Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trung Ấm Tái Sanh

29/10/201011:05(Xem: 7432)
Trung Ấm Tái Sanh


qd-phatthichca-ic
TRUNG ẤM TÁI SANH

Thích Nữ Trí Hải

Kính lễ Tam Bảo. Kính lễ các luận sư Jamyang Khyentse Rinpoche, Dilgo Khyentse Rinpoche và Sogyal Rinpoche đã giải thích giáo lý trung ấm.

Trước hết nhắc lại có sáu trung ấm hay bạt đô: trung ấm trong mộng, trung ấm trong đại định, trung ấm tự nhiên của đời sống; trung ấm đau đớn của cái chết; trung ấm pháp tính (thời gian của Ánh sáng căn bản xuất hiện ngay sau khi chết); và trung ấm tái sinh. Sở dĩ có trung ấm là vì tâm vô minh bất giác: bất giác lúc sống, bất giác lúc chết, bất giác lúc gặp ánh sáng chân lý, bất giác lúc tìm tái sinh.

Để hiểu bạt đô tái sinh, có lẽ nên nói thêm về tính chất của tâm.

Tâm ta bình thường cũng như vào lúc chết, có hai khía cạnh: tương đối và tuyệt đối. Khía cạnh tương đối là cái tâm so đo tính toán, dong ruỗi theo đối tượng 5 giác quan. Nó không ngừng thay đổi luôn luôn dao động giữa những cảm xúc đối kháng như yêu và ghét, v.v.. nên thường mờ tối. Khía cạnh tuyệt đối của tâm là không có thái độ chọn lựa nói trên, nên thường sáng suốt với tia sáng nội tại. Lúc sống, bị thân xác chướng ngại, bị ám bởi những phiền não liên hệ đến thân xác, nên dù một vị tu cao cũng khó mà hằng sống với “bản lai diện mục” hay bản chất tuyệt đối ấy của tâm, gọi là ánh sáng nội tại. Ngược lại, người phàm phu cực ác dù cả đời không biết đến nó, ánh sáng ấy vẫn xuất hiện trước họ, ngay khi tắt thở. Vì ánh sáng ấy là tinh chất của tứ đại, của tất cả mọi sự khi phân tích đến cùng. Sự xuất hiện rực rỡ của Ánh sáng nội tại (còn gọi là Phật tính hay pháp tính) là bình đẳng nơi người cực thiện cũng như cực ác Nhưng sự nhận ra và giải thích ánh sáng ấy thì hoàn toàn khác nhau, và chính điều này đem lại giải thoát hay rơi vào bạt đô tái sinh. Một bậc thầy về Dzogchen nhờ công phu tu tập, khi chết sẽ hòa nhập tâm mình vào ánh sáng ấy và đạt giải thoát. Ngược lại, phàm phu thì sợ hãi trước ánh sáng ấy và theo thói quen, tìm cách ẩn nấp vào những ánh sáng mờ đục của lục đạo, và tạo nên trung ấm tái sinh. Những khuynh hướng tập quán lâu đời vẫn tiềm ẩn sau hậu trường gọi là “nền tảng của tâm phàm tình” để chờ cơ hội nhóm họp trở lại, chỉ tạm thời giải tán khi ánh sáng căn bản ló dạng.

Các bậc thầy về pháp môn Dzogchen nhờ đã quen làm chủ thân tâm, nên có thể an trú rất lâu trong trạng thái hỷ lạc của trung ấm pháp tính khi họ đã chết trên phương diện lâm sàng.

Một y sĩ đã tường thuật cái chết của Karmapa, một bậc thầy mật tông tại một bệnh viện lớn ở Chicago, Hoa kỳ vào năm 1981 như sau:

“Họ đưa tôi vào phòng ba mươi sáu tiếng đồng hồ sau khi ngài chết. Tôi sờ vùng bên phải, trên trái tim ngài, và thấy nó nóng hơn các chỗ khác. Đấy là một điều mà y học không thể giải thích được”. (Trích dẫn Tạng Thư Sống Chết)

Thời gian đó chính là lúc mà ngài an trú trong ánh sáng căn bản của tự tính tâm khi nó xuất hiện.

