Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tử niệm

08/04/201319:17(Xem: 7185)
Tử niệm

Giới Thiệu Bài Mới

Tử Niệm

Thích Nữ Minh Tâm

Nguồn:Thích Nữ Minh Tâm


Lời mở đầu



Thực sự, tôi không biết tác giả tài liệu "Tử Niệm" này là ai. Hơn mười năm trước, rất tình cờ may mắn, tôi nhận được tập tài liệu này do Sư Cô Tâm Thường trao lại.

Ngày đó, tôi cũng không quan tâm lắm những gì trong tập tài liệu này mặc dù tôi đã đọc nó vài ba lần để tìm hiểu xem tác giả muốn nói cái gì. Với số tuổi còn trẻ, tôi chưa hề nghĩ tới một ngày nào đó mình sẽ già và sẽ chết cả. Cái Chết, đối với tôi sao xa lạ quá. Tuy nhiên, với bản tánh rất kính trọng tư tưởng Thánh Hiền và các bậc thạc đức, cũng như rất quí sách vở, tôi đã tự nhủ lòng là sẽ cố gắng soạn lại và in tập tài liệu này ra để gọi là chia sẻ tư tưởng với tác giả.

Ngày nay, tuổi đời chồng chất, tôi đã thấm hiểu một phần giáo lý nhà Phật qua định lý thực tiễn nhất, tàn khốc nhất của thân phận con người. "Chết" là qui luật, "Chết" là một sự thực không ai có thể phủ nhận hay chối bỏ, chạy trốn, "Chết" là trạm dừng chân cuối cùng của vạn loại chúng sanh trong một kiếp sống.

Vậy, nếu đã không chối bỏ được, chúng ta nên can đảm đối diện nó, nhìn thẳng vào nó như tác giả "Tử Niệm" đã làm, để từ đó, chúng ta sẽ tìm đúng cho mình một định hướng rõ rệt.

Mời quý vị cùng tôi đi vào lộ trình Sanh Tử.

Suy Nghiệm Về Cái Chết



Đối với hạng người thông thường, cái Chết không bao giờ có thể là một đề tài hấp dẫn; dầu để thảo luận hay để thuyết trình. Chết là một cái gì buồn thảm, thê lương, ảm đạm, là áp bức, là cái gì thật sự giết chết mọi niềm vui; chỉ có thể thích hợp làm đầu đề cho những câu chuyện giữa đám tang chay.

Hạng người thông thường co rút trở vào nằm bên trong cái Ta của mình, luôn luôn đi tìm dục lạc, luôn luôn rượt bắt chạy theo những gì kích thích và thỏa mãn dục vọng, mà không bao giờ dừng chân lại để bình tĩnh ngồi xuống và nghiêm chỉnh suy ngẫm rằng chính những thú vui vật chất và những thỏa mãn dục vọng kia rồi sẽ phải chấm dứt ngày nào.

Nếu lời khuyên nhủ sáng suốt không đủ năng lực để thúc giục người thiếu suy tư, người mãi mê chạy theo dục lạc ngũ trần, nên dừng bước lại để khảo sát rành mạch và nhận định rằng Thần Chết có thể đến với bất luận ai, vào bất cứ lúc nào, thì chỉ đến khi dưới mái nhà của chính họ, cái chết đột ngột đến và mang theo một người thân yêu; chỉ đến chừng ấy, họ mới bừng tỉnh dậy từ trong giấc mộng êm đềm của dục lạc, và sững sờ chợt thấy mình bỗng nhiên đứng trước sự thật trắng trợn, phũ phàng và khắc nghiệt của kiếp nhân sinh. Chỉ đến chừng ấy, họ mới mở bừng mắt ra và mới bắt đầu tự hỏi "Tại sao có những hiện tượng oái oăm như vậy? Tại sao không ai tránh được cái chết? Tại sao có những cuộc ra đi đau lòng cướp theo đời sống và mọi niềm vui của kiếp sống?

Đối với phần đông chúng ta, có một lúc nào đó, cảnh tượng chết chóc khêu gợi cho chúng ta những tư tưởng thâm diệu nhất và những câu hỏi sâu xa nhất: "Đời sống có giá trị nào; sống có ích gì nếu những thân hình đẹp đẽ và một thời có khả năng thực hiện nhiều công trình vĩ đại giờ đây chỉ còn là một xác chết lạnh teo, nằm trãi dài cứng đơ như một vật vô tri vô giác? Đời sống có giá trị nào, sống có ích gì, nếu cặp mắt kia có lần sáng tỏ trong niềm vui, có lần rực rỡ trong tình yêu, giờ đây đã mãi mãi nhắm lại, im lìm không linh động?"

Những ý tưởng tương tợ, chúng ta không nên xua đuổi hay đè nén. Nếu chúng ta bình tâm suy ngẫm một cách sáng suốt, những tư tưởng có tánh cách tìm hiểu như thế ấy, cuối cùng chúng ta sẽ mở rộng được những khả năng vĩ đại cố hữu của tâm trí con người để thâu nhận và lãnh hội những chân lý cao siêu nhất.

Theo đường lối suy tư của người con Phật, "Chết" không phải là một đề tài phải lẫn tránh hay xua đuổi, mà là cái chìa khóa để mở cánh cửa đưa vào những gì được xem là bí ẩn của cuộc đời. Chính nhờ hiểu biết cái Chết, mà ta hiểu được sự Sống; bởi vì hiểu theo một chiều hướng, Chết là một phần trong tiến trình Sống. Theo một lối hiểu khác, Sống và Chết là hai giai đoạn tận cùng của một tiến trình, hai đầu của một luồng trôi chảy, và nếu hiểu biết đầu này, thì cũng hiểu được đầu kia. Do đó, khi hiểu ý nghĩa và mục tiêu của sự chết, ta cũng hiểu được ý nghĩa và mục tiêu của kiếp nhân sinh. Chính nhờ gia công suy niệm về sự Chết mà một ngày nào đó, tư tưởng mạnh mẽ sẽ đến với ta để làm mềm dịu đi những quả tim chai đá nhất để thắt chặt dây thân ái giữa người nầy với người kia; để phá tan những hàng rào giai cấp, đẳng vị, và san bằng những ranh giới chủng tộc giữa những người cùng sống trên một thế gian; cùng chịu chung một số phận là phải chết.

Cái Chết có khả năng san bằng rất vĩ đại. Tự cao tự đại vì sanh trưởng trong một gia đình giàu sang, quyền quí; ngã mạn vì địa vị ăn trên ngồi trước, kiêu căng vì nhiều tiền lắm của, quyền thế . . .tất cả đều phải nhường cho ý nghĩa về cái chết không thể tránh. Cái chết có khả năng đàn áp tất cả. Chính sắc thái "san bằng " của sự Chết đã gợi cảm hứng cho một nhà thơ:

"Nào ấn tín, nào áo mão cân đai,

Tất cả đều phải sụp đổ,

Và trong đám cát bụi, tất cả đều ngang nhau,

Dưới những nhát cuốc, những lưỡi xuổng."

Chính nhờ suy niệm về sự Chết mà ta có thể tiêu diệt tánh tự cao ngã mạn. Chính nhờ suy niệm về sự Chết mà ta tìm lại được thế quân bình cho cái tâm qúa đỗi chao động của ta. Chính nhờ suy niệm về sự Chết mà ta có thể tăng cường, làm cho vững chắc, và lèo lái cái tâm vô cùng bất định của ta lúc vẩn vơ theo chiều này, lúc buông trôi theo hướng khác, không biết đi về đâu, không nhắm một múc tiêu nào. Không phải không có lý do mà Đức Phật hằng nhắc nhở hàng môn đệ của Ngài nên suy niệm về cái chết với lời lẽ vô cùng khẩn thiết. Lối suy niệm này được gọi là " Maranànusati bhavana" (gom tâm an trụ và suy niệm về sự Chết). Người nào muốn thực hành pháp môn này phải ghi nhận trong tâm, không phải chỉ trong những lúc ngồi tham thiền mà từng giây từng phút, luôn luôn không lúc nào quên. "Maranam bhavasati" là một trong những đề mục cổ điển được trình bày rành mạch trong sách Thanh Tịnh Đạo (Visudhi Magga) và sách này ghi nhận rõ ràng muốn gặt hái đầy đủ kết qủa, hành giả phải thực hành pháp này theo đường lối chân chánh, nghĩa là với tâm niệm (Sati), với sự nhận thức về tánh cách gấp rút của pháp này (Samvega) và với sự hiểu biết minh mẫn (Nana).

Thí dụ như một hành giả trẻ tuổi không nhận thức được mạnh mẽ rằng cái Chết có thể đến với mình bất luận lúc nào, mà xem đó là một diễn biến chỉ xảy ra lúc tuổi già, trong một tương lai xa xôi thì tức nhiên công trình suy niệm về sự Chết của hành giả sẽ kém phần minh bạch, kém năng lực, và như vậy, không dẫn đến thành công.

Về hiệu năng của công trình suy niệm về cái Chết này, chúng ta có thể nhận thức xuyên qua đoạn sau của sách Thanh Tịnh Đạo:

"Vị đệ tử đã gia công thực hành đề mục suy niệm về sự Chết luôn luôn giác tỉnh, không tìm thỏa thích trong bất luận hình thức sinh tồn nào; từ bỏ mọi khát vọng đeo níu theo đời sống, chế ngự mọi hành động bất thiện, thoát ra mọi ham muốn về những điều cần thiết cho đời sống, tri kiến của hành giả về đặc tính vô thường của vạn pháp trở thành kiên cố; hành giả nhận thức bản chất đau khổ và vô ngã của kiếp sinh tồn, và trong giờ phút lâm chung, hành giả không sợ sệt, vẫn luôn luôn giữ tâm niệm an lạc, luôn luôn tự chủ, tự kềm chế lấy mình. Cuối cùng, nếu trong chính kiếp sống này, hành giả không chứng ngộ được Niết Bàn, thì sau khi chết, hành giả cũng sẽ tái sanh vào nhàn cảnh.

Chúng ta thấy rằng suy niệm về sự Chết không những thanh lọc tâm, làm cho tâm trở nên vi tế và thanh cao hơn, mà còn làm cho cái Chết mất đi phần đáng kinh sợ, và trong khoảnh khắc cực kỳ long trọng, lúc mà con người cố bám víu lấy hơi thở cuối cùng, giúp cho hành giả đương đầu với hoàn cảnh một cách bình tĩnh và mạnh dạn. y nghĩ về sự Chết không bao giờ làm cho tâm hành giả chao động. Hành giả đã chuẩn bị và sẵn sàng đối phó với diễn biến mà phần đông xem là đáng kinh sợ này. Chính con người như thế ấy mới có thể tuyên bố một cách chắc chắn: "Này Tử Thần, còn đâu là nọc độc của ngươi?"

Đối với ta, sự vật có vẻ như là một thực thể đơn thuần, đó là do tính cách kém hoàn hảo của giác quan chúng ta - sự thấy, sự nghe v.v. chí đến sự suy nghĩ. Khoa học đã xác nhận rằng giác quan không thể hướng dẫn ta một cách chắc chắn, không sai lạc. Một thực thể trường tồn, không biến đổi, chỉ là một khái niệm, chỉ là một danh từ, một cái tên mà không có hiện hữu trong thực tế. Đại Đức Nagasena muốn giải thích cho vua Milinda biết đặc tính cấu thành của vạn hữu, nên hỏi Vua đi đến bằng gì, đi bộ hay đi xe. Vua đáp bằng xe.

"-Tâu Đại Vương, nếu Ngài đến bằng xe, xin Đại Vương vui lòng nói rõ, phải cái gọng là xe không; phải cái thùng là xe không, phải cái roi là xe không...?

-Bạch Đại đức, những thứ đó không phải là cái xe.

-Tâu Đại Vương, như vậy cái nào là cái xe thực?

Như vậy, bằng lối thẳng thắn phân tích, bằng cách phân chia ra từng thành phần cấu tạo nên cái gọi là xe, Đại Đức Nagasena thành công thuyết phục vua Milinda rằng "dầu nhà vua có nói sao đi nữa thì vẫn không có cái gì đơn thuần gọi là xe cả mà chỉ có những thành phần ráp nối lại với nhau.

