Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2- Những quán chiếu trong tấm gương pha lê sáu cõi bất tịnh

06/05/201316:18(Xem: 9855)
2- Những quán chiếu trong tấm gương pha lê sáu cõi bất tịnh

Hành trình tới các cõi bên kia cái chết

2- Những quán chiếu trong tấm gương pha lê sáu cõi bất tịnh

Delog D.Drolma - Richarch Barron - Liên Hoa dịch

Nguồn: Delog D.Drolma - Richarch Barron - Liên Hoa dịch


Xin đảnh lễ Đức Avalokiteshvara, đấng cao quý của thế giới

Ngàn cánh tay của Ngài là ngàn đại đế;

ngàn con mắt Ngài là ngàn vị Phật của thời đại may mắn này.

Ngài xuất hiện trong bất kỳ phương cách nào cần thiết để thuần hóa chúng sinh.

Con đảnh lễ Đức Avalokiteshvara cao quý và siêu phàm.

Con đảnh lễ Ngài, đấng che chở chúng con thoát khỏi tám nỗi sợ hãi;[1]

Con đảnh lễ Ngài, đấng dẫn dắt chúng con trên con đường tới các cõi cao hơn;

Con đảnh lễ Ngài, đấng đưa dẫn chúng con tới sự giải thoát.

Con đảnh lễ Đức Tara, với Ngài mọi mối liên hệ đều có ý nghĩa.

Sắc thân vinh quang của các Ngài hợp nhất tất cả chư Phật;

Các Ngài là tinh túy đích thực của Đức Kim Cương Trì;

Các Ngài là cội gốc của Tam Bảo.

Con đảnh lễ các bậc đạo sư.

Bằng sự kính lễ, cúng dường, sám hối,

hoan hỉ trước công đức của người khác, khuyến thỉnh các bậc thầy giảng dạy và khẩn cầu chư Phật hiển lộ trong thế giới,

bất kỳ đức hạnh nhỏ bé nào con có thể tích tập

con hồi hướng cho sự giác ngộ siêu việt vô song.

Giờ đây Kundun Rinpoche, bậc có linh kiến về Phật Pháp,

hai tulku cực kỳ quý báu[2],

những bậc cha mẹ tốt lành đã sanh ra tôi, và những người khác

đã liên tục thúc giục tôi, cho tới khi tôi không thể phớt lờ họ,

và vì thế tôi viết ra những điều chỉ là một giọt nước trong đại dương.

Tôi, cô gái khiêm tốn này là Dawa Drolma,

đã phát khởi động lực thanh tịnh và đi vào cửa Pháp,

Tôi đã từ bỏ cách hành xử xấu xa và những hành vi ác hại, vô đạo đức.

Tôi đã cúng dường Tam Bảo càng nhiều càng tốt

và bố thí cho hành khất bất kỳ thứ gì tôi có thể.

Tôi đã làm bất kỳ tinh tấn nào để thực hành đức hạnh.

Khi đã vứt bỏ những thái độ xấu, tôi chỉ nỗ lực trong những cách thế bi mẫn.

Một số người nói: “Đây là một sự tái sanh may mắn”,

và tự đặt mình vào hàng ngũ những đệ tử trung thành và sùng mộ của tôi.

Những người khác nói: “Cô ta không phải là một vị trời cũng chẳng phải là một quỷ ma”.

Dù họ giải thích cho tôi, nhưng khó coi những gì họ nói là sự thật.

Trong bất kỳ trường hợp nào, tôi là một cô gái ít ham muốn và nhu cầu.

Tôi không có những hy vọng được nổi tiếng.

Tôi không có sức mạnh để mang vác gánh nặng của một nữ anh hùng đang tìm kiếm một địa vị cao ngất.

Tôi không khao khát của cải hay kiếm tìm để có được ngay cả một sợi chỉ.

Tôi không ước muốn thuyết giảng, và thiếu hẳn một cái miệng lanh lợi và cái lưỡi dí dỏm.

Tuy nhiên, với tâm hoàn toàn thanh tịnh và vị tha

tôi có cảm tưởng rằng mình có thể ảnh hưởng tâm thức của một ít chúng sinh,

và vì thế tôi sẽ bày lộ một con đường cao quý, không thể sai lầm và thẳng tắp.

Nếu các bạn coi nó như cái gì chân thật, thì đó sẽ là sự tốt lành vĩ đại nhất mà các bạn có thể làm cho chính mình.

