Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Cái chết có phải là một việc đáng sợ không?

24/10/201407:05(Xem: 10163)
08. Cái chết có phải là một việc đáng sợ không?

HIỆN TƯỢNG của TỬ SINH

Tác giả:  Thích Như Điển

Ấn Hành  PL. 2558 – DL. 2014
***

 

 

 

 

Chương Tám

 

Cái chết có phải là một việc

đáng sợ không?

 

 

A

i sinh ra trong cuộc đời nầy cũng phải chết, có ai sống mãi mãi được đâu. Thế nhưng có nhiều người xem sự chết là quan trọng; cho nên đôi khi chỉ chú trọng đến phần thể xác mà chẳng để ý đến phần tâm linh. Bây giờ chúng ta có thì giờ để ngồi xuống, nhìn thật sâu và cảm nhận thật kỹ về giáo lý của Đức Phật, để nhận chân ra chơn lý về hiện tượng tử sinh ấy, để từ đó chúng ta sẽ tu tập được nhiều hơn.

 

Khi hơi thở đã hết thì tứ đại bị dần dà phân hủy. Đầu tiên là gió, sau đó là lửa; tức là hơi nóng trong người; kế tiếp là nước và cuối cùng là đất. Lâu nay sống trên cõi trần nầy năm bảy mươi năm, chúng ta ăn, uống, tiêu xài không biết bao nhiêu là thực phẩm và không khí của đất trời; nhưng có khi nào chúng ta cảm ơn chúng một cách đích thị đâu. Chúng ta vẫn mãi dong ruỗi trên đường đời để tranh danh, đoạt lợi. Chúng ta chỉ hướng tới mà chẳng quay về hay quay vào nội tâm của chúng ta để xét đoán, thẩm định về giá trị của sự sống cũng như của việc chết. Mãi cho đến khi nào, sự sống không còn bám víu ta được nữa; lúc ấy mới đeo đuổi một sức lực cuối cùng. Đó là khẩn thiết cầu nguyện; nhưng liệu rằng như thế, có thể lấp trống được những lỗ hổng của niềm tin chăng? hay đó cũng chỉ là một cơ hội cuối cùng, cần phải làm cho có làm; rồi sau đó ra sao thì ra?

Ở Phi châu có một số bộ tộc khi người ta về già họ cho người ấy vào rừng, leo lên cây nhảy xuống và sẽ bị chết. Sau đó họ lấy xác ấy đem bằm ra nhiều mảnh để cho thú vật ăn. Đây cũng là một quan niệm về hiếu để của những bộ tộc ấy chăng? Vì lẽ để chôn dưới đất thì cũng chỉ cốt nuôi dưỡng cho cây cỏ; còn bây giờ đem thịt của mình cho thú ăn cũng là một cách chôn xác vào lòng thú, làm cho thú no và mình không bị phân hủy theo thời gian và năm tháng của định luật vô thường? Khi mà khoa học chưa tiến bộ và ánh sáng ít dọi vào những rừng rậm Phi châu nầy thì người ta vẫn sống, vẫn bị bịnh, vẫn chết chóc, vẫn tật nguyền. Cho nên trong từng giai đoạn một của lịch sử, những con người ấy tự chọn cho mình một giải pháp trong khi sống cũng như chết cho nhẹ nhàng hơn. Cuộc sống du mục thường không bị trói buộc bởi thời gian hay hoàn cảnh. Cho nên nay họ ở chỗ nầy và mai họ ở chỗ khác. Nghề nghiệp chính của họ là săn thú để nuôi thân. Họ đã chứng kiến nhiều cái chết của thú rừng và dĩ nhiên là họ cũng ham sống, sợ chết; nhưng cái chết đối với họ dường như là một việc tự nhiên, vì có sinh ra thì phải có chết đi.

Họ không lo nghĩ về việc sống và dường như cũng chẳng để ý đến ngày mai. Nếu thịt thú rừng hết thì đi săn tiếp tục, nước hết thì xuống suối múc, cây củi hết thì vào rừng chặt về làm củi, bổi. Không cần hộp quẹt, họ vẫn có lửa là nhờ sự cọ xác giữa hai thân cây với nhau và lửa từ đó phát sinh. Tất cả mọi việc đối với họ dường như là đất trời đã dành sẵn cho họ như thế và họ cứ tiêu xài hầu như không nghĩ đến ngày mai. Không biết rằng họ có biết đến hạnh phúc và khổ đau chăng? Vì lúc nào cũng thấy trên gương mặt của họ tươi cười, rạng rỡ?

Họ tin vào thần linh, cho nên khi bịnh hoạn họ ít uống thuốc, mà chỉ mời thầy Lang đến nhà để trị bịnh, như phun nước vào người bịnh, hay đuổi tà, đuổi quỷ để những thần hồn nầy khỏi quấy phá bịnh nhân. Thế mà cũng có người đã hết bịnh; nhưng cũng có người bịnh lại nặng thêm hơn. Rồi cái chết cũng phải đến.

 

Dân tộc Tây Tạng ở trên núi cao, họ không có đất để chôn cất; cho nên khi có người chết, họ cũng thảy xác vào rừng cho kênh kênh xé xác làm mồi nuôi thân. Nhưng được một điều là người chết đa phần theo Phật Giáo, nên họ hiểu là tâm thức họ sẽ đi về đâu, khi họ hiến thân cho chim kênh kênh như vậy. Có lẽ đối với người Tây Tạng, đây là cách tốt nhất để họ chôn thân mình vào lòng thú; có thể cũng là một cách để thể hiện lòng từ bi đến với muôn loài, khi mà thân thể của mình không còn hữu dụng nữa.

 

Nhiều người Phật Tử Việt Nam hay lo sợ rằng: Nếu trong vòng 8 tiếng đồng hồ sau khi tắt thở, không ai được quyền đụng vào thân thể họ, thì làm sao các Bác Sĩ có thể lấy nội tạng của họ để giúp cho những người khác được. Điều nầy hẳn quan trọng nhưng cần phải lưu tâm việc nầy. Khi chúng ta phát nguyện dâng hiến nội tạng cho người khác, khi hơi thở lìa khỏi thể xác nầy; tức là người ấy không sợ cái bị mỗ xẻ đau đớn để lấy tim, phổi, mật, gan v.v… Như thế sự phát nguyện ấy đã được chư Phật và chư vị Bồ Tát chứng minh ngay từ khi phát nguyện, do vậy sẽ không bị ảnh hưởng khi muốn hiến nội tạng cho y khoa. Đây là tinh thần của Bồ Tát hạnh rất đáng trân quý. Ví dụ như không có ai hiến máu tươi hay hiến tủy sống, thì những người thiếu máu và những người cần tủy để tiếp tục sống thì làm sao có thể thực hiện được và cuộc sống của người kia sẽ như thế nào? nếu không có sự quan hoài của những người có tâm niệm hiến dâng kia?

