Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. Tâm thức của người mất sau 49 ngày

24/10/201407:01(Xem: 94973)
05. Tâm thức của người mất sau 49 ngày

HIỆN TƯỢNG của TỬ SINH

Tác giả:  Thích Như Điển

Ấn Hành  PL. 2558 – DL. 2014
***

 

 

 

Chương Năm

 

Tâm thức của người mất sau 49 ngày

 

 

ỞChương bốn chúng tôi có đề cập đến vấn đề đi đầu thai; nhưng chưa đi vào chi tiết lắm. Do vậy, chương nầy sẽ giải thich tỉ mỉ để độc giả có cái nhìn xác thực hơn, qua kinh điển của Phật Giáo. Đặc biệt ở đây là Phật Giáo Đại Thừa.

Trên nguyên tắc, nếu người nào muốn kiếp sau vẫn trở lại làm người, thì trong hiện kiếp chỉ cần thực hiện Tam Quy và Ngũ Giới một cách trọn vẹn thì khi trở lại làm người sẽ được hưởng phước báu của những người đã giữ giới. Đó là: không sát sanh, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối và không dùng những chất say.

Những người ở hiện kiếp đã tu Thập Thiện một cách trọn vẹn làm phước, bố thí, cúng dường cũng như tu Lục Độ Ba La Mật thì khi thần thức vừa rời khỏi xác, liền được bay bổng lên cao và nhập vào cảnh giới của chư Thiên, từ cõi trời Sắc giới trở lên Vô sắc giới. Nếu ai tu Bồ Tát Hạnh; thực hành Lục Ba La Mật như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, thì có thể trở thành Bồ Tát để hóa độ chúng sanh.

Những ai cầu vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ thì Phật và nhị vị Thánh Chúng sẽ đến nghinh tiếp chúng ta khi hơi thở không còn vào ra nơi thân thể nầy nữa và tùy theo hiện thế đã trồng được những căn lành gì; để cửu phẩm liên hoa ở Tây Phương được tương xứng hay cao hơn như thế nữa.

 

Riêng những người không tin nhân quả, tội phước báo ứng và không có thiện hữu trí thức đi cùng cũng như chẳng có tâm sám hối khi làm những việc ác báo, thì chắc chắn khi thần thức lìa khỏi xác phàm; ma vương, quỷ sứ sẽ đến nghinh tiếp về chốn Diêm Đài để trị tội và xét xử.

Như vậy chúng ta thấy tổng cộng có 4 loại để đi đầu thai hay giải thoát; hoặc đọa lạc. Dĩ nhiên cũng có nhiều biệt lệ; nhưng nói chung là như vậy. Ở đây chúng tôi chỉ đi chi tiết về việc Thân trung ấm đi đầu thai làm người; còn những loại đầu thai khác, xin được tĩnh lược, không đề cập nhiều ở trong sách nầy.

Lúc còn sống, nếu con người có ý muốn tái sanh trở lại làm người, thì với cái nhân ấy, nó sẽ dẫn dắt thần thức của mình nghiêng về hướng đó, mà không thích đi lên, cũng chẳng muốn đi xuống; nghĩa là đi ngang để chọn nghiệp và đầu thai. Nếu trong quá khứ người ấy có tâm luyến ái với kẻ nào nhiều, thì chính đây là cái nhân để thần thức ngã về hướng đó. Nó sẽ đi tìm cho đến khi nào gặp được; giống như ý của nó muốn mà thôi. Thời gian có thể từ khi mất cho đến 49 ngày. Đây là thời gian quyết định để tâm thức đi đầu thai.

 

Tâm thức rơi vào trạng thái sáng suốt, biết người khác một cách dễ dàng; nhưng người khác không thể thấy và biết tâm thức của mình. Nhiều khi tâm thức làm những cử chỉ bình thường; nhưng những người thân thương nhất cũng không thể hiểu. Bắt đầu từ giờ phút tắt hơi thở cho đến 1 rồi 2 hay 3 tiếng đồng hồ. Tâm thức ấy hân hoan, vui vẻ quan sát thấy tất cả mọi hình ảnh, động thái và cảnh vật chung quanh; trong khi những người thân đứng bên cạnh cái xác bất động ấy đang lo toan, khóc lóc. Tâm thức muốn bảo người thân như: cha, mẹ, vợ, con và những  người thân thuộc đừng làm như vậy; nhưng chẳng ai hiểu cả. Thế rồi thời gian cứ thế trôi qua, tâm thức thấy những người thân chẳng ai để ý đến mình; nên đã tìm cách bay đi xa hơn nữa. Thỉnh thoảng lại về nhà để thăm vợ, con và bà con quyến thuộc của mình; nhưng lại chẳng thấy ai để ý đến; nên cứ thế lại ra đi. Tâm thức bây giờ có tính cách quyết đoán và tự lập hơn. Nghĩa là đi tìm cái gì mình thích và mình muốn; chứ không đợi chờ người thân nữa. Có thể là ngay trong ngày đầu, tâm thức ấy đã đi đầu thai làm người đâu đó; nhưng cũng có thể là ngày thứ 2 cho đến 7 ngày đầu. Nếu không thể gá thai được vào nơi mình mong muốn thì tâm thức ấy lại chết đi để đi đầu thai tiếp vào tuần thất thứ 2 và thứ 3 cho đến thất thứ 7. Cứ bắt đầu mỗi tuần thất là một sự lựa chọn. Do vậy, nếu thân nhân muốn cho tâm thức đi đầu thai một cách dễ dàng, thường hay cúng thất vào ngày chưa chết; nghĩa là ngày còn sống để tâm thức ấy có thể hưởng phước báu của người cúng, mà có thể đi chọn nghiệp nhanh hơn, đồng thời sẽ được ở vị trí làm người cao hơn bình thường và sẽ hội đủ được cả 3 điều kiện để đi đầu thai. Đó là cha mẹ tương lai của tâm thức ấy đã sẵn sàng sinh con chưa. Tinh trùng và noãn sào đã đến thời kỳ khế hợp chưa? lúc ấy tâm thức mới gá vào thai mẹ được. Nếu thiếu 1 trong hai hay 2 trong 3 điều kiện trên, thì một chúng sanh tương lai không thể thành hình. Do điều kiện nầy cho nên ta vẫn thường thấy những bào thai sinh ra thiếu tháng, bị chết yểu, hoặc cha mẹ không muốn sinh con, mà con vẫn sinh ra để báo ân hay báo oán nợ xưa. Nếu trong 3 trường hợp trên được hội đủ thì kết quả sẽ như sau:

Nếu thai nhi là con trai; nó sẽ nhận mẹ nó trong tương lai là VỢ của nó trong khi cha mẹ liên hệ thế xác với nhau. Nếu nó là con gái thì nó sẽ nhận cha nó trong tương lai là CHỒNG của nó trong lúc hiện hữu thể xác của hai người; để rồi đến 9 tháng 10 ngày gồm 38 tuần lễ 7 ngày như vậy, một chúng sanh lại ra đời. Mỗi tuần lễ trong 7 ngày các chủng tử của một con người được cấu thành và qua tứ đại gồm: đất, nước, gió, lửa chúng sanh ấy sẽ có 404 thứ bệnh đi kèm; chung với 84.000 lỗ chân lông của những loại trần lao phiền não. Một con người được xuất hiện (theo kinh Đại BảoTích, phẩm thứ 40 Nhập thai).

