Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương VII: Kết luận

06/05/201320:02(Xem: 5583)
Chương VII: Kết luận

Sống Và Chết

Chương VII: Kết Luận

Thích Như Điển

Nguồn:Thích Như Điển


Mùa an cư kiết hạ năm nay -Phật lịch 2542 - dương lịch 1998, riêng tôi có những niềm vui và cũng có nhiều nỗi buồn bình thường như bao nhiêu nỗi buồn của nhân thế. Vui là vui cái gì và tại sao một người đã xuất gia học đạo 35 năm rồi, còn buồn cái gì nữa? Đây là câu trả lời.

Niềm vui đầu tiên là năm nay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu đã tổ chức được khóa an cư kiết hạ ngắn hạn 10 ngày từ ngày 11 tháng 7 đến 21 tháng 7 năm 1998 tại Hannover, Đức Quốc. Có 50 Tăng Ni và 30 Cư sĩ tòng hạ tu học. Đây là niềm vui lớn nhất của tôi. Vì xây chùa xong, công việc tiếp Tăng độ Chúng không thể thiếu được. Nếu một ngôi chùa lớn, mà không có hình bóng của Tăng sĩ, quả là điều đáng tiếc vô cùng. Mặc dầu chúng lý thường trực tại chùa Viên Giác cũng tăng giảm từ 18 đến 20 người; nhưng Tăng chúng càng đông, chùa càng có nhiều nếp sinh hoạt đặc thù hơn. Vì "Đức chúng như hải" mà.

Hầu hết quý vị tôn túc, trên từ Hòa Thượng Trưởng Ban Điều Hành Giáo Hội; Thượng Tọa Trưởng và Phó Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự; Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục; Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ v.v... đều có mặt. Tăng chúng của 2 chùa Khuông Việt - Na Uy, và Viên Giác - Đức Quốc, có số lượng đông nhất. Năm nay quý Thầy Tỳ Kheo đã đi trù trì các chùa khắp nơi tại Âu Châu cũng đã vân tập về đông đủ tòng hạ trong 10 ngày. Không khí của ngôi chùa Viên Giác nhộn nhịp hẳn lên, không phải vì sự huyên náo mà là không khí tu học cũng như nghiêm trì giới luật của một người xuất gia.

Về tu học và hành đạo được chia ra những thời khóa rõ rệt như sau:

- Sáng từ 5 giờ 30 đã được thức chúng

- 5 giờ 45 mọi người đều vân tập lên Tổ Đường, đảnh lễ chư vị Tổ Sư, sau đó chư Tăng Ni đăng lâm bảo điện hô canh và tọa thiền.

- Đúng 6 giờ trì tụng thần chú Thủ Lăng Nghiêm

- Từ 7 giờ đến 8 giờ là giờ chấp tác công việc trong chùa của chúng Sa Di và Sa Di Ni.

- Đúng 8 giờ mọi người vân tập nơi trai đường để dùng điểm tâm.

- Từ 9 giờ đến 10 giờ 30 chúng Sa Di và Sa Di Ni chia phiên trực hành đường chuẩn bị cho giờ ngọ trai, trong khi đó quý Thầy Tỳ Kheo và quý cô Tỳ Kheo Ni vân tập nơi phòng họp để nghe quý Thầy đi trước truyền đạt các kinh nghiệm ra làm việc Đạo. Những khó khăn trở ngại, những thuận duyên và những thử thách cũng được trình bày cặn kẽ, tỉ mỉ để rút ra những ưu khuyết điểm cho chính cá nhân từng vị. Lớp nầy do Hòa Thượng Chủ Tịch, Thượng Tọa Tăng Sự, Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục và chúng tôi phụ trách. Năm nay, đây là lần đầu tiên có lớp "Như Lai Sứ Giả" nầy.

- Đúng 11 giờ trưa Tăng chúng lại vân tập nơi trai đường để thọ trai và kinh hành nhiễu Phật. Sau đó nghỉ giải lao cho đến 14 giờ 30.

- Từ 14 giờ 30 đến 16 giờ cả chúng Tỳ Kheo và Sa Di, Sa Di Ni đều được học tập. Chúng Tỳ Kheo trao đổi kinh nghiệm tại phòng hội họp, trong khi đó chúng Sa Di và Sa Di Ni cũng như những vị Cư sĩ tòng hạ học tại giảng đường của nhà Đông do Thượng Tọa Thích Nhất Chơn hướng dẫn.

- Đến 17 giờ chiều chánh điện của chùa Viên Giác lại vang lên tiếng kinh cầu nguyện cho âm được siêu và dương được thái. Tiếng chuông u minh cũng đã dẫn hồn người quá cố về chùa nghe kinh để tìm phương giải thoát. Đây là giờ thí thực cô hồn. Một nghi lễ thể hiện lòng từ bi của người sống đối với kẻ đã qua đời không có nơi nương tựa; thường được cử hành mỗi ngày tại các chùa ở Việt Nam cũng như ngoại quốc.

- 18 giờ 30 chư vị Tăng Ni dùng cháo hoặc dùng những món ăn nhẹ.