 

Đa phần người Âu Châu họ sợ cái già sớm đến với họ và nhất là cái Chết. Cái Chết làm cho họ lo lắng nhiều hơn. Vì lẽ họ sinh ra ở các nước Tây Phương nầy với truyền thống theo Đạo Thiên Chúa. Họ được học rằng: Ai tin Chúa thì lên Thiên Đàng và ai không tin Chúa thì xuống Địa Ngục. Từ đây họ có cái nhìn thật bi quan khi nghĩ đến cái già và cái chết. Cho nên họ lo lắng khi về già, nhất là những ai không tin theo Chúa; nhưng dẫu có tin mà họ lỡ nghi ngờ, thì với họ tương lai sau cánh cửa của sinh tử là gì, khiến cho họ phải lo âu. Họ chuẩn bị cho cái chết bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ như tại Âu Châu ngày nay có những nhà quàn có quảng cáo những cổ quan tài đặc biệt, trong đó có gắn cả chuông điện thoại, lỡ ra người chết có sống dậy thì có thể bấm chuông để người bên ngoài biết. Họ sợ cái chết và họ tiếc cho sự sống, ham sống như vậy đó. Đây cũng là cơ hội để cho những nhà quàn nầy kiếm thêm lợi nhuận và những người giàu có họ chi ra một số tiền khả dĩ như thế để níu kéo sự sống, tuy rằng vô vọng; nhưng nó cũng có thể an ủi họ được ít nhiều, khi mà niềm tin của họ không còn có khả năng bám víu vào đâu được nữa.

 

Riêng người Phật Tử có nhiều cơ hội để thăng hoa cuộc sống của mình lên những cõi cao hơn sau khi chết; hay ngay cả đọa lạc vào những nơi chốn khổ ải trầm luân. Họ biết rằng: không phải chỉ có một con đường mà họ phải đi sau khi chết; nên họ hầu như không phải sợ đối diện với sự chết ở phía trước. Dĩ nhiên là cũng có nhiều người ngoại lệ nghĩ rằng: nếu thiêu xác sau khi chết thì nóng lắm, họ chỉ muốn được chôn thôi. Nhưng họ đâu có biết rằng khi mà thần thức đã rời khỏi thể xác nầy 8 tiếng đồng hồ rồi thì cái xác ấy không thể sống lại được nữa và dẫu cho có thiêu, chôn hay thực hiện bất cứ lễ nghi nào đi chăng nữa thì nó cũng không ảnh hưởng đến cái tâm thức kia, vốn đã rời thể xác từ lâu rồi.

Cũng có lắm người khư khư giữ quan tài trong nhà cho đến cả 100 ngày và nhiều người giàu có giữ cho đến cả một năm sau, nhưng làm như thế để làm gì? cuối cùng rồi cũng phải đem đi chôn thôi. Cũng có người sau khi thiêu xác người thân rồi, mang về nhà, rồi ngay cả khi ngủ cũng ôm hủ cốt ấy để ngủ; hoặc ngày nay cũng có thêm nhiều kiểu chế tạo nữ trang kỳ quặc, nghĩa là họ xay nhuyễn xương của người chết, rồi trộn chung với một hợp thể hóa chất, sau đó đem gắn nạm vào những loại nữ trang như nhẫn, dây chuyền đeo cổ, bông tai v.v… , họ nói rằng: như vậy người thân có thể luôn ở bên cạnh mình.

 

Dĩ nhiên với sự chết, mỗi người đều có quan điểm khác nhau, chẳng ai giống ai cả. Nếu có giống thì đó là việc ai cũng phải chết, nhưng chết như thế nào mới là điều đáng nói mà thôi. Có người thì sống cũng dở sống mà chết cũng dở chết. Có người muốn chết mà lại không thể chết được và có nhiều người muốn sống mà cũng chẳng thể sống được nhiều hơn. Nếu là Phật Tử thì phải nên hiểu rằng sự sống chết là do nghiệp lực và những hành động của mình đã gây ra trong quá khứ, có liên hệ đến hiện tại và tương lai của mỗi người được chờ đón tốt hay xấu, tất cả đều lệ thuộc vào những gì mà chúng ta gây ra trong hiện tại mà thôi.

 

Mới đây có một câu chuyện xảy ra tại Trung Quốc, mới nghe thật là thương tâm. Đó là câu cuyện của một cậu bé bị ung thư não và Mẹ cậu ta bị hư một lá gan. Khi cậu ta biết rằng không còn kéo dài bao lâu nữa, do Bác Sĩ cho biết như thế, thì cậu mới nài nỉ mẹ rằng: hãy lấy lá gan của em, sau khi em tắt thở, để thay gan cho người mẹ. Ban đầu mẹ em không bằng lòng. Vì nghĩ rằng: bao giờ mẹ cũng phải hy sinh cho con, chứ tại sao con phải hy sinh cho mẹ. Lần thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư… Cuối cùng thì người mẹ đã đồng ý. Vì người mẹ nghĩ rằng: dầu sao đi nữa thì con của cô ta sẽ mất; nhưng nếu cô ta còn mang trong người mình lá gan của đứa con trai do mình sinh ra, thì đây cũng là cách gìn giữ lại những kỷ niệm và hoài bão của con mình. Cậu con trai rất vui khi nghe mẹ cậu ta đồng ý và mấy ngày sau cậu ta qua đời. Gan được cắt đem thay vào gan cho mẹ cậu. Tim và phổi còn dùng được cứu chữa thêm cho hai bịnh nhân khác nữa. Các Bác Sĩ phải làm một phút mật niệm cho em, trước khi họ mỗ xẻ cơ phận của em để đem đi thay vào cho ba người khác nữa. Như vậy cái chết của em cũng đã giúp và cứu được thêm ba người khác còn sống được thêm nhiều năm nữa.