Cho nên khi mang thai là con gái, người mẹ sẽ kém vui và nếu là con trai, thì ngược lại. Khi sinh ra đời, đứa bé trai sẽ được mẹ thương hơn và đứa bé gái, người cha có nhiều tình yêu thương hơn. Dĩ nhiên điều nầy chỉ có tính cách ước lệ; chứ không là tổng thể. Điều ngoại lệ bao giờ cũng đi kèm cho mọi sự kiện trên thế gian nầy. Từ tình thương khác phái, dầu là cha con hay mẹ con; nếu quá gần gũi; nghiệp xưa sẽ hình thành. Vì lẽ người bây giờ được gọi là con đó, ở một kiếp quá khứ xa xôi nào đó, là chồng, là vợ của chính mình đời nầy và do tâm ái nhiễm ấy mà cứ mãi quấn quýt lẩn quẩn bên nhau, để làm chồng hay làm vợ với nhau trong nhiều đời nhiều kiếp như vậy. Trong kinh Bồ Tát giới nói rất rõ về điều nầy. Đó là: „Tất cả nam tử là cha ta và tất cả nữ nhơn là mẹ ta. Ta chẳng ăn thịt chúng sanh, bởi vì ta không ăn thịt cha ta và mẹ ta“.

Nếu nhìn từ điểm nhìn nhân bản nầy thì con vật cũng có thể là cha mẹ mình ở đời trước. Cho nên người tu học, muốn thoát ly sinh tử luân hồi. Điều đầu tiên là phải đoạn trừ ái dục. Ái là nguyên nhân chính trong 12 nhân duyên và qua vô minh, khiến cho con người của chúng ta luôn bị dòng tử sinh, sinh tử chi phối. Người xuất gia sở dĩ không thành lập gia đình, thì đây là lý do chính. Vì còn ái ân là còn bị chi phối bởi nghiệp lực và sự đầu thai. Chỉ khi nào ra khỏi con đường sinh tử; lúc ấy mới là lúc giải thoát được sanh tử luân hồi. Thực sự ra việc lập gia đình, sinh con đẻ cái, nó không là việc xấu xa, tội lỗi; mà nó là cái nhân để tiếp tục sinh ra cái quả như trên.

 

Ở đây chúng ta cũng nên phải rõ ràng thêm vấn đề nầy nữa. Gần đây có nhiều người quan niệm rằng: chỉ niệm Phật A Di Đà thôi, là có thể thành Phật. Dầu cho là Cư sĩ và sự hộ niệm cho ma chay không cần thiết đến các vị Tăng sĩ để hộ niệm nữa. Đây là một quan niệm vô cùng tai hại và sai trái. Vì lẽ chưa có một Cư sĩ nào được thành Phật, mà ái ân vẫn còn trong hiện tại. Nếu nói giải thoát vãng sanh về thế giới Tây Phương thì có thể; chứ không thể nói là thành Phật được.

 

Phật Giáo Nam Tông cũng định nghĩa việc nầy tương tự như vậy. Một vị A La Hán; có nghĩa là Vô Sanh hay Khất sĩ, Sát Tặc. Đã là A La Hán thì không còn bị sanh tử chi phối; nhưng hầu như chưa có một vị Cư sĩ nào còn đang mang ái dục trong người mà chứng được A La Hán. Đặc biệt bên Nam Tông; chỉ có người xuất gia mới chứng được quả vị nầy. Nếu có chăng, chỉ là những vì Bồ Tát hay A La Hán hóa thân làm Cư sĩ để chứng quả vị nầy. Chứ tuyệt nhiên ngay cả Đại Thừa hay Nguyên Thủy, quả vị Phật và A La Hán chỉ riêng người xuất gia, cắt lìa ân ái mới có thể chứng. Còn nếu là Cư sĩ tại gia chỉ có thể chứng đến quả vị Bồ Tát hay 3 quả đầu trong 4 Thánh quả mà thôi (Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm và A Na Hàm). Do đó ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng nên cung thỉnh chư tôn đức Tăng Ni đi trợ duyên hộ niệm cho người sắp lâm chung, lại là điều tối cần thiết; ngoại trừ những nơi không có Tăng Ni thì các vị Cư sĩ có thể đảm trách việc nầy.

Những ai không được cúng quảy, lo lắng cầu nguyện hay làm phước bố thí cúng dường trong vòng 49 ngày nầy thì tâm thức ấy khó có thể đi đầu thai một cách nhanh chóng, mà phải tìm cách để đi đầu thai vào lục thú. Đặc biệt là ở những cõi như A Tu La, Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sanh. Ở đây chúng ta có thể tìm hiểu thêm về những loại quỷ, thần và ma.

 

Trong luật Phật dạy rằng: “Chư Thiên ăn buổi sáng, Phật dùng ngọ trưa, súc sanh ăn sau giờ ngọ, quỷ ăn vào ban đêm“. Vì loài quỷ tượng trưng cho sự tham lam, bỏn xẻn; nên bụng nó to, đầu nó lớn và đặc biệt là cổ của quỷ rất nhỏ. Do đó nó không ăn được những loại vật  thực bình thường, mà những vật đó phải hóa thành lửa, chúng mới ăn được. Trong luật Sa Di giới thứ 9 có một đoạn nói về không được ăn phi thời vì „ngạ quỷ văn bát, yết thinh hỏa khởi“. Nghĩa là khi loài quỷ đói nghe tiếng khua của chén bát thì lửa bắt đầu đốt cháy chúng. Vả lại cổ họng của quỷ rất nhỏ, khi nghe chén bát khua, chúng nhướng cổ lên và vì thế cổ nhỏ kia bị đứt lìa khỏi thân thể. Người xuất gia vì lòng từ bi, thương tưởng những loài vật khác, không nỡ hại lòng từ. Do vậy chư Tổ và chư Phật đã chế giới nầy có liên quan đến đời sống của ngạ quỷ là như thế.

 

Vậy có ai đã thấy quỷ chưa ? Dĩ nhiên là đã có người đã được thấy rồi và cũng có kẻ muốn thấy. Nhưng không phải ai cũng thấy được và cũng không phải khi thấy rồi mới tin là có quỷ. Điều ấy hẳn không nhất thiết phải là như vậy. Vì ở trên thế gian nầy, chúng ta đâu có cần phải ở tù, để biết rằng những người ở tù là khổ cực. Nếu có ai đó kể lại đời sống trong tù như thế nầy hay như thế kia, liệu chúng ta có tin không ? Đó là những nhân vật sống, sau khi mãn hạn tù, họ kể cho ta nghe, mà ta còn không tin, lại còn đòi vào tù để xem ra sao nữa, thì quả là phí công vô ích. Ở đây cũng thế, Đức Phật dùng trí tuệ siêu việt của mình để thấy rõ sự sinh hoạt trong 6 nẻo 3 đường khốn khổ như thế nào và từ đó Ngài đã chỉ cho chúng ta phương pháp để diệt trừ khổ. Thế mà có người vẫn còn  nghi ngờ, thử hỏi còn ai có thể nói để cho họ tin ? Có khi lúc họ hiểu được rồi, thì cái hiểu sau lại thua cái hiểu trước nữa. Thế giới thì vô cùng, mà sự hiểu biết của chúng ta thì có giới hạn. Do vậy khả năng của chúng ta chỉ hạn hẹp trong một phạm trù nào đó mà thôi; chứ không thể hiểu hết mọi việc trong cuộc đời nầy được.

