Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hành Trình Đi Tới Kiếp Sau (Thầy Pende Hawter, sáng lập Viện Dưỡng Đường Tiếp Dẫn Từ Bi (Karuna) để chăm sóc người sắp lâm chung ở thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland, Úc Đại Lợi, đã thực hiện cuộc phỏng vấn các bậc Đại sư Tây Tạng như Dalai Lama)

25/09/201201:24(Xem: 9752)
Hành Trình Đi Tới Kiếp Sau (Thầy Pende Hawter, sáng lập Viện Dưỡng Đường Tiếp Dẫn Từ Bi (Karuna) để chăm sóc người sắp lâm chung ở thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland, Úc Đại Lợi, đã thực hiện cuộc phỏng vấn các bậc Đại sư Tây Tạng như Dalai Lama)

dalai lama-3




Cuộc hành trình đi đến kiếp sau
Nguyên tác Anh Ngữ: Lama Pende Hawter
Chuyển ngữ: Thích Nguyên Tạng



Thượng tọa Pende Hawter, sáng lập Viện Dưỡng Đường Tiếp Dẫn Từ Bi (Karuna) để chăm sóc người sắp lâm chung ở thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland, Úc Đại Lợi, đã thực hiện cuộc phỏng vấn các bậc Đại sư Tây Tạng như Dalai Lama, Dilgo Khyentse Rinpoche, Kirti Tsen-shab Rinpoche, Garje Khamtul Rinpoche, và Geshe Lamrimpa, về tiến trình hấp hối, chết và tái sinh của con người. Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào tháng 5 năm 1995 tại tỉnh Dharamsala, miền Bắc nước Ấn Độ, nơi đặt trụ sở lưu vong của người Tây Tạng sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đào thoát khỏi quê hương từ năm 1959.

 

Dalai lama


GIÚP ĐỠ NGƯỜI HẤP HỐI

Hỏi: Xin cho biết cách nào tốt nhất để chúng ta có thể giúp đỡ người đang hấp hối và người vừa qua đời?

Đức Đạt Lai Lạt Ma: Khi gặp người đang hấp hối tuyệt đối tránh quấy rầy họ. Đặc biệt là không làm cho họ nổi giận hoặc khóc lóc để họ sanh tâm quyến luyến. Ngược lại, phải nhắc nhở để họ niệm Phật và hành trì vào giờ phút cuối, ví dụ như quán tưởng hình ảnh của chư Phật, các vị thầy đức hạnh, đấng thiêng liêng hoặc một lời dạy tốt đẹp nào đó tùy theo tín ngưỡng của họ. Nếu người ấy không theo một tôn giáo nào, nên giúp đỡ cho họ ra đi trong thanh thản và yên bình.

Khi người ấy trở nên hôn mê, nếu là hành giả tu tập, nên nhắc nhở pháp môn mà họ công phu thường ngày, đặc biệt lúc họ sắp ra đi. Kế đó tụng một số bài kinh. Nếu thân nhân muốn tốt cho người đang hấp hối thì tự tụng niệm hoặc cung thỉnh chư Tăng về nhà để trợ niệm tiếp dẫn. Trường hợp không có chư Tăng tiếp dẫn, người thân trong gia đình có thể tụng thần chú Om mani padme hum (Án Ma Ni Bát Di Hồng), hoặc những thần chú nào mà họ biết, để tiếp dẫn cho người hấp hối. Sau tang lễ, gia đình tiếp tục thọ trì, tụng niệm đến ngày thứ 49 cho Hương linh dễ dàng tìm lối tái sinh vào cõi giới an lành.

Công việc lo mai táng còn tùy nghi theo mỗi nền văn hóa hay tập tục của người chết, điều này không mấy quan trọng, bởi vì một khi thần thức(consciousness) đã thoát ra khỏi thân ngũ uẩn  thì thi hài ấy cũng giống như một đống đất. Tại một làng không theo Phật giáo thuộc miền Nam Ấn Độ, tập quán của họ là chôn cất thi hài rồi trồng cây lên ngôi mộ. Đây là cách giúp bảo vệ môi trường, chấm dứt việc ô nhiễm không khí (air pollution) từ hỏa táng bằng củi, một tập tục có từ lâu đời ở Ấn Độ. Tôi cho rằng điều này quá tốt vì giúp tránh tối đa việc hủy diệt cây rừng, một tài nguyên quý giá của quốc gia. Đây là một phương pháp tốt mặc dù nó không bằng như ở phương Tây nơi dùng điện để hỏa táng.


Garje Khamtul Rinpoche


Đại sư Garje Khamtul Rinpoche:
Đối với người hấp hối và người vừa chết, cách tốt nhất mà bạn muốn giúp đỡ là khởi phát lòng từ bi của chính bạn hướng đến người sắp lâm chung. Lòng thương yêu và bi mẫn của bạn rất có ích cho người hấp hối, vì nó phát khởi từ lòng bạn nên bạn dễ dàng tỏ bày cho người ấy lòng bi mẫn vô điều kiện mà người sắp chết rất cần.

 

Lòng từ bi thật sự của bạn sẽ tạo ra một bầu không khí yên bình cho người hấp hối nghĩ đến chiều hướng tâm linh cao cả và con đường tu tập của họ trong tương lai. Một điều quan trọng khác là bạn đừng xa lánh và bỏ người đang hấp hối một mình. Chết là sự thật và là một nỗi sợ hãi ghê gớm nhất đối với con người. Do đó, bạn nên ở bên cạnh họ, hoặc cầm tay họ nói lời an ủi, hoặc nhìn vào mắt họ với niềm cảm thông. Thân thể cũng có ngôn ngữ yêu thương của nó, hãy sử dụng nó đừng sợ hãi vì e rằng họ hôi hám, dơ bẩn hoặc sợ họ bắt mình theo, nếu bạn thể hiện được những cử chỉ trìu mến như thế, thì bạn sẽ đem lại cho người sắp lâm chung niềm an lạc lớn nhất ở cuối cuộc đời họ.

Khi bạn chắc chắn người ấy đã chết, bạn vẫn duy trì lòng bi mẫn vô bờ của bạn và cùng với mọi người ở bên cạnh tử sàng mà tụng lớn danh hiệu chư Phật như Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà hoặc danh hiệu 35 vị Phật v.v... Nếu bạn niệm Phật với lòng bi mẫn vô biên của bạn sẽ giúp cho người lâm chung một bước đường tái sinh.

Đại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Có hai hạng người cần xem xét ở đây. Thứ nhất là người có tín ngưỡng. Thứ hai là người không theo một tôn giáo đặc biệt nào. Nếu người hấp hối là một Phật tử thì chúng ta tụng kinh và niệm Phật tiếp dẫn siêu độ cho họ. Nếu người ấy không theo tín ngưỡng nào thì điều tốt nhất để giúp đỡ họ là khuyên họ nghĩ đến những người tốt và những điều tốt đẹp nhất trên đời. Khi một người đang hấp hối và trong giờ phút bối rối ấy, không gì tốt hơn là đem lại cho họ cái cảm giác bình an và ấm áp của lòng người, cảm giác này rất có ích cho tâm thức của họ.

Tôi sẽ giải thích chi tiết về những gì để giúp đỡ hai hạng người này. Đối với người theo đạo Phật, chúng ta có thể gợi cho họ hồi hướng về những gì mà họ từng quy y và tu tập. Chúng ta có thể nhắc cho họ nhớ về Bồ đề tâm, tỉnh thức tâm, thanh tịnh tâm và sự tập trung thiền định... Điều này rất có lợi cho một Phật tử. Đối với người không có đạo, chúng ta có thể khuyên họ suy nghĩ rằng: "Cầu mong cho mọi người được hạnh phúc, cầu mong cho mọi sinh linh được an vui, cầu nguyện cho mọi chúng sanh thoát khỏi những khổ sầu của họ". Những ý tưởng muốn sự tốt đẹp đến với người khác, rất có ích cho người hấp hối.

