Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Chu kỳ tan rã thứ nhất: nhóm có liên quan với sắc uẩn

20/02/201115:46(Xem: 3945)
1. Chu kỳ tan rã thứ nhất: nhóm có liên quan với sắc uẩn

PHÙ TRỢ NGƯỜI LÂM CHUNG
Đại sư Dagpo Rinpoche
Diệu Hạnh Giao Trinh Việt dịch- Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
Nhà xuất bản Thời Đại

PHẦN I. NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ THỜI ĐIỂM LÂM CHUNG

Tiến trình của hiện tượng chết

1. Chu kỳ tan rã thứ nhất: nhóm có liên quan với sắc uẩn

Giai đoạn đầu tiên của tiến trình sự chết được đánh dấu bởi sự ngưng hoạt động của năm thành phần có liên quan với nhau: sắc uẩn, đại viên cảnh trí “căn bản”, địa đại, thị giác và các sắc tướng thuộc về dòng tương tục của đương sự.

Khi năm phần này cùng lúc mất đi hiệu lực của mình thì sự yếu đi của chúng được biểu lộ bằng hai loại dấu hiệu, dấu hiệu bên trong và dấu hiệu bên ngoài. Nếu chúng ta đến để phù trợ và tiễn đưa người sắp chết thì điều mà chúng ta phải nhận biết là các dấu hiệu bên ngoài, vì dấu hiệu bên trong thì chỉ có người đang trải qua tiến trình chết mới thể nghiệm được mà thôi. Nhưng biết được những dấu hiệu tuần tự bên trong này cũng không phải là dư thừa. Tuy biết như thế không giúp ích được người khác một cách trực tiếp thật đấy, nhưng đừng quên là chúng ta rồi cũng sẽ phải chết. Lúc ấy, dĩ nhiên là nếu có chuẩn bị thì khả năng nhận biết các dấu hiệu bên trong sẽ cho phép chúng ta ý thức được những gì mình đang trải qua và chủ động lợi dụng thay vì phải thụ động chịu đựng tình thế.

Sắc uẩn:

Quý vị hẳn cũng nhớ sắc uẩn có nghĩa là thân xác, nói một cách tổng quát. Tên gọi hơi phức tạp này có điểm lợi là nó nhấn mạnh đối tượng như một hợp thể kết cấu bởi nhiều thành phần. Ngoài các đường nét bên ngoài của thân hình, thân còn bao gồm tất cả các cơ quan nội tạng, bắp thịt v.v... dưới làn da, và cho dầu không thấy được nhưng những thứ này vẫn có đó. Hơn nữa, sắc uẩn còn bao gồm một hệ thống kinh mạch và các khí (hay các năng lượng, nếu quý vị thích từ này hơn) luân lưu bên trong. Đó là những yếu tố vi tế hơn các yếu tố thô vốn được gọi là “sinh lý” trong ngôn ngữ thông thường, nhưng [thật ra] chúng thuộc về sắc pháp. Ở đây, khi nói về sắc uẩn thì danh từ này chỉ hàm ý duy nhất là thân xác, tức thân thể chúng ta.

Quý vị có đồng ý không? Điều này áp dụng cho tất cả mọi người, chúng ta là người, tức là những sinh vật, có một xác thân và thịt xương tạo nên thân của chúng ta. Điều này cũng áp dụng cho thú vật nữa. Có gì khác biệt giữa thịt của một người và thịt của con vật mà ta dùng để ăn? Sự khác biệt đó là hiện thời ta vẫn còn sống. Khi chúng ta còn sống thì phần xương thịt, tức là phần chính yếu của thân chúng ta được tiêm nhiễm, được duy trì nhờ vào nhiều loại khí khác nhau. Hơn nữa, trong đó một số có công năng duy trì sự sống. Ngược lại, trong xương thịt của một xác chết thì không còn luồng khí nào hoạt động nữa. Các khí đã tan rã, biến mất. Xương thịt ấy không còn thuộc về dòng tương tục của một con người, một sinh thể nữa.

