Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuẩn bị cho cái chết và giúp đỡ người chết

04/08/201008:43(Xem: 4390)
Chuẩn bị cho cái chết và giúp đỡ người chết

luan_hoi

CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT

VÀ GIÚP ĐỠ NGƯỜI CHẾT

Sách dịch từ nguyên tác “Preparing for Death and Helping the Dying”
by Ven. Sangye Khadro - Dịch giả: Hoàng Phước Đại, Đồng An

LỜI GIỚI THIỆU
I. NHÌN NHẬN CÁI CHẾT THEO QUAN ĐIỂM ĐẠO PHẬT
1. Cái chết là tự nhiên, điều không tránh khỏi trong cuộc sống
2. Điều quan trọng là chấp nhận và ý thức được cái chết
3. Cái chết không phải là sự chấm hết mà nó là cái cổng để bước vào cuộc sống khác
4. Giải thoát khỏi cái chết và hồi sinh
II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT
1. Bốn nhiệm vụ của sự sống
2. Cuộc sống có đạo đức
3. Học tập lời dạy tinh thần
4. Tu dưỡng thực tập về tinh thần
5. Trở nên quen thuộc với cái chết
III. GIÚP ĐỠ CHO NGƯỜI KHÁC ĐANG CHẾT
1. Giúp đỡ với sự chân thành của chúng ta
2. Tạo ra hy vọng và tìm kiếm sự tha thứ
3. Làm thế nào giúp người đang chết là Phật tử
4. Làm thế nào giúp người đang chết không phải là Phật tử
5. Thời điểm cái chết diễn ra
6. Giúp đỡ sau khi người thân qua đời

VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ

Ni Sư Sangye Khadro- thế danh là Kathleen McDonald sinh tại California năm 1952, và tham dự các khóa học đầu tiên về Phật giáo tại Dharamsala, Ấn Độ vào năm 1973. Cô đã được thụ phong nữ tu sĩ Phật giáo tại Tu viện Kopan, Nepal, vào năm 1974 và đã nghiên cứu học hỏi Phật giáo với nhiều vị thầy khác nhau như Lama Zopa Rinpoche, Lama Thubten Yeshe, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Geshe Ngawang Dhargyey và Geshe Jampa Tegchog, tại nhiều nước khác nhau như Ấn Độ, Nepal, Anh, Pháp, và Úc. Theo yêu cầu của sư phụ, Ni sư Sangye Khadro bắt đầu giảng dạy Phật Pháp từ năm 1979, trong khi sống tại Anh, và kể từ đó đã giảng dạy ở nhiều nước trên thế giới, gần đây nhất tại Trung tâm Phật giáo Amitabha tại Singapore trong 11 năm. Năm 1988 Ni sư Sangye Khadro thọ đại giới Tỳ Kheo Ni. Cuốn sách của Ni sư, Làm thế nào để Thiền, là một cuốn sách bán chạy nhất của nhà xuất bản Wisdom Publications bây giờ đã tái bản lần thứ 14. (http://www.fpmt.org/teachers/resident/khadro.asp)

LỜI GIỚI THIỆU

Chết là chủ đề, hầu hết mọi người không muốn nghe, không muốn bàn đến hoặc nghĩ đến. Tại sao như vậy? Và cho dù, chúng ta thích hoặc không thích, thì mỗi chúng sẽ phải chết trong một ngày nào đó. Thậm chí trước khi đối mặt với cái chết của bản thân, chúng ta sẽ đối mặt với những cái chết của người khác ( người trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…) Chết là điều sẽ xảy ra, là phần của cuộc sống, vì vậy tốt nhất là chúng ta nên đón nhận nó với quan điểm tích cực hơn là sợ hãi và phủ nhận nó. Cuốn sách “ Chuẩn bị cho cái chết và giúp đỡ người chết ” được dịch từ nguyên tác của Sangye Khadro, sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về cái chết./.

Đà Nẵng, ngày 19 tháng 12 năm 2009

Dịch giả Hoàng Phước Đại, Đồng An



I. NHÌN NHẬN CÁI CHẾT THEO QUAN ĐIỂM ĐẠO PHẬT

1. Cái chết là tự nhiên, điều không tránh khỏi trong cuộc sống

Đôi khi mọi người nghĩ cái chết là sự trừng phạt những việc xấu xa mà họ đã làm, hoặc là sự thất bại, sai lầm, nhưng cái chết không phải như vậy. Cái chết là phần tự nhiên của cuộc sống. Mặt trời mọc và lặn; sự chuyển hóa giữa các mùa; những bông hoa đẹp rồi sẽ héo tàn; con người và các sinh vật khác được sinh ra, sống một thời gian rồi chết.

Một trong những điều quan trọng, Đức Phật khám phá và dạy cho chúng ta là chân lý của vô thường: Mọi vật đều thay đổi và mất đi. Có hai yếu tố ảnh hưởng đến vô thường là toàn bộ và tinh tế. Vô thường toàn bộ phản ảnh mọi vật được sinh ra không tồn tại mãi mãi, nó sẽ ra đi vào một thời điểm nào đó. Như Đức Phật đã dạy:

Có sinh thì có tử,
Có hợp thì có chia,
Có thịnh vượng thì có suy tàn,
Có phát triển thì có diệt vong,
Có cao thì sẽ có thấp.

Và:

Tồn tại của chúng ta ngắn ngủi như đám mây mùa thu,
Sinh tử của con người như chuyển động của một điệu nhảy.
Cuộc đời như là ánh chớp trong bầu trời,
Hối hả như dòng nước chảy siết về chân núi.

Sự vô thường tinh tế phản ánh sự thay đổi diễn ra ở mỗi thời khắc trong tất cả vật tri giác và vô tri vô giác. Đức Phật dạy rằng, mọi vật đổi thay liên tục từ khoảng khắc này đến khoảng khắc khác. Điều này được nhà vật lý hiện đại Gary Zukav nhận xét trong cuốn The Dancing:

Sự tương tác giữa các phần tử bao gồm sự hủy diệt cúa phần tử gốc và tạo ra những phần tử mới. Các phần tử này lại tiếp tục bị hủy diệt và tạo ra các phần tử mới khác kèm năng lượng khổng lồ. Sự tương tác diễn ra trong giây lát và lặp đi lặp lại không bao giờ chấm dứt, mãi mãi không có sự tái tạo cái mới thật sự.

Đức Phật truyền đạt lời dạy về cái chết không tránh khỏi với một nghệ thuật cho một đệ tử của ngài có tên là Kisa Gotami. Kisa Gotami lập gia đình và sinh được một người con, người mà cô ta rất đỗi yêu mến. Khi đứa bé một tuổi, đứa bé bị ốm và chết. Quá đau buồn và không chấp nhận cái chết của con mình, Kisa bế đứa con trên tay, đi tìm người nào đó có thể đem lại cuộc sống cho đứa con của cô ta. Cuối cùng cô ta gặp Đức Phật và cầu xin ngài giúp đỡ cô ta. Đức Phật đồng ý và yêu cầu cô ta mang về cho ngài năm hạt mù tạt, nhưng những hạt mù tạt này phải được lấy từ ngôi nhà chưa bao giờ có người chết.

