Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

anthony-bourdain-death-1280x800
TỰ TỬ - CĂN BỆNH THỜI ĐẠI

 

     Vừa mới nghe tin nhà thiết kế người Mỹ nổi tiếng là Kate Spade 55 tuổi tự tử bằng cách treo cổ ở  New York vào sáng ngày 5-6 vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng, thì tiếp theo ngày 6-6 có tin em gái Hoàng hậu Maxima của Hà lan  là cô Ines Zarraeguicta 33 tuổi người xứ Argentina cũng vừa tự tử  bằng cách thức  tương tự, đến ngày 8-6 lại có một nhân vật khác vô cùng  nổi tiếng, đầy cá tính mạnh mẽ là đầu bếp Anthony Bourdain 61 tuổi cũng vừa tìm đến cái chết bi thương như vậy. Sự bất quá tam với những tin tức trong mấy ngày qua đã mang lại nhiều nỗi bàng hoàng, tiếc thương và đầy cảm xúc cho thân phận một con người. Không chỉ vậy mà đây còn là những con người thông minh, tài giỏi được cuộc đời ưu đãi với nhiều danh vọng, vật chất dư thừa nhưng vẫn mang trong lòng những nỗi buồn chán, không niềm vui, hạnh phúc phải tìm đến cái chết để tự kết liễu đời mình.

anthony-bourdain-death-obamaTổng thống Mỹ Barack Obama ngồi ăn bún chả cùng đầu bếp Anthony Bourdain ở Hà Nội năm 2016. Ảnh: Instagram.

     Chắc hẳn mọi người cũng chưa quên cái chết của danh hài Robin William  hồi năm 2014 và còn biết bao nhiêu ngôi sao Hàn quốc mới đây nữa, vừa  trẻ trung, xinh đẹp lại đang ở trên  đỉnh cao danh vọng, bỗng nhiên một ngày cũng tìm đến cái chết, để lại bao nhiêu tiếc thương cho các fan hâm mộ. Đây cũng chỉ là một trong  những vụ tư tử mà chúng ta biết đến vì họ là những nhân vật nổi tiếng, trong khi thực tế  mỗi ngày ở Nhật bản hay Hàn quốc là nơi đất nước có nền kinh tế, khoa học phát triển, người dân có mội trường sống tốt, được tự do thoải mái lại cũng không thiết tha với cuộc sống, mà theo thống kê số lượng người tự tử ở hai quốc gia này cao nhất thế giới. Tuy nhiên hiện nay thì không chỉ Nhật bản hay Hàn quốc, mà có thể nói ở khắp nơi trên thế giới việc tự tử dường như không còn là chuyện lạ khi con người gặp phải những rắc rối trong cuộc sống đều muốn tìm cách tự hủy hoại mình để trốn thoát thực tại. Riêng ở Mỹ chuyện tự tử cũng đang được báo động và cũng là một  vấn nạn từ lâu làm chính phủ đau đầu phải đưa ra nhiều biện pháp, chương trình cũng như có Đường dây ngăn chận tự sát quốc gia của Mỹ 1(800) 273 TALK (8255) để luôn sẵn sàng giúp đỡ cho những con người yếu đuối, tuyệt vọng toan tìm đến cái chết để giải tỏa mọi uẩn khúc trong cuộc sống, nhất là sau cái chết của nhà thiết kế Kate Spade và nay là Anthony Bourdain. Điều đáng nói nữa là hiện nay tự tử không còn giới hạn trong phạm vi tuổi tác mà đang có khuynh hướng xuống dần ở những độ tuổi vị thành niên,  rất nhiều gia đình ở Mỹ đang phải đối mặt với chuyện con cái không còn muốn sống cho dù chung quanh có gia đình, bạn bè thương yêu như trường hợp điển hình xảy ra ở trường học Texas hôm 18-5 vừa qua. Nhiều gia đình gặp phải hoàn cảnh này phải dấu hết tất cả dao kéo hay vật nhọn có thể gây hại, nhưng thật sự cũng không phải dễ dàng để ngăn chận một khi ý định tự tử đã có sẵn trong tâm của con người. Khoa học thì giải thích rằng đây là một trong những chứng bịnh ung thư thuộc về não bộ, nhưng dù thế nào thì việc tự tử vẫn luôn là những di chứng vô cùng đau buồn để lại cho những người thân yêu.