Cùng thế ấy, "chúng sanh", "con người, "tôi", chỉ là những danh từ, những chữ không tương ứng chính xác với một cái gì đơn thuần, nguyên vẹn, thực sự, hiện hữu. Không có cái gì như một thực thể đơn thuần, hiện hữu trong thực tế mà có thể gọi như vậy. Trong ý nghĩa cùng tột, chỉ có năng lực luôn luôn biến đổi. Tuy nhiên danh từ sankhàra không phải chỉ liên quan đến vật chất và tánh chất của vật chất - được gọi là Sắc (rùpa) - mà cũng bao hàm luôn phần tinh thần, tâm và tánh chất của tâm - được gọi là danh (namà). Do đó, tâm cũng là một sự phối hợp, giống như thể xác là một sự phối hợp.

Nói rằng tâm là sự phối hợp của nhiều tư tưởng không có nghĩa rằng những tư tưởng ấy đồng thời hiện hữu, cùng tồn tại trong một lúc như những thành phần của cái xe. Đây là sự nối tiếp liên tục của những chập tư tưởng cũng gọi là sát na tâm; một tiến trình không gián đoạn của những tư tưởng - khi là những tư tưởng sân hận, lúc là những tư tưởng phiền não, sau đó có thể là những tư tưởng từ bi, phục vụ v.v., một sự nối tiếp liên tục không gián đoạn, vô cùng tận. Mỗi chập tư tưởng phát sanh, tồn tại rồi hoại diệt, nhường chỗ cho một chập khác, những chập tư tưởng liên tục nối tiếp nhau, chập này đến chập kia, vô cùng nhanh chóng đến đỗi ta có một cảm tưởng như có một cái gì đơn thuần, nguyên vẹn, không biến đổi, gọi là cái "Tâm "; nhưng trong thực tế, không có cái gì trường tồn bất biến mà chỉ có sự trôi chảy của những chập tư tưởng kế tiếp nối đuôi nhau, có thể sánh với sự trôi chảy của một dòng sông. Từng giọt nước kế tiếp nối đuôi nhau và trôi chảy nhanh chóng đến đỗi ta có cảm tưởng như có một cái gì nguyên vẹn, một thực thể không biến đổi gọi là con sông; nhưng đó chỉ là một cảm tưởng, một ảo tưởng. Trong thực tế, dòng sông luôn luôn trôi chảy, luôn luôn biến đổi. Cùng thế ấy, không có một cái gì là một thực thể nguyên vẹn không đổi thay gọi là cái tâm mà chỉ có sự nối tiếp của những chập tư tưởng, một dòng tư tưởng phát sanh rồi hoại diệt. Nếu tôi nói rằng buổi sáng tôi băng qua con sông và buổi chiều tôi băng trở lại, cũng qua con sông ấy; trên thực tế có phải tôi băng qua và băng trở lại cũng một con sông ấy không? Con sông mà tôi băng qua buổi sáng và con sông mà tôi băng qua buổi chiều có phải là một không? Nước sông mà tôi băng qua buổi sáng có phải nước sông mà tôi băng qua buổi chiều không? Vậy nước buổi sáng hay nước buổi chiều là con sông; hay có hai con sông, con sông buổi sáng và con sông buổi chiều; và nếu buổi trưa mà tôi có băng ngang con sông, lại còn có một con sông buổi trưa nữa chăng?

Suy luận như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây, mỗi khoảnh khắc đều có một con sông khác biệt. Như vậy thì đâu là cái gì trọn vẹn mãi mãi tồn tại gọi là con sông? Phải chăng lòng sông hay bờ sông là con sông? Bây giờ chúng ta nhận thức rằng không có cái gì mà chúng ta có thể chỉ và nói "Đây là con sông ". Con sông chỉ tồn tại như một danh từ. Bằng một cách qui ước và để được tiện lợi trong sự thông cảm với nhau, chúng ta đồng ý gọi là con sông những giọt nước riêng biệt nối tiếp nhau trôi chảy vô cùng tận. Cái Tâm cũng y hệt như thế. Tâm chỉ là một luồng trôi chảy của những tư tưởng nối tiếp vô cùng tận. Qúi vị có thể nào chỉ riêng một tư tưởng đang thoáng qua và nói "đây là cái tâm của tôi", "đây là cái tâm thường còn và không biến đổi của tôi ", có thể được vậy chăng? Một ý tưởng sân hận đối với người kia phát sanh đến tôi, nếu tư tưởng ấy là cái tâm thường còn và không biến đổi của tôi thì làm sao trong một lúc khác lại có những tư tưởng thân hữu cũng đến với người ấy lại phát sanh nơi tôi? Còn nếu tư tưởng thân hữu này cũng là cái tâm thường còn và không biến đổi của tôi thì ra tôi có đến hai cái tâm thường còn và không biến đổi, và hai cái tâm đối nghịch nhau. Nếu tự đặt ra những câu hỏi dài dài theo chiều hướng này, ta sẽ đi đến kết luận là không có một cái gì tương tự như cái tâm bất di bất dịch mà chỉ có một danh từ, một phương tiện để diễn đạt sự liên tục nối tiếp của những tư tưởng. Cái xe, con sông, danh sắc, tất cả đều là những phối hợp, những sự cấu thành. Tự nó, ngoài sự phối hợp, không có xe, không có sông, hay danh sắc gì hết. Không có gì tự nó có đặc tánh vững bền, ổn định, không có gì thích ứng với thực tại, không có gì thường tồn, không biến đổi, không có phần tinh thần nào như một thực thể vĩnh cữu trường tồn, gọi là linh hồn.

Như vậy, nếu thể xác hay Sắc chỉ là một danh từ để diễn đạt sự phối hợp của những yếu tố luôn luôn biến đổi và cũng thế ấy, Tâm hay Danh chỉ là một danh từ để diễn đạt dòng trôi chảy của những tư tưởng liên tục nối tiếp thì sự phối hợp Tâm - vật lý - danh sắc - gọi là con người, không thể là một đơn vị nguyên vẹn thường còn không biến đổi; chỉ là một danh từ, một phương tiện qui ước. Vậy khi chúng ta nói cái xe di chuyển hay một người đi, điều này chỉ đúng theo hình dung, hay chỉ đúng một cách qui ước; bởi vì chúng ta đồng ý với nhau dùng những ngôn từ ấy để diễn đạt những điều như vậy, và bởi vì xuyên qua giác quan, chúng ta thấy có cái xe đang di chuyển và một người đang đi. Trong thực tế và theo ý nghĩa cùng tột, chỉ có sự di chuyển; chỉ có sự đi; do đó, sách Thanh Tịnh Đạo ghi nhận:

"Không có người hành động, chỉ có hành động;

Ngoài sự chứng nghiệm, không có người chứng nghiệm.

Chỉ có những thành phần cấu tạo luôn luôn trôi chảy,

Đó là quan kiến thực tiễn và chơn chánh."

Bây giờ có sự liên hệ nào giữa sự phân tích thân và tâm tỉ mỉ công phu như vậy với cái Chết? Mối liên hệ như sau:

Khi sự phân tích tỉ mỉ và công phu ấy khám phá rằng không có một con người mà chỉ có một tiến trình; không có người hành động mà chỉ có hành động; chúng ta đi đến kết luận rằng không có người chết mà chỉ có tiến trình của sự chết. Di chuyển là một tiến trình. Đi là một tiến trình. Chết cũng là một tiến trình. Không có một nhân vật hay một nguyên lực ẩn núp phía sau tiến trình di chuyển hay tiến trình đi; cùng thế ấy, không có một nhân vật hay một nguyên lực ẩn núp phía sau tiến trình chết. Nếu chúng ta có thể giữ quan kiến của mình càng ngày càng đúng hơn, theo đường lối của vi diệu pháp, chúng ta sẽ càng ngày càng giảm bớt luyến ái vào sự vật và càng ngày chúng ta càng giảm bớt tự mình đồng hóa với hành động mình. Và như vậy, dần dần chúng ta vươn mình lên đến mức độ lãnh hội được quan kiến - rất khó thấu đạt - rằng kiếp sống này chỉ là một tiến trình. Đó là sự nhận thức tối đại tối trọng, là sự chứng ngộ vô cùng cao thượng mà con người mê muội có thể đạt đến. Rõ thật là sáng suốt. Rõ thật là giác ngộ. Quả thật là một khám phá kỳ diệu có tánh cách thần khải, và khi nhận thức như vậy, bao nhiêu lo âu, bao nhiêu sợ sệt liên quan đến sự chết tan biến mất. Đó là điều rất thuận lý. Khi ánh sáng phát sanh thì đêm tối tan biến; cùng thế ấy, ánh sáng của tri kiến đánh tan đêm tối của vô minh, của lo âu và sợ sệt. Với sự chứng ngộ chân lý, với tri kiến, bao nhiêu lo âu và bao nhiêu sợ sệt được thấy là trống rỗng vô căn cứ. Nói thì rất dễ. Thấu triệt được mới là khó. Tại sao khó thấu đạt đượcđiều này? Là bởi vì chúng ta có thói quen mãi đi theo đường xưa lối cũ. Chúng ta suy tưởng theo những lằn xếp quen thuộc. Trong cuộc hành trình theo dòng tư tưởng, chúng ta nhắm mắt đưa chân theo những đường mòn quen thuộc, cùng với những dấu hiệu sai lạc bên đường, và chúng ta e ngại, chúng ta không đủ nghị lực để băng rừng phá buị, vạch ra con đường mới. Chính chúng ta từ chối không chịu nhận lãnh những lợi ích của một quan kiến chân chánh (Sammà ditthi - chánh kiến), tập tục cố hữu, tự đồng hóa mình với hành động của mình, là môi trường để làm sanh sôi nẩy nở niềm tin sai lầm; ngờ rằng có một "tự ngã", một cái "ta" nằm dưới hay phía sau những hành động và những tư tưởng của ta. Đó là điểm chánh yếu quan trọng dẫn dắt ta lầm đường lạc nẻo. Đó là điều làm cho ta không thể nhận định được rằng cảm giác về một cái "Ta" nằm bên trong ta không phải gì khác hơn là một luồng tâm thức luôn luôn thay đổi và không bao giờ tồn tại y hệt trong hai khỏanh khắc kế tiếp.

Như Giáo sư W. James nói: "Chính những tư tưởng, tự nó là người tư tưởng". Trong sự mê muội, chúng ta ôm ấp niềm tin rằng chính luồng tâm thức ấy là dấu hiệu chứng tỏ sự hiện hữu của một cái linh hồn vừa tế nhị vừa huyền ảo. Đó chính là phản ứng của cái tâm trước đối tượng. Trong khi đi, chúng ta không nhận định được rằng chỉ có một tiến trình đi, ngoài ra không có gì khác; không có một người xem như một thực thể đơn thuần, nguyên vẹn không biến đổi. Chúng ta ôm ấp ảo tưởng rằng có cái gì bên trong chúng ta để điều khiển hành động đi. Khi suy tư chúng ta ôm ấp ảo tưởng rằng có cái gì suy tư bên trong chúng ta. Chúng ta không nhận định được rằng đó chỉ là một tiến trình của sự suy tưởng, không có cái gì khác. Không có pháp môn nào ngoài pháp môn suy niệm sâu xa (tham thiền) theo những lời chỉ dẫn của Kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthàna Sutta) mà có thể dẫn dắt chúng ta thoát ra khỏi những quan kiến sai lầm (miccha ditthi - tà kiến).