 

Đọc qua mẩu tin trên ta thấy được gì? Dĩ nhiên là có nhiều cách suy nghĩ khác nhau; nhưng điểm chung của mọi người là cảm phục cho lòng can đảm của một chú bé. Ngay cả người lớn chưa chắc gì thực hiện được điều nầy. Chỉ vì cái ích kỷ, cái tư lợi của mỗi cá nhân nó làm chủ con người, nên một sự hy sinh như vậy phải nói là vĩ đại và hiếm có ở trên đời nầy. Dẫu sao đi nữa thì em bé kia đã ra người thiên cổ, nhưng hành động hy sinh để cứu mẹ em và hai người khác đã để lại đời đời. Cái ý niệm, hành động làm lợi lạc cho tha nhân ấy luôn còn tồn tại; chứ không phải cái xác thân tứ đại nầy. Xác thân nầy một ngày nào đó sẽ tan rã, so với một em trai 7 tuổi nếu đem đi thiêu thì chỉ cần một tiếng đồng hồ là sẽ chỉ còn xương và tro. Trong khi đó ý nghĩ của em, có lẽ vì quá thương mẹ; nên em đã chẳng thiết đến sự sống của mình và đã tự nguyện hành động như vậy. Quả là trên đời nầy chỉ có một mà không có hai trường hợp lặp lại như thế nữa.

Câu chuyện trên cho ta thấy rằng: Em nhỏ nầy không sợ chết và nếu có chết thì em ta đã cứu được mẹ mình được tiếp tục sống; ngoài ra còn có thêm hai người nữa sẽ hưởng được phước báu nầy từ lời nguyện của em. Như vậy em ta đã chết; nhưng thực sự ra em đang sống và cũng đã có không biết bao nhiêu người đang sống; nhưng thật sự là những người ấy đã chết dần trong lòng người.

 

Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài thấy Ngài Maha Kasapa (Đại Ca Diếp) về già yếu đuối, nhưng cứ mãi ở nơi bãi tha ma quán tử thi và bạch cốt; nên Đức Phật có ý khuyên Ngài Ca Diếp nên trở về Tịnh xá để sống cùng với Tăng Đoàn. Ngài Ca Diếp cảm ân sự quan tâm của Đức Phật, nhưng Ngài đã từ chối lời đề nghị ấy và Ngài vẫn cương quyết sống cho hết trọn đời với lý tưởng đã nêu ra. Đó là sống đời tịnh hạnh, ba y một bát, mặc áo bá nạp hoại sắc và khi thiền định luôn dùng đối tượng là xác chết để quán về vô thường và sự sinh diệt của tự thân. Do vậy mà trên Pháp Hội Linh Sơn khi giảng pháp, Đức Thích Ca Mâu Ni đã trao truyền chính pháp nhãn tạng cho Ngài và Ngài chính là vị Sơ Tổ được truyền thừa tâm thiền của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

 

Để làm vơi đi nỗi sợ của sự chết, chúng ta, dầu cho là Phật Tử của Đại Thừa hay Nam Tông, Tây Tạng hay Âu Mỹ và ngay cả những vị Tăng sĩ đi chăng nữa, chúng ta cũng nên quán „Tứ Niệm Xứ“ là bước đầu của 37 phẩm trợ đạo, nhằm giúp cho tâm ta được an và niệm ta được vững vàng trong khi sống cũng như lúc sắp lìa đời.

 

Vậy Tứ Niệm Xứ là gì? Đó là bốn chỗ, bốn nơi đáng nhớ nghĩ đến, luôn tâm niệm tới như: quán thân bất tịnh, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã và quán thọ thị khổ. Chữ quán ở đây có nghĩa là nhìn sâu vào; nhìn rõ sự sự vật vật đều do ngũ uẩn cấu thành. Sau khi thành tựu sẽ được ở lại tăng trưởng; kế tiếp là hủy hoại và bước cuối cùng sẽ là hủy diệt. Rồi cứ thế, cứ thế mãi mãi xoay vần trong sáu nẻo đường sanh tử. Khi nhìn thật sâu chúng ta sẽ tự chủ được hơi thở và nhận thức của mình. Điều nầy có ý nghĩa ngược lại với cái nhìn cạn cợt, hời hợt. Người có cái nhìn sâu là người đã làm chủ được bản thân mình một phần nào rồi. Từ đó từng hơi thở, từng hành động, lúc nào ta cũng là chủ thể, ta là chủ động trong mọi tình huống. Do vậy ta phải cần quán triệt những pháp nầy như: Quán thân bất tịnh.

 

Thân nầy gồm có nhiều phần và nhiều lỗ chân lông, nhưng nơi chín cửa thường hay tiết ra nhiều vật bất tịnh. Đó là 2 con mắt, 2 lỗ mũi, 2 lỗ tai, 1 cái miệng, đường tiểu tiện và đường đại tiện. Thông thường thì chúng ta ham ăn cho ngon, mặc cho đẹp, nghe nhạc cho hay, xức dầu cho thật thơm v.v… nhưng có mấy ai suy nghĩ cho thật kỹ về cái ăn, cái mặc của chúng ta chăng? Để có được cái ăn, người ta phải tìm đủ mọi cách để săn cho được con mồi. Đến khi bắt được mồi rồi, người ta nghĩ đến nhiều cách để thủ tiêu con mồi ấy. Nào xào, nào thiêu, nào chiên, nào nấu v.v… họ mới nghĩ đến đó thôi và chưa nghĩ tiếp tục là sau khi mới nuốt qua khỏi cổ, thì vật kia rơi vào bao tử, rồi xuống ruột non và đi qua ruột già để cuối cùng thì bị tống khứ ra đường đại tiện. Khi ăn vào ta thấy ngon bao nhiêu thì khi thải ra càng hôi hám bấy nhiêu. Mới ngày hôm qua ấy thật ngon thật đẹp, nhưng qua ngày hôm sau khi những chất kia qua các bộ phận sàng lọc đã trở thành một chất khó ngửi, khó xem.

Chính ta sẽ không dùng lại vật thừa thải ấy được, nhưng cũng có những con vật cho rằng chất thừa thải ấy là ngon nên mới ăn lại như chó, heo v.v… Rồi con người ăn thịt heo trở lại.

Nếu cứ quán xét chỉ một vòng luân hồi của thức ăn thôi là ta đã thấy ngán ngẩm rồi, đừng nói gì đến việc ôm chúng vào lòng để hôn hay ngủ nghỉ cùng chúng, quả cũng không phải là điều giản đơn chút nào.