     Có rất nhiều nguyên nhân, lý do để dẫn đến cái chết, ngoại trừ  trường hợp của  những người mang chứng bệnh về tâm thần, nghiện ma túy hay nghiện rượu, còn phần lớn hầu như những vụ tự tử  thường xảy ra cho những người hoàn toàn tỉnh táo, bình thường, thế nhưng đến một lúc nào đó khi tâm thức bị rối loạn, mất ổn định, không kiểm soát thì chỉ cần gặp những điều nghịch ý, không vừa lòng cũng có thể dẫn đến việc tự tử. Bên cạnh vô vàn những lý do trên theo một số nhà nghiên cứu còn có một vài lý do rất kỳ lạ như khi con người cảm thấy tự mãn, kiêu căng, thấy chung quanh không có ai vừa lòng, hợp ý, không gần gũi chia sẻ được, có cảm giác cô đơn, lạc lõng cũng là điều có thể đưa đến việc tự tử. Trong lịch sử Trung quốc có một nhân vật tên Khuất Nguyên  mà sử liệu ghi rằng ông là một nhà thơ, là quan đại thần đời Sở Hoài Vương, có tài thi ca, học rộng nhớ nhiều, có chí khí nhưng cao ngạo. Khi ra làm quan gặp lúc vua không anh minh nghe lời dèm pha, xu nịnh không còn trọng dụng ông nữa, bất đắc chí ông thường ta thán rằng đời sao toàn những hạng người vẩn đục chỉ riêng mình ta trong, đời sao lắm kẻ say chỉ riêng mình ta tỉnh, rồi u uất trầm mình xuống dòng sông Mịch la vào ngày 5 tháng 5 Âm lịch năm 278 TCN, dân gian sau này thường gọi ngày đó Tết Đoan ngọ. Có thể nói đây là vụ tự tử điển hình sớm nhất hành tinh.

     Tuy nhiên đối với đạo Phật tự tử được xem là điều vô cùng cấm kỵ cho dù bất cứ lý do gì, bởi tự tử là đồng nghĩa với sát sinh cho nên tự sát chính sinh mạng của mình cũng là phạm vào một trong năm giới mà người Phật tử đã quy y Phật phải luôn thọ trì Tam quy và Ngũ giới. Khi Phật còn tại thế trong lúc giảng nói về sự uế trược, bất tịnh của thân tứ đại, có nhiều vị tỳ kheo không thấu hiểu lời dạy của Phật đã vin vào đó sinh tâm oán ghét xác thân, từ chối và muốn hủy hoại chúng, nên sau buổi giảng pháp nhiều vị tỳ kheo thiển cận liền đi tự tử, Phật biết được Ngài rầy và đưa vào giới luật, tự tử là phạm giới.

