Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Súc vât và con người bên kia cõi chết vẫn còn sống

23/10/201416:38(Xem: 6147)
2. Súc vât và con người bên kia cõi chết vẫn còn sống

 Vén Bức Màn Bên Kia Cõi Chết

Tác giả: Đức Hạnh Lê Bảo Kỳ

Xuất bản tại Hoa Kỳ 2005

 

---o0o---





SÚC VẬT VÀ CON NGƯỜI BÊN KIA CÕI CHẾT

VẪN CÒN SỐNG


 

1.- Con rắn hiện hình người về trách móc người sống

Những trại tù cộng sản Việt Nam, trong đó những người tù nói chung hình sự hay chính trị sau ngày 30.4.1975 và hôm nay luôn luôn bị đói thê thảm, cho nên những con vật lớn, nhỏ, ăn được là bắt ngay, nhất hạng là những con chồn, con chuột, con rắn, v.v...

Tại trại Nam Hà miền bắc, một hôm trong giờ nghỉ giải lao, một anh tù chính trị thấy một con rắn hổ cỡ lớn bằng cán rựa, liền réo gọi người bạn mình ngồi cách đó mấy thước về con rắn. Tức thì người kia đứng lên, nắm lấy cây cuốc đập nát đầu con rắn, rồi lột da, nấu nướng sau giờ lao động về trại.

Tại sao người thấy con rắn, cũng là tù đang đói, nhưng không bắt giết rắn, lại chỉ cho bạn mình? Bởi vì người chỉ con rắn là người Phật tử có giữ giới không sát sanh (xin giấu tên), do vậy mà rắn hiện về trách móc. Người chỉ rắn kể rằng: “Đêm qua đang đi vào giấc ngủ chập chờn, bỗng nhiên tôi thấy có một hình người đàn ông ốm và cao, mặc áo quần màu vàng nhạt có sọc đen, đầu hình chóp với đầy máu đứng trước mặt tôi rồi nói: ‘Ông ơi, ông là người Phật tử, sao ông ác vậy, ông đã chỉ cho kẻ ác giết tôi ăn thịt!’ Nói mấy lời như vậy, rồi biến mất. Sau đó tôi tỉnh ngủ gần nửa đêm vì đã nhớ lại sự việc mình chỉ con rắn cho bạn mình đánh chết nó mà ăn thịt. Vì vậy mà hình ảnh người đàn ông với cái đầu đầy máu ấy chính là con rắn”.

 

2.- Người đồ tể bị bầy gà bên kia cõi chết hiện về đá sưng mắt

Tại Trại Mát Đàlạt năm xưa, trước 1975, vào khoảng 1955, có hai vợ chồng chuyên nghề mua gà sống về giết bán thịt tươi tại các chợ.

Hai vợ chồng đồ tể giết gà bán thịt trên mười năm đều an bình không có gì trắc trở. Bỗng nhiên, một đêm nọ đang ngủ, ông chồng thình lình la lớn: “Mẹ kiếp chúng mày đá tao hả, mẹ kiếp chúng mày đá tao hả!” Miệng vừa la lớn, hai tay, hay chân vừa quơ quào đành đạch trên giường.

Bà vợ nằm bên nghe chồng la hét, liền cựa mình trong ngái ngủ, nhưng không quên đưa tay qua lắc lắc chồng mình rồi hỏi: “Anh mớ hả, ai đá anh đâu, mà anh cựa quậy và la om sòm vậy?”

Ông chồng tỉnh ngủ hẳn, lồm cồm ngồi dậy, hai bàn tay bụm mặt với lời than: “Trời ơi, mặt tôi sao rát quá!”

Bà vợ cũng thức dậy theo luôn, vội mở đèn lên, đến ngồi bên chồng đưa tay... gỡ hai bàn tay người chồng ra để xem thật hư. Hai tay người chồng từ từ buông ra hai bên má. Bà vợ liền nói lớn: “Trời ơi, trên mặt anh từ trán, mắt, mũi, môi, miệng, má, chỗ nào cũng có những chấm, những vệt rớm máu đỏ ửng như thế này, là sao?”

Sáng ra, được bà con, gia quyến và hàng xóm đến thăm hỏi, ai cũng đều thấy rõ đôi mắt ông ấy bị sưng chù vù và nhiều chấm, nhiều vết ửng đỏ xiên xẹo trên mặt ông ấy.

Trong số người đến thăm, có người nhìn vào mặt ông ấy, rồi nói rằng: “Hiện tượng này là bị gà sống đá thật, chứ không phải chuyện liêu trai đâu à! Dù xác thịt nó chết, nhưng thức của nó vẫn còn biết hận thù. Đây chính là cái quả báo nhãn tiền do nghiệp nhân giết gà quá nhiều, cho nên hàng ngàn cái thức con gà bị giết cùng góp lại, đó là sức mạnh tạo nên những hiện tượng sưng mắt, trầy mặt.”.

Một người khác góp ý: “Qua mời thầy trụ trì bên chùa nhờ thầy chữa trị cho là khỏi ngay”.

Thầy trụ trì qua, nhìn vào mặt ông ấy, thầy nói: “Không có thuốc nào chữa được! Đây là bệnh do tâm biến hiện, tâm gà cũng đều là tâm, không  khác với tâm người, cho nên lấy tâm trị tâm, hy vọng có thể được thuyên giảm”. Rồi thầy phán vài lời: “Đừng nhớ nghĩ đến sưng mắt, vết trầy trên mặt, quên nó đi, hãy tịnh tâm lại mà niệm Phật, Phật nào cũng được, Bồ Tát nào cũng được. Thôi, thì để cho dễ nhớ, cứ niệm Nam Mô A Di Đà Phật sẽ được hai lợi ích: hết đau nhức, được tiêu trừ các ác nghiệp và được vãng sanh về nước Cực Lạc. Nhớ tịnh tâm và niệm thường xuyên để giảm đau và cũng là góp lời cầu siêu cho hàng ngàn con gà mình đã giết”.

Quả thật, mắt ông ấy từ từ giảm sưng và bớt đau qua hai ngày niệm Phật với tâm yên tịnh không suy tư nhớ nghĩ. Nhưng có lần ông ấy ngưng niệm vì đưa tâm suy tư đến công việc làm ăn mới cho ngày mai sau khi hết sưng mắt, thì mắt ông liền bị nhức nhối ngay, sau đó ông tức tốc đưa tâm vào yên tịnh, tiếp tục niệm Phật từ ngày này sang ngày khác khi đi, đứng, nằm, ngồi và mọi sinh hoạt hàng ngày. Qua hai tháng niệm, mắt ông ấy lành hẳn, nét mặt trở nên hồng hào, tươi tỉnh khác với nét mặt lúc xưa giết gà. Để chắc ăn, được hết vĩnh viễn, ông vẫn cứ tiếp tục niệm Phật với tâm thường hằng thanh tịnh, dù cho tai nghe, mắt thấy hình ảnh gì, âm thanh gì thuận nghịch, tâm chẳng hề để ý vướng bận vào đó. Sự tiếp tục niệm Phật của ông ấy mới đến tháng rưởi, ông ấy mời mẹ vợ, quyến thuộc, gọi vợ con của ông đến để ông trình bày sự việc ông sẽ giã từ thế gian trước khi vãng sanh về cõi Phật A Di Đà.

Thời gian ông niệm Phật, trong nhà ông chưa hề thờ Phật, chưa có áo tràng, chưa ăn chay. Vì vậy mà ông trực tiếp qua chùa thỉnh thầy, nhờ thầy thiết cho một bàn Phật, bảo vợ ông đi may gấp cho một cái áo tràng lam. Khi tất cả những điều ông muốn và yêu cầu đều được mọi người thực hiện đầy đủ, sau đó ông chọn ngày đi về Cực Lạc. Qua  tuần lễ, ông chọn xong ngày giờ ra đi, ông cũng trực tiếp qua chùa thỉnh thầy trù trì, nhờ thầy làm lễ quy y cho những người thân còn ở lại và một lễ tiễn đưa ông ra đi về nước Phật

 

3.- Chết trong bồn nước về báo tin cho mẹ

Trong đại đội an ninh phi trường Pleiku trước năm 1975 có một người lính cấp bậc Trung sĩ đặc trách trông coi bồn nước lớn cho tất cả cơ sở quân sự phi trường bị chết đuối trong đó hơn ba ngày. Bà mẹ của người lính trung sĩ ở tận Mỹ Tho, nằm mơ thấy con mình về báo mộng hai lần, lần nào cũng mặc bộ đồ lính ướt đẫm và nói: “Mẹ ơi! Con bị chết trong bồn nước, lạnh lắm! Mẹ lên đem con về”. Sau đó bà mẹ người trung sĩ tức tốc lên Pleiku, vào gặp ông đơn vị trưởng là một Thiếu tá, bà kể lại lời con bà về báo mộng cho bà như vậy.

Thiếu tá đơn vị trưởng sau khi nghe lời người mẹ trung sĩ kể, liền bác bỏ: “Thưa bác, con của bác, anh ấy đã đào ngũ hơn bốn ngày nay rồi!”

Mẹ người trung sĩ vẫn lặp lại lời báo mộng của con mình trước vị Thiếu tá và yêu cầu cho người leo lên bồn nước xem.

Trước lời khẳng định và yêu cầu của thân nhân, vị Thiếu tá chấp thuận và cho người leo lên bồn nước xem. Quả nhiên người trung sĩ đó đã chết chìm trong bồn nước, chưa nổi lên vì chưa qua bảy ngày.

 

4.- Bị xử chết oan, hiện về khiếu nại

Việt Nam trong quá khứ xa xưa bị thực dân Pháp đô hộ và thống trị, vì vậy dưới mắt của những người công an Pháp, toàn dân đều bị nghi là người chống lại họ. Cho nên nhiều người dân Việt bị công an Pháp bắt giam và xử oan tội chết. Trong số đó có một phụ nữ tại Sài Gòn hiện hình về kiện tụng, khiếu nại với quan toàn quyền lúc bấy giờ liên tiếp trong ba bốn đêm. Khi ông ta bắt đầu vào giấc ngủ thì thấy bà hiện hình đứng trước mặt nói lời khiếu nại bằng tiếng Pháp. Vì đến ba bốn lần hiện hình, làm cho quan toàn quyền phải tin người chết vẫn còn biết nói rõ lý lẽ về cái chết oan của họ. Sau đó quan toàn quyền lệnh cho cấp dưới điều tra lại về án tử hình của bà ấy. Quả nhiên hoàn toàn bà ấy bị quan tòa Sài Gòn xử oan tội chết do vì bà sử dụng ngôn ngữ sắc bén đúng lý để tự biện hộ cho mình làm cho quan tòa bị bí lối, tự ái, liền xử bà tử hình.

Với người dân Sài Gòn ở cái tuổi 85-90 hiện nay ai cũng nghe, biết đến chuyện người phụ nữ bị quan tòa Pháp xử chết oan hiện về kiện tụng với quan toàn quyền vào khoảng năm 1949.

 

5.- Bị chồng đâm chết hiện về báo cho quan phủ

Tất cả người dân tại làng Xuân An, xã Chợ Lầu – Hòa Đa – Bình Thuận, đều ngỡ ngàng rằng: bà T vợ ông Th bị chết do bị lạc đạn từ mái ngói rơi xuống, trúng vào ngực vào mùa xuân 1951, theo lời ông Th kể với mọi người. Nhưng sau khi chôn cất bà T xong được hai tháng, ông Bang Tá phủ Hòa Đa tên Ch, thường gọi là ông Bang Tá Ch. Một đêm nọ, đang trong giấc ngủ, ông Ch thấy một phụ nữ hiện ra, tự xưng là T và nói rằng: “Xin ông Bang Tá cho điều tra lại về cái chết của tôi không phải do bị lạc đạn từ mái ngói xuống, mà do chồng tôi giết bằng cái dùi sắt nhọn, rồi leo lên mái ngói đâm thủng miếng ngói, sau đó đi tìm một đầu đạn súng trường, rồi nhét đầu đạn đó vào lồng ngực tôi, đổ hô tôi bị lạc đạn. Sở dĩ chồng tôi giết tôi là vì đam mê theo nhan sắc của người phụ nữ cùng làng. Xin ông Bang Tá cứu khổ oan ức giùm tôi”.