- Đúng 20 giờ tất cả Tăng Ni và Phật Tử vân tập lên chánh điện để lạy kinh Đại Bát Niết Bàn, mỗi chữ mỗi lạy và mỗi tối như vậy thường lạy khoảng 300 lạy. Kinh Đại Bát Niết Bàn là một bộ kinh tối thượng thừa gồm 2 quyển, khoảng gần 2.000 trang chữ nhỏ. Nếu muốn lạy hết bộ kinh nầy phải cần 10 đến 15 năm trong mùa an cư kiết hạ. Chùa Viên Giác đã lạy kinh nầy bước sang năm thứ 3 rồi, hơn 240 trang sách đã được phụng trì một cách rất trang trọng. Đây là một công hạnh tu hành để phát sinh phước đức và trí tuệ mà cả Tăng lẫn Tục đều có thể thọ trì.

Một ngày trôi qua nhanh như thế, mọi người lại nghỉ ngơi, để tiếp tục công việc của ngày khác. Thế là 10 ngày trôi qua một cái vèo. Đúng là "Bóng câu qua cửa sổ". Tăng chúng lại luyến tiếc không khí tu học nầy nên đã đề nghị sang năm, sang năm nữa và những năm kế tiếp an cư 2 tuần hoặc lâu hơn. Điều ấy đã được Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự hài lòng và tán đồng, nên duy trì truyền thống tốt đẹp nầy.

Rồi khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 10 đã được tổ chức tại Glaubenberg, Thụy Sĩ, trong 10 ngày từ 23 tháng 7 đến 1 tháng 8 năm 1998, gồm có 500 Phật Tử và 50 Tăng Ni tham dự, đến từ 14 nước trên thế giới, đa phần từ Âu Châu. Năm nay cũng là năm kỷ niệm 10 năm việc Phật sự chung nầy. Quý Thầy và quý Phật Tử lại vân tập về nơi núi đồi trùng điệp nầy để sống những ngày cho tâm linh thật đầy đủ ý nghĩa.

Chương trình học có 5 lớp. Đầu tiên là lớp Oanh Vũ, gồm các em nhỏ theo cha mẹ đi học khóa Giáo Lý tuổi từ 5 đến 14. Lớp nầy được quý Thầy Chúc Nhuận, Cô Từ Khánh, Chú Hạnh Định và Cô Viên Chân phụ trách về vấn đề giáo lý và các anh chị Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Thụy Sĩ cũng như Âu Châu chịu trách nhiệm về vấn đề sinh hoạt của các em, gồm trò chơi, ăn uống, học tiếng Việt, sinh hoạt cộng đồng v.v...

Lớp 1 là lớp Giáo Lý Căn Bản cho những vị mới làm quen với Đạo. Mấy năm trước chỉ có một số quý Đại Đức đảm trách; nhưng năm nay quý Thượng Tọa cũng có giờ hướng dẫn cho lớp 1 nầy. Các giờ học của các lớp đều giống nhau. Nghĩa là mỗi một lần học như vậy có 5 hay hơn nữa, quý Thầy lo đảm trách trực tiếp. Ví dụ sáng từ 9 giờ 30 đến 11 giờ. Chiều từ 4 giờ đến 5 giờ rưỡi và tối từ 9 giờ tới 10 giờ rưỡi. Ngoài 3 lần học ra, các khóa sinh phải theo 4 thời khóa công phu sáng vào lúc 6 đến 7 giờ. Quá Đường từ 12 đến 13 giờ. Lễ Cầu An từ 15 đến 16 giờ và lễ Tịnh Độ từ 20 đến 21 giờ. Ngoài ra các khóa sinh phải vào 1 trong 3 Ban như Trai Soạn, Hành Đường và Vệ Sinh để thực tập, học hỏi và đóng góp phần vụ của mình vào trong công việc chung để được công đức.

Lớp 2 là lớp chuyên khoa, mỗi năm học một bộ kinh. Năm nay Thượng Tọa Thích Nhất Chơn, Đặc Ủy Giáo Dục có dạy về Giới Tướng và Giới Pháp cho cả 2 lớp. Đặc biệt có Thượng Tọa Thích Phước Nhơn từ Úc đến đào sâu về pháp môn Tịnh Độ. Riêng tôi, hướng dẫn Phật Tử một phần nhỏ trong kinh Bảo Tích về Bồ Tát Đạo. Thượng Tọa Thích Thiện Huệ giảng về Long Thơ Tịnh Độ. Đây là 4 Thầy giảng sư chính của lớp 2 của Khóa Tu Học năm 98 nầy.

Năm nay lớp cho Sa Di, Sa Di Ni học riêng. Lớp nầy cũng do Hòa Thượng Chủ Tịch và quý Thượng Tọa lớn trong Giáo Hội hướng dẫn. Riêng tôi có hướng dẫn lớp nầy về Oai Nghi Tế Hạnh và Sám Ngã Niệm bằng chữ Hán. Năm nay quý Chú và quý Cô độ gần 30 vị; nên không khí học có vẻ cởi mở vui tươi hào hứng hơn mọi năm.