Giản dị hơn nữa, hãy tưởng tượng chúng ta bị mổ xẻ, bị lấy ra một bắp thịt hay bị cưa tay hay chân, xương và thịt. Cái đang là một phần thân thể chúng ta nay bị tách rời ra. Trong trường hợp này, các khí vi tế đang luân chuyển trước khi tay hay chân bị cưa, nay không vào trong ấy được nữa vì các kinh mạch đã bị đứt đoạn. Vì các khí không còn có mặt trong bắp thịt hay phần tay, chân đã bị cưa ấy, nên những hoạt động tâm thức nội tại của chúng ta cũng bị đình chỉ. Từ nay, chân trái [bị cưa đứt] của ta chẳng hạn, sẽ thuộc phạm vi của các hiện tượng vật chất vô tình. Nó không còn [tính chất] gì của một sinh thể hữu tình nữa. Nó không còn là bộ phận của một sinh vật nữa. Nó không còn thuộc về dòng tương tục của một con người nữa.

Đó là cách mà chúng ta có thể phân biệt giữa một sinh thể và một vô sinh thể, giữa hữu tình và vô tình. Ở đây, chúng ta định nghĩa một hiện tượng là sinh thể hay hữu tình khi các khí chống đỡ cho tâm thức còn luân lưu trong người họ. Nếu không, hiện tượng này phải được xếp vào thành phần vô tình.

Vì chúng ta đang đề cập đến hiện tượng vật chất mà Tây Tạng gọi là rlung (Phạn ngữ: vayu), xin lưu ý là chưa có một sự thỏa thuận chung nào để dịch chữ này. Khi quý vị đọc chữ “khí” hay “phong” (gió) trong một tác phẩm [liên quan nào đó], thì hãy nhớ đó là chữ rlung trong tiếng Tây Tạng. Đây là một hiện tượng vật chất nên tất nhiên phải là một pháp duyên sinh được tạo tác. Đừng nghĩ rằng đó là một cái gì đặc biệt riêng rẽ. Đó là một loại hiện tượng tầm thường, do năm đại tạo nên, tức là đất, nước, lửa, gió và hư không.

Nhìn tổng quát thì sắc pháp không phải là một hiện tượng đơn thuần, hiển hiện một cách hoàn toàn thuần chất. Vả lại, chọn dùng chữ “uẩn” có mục đích vạch rõ là ta đang nói đến một hợp thể có nhiều thành phần, kết quả của năm đại liên kết với giới (Phạn: dhtu Tây Tạng: khams). Có lẽ điều này rất hiển nhiên, ai cũng biết, nhưng thỉnh thoảng cũng nên nhắc lại để mọi người ý thức được rõ ràng.

Chúng ta có thể hỏi: tại sao lại làm rắc rối vấn đề như thế, dường như chỉ vì muốn rắc rối cho vui thôi, vì dùng chữ “sắc” cũng là đủ lắm rồi. Tại sao lại dùng chữ dài dòng và tối nghĩa như sắc uẩn làm gì?

Thật ra, sắc hay sắc uẩn cũng đồng nghĩa, và ta có thể dùng chữ nào cũng được. Nhưng chữ sắc uẩn dài hơn mà đức Phật thường chọn dùng là để nhấn mạnh một sự thật, tuy hiển nhiên nhưng thường bị quên lãng.

Nếu suy nghĩ một chút thì ai cũng có thể đồng ý rằng “thân của ta”, “sắc của ta” là một hợp thể, do một số thành phần khác nhau phối hợp theo một số quy luật đặc biệt để tạo thành. Tuy nhiên, dầu đó là sự thật, nhưng những lúc bình thường không phân tích tư duy thì không biết chúng ta nhận thức thế nào mà khi nhìn hay nghĩ đến một sắc tướng thì trong trí ta lại hiện ra, không phải một hợp thể cấu tạo bằng nhiều thành phần khác nhau, mà một thực thể đơn thuần, có vẻ như do tự nó tạo lập ra, không tùy thuộc vào bất cứ gì khác!