Nhưng phần đông chúng ta do nghiệp lực thúc đẩy lại trốn chạy ánh sáng ấy và bị cuốn hút vào ánh sáng dịu của lục đạo đồng thời chiếu đến ta. Giai đoạn cuối của bạt đô pháp tính này là “hiện diện tự nhiên”. Nếu ở giai đoạn này ta vẫn chưa nhận ra được mọi sự diễn ra không ngoài tâm ta biến hiện, thì ta sẽ kinh hoàng trước những hiện tượng ánh sáng và âm thanh ấy. Bản năng muốn có một thân xác, cùng với những tập quán của nghiệp hay thói quen cũ của ta bắt đầu tụ lại dưới dạng một thân ý sinh, và đấy là khởi đầu của giai đoạn trung gian hay bạt đô kế tiếp: bạt đô tái sinh.

Danh từ sipa trong sipa bạt đô, dịch là “Trung ấm tái sinh” cũng có nghĩa là “khả năng” và “hiện hữư”. Trong trung ấm này, vì tâm thức không còn bị giới hạn và ngăn che bởi cái thân vật lý bình thường, nên nó có khả năng vô biên cho việc tái sinh trong các cõi.

Khía cạnh nổi bật của bạt đô tái sinh là, ở đây tâm đóng vai trò quan trọng, trong khi ở giai đoạn bạt đô pháp tính, thì mọi sự diễn ra trong phạm vi Tính giác Rigpa, cốt lõi của tâm. Bởi thế trong bạt đô pháp tính, chúng ta có một thân bằng ánh sáng, còn trong bạt đô tái sinh chúng ta có một thân do ý sinh.

Trong bạt đô tái sinh, tâm có được ánh sáng vô biên và sự di động không giới hạn, nhưng hướng di chuyển của nó hoàn toàn được định đoạt bởi những khuynh hướng tập quán cũ của ta. Vì vậy nó đưực gọi là bạt đô tái sinh. Kalu Rinpoche nói: “Đó là hậu quả hoàn toàn thụ động, mù quáng của những nghiệp đời trước, chúng ta hoàn toàn bị nghiệp thức lôi kéo”.

Từ trạng thái thanh tịnh nhất của tâm là Ánh Sáng Căn Bản, qua ánh sáng và năng lượng của nó, tức là những tướng hiện ra trong bạt đô pháp tính, bây giờ tâm trải qua một biểu hiện thô hơn: thân ý sinh. Giai đoạn này gọi là trung ấm hay bạt đô tái sinh. Những gì xảy ra ở giai đoạn này là một tiến trình tan rã ngược lại: những ngọn gió lại xuất hiện, cùng với chúng là những trạng thái tư tường liên hệ đến ngu si tham dục và giận dữ. Rồi, vì ký ức về “thân nghiệp sinh” trong quá khứ của chúng ta đang còn mới mẻ, chúng ta mang một “thân ý sinh”.

THÂN Ý SINH

Thân ý sinh của chúng ta trong bạt đô tái sinh mang một số đặc tính. Nó có đủ tất cả giác quan, vô cùng nhẹ, sáng suốt và di động, và sự nhạy bén của nó cũng được nói là gấp bảy lần trong đời sống thực. Nó có một số thần thông lặt vặt không được ý thức kiểm soát, nhưng đem lại cho thân ý sinh khả năng đọc được tâm người.

Lúc đầu thân ý sinh có hình dạng giống thân thể trong đời vừa qua, nhưng không có khuyết điểm, và đang ở độ tuổi thanh xuân. Dù khi sống ta có bị què quặt hay ốm đau liệt giường, thì trong bạt đô tái sinh ta vẫn có được một thân ý sinh toàn hảo. Điểm này dễ hiểu, vì thân ý sinh là do chính tâm ta tưởng ra, do ước mong tiếp tục sống trở lại. Người già ưa nhớ lại những kỷ niệm hồi niên thiếu, có thể nói đây là một tiền vị của tái sinh luân hồi.

Một trong những giáo điển cổ của Dzogchen cho chúng ta biết thân ý sinh cỡ bằng một đứa bé từ tám đến mười tuổi. Kẻ viết bài này cũng được nghe nhiều người chưa từng biết đến Tử thư Tây tạng, kể rằng họ thấy người thân đã chết trở về trong ngày cúng thất thất trai tuần, và ngạc nhiên vì người ấy biến thành nhỏ bé.

Do năng lực của tư duy khái niệm, gọi là “gió nghiệp”, thân ý sinh không thể ở yên dù chỉ trong chốc lát. Nó không ngừng di động, và có thể đi khắp nơi không bị trở ngại. Vì thân ý sinh không có cơ sở vật lý, nên có thể đi xuyên qua tường hay vách núi.

