đạo Vương, còn trong đây thì không thấy nói. Đoạn sử khoảng này của nhà Lý có nhiều ám muội chưa rõ.
(12) Tật Lê và hạt Lý là muốn chỉ họ Lê và họ Lý.
(13) Cả hai bản đời Lê lẫn bản đời Nguyễn đều ghi Vạn Hạnh mất vào ngày 15 tháng 5 năm Thiên Ứng thứ 9, tức năm 1002. Nhưng đây dĩ nhiên là một khắc sai, bởi vì với một cuộc đời như vừa đọc, Vạn Hạnh tất không thể chết, trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi vào năm 1010 được. Do thế, một số tác giả như Trần Văn Giáp (Le Bouddhisme en Annam, BEFEO XXXII (1932) 239 và Lược truyện các tác giả Việt Nam, nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1962, tr. 183) đã sửa Ứng Thiên thứ 9 thành năm Thuận Thiên thứ 9 và nói Vạn Hạnh mất vào năm 1018. Song sửa như thế là chưa chính xác cho lắm, bởi vì năm mất của Vạn Hạnh các bộ sử khác ghi rất kỹ và nó nhất định không phải năm Thuận Thiên thứ 9. Trái lại, cứ Đại Việt sử lược 2 tờ 4a7 và Đại Việt sử ký toàn thư B2 tờ 10a3-4 thì “năm Thuận Thiên thứ 16 thầy Vạn Hạnh hóa thân”. Như vậy, Vạn Hạnh mất năm 1025, chứ không phải năm 1018, như từ trước tới nay thường chép. Từ đó, Ứng Thiên cửu niên là một chép sai của Thuận Thiên thập lục niên. Chữ thuận bị đoán lộn thành chữ ứng, còn chữ thập lụcõ bị đọc rút thành cửu.
(14) Việt sử tiêu án 1 tờ 83a7-b1, nhân ghi “thầy Vạn Hạnh chết”, viết: “Vạn Hạnh không bệnh mà chết. Người bây giờ gọi đó là hóa thân. Vạn Hạnh thường có thơ.
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Tùy vận thạnh suy hưu bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
Vua thân hành đến điếu viếng, lập đàn siêu độ”. (Những chữ in nghiêng là khác với bản ở đây).
(15) Kiến văn tiểu lục 4 tờ 13a4-5 và Việt sử tiêu án 1 tờ 76b2-3 chép nguyên bài thơ. Tam tế, mà đây dịch là “ba cõi”, tức chỉ cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Xem Kiến văn tiểu lục 9 tờ 12a6-7 về chữ Tam tế. Vạn Hạnh dung tam tế, có nghĩa Vạn Hạnh thấu suốt tất cả sự việc của quá khứ, thời hiện tại và thời vị lai.