 

Hai con mắt của ta mỗi ngày chảy ra không biết bao nhiêu là nước mắt và đọng lại không biết bao nhiêu là ghèn dơ. Thế mà người ta hay đi sửa mi, sửa mắt cốt để đánh lừa cái nhận biết thiếu chánh kiến của kẻ đối phương mà thôi. Nào lông mày, lông mi, lông nheo đều giả hết; chẳng có cái nào do tự nhiên sanh, cho nên cái sự thật ở đây đều là những sự giả hiệu cả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu người „trao mắt gởi tình“, nhưng tình ấy đâu có thật. Nó cũng chỉ là những hiện tượng mà thôi. Đã là hiện tượng thì nó không có thật tướng, nhưng tại sao chúng ta vẫn mãi miết tin vào?

 

Hai lỗ tai cũng như thế. Mỗi ngày sản xuất ra không biết bao nhiêu là cứt ráy; ngửi cũng khó ngửi, làm sao nói ăn lại được vật nầy? Thế mà đã có không biết bao nhiêu ngưòi chết mê chết mệt về lỗ tai ấy, về tiếng dụ dỗ ngọt bùi, nên mọi người đã lầm tưởng. Ví như khi người ta mới thương yêu nhau, nói với nhau thật nhỏ, nhưng nghe thật là rõ. Đến khi tuổi trung niên cập kề, cả hai vợ chồng nói sao cho chứng tỏ được cái bản ngã của mình là đúng; còn của kẻ đối phương là sai. Từ đó sinh ra cãi vã, ly dị, ly thân v.v… Thế rồi đến lúc tuổi già, cả hai người đều cùng điếc; cho nên nhiều khi nói lớn đến nỗi bể cái nhà mà cả hai người đều không biết là nói cái gì và cả hai đều không nghe được với nhau điều gì cả. Nghĩa là „ông nói ông nghe, bà nói bà nghe“. Đến lúc nầy rồi rõ ràng là phần ai nấy biết vậy.

 

Bây giờ đến hai cái lỗ mũi. Hằng ngày mũi nầy tiết ra không biết bao nhiêu là nước mũi, cứt mũi, lông mũi v.v… Tất cả đều dơ nhớp. Vì những thứ mũi dãi nầy không ai có thể ăn lại được. Thế mà cũng đã có nhiều người rất mê lỗ mũi cao, lỗ mũi trái tim v.v… cho nên tốn không biết bao nhiêu tiền cho thẩm mỹ viện và ở cuối đời „cái nết đánh chết cái đẹp“, chứ không phải bơm thuốc, sửa chữa, giồi nén cho đẹp với thị hiếu, hợp với tự nhiên. Quả là điều đáng nói vô cùng.

 

Cái miệng nầy mới là độc địa. Hằng ngày ăn vào không biết bao nhiêu loại và nói ra không biết bao nhiêu lời. Cho nên người xưa thường nói rằng: „Họa tùng khẩu xuất, bịnh tùng khẩu nhập“. Nghĩa là cái họa từ miệng mà đến, cái bịnh từ miệng mà vào. Chỉ hai động tác vào ra của thức ăn và lời nói. Thế mà những loại nầy đã khiến cho ta khổ sở vô cùng. Người xưa cũng có nhiều câu nói rất hay còn để lại như: „Ông trời chỉ sinh ra có một cái miệng và có đến hai cái lỗ tai“. Điều ấy có nghĩa là chúng ta phải nghe nhiều hơn phải nói. Nếu ta nói thì phải „nói năng như chánh pháp và yên lặng như chánh pháp“.

 

Đường tiểu tiện mỗi ngày cũng bài tiết ra không biết bao nhiêu là phân khối nước tiểu, lúc đục lúc trong, lúc vàng lúc đậm. Nào là tinh trùng dơ nhớp. Thế mà đã có không biết bao nhiêu người sống chết với việc nầy. Việc tử sinh cũng từ đây mà ra. Việc luân hồi cũng từ đây mà đến. Thế nhưng người đời đâu có nhờm gớm bao giờ. Bỏ cái nầy, tìm đến cái kia. Bỏ cái nọ, quay lại cái nầy. Nghĩa là không bao giờ biết đủ.

 

Lỗ hổng thứ 9 trong 9 lỗ là đường đại tiện. Khi đi nhiều thì mệt mỏi khó chịu; nếu hai ba ngày không đi tiêu được, quả là một khổ nhục vô cùng. Từ ruột non qua ruột già, rồi từ ruột già những phân nầy được tống khứ ra ngoài, có mùi hôi nồng nặc. Ngoái nhìn lại nhiều người còn không dám làm, huống nữa là xử dụng chúng. Đồ ăn thức uống ngon, ngọt ngày hôm qua ta mới ăn vào, đến hôm nay khi thừa thải ra, chúng ta còn không muốn nhìn, muốn thấy nữa. Vậy thì thân nầy đâu có gì là thanh tịnh?

 

Nếu chỉ so sánh 9 nơi bài tiết nầy từ chư Thiên đến loài người và từ loài người nhìn xuống các loài khác nữa, thì ta sẽ thấy như sau: Con heo ăn cám, ủi đất, ăn đồ dơ ngay cả đồ thừa thải của con người mà chúng cho là ngon, nên chúng mới ăn. Trong khi đó con người cho là con heo, con chó dơ bẩn. Nhưng nếu là chư Thiên, mỗi khi chư vị nhìn xuống cõi trần nầy, thấy con người ăn đủ loại, sống chung quanh với mình đủ loài và làm những chuyện dơ dáy khó xem, thì chư Thiên cũng xem mình giống như là con chó, con heo mà mình đã xem chúng như vậy. Ở mỗi cảnh giới có một đối tượng nhận biết của tia quang phổ. Do vậy chỗ nầy cho là sạch thì chỗ cao hơn lại cho đó là dơ.

Chư Thiên ở cõi vô sắc giới khi nhìn đến chư Thiên ở cõi sắc cũng thế thôi. Vì trên một bực, họ có lối sống khác nhau, không giống như những chúng sanh ở những cõi dưới và ngược lại nếu những chúng sanh ở các cõi dưới nhìn lên những cõi bên trên, thì họ thấy rằng những cõi bên trên là những cảnh giới giải thoát hơn, sung sướng hơn, không giống như hoàn cảnh của nơi họ đang ở.

Nếu quán được thân thể của chúng ta bất tịnh  như vậy thì tâm chúng ta sẽ chùng xuống, tự ngã sẽ được dẹp bớt. Vì tất cả những điều bên trên, khi phân tích ra, chúng không có gì là bản ngã thực sự cả. Vậy tại sao ta lại phải khổ vì nó, đau đớn vì nó, thất bại vì nó? Chỉ một điều đơn giản là mình chưa làm chủ được mình thật sự mà thôi.