Thân ý sinh có thể thấy suốt những vật thể có ba chiều, nhưng vì thiếu tinh chất vật lý của cha mẹ, nó chỉ thấy một ánh sáng mờ ảo ở đằng trước. Khi mang thân ý sinh, ta có thể thấy những chúng sinh khác trong cõi trung ấm, nhưng người sống không thể thấy chúng ta, ngoại trừ những người có thần thông nhờ thiền định. Bởi thế chúng ta có thể gặp và nói chuyện vài giây phút thoáng qua với nhiều kẻ đang du hành trong thế giới bạt dô (trung ấm), nghĩa là những kẻ chết trước chúng ta.

Do sự có mặt của năm uẩn đang thành hình, nên thân ý sinh đối với chúng ta dường như chắc thực, và chúng ta vẫn còn cảm thấy những cơn đói

cồn cào. Giáo lý trung ấm dạy rằng thân ý sinh này sống bằng mùi hương và rút dưỡng chất từ những đồ cúng được đem đốt, nhưng nó cũng có thể hưởng được những đồ cúng đặc biệt nhân danh nó.

Trong trạng thái này, hoạt động tâm ý rất nhanh: tư tưởng liên tục trôi qua nhanh, và thân ý sinh có thể làm một lúc nhiều công việc. Tâm tiếp tục duy trì những mẫu mực, thói quen lúc sống, nhất là thói quen bám víu những kinh nghiệm, và thói quen tin rằng mọi sự tuyệt đối là thực có.

NHỮNG KINH NGHIỆM CỦA CÕI TRUNG ẤM

Suốt trong những tuần đầu trong cõi trung ấm (bạt đô), chúng ta có cảm tưởng rằng mình là một người đàn ông hay một phụ nữ, hệt như trong đời vừa qua. Chúng ta không nhận ra rằng mình đã chết. Chúng ta trở về nhà để gặp bà con và những người thân yêu. Ta cố nói với họ, sờ vai họ. Nhưng họ không trả lời, cũng không tỏ ra họ biết có ta ở đấy. Dù cố gắng bao nhiêu, ta cũng không cách nào làm cho họ chú ý đến ta được. Ta bất lực đứng nhìn họ khóc, hay ngồi thẫn thờ với cõi lòng tan nát vì cái chết của ta. Ta lại còn cố một cách vô hiệu để sử dụng những đồ đạc của ta khi trước. Chỗ ta ngồi nơi bàn ăn không còn dành cho ta nữa, và người ta đang làm những chuẩn bị để thanh toán của cải của ta. Ta cảm thấy tức tối, bị thương tổn, hằn học, “như một con cá quằn quại trên đất nóng”. Tử thư nói:

Nếu hết sức quyến luyến cái thân xác của mình, thậm chí ta lại còn cố nhập vào nó hay lảng vảng bên nó. Có những trường hợp quá khích là thân ý sinh lai vãng gần tài sản hay xác của họ hàng tuần, hàng năm mà vẫn chưa có thể nghĩ rằng mình đã chết. Chỉ khi họ thấy mình không có bóng in trên mặt đất, không in dấu chân bước, cũng không phản chiếu trong gương, họ mới vỡ lẽ.

Và nỗi kinh hoàng khi nhận ra mình đã chết, làm cho họ ngất xỉu. Trong cõi trung ấm tái sinh, ta sống lại tất cả những kinh nghiệm của đời vừa qua, ôn lại những kỷ niệm đã từ lâu phai mờ trong ký ức, và thăm lại những nơi chốn cũ, “dù chỉ là nơi ta chỉ có khạc nhổ trên đấy một lần”. Cứ bảy ngày một lần, ta lại bị bắt buộc phải sống trở lại cái kinh nghiệm chết, với tất cả nỗi đau khổ của nó. Và nên nhớ, mọi sự được tái diễn với một ý thức mãnh liệt gấp bảy lần lúc sống. Và trong giai đoạn thoáng qua của trung ấm tái sinh, mọi nghiệp ác của các đời trước trở lại, một cách cường liệt làm cho tâm ta rối bời.

Cứ thế ta một mình lang thang không ngừng qua thế giới trung ấm, kinh hoảng như trong một cơn ác mộng. Và cũng hệt như trong mộng, ta tin rằng mình có một cái thân vật lý, và mình thực sự hiện hữu. Tuy thế tất cả những kinh nghiệm của bạt đô này chi do tâm biến ra, do nghiệp và những tập quán cũ của ta tái diễn.