Sáng ra, ông Bang Tá Ch liền lên đồn Chợ Lầu gặp các quan chức trong chính quyền Pháp và Việt để dò hỏi có phải một người phụ nữ tại làng Xuân An vừa rồi bị chết vì lạc đạn? Các quan chức Việt Nam trả lời là có. Sau đó ông Ch đã kể lại cho các quan chức người Việt nghe tất cả lời của người phụ nữ chết vừa hiện về nói với ông trong giấc mộng. Và ông Bang Tá Ch đề nghị các quan chức Pháp và Việt phải điều tra lại về cái chết của bà T.

Khi phái đoàn chính quyền Pháp Việt đến nhà ông Th để điều tra, đã nói với ông Th rằng ngói bị bể do vật nhọn đâm vào, chứ không phải do đạn. Trước phái đoàn, ông Th. vẫn chối quanh. Các quan chức chính quyền liền ra tận mộ và cho người đào lên, cạy nắp quan tài, khám nghiệm nơi chỗ bị đâm, kể cả lấy ra đầu đạn từ lồng ngực bà T, rồi đưa trước mặt ông Th, nói lời xác định rằng: đầu đạn này là đầu đạn mới choang được gỡ ra từ ống đạn, chứ không phải đầu đạn được bắn ra khỏi nòng súng.

Có lẽ do vì xúc động hay tiềm thức tố cáo, ông Th liền nhận tội giết vợ bằng cái dùi sắt nhọn. Sau đó ông Th bị chính quyền đưa đi tù trong nhà giam tại Phan Thiết để chờ ngày ra tòa lãnh án. Hình như bị tù chung thân và chết trong lao tù luôn.

 

6.- Vong linh hiện về báo mộng với chính quyền về cái chết của mình là bị hiếp dâm

Trời mùa hè đã tối hẳn lúc tám giờ, nên mọi nhà trong xóm đã lên đèn, mà không thấy con gái mình đi làm về như thường lệ lúc bảy giờ, và hôm nào có trễ cho lắm đến tám giờ là có mặt tại nhà, cho nên cha mẹ và anh chị của cô gái X cùng nhau thắp đuốc đi tìm khắp nơi trong làng đến gần khuya mà chẳng thấy đâu. Sáng ra, cả nhà tiếp tục đi tìm, thì thấy con em mình nằm chết trên đường rầy xe lửa, cơ thể bị đứt ra làm ba khúc.

Tất cả người trong gia đình và quyến thuộc của cô gái, ai cũng vừa buồn rầu, khổ đau, vừa thắc mắc trong lòng về con em mình, xét ra cho kỹ, chưa thấy có hiện tượng nào về chuyện đường tình ngang trái, cớ sao lại tự tử trên đường rầy xe lửa!

Sau khi chôn cất xong, tại nhà đang lúc hành lễ cầu siêu, có người của chính quyền lúc bấy giờ là ông chưởng lý tòa án tỉnh đến xin gặp thân nhân cô gái bị chết trên đường rầy xe lửa. Ông chưởng lý nói rằng: “Tôi là chưởng lý tòa án, đêm qua tôi đang vào giấc ngủ, người con gái của ông bà vào gặp tôi và tự xưng tên họ. Sau đó cô cho tôi biết là cô bị chết do ba thanh niên tại làng An Hòa thành phố Huế này đã chận đường hiếp dâm cô vào buổi chiều tối vừa qua khi cô đi làm về, chứ không phải cô tự tử. Cô đã kể rõ tên của ba thanh niên đó cho tôi biết là con nhà ai trong làng. Vì vậy mà tôi đã đến gặp tận mặt từng người một tại nhà họ và họ đã nhận tội. Họ sẽ bị tòa câu lưu và đưa ra xử trong những ngày sắp tới”.

Sự việc cô gái tại làng An Hòa, thành phố Huế, bị ba thanh niên trong làng hiếp dâm cho đến chết trên đường đi làm về, rồi khiêng cô để ngang đường rầy xe lửa với ý đổ hô cô tự tử, đã bị cô báo mộng cho chính quyền địa phương biết sự tình, đã làm cho nhân dân Thừa Thiên, Huế thấy được người chết oan ức, vong linh của họ rất là linh ứng ở từng trạng thái, lời nói y như người sống và định luật nhân quả không sai chạy đâu cả, đều phải chịu quả đền tội. Sự việc đó dù đã xảy ra cách nay hằng mấy mươi năm (1950) mà người dân toàn tỉnh Thừa Thiên, Huế , qua nhiều thế hệ vẫn không quên, thường truyền tụng cho nhau để lấy đó làm cái gương cho mình trên bước đường tu tập Phật pháp là phải tránh ác làm thiện và luôn giữ tâm hồn cho thanh tịnh.

 

7.- Một nữ sinh Đà Nẵng từ bên kia cõi chết đi xích lô về thăm nhà

Đà Nẵng trong những năm 1965-1966 trở đi, được xem là thành phố đứng hàng thứ hai sau Sài Gòn có mức độ sinh hoạt thật nhộn nhịp bởi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Vì vậy mà sự giao thông xe cộ, bộ hành cũng theo đó được tấp nập trên đường phố, cho nên vấn đề tai nạn khó có thể tránh khỏi, nhất hạng là các học sinh đi xe đạp thường bị các xe khác cọ quẹt làm té ngã. Do vậy, lúc bấy giờ một nữ sinh trung học Phan Châu Trinh, con của một trung tá quân đội VNCH đã bị chết bởi xe lớn cọ vào ghi đông xe đạp trên đường từ trường về nhà sau giờ tan học  lúc 6 giờ chiều, giờ cao điểm giao thông đông đúc.

Gia đình quyến thuộc ông trung tá và bản thân ông ấy đều là những người theo đạo thờ cúng ông bà và có thêm đi chùa vào những ngày lễ lớn, cho nên đã cung thỉnh chư tăng hành lễ cầu siêu thật trang nghiêm đầy đủ các lễ, từ thất thứ nhất... đến thất thứ bảy tại tư gia.

Sau ngày lễ 49 vài hôm, một chiều nọ, lúc chạng vạng có một bác xích lô gõ cửa. Bà trung tá nghe có tiếng gõ cửa từ bên ngoài, bà mở cửa. Bác xích lô gật đầu chào và nói:

- Tôi đưa cô nhà về, cô ấy bảo tôi: “Bác vào bảo mẹ cháu trả tiền”.

Lời bác xích lô vừa chấm dứt, bà trung tá liền thắc mắc trong lòng: “Mình chỉ có hai đứa con, một trai, một gái, mà đứa gái đã chết, cớ sao đi xích lô về, hay là thằng X?”. Sau mấy giây thắc mắc, bà nói với bác xích lô:

- Ông đợi tôi chút nhé!

Sau lời hẹn ngắn với bác xích lô, bà đi lẹ vào nhà trong, miệng vừa gọi “X ơi!” tay vừa mở cửa phòng đứa con trai. Bà thấy thằng con đang ngồi học bài dưới ánh sáng trắng đục thu gọn xuống bàn của cây đèn nê ông hai tấc, bà hỏi:

- Có phải con mới đi đâu về bằng xích lô?

- Dạ không, con chả có đi đâu, con ngồi học bài ở đây từ chiều cơ mà! Nếu con có đi, con đi bằng xe gắn máy của con, hà tất gì phải đi xích lô!

Nghe tiếng hai mẹ con đối đáp nhau, ông trung tá tại phòng khách đang đọc báo, ngưng lại, đưa mắt hướng về phòng đứa con trai, hỏi lớn:

- Chuyện chi đó, mẹ X?

Chừng một phút, bà trung tá từ phòng ngủ đi ra, nói khẽ:

- Không có chuyện gì đâu, cái chuyện cỏn con thôi, chặp nữa tôi nói cho ông nghe.

Bà vừa nói vừa mở cửa đi ra.

Sau khi trả tiền cho bác xích lô, bà vào ngồi ở ghế bên cạnh chồng, bà kể nào là đứa con gái đi xích lô về, bác xích lô gõ cửa xin trả tiền xe, bà ra mở cửa nhưng lòng hoài nghi lời người xích lô nói, nên vào hỏi đứa con trai, rồi đem tiền ra trả cho bác xích lô...

Lời bà trung tá kể  tới đâu, mặt ông trung tá đượm vẻ đăm chiêu, chết lặng tới đó, đoạn ông ngả người ra sau thành ghế, vòng đôi tay trước ngực trong trạng thái chau mày, ngưỡng cổ nhìn quanh như thể  lấy lại bình tĩnh trong lòng, nhưng vẫn không dấu nổi lòng hãi hùng.

Vừa dứt câu chuyện cỏn con, bà trung tá quay qua chồng nói nho nhỏ:

- Con của mình đâu phải ma quỷ gì đâu, mà ông có vẻ sợ hãi như vậy! Nếu nó chưa siêu thoát vì tâm còn thương nhớ người thân trong gia đình, vấn vương bạn hữu ở học đường, thì mình mời chư tăng cầu siêu tiếp.

Sau lời khuyến cáo và đề nghị của vợ, ông trung tá mở lời:

- Tôi không thể tin cái chuyện cỏn con của bà qua ông xích lô! Ông ấy có thể dựa vào sự việc con gái mình chết trên đường phố vì tai nạn xe hơi, rồi bịa chuyện con mình đi xích lô về mà đến đây làm tiền. Lấy gì để chứng minh con mình đi xích lô, trong khi tôi và bà chưa thấy hình ảnh, ngay cả bóng dáng, chỉ nghe ông xích lô đến đây gõ cửa và nói như vậy, làm sao có thể tin được.

Bà trung tá tiếp lời:

- Không ai dám bịa ra cái chuyện như vậy để làm tiền, ông à! Với con người, dù là nghề nghiệp xích lô đi nữa, không ai dám cả gan làm tiền cách đó, vì việc làm thất đức. Hơn nữa, thị xã Đà Nẵng này rộng lớn, làm sao hằng trăm ông xích lô biết hết chuyện con mình bị chết trên đường phố do tai nạn xe hơi mà bịa ra chuyện làm tiền như vậy! Vấn đề người chết hiện về từ nguyên hình đến bóng dáng, làm cho người sống thấy được, không biết đó là người chết hiện về, từ xưa đến nay thường xảy ra trên đời này. Người thấy, không phải ai cũng thấy được. Người sống thấy được phải có cùng tần số với người chết. Thì ông xích lô thấy được con mình là do có cùng tần số với nó. Biết đâu một vài hôm sắp tới, có thể tôi thấy, ông không thấy, thằng X thấy, hoặc ngược lại, nếu con mình tiếp tục hiện về.

Câu chuyện còn đang dở dang, chưa đến hồi kết thúc, ông trung tá đứng dậy, đi đến cửa sổ ở phía trái phòng khách là hướng đông nam được tính theo mặt tiền ngôi nhà quay về hướng tây nam ra đường phố. Ông đưa tay mở tung hai cánh cửa để nhìn thành phố về đêm đang chìm ngập trong biển ánh sáng muôn màu. Và cũng là ý niệm, nếu không nói là muốn nhìn vô căn phòng cũ con gái mình ở hướng đông, căn phòng mà ông đã xây cất riêng cho con gái ông trước khi sắp bước qua bậc trung học đệ nhị cấp. Ông nhìn lại căn phòng cũ con gái ông với ý tưởng là để xem có hiện tượng gì đang hiện hữu trong đó không.