Đối với Phật tử lúc sắp chết, nên nhắc cho họ nhớ về công hạnh của chư Phật, nhớ về hình ảnh của một vị Phật nào đó, có thể đặt một ảnh Phật trong phòng của họ... Điều này rất có ích và là điều kiện giúp cho người quá cố vãng sanh dễ dàng.

Ngay sau khi người ấy chết, điều rất quan trọng cần lưu ý là không được đụng chạm đến thi hài của họ để cho tiến trình chết không bị gián đoạn, tiến trình này chỉ chấm dứt khi thân trung ấm (Bardo/Intermediate state) hoàn toàn thoát ra khỏi thân xác. Ở Tây Tạng, người thân phải đợi 48 tiếng đồng hồ sau mới tiến hành tang lễ.


Geshe Lamrimpa



Đại sư Geshe Lamrimpa: Nói chung, khi đã xác định người ấy sẽ chết, điều quan trọng là phải hoàn thành mọi ước nguyện của họ. Nếu họ tỏ ra luôn luôn giận dữ thì chúng ta nên làm cách nào để ngăn chặn cơn giận của họ, giữ cho họ luôn ở trạng thái thanh thản và yên bình. Nên tránh gây ồn ào và di chuyển qua lại thường xuyên bên người ấy. Nếu người hấp hối quá quyến luyến người thân, vợ chồng, cha mẹ, con cái, tốt nhất không cho những người thân này đến gần tử sàng. Hãy cố gắng làm điều này để tận trừ luyến ái của người hấp hối. Nếu xác định chắc chắn người ấy sẽ ra đi, chúng ta nên cho người ấy những đồ ăn thức uống và các thứ mà họ yêu cầu để họ vui lòng và thỏa mãn, ngay cả những món ăn kiêng cữ trong thời gian điều trị. Tuy nhiên, không được cung cấp độc dược và thức ăn có thể đe dọa đến mạng sống.

Nếu chúng ta cố gắng nói Pháp cho người hấp hối nhưng họ không thích nghe, tốt nhất là đừng nói, vì điều này tạo cho họ có ác cảm đối với Chánh pháp. Với ý nghĩ như vậy thì đời sau người ấy sẽ không thích gần gũi với Phật pháp.

Tương tự, nếu họ thích ăn uống mà mình không làm thỏa mãn ước muốn của họ, sẽ khiến họ giận dữ và cũng là nguyên nhân chính dẫn họ đọa vào loài quỷ đói (hungry ghost).

Nếu một người tin tưởng vào sự giúp đỡ của người khác và cũng là người từng giúp đỡ kẻ khác trong đời này, chúng ta nên nhắc cho họ nhớ về công hạnh tốt của họ và khen ngợi họ về việc tốt mà họ đã làm. Việc này làm tâm họ vui vẻ, hoan hỷ và họ sẽ tái sinh ở một nơi đầy hạnh phúc. Nếu chúng ta giúp cho ước nguyện của người hấp hối hoàn thành, thì họ sẽ rất mãn nguyện. Điều này ngăn ngừa sự trỗi dậy lòng tham ái, giận dữ, quyến luyến và những tâm tà kiến khác của người hấp hối, nhờ đó giúp họ tái sinh vào cõi lành mà không đọa vào cõi xấu.

Đối với Phật tử và người từng thọ trì một pháp môn nào đó thì thật là thuận lợi nếu họ được chúng ta nhắc lại mười điều Phật dạy trước khi chết như sau:

1. Không nên khởi niệm tham đắm chấp thủ mọi dục vọng ở đời này. Nên cố gắng và tránh hướng tâm luyến ái đến người thân, vì dẫu đời sau có gặp lại thì cũng phải chia ly. Trong thời điểm hấp hối, ta phải bỏ tất cả mọi thứ lại phía sau. Ta cũng không nên chấp đắm thân ngũ uẩn của mình, vì lúc chết ta phải rời bỏ nó. Ta không luyến tiếc các thứ như thức ăn, áo quần, nhà cửa, vì những thứ ấy cuối cùng cũng từ bỏ ta.

2. Ta nên phát khởi lòng từ bi và thương yêu đối với mọi chúng sanh.

3. Ta nên đoạn tận mọi uất ức và thù hằn, nếu không thì nó sẽ làm hại ta trong kiếp sau.

4. Những giới mà mình thọ nếu đã phạm phải, nên phát lồ sám hối cho thanh tịnh trước khi ra đi.

5. Ta phát tâm dõng mãnh thọ giới và giữ giới thanh tịnh ở kiếp sống kế tiếp.

6. Ta phải hối hận về những ác nghiệp chính mình đã tạo trong đời này và phát lồ sám hối để bản thân đi tái sanh dễ dàng.

7. Ta cũng nhớ đến những công đức mà mình đã làm trong đời này, những công đức của người khác đã làm và phát tâm sẽ tiếp tục thực hiện trong kiếp lai sanh.

8. Ta nên nghĩ đã đến lúc mình phải ra đi, không có gì sợ hãi cả, vì đó là quy luật tự nhiên, có sinh phải có tử, có hội họp phải có phân ly, quán chiếu như vậy để an tâm, tự tại và thong dong.

9. Phải quán chiếu mọi sự vật hiện tượng đều do nhân duyên sinh và cũng do nhân duyên mà hoại diệt, thân ngũ uẩn của mình không nằm ngoài quy luật ấy.

10. Ta phải quán chiếu rằng mọi sự vật hiện tượng đều vô ngã để ta vượt thoát khỏi đau và đạt đến an lạc hoàn toàn.



Dilgo Khyentse Rinpoche



Đại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Cách tốt nhất để giúp cho người hấp hối là lời nói và hành động của mình phải được thúc đẩy bởi lòng từ bi. Nếu có thể thì cung thỉnh các bậc thầy đức hạnh đến làm pháp chuyển di tâm thức (transference of consciousness at the time of death) cho người hấp hối. Pháp này tiếng Tây Tạng gọi là Phowa, được xem là một pháp tu đặc biệt giá trị và hiệu quả nhất để giúp cho người hấp hối. Các vị quán tưởng hình ảnh đức Phật đang trụ trên đỉnh đầu người hấp hối. Quán tưởng những tia sáng chiếu rọi vào người hấp hối giúp thanh lọc tâm của họ, và quán thấy họ tan thành ánh sáng, hòa nhập vào hào quang của chư Phật. Việc chuyển di tâm thức có thành công hay không là còn tùy thuộc vào sức mạnh tâm linh (định tâm) của người đang thực hiện nghi thức này. Pháp môn này không những dành cho người hấp hối mà còn có thể giúp tịnh hóa và chữa lành bệnh cho người còn sống. Các vị Lạt Ma vẫn thường dùng pháp này để cầu an kéo dài thọ mạng cho người già yếu. Một số đại sư cho rằng nên thực hiện pháp chuyển di tâm thức vào khoảng ngừng lại giữa hơi thở vào và hơi thở ra. Nhiều người khác thì nói rằng nên tiếp tục hành trì pháp này càng nhiều càng tốt sau khi người hấp hối đã chết để giúp cho thân trung ấm của họ dễ dàng tái sinh. Theo Luật Tông thì nên hỏa táng thi thể càng sớm càng tốt sau khi chết. Nhưng theo Mật Tông Tây Tạng thì tốt nhất là đừng di dời thể xác sau khi chết trong vòng ba ngàỵ


 

Hỏi: Người sắp lâm chung rất đau đớn về thể xác và hãi hùng với nỗi sợ chết. Phương pháp nào tốt nhất để giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi đó?