 

Thần là gì ? Thần là những vị đã siêu phàm. Tuy nhiên họ gồm 2 loại là Thiện Thần và Ác Thần. Thiện Thần A Tu La hay hộ trì Phật Pháp, giúp đỡ cho những người khó khăn. Còn Ác Thần A Tu La chỉ hay đi gây sự, tranh đấu, kiện cáo với nhau. Những câu chuyện trong kinh Trường A Hàm, Trung A Hàm, Đức Phật đã kể lại nhiều lần các loài A Tu La đi đánh nhau với cõi trời Tứ Thiên Vương. Hầu như lần nào A Tu La cũng bị thua. Các vua của A Tu La bị bắt và cung điện của A Tu La cũng đã nhiều lần bị Tứ Thiên Vương ngự trị. Đây là loại thần vừa thiện mà vừa ác, tạo nên sự lo sợ, tranh đấu với nhau.

 

Ma đây là những thế lực xấu hay làm hại những người tu hành; nhất là Thiên Ma Ba Tuần. Họ là những chúng sanh ở cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên. Một ngày sống ở cõi nầy (cõi thứ 15 trong cõi Dục giới) bằng 1.600 năm ở cõi thế gian nầy. Họ tuy có thọ mạng lâu dài; nhưng hay hiện ra những điềm dữ để che mắt, lừa dối Thánh Nhân và ngay cả Đức Phật.

Ngài A Nan đã bị Thiên Ma Ba Tuần gây trở ngại lúc Đức Phật sắp vào Vô Dư Y Niết Bàn. Đức Phật dạy rằng: Một bậc Đại Giác Thế Tôn sẽ được trụ thế lâu hơn trên cõi đời nầy; nếu có sự thưa thỉnh; nhưng lúc ấy Ma Ba Tuần đã hiện ra và che mất sự suy nghĩ của Ngài A Nan; nên Ngài A Nam chỉ mê man như người ngái ngủ. Đến khi nhớ lại lời của Đức Phật dặn, Ngài A Nan thưa thỉnh, thì đã trễ rồi. Vì lúc ấy Đức Thế Tôn đã vào Nhập Diệt Tận Định lần thứ hai rồi.

Đức Phật dĩ nhiên là Ngài không lầm; nhưng Thiên Ma Ba Tuần lợi dụng lúc Đức Phật dễ dãi, ít quan tâm, chúng lại xen vào. Ví dụ như khi Ngài sắp thành Phật ở dưới cội Bồ Đề, Thiên Ma Ba Tuần đến dụ dỗ, quyến rũ, lôi kéo… cuối cùng đã không thành công; nhưng chúng quyết kỳ kèo cho được một lời hứa của Đức Phật và Ngài đã bảo với Thiên Ma Ba Tuần rằng: „Khi nào Đệ tử xuất và tại gia của ta đủ các chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di thì ta sẽ diệt độ“. Căn cứ theo lời hứa nầy của Đức Phật mà Ma Ba Tuần đã bám sát theo Ngài trong suốt 45 năm hoằng hóa đó đây, để rồi chỉ với một căn bệnh xoàng, mà Ma Ba Tuần đã hiện ra lúc Ngài ở tuổi 80 và Ngài đã chấp nhận lời thưa thỉnh của Ma Ba Tuần là: còn 3 tháng nữa Ngài sẽ vào Vô Dư Y Niết Bàn.

Đó là những loài ma có uy đức. Chúng có thể dùng những xảo thuật của mình để ám hại những bậc sắp ra đời cứu nhân độ thế. Vì lẽ người xưa cũng thường hay nói rằng: „Phật cao nhứt xích, ma cao nhứt trượng; ma ở đầu trượng, Phật tại hư không“. Kể ra Ma luôn luôn bằng một phần mười của Phật. Nơi nào có Phật là nơi ấy có Ma. Vì vậy những người tu hành chân chính cũng hay bị ma quấy nhiễu là chuyện thường tình. Nhưng điều quan trọng chúng ta phải cần nắm rõ là: „cái thiện luôn luôn thắng cái ác và cái chánh luôn thắng cái tà“. Những loại Ma nầy dầu cho có ở trong bất cứ cõi trời nào trong Dục giới nầy, thì họ vẫn là Ma chứ không thể là Phật, là Bồ Tát hay A La Hán được.

Đa phần những loài ma ít có uy đức; nên hay dựa vào những người thiếu niềm tin, thiếu nghị lực cũng như ít hiểu biết để phá hoại hoặc chọc phá, tạo ra những việc không đâu.; cốt làm cho người và người nghi ngờ nhau, khó cảm thông với nhau. Chỉ vì căn bản của các loài ma; loài quỷ thần nầy là tánh tham lam, bỏn xẻn, đố kỵ lẫn nhau; nên hay gá vào những người cũng có tánh như vậy để dễ hành hoạt trong cuộc sống của loài nầy.

Do những lý do như trên; nên khi người Phật tử tại gia quy y Tam Bảo rồi thì không quy y theo Thiên Thần và quỷ vật nữa. Vì thiên thần và quỷ vật kia không phải là những bậc xuất thế gian, dễ lôi kéo con người vào chỗ tội lỗi, sa đọa.

 

Quỷ thần thường hóa sanh từ loài người thì tâm địa vẫn còn gần gũi với chúng sanh ở cõi Nam Diêm Phù Đề nầy; nên khi các bậc Đại Sư khai thị về vô thường, khổ, không và vô ngã v.v… chắc chắn một điều chúng dễ lãnh hội hơn là những loài thấp hơn, khi đầu thai làm quỷ thần. Đa phần những loài quỷ thần nầy đều không biết đến Tam Bảo. Do đó việc quy y và giữ giới là điều khó có. Tuy nhiên nếu có vị Thần nào muốn gần gũi và phụng trì ngôi Tam Bảo thì các vị Đại Sư có thể khai thị, chỉ bày cho họ phương pháp tu hành, bỏ dữ làm lành, trở về với những điều thiện lương, để không còn phá phách nữa. Từ đây chúng ta thấy rằng: đã làm được thân người là một phước báu lớn rồi. Cái phước do cha mẹ sinh ra, có đầy đủ ngũ căn, được nghe, được học và được hiểu giáo pháp của Phật mà không chịu cải tà quy chánh, quy y Tam Bảo, ăn chay niệm Phật thì quả là điều phí phạm vô cùng. Vì chúng ta đâu có ai có thể biết được rằng: khi lỡ bị đầu thai làm thân ma hay quỷ thần thì làm sao có thể gặp được Phật Pháp một cách dễ dàng như khi còn làm thân người. Đối với Đạo Phật, không có gì là bắt buộc; ngay cả vấn đề giới luật. Với giới luật chư Phật muốn ngăn ngừa tội lỗi của người tại gia và người xuất gia nên mới chế ra giới, nhằm thăng tiến đời sống tâm linh và đời sống đạo đức của mỗi người. Còn chúng ta thực hiện trọn vẹn hay chỉ được một phần, Đức Phật cũng không phạt mình và mình cũng không phải vì thế mà vào địa ngục. Có chăng, tất cả đều do tự mình tạo ra mà không biết sám hối, ăn năng nên mới ra nông nổi ấy. Do vậy việc thọ giới cũng như giữ giới là một cơ hội để chúng ta làm đẹp bản thân và đời sống tâm linh của mình. Cho nên trước khi lâm chung mà được thọ giới tại gia và xuất gia là điều cần thiết vô cùng.