Cuối cùng là khóa dành cho quý vị Tỳ Kheo đã đi trụ trì một số Tự Viện tại Âu Châu. Thông thường các năm khác không có khóa nầy; nhưng năm nay sau 10 ngày an cư tại Viên Giác, khóa nầy vẫn còn âm hưởng; nên quý Thầy Tỳ Kheo đề nghị được tiếp tục học và trao đổi kinh nghiệm trong khi làm việc Đạo, việc Hội. Lớp nầy độ chừng 15 vị do Hòa Thượng Chủ Tịch, Thượng Tọa Tăng Sự, Thượng Tọa Nhất Chơn, Thượng Tọa Thiện Huệ, Thượng Tọa Phước Nhơn và chúng tôi đảm trách. Đa phần giải đáp những khó khăn mà quý vị Đại Đức nầy khi ra làm việc Đạo đã gặp phải. Không khí tu học rất tươi trẻ và từ sang năm trở đi, khóa nầy vẫn được duy trì.

Trong khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 10 năm nay có một phiên họp của chư Tăng trong Giáo Hội, có một phiên họp của Tổng Vụ Cư Sĩ và một khóa hội thảo của ngành Thiếu, Gia Đình Phật Tử Âu Châu. Trong phiên họp của Giáo Hội Âu Châu kỳ nầy có mấy quyết định của Tổng Vụ Tăng Sự cũng rất phù hợp với sự tu học ngắn hạn như sau:

- Kể từ năm 1999 trở đi, nhân mùa hạ khai mở tại chùa Viên Giác, Hannover - Đức Quốc, vào tháng 7, sẽ cho xuất gia gieo duyên cho quý Phật Tử nào phát tâm xuống tóc trong vòng 2 tuần lễ để báo hiếu, hoặc để tròn lời nguyện. Hoặc giả xuất gia cả đời không được, thì cũng có thể tu trong một thời gian ngắn như thế.

- Cũng kể từ năm 1999 trở đi các giới tử thọ Bồ Tát Giới ăn chay trường và sống cuộc sống thanh tịnh, không có gia đình, được Tổng Vụ Tăng Sự chuẩn cho đắp y màu nâu, tu tại gia.

- Những vị nào thọ Bồ Tát Giới mà chỉ lãnh 6 giới trọng và 28 giới nhẹ, chỉ ăn chay 10 ngày thì chỉ được đắp y màu đen trong mùa an cư kiết hạ tại chùa Viên Giác và khóa Giáo Lý Âu Châu mà thôi. Sau đó y áo sẽ do Tổng Vụ Tăng Sự thâu lại cất giữ, sang năm kế tiếp lại được nhận lại.

Y của quý Phật Tử tại gia thọ Bồ Tát Giới cả màu nâu lẫn màu đen đều do Giáo Hội Âu Châu cấp phát, chứ không phải tự ý may lấy. Sẽ có thông báo của Tổng Vụ Tăng Sự gởi đến quý Đạo Hữu nay mai.

Hai đêm văn nghệ bộc phát rất là hào hứng. Một đêm được tổ chức vào giữa khóa tu học, trong lúc quý Thầy họp Giáo Hội, thí sinh nghỉ xả hơi; nghe nói cũng rất thành công. Nội dung phong phú; nhưng nghe đâu không bằng đêm văn nghệ lúc bế giảng. Sau lễ bế giảng có lễ kỷ niệm 10 năm, cắt bánh sinh nhật và tối hôm đó là một đêm tuyệt vời đối với chư Tăng Ni cũng như các khóa sinh. Chương trình chi tiết của Ban Văn Nghệ không được sắp đặt trước. Tuy nhiên rất hòa nhịp ăn khớp vô cùng. Đại Đức Lệ Nguyên làm xướng ngôn viên bên giới Tăng sĩ thì Thị Hiện Nguyễn Hữu Lộc làm xướng ngôn viên cho Cư sĩ. Đây là Đạo Đời 2 ngả cũng giống như Tân Cổ giao duyên vậy. Ai nghe cũng cười ngả nghiêng ngả ngửa và những tràng pháo tay tán thưởng nổ lốp đốp liên hồi, dường như kéo dài trong vô tận. Cứ 2 màn do Gia Đình Phật Tử đóng góp thì có một màn của chư Tăng phụ họa vào. Đây là lần đầu tiên có đêm văn nghệ như thế, chưa đâu có được và có lẽ cũng không bao giờ được diễn trên một sân khấu công cộng như đêm văn nghệ của Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 10 vừa rồi. Kẻ vọng cổ; người ngâm thơ. Kẻ hát tân nhạc, người đánh đàn, thổi sáo. Các em Oanh Vũ thì múa những điệu vừa mới tập, trông nóng hổi và hoạt náo vô cùng.

Thế rồi ngày chia tay cũng đã đến. Mọi người ngày hôm sau, ai nấy cũng bùi ngùi luyến tiếc, giã từ nơi núi đồi trùng điệp nầy. Giã từ những người bạn đạo thân thương. Giã từ những giờ tu học chung Thầy, chung lớp. Giã từ tiếng kinh lời kệ. Giã từ tiếng trẻ thơ chờ mẹ trong giờ sinh hoạt của Oanh Vũ. Thế là mọi người ra về. Ai ai cũng nặng trĩu cõi lòng, phải chờ một năm sau nữa mới có cơ hội trùng phùng trong 10 ngày ngắn ngủi như thế. Có cuộc vui nào lại chẳng tàn đâu? Có cuộc sống nào cứ kéo dài mãi không chấm dứt? Có cái gì tốt đẹp được cấu tạo bằng hình tướng trên đời nầy còn mãi đâu? Thôi thì cái gì của nhân thế, xin trả về với nhân thế. Đời là thế. Vì cuộc đời là thế. Có hợp thì có tan. Trăng có tròn thì có khuyết. Người có còn cũng là lúc phải chuẩn bị biệt ly. Tất cả đều giả tướng, tất cả đều bị vô thường biến đổi.