Đại sư Garje Khamtul Rinpoche:  phương Tây người ta thường dùng thuốc phiện hoặc thuốc an thần để giảm cơn đau thể xác của người hấp hối và giúp cho họ chết trong bình an. Tuy nhiên theo Phật giáo thì con người cần phải chết một cách đầy đủ ý thức, có sự tự chủ và tỉnh táo càng nhiều càng tốt. Vì thế cần phải kiểm soát sự đau đớn để nó không thể che mờ tâm thức của người sắp lâm chung, đó là điều kiện cốt yếu của việc làm giảm sự đau đớn về thể xác.

Thứ hai, làm gì để giúp người sắp chết vượt qua nỗi sợ chết? Trước hết, các vị phải thật bình tĩnh và chính mình cũng phải vượt qua nỗi sợ hãi ấy. Khi giúp đỡ người hấp hối, các vị cần phải lưu ý từng phản ứng của chính bạn, vì phản ứng của bạn sẽ phản chiếu trên phản ứng của người sắp chết và nó sẽ góp phần rất lớn vào sự an ủi của họ hay tàn phá họ. Khi niệm Phật tiếp dẫn, bạn cần chú ý trấn an người hấp hối rằng trong giờ phút cuối cùng này họ sẽ đối mặt với vô số những cảnh tượng hãi hùng khác nhau mà lâu nay họ chưa từng biết, và điều đó khiến cho họ vô cùng sợ hãi. Tuy nhiên, bạn phải trấn an họ rằng những gì hiện ra chỉ là ảo ảnh, hoàn toàn không có thật, chúng chỉ là sản phẩm từ ảo giác của người hấp hối. Nếu có thể, nên trao cho họ chuỗi ngọc Mani, hoặc một xâu chuỗi hạt của các thầy đức hạnh sẽ giúp đỡ cho họ an tâm để vượt qua nỗi sợ hãi. Chuỗi hạt ở đây là biểu tượng năng lực của bậc đạo sư, vì các vị đã công phu hành trì trong một thời gian dài.

Hỏi: Đối với người không phải là Phật tử, họ không theo một tín ngưỡng nào, thì làm gì để giúp họ?

Đại sư Garje Khamtul Rinpoche: Đối với một người không tin hoặc không biết gì về đạo Phật, chỉ cho họ viên ngọc Mani cũng như an ủi và giải thích cho họ biết những cảnh tượng rùng rợn mà họ sắp thấy trong chốc lát chỉ là những ảo ảnh trong giấc mộng chứ không có thật. Nhờ sự dặn dò trước này, họ sẽ vượt qua nỗi sợ hãi khi hấp hối.

 

 

Dilgo Khyentse Rinpoche-2
03. Khi nào thần thức của người mới ra khỏi thể xác?

Hỏi: Ở phương Tây, dấu hiệu thông thường của cái chết là chấm dứt hơi thở và tim ngừng đập. Còn theo Phật giáo thì phải mất bao lâu sau khi việc này xảy đến thần thức mới thoát ra khỏi thể xác?

Đại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Có lẽ có hai hạng người cần xem xét ở đây. Thứ nhất, những người trẻ tuổi hoặc những người đã nằm chờ chết trong một thời gian dài. Hạng người này tâm thức rất tinh tế và thần thức của họ sẽ không lưu lại trong thể xác lâu, có thể chỉ một ngày thôi. Thứ hai là những người mạnh khỏe và cái chết đến nhanh, thần thức của họ lưu lại trong thể xác đến ba ngày.

Những cái chết khác như bất đắc kỳ tử, chưa đến thời điểm chết mà phải chết, chết vì tai nạn hay vì bạo lực. Chẳng hạn hai người chém nhau, một người trong số đó chết đột ngột, thì thần thức của họ không lưu lại trong thể xác lâu. Nói chung, thời gian bao lâu tùy thuộc vào tâm thức nặng hay nhẹ của mình mà thoát ra khỏi thân xác sau khi chết.

Đại sư Geshe Lamrimpa: Khi hơi thở chấm dứt và tim ngừng đập, nó chỉ rõ rằng phần thô của thần thức đã tan mất. Tuy nhiên có nhiều trường hợp, phần tinh tế nhỏ nhiệm của tâm thức còn lưu lại trong thể xác người ấy hàng tuần lễ, thậm chí có lúc cả tháng. Nhưng hầu hết phần tinh tế của tâm thức rời khỏi thể xác trong ba hoặc bốn ngày, vào thời gian này thi hài người chết không bốc mùi hoặc thối rữa, có nghĩa là thi hài sẽ biến đổi ngay lập tức khi thần thức rời đi.

Đại sư Garje Khamtul Rinpoche: Chưa thể khẳng định rằng một người bình thường, sau khi chết thần thức của họ rời khỏi xác trong ba ngày sau đó. Nhiều người lưu lại lâu hơn, nhưng một số người khác thì trụ lại thời gian ngắn hơn. Có nhiều ví dụ điển hình trong số các vị Lạt Ma Tây Tạng. Như đức Lạt Ma Ling Rinpoche, vì Thầy Giáo Thọ của đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, thần thức của ngài đã trụ lại cả tuần lễ sau khi viên tịch. Ở trong cộng đồng người Tây Tạng, những trường hợp tương tự vẫn thường xảy ra.

Tóm lại, việc lo hậu sự cho người chết, tiến hành hỏa táng hay di chuyển thi hài người chết, tốt nhất phải đợi ba ngày sau. Tuy nhiên, ngày nay điều này khó thực hiện vì người ta sợ ô nhiễm, do vậy, nên làm phép chuyển di tâm thức trước khi động đến thể xác của người quá cố.

Hỏi: Trường hợp của những người chết vì bệnh quá nặng như ung thư và Aids (Sida) thì thần thức của họ có thoát xác nhanh hơn không?

Đại sư Garje Khamtul Rinpoche: Điều này không chắc chắn lắm. Việc thoát xác sớm hay muộn không thực sự tùy thuộc vào người chết bị tai nạn hay bị bệnh nặng, mà tôi nghĩ rằng việc ấy có liên hệ mật thiết đến thiện và ác nghiệp của người mất. Ví dụ, đối với một người tu tập theo pháp Dzogchen (Đại Toàn Thiện, giúp khai thị, đưa hành giả vào an trụ trong trạng thái bản nguyên của bản lai diện mục, Phật tánh của bản thân mình) hay một pháp nào khác thì sau khi chết họ tiếp tục quán tưởng Tánh không và thần thức của họ duy trì lại trong thể xác rất lâu, cho dù họ không hề luyến ái tấm thân ngũ uẩn này.

Hỏi: Các ngài có thể cho biết khi nào thì thần thức rời khỏi thể xác? Những dấu hiệu nào cho chúng ta biết rõ điều này?


Đại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Một lần nữa chúng ta lại thảo luận về hai hạng người thoát xác sau khi chết. Bây giờ tôi sẽ không đề cập đến hạng người có thần thức lập tức thoát xác sau khi chết mà chỉ nói đến hạng người có phần tinh tế thần thức lưu lại trong thi thể nhiều ngày. Người ta nói rằng trước khi thần thức người ấy thoát ra khỏi xác thì trên thi thể họ sẽ có một điểm nóng được tụ lại duy nhất có màu đỏ hoặc màu trắng, điểm nóng tụ lại ở đâu thì thần thức sẽ thoát ra ở chỗ đó. Ví dụ, nếu điểm nóng hội tụ ở đỉnh đầu thì chúng ta tin rằng người ấy sẽ tái sinh vào cõi lành, điểm nóng tụ lại ở bàn chân thì chắc chắn người ấy sẽ đọa vào hạ giới. Dấu hiệu cho biết khi thần thức thoát xác sẽ có một ít máu chảy ra ở lỗ mũi hoặc tinh dịch thoát ra từ bộ phận sinh dục.