 

Bây giờ đến phần quán sát về tâm của chúng ta. Thân đã có những phần chúng ta thấy được. Do đó việc quán sát thực tập về sự bất tịnh, không phải là khó. Vì có đối tượng nên ta dễ tập trung đề tài khi chiếu sâu vào từng mục một để thẩm thấu vấn đề. Còn tâm, không phải là chuyện đơn thuần để chúng ta có thể nắm bắt được. Cho nên chư Tổ thường hay dạy rằng: „tâm viên, ý mã“. Tâm ta chẳng khác nào con khỉ chuyền cây. Lúc thì thế nầy, lúc thì thế khác. Nó không bao giờ ở yên một chỗ. Ví dụ như khi nó thích thì nó thương, khi nó yêu thì nó mến; nhưng đến khi nó ghét thì cũng chính cái tâm yêu thương vừa rồi lại đổi giọng và đổi hướng; nó bảo các giác quan khác phải ghét theo nó.

Cái ý nầy cũng vậy. Cái ý tức là cái hiểu biết của cái tâm. Khi tâm làm chủ của việc đúng sai, thì cái ý nó phụ họa theo. Cái ý cũng có thể nói là cái tánh cũng không sai. Ví dụ như người kia nói rằng: „Ồ! Bà ấy cái tâm tốt lắm, mà cái tánh lại chẳng được gì“. Cả hai cái nầy nó lúc hiện hữu, lúc thay đổi, lúc có, lúc không, lúc yên lặng, lúc trổi dậy; khó có thể lường được. Bình thường chúng ta đối xử với ai thật là tử tế, nhưng một cơn giận nổi lên là mặt mày ta đỏ au và những lời nói giận dữ, không kiểm soát, kềm chế được từ đó phát ngôn ra; khiến cho kẻ đối diện phải đau lòng, mặc cảm, tự ti, ganh ghét v.v… vì sao vậy?

Vì lẽ người hay giận dữ là người hay chấp thủ. Có nghĩa là bất cứ điều gì mình làm hay việc mình nói ra đều đúng; nhưng trên thực tế không phải vậy. Vì chúng ta đứng nơi biên kiến để trả lời về việc ấy, thì việc ấy cũng chỉ đúng có một nửa là cùng; chứ không thể đúng hết 100% được. Bởi vì ta đang đứng trong vòng đối đãi thì ta sẽ không thấy được vòng ấy tròn hay méo; chỉ khi nào ta đứng ngoài vòng kia để trông vào; lúc ấy mới có thể biết được là vòng ấy có tròn hay không mà thôi. Cái chấp thủ nó là như vậy. Nó bảo mọi cái khác phải vâng lời. Nếu không, nó sẽ hù dọa tự tử, lên tiếng phê bình, chửi bới nhục mạ v.v…

Ý mã nghĩa là cái ý ấy cũng giống như con ngựa không cương vậy. Ngựa không cương thì ai có thể điều khiển nổi. Khi nào chúng ta chuyển cái ý nầy trở thành chỗ thuần thục rồi thì tâm từ bi mới sanh. Khi lòng từ thể hiện rõ nét thì những sự nóng giận, bực tức vô lý trong đời sống bình thường sẽ không có lý do để hiện hữu nữa. Cho nên Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hay nói rằng: „Nếu trong tâm của bạn có lòng từ bi ngự trị thì hận thù không có cơ hội để tồn tại nữa“. Hai điều nầy nó cũng giống như là ánh sáng và bóng tối vậy. Khi ánh sáng tới thì bóng tối phải đi. Khi bóng tối ngự trị, thì ánh sáng sẽ lùi dần vào bóng tối. Chúng ta phải làm sao cho ánh sáng ngự trị mãi mãi và nhiều hơn trên thế gian nầy, để việc thiện thể hiện rõ ràng hơn, thì con ngưòi sẽ được an lạc và hạnh phúc hơn. Ngược lại nếu chúng ta không tìm cách tiêu diệt, xa lánh bóng tối, mà còn dung dưỡng, tin theo thì ánh sáng từ bi và giác ngộ sẽ mãi còn xa đến với mình.

 

Ý tốt và ý xấu, tánh tốt và tánh xấu nó cũng giống như chất chua và chất ngọt trong một quả cam. Khi cam còn non, ta ăn nó chua; nhưng qua thời gian và năm tháng, khi trái cam chín muồi rồi, lúc ấy ta ăn sẽ thấy ngọt. Vậy thì chất ngọt ấy từ đâu đến? - Trả lời vắn tắt là từ chất chua ấy biến thành. Chỉ trong thân của một quả cam, mà qua tháng ngày, nó tự chuyển biến được dưới ánh sáng mặt trời và các ngoại duyên; nên chất chua kia đã trở thành chất ngọt. Ở đây câu „phiền não tức Bồ Đề“ cũng có thể so sánh với quả cam ấy. Trong thân ta có chứa tâm; ngoài thân không có tâm và ngoài tâm không có thân. Cả hai đều tồn tại và phát triển bên nhau. Một bên tung thì một bên hứng. Bên nầy khổ thì bên kia cũng không hạnh phúc, an lạc được. Từ những phiền não, khổ đau của cuộc sống như: tham, sân, si, mạng, nghi, ác kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà thủ là 10 chủng loại căn bản của phiền não. Chúng sẽ mang chúng ta đến khổ đau. Chúng ta phải nhận diện ra mặt mũi thật của chúng, đứa nào thuộc về tham, đứa nào thuộc về sân, đứa nào thuộc về si và từ đó ta sẽ lấy giới, định, huệ để trị nó. Nó sẽ chuyển hóa từ từ. Từ lúc còn thô sẽ chuyển sang tế. Từ lúc lớn chuyển thành nhỏ. Từ khi xấu chuyển thành tốt. Việc nầy nó cũng giống như việc thực hiện những điều lành, cũng giống như chúng ta đi từ vùng ánh sáng nầy sang vùng ánh sáng khác. Ngược lại nếu chúng ta luôn mãi bám gốc vào cội rễ của tham sân thì chẳng khác nào chúng ta cứ lần mò từ bóng tối nầy bước vào bóng tối khác. Kết quả chỉ có khổ đau và tục lụy mà thôi.

