Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hiện tượng chết và tái sinh

17/03/201416:47(Xem: 8730)
Hiện tượng chết và tái sinh
vong luan hoi 2


Chúng ta chết là chết như thế nào? Và sau khi chết, chúng ta đi về đâu? Đấy là những câu hỏi, những thắc mắc, những hoài nghi đeo bám tâm thức nhân loại từ xưa đến nay và dường như chúng vẫn đang còn treo lơ lửng ở đấy với những vấn nạn siêu hình nhức nhối và đầy bí ẩn.

Đức Phật là bậc thầy của chư thiên và loài người (Thiên Nhân Sư), là bậc thông suốt thế gian, thông suốt tam giới (Thế Gian Giải), là bậc đã thấy biết toàn diện và chơn chánh (Chánh Biến Tri)... đã giảng giải cho những người học Phật và tu Phật như thế nào về “hiện tượng chết và tái sanh”? Bây giờ muốn đi vào nội dung ấy, chúng ta sẽ phải lần lượt nghiên cứu qua những tương quan liên hệ sau đây:

- Những nguyên nhân của sự chết.
- Những hiện tượng của “nghiệp” phát sanh trước khi chết.
- Lộ trình tâm (1) của người sắp chết.
- Kiết sanh thức (2) và các đối tượng của Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
- Dòng tâm thức tái sanh.

I- Những Nguyên Nhân Của Sự Chết.
Chết là sự chấm dứt tạm thời của một hiện tượng tạm thời. Chết không phải là đoạn diệt hẳn, chết tại chỗ này nhưng lại sanh chỗ khác. Như mặt trời lặn ở phương Tây, mọc ở phương Đông. Như nước bị sức nóng bốc hơi, nước ấy không mất mà lại biến thành hơi nước, hơi nước tụ lại thành mây...

Ngày nay với định luật bảo toàn năng lượng của thế giới vật lý đã cho ta thấy rõ ràng sự thực đó hơn. Không có gì tự nhiên được sinh ra và cũng không có gì tự nhiên bị mất đi. Một hạt bụi bay, một làn khói tan, một hạt sương rơi... tưởng như là mất hẳn; không phải vậy, nó chỉ chuyển từ dạng này, hệ này sang dạng khác, hệ khác. Vạn hữu là vậy thì con người cũng thế, sau khi chết, tùy theo trạng thái tâm thức mà nó chuyển sang dạng khác, hệ khác... rất chi là khoa học vậy. Theo Phật học thì, chết, có nghĩa là chấm dứt mạng căn (3) (jīvitindriya), không còn sức nóng (tejodhātu) và tâm thức (viññāṇa) lìa bỏ thân xác của chúng sanh. Đức Phật dạy, chết có 4 nguyên nhân sau đây:

- Sự chấm dứt của tuổi thọ.
- Sự chấm dứt của nghiệp.
- Tuổi thọ và nghiệp cùng chấm dứt.
- Do sự xen vào của “đoạn nghiệp” (4) .

1- Sự chấm dứt của tuổi thọ.
Cái mà chúng ta thường hiểu là “chết tự nhiên”, nghĩa là chết khi đến tuổi già yếu, tuổi thọ đã hết. Tuổi thọ tùy thuộc cảnh giới, tùy thuộc mỗi chúng sanh, không hạn định được số lượng nào. Người chết do hết tuổi thọ – như ngọn đèn tắt vì dầu đã cạn. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp xảy ra, tuổi thọ hết nhưng nghiệp tái tạo (sanh nghiệp) của người ấy chưa chấm dứt - ví như dầu cạn nhưng tim chưa lụn - có nghĩa là nếu năng lực của nghiệp còn tiềm tàng thì người ấy có thể tiếp tục sống “lay lắt” trong cảnh giới ấy.