     Thật sự “ Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn.” Thân người khó được Phật pháp khó nghe, là những gì Đức Phật thường nhắc nhở bởi không dễ gì có được thân người và cũng không dễ gì gặp được Phật pháp. Theo Phật, học Phật, hành theo những gì Phật dạy không phải là điều dễ dàng. Thống kê  cho thấy số phần trăm người theo đạo Phật trên thế giới không nhiều như các tôn giáo khác bởi sự cần thiết phải có : lòng từ bi, sự hy sinh, nhẫn nại và đặc biệt phải có trí tuệ phân tích chứ không dựa vào đức tin mù quáng. Vì vậy ngay cả ở Ấn độ nơi Đức Phật chào đời và cũng là nơi sản sinh đạo Phật với nhiều di tích còn đậm nét Phật giáo ở đây nhưng người dân Ấn lại không có duyên lành đi cùng đạo Phật, cho đến hôm nay xã hội Ấn vẫn còn đầy dẫy bất công, giai cấp.  Đức Phật cũng dạy trong Tam đồ Lục đạo tức là  ba cõi, sáu đường mà chúng sanh sẽ xoay vần trong luân hồi bất tận, thì chỉ có cõi ta bà dục giới, cõi người này mới là nơi mà chư Phật có thể giáng sinh và cũng chỉ ở cõi ta bà này con người mới có cơ duyên tạo lập những phước lành. Dĩ nhiên như Đức Phật đã nói trong bài pháp đầu tiên Tứ diệu đế về cõi ta bà này cũng là nơi đầy dẫy những khổ đau mà mỗi con người muốn vượt thoát phải tự vươn lên bằng con đường Bát chánh đạo, Ngài không chỉ cuộc đời là bể khổ suông để rồi đau buồn trong bế tắc, mà giúp con người bằng nhiều cách để thoát khổ. Thực tế đó là chánh niệm,  hành thiền, quán chiếu, rải tâm từ… đến muôn loài, muôn vật. Vạn pháp duy tâm tạo, Đức Phật cho thấy tâm con người tạo ra đủ thứ cảnh giới, thiên đường, địa ngục, khổ đau, hạnh phúc rồi tự đau khổ và lừa dối chính mình khi rơi vào trạng thái tâm bất ổn, hoang mang, không có niềm tin tâm linh, không có mục đích sống cao thượng con người cũng dễ chán nản mà tìm đến cái chết. Đã sinh ra là con người thì điểm cuối cùng của đời người cũng chỉ là cái chết, không ai thoát được định luật tự nhiên này, cho nên điều quan trọng khi còn sống phải luôn biết trân quý cuộc sống, lạc quan yêu đời, kiểm soát tâm, thực hành quán chiếu, chánh niệm tỉnh thức như lời Đức Phật dạy là cách tốt nhất để có sự bình yên, an lạc.

Nam Phương  (June 9/18 )



 
Duc The Ton 2



 THEO CHÂN ĐỨC PHẬT


Kính cảm ơn tác giả Nam Phương đã chia sẻ bài viết :
TỰ TỬ - CĂN BỆNH THỜI ĐẠI .

Người học Phật tháng ngày thiền quán
Không sai lầm kết liễu tự thân
Cuộc đời có lúc thăng trầm
Theo chân Đức Phật vơi dần khổ đau .

Nếu đã biết thân này là huyễn
Sao ta không buông bỏ sầu thương
Trải lòng đi khắp nẻo đường
Giảng rao giáo pháp cúng dường Như Lai .

Rồi mai đây khi về phố núi (chết)
Lòng nhẹ nhàng xả bỏ xác thân
Chẳng còn chi phải bận tâm
Giữa trời ta ngắm sáng vầng trăng thanh .

                     Tánh Thiện
                      11-6-2018

Duc The Ton 12

Pháp Phật Nhiệm Mầu

Đời là giấc mộng ai ơi!
Đôi khi cảm thấy chơi vơi giữa dòng.
Sự nghiệp sao quá mênh mông!
Giàu sang danh vọng cũng không yên lòng.
Đời sống chẳng phải màu hồng!
Ba chìm bảy nổi long đong cuộc đời.
Phiền muộn bao nổi đầy vơi
Lo toan chẳng có thảnh thơi riêng mình.
 
Buông bỏ đến với tâm linh
Bát chánh đạo thắp niềm tin trong lòng.
Sống đời an lạc thong dong
Giúp bao kẻ khó mở lòng từ tâm.
Giáo pháp như ánh trăng rằm
Thiền hành quán chiếu thân tâm an lành.
Quí trọng thân thể mẹ sanh
Làm người đâu dễ sao đành hủy đi!
 