Kisa đi từ nhà này sang nhà khác trong làng và cho dù mọi người rất sẵn lòng biếu cô ta những hạt mù tạt, nhưng cô ta không thể tìm ra ngôi nhà nơi cái chết chưa bao giờ xảy ra. Dần dần cô ta hiểu cái chết xảy ra với mọi người, vì vậy cô ta quyết định chôn cất con mình, xin thọ giới và trở thành đệ tử của Đức Phật. Dưới sự dẫn dắt của Đức Phật, cô ta đạt được trạng thái niết bàn, hoàn toàn tự do từ vòng sanh tử luân hồi.

Sợ hãi về cái chết, làm con người mang tâm trí lo âu và cuộc sống kém vui. Chúng ta không nên lo sợ thái quá như vậy. Tránh né cái chết làm chúng ta căng thẳng; chấp nhận cái chết chúng ta sẽ thoải mái hơn. Giúp cho chúng ta nhận thức được điều quan trọng thực sự trong cuộc sống đó là trung thực, vị tha và có lòng yêu thương, ân cần với người khác. Vì vậy chúng ta cần tạo năng lượng và chuyển hóa năng lượng của chúng ta vào những việc tốt, tránh làm những điều có thể gây ra cho chúng ta những cảm giác sợ hãi, hối tiếc khi đối mặt với cái chết.

2. Điều quan trọng là chấp nhận và ý thức được cái chết

Trong Kinh Đại niết bàn, Đức Phật dạy:
Trong tất cả vụ mùa, cày cấy vào mùa thu là tốt nhất.
Trong tất cả bước chân, bước chân voi là vĩ đại nhất.
Trong tất cả sự chấp nhận, chấp nhận về cái chết, sự vô thường là vĩ đại nhất.

Sở dĩ trong Đạo Phật ý thức cái chết là điều quan trọng vì hai nguyên nhân chính sau:

1. Nhận thức được cuộc sống là phù du, chúng ta sẽ sử dụng thời gian một cách hợp lý, làm những việc có ích, vun đắp công đức, tránh xa những tiêu cực và những hành động làm tổn hại công đức. Kết quả của việc làm này giúp chúng ta có thể chết mà không hối tiếc và sẽ được tái sinh trong một môi trường thuận lợi ở cuộc sống tiếp theo.

2. Nhìn nhận sự có mặt của cái chết sẽ tạo ra ý thức cần thiết, chuẩn bị cho bản thân chúng ta về cái chết. Có nhiều phương pháp ( ví dụ cầu nguyện, thiền định ) có thể làm cho chúng ta vượt qua sợ hãi, níu kéo và những cảm xúc khác mà có thể tăng lên lúc cái chết cận kề hoặc gây ra sự hoảng sợ trong tâm thức, lo lắng thậm chí là có những suy nghĩ tiêu cực. Chuẩn bị cho cái chết là giúp cho chúng ta có thể chết thanh thản, trạng thái tâm thức rõ ràng và tích cực.

Ý thức cái chết có thể được nhìn nhận khi con người đã có lần cận kề với cái chết. Trải qua cái chết cận kề xảy ra khi con người dường như đã chết, chẳng hạn trên bàn phẩu thuật hoặc trong tai nạn xe hơi, nhưng sau đó chúng ta trở lại cuộc sống bình thường và nhận thức những gì đã trải qua. Những nhà nghiên cứu cho rằng, những người đã có lần cận kề với cái chết ít sợ hãi khi nghĩ về cái chết, gia tăng sự quan tâm để giúp đỡ người khác, ít theo đuổi đến vật chất. Những người đã có lần cận kề với cái chết thường thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực để tái sinh được thuận lợi hơn.

3. Cái chết không phải là sự chấm hết mà nó là cái cổng để bước vào cuộc sống khác

Mỗi chúng ta được tạo thành từ thân xác và tâm thức. Thân xác gồm các phần trong cơ thể như da, xương, phổi, v.v. và tâm thức bao gồm ý nghĩ của chúng ta như sự chấp nhận, cảm xúc…tâm thức thay đổi như dòng chảy của thời gian. Nó không có điểm bắt đầu và nó không có điểm kết thúc. Khi chúng ta chết, tâm thức của chúng ta lìa xa thân xác và đi vào cuộc sống mới. Theo truyền thống Tây Tạng, chúng ta được khuyên hãy suy nghĩ sự tồn tại của chúng ta trong cuộc đời này, tương tự như là cuộc du hành một hoặc hai đêm trong khách sạn. Chúng ta có thể thoải mái với những tiện nghi trong phòng nghỉ ở khách sạn, nhưng không gắn bó quá với nó, bởi vì chúng ta nghĩ rằng đây là nơi nghỉ ngơi tạm thời.

Cách thức chúng ta sống sẽ quyết định sự tái sinh của chúng ta. Hành động tích cực, lợi lạc, và chân thành sẽ dẫn đến một cuộc tái sinh tốt đẹp, ngược lại hành động tiêu cực, gây tổn hại đến người khác sẽ dẫn đến sự tái sinh không may mắn và đau khổ.

Một yếu tố quyết định cho sự tái sinh của chúng ta là trạng thái tâm thức của chúng ta vào lúc chết. Chúng ta phải hướng đến cái chết với trạng thái tâm thức thanh thản, tích cực để đảm bảo được tái sinh tốt. Chết với sự giận dữ, luyến tiếc, hoặc những thái độ tiêu cực khác có thể dẫn chúng ta đi đến tái sinh vào một môi trường không may mắn trong cuộc sống tiếp theo. Điều quan trọng khi chuẩn bị cái chết cho mình, là học cách làm thế nào để giữ cho tâm thức của chúng ta trở nên tự do trước những thái độ tiêu cực và làm quen với những thái độ tích cực càng nhiều càng tốt.

4. Giải thoát khỏi cái chết và hồi sinh

Chết và đón nhận sự tái sinh là hai hiện tượng phổ biến, làm cho chúng ta phải chịu vòng luân hồi, trạng thái khổ đau, không thỏa mãn, không giải thóat. Lý do chúng ta ở trong trình trạng này là do tâm thức chúng ta bị mê hoặc, chủ yếu là níu kéo, giận dữ, ngu dốt và hành động tạo nghiệp chướng do chúng ta gây ra.

Đức Phật giống chúng ta, bắt gặp những uẩn khổ nhưng ngài đã tìm được cách giải thóat, và đạt được trạng thái giác ngộ hòan tòan. Hành động giải thoát không chỉ tạo ra lợi lạc cho bản thân ngài mà còn tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, bởi vì tất cả chúng sinh đều có thể giác ngộ - điều này chúng ta gọi là “ Tính Phật ” nó là bản tính tự nhiên trong tâm thức của chúng ta.

Đức Phật yêu thương chúng sinh và dạy cho chúng sinh cách thức để giải thóat khỏi khổ đau và đạt được giác ngộ. Điều ngài đã dạy chính là Pháp, Pháp là tất cả mọi điều. Pháp chỉ cho chúng ta làm thể nào để tâm thức thoát khỏi mê hoặc và nghiệp chướng. Ý thức cái chết là nguồn năng lượng mạnh nhất giúp chúng ta thực hành tốt lời dạy của Đức Phật.