Tuy nhiên, có một số người không thấy dấu hiệu này, đó là những người chết đột ngột vì tai nạn hay bị bệnh tim. Dấu hiệu này chỉ tìm thấy ở những người có tiến trình chết chậm và lâu.

Đại sư Geshe Lamrimpa: Hầu hết người nào bị chết vì bệnh nặng thì khi thần thức rời khỏi thể xác đều có dấu hiệu máu hoặc chất nước vàng chảy ra từ lỗ mũi hoặc bộ phận sinh dục. Khi thần thức thoát ra thì thể xác mới có mùi hôi. Đức Dalai Lama thứ 14 từng nói chuyện với các bác sĩ nổi tiếng ở phương Tây về vấn đề thần thức rời khỏi thể xác khi bệnh nhân tắt thở. Các bác sĩ đã trắc nghiệm và nói rằng họ đã thấy một làn khói trắng nhỏ thoát ra từ một điểm nào đó trên thân của người chết. Kết quả này được kiểm tra bằng máy móc và phân tích thể xác một cách cẩn thận.

Những dấu hiệu như giọt máu hoặc nước vàng đều xảy ra đối với những người chết vì bệnh nặng. Tuy nhiên, thi thể người ấy thường được di chuyển quá nhiều trước khi thấy những dấu hiệu này, vì vậy những trường hợp như thế tuyệt đối không bao giờ xảy ra. Ở Tây Tạng, theo tập quán truyền thống phải giữ thi thể trong ba, bốn hoặc bảy ngày ngõ hầu giúp cho thần thức có đủ thời gian để thoát xác. Trong thời gian chờ đợi này, các lễ kỳ siêu cho người quá cố được tiến hành một cách nghiêm mật.

Đại sư Garje Khamtul Rinpoche: Bạn có thể biết khi thần thức thoát xác dựa vào sự biến đổi của thi thể. Khi thần thức còn lưu lại trong thể xác thì bạn cảm thấy người ấy chưa chết thật sự, nước da của họ còn tươi và sáng lạ thường, giống như họ đang nằm ngủ. Nhưng một khi thần thức đã thoát xác thì lập tức ta thấy thi thể thay đổi khác liền, nước da khô, tái xanh đi và bắt đầu có mùi hôi. Lúc ấy, bạn mới có cảm giác đó là một xác chết chứ không phải là một người nữa.

Những kinh nghiệm về làn khói hoặc giọt máu xuất ra khi thần thức thoát xác không phải lúc nào cũng nhìn thấy được, chúng ta chỉ gặp ở một số ít người. Trong số những người này, khi thần thức thoát xác, chất nước vàng chảy ra từ lỗ mũi và ở hạ bộ. Có một vị cao tăng Tây Tạng viên tịch, khi thần thức thoát xác, lỗ mũi của ngài liền chảy ra hai dòng chất dịch lỏng, một bên thì màu đỏ còn bên kia màu trắng.

Hỏi: Có đúng là cho đến khi thần thức thoát xác, thi thể mới bắt đầu có mùi hôi và có dấu hiệu thối rữa?

Đại sư Garje Khamtul Rinpoche: Sự thật đúng như thế.

Hỏi: Khi một người chết nhưng thần thức vẫn còn lưu lại trong thể xác. Vậy người ấy có cảm giác gì không nếu bị người khác đụng chạm đến?


Đại sư Geshe Lamrimpa: Họ sẽ không có cảm giác gì cả. Khi phần khô của thần thức tan mất thì người ấy không còn cảm giác nữa. Đối với các vị Tăng chứng đắc và người Phật tử có tu tập, khi chết, phần tinh tế của thần thức còn lưu lại trong thể xác, thì họ có thể chết ở trong tư thế ngồi thiền, đến khi thần thức thoát xác, thi thể của vị ấy mới ngã xuống.

Mấy mươi năm trước, khi những người Tây Tạng đầu tiên đến tỵ nạn tại tỉnh Buxa của Ấn Độ, một Phật học viện của Phật giáo Tây Tạng nọ, có hai vị tăng đánh nhau và một người chết. Sau đó, vì vụ này mà chính quyền Ấn và người dân địa phương chỉ trích rất gắt gao đối với người dân Tây Tạng, họ nói rằng các tu sĩ Tây Tạng chỉ biết chém giết nhau mà thôi. Về sau có một lạt ma đức hạnh tên là Gyari Rinpoche, đến từ tu viện Ganden ở Tây Tạng, vị này đã viên tịch tại Ấn với tư thế ngồi kiết già trong bảy ngày; Người Ấn được mời đến chứng kiến cái chết lạ thường của vị Lama này và họ cố gắng giật mạnh khăn trải giường để làm cho thi thể của ngài ngã xuống, nhưng ngài vẫn ngồi thẳng như pho tượng, dù trải qua bảy ngày nhưng thể xác của ngài vẫn không có mùi hôi. Sau sự kiện này, quan điểm của họ về các Tăng sĩ Tây Tạng đã thay đổi hẳn, họ không còn phê bình, chê bai lạt ma Tây Tạng nữa.

Hỏi: Nếu đụng chạm và di chuyển thi thể trước khi thần thức thoát xác có ảnh hưởng gì đến tâm thức của người chết không? Vì ở trong bệnh viện, sau khi người hấp hối ngừng thở và tim hết đập, còn nhiều thủ tục khác chi phối đến tử thi. Sự can thiệp này có hại cho thần thức người chết không?

Đại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Trước hết, nếu đó là một người tinh thông có năng lực thiền định, họ cố gắng hành thiền sau khi trút hơi thở, nếu ta lắc mạnh thi thể của họ vào lúc họ ở trong trạng thái thiền định thì sẽ khuấy rối tiến trình tập trung thần thức của họ. Do đó, tốt nhất là không đụng chạm đến thể xác họ trong thời điểm ấy. Ngay cả một người thường (người không có tu tập) cũng không nên đụng đến thi thể của họ cho đến ba ngày sau. Nếu một người đang ngủ say, nhưng ta lay mạnh thì họ sẽ thức giấc ngay, người chết ở đây cũng vậy, khi chạm đến họ, không có tác hại gì cho thể xác, nhưng có hại rất lớn đến thần thức của họ.

Thêm vào đó, nếu chúng ta phải thay khăn trải giường của người vừa chết cho sạch sẽ thì cũng nên thao tác nhẹ nhàng. Tương tự, nếu người chết còn mở mắt và hả miệng, nên yêu cầu một người thân trong gia đình đến trước tử thi bày tỏ lòng kính trọng cuối cùng rồi giúp họ khép mắt và miệng lại để trông dễ nhìn hơn. Đối với những người bị dị tật, tay chân cong quẹo, lúc tẩm liệm phải kéo thẳng ra để dễ dàng đưa vào quan tài. Nhưng mỗi cử chỉ đối với người chết đều phải nhẹ nhàng và thực hiện ba ngày sau khi người ấy trút hơi thở cuối cùng.

Hỏi: Có lợi ích gì khi chúng ta chạm hoặc kích thích trên đỉnh đầu của người hấp hối và người chết, đặc biệt là người vừa chết?

