Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Tổ chức tang lễ

08/02/201708:20(Xem: 3899)
10. Tổ chức tang lễ

THIỀN QUÁN
VỀ SỐNG VÀ CHẾT
Cẩm Nang Hướng Dẫn Thực Hành
The Zen of
Living and Dying
A Practical and Spiritual Guide
Nguyên tác Anh ngữ:
Đại Sư Philip Kapleau
Việt dịch:
HT.Thích Như Điển
TT. Thích Nguyên Tạng
Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
Ấn Hành 2017

 

 

Phần 10  
TỔ CHỨC TANG LỄ

Việt dịch: 
TT. Thích Nguyên Tạng

Tiểu mục:

- Tang lễ
- Giá trị của sự tụng niệm
- Tang lễ cho những bé sơ sinh




"Tôi rất muốn chứng kiến tang lễ của mình trước khi chết".
Maria Edgeworth

 

 

Trong nền Văn hóa cổ, tang lễ được xem là một nghi lễ trưởng thành, đánh dấu một sự kiện quan trọng, và có ý nghĩa lớn nhất đối với người quá cố. Nhưng ngày nay người ta thường không nghĩ như vậy. Điều đáng ngạc nhiên là có những cuốn sách viết về sự chết và cái chết, đặc biệt các tác giả tin rằng sự sống vẫn liên tục; nói nhiều về cách giảm đau buồn, nhưng lại không có sự hướng dẫn nào dành cho người quá cố về trạng thái sau khi chết. Tang lễ có thể làm được nhiều thứ để giúp cho người sống trong những mối liên hệ mới của họ với nhau, và giúp người chết hiểu biết về tình trạng của mình; nhu cầu thọ tang và được an ủi là điều quan trọng. Nhưng mục đích chính yếu của tang lễ phải là giúp người quá cố dễ dàng chuyển đổi trạng thái sau khi chết.

 

Có điều đáng buồn là nhiều người Tây Phương không thích nhiều nghi thức mà họ cho là không cần thiết. Nhưng những nghi lễ được làm với sự thành tâm và sự hiểu biết thì có thể truyền cho người tham dự những chân lý và sự minh triết cổ truyền.

 

Huston Smith viết:

 

"Tôn giáo phát sinh từ nghi lễ và sự quan tâm, và khi người ta cảm thấy thích làm lễ và rất quan tâm, họ sẽ tụ họp và làm lễ cúng với nhau. Người ta thích hợp quần, thích những động tác và những trang phục cầu kỳ".

 

Nếu những người trong gia đình không tin rằng năng lực tâm thức của người quá cố vẫn còn hiện hữu thì tại sao họ tổ chức tang lễ và sau đó làm những lễ tưởng niệm hay lễ cúng?  Ẩn trong tiềm thức, tang lễ phản chiếu một niềm tin, hay một sự hy vọng vào kiếp sau, vốn được quy định bởi nghiệp báo hay luật nhân quả. Vậy tang lễ có thể được xem là phương tiện giúp người quá cố di chuyển dễ dàng hơn từ bên này của sự sống sang bên kia cửa tử.

 

 

Tang lễ cho người ta thấy rõ sự chết và cũng là phương tiện bảo tồn và kéo dài mối liên hệ giữa người quá cố, gia đình và cộng đồng. Nếu không, tại sao lại có nghi thức tụng kinh, hát, ban phước, cầu nguyện và giảng đạo cho sự an nghỉ nghìn thu của linh hồn bởi các tu sĩ và các chức sắc tôn giáo? Phải chăng tang lễ và sự hiện diện của những người thọ tang nói lên điều họ cũng tin rằng tinh thần của người quá cố vẫn còn hiện hữu trong một hình thức nào đó? Tang lễ là một cuộc tiễn đưa hay là một sự xóa bỏ? Tại sao gia đình lại làm nghi lễ cầu kỳ này nếu họ tin rằng người quá cố chỉ là một cái xác không hồn?

 

Lyall Watson nói về ý nghĩa sâu xa của tang lễ như sau:

"Mỗi tang lễ ẩn chứa ý nghĩa chết không phải là hết, và cái chết đánh dấu một loại di chuyển. Khi nghiên cứu về người Mã Lai và sự chết, Robet Hertz cho thấy sự chết không được xem là một sự chấm dứt, mà là một giai đoạn phát triển dần dần. Người Mã Lai và nhiều dân tộc khác nhận thấy tiến trình chết bắt đầu sớm trong cuộc đời, và niềm tin này được phản chiếu trong lối nghĩ và lối hành động của cộng đồng của họ. Đối với họ cái chết là một giai đoạn chuyển tiếp, một dấu hiệu cho thấy thi hài nên được xử lý với một cách nào đó. Trong xã hội của chúng ta, lý do độc nhất của việc trì hoãn hai hay ba ngày giữa lúc chết và giải quyết thi hài là để sửa soạn mọi việc và mọi người có thời giờ tập hợp".