(16) Nguyên văn:
“Khánh vạn tường nham dự Quế phong
Dương trường long thế dực tương tùng
Đông Liệt triều tôn thế tam bách
Lục tuất (thiếu hai chữ) đối thiên bồng”
Khánh vạn, Tường Nham và Quế Phong, chúng tôi nghi là ba tên đất. Đại Việt lịch triều đăng khoa lục 2 có ghi một làng tên Khánh duệ thuộc huyện Tiên Du, quê hương của Nguyễn Đán, tiến sĩ khoa 1580. Khánh Vạn từ đó rất có thể là Khánh Duệ đấy, nhưng chúng tôi chưa có bằng chứng gì đích xác. Còn Tường nham và Quế phong thì chưa thể khảo được. Đông Liệt và Triều Tôn, chúng tôi cũng nghĩ là những tên đất, song chưa tìm thấy tài liệu chứng thực. Trong một cuộc nói chuyện riêng, cụ Nguyễn Đăng Thục, quê Bắc Ninh, bảo tỉnh Bắc Ninh hiện có làng tên Đông Liệt. Với những tên đất như thế, thì rõ ràng đây là một bài thơ nói về mạch đất của các nhà địa lý thời xưa với những từ địa lý rõ rệt như dương trường (chúng tôi nghi chữ dương, đúng ra phải đọc ngưu) long thể. Thực thế, nếu câu thứ hai đọc “Ngưu trường long thể dực tương tùng”, thì ý nghĩa địa lý của bài thơ trên khá phù hợp với quẻ tả huyệt thứ 6 trong Tả Ao chân truyền địa lý tờ 7b:
Điều điều phát tổ khỉ căn nguyên
Uyển chuyển hồi hoàn mạch khúc huyền
Hữu kiên đáo tả nhi chuyển hữu
Bàn vu cục thế tợ ngưu miên
Đương khai nội ngoại giai kỳ huyệt
Sơn chiếu quần tinh phúc vĩnh miên
Xa xa phát tổ nỗi căn nguyên
Uyển chuyển quanh co mạch khúc huyền
Hữu kiên đến trái mà rẽ phải
Nằm vào thế cục trâu lim dim
Trong ngoài nên mở đều huyệt thiệt
Núi soi sao lắm phước liên miên
Qua bài thơ này, ta có thể thấy bài thơ trên là một thứ bói quẻ đất. Việt sử tiêu án 1 tờ 128b1, trong khi bình luận về việc nhà Lý mất ngôi, có dẫn viết: “Lại Cổ Pháp địa quyết chép: Ngôi truyền tám lá, lá rụng âm sinh. Thì sự hưng vong cũng có do đất”. Như thế, cái gọi là Cổ Pháp địa quyết ấy phải chăng gồm những bài thơ loại thơ mộ Hiển Khánh đại vương ở truyện Vạn Hạnh đây? Phải chăng Cổ Pháp địa quyết là một tác phẩm của Vạn Hạnh? Và bốn bài thơ ở mộ Hiển Khánh đại vương đây là rút ra từ nó? Chúng tôi nghĩ đấy là những có thể. Điều chắc chắn là bài thơ trên cùng với ba bài thơ tiếp theo là những bài địa quyết do Vạn Hạnh sáng tác.
(17) Nguyên văn:
Chính nam Phù Ninh hộ trạch thần
Vinh thế nam nữ đa xuất nhân
Thiên Đức phú quý mãn ốc thành
Bát vạn hội nữ thường xuất quân
Phù Ninh như đã thấy là một tên làng. Truyện Thường Chiếu tờ 37b7 nói Chiếu “người làng Phù Ninh”. Rồi đến truyện của La Quý tờ 48a7 và truyện Thiền Ông tờ 51a8 thì chúng xác định rõ là làng Phù Ninh đấy là “làng Phù Ninh, phủ Thiên Đức”. Đại Việt lịch triều đăng khoa lục cũng ghi một làng tên Phù Ninh thuộc hạt Đông Ngạn là quê hương hay trú quán của một số người đậu trạng tiến sĩ dưới thời Lê như Phạm Ngữ khoa 1463, Nguyễn Khắc Trung khoa 1523, Lê Diêu khoa 1557, Đào Quốc Hiển khoa 1691 v.v... Ngày nay, tỉnh Bắc Ninh hiện đang có một làng mang tên Phù Ninh và ở đúng chính phía nam của làng Đình Bảng, tức đất Cổ Pháp xưa.