Bởi bằng những chọn lựa đạo đức, các bạn bảo đảm hạnh phúc của riêng mình.

Vì thế, hãy chú tâm lắng nghe những lời này của tôi!

Đây là câu chuyện của tôi về sự chết và hành trình đi tới địa ngục.

Các đạo sư tôn kính ở địa vị cao,

những nhà cai trị với quyền lực và ảnh hưởng vĩ đại, an tọa trên những chiếc ngai của họ,

và những nhà bảo trợ giàu có, là những người tạo nên hạnh phúc và kho lẫm của cải vật chất –

khi họ chết và đi tới các cõi địa ngục,

không có vô số nhà sư tề tựu trong sự lộng lẫy, tráng lệ,

không có những cuộc duyệt binh với kiếm đao và các loại vũ khí,

không có những kho thực phẩm hay của cải để thực hiện những cuộc hối lộ bí mật.

Địa vị cao ngất, sức mạnh và quyền lực tàn nhẫn,

của cải của người giàu, những thân xác yêu kiều đẹp đẽ,

sự hóm hĩnh tinh ranh và những lý lẽ thông minh

không thể làm khây khỏa hay lừa gạt Thần Chết.

Có ai trong cõi người này sống mãi mà không chết?

Có ai không phải chia ly gia đình và bằng hữu?

Có sự thâu đạt của bất kỳ ai mà không bị bỏ lại đằng sau?

Có ai không rơi ngã từ một đỉnh cao tột vời?

Thật tốt cho tất cả các bạn nếu có những người như thế!

Mặc dù chúng ta nói về địa ngục như nơi nào xa xôi lắm, nhưng không phải thế.

Mặc dù chúng ta nói về bardo[3] như nơi nào khác để đi, nhưng không phải thế.

Cái chết lảng vảng bên mình như cái bóng của ta đi theo thân xác.

Nếu các bạn tỉnh giác về cái chết không thể tránh, các bạn là những người thông minh nhất trong tất cả.

Khi giờ chết đã tới, những bậc cha mẹ và con cái,

vợ chồng, thân quyến và bạn bè, của cải và tài sản đều như nhau

họ có hiến tặng cho các bạn lợi ích hay nơi nương tựa nhỏ bé nhất? Hãy nhìn và thấy đấy!

Họ điều làm ác độc to lớn nhất là gởi các bạn tới các cõi thấp[4].

Như thế, điều gì là lợi lạc? Chính là Tam Bảo không thể sai lầm.

Nếu các bạn duy trì một tâm thức cao quý, đức hạnh và trì tụng thần chú mani sáu-âm,

các bạn sẽ không đi vào con đường dẫn tới những tái sanh ở các cõi thấp trong vòng luân hồi,

mà đạt tới trạng thái toàn giác không gì sánh.

Om mani padme hung hri.

Xin đừng thất bại trong việc ban cho chúng con sự nương tựa, Ôi các bậc đạo sư và Tam Bảo[5].

Xin đừng ẩn dấu lòng bi mẫn của Ngài, hỡi Đức Avalokiteshvara cao quý.

Xin làm những đấng bảo trợ nương tựa cho chúng con, hỡi các thiên nữ trắng và xanh[6].

Xin chỉ cho chúng con con đường đi tới giải thoát, Ôi các Đấng Chiến Thắng và những bậc kế thừa của các Ngài.

Om mani padme hung hri.

Trong bầu trời trống rộng và mặt đất trống không của trạng thái bardo giữa cái chết và sự tái sanh,

ta không có cả cha lẫn mẹ để quay về nương cậy.

Trong chốn thê lương, xa lạ này,

chúng sinh phàm tục lang thang, tan nát trong tâm tưởng.

Om mani padme hung hri.

Giờ đây tôi sẽ nói về những kinh nghiệm linh kiến của tôi. Trong khi tôi, cô gái Dawa Drolma, đang vượt qua một hẻm núi xa lạ và khủng khiếp thì gặp Sherab Dronma, con gái của gia đình ông Raga Shag, một trong những bộ trưởng của chính phủ Lhasa. Bởi bà là một hóa thân của Đức bổn tôn Vajravarahi nên tất cả những ai có quan hệ với bà qua việc chia sẻ hoặc thọ nhận những của cải hay thực phẩm từ bà sẽ được dẫn dắt tới cõi thuần tịnh ở tiểu lục địa Chamara. Vì thế, bà xuất hiện trong các cõi thấp của sự tái sanh và đã đưa dẫn khoảng một trăm triệu chúng sinh theo bà thoát ra ngoài. Khi tôi gặp bà, bà đang tụng hát thần chú mani với một âm điệu cực kỳ du dương, khơi dậy lòng tin đến nỗi những giọt lệ tuôn chảy trên đôi mắt tất cả những người hiện diện.