 

Trong một số tôn giáo, đặc biệt là Phật Giáo, mục đích chính yếu của tang lễ không phải chỉ là làm lễ cho người quá cố hay an ủi tang gia, mà còn làm cho người trong cõi trung ấm biết tính chất thật của sự sống và sự chết. Những tang lễ nghiêm trang có một mục đích quan trọng khác: Làm cho chúng ta suy nghĩ một cách tỉnh táo về cái chết của chính mình.

 

 

TANG LỄ

 

 

Những gia đình theo một tôn giáo nào đó có thể cung thỉnh một Giáo sĩ làm tang lễ trong một nhà thờ hay chùa, nhưng một tang lễ, lễ tưởng niệm hoặc lễ cúng có hiệu quả có thể được làm ở bất cứ chỗ nào, có hay không có mặt của Giáo sĩ. Những tang lễ được mô tả ở phần sau không thuộc riêng tôn giáo nào mà vẫn có thể thích hợp với những người không theo tôn giáo nào hay cả những người theo duy vật. Việc tụng đọc bài "Bát Nhã Tâm Kinh", bài cầu nguyện tang lễ, bài Kệ Hoa (Flowers Poem) chính yếu là để làm lợi ích cho người quá cố. Việc tưởng niệm người quá cố là để an ủi thân nhân và bạn bè. Có thể thêm vào tang lễ những bản nhạc, thơ, những lời cầu nguyện và những thi thiên, hay cả những vũ khúc, tùy theo tuổi tác và cá tính của người quá cố, vì có thể tùy thuộc vào hoàn cảnh.

 

Tang lễ còn là lễ ghi nhận trong đó có quan tài của người quá cố, và lễ tưởng niệm thì không có quan tài. Trong Phật Giáo, tang lễ và các lễ cúng tuần thất trong vòng bốn mươi chín ngày, là việc liên tục làm cho người quá cố biết tính chất thật của sự sống (của tâm thức sau khi bản thân đã tắt thở). Như vậy, lễ cúng là tang lễ thu nhỏ. Tụng niệm cầu siêu luôn luôn là việc làm quan trọng trong bốn mươi chín ngày. Những nghi thức này được thực hiện sau bảy ngày tính từ ngày qua đời và lập lại sáu tuần kế tiếp. Khi cử hành lễ hòa hợp với chu kỳ sinh tử bảy ngày trong trạng thái trung gian, những nghi thức này có mục đích làm thức tỉnh tâm trí của người quá cố trước khi người đó tái sanh vào cõi giới kế tiếp.

 

Những nghi thức cúng bốn mươi chín ngày là không thể thiếu, ngay cả khi cái chết tới do tai nạn bất ngờ, nạn nhân không có sự sửa soạn tâm trí, hay khi cái chết tới trong lúc đang ở nơi xa xôi, hẻo lánh và thi hài hay tro cốt không có ở tang lễ. Một tấm ảnh chân dung của người quá cố, sẽ có ý nghĩa lớn trong việc giúp những người dự lễ tập trung năng lực hướng về người quá cố. Sự tập trung này sẽ giúp cho người quá cố gia tăng sức mạnh tâm linh của mình.

 

Thân nhân của người quá cố nên dự tang lễ cũng như những lễ cầu siêu khác trong vòng bốn mươi chín ngày để tái khẳng định mối liên hệ nhân duyên của mình với người quá cố, và như vậy họ sẽ bớt cô đơn và sự hiện diện của họ trở nên ích lợi cho người chết. Tâm của người chết và tâm của người sống vốn có sự tương thông với nhau, nên sự cầu nguyện, hồi hướng công đức siêu độ, sẽ có tác động thật sự để giúp người thân của mình đi tái sanh vào cõi giới khác.

 

 

Tang lễ của Marie, một bé gái sáu tuổi

 

 

Tang lễ này được tổ chức cho một em bé gái sáu tuổi, qua đời do bị ngộp thở vì khói. Cha mẹ của em không theo tôn giáo nào nhưng cũng tin tưởng một phần nào đó trong giáo lý của Ấn Độ Giáo, Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo. Vào buổi sáng sau khi Marie chết, cha mẹ của em mời tôi (Lão Sư Philip Kapleau ) đến giúp tổ chức và hướng dẫn tang lễ cùng với mấy người khác, tôi thiết trí một bàn thờ đơn giản với một ảnh chân dung lớn của bé Marie, hoa, nến và mấy món ăn mà em bé ưa thích lúc còn sống. Ở trước bàn thờ, Marie nằm trong một chiếc quan tài được làm ở nhà.