Đại sư Garje Khamtul Rinpoche: Khi một người vừa chết, chúng ta có thể sờ chạm vào đỉnh đầu của họ, đó là vùng huyệt đạo tốt nhất để thần thức thoát ra mà ngài Je Tsongkhapa (Tông Khách Ba, sáng lập tông phái Cách-lỗ (Gelugpa) một trong những giáo phái quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma thuộc phái này) gọi là "chiếc cổng vàng". Do đó, bạn nên kích thích vào vùng đỉnh đầu, nếu thần thức của người chết thoát ra ngoài bằng đường này thì chắc chắn họ sẽ thác sinh vào cảnh giới an lành.

Nhưng nếu thần thức thoát ra bằng các đường ở hạ bộ, từ lỗ rốn trở xuống, người ấy sẽ thác sinh vào 3 đường ác, đó là địa ngục, ngạ quỷ hay loài cầm thú. Vì thế, người Tây Tạng không bao giờ tiếp xúc phần hạ bộ của thi thể người chết, nếu ta chạm vào chỗ nào của họ thì thần thức sẽ tụ lại chỗ ấy mà thoát ra ngoài

Đại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Tiếp xúc vào đỉnh đầu của người hấp hối được xem như là đang làm phép "chuyển di tâm thức" cho họ. Thực hiện phép này không phải là một vấn đề đơn giản, phải làm cẩn thận để giúp cho thần thức của người hấp hối tập trung ở đỉnh đầu, chỗ mái tóc giáp nhau, gọi là cửa Brahma. Nếu đầu của người ấy không bị sói thì chúng ta phải nhổ năm ba sợi tóc bên trên cửa ấy và dùng ngón tay trỏ cạo nhẹ nhiều lần vào chỗ ấy, việc làm này nhằm giúp cho thần thức của người chết biết vị trí mà thoát ra ngoài. Kỹ thuật này cũng thường giúp cho chất nước vàng chảy ra từ cửa ấy, dấu hiệu đó chứng minh cho phép chuyển di tâm thức đã thành công.

 

 

04. Thần thức phải ở trong trạng thái trung ấm bao lâu



Hỏi: Sau khi thần thức rời khỏi thể xác và bước vào giai đoạn thân trung ấm giữa đời này và cuộc sống kế tiếp, phải mất bao lâu trước khi thần thức này gá vào một bào thai mới?

Đại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Thời gian kéo dài trung bình để một người đi tái sinh vào một cơ thể mới là bảy tuần lễ. Cứ sau bảy ngày thì thân trung ấm chết đi và rồi tái sinh lại trong một thân trung ấm khác cho đến khi nó bắt được liên lạc với cha mẹ tương lai mới đi tái sinh. Tuy nhiên có nhiều người sau khi chết chỉ mất hai giây họ đã đi tái sinh vào cảnh giới khác.

Lý do tại sao thần thức phải chịu đựng trong tiến trình trung gian sinh và tử giống như ma quỷ này? Vì do nghiệp thiện và ác của người ấy gây tạo đời trước sẽ quyết định dẫn dắt họ đến nơi thích hợp, do đó phải cần có thời gian nhất định để tìm kiếm cho một đời sống tương lai.

Đại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Bốn mươi chín ngày là thời gian dành chung cho tất cả mọi người, nhưng có một số người khác cứ vất vưởng trong thế giới trung ấm này một thời gian rất lâu, có lúc đến bảy năm mới đi tái sinh. Nếu trường hợp họ bị kẹt lại trong thế giới trung gian này, họ sẽ trở thành ma quỷ. Thông thường khi một người đang hấp hối, chúng ta tụng kinh kỳ siêu hoặc nhắc nhở, họ đều nghe thấy, thậm chí người bất tỉnh cũng thế. Đối với Hương linh trong cõi trung ấm cũng có khả năng nghe, cảm nhận và hiểu được khi chúng ta đọc sách "Tử thư Tây Tạng" (Tibetan Book of the Death) để cảnh tỉnh họ. Vì thế, trong bảy tuần lễ đầu sau khi chết là thời gian rất quan trọng để cho người sống làm mọi việc có thể giúp sức tái sinh cho người quá cố.

Còn thần thức của những thai nhi chết trước khi chào đời, bị sẩy thai, chết ngay trong lúc sinh hoặc chết sau khi sinh, sẽ đi qua các trạng thái trung ấm một lần nữa và rồi mới đi tái sinh. Cha mẹ của họ cũng có thể tạo phước (meri-forious acts) để hồi hướng công đức cho vong linh hoặc thực hiện các pháp dành cho người chết như thọ trì thần chú Kim cương Tát đỏa, thần chú một trăm âm (Hundred - syllable mantra of Vajrasattva), đủ túc số 108 biến, cúng dường đèn, bố thí, phóng sinh các loài vật... để giúp cho thần thức của hài nhi đó được nhẹ nhàng và dễ dàng tìm lối tái sinh.

Đại sư Geshe Lamrimpa: Không thể xác định thời gian chính xác là bao lâu. Nếu một người không phải tái sinh vào cõi người thì họ liền thác sinh đến cõi khác chứ không qua giai đoạn thân trung ấm. Nhưng nói chung một người có thể ở trong cõi trung ấm trung bình là 49 ngày, có người ở một ngày, bốn ngày và có khi bảy ngày... Trong thời gian trụ lại trong trung ấm thân, vong linh tìm kiếm một đời sống tương lai khế hợp với nghiệp của mình để tái sinh.

Đại sư Gerje Khamtul Rinpoche: Đối với một số người thời gian dài nhất là bảy tuần lễ, nhưng có một số khác chỉ ở trong thân trung ấm ba ngày. Phần lớn người chết đều đi đầu thai sau hai mươi mốt ngày.

Không phải ai chết cũng qua giai đoạn thân trung ấm. Có một số người tu tập chứng ngộ, có một đời sống phạm hạnh và lợi lạc quần sanh, khi chết họ trực tiếp tái sinh vào cảnh giới tốt lành chứ không qua giai đoạn trung gian này. Một người phạm 5 tội nặng: giết cha, giết mẹ,  giết A la hán, tổn hại Phật và phá hòa hợp tăng, hoặc có một đời sống ác nhơn thất đức... thì sẽ đọa liền vào địa ngục, ngạ quỹ, cầm thú chứ không qua giai đoạn thân trung ấm.

 

 



botatquangductuthieu


05. Quan điểm của Phật giáo về việc tự sát

 

Hỏi: Xin cho biết quan điểm của Phật giáo như thế nào về vấn đề tự sát?

Đại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Đối với người Phật tử, tự sát là một tội rất lớn. Vì sao? Bởi vì có được thân người là một trong những điều khó và làm bị thương hoặc hủy diệt thân ấy là một điều sai lầm rất lớn. Tự tử thường bắt nguồn từ kết quả của những cơn nóng giận. Chỉ có giận dữ người khác mà không làm gì được nên trở lại giết chết mình. Đối với một người không theo đạo Phật cũng thế, tự tử là một hành vi đáng trách và tội lỗi. Sau khi chết, thần thức của họ không có một nơi nào khác là phải lao theo nghiệp ác của mình. Vì thế chúng ta phải nghĩ cách làm thế nào để giúp họ vượt qua những cơn khủng hoảng tinh thần và nỗi khổ đau của họ. Ở trong tình trạng rối loạn, bế tắc và tuyệt vọng, cơn khủng hoảng trầm trọng này có thể đẩy con người đến chỗ tự sát.