Thật ra, để có một sắc tướng [nào đó], bắt buộc phải có một số thành phần khác biệt được sắp xếp theo một phương trình chính xác. Chỉ cần một thành phần vắng mặt là cái sắc tướng nói trên sẽ không thể hiện hữu. Đây là sự thật.

Vấn đề là chúng ta không hề nhận thấy sự vật [theo cách đúng] như thế. Cái sắc tướng hiện ra trong trí chúng ta cho ta thấy đó là một thực thể độc lập [tự tồn], xuất hiện bằng chính khả năng của nó, hoàn toàn tự chủ. Nếu chỉ hiện ra trong trí chúng ta dưới dạng ấy cũng chẳng lấy gì làm nguy hại. Vấn đề là chúng ta lại tin tưởng vào cái tướng bề ngoài ấy. Thế là chúng ta nắm lấy sự việc dưới khía cạnh ấy, tức là thấy chúng tự sinh ra và tự tồn tại. Nói cách khác, vì các sắc tướng hiển hiện trong tâm ta một cách tự nhiên như thể chúng không tùy thuộc vào gì khác ngoài chính mình, ta sẽ chấp lấy chúng y như thế và tin rằng đó là sự thật. Sự lầm lạc của ta nằm ngay chỗ này, một sự lầm lạc với nhiều hậu quả nặng nề vì nhận thức sai lầm ấy chính là cái gọi là chấp thật (Tây Tạng: bden par dzin pa), chấp có tự tánh [tự hữu], chấp hiện hữu độc lập (bdag dzin), và đó là căn bản, là gốc rễ của cõi Ta-bà đối với chúng ta. Nhận thức sai lầm này đã níu giữ chúng ta lại trong vòng luân hồi sinh tử giữa các thế giới hữu vi, trong đó chúng ta vẫn còn và sẽ tiếp tục chịu khổ đau.

Do đó, muốn chấm dứt vòng luân hồi sinh tử thì trước hết phải chấm dứt các vọng tưởng theo thói quen. Vì để phá bỏ những nhận thức sai lầm của ta về chính mình nên đức Phật đã chọn dùng từ ngữ như trên. Khi nói với chúng ta về sắc uẩn thay vì chỉ nói sắc hay thân mà thôi, Ngài muốn lôi kéo sự chú ý của chúng ta: Phải, sắc thân có đó, nhưng sắc này không phải là một cái gì được thành lập như quý vị vẫn nghĩ và vẫn tin tưởng. Đó là một uẩn, nghĩa là cái mà quý vị vẫn thấy dưới dạng một sắc thân chính là kết quả của một hợp thể gồm nhiều thành phần hội tụ với nhau.

Như vậy, nguồn gốc của cõi Ta-bà hay các thế giới tạo tác mà chúng ta vẫn còn đang thể nghiệm chính là nhận thức [sai lầm] của ta mà Phật giáo gọi là chấp ngã, hay chấp tuyệt đối. Đối với những ai không biết nhiều về Phật giáo, tôi thừa nhận là các khái niệm này hơi mơ hồ. Điều này cũng tự nhiên thôi. Cái mà chúng ta cần nhớ là, cách nhận thức bình thường của chúng ta làm cho ta vô tình luôn sống trong vọng tưởng, nghĩa là thấy biết các hiện tượng một cách sai lầm. Trong khi vật thể ta đang nhìn chỉ là một hiện tượng duyên sinh thì hình tướng trong trí chúng ta lại hiển hiện như một cái gì tuyệt đối, ngoài nhân duyên mà có!