Bà trung tá đang ngồi tư lự bên ghế, bỗng nghe tiếng ông trung tá nói một cách hụt hơi:

- Bà ơi! Bà ơi! Đèn trong phòng con Th đang sáng.

Bà liền đi đến hướng cửa sổ. Lúc bấy giờ ông trung tá ngồi tựa lưng vào vách với sắc mặt sợ hãi tái xanh, nhưng vẫn nói:

- Như vậy, con nó về thật bằng xích lô rồi bà ơi, làm sao bây giờ?

Bà trung tá không để ý gì đến lời nói của chồng trong lúc đó, bà đưa mắt nhìn chăm chăm vào căn phòng cũ con gái mình đang sáng rực với ánh sáng màu xanh lam được hòa cùng với màu vôi xanh lam của vách. Bà đứng nhìn gần ba phút để chờ xem có hiện tượng con gái bà hiện về trong đó hay không. Đoạn, bà quay lui nói:

- Lạ thật, ông biết không, từ sau ngày nó chết, tôi nào có mở đèn vào ban đêm, tất cả đèn học bài trên bàn, giữa nhà và cả restroom đều tắt hết, không có công tắc nào bật lên. Tôi chỉ mở cửa sổ cho thoáng hơi, để mọi thứ trong phòng khỏi bị ẩm mốc. Còn sách vở, đồ đạc của nó, tôi vẫn để vậy cho đến vài năm sau, tôi và ông hết thương tiếc nó, chừng đó mới dọn dẹp gọn gàng để làm chỗ sinh hoạt cho thằng X sau khi cưới vợ. Bây giờ ông vào phòng ngủ nằm nghỉ đi, đừng sợ gì hết, con mình mà sợ cái gì. Tôi sẽ xuống phòng con Th ngay bây giờ để quan sát sự tình ra sao, rồi tôi báo cáo lại cho ông biết.

Sau khi xem xét xong hiện tượng đèn sáng, bà trung tá vào phòng ngủ, cất tiếng hỏi:

- Ông thức hay ngủ?

- Làm sao ngủ được, có gì lạ không bà?

- Căn phòng vẫn yên lặng trong ánh đèn. Và này ông ơi, rõ ràng công tắc đèn được bật lên. Như thế chứng tỏ con gái mình bật đèn, chứ không ai vô đó. Trước khi ra phòng tôi đã tắt đèn rồi. Nếu đèn được sáng lại lần nữa, chính con Th, nó đang có mặt trong phòng, nhưng nó không cho mình thấy. Thôi mình ngủ đi ông, sáng mai ta sẽ đem chuyện này trình báo với các thầy.

 

Đêm đã gần hết canh ba rồi, mà ông bà trung tá không ai đi vào giấc ngủ, cứ thao thức từ giờ này qua giờ khác bởi lòng đang trắc ẩn nửa tin, nửa không tin về việc đứa con gái hiện về. Làm sao tin được, một khi không thấy rõ hình bóng, chỉ một mình ông xích lô thấy. Và làm sao không tin được, vì đèn đã tắt nay lại sáng lên. Những hiện tượng đó cứ  xoay quanh tư tưởng hai người là năng lực khó có thể đi vào giấc ngủ.

Thấy không ngủ được, bà trung tá bước nhẹ xuống giường, đi lên phòng khách với chủ tâm là nhìn vào phòng đứa con gái để xem có thêm hiện tượng gì nữa không. Bà đi rón rén từng bước đến cửa sổ, đưa mắt nhìn, bà thấy đèn nê ông hai tấc ở bàn học đang sáng và bóng dáng đứa con gái đang ngồi trong tư thế học bài, mái tóc huyền đang xõa ra sau lưng.

Để kiểm soát con mắt mình có phải do vì không ngủ mà thấy gà hóa quốc, nên bà nhìn lại hai ba lần vẫn thấy y nguyên hình bóng đó, không có gì thay đổi.

Qua hình bóng ấy làm tim bà đập mạnh, và run rẩy cả người, bà quay về hướng ghế phòng khách để xem đồng hồ trên tường là mấy giờ. Bà thấy đồng hồ trên tường là hai giờ năm phút sáng. Bà ngồi ở phòng một chặp lâu hơn mười phút. Sau đó bà đến cửa sổ, nhìn lại lần nữa, hình bóng đó vẫn hiện hữu trong ánh sáng nê ông tỏa ra bao quanh cái bàn.

Để cho chồng được thấy hình bóng con gái mình hiện về, bà vào lắc chân chồng rồi nói:

- Ông ơi, đèn phòng con Th đang sáng trở lại. Đèn sáng lúc này là đèn ở bàn học của nó và có cả hình bóng nó đang ngồi xõa tóc ra sau lưng y hệt như lúc trước nó ngồi học bài vậy.

Nghe vợ nói, ông trung tá ngồi dậy trong trạng thái thẫn thờ tư lự, không nói lời nào.

Thấy chồng có vẻ hơi sợ ma, bà liền ngỏ lời:

- Ông đừng sợ, con mình chứ đâu phải ma quỷ gì mà sợ!

- Con Th bây giờ nó là ma rồi, còn gì nữa mà không phải! Nhưng tôi cũng phải lên phòng khách để xem thử ra sao.

Tại cửa sổ, ông trung tá khom lưng xuống, đưa mắt nhìn chăm chú một cách say mê không có lời bình luận nào. Trong khi ông đang nhìn, bà hỏi hai ba lần bên tai ông:

- Thấy chưa? Ông thấy chưa? Kìa, nó đang ngồi đó kìa.

Nghe vợ nói hơi lớn tiếng, ông trung tá đưa tay ra sau lưng, phất phất, nói:

- Đừng nói lớn, nói lớn con nó biến đi mất, tôi đang nhìn thấy đây nè.

- Tánh ông ưa sợ ma, mà hôm nay bình tĩnh là do con Th nó phù hộ cho ông đấy!

Hơn mười phút nhìn con mình hiện về, sau đó vợ chồng ông trung tá đến ngồi ở phòng khách cho đến sáng. Tại đây ông bà bàn với nhau là chiều mai sẽ đứng trước thềm nhà vào lúc hoàng hôn để xem thử đứa con gái có còn tiếp tục hiện về đi bằng xích lô nữa không.

Quả nhiên chiều chạng vạng hôm đó, hai ông bà đang đứng trước thềm nhà trong ý niệm và đôi mắt mong đợi, thì một xe xích lô từ hướng chợ Cồn chạy lên. Trên chiếc xích lô có một nữ sinh mặc áo trắng đang ngồi. Xe xích lô đang tiến gần tầm mắt, hai ông bà càng thấy rõ, rồi bà nói “có phải nó đó không”, còn ông thì nói “chưa chắc”. Vừa dứt tiếng, chiếc xe xích lô dừng lại trước cổng nhà. Nhưng chỉ thấy ông tài xế xích lô xuống yên xe, rồi đi vào cổng, đến trước mặt ông bà trung tá nói lời y hệt như hôm qua: “Bác vào gọi mẹ cháu trả tiền”. Còn hình bóng người con gái mặc áo trắng trên xe biến đâu mất.

Lúc bấy giờ hai vợ chồng ông trung tá không để ý gì đến lời ông xích lô nói về tiền xe, đôi mắt của mỗi người cứ nhìn vào xích lô, rồi nhìn quanh tứ phía mà không thấy hình bóng đứa con gái đâu cả! Bỗng nhiên bà trung tá vỗ lên vai chồng, sợ ông xích lô nghe, bà nói nhỏ:

- Đèn trong phòng con Th đang sáng và con Th nó đang đi qua đi lại, ông hãy nhìn vô đi mà thấy, để tôi đi lấy tiền trả cho ông xích lô.

*

*   *

Tại bàn ăn buổi tối hôm đó được thêm một chén, một đũa, thay vì ba nay là bốn đũa bốn chén. Nhưng một chén được thêm trong đó có sẵn cơm, làm cho đứa con trai thắc mắc, liền hỏi:

- Hôm nay nhà mình có khách hả, mẹ? Nhưng mà sao có một chén được đơm cơm sẵn?

- Chén cơm đơm sẵn là mẹ cúng cho em Th mày. Con biết không, em Th con đang hiện về ở nơi phòng nó kìa.

- Mẹ nói nghe ghê quá vậy! Có thật không mẹ?

Ông trung tá chen lời:

- Có chứ con, ba cũng thấy nữa. Em con nó hiện về tại phòng nó từ tối hôm qua và hôm nay. Phòng nó đèn sáng, con lên phòng khách, đứng tại cửa sổ, nhìn là thấy ngay.

Theo lời người cha đề nghị, X lên phòng khách.

Chừng hơn một phút, X trở lại bàn ăn, xác nhận:

- Con chỉ thấy đèn sáng, không thấy em con, nhưng có nghe trong nhà cầu (restroom) có tiếng dội nước, ý cha, ghê quá!

Ông trung tá tiếp lời:

- Chắc em nó sợ con, nên nó không cho con thấy.

- Ba, thường thường không sợ ma, được ma cho thấy. Con là người không bao giờ sợ ma, sao em con không cho con thấy? Được rồi, đêm nay con xuống phòng nó con ngủ, xem thử nó có hiện lên không!

Bà trung tá can ngăn:

- Thôi con, để cho em Th được an ổn, đừng xuống quấy rầy nó. Sở dĩ nó không hiện là nó sợ con đấy!

Nói xong, bà chấp tay nhìn vào chén cơm, miệng vái lâm râm chừng vài ba giây, rồi bảo chồng và con trai:

-Thôi, mình và con ăn cơm, việc con Th hiện về, để đó sẽ tính sau, coi như nó còn sống, nó còn tiếp tục hiện về nhiều lần nữa, chưa hết đâu.

Quả thật, đúng như lời bà trung tá nói, đến chiều ngày hôm sau, cô Th lại hiện về bằng xích lô y như hai chiều vừa qua, đây là lần thứ ba. Lần này ông bà trung tá cũng ngồi chờ ở trước thềm nhà và cầm tiền sẵn trong tay để trả cho tài xế xích lô. Rồi những chiều kế tiếp, cô Th vẫn về nhà bằng xích lô như ba lần chiều vừa qua. Những lần kế tiếp này, ông bà trung tá không còn ngồi chờ trước thềm nhà nữa, nhưng để tiền sẵn ở phòng khách khi nghe tài xế xích lô gõ cửa. Người tài xế xích lô đưa cô Th về không phải một người, mà nhiều người khác nhau.

Cô Th hiện về lần đầu, lần hai còn làm cho ông bà trung tá cảm thấy vừa sợ vừa thắc mắc, lo lắng nào là không siêu thoát, đói no, ăn được, không ăn được, lạnh hay ấm! Nhưng từ lần thứ ba trở đi, tâm tư ông bà trung tá hết sợ, hết thắc mắc, lo lắng gì nữa, xem như cô Th không chết. Cho nên thấy cô Th mở đèn lúc về vô phòng, tắt đèn lúc khuya như thể hồi xưa đi ngủ tắt đèn, thấy vô nhà tắm, đi tới lui trong phòng, ngồi ở bàn học, đứng chải tóc bên cửa sổ và nghe tiếng nước dội cầu. Đến sáng, từ lúc bình minh và trời sáng lên, tất cả đêm đều im lặng, cũng như không thấy có cô Th đi học vào buổi sáng, mà chỉ thấy người tài xế dừng xe trước nhà vào xin tiền lúc chiều lên và thấy bóng dáng cô Th sinh hoạt trong phòng một cách lờ mờ không rõ lắm, cũng như không thấy lên phòng ăn.