Đại sư Garje Khamtul Rinpoche: Nhà Phật cho rằng tự tử là một điều tồi tệ nhất mà con người có thể làm. Đây là một hành động tiêu cực khiến cho thần thức của kẻ ấy gặp khó khăn trong việc tái sinh. Theo truyền thống của Phật giáo Tây Tạng thì có hàng trăm vị nam và nữ thần ở trong thân của chúng ta, nếu phạm vào tội tự sát, đồng thời ta cũng giết cả họ. Còn theo Phật giáo Đại Thừa thì dưới chân của mỗi sợi tóc thì có hàng ngàn tế bào sống khác...khi ta giết ta thì đồng thời ta cũng sát hại chúng.

Đại sư Geshe Lamrimpa: Theo Phật giáo thì tự tử là một hành vi tiêu cực và là nguyên nhân khiến cho thần thức của người ấy rơi vào cõi xấu.

Đại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Khi một người tự tử, thần thức của họ thường phải đi theo nghiệp xấu của mình, rất có thể họ sẽ bị một ác ma bắt lấy và chiếm đoạt sinh lực. Để giúp cho những người này, các vị thầy có năng lực phải làm nhiều lễ kỳ siêu đặc biệt như năm cuộc lễ và những nghi thức khác để siêu độ thần thức cho người chết.

Hỏi: Trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam, có nhiều Tăng sĩ đã tự thiêu, với động cơ là làm cho thế giới chú ý đến nỗi khổ đau chiến tranh. Việc tự thiêu của họ phải chăng là hành vi tiêu cực?

Đại sư Geshe Lamrimpa: Các vị Bồ Tát được phép thực thi một số hành vi mà người thường cho đó là tiêu cực. Tuy nhiên, Phật giáo Nguyên thủy phản đối hành động này, vì thế tự tử luôn được xem là hành vi tiêu cực trong truyền thống này. Nếu bạn phân tích kỹ hơn, xem động cơ nào khiến cho chư Tăng Ni Việt Nam tự thiêu, thì chúng ta mới phán xét là tiêu cực hay tích cực. Trong Kinh Phật giáo có ghi lại câu chuyện về một vị Tỳ kheo trẻ bị một phụ nữ ép buộc phải lấy bà ta. Vị này biết rõ rằng nếu mình chịu lấy thì sẽ phạm giới; mặt khác, nếu không chịu lấy, bà ta sẽ vu khống rằng mình đã có những hành vi tồi bại. Vì thế, để giải quyết tình cảnh bế tắc này mà không phạm giới, vị ấy quyết định tự kết liễu đời mình. Suy nghĩ như thế rồi, vị ấy giả vờ đồng ý và nói với bà ấy đợi một chút. Vị ấy vào phòng trong, đóng cửa và tự đâm vào cổ họng mà chết. Trước khi tắt thở, vị ấy kính lễ mười phương Tam Bảo và nói rằng: "Vì tôn kính Tam Bảo và gìn giữ giới hạnh mà con quyết định từ bỏ thân mạng này".

Trong Kinh nói đây là hành vi tích cực và có công đức. Nếu trường hợp chư Tăng Ni Việt Nam vì động cơ muốn cứu vãn Chánh pháp và đất nước họ không lún sâu vào chiến tranh, vì một động cơ cao cả như thế thì hành vi tự thiêu của họ không thể cho là tiêu cực mà phải được xem là hành vi của các vị Bồ Tát.

Hỏi: Quan điểm của Phật giáo như thế nào về việc chấm dứt mạng sống trước khi người ấy chết? Bệnh nhân yêu cầu để cho họ chết tự nhiên bằng cách không dùng thuốc hay những phương pháp y học nào đó vì họ quá đau đớn về thể xác và tinh thần trong khi việc điều trị không mang lại kết quả.

Đại sư Garje Khamtul Rinpoche: Trong trường hợp này rõ ràng bạn muốn đem lại lợi ích cho người khác, chấm dứt sự đau đớn của họ. Tuy nhiên, cần phải xem xét cẩn thận chứ đừng nên hành động thiếu suy nghĩ, bởi vì giết một mạng người là một tội ác, vì vậy, dù đau đớn dữ dội, thay vì để cho họ chết thì cố gắng dùng hết khả năng để điều trị cho họ, có thể cho họ uống thuốc giảm đau hoặc thuốc an thần chẳng hạn. Mặt khác, nên nhớ rằng thân người rất khó khăn mới có được. Do vậy, các nhà điều trị phải suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định việc này.

Đại sư Geshe Lamrimpa: Nên tiếp tục chữa trị để giữ mạng sống cho họ. Nếu người ấy chết với trạng thái tâm giận dữ, bất an, tiêu cực hay hôn mê thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu thai và sẽ gặp bất lợi cho đời sống tương lai của họ. Mặt khác, nếu cho họ uống thuốc để rút ngắn mạng sống thì cũng không thích hợp.

Hỏi: Đôi khi họ muốn được chết thì phải làm sao?

Đại sư Geshe Lamrimpa: Họ muốn chết trước thời hạn, bởi vì họ không chịu đựng nổi sự đau đớn ngay trong đời này. Nhưng họ đâu biết rằng nỗi khổ đau ấy họ vẫn phải tiếp tục đối mặt trong kiếp sau, vì thế, tốt hơn hết nên an ủi, giải thích và giúp họ điều trị.

Đại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Sử dụng máy móc để kéo dài mạng sống của một người không còn cơ may lành bệnh là điều vô lý và hãi hùng. Tốt hơn cứ để cho họ ra đi một cách tự nhiên trong bầu không khí yên bình. Khi sử dụng máy móc mà không còn hy vọng hồi phục cho người bệnh thì việc chấm dứt điều trị bằng máy không phải là tội ác. Rõ ràng không cần thiết để kéo dài sự sống nhân tạo cho họ. Theo cách nhìn của nhà Phật, thì chúng ta nên làm bất cứ điều gì có thể để trợ giúp cho người ấy đối phó với sự xuống tinh thần trong giờ phút đau đớn và sợ hãi, đem lại cho họ niềm bình an vào phút cuối của cuộc đời.

 

 

06. Hiến tặng thể xác có tốt không?



Hỏi: Ở phương Tây, hiến tặng những bộ phận trong cơ thể người vừa chết là việc bình thường, như hiến tặng cặp mắt, quả thận để cho người khác, việc làm này có ảnh hưởng hay làm trở ngại gì cho thần thức của người chết không?

Đại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Việc hiến tặng thi thể là một điều tốt, bởi vì nó phát khởi từ động cơ làm lợi lạc cho người khác với lòng bi mẫn chân thật. Và một khi đó là ước nguyện cuối cùng của người chết thì tuyệt nhiên không có ảnh hưởng hoặc có hại gì cho thần thức của họ khi họ rời bỏ thể xác. Trái lại, việc làm tích cực này sẽ góp phần tạo thiện nghiệp cho người ấy trong đời sống vị lai.

Đại sư Garje Khamtul Rinpoche: Nếu một người muốn hiến tặng thi thể của họ thì nên lấy những bộ phận cần thiết ấy sau khi người đó chết. Điều này không có gì ảnh hưởng đến tiến trình thần thức thoát xác và tái sinh của họ.

Hỏi: Có nhiều trường hợp nếu các bộ phận của thi thể được lấy đi mà thần thức của họ chưa rời khỏi thể xác thì sao?

Đại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Điều này tùy thuộc vào lòng từ bi và ước nguyện của người chết. Nếu người ấy đã từng bày tỏ nguyện vọng bố thí, hiến tặng nội tạng của mình một cách chân thành, thì có thể lấy đi những bộ phận cần thiết ngay cả trước khi tim ngừng đập, cũng không có hại gì cho thần thức.