 

 

Lão Sư Philip Kapleau và các đệ tử

 

Buổi lễ bắt đầu, tôi nói với mọi người rằng mục đích chính của tang lễ này là hỗ trợ cho bé Marie, và có thể làm được việc này bằng cách mọi người hướng tình thương của mình về Marie qua những lời tụng niệm thành tâm và do đó cầu nguyện huệ lực của các thánh nhân gia hộ cho Marie trong hành trình di chuyển khó khăn tới cõi bên kia. Tôi cũng nói rằng người ta thường xem cái chết của trẻ em là điều bi thảm, nhưng chúng ta không có lý do gì để cảm thấy đau buồn, vì Marie đã sinh ra đời khi em cần sinh ra và đã chết khi em phải chết, nghiệp quả của em cho kiếp này đã hết, dù em còn nhỏ tuổi.

 

Kế tiếp, tất cả mọi người tụng bài "Tâm Kinh Bát Nhã" trong khi một người đánh trống và một người khác đánh một cái cồng nhỏ có hình chén để giữ nhịp.

Sau đó chúng tôi tụng một bài cầu nguyện ba lần, nguyện cầu chư Phật, chư Bồ Tát từ bi gia hộ và tiếp độ Marie. Tôi tụng trước mỗi câu và mọi người lập lại:

 

" Xin các đấng từ bi
Trụ ở mười phương

Có lòng từ bi lớn,
Phù hộ cho chúng sinh
Qua lực từ bi lớn
Tiếp nhận lời nguyện này
Chấp nhận lễ vật này
Được dâng cúng ở đây
Xin các đấng từ bi
Có trí tuệ và từ bi
Có oai lực làm những việc siêu diệu
Và oai lực phù hộ vô tận
Marie đã đi khỏi thế gian này tới cõi khác
Em đã đi một bước lớn
Ánh sáng của thế gian này đã phai tàn đối với em
Em đã đi vào cõi im lặng bao la
Em đã được biển lớn mang đi

Xin các đấng từ bi
Gia hộ Marie vốn không thể tự giúp mình
Xin hãy giống như cha mẹ của em
Xin các đấng từ bi
Với lực từ bi phù hộ cho em
Xin hãy làm như các Ngài đã phát nguyện".

 

Sau bài cầu nguyện trên là "Bài Thơ Hoa” sau đây dành cho Marie:


"Thế gian là một bông hoa
Các vị thần là những bông hoa
Các đấng giác ngộ là những bông hoa
Vạn vật là những bông hoa
Hoa đỏ, hoa trắng, hoa xanh,
Hoa vàng và hoa đen,
Đủ màu hoa, đủ loại tình thương chiếu tỏa
Đời sống nở ra từ đời sống và trở về đời sống
Hoa mừng vui, hoa buồn tủi
Hoa đau khổ, hoa an lạc
Hoa của nụ cười, hoa của sân hận
Hoa của thiên đường, hoa của địa ngục
Tất cả đều liên quan với nhau
Và mỗi hoa làm cho những hoa khác bừng nở.

 

Khi con mắt của chân tâm
Mở ra thế giới những bông hoa này
Chúng sinh đều tỏa sáng
Tiếng nhạc vang lừng khắp núi và biển
Thế giới của mình trở thành thế giới của mọi người
Cá nhân trở thành loài người
Chúng sinh trở thành cá nhân
Tức vô số tấm gương phản chiếu mỗi tấm gương khác
Này Marie, có sự chết và có sự sống
Không có sự chết và không sự sống
Có sự sống biến đổi, có sự sống bất biến
Những bông hoa cũng đổi màu từng khoảnh khắc.

Thật là một thế giới sinh động! Và em thật là sáng!
Marie, em được sinh ra từ những bông hoa này
Và em sinh ra những bông hoa này
Em không có bắt đầu, không có chấm dứt
Em là vô cùng, vô tận
Dù em là hạt bụi nhỏ vô cùng.

Marie, em là bông hoa
Em là tình yêu
Chúng sinh đều có sự độc đáo của mình chiếu sáng
Tất cả tan
nhập vào cái một của mọi màu sắc
Em là một, em là nhiều
Chỉ một khoảnh khắc, chỉ một nơi độc nhất
Chỉ là em độc nhất
Ngoài em không có gì
Em nhảy múa, xuất hiện trong tất cả
Không từ đâu tới, không đi đâu
Em không trụ ở đâu, không bám giữ vào đâu
Em được tất cả, em không được gì cả
Em là sự trở thành của sự biến đổi không thể mô tả được
Em là tình yêu, em là bông hoa".