Trên đây là những tin vui và dưới đây là những tin buồn. Sau khi về lại Đức, huân tu trong những ngày an cư còn lại, bầu trời Đức Quốc lại ảm đạm hơn. Tin từ Việt Nam cho hay Hòa Thượng Bổn Sư của tôi bị cơn bịnh hoành hành và có thể ra đi bất cứ lúc nào. Thế là lo âu, thấp thỏm lại đến. Bởi vậy sự vô thường là thế. Có đó rồi mất đó. Cái gì liên hệ trực tiếp với mình thì cái đó bị ảnh hưởng, bị lôi kéo, bị dán chặt vào. Nếu vô thường xảy ra với một kẻ khác thì mình trở thành khách bàng quan, không lưu tâm đến. Vì nghĩ rằng vô thường chưa đến với mình, do vậy mà không lo tu học hoặc sửa soạn cho ngày về; nhưng khi chúng đến rồi thì bao nhiêu loại nghiệp chướng khác lại đổ ra.

Các vị Bồ Tát, chư vị A La Hán lấy cái khổ của chúng sanh làm cái khổ của mình để tu tiến, hành đạo. Do vậy mà dưới mắt các Ngài không bị trói buộc vào một đối tượng nào nhất định cả. Tình thương rải đều cho mọi người và mọi loài chứ không bị đóng khung như tình yêu. Tình yêu là vị kỷ, tình thương là vị tha. Tình yêu bị đóng khung trong hình vuông, hình tròn, hình thoi hay hình chữ nhật. Ngược lại tình thương thì giải phóng ra khỏi sự nô lệ của 4 bức tường nầy. Tình thương là sự cởi trói cho mọi ràng buộc của thế nhân. Tình thương là mong được cho và tình yêu là mong được nhận. Một bên tượng trưng cho vị tha và rõ ràng bên khác tượng trưng cho vị kỷ. Đây là một bài học mà ai trong chúng ta cũng có thể học thuộc lòng; nhưng thực hiện được bài đó, mỗi người lại có mỗi phương thức khác nhau.

Từ khi xuất gia với Thầy, đến năm nay (1998) là đúng 35 năm. Trong 35 năm ấy hình ảnh của Thầy tôi có lúc gần, có lúc xa. Vì suốt trong khoảng thời gian ấy, tôi chỉ ở với Thầy có 2 năm. Trong 2 năm trường đó tuy Thầy tôi không dạy trực tiếp bằng lời; nhưng gián tiếp qua hành động, cử chỉ v.v... tôi đã học được từ Thầy tôi rất nhiều. Thầy là một con người rất cương nghị, không dễ dãi nhường bước bất cứ một sự khó khăn nào. Trên đường tu, Thầy đã thành công ở nhiều lãnh vực; nhưng Thầy cũng đã bị chông chênh ở nhiều vị thế khác nhau. Đúng là mỗi chúng sanh khi sinh ra đời, nghiệp lực của mỗi người mỗi khác là vậy. Thầy rất am tường về nhiều phương diện như tổ chức, xã hội v.v... nhưng về phần hành trì để sinh cái đức phía bên trong, Thầy tôi bị thời gian và hoàn cảnh chi phối, do vậy mà những cái nghiệp khác nó trói buộc Thầy. Điều nầy tự Thầy biết rõ hơn ai hết; nhưng Thầy chỉ chấp nhận mà thôi. Có lẽ Thầy nghĩ rằng đó là một định nghiệp mà Thầy phải trả. Thầy sinh năm 1927 tại Hội An, trong một gia đình nho giáo. Ông anh Thầy làm Dân Biểu Hạ Nghị Viện thời trước năm 1975. Cũng có tiếng tăm lừng lẫy một thời. Hội An là cái xứ khổ sở muôn bề; nhưng Thầy cũng đã chống chọi với bao thử thách của hoàn cảnh và thời cuộc. Tôi kém thua Thầy 23 tuổi; nhưng ngày ấy khi mới vào chùa, thấy Thầy vĩ đại quá, cao thượng quá và tôi, một chú bé nhà quê chỉ biết làm theo những khuôn mẫu mực thước đã có trước mà thôi. Ngày xuất gia của tôi là ngày 15 tháng 5 năm 1964; nhưng sau đó phải ra Tổ Đình Phước Lâm ở với Thượng Tọa Thích Như Vạn từ 1964 đến 1966. Vì lẽ Thầy tôi phải đi Sàigòn để chữa bịnh. Tôi đã học được ở Thầy Như Vạn cũng nhiều và sau đó tôi lại rời Tổ Đình Phước Lâm về chùa Viên Giác ở từ 1966 đến 1968 rồi tiếp tục xuôi Nam và năm 1972 lại ra ngoại quốc cho đến ngày nay.