Bây giờ chúng ta hãy xem cách thức mà chúng ta có thể bắt đầu chuẩn bị cho cái chết của chúng ta.

II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT

1. Bốn nhiệm vụ của sự sống

Christine Longaker, một phụ nữ Mỹ kể về kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc của cô ta với những người sắp chết đã minh họa bốn nhiệm vụ giúp đỡ cho cái chết, để cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa hơn. Bốn nhiệm vụ đó là :

a. Hiểu đúng và chuyển hóa khổ đau.

Nền tảng điều này có nghĩa là chấp nhận những vấn đề phức tạp, khó khăn và khổ đau phải trải qua là điều không tránh khỏi trong cuộc sống và học cách để đối phó với chúng. Nếu chúng ta học cách đối phó với những đau khổ nhỏ trong cuộc sống thì chúng ta sẽ có khả năng đối phó tốt hơn với những đau khổ to lớn mà chúng ta sẽ đối mặt khi chúng ta chết.

Chúng ta tự hỏi chúng ta làm thế nào để xử lý với những rắc rối về tinh thần hoặc thể chất đã xảy ra với chúng ta? Cách chúng ta phản ứng lành mạnh và phù hợp và để cải thiện được vấn đề? Có cách nào chúng ta có thể học để đối phó tốt hơn với những rắc rối?

Những lời khuyên thực hành theo truyền thống Tây Tạng bao gồm sự kiên nhẫn, suy nghĩ về nghiệp chướng, tình thương yêu, cho và nhận. Lợi ích của thực hành này có thể được giải thích bởi Zopa Rinpoche trong cuốn “ Transforming problems into happiness.”

b. Tạo ra sự gắn bó, hâm nóng những mối quan hệ tình cảm và để nó phát triển.

Nhiệm vụ này phản ánh mối quan hệ của chúng ta với những người khác, đặc biệt là gia đình và bạn bè. Mục đích là học cách truyền thông chân thành, thông cảm, không ích kỷ và giải quyết những vấn đề trước đây chúng ta không giái quyết được.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này bạn nên nghĩ về những mối quan hệ của bạn với những thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp v.v…Có vấn đề nào không thể giải quyết được. Cách thức bạn giải quyết những vấn đề này như thế nào?.

c. Chuẩn bị tinh thần cho sự chết.

Mỗi truyền thống tôn giáo thừa nhận việc chuẩn bị tinh thần cho cái chết ngay từ khi chúng ta còn sống bây giờ là quan trọng. Bằng thực tập tinh thần vững chắc hàng ngày ăn sâu vào máu thịt, giúp chúng ta phản ứng linh động với mọi tình huống trong cuộc sống, bao gồm những khổ đau chúng ta phải trải qua.

d. Nhận thức ý nghĩa của cuộc sống.

Nhiều người trong chúng ta sống mà không xác định rõ ràng và ý nghĩa mục đích cuộc sống. Điều này gây cho chúng ta rắc rối khi chúng ta già nua và cận kề với cái chết, bởi vì lúc đó chúng ta trở nên phụ thuộc nhiều vào người khác. Vì vậy điều quan trọng là chúng ta phải làm rõ những câu hỏi “ Mục đich sống của chúng ta là gì? Tại sao ta có mặt trên thế gian này? Cái gì là quan trọng nhất với chúng ta? Cái gì không quan trọng với chúng ta?”

2. Cuộc sống có đạo đức

Đau khổ, hoảng sợ xảy ra vào lúc cái chết cận kề, là hành động tiêu cực, nghiệp chướng. Để ngăn ngừa trạng thái như vậy xảy ra, chúng ta cần kìm chế những hành động tiêu cực, làm nhiều hành động tích cực nếu có thể làm được. Chẳng hạn tốt nhất là tránh mười hành động không có đạo đức ( giết hại, ăn cắp, xâm phạm tình dục, nói thô lỗ, nói dối, nói sau lưng, nói phóng đại, tham lam, ác tâm và có quan điểm sai trái ), thực tập mười điều tốt ( tâm thức xa lánh việc giết hại…. làm những hành động không tích cực khác ) tốt nhất nên thực hiện cam kết làm việc thiện trên cơ sở từng ngày.

Một hướng khác của đạo đức Đạo Phật là thực hành với tâm niệm làm giảm những nguyên nhân gây ra hành động tiêu cực như sự lừa dối, tham lam, tự hào, kiêu ngạo... và ý thức rõ về cái chết sắp xảy ra là phương thức hiệu quả ngăn ngừa những hành động mê muội.

Sau đây là câu chuyện để minh họa điều trên. Một người đàn bà giận dữ với người con trai của mình vì bỏ nhà đi câu cá với người cha trước đó mà không xin phép. Người con trai bị chết trong chuyến đi câu cá. Bạn có thể hình dung đau khổ người mẹ phải chịu đựng khi mất con nhưng lời nói cuối cùng mà cô ta dành cho người con trai là sự giận dữ.

Không có cách nào để biết cái chết xảy ra với bản thân chúng ta khi nào. Vì vậy, mỗi khi chúng ta làm bạn với người nào đó, thậm chí trong thời gian ngắn, chúng ta không chắc chắn sẽ gặp lại họ. Nhận thức điều này làm cho chúng ta tránh có ý nghĩ tiêu cực và giải quyết nhanh chóng những xung đột của chúng ta với người khác nếu có thể. Điều này giúp chúng ta không chết với sự thù hận trong tâm thức của chúng ta hoặc là chúng ta sống với đau khổ hối tiếc nếu người mà chúng ta có lỗi lầm với họ đã cái chết trước khi chúng ta có cơ hội để xin lỗi và làm rõ ràng vấn đề.

Mặc khác, lúc chúng ta kề cận cái chết, tốt nhất chúng ta bắt đầu nghĩ đến việc cho đi những tài sản của chúng ta hoặc ít nhất là đưa ra tâm nguyện như vậy. Làm điều này chúng ta sẽ giảm được sự níu kéo và hối tiếc với những câu hỏi như là: Tất cả tài sản của mình sẽ xử lý như thế nào? Ai sẽ tiếp nhận nó?

3. Học tập lời dạy tinh thần

Học tập lời dạy tinh thần của Đức Phật sẽ giúp cho chúng ta vượt qua những suy nghĩ mê muội, hành vi tiêu cực, và giúp chúng có trí tuệ và lòng yêu thương chúng sinh. Hiểu rõ chân lý và bản tính tự nhiên của chúng sinh, để phát huy năng lượng tinh thần tiêu trừ nghiệp chướng giúp chúng ta giảm sợ hãi với cái chết.

4. Tu dưỡng thực tập về tinh thần

Khi chết. chúng ta có thể trải qua những cảm giác khó chịu về thể xác và đau đớn. Thêm vào đó, chúng ta có thể trải qua những suy nghĩ mê muội và cảm xúc tiêu cực như là sự hối tiếc về quá khứ, sợ hãi về tương lai, đau buồn về một điều gì đó đã chia ly chúng ta.