Những ngọn gió của tứ đại trở về, và ta nghe những âm thanh to lớn của đất nước gió lửa: tiếng núi lở, tiếng nước gầm, tiếng hỏa diệm sơn bốc cháy, tiếng giông tố bão bùng. Khi ta hoảng hốt cố chạy thoát những thứ này, thì trong bóng tối mờ ảo trước mặt ta mở ra ba hố thẳm trắng, đỏ, đen, sâu kinh khủng. Tử thư nói đây là tâm giận dữ, tham dục và ngu si của ta biến ra. Ta bị tấn công bởi những ngọn thác đổ, mưa đá bằng máu mủ; bị ám ảnh bởi những âm thanh la hét của quỷ không đầu; bị săn duổi bởi những yêu quái và thú dữ chuyên ăn thịt.

Bị ngốn ngấu bởi nỗi hoảng sợ, bị thổi giạt qua lại như những nhị hoa bay trước gió, ta lang thang vô vọng qua cõi trung ấm. Bị cơn đói khát dày vò, ta tìm nơi trú chỗ này chỗ khác. Nhận thức của tâm ta thay đổi từng chặp, lúc vui lúc buồn. Bỗng tâm ta đâm ra khao khát có một xác thân vật lý, nhưng lại không thể tìm được, làm cho ta lại rơi vào đau khổ. Toàn thể khung cảnh ấy đều do nghiệp ta un đúc, cũng như thế giới ác mộng do vọng tường chúng ta tạo nên. Nếu bình thường lúc sống, ta có hành động tích cực, thì kinh nghiệm và nhận thức chúng ta trong cõi trung ấm sẽ là hạnh phúc và an lạc; nếu đời ta tác hại và làm người khác dau khổ, thì kinh nghiệm trong cõi trung ấm của ta sẽ đầy đau đớn buồn sầu. Bởi thế Tử thư nói rằng những người đánh cá, đồ tể, thợ săn đều bị tấn công bởi những hình ảnh ghê rợn của những nạn nhân của họ trước kia.

ĐỘ DÀI CỦA TRUNG ẤM TÁI SINH

Toàn thể trung ấm tái sinh kéo dài trung bình bốn mươi chín ngày, và ít nhất là một tuần. Nhưng cũng còn tùy, giống như hiện tại có người sống tới trăm tuổi, trong khi kẻ khác chết non. Một số lại còn bị kẹt trong thế giới trung gian để thành ma quỷ. Dudjom Rinpoche thường giải thích rằng suốt trong hai mươi mốt ngày đầu của thời gian trung ấm, bạn vẫn còn có một ấn tượng mạnh về đời sống vừa qua, bởi thế đây là giai đoạn quan trọng nhất để người sống giúp đỡ người chết. Sau đó đời sống tương lai của bạn dần dần thành hình, và trở thành ảnh hưởng chính.

Chúng ta phải mang thân trung ấm cho đến khi nào nghiệp ta bắt liên lạc được với cha mẹ tương lai. Nhưng có hai trường hợp đặc biệt không trải qua giai đoạn trung ấm, mà đi ngay vào một tái sinh mới do tính cách cường liệt của nghiệp lực. Trường hợp đầu tiên là những người đã sống một đời vô cùng lợi lạc và tích cực, đã tu luyện tâm đến trình độ năng lực tu chứng đưa họ trực tiếp vào một tái sinh tốt đẹp. Trường hợp thứ hai là những người đã sống một đời tiêu cực tác hại, họ đọa rất nhanh xuống tái sinh kế tiếp, bất cứ ở đâu.

NĂNG LỰC CỦA TÂM

Vì trong cảnh giới trung ấm, tâm ta rất nhẹ nhàng linh động và bén nhạy, nên bất cứ tư tưởng nào khởi lên, tốt hay xấu, đều có ảnh hường và năng lực ghê gớm. Vì không có một cơ thể vật lý làm nền tảng, nên những ý tường trở thành thực tại. Hãy tưởng tượng sự buồn bã giận dữ khốc liệt mà ta có thể cảm thấy khi trông thấy người sống làm đám tang cho ta quá sơ sài, hay bà con tham lam đang tranh giành những vật sở hữu của ta, hay bạn bè mà ta rất yêu mến, và ta tưởng cũng rất yêu mến ta, bây giờ đang nói về ta một cách khinh miệt, thương tổn, hỗn hào. Một tình huống như vậy có thể rất nguy hiểm, vì phản ứng bạo hành của ta có thể đưa ta thẳng đến một tái sinh bất hạnh.