Ngày nào nhờ gia công tham thiền như vậy, chúng ta dứt bỏ được quan kiến sai lầm mà Đức Phật đã nhiều lần lập đi và nhắc lại, quan kiến mà làm méo mó sự xét đoán và làm mù mờ mọi nhận định về sự vật của chúng ta; chừng ấy, chúng ta mới có thể phát huy tri kiến minh mẫn và chỉ có trí huệ ấy mới rọi sáng và cho ta thấy rõ thực tướng của sự vật. Chỉ đến chừng ấy ánh sáng Chân Lý mới bật sáng để cho ta thấy rằng không có ai đang chết mà chỉ có một tiến trình của sự chết, cũng như không có ai đang sống mà chỉ có tiến trình của sự sống. Gia công thực hành suy niệm theo đường lối này có nghĩa là dần dần dứt bỏ một thói quen không tốt đã ăn sâu vào đời sống chúng ta là tự đồng nhất với tiến trình hành động, bằng thân, khẩu hay bằng ý, và do đó, dần dần thay vào bằng thói suy niệm về lý Vô Ngã (natta). N' étain mama, cái này không phải của tôi. Suy niệm thường xuyên như vậy sẽ đưa đến sự cởi mở dần dần, nới rộng mối dây thắt chặt chúng sanh vào cái "ta", cái "tự ngã". Khi mà chúng ta đã chấm dứt, không còn ôm ấp ảo kiến về cái "ta", khi mà chúng ta đã hòan toàn vượt ra khỏi mọi luyến ái đeo níu theo những ảo tưởng tương tợ, chừng ấy chúng ta có thể vui vẻ và không lo sợ, đối diện với hiện tượng Chết một cách mạnh dạn và bình tĩnh.

Chúng ta vừa thấy rằng những đường lối suy luận về định luật Nghiệp Báo và định luật Cấu Thành có thể cho ta một quan niệm chân chánh về sự chết và có thể giúp ta đối diện với hiện tượng chết với một thái độ thích nghi như thế nào. Còn một định luật nữa mà nếu được hiểu biết thấu đáo, cũng có thể giúp ta như vậy. Đó là định luật Vô Thường (nicca). Đây là yếu tố quan trọng nằm phía sau Đế thứ nhất của Tứ Diệu Đế, chân lý về sự đau khổ. Chính vì có biến đổi, vì không có ổn định, không có cái gì thường còn trong sự vật và trong bất luận vật gì trong thế gian nên có đau khổ, hỗn loạn, không điều hoà trong cõi tạm này. Nguyên tắc biến đổi này được trình bày minh bạch trong câu "anicca vata sankhàn" tất cả các vật cấu tạo đều không bền vững. Trong thế gian này không có cái gì ổn định hay bất động. Dầu ta có muốn hay không, thời gian vẫn biến đổi tất cả sự vật. Trên thế gian này không có cái gì có thể chặn đứng thời gian và không có cái gì có thể tồn tại mãi mãi. Không có sự bền vững, sự ổn định, sự thường còn, bất luận ở đâu trên thế gian này. Luật Vô Thường chi phối toàn thể thế gian này. Vậy, dầu thuộc về tinh thần, dầu là vật chất, tất cả đều tạm bợ, nhất thời và luôn luôn biến đổi. Sự biến đổi có thể nhanh chóng hay chậm chạp; sự biến đổi có thể dễ hay khó nhận thấy; dễ hay khó tri giác; nhưng chắc chắn có biến đổi. Chúng ta đang sống trong một thế gian luôn luôn biến đổi và trong lúc ấy, chính chúng ta cũng không ngừng biến đổi.

Một cấu tạo vật (sankhàra cũng được gọi là hữu lậu) là sự phối hợp của nhiều yếu tố, và những yếu tố ấy luôn luôn biến đổi. Chúng ta đã được biết như vậy xuyên qua phần trước; vậy vật cấu tạo không phải chỉ là sự phối hợp của nhiều yếu tố. Vật cấu tạo là sự phối hợp luôn luôn biến đổi của những yếu tố luôn luôn biến đổi, bởi vì chính sự phối hợp tự nó cũng đổi thay. Bởi có sự biến đổi nên có tăng có trưởng, có hư có hoại. Tăng trưởng đưa đến hư hoại cũng vì có biến đổi. Tại sao những cánh hoa tươi đẹp tưng bừng nở tung ra để rồi tàn rụi ? Đó là do định luật Vô Thường. Chính định luật này đã làm cho sức khỏe mạnh của thời niên thiếu dần dần nhường chỗ cho sự ươn yếu của tuổi già. Cũng do ảnh hưởng của định luật này, những công trình kiến trúc kiên cố và cao vòi vọi chọc trời hôm nay sẽ phải trở nên cũ kỹ và một ngày xa xôi nào đó sẽ phải sụp đổ. Chính sắc thái này của định luật Vô Thường, tiến trình của sự tan rã, làm cho sắc phải lạt phai, kim phải rỉ sét, gỗ phải mục nát. Vì suy niệm như vậy mà Thi hào Gray viết ra những vần thơ khi đứng nhìn một phần mộ trong vòng thành một ngôi nhà ở vùng quê:

" Sự rực rỡ của vinh quang, sự vẻ vang của quyền thế

Tất cả các điều tốt đẹp ấy, tất cả những gì mà tài sản tạo nên

Đều như nhau, đi đến giờ phút không thể tránh

Con đường vinh quang chỉ đưa đến nấm mồ."

Đôi khi tác động của định luật Vô Thường không lộ ra ngoài cho ta thấy; chí đến những vật xem hình như rất kiên cố và vững bền, như núi đá chẳng hạn. Khoa học đã chứng minh điều này. Dầu những hòn núi đá khổng lồ đi nữa, cũng phải tiêu mòn và tan rã với thời gian - một ngàn, hai ngàn, nhiều ngàn năm về sau. Nơi mà hiện nay là ao hồ rộng lớn có thể trước kia, trong một qúa khứ xa xôi, là một vùng đồi núi. Sự vật phát sanh tự nhiên phải hoại diệt (Uppajjitra nirujjhanti): đã phát sanh chúng phải hoại diệt. Đức Phật dạy như vậy. Nhiều chu kỳ trước đây, trái đất với mặt trăng là một. Ngày nay quả điạ cầu vẫn còn hơi ấm và có sự sống nhưng mặt trăng đã lạnh và hết sự sống. Và chính qủa địa cầu này cũng vậy. Khoa học tiên đoán rằng một ngày nào đó địa cầu cũng sẽ mất dần nhiệt độ và khô cằn dần; và trong nhiều chu kỳ sắp tới sẽ không còn sinh vật trên quả địa cầu nữa. Trái đất sẽ thành một hành tinh chết, một mặt trăng khác. Đây là một trong nhiều trường hợp mà tác động của định luật Vô Thường không lộ ra hiển nhiên bên ngoài. Đức Phật cũng có dạy rằng đời sống của quả địa cầu sẽ chấm dứt một ngày kia.

Định luật Vô Thường làm cho sự vật hoại và diệt. Cùng một thế ấy, định luật này cũng có thể làm cho sự vật trưởng thành, tăng trưởng và tiến hóa. Cái hột trở thành cây con, cây con trở thành cây to, nụ trở thành hoa. Tuy nhiên, một lần nữa luôn luôn có sự biến đổi trong tiến trình trở thành. Không có gì ngừng biến đổi. Không có gì không luôn luôn trở thành một cái gì khác, và trưởng thành phải đưa đến hư hoại. Cây phải rụi, hoa phải tàn. Đó là một chu kỳ bất tận; một vòng lẩn quẩn không bao giờ chấm dứt. Sanh rồi diệt, hợp rồi tan, mọc rồi lặn, và sự việc như thế đã gợi cảm cho nhà thơ Shelley:

"Thế gian này đến thế gian khác, tiếp tục xoay vần

từ lúc thành hình đến khi tan rã.

Không khác nào những giọt nước trên dòng sông,

lóng lánh nổ tung và tan biến ."

Không có quyền lực độc đoán nào tạo nên những sự biến đổi ấy. Khuynh hướng đổi thay dính liền, cố hữu trong sự vật. Định luật Vô Thường không những chỉ nói rằng sự vật phải biến đổi mà còn xác nhận rằng tánh cách đổi thay chính là bản chất của sự vật. Ta có thể nghĩ đến bất luận vật nào, vật đó cũng là một phương cách biến đổi và một diều kiện biến đổi. Vô Thường hay biến đổi, là một giả thuyết đã được chấp nhận một giả định đem lại kết quả tốt đẹp của nhà khoa học. Một trong những nhiệm vụ kỳ diệu nhất, cũng là một niềm hãnh diện mạnh mẽ nhất của nhà khoa học là đánh tan ý niệm về sự ổn định, vững bền, bất di dịch và không đổi thay trong thế gian hữu cơ. Chúng ta đã có nghe đề cập đến hạt nguyên tử, - giả định là một thực thể đơn thuần, không thể phân chia - mà ngày nay đã được chứng minh là sự phối hợp của nhiều năng lực. Trong khi nhà khoa học áp dụng định luật Vô Thường vào lãnh vực vật thể và chia chẽ các đơn vị ra làm nhiều thành phần thì Đức Phật đã áp dụng cũng định luật ấy vào trọn vẹn guồng máy phức tạp "Danh Sắc", Tâm - vật chất, và chia chẽ cái được xem là đơn vị chúng sanh ra làm 5 nhóm thành phần gọi là Ngũ Uẩn (panca khandha). Đức Phật đã đi xa hơn nữa và giải thích tại sao ngũ uẩn không ổn định, vững bền, mà chỉ tồn tại nhứt thời; tại sao ngũ uẩn tan rã, và tại sao những uẩn mới phát sinh liền theo đó và nối tiếp cái đã qua. Mỗi sự vật đều tác động qua 3 giai đoạn sanh, trụ, dị, diệt. Tư tưởng cũng phải trãi qua 3 giai đoạn kể trên.

Khi Đức Phật đề cập đến 4 thành phần chính yếu cấu tạo thế gian (Tứ Đại) và dạy rằng 4 thành phần này cũng bị định luật Vô Thường chi phối, Ngài xác nhận rằng thể xác của con người cũng do tứ đại cấu thành chắc chắn phải chiụ ảnh hưởng của định luật Vô Thường.

Như vậy tấm thân nhỏ bé này là gì? Đức Phật hỏi " Có chăng một cái gì trong ấy mà ta có thể nói "đây là tôi hay của tôi " không? Không, quả thật không có gì hết.

Càng sớm hiểu biết tác động của định luật Vô Thường, ta càng có thể thọ hưởng những lợi ích của sự biến đổi ấy, và càng có thể uốn nắn thuận chiều nếp sống của ta; những hành động bằng thân, khẩu, và ý của ta, và gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp. Người nào hiểu biết sự tác động tế nhị của định luật Vô Thường này cũng hiểu biết phần tâm linh, "Danh" có thể đổi thay như thế nào do những hành động cố ý. Dầu có đi sâu vào ác nghiệp như thế nào, con người bất thiện cũng hiểu rằng cái ác, cái bất thiện (akusala) không phải là một trở ngại bất di bất dịch không thể vượt qua, bởi vì một cái tâm bất thiện cũng có thể đổi thay. Do định luật Vô Thường, tốt có thể trở thành xấu, mà xấu cũng có thể trở thành tốt. Người ấy biết rằng, bằng cách thường xuyên suy niệm về điều thiện; tâm thiện sẽ phải dần dần phát sanh. Suy niệm thường xuyên về điều thiện sẽ làm phát sanh khuynh hướng thiện trong tâm, và một khi những khuynh hướng thiện phát sanh, tức nhiên những khuynh hướng bất thiện phải chấm dứt. Khi tư tưởng và khuynh hướng của người ấy biến đổi từ xấu ra tốt, và tâm của người ấy đã thấm nhuần những khuynh hướng tốt, lời nói và hành động của người ấy đương nhiên cũng trở nên tốt hơn. Với giới đức càng ngày càng trong sạch, tâm càng dễ an trụ vào định; tâm định càng mạnh, càng dễ thành tựu trở nên cao siêu. Như vậy cái bất thiện bên trong người kia đã dần dần trở thành thiện. Người xấu trở nên tốt. Bằng những hành động cố ý, chúng ta có thể nương theo định luật Vô Thường, để thành đạt những lợi ích cao thượng nhất. Con người trước kia xấu, bây giờ trở thành tốt, theo ý nghĩa cao đẹp nhất của danh từ. Một người tốt luôn luôn an vui. Người tốt không bao giờ sợ chết, vì không lo sợ những gì có thể xảy ra sau kiếp sống này. Một người như thế được mô tả trong Kinh Pháp Cú:

"Người làm điều thiện thỏa thích trong thế giới này,

Thỏa thích trong thế gian kế.

Trong cả hai thế gian, người hành thiện sống thỏa thích."