(Phỏng theo một bài thơ Nhật Bản, tác giả khuyết danh)

 

 

Khi bài thơ này chấm dứt, mọi người vừa đi tới bàn thờ, vừa hát và thắp một nén hương cho Marie. Sau đó khoảng 150 người dự tang lễ tiễn đưa Marie đến một nhà thờ cách đó một dặm. Trên đường đi một số người thổi tù và bằng vỏ ốc trong khi một số người khác niệm nhỏ thần chú "Om", những âm thanh hòa vào nhau. Những người khác niệm thầm lặng lẽ những bài cầu nguyện theo tín ngưỡng của họ.

 

Ở nhà thờ, chiếc quan tài nhỏ được đặt trên bàn giữa những bông hoa và những ngọn nến. Trong nhà thờ, mọi việc diễn ra hoàn toàn tự nhiên. Có những người đứng dậy hát một bài dân ca hay niệm thần chú. Các thân nhân và bạn bè ôn lại những kỷ niệm về Marie. Có tiếng một chiếc kèn harmonica trầm lắng trong bài bi ca "Going Home".

 

Sau đó chúng tôi tiễn đưa Marie ra nghĩa trang của nhà thờ, nơi mấy người bạn thân đã đào một cái huyệt mộ cho Marie, trong khi mọi người nắm tay nhau làm thành một vòng tròn lớn. Lúc nào cũng có tiếng tù và vang lên một cách hòa hợp và đầy ý nghĩa, vì trong nhiều truyền thống tâm linh, việc thổi ốc tượng trưng cho hơi thở của sự sống mới.

 

Quan tài của Marie được hạ huyệt chậm chậm trong khi mọi người vây quanh. Mẹ của Marie và những người khác gởi những cánh hoa lên quan tài cho Marie và rồi đất được lấp dần dần.

 

Khi ngôi mộ được lấp đầy, mẹ của Marie cẩn thận nện đất xuống cho đẹp giống như đang cho con mình đi ngủ một giấc ngủ dài. Như một cử chỉ cuối cùng, bà cắm cây thập giá bằng gỗ do chồng của bà làm sẵn. Một lần nữa mọi người đứng thành vòng tròn, nắm tay nhau nhiễu quanh mộ Marie và niệm thần chú "Om".

 

Về mặt tài chánh, chi phí của đám tang này rất nhỏ. Ngoài tiền mua gỗ đóng chiếc quan tài nhỏ, và một món tiền mà tôi đoán là dâng cúng cho vị giáo sĩ về việc dùng nhà thờ và chôn cất Marie ở nghĩa trang, cha mẹ em không có chi phí nào khác liên quan tới tang lễ. Hơn nữa, loại tang lễ này do gia đình làm cho người quá cố (không có giám đốc tang lễ), giúp cha mẹ và những người thân của Marie chào từ biệt em với đầy sự an ủi./.

 

 

 

Tang lễ của Lillian, một nữ văn sĩ tám mươi tư tuổi

Không giống như tang lễ ở trên, vốn không có sự tập dượt và được cử hành ở ngoài trời, tang lễ này có sự hợp thức và được cử hành tại Trung Tâm Thiền ở Rochester, nơi Lillian đã là một thành viên lâu năm. Loại tang lễ này có thể được làm cho bất cứ tín đồ của một tôn giáo nào, hoặc cho người không theo tín ngưỡng nào.

Lillian là một nhà văn ngoài tám mươi tuổi và là một người nổi tiếng trong cộng đồng nơi bà sống. Trong di chúc bà đã viết là trong đám tang của mình sẽ có bản nhạc Đại Hòa Tấu Thứ Ba (Third Symphony) của Beethoven với nhịp chậm (còn được gọi là Hành Khúc Tang Lễ).

Uy nghi và trầm buồn nhưng cũng có nét phấn đấu và hy vọng, bản nhạc kết thúc với âm hưởng chấp nhận một cách thanh thản, và những phẩm tính này phản chiếu nỗ lực đạt sự tự thành tựu của Lillian. Khi thân nhân và bạn bè đi vào Thiền đường, họ được chào đón bởi nhạc khúc sâu xa này. Chúng tôi đặt trên bàn thờ một hình chân dung lớn của bà Lillian, bình hoa, tro cốt của bà đã được gói trong một tấm vải gấm. Vì màu đỏ là màu bà thích (bà đã nói màu đỏ là tượng trưng cho sự sống) nên những bông hoa và tấm gấm có màu này. Trên bàn thờ cũng có những ngọn nến và những cành thông; lửa tượng trưng cho sự sống miên viễn. Bức ảnh giúp mọi người tập trung và hướng năng lực của mình về Lillian.