Như vậy, năng lực mãnh liệt của tâm là vấn đề then chốt trong trung ấm tái sinh. Trong giai đoạn này, ta hoàn toàn bị làm mồi cho những thói quen, và khuynh hướng cố hữu mà ta đã dung dưỡng, để chúng tăng trường và thống trị đời ta. Nếu bạn không kiểm soát những khuynh hướng ấy ngay bây giờ trong khi sống, ngăn chúng xâm chiếm tâm bạn, thì trong trung ấm tái sinh, bạn sẽ thành nạn nhân tội nghiệp của chúng, bị mãnh lực của chúng đưa đẩy. Một sự giận dữ nhỏ nhặt trong trạng thái trung ấm cũng có thể có một ảnh hưởng tai hại; bởi thế mà theo truyền thống, người đọc tử thư cho bạn lúc sắp chết phải là người mà bạn có quan hệ tốt đẹp; nếu không, nội một việc nghe âm thanh tiếng nói của y cũng đủ làm cho bạn nổi tam bành, và điều này sẽ có những hậu quả vô cùng khốc hại.

Giáo lý mô tả tính chất sống sít của cái tâm ở trong trạng thái trung ấm là, nó giống như một thỏi sắt nung đỏ sẵn sàng uốn bất cứ kiểu nào. Cũng thế, một tư tưởng tích cực duy nhất trong trạng thái trung ấm có thể trực tiêp dẫn đến giác ngộ, một phản ứng xấu cũng đủ làm bạn chìm vào đau khổ lâu dài. Tử Thư cảnh cáo chúng ta một cách mạnh mẽ như sau:

“Đến đây là ngã rẽ đôi đường lên xuống; đây là lúc mà chỉ cần lướt vào sự lười biếng một chút, ngươi cũng đủ chịu khổ triền miên, đây là lúc mà chỉ cần tập trung một chút, ngươi cũng sẽ hưởng được hạnh phúc lâu bền. Hãy chú tâm không tán loạn, hãy nỗ lực kéo dài hậu quả thiện nghiệp!”

Tử thư cố khơi dậy bất cứ một liên hệ nào với sự tu tập mà người chết có thể có, và khuyến khích từ bỏ bám víu người, của, từ bỏ sự khát khao có một thân xác, đừng buông trôi theo giận dữ hay tham dục, đào luyện sự tử tế hơn là thù hằn, đừng nghĩ đến việc ác. Tử thư nhắc nhở người chết không cần phải sợ hãi: Một mặt, cho người chết biết những hình dạng ghê rợn trong cõi trung ấm chỉ là do tâm họ chiếu ra, thực chất vốn trống rỗng; mặc khác, nhắc người chết rằng bây giờ họ chỉ có cái thân ý sinh do tập quán cũ, bởi thế cũng là trống rỗng. “Bởi thế cái trống rỗng không thể làm hại cái trống rỗng”.

Bản chất bấp bênh chóng qua của giai đoạn trung ấm có thể là nguồn suối cho nhiều cơ hội giải thoát, và tính bén nhạy của tâm trong trung ấm này có thể hóa ra lợi lạc cho chúng ta. Chúng ta chỉ cần nhớ đến những lời giảng dạy; ta chỉ cần có một tư tưởng tích cực khởi lên trong tâm ta. Nếu ta nhớ được một giáo lý nào gợi cho ta tự tính tâm, nếu ta có dù chỉ một khuynh hướng tu tập, hay một liên hệ sâu xa với sự tu hành, ta cũng đủ nhờ vậy mà giải thoát.

Trong trung ấm tái sinh, các cõi Phật không hiện ra một cách tự nhiên như trong trung ấm pháp tính. Tuy nhiên, chỉ cần nhớ đến chư Phật, bạn cũng có thể đi thẳng đến các cõi Phật bằng năng lực tâm mình, và tiến đến giải thoát. Nếu bạn có thể niệm danh hiệu một vị Phật, vị ấy liền hiện ra trước bạn. Nhưng nên nhớ, mặc dù các khả năng là vô giới hạn, chúng ta vẫn phải có sự tự chủ tâm ý trong trung ấm này, và điều này vô cùng khó khăn, vì tâm ta ở giai đoạn này hết sức bén nhạy, phân tán và bất an.

Bởi thế trong trung ấm này, bất cứ khi nào bạn có thể tỉnh giác dù chỉ trong thoáng chốc, thì bạn hãy lập tức nhớ lại sự tu tập, nhớ thầy hay vị Phật mà bạn thờ, và tha thiết triệu thỉnh ngài. Nhờ năng lực ân sủng của bậc thầy hay vị Phật, tâm bạn sẽ được giải thoát, tan hòa vào không gian của tâm giác ngộ. Sự cầu nguyện trong đời dường như ít hiệu quả, nhưng trong cõi trung ấm lại có hiệu quả mãnh liệt vô cùng.