Khi chết, chúng ta từ bỏ người thân, tài sản thuộc sở hữu của chúng ta và chúng ta khổ đau với nhũng mất mát đó. Điều quan trọng lúc này là giữ tâm thức được tự do với những suy nghĩ tiêu cực trên, đồng thời chúng ta có suy nghĩ tích cực tại thời điểm cái chết sắp xảy ra.

Những suy nghĩ tích cực bao gồm:

Giữ cho tâm thức thanh tịnh bằng cách thành kính thực hiện những lời dạy của Đức Phật.

Bình thản chấp nhận cái chết của chúng ta và các vấn đề liên quan đến cái chết.

Không níu, kéo ràng buộc sự yêu thương của chúng ta đến vật gì hoặc sở hữu nó.

Cảm giác tích cực về cách chúng ta sống trong cuộc sống của chúng ta. Nhớ lại những điều tốt chúng ta đã làm.

Cảm giác yêu thương chân thành và thông cảm với người khác.

Với mục đích có thể liên tưởng với những suy nghĩ, thái độ của chúng ta khi cái chết xảy ra. Làm quen với cái chết với trạng thái tâm thức tích cực và thực hành lời dạy của Đức Phật khi chúng ta đang sống. Chúng ta làm quen ngay từ thời điểm này, khi cái chết không biết xảy ra khi nào.

Một vài lời khuyên thực tập từ truyền thống Đạo Phật bao gồm:

a. Tìm nơi nương tựa

Trong Đạo Phật, nương tựa là thái độ thành kính dựa vào Tam Bảo: ( Phật, Pháp, Tăng ) để nỗ lực học tập, thực hành lời dạy của Đức Phật. Thực hành lời dạy của Đức Phật vào lúc cái chết diễn ra, để tái sinh thuận lợi, tránh những những điều không may trong cuộc sống tiếp theo. Thành kính với Đức Phật, với Quan Âm hoặc các danh vị Phật khác sẽ làm tinh thần thỏai mái trong thời gian cái chết xảy ra.

b. Thực hành tịnh độ

Một thực hành phổ biến, theo truyền thống đại thừa là cầu nguyện để tái sinh ở miền cực lạc như cõi cực lạc của Phật Vô Lượng Quang Như Lai. Miền đất cực lạc là nơi Đức Phật cứu giúp những người có mong muốn tiếp tục thực tập tinh thần trong cuộc sống tiếp theo, giải thoát khỏi những bối rối và uế tạp trong cuộc sống bình thường.

Bốn điều kiện cần thiết cần tích lũy để tái sinh trong cõi cưc lạc là:

1. Làm cho bản thân chúng ta trở nên quen thuộc với cõi cực lạc và thiền định về nó.

2. Có sự chân thành trong ước muốn được tái sinh ở đó và thường xuyên cầu kinh cho sự tái sinh như vậy.

3. Xóa bỏ những hành động tiêu cực của chúng ta và tích lũy những hành động tich cực và thừa nhận những điều này để được tái sinh ở miền cực lạc.

4. Có động cơ của sự giác ngộ. Khát vọng được giác ngộ và sinh ra trong miền cực lạc, để giúp đỡ chúng sanh.

c. Sự quan tâm

Quan tâm là một thực hành thiền định liên quan đến ý thức những điều xảy ra trong cơ thể và tâm thức của chúng ta với sự thanh thản, thóat khỏi những những ràng buộc. Thực hành sự quan tâm giúp chúng ta có khả năng đối phó với những đau đớn và bất an, làm cho tâm thức thoát khỏi những cảm xúc phức tạp, giữ trạng thái thanh thản cho đến lúc chết. Chúng ta có thể thực hành sự quan tâm thông qua hướng dẫn ở một vài cuốn sách của Phật giáo.

d. Lòng yêu thương và nhân hậu

Thực hành này liên quan đến vun trồng sự ân cần, quan tâm, vị tha hướng về chúng sinh. Nếu chú ý đến cái tôi của chúng ta, sẽ làm chúng ta đau khổ khi gặp phải những điều không hay trong cuộc sống. Ngược lại nếu chúng ta ít quan tâm đến bản thân và quan tâm nhiều với ngưới khác sẽ làm giảm bớt đau khổ của chúng ta. Lúc cái chết đang diễn ra, chúng ta hãy suy nghĩ về những người khác và mong họ được hạnh phúc, làm như vậy tâm thức sẽ thanh thản. Thực hành lòng yêu thương và nhân hậu giúp cho tâm thức chúng ta có những suy nghĩ và cảm nhận tốt hơn khi cái chết diễn ra. Nó không chí giúp đỡ chúng ta có một cái chết thanh thản mà còn loại bỏ những mầm mống tiêu cực và tích lũy những ý thức tích cực, lợi lạc, đảm bảo cho sự tái sinh tốt trong cuộc sống sau này. Nhiều thông tin làm thế nào để gieo trồng tích lũy sự thương yêu và nhân hậu được hướng dẫn trong cuốn sách Loving Kindness—The Revolutionary Art of Happiness của Sharon Salzbur.

5. Trở nên quen thuộc với cái chết

Một trong những lý do tại sao con người có khuynh hướng sợ hãi cái chết là vì chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra. Phật giáo Tây Tạng giải thích rõ ràng và chi tiết quá trình diễn ra cái chết liên quan đến tám giai đọan. Tám giai đoạn, tương ứng với sự tăng dần việc phân rã ở mức độ khác nhau của bốn yếu tố đất, nước, lửa và không khí. Khi một người trải qua tám giai đoạn đó, có những biểu hiện bên trong bên ngòai để nhận biết.

Bốn yếu tố tan rã trong bốn giai đọan đầu tiên:

Trong giai đọan thứ nhất, yếu tố đất bị phân rã, dấu hiệu bên ngòai là thân thể của người đó trở nên ốm yếu hơn và dấu hiệu bên trong đó là cái nhìn ảo giác.

Giai đoạn thứ hai liên quan đến sự phân rã của yếu tố nước, dấu hiệu bên ngòai có thể nhận thấy đó là dịch trong người trở nên khô đi, và dấu hiệu bên trong đó là họ nhìn thấy khói.

Ở giai đọan thứ ba yếu tố lửa được phân rã, dấu hiệu bên ngoài đó là thân nhiệt và khả năng tiêu hóa giảm sút, dấu hiệu bên trong là hình ảnh của những tia sáng.

Trong giai đọan thứ tư, yếu tố gió và yếu tố không khí phân rã, dấu hiệu bên ngòai đó là hơi thở ngừng trệ và dấu hiệu trong người đó nhận biết là hình ảnh của những ngọn lửa bị tắt. Đây là điểm mà một người bình thường có thể tuyên bố bị chết lâm sàng, Toàn bộ yếu tố vật lý đã phân rã và không có dấu hiệu sự sống trên não và hệ thống tuần hòan.

Tuy nhiên, theo Đạo Phật cái chết nó không thực sự diễn ra mãi đên khi tâm thức vẫn còn trên thân thể của họ.