Tôi được biết Thượng Tọa Thích Như Vạn viên tịch vào năm 1977 tại Hội An qua lần thăm viếng chùa Tam Bảo tại Montréal, Canada, 1979. Những năm 75 đến 80 hầu như có rất ít tin tức từ Việt Nam sang ngoại quốc. Nhớ lúc ấy khi tôi còn ở Nhật mỗi lần thư đi từ Việt Nam qua Nhật phải tốn đến 6 tháng trời. Nhìn kỹ dấu bưu điện thì thư đi qua Trung Quốc, sang Nga rồi mới vào Nhật. Khi thư đến Nhật, nhìn thấy lá thư nhưng chữ nghĩa đã phai màu và giấy viết thư cũng quá xấu. Nhìn sự phát triển của Việt Nam vào cuối thập niên năm 70, tôi sửng sốt. Vì lúc ấy Nhật Bản là một cường quốc kỹ nghệ trên thế giới mà. Cũng vì tin tức không có, cho nên sự ra đi của vị ân sư Thượng Tọa Thích Như Vạn tôi không được biết. Mãi đến năm 79 mới hay tin và nay thì cũng đã gần 20 năm rồi. Thời gian trôi qua nhanh quá, mới đó mà đã 20 năm rồi. Thế sự nhiều đổi thay; nhưng ân sư Thầy Tổ lúc nào cũng ở canh cánh bên lòng của tôi, tựa hồ như việc mới ngày nào. Ở tôi ân nghĩa nặng trĩu hai vai, dầu cho đến tự bao giờ cũng không thể nào quên được. Như Ngài Thật Hiền người Trung Hoa đã phát nguyện trong "Phát Bồ Đề Tâm", đối với ơn Tam Bảo, Cha Mẹ, Thầy Tổ, Quốc Gia, Xã Hội v.v... phàm mỗi chúng sanh sinh ra trong đời nầy, không ai có thể sống độc lập được, mà mỗi người phải sống nương tựa vào kẻ khác ở mỗi phương diện khác nhau.

Trong 24 oai nghi của một người tu, trong ấy có mấy phép dạy thờ Thầy, cung phụng Thầy lúc đau ốm cũng như khi già yếu, khi ra đi v.v... ai mà thực hành kỹ càng cung cách nầy cũng không khác gì Phật Giáo Tây Tạng mấy. Ở Phật Giáo Tây Tạng, đặc biệt về Lamring, tức tiệm tu - họ xem Thầy còn hơn Phật. Vì Phật đã đi vào quá khứ, chỉ có Thầy mới là thay mặt Phật dạy cho ta mọi lý lẽ của cuộc đời. Mọi tình thương, mọi sự hiểu biết cũng từ đây mà sanh. Do vậy mà Phật Giáo Tây Tạng rất quan tâm về lãnh vực nầy cũng giống như Phật Giáo Nhật Bản thờ hình ảnh của các vị Tổ Sư khai tông lớn hơn Phật vậy. Việt Nam thì không đặc biệt như thế. Vì Phật, đối với người Phật Tử Việt Nam rất quan trọng nên thờ ở giữa chánh điện. Tổ quan trọng thứ 2 nên thờ Tổ sau lưng Phật. Còn Thầy cũng quan trọng; nhưng vào hàng thứ 3. Việt Nam không thờ Thầy trên Tổ, thờ Tổ trên Phật như Phật Giáo Tây Tạng và Nhật Bản được. Có thể nói rằng Phật Giáo Việt Nam có những nét đặc thù khác hơn các nước theo Phật Giáo trên thế giới.

Hình ảnh của Thượng Tọa Thích Như Vạn giống như một người mẹ hiền. Thầy người gầy gò ốm yếu; nhưng cũng rất cương nghị. Bất cứ một việc gì Thầy đã đề xướng ra, Thầy đều tận tụy làm cho xong việc. Đây là một đặc tính rất quan trọng mà cá nhân tôi đã ảnh hưởng được lúc thiếu thời. Đây cũng là những dấu ấn, in rất đậm nét lúc tuổi còn thơ. 15 tuổi lúc ấy là cái tuổi còn rất hồn nhiên để tiếp nhận những gì cao quý nhất trong khi học đạo lúc ban đầu. Ngày nay Thầy đã ra đi; nhưng trong tôi, hình bóng Thầy vẫn còn sáng ngời hiển hiện. Dầu Thầy ở thế giới nào đi chăng nữa, hình ảnh của Thầy vẫn luôn ở mãi bên con và mấy ngày nay tôi lại được tin Sư phụ mình chuẩn bị ra đi vĩnh viễn, như bao sự ra đi khác của nhân thế. Cho nên tôi đã chuẩn bị tương đối đầy đủ những gì phải chuẩn bị lúc Thầy chưa ra đi. Chắc chắn một ngày rất gần, Thầy phải ra đi. Tôi đã gởi Hạnh Tấn và Hạnh Nguyện, hai người đệ tử đầu đang ở Ấn Độ về lại Việt Nam để hầu Sư Ông trong những ngày còn lại. Riêng phận mình, mặc dầu là Trưởng Tử nhưng không gian cách trở và thời gian không cho phép nên cố quốc vẫn còn xa và ngày về lại quê xưa, cận kề bên Thầy Tổ, thăm ngôi chùa xưa, đảnh lễ nơi chân tháp của Thầy vẫn còn là một niềm hy vọng lớn lao vẫn còn giữ mãi nơi cõi lòng mà chưa thực hiện được.