Khi chúng tôi bắt đầu, tiếng nhạc được giảm xuống, và tiếp tục như vậy suốt buổi lễ. Tôi nói rằng mục đích chính của những nghi thức là giúp cho Lillian giác ngộ tính chất thật của sự sinh và sự tử, chứ không chỉ để ca tụng những đức tính hay than khóc về sự mãn phần của bà.

Tiếp theo chúng tôi tụng bài "Tâm Kinh Bát Nhã", vốn là một bài thu tóm trí tuệ của các Chư Phật trong mười phương. "Tâm Kinh" được xem là có oai lực xuyên thấu tâm trí vô minh. Bài kinh này là cốt tủy trong thông điệp của Đức Phật về trí tuệ. "Tâm Kinh" phải được tiếp nhận bằng trái tim chứ không bằng lý trí, tức là bằng trực giác sâu xa nhất. Như vậy "trí tuệ hoàn hảo" ở đây có nghĩa là trí tuệ siêu diệu, cũng như con đường dẫn tới trí tuệ này, và là văn bản của giáo lý đưa tới sự thành tựu trí tuệ

 

Ý nghĩa của việc tụng bài kinh này để khai thị cho tâm thức người chết biết rõ thân xác vốn là giả duyên hợp thành không thật có, để buông bỏ dễ dàng mà hướng tâm đến giải thoát và giác ngộ.

 

Bát Nhã Tâm Kinh

Bồ Tát Quán Tự Tại
Khi quán chiếu thâm sâu
Bát Nhã Ba La Mật
Tức diệu pháp trí độ
Bỗng soi thấy năm uẩn
Đều không có tự tánh
Thực chứng điều ấy xong
Ngài vượt thoát tất cả
Mọi khổ đau ách nạn.

Nghe đây Xá Lợi Tử:
Sắc chẳng khác gì không
Không chẳng khác gì sắc
Sắc chính thực là không
Không chính thực là sắc
Còn lại bốn uẩn kia
Cũng đều như vậy cả.

Xá Lợi Tử nghe đây:
Thể mọi pháp đều không
Không sinh cũng không diệt
Không nhơ cũng không sạch
Không thêm cũng không bớt
Cho nên trong tánh Không
Không có sắc, thọ, tưởng
Cũng không có hành thức
Không có nhãn, nhĩ, tỷ
Thiệt, thân, ý, sáu căn
Không có sắc, thanh, hương
Vị, xúc, pháp, sáu trần
Không có mười tám giới
Từ nhãn đến ý thức
Không hề có vô minh
Không có hết vô minh
Cho đến không lão tử
Cũng không hết lão tử
Không khổ tập diệt đạo
Không trí cũng không đắc.

Vì không có sở đắc
Nên khi vị Bồ Tát
Nương diệu pháp Trí Độ
Bát Nhã Ba La Mật
Thì tâm không chướng ngại
Vì tâm không chướng ngại
Nên không có sợ hãi
Xa lìa mọi mộng tưởng
Xa lìa mọi điên đảo
Đạt Niết bàn tuyệt đối.

Chư Phật trong ba đời
Y diệu pháp Trí Độ
Bát Nhã Ba La Mật
Nên đắc Vô thượng giác
Vậy nên phải biết rằng
Bát Nhã Ba La Mật
Là linh chú đại thần
Là linh chú đại minh
Là linh chú vô thượng
Là linh chú tuyệt đỉnh
Là chân lý bất vọng
Có năng lực tiêu trừ
Tất cả mọi khổ nạn
Cho nên tôi muốn thuyết
Câu thần chú trí độ
Bát Nhã Ba La Mật
Nói xong Đức Bồ Tát
Liền đọc thần chú rằng:

Gate
Gate
Paragate
Parasamgate
Bodhi Svaha.

(theo bản dịch của Sư Ông Nhất Hạnh)

 

Bây giờ một người bạn thân của Lillian đọc một bài thơ viết về thiên nhiên và nhịp điệu của vũ trụ. Sau đó người quản gia và một người bạn nói về những kỷ niệm vui của họ về bà Lillian và ôn lại tình bạn nhiều năm giữa họ. Rồi mọi người cùng đọc bài cầu nguyện tang lễ. "Bài Thơ Hoa" cũng được đọc và hồi hướng công đức cho bà Lillian.

 

Nghi thức sau cùng là mỗi người đi tới bàn thờ chăm chú nhìn vào bức hình chân dung của bà Lillian, lấy một chút bột hương trong cái hộp ở bàn thờ và rải lên một miếng than đỏ trong lư hương rồi chắp tay xá chào từ biệt Lillian.

 

 

GIÁ TRỊ CỦA TỤNG NIỆM

 

 

Tụng niệm có thể là việc quan trọng trong một tang lễ. Với sự thành tâm và nồng nhiệt, những âm thanh và nhịp điệu của tụng niệm sẽ vượt qua lý trí đưa thẳng vào tâm vô thức của người quá cố những chân lý về sự sống.