 

Với những người bị ám sát, tai nạn máy bay, tai nạn lưu thông hay bị chiến tranh, động đất, sóng thần v.v… là những điều mà người chết không dự tính trước. Có thể họ còn rất trẻ, mà cũng có thể là những kẻ đã già nua. Hoặc giả họ là những người đang có địa vị trong xã hội, đang độ xuân thì v.v… thì ít ai nghĩ rằng cái chết nó đến nhanh như vậy; nhưng bom rơi, đạn lạc, tai nạn lưu thông xảy ra nhan nhãn hằng ngày trên thế giới, khiến cho có không biết bao nhiêu người phải chết oan uổng; có thể họ quên hết quá khứ đã được làm người. Ngay lúc ấy họ bị rơi vào một trạng thái hỗn loạn; không tự làm chủ mình được; cho nên tâm thức có thể bỏ Thân trung ấm phải trải qua trong vòng 49 ngày mà rơi vào trạng thái hôn mê và đi đầu thai làm ma quỷ hay những vị thần gần gũi với mình nhất.

 

Đối với những người chết lâu năm, không có người cúng quảy, cầu nguyện, hồn ấy vất vưởng đó đây; đói khát muôn bề. Nếu có một cơ hội nào đó, họ hay dựa vào người thân hay người có năng lực để nói lên điều mình muốn nói, mà lâu nay chưa có thể nói được. Từ những việc nầy chúng ta thấy nhiều hiện tượng lạ của những người vốn sống chất phác bình thường; nhưng có ai đó nhập vào thì họ khác hẳn, đổi giọng nói và mắt láo liên, ít bình thường. Người chung quanh sẽ sợ họ; nhưng đó chỉ là một hiện tượng mà thôi. Sau khi trì chú hay cho uống nước cúng Phật; hoặc giả làm lễ quy y cho họ thì họ sẽ ra đi và trả lại thân xác bình thường của họ đã nhập vào người khác để nói điều muốn nói. Trong những trường hợp nầy; nên thỉnh chư Tăng Ni trong Phật giáo, giáo hóa và quy y cho họ. Không nên nhờ các vị Pháp sư đến để trừ tà cứu quỷ. Vốn là điều mà chính các quỷ thần cũng không muốn. Vì họ cũng muốn được sống trong thế giới của họ. Chẳng ai muốn bị đoạn tuyệt với quá khứ; nếu không có lý do và không được hướng dẫn một cách rõ ràng.

 

Quý Thầy bên Phật Giáo thường không bắt nạt các loại quỷ thần mà chỉ cầu nguyện cho họ được siêu thoát, hóa kiếp và hay có thái độ thương xót, muốn giúp đỡ họ thoát kiếp; chứ không phải dìm họ xuống, không cho họ ngất đầu lên, để cho người khác được sống. Nhiều khi các quỷ thần thường hay giận tức, đập phá hay tìm cách hại lại người mình đang mượn xác để gởi hồn nữa. Cho nên những Đại Lễ Trai Đàn Chẩn Tế chư Tăng hành trì nghi thức Du Già, mục đích là để siêu độ cho những hương linh nầy. Nào là chết oan, chết cháy, chết chìm, chết không có mồ yên mả đẹp; chết bụi, chết bờ. Cho nên trong kinh Phật dạy có nhiều loại cô hồn khác nhau. Nào là 10 hay 12 và đôi khi kể ra đến 36 loại tất cả. Mỗi loại có một cách sống riêng và có một cảnh giới riêng; nhưng khi đã tham dự được vào pháp hội cam lồ giải cứu hồn oan, thì tất cả đều được ân triêm lợi lạc; cả âm lẫn dương cách nhau đôi ngã, vẫn có thể hiểu rõ như thường.

 

Ở tại các chùa mỗi ngày vào lúc 17:00 giờ thường hay có nghi thức cúng Mông Sơn thí thực. Đây là một nghi lễ xuất xứ từ Trung Hoa được cử hành tại núi Mông, dựa theo việc Ngài A Nan nhập định thường thấy con quỷ xuất hiện trong động đá của mình; nên cầu Phật giáo hóa. Từ đó các nghi lễ và giáo lý của Đại Thừa hay thăng hoa lên  nhiều cấp độ khác nhau, từ tinh thần nguyên thủy nầy. Có nơi quá rườm rà, đã trở thành mê tín dị đoan; nhưng căn bản vẫn xuất phát từ xa xưa, khi Phật còn tại thế; chứ không phải mới có đây.

 

Tinh thần của Phật Giáo Đại Thừa là tinh thần thăng hoa tất cả những giá trị đẹp của Phật Giáo Nguyên Thủy, vốn đã có từ thời Đức Thích Ca Mâu Ni. Khi Phật Giáo được truyền đến Trung Quốc, Phật Giáo khế hợp với nền văn hóa tại đây. Lúc Phật Giáo đến Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản và Tây Tạng rồi ngày nay là phương Tây, Phật Giáo phải hội nhập vào những xã hội và văn hóa đó. Do vậy tuy là tùy duyên; nhưng không biến đổi hoàn toàn bản chất thanh tịnh, hòa hợp; đặc biệt là từ bi và trí tuệ của Đạo Phật. Do vậy, Đạo Phật dầu có đi đâu và ở đâu vẫn được các dân tộc sở tại đón tiếp một cách nhiệt tình. Vì chủ trương của Phật Giáo là không loại bỏ tín ngưỡng nhân gian vốn sẵn có nơi bản địa, mà còn làm cho phong phú hơn nền văn hóa, phong tục, tập quán của nước đó bằng nhiều hình thức khác nhau, qua cái nhìn khế hợp tự thân của mình. Ví dụ như Phật Giáo Tây Tạng không loại trừ Đạo Bon. Phật Giáo Nhật Bản vẫn có thể chấp nhận Thần Đạo song hành cùng dân tộc. Phật Giáo Trung Hoa, Đại Hàn và Việt Nam vẫn chấp nhận truyền thống Đạo Thờ Cúng Ông Bà Tổ Tiên v.v… Nhờ vậy mà Phật Giáo càng ngày càng phong phú và đa dạng hóa ở nhiều phương diện khác nhau.