Lúc còn sống, cô Th đi học bằng xe đạp, vì ông bà trung tá sợ cô Th đi xe gắn máy còn nguy hiểm hơn, nên không sắm cho cô, để chờ lên đệ nhị cấp mới mua cho. Từ chỗ này cho ta thấy cô Th bên kia cõi chết có chọn lựa phương tiện đi về nhà bằng xích lô, không đi xe đạp. Làm sao một thân trung ấm vô hình có thể tự đạp xe đạp được! Thân hữu hình người sống mới đạp xe đạp, cho nên các hương linh, âm hồn, cô hồn, yêu tinh, ma quỷ đều nương nhờ phương tiện của người sống, như đón xe lam, chận người đi xe gắn máy, xe jeep, xe đò xin quá giang với mục đích gì đó. Chứ các hương linh, cô hồn, âm hồn, ma quỷ, yêu tinh, họ đều đi xuyên suốt qua mọi chướng ngại hữu hình dù xa hàng ngàn cây số một khi ý nghĩ muốn đến ở đâu đó là đến đúng chỗ theo ý muốn.

 

Là người Á Đông đều theo đạo thờ cúng và theo đạo Phật có đi chùa, do vậy ông bà trung tá không thể cứ để con gái mình hiện về mãi như vậy, cho nên đã đến trình bày những hiện tượng hiện về ấy với một vị cao tăng. Sau khi trình bày xong, vị cao tăng đó chỉ giáo: “Ông bà nên thỉnh chư tăng làm lễ TRAI ĐÀN CHẨN TẾ SIÊU ĐỘ, thì con gái ông bà được siêu thoát hết hiện về. Hành lễ cầu siêu bảy lần chưa có đủ. Nói như thế, không có nghĩa là chư tăng tụng thiếu kinh kệ, thiếu định tâm, mà là do thiếu một yếu tố quan trọng khác. Yếu tố ấy ở người gia chủ và hương linh. Trước khi nói yếu tố đó cho ông bà được biết, tôi hỏi ông bà một vài điều sau đây: Trong nhà ông bà có thờ Phật thường xuyên? Tất cả người trong gia đình có ai chưa quy y Tam Bảo hay đã quy y rồi? Trong gia đình có ai biết ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, đọc sách Phật pháp hay tu tập Phật pháp? Trong gia đình có ai đã từng làm việc bố thí cúng dường, nghe chư tăng giảng pháp?

Sau khi nghe vị cao tăng hỏi, ông trung tá trả lời:

- Thưa thầy, tất cả câu hỏi của thầy, đối với chúng con, thật lòng mà nói, chúng con chưa có ai thực hiện được. Riêng vợ chồng chúng con chỉ đi chùa lễ Phật vào dịp Tết, còn các ngày lễ lớn như Vu Lan, Phật Đản, có năm đi, có năm không đi.

Vị cao tăng nói thêm:

- Những điều tôi hỏi ông bà vừa rồi là yếu tố quan trọng đối với sự siêu thoát của hương linh. Hương linh bị thiếu yếu tố quan trọng đó, khó có thể nghe được lời kinh của chư tăng lúc hành lễ cầu siêu, như thế làm sao siêu được! Hương linh bị thiếu yếu tố quan trọng đó được ví dụ như: Người lãng tai khó nghe người kia nói gì. Người ở trong căn nhà tối, khó tìm thấy lối đi. Một việc làm nào đó, nếu con người chưa học hỏi, không thể làm được. Người học sinh không học bài, không thể làm bài thi, ắt sẽ không được có văn bằng. Một người bị mù chữ, làm sao có thể đọc được báo...!

Cũng như vậy, hương linh lúc sinh tiền không tiếp nhận những yếu tố quan trọng trên, mà chỉ bám theo các ảo giác, các ác nghiệp, vọng thức, dục lạc, tham ái... nhất hạng là những thanh niên nam nữ ở lứa tuổi học sinh, tâm tư các cô, cậu lúc nào cũng chứa đầy những hình ảnh du hí vui chơi với nhau, đàn ca hát xướng, ước mơ những điều không thực tế, mơ mộng sẽ làm việc này việc nọ,  có khi trốn học rủ nhau đi bắt bướm, hái hoa ép vào sách v.v... Thình lình bị chết đi theo định luật vô thường. Cho nên thức A-Lại-Da ra khỏi xác, mang theo tất cả tổng thể cái nghiệp mơ mộng đó, thì bên kia cõi chết vẫn cứ bám theo cái nghiệp cũ đó. Như thế làm sao có thể nghe được lời kinh cầu siêu khi chư tăng hành lễ, làm sao thấy được hình ảnh Tam Bảo, vì lo chạy theo những ảo giác. Chạy theo y như lúc sống, do vậy con gái của ông bà, cháu nó chưa siêu, mà cứ hiện về lẩn quẩn trong phòng là đúng theo cái nghiệp cũ và thiếu yếu tố Phật pháp. Cho nên vấn đề làm lễ cầu siêu trong Phật giáo được xem như là lời pháp nhắc nhở, trợ đạo cho hương linh vốn có hạt giống Bồ Đề do tu tập Phật pháp lúc còn sống, ở bên kia cõi chết được dễ dàng nhận ra hình ảnh Tam Bảo, nghe rõ thêm lời kinh tụng niệm của chư tăng mà sinh khởi tâm vui mừng, không sinh tâm luyến ái, mau hội nhập vào ánh sáng chư Phật, Bồ Tát, biết tránh né ánh sáng mờ đục của súc sinh, ngạ quỷ, tức thì thân trung ấm được thêm năng lực bay bổng lên cao, siêu thoát mau hơn, bởi do lúc còn sống trên đời vốn có tu tập Phật pháp. Hoặc lúc sinh tiền có lòng nhân bản đạo đức trong cuộc sống có biết cư xử đối đãi đôn hậu, lễ nghĩa trung tín với mọi người và hiếu thảo, báo ân trong việc phụng thờ ông bà, cha mẹ, là năng lực tiếp nhận lời kinh của chư tăng.

Với những hương linh không tiếp nhận được lời kinh, hình ảnh Tam Bảo như vậy, chỉ có cách là hành lễ giáo pháp TRAI ĐÀN CHẨN TẾ SIÊU ĐỘ, mới có thể khai thông tâm vô minh, cuồng si, vọng thức của họ được tỉnh ngộ lại mà thấy hình ảnh Tam Bảo, nghe được lời kinh. Từ đó họ được siêu thoát.

Nghi thức TRAI ĐÀN CHẨN TẾ SIÊU ĐỘ được ví như nhà vua có lòng thương dân như con, cho nên trong nước, ở đâu có người dân vi phạm luật pháp, nhà vua ra lệnh trình diện trước triều đình hay trực tiếp đến tận nơi mà nói lời giáo huấn, để cho người dân tỉnh ngộ thấy được hành động sai luật pháp của mình mà trở về đời sống lương thiện.

Sau khi nghe lời chỉ giáo của vị cao tăng, ông bà trung tá đã thỉnh ban kinh sư đến nhà thiết lập đàn tràng và hành lễ Trai Đàn Siêu Độ trong ba ngày. Từ đó về sau , con gái của ông bà không còn hiện về nữa.

(Phóng tác theo lời kể của vị cao tăng ở Đà Nẵng vào năm  1969)

 

8.- Hoàng hậu Hy Thị thác sinh làm thân mãng xà và yêu tinh

Vào thời vua Lương Võ Đế, tây lịch năm 502-549, vợ vua là bà Hy Thị, con người tài sắc, nhưng tánh tình hẹp hòi, đố kỵ, ghen tương. Được vua yêu mến nuông chiều, bà lại càng kiêu căng khinh thường cung phi mỹ nữ. Vua Lương Võ Đế là người hết sức sùng tín Tam Bảo, xây chùa tháp, in kinh ấn tống, cúng dường chư tăng. Trong khi đó, Hy Thị lại tỏ ra lơ là việc phước thiện công đức. Ỷ mình là Hoàng hậu nhan sắc, xem nhẹ chư tăng. Sau khi chết, bà đọa làm con rắn mãng xà, lúc lại làm yêu tinh thường vào cung điện phá phách. Một hôm, vào đêm khuya tịch mịch, nhà vua một mình ở thư phòng trong chốn thâm cung, đang ngồi lật trang kinh Phật nghiên cứu thì, bỗng nghe tiếng khóc than ảo não. Nhà vua giật mình cất lớn tiếng hỏi:

- Ngươi là ai? Đêm khuya tăm tối, cung điện nghiêm mật thế này, làm sao ngươi vào được nơi đây?

Có tiếng rên rỉ đáp:

- Thiếp là Hy Thị, Hoàng hậu của vua, lúc còn sống, vì không biết cách ăn ở, nên sau khi tắt thở lìa trần, phải làm thân rắn mãng xà, thân thể tanh hôi, vi vảy trùng dòi ngày đêm rúc rỉa, đau nhức đói khát không biết ngần nào! Có lúc đọa làm yêu tinh ăn đồ nhơ bẩn, phất phơ đói khổ bức bách, không nơi nương tựa. Xin Hoàng đế nghĩ nghĩa sắt cầm năm xưa, thương cho phận thiếp, tìm phương cứu giúp.

Lại một ngày nọ, đang lúc vua Lương Võ Đế nghỉ trưa ở điện Kim Loan, thì một con rắn mãng xà to tướng đang trườn mình trên trần nhà tiết ra mùi tanh hôi, đôi mắt chảy nước, hướng nhìn nhà vua với vẻ buồn thảm khẩn cầu cứu giúp. Vua Lương Võ Đế sực nhớ tiếng thống than vô hình đêm trước, hiểu ý, liền cất tiếng:

- Ta sẽ vì ngươi mà lập đàn tràng sám hối. Ngươi cũng phải khẩn thiết ăn năn, để cho tội diệt phước sanh, mới sẽ được thánh thiện hóa kiếp.

Nhà vua vừa dứt lời, mãng xà tức thời phóng nhanh biến dạng.

Những việc vừa nghe thấy, khiến vua Lương Võ Đế cảm kích khiếp hãi nhân quả, động mối từ tâm ngậm ngùi, liền triệu thỉnh Thiền sư Thích Bảo Chí, thời bấy giờ thường gọi là Chí Công Hòa Thượng, một vị cao tăng đương thời, làm sám chủ. Hòa Thượng Chí Công cùng vua Lương Võ Đế đi khắp tìm cung thỉnh các bậc chân tăng vân tập về triều, vua sắc chỉ, căn cứ vào Kinh nghĩa Đại Thừa, soạn ra nghi sám hối. Nhà vua đem hết tiền tài riêng của Hy Thị và của mình ra thành tâm cúng dường chư tăng và bố thí người nghèo, đúc tượng, in kinh. Nhờ công đức chú nguyện của chư tăng trong đạo tràng Sám pháp, cùng tâm trí thành khẩn của nhà vua, đã cảm hóa chuyển nghiệp Hy Thị được siêu độ.

Đàn tràng Sám pháp vừa xong, rắn mãng xà thoát kiếp, giải nghiệp yêu tinh, hiện nguyên hình Hoàng hậu Hy Thị, mặc thanh y đứng giữa hư không, cất tiếng vái chào tri ân chư tăng, cảm ơn bái biệt nhà vua, rồi bay về Thiên giới.

 

            9.- Bà mẹ hiện về tát tai đứa con bất hiếu

            Theo truyền thuyết Á Đông, con người được cha mẹ sinh ra và lớn lên đến tuổi trưởng thành có sự nghiệp và gia thất (lập gia đình) hay không gia thất, dù nam hay nữ, ai cũng phải làm bổn phận báo hiếu ân đức sinh thành dưỡng dục đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nhất là cha mẹ, người gần gũi nhất đều được con cái trả hiếu, báo ân.

            Ngôn ngữ và hành động báo ân, báo hiếu đối với dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đến hôm nay, không ai có thể đánh mất, dù cho ở đâu, trong thời chiến tranh hay hòa bình, vẫn phụng dưỡng cha mẹ lúc sống và phụng thờ lễ bái sau khi cha mẹ qua đời. Với người giàu được thể hiện ra nhiều hoa quả, nhang đèn, mâm cao cỗ đầy. Với kẻ nghèo được thể hiện ra chén nước, nén hương, bình bông.