 

Tốt nhất là có một cái trống (theo nghi lễ của PG Nhật Bản) thuộc loại nào đó để giữ nhịp cho những lời tụng niệm. Tiếng trống hợp nhất năng lực của cuộc lễ, đưa nó lên cao hay xuống thấp, hay thu nó lại khi nó phân tán. Người đánh trống không cần phải chuyên nghiệp, nhưng phải giữ nhịp một cách trường canh và vững chắc trong khi người khác tụng niệm.

 

Người đánh trống bắt đầu chậm rồi nhanh dần cho tới một nhịp mà người đó duy trì cho tới khi bài tụng chấm dứt. Nếu tiếng trống và tụng niệm không hòa hợp với nhau thì bài tụng niệm sẽ lỗi nhịp và lực nhiếp tâm hướng về người quá cố sẽ bị gián đoạn.

 

Một điều cũng quan trọng là tinh thần của bài tụng niệm có thành thực và mạnh mẽ hay không. Cũng như tiếng trống không thành tâm có thể làm giảm năng lực của cuộc lễ, lời tụng niệm không thành tâm có thể làm giảm lực thiêng liêng của tang lễ hay lễ tưởng niệm. Khi bài tụng niệm được hướng về người quá cố, với mọi người tập trung vào bức ảnh của người đó, thì việc tụng niệm sẽ đặc biệt hiệu quả.

 

Trong cuốn "Tám Căn Bản Của Niềm Tin Trong Phật Giáo" (Eight Bases of Belief in Buddhism), Thiền Sư Nhật Bản Hakuun Yasutani nói rằng, một người trong trạng thái sau khi chết vẫn có tâm thức nhưng không giống như tâm thức trong trạng thái "sống". Người đó cũng có cảm giác thuộc loại mà người "sống" không có. Như vậy có nghĩa là người đó có thể "nghe thấy" bài "Tâm Kinh Bát Nhã" và những âm thanh khác trong tang lễ. Khi chúng ta tập trung tâm trí và năng lực vào việc tụng niệm và vào người quá cố, tâm thức của người đó sẽ chịu ảnh hưởng của bài tụng niệm.

 

Có những y sĩ cảm thấy những người bệnh được người khác cầu nguyện cho mình thường hồi phục mau hơn những người bệnh không phải là đối tượng của cầu nguyện. Một bài viết về tôn giáo và y học trong "The Christian Science Monitor" nói như sau: "Có sự sẵn lòng chấp nhận những phương pháp chữa bệnh không khoa học, ví dụ như cầu nguyện. Các y sĩ không còn phiền lòng về việc dùng những phương pháp này. Trong những năm hành nghề của tôi, có nhiều trường hợp mà tôi phải xem kết quả tốt là công lao của lời cầu nguyện hơn là của phương pháp trị liệu của tôi như một y sĩ".

 

Và vì người chết không thực sự chết, ai có thể nói rằng việc tụng niệm và cầu nguyện  ở tang lễ và lễ tưởng niệm hay lễ cúng không có kết quả như vậy đối với họ.

 

Ai là những người dự tang lễ? Đó là những người thân và bạn bè của người quá cố. Qua suốt một đời tiếp xúc với nhau, họ đã tạo nhân duyên chặt chẽ. Những sự ràng buộc này không thể bị cắt đứt lúc chết.

 

Nói một cách bao quát và sâu xa thì không có một người nào, một vật gì ở bất cứ đâu mà chúng ta không có liên hệ nhân duyên. Khi sự tiếp xúc là mới, chẳng hạn như trong kiếp này và mối liên hệ là vững chắc, ví dụ như một người thân hay một người bạn, việc tụng niệm và những lời tụng niệm sẽ có sức mạnh hộ niệm lớn. "Lời" ở đây là ý nghĩa bên trong có oai lực vận động và chuyển hóa. Những lời được thốt ra bởi tinh thần mạnh mẽ sẽ giống như những mũi tên bay thẳng tới mục tiêu.

 

Có khi người ta hỏi là một đứa trẻ có thể hiểu ý nghĩa sâu xa của một bài tụng niệm như "Bát Nhã Tâm Kinh" hay không. Trong trường hợp Marie sáu tuổi, vào lúc chết phải chăng em vẫn sáu tuổi? Tri thức trong tâm vô thức, hay có thể gọi là vô thức tập thể, của em vẫn hoạt động. Nghiệp lực đã đưa em vào kiếp vừa qua sẽ đưa em đi tới kiếp sau. Năng lực không thể bị hủy diệt, và tri thức đã được tích lũy trong vô số kiếp cũng không thể mất đi đâu. Người ta có thể quên nhưng không thể không tri thức.