 

Từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 4 năm 2014 tại Tu viện Viên Đức vùng Ravensburg thuộc miền Nam nước Đức có một cuộc Đại hội của các Tu sĩ Phật Giáo Đức gồm các truyền thống Đại Thừa như: Việt Nam, Nhật Bản. Tiểu Thừa như Miến Điện và Kim Cang Thừa như Tây Tạng v.v… Họ đã có một điểm chung là Đức Phật; nhưng họ cũng đã có những điểm riêng khi bàn về cái ăn, cái mặc của chư Tăng Ni thời Phật còn tại thế, thì họ cũng có những ví dụ và nhận xét khôi hài về Adam và Eva đã ăn trái cấm; nên mới bị đày xuống trần gian. Khi nói đến Đức Phật săn sóc bệnh nhân một cách tận tình bằng cách bảo Ngài A Nan đem khăn sạch để Đức Phật lau khô vết thương cho người đệ tử, thì họ - những người xuất gia theo các truyền thống đến từ Tây Phương thấy rằng: Đức Giáo Hoàng Franciscan cũng đã hôn chân bệnh nhân theo tục lệ của Tin Lành v.v… những mẩu chuyện như vậy là những chuyện vui và hay độc đáo. Đó là tánh sáng tạo, tánh tự chủ khi người ta xa lạ đến với Phật Giáo phải có một cái gì làm chuẩn mực và từ đó họ đứng vững để đi lên.

 

DBO được hiểu là Deutsche Buddhistische Ordensgesellschaft (Cộng Đồng Tăng Già Phật Giáo Đức). Đây là một thành quả có được sau 30 năm, chính cá nhân tôi đã vận động từ những buổi họp đầu tiên tại Wachendorf vào thời điểm năm 1979. Lúc ấy mới có DBU. Đây là một tổ chức Phật Giáo hỗn hợp cả Cư sĩ và Tu sĩ. DBU có nghĩa là Deutsche Buddhistische Union; nghĩa là Hiệp Hội Phật Giáo Đức. Tôi đã quan sát sự sinh hoạt của họ trong nhiều năm và đề nghị là tại nước Đức nầy nên có 2 tổ chức riêng biệt. Một của Tăng Ni và một của Cư sĩ. Ban đầu họ không tán thành và bảo rằng: Phật Giáo bình đẳng trên mọi phương diện. Điều ấy không sai; nhưng hình thức và đời sống của người Cư sĩ không thể bình đẳng với người Tăng sĩ sống không gia đình được. Chỉ chừng ấy việc thôi mà 30 năm sau mới thực hiện được và bây giờ hội  DBO nầy đã hoạt động đến năm thứ 9 rồi và lần nầy họ bầu thành phần Ban Chấp Hành mới trong nhiệm kỳ 3 năm sắp tới. Riêng tôi vẫn đảm nhận cương vị Cố vấn cho Tổ chức nầy như xưa nay.

Dưới hình ảnh Đức Phật và giáo lý của Ngài, cá nhân tôi cảm nhận rất là vi diệu. Vì Đạo Phật bây giờ không phải chỉ có cho người Á Châu, mà cho tất cả những ai tìm đến con đường cần cầu giải thoát nầy. Trong tương lai gần Phật Giáo sẽ có mặt khắp nơi trên quả địa cầu. Một điều cũng khá thú vị là đậu nành và đậu hủ xuất phát từ Á Châu cả gần thế kỷ nay, đậu hủ của Á Châu sản xuất vẫn là đậu hủ làm thủ công nghệ, chưa được kỹ nghệ hóa bao giờ; ngoại trừ Nhật Bản; nhưng ở Nhật, đậu nành cũng chỉ mới sản xuất số nhiều; chứ chưa có nhiều loại như ở Đức ngày nay. Nhớ là chuyện xưa gần 40 về trước (1977-2014) khi tôi mới đến Đức, nếu muốn ăn chao và đậu hủ thì từ Hannover phải đi đến Hamburg hay Aachen mới có bán những loại nầy. Nghĩa là phải đi hằng trăm cây số như vậy mới có vật liệu ăn chay để mua. Còn ngày nay, sau gần 40 năm ấy đậu nành và đậu hủ ở riêng của xứ Đức nầy có bày bán khắp nơi tại các tiệm thực phẩm của Đức và có hằng mấy chục loại khác nhau sản xuất từ đậu nành. Mới đây đài truyền hình Đức có loan tin rằng: Vào thời điểm năm 2014 xứ Đức nầy có 9% dân số ăn chay trường. Nghĩa là hơn gần 8 triệu người trong 85 triệu dân của Đức. Dĩ nhiên họ không hoàn toàn là những Phật tử Đại Thừa; nhưng họ đã có tình thương đối với súc vật; nên không muốn hại mạng chúng và ăn chay là kết quả của ảnh hưởng do Phật Giáo Đại Thừa mang lại vậy.

 

Những Tăng Ni thuộc nhiều truyền thống nầy họ thực tập cấm túc trong 10 ngày tại Tu viện Viên Đức sau khi đã bầu cử Ban Chấp Hành mới. Mỗi ngày họ có những giờ chung ngồi thiền, chung ăn cơm trong tỉnh thức, chung bàn Phật sự cho tương lai của xứ Đức nầy; nhưng họ cũng có những cái riêng theo truyền thống của mình là không dùng chiều cho những ai theo Phật Giáo Nam Tông và có nhiều vị thực tập chánh niệm bằng cách tịnh khẩu suốt trong một thời gian dài như vậy. Quả thật cây Phật Giáo đã đâm chồi nảy lộc và quả thật Phật Giáo sẽ gặt hái nay mai tại xứ Đức nầy. Đây là một tin vui, mà nhiều người Phật tử tại Đức đang chờ đợi.

Thuở Đức Phật còn tại thế, Ngài đã giúp giải quyết cho nhiều vấn đề của nhiều giai tầng trong xã hội ở nhiều lãnh vực khác nhau. Ví dụ một hôm có một người đàn bà mất con, rất đau khổ đến trước Đức Phật kêu cứu rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn! Đứa con của con đã bị mẹ con quỷ La Sát bắt giấu đi và ăn thịt rồi. Con đau khổ quá và kính mong Ngài cứu giúp cho con.

Đức Phật từ tốn lắng nghe câu chuyện nầy và sau đó cho Đệ tử của Ngài đi tìm cách bắt con của quỷ La Sát giấu nhẹm không cho quỷ mẹ biết. Quỷ La Sát mẹ tìm con mình bất cứ nơi đâu cũng không gặp và nghe mách rằng: Đệ tử của Ngài Cồ Đàm đã bắt con của quỷ ta; nên quỷ đến trước Đức Phật thưa rằng:

- Sao Thế Tôn nỡ nào làm chia cắt tình mẫu tử của con vậy?

- Vậy ngươi thương con của ngươi lắm sao?

- Bạch Ngài! Đúng vậy!

- Vậy tại sao ngươi lại đi bắt con nít của người khác để ăn thịt?

- Nếu con không ăn thịt con nít thì lấy gì để ăn?

- Không sao cả - Cứ mỗi giờ ngọ chư Tăng sẽ cúng xuất sanh. Nếu các ngươi dùng của cúng nầy thì không được đi bắt con nít về ăn thịt nữa.