Cuộc thế xoay vần, sự sống chết là lẽ đương nhiên. Do vậy chuẩn bị sự ra đi cho mình hay cho người vẫn là một điều đáng làm trước. Vì trước sau gì, chúng ta cũng phải đi qua con đường ấy. Đó là một sự thật mà ít người muốn chấp nhận; nhưng sự thật bao giờ cũng là sự thật. Sau đây là bài điếu văn của môn đồ hiếu quyến do tôi soạn và Hạnh Tấn sẽ đọc bên kim quan của Thầy sau khi Thầy đã vĩnh viễn ra đi:

Ngưỡng bạch Giác linh Ân Sư

Chúng con đại diện cho môn đồ, đệ tử pháp quyến tại chùa Viên Giác, Đức Quốc, xin bái vọng về ân sư nơi quê hương nghìn trùng xa cách để nói lên tấm lòng của một người đệ tử đã theo Thầy xuất gia học đạo, nay đã đúng 35 năm trường.

Thời gian có Xuân, Hạ, Thu, Đông. Không gian có Đông, Tây, Nam, Bắc; nhưng với con trong hiện tại, vũ trụ như ngừng quay và bầu trời không một vì sao sáng. Dẫu biết rằng: Sống Gởi Thác Về và thân tứ đại trả về cho tứ đại; nhưng ai đâu ngờ rằng, qua tuổi thất thập cổ lai hy, Thầy đã vội lìa nơi trần thế. Tâm hành Bồ Tát đạo chưa mãn, thân thể hiện hạnh từ bi chưa xong mà vô thường đã vội đến, để cho chúng con hàng đệ tử, đệ tôn nơi phương trời xa lạ và ở nơi cố quốc thân yêu nầy mất đi một bậc ân sư và chắc chắn rằng chúng con không có cơ hội trùng phùng nữa.

Suốt 35 năm tu học, mà con chỉ ở với Thầy được 2 năm từ 66 đến 68. Thời gian nầy Thầy đã đa đoan Phật sự đối với Giáo Hội; nhưng vấn đề thân giáo, khẩu giáo và ý giáo của Thầy đối với chúng con không bao giờ thiếu sót. Thầy không bao giờ la và quở phạt đệ tử của Thầy một cách nặng lời; nhưng đệ tử nào nhìn những cử chỉ im lặng của Thầy cũng đủ biết rằng Thầy không vừa ý, lại phải sám hối, lại phải làm tròn bổn phận của mình.

Kính bạch giác linh Thầy

Lẽ ra con phải về đây, cận kề bên kim quan của Thầy để làm tròn bổn phận là người đệ tử đối với Sư Phụ; nhưng như Thầy đã biết, không gian cách trở và hoàn cảnh chưa thuận duyên; nên con đành ở chốn trời Tây, xin ngưỡng vọng về giác linh Thầy và đệ tử của con sẽ đọc lên những lời nầy thế con, trong lúc con vắng mặt. Kính mong Thầy chứng giám cho.

Cây có cội, nước có nguồn là vậy. Dù ai đi đâu và sống bất cứ nơi đâu trên quả địa cầu nầy; nếu không có cha mẹ sinh thành; nếu không có ân sư giáo dưỡng thì không nên người được. Từ câu "ẩm thủy truy nguyên" nầy mà con luôn vọng về quê hương cũng như cố quốc để nói lên nỗi niềm cô lữ khi ân sư đã theo Phật về Tây. "Thầy là bóng cây che mát chúng con. Thầy là ánh sáng dắt dìu lòng con...". Thầy là sự sống của mọi người, Thầy che chở mọi người như bóng mát của cây đa chùa Viên Giác vẫn chở che mưa nắng cho mọi người được nhờ. Bây giờ Thầy đã ra đi, ra đi vĩnh viễn không có ngày trở lại; nhưng chúng con cũng mong rằng với hạnh nguyện độ sanh của Bồ Tát, mong Thầy trở lại trần gian đầy khổ đau tục lụy nầy, sớm gặp được nhiều an lạc trong cuộc sống. Vì cuộc đời còn khổ đau thì bản hoài của chư Tổ Sư và chư vị Bồ Tát chưa hoàn thành. Dưới một hình thức nào đó, chúng con mong muốn Thầy trở lại Ta Bà để hóa độ chúng sanh.

Những lúc vui, Thầy cũng không vui quá, lúc buồn Thầy cũng chỉ buồn riêng với mình. Ít ai, ngay cả những đệ tử lớn của Thầy cũng rất khó để chia xẻ với Thầy những việc Phật sự mà Thầy đã cưu mang trong quá khứ. Có lẽ Thầy đã lấy cái khổ của chúng sanh làm cái khổ của mình; nên cuối cùng rồi thân thể lại bịnh hoạn và cơn vô thường đã đến, đưa Thầy về cảnh giới an nhiên.