Vậy em bé này thì sao? Khi chết em không còn trẻ theo nghĩa nhân duyên hay năm tháng của cõi vật chất, mà em không có tuổi. Tuổi tác chỉ là tương đối và bây giờ em không còn bị trói buộc bởi sự giới hạn đó. Vậy tuổi của người chết không làm nên sự khác biệt nào. Phái tính, quốc tịch hay cả tôn giáo cũng không làm nên sự khác biệt nào. Điều độc nhất đáng kể là lối tụng niệm của chúng ta, tức là chúng ta có sự thành tâm, có niềm tin, và có sự tập trung tâm trí hướng về người quá cố hay không. Vì có thể nói rằng những con vật cũng có thể chịu ảnh hưởng của một tang lễ có năng lực lớn. Tất cả sự sống có nguồn gốc trong Tâm vũ trụ (Universal Mind), vì vậy mọi vật không có sự khác nhau giữa một vị Phật, một em bé sáu tuổi, một con voi, một con kiến, một cây thông và một cọng cỏ.

 

TANG LỄ CHO TRẺ SƠ SINH

 

Khi trẻ sơ sinh chết, hay khi một người mẹ sinh thiếu tháng và không thể cứu được đứa con, hay khi thai nhi chết trong bụng mẹ, nhiều gia đình không biết có nên làm tang lễ hay không. Theo Phật Giáo thì một đứa trẻ đến với cha mẹ của mình vì nhân duyên. Dù chết trước khi ra đời, khi còn sơ sinh, trong tuổi ấu thơ hay đã lớn, tang lễ cũng có cùng một mục đích. Vì nhân duyên của cha mẹ với đứa trẻ, họ có khả năng gây ảnh hưởng lớn tới sự sống tương lai trong trạng thái sau khi chết của đứa con. Như vậy, giống như trong trường hợp người lớn, tang lễ là cơ hội trong một kiếp để làm cho đứa trẻ biết tới sự bất khả phân ly của sự sống và sự chết, về sắc tướng chính là chân không, chân không chính là sắc tướng, và đó là thông điệp của "Bát Nhã Tâm Kinh".