Có nhiều mức độ của nhận thức: tổng thể, chi tiết, rất chi tiết. những nhận thức tổng thể bao gồm sáu nhận thức của chúng ta ( nhìn, nghe, mùi vị, cầm sờ, và lý trí ) 80 quan niệm về bản năng. Sáu cái nhận thức bị phân rã ở bốn giai đọan đầu tiên của quá trình xảy ra cái chết.

Trong giai đọan thứ năm, tám mươi quan niệm về bản năng phân rã, theo đó người đó nhận thấy một hình ảnh màu trắng.

Trong giai đọan thứ sáu, màu trắng sẽ hòa tan và màu đỏ xuất hiện.

Trong giai đọan thứ bảy, hình ảnh màu đỏ bị hòa tan và màu tối lại xuất hiện. Màu trắng, màu đỏ, màu tối, tạo thành nhận thức chi tiết.

Cuối cùng trong giai đọan thứ tám, màu tối bị phân rã và một nhận thức hết sức tinh tế về ánh sáng ban ngày trở nên rõ ràng. Đây là mức tinh tế và sơ khai nhất của tâm thức chúng ta. Những nhà thiền định kinh nghiệm có thể sự dụng ánh sáng này trong tâm thức để thiền định và đạt được nhận thức về chân lý tuyệt đối và thậm chí đạt được giác ngộ. Điều đó giải thích tại sao các nhà thiền định như vậy không lo ngại về cái chết và thậm chí đón nhận cái chết xảy ra như một kỳ nghỉ.

Ở đây, chỉ giải thích vắn tắt tám giai dọan. Những giải thích chi tiết hơn được tìm thấy trong cuốn sách The Tibetan Book of the Dead, của Robert Thurman. Từ khi chúng ta quá sợ hãi với những điều chúng ta không biết, và trở nên quen thuộc với những giai đọan của quá trình chết có thể giúp cho ta ít sợ hãi về cái chết và nếu chúng ta có khả năng thực tập thiền định về tình huống tương tự của quá trình cái chết diễn ra và nhận thức được những ánh sáng rõ ràng mà đã tìm thấy theo truyền thống Tây Tạng, thậm chí chúng ta có thể đạt được nhật thức như lúc chúng ta chết.

Trên đây chỉ là một vài lời khuyên về thực tập tinh thần mà chúng ta có thể nghiên cứu và thực hành cho bản thân chúng ta khi còn sống, sẽ giúp đỡ chúng ta có sự chuẩn bị nhiều hơn cho cái chết. Tuy nhiên có nhiều phương pháp khác nhau, mỗi phương pháp phù hợp với từng người nhất định. Chúng ta có thể dùng trực giác, suy đoán hoặc tham khảo ý kiến của những có kinh nghiệm mà chúng ta quen biết để chọn phương pháp thích hợp.

Bây giờ chúng ta nghiên cứu cách chúng ta có thể giúp đỡ người khác đang chết.

III. GIÚP ĐỠ CHO NGƯỜI KHÁC ĐANG CHẾT

Đạo Phật dạy rằng giúp đỡ người khác chết thanh thản và có trạng thái tâm thức tích cực là một trong những hành động cao đẹp nhất chúng ta giúp đỡ người đang chết. Bởi vì cách thức người đó chết, quyết định sự tái sinh tốt hay xấu.

Tuy nhiên, giúp đỡ người chết không phải một nhiệm vụ dễ dàng. Khi con người kề cận cái chết, họ trải qua những khó khăn và thay đổi. Họ có nhu cầu chăm sóc thân thể, quan tâm và trò chuyện với họ. Đôi lúc, họ muốn ngồi yên lặng một mình. Họ suy tư về cuộc đời, hy vọng về sự sống, hy vọng được chăm sóc và được hướng dẫn bởi ai đó thông thái hơn bản thân họ.

Như vây một trong những kỹ năng quan trọng giúp đỡ người chết là cố gắng hiểu cái họ cần, cái chúng ta có thể chăm sóc họ. Chúng ta có thể làm tốt điều này bằng cách quan tâm đến họ, làm cho cảm nhận rằng chúng ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giúp họ thỏa mái và hạnh phúc và thanh thản.

Có nhiều cuốn sách hướng dẫn làm thế nào chăm sóc người chết về thể xác và tinh thần. Ở đây chúng ta sẽ tập trung vào nhu cầu tinh thần và làm thế nào để chăm sóc tinh thần cho họ.

1. Giúp đỡ với sự chân thành của chúng ta

Như đề cập ở trên, khi kề cận cái chết, con người sẽ trải qua những cảm xúc lẫn lộn như là sợ hãi, hối tiếc, đau buồn, níu kéo với người thân và đồ vật trong cuộc sống và thậm chí giận dữ. Họ có thể có những khó khăn khi đối mặt với những cảm xúc này và bản thân họ bị chôn vùi trong những cảm xúc, như người chết đuối giữa biển khơi. Điều hữu ích với họ trong thời điểm khó khăn này là ngồi bên họ, lắng nghe chân thành và đưa ra những lời khuyên hợp lý để làm họ bình tĩnh hơn.

Để thực hiện điều này có hiệu quả, chúng ta cần biết cách đối phó với những cảm xúc của chúng ta. Cái chết gây ra những cảm xúc bối rối trong tâm thức của chúng ta cũng như trong tâm thức người chết - sợ hãi, buồn chán, níu kéo, cảm giác bất lực…. Một vài cảm xúc chúng ta không bao giờ trải qua trước kia, và chúng ta có thể ngạc nhiên và thậm chí lúng túng để nhận thức chúng. Như vậy chúng ta cần biết cách để giải quyết chúng trước khi có thể thực sự giúp đỡ của người khác xử lý chúng.

Một trong những phương pháp tốt nhất để xử lý những cảm xúc này là quan tâm đến thiền định. Nhận thức của chúng ta về vô thường: Sự thật là bản thân chúng ta, thế giới quanh chúng ta thay đổi thường xuyên. Không bao giờ có cùng một trạng thái. Ý thức và chấp nhận về vô thường là một trong những cách giải quyết có sức mạnh nhất với những níu kéo, sợ hãi không muốn có sự thay đổi. Cũng như việc tích lũy những niềm tin thành kính với Tam bảo ( Phật, Pháp, Tăng ) là cực kì hữu ích trong việc cung cấp sức mạnh và khuyến khích chứng ta cần phải đối mặt và giải quyết với những cảm xúc bất thường.

Nếu người chết là thành viên của gia đình hoặc bạn bè, chúng ta sẽ có thêm những thách thức để xử lý với tình cảm đặc biệt với người đã chết. Điều tốt nhất, chúng ta có thể làm là học cách để sát cánh cùng với người đó. Níu kéo với họ là không thực tế và gây ra nhiều khổ đau hơn cho cả hai người. Dựa vào đó, nhìn nhận về vô thường là phương thuốc hiệu quả nhất với những luyến tiếc.