Chúng con biết rằng: Cõi trần thế có nhiều điều tạm bợ; nhưng "vô thường thị thường" cũng là lẽ đạo huyền vi, ngưỡng mong Thầy ở nơi cao minh nào đó chứng cho lòng đệ tử chúng con và chúng con cũng mong rằng: sắc thân Thầy có bị sự giả huyễn vùi vào lòng đất lạnh; nhưng hạnh nguyện của Thầy vẫn luôn luôn còn ở mãi với chúng sanh trong cõi đời ngũ trược nầy.

Con và các chúng đệ tử, đệ tôn nơi đây xin chắp tay nguyện cầu giác linh Thầy được cao đăng thượng phẩm và nhập vào trạng thái chân như, sớm hồi nhập Ta Bà, hóa độ chúng sanh.

Khể thủ

Đệ Tử: Thích Như Điển



Tôi muốn viết thật nhiều cho quý vị đọc. Nhiều lúc ý tưởng chất chồng phải ghi ra giấy để viết cho có thứ tự. Nhiều khi lo nắm bắt ý nầy thì ý kia chạy mất. Do vậy mà có nhiều đoạn văn không liên tục nhau, hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần. Đôi khi tôi muốn làm một cái dàn bài thật kỹ, để cho tất cả sự suy nghĩ vào một khuôn khổ nhất định nào đó; nhưng điều ấy rất khó, đôi khi vì có những sự kiện mới tiếp nhận được, nên ý văn lại dồi dào hơn và tôi lại dẫn dắt câu văn của mình đi vào một ngõ quanh khác. Nhiều khi muốn đào sâu hơn nữa một vấn đề quan trọng nào đó; nhưng chưa xong, đã phải qua vấn đề khác. Do đó khi quý vị độc giả đọc sách của tôi viết, thấy không sâu sắc là vậy. Có nhiều người viết một câu chuyện nhỏ thôi mà có thể kéo dài cả hằng trăm trang sách; nhưng ở tôi thì không được thế. Cũng có lúc muốn diễn tả câu chuyện có thêm ý vị hơn; nhưng tư tưởng lại không cho phép. Thế là vén khéo câu chuyện lại, để rồi sau khi in thành sách, lúc đọc lại, thấy sao mà ngắn quá, lẽ ra chỗ nầy hoặc chỗ kia phải cần bàn rộng hơn nữa. Thật ra một quyển sách hay, không nhất thiết phải là một quyển sách dày, nhiều trang; nhưng thông thường độc giả hay ngay chính cả tác giả cũng thế, nếu nhiều trang một chút, quả thật là sách hay thì đọc lại vui hơn. Người ta khi đọc sách xong phải tìm được một ý chính của tác giả muốn gởi đến độc giả. Đó cũng là thành công rồi. Nhiều khi đọc suốt một quyển sách viết tràng giang đại hải; nhưng độc giả chẳng thâu lượm được ý chính muốn nói cái gì, thì đây quả là chuyện bông đùa. Không ai có nhiều thì giờ để theo dõi một câu chuyện không có một mục đích nhất định.

Dẫu sao đi nữa thì tác phẩm thứ 25 nầy cũng đã xong. Mùa hạ năm nay có nhiều niềm vui và nhiều nỗi lo lắng là thế. Tuy nhiên mọi việc rồi cũng qua đi, chỉ tiếc rằng tôi không có nhiều thì giờ để lo cho mọi công việc cùng một lúc, nhiều lúc bị trách móc ở mọi nơi, ở trách nhiệm một vị Thầy, ở cương vị của một người trù trì; ở cương vị của một người lãnh đạo. Nhiều lúc tôi cũng muốn cố gắng hết mình; nhưng điều ấy không phải là chuyện đơn giản. Không ai hiểu hết được tâm lý và nhu cầu của quần chúng cả. Một chính trị gia, một nhà tôn giáo, một nhà xã hội học cũng thế thôi. Huống nữa ở đây với cương vị một Trù Trì từ trên xuống dưới phải chăm sóc mọi mặt của một ngôi chùa to lớn nhất nhì tại hải ngoại, quả không phải là chuyện đơn thuần. Nhưng còn sống là còn làm bổn phận của mình cho đến khi nào không thể kham nhẫn được nữa, lúc ấy mới thôi. Dĩ nhiên nhu cầu đòi hỏi thì nhiều, ở mỗi người, ở nhiều lãnh vực khác nhau; nhưng người lãnh đạo, dầu giỏi đến đâu đi chăng nữa, cũng không thể cung ứng mọi vấn đề cho tập thể mà cần phải có nhiều bàn tay và khối óc hỗ trợ vào.

Xin nguyện cầu cho sự sống của mọi loài luôn có ý nghĩa. Nếu có chết cũng trở về một trạng thái an nhàn, không khổ đau, không giằn vật, để tâm thức hay bổng lên cao xanh, nhìn lại thế giới khổ đau nầy, nơi con người đã sống, có được một sự cảm thông nào đó cho những sinh linh còn phải tiếp tục nổi trôi trong kiếp luân hồi nầy.