Ngoài việc hỗ trợ đứa trẻ qua đời và cung cấp một lối biểu lộ đau buồn của cha mẹ, tang lễ cũng là một phương tiện làm giảm cảm giác có lỗi có thể có của những người trong gia đình. Vì đối với những người dự tang lễ một cách thành tâm, những thắc mắc của họ về nghiệp quả và vì bí mật của sự sống và sự chết vốn xuất hiện khi có cái chết của đứa trẻ sẽ được giải đáp. Bóng tối vây quanh sự chết sẽ tan biến phần nào. Một tang lễ hay lễ tưởng niệm có ý nghĩa, sẽ lay động trực giác sâu xa nhất của chúng ta về sự sống và sự chết, và còn dành cho cha mẹ, người thân và bạn bè sự bảo đảm là họ đã làm tất cả những gì có thể làm, để hỗ trợ đứa trẻ trong trạng thái sau khi chết. Chính điều này đóng góp nhiều cho việc làm giảm sự đau buồn của cha mẹ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/05/2017(Xem: 5515)
Ta làm người để sống yêu thương Ta chia sẻ để cùng hiểu biết Ta cho nhau trong từng hơi thở Ta cùng nhau xây dựng cuộc đời. Phát triển bền vững là châm ngôn của nhân loại, ai cũng mong được bền vững lâu dài đến nhiều thế hệ mai sau. Chúng ta phát triển kinh tế nhưng phải giữ cho môi trường không bị ô nhiễm, muốn vậy phải sống đạo đức và gương mẫu. Ta biết kiến thiết và tái tạo tài nguyên thiên nhiên và cũng biết truyền lại những kinh nghiệm quý báu cho con cháu thì mới thật sự bền vững và lâu dài. Đạo đức và gương mẫu như đôi cánh chim không thể thiếu một, vì có đạo đức là có gương mẫu. Không đạo đức dù có nói gì cũng trên lý thuyết và sách vỡ mà thôi. Một sự thật?
01/05/2017(Xem: 4431)
Vào thời Phật còn tại thế, có một mệnh phụ phu nhân là một Phật tử thuần thành, bà thường xuyên cúng dường Trai Tăng. Một buổi nọ, khi đang dâng thực phẩm cúng dường lên chư Tăng thì bà nhận được một tin hết sức bất hạnh trong gia đình nhưng vẫn thản nhiên, bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Bà bỏ lá thư vào túi rồi tiếp tục việc dâng thức ăn cúng dường.
01/05/2017(Xem: 6555)
Các giấy tờ tùy thân cho biết được cụ ông Mbah Ghoto sinh vào tháng 12/1870. Vừa qua, hôm 12/4 cụ được đưa đến bệnh viện vì sức khỏe yếu và có dấu hiệu xấu đi. Cháu nội Suyanto nói rằng từ khi rời bệnh viện trở về nhà thì cụ Mbah Ghoto chỉ ăn được 1 muỗng cháo và uống rất ít nước. Tuy nhiên “Việc này chỉ xảy ra được vài ngày rồi cụ nhất quyết nhịn ăn và nhịn uống” – Suyanto cho hay.
29/04/2017(Xem: 5426)
Nỗ lực 20 năm của chị Thuỷ đã đưa cậu con bị bệnh tim và down - từng bị các bác sĩ giỏi nhất ở Việt Nam từ chối chữa - trở thành sinh viên Mỹ.
24/04/2017(Xem: 8778)
Kiến thức khoa học gia tăng mỗi ngày theo cấp số nhân, nhưng những khám phá mới đặc biệt mang tính đột phá, thách thức nền tảng thực tánh của mọi hiện tượng là điều thật sự xa vời. Một lãnh vực đang là tâm điểm nghiên cứu cho nhiều bác sĩ và các nhà thần kinh học là sự liên hệ giữa tâm thức, não, và thần thức của con người.
02/04/2017(Xem: 5479)
Ba thân Trung ấm: Thượng, Trung, Hạ đều có cùng một hình tướng bằng một đứa bé lên bảy tuổi như Đại Trí Độ Luận đã nói. Phải nói đây là sự bình đẳng về mặt tinh thần, không có sự sai biệt về giai cấp vật chất như lúc thân người còn sống trên cõi Trần. Lúc sống, có người bị mù lòa, câm điếc, tàn tật, ngớ ngẩn, lớn con, cao, thấp, đẹp người hay xấu xí..., kể cả giàu, nghèo, chức cao phận lớn, vua, quan, hay thứ dân hèn mọn... Đến khi chết, ai cũng đều có cùng một thân Trung ấm đồng cỡ như nhau ở bên k
02/04/2017(Xem: 4933)
Thức A-lại-da không phải là linh hồn. Đạo Phật bác bỏ không có linh hồn tồn tại trong một bản thể muôn loài hữu tình chúng sanh. Thức A-lại-da, là cái biết linh diệu của muôn loài, trong đó có loài người là tối thượng hơn tất cả. Cho nên Thức A-lại-da là con người thật của con người, chứ thể xác không phải là con người thật vì sau khi xác thân con người nói riêng, muôn loài chúng sanh nói chung bị chết đi, xác thịt sẽ bị bỏ lại, rồi từ từ tan rã thành đất, cát, tro, bụi bay tứ tung trong không gian, không thể mang theo qua bên kia cõi chết. Duy chỉ còn lại một mình thức A- lại-da ra đi và tồn tại trong một bản thể nào đó bên kia cõi chết.
01/04/2017(Xem: 4510)
Sau khi nhịp đập của con tim bị ngừng lại và cùng lúc 5 giác quan của toàn thân con người không còn biết cảm giác, gọi là Chết. Nhưng thức A-lại-da bên trong vẫn còn hằng chuyển liên tục và hoạt động một mình. Sự hoạt động đơn phương của nó y như lúc con người còn sống đang ngủ say.Thức A-lại-da hoạt động một mình, không có 5 giác quan của cơ thể bên ngoài cộng tác.
11/03/2017(Xem: 5425)
Những cái chết tức tưởi của thời nay
06/03/2017(Xem: 7150)
Ba thân Trung ấm: Thượng, Trung, Hạ đều có cùng một hình tướng bằng một đứa bé lên bảy tuổi như Đại Trí Độ Luận đã nói. Phải nói đây là sự bình đẳng về mặt tinh thần, không có sự sai biệt về giai cấp vật chất như lúc thân người còn sống trên cõi Trần. Lúc sống, có người bị mù lòa, câm điếc, tàn tật, ngớ ngẩn, lớn con, cao, thấp, đẹp người hay xấu xí..., kể cả giàu, nghèo, chức cao phận lớn, vua, quan, hay thứ dân hèn mọn... Đến khi chết, ai cũng đều có cùng một thân Trung ấm đồng cỡ như nhau ở bên kia cõi chết. Cũng vì từ tâm thức có sự sai biệt đó mà có ra thân tướng vật chất con người khác nhau, địa vị khác nhau. Từ đó thân Trung ấm cũng phải có thứ bậc cao, thấp. Sự khác biệt này đúng theo định luật nhân quả mà ánh sáng và bóng tối là biểu tượng đích thực. Đúng là đèn nhà ai nấy sáng nếu tự th
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567