Mãnh lực hùng mạnh đã đem lại sự đổi thay trong kiếp sống này, sẽ bảo đảm kiếp sống càng may mắn hơn sau khi thể xác hiện tại họai diệt. Đó là kết quả mà người hành thiện có thể vững tâm trông chờ trong giờ phút lâm chung. Lo âu và sợ sệt một cái chết khủng khiếp ắt không đến với người tạo nghiệp thiện. Hơn nữa, khi ta theo dõi tỉ mỉ tác động của định luật Vô Thường trong phần thể xác và tâm linh của chính ta và của người khác, chúng ta sẽ bắt đầu quen thuộc mật thiết với sự biến đổi đến để cái chết không còn là một cái gì vô kỷ luật, bất thường, hay không tự nhiên. Chừng ấy, đối với chúng ta, cái chết chỉ là một trường hợp đổi thay nữa thêm vào vô số những tiến trình biến đổi đã xảy ra dài dài xuyên qua suốt kiếp sống của chúng ta. Cái chết sẽ đến như một điều đã được trông chờ; một điều phải xảy ra, thích ứng thuận chiều với những gì đã xảy ra trước kia. Với người đã chân chánh suy niệm như thế về sự chết, cái chết không còn là một mối lo âu hay sợ sệt nữa. Vui vẻ và không lo sợ, người ấy sẽ đối diện với hiện tượng chết một cách bình tĩnh và mạnh dạn.

Chúng ta có thể khảo sát cái chết dưới một khía cạnh khác nữa. Đó là khía cạnh của định luật Phát Sanh Do Điều Kiện, rất gần với Định Luật Vô Thường. Những vật cấu tạo không những do nhiều yếu tố phối hợp mà cũng do nhiều yếu tố tạo điều kiện để phát sanh và hiện hữu. Và khi những yếu tố tạo điều kiện ấy chấm dứt, vật được cấu tạo, tức vật được được điều kiện hóa để hiện hữu đương nhiên cũng chấm dứt. Đó là định luật Phát Sanh Do Điều Kiện, và định luật này được diễn tả bằng nhiều danh từ tổng quát:

"Khi cái này hiện hữu, cái kia hiện hữu,

Khi cái này phát sanh, cái kia phát sanh

Khi cái này không hiện hữu, cái kia không hiện hữu

Khi cái này chấm dứt, cái kia chấm dứt."

Nguyên tắc này rất phổ thông, dầu áp dụng vào bất luận trường hợp nào, tác động của tiến trình Sống và Chết cũng nằm trong phạm vi định luật ấy. Sợi dây xích của những yếu tố tạo điều kiện cho đời sống bao gồm 12 vòng khoen (Nidànas) có tên chung là Paticca Samupàda - Tùy thuộc Phát Sanh hay Thập Nhị Nhân Duyên. Một sự hiểu biết thấu đáo về 12 vòng khoen này rất quan trọng. Trong Kinh Maha Nidàna Sutta của bộ Trường Hàm (Dighà Nikàya), Đức Phật dạy Đức nanda như sau:

"Vì không hiểu biết thấu đáo giáo lý này, chúng sanh sống trong cảnh rối loạn như tơ vò."

Công thức Tùy Thuộc Phát Sanh được trình bày như sau:

"Do Vô Minh tạo điều kiện, Hành phát sanh

Do Hành tạo điều kiện, Thức phát sanh

( Danh, Sắc, . . . ai, Thủ, Hữu, . . . Lão, Tử phát sanh )

Đây là một tiến trình mãi mãi diễn tiến vô cùng tận. Do đó có những lời như sau:

" Nhiều lần lập đi lập lại, người thiểu trí đi tái sanh

Nhiều lần lập đi lập lại, sanh đến rồi tử dến

Nhiều lần lập đi lập lại, người khác đưa chúng ta xuống mồ."

Định luật này nói thì dễ mà rất khó hiểu. Đây là giáo lý cao siêu thâm diệu nhất mà Đức Phật đã truyền dạy. Chỉ có bằng cách thường xuyên gia công suy tư, chúng ta mới thấu đạt được ý nghĩa sâu xa của pháp này. — đây không giải thích đầy đủ 12 vòng khoen, tuy nhiên để đánh tan một vài quan niệm lầm lạc liên quan đến sự chết, chúng ta phải quan sát tận tường vòng khoen đầu tiên là Vô Minh, thứ nhì là Hành, và thứ ba là Thức; bởi vì 2 vòng khoen đầu tiên đưa đến chết và tái sanh .

Mười hai vòng khoen này, chúng ta phải hiểu rõ như vậy, không tiêu biểu suông một sự liên tục nối tiếp của nhân và quả, không phải là một lằn ngang trên đó liên tục nối tiếp những hành động và phản ứng của hành động. Gọi là chuỗi dài nhân và quả là sai, bởi vì đây không phải là một chuỗi dài bao gồm nhân và quả nối tiếp nhau theo thứ tự thời gian một cách chính xác. Nói cách khác, Thập Nhị Nhân Duyên không phải là chuỗi dài những yếu tố liên tục nối tiếp yếu tố trước là Nhân sanh yếu tố sau là Quả. Có một vài yếu tố, không phải là tất cả, đồng phát sanh cùng một lúc và mối tương quan giữa yếu tố này với yếu tố kia là điều kiện (duyên) thay vì là nguyên nhân. Yếu tố này tạo điều kiện cho yếu tố kia phát sanh, chớ không phải là yếu tố này là nguyên nhân sanh ra yếu tố kia. Có tất cả 24 phương cách để tạo điều kiện trong mối tương quan giữa yếu tố này với yếu tố khác. Mỗi yếu tố được tạo duyên để phát sanh và trở lại tạo duyên cho một yếu tố khác phát sanh. Nhiều yếu tố này vừa tác động cùng một lúc, vừa tác động một cách độc lập.

Sau đây là một vài nhận xét về vòng khoen đầu tiên, Vô Minh (vijja). Nói rằng Vô Minh là vòng khoen đầu tiên không phải xác nhận Vô Minh là nguyên nhân đầu tiên của kiếp sinh tồn. Đức Phật quả quyết rằng nguyên nhân đầu tiên, nguồn gốc cùng tột của vạn vật không thể nghĩ đến: "Này chư Tỳ Khưu, giòng sinh tồn quả thật là vô thỉ; không thể tìm ra một khởi điểm."

Bertrand Russel viết: "Không có lý do nào để giả định thế gian này có một khởi điểm. y niệm chủ trương rằng sự vật phải có một khởi điểm thật sự phát sanh do trí tưởng tượng nghèo nàn của chúng ta."

Vậy nói về con người, Vô Minh không phải là nguồn gốc sơ khởi của sự vật mà là yếu tố do đó phát sanh đau khổ trong tiến trình sinh tử. Tất cả 12 yếu tố đều là những yếu tố liên tục tiếp diễn. Chỉ khi nào có sự suy tư sâu xa, chúng ta mới thật sự lãnh hội chân lý này; tức thật sự hiểu biết rằng không thể nhận thức được khởi điểm của tiến trình vô tận này.

Vòng khoen đầu tiên Vô Minh là gì? Vô Minh là không hiểu biết những thực tại căn bản và chánh yếu của kiếp sanh tồn tức là thực tại về sự đau khổ hay bất điều hoà; thực tại về sự chấm dứt đau khổ hay bất điều hoà; và thực tại về con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ hay bất điều hoà. Nói một cách khác, Vô Minh là không hiểu biết pháp mà chính Đức Phật gọi là Bốn Chân Lý Cao Siêu Thâm Diệu: Tứ Diệu Đế. Vô Minh lúc nào cũng là một cái duyên tai hại. Khi bị những duyên hay điều kiện như vậy chi phối thì chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào tất cả mọi người và tất cả mọi việc.

"Chính Vô Minh dẫn đến cuộc hành trình ảm đạm thê lương, rày đây mai đó - quanh quẩn sinh tử, tử sinh vô cùng tận. Nhưng với người hiểu biết, không còn một kiếp sống tương lai."

Vòng khoen thứ nhì là Hành. Hành có nghĩa là những hành động cố ý, có ý muốn làm, có tác ý. Danh từ Pàli là Sankhàra. Công thức Thập Nhị Nhân Duyên trình bày như sau: " Tuỳ thuộc nơi Vô Minh, Hành phát sanh." Điều này có nghĩa là sự kiện không hiểu biết những thực tại căn bản và chánh yếu của kiếp sanh tồn trở thành yếu tố tạo điều kiện để có những hành động có tác ý của con người. Đúng theo giáo lý của Đức Phật, chỉ có sự hiểu biết và chứng ngộ Tứ Diệu Đế mới có thể giúp con người thấy được thực tướng của sự vật. Trong tình trạng Vô Minh, không hiểu biết Tứ Diệu Đế, không thấy được thực tướng của sự vật, tức không thấy được sự vật đúng theo thực tại của sự vật, con người có những hành động khác nhau. Những hành động có tác ý (Hành) ấy không phải chỉ là kết quả đơn giản và nhất thời của Vô Minh, một lần rồi hết. Vô Minh tiếp tục mãi mãi tạo điều kiện cho Hành phát sanh, ngày nào kiếp sinh tồn còn tiếp diễn. Những hành động có tác ý, hay những năng lực tinh thần này thật đa diện. Trong Thập Nhị Nhân Duyên, danh từ Hành đồng nghĩa với Nghiệp hay tác ý tạo nghiệp. Hai vòng khoen đầu tiên, Vô Minh và Hành thuộc về kiếp sống quá khứ. Tám vòng khoen kế đó từ Thức đến Hữu thuộc về hiện tại; còn Sanh và Lão Tử thuộc về kiếp sống tương lai.

Vòng khoen thứ ba là Thức (Vinnàna). Công thức Thập Nhị Nhân Duyên trình bày:" Tùy thuộc nơi Hành, Thức phát sanh." Thức ở đây có nghĩa là Thức tái sanh hay Thức nối liền. Như vậy đúng theo tinh thần của công thức này, đời sống tâm linh của một người trong hiện tại do nơi những hành động tốt hay xấu, tức nghiệp thiện hay bất thiện của người ấy trong quá khứ tạo điều kiện để phát sanh. Nói cách khác, luồng tâm của một người trong kiếp hiện tại tùy thuộc nơi nghiệp của người ấy đã tạo trong qúa khứ. Công thức này vô cùng quan trọng bởi vì có liên quan đến sự nối liền hai kiếp sống, quá khứ và hiện tại, và do đó liên quan đến sự tái sanh. Vì lẽ ấy, vòng khoen này được gọi là Patisandhi Vinnàna, Thức nối liền hay Thức tái sanh. Ta có thể ngạc nhiên vì sao những hành động trong qúa khứ lại tạo điều kiện để tái sinh trong hiện tại. Khoa học dựa trên những dữ kiện trong kiếp sống hiện tại để giải thích hiện tượng Sanh. Nhà sinh lý học nói rằng do sự phối hợp của cha và mẹ nên có sinh sản. Theo Phật Giáo, nếu chỉ có 2 yếu tố ấy ắt không đủ để tạo điều kiện cho sự sanh vì hai yếu tố này thuần túy vật chất. Trong một hệ thống tâm vật lý, một sự phối hợp danh sắc gọi là con người nếu phát sanh từ hai yếu tố hoàn toàn vật chất mà không có yếu tố tinh thần nào thì quả là không hợp lý. Đức Phật dạy rằng có một yếu tố thứ 3, thêm vào hai yếu tố thuần túy vật chất của cha và mẹ, và cũng cần thiết như 2 yếu tố trên. Yếu tố thứ 3 ấy là Patisandhi Vinnàna, Thức Tái Sanh. Trong một cây đèn, nếu chỉ có dầu và tim không, ắt không thể có ánh sáng. Ta có thể dùng một loại tim đèn thượng hạng, hay ta có thể ngâm cái tim vào cả một thùng dầu, nhưng nếu chỉ có tim đèn và dầu, ắt không bao giờ có ánh sáng. . . cho đến lúc có một tia lửa từ bên ngoài đưa vào. Chỉ đến chừng ấy dầu và tim đèn mới bắt đầu tạo nên ngọn lửa và do đó có ánh sáng. Chúng ta đã ghi nhận rằng hành động trong quá khứ là những năng lực thật sự, những năng lực tinh thần nghiệp quá khứ phóng thích những năng lực, và các năng lực này đủ mạnh để tạo điều kiện cho một chúng sanh tái sanh vào cảnh giới thích ứng với bản chất của những hành động quá khứ đã được thực hiện. Những năng lực này tạo nên cái được gọi là Patisandhi Vinnàna, Thức Tái Sanh; yếu tố thứ 3 của Thập Nhị Nhân Duyên. Yếu tố có nhiều tiềm lực này phối hợp với 2 yếu tố vật chất để tạo điều kiện cho thai bào phát sanh và nảy nở một cách tự nhiên trong lòng bà mẹ. Cũng như giấc ngủ không làm trở ngại nào cho sự liên tục sinh hoạt, hoạt động của thể xác, do nguyên tắc liên tục sinh tồn bên trong; cùng thế ấy, cái chết không gây trở ngại nào cho sự liên tục sinh tồn của một chúng sanh, vì Chết chỉ là tiếp tục sống trong một kiếp sống mới, cùng trong một cảnh giới hay một cảnh giới thích ứng khác, do nơi ý chí muốn sống còn lại, với nguyên vẹn năng lực, vào lúc thể xác chấm dứt hoạt động và bắt đầu tan rã. Và như vậy, dòng sinh tồn, tiến trình sống vẫn liên tục tiếp diễn. Trong khi ấy năng lực của Nghiệp Lực quá khứ uốn nắn hình thức thích ứng trong một cảnh giới sinh tồn thích ứng. Gieo hột trên đất ắt có cây mọc lên. Tuy nhiên chỉ hột và đất không, mặc dầu có sự tiếp xúc hột và đất, sẽ không tạo nên cây, phải có những yếu tố khác phát xuất từ bên ngoài mà ta không trông thấy được, như ánh sáng, không khí, ẩm độ, nhiệt độ v.v. phải có sự phối hợp của đầy đủ tất cả những yếu tố ấy tạo điều kiện cho cái cây mọc lên. Nói về sự tái sanh của một người hay một chúng sanh, yếu tố vô hình từ bên ngoài ấy là nghiệp lực cuối cùng lúc một người lâm chung, hay để diễn đạt một cách khác, là năng lực tái tạo của ý chí muốn sống.