2. Tạo ra hy vọng và tìm kiếm sự tha thứ

Có hai điều quan trọng cần giúp người chết là tạo cho họ hy vọng và tìm kiếm sự tha thứ. Khi kề cận cái chết, nhiều người trải qua sự hối lỗi, luyến tiếc, buồn rầu, và có cảm giác thất vọng. Bạn có thể giúp họ để họ bày tỏ suy nghĩ của họ, lắng nghe chân thành và không có phán xét. Nhưng khuyến khích họ nhớ lại điều tốt họ đã làm trong cuộc sống và cảm giác tích cực về cách họ đã sống. Tập trung vào những thành công và đức hạnh không đề cập đến những thất bại và những việc làm sai lầm của họ trước đây. Nếu họ đưa ra nhận xét về bản thân hãy nhắc họ bản tính tự nhiên của con người là tốt đẹp và đức hạnh ( trong Đạo Phật gọi đó là Bản tính Phật ) và những sai lầm và thất bại của họ là tạm thời và có thể xóa bỏ đưọc giống những hạt bụi trên ô cửa sổ.

Một vài người có thể quan tâm đến những sai lầm nghiêm trọng trước đây mà họ không thể nào tự tha thứ cho mình. Nếu họ tin vào Chúa hoặc Phật thì hãy tạo niềm tin cho họ rằng bản tính của Chúa và Phật là đức hạnh, yêu thương không điều kiện và chân thành, vì vậy Chúa hoặc Phật sẽ luôn luôn tha thứ những sai lầm mà chúng ta vấp phải.

Nếu bản thân họ không có niềm tin như vậy nhưng họ cần là sự tha thứ của chính họ. Chúng ta có thể giúp họ làm điều này bằng khuyến khích họ bày tỏ sự hối tiếc trong lương tâm về những sai lầm của họ và xin được tha thứ. Đó là tất cả những điếu họ cần phải làm. Nhắc họ rằng bất kỳ mọi hành động đã làm trong quá khứ đã qua đi và không thể thay đổi được nữa, vì vậy tốt nhất là hãy lãng quên chúng. Tuy nhiên chúng ta có thể thay đổi từ giây phút này. Nếu bản thân thực sự hối tiếc về những sai lầm của họ và mong sửa đổi, thì không có ltâm do gì cô ta không tìm được sự tha thứ. Nếu người bị tổn thương vẫn còn sống khuyến khích bản thân người gây ra lỗi lầm bày tỏ sự hối tiếc và xin được tha thứ.

Tất cả tôn giáo đều nhấn mạnh về sức mạnh sự tha thứ và sức mạnh này nó cân thiết và sau lắng hơn khi cái chết đang xảy ra với người đó. Thông qua tha thứ và nhận tha thứ chúng ta thoát khỏi được những hối tiếc trong lương tâm chúng ta về điều chúng ta đã làm và chuẩn bị cho bản thân chúng ta hòan thiện hơn trong cuộc hành trình về cái chết.

3. Làm thế nào giúp người đang chết là Phật tử

Nếu người chết là Phật tử, chúng ta nên tìm hiểu để biết mức độ hiểu biết về Đạo Phật của họ như thế nào và trả lời của họ sẽ giúp chúng ta lựa chọn cách thức giúp đỡ tinh thần cho họ. Chẳng hạn nếu cá nhân đó có lòng tin mãnh liệt vào Quan Thế Âm thì bạn sẽ khuyến khích họ thực hành cầu nguyện Quan Thế Âm càng nhiều càng tốt. Hoặc nếu cá nhân đó đang thực hành thiền định, khuyến khích họ thực tập điều này càng thường xuyên càng tốt. Nói tóm lại, chúng ta khuyên họ thực hành bất kì một lời dạy và thực tập nào họ thành thạo và phù hợp với họ, nhắc họ thực hành và bạn có thể tạo cho họ sự tin tưởng và khuyến khích họ thực hành.

Nếu có thể, hãy bài trí hình ảnh của Đức Phật, Quan Âm, Bồ Tát vào những nơi người đó có thể dễ dàng nhìn thấy. Bạn có thể treo ảnh của vị tu sĩ mà họ tôn kính và đã theo học đạo. Có thể tạo lợi ích bằng cách niệm các hồng danh của Phật để cầu xin cho người đó, bởi vì Đức Phật sẽ giúp cho tất cả chúng sinh tránh bị tái sinh ở trạng thái đau khổ.

Bạn nên nói chuyện hoặc đọc những lời dạy từ cuốn sách về vô thường và những lời dạy khác của Đức Phật, nhưng với điều kiện người đó chấp nhận lắng nghe và không nên có thái độ gò ép họ. Ngoài ra, không nên đưa ra những lời khuyên có thể gây ra cho họ lúng túng hoặc khó hiểu ( Chẳng hạn không nên đề cập chủ đề nào đó quá khó hiểu hoặc quá mới và xa lạ với họ ) Điều quan trọng nhất là giúp cho họ có sự thanh thản và trạng thái tâm thức tích cực và trong quá trình cái chết diễn ra.

Có thể người đang hấp hối không biết cách để thiền định hoặc cầu nguyện. Trong trường hợp này bạn có thể thiền định hoặc là cầu nguyện với những người xung quanh trong sự có mặt của họ. Cúng dường hành động lợi lạc này giúp họ có tâm thức thanh thản trong lúc chết và tái sinh thuận lợi. Bạn có thể dạy họ cách cầu nguyện, bằng cách sử dụng những lời cầu nguyện thông thường trong Đạo Phật, hoặc hướng dẫn cầu nguyện theo cách diễn đạt riêng bằng lòng chân thành của họ. Chẳng hạn, có thể cầu nguyện Đức Phật, Quan Thế Âm, và bất kì danh vị Phật nào mà họ biết để giúp họ xóa bỏ những khổ đau, giữ tâm thức thỏai mãi và có sự tái sinh tốt đẹp sau này.

Sau đây một thiền định đơn giản bạn có thể hướng dẫn cho người sắp chết thực hành: yêu cầu họ tưởng tượng trước mặt họ hình ảnh của vị Phật bất kì mà họ thành kính và xem đó là hiện thân của tất cả những điều tốt đẹp và phẩm chất đức hạnh như là sự chân thành yêu thương, tha thứ và trí tuệ. Hình ảnh vị Phật mà họ đang hình dung sẽ chiếu vào thân thể và tâm thức của họ, gột sạch những tiêu cực mà họ đã làm hoặc nghĩ trước đây và ban cho họ những tâm nghĩ đức hạnh và tích cực trong tâm thức của họ. Tâm thức của người đó sẽ đồng nhất với tâm thức của Phật, hòan tòan đức hạnh và tốt đẹp. Nếu người chết không thể thiền định ( ví họ quá yếu, hoặc không tỉnh tảo ) bạn có thể làm điều đó thay cho họ, tưởng tượng hinh ảnh Đức Phật đang hiện diện trên đầu của người đó.

Cũng như giúp đỡ tâm thức họ thoát khỏi sợ hãi và lo âu, khuyên họ không nên lo lắng về với người thân hoặc tài sản thuộc sở hũu của họ. Và làm cho họ tin rằng tất cả mọi thứ đều được chăm sóc cẩn thận và không nên lo ngại khi có niềm tin vào Tam Bảo ( Tin vào Phật, tin vào Pháp, tin vào Tăng ). Bạn có thể giúp họ gieo trồng những tâm nghĩ tích cực như là niềm tin, tình yêu thương và chân thành và tránh những tâm nghĩ tiêu cực.