 

Trong Duy Thức học có nói về bát thức. Tức là 8 loại ý niệm của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, Mạt Na và A Lại Gia. A Lại Gia thức cũng còn gọi là tâm vương, Mạt Na được nhắc đến như là tâm chấp ngã, chấp thủ. Năm loại đầu như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân nếu ta làm chủ được, ta sẽ chuyển 5 nhóm nầy trở thành trí tuệ của Thành Sở. Ý thức theo Duy Thức học nói thì nó thuộc loại „công cũng đứng đầu mà tội cũng đứng đầu“. Anh chàng thứ 6 nầy không kém phần nguy hiểm, tráo trở khi ta dẫn tâm về lại nhà mình. Nếu chúng ta chăn tâm được, thì ý thức ấy sẽ biến thành trí  tuệ quan sát một cách tài tình. Thức thứ bảy sẽ biến thành trí tuệ bình đẳng với muôn loài và muôn vật. Khi lòng từ bi ngự trị ở nơi nầy thì kết quả của tâm sẽ là những lời diệu ngọt, đầy ắp sự yêu thương chúng sanh của một vị Bồ Tát muốn đem lòng từ để phổ độ chúng sanh.

 

Trí tuệ toàn hảo nhất là cảnh giới vẹn toàn của tâm vương. Lúc ấy ông vua của từ bi và trí tuệ đã ngự trị nơi tâm thức rồi thì mọi cảnh vật, mọi đối thủ, mọi công việc, mọi hành động… đều nhân danh từ bi và trí tuệ để ra quân, thì lúc ấy chính là lúc mà ta làm chủ được tâm của ta rồi. Nó cũng giống như những hơi thở bình thường của ta. Vào ra tự tại. Khi ta chưa làm chủ, nếu khi quán hơi thở, đếm từ 1 đến 10 rồi từ 10 trở lại một; nhiều lúc ta đếm sai, vì tâm ta đang đi dạo chơi nơi cảnh giới khác, không hiện hữu nơi cõi tâm và ta không làm chủ được hơi thở của mình. Khi nào chính ta làm chủ được tâm nầy thì ta là chủ nhân ông của mọi sự, mọi vật. Nghĩa là chúng ta đã chuyển từ chua sang ngọt; từ phiền não, khổ đau trở thành Bồ Đề cao thượng rồi đó. Việc nầy nó không khó, nhưng nó cũng không dễ. Ví dụ như chỉ một cánh cửa duy nhất, nhưng mỗi lần ta bước ra khỏi cửa thì ta bảo rằng: đi ra và khi ở ngoài vào thì chúng ta bảo rằng: đi vào. Vào và ra là hai động tác, hai trạng thái khác nhau. Vì có sự điều khiển của tâm, nên chúng ta nói như vậy; nhưng trên thực tế thì bản thể của cái cửa kia nó không vào mà cũng chẳng ra gì cả. Nếu có chăng, nó chỉ là một vật bị động của cái nhìn biên kiến mà thôi.

 

Bây giờ đến phần quán pháp vô ngã.

Hòa Thượng Thiện Siêu định nghĩa rằng: Vô Ngã ấy chính là Niết Bàn hay nói khác hơn Niết Bàn là vô ngã. Vậy vô ngã là gì? Vô ngã là không chấp vào có, chẳng chấp vào không; không chấp còn mà cũng không chấp mất. Mọi hiện tượng của có, không, còn, mất nó không có thật, mà mình tự chấp nó là thật có; nên chính mình mới khổ, nhất là khi nó đã từ bỏ mình để đi nơi khác. Lúc ấy chính là lúc mình khổ đau nhất. Nếu mình quán sát nó không có thật tướng, nó do nhân duyên giả hợp để thành tựu, thì ta sẽ không bị khổ đau chi phối.

 

Ngài Xá Lợi Phất tu theo ngoại đạo suốt gần cả một cuộc đời, nhưng chưa tìm ra lẽ đạo. Một hôm Ngài Xá Lợi Phất gặp Ngài A Thuyết Thị đi khất thực trên một con đường, với dung nghi đỉnh đạc. Ngài Xá Lợi Phất đến gần và hỏi rằng: Ngài tu theo Pháp môn gì và Thầy của Ngài là ai? Ngài A Thuyết Thị từ tốn trả lời rằng: Thầy của ta là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật đã dạy ta tu theo pháp duyên sanh.

-         Thế nào là pháp duyên sanh, thưa Ngài ?

-         Thầy ta dạy:

Tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh

Tất cả các pháp đều do nhân duyên diệt

Và tự tánh của pháp là không.

 

            Khi Ngài Xá Lợi Phất nghe đến câu thứ ba thì Ngài đã chứng quả Dự Lưu rồi. Vì lẽ lâu nay chưa có vị Thầy nào dạy được cho Ngài một pháp để tu như vậy. Kế đó Ngài Xá Lợi Phất muốn học hỏi thêm; nhưng Ngài A Thuyết Thị từ chối và khuyên Ngài nên đến học hỏi nơi Đức Phật.

 

            Ngài Xá Lợi Phất vui mừng về gặp Ngài Mục Kiền Liên và cả hai cùng rủ nhau đến trước Đức Phật xin đảnh lễ và quy y, thọ giới và hai Ngài đã thành tâm xướng lên rằng:

                        Con xin quy y Phật

                        Con xin quy y Pháp

                        Con xin quy y Tăng

 

            Thế là tánh Tỳ Kheo đã thành tựu, quý Ngài đã trở thành kẻ đầu tròn áo vuông của một Tăng Sĩ.

            Nếu hiểu tất cả các pháp trên thế gian nầy đều do nhân duyên hòa hợp mà thành tựu và cũng chính các pháp ấy do nhân duyên không hội tụ đầy đủ cho nên tan rã. Điều nầy chứng minh qua sự hình thành của quả đất và sự tan vỡ của quả đất nầy cũng giống như thế. Tuy thời gian có lâu dài đấy, nhưng pháp nhơn duyên sanh thì không đổi. Sanh và diệt là hai trạng thái của có và không. Khi còn đối đãi thì sự có không ấy xuất hiện rất rõ ràng, hiện thật; nhưng khi sự đối đãi của sự hiện hữu ấy không còn nữa, có nghĩa là nó không bị chi phối và không nữa thì chính ấy là Vô Ngã. Làm tất cả việc gì mà không có cái ngã đi kèm, thì việc làm ấy sẽ viên mãn. Làm việc gì mà còn phân biệt đối xử, bỉ thử v.v… thì việc ấy là việc còn chấp tướng, chứ không phải là Vô Ngã. Niết Bàn nó không phải là nơi chốn để đến, mà là một trạng thái của tâm khi được rảnh rang, không bị trói buộc bởi hình thức nầy hay tánh cách nọ, thì đó gọi là Niết Bàn và Vô Ngã cũng vậy.