Có cần phải nghi ngờ gì về tiềm năng của nghiệp quá khứ để tạo nên kiếp sinh tồn hiện tại không? Có còn hoài nghi tại sao những hành động trong một kiếp sống lại có thể tạo điều kiện cho tâm thức phát sanh trong một kiếp khác không? Nếu có, ta hãy bình tâm suy tư về bản chất đa diện và không ngừng nghỉ của hành động, hãy nghĩ tới trạng thái đặc biệt của đời sống, nghĩ tới đặc chất của một cá nhân trong một khoảnh khắc của kiếp sinh tồn. Khi đã nắm vững, đầy đủ và trọn vẹn, thực tại của bản chất đa diện và không ngừng nghỉ của những hoạt động của con người, ta hãy tự nêu lên câu hỏi: i hay Cái gì đưa đến thúc đẩy các hoạt động ấy? Ta sẽ thấy rằng hành động của con người do trăm ngàn ý muốn và bám viú, tham dục và luyến ái, mà nếu phăng lên mãi đến mức cùng tột, đó là y Muốn Sống.

Ý Chí Muốn Sống ấy, dầu ta gọi nó bằng danh từ nào, cũng là yếu tố thúc đẩy tất cả hành động. Chúng ta ăn, làm việc, tranh đấu, thâu nhận, chúng ta tiến bộ, thù hận, thương yêu, âm mưu, thảo kế họach, chúng ta thất vọng v. v. tất cả những điều ấy chỉ là để cho chúng ta có thểsống. Chí đến nghe ý muốn tự quyên sinh, mặc dầu thoáng nghe hình như mâu thuẫn, cũng phát sanh do y Chí Muốn Sống; sống không bị vấn vương trong rối loạn và thất vọng. Chúng ta hãy xét hậu quả chồng chất của hàng trăm hàng ngàn hành động của chúng ta, trong mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây, và nhiều năm như thế, thực hiện dưới sự thúc đẩy của lòng ham muốn. Tất cả những hành động bằng thân, khẩu, ý, ấy là Nghiệp; tất cả là những năng lực được phóng thích; tất cả là những năng lực có khả năng tạo tác. Quả thật khó tưởng tượng rằng khi mà kiếp sống hiện tại chấm dứt, bao nhiêu năng lực hiện hữu ấy cũng sẽ chấm dứt cùng một lúc. Vào bất luận lúc nào, luôn luôn sẽ còn lại một số năng lực đáng kể của nghiệp tích tụ. Những năng lực hay sức mạnh ấy chứa đựng những tiềm năng thu hút cái điều kiện đưa đến tái sanh trong một kiếp sống mới. Những năng lực hay sức mạnh ấy đủ mạnh để tạo điều kiện sống trở lại, khi mà cái thể xác cùng sinh hoạt chung với nó không còn hoạt động nữa. Vậy đó là nghiệp lực cuối cùng chấm dứt một kiếp sống của người lâm chung; hay nói cách khác, đó là năng lực tái tạo của y Chí Muốn Sống. Tóm lại, y Chí Muốn Sống tạo điều kiện để có thể sống trở lại. Bây giờ ta sẽ thấy tại sao nghiệp lực chấm dứt kiếp sống của người lâm chung trở thành yếu tố thứ 3 thuộc về tâm linh, phối hợp với 2 yếu tố vật chất là tinh trùng và minh châu của cha và mẹ để tạo điều kiện cho hiện tượng sanh trong tương lai.

Chính Thức Tái Sanh hay Thức Nối Liền này là nòng cốt cho một sự phối hợp danh sắc, tâm vật chất mới. Năng lực ấy là hậu quả phát sanh do những hành động có tác ý trong quá khứ. Khoa học xác nhận rằng năng lực không thể tan biến mất tiêu, mà có thể trở thành một hình thức năng lực khác. Tại sao những năng lực hùng mạnh của nghiệp quá khứ, do ai Dục thúc đẩy và y Chí Muốn Sống bồi dưỡng còn tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ trong một kiếp sống mới, mặc dầu ở trong một cảnh giới khác hay bằng một phương cách khác?

Chúng ta có thể tự hỏi, cái gì đi từ kiếp sống này qua một kiếp khác? Có phải nghiệp lực hay năng lực của hành động, hay là hậu quả của những năng lực ấy đi? Hay chính cái tâm đi? Câu trả lời là một chữ "Không" quả quyết. Không có cái gì chuyển đi từ nơi này sang nơi khác. Nhưng năng lực của những hành động trong quá khứ thật là hùng mạnh và có thể tự biểu hiện, và biểu hiện ảnh hưởng của nó từ một nơi xa xôi. Khoảng cách không bao giờ là một trở ngại cho Nghiệp Lực. Trong Kinh Nàha Tanha Sankhàya Suttanta của bộ Trung Hàm (Majjhi nea Nikàya), Đức Phật mạnh mẽ quở rầy Tỳ khưu Sati vì vị này nói rằng "theo giáo lý Đức Phật, chính cái tâm chuyển đi từ kiếp nầy sang kiếp khác".

Không cần có sự tiếp xúc giữa tâm và vật chất để tâm có thể ảnh hưởng đến vật chất. Trong bài diễn văn nói về khoa học tâm linh, Sir William Crooke nói: "Kinh nghiệm đã chứng minh rằng bằng cách vận dụng ý chí mạnh mẽ, tâm có thể tác động như một đòn bẫy tinh thần để ảnh hưởng đến sự vật."

Khi vật mà năng lực ấy tác động ở một nơi xa xôi, trong cảnh giới khác chẳng hạn, chúng ta chỉ dùng một hình dung ngôn từ để nói rằng cái nghiệp chuyển đi hay năng lực tinh thần ấy chuyển sang. Đã nhiều lần và bằng nhiều hình ảnh khác nhau, Đức Phật dạy rằng không có cái gì đi hay chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác. Đó chỉ là tiến trình của một điều kiện hay duyên, ảnh hưởng đến một điều kiện khác. Năng lực hậu quả của nghiệp do những hành động quá khứ tạo nên có một sức mạnh hùng hậu đến mức độ có thể tạo điều kiện cho một thai bào phát sanh trong một thế gian khác, cùng với một tâm thức.

Một điểm quan trọng khác cần phải ghi nhớ. Thức Tái Sanh chỉ phát sanh khi đứa bé chưa sanh. Ta có thể nói rằng khi đứa bé còn nằm trong lòng mẹ, tâm thức chỉ hiện hữu một cách tiêu cực (trong trạng thái Bhananga); bởi vì lúc ấy, đứa bé chỉ là một phần trong cơ thể người mẹ, và không có sự sống riêng biệt, độc lập, cũng chưa tiếp xúc với thế gian bên ngoài. Tuy nhiên, khi đứa bé lọt lòng mẹ, có một kiếp sinh tồn riêng biệt, chừng ấy ta có thể nói rằng bản chất Bhananga của trạng thái thai bào lần đầu tiên nhường chỗ cho một tiến trình tâm thức đầy đủ gọi là Vithi Citta (lộ trình tâm).

Khoảng cách, xa hay gần, không phải là một trở ngại làm cho nhân không thể trở thành quả. Nhân gieo ở một nơi có thể trổ quả ở một nơi xa xôi khác. Phần trên đã có thể nhắc đến trường hợp Đức Phật quở rầy Tỳ Khưu Sati vì vị này cho rằng theo lời dạy của Đức Phật có cái thức chuyển từ kiếp này sang kiếp khác. Thức Nối Liền chứa đựng toàn thể tiềm năng tích tụ từ những quá khứ. Do đó, trong khi thừa hưởng những đặc tính của cha mẹ mới, thai bào cũng thừa hưởng những cảm giác và kinh nghiệm qúa khứ của người lâm chung. Nếu không vậy, làm sao ta có thể giải thích được một người mà không có những đặc tính giống như của cha mẹ? Nếu không vậy, làm sao ta có thể giải thích hiện tượng 2 đứa trẻ sanh đôi, cùng cha mẹ, cùng trưởng thành trong những điều kiện như nhau mà tâm tánh, mặt mày cũng như trí não v.v. lại khác nhau?

Đến đây, chúng ta đã khảo sát cái chết dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Bất luận dưới khía cạnh nào mà ta nhìn cái chết, ta cũng thấy rằng chết là một phần cố hữu, dính liền với tiến trình sống. Cái chết cũng tựa hồ như sự vỡ bễ của một cái bóng đèn điện. Khi bóng đèn bể thì ánh sánh tắt, nhưng luồng điện vô hình vẫn còn đó và nếu ta gắn vào một cái bóng mới, ắt ánh sáng sẽ xuất hiện trở lại. Cùng thế ấy, có sự liên tục trong luồng trôi chảy của đời sống. Sự tan vỡ của thể xác, không có nghĩa là giòng nghiệp đã chấm dứt. Nghiệp lực sẽ phát hiện trở lại trong một cơ thể mới. Hình ảnh cái bóng đèn điện và luồng điện giúp cho ta có một ý niệm về sự tái sanh chớ không hoàn toàn giống như đời sống. Trong khi một đằng, bóng đèn mới không thể tự nhiên tự đặt vào luồng điện, đằng khác, nếp sống của một người, bản chất tâm linh của người ấy, tánh chất hành động của người ấy v.v. đủ mạnh để tạo điều kiện cho một thức tái sanh, cùng một bản chất phát hiện tức khắc, dựa theo nguyên tắc, cái gì giống nhau thu hút lẫn nhau. Như vậy, người chết được thu hút đến một môi trường sinh sống, tốt hay xấu, mà chính người ấy tạo nên cho mình bằng tư tưởng, lời nói, và hành động, bởi vì kiếp sống tương lai tùy thuộc nơi bản chất của những yếu tố ấy. Trong mỗi khoảnh khắc, chúng ta đang xây dựng cho tương lai chúng ta. Vậy chúng ta phải thận trọng trong từng khoảnh khắc.