Quỷ La Sát mẹ cúi đầu đảnh lễ Đức Phật và từ đó về sau tại mỗi chùa thường khi cúng quá đường, hay cúng xuất sanh như sau:

Đại Bàng Kim Súy điểu

Khoáng dã quỷ thần chúng

La Sát quỷ tử mẫu

Cam lồ tất sung mãn

Án Mục Lục Lăng Ta Bà Ha“

 

Nghĩa:

 

„Đại Bàng chim cánh vàng

Cùng các loài quỷ thần

Mẹ con quỷ La Sát

Cam lồ đều đầy đủ

Án Mục Lục Lăng Ta Bà Ba“.

 

Như vậy Đức Phật và chư Tăng Ni chính là những người cứu vớt cả người sống lẫn người chết. Cả những người chết rồi mà không siêu thoát, đi đầu thai làm quỷ dữ, bắt con nít ăn thịt như chim Đại Bàng cánh vàng, là một trong những loài động vật to lớn và các loài quỷ ăn thịt con nít; nên Đức Phật đã dùng từ tâm của mình để cứu độ cho chúng bằng nhiều hình thức khác nhau, cốt mong cho chúng đầu thai về những thế giới an lành, hơn là làm loài quỷ đói.

Trong thế giới Hoa Nghiêm trùng trùng duyên khởi, Đức Phật đã dùng con mắt từ bi và trí tuệ của mình nên đã thấy tất cả sự khổ não của chúng sanh; nên chư Tổ về sau nầy nhân cơ hội đó cúng thí cho cô hồn tại chùa mỗi ngày và bắt đầu như sau:

„Nhược nhơn dục liễu tri

Tam thế nhứt thiết Phật

Ưng quán Pháp giới tánh

Nhứt thiết duy tâm tạo”.

 

Nghĩa:

 

“Phàm người nên rõ biết

Ba đời tất cả Phật

Hay quán tánh Pháp giới

Tất cả do tâm tạo”.

 

Điều nầy hẳn chẳng sai một mảy may. Sở dĩ thế giới nầy, sơn hà, đại địa chúng sanh nầy có, là do tâm của mình tạo ra. Tâm tạo thiên đường, tâm tạo địa ngục, tâm tạo ra ngạ quỷ và chính tâm ấy làm chủ tất cả mọi việc trên thế  gian nầy. Từ đó chư Tổ mới giải thích cho các hương linh việc lợi lạc của sự quy y Tam Bảo và sám hối cho các Phật tử, các loài hữu tình và các loài vô tình. Sau đó mời họ đến để nghe pháp; nghe xong được thọ hưởng sự cúng dường cháo, nước v.v… như vậy là lòng thương đã được thể hiện. Không phải chỉ riêng những người còn sống, mà tất cả những ai đã chết; nhưng không may sau 49 ngày không đi đầu thai được, phải làm ngạ quỷ hay súc sanh; hoặc những hồn oan không có nơi nương tựa, thì chùa chiền là nơi mà những oan hồn lỡ vận có thể đến đó để nương nhờ.

Khi cúng cháo, cúng cơm cho hương linh, không luận người ấy là quốc tịch nào; chúng ta phải dùng hết tâm niệm chân thành để giúp cho, thì những hồn oan ấy mới được nhờ và quyết không phải vì thí cho có chuyện, khiến cho những quỷ dữ ấy giận hờn, vì không được đối xử đàng hoàng; khiến cho chúng phải đầu thai vào cảnh giới khổ hơn nữa, thì cũng khốn thân. Việc thí cho không có tính cách ép buộc, mà cách đem cho lại vô cùng quan trọng, cho cả âm dương đều được lợi lạc, thì đó mới là điều đáng làm vậy.

Thái độ của người Phật tử đối với các loài quỷ thần, chúng ta nên kính trọng họ; không nên xem thường họ. Vì họ có thần thức rất mẫm cảm. Có những loài quỷ thần ở các cõi cao trong Dục giới có đời sống và tuổi thọ hơn cả loài người. Do vậy chúng ta không nên đem tâm của chúng sanh để so sánh với những loài quỷ thần như vậy; hoặc giả cũng không nên xem thường những loài chúng sanh nầy. Vì chúng hay có tâm hờn giận, ganh ghét, chỉ muốn báo thù, báo ân, trả oán. Cho nên chúng ta chỉ lấy lòng từ bi để ban rải ra cho chúng thì chúng mới không tạo những nghịch cảnh đối với ta.

 

Có nhiều người hỏi rằng: Vậy sau 49 ngày có còn cúng giỗ cho hương linh người mất nữa không? Và tại sao có nơi phải cúng 100 ngày, rồi giáp năm, đại tường, đám giỗ nữa v.v… Đây có phải là sự trộn lẫn giữa Phật Giáo và đạo thờ cúng ông bà chăng ?

Xin thưa là, theo Phật Giáo đúng 49 ngày là đủ để đi đầu thai; không cần phải cúng bái nữa. Nếu trong thời gian nầy hiện tượng vãng sanh đã xảy ra như khi tắt thở, hơi nóng nằm ở đỉnh đầu hay ít ra thì ở ngực, chúng ta có thể tin chắc là người mất ấy đã vãng sanh hoặc đã trở lại làm người; không cần cúng bái nữa cũng không sao. Nhưng với những người khi chết hơi nóng nằm ở vùng bụng trở xuống thì phải đi đầu thai vào ba đường dữ; chắc chắn là khó vãng sanh. Cho nên thân nhân của người mất cần phải cúng quảy nhiều hơn lúc xưa, làm phước bố thí chu đáo hơn, để hồi hướng cho hương linh, thì nhờ vào những phước báu ấy mà hương linh có thể đi đầu thai tiếp theo trong thời gian sau đó.

Ngoài ra Tiểu Tường (giáp năm). Đại Tường (hai năm) là con số thời gian theo Đạo thờ Ông bà Tổ tiên là thời gian cư tang để báo hiếu, tránh làm những chuyện lỗi đạo như cưới hỏi, tiệc tùng, khiến cho người mất không vui. Do vậy người thân trong gia đình phải chia xẻ sự mất mát nầy một cách chân thành thì mới có thể trợ duyên cho hương linh mau siêu thoát được.

Ngoài ra việc giỗ quảy mỗi năm còn lại nó mang ý nghĩa tưởng niệm nhiều hơn. Vì lẽ như bên trên đã trình bày: cái chết chỉ là cái mới bắt đầu. Nên đây cũng là cơ hội để cho con cái trong gia đình có cơ hội ngồi lại bên nhau để tưởng nhớ về công ơn sanh thành của cha mẹ và  ông bà Tổ Tiên, là những người mà chúng ta vốn mang nặng ơn đức sanh thành, khó khăn nuôi dưỡng. Đây là một đạo hiếu, mà người Phật tử không nên bỏ qua để trở thành người con bất hiếu. Việc nầy trong giáo lý của Đức Phật không cho phép. Cho nên chúng vẫn thường hay nghe rằng: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Hay nói xa hơn: Kẻ nào biết thờ cha mẹ, kẻ ấy là kẻ biết thờ Phật.

Căn cứ vào những điều như sau để biết được thân nhân của mình sanh vào nơi nào sau khi tắt thở và hơi nóng còn tụ lại nơi đó.