Vĩnh thế, chúng tôi nghi cũng là một tên làng. Đại Việt lịch triều đăng khoa lục có ghi một làng tên Vĩnh thế thuộc hạt Siêu Loại, quê hương của Nguyễn Văn Hiển tiến sĩ khoa 1502, Nguyễn Bỉnh Khuê tiến sĩ khoa 1526, Nguyễn Địch Khanh khoa 1532, Nguyễn Thừa Hựu khoa 1535, Nguyễn Đình khoa 1580 v.v... Vĩnh thế, nghi là Vinh thế đổi ra, nhưng chúng tôi hiện chưa có băẵng chứng gì rõ rệt. Làng này rất có thể là quê hương của Đào Cam Mộc hay một trong những khai quốc công thần của triều Lý Thái Tổ. Thiên Đức trong câu thứ 3 và Bát Vạn trong câu thứ 4 thì cả bản in đời Lê lẫn bản đời Nguyễn đều viết là Đại Đức và Bát Phương. Chúng tôi sửa Đại Đức thành Thiên Đức, không những bởi vì hai bài thơ tiếp theo đến câu thứ 3 thì bắt đằu bằng chữ Thiên Đức, mà còn vì sau đó vài dòng thì có câu “đổi Cổ Pháp là Đại Đức”, nhưng ai cũng biết rằng Lý Công Uẩn đổi Cổ Pháp làm Thiên Đức, chứ không phải Đại Đức. Đại Đức trong câu ấy và Đại Đức trong bài thơ trên do thế là những chép sai của Thiên Đức. Thiên Đức như vậy rõ ràng là một tên đất, và nó cũng rõ ràng “phú quý mãn ốc thành”, như bài thơ nói, với sự lên ngôi của Lý Công Uẩn. Và chữ Bát Vạn, mà những bản in đời Lê và đời Nguyễn đều viết là Bát Phương, chúng tôi sửa chữ Phương thành chữ Vạn, không những vì chữ Vạn viết tắt rất dễ biến thành chữ Phương, nếu người ta bất cẩn thêm trên đầu nó một chấm, mà còn vì tại huyện Siêu Loại trước đây, tức huyện Thuận Thành ngày nay, có núi tên Bát vạn. Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh, mục Sơn xuyên nói: “Núi Bát vạn ở phía Đông nam huyện Tiên Du hai dặm, tương truyền Cao Biền đời Đường dựng tháp Bát Vạn, để yểm nó nên có tên đó”. Chúng tôi hiện chưa biết có phải Lý Thánh Tông đi cầu tự tại núi Bát Vạn này, mà gặp Ỷ Lan trên đường đi không? Nhưng với văn ý của câu thứ 4 thì đó là một có thể. Dẫu sao chăng nữa, chúng tôi nghĩ chữ Bát Vạn hợp nghĩa hơn chữ Bát Phương.
(18) Nguyên văn:
Tây vọng viễn vọng khán Thiên Trụ
Dao thế nam nữ thượng tướng thủ
Thiên Đức phú quý dự viễn thế
Quân vương thọ mạng cửu thập cửu
Thiên Trụ là một từ của khoa địa lý bói huyệt đất. Sự liên hệ của Thiên Trụ với việc sống lâu, mà bài thơ đây nói đến, Thiên địa tạo sơn thủy phú trong Tả Ao chân truyền địa lý tờ 27a10-b1 nói:
“Càn sơn cao như Thiên Trụ,
Thọ tỷ Thương nham
Tốn thủy tụ tợ uyên minh,
Lộc hữu đỉnh nãi.
(Núi càn cao như Thiên Trụ,
sống lâu như núi Thương.
Sông Tốn họp tợ uyên minh,
lộc vua có đỉnh chung)
Trong một cuộc nói chuyện riêng, cụ Nguyễn Đăng Thục nói núi Tiên Du có một tên Thiên Trụ. Như thế, một mặt Thiên Trụ chỉ cho sự sống lâu, và mặt khác nó lại chỉ một ngọn núi của Tiên Du. Chỉ có vấn đề là, nếu Thiên Trụ quả ở núi Tiên Du, mà trên thực tế núi Tiên Du ở về phía đông của làng Đình Bảng hiện nay, thì làm sao đứng ở Đình Bảng ngó về phía tây, ta lại thấy được núi Tiên Du? Phải chăng Thiên Trụ muốn chỉ một ngọn khác ở phía tây làng Đình Bảng, nơi chúng tôi giả thiết có mộ của Hiển Khánh đại vương? Chúng tôi nghĩ, Thiên Trụ có thể chỉ một gò đất hay ngọn núi ở phía tây, nhưng hiện chưa có những bằng chứng rõ rệt. Cao thế và Viễn thế trong hai câu 2 và 3 chắc chỉ những tên đất, những làng xóm, song chúng tôi chưa truy cứu được. Thượng tướng là tên ngôi sao thứ nhất trong cung Văn xương thuộc Trung cung thiên văn học cổ đại Trung Quốc. Xem chẳng hạn Sử ký 27 tờ 3a13. Nó nhằm chỉ uy vũ.