Nếu chúng ta có thể hình dung được khoảng cách bao la của quá khứ, và nếu ta nghĩ đến tương lai vô cùng tận, chúng ta sẽ thấy rằng cái hiện tại mà đến nay chúng ta cho là quan trọng, không còn tầm quan trọng ấy nữa. Nếu chúng ta hình dung chuỗi dài vô tận những kiếp sống quá khứ và nếu ta tưởng tượng chuỗi dài mù mịt những kiếp sống tương lai, bao nhiêu lần sanh và tử trong quá khứ vô tận, và bao nhiêu lần sanh và tử còn phải trãi qua trong tương lai; ắt chúng ta phải không còn sợ nữa; chúng ta không thể còn sợ một cái chết đơn độc trong chuỗi dài vô tận những cái chết và những cái sanh. Những phát hiện và những tan biến cấu thành tiến trình sống vô tận trong vòng luân hồi.

Lại còn một định luật nữa mà nếu người nào hiểu biết nó cũng thấu đạt được dễ dàng cái chết. Đó là định luật của sự Trở Thành (Hữu), một yếu tố của pháp Phát Sanh Tùy Thuộc, một vòng khoen của Thập Nhị Nhân Duyên. Theo Phật Giáo, định luật của sự Trở Thành, cũng như định luật của sự biến đổi (Vô Thường), luôn luôn tác động và chi phối sự vật trên thế gian. Trong khi định luật Vô Thường nói rằng tất cả đều phải biến đổi, không có cái gì tồn tại vững bền, định luật Trở Thành dạy rằng mọi vật đều luôn luôn đổi mới trong một tiến trình liên tục diễn tiến, luôn luôn trở thành một cái gì mới. Chẳng những tất cả đều biến đổi mà bản chất của sự biến đổi ấy là một tiến trình của sự trở thành một cái gì khác; dầu tiến trình ấy dài hay ngắn. Vắn tắt, ta có thể nói: " Không có cái gì tồn tại, tất cả đều luôn luôn trở thành." Sự vật không bao giờ ngưng trở thành. Cây non luôn luôn trôi chảy theo một tiến trình để trở thành cây già và cằn cỗi. Không có điểm thời gian nào trong đó có vật gì không đang trở thành một cái gì khác. Trong một bài thuyết trình, bà Rhys Davids nói: "Trong mọi trường hợp, vừa khi có một khởi điểm là cũng bắt đầu, ngay tại lúc ấy, một sự chấm dứt. "

Nếu đứng trên bờ nhìn ra biển cả, ta thấy những lượn sóng tiếp nối nhau dậy lên rồi tàn xuống. Một lượn sóng nổi nhô lên rồi rơi trở xuống và tan biến trong một lượn sóng kế đó, mỗi lượn trở thành một lượn khác. Ta có thể nhận thức rằng toàn thể thế gian cũng chỉ giống như thế ấy - trở thành và trở thành. Nếu quan sát một cái nụ cho đến khi nó trở thành hoa, ta sẽ lấy làm ngạc nhiên mà thấy rằng trong từng khoảnh khắc, điều kiện của hoa lúc nào cũng như cũ, không có gì khác . . . Cho đến khi trước mắt ta, nụ trở thành hoa. Mặc dù cái nụ luôn luôn đang trở thành, đang tiến dần đến trạng thái hoa, mắt thường của ta không thể phân biệt. Tiến trình dần dần diễn tiến, mỗi giai đoạn phát sanh rồi tan biến trong giai đoạn kế một cách đều đặn mà mắt ta không thể trông thấy, đó là một sự trở thành. Trước tiến trình ấy, nếu chúng ta thử nhắm mắt lại - thí dụ như ta nhìn cái nụ ngày hôm nay và ngày mai trở lại nhìn - chừng ấy ta mới có thể thấy sự biến đổi. Chừng ấy ta dùng những danh từ khác nhau như "cái nụ" và "cái hoa" để chỉ hai giai đoạn riêng biệt, thay vì dùng danh từ "tiến trình" hay danh từ "trở thành".

Nếu ta nhìn một trẻ sơ sanh, và nhìn như vậy trong suốt 10 năm, ta sẽ không thấy gì đổi thay. Một em bé sanh ra lúc 10 giờ, đến 11 giờ rồi 12 giờ, cũng không có gì thay đổi. Trong mỗi lúc ta không thấy gì khác biệt giữa em bé vào lúc này với em bé trong lúc trước. Một điều kiện âm thầm tan biến trong điều kiện kế đó mà giác quan ta không thể nhận thấy. Đó là một sự trở thành, một tiến trình trở thành, luôn luôn diễn tiến. Ta hãy thử nhắm mắt trước tiến trình này và chỉ thấy em bé mỗi tháng một lần thôi. Chỉ đến chừng ấy ta mới thấy sự thay đổi. Chỉ đến chừng ấy ta mới phải dùng đến những danh từ như "trẻ sơ sinh", thay vì những danh từ như "sự trở thành" hay "tiến trình ".

Nếu nghĩ rằng ta có thể tỉ mỉ quan sát tiến trình của thời gian, hãy thử xem có thể nào ta phân biệt rõ ràng thời quá khứ, thời hiện tại, thời vị lai giống như trong văn phạm không? Theo quan điểm triết học của Phật Giáo, thời gian là một tiến trình liên tục diễn tiến, mỗi khoảnh khắc thời gian tan biến trong khoảnh khắc kế đó và cấu thành một sự liên tục không gián đoạn. Không thể có một lằn ranh phân chia, gạch ngang một cách chính xác để phân đôi một bên là quá khứ, một bên là hiện tại và tương lai. Với hiện tại cũng vậy, không thể phân chia chính xác. Trong khoảnh khắc mà ta nói: "đây là hiện tại "thì cái hiện tại ấy đã trôi qua và tan biến trong quá khứ, trước khi ta dứt lời. Hiện tại luôn luôn trôi vào quá khứ, trở thành quá khứ và tương lai luôn luôn trở thành hiện tại. Mọi vật đều đang trở thành. Đó là tiến trình của tất cả mọi sự vật, một sự trôi chảy không gián đoạn và vô cùng tận. Chính vì chúng ta không thấy được sự liên tục ấy nên chúng ta mới dùng những danh từ khác nhau để chỉ những giai đoạn khác nhau của tiến trình và sự trở thành.

Khoa sinh lý học dạy rằng, cơ thể con người luôn luôn trãi qua một tiến trình biến đổi và tất cả những tế bào cấu thành con người sẽ hoàn toàn đổi mới trong vòng 7 năm. Theo Phật giáo, lúc nào cũng có sự biến đổi trong cơ thể. Không có hai khoảnh khắc kế tiếp nào mà cơ thể con người không đổi mới. Phân tách đến mức cùng tột, đó là luồng trôi chảy của những nguyên tử hay những loại đơn vị vật chất khác nhau luôn luôn phát sanh và hoại diệt. Như vậy, cơ thể chúng ta luôn luôn đang chết và đang sống trở lại, chính cùng trong một kiếp sống này. Cái chết tạm thời xảy ra trong mỗi khoảnh khắc trong kiếp sống của chúng ta.

Sách Thanh Tịnh Đạo dạy rằng: "Trong ý nghĩ cùng tột, kiếp sống của chúng sanh vô cùng ngắn ngủi. Chúng sanh chỉ sống trong thời gian của một chập tư tưởng; và sách này tiếp theo: "Tựa hồ như bánh xe lăn trên mặt đất, trong mỗi điểm thời gian, vòng bánh xe chỉ chấm dứt ở một điểm. Cùng thế ấy, kiếp sống của chúng sinh chỉ tồn tại trong khoảnh khắc của một chập tư tưởng, hay như ta thường gọi, một sát na tâm. Khi chập tư tưởng ấy chấm dứt, chúng ta nói rằng chúng sanh ấy chấm dứt."

Như vậy ta thấy rằng trong khoảnh khắc của kiếp sống, chúng ta đang chết và đang tái sanh. Sự vật đã vậy, tại sao ta lại sợ một cái chết riêng biệt nào? Tại sao ta lại sợ một khoảnh khắc đánh dấu sự chấm dứt một kiếp sống? Trong khi vô số cái chết liên tục xảy đến ta; trong khi ta chết trong mỗi khoảnh khắc, tại sao ta lại sợ riêng một cái chết đặc biệt nào? Vì mê muội, không phân biệt được bản chất của cái chết tạm thời trong mỗi khoảnh khắc nên chúng ta lo sợ một cái chết đặc biệt xảy đến vào phút cuối cùng của kiếp sống này, ở đây, nhất là vì ta không thấy được cái gì sẽ xảy đến sau đó, và cũng vì chúng ta không biết được rằng giây phút cuối cùng của kiếp sống này chỉ là một trong vô số những khoảnh khắc chết và sống trở lại tiếp theo đó.

Không phải tiến trình của đời sống chỉ tiếp diễn trong khoảng thời gian của kiếp sống này mà thôi. Tiến trình ấy tiếp tục diễn tiến mà không có sự gián đoạn, từ kiếp sống này sang kiếp kế tiếp và luôn trong kiếp sau nữa, bởi vì luồng tâm tiếp tục trôi chảy. Chập tâm cuối cùng của một kiếp sống - gọi là "cutti citta" hay "tử tâm" - tạo điều kiện cho chập tâm đầu tiên của kiếp sống kế đó - gọi là Patisandhi Vinnãna. Tiến trình từ khoảng chập tâm chết (Cuti citta) phát sanh rồi tan biến vào chập tâm kế tiếp là Thức Nối Liền (Patisandhi Vinnàna) diễn tiến một cách đều đặn, không bị gián đoạn. Sự khác biệt duy nhất giữa Thức Nối Liền và các loại tâm khác là thay vì biểu hiện ở cùng một nơi, như các loại tâm kia, thức này biểu hiện ở một nơi khác. Khoảng cách không phải là trở ngại cho nhân trở thành quả. Đời sống là tiến trình luyến ái và thay đổi này đưa đến một trở thành mới. Luyến ái luôn luôn tiềm ẩn bên trong con người. Luyến ái đưa đến trở thành. Cái gì là nguyên nhân sanh ra luyến ái? Nơi nào có khát khao, nơi ấy có luyến ái. Chính khát vọng, ham muốn, ái dục, ý chí muốn sống, được gọi là Tanhà là nguyên nhân đưa đến trở thành. Cái nghiệp lực do Tanhà hay ai Dục tạo nên cũng giống như ngọn lửa. Ngọn lửa ấy luôn luôn bừng cháy và luôn luôn tìm nhiên liệu để cháy. Ngọn lửa ấy luôn luôn chạy theo những điều kiện mới để duy trì sự hiện hữu của mình. Đến khi thể xác này tan rã, năng lực, ái dục mà chưa được tiêu thụ ấy, nghiệp lực tích tụ còn lại ấy, tìm bám vào một nhiên liệu khác và tìm một nơi khác để duy trì sự hiện hữu của mình. Đó là tiến trình trôi chảy "bám viú", "trở thành", vô cùng tận mà ta gọi là đời sống. Bây giờ ta hãy quan sát cái sự vô lý của người lâm chung khi cái chết chấm dứt kiếp sống hiện tại để một kiếp sống mới bắt đầu, tức khắc sau đó. Sức khỏe của người sắp chết thực là mỏng manh, không đủ để tạo cho mình một tư tưởng đúng theo ý muốn. Người ấy không thể chọn lựa, không thể tự tạo cho mình loại tư tưởng mà mình muốn. Vì lẽ ấy, một vài ấn tượng mạnh mẽ mà trong kiếp sống hiện tại hay trong một kiếp quá khứ những diễn biến cảm kích đã gây nên, chen lấn để phát hiện trong tâm người sắp chết, không có cách gì cưỡng lại. Chập tư tưởng này có tên là Maranà Sannjanana, phát sanh liền trước chập cuối cùng - cutti citta - và có thể xếp vào một trong ba loại. Trước tiên, đó có thể là một ý nghĩ về hành động nào trong đời sống mà người sắp chết mạnh mẽ nhớ đến. Kế đó là một hành động đã cảm kích mạnh mẽ trong qúa khứ mà bây giờ người lâm chung nhớ lại xuyên qua một biểu tượng; như người kia lấy trộm tiền trong một hộc tủ, đến lúc lâm chung, có thể người ấy thấy hộc tủ. Thứ ba là một hành động cảm kích mạnh mẽ trong qúa khứ có thể được nhớ lại bằng một dấu hiệu hay một chỉ dẫn nào khác, chỉ thấy cảnh giới mà người sắp chết sẽ tái sinh vào. Thí dụ như người sát nhân thấy lửa địa ngục, người hiền lương đạo đức nghe tiếng nhạc thiều ca trổi tán thán cảnh đẹp thiên giới .v.v. Trường hợp này gọi là Gati Nimita, dấu hiệu của cảnh giới sắp đến. Ba loại "đối tượng của ý ", hay pháp ấy mà người chết không thể chọn lựa cho mình được gọi là dấu hiệu của sự chết. Mỗi loại trường hợp, rất mạnh và phát hiện rành mạch trong tâm của người sắp chết. Liền sau đó phát sanh chập tư tưởng cuối cùng; "tử tâm hay sát na tâm" chấm dứt một kiếp sống. Loại tư tưởng cuối cùng của đời người này thật vô cùng quan trọng vì chính nó tạo nên bản chất của kiếp sống tương lai, cũng giống như tư tưởng nào của ta mạnh nhất trước khi đi ngủ nghỉ sẽ phát hiện trở lại khi ta vừa tỉnh giấc. Không có năng lực ngoại lai nào tạo nên điều ấy cho ta một cách độc đoán. Chính ta tự tạo cho ta, một cách tự nhiên, vô ý thức. Hành động tốt hay xấu trog đời tạo điều kiện cho chập tư tưởng cuối cùng phát sanh là hành động vô cùng quan trọng. Nghiệp tạo nên do hành động ấy gọi là Garuka Kamma, "Trọng Nghiệp". Trong phần lớn các trường hợp, chính hành động nào ta thường làm sẽ trở lại lúc ta lâm chung. Những tư tưởng thường lập đi lập lại trong đời sẽ trở nên mạnh mẽ lúc ta lâm chung. Nghiệp ấy gọi "Thường Nghiệp"