Các hiện tượng có mặt thật đấy, nhưng sự có mặt của chúng cần có sự kết hợp của các nhân duyên, vì thế nên mới gọi là kết quả của duyên sinh. Nhưng ta không hề nhận biết điều này ngay, ngược lại là khác. Vì cái hình tướng trong trí ta hoàn toàn tương phản với cách phát sinh [thật sự] của vạn hữu, tất nhiên là nhận thức của ta về hình tướng này sẽ hoàn toàn có tính cách lừa dối.

Khi phân tích các hiện tượng, nhất là các hiện tượng thuộc sắc tướng, Phật giáo đã tìm cách đi từ bình diện thô nhất đến bình diện vi tế nhất. Đi từ các hình tướng thô (tức là có thể nhận thấy bằng mắt), Phật giáo thấy rằng các hình tướng này được kết hợp bởi các thành phần, và các thành phần này được kết hợp bởi các nguyên tử. Cứ tiếp tục phân tích thì sẽ đến các phần tử [nhỏ hơn] hay vi trần, rồi cực vi trần.

Các triết gia Phật giáo đã tranh luận nhiều về các phần tử hay vi trần này. Họ tự hỏi, các vi trần nhỏ nhất tìm ra được có phương hướng hay không, v.v... Cho dù bất đồng ý kiến trên vài điểm, nhưng họ hoàn toàn đồng ý với nhau rằng ngay cả các cực vi trần cũng do năm đại tạo thành, nghĩa là vẫn còn có thể được phân ly, chia chẻ ra.

Các triết gia Phật giáo đã lý luận như thế nào? Bằng cách phân tích, họ đi tìm vi trần nào nhỏ nhất có thể hiện hữu. Khi tìm được một cực vi trần, họ nhận ra rằng không thể tìm ra [hình thức] nhỏ hơn. Họ bèn tìm cách cô lập cực vi trần ấy rồi để nó trước mặt. Họ lặp lại thao tác ấy bốn lần nữa, cho đến khi cô lập được bốn cực vi trần khác cùng loại. Sau đó, họ sắp xếp bốn cực vi trần mới này xung quanh cái đầu tiên. Theo lý thuyết, lúc này họ có một cực vi trần ở giữa cùng với một ở hướng nam, một ở hướng đông, một ở hướng bắc và một ở hướng tây. Rồi họ sẽ đi đến kết luận nào?

Cực vi trần ở phía đông có xúc chạm với cực vi trần ở phía tây hay không? Nếu đưa ra giả thuyết rằng trong mạn đồ này, cực vi trần phía tây có thể xúc chạm với cực vi trần phía đông, và kết quả là vừa đặt cái này bên cạnh cái kia, các cực vi trần sẽ hợp nhất với nhau, thì sẽ đi đến kết luận không thể chấp nhận là không còn nhiều cực vi trần khác biệt được đặt cạnh nhau nữa, mà chỉ còn mỗi một vi trần duy nhất.

Vì giả thuyết trên dẫn đến những ngụ ý vô lý như có đặt bao nhiêu cực vi trần bên cạnh nhau cuối cùng ta vẫn chỉ còn lại có mỗi một vi trần, nên chúng ta có thể suy luận ra rằng khi một cực vi trần được đặt gần những cực vi trần khác, chúng sẽ ở cạnh nhau riêng rẽ chứ không thể hợp làm một với nhau. Mỗi cực vi trần hiển bày nhiều phương hướng, vì thế chúng vẫn còn chia chẻ được. Cho nên, tuy là cực vi nhưng chúng vẫn là một hợp thể.

Đó là quá trình phân tích của các triết gia Phật giáo để đi đến kết luận là một cực vi trần phải là một hiện tượng duyên sinh vì nó là một phần tử hiển bày nhiều phương hướng, hay là phương phần. Để hiện hữu, nó phải tùy thuộc vào các thành phần của nó. Nhận định như thế rồi, các triết gia nói trên suy ra rằng sẽ không bao giờ tìm thấy một cực vi trần nào nhỏ đến mức không thể chia chẻ được.