(19) Nguyên văn:
Chính bắc Phù Cầm đương bạch hổ
An lạc nam nữ thường vô khổ
Đại đại Thiên đức trường thọ lạc
Thế thế quân vương kỳ Lục Tổ
Phù Cầm là một tên làng, mà chính Thiền uyển tập anh xác nhận trong truyện Minh Trí và truyện Nguyện Học, khi nó bảo cả hai người này đều quê quán làng Phù Cầm. Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh, mục Tân lương, cũng có ghi một bến đò tên Phù Cầm trong 17 bến đò của sông Nguyệt Đức, nằm giữa hai bến đò Phù Yên và Đấu hàn. Đấu hàn là quê quán của Đỗ An Vĩnh tiến sĩ 1499 và Phù Yên là quê quán của Lê Doãn Chấp tiến sĩ khoa 1505, như Đại Việt lịch triều đăng khoa lục đã ghi lại. Và cả hai làng đó đều thuộc “hạt Yên Phong” nghĩa là thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Làng Phù Cầm do thế cũng phải thuộc huyện ấy.
Còn chữ Bạch hổ nó có thể là tên riêng chỉ một cây cầu hay bến đò hay ngọn núi nào đấy. Nhưng nó cũng có thể là một từ thuần túy địa lý bói huyệt. Về trường hợp trước, chúng tôi hiện chưa tìm thấy một địa danh Bạch hổ nào xung quanh Phù Cầm, nên không thể trả lời được. Về trường hợp sau, thì trong cách bói huyệt thứ 13, Tả Ao chân truyền địa lý tờ 14b2-4 có viết:
Tổ phát tả kiên nhập hữu kiên
Sơn cao huyền vũ thủy chi huyền
Nhật minh nguyệt chiếu đường triều nội
Thử địa vinh hoa phú quý tuyền
Rồi nó chú tiếp thế này “Mạch bắt đầu từ cung Rồng, rồi chuyển đến cung phải lại đến cung trái mới vào huyệt. Cung rồng là án chầu phía trước. Cát bạch hổ trùng điệp, núi Huyền vũ dốc cao, sông Minh Đường nước đọng, nếu soi sáng vào trong huyệt thì con gái sinh nhiều phú quý. Đây là một quý cách”. Nếu hiểu từ “bạch hổ” theo lối đây, thì dĩ nhiên mặt đất của Phù Cầm có những ngôi mộ làm sinh ra những người con gái có nhiều phú quý. Nếu vậy, phải chăng mẹ của Lý Công Uẩn là người Phù Cầm? Sử không ghi rõ nên ta không biết được.
Cuối cùng, về chữ Lục Tổ, đấy là đọc theo bản đời Lê, còn bản đời Nguyễn viết thành Đại Tổ. Nó hiển nhiên nhằm chỉ chùa Lục Tổ, nơi Vạn Hạnh sống và dạy dỗ Lý Công Uẩn, và là nơi Uẩn trưởng thành.