Thiên nữ cao quý Tara Trắng (vị bổn tôn mà với Ngài tôi đã có mối liên hệ nghiệp riêng và Ngài đã dẫn dắt tôi trong nhiều đời) và Sherab Dronma đều hiển lộ trong những hình tướng có vẻ bình thường. Các vị cư xử với nhau thật đằm thắm, giống như sự gặp gỡ giữa mẹ và con. Hơn nữa, Sherab Dronma còn xử sự với tôi trong cung cách có vẻ sùng mộ và tôn kính. Sau đó bà hát bài ca này:

Om mani padme hung hri.

Có năm con đường: trắng, đỏ, xanh dương, xanh lá cây và vàng.

Con, con gái, hãy biết rõ con đường nào để đi.

Đức Tara Trắng, xin dẫn dắt cô gái trên con đường đó!

Con đường màu trắng đi về phương tây dẫn tới Cõi Cực Lạc,

cõi thuần tịnh của Đức Phật Amitabha.

Con đường màu đỏ dẫn tới Chamara,

cõi thuần tịnh của Đức Padmasambhava.

Con đường màu xanh dương dẫn tới Núi Potala,

cõi thuần tịnh của Đức Avalokiteshvara cao quý.

Con đường màu xanh lá cây dẫn tới Yulokod,

cõi thuần tịnh của Đức Tara cao quý, tôn kính.

Con đường màu vàng dẫn tới Cõi Hoa thượng,

cõi thuần tịnh của vị nhiếp chính Jampa Gonpo.

Nếu con không thể quyết định theo con đường nào,

thì thật ít ý nghĩa trong việc lang thang trong bardo sau cái chết.

Con, Dawa Drolma, hãy biết rõ nơi phải đi.

Cầu mong con đến được cõi mà con tìm kiếm.

Ta là một hóa thân của Vajravarahi.

Không có những tái sanh trong trạng thái thấp đối với những ai có liên hệ với ta qua ngôn ngữ hay tiếp xúc.

Từ núi Huy Hoàng trong tiểu lục địa Chamara,

hãy đi tới thế giới của cõi người.

Cầu mong con được ban cho những sự ban phước để thực hiện con đường giải thoát.

Bà tiếp tục: “Con gái, con cần phải trở về cõi người. Nhưng chỉ mới mười sáu tuổi, năng lực tinh thần của con chưa phát triển đầy đủ, và khi đã tái sanh làm một người đàn bà, con sẽ có một chút uy quyền. Bởi chúng sinh trong những thời đại suy hoại này sẽ khó tin rằng những tường thuật của con là chân thật, sự lợi lạc mà con có thể đem lại cho họ sẽ bị suy giảm”. Nước mắt bà rơi lã chã bởi lòng trắc ẩn đối với tôi. Đức Tara Trắng, bậc đang dẫn dắt tôi trên con đường, có vẻ hơi phật lòng vì những lời này. Ngài trả lời:

Những cô gái thế tục bình thường và cô gái này thì không giống nhau,

bởi cô ấy là một hóa thân của Tara Trắng.

Cô ấy là một cô gái có tâm hồn đức hạnh.

Cô ấy là cô gái có lòng bi mẫn.

Cô ấy là một nữ anh hùng có tâm hồn can đảm.

Cô ấy là một dakini được chứng nhận trong tiên tri.

Cô ấy là cháu gái của bốn đạo sư.

Ngài Khakyod Wangpo bất nhiễm đã khởi hành tới Chamara trong một thời gian ngắn;

cô gái này đi tới cõi đó hy vọng gặp lại Ngài.

Cô ấy tới chốn này không chút quyến luyến với cha cô;

Cô ấy tới chốn này không chút quyến luyến với mẹ cô;

Cô ấy tới chốn này không chút quyến luyến với những vật sở hữu, thực phẩm hay tài sản;

Cô ấy tới chốn này không chút quyến luyến với bằng hữu hay các người phục vụ.