Dầu sao đi nữa, họ còn nói thêm, nếu có ai nói ngược lại những suy nghiệm của họ và xác định rằng đã tìm ra một cực vi trần không thể chia chẻ được, thì cực vi trần được cho là không chia chẻ được này vẫn là một pháp duyên sinh, vì không bao giờ nó có thể là một thực thể độc lập và đứng ngoài nhân duyên. Vì sao? Vì giả định rằng đó là một cực vi trần không phương phần, nó vẫn phải cần một sự nhận thức rằng nó là một cực vi trần không phương phần và vẫn phải có một tên gọi. Vậy thì một cực vi trần không phương phần vẫn tùy thuộc vào một “năng chấp” (người nhận thức) và một cái “danh” (tên gọi).

Kết luận của những chứng minh trên là tất cả các sự vật hiện hữu nói chung, và nhất là tất cả các sắc tướng đều là có, không thể chối cãi được, nhưng lại do nhân duyên mà có. Chúng bắt buộc phải tùy thuộc vào các sự vật hiện hữu khác làm nhân hay làm duyên cho chúng, tối thiểu là vào một “năng chấp” và một cái “danh”. Tóm lại, cái gì có đều luôn luôn là duyên sinh. Điều này có thể thấy rõ hơn khi đó là một sắc pháp thô như một thân người, v.v...

Tuy nhiên, trong khi pháp duyên khởi giải thích sự thành lập của các hiện tượng như thế thì chính pháp này cũng ngụ ý tiến trình ngược lại. Khi đã có một sự xuất hiện vào một thời điểm nào đó thì phải có một sự biến mất vào một thời điểm khác. Ngay khi một số nhân duyên hội tụ vào một thời điểm để một sắc tướng thô có thể thành hình thì rất tự nhiên là sau đó chính các nhân duyên ấy sẽ phân tán, đưa đến sự tan rã, sự diệt mất của sắc tướng thô đã được thành lập nói trên.

Trở lại tiến trình chết đúng nghĩa thì giai đoạn thứ nhất gọi là chu kỳ tan rã của sắc uẩn. Nói một cách chính xác hơn là “nhóm sắc uẩn”, vì quý vị hẳn còn nhớ là có năm thành phần cùng lúc mất khả năng hoạt động.

Hãy thận trọng về ý nghĩa của từ ngữ đang dùng. Ở đây, sự “tan rã” hay “phân tán của sắc uẩn” không có nghĩa là cái uẩn nói trên, tức là sắc thân, sẽ hoàn toàn tiêu tan. Không hề có chuyện đó. Vào lúc này thì sắc thân vẫn còn đó, vẫn đang sống. Thật ra câu trên chỉ có nghĩa là chu kỳ thứ nhất của sự chết trùng hợp với sự suy nhược của các khí đã duy trì sắc thân và cho phép nó hoạt động cho đến giờ này. Một khi các khí ấy suy suyển hay mất đi công năng thì ta nói “sắc uẩn tan rã”.

Các triệu chứng

Các triệu chứng tiêu biểu cho chu kỳ tan rã thứ nhất là gì?

Chúng ta hãy lưu tâm đến các triệu chứng bên ngoài, vì khi đến phù trợ lâm chung thì đó là những dấu hiệu mà chúng ta có thể nhận biết được.

Về mặt sinh lý, sẽ có một sự suy thoái toàn diện, nhưng đừng lẫn lộn với sự suy thoái bình thường của tuổi già. Một trong các triệu chứng là người lâm chung không còn điều khiển được tay hay chân gầy guộc của mình. Ta thấy rõ điểm này khi quan sát bàn tay họ. Người này không thể cầm nắm một vật gì nữa. Họ có thể phác một cử chỉ để lấy một cái gì đó, nhưng không nắm lấy được. Ngược lại, nếu họ có cái gì trong tay thì họ không thể buông ra được vì các ngón tay bị co quắp cứng lại.