Trong các xứ Phật giáo, người ta thường tạo cơ hội cho người sắp chết dâng vải may y đến chư Tăng hoặc người ta tụ hội lại tụng kinh bên giường người bệnh. Tinh thần của những hành động ấy là giúp cho người lâm chung tự tạo cho mình chập tư tưởng cuối cùng, theo cận nghiệp (asanna kamma); nhưng nếu năng lực của thói quen quá nặng thì dầu chính vị sư giới đức trong sạch nhất, tụng những thời kinh linh nghiệm nhất cũng không thể ngăn cản ý nghĩ mạnh mẽ ấy bỗng nhiên phát hiện trở lại trong tâm người lâm chung.

Trường hợp ngược lại cũng có thể xảy ra. Nếu vài hành động và tư tưởng cuối cùng của người sắp chết thật là xấu, mặc dù trong lúc bình thường khỏe mạnh, người ấy hiền lương đạo đức, thì chính nghiệp xấu tạo nên vào phút cuối cùng này đủ mạnh để ngăn cản Thường nghiệp phát sanh. Như trường hợp Hoàng Hậu Malika của Vua Pasenadi xứ Kosala. Trãi qua suốt kiếp sống, bà đã tạo rất nhiều nghiệp tốt, nhưng bất hạnh thay vào giờ phút lâm chung, tư tưởng liên quan đến một hành động bất thiện bỗng nhiên phát hiện trong tâm bà; vì lẽ ấy, bà phải tái sanh vào cảnh khốn cùng, nhưng chỉ trong 7 ngày mà thôi và hậu quả của những nghiệp tốt mà bà đã tạo trong kiếp sống không mất mà chỉ tạm thời bị ngưng lại bắt đầu trổ qủa lành giúp bà được giải thoát.

Còn một loại nghiệp thứ tư có thể làm nguyên nhân cho chập tư tưởng cuối cùng phát sanh. Loại nghiệp này trổ sanh khi không có ba loại nghiệp trước. Trong trường hợp này, một trong số những nghiệp tích trữ có thể chen lấn và phát hiện vào đúng lúc. Đây là Kattata Kamma "Nghiệp Tích Trữ"; khi tư tưởng cuối cùng phát sanh, một loạt những chập tư tưởng cũng theo dính liền. Tiến trình tâm cuối cùng này được gọi là Maranasanna Janana. Tiến trình tâm này cũng diễn tiến giống như các tiến trình khác trong đời sống, nhưng thay vì có 7 chập janana như thông thường, ở đây chỉ có 5. Trong giai đoạn này, người sắp chết hiểu biết hoàn toàn dấu hiệu lâm chung. Kế đó, đến giai đoạn tâm ghi nhận (tadalambana- đăng ký), trong lúc này dấu hiệu lâm chung được nhận diện. Tâm này được khởi phát trong 2 chập và diệt. Sau đó là Tử Tâm (cuti citta). Cái chết bắt đầu khi tâm này chấm dứt. Đó là cái gì xảy ra trong kiếp sống hiện tại.

Bây giờ ta hãy xem cái gì xảy ra trong kiếp sống kế tiếp đó. Lúc bấy giờ những điều kiện sơ khởi đã được chuẩn bị và sẵn sàng đón nhận một chúng sanh mới. Có mầm mống của một người cha và một người mẹ. Như đã giải thích phần trên, bây giờ phải có một yếu tố thứ ba, yếu tố tâm linh, để hợp đủ tam nguyên, ba điều kiện cần thiết để một thai bào có sự sống phát khởi. Yếu tố thứ ba ấy là Thức-Nối-Liền (Patisandhi Vinnàna) phát sanh trong kiếp sống kế đó, vào một nơi thích nghi ở tử cung bà mẹ. Đời sống phát sanh trong lòng mẹ khi cả ba điều kiện này tiếp giáp nhau. Không có một khoảng thời gian trống, không có sự ngưng trệ của giòng tâm bất tận. Tức khắc sau khi Tử Tâm của người lâm chung chấm dứt, Thức Tái Sanh liền khởi phát trong một kiếp sinh tồn khác. Không có gì di chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống kế đó; chí đến chập tư tưởng cuối cùng cũng không di chuyển, mà chỉ tạo điều kiện cho một trạng thái tiêu cực gọi là Bhananga. Vào lúc sanh - đánh dấu một kiếp sống riêng biệt- do sự tiếp xúc với thế gian bên ngoài bhananga mở đường cho tâm thức (lộ trình tâm). Từ lúc sanh trở đi, lại có sự hoạt động trở lại do lòng ham muốn thúc đẩy, dưới hình thức này hay khác. Như vậy, luồng sống diễn tiến do lòng ham muốn thúc đẩy và do lòng ham muốn tạo nguyên nhân.

Bây giờ, có sự liên hệ nào giữa sự hiểu biết định luật pháp Phát Sanh Do Điều Kiện và thái độ của ta trước cái chết? Chúng ta thông suốt thấu đáo rằng chính y Chí Muốn Sống tác hành từ kiếp này sang kiếp khác; chúng ta có thể lãnh hội rõ ràng hơn rằng kiếp này và kiếp kế đó chỉ nằm trong một luồng trôi chảy liên tục của đời sống; và kiếp sống sau đó cũng dường thế ấy. Người đã nhận thức rằng đời sống chỉ là một diễn tiến liên tục, không hơn không kém, thì không còn lý do nào để âu sầu, lúc chết cũng như khi còn sống. Sanh và Tử là những giai đoạn của một tiến trình duy nhất - tiến trình của sự cố bám, tiến trình hậu quả của y Chí Muốn Sống. Cái Chết chỉ là một đổi thay của sự vật mà ta bám vào. Người đã thông hiểu định luật Phát Sanh Do Điều Kiện sẽ nhận thức rằng chính Sanh đưa đến Tử, và chính Tử đưa đến Sanh trở lại, trong vòng luân hồi dài đăng đẳng. Người hiểu biết như thế ấy không còn bị viễn ảnh của cái chết làm xáo trộn. Sự lãnh hội minh mẫn về định luật Phát Sanh Do Điều Kiện sẽ soi tỏ tầm quan trọng của một cuộc sống tốt đẹp hơn nữa. Đó là cái chết dưới mắt của người đã thông tỏ định luật. Nó hoàn toàn tùy thuộc nơi khía cạnh nào mà ta nhìn đời sống. Thí dụ như nhà kia chỉ có một cái cổng, đó là cổng ra hay cổng vào. Đối với người đứng ngoài ngõ đó là cổng vào. Người trong nhà trái lại, xem đó là cổng ra, nhưng đối với cả hai, đó chỉ là một cái cổng được nhìn từ hai vị trí khác nhau như Dakke viết: "Chết chỉ là một cái nhìn trở lại vào đời sống và Sanh chỉ là cái nhìn tiến tới sự chết."

Trong thực tế, Sanh và Tử chỉ là những giai đoạn khác nhau của một tiến trình cố bám không gián đoạn. Chết là sự ra đi, đối với những ai mà người chết bỏ lại phía sau, mà chết cũng là sự bước vào đối với thân nhân của những gia đình mới mà người chết tái sanh vào. Tùy theo phương cách mà ta nhìn, nó là chết hay là sanh. Quán sát nó như một tiến trình chết ắt chúng ta không thể ở trong vị trí để nhìn nó như một tiến trình sanh; và nếu chúng ta nhìn nó như một tiến trình sanh, ắt chúng ta không thể quán sát nó như một tiến trình chết. Như vậy, chúng ta không thể phối hợp hai diễn biến Sanh và Tử trong tâm như dính liền trong một tiến trình. Vì lẽ chúng ta không thể nhận thấy rõ ràng sự mật thiết dính liền giữa hai diễn biến; sự phối hợp Sanh với Tử và Tử với Sanh, cho nên ta bị dắt dẫn đến ảo ảnh, hay ít ra, đến tham vọng có thể được cái này (Sanh) mà không có cái kia (Tử). Chúng ta muốn sanh mà không muốn tử. Đó là điều không thể có được. Bám vào đời sống tức là bám vào cái chết. Điều nổi bật trong đời sống là cố bám, đeo níu, và hậu quả hợp lý của sự cố bám là cái chết theo định luật Phát Sanh Do Điều Kiện. Nếu ta muốn tránh chết, ta phải tránh sống, ta phải áp dụng định luật Phát Sanh Do Điều Kiện theo chiều ngược, và điều này chỉ có thể thực hiện được nếu ta từ bỏ ý muốn cố bám, ý muốn đeo niú. Đừng nên luyến ái đời sống. Nếu chúng ta lầm lạc luyến ái những sự vật của đời sống, ta có thể hưởng được hạnh phúc trong thời gian ngắn; nhưng rồi, những sự vật mà ta luyến ái và bám víu vào sẽ hư hoại và biến tan - và chắc chắn nó phải hư hoại và biến tan - đúng theo định luật Vô Thường rất hùng mạnh, tác thành phối hợp với định luật rất hùng mạnh khác là định luật Phát Sanh Do Điều Kiện - và đến chừng ấy, chính những gì đem lại hạnh phúc sẽ trở thành nguyên nhân tạo sầu muộn. Trong niềm thất vọng sâu xa và trong sự chán chường ghê tởm, ta sẽ nhận thấy rằng những nguồn lạc thú trần gian chỉ là nguồn sầu muộn. Ta sẽ đồng ý với một nhà thơ vô danh: "Những ngọt bùi của thế gian chỉ là những cay đắng trá hình." Thú vui luyến ái càng lớn lao, nỗi sầu muộn khi phải dứt bỏ càng to tát. Đó có phải là đau khổ chăng? Điều này có làm cho ta đau khổ và chán chường không? -- Ngày hôm nay phấn khởi chạy theo một bóng ma, qua hôm sau từ bỏ cuộc rượt bắt với lòng ghê tởm lạ thường. Hôm trước hứng chí bao nhiêu, qua hôm sau thất vọng bấy nhiêu. Bao lâu nữa, chúng ta còn cho phép lục căn và lòng tự ái của chúng ta đùa giỡn và nhồi chúng ta lên xuống như một quả bóng, bằng thế này hay thế khác? Nếu ta đi xuyên qua cuộc sống mà không luyến ái, không bám víu, có phải là hứng thú hơn bao nhiêu, hãnh diện hơn bao nhiêu, chu toàn hơn bao nhiêu và sáng suốt hơn bao nhiêu không? Nếu có điều bất hạnh đến với ta, nó sẽ đến. Nếu đau ốm đến với ta, nó sẽ đến. Chúng ta không thể thay đổi kiếp diễn biến của sinh tồn; nhưng chắc chắn chúng ta có thể thay đổi thái độ của mình đối với chúng. — đây định luật Vô Thường và định luật Phát Sanh Do Điều Kiện hổ trợ chúng ta. Sợ hãi và sầu muộn sẽ trở thành hy vọng và thỏa thích. Đối với người có một đời sống an lành, nhìn đời với tâm bình thản, cái chết không còn là một sợ hãi, một kinh hoàng. Hoan hỷ và không lo sợ, người ấy có thể đối diện với hiện tượng chết một cách mạnh dạn và bình tĩnh.