Hãy gieo hạt giống từ bi
Nương theo pháp Phật mà đi vững vàng.
Sống đời an lạc bình an
Duyên lành sẽ đến muôn vàn an vui.
Tinh tấn thiền tập không lùi
Tâm an thân lạc chẳng nguôi tu hành.
Lạc quan vui sống an lành
Pháp Phật mầu nhiệm không dành riêng ai.
PT Tâm Minh
 

anthony-bourdain-death-obama

               

CĂN BỊNH THỜI ĐẠI    

Kính thưa Bác Tánh Thiện và tác giả Nam Phương trong Tự Tử căn bịnh thời đại 

Nhân đọc bài viết , HH xin được phép trình bày thêm cảm nghiệm của mình khi có dịp dự các đám tang của các nạn nhân tự tử và đã tìm hiểu với các thân nhân của nạn nhân và tìm đến các bác sĩ chuyên môn thì được biết Nguyên nhân chính là BỊNH TRẦM CẢM 

Cũng như qua các bài viết tâm linh của nhiều tác giả , ta thường nghe những đoạn như sau "Trong một thế giới đương đại khoa học vẫn chưa giải quyết được nỗi lo âu sợ hãi bất an của mình và khi đang lúc họ đối diện nỗi bất hạnh đó họ chưa được cung cấp một chiếc phao để bám lấy ( nếu họ không biết niệm một tiếng NAM MÔ ĐẠI TỪ ĐẠI BI CỨU KHỔ CỨU NẠN QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT ) để khai thông và chuyển hoá nỗi bất an đó "

Qua bài viết này , HH xin được trải lòng mình qua bài thơ sau 

               

CĂN BỊNH THỜI ĐẠI    

Ta thường nghe

      Bịnh thời đại hiện nay là Tự Tử 

      Đâu biết rằng Trầm Cảm chính nguyên nhân 

      Sống chán chường , sợ hãi biến si dần

      Từ bên trong nghe âm thanh khuyến khích 

      Làm những điều mặc dù ta không thích 

      Hãy cắt tay đi khi  dao được cầm lên

       Hoặc đâm vào nó , máu đỏ sướng rên !!

      Nguy hiểm làm sao ...bịnh tình khắc nghiệt 

Chúng ta nên 

      Hãy trải rộng điều ta học, hiểu biết 

      Trung ấm....lâm chung điều khiển luân hồi 

      Bốn chín ngày vất vưởng chốn xa xôi 

       Nào biết ta đang đâu ? Luôn lạc lỏng ...

Làm sao đem 

         Tuệ giác siêu việt Phật Đà trải rộng 

         Giáo hoá hoẵng truyền đến mọi thứ dân 

        Trưởng giả nghèo hèn (nên ) quý trọng bản thân 

         Quá khứ , Vị lai bắt nguồn từ hiện tại 

Đừng biến tự tử thành .......Bịnh Thời Đại 

Huệ Hương 

12/6/2018 

NAM MÔ A DI ĐÀ PḤẬT,

 

 

NAM MÔ A DI ĐÀ PḤẬT,

Hoa sen 4a
TRỞ VỀ CHÂN TÂM

Ngàn năm cây sắt trổ hoa
Dễ hơn tìm lại thân ta kiếp này
Huống chi danh vọng đủ đầy
Giàu sang tài lộc bao ngày dựng xây
Giận đời sao hủy thân đây
Nhìn trong thiên hạ có ai bằng mình
Đem lòng thương tưởng chúng sinh
Sát sanh trọng tội chí tình mẹ cha
Dưỡng nuôi chẳng kể thân già
Một cơn tức giận biến ra nghìn trùng
Từng hơi thở quý vô cùng
Mỉm cười vui sống, trước rừ̀ng khổ đau
Cuộc sống đủ muôn sắc màu
Bồ đề chuyển hóa não phiền sẽ qua
Noi gương Đức Phật Thích Ca
Thương yêu, từ ái thăng hoa cuộc đời
Pháp Phật mãi mãi tuyệt vời
Tâm an thân lạc, nụ cười hồn nhiên
Chẳng gì ta phải vấn vương
Sanh già bệnh chết bốn đường chân nguyên
Hãy về với đạo bình yên
Thắp lên ngọn đuốc chân truyền từ nay


CHÂU NGỌC LÊ HOA NHỤY

hoa sen 2a

SAU CƠN MƯA TRỜI LẠI SÁNG
Cảm tác theo bài viết: Tự Tử- Căn Bệnh Thời Đại, của Nam Phương
Xin chia sẻ với những thân nhân của 3 vị vừa tự tử và cầu nguyện cho 3 vị sớm tiêu diêu nơi miền tịnh cảnh.