Viết xong ngày 30 tháng 8 năm 1998
nhằm ngày giỗ của phụ thân lần thứ 12,
mồng 9 tháng 7 âm lịch tại thư phòng chùa Viên Giác
Tác giả: Thích Như Điển

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/06/2011(Xem: 4881)
Chúng ta chết là chết như thế nào? Và sau khi chết, chúng ta đi về đâu? Đấy là những câu hỏi, những thắc mắc, những hoài nghi đeo bám tâm thức nhân loại từ xưa đến nay và dường như chúng vẫn đang còn treo lơ lửng ở đấy với những vấn nạn siêu hình nhức nhối và đầy bí ẩn. Đức Phật là bậc thầy của chư thiên và loài người (Thiên Nhân Sư), là bậc thông suốt thế gian, thông suốt tam giới (Thế Gian Giải), là bậc đã thấy biết toàn diện và chơn chánh (Chánh Biến Tri)... đã giảng giải cho những người học Phật và tu Phật như thế nào về “hiện tượng chết và tái sanh”? Bây giờ muốn đi vào nội dung ấy, chúng ta sẽ phải lần lượt nghiên cứu qua những tương quan liên hệ sau đây:
06/05/2011(Xem: 10362)
Khi truyền bá rộng rãi sang châu Á, Phật giáo thành công khi vượt qua một số vấn đề nổi bật từ những giới hạn về ngôn ngữ trong một số trường hợp phải phiên chuyển thành một ngôn ngữ rất khác với ngôn ngữ nói của Ấn Độ. Giáo lý đạo Phật được truyền đạt bằng lời nói qua vô số ngôn ngữ và tiếng nói địa phương. Còn Kinh tạng, khi đã được viết ra, lại được phiên dịch thành hàng tá ngôn ngữ ngay cả trước thời kỳ hiện đại. Do vì nguồn gốc lịch sử không cho phép các học giả dùng ngôn ngữ nói trong việc giảng dạy, bài viết này sẽ tập trung vào những ý tưởng được viết ra, nhằm khảo sát việc truyền dạy qua lời nói chỉ trong thời kỳ Phật giáo Ấn Độ.
05/05/2011(Xem: 7826)
Cuối cùng thì một con đường vô thường này mỗi người chúng ta đều phải đối diện! Tuy nhiên, Phật A-di-đà đã từng phát đại nguyện muốn cứu độ tất cả chúng sanh niệm Phật.
27/04/2011(Xem: 18120)
Để có một đời sống hạnh phúc an lạc – những ngày hạnh phúc và những đêm an lạc – điều cực kỳ quan trọng là phối hợp sự thông tuệ của con người với những giá trị căn bản của nhân loại.
24/04/2011(Xem: 4767)
Một kỹ sư người Nhật đang làm việc cho một công trình xây dựng cầu treo tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tự tử vào hôm Chủ nhật ngày 22 tháng 3 sau khi một sợi dây cáp bị đứt. Mặc dù cầu không bị gẫy và không có người thiệt mạng, người kỹ sư 51 tuổi, Kishi Ryoichi, đã tự nhận trách nhiệm cho sự cố này trong bức thư mà ông để lại. Tin tức nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ và rất nhiều người tán dương lòng tự trọng của người kỹ sư, thậm chí một số người còn đề nghị đặt tên cây cầu theo tên ông.
11/04/2011(Xem: 9260)
Video: Truyền thống an táng rùng rợn của người Tây Tạng
03/04/2011(Xem: 4125)
Hình Ảnh Con Người Qua Bài Phổ Thuyết Sắc Thân Của Trần Thái Tông, Sắc thân con người là hữu hạn vì bị giới hạn bởi hai đầu: Sanh và tử, có và không, đến và đi, một và khác. Con người có vượt qua được những giới hạn của những cặp phạm trù đối đãi kia hay không là ở chỗ con người có chịu thanh lọc tâm thức để thăng hoa đời sống hay không. Nếu con người mải mê chạy theo những dục vọng thấp hèn thì con người sẽ tha hoá và phải bị đọa lạc, phải chuốt lấy những khổ đau và hệ lụy.
22/03/2011(Xem: 3778)
Ai chết ? Ai được sinh ra ? Chúng ta hãy xem xét một cách chuyên biệt hơn chết là gì và, trong tiến trình chết, aichết. Luôn luôn, trải nghiệm của chúng ta về chính chúng ta là của một cá thể hiện hữu với một thân và một tâm: Chúng ta đồng nhất với những cái này và nói, “ thân của tôi”, “tâm của tôi”.
22/03/2011(Xem: 3367)
Nếu tôi nói có một ngã, Ông sẽ nghĩ nó thường hằng Nếu tôi nói không có một ngã Ông sẽ nghĩ rằng vào lúc chết Nó sẽ biến mất hoàn toàn. Kinh Tương Ưng Bộ ( Samyuttanikaya)
20/03/2011(Xem: 4809)
Vào một buổi chiều lười biếng ở Sydney, tôi mở Tivi và thấy chương trình Oprah Winfrey đang tranh luận về kiếp trước kiếp sau, cuộc tranh luận rất sôi nổi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]