            Các dân tộc Á Đông, hầu hết đều giữ nguyên truyền thống thờ phượng, cúng bái tổ tiên, ông bà, cha mẹ sau khi qua đời. Duy chỉ có dân tộc Việt Nam một số ít đã quên báo hiếu, báo ân cha mẹ là người gần nhất. Sự đánh mất lòng báo hiếu, báo ân cha mẹ sau khi qua đời của một số người Việt Nam tại quê nhà và hải ngoại, có lẽ là do nhiều hoàn cảnh, trong đó có thể là do cái nghèo, không biết còn lý do nào khác nữa hay không!

            Với các bà mẹ Việt Nam trong giới bình dân, tính tình xuề xòa không bảo thủ đạo lý truyền thống ân nghĩa, hiếu trung, nên dễ dãi với con cháu, không cần biết con cháu làm gì, theo ai đó thì theo, nhất hạng là bị lâm vào hoàn cảnh khó khăn, lại càng để cho con cháu chạy theo thế lực vật chất,

            Còn các bà mẹ thuộc giới trí thức nho học, hay tây học, tính tình bảo thủ đạo lý truyền thống ân nghĩa hiếu trung của tổ tiên, dù bị lâm vào hoàn cảnh khó khăn vẫn một lòng gìn giữ, nhắn nhủ, nhắc nhở con cháu gìn giữ đạo lý, ân hiếu. Tại sao các bà mẹ trí thức khắc khe đạo lý ân hiếu nhiều như vậy? Xét ra đạo lý ân nghĩa, hiếu trung, nó như một lá chắn ngăn chận lòng phản quốc của người dân chạy theo các bạo lực ngoại lai để bán nước cầu vinh, là thành trì ngăn cản làn sóng xâm lăng từ bên ngoài.

            Nói về sự giáo dục trong gia đình, bà mẹ có lời giáo dục con cháu nhiều hơn cha, vì các bà gần gũi con cháu hằng ngày. Do vậy các bà mẹ trí thức rất buồn, cảm thấy khổ đau trong lòng khi biết được các con cháu vô ân bội nghĩa, bất hiếu đối với mình trên lãnh vực đánh đổ bát nhang, bỏ hết lề lối phụng thờ, lễ bái tổ tiên, ông bà.

            Vì vậy mà các ông, các bà lớn tuổi thuộc hàng trí thức ở bên quê nhà đang khổ tâm, buồn tủi cho những đứa con, đứa cháu ở hải ngoại đã đánh mất đạo lý truyền thống lễ bái, phụng thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Trong số người buồn tủi, khổ tâm đó, có bà cụ NH ở Gia Định khi nghe, biết rõ con trai bà là ông S ở Texas đã không còn quan tâm đến việc thờ phượng, lễ bái tổ tiên, ông bà, cha mẹ nữa.

            Theo lời những người bạn ông S bên Texas đã kể rằng: ông S là con trai duy nhất trong gia đình và hai em gái. Gia đình ông S bên cha mẹ ruột và bên vợ đều theo đạo ông bà và Phật giáo. Song thân của ông S là cựu viên chức hành chánh dưới thời Pháp thuộc, cho nên ông S được ăn học có bằng cấp cao. Trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông là sĩ quan cấp tá. Cha ông mất sớm chưa đến tuổi về hưu, mẹ ông vẫn đủ sức nuôi ông và hai em ăn học thành tài. Hai em gái đều có chồng, cho nên suốt thời gian quân ngũ, ông ở đâu đều đem mẹ theo ở trại gia binh. Ông S rất có hiếu với mẹ, nên chìu theo ý mẹ muốn đi chùa, muốn cúng bái, thờ phượng, ông đều lập bàn thờ thờ Phật và thờ ông bà, ông đều đáp ứng.

            Sau 30.4.1975, mẹ ông ở với vợ con ông ở Gia Định suốt thời gian ông bị cải tạo. Khi cải tạo về, gia đình ông được đi định cư ở Mỹ, mẹ ông ở lại với đứa em gái út. Thời gian ở Mỹ được hơn năm, bà mẹ ông bị đau nặng, ông về thăm. Thời gian ba tuần ở với mẹ, cũng là lúc gặp ngày cúng kỵ cha ông, được hai đứa em gái lo mâm cỗ, hương hoa trà quả đầy đủ. Với vai trò con trai trưởng trong gia đình là thắp hương đèn, đứng chắp tay lễ lạy ông bà, cha mẹ đã quá cố. Nhưng ông S từ chối, bảo hai em gái ông lễ lạy, cúng bái thế ông.

            Thấy ông S từ chối lễ bái, không chịu đốt hương đèn, bà cụ NH bèn hỏi:

            - Con bị cảm, đau nhức tay chân hay sao, mà không thấy thắp hương đèn, lễ bái ba con?

            Ông S đứng im, không trả lời. Sau đó đứng bên cạnh bàn thờ, chắp tay một cách miễn cưỡng ở giữa bụng, rồi xá xá thật nhanh ba xá, mà không cúi đầu. Xá xong ông S ra cửa nói:

            - Trời ơi! Tôi bị phạm tội rồi.

            Bà cụ NH nghe được khi bà đang đứng trước bàn thờ đưa ba cây hương trước trán, miệng vái lâm râm, nhưng tai bà nghe lời than của ông S. Lễ bái xong, bà ra cửa hỏi ông S:

            - Sao lúc này tâm tính của con bị đổi hẳn vậy? Khi chưa đi Mỹ, con đâu có thái độ bất hiếu như thế này! Hay là con đã theo một tôn giáo khác?

- Con chả theo một tôn giáo nào cả, con chỉ nói cho mẹ biết là con không được phép thắp hương đèn, không còn thờ phượng lễ bái tổ tiên ông bà nữa. Cho nên sau này mẹ qua đời, con chỉ gởi tiền về cho hai em nó lo tang lễ cho mẹ, chứ con không về, không cúng thất cúng thiết gì cả. Con nói trước cho mẹ biết như vậy.

- Hay là con bị thấm nhiễm phong tục của người Mỹ là không cúng bái tổ tiên, cha mẹ, có phải vậy không?

- Chuyện này con khó nói cho mẹ nghe. Mẹ cứ biết lúc này con hết làm bổn phận thờ cúng cha mẹ là đủ rồi. Mẹ muốn con gởi bao nhiêu tiền cũng được, chứ bảo con đốt hương, đèn, sắm mâm cỗ để cúng bái tổ tiên, ông bà, cha mẹ, con không thể làm được nữa.

Bà cụ NH liền ngất xỉu trên đất trước thềm nhà sau khi nghe ông S nói lời khẳng định quyết tâm bỏ Đạo thờ cúng Tổ tiên.

Lời khẳng định quyết tâm từ bỏ chuyện thờ phượng, lễ lạy tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã làm cho bản thân bà cụ NH phát sinh thêm nhiều chứng bệnh khác. Do vậy bà cụ NH đã qua đời sau đó ba năm kể từ lúc ông S về thăm và trở lại Mỹ.

Ông S nghe mẹ chết, ông nhất quyết không về, gọi phone bảo hai em ông lo tang lễ, và gởi tiền về để lo đám tang.

Bà vợ ông thấy vậy, nói với chồng:

- Anh, anh không để tang, không cúng tuần cho mẹ, ít ra anh cũng phải thắp cho mẹ một cây hương để cho hương hồn mẹ được cảm thấy an vui nơi chín suối.

Ông S trả lời với thái độ hằn học:

- Bà xúi tôi phạm tội với thượng giới hả? Bà không nghe các cấp lãnh đạo quản nhiệm của mình nói về việc thắp hương đèn, lễ bái, thờ cúng là việc làm của ma quỷ, bộ bà quên rồi hả? Còn nhớ các ngài quản nhiệm đã nhắc tới nhắc lui nhiều lần rằng: tổ tiên, ông bà, cha mẹ, con cái của ta và ta đều là con cái của đấng tạo hóa, thì hà tất gì mà phải cúng bái chứ! Ta hãy từ bỏ hình thái văn hóa mê tín đó đi!

Quả thật, sống như thế nào, chết như thế đó. Lúc sống tâm tư không xả bỏ lỗi lầm của con cái, người này người nọ, chất chứa trong tâm những nỗi buồn phiền, uất hận, sân si, giận hờn, để rồi có dịp được tuôn trào ra lời hằn học, nguyền rủa, chửi bới, la hét, mắng nhiếc, cùng với hành động đánh đòn, tát tai, đấm đá... của bậc cha mẹ đối với con cái, anh chị đối với em út, thầy đối với trò và những bạn bè đối với nhau.

Qua bên kia cõi chết cũng như thế đó, không khác. Do vậy mà bà cụ NH, mẹ ông S đã hiện về tận nhà ông S bên Texas, đưa lời mắng chửi và tát tai ông S, làm cho đôi má ông bị bầm tím và sưng lên, sau khi thân xác bà được chôn cất xong đúng vào ngày thứ sáu. Chính ngày thứ sáu này (kể từ ngày chết) thân trung ấm biết được mình đã chết. Với kẻ ngu si cách mấy, đến ngày này đều biết mình chết, cho nên họ nói và hành động theo nghiệp cũ của họ thực tại trong bầu ánh sáng mờ đục của họ đối với người sống, mà tâm tư họ đã nặng ký thương yêu hay oán hờn.

Theo lời vợ ông S kể cho một số thân hữu nghe rằng: ông bà đang ngủ, vào giữa đêm khuya, bà bỗng nghe tiếng ông S la với âm thanh như mớ: “Mẹ, mẹ sao lại tát con!” Sau đó tiếng ông S đổi giọng, âm thanh rõ ràng: “Mẹ ơi, con xin sám hối với mẹ, con không dám bất hiếu với mẹ nữa, con sẽ từ giã họ, con trở về đạo lý ân hiếu”.

Tiếng ông S nói rõ ràng như người tỉnh ngủ làm cho bà S tỉnh giấc, bà ngồi dậy, thấy ông S ngồi sẵn từ bao giờ nơi bìa giường, thòng chân xuống đất, ễnh người ra sau, đưa hai tay lên trước trán như thể đỡ những cú đánh nặng ký từ đối phương, mà chẳng thấy đối phương đâu cả, chỉ thấy một mình ông S vừa đưa tay đỡ, miệng vừa nói những lời tạ tội.

Cuộc diễn xuất sám hối và tạ tội của ông S mất chừng hơn một phút, đoạn ông nằm xuống đưa hai bàn tay ôm mặt trong im lặng, không hay biết gì bà vợ ngồi dậy chứng tri cho lời tạ tội với mẹ mình.

Sáng ra, thấy mặt chồng bị sưng vù và bầm tím, bà S liền hỏi nhỏ:

- Mặt anh sao bị sưng tím vậy, chắc anh uống rượu hay ăn trúng thức ăn có chất độc?

- Đêm qua tôi thấy bà già về nói lời xỉ vả, rồi bà đè đầu tôi xuống tát tai tôi.

- Trời đất ơi, bà chết linh lắm đó, anh nên thiết lập bàn thờ, thờ mẹ đi anh. Để em mua hương đèn, hoa quả về cúng mẹ để cho hương hồn mẹ được vui, chứ mẹ oán hờn anh dữ lắm rồi đấy! Từ xưa nay em chưa thấy người nào chết được linh như mẹ!

- Có nhiều lắm chứ! Ông S đáp lời.

- Anh thấy nhiều như vậy, tại sao anh không lấy đó làm gương cho anh, để đến nỗi làm cho mẹ phải hiện về dạy cho anh bài học đích đáng!

- Có thấy biết, nhưng mà tại vì...