Không hiếu nghĩa, mang thêm nhiều tội lỗi
Đoạn đành thay, tự kết liễu đời mình
Một xác thân, cha mẹ lắm hy sinh
Toàn xã hội, đã dưỡng nuôi kỳ vọng !
Hãy hy vọng, ai ơi ! đừng tuyệt vọng !
Cuộc đời này, nhiều tươi đẹp dễ thương
Dầu biết rằng, vạn vật vốn vô thường
Trời mây nước, vẫn xanh bay khắp chốn
Phật vẫn hiện trong ta khi quy bổn (1)
Hằng rõ ràng thường biết ở trong ta
Luôn “phản quan” nhiệm vụ chính đấy mà (2)
Không hướng ngoại tìm cầu ta an ổn
Chưa trả được, xin bảo toàn đừng hỏng
Mang thân này, làm lợi ích nhân sinh
Dẫu có chăng công việc lắm bất bình
Khéo hóa giải niềm tin luôn giữ vững
Thương cảm thay, những người đang điêu đứng
Hãy vươn lên “Trời sẽ sáng sau mưa”
Ở cuối sào vẫn còn có đường chừa (3)
Đưa ta đến quảng trời chân thiện mỹ

Pháp Hoa – Nam Úc,
12/6/2018 (Ngày lịch sử giải trừ hạt nhân,

qua cái bắt tay của TT Mỹ Donald Trump và Nhà Lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un)
Thích Viên Thành




Ghi chú:
(1)&(2) Chúng ta do hướng ngoại tìm cầu, nên Phật tánh bị che mờ, bây giờ chỉ cần quay lại, quán chiếu vào trong, với tâm bình an, thì Phật tánh sẽ hiển lộ. Đó cũng là phận sự chính của người tu
(3) Trong nhà Thiền có đưa ra hình ảnh của một người đang đứng trên đầu sào trăm trượng và bước tới thêm một bước nữa.
Bách trượng can đầu tu tấn bộ
Thập phương thế giới thị toàn thân
Nghĩa là: Đầu sào trăm thước thêm một bước
Mười phương thế giới hiện toàn thân
Đừng tuyệt vọng, cuối đừng hầm sẽ là khoảng trời bao la sáng đẹp, hãy giữ vững niềm tin, cố gắng lên sẽ vươn tới, vượt qua và đón nhận những gì tươi sáng nhất. “Ví không có cảnh đông tàn, thì đâu có cảnh huy hoàng mùa xuân”. Bên kia ngọn núi sẽ là cảnh thiên đàng. Buông hết xuống, bỏ định kiến sẽ nhẹ nhàng thoải mái, tất cả đều là bạn, thương yêu nhau, cố gắng lên đến đỉnh sẽ thấy toàn cảnh và hòa nhập vào nơi chốn bình an tươi đẹp
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, chỉ cần thay đổi tư tưởng, đến với nhau và bắt tay nhau, “thù” trở thành “bạn” và thế giới “hòa bình hữu nghị”.
Tất cả đều nằm ở nơi ta. Vậy tại sao mỗi chúng ta không buông bỏ cố chấp, xóa trừ định kiến, thay đỗi bi quan thành lạc quan, đề đón nhận được những gì cao đẹp nhất?





hoa_sen (41)

TẠI SAO LẠI HUỶ MÌNH ?