Tuy nhiên sự mô tả trên đây về trung ấm chứng tỏ thực rất khó mà tập trung tâm ở giai đoạn này, nếu ta không thực tập từ trước. Hãy nhớ những lúc gặp ác mộng, ta cảm thấy bất lực như thế nào, thì trong cảnh giới trung ấm cũng khó tập trung tâm ý như vậy, nếu không nói là khó hơn. Đấy là lý do Tử thư luôn nhắc đi nhắc lại một lời “đừng xao lãng”. Và Tử thư nhấn mạnh:

Đến đây là ngõ rẽ giữa Phật và hữu tình…

TÁI SINH

Vì trong trung ấm tái sinh, thời gian tái sinh càng gần, nên ta càng thêm khao khát một thân xác làm chỗ nương, và ta đi tìm một người nào có thể sử dụng để được tái sinh vào đó. Những dấu hiệu bắt đầu hiện ra, báo cho ta biết cái cảnh giới ta có thể tái sinh vào. Những ánh sáng đủ màu chiếu từ sáu nẻo luân hồi, và ta cảm thấy bị thu hút vào một cõi này hay khác, tùy theo cảm xúc tiêu cực nào mạnh nhất trong tâm ta. Một khi ta đã bị lôi cuốn đến đây thì thật vô phương trở lui.

Giáo lý về trung ấm dạy rằng, vào điểm ấy có nguy cơ lớn là, do lòng nôn nóng thèm khát tái sinh, ta có thể xông tới bất cứ nơi nào, dù ở đấy không có vẻ gì an ninh bảo đảm. Sự giận dữ khởi lên sẽ đưa giai đoạn trung ấm đến một kết thúc, vì ta sẽ bị đẩy vào cõi dữ bằng chính năng lực cảm xúc của mình. Và như thế, ta có thể thấy tái sinh tương lai của ta được trực tiếp định đoạt bởi tham, sân, và si. Hãy tưởng tượng ta đang chạy về phía một chỗ nấp, chỉ để tránh thoát kinh nghiệm đau khổ của trung ấm. Rồi vì sợ phải từ bỏ tất cả, ta đâm ra ràng buộc với một cuộc đời mới, bất kể ở đâu miễn là được tái sinh. Khi ấy ta có thể đâm ra thác loạn, lầm lẫn tái sinh tốt với xấu, xấu với tốt. Ta có thể nghe tiếng gọi của những người thân yêu hoặc giọng ca hấp dẫn, rồi chạy theo chúng, để cuối cùng bị dẫn dụ xuống những cõi thấp kém.

Bởi vậy, phải cẩn thận đừng mù quáng đi vào những cõi vô phúc ấy. Điều kỳ diệu là, ngay lúc ý thức được cái gì đang xảy đến, thì ta có thể bắt đầu tác động, và điều ấy ảnh hường đến số phận của ta.

Bị đẩy tới bởi ngọn gió nghiệp, thân ý sinh đi dến một nơi ở đấy cha mẹ đang giao hợp, bị kéo vào trong cảm xúc ấy; và do nghiệp quá khứ, nó tự nhiên cảm thấy rất thương hoặc rất ghét. Sự quyến luyến người mẹ, và thù ghét ganh tị với người cha sẽ đưa đến hậu quả là nó sinh thành con trai, ngược lại là gái. Nhưng nếu nó ngã quy trước những cảm xúc rất mạnh, thì nó có thể sinh vào một cảnh giới hèn hạ.

Có cách nào ta có thể làm bây giờ, để tránh bị tái sinh hoặc hướng dẫn sự tái sinh kế tiếp của ta không? Giáo lý về trung ấm đưa ra hai chỉ dẫn đặc biệt: phương pháp ngăn ngừa tái sinh, nếu không ngăn được, thì chọn một tái sinh tốt. Đầu tiên là những chỉ dẫn để đóng cửa ngõ đi vào một đời sống khác: Phương pháp tốt nhất là từ bỏ những cảm xúc như tham dục, giận dữ, ganh tị, và nhận chân rằng không một trạng thái trung ấm nào có thực chất tối hậu.

Nếu bạn có thể nhận chân điều ấy, rồi để tâm an trú vào bản chất chân không của nó, thì chính điều này sẽ ngăn ngừa tái sinh. Tử thư Tây tạng báo cho chúng ta biết:

“Than ôi Cha và mẹ, cơn bão lớn, luồng gió xoáy sấm sét, những cảnh tượng kinh hoàng và tất cả những gì hiện ra đấy, bản chất đều huyễn ảo. Dù có hiện tướng gì đi nữa, thì cũng không thực. Mọi chất liệu đều giả dối, trống rỗng. Chúng như ảo ảnh, không trường tồn. Tham ái mà làm chi? Sợ hãi mà làm chi? Như vậy là xem cái không thành cái có...”