 

“Đảnh Thánh, nhãn sanh Thiên

Nhơn tâm, ác quỷ phúc

Bàng sanh, tất cái ly

Địa ngục, cước tâm xuất

 

Nghĩa:

 

Đỉnh Thánh, mắt sanh Thiên

Người ngực, ác quỷ bụng

Súc sanh, ở đầu gối

Địa ngục, giữa bàn chân

 

Ở đây đã thể hiện nổi bật của 6 loại chúng sanh trong 6 loại để sanh về những cõi lành và cõi dữ, sau khi chúng sanh ấy trút hơi thở cuối cùng. Chúng ta nên xem lại một lần cho thật kỹ, để chúng ta hiểu rõ hơn về việc vãng sanh và việc đọa lạc sẽ như thế nào, để từ đó chúng ta có một cái nhìn thiết thực hơn trong vấn đề đi tái sanh của một chúng sanh.

Nếu hơi nóng nằm trên đỉnh đầu của một người sắp lâm chung, thì chúng ta biết chắc rằng người ấy sẽ thành A La Hán hay Bồ Tát, nhẫn đến quả vị Phật. Nếu ngoài hiện tượng trên ra, còn có những hiện tượng khác, ví dụ như ánh sáng phóng quang của Đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn hay không khí trong phòng trở nên mát dịu và mùi thơm hương trầm không đốt mà tự nhiên thơm v.v…

 

Nếu hơi ấm nằm nơi con mắt; cũng có nghĩa là giữa nhơn trung; nơi lông trắng giữa chơn mày nầy Đức Phật thường hay chuyển hào quang để nói pháp như trong các kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa v.v… thì chúng ta biết rằng: Đức Phật đang nói pháp cho chúng sanh ở cõi chư Thiên hay các Thiên Tử.

 

Nếu hơi nóng nằm nơi miệng – nơi mà Đức Phật cũng hay phóng hào quang để độ cho những loại thiện thần và ngay cả ác thần nữa, thì lúc ấy chúng ta hiểu rằng: Đức Phật đang chuyển pháp luân cho những loài A Tu La, vốn cả thiện lẫn ác để cho những quỷ thần nầy nghe pháp. Vì vậy khi trong gia đình theo dõi và thấy thân nhân của mình như vậy, thì biết rằng: Thiện ác đáo đầu chung hữu báo. Các báo ấy hiện ra đã rõ ràng rồi.

 

Tại vùng ngực nếu còn thấy hơi ấm xuất hiện lúc cuối cùng, thì ngườì nầy chắc chắn sẽ trở lại nhân gian không còn gì đổi khác được. Vì lẽ khi Đức Phật muốn độ cho loài người, Ngài hay chuyển pháp luân nơi chữ VẠN ở tại ngực của Ngài để loài người dễ cảm  nhận được lời pháp của Phật.

 

Nếu thân nhân thấy hơi nóng của người thân mình nằm nơi bụng thì biết chắc rằng người ấy sẽ bị sanh vào cảnh giới ngạ quỷ. Bắt đầu từ đây sẽ sanh về ba cảnh bên dưới, chúng sanh ấy phải chịu nhiều sự khổ sở bức bách về tâm, lúc bị hành phạt ở nơi các cõi dữ.

 

Súc sanh thì hơi nóng cuối cùng nằm ở nơi đầu gối. Đôi lúc chúng ta còn nói là bàng sanh. Bàng có nghĩa là những động vật có xương sống nằm ngang. Ví dụ như: trâu, bò, heo, gà, cọp, sói, chó, ngựa, dê, ngỗng. Sở dĩ phải bị sanh vào đây, vì thông thường khi còn sống ở trên đời những người nầy ngang bướng, ương ngạnh, tạo nhiều sự dâm dục v.v… nên phải đầu thai vào đây để chịu khổ.

 

Cuối cùng nếu hơi nóng nằm ở tận giữa lòng bàn chân, thì phải biết chắc rằng: thân nhân của mình sẽ vào chốn địa ngục. Trong kinh Địa Tạng và nhiều kinh điển khác có diễn tả về nỗi khổ trong nhiều địa ngục khác nhau như: Địa ngục hầm lửa, địa ngục phẩn xí, địa ngục đao kiếm, địa ngục cưa đôi v.v… Có người lại phải bị đọa vào cõi địa ngục vô gián; nghĩa là ở địa ngục không có thời gian ra khỏi. Nếu chịu đủ những hình phạt rồi, gió mát đưa ra khỏi ngục thất, tội nhân nghĩ là đã khỏi; nhưng lại phải trở vào loại ngục khác nữa. Cho nên gọi là vô gián. Đức Phật vẫn thường hay dạy rằng: Ở những địa ngục khổ sở như vậy; nhưng cũng có ngày có thể ra khỏi. Còn kẻ nào đã mắc vào lưới ái tình thì trăm ngàn vạn kiếp cũng khó dứt bỏ được.

Đức Phật thường hay dùng ánh sáng hào quang của mình để soi rọi vào từng cõi như thế để thuyết pháp; có vậy các chúng sanh ở đó mới thừa hưởng những phước báu, lợi lạc. Nếu ở địa ngục mà Đức Phật dùng ánh hào quang ở cõi người hay cõi chư thiên chiếu dọi vào thì các chúng sanh ở đó không thể cảm nhận được. Vì ở địa ngục không thể thấy được ánh sáng của thế gian hay chư Thiên; nên kết quả phải tương ưng như vậy.

Vì sự khổ của chúng sanh chưa dứt hẳn; cho nên các vị Bồ Tát thường thị hiện và lập lời thệ nguyện ở những cõi ấy để cứu độ chúng sanh. Trong đó có Ngài Địa Tạng là một. Ngài nguyện rằng:

Khi nào trong địa ngục không còn một chúng sanh nữa thì ngài mới thành Phật. Nếu địa ngục vẫn còn một chúng sanh, thì quả vị Phật Ngài không nắm giữ”.

Chúng ta thấy chư vị Bồ Tát có lời đại nguyện như vậy, mà ta vẫn còn chần chờ, không cố gắng tu hành để cho chính mình được thoát khổ và cũng làm cho các Ngài giảm bớt thời gian để thành Phật; nếu không, các Ngài vẫn ở địa vị Bồ Tát để lo cứu khổ cho chúng sanh.

Ngài đang cầm hạt minh châu để chiếu soi vào địa ngục; nơi có những kẻ khổ đang đợi chờ. Một tay khác Ngài cầm cây tích trượng, ý Ngài muốn mở toang các cửa ngục để cứu khổ chúng sanh đang chìm đắm lâu ngày ở cõi khổ nầy. Cho nên mỗi năm nhân ngày Tự Tứ; tức lễ mãn hạ an cư, nhằm vào mùa Vu Lan báo hiếu, cũng là mùa xá tội vong nhơn. Các oan hồn nhờ đây mà có thể cao đăng Phật quốc. Vì chính sự gia trì của chư Tăng Ni mà thần lực của chư Phật, chư vị Bồ Tát mà các hương linh được nhờ.

Do vậy sự cúng bái, cầu nguyện cho thân nhân của mình quá vãng sau 49 ngày cũng là điều cần thiết. Nếu thân nhân của chúng ta có cơ duyên sanh vào cảnh cao quý rồi, thì chúng ta cũng nên đem lòng từ đến để hồi hướng hết cho tất cả các loài chúng sanh khác chẳng may đã bị đọa lạc vào chốn trầm luân, thì nhờ tiếng kinh, lời kệ, việc làm phước, bố thí, cúng dường kia, họ sẽ được nuơng nhờ. Đây là một tha lực tối cần thiết. Tuy là vô hình; nhưng nó ảnh hưởng không ít trong đời sống tâm linh đối với những ai chưa được siêu thoát.