4. Làm thế nào giúp người đang chết không phải là Phật tử

Nếu cái chết xảy ra với người thuộc tôn giáo khác, chúng ta xem xét mức độ hiểu biết về tôn giáo của họ và tìm cách nói chuyện phù hợp với đức tin của họ. Chẳng hạn, nếu họ tin vào Chúa và thiên đường, hãy khuyên họ thành kính cầu nguyện Chúa và có niềm tin được ở bên Chúa trên thiên đàng khi rời khỏi cuộc sống này. Có thái độ tôn kính với niềm tin và thực hành của họ. Điều quan trọng nhất là giúp đỡ người đó có thái độ tích cực trong suy nghĩ, phù hợp với tôn giáo và niềm tin của họ. Không nên thuyết phục áp đặt niềm tin của bạn để cố gắng chuyển hóa họ. Làm như vậy chúng ta sẽ không thành kính, không nhiệt thành và có thể gây ra xung đột, khó xử.

Nếu cá nhân không theo tôn giáo thì chúng ta phải lựa chọn những từ ngữ không mang tính chất tôn giáo để nói chuyện, giúp họ thoát khỏi tâm trạng đau buồn, giận dữ, quyến luyến, phát triển những suy nghĩ tích cực và trạng thái tâm thức thanh thản. Nếu họ biểu lộ sự quan tâm tìm hiểu đức tin của bạn thì bạn có thể kể cho họ nghe về tôn giáo của bạn, nhưng phải hết sức cẩn thận không nên thuyết giáo. Sẽ có hiệu quả hơn nếu bạn thảo luận quan điểm tôn giáo của bạn với sự chân thành cởi mở cùng mọi người xung quanh. Chẳng hạn nếu một người nào đó hỏi bạn điều gì xảy ra sau khi chúng ta chết, thay vì phải giải thích ngay thuyết luân hồi, bạn có thể nói những điều như “ Tôi không chắc lắm. Bạn có suy nghĩ gì về vấn đề này?” Và chúng ta bắt đầu thảo luận từ đấy.

Nếu họ chân thành muốn tìm hiểu Đạo Phật và phương thức tu tập. Bạn có thể giải thích điều này bằng sự hiểu biết của bạn cho họ nghe. Bạn có thể nói chuyện về cuộc sống của Đức Phật, về Tứ Diệu Đế, về sụ gìn giữ tình yêu thương chân thành. Chúng ta hết sức cẩn thận giải thích cho họ hiểu, tránh gây ra hoang mang tiêu cực với họ.

Hãy nhớ mục đích cuối cùng của bạn là giúp họ thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực càng nhiều càng tốt, có suy nghĩ tích cực và trạng thái tinh thần thoải mái thanh thản.

Nếu người đó không phải là Phật tử và không muốn nghe bất kỳ lời cầu nguyện hoặc thực hành Đạo Phật, bạn vẫn có thể lặng lẽ thực hành không cần họ có biết hay không. Chẳng hạn, bạn có thể ngồi bên họ, thiền định về sự yêu thương, nhân hậu và gửi năng luợng yêu thương từ trái tim bạn đến họ, làm cho họ thanh thản. Bạn có thể hình dung Đức Phật hoặc Quan Thế Âm, trên đầu người đó và lặng lẽ cầu nguyện hoặc niệm chú trong khi tưởng tượng các hòa quang Phật đang soi sáng vào người đó, làm tâm thức họ trở nên thoải mái. Điều này có thể tác dụng hiệu quả với họ cho dù họ không có biết bạn đang thực hành thay họ.

5. Thời điểm cái chết diễn ra

Bạn có thể tiếp tục thiền định, cầu nguyện, đọc chú, niệm hồng danh của Đức Phật hoặc những việc tương tự khi có người đang hấp hối và kéo dài việc cầu nguyện, đọc chú càng lâu càng tốt sau khi họ đã ngưng thở. Nhớ rằng, theo Đạo Phật, ngưng trệ hô hấp không phải là dấu hiệu hoàn toàn của cái chết. Nó chỉ là dấu hiệu giai đoạn thứ tư trong tám giai đoạn của quá trình xảy ra sự chết và cái mốc thật sự cái chết diễn ra khi trạng thái tâm thức đã rời xa thể xác sau giai đoạn thứ tám.

Sau khi họ đã ngừng thở, bao lâu sau tâm thức sẽ rời xa thể xác? Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân gây ra cái chết ( chẳng hạn với người đã bị thương nghiêm trọng trong một tai nạn xe hơi, tâm thức có thể rời thân xác sớm hơn so với cái chết tự nhiên), và trạng thái tâm thức của người đó ( những người có kinh nghiệm thiền định thì tâm thức có thể lưu lại ở giai đoạn thứ tám, kéo dài hơn những người không thực hành thiền định.) Làm sao chúng ta có thể biết được khi nào con người chết thật sự? Theo phong tục người Tây Tạng, có một vài dấu hiệu báo hiệu tâm thức đã rời khỏi thân xác: Nhịp của tim đã ngưng, có mùi bốc lên, phát ra từ thân xác và có ít dịch tiết ra hoặc là ở mũi hoặc ở bộ phận sinh dục. Như vậy, tốt nhất là chúng ta để thân xác người chết yên tĩnh cho đến khi những dấu hiệu này xảy ra. Dấu hiệu này có thể xuất hiện khoảng vài tiếng đồng hồ hoặc vài ngày sau khi hơi thở đã ngưng hẳn. Điều này có thể thực hiện được nếu người đó chết ở nhà. Nhưng sẽ bất tiện nếu người đó chết ở bệnh viện, bởi vì ở bệnh viện có nguyên tắc một xác chết được giữ trong thời gian ngắn nhất định ở nhà xác hoặc ở các khoa điều trị. Bạn có thể giải quyết rắc rối này bằng cách nhờ nhân viên bệnh viện chuyển xác người đó đến một phòng khác, nơi mà gia đình có thể lưu xác người đã chết vài giờ để chúng ta có thể cầu nguyện và niệm chú.

Tốt nhất là không đụng chạm vào cơ thể người chết từ khi có dấu hiệu ngưng thở cho đến khi tâm thức đã thoát ra khỏi thể xác. Tuy nhiên, nếu cần thiết phải chạm vào thân thể trong lúc này, việc đầu tiên chúng ta phải làm là giật tóc ở trên chóp đầu ( hoặc chỉ sờ vào đầu nếu người chết không có tóc ) Điều này sẽ làm cho tâm thức của người chết rời khỏi thóp, bắt đầu một cuộc tái sinh may mắn. Họ sẽ tái sinh vào cảnh giới an lạc. Sau đó bạn có thể chạm vào các bộ phận khác của cơ thể.