Tử thư lại khuyến cáo tiếp:

“Tất cả đều do tâm biến ra, và tâm ấy vốn là chân không, vô sinh, không bị chướng ngại. Khi nghĩ vậy, hãy để tâm ngươi tự nhiên trong bản chất của nó, như nước đổ vào nước, cứ như nó là, thong thả, phóng khoáng và thư dãn. Khi để nó an trú tự nhiên và thong thả, ngươi có thể bảo đảm ngõ vào mọi tái sinh sẽ bị đóng lại”.

Phương pháp hay nhất kế tiếp để ngăn ngừa tái sinh là nhìn những người có thể làm cha mẹ bạn như là Phật, hay thần hộ mạng Yidam của bạn, và ít nhất, bạn hãy cố phát sinh một cảm giác từ bỏ, không bị lôi kéo vào cảm xúc tham dục, và nghĩ đến những cõi Phật thanh tịnh. Điều này sẽ ngăn ngừa tái sinh và khiến bạn gặp được một trong những cõi Phật.

Nếu bạn không thể an trú tâm đủ vững vàng để làm như vậy thì còn có những phương pháp chọn lựa một tái sinh, liên hệ đến những điểm mốc và những tướng các cảnh giới khác nhau. Nếu bạn nhất định phải tái sinh, hay cố ý muốn tái sinh để theo đuổi con đường tu tập và làm lợi ích người khác, thì bạn không nên đi vào cõi nào khác cõi người ta. Chỉ có ở đấy các điều kiện mới thuận lợi cho sự tiến tu đạo nghiệp. Giáo lý về trung ấm cho biết, nếu bạn sắp sửa sinh vào một hoàn cảnh tốt trong cõi người, thì bạn sẽ cảm thấy mình đang đi vào một ngôi nhà sang trọng đẹp đẽ, hay một đô thị, hay ở giữa một đám đông.

Ngoài những cách ấy ra, thông thường chúng ta không có lựa chọn nào. Chúng ta bị lôi kéo về chỗ thọ sinh của ta “như con chim bị sa lưới, như

cỏ khô bắt lửa, hay súc vật sa đấm lầy”. Tử thư nói: “Này hỡi thiện nam nữ, dù người không muốn đi người cũng không có năng lực tự chủ; ngươi bị bắt buộc phải đi”.

Tuy nhiên, như giáo lý luôn luôn nhắc ta, vẫn còn có hy vọng; bây giờ là lúc nên cầu nguyện. Nhờ tha thiết mong mỏi và tập trung mãnh liệt, ngay trong lúc này, bạn vẫn còn có thể tái sinh vào cõi Phật hoặc bạn có thể phát nguyện sâu xa tái sinh vào một gia đình loài người ở đấy bạn có thể gặp đường lối tu tập và tiếp tục tiến đến giải thoát. Nếu bạn có một nghiệp nặng buộc bạn rơi vào một cảnh giới đặc biệt nào, thì có thể bạn hết phương chọn lựa, tuy nhiên, lời nguyện quá khứ và sự mong cầu của bạn có thể giúp bạn chuyển số phận dể tái sinh vào một đời sống mà một ngày nào đó sẽ đưa bạn đến giải thoát.

Ngay cả khi bạn đã nhập thai, cũng có thể cầu nguyện cho điều này xảy ra. Bạn có thể quán tưởng mình như một chúng sinh giác ngộ, như thần Kim Cương tát đỏa (Vajrasattva)–theo lời các bậc thầy thuộc truyền thống nói–và làm cho cái thai cung mà bạn đang vào biến thành một môi trường thiêng liêng, “một cung trời” ở đấy bạn tiếp tục tu luyện.

Bây giờ khi trung ấm tái sinh hiện ra
Tôi sẽ tập trung nhất tâm thiền quán,
Và cố kéo dài những hậu quả của nghiệp tốt,
Cố mà đóng cái cửa ngõ tái sinh.
Đây là lúc cần tinh tấn và nhận thức thuần tịnh;
Hãy từ bỏ cảm xúc tiêu cực, và quán tưởng bậc đạo sư.

Cuối cùng, chính sự thúc giục của tự tâm muốn trú trong một cõi nào đó, đã buộc ta tiến về tái sinh, và chính khuynh hướng chấp thủ của tâm ta đã thể hiện thành thân tái sinh. Đây là giai đoạn kế tiếp trong tiến trình xuất hiện.