2- Sự chấm dứt của nghiệp.
Đây là sự chấm dứt của sanh nghiệp hay nghiệp tái tạo trong kiếp ấy. Dù thiện dù ác, năng lực trả quả của nghiệp ấy đến lúc đó không còn diễn tiến được nữa, phải nhường chỗ cho “sanh nghiệp mới” hay “nghiệp tái tạo mới”. “Nghiệp mới” ấy chính là tác hành tâm (javana) (5), tư tác (cetanā) của người ấy tạo ra lúc lâm chung, có sức mạnh chi phối sự tái sanh. Vào sát-na ấy, lúc sanh nghiệp cũ chấm dứt, sự chết hiện ra, một năng lực đặc biệt của sanh nghiệp mới, tạo tác nên đời sống mới, cảnh giới mới.

3- Tuổi thọ và nghiệp cùng diệt.
Đây là trường hợp một người chết lúc tuổi già (thọ), đồng thời “sanh nghiệp” người ấy cũng chấm dứt cùng một lúc. Nếu trường hợp thứ nhất là đèn tắt do hết dầu, trường hợp thứ hai do tim lụn thì trường hợp thứ ba là hết dầu và tim lụn cùng một lần.

4- Sự chen vào của đoạn nghiệp.
Đây là sự chen vào của một nghiệp rất nặng, có công năng tiêu diệt sanh nghiệp của loài hữu tình. Đây thường là những cái chết dữ do một sát nghiệp quá nặng từ quá khứ đến lúc trổ quả. Ví như chết do bom nổ, dao đâm, xe tông, lửa cháy, chết đuối... chúng gồm tất cả các loại chết được gọi là “bất đắc kỳ tử”. Ba loại chết đầu được gọi là chết đúng thời (kālamaraṇa), loại thứ tư, sau cùng được gọi là chết phi thời (kālamaraṇa). Nếu một ngọn đèn bị tắt, ba loại đầu là hết dầu, tim lụn, tim và dầu cùng hết – thì loại thứ tư – đoạn nghiệp – được ví như gió thổi tắt trong khi dầu chưa cạn và tim vẫn còn!

II- Những Hiện Tượng Của Nghiệp Phát Sanh Trước Khi Chết.
Đối với những người sắp sửa chết, trong khi lâm chung, do sức mạnh của nghiệp, kiết sanh thức (thức nối liền) của người ấy chịu sự tác động của một trong 4 nghiệp sau đây:

- Cực trọng nghiệp (nghiệp có năng lực rất mạnh). (6)
- Tập quán nghiệp (thường nghiệp, nghiệp thường làm hằng ngày).
- Tích luỹ nghiệp (nghiệp do tích lũy, chứa nhóm từng lúc, từng khi, không thường xuyên).
- Cận tử nghiệp (nghiệp lúc gần chết).

Nếu là cực trọng nghiệp, dầu thiện dầu ác, tức khắc người lâm chung bị nghiệp này chi phối, không có nghiệp nào có khả năng chen vào được. Thứ tự ưu tiên tiếp theo là thường nghiệp, tập quán nghiệp, do thói quen bởi những hành động thường làm trong đời sống hằng ngày. Tích luỹ nghiệp, nghiệp làm từng lúc, từng khi nào đó, nếu được quy tụ tạo thành một khuynh hướng, một cá tính cũng có thể dẫn dắt kiết sanh thức ra đi. Còn nếu có một nghiệp được làm trước lúc chấm dứt hơi thở – cận tử nghiệp - thì nghiệp này quyết định cảnh giới tái sanh. Tuy nhiên, dẫu là nghiệp nào đi chăng nữa, người lâm chung sẽ bị chi phối bởi nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng như sau:

1- Nghiệp (kamma).
Tức là nghiệp nào có sức mạnh nhất hoặc có điều kiện nhất, không biết là thiện hay ác – một trong 4 nghiệp trên – sẽ quyết định dòng tâm thức của người ấy, xảy ra tại những sát-na tác hành tâm. Chính những sát-na tác hành tâm – mà tư tác (cetanā) là năng lực điều hành, quyết định sẽ nắm bắt đối tượng, hoặc thanh tịnh hoặc nhiễm ô, hoặc thiện hoặc ác, hoặc hỷ hoặc xả – tương ưng với cảnh giới tái sanh. Chính ở đây, sau đó, sẽ xảy ra hai biểu tướng tiếp theo là nghiệp tướng và thú tướng.