Đời là biển khổ mênh mông
Sống trong biển khổ ai không khổ nào?
Khổ, đau hai chữ chung vào
Muôn hình vạn trạng cơ hào nào hay
Nghèo cùng lắm nỗi đắng cay
Giàu sang cũng thế, cũng hay đau buồn
Phật xưa đã rõ căn nguồn
Cứu nhân độ thế, Ngài luôn dặn dò:
Từ Bi Hỷ Xả, con đò
Đưa người vượt biển chẳng lo khổ nàn
Nghiệp duyên, nhân quả rõ ràng
Nhân nào quả nấy phải càng nghiệm sâu
Lý kinh Phật rất nhiệm mầu
Ý kinh xoa dịu nỗi đau thế trần
Thân người huyễn mộng chẳng chân
Quán như thế ấy chẳng cần bận tâm
Vui buồn, sướng khổ thăng trầm
Chỉ là huyễn pháp âm thầm hợp tan
Hiểu rồi ta sẽ lạc an
Buồn riêng gác lại thế gian chung cùng
Tâm thành luôn vững như Tùng
Nghiệp xưa nguyện trả đến cùng mới thôi
Tấm thân muốn hủy cho rồi
Thì xin giữ lại vì đời góp công
Mai này nghiệp đã trả xong
An vui lạc cảnh, thong dong cõi lành.