Truyền thống Phật giáo khuyên chúng ta không nên khóc trước mặt người đang hấp hối hoặc đã ngừng thở. Chúng ta không nên bàn luận về của cải hoặc phân chia tài sản trước mặt họ trong lúc này. Bởi vì nghe những lời như vậy có thể làm rối loạn tâm thức của họ. Các thành viên trong gia đình và bạn bè có thể đi sang phòng khác để khóc hoặc để bàn bạc thảo luận các vấn đề thiết thực. Chúng ta chỉ nên chú trọng cầu nguyện, niệm chú và các hướng dẫn tinh thần khác trước mặt người đang hấp hối hoặc đã chết.

Nếu trong vùng đó có các tu sĩ Phật giáo hoặc cư sĩ biết cách cầu siêu, thì bạn có thể mời họ làm lễ cầu siêu. Nếu không có, bạn có thể tự tổ chức cầu nguyện, thực hành những gì bạn biết với sự thành kính, chân thành và thương xót cho người đã khuất.

6. Giúp đỡ sau khi người thân qua đời

Sau khi người thân qua đời, chúng ta có thể tiếp tục tạo lợi ích cho họ bằng những việc làm tích cực và công đức như đọc kinh Phật ( hoặc nhờ kỳ kheo, tỳ kheo ni đọc ), cúng dường, phóng sinh, thiền định…giúp họ có cơ hội tái sinh thuận lợi, nhanh chóng thoát khỏi vòng luân hồi và đi đến giác ngộ. Chúng ta hoàn toàn yên tâm thực hành những điều trên, cho dù người thân là Phật tử hay không phải là Phật tử.

Nên dùng tiền bạc của người chết hoặc của thành viên gia đình người chết để tạo công đức, như đóng góp cho hội từ thiện. Thực hành công đức cúng dường có thể giúp người vừa qua đời được siêu thoát.

KẾT LUẬN

Hy vọng những ý tưởng trình bày trong cuốn sách giúp bạn nhận thức và giảm sợ hãi đối với cái chết của bạn và của người khác. Từ lĩnh vực tôn giáo tinh thần đến khoa học hiện đại như tâm lý học, xã hội học đều đưa ra hướng dẫn giúp chúng ta có cuộc sống thanh thản, dũng cảm đối mặt với cái chêt. Khi người thân chúng ta đối mặt với cái chết, chúng ta là nguồn động viên, an ủi họ. Mong rằng tất cả chúng ta đều giải thóat khỏi khổ đau, thanh thản, hạnh phúc trước vòng luân hồi của sanh tử.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/12/2010(Xem: 7870)
Mỗi giây phút trong cuộc sống đều tượng trưng cho một giá trị vô biên. Thế nhưng chúng ta lại cứ để cho thời gian trôi đi như những hạt cát vàng lọt qua kẻ hở của bàn tay
06/12/2010(Xem: 3893)
Do quan niệm linh hồn theo nhiều cách khác nhau nên người ta vẫn bàn cãi về có hay không có linh hồn. Thường thì linh hồn được hiểu là phần tinh anh, cái tinh thể, tinh thần của con người, đối lập với vật chất, với bất cứ cơ quan sinh học nào của cơ thể.
06/12/2010(Xem: 3065)
Thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn (Hoà Bình) đang tồn tại câu chuyện khá ly kỳ. Một cháu bé cứ nằng nặc nhận mình là đứa trẻ đã chết cách đây hơn mười năm và đòi về ở với bố mẹ người đã chết. Sau khi đưa ra nhiều “bằng chứng” chứng tỏ mình là người đã chết, cháu bé đã được nhận về nuôi như một sự sống lại của linh hồn đã chết trước đó.
01/12/2010(Xem: 3922)
Hộ niệm là niệm Phật cầu nguyện cho một bệnh nhân khi nhận thấy thuốc chữa trị không còn tác dụng đối với người ấy nữa, khi mà người bệnh sắp qua đời.
18/11/2010(Xem: 5567)
THIỀN ĐỊNH: HÃY NGẮM NHÌN MỌI SỰ– bản ngã, hành động, đối tượng; bằng hữu, kẻ thù, người không quen biết, những người là đối tượng của sự tham luyến của bạn, sự sân hận, và sự vô minh; mọi hiện tượng mang lại kết quả – với sự tỉnh giác về thực tại: tất cả những điều này đều phù du, và có thể ngừng dứt bất kỳ lúc nào. Tất cả những hiện tượng này không chỉ biến đổi trong từng giây phút do bởi những nguyên nhân và điều kiện (duyên), nhưng chúng có thể kết thúc bất cứ lúc nào.
09/11/2010(Xem: 17945)
Qua sự huân tập và ảnh hưởng của tam độc tham, sân, si, ác nghiệp đã hình thành, thiết lập những mối liên kết với tâm thức qua những khuynh hướng có mục tiêu.
31/10/2010(Xem: 7007)
Tham sống sợ chết, đó là sự thật của người đời. Thế nhưng tại sao lại giết hại, cắt đứt sự sống của chúng sanh khác? Trong bài viết ngắn này chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề "Không sát sanh" hay "tôn trọng sự sống" như là thái độ sống của một người Phật tử.
29/10/2010(Xem: 6348)
Kính lễ Tam Bảo. Kính lễ các luận sư Jamyang Khyentse Rinpoche, Dilgo Khyentse Rinpoche và Sogyal Rinpoche đã giải thích giáo lý trung ấm. Trước hết nhắc lại có sáu trung ấm hay bạt đô: trung ấm trong mộng, trung ấm trong đại định, trung ấm tự nhiên của đời sống; trung ấm đau đớn của cái chết; trung ấm pháp tính (thời gian của Ánh sáng căn bản xuất hiện ngay sau khi chết); và trung ấm tái sinh. Sở dĩ có trung ấm là vì tâm vô minh bất giác: bất giác lúc sống, bất giác lúc chết, bất giác lúc gặp ánh sáng chân lý, bất giác lúc tìm tái sinh. Để hiểu bạt đô tái sinh, có lẽ nên nói thêm về tính chất của tâm.
28/10/2010(Xem: 4944)
Dưới đây là một bài thuyết giảng của Lạt-ma Dagpo Rimpoché tại ngôi chùa Tây tạngKadam Tcheuling tọa lạc tại Aix-En-Provence miền nam nước Pháp, vào ngày 23tháng 3, năm 2003. Thôngdịch viên : Marie-Stelle Boussemart. Ghi chép : Laurence Harlé, MichelLanglois, Cathérine Baguet, Marie-Stella Boussemart
21/10/2010(Xem: 4855)
Khi Đức Phật còn là thái tử, trong lúc đi dạo chơi, Ngài đã trông thấy những cảnh khổ đau của kiếp sống con người là bệnh hoạn, già yếu và chết. Từ đó, cuộc sống khổ đau và tạm bợ của con người đã khiến cho thái tử suy tư rất nhiều và thôi thúc Ngài quyết tâm đi tìm cuộc sống an lạc, vĩnh hằng, bất tử. Trải qua năm năm tìm đạo, sáu năm khổ hạnh chốn rừng già và sau 49 ngày Thiền định ở Bồ đề đạo tràng, Đức Phật đã nhận thấy rõ đặc tính của cuộc sống con người nói riêng và của muôn vật, muôn loài nói chung ở trong thế giới sanh diệt là vô thường (Anicca), khổ (Dukkha) và vô ngã (Anatta).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567