Dầu cho nhìn từ đức tin của một Tôn Giáo hay tính vô tư của khoa học; hoặc giả theo tín ngưỡng bình dân đi chăng nữa thì tất cả những sức mạnh của tâm linh đó dồn vào, cộng lại, chúng có thể làm cho ngọn gió đổi chiều và việc ác trở thành việc thiện. Việc tuy nhỏ; nhưng nếu mỗi ngày chúng ta thực hiện một ít thì trong thời gian chẳng bao lâu, kết quả sẽ đến. Đây chính là một sự thành công. Dẫu cho việc cầu nguyện cũng phải như vậy; chứ không thể nào khác hơn được.

 

Ý kiến bạn đọc
02/09/201817:30
Khách
Mô phật cầu mong cho hồng nhan tri kỷ của con phan thị ngọc kim sinh 20/6/1983 tạ thế 14/7/2018 siêu thoát và an lành hôm nay là ngày thứ 51 . Nam mô a di đà phật
13/08/201715:34
Khách
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát.
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát. Con cầu nguyện cho hương linh của Ông Nội con mau sớm siêu thoát. Tuần này là tuần thứ 2 a.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát.
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát.
16/03/201723:04
Khách
Nam mo A Di Da Phat. Con cau nguyen cho huong linh cua Me con duoc sieu thoat. Tuan nay la tuan thu 3 cua Me con .
09/03/201712:30
Khách
Thưa thầy; khi người thân mất đi rồi linh hồn của họ về nhà họ hay báo cho thân nhân bằng cách như thế nào ? liệu có biết được không ?
26/11/201605:10
Khách
Thưa Thầy , nếu chúng sanh đầu thai thành Ma Quỷ , thì khi trả hết nghiệp có được đầu thai lại các cảnh giới khác như cõi Người cõi Phật ......như khi chúng ta mất không? hay phải suốt đời làm ma quỷ a?
Cám ơn Thầy ạ.
19/10/201617:24
Khách
Con cảm ơn thầy!
03/04/201608:13
Khách
vay xuong am phu lam gi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/06/2011(Xem: 4834)
Chúng ta chết là chết như thế nào? Và sau khi chết, chúng ta đi về đâu? Đấy là những câu hỏi, những thắc mắc, những hoài nghi đeo bám tâm thức nhân loại từ xưa đến nay và dường như chúng vẫn đang còn treo lơ lửng ở đấy với những vấn nạn siêu hình nhức nhối và đầy bí ẩn. Đức Phật là bậc thầy của chư thiên và loài người (Thiên Nhân Sư), là bậc thông suốt thế gian, thông suốt tam giới (Thế Gian Giải), là bậc đã thấy biết toàn diện và chơn chánh (Chánh Biến Tri)... đã giảng giải cho những người học Phật và tu Phật như thế nào về “hiện tượng chết và tái sanh”? Bây giờ muốn đi vào nội dung ấy, chúng ta sẽ phải lần lượt nghiên cứu qua những tương quan liên hệ sau đây:
06/05/2011(Xem: 10243)
Khi truyền bá rộng rãi sang châu Á, Phật giáo thành công khi vượt qua một số vấn đề nổi bật từ những giới hạn về ngôn ngữ trong một số trường hợp phải phiên chuyển thành một ngôn ngữ rất khác với ngôn ngữ nói của Ấn Độ. Giáo lý đạo Phật được truyền đạt bằng lời nói qua vô số ngôn ngữ và tiếng nói địa phương. Còn Kinh tạng, khi đã được viết ra, lại được phiên dịch thành hàng tá ngôn ngữ ngay cả trước thời kỳ hiện đại. Do vì nguồn gốc lịch sử không cho phép các học giả dùng ngôn ngữ nói trong việc giảng dạy, bài viết này sẽ tập trung vào những ý tưởng được viết ra, nhằm khảo sát việc truyền dạy qua lời nói chỉ trong thời kỳ Phật giáo Ấn Độ.
05/05/2011(Xem: 7789)
Cuối cùng thì một con đường vô thường này mỗi người chúng ta đều phải đối diện! Tuy nhiên, Phật A-di-đà đã từng phát đại nguyện muốn cứu độ tất cả chúng sanh niệm Phật.
27/04/2011(Xem: 17945)
Để có một đời sống hạnh phúc an lạc – những ngày hạnh phúc và những đêm an lạc – điều cực kỳ quan trọng là phối hợp sự thông tuệ của con người với những giá trị căn bản của nhân loại.
24/04/2011(Xem: 4690)
Một kỹ sư người Nhật đang làm việc cho một công trình xây dựng cầu treo tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tự tử vào hôm Chủ nhật ngày 22 tháng 3 sau khi một sợi dây cáp bị đứt. Mặc dù cầu không bị gẫy và không có người thiệt mạng, người kỹ sư 51 tuổi, Kishi Ryoichi, đã tự nhận trách nhiệm cho sự cố này trong bức thư mà ông để lại. Tin tức nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ và rất nhiều người tán dương lòng tự trọng của người kỹ sư, thậm chí một số người còn đề nghị đặt tên cây cầu theo tên ông.
11/04/2011(Xem: 9118)
Video: Truyền thống an táng rùng rợn của người Tây Tạng
03/04/2011(Xem: 4088)
Hình Ảnh Con Người Qua Bài Phổ Thuyết Sắc Thân Của Trần Thái Tông, Sắc thân con người là hữu hạn vì bị giới hạn bởi hai đầu: Sanh và tử, có và không, đến và đi, một và khác. Con người có vượt qua được những giới hạn của những cặp phạm trù đối đãi kia hay không là ở chỗ con người có chịu thanh lọc tâm thức để thăng hoa đời sống hay không. Nếu con người mải mê chạy theo những dục vọng thấp hèn thì con người sẽ tha hoá và phải bị đọa lạc, phải chuốt lấy những khổ đau và hệ lụy.
22/03/2011(Xem: 3735)
Ai chết ? Ai được sinh ra ? Chúng ta hãy xem xét một cách chuyên biệt hơn chết là gì và, trong tiến trình chết, aichết. Luôn luôn, trải nghiệm của chúng ta về chính chúng ta là của một cá thể hiện hữu với một thân và một tâm: Chúng ta đồng nhất với những cái này và nói, “ thân của tôi”, “tâm của tôi”.
22/03/2011(Xem: 3346)
Nếu tôi nói có một ngã, Ông sẽ nghĩ nó thường hằng Nếu tôi nói không có một ngã Ông sẽ nghĩ rằng vào lúc chết Nó sẽ biến mất hoàn toàn. Kinh Tương Ưng Bộ ( Samyuttanikaya)
20/03/2011(Xem: 4758)
Vào một buổi chiều lười biếng ở Sydney, tôi mở Tivi và thấy chương trình Oprah Winfrey đang tranh luận về kiếp trước kiếp sau, cuộc tranh luận rất sôi nổi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]