Nếu bạn thành công trong việc hướng tâm về một tái sinh thân người, thì tức là bạn đã di trọn chu kỳ. Bạn sẽ được sinh vào trung ấm tự nhiên của đời này, tức là giai đoạn nhập thai. Điều này kết thúc trung ấm tái sinh, khi tâm bạn một lần nữa kinh quá rất nhanh những tướng trạng của giai đoạn tan rã, và sự xuất hiện của ánh sáng căn bản. Rồi kinh nghiệm tối đen của sự “thành tựu” lại khởi lên, và đồng thời liên lạc với bào thai mới bắt đầu.

Như vậy đời sống khởi đầu cũng như kết thúc bằng Ánh sáng căn bản.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/12/2010(Xem: 20700)
Đọc “Tổng Quan Những Con Đường Của Phật Giáo Tây Tạng”, chúng ta sẽ thấy đức Dalai Lama là một bậc Đại Tri Viên, ngài chỉ rõ tất cả mọi con đường để chúng thấy rõ, nhất là con đường Tantra...
12/12/2010(Xem: 6906)
Tái sinh và nghiệp là những vấn đề liên quan đến nhau gắn liền với mỗi cuộc đời. Mỗi khoảnh khắc là sự nối tiếp của khoảnh khắc trước đó...
08/12/2010(Xem: 10775)
Mỗi giây phút trong cuộc sống đều tượng trưng cho một giá trị vô biên. Thế nhưng chúng ta lại cứ để cho thời gian trôi đi như những hạt cát vàng lọt qua kẻ hở của bàn tay
06/12/2010(Xem: 4415)
Do quan niệm linh hồn theo nhiều cách khác nhau nên người ta vẫn bàn cãi về có hay không có linh hồn. Thường thì linh hồn được hiểu là phần tinh anh, cái tinh thể, tinh thần của con người, đối lập với vật chất, với bất cứ cơ quan sinh học nào của cơ thể.
06/12/2010(Xem: 3657)
Thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn (Hoà Bình) đang tồn tại câu chuyện khá ly kỳ. Một cháu bé cứ nằng nặc nhận mình là đứa trẻ đã chết cách đây hơn mười năm và đòi về ở với bố mẹ người đã chết. Sau khi đưa ra nhiều “bằng chứng” chứng tỏ mình là người đã chết, cháu bé đã được nhận về nuôi như một sự sống lại của linh hồn đã chết trước đó.
01/12/2010(Xem: 4442)
Hộ niệm là niệm Phật cầu nguyện cho một bệnh nhân khi nhận thấy thuốc chữa trị không còn tác dụng đối với người ấy nữa, khi mà người bệnh sắp qua đời.
18/11/2010(Xem: 6914)
THIỀN ĐỊNH: HÃY NGẮM NHÌN MỌI SỰ– bản ngã, hành động, đối tượng; bằng hữu, kẻ thù, người không quen biết, những người là đối tượng của sự tham luyến của bạn, sự sân hận, và sự vô minh; mọi hiện tượng mang lại kết quả – với sự tỉnh giác về thực tại: tất cả những điều này đều phù du, và có thể ngừng dứt bất kỳ lúc nào. Tất cả những hiện tượng này không chỉ biến đổi trong từng giây phút do bởi những nguyên nhân và điều kiện (duyên), nhưng chúng có thể kết thúc bất cứ lúc nào.
09/11/2010(Xem: 19883)
Qua sự huân tập và ảnh hưởng của tam độc tham, sân, si, ác nghiệp đã hình thành, thiết lập những mối liên kết với tâm thức qua những khuynh hướng có mục tiêu.
31/10/2010(Xem: 9844)
Tham sống sợ chết, đó là sự thật của người đời. Thế nhưng tại sao lại giết hại, cắt đứt sự sống của chúng sanh khác? Trong bài viết ngắn này chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề "Không sát sanh" hay "tôn trọng sự sống" như là thái độ sống của một người Phật tử.
28/10/2010(Xem: 5454)
Dưới đây là một bài thuyết giảng của Lạt-ma Dagpo Rimpoché tại ngôi chùa Tây tạngKadam Tcheuling tọa lạc tại Aix-En-Provence miền nam nước Pháp, vào ngày 23tháng 3, năm 2003. Thôngdịch viên : Marie-Stelle Boussemart. Ghi chép : Laurence Harlé, MichelLanglois, Cathérine Baguet, Marie-Stella Boussemart
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]