(Phỏng theo lời một số bạn HO bên Texas kể lại)

 

10.- Vong linh từ gốc chuối hiện về nhà

Vào năm 1960, người thư ký của chùa chi hội Phật giáo xã Xuân Phước, quận Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên bị công an quận bắt giam, rồi thả. Sau nhiều lần bắt giam rồi thả như vậy, một tối nọ, người thư ký chùa đang sinh hoạt với vợ con tại nhà, bỗng nghe có tiếng kẻng đánh báo động có Việt Cộng về. Sau tiếng kẻng chấm dứt, một vài công an vào nhà bắt người thư ký dẫn đi trong đêm.

Sáng ngày vợ ông thư ký lên quận hỏi thăm chồng có bị giam ở quận không, các công an trả lời không có. Từ đó bà khổ tâm, buồn lo không biết số phận chồng mình ra sao, ở đâu?

Qua sáu ngày khổ tâm, lo lắng, thương nhớ chồng. Đến đêm thứ bảy, bà đang ôm con nhỏ sáu tháng trên võng, mà lòng thổn thức, bỗng nghe tiếng cửa mở, bà mở mắt. Trong ánh sáng của cây đèn dầu lửa bóng hột vịt trên bàn Phật, đủ cho bà nhận ra hình bóng chồng bà đang mặc bộ đồ ngủ màu hột gà có sọc xanh da trời. Bà liền ngồi dậy, hai tay ôm chặt đứa con vào lòng, bỏ chân xuống đất, cất tiếng mừng rỡ ra lời:

- Ồ anh về, anh về rồi đây nè!

Chồng bà đáp lời:

- Em ơi, anh đã bị công an siết cổ chết bằng dây điện, rồi họ chôn anh dưới gốc chuối ở phía sau quận.

Bà liền đứng lên khỏi võng, bước tới với ý nghĩ chồng mình đang hiện hữu, nhưng than ôi, chỉ là không gian trống không trong ánh sáng lờ mờ, tiếng nói và hình ảnh chồng bà đã tan biến đâu mất.

Bà trở lại chiếc võng, lần này bà ru con bằng nước mắt và âm ba uất hận đang cuồn cuộn lên khắp tâm can cho tới bình minh ló dạng, vẫn chưa nguôi... Do vậy, trời chưa sáng hẳn, bà đã vội vã bế con đến nhà bà con, các đạo hữu trong chi hội Phật giáo xã để báo cáo cho biết cái hung tin đó.

Trong vòng ba ngày, chư tôn giáo phẩm trong Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Trung Phần, thầy giảng sư và các đạo hữu trong Ban Trị Sự tỉnh hội Phật giáo Tuy Hòa, các đạo hữu trong Ban Trị Sự chi hội Phật giáo xã Xuân Phước, cũng như các quan chức trong chính quyền tỉnh Phú Yên, tất cả đều biết đến cái chết của người thư ký chi hội Phật giáo xã Xuân Phước.

Sau đó cuộc điều tra được tiến hành. Phái đoàn điều tra lúc bấy giờ, chỉ có về phía Phật giáo ở ba nơi Huế, Tuy Hòa, Xuân Phước phối hợp.

Phái đoàn Phật giáo đến gặp các quan chức chính quyền quận Đồng Xuân và đã trình bày hết sự việc về cái chết của người thư ký chi hội Phật giáo xã. Và phái đoàn ngỏ lời xin khai quật để đưa thi hài về chôn cất.

Sau khi nghe phái đoàn Phật giáo trình bày, các ông quận trưởng, chi trưởng công an và các ông phó đều bác bỏ:

- Không có ai bị giết chết bằng cách đó và chôn ở gốc chuối. Người bị tử hình phải hội đủ hồ sơ có tội hoạt động cho đối phương và bị đưa ra tòa xét xử, chứ không thể tử hình một cách vô cớ được! Quý vị muốn khai quật, chúng tôi bằng lòng và cho người đào lên. Đào nơi gốc chuối mà không có, quý vị sẽ lãnh án tù về tội vu khống. Được rồi, chúng tôi thi hành ngay bây giờ.

Tất cả người trong phái đoàn và các quan chức quận đều cùng ra bụi chuối sau quận. Mọi người vừa dừng chân, nơi vùng đất nhỏ có chu vi vài tấc vuông cách bụi chuối một gang tay, hơi cũ kỹ như thể vừa mới xới lên từ đêm qua. Nơi đó, một tiếng nổ “bụp” như tiếng nổ của cái bong bóng, làm cho một vài cục đất nhỏ vung lên.

Trước hiện tượng tiếng nổ và vung đất lên, mọi người nhìn nhau không nói nên lời. Riêng thầy giảng sư tỉnh hội Phật giáo Tuy Hòa, thầy nói:

- Đích thực đó rồi, ông thư ký đang ở dưới.

Ông chi trưởng công an, không còn cách nào hơn trước hiện tượng báo hiệu của người chết, bèn quay qua các anh lính đang cầm cuốc, xẻng, ra lệnh:

- Đào đi, xem thử có không!

Tuân theo lệnh thượng cấp, ba người lính đồng loạt bước tới chỗ có tiếng nổ báo hiệu vừa rồi, khom lưng cuốc móc, giựt đất ra sau. Nhát cuốc thứ nhất, nhì, ba, tư chưa thấy gì. Đến nhát cuốc thứ năm, sáu thì cái phần cuối lưng được lòi ra trước, rồi đến lưng, vai và đầu ở phần sau cùng sợi dây điện màu đen quấn chặt cổ. Cuối cùng cả toàn thân được thấy rõ trong tư thế nằm chổng khu úp mặt, phơi bày trong bóng dâm của những tàu lá chuối đang lắc lư dưới ánh nắng mùa thu, như thể hồn người thư ký đang vui mừng hả dạ, cho đến nỗi làm lay động những tàu lá chuối trên cao.

Sau lễ cúng thất cầu siêu thứ ba, thầy giảng sư chùa tỉnh hội Phật giáo Tuy Hòa, trong giấc ngủ chập chờn, thầy thấy ông thư ký hiện về trước mặt thầy, rồi cất lời:

-Thưa thầy, họ giết con, vì nhiều lần họ khuyến dụ con theo họ, mà con nhất quyết không theo. Và họ biết thầy sẽ đến, cho nên họ đến dời con đi chỗ khác trong đêm trước khi thầy đến, nhưng con nhất quyết chống lại, không cho họ đem xác con đi.

Đúng như vậy, sau khi xác người thư ký được các đạo hữu chùa chi hội Phật giáo xã Xuân Phước và quyến thuộc làm lễ an táng xong được một tuần, tại quán cà phê chợ quận, dân trong xã được nghe một người lính trong số người đang uống cà phê nói với nhau:

- Công nhận thằng thư ký chùa chết, nó linh quá mầy!

- Linh cách nào, nói nghe!

- Linh hết ý! Mày biết không, đêm đó tụi này tuân lệnh thượng cấp, đem cuốc xẻng đến đào xác chả lên để chôn chỗ khác ngoài quận. Mới hai nhát cuốc, cánh cùi chỏ của tụi này, đứa nào cũng bị bàn tay vô hình nắm chặt và ghì ra sau. Rồi có tiếng nói “để tao nằm yên đây, không đem đi đâu hết”, từ dưới đất vang vọng lên. Tụi tao hoảng sợ, bỏ cuốc, chạy lấy người. Sáng ra, tao trình với sếp, sếp nói:

-  Được rồi, để nó nằm đó, tới đâu thì tới.

(Viết theo lời kể của thầy Như Bửu, nguyên giảng sư phụ tỉnh hội Phật GiáoTuy Hòa)

            Để chứng minh thêm cho thấy người bị chết oan do quan tòa xử ép, thân trung ấm tự thác sinh làm kiếp ma, rồi luôn bám theo bên cạnh người xử oan mình, dù người ấy đã tái sinh làm người đến mười kiếp vẫn cứ theo để tìm cách báo thù qua câu chuyện Viên Án Triệu Thố sau đây:

Thuở xưa về triều vua Đường Ý Tôn có một vị quốc sư hiệu là Ngộ Đạt, tên là Tri Huyền. Lúc chưa hiển đạt, ngài thường gặp gỡ nhà sư ở đất Kinh Sư trong một ngôi chùa nọ. Nhà sư ấy mắc bệnh ca-ma-la (bệnh cùi) ai cũng gớm, chỉ có ngài Tri Huyền là thường gần gũi hỏi han, không hề nhàm chán. Nhân khi chia tay, nhà sư vì quá cảm kích phong thái của ngài Tri Huyền mới dặn rằng:

- Sau này ông có nạn chi nên qua núi Cửu Lũng tại Bành Châu đất Tây Thục tìm tôi và nhớ trên núi ấy có hai cây tùng làm dấu chỗ tôi trú ngụ.

Sau đó ngài Ngộ Đạt quốc sư đến ở chùa An Quốc thì đạo đức của ngài càng vang khắp. Vua Ý Tôn thân hành đến pháp tịch nghe ngài giảng đạo. Nhân đó vua mới ân tứ rất hậu cho ngài cái pháp tọa bằng gỗ trầm hương và từ đó trên đầu gối của ngài bỗng nhiên mọc mụn ghẻ tựa như mặt người, đau nhức khôn xiết! Ngài cho mời tất cả các bậc danh y, nhưng không ai chữa được. Nhân ngài nhớ lời dặn trước, bèn đi vào núi mà tìm.

Trên đường đi, trời đã mờ tối, trong khoảng âm u mây bay khói tỏa mịt mù, ngài nhìn xem bốn phía, bỗng thấy dạng hai cây tùng ngài mới tin rằng lời ước hẹn xưa kia không sai. Ngài liền đi ngay đến chỗ đó, quả nhiên thấy lầu vàng điện ngọc lộng lẫy nguy nga, ánh quang minh chói rọi khắp nơi. Trước cửa, nhà sư đang đứng chờ đón ngài một cách thân mật.

Nhân ở lại đêm, ngài Ngộ Đạt mới tỏ hết tâm sự đau khổ của mình. Nhà sư ấy nói:

- Không hề gì đâu, dưới núi này có một cái suối, sáng ngày rửa mụn ghẻ ấy khỏi ngay.

Mờ sáng hôm sau một chú tiểu đồng dẫn ngài ra ngoài suối. Ngài vừa bụm nước lên rửa thì mụn ghẻ kêu lên:

- Đừng rửa vội. Ông học nhiều biết rộng đã khảo cứu các sách cổ kim mà có từng đọc đến chuyện Viên Án, Tiều Thố chép trong bộ Tây Hán chưa?

- Tôi có đọc.

- Ông đã đọc rồi có lẽ nào lại không biết chuyện Viên Án giết Tiều Thố vậy. Thố bị chém ở chợ phía đông oan ức biết dường nào. Đời đời tôi tìm cách báo thù ông, song đã mười kiếp ông làm bực cao tăng, giới luật tinh nghiêm, nên tôi chưa tiện bề báo oán được. Nay vì ông được nhà vua quá yêu chuộng nên khởi tâm danh lợi làm tổn giới đức, tôi mới báo thù được ông. Nay nhờ Ca-Nhã-Ca tôn giả lấy nước pháp tam muội rửa oán cho tôi rồi, từ đây trở đi tôi không còn báo oán ông nữa.

Ngài Ngộ Đạt nghe qua hoảng sợ liền vội vàng bụm nước giội rửa mụn ghẻ làm nhức nhối tận xương tủy, chết giấc hồi lâu mới tỉnh. Khi tỉnh lại không thấy mụn ghẻ ấy nữa. Nhân đó ngài mới biết thánh hiền ẩn tích kẻ phàm tình không thể lường được. Ngài muốn trở lên lạy tạ vị sư, nhưng ngó ngoảnh lại thì ngôi bửu điện kia đã biến mất tự bao giờ. Vì thế ngài lập một cái thảo am ngay chỗ ấy và sau trở thành một ngôi chùa. Đến năm Chí Đạo triều nhà Tống mới sắc hiệu là “Chí Đức Thiền Tự”. Có một vị cao tăng làm một bài ký sự ghi chép việc này rõ ràng.