Đại sư Garje Khamtul Rinpoche: Như tôi đã nói trên, thần thức sẽ rời khỏi thể xác khi ta can thiệp đến thi hài của họ, chẳng hạn như ta kích thích vào vùng đỉnh đầu để chỉ dẫn cho thần thức thoát ra. Một khi thần thức đã ra rồi thì bạn có thể lấy đi những nột tạng cần thiết. Do đó, nên lưu ý giúp người chết làm phép chuyển di thần thức trước khi lấy những thân phần của họ.

Hỏi: Còn phương pháp đông lạnh (Cryonics) thi hài sau khi chết thì sao ?

Đại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Việc ấy hoàn toàn vô nghĩa, không đem lại một lợi ích nào. Thần thức người ấy không thể quay lại thi thể một khi người ấy đã chết thật sự.

 

 



07. Làm gì để chuẩn bị cho cái chết?



Hỏi: Có phương pháp nào tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết của mình không?

Đại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Phương pháp tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết của mỗi người là nên tu tập tâm linh trong suốt cuộc đời mình.

Đại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Một lần nữa tôi phải đề cập đến hai hạng người, thứ nhất là tín đồ theo đạo Phật, thứ hai là những người không có đạo.

Đối với hạng người thứ nhất đã từng quy y và tu học theo Chánh pháp, khi họ biết rằng cái chết đang đến với họ thì đó là thời gian giúp họ tinh tấn hơn trong việc tu tập của mình.

Đối với hạng người thứ hai, chưa hề nghĩ gì về con đường đạo trong cuộc đời họ, nên khuyên họ cố gắng phát khởi đạo tâm; tâm đạo ở đây nghĩa là suy nghĩ về điều tốt, nghĩ và cầu mong điều tốt đến với người khác. Đây là cách tốt nhất dành cho những người không có đạo chuẩn bị cái chết.

Đại sư Garje Khamtul Rinpoche: Giống như ta đi đến một nha sĩ, đó là điều không ai tránh khỏi, việc cuối cùng cũng phải xảy ra, chết cũng thế, vì vậy có gì tốt đẹp bằng nếu ta bắt đầu suy nghĩ về nó ngay bây giờ. Nếu muốn biết rõ về cái chết ta nên hỏi các bậc thầy của mình, những người có kiến thức về cái chết, các ngài sẽ cho chúng ta biết con người sẽ chết như thế nào. Khi biết rõ rồi, ta thật sự không sợ chết và nó sẽ còn giúp đỡ ta rất nhiều.

Đại sư Geshe Lamrimpa: Nếu một người đang chuẩn bị một nơi tái sinh hạnh phúc thì vị này ngay bây giờ hãy trừ diệt tam độc tham sân si và 10 ác nghiệp, bằng cách tu tập giới, định, tuệ và mười điều thiện, đó là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không nói điều phù phiếm, không nói lời 2 lưỡi, không nói lời độc ác, không tham lam, không sân hận, không si mê). Đây là lời dạy chung cho tất cả mọi chúng sinh. Đối với một người đã thọ giới để tu hay một hành giả Mật giáo, họ phải sám hối những giới và những lời phát nguyện mà họ đã phạm.

Mặt khác, nếu muốn đời sau giàu sang thì phải thực hành pháp bố thí, muốn được hạnh phúc thì phải giữ giới, muốn được trường thọ nên tránh sát sinh, muốn được ngưỡng mộ và tôn kính phải tu pháp nhẫn nhục. Muốn giải thoát thì tu tập sáu hạnh ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Nói chung, nếu chúng ta loại bỏ hết ác nghiệp, sám hối tất cả nghiệp chướng và tích cực tạo công đức, giúp mình có một sức mạnh hỷ lạc về nội tâm. Khi cái chết đến với ta, chính năng lực công đức tu tập và công đức trì giới ấy sẽ tiếp sức cho ta đi tới một đời sống khác an toàn và hạnh phúc. Đó là cách tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết của mọi người.

Hỏi: Ở trong Phật giáo có một vài phương pháp thiền quán niệm về cái chết và kể lại tiến trình chết. Loại thiền này có lợi ích gì không ?

Đại sư Geshe Lamrimpa: Theo triết học của Phật giáo, phương pháp thiền quán tưởng về cái chết là nhắm vào mục đích để ta ý thức được cuộc đời là vô thường và ta sẽ trở nên quen thuộc với những diễn biến khác nhau về cái chết mà con người sẽ phải đi qua. Điều đó rất có ích. Trong pháp tu này, hành giả biết rõ những dấu hiệu xảy ra trong tiến trình đưa đến cái chết như sự suy yếu của sáu giác quan, và sự tan rã dần của thân tứ đại... Rồi tiếp đó, ta cũng nhận ra rằng khi ta tái sinh vì sự hỗn hợp giữa tinh cha, huyết mẹ và thần thức của ta; một lần nữa, ta lại thấy cái chết đến với ba thứ này, tiến trình sinh tử này không dứt cho đến khi ta giác ngộ. Theo triết học Phật giáo Tây Tạng thì tu tập thiền quán về cái chết là một pháp tu rất quan trọng.


Pende Hawter

08. Chủ Nghĩa Vị Tha là trái tim của Phật Giáo

Hỏi: Ở phương Tây, nhờ Phật giáo mà trong những năm gần đây có sự phát triển rất nhanh về phong trào thiết lập những Tiếp Dẫn Đường để chăm sóc cho những người sắp lâm chung. Các ngài có nghĩ rằng chúng ta có thể đem lại lợi lạc cho người chết không?

Đại sư Garje Khamtul Rinpoche: Tôi cho rằng phong trào này rất tốt bởi vì người phục vụ và người được chăm sóc đều biết rõ mình cuối cùng cũng đi đến cái chết, do đó khi còn sống trên đời này họ cố gắng làm mọi điều tốt đẹp và nhất là giúp đỡ những người sắp lâm chung. Giống như khi bạn đi máy bay, biết rằng bạn đang ở trên không trung và có cảm giác sợ hãi. Nhưng khi bạn thấy xung quanh có đủ tất cả những tiện nghi để giúp đỡ bạn thì bạn cảm thấy như mình đang ở nhà, bạn cảm thấy hạnh phúc về điều đó. Tóm lại, tôi thấy rằng các Tiếp Dẫn Đường ở phương Tây rất tốt, vì nó giúp cho người sắp lâm chung cảm thấy an tâm, tự tin và không sợ hãi nữa.

Đại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Ý tưởng thành lập các dưỡng Đường Tiếp Dẫn cho người sắp lâm chung là biểu trưng cho lòng từ bi vô biên của chúng ta đối với người sắp chết. Đây là một phong trào rất tốt mà tôi cho rằng phát triển nhiều Trung tâm thêm chừng nào tốt chừng ấy. Ở phương Tây xưa nay không quan tâm đến vấn đề tu tập tâm linh, nên người sắp chết rất cần sự nâng đỡ về tinh thần ở cuối đời, điều này giúp cho họ có một sức mạnh nội tâm để vượt qua nỗi hãi hùng của cái chết.

 

Cuối cùng, trái tim của Phật giáo là lòng vị tha, nghĩ đến người khác và giúp đỡ cho họ. Chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể đem lại sự an ủi, nâng đỡ tinh thần cho họ mà xã hội đã một thời bỏ rơi và thiếu quan tâm.

Từ đáy lòng mình, tôi muốn nói lời cảm ơn Thầy Pende Hawter (người thực hiện cuộc phỏng vấn này) rất nhiều và tôi phải nói rằng Thầy đừng nghĩ rằng mình đang đơn độc với trong công việc này. Vì tất cả những gì mà Thầy đang làm hiện nay là đại diện cho một đường hướng hoạt động của Phật giáo trong thời hiện đại. Chư Phật, Bồ tát và các vị Long Thiên Hộ pháp luôn ủng hộ và luôn gia hộ cho Thầy.