2- Nghiệp tướng (kammanimitta).
Nghiệp có thể đi qua 5 lộ trình của ngũ môn (7), sau đó được đúc kết hoặc quyết định ở lộ trình ý môn (8). Vậy, nghiệp bao giờ cũng xảy ra từ ý căn. Còn nghiệp tướng, tức là tướng của nghiệp, chính là những sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nào mà người ấy từng kinh nghiệm, tạo tác, huân tập ở trong đời, đã trở thành quán tính, nó tự động hiện khởi rất rõ ràng trong ý môn (cửa ý) của người lâm tử. Ví dụ:

- Chậu máu, con dao... đối với người đồ tể.
- Hình ảnh bệnh nhân, kim tiêm, các vị thuốc... đối với lương y.
- Bình hoa, quyển kinh, hộp xá-lợi... đối với một tín nữ thuần thành.
- Mùi trầm, mùi hương hoa... đối với người hay thiết lễ bàn thờ Phật.
- Một quyển sách đẹp, một tập thơ trang nhã... đối với nhà văn, nhà thơ.
- Một cảnh núi non sơn thủy hữu tình... đối với bậc ẩn sĩ.

Lúc những tướng nghiệp như trên hiện ra, ngay tức khắc sau đó là thú tướng.

3- Thú tướng (gatinimitta).
Đây là tướng của cảnh giới tái sanh (thú có nghĩa là cảnh giới). Tướng của cảnh giới tùy theo thiện hay ác, thanh tịnh hay nhiễm ô... chúng sẽ hiện ra trong ý môn của người lâm tử. Ví dụ:

- Thấy rừng lửa, biển máu, hầm dao, chông... Đây là biểu tượng, hiện tướng của địa ngục.
- Thấy hầm sâu hun hút, tanh, hôi... là biểu tượng, hiện tướng đi vào thai bào súc sanh.
- Thấy lối lên mây cao với cảnh sắc rực rỡ, huy hoàng... là biểu tượng, hiện tướng đường đi lên các cảnh trời...

Trong những sát-na này, tướng của nghiệp hiện ra như thế nào thì thức tái sanh sẽ nương gá tức khắc vào cảnh giới ấy. Vì giây phút lâm tử này quá quan trọng nên chúng ta có thể tạo cận tử nghiệp tốt hỗ trợ cho người lâm tử, bằng cách dùng sắc tướng (tượng Phật, quyển kinh), âm thanh (tụng kinh, chuông, mõ), mùi hương (trầm)... để tạo ngũ môn và ý môn lộ trình tâm tốt, đẹp, thanh lương, trong sáng cho người ấy ( do nhờ người ấy nghĩ tưởng, liên tưởng đến). Nói tóm lại, kamma (nghiệp) luôn khởi ở ý căn; kammanimitta (nghiệp tướng) có thể hiện khởi tại 1 trong 6 căn, tuỳ trường hợp. Gatinimitta (thú tướng), luôn là những sắc tướng, những hình ảnh, hiện khởi trong tâm như giấc chiêm bao.

III- Lộ Trình Tâm Của Người Sắp Chết.
Lúc nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng hiện ra, lộ trình tâm của người lâm tử sẽ nắm bắt chúng làm đối tượng, rồi các sát-na tâm sẽ diễn tiến cho đến khi kiết sanh thức nương gá vào đời sống mới. Do lộ trình ấy khá phức tạp nên chúng ta chỉ cần ghi nhận những điểm khái quát quan trọng diễn ra như sau:

- Khi tử tâm diệt, sự chết mới thật sự bắt đầu. Và sắc thân của người chết, từ đây, không có một sắc pháp (vi thể tế bào) nào được tạo ra do tâm hay do vật thực nữa, chỉ còn sắc do hỏa đại (nóng, lạnh, thời tiết) được tạo ra, tiếp diễn cho đến khi thi thể trở thành tro bụi.