(20) Bốn câu thơ này để xác định ngôi mộ của Hiển Khánh đại vương. Nhưng vị trí nó ngày nay ta chưa thể khảo được, bởi vì những tên đất đến tên ao như: Vũ Long, Hạc Lâm và Trấn Hải, ta hiện chưa phát ra vị trí của chúng. Riêng về Hạc Lâm, nó có thể là chùa Hạc Lâm của Pháp Thông, người đã cùng Huệ Sinh thờ Định Huệ làm thầy, như truyện Huệ Sinh tờ 57b11 đã ghi.
(21) Nguyên văn: Thập khẩu thủy thổ khứ. Đây là nhắc lại việc Định Không làm chùa Quỳnh Lâm tại làng Đình Bảng, đào gặp 10 cái khánh, mà khi đem đi rửa chìm mất một cái xuống sông. Từ đó Không đề nghị đổi làng mình thành làng Cổ Pháp. Chữ cổ là do chữ thập và khẩu ghép lại, mà hai chữ đó có nghĩa “mười cái”. Chữ pháp là do chữ thủy và chữ khứ ghép lại, và chúng có nghĩa “chìm xuống nước”. Xem truyện Định Không ở trên.
(22) Đại Việt sử lược 2 tờ 2b10 và Đại Việt sử ký toàn thư B2 tờ 3a3 viết: “Năm Thuận Thiên thứ nhất (1010) cải Cổ Pháp làm phủ Thiên Đức”. Việt sử tiêu án 1 tờ 79b8 và Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 2 tờ 11a1 cũng chép vậy.
(23) Quốc sử chắc chỉ Đại Việt sử ký của Trần Chu Phổ và Lê Văn Hưu. Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư hiện tại chỉ ghi lại trong hai ba việc, mà tác giả Thiền uyển tập anh giả thuyết Quốc sử phải ghi đủ, đấy là chuyện chó chùa Ứng Thiên Tâm có lông thành chữ “Thiên tử” và chuyện sét đánh thành văn thôi. Còn chuyện sâu ăn cây đa chùa Song Lâm thì bây giờ không thấy cuốn sử nào ghi tới. Nó chắc đã bị các tác giả sau Lê Văn Hưu tước bỏ.
50. THIỀN SƯ ĐỊNH HUỆ
(1) Làng An Trinh, phủ Thiên Đức này, chúng tôi hiện chưa khảo được đích xác là làng nào thuộc huyện nào của tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Bắc thành địa dư chí lục 2 có ghi một làng tên An Trinh thuộc tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, trấn Hải Dương. Chúng tôi chắc làng An Trinh này không phải là làng An Trinh của Định Huệ ở đây, nhưng cứ ghi ra, bởi vì huyện Cẩm Giàng theo Đại nam nhất thống chí, tỉnh Hải Dương, mục Kiến trí diên cách thì huyện Cẩm Giàng đời thuộc Minh thuộc vào châu Thượng Hồng, phủ Lạng Giang”.
(2) Tức thuộc phần đất tỉnh Vĩnh Phú ngày nay. Xem chú thích (6) truyện Pháp Hiền. Về Cẩm Điền, bảng danh sách các tổng xã của hai tỉnh Sơn Tây và Vĩnh Yên trong Đại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn Tây, mục Tục khảo, không có tổng xã nào tên Cẩm Điền cả. Nhưng một số làng hai huyện Tam Dương và Yên Lạc có những tên bắt đầu bằng chữ “cẩm” hay chữ “điền”, hay kết thúc bằng chữ “điền”. Đấy là xã Điền Trù của tổng Bình Hòa, xã Cẩm Trạch của tổng Đạo Tú và xã Đại Điền của tổng Quan Ngoại thuộc huyện Tam Dương, và những xã Cẩm La, Cẩm Trạch và Cẩm Viên của tổng Nhật Chiếu thuộc huyện Yên Lạc. Chúng tôi nghĩ Cẩm Điền có lẽ gồm phần đất của hai tổng Đạo Tú và Quan Ngoại vừa thấy.
Gửi ý kiến của bạn