Khi đó ngài Ngộ Đạt nghĩ đến nỗi oan trái đã bao đời nếu gặp thánh nhân thì do đâu giải thoát được. Vì cảm niệm cái ơn tế độ lạ lùng ấy, ngài mới thuật ra pháp sám này để mai chiều lễ tụng, truyền bá khắp thiên hạ.

Ba quyển sám đây tức là bài văn của ngài làm ra lúc đó vậy.

Nghĩa chính của bài văn này là lấy nước Tam muội rửa sạch nghiệp oan nên mới đặt là Thủy Sám. Lại ngài Ngộ Đạt cũng vì cảm điềm dị ứng của đức Ca-Nhã-Ca nên dùng tên ấy mà đặt tên cho bộ Sám văn này để đền đáp cái thâm ân kia.

Nay tôi kể rõ sự thật và nêu công của tiên đức để cho những người đọc bộ Sám văn này, hoặc lễ, hoặc tụng, đều biết được sự tích của tiền hiền vì lẽ nhân quả tuy nhiều kiếp cũng không sai chạy.

(Trích từ bài Duyên Khởi trong kinh Thủy Sám do Hòa Thượng Thích Trí Quang dịch).

 

Qua một vài câu chuyện nói về cái biết của các loài hữu tình chúng sinh từ loài người đến các loài vật từ nhỏ đến lớn có hai chân, bốn chân, nhiều chân, không chân, có cánh, không cánh thuộc thai sinh, noãn sinh (trứng), thấp sinh, hóa sinh, đều có cái biết  lúc sống về đói, nóng, lạnh, thứ nào ăn được, thứ nào không ăn được, biết tránh né nguy hiểm, tìm nơi an toàn để bảo vệ mạng sống, cắn xé nhau vì miếng ăn và làm tình. Cũng như sau khi chết vẫn còn biết trách móc, kiện tụng, oán thù như vậy! Huống chi loài người, thì cái biết của tâm linh thật siêu tuyệt vô cùng, không bút nào, lời nào diễn tả hết được. Cho nên loài người được gọi là loài vật tối linh.

Vì do năng lượng biết tối linh ấy, mà con người đã và đang, sẽ trở thành những bậc giác ngộ, Bồ Tát, Thánh nhân xuất thế gian. Và cũng vì năng lượng biết tối linh ấy mà con người đã và đang là những kẻ tội đồ của chúng sanh nói chung, nhân loại nói riêng.

Và cũng vì năng lượng biết tối linh ấy, mà hơn một nửa nhân loại ở mọi địa vị trong xã hội đã trở thành những tội đồ lớn, nhỏ khác nhau đối với nhân loại, quốc gia, dân tộc từ ngàn xưa và hôm nay, dù có nương tựa tôn giáo, không tôn giáo tội đồ càng mãnh liệt hơn, cho nên không ở  nấc thang thánh thiện nào cả. Sở dĩ con người thành kẻ tội đồ như vậy, là do khối vô minh cực trọng ô nhiễm bao phủ Như Lai tạng (Phật tính) trong nội thức, đã làm cho thức A-Lại-Da hằng chuyển cực mạnh trên dòng sóng tham dục, sân hận, si mê, chấp ngã, cuồng vọng... như những con sóng biển dâng cao cuồn cuộn trong thời tiết mưa bão. Cho nên thức A-Lại-Da của hạng người tội đồ dù có đủ ba thứ tâm lý, sinh lý, vật lý, nhưng riêng về tâm lý của họ chỉ là cái biết tranh giành quyền lợi về mình, không có một chút luân thường đạo lý nhân bản nào trong lòng. Nếu không nói là đà sống của họ theo bản năng sinh tồn: đói ăn, khát uống, khát vọng về việc gì là hành động việc ấy từ ngoài xã hội cho đến trong tôn giáo (nhân hư đạo bất hư).

Con người thành kẻ tội đồ do không biết Như Lai tạng (Phật tính) thường hằng thanh tịnh vĩnh cửu vô sinh, vô tử của mình, cho nên có người cho rằng do một đấng tối cao sáng tạo ra vạn vật và con người, nên con người được đấng tối cao đó đem về ở gần bên ngài sau khi xác phàm có chết đi, do vậy họ tha hồ nói và hành động tội ác đối với nhân loại, quốc gia, dân tộc. Còn con người không tin vào đấng tối cao nào đó, thì thường thắc mắc: “Con người từ đâu sinh ra? Sinh ra để làm gì? Chết sẽ đi về đâu?”.

Những tư tưởng thắc mắc trên về con người thuộc về siêu hình, khó mà biết được. Chỉ có tu tập Phật pháp được có trí tuệ thanh tịnh, mới có thể thấy biết. Không tu tập, cứ mãi thắc mắc về siêu hình thì không bao giờ thấy được siêu hình, đúng như kinh Tiễn Dụ nói: “Ông Mạn Đồng Tử, một hôm ngồi suy nghiệm thấy có những vấn đề siêu hình, như thế giới thường hay vô thường v.v... Sao đức Thế Tôn không dạy cho ta? Hôm nay đến hỏi lại đức Thế Tôn, nếu Ngài dạy rõ thì mình ở lại tu nữa, nếu Ngài cứ bỏ qua thì thôi tu. Đức Phật thấy căn cơ của Ông ta chưa có thể đem lý duyên khởi trùng trùng vô tận mà diễn tả cho Ông rõ được, nên Ngài mới nói một ví dụ như thế này: Ngươi muốn biết những vấn đề đó, thì cũng được lắm, nhưng hiện tại đây như có một người bị tên độc, bà con nhờ thầy tới để nhổ tên, xức thuốc, nhưng người đó không cho, mà nói rằng, khoan nhổ đã, nói cho tôi biết người nào bắn tôi! Mũi tên làm bằng gì? Sợi dây cung làm bằng gì? Người bắn tên gì? Con ai? Nói cho tôi biết hết rồi hãy nhổ! Phật nói rằng muốn biết thì cho biết, nhưng đợi biết cho hết tất cả những vấn đề đó thì người đó liệu có còn sống để mà biết không? Cho nên chuyện cấp bách là phải nhổ tên độc.”

Qua bài kinh Tiễn Dụ trên, cho ta thấy rõ ý tưởng của Đức Phật khuyên chúng sinh nên hiểu và thấy được Phật pháp để mà tu tập đạt trí tuệ giác ngộ làm hành trang giải thoát sinh tử luân hồi trước đã mới là điều quan trọng. Bởi vì khi chứng ngộ một cách hoàn toàn đại trí như Phật mới thấy biết hết ta từ đâu tới, sinh ra để làm gì, chết đi về đâu, cũng như thấy được trong hư không vô tận có vô số lượng thế giới chư Phật và chúng sinh, mà ngày nay các nhà thám hiểm không gian của nhân loại đã tìm thấy chỉ một phần rất nhỏ so với vô số lượng thế giới chư Phật và chúng sinh nhiều chủng loại mà Đức Phật đã thuyết minh trong kinh Hoa Nghiêm.

Trí tuệ toàn giác mà Đức Phật khuyên chúng sinh nên ra công phu tu tập để được có mà thấy hết những gì siêu hình, chính là Như Lai tạng (Phật tính) không còn bị vô minh bao phủ. Từ đó thức A-Lại-Da được chuyển đổi tên Bạch Tỉnh Thức. Cho nên xác thân tứ đại chết, chứ Như Lai tạng không chết. Do vậy Đức Phật nhập Niết Bàn không phải là mất hẳn, đúng như kinh Pháp Hoa nói: “Vì mục đích dắt dẫn chúng sinh mà Ta thị hiện Niết Bàn địa. Ta nói đó là phương tiện. Thật sự Ta không hề biến mất trong thời gian này. Ta vẫn ở đây thuyết pháp.”

Ý tưởng về một Phật thân biến hóa như vậy không phải là điều xa lạ trong kinh điển nguyên thủy. Phật có lần nói với Anan: “Ngài đã nhiều lần xuất hiện trong các hội Chúng sát đế lị, Bà la môn, cho đến chư thiên Đao lợi, chư thiên trên cõi Phạm Thiên. Ngài xuất hiện với dung sắc, với y phục, với cử chỉ tập quán y như họ. Trong khi Ngài thuyết pháp, họ không biết Ngài là ai, từ đâu tới. Sau khi thuyết pháp xong, Ngài biến mất; họ cũng không biết Ngài là ai, biến mất đi đâu?” (Thắng Man Giảng Luận – Tuệ Sỹ trang 206-207).

Thật sự những giáo lý mà Đức Phật đã hướng dẫn cho mọi tầng lớp chúng sinh hiểu mà tu tập để được có trí tuệ giác ngộ giải thoát, hoàn toàn không có gì là siêu hình, rất đơn giản và phù hợp với mọi căn cơ chúng sinh. Trong tu tập đơn giản đó, Đức Phật dạy chúng sinh phải làm chủ tâm mình, bắt nó luôn trở về thực tại an trú trong chánh niệm là động cơ chính xác (chánh đạo) ở lời nói và hành động, tức là mình biết mình đang nói gì, làm gì. Đó là điều kiện giúp cho tâm con người đi vào định để được thanh tịnh. Khi đã đạt được tâm thanh tịnh có trí tuệ giác ngộ rồi, thì đều thấy biết hết về siêu hình.

Đích thực y theo lời Phật dạy đó được ghi lại trong kinh, mà từ sau khi Phật nhập Niết Bàn cho đến nay gần 26 thế kỷ, đã và đang có rất nhiều hành giả từ đông sang tây trên thế giới đã có được trí tuệ giác ngộ siêu tuyệt do có tu tập Phật pháp ở mức độ tối thượng. Cho nên có một số vị đã nhìn thấy thân trung ấm chúng sinh bên kia cõi chết có những hiện tượng: lững thững, lờ đờ, bập bềnh, than khóc, lăng xăng, buồn bã, gật gù, cựa quậy, v.v... thật dày đặc trong không gian vô tận, hàng hàng lớp lớp như cát bụi.

Trong số vị có trí tuệ giác ngộ đã nhìn thấy thân trung ấm của chúng sinh bên kia cõi chết, đó là Thiền sư Bất Động đời nhà Đường bên Trung Quốc và các vị Lạt Ma Tây Tạng nên đã viết ra những gì mình đã thấy. Chẳng hạn Thiền sư Bất Động đã biên soạn ra nghi thức Trai Đàn Chẩn Tế và Nghi Mông Sơn Thí Thực Cô Hồn để cứu vớt các chúng sinh đang khổ lụy bên kia cõi chết được siêu thoát. Các vị Lạt Ma Tây Tạng đã viết ra nhiều sách như Bên Kia Cửa Tử, Tử Thư v.v... để khẳng định chúng sinh bên kia cõi chết vẫn còn sống nên có cái biết đói, khát, lạnh lùng, thương nhớ, khổ đau, v.v...

 

LỜI BÀN

Không phải vong linh nào bên kia cõi chết cũng đều hiện về. Có một số hiện về, còn đa số không hiện. Hiện về có ba hạng:

1.- Hạng thứ nhất. Hạng này do những nguyên nhân: khi còn sống trên đời thường sinh lòng luyến ái cực độ về đối tượng nào đó, nên cứ bám lấy theo đối tượng không rời bước vì quá đam mê, chấp thủ, tức là không buông xả. Chẳng hạn bà cụ NH khi còn sống trên đời vì quá thương đứa con trai nên để hết tâm trí lo cho con bà về các mặt, trong đó mặt đạo lý nhân bản phụng thờ, cúng tế, lễ bái tổ tiên, ông bà, cha mẹ sau khi qua đời được đặt lên hàng đầu. Nhưng bị người con trai phản bội, làm cho bà bị khổ tâm  lúc sống đang đau bịnh, rồi mang theo nỗi khổ tâm đó qua bên kia cõi chết.