Đại viên cảnh trí: Trí giống như mặt gương

Cụm từ phải thừa nhận là hơi tối nghĩa này chỉ cho nhãn thức. Tại sao lại so sánh nhãn thức với một tấm gương? Bất cứ vật gì cũng được phản chiếu khi đặt trước một tấm gương. Cũng thế, trong suốt cuộc đời ta, dĩ nhiên với điều kiện là mắt và thị giác của ta hoàn hảo, thì chúng giữ vai trò tấm gương cho ta, vì chúng phản chiếu tất cả những hình tướng khác nhau trong tầm mắt để ta có thể nhận biết được.

Trong chu kỳ tan rã thứ nhất, cái khí sở y cho thị giác suy yếu rồi nên mắt bị lòa đi, cái thấy lu mờ đi. Tấm gương không còn làm tròn chức vụ của nó. Sự phản chiếu sáng rõ qua một tấm gương lành lặn trong sáng không còn nữa. Nhãn thức mất đi khả năng nhận biết qua cái thấy, vì cái khí chống đỡ cho nó đã bị suy suyển.

Qua tiến trình của hiện tượng xuất sinh mà chúng ta đã nói lược qua, chúng ta biết sau năm loại khí chính căn bản, mỗi tháng có một loại khí phụ xuất hiện, và mỗi loại khí này sẽ giúp cho một loại quan năng hoạt động, trong đó có một loại khí phụ có công năng giúp cho mắt thấy được. Khi khí này mất đi hiệu lực thì nhãn thức y cứ vào nó cũng không thể tiếp tục [tồn tại] nữa.

Giữa chúng ta đây, có rất nhiều người làm việc trong các cơ quan y tế, và qua nghề nghiệp của mình thường tiếp xúc với những người ở đoạn cuối của cuộc đời. Tôi tin chắc rằng họ đã nhận thấy những loại triệu chứng này rất thường xuyên. Hơn nữa, tất cả những ai đã từng ở bên tử sàng của một người lâm chung đều có thể ghi nhận rằng bắt đầu từ một lúc nào đó, người lâm chung mất đi khả năng thấy. Điều này không có nghĩa là họ không thấy gì nữa cả, chúng ta chưa nói đến giai đoạn này, nhưng mắt họ lòa đi. Khi ta chỉ cho họ một vật gì thì họ không phân biệt vật ấy nữa, và nếu họ thử gọi tên vật ấy, họ thường gọi sai. Họ lẫn lộn vì dường như đối với họ, mọi sự trở nên càng lúc càng lờ mờ, không rõ nữa.

Như thế có phải chăng là vào lúc này ai cũng có khuynh hướng nhắm kín mắt lại? Không. Một số người có thể có phản ứng đó, nhưng ngược lại rất nhiều người lại mở căng mắt ra nhìn chòng chọc. Nhưng ví như ta quơ tay trước mắt họ, họ cũng sẽ không còn phản ứng vì không phân biệt được gì nhiều nữa. Trong họ, đại viên cảnh trí [căn bản] đã mất hiệu lực rồi.

Địa đại

Đồng thời với sắc uẩn và đại viên cảnh trí, địa đại cũng tan rã trong chu kỳ thứ nhất, làm cho nhiều tác dụng phát sinh. Thân của người lâm chung trở nên mềm rũ, vô lực và tay chân yếu ớt. Họ không cử động chân tay được nữa.

Sự tan rã của địa đại làm cho họ có cảm giác bị lún xuống đất, đó là một dấu hiệu ta không thấy được từ bên ngoài, nhưng vì lý do ấy mà nhiều người lâm chung thường xin được nâng lên trên gối.