Source: Mandala Journal 9/1997





youtube
 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/11/2012(Xem: 9904)
Người Phật tử có trí và hiểu đạo chỉ quan tâm khiến cho mỗi đời sống là một bước tiến trên con đường tiến bộ tâm linh không ngừng, dẫn tới sự giải thoát và giác ngộ tối hậu...
03/10/2012(Xem: 4930)
Hỏi:Lý thuyết về nghiệp có tính cách thực nghiệm và khoa học, hay được chấp nhận bằng đức tin? Đáp:Ý niệm về nghiệp hữu lý trên nhiều phương diện, nhưng một số người đã hiểu lầm về nghiệp. Họ cho rằng nghiệp là số mệnh hay tiền định. Nếu một người bị xe đụng hay buôn bán lỗ, người ta nói: “Họ xui quá, đó là nghiệp của họ .”Đó không phải là ý niệm về nghiệp trong Phật giáo. Thật ra, câu nói này mang ý niệm về ý Trời nhiều hơn, điều mà chúng ta không hiểu và cũng không kiểm soát được. Trong Phật giáo, nghiệp nói về những xung động. Căn cứ vào những hành động ta đã làm trong quá khứ, những xung năng khởi lên trong tâm ta
29/06/2012(Xem: 4310)
Khi chúng ta sinh ra, cha mẹ hoặc người thân phải đăng ký để chúng ta có được tấm giấy khai sinh, biết được ngày, nơi chốn mà mình ra đời. Khi lớn lên một chút ta đến trường đi học, rồi từng bưóc ta vào tiểu học trung học, đại học, dù đến đâu và làm gì, ta cũng đều ghi danh, nộp đơn, xin giấy tờ v.v... Ta lại phải đăng ký để có những giấy tờ cần thiết mà quốc gia xã hội đó yêu cầu. Khi đi làm ta cũng điền đơn, bằng cấp, giấy tờ, mới hy vọng có đưọc công việc vững vàng.
07/06/2012(Xem: 6122)
Những trường hợp “đầu thai” tại bản Chiềng Châu (Mai Châu, Hòa Bình) diễn ra từ hàng chục năm nay. Những đứa trẻ khi sinh ra hoàn toàn bình thường, đến khi 3-4 tuổi lại nhận mình là… con của những gia đình khác xa đến cả chục cây số.
02/05/2012(Xem: 6010)
Trong khi những tinh yếu của giáo lý Phật giáo như bất bạo động, duyên khởi (sinh môi), vô ngã (tâm lý học hiện đại), vô thường (Thuyết tương đối)… được Tây phương tiếp nhận niềm nở vì khế hợp với những khám phá khoa học hiện đại, những giải thích về nghiệp báo và tái sinh gây ra những khó khăn về nhận thức luận cho các Phật tử Tây phương. Trong Banguyên tắc để kiểm chứng ‘chánh pháp’, thường gọi là ‘Tam Pháp Ấn’ không có ‘nghiệp’ và ‘tái sinh’, tuy nhiên đối với Phật tử Á châu, nghiệp và tái sinh đồng nghĩa với ‘Phật giáo’. Không thể ‘có’ Phật giáo nếu không có ý niệm nghiệp. Nghĩa là không ai có thể tự gọi mình là Phật tử nếu không chấp nhận hay tin lý thuyết ‘Nghiệp’.
02/05/2012(Xem: 5018)
Lama Zopa Rinpoche là giám đốc đỡ đầu của FPMT (Trung tâm Bảo Tồn Truyền Thống Đại Thừa), là một hệ thống các trung tâm, tự viện, trạm xá, trường học Phật giáo trên toàn thế giới. Ngài là tác giả của nhiều đầu sách như Làm thế nào để được Hạnh phúc; Chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc; và Sự Làm Lành Tối Thượng. Kathleen McDonald xuất gia theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng năm 1974. Bà cũng là tác giả của nhiều sách Phật giáo nổi tiếng như bộ sách Phương Cách Hành Thiền; Đánh Thức Tâm Từ Bi: Thiền quán về Tâm từ bi.
07/04/2012(Xem: 4388)
1. Bản thân của người vãng sanh phải hội đủ Tam Tư Lương (ba điều kiện) Tín Hạnh Nguyện, lúc bình thường phải dặn dò gia quyết chú ý những điều cần biết khi vãng sanh, Đại Sư Ngẫu Ích dạy: Có được vãng sanh toàn do tín nguyện có hay không, phẩm vị cao hay thấp đều do trì danh sâu hay cạn. 2. Con cái quyến thuộc phải phát đại hiếu tâm và từ bi ân huệ tâm, tuân theo lời Phật dạy như pháp hộ trì cha mẹ thân nhân vãng sanh tây phương, thì gọi là: Tự thoát khỏi trần lao, mới có thể thành tựu. 3. Các liên hữu chân thành hết lòng hộ niệm, thành tựu cho người khác vãng sanh, sẽ được quả báo người khác thành tựu cho mình vãng sanh. Tổ Ấn Quang nói: Khuyên bảo mọi người nên tu tịnh nghiệp, nguyện cho chúng sanh đó là bổn nguyện của Phật. 4. Nếu có thể y theo ba yếu tố như pháp hộ trì trợ niệm, thì nhất định vạn người tu vạn người đi, thành tựu cho chúng sanh vãng sanh tây phương, viên thành Phật đạo, công đức không thể nghĩ bàn. Nếu vãng sanh có chướng ngại, thì phải chân thành cầu Phật gia t
03/03/2012(Xem: 3625)
Nhân mùa An cư tại Thiền viện Trúc Lâm, quý Phật tử trong đạo tràng về đây cúng dường, và tâm khao khát Phật pháp nên thỉnh quý thầy nói chuyện đạo lý để huân tập sâu chủng tử giác ngộ. Tinh thần khao khát đối với pháp của Phật là điều rất quý. Hôm nay, quý thầy nói về đề tài Chết Sống để nhắc nhở cho tất cả cùng ứng dụng tu tập. Lâu nay đa số người thường nói là sống rồi tới chết, con người có sanh ra rồi có tử, là có sống chết. Nhưng ở đây, quý thầy nói ngược lại là Chết Sống.
01/03/2012(Xem: 3996)
Cư Sĩ Nguyễn Hà Minh, bút hiệu Liên Hoa, Pháp danh Thiện Pháp, Chủ biên Trang Nhà Liên Hoa, Cộng tác viên www. thuvienhoasen.org và www.quangduc.com đã từ trần tại tư gia Houston, Hoa Kỳ lúc 8.45 sáng ngày thứ ba, 28/2/2012, nhằm ngày 7-2-Nhâm Thìn, hưởng thọ 62 tuổi.Anh đã được BS. cho biết trước chỉ còn có thể sống được từ 3 đến 6 tháng, nay sau gần một năm ở lại với gia đình, với bạn bè, với trần gian, anh đã từ giã cõi đời. Xin anh hãy thanh thản ra đi, thế gian này không có gì để lưu luyến và xin chân thành phân ưu cùng chị Diệu Tịnh, người bạn đạo và bạn đường thân thiết của anh cùng toàn thể tang quyến. Thành kính nguyện cầu: Hương Linh Thiện Pháp Nguyễn Hà Minh sớm tái sinh vào cõi giới an lành. Xin giới thiệu với quý độc giả bài viết của anh ghi lại ngày sinh nhật lần cuối:
19/02/2012(Xem: 5991)
Thế giới mà chúng ta đang sống luôn bất an, bất toàn và tạm bợ mà trong kinh A Di Đà gọi là trược thế... Thích Viên Giác
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]