Với con người có học thức về văn hóa, được cộng thêm cái trí thức nhân bản, tâm thức người đó được có uyên thâm về đạo lý ân nghĩa, hiếu trung đối với tiền nhân,  tổ quốc, ông bà, cha mẹ lúc sống cũng như lúc chết, không thể mất được, cho nên bị con cháu phản bội là không tha thứ, nhất định phải trừng phạt bằng cách này hay cách khác. Ý niệm không tha thứ con cháu, cũng là ý niệm luyến ái đúng như tục ngữ ở đời “Thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho ngào”. Dĩ nhiên cha mẹ phải dùng roi đối với con cái, không roi thì cũng ra lời khuyến cáo, cho nên bà cụ NH hiện về trừng phạt con trai bà mấy cái tát tai là vì quá thương con muốn cho con đừng quên ân bội nghĩa tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đó là đạo làm người. Làm người cho phải đạo trước đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, tổ quốc, thì mới thấy được đạo của Phật, đạo của Trời, đạo của Thánh Hiền, cho nên đạo của con người được gọi là nhân đạo hay là nhân bản tức là lấy con người làm gốc để tiến lên ngôi vị đạo Phật, đạo Trời, đạo Thánh Hiền. Bị mất nhân đạo, không thể tiến lên ngôi vị Phật, Trời, Thánh Hiền.

 

Một câu chuyên tương tự do đối tượng phản bội.

Trong quá khứ, tại Sài Gòn có một gã đàn ông, trạc tuổi gần sáu mươi, không lo tu thân mà cứ đeo đuổi theo một phụ nữ trẻ tuổi thua mình hai giáp, từ năm này qua tháng nọ không rời bước. Mặc dù người vợ lớn sinh lòng ghen tuông, sầu hận, bực tức, buồn phiền đến đâu, ông ấy vẫn một lòng không từ bỏ người yêu, quyết lấy cho bằng được. Hành động đam mê nữ sắc dục tình của ông đến mức quá độ đã làm cho vợ lớn bị chết một cách tức tưởi, uất hận. Vì còn uất ức, không nguôi trong lòng, cho nên sau sáu ngày chôn cất xong, bà hiện về tát tai, giựt tóc, đấm đá túi bụi vào mặt người phụ nữ ấy đang lúc ân ái với chồng của bà trên giường giữa lúc ban ngày. Trước bàn tay vô hình, mà người phụ nữ kia cảm thấy đau đớn trên mặt từng cái tát, thấy tóc bị nhói đau từng cụm, thấy thân mình bị xô đẩy vật vã... bà phải nhảy xuống giường tuôn chạy ra ngoài, vừa chạy vừa nói:

- Chị ơi chị, xin chị tha cho em, em sẽ chừa bỏ, không theo ảnh nữa!

Trong khi ông dâm đãng kia không thấy gì cả, chỉ thấy hành động chống đỡ, bỏ chạy và lời van xin của người yêu. Vì không thấy hình ảnh vợ lớn hiện về, cho nên gã đàn ông kia chạy theo người tình, rồi nói vói theo:

- Em ơi, em sao vậy, bộ em điên hả?

Hành động và ngôn ngữ hoảng sợ của người dâm nữ, cùng với những bước chân vội vã ra cửa và nói vói theo của gã đàn ông, đã làm cho người hàng xóm tò mò, sau đó ai cũng biết được vong hồn vợ lớn hiện về tát tai vợ nhỏ đang lúc ân ái với người chồng.

 

2.- Hạng vong linh thứ hai. Hạng thứ hai này có hiện về, nhưng không hành động trừng phạt kẻ phản bội, hay tình địch.

Con người lúc sống trên đời, tâm vốn hiền lành đạo đức, nên thường an phận, không muốn đôi co, tranh luận với mọi người từ trong gia đình ra đến xã hội, dù cho bị người vợ, chồng, con cháu hay tộc họ đem lòng phản bội mình đến đâu, vẫn cam tâm chịu đựng, không tỏ ra thái độ chống đối, cất giữ trong lòng. Để rồi sau khi chết lại mang theo một cách im lặng, đúng như người đời thường nói “sống để dạ, chết mang theo”. Chẳng hạn, một bà bị chồng là một ông quan ba phản bội đã dùng súng lục bắn ra hiệu (signal), bắn chết trên xe jeep vào ban đêm nơi bìa rừng, rồi đem xác về đổ thừa bị lạc đạn, để theo ăn nằm với người thiếu nữ trẻ đẹp.

Bên kia cõi chết, bà ấy không hiện về hành hung người thiếu nữ đang ân ái với chồng mình. Sau khi chôn cất bà xong được sáu ngày bà chỉ hiện về khóc lóc, trình bày với người anh ruột, là ông quan tư tại Sài Gòn rằng:

-Chồng em giết em bằng súng bắn ra hiệu, chứ không phải bị lạc đạn bằng loại đạn đó từ người khác.

Sau đó người anh ruột của bà tức tốc đi trình báo với các quan tòa án quân sự vùng hai. Sự việc được điều tra một cách minh bạch, vì vậy ông quan ba kia phải vào quân lao Nha Trang. Vụ án đó xảy ra tại Pleiku vào khoảng năm 1967.

 

3.- Hạng vong linh thứ ba. Hạng vong linh này hiện lên chứ không phải hiện về.

 

Giải thích: Cả ba hạng vong linh hiện về, hiện lên đều vốn mang tâm trạng luyến ái, chưa thỏa mãn còn uất ức, oán hận trong lòng bên kia cõi chết. Nhưng hạng thứ ba không hiện ra hình bóng, mà chỉ mượn bản thân người sống, tức là nhập vào trong thân người sống rồi nói ra thành lời yêu cầu việc gì đó để thỏa mãn, kiện tụng, khiếu nại... (sẽ nói ở những trang sau về đề mục “Quỷ nhập tràng, ma nhập xác”).

 

Một số câu chuyện nói riêng vong linh con người bên kia cõi chết hiện về được kể rõ ở những trang trước, đều vốn mang tâm trạng bị phản bội, luyến ái, oan ức, hận thù. Nói khác hơn, hạng thân trung ấm không được siêu thoát, không đi thác sinh cõi mới, họ vẫn cứ trôi nổi trong bầu ánh sáng tối tăm của họ để hiện về kiện tụng, khiếu nại, trừng phạt, trả thù đối với người sống vốn đã gây cho họ những nỗi oan nghiệt nói trên. Nếu họ chưa được hành động trả thù người sống hay chưa được giải oan bằng giáo pháp Phật, họ vẫn ở mãi trong bầu ánh sáng u tối của họ nhiều thời gian hàng chục, trăm, ngàn năm. Cho đến khi nào họ được giải oan, được trả thù, họ mới được đi thác sinh qua cõi mới nào đó theo tích lũy nghiệp cũ của họ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/10/2011(Xem: 3565)
Tự Tánh Di Đà: Tiểu bộ kinh Đi Đà định danh rất rõ về thể tánh của Đức A Di Đà: Vô Lượng Thọ - Vô Lượng Quang; Một đức Phật tín ngưỡng, tâm linh và pháp tánh, đương vi giáo chủ một cõi Tịnh lý tưởng cũng thuộc phạm vi tín ngưỡng...
31/08/2011(Xem: 7856)
Đối diện với cái chết trong một trạng thái an bình là một vấn đề khó. Theo ý nghĩa thông thường, dường như có hai cung cách để đối phó với rắc rối và khổ đau. Thứ nhất, đơn giản là cố gắng tránh rắc rối, đặt nó ngoài tâm thức chúng ta, mặc dù thực tế vấn đề vẫn ở đấy và không giảm thiểu. Một cung cách khác để đối phó với vấn đề này là nhìn một cách trực tiếp vào rắc rối và phân tích nó, làm cho nó quen thuộc với chúng ta và làm cho rõ ràng rằng nó là một phần trong đời sống của tất cả chúng ta... Chết là một phần của đời sống chúng ta. Cho dù chúng ta thích hay không, nó bắt buộc phải xảy ra. Thay vì tránh nghĩ về điều đó, chúng ta tốt hơn thấu hiểu ý nghĩa của nó.
22/08/2011(Xem: 5068)
Tất cả chúng ta đều ít nhiều ray rứt về vấn đề: làm thế nào để tìm thấy sự thanh thản trong lúc sống cũng như khi cái chết xảy đến? Chết là một hình thức của khổ đau, một thứ kinh nghiệm mà tất cả chúng ta đều tìm cách tránh né, thế nhưng sớm hay muộn thì cái chết cũng sẽ đến với mỗi người trong chúng ta... Cách mà chúng ta đang sống sẽ là một trong các nhân tố chính yếu có thể mang lại cho chúng ta sự thanh thản và điềm tĩnh trong giây phút lâm chung.
21/08/2011(Xem: 2778)
Rõ ràng, mình chính là vị cứu rỗi cho chính mình, chứ không hề có một năng lực nào khác nữa. Vậy thì, tại sao trong sinh hoạt của đạo Phật lại có mặt lễ cầu an và cầu siêu? Có phải điều đó đi trái lại với tinh thần đức Phật đã chỉ dạy? Có phải ta đang giao phó toàn bộ cuộc đời cho một đấng khuất mặt nào đó?
12/08/2011(Xem: 3073)
Hộ niệm là niệm Phật cầu nguyện cho một bệnh nhân khi nhận thấy thuốc chữa trị không còn tác dụng đối với người ấy nữa, khi mà người bệnh sắp qua đời. Sự nhất tâm của người trợ niệm cùng với công năng của sự niệm Phật sẽ gia hộ cho người bệnh sớm chấm dứt đoạn hành trình cuối cùng trong cuộc đời mình. Nhờ vậy, người bệnh sẽ được tự do, thanh thản và được vãng sanh về cảnh giới của chư Phật. Không có gì hạnh phúc hơn được sống và chết như thế.
03/08/2011(Xem: 10058)
Kinh Phạm Võng dạy rằng “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình.
02/08/2011(Xem: 5261)
Dân làng An Bằng, Phú Vang (Thừa Thiên Huế) dành cả khu đất lớn xây những lăng mộ hoành tráng cho cả người chết lẫn người sống. Nơi đây được gọi ví von là 'thành phố tâm linh'.
31/07/2011(Xem: 5168)
Cái chết theo Tan-tra thừa là một quá trình tan biến tuần tự của thân xác vật chất và tâm thức, các hiện tượng tan biến này được phân loại thành nhiều cấp bậc...
19/07/2011(Xem: 3463)
Khi tôi ở trong trung hữu của sinh tới chết, tôi nguyện không uổng phí thời gian; Buông bỏ lười biếng, tôi nguyện chăm chú học, thấm nhập và thiền định về giáo pháp. Tôi nguyện thực hành thiền quán, hội nhập trên đạo lộ Hiện tướng và tâm. Liên Hoa Sinh . Tử thư Tây Tạng.
13/07/2011(Xem: 4103)
Người mới tắt hơi, điều thiết yếu là không nên vội di động. Hoặc kẻ chết thân mình dính chất dơ cũng không nên gấp lau rửa, phải đợi qua tám tiếng đồng hồ, hay ít nhứt cũng ba giờ, mới được tắm rửa thay đổi y phục. Trước và sau khi chết, người thân không được khóc lóc. Bởi khóc là vô ích mà lại có hại, vì làm cho kẻ mạng chung sanh niệm quyến luyến, không được giải thoát. Chỉ nên gắng sức niệm Phật mới thật có ích cho vong nhơn. Nếu muốn khóc lóc, phải đợi tám giờ sau. Tại sao thế? Vì bịnh nhơn tuy tắt hơi nhưng thức A Lại Da còn chưa đi. Nếu khi ấy lay động, tắm rửa thay y phục, hoặc kêu khóc, họ vẫn còn cảm giác đau đớn hoặc sanh buồn giận bi thương mà phải sa đọa. Điều này rất quan hệ, rất cần yếu, nên để ý ghi nhớ kỹ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567