Một lần nữa, xin đừng hiểu lầm. Dầu ta dùng chữ “địa đại tan rã”, nhưng không có nghĩa là địa đại hoàn toàn bị hủy diệt hoặc bay biến đi mất. Như trước kia, điều xảy ra là cái khí chống đỡ loại đại này đã quá yếu để làm tròn chức vụ của mình. Nói tan rã, có nghĩa là cái khí sở y của địa đại trong suốt cả một đời nay đã hư hoại rất nhiều. Một vài chuyên luận nói là địa đại tan rã trong thủy đại. Nhưng đừng tưởng tượng là địa đại sẽ hòa tan trong thủy đại. Quý vị cần nhớ rằng “địa đại tan rã” chỉ có nghĩa là cái khí chống đỡ cho địa đại đã suy suyển đi và đã ngừng hoạt động.

Thị giác

Trong suốt cuộc đời, nhờ thị giác mà ta thấy và ý thức được các sự vật. Nay trong chu kỳ tan rã thứ nhất, người lâm chung không thể mở hay nhắm mắt theo ý mình. Họ không còn điều khiển được mí mắt.

Sắc tướng trong dòng tương tục

Sắc tướng bên ngoài của người lâm chung cũng “tan rã”, nghĩa là cũng mất đi khả năng tự duy trì và hoạt động của mình. Dấu hiệu thấy được từ bên ngoài là màu da người sắp chết biến đổi, mất đi vẻ tươi nhuận mà trở nên tái nhợt dần như xác chết. Rõ ràng là họ không còn sức lực nữa. Tuy nhiên, trừ một vài trường hợp đặc biệt, [thường thì lúc này] người sắp chết vẫn còn đủ sức nghe và hiểu.

Tóm lại, chu kỳ thứ nhất của sự chết bao gồm sự tan rã các thành phần liên quan đến sắc uẩn. Trong giai đoạn này, sắc uẩn, đại viên cảnh trí, địa đại, thị giác và các sắc tướng thuộc dòng tương tục của đương sự đều đồng thời tan rã. Khi liệt kê, ta bắt buộc phải nói từ điểm này sang điểm khác, nhưng trong thực tế thì cả năm thành phần nói trên đều cùng lúc mất hiệu lực.

Triệu chứng bên trong:

Chúng ta đã nói đến năm triệu chứng bên ngoài mà người ngoại cuộc có thể nhìn thấy. Những gì không thấy được từ bên ngoài mà người lâm chung cảm nhận được là triệu chứng bên trong. Trong chu kỳ thứ nhất này, người lâm chung có những ảo tượng, đây không phải là những gì thấy được qua cảm quan, qua con mắt, mà là một sự cảm nhận nội tại.