- Sau khi tử tâm diệt, một kiết sanh thức do tác hành tâm (javana) quyết định có nhiệm vụ nối liền đời sống kế. Và đời sống kế lại được tiếp diễn bởi những sát-na bhavaṅga (hữu phần, dòng sống) hoặc lặp đi lặp lại nhiều dòng bhavaṅga khác nữa.. Cho đến lúc nào ý môn hướng tâm, 5 sát-na tác hành tâm phát sanh tâm ưa thích đối với đời sống mới, lúc đó “nghiệp sanh sắc” đầu tiên mới tạo nên danh-sắc trong thai bào. Sau đó, dòng bhavaṅga tiếp tục khởi và diệt, chúng cứ trôi chảy mãi như dòng nước không ngưng nghỉ. Và đây chính là dòng trầm luân sinh tử vô cùng, vô tận, vô định của tất cả chúng sanh vậy.

Kết Luận:
Nói tóm lại, nội dung bài viết chỉ giới hạn nơi cõi dục giới, cụ thể là từ cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, loài người và các cảnh trời – nhưng chúng ta cũng có thể hình dung toàn bộ các cảnh, các cõi trong Tam giới. Tâm sao thì cảnh vậy, nhân sao thì quả vậy, không hề sai trật. Sống để rồi chết, chết rồi lại sống; trong sự diễn tiến vô thủy, vô chung ấy, chỉ có những diễn tiến của những sát-na tâm, không có tác giả và thọ giả; nhưng rõ ràng là “chúng ta” đã tự tạo cảnh giới “cho mình” bởi “quyết định nghiệp” của chính mình!

Vậy, sau khi biết, hiểu và thấy “hiện tượng chết và tái sanh” như thế nào, không có người Phật tử nào dám làm việc xấu ác, trái lại, luôn làm những điều lành tốt để làm chỗ nương tựa cho đời mình trong các kiếp sống, nếu như đang còn lang thang, phiêu dạt trong luân hồi tử sinh, hoặc do ta đang còn ham chơi, đang còn thích thú với các “games” bên bờ này, có sắm đò, sắm chèo rồi mà chưa muốn sang sông!

Gate, gate, pāragare, pārasaṃgate! Bodhi-Svāhā!

Minh Đức Triều Tâm Ảnh


Chú thích:

(1) Thuật ngữ Abhidhamma - tạm hiểu là đường đi của tâm.

(2) Là thức nối liền từ kiếp này sang kiếp kia; nói cách khác, sau khi chết, cái thức cuối cùng này nó sẽ nối liền với kiếp sống kế.

(3) Tạm hiểu là mạng sống. Nó có hai: Sắc mạng căn nuôi dưỡng sắc thân vật lý; và danh mạng căn nuôi dưỡng các trạng thái tâm lý.

(4) Nghiệp đoạn lìa mạng sống như các cái chết bất đắc kỳ tử.

(5) Được dịch là tác hành tâm hay tốc hành tâm. Trong dòng trôi chảy của tâm, có 7 chặp tư tưởng rung động (nhưng chỉ sử dụng 5), sanh rồi diệt rất nhanh – nhưng nó đã khởi quyết định tâm (tư tác) nắm bắt chặp tư tưởng cuối cùng, từ đó, mang sức mạnh đẩy tâm thức đi đầu thai theo cảnh giới tương ứng.

(6) Có hai: 1, thiện cực trọng nghiệp như đắc thiền, đắc định. 2, ác cực trọng nghiệp như ngũ nghịch đại tội.

(7) Đường đi của tâm qua cửa mắt, cửa tai, cửa mũi, cửa lưỡi và cửa thân.