Melbourne 16-6-2018

Thanh Phi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/09/2010(Xem: 6001)
Luân hồi là một thể tài rất sinh động và rất được quan tâm đối với con người. Chết rồi sẽ đi về đâu? Tại sao sinh, rồi tái sinh? Có cõi âm hay không? v.v... Đó là những dấu hỏi lơ lửng trong tâm của phần lớn của nhân loại. Các nền tín ngưỡng và tôn giáo trên thế giới đều có những quan niệm khác nhau về luân hồi. Riêng đối với Phật giáo, luân hồi không phải là một giáo lý đặc thù, cũng không phải là một vấn đề triết học cơ bản, nhưng nó là một sự thật hiển nhiên đối với những con người còn bị trầm luân trong sanh tử khổ đau...
28/08/2010(Xem: 5018)
Trăm năm ngó xuống đời hư ảo - Phút chốc nhìn lên ngộ lẽ trời.
08/08/2010(Xem: 9955)
Đức Phật đã nói rằng trong tất cả những mùa khác nhau để cày cấy, mùa thu là mùa tốt nhất, trong tất cả những loại nhiên liệu để đốt, thì phân bò là tốt nhất, và trong tất cả những loại tỉnh giác khác nhau, sự tỉnh giác về sự vô thường và cái chết thì hữu hiệu nhất. Cái chết là điều nhất định, nhưng khi nào nó giáng xuống thì bất định. Nếu chúng ta thực sự đương đầu với sự việc, chúng ta không biết được cái gì sẽ tới trước – ngày mai hay cái chết. Chúng ta không thể hoàn toàn quả quyết rằng người già sẽ chết trước và người trẻ còn ở lại phía sau.
04/08/2010(Xem: 4169)
Vào ngày 23 tháng 02 năm 2008, Hòa Thượng Thánh Nghiêm có cuộc nói chuyện với đức cha thiên chúa giáo Đơn Quốc Tỉ về quan điểm sinh tử. Hôm nay, Hòa thượng đã xã báo an tường, thu thần thị tịch, để tỏ lòng tưởng niệm đến cố giác linh Ngài, Biên tập viên Minh Bửu đã biên dịch lại cuộc đối thọai này.
04/08/2010(Xem: 4972)
Chết là chủ đề, hầu hết mọi người không muốn nghe, không muốn bàn đến hoặc nghĩ đến. Tại sao như vậy? Và cho dù, chúng ta thích hoặc không thích, thì mỗi chúng sẽ phải chết trong một ngày nào đó. Thậm chí trước khi đối mặt với cái chết của bản thân, chúng ta sẽ đối mặt với những cái chết của người khác ( người trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…) Chết là điều sẽ xảy ra, là phần của cuộc sống, vì vậy tốt nhất là chúng ta nên đón nhận nó với quan điểm tích cực hơn là sợ hãi và phủ nhận nó. Cuốn sách “ Chuẩn bị cho cái chết và giúp đỡ người chết ” được dịch từ nguyên tác của Sangye Khadro, sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về cái chết./.
04/08/2010(Xem: 8485)
Đối với đa số, cái chết thường được quan niệm như một vách ngăn giữa hai thế giới: người mất–kẻ còn, hay cõi âm và dương thế. Trong cái nhìn của đạo Phật, cái chết được xem là một phần tự nhiên của cuộc sống. Trước sự ra đi của người thân, nhiều người thường rất đau buồn, đôi khi quên đi những sự chăm sóc và giúp đở cho người đã khuất một cách thiết thực và ý nghĩa. Nhân mùa Vu Lan–Báo hiếu PL.2546-2002, NSGN giới thiệu cùng bạn đọc về lời của một người ở thế giới bên kia, nguyên giáo sư Đại Học Y Khoa Geneve (Thụy Sĩ) với các con của ông, và vài gợi ý về phương pháp chăm sóc, giúp đở người thân trong tình trạng đặc biệt: ốm đau nặng hoặc lâm chung...
04/08/2010(Xem: 4363)
Phật giáo trả lời khẳng định. Phật giáo cho rằng tất cả chúng sinh, trừ các bậc đã giải thoát khỏi sinh tử (các vị A La Hán của tiểu thừa giáo) hay là các bậc đã tự chủ đối với sinh tử (các bậc thánh Bồ Tát của đại thừa), còn thì tất cả đều ở trong vòng sinh tử luân hồi.
04/08/2010(Xem: 5651)
Là con người, chúng ta có khuynh hướng bám víu vào đời sống của chính mình. Nhà Phật gọi đó là chấp thủ. Do đó, chúng ta thường tránh né nghĩ về- quá trình đi đến- cái chết của chúng ta. Sogyal Rinpoche nói rằng, chúng ta hoặc trốn chạy cái chết, hoặc chúng ta thờ ơ không nghĩ về nó và cho đó là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, Rinpoche nói, sự chết đối với chúng ta lại là giây phút quan trọng nhất trong đời sống của mình. Rinpoche (tiếng Tây tạng có nghĩa là:“vật báu” ) là tác giả của cuốn sách “Tạng thư sống chết”. Cuốn sách này đã được bán 1 triệu 500 bản ngay lần xuất bản đầu tiên và gần đây đã được tái bản lần thứ 10.
04/08/2010(Xem: 7069)
"Đời sống mong manh, chết là điều chắc chắn" Đó là câu châm ngôn nổi tiếng trong Phật Giáo. Biết rõ Chết mong manh và là một hiện tượng tự nhiên mà mọi người phải đương đầu, chúng ta không nên sợ cái chết. Nhưng tất cả chúng ta đều sợ chết vì không nghĩ về điều không tránh được. Chúng ta thích bám víu vào đời sống, vào xác thân và phát triển quá nhiều tham dục và luyến ái.
04/08/2010(Xem: 7902)
Trong những lần trước, chúng ta đã tìm hiểu về đời sống bên kia cửa tử qua lời kể của những người đã chết rồi hồi sinh (Near death experience). Trong phần này chúng ta sẽ tìm hiểu về những áp lực vật chất đối với những người vừa từ trần. Theo kinh Địa Tạng, những người tạo ác nghiệp khi chết sẽ trở thành ngạ quỷ hay súc sanh. Ngạ quỷ là quỷ đói, bụng to bằng cấi trống nhưng cái họng chỉ bé bằng cái kim nên ăn uống mãi mà cũng không no. Có l điều này ám chỉ những vong linh còn nhiều dục vọng, vẫn thèm khát cái thú vui vật chất nhưng vì không còn thể xác để thỏa mãn nên bị dục vọng hành hạ biến thành một loài quỷ đói. Theo các sách vở viết về thế giới bên kia thì đay là một cõi được cấu tạo bằng những chất liệu rất thanh và nhẹ so với nguyên tử cõi trần nên muốn sống một cách thảnh thơi, các vong linh khi qua đay phải biết loại bỏ đi những phần tử nặng trược tích tụ trong kiếp sống ở cõi trần như dục vọng, sự quyến luyến, lòng ham ăn uống hay đòi hỏi xác thịt.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]