 

            Quán sát phần thứ tư là quán thọ thị khổ.

            Thọ đây là tất cả những sự cảm thọ về các loại như: sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp. Khi ta tiếp xúc với sắc trần, ta cảm nhận được cái nầy hay cái kia dở; cái nầy đẹp cái kia xấu v.v…; nhưng thực tế của bản thể thì nó không xấu mà cũng chẳng đẹp. Ví dụ như nước chảy qua chỗ có bùn thì nước đục; nước chảy qua chỗ sỏi cát thì nước trong. Khi cảm thọ của tâm ta nhằm lúc nước bị đục hay được trong, thì ta cho rằng đó là nước trong hay nước đục; nhưng bản thể của nước vẫn là trong. Nếu ta thấy được tự tánh của nó; tức là ta đã bước ra ngoài mọi lãnh vực đối đãi của cuộc đời nầy.

            Sự cảm thọ của âm thanh, mùi hương, vị ngọt v.v… cũng là những cái khổ đi kèm do tâm dẫn dắt. Nếu ta không làm chủ được mình thì những loại nầy nó sẽ tìm cách làm che mờ tâm của ta. Nó cũng là một loại ma Ba Tuần làm cho tâm ta không thể sáng suốt nhận định đâu là đúng, đâu là sai; đâu là chánh, đâu là tà. Nó cũng giống như tình yêu, nó đánh lừa nhãn quan và nhận thức của ta. Khi yêu thì ta thấy cái gì cũng đẹp cũng hay. Người đối diện sao mà mỹ miều, duyên dáng quá. Nếu có ai đó góp ý vào là tại sao lấy cô đó, thì ta sẽ phùng mang, trợn mắt lên ngay. Vì lúc đó sự cảm thọ của yêu đương nó đang ngự trị trong tâm và cảm thọ nầy là cảm thọ cao nhất trong lúc ấy; cho nên khi người khác đề cập đến thì động chạm đến tự ái và bản ngã của mình; nên mình phản biện ngay. Nhưng nói cho cùng thì sự cảm thọ nầy căn bản của nó vốn là phiền não và khổ đau; nhưng ta không nhận biết ra thôi; đến khi sự thật phũ phàng kéo đến qua thời gian chung sống với nhau, những cảm thọ yêu đương lúc ban đầu không còn nữa. Lúc ấy chính là lúc đem những tật xấu ra tố khổ với nhau, rồi ly dị, ly thân v.v… Lúc ấy chỉ có nhắm vào tiền của để chia chác; chứ tình yêu đã cao bay xa chạy rồi. Cho nên khi quán sát về sự cảm thọ nầy, ta phải nhận chân ra mặt thật của nó.

 

            Đến cảm xúc và pháp trần cũng như vậy thôi. Bởi vì sự chấp thủ là chính; cho nên cái nào thuận với tâm thì tâm ấy sẽ cho phép mình phán xét sự kiện để chấp nhận hay tha thứ. Cảm nhận của sự va chạm, sờ mó ta thấy mịn màng, trơn láng, thô xấu, mềm mại hay cứng cỏi v.v… cũng là những sự cảm thọ tương đối khi ta va chạm vào một vật gì hay một sự sở hữu nào đó. Nhưng tất cả cũng đều là giả; chẳng có gì thật cả. Từ khứu giác đến vị giác và thính giác… tất cả chúng ta đều bị đánh lừa. Thế mà chúng ta không biết nguyên nhân của những loại nầy đều mang đến cho chúng ta sự khổ đau; chứ ngoài khổ đau ra không còn cái gì khác nữa.

 

            Nhiều người thất tình, thất chí thường hay muốn uống rượu để tiêu sầu; hút thuốc để quên đi sự nhiễu nhương của trần thế; khi nhìn khói thuốc bay hay đánh bạc để quên đi những phiền muộn; nhưng kết quả là gì, chắc ai trong chúng ta cũng đã rõ: càng uống rượu người ta càng say; khi say rồi thì trí tuệ dần kém, phước đức hao mòn, không còn ai tới lui làm bạn với ta nữa. Lúc ấy chỉ có rượu là bạn của mình; nhưng chất men nầy sẽ đưa ta đi vào con đường trụy lạc.

 

            Thuốc lá và đánh bạc cũng thế. Ban đầu ta chưa biết hút thuốc cũng muốn hút thử. Khi đã ghiền mùi thuốc lá rồi thì không thể bỏ được. Cho nên nhiều người dám tuyên bố rằng: “Vợ có thể bỏ, nhưng thuốc thì không thể bỏ được”. Đó chỉ là một loại trong tứ đổ tường; khi ta lớn lên ta mới tập thử, thế mà khi đã nhiễm mùi rồi thì không thể nào bỏ được; huống là những nhân tố cội gốc của tham, sân, si, vốn có từ trong vô lượng kiếp, làm sao chúng ta có thể nhổ cho nó đứt phăng cội rễ nầy được. Thật là thiên nan vạn nan, chứ tuyệt nhiên không phải dễ.

            Ai cũng biết rằng:

            Bài bạc là bác thằng bần

            Cửa nhà tan nát ra thân ăn mày

 

Nhưng sòng bạc vẫn dựng lên khắp nơi và dụ người không làm chủ được mình khi cảm thọ hơn thua đủ và muốn chiến thắng làm chủ; nên mới ra nông nổi ấy. Mới đây ông Hoeneß là Chủ tịch Hiệp hội đá banh của đội banh München đã khai trước tòa rằng: chỉ trong một ngày ông đánh bạc lỡ thua đến 18 triệu Euro tại Thụy Sĩ. Đây là số tiền không nhỏ trong việc ông trốn thuế trong 28 triệu Euro mà ông đang sở hữu.

 

            Rõ ràng là những cảm thọ ấy gây nên khổ đau cho chính mình, cho con người, cho những người gần gũi với mình. Dầu cho có sám hối, ngồi tù đi nữa thì vết nhơ của lương tâm, của lịch sử loài người vẫn còn đó, không và chưa bao giờ có thể xóa nhòa đi được sự sai trái của mình gây nên cho người, khiến cho phải mang họa vào thân.