Những gì người lâm chung cảm nhận có thể so sánh với điều chúng ta thấy khi đứng giữa một bãi cát [mênh mông] hay trên một con đường tráng nhựa khi trời rất nóng. Do nhiệt độ cao và ánh phản xạ của mặt trời, đôi khi ta có ảo giác thấy nước ở đằng xa, nhưng sự thật thì không có.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/12/2010(Xem: 7877)
Mỗi giây phút trong cuộc sống đều tượng trưng cho một giá trị vô biên. Thế nhưng chúng ta lại cứ để cho thời gian trôi đi như những hạt cát vàng lọt qua kẻ hở của bàn tay
06/12/2010(Xem: 3894)
Do quan niệm linh hồn theo nhiều cách khác nhau nên người ta vẫn bàn cãi về có hay không có linh hồn. Thường thì linh hồn được hiểu là phần tinh anh, cái tinh thể, tinh thần của con người, đối lập với vật chất, với bất cứ cơ quan sinh học nào của cơ thể.
06/12/2010(Xem: 3065)
Thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn (Hoà Bình) đang tồn tại câu chuyện khá ly kỳ. Một cháu bé cứ nằng nặc nhận mình là đứa trẻ đã chết cách đây hơn mười năm và đòi về ở với bố mẹ người đã chết. Sau khi đưa ra nhiều “bằng chứng” chứng tỏ mình là người đã chết, cháu bé đã được nhận về nuôi như một sự sống lại của linh hồn đã chết trước đó.
01/12/2010(Xem: 3924)
Hộ niệm là niệm Phật cầu nguyện cho một bệnh nhân khi nhận thấy thuốc chữa trị không còn tác dụng đối với người ấy nữa, khi mà người bệnh sắp qua đời.
18/11/2010(Xem: 5570)
THIỀN ĐỊNH: HÃY NGẮM NHÌN MỌI SỰ– bản ngã, hành động, đối tượng; bằng hữu, kẻ thù, người không quen biết, những người là đối tượng của sự tham luyến của bạn, sự sân hận, và sự vô minh; mọi hiện tượng mang lại kết quả – với sự tỉnh giác về thực tại: tất cả những điều này đều phù du, và có thể ngừng dứt bất kỳ lúc nào. Tất cả những hiện tượng này không chỉ biến đổi trong từng giây phút do bởi những nguyên nhân và điều kiện (duyên), nhưng chúng có thể kết thúc bất cứ lúc nào.
09/11/2010(Xem: 17960)
Qua sự huân tập và ảnh hưởng của tam độc tham, sân, si, ác nghiệp đã hình thành, thiết lập những mối liên kết với tâm thức qua những khuynh hướng có mục tiêu.
31/10/2010(Xem: 7012)
Tham sống sợ chết, đó là sự thật của người đời. Thế nhưng tại sao lại giết hại, cắt đứt sự sống của chúng sanh khác? Trong bài viết ngắn này chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề "Không sát sanh" hay "tôn trọng sự sống" như là thái độ sống của một người Phật tử.
29/10/2010(Xem: 6351)
Kính lễ Tam Bảo. Kính lễ các luận sư Jamyang Khyentse Rinpoche, Dilgo Khyentse Rinpoche và Sogyal Rinpoche đã giải thích giáo lý trung ấm. Trước hết nhắc lại có sáu trung ấm hay bạt đô: trung ấm trong mộng, trung ấm trong đại định, trung ấm tự nhiên của đời sống; trung ấm đau đớn của cái chết; trung ấm pháp tính (thời gian của Ánh sáng căn bản xuất hiện ngay sau khi chết); và trung ấm tái sinh. Sở dĩ có trung ấm là vì tâm vô minh bất giác: bất giác lúc sống, bất giác lúc chết, bất giác lúc gặp ánh sáng chân lý, bất giác lúc tìm tái sinh. Để hiểu bạt đô tái sinh, có lẽ nên nói thêm về tính chất của tâm.
28/10/2010(Xem: 4945)
Dưới đây là một bài thuyết giảng của Lạt-ma Dagpo Rimpoché tại ngôi chùa Tây tạngKadam Tcheuling tọa lạc tại Aix-En-Provence miền nam nước Pháp, vào ngày 23tháng 3, năm 2003. Thôngdịch viên : Marie-Stelle Boussemart. Ghi chép : Laurence Harlé, MichelLanglois, Cathérine Baguet, Marie-Stella Boussemart
21/10/2010(Xem: 4856)
Khi Đức Phật còn là thái tử, trong lúc đi dạo chơi, Ngài đã trông thấy những cảnh khổ đau của kiếp sống con người là bệnh hoạn, già yếu và chết. Từ đó, cuộc sống khổ đau và tạm bợ của con người đã khiến cho thái tử suy tư rất nhiều và thôi thúc Ngài quyết tâm đi tìm cuộc sống an lạc, vĩnh hằng, bất tử. Trải qua năm năm tìm đạo, sáu năm khổ hạnh chốn rừng già và sau 49 ngày Thiền định ở Bồ đề đạo tràng, Đức Phật đã nhận thấy rõ đặc tính của cuộc sống con người nói riêng và của muôn vật, muôn loài nói chung ở trong thế giới sanh diệt là vô thường (Anicca), khổ (Dukkha) và vô ngã (Anatta).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567