Bây giờ ta hãy xét qua trường hợp của hai nhân vật đã bị sầu muộn tràn ngập vì cái chết của người thân.

Trước tiên là trường hợp của Pantacarà; chồng bà chết vì rắn cắn. Trên đường về quê, bà quá đuối sức để có thể đem 2 con - một mới sanh và một lên một tuổi - băng qua sông. Bà để bé lớn lại bờ này, cố gắng lội nước bồng trẻ sơ sanh qua bên kia. Lên bờ, bà đặt trẻ xuống đất rồi trở lại đem anh nó qua. Lúc bà ra giữa dòng, một con ó từ không trung sà đáp xuống xớt bé mới sinh mang đi mà nó ngỡ là miếng thịt. Thấy vậy, bà hớt hãi quơ tay la um xùm để đuổi con chim. Bên kia, trẻ lên một tưởng mẹ kêu vội vã chạy đến phía bà, liền bị dòng nước cuốn phăng đi và chìm mất. Còn lại trơ trọi một mình, Pantacarà vừa khóc vừa than, vừa tiếp tục về quê nhà như đã định cùng đi với chồng và hai con mà nay cái chết đã cướp mất người trước kẻ sau. Tình cờ có người làng từ xa đi lại, bà hỏi thăm thì lại hay vừa rồi cơn bão đã làm sập nhà cửa, cha mẹ và anh bà đều chết vì tai nạn đó. Người đồng hương đưa tay chỉ làn khói xa tận chân trời kia, và cho biết đấy là hỏa táng 3 nạn nhân xấu số ấy. Bà thất vọng, tinh thần suy sụp đến độ không còn biết gì nữa. Bà chạy như điên, áo quần tơi tả và rơi mất mà bà chẳng hay. Cái chết đã lan dần tâm não, chua xót, buốt đau. Được khuyên nên đi tìm Đức Phật, bà vội vã đến và đãnh lễ Ngài. Khi nghe bà trình bày thảm cảnh của mình, Đức Phật bảo: " Này Pantacarà, chớ nên phiền muộn. Đây không phải là lần đầu tiên mà con khóc cái chết của một người chồng, đây không phải là lần đầu tiên con khóc cái chết của con con, của cha, của mẹ, của anh . Cũng như hôm nay, xuyên qua những kiếp sinh tồn của vòng luân hồi, đã có vô số lần con khóc cái chết của những người chồng, những người con, vô số lần con khóc cái chết của những bậc cha mẹ và anh. Nước mắt con đã rơi còn nhiều hơn là nước trong bốn biển." Khi Đức Phật nói những lời an ủi đầy trí tuệ như vậy, Pantacarà dần dần suy giảm cơn đau, cuối cùng, khi Ngài giảng xong, bà đã đắc quả Tu Đà Hoàn.

Cái gì đã làm tan nỗi sầu của Pantacarà? Đó là sự nhận thức sâu sắc tánh cách phổ thông của cái chết. Bà ta đã nhận thức rằng, bà đã sống qua vô số những kiếp sống, bà đã xa lìa mất mát những người thân kẻ yêu vô số lần và chết chỉ là cái gì phải trở đi trở lại luôn luôn, cái gì đã lập đi lập lại với bà bao nhiêu lần trong quá khứ.

Trường hợp thứ hai là bà Kisàgotami. Bà Kisàgotami đã lãnh hội được điều này nhờ nghĩ đến cái chết xảy ra cho vô số người xung quanh. Khi đứa con yêu qúi nhất của bà chết đi, không để cho ai hỏa táng, bà ôm con vào lòng đi tìm cách cứu sống. Bà nghe lời hướng dẫn đi đến Đức Phật, Ngài bảo bà đi xin một ít hạt cải trắng ở nhà nào không có người chết. Hạt cải thì có mà không có nhà nào mà không có người chết. Bà đi cùng khắp, tiếng "chết" được lập đi lập lại khắp nơi, bấy giờ bà mới nhận ra tánh cách phổ cập của nó, bà bèn trở về bạch Phật: "Bạch Đức Thế Tôn, trước kia con ngỡ rằng chỉ có mình con đau khổ vì mất người thân, nay con hiểu rằng ai cũng có lần đau khổ như con, và số người chết còn cao hơn số người đang sống nhiều. " Sau khi nghe Đức Phật giảng dạy, bà chứng sơ quả.

Ta hãy so sánh 2 trường hợp trên với trường hợp của ông Bàng Long Uẩn. Ông làm nghề nông nhưng đã quán triệt cái chết đến mức tòan hảo. Ông luôn luôn suy niệm: " Cái chết có thể đến với ta bất luận lúc nào". Ông lại hướng dẫn cả gia đình có thói quen suy niệm như vậy. Ngày kia, người con trai đang cày ruộng với ông bị rắn cắn chết. Ông ẳm thi hài đứa con đến để dưới gốc cây, đắp lại, rồi tiếp tục công việc. Khi gặp người quen đi qua, ông nhắn về nhà bảo trưa ấy chỉ đem một phần cơm và nhang đèn hoa quả. Trong nhà ngầm hiểu, đem ra các thứ cần dùng rồi cùng nhau lo hỏa táng người thân. Trời Đế Thích thấy vậy, bèn hóa dạng người bộ hành đến hỏi, có phải là mọi người đang thui nướng một con gì phải không? Được trả lời không phải, gia đình đang hỏa táng đứa con. Đế Thích hỏi:

_ Chắc đây là đứa con ngỗ nghịch?

_ Không phải đâu. Đây là đứa con rất yêu qúi của chúng tôi.

_ Tại sao không thấy ai khóc cả?

Người cha đáp:

_ Con người rời bỏ cái vỏ mong manh này khi đời sống trôi qua; cũng như con rắn thường làm, nó lột da cũ bỏ đi. Không có lời ta thán nào làm động lòng đống tro tàn của người qúa cố. Vậy tại sao tôi phải âu sầu phiền muộn? Con tôi nó đã hoàn tất đoạn đường mà nó phải trãi qua.

Bà mẹ nói:

_ Không ai mời mọc, nó đến cũng không ai đuổi xô, nó vội ra đi. Đến như thế nào, nó đi như thế ấy. — đây cái gì làm cho ta phải buồn thảm. Không có lời ta thán nào làm động lòng đống tro tàn của người qúa cố. Vậy tại sao tôi phải phiền muộn? Con tôi nó đã hoàn tất đoạn đường mà nó phải trãi qua.

Em gái cũng nói:

_ Dầu tôi có nhịn ăn và khóc than cả ngày, điều đó có đem lại cho tôi lợi ích nào không? Than ôi, nó chỉ làm cho thân bằng quyến thuộc tôi càng thêm bất hạnh. Không có lời ta thán nào làm động lòng đến người qúa cố. Vậy tại sao tôi phải ưu sầu phiền muộn? nh tôi đã hòan tất đoạn đường mà anh tôi phải trãi qua.

Người vợ đáp:

_ Cũng giống như trẻ con, khóc và đòi chụp lấy cho được mặt trăng trên trời, cũng thế ấy, con người than khóc cái chết của người thân kẻ yêu. Không có lời ta thán nào làm động lòng đống tro tàn của người qúa cố. Vậy tại sao tôi phải ưu sầu phiền muộn? Chồng tôi đã hoàn tất đoạn đường mà anh ấy phải trãi qua.

Người giúp việc đáp:

_ Một cái lọ đã bể, ai có thể ráp lại như cũ? Than khóc chỉ hoài công. Không có lời ta thán nào làm động lòng đống tro tàn của người qúa cố. Vậy tại sao tôi phải ưu sầu phiền muộn? Chủ tôi đã hoàn tất đoạn đường mà ông ấy phải trãi qua.

Câu chuyện gia đình Bàng Long Uẩn thực sự khó người nào sánh kịp; tuy nhiên đó là một trợ duyên giúp chúng ta phải cố công suy tầm và triệt để quán chiếu tánh cách Vô Thường của vạn vật và nhân sinh qua cái Chết để không bị nó chi phối qúa mãnh liệt khiến phải chiụ đau khổ luân hồi để từ đó chúng ta sẽ thong dong bước vào lộ trình Sanh Tử.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/12/2017(Xem: 7247)
Cái Chết Không Phải Là Sự Chấm Dứt. Tác giả: Tulku Thondup Rinpoche , TT Thích Nguyên Tạng dịch
21/11/2017(Xem: 10539)
Đọc dịch phẩm”Thiền học về sống và chết” của Thiền Sư Philip Kapleau Do Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển và Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng dịch từ Anh Văn sang Việt ngữ. Thích Chúc Hiếu
15/11/2017(Xem: 6143)
Chuyển Hóa Tương Lai của đời mình - Tulku Thondup Rinpoche - Thích Nguyên Tạng dịch
01/11/2017(Xem: 6595)
Thiền Quán về Sống và Chết, Đại Sư Philip Kapleau Việt dịch: TT. Thích Nguyên Tạng
26/10/2017(Xem: 7151)
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã mở đầu bài thơ Nguyện Cầu (1) bằng câu hỏi ấy. Hỏi mà không hỏi; vì trong câu hỏi đã hàm ý trả lời: ta đi không để lại gì. Vì sao? – Vì núi sông còn lở, còn bồi, thì một thân bé nhỏ nầy có chi bền chắc mà lưu lại với đời. “Ta còn để lại gì không? Kìa non đá lở, này sông cát bồi.”
24/10/2017(Xem: 6283)
Cái Chết không phải là sự chấm dứt, Nguyên tác:Tulku Thondup , Thích Nguyên Tạng dịch, Đối với mọi người nói chung thì lúc chết là khoảng thời gian quan trọng nhất. Dù là người Đông Phương hay là người Tây Phương, dù là Phật tử hay tín đồ của một tôn giáo nào khác, dù là người có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, người ta cũng đều giống nhau ở điểm này. Khi thần thức rời khỏi thể xác vốn thường được quý trọng của mình, thì đó là khúc quanh quan trọng nhất của đời người, vì cái chết sẽ đưa người ta đi tới một cõi giới bí ẩn.
15/10/2017(Xem: 5293)
Đối Diện Với Cái Chết - Đại Sư Philip Kapleau Việt dịch: TT. Thích Nguyên Tạng
07/10/2017(Xem: 5571)
Đức Đạt Lai Lạt Ma hôm qua (3-10) trong khi cầu nguyện và chia buồn với các nạn nhân bị bắn chết ở thành phố Las Vegas (tiểu bang Nevada) của Hoa Kỳ, cho biết đó là một bi kịch không thể tưởng tượng được do thiếu sự tôn trọng đối với mạng sống và lòng trắc ẩn đối với đồng loại.
27/06/2017(Xem: 6413)
Khoảng 2.500 thành viên gia đình, bạn bè và người dân bang Ohio đã đến cầu nguyện trong đám tang Otto Warmbier, sinh viên Mỹ tử vong sau khi bị hôn mê trong nhà tù ở Triều Tiên. Hàng ngàn người tham dự đã xếp thành 2 hàng khi quan tài của Otto được đưa vào Trường Trung học Wyoming làm lễ tang. Đây là ngôi trường học cũ của Otto Warmbier hồi trung học.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]