            Nếu chỉ cần quán sát tận tường “Tứ Niệm Xứ” nầy thì tâm ta sẽ dửng dưng trước mọi sự việc xảy ra trên cuộc đời nầy. Dầu cho ai đó có chửi ta, khen ta, chê ta, hờn trách ta, tán thưởng ta, hạ bệ ta, nói xấu ta hay dua nịnh ta v.v… tất cả cũng chỉ là những hiện tượng mà thôi. Vì thế hãy sống với chính mình và nương vào giáo lý vô ngã của Đức Phật để đối trị tâm nầy thì tâm ta sẽ thảnh thơi tự tại, bằng ngược lại, chúng ta lúc nào cũng chấp nhứt, chê trách v.v… thì cuối cùng chỉ có mình bị khổ, chứ người khác không khổ gì cả.

 

            Một kinh nghiệm bản thân của chúng tôi thường ứng dụng lâu nay trong cuộc sồng hằng ngày, muốn gởi đến quý vị và nếu quý vị ứng dụng được, thì đó là một điều lợi ích vô cùng cho tâm mình. Nếu mình có thấy hay nghe thì cũng nên chỉ thấy và nghe cái tốt của người khác, đừng bao giờ chỉ thấy hay muốn thấy cái xấu của người đối diện và dẫu cho người đối diện có nói xấu mình đi nữa thì mình xem như việc khen, chê vốn là chuyện thường tình trên thế gian nầy. Căn bản của nó là không thật tướng thì mình chấp vào đó để làm gì? Khi quý vị thực hiện được điều nầy thì trong tâm của quý vị sẽ tích tụ được nhiều tình thương hơn là hận thù; nhiều điểm tốt hơn là điểm xấu. Lúc ấy tâm của quý vị sẽ bao dung hơn và tâm tha thứ, vị tha sẽ vượt lên trên tất cả. Lúc ấy chính là lúc mình tự tại vô ngại nhứt. Bạn hãy thử thực tập và chắc chắn kết quả sẽ như nguyện ở một ngày không xa; không có gì khác hơn điều nầy mà tôi đã trình bày với bạn. Một cảm giác an lạc sẽ bao phủ toàn thân, một sự hoan hỷ sẽ thể hiện đầy đủ ở khắp mọi nơi và mọi chốn.

 

            Mọi việc trên đời đều không qua khỏi cái thẩm thấu của tâm, thì sự chết hay sống, còn hay mất, có hay không v.v… nó cũng giống như một đám mây bay giữa bầu trời, như có lần Minh Châu Hương Hải Thiền sư thời Trịnh Nguyễn phân tranh đã nói:

            Nhạn quá trường không

            Ảnh trầm hàn thủy

            Nhạn vô lưu tích chi ý

            Thủy vô lưu ảnh chi tâm

 

Nghĩa:

 

            Nhạn bay trên không

            Ảnh chìm dưới nước

            Nhạn chưa có ý lưu dấu

            Nước cũng chẳng có tâm giữ lại dấu kia

 

            Chỉ chừng ấy thôi, cũng sẽ làm cho tâm ta an lạc. Tôi mong rằng: tất cả chúng ta sẽ được như vậy.

 

            Viết xong 4 chương nầy tại Tu Viện Viên Đức Ravensburg thuộc miền Nam nước Đức vào ngày 7 tháng 4 năm 2014.

 

 

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/12/2017(Xem: 7193)
Cái Chết Không Phải Là Sự Chấm Dứt. Tác giả: Tulku Thondup Rinpoche , TT Thích Nguyên Tạng dịch
21/11/2017(Xem: 10474)
Đọc dịch phẩm”Thiền học về sống và chết” của Thiền Sư Philip Kapleau Do Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển và Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng dịch từ Anh Văn sang Việt ngữ. Thích Chúc Hiếu
15/11/2017(Xem: 6088)
Chuyển Hóa Tương Lai của đời mình - Tulku Thondup Rinpoche - Thích Nguyên Tạng dịch
01/11/2017(Xem: 6564)
Thiền Quán về Sống và Chết, Đại Sư Philip Kapleau Việt dịch: TT. Thích Nguyên Tạng
26/10/2017(Xem: 7115)
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã mở đầu bài thơ Nguyện Cầu (1) bằng câu hỏi ấy. Hỏi mà không hỏi; vì trong câu hỏi đã hàm ý trả lời: ta đi không để lại gì. Vì sao? – Vì núi sông còn lở, còn bồi, thì một thân bé nhỏ nầy có chi bền chắc mà lưu lại với đời. “Ta còn để lại gì không? Kìa non đá lở, này sông cát bồi.”
24/10/2017(Xem: 6228)
Cái Chết không phải là sự chấm dứt, Nguyên tác:Tulku Thondup , Thích Nguyên Tạng dịch, Đối với mọi người nói chung thì lúc chết là khoảng thời gian quan trọng nhất. Dù là người Đông Phương hay là người Tây Phương, dù là Phật tử hay tín đồ của một tôn giáo nào khác, dù là người có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, người ta cũng đều giống nhau ở điểm này. Khi thần thức rời khỏi thể xác vốn thường được quý trọng của mình, thì đó là khúc quanh quan trọng nhất của đời người, vì cái chết sẽ đưa người ta đi tới một cõi giới bí ẩn.
15/10/2017(Xem: 5270)
Đối Diện Với Cái Chết - Đại Sư Philip Kapleau Việt dịch: TT. Thích Nguyên Tạng
07/10/2017(Xem: 5557)
Đức Đạt Lai Lạt Ma hôm qua (3-10) trong khi cầu nguyện và chia buồn với các nạn nhân bị bắn chết ở thành phố Las Vegas (tiểu bang Nevada) của Hoa Kỳ, cho biết đó là một bi kịch không thể tưởng tượng được do thiếu sự tôn trọng đối với mạng sống và lòng trắc ẩn đối với đồng loại.
27/06/2017(Xem: 6403)
Khoảng 2.500 thành viên gia đình, bạn bè và người dân bang Ohio đã đến cầu nguyện trong đám tang Otto Warmbier, sinh viên Mỹ tử vong sau khi bị hôn mê trong nhà tù ở Triều Tiên. Hàng ngàn người tham dự đã xếp thành 2 hàng khi quan tài của Otto được đưa vào Trường Trung học Wyoming làm lễ tang. Đây là ngôi trường học cũ của Otto Warmbier hồi trung học.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]