(8) Đường đi của tâm qua cửa ý, ý thức.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/05/2011(Xem: 10261)
Khi truyền bá rộng rãi sang châu Á, Phật giáo thành công khi vượt qua một số vấn đề nổi bật từ những giới hạn về ngôn ngữ trong một số trường hợp phải phiên chuyển thành một ngôn ngữ rất khác với ngôn ngữ nói của Ấn Độ. Giáo lý đạo Phật được truyền đạt bằng lời nói qua vô số ngôn ngữ và tiếng nói địa phương. Còn Kinh tạng, khi đã được viết ra, lại được phiên dịch thành hàng tá ngôn ngữ ngay cả trước thời kỳ hiện đại. Do vì nguồn gốc lịch sử không cho phép các học giả dùng ngôn ngữ nói trong việc giảng dạy, bài viết này sẽ tập trung vào những ý tưởng được viết ra, nhằm khảo sát việc truyền dạy qua lời nói chỉ trong thời kỳ Phật giáo Ấn Độ.
05/05/2011(Xem: 7792)
Cuối cùng thì một con đường vô thường này mỗi người chúng ta đều phải đối diện! Tuy nhiên, Phật A-di-đà đã từng phát đại nguyện muốn cứu độ tất cả chúng sanh niệm Phật.
27/04/2011(Xem: 17945)
Để có một đời sống hạnh phúc an lạc – những ngày hạnh phúc và những đêm an lạc – điều cực kỳ quan trọng là phối hợp sự thông tuệ của con người với những giá trị căn bản của nhân loại.
24/04/2011(Xem: 4690)
Một kỹ sư người Nhật đang làm việc cho một công trình xây dựng cầu treo tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tự tử vào hôm Chủ nhật ngày 22 tháng 3 sau khi một sợi dây cáp bị đứt. Mặc dù cầu không bị gẫy và không có người thiệt mạng, người kỹ sư 51 tuổi, Kishi Ryoichi, đã tự nhận trách nhiệm cho sự cố này trong bức thư mà ông để lại. Tin tức nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ và rất nhiều người tán dương lòng tự trọng của người kỹ sư, thậm chí một số người còn đề nghị đặt tên cây cầu theo tên ông.
11/04/2011(Xem: 9119)
Video: Truyền thống an táng rùng rợn của người Tây Tạng
03/04/2011(Xem: 4090)
Hình Ảnh Con Người Qua Bài Phổ Thuyết Sắc Thân Của Trần Thái Tông, Sắc thân con người là hữu hạn vì bị giới hạn bởi hai đầu: Sanh và tử, có và không, đến và đi, một và khác. Con người có vượt qua được những giới hạn của những cặp phạm trù đối đãi kia hay không là ở chỗ con người có chịu thanh lọc tâm thức để thăng hoa đời sống hay không. Nếu con người mải mê chạy theo những dục vọng thấp hèn thì con người sẽ tha hoá và phải bị đọa lạc, phải chuốt lấy những khổ đau và hệ lụy.
22/03/2011(Xem: 3741)
Ai chết ? Ai được sinh ra ? Chúng ta hãy xem xét một cách chuyên biệt hơn chết là gì và, trong tiến trình chết, aichết. Luôn luôn, trải nghiệm của chúng ta về chính chúng ta là của một cá thể hiện hữu với một thân và một tâm: Chúng ta đồng nhất với những cái này và nói, “ thân của tôi”, “tâm của tôi”.
22/03/2011(Xem: 3346)
Nếu tôi nói có một ngã, Ông sẽ nghĩ nó thường hằng Nếu tôi nói không có một ngã Ông sẽ nghĩ rằng vào lúc chết Nó sẽ biến mất hoàn toàn. Kinh Tương Ưng Bộ ( Samyuttanikaya)
20/03/2011(Xem: 4760)
Vào một buổi chiều lười biếng ở Sydney, tôi mở Tivi và thấy chương trình Oprah Winfrey đang tranh luận về kiếp trước kiếp sau, cuộc tranh luận rất sôi nổi.
18/03/2011(Xem: 7843)
Đã sanh ra đời thì ai chẳng có một lần chết, thế nhưng mấy ai chịu khó chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho mình hoặc cho thân nhân mình, hầu khi lâm sự có đủ bình tĩnh lo hậu sự viên mãn cho thân nhân hay có thể tự mình đón nhận cái chết nhẹ nhàng an lạc. Tác giả, thời trung niên tuy thường gia tâm học hỏi Phật Pháp, nhưng đối với vấn đề sống chết có phần lơ là, mãi đến khi tuổi đã gần bảy mươi mới tìm hiểu cẩn thận và khám phá những sơ sót thời trẻ, nên tạm ghi sơ lược vài nét chánh cho thân hữu bận rộn tạm có chút khái niệm để sẵn sàng ứng phó khi cần thiết.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]