Không thể phân ly với bậc thống lĩnh Manjughosha[7],

bậc thống lĩnh bảo trợ, hóa thân hoạt động của một ngàn vị Phật,

là bậc thống lĩnh nương tựa, Đức Sakya Sodnam Tzemo vĩ đại[8].

Hóa thân của Ngài trong thân tướng của một thiện tri thức,

đạo sư Tromge Chhogtrul, nhập thể tuyệt hảo,

nỗ lực liên tục trì hoãn cô, Ngài nói: “Đừng đi!”

nhưng cô ấy không nghe và đi tới nơi này.

Cô ấy cũng gặp những cõi linh kiến thanh tịnh không thể suy lường.

Nếu cô ấy trở về thế giới con người,

cô có thể kể về những chọn lựa đạo đức trong việc chấp nhận những hành vi đức hạnh và từ bỏ những ác hạnh.

Cô ấy có thể chuyển tâm của chúng sanh.

Cô ấy có thể thành tựu vô số lợi ích cho họ.

Cô có thể nói về những linh kiến của cô trong những cõi này.

Cô có thể viếng thăm cõi giới này một lần nữa.

Vì thế không cần đối xử với cô ấy với lòng trắc ẩn,

và bà không nên cảm thấy buồn đau trong lòng.

Rồi chúng tôi tiến lên.

Trong cổng vào lối đi dài và ghê sợ của bardo là Đạo sư Gyajam, một đệ tử thân thiết của Tromge Kundun Rinpoche. Tóc Ngài bới lên thành một búi, và Ngài khoác một khăn choàng và mặc một hạ y bằng vải trắng. Mặc dù tôi rất mong được gặp Ngài, nhưng chúng tôi không tiếp xúc và không bao lâu tôi tiếp tục đi. Tôi hỏi bà mẹ bi mẫn của Đấng Chiến Thắng: “Vị lạt ma đó của chúng ta, ngài Gyajam chứng ngộ - Ngài từ đâu tới, từ hướng nào? Và với mục đích gì?”

Các thiên nữ Tara Trắng và Tara Xanh trả lời:

Bậc chứng ngộ và hết sức cao quý đó được đặt tên theo Đức Manjughosha[9]

đã nương tựa một đạo sư nhân từ và cực kỳ bi mẫn.

Bởi mối liên hệ nghiệp của Ngài sâu đậm, Ngài đã phát triển sự chứng ngộ toàn hảo;

bởi sự tinh tấn của Ngài lớn lao, Ngài đã thực hành Pháp thật dũng mãnh;

bởi lòng bi mẫn của Ngài vĩ đại, Ngài đã tới giảng dạy Pháp trong bardo.

Om mani padme hung hri.

Lại thêm những điều để kể: Hàng năm chúng sinh bị cuốn lên giống như một trận bão tuyết; hàng ngàn chúng sinh nữa rớt xuống như một trận mưa tuyết dày đặc. Họ kêu khóc, tiếng kêu như âm thanh của một ngàn con rồng. Nước mắt như một trận mưa rào dài một năm tuôn ra từ đôi mắt họ. Từ đỉnh đèo cát giữa sự sống và sự chết xuống tới những cánh đồng sắt nóng đỏ rộng lớn trong các địa ngục, chúng sinh nhiều vô số kể, như những hạt cát trong đại dương. Họ không được nghỉ ngơi hay rảnh rỗi, giống như những cừu cái lẫn lộn với cừu non[10]. Nỗi khổ của họ không thể đo lường được, giống như nỗi khổ của một con cá trên đất khô. Như người cố leo lên một đồi cát, họ không có cơ may để trốn thoát. Như người bị ném vào lò lửa, họ không có phương tiện để chịu đựng. Như người có ảo giác nhìn thấy nước, họ kinh nghiệm những hình tướng lầm lạc theo nghiệp của họ. Các thiên nữ bi mẫn và cao quý, xin đưa dẫn những chúng sinh này là những người đang kinh nghiệm nghiệp quả thật hỗn loạn!

Om tare tuttare ture soha.

Trên một cánh đồng trống và rộng lớn trong bardo, Lozang Drolma, con gái của Tromge Kundun Dargyay, đang lang thang. Nỗi khổ của cô không quá lớn cũng không quá nhẹ nhàng. Cô trao cho tôi thông điệp sau đây để thuật lại:

Hãy nói lại điều này cho những người trong gia đình tôi:

Nếu cha mẹ thực cảm nhận rằng con gái của mẹ đang đau khổ,

thì một lần duy nhất trì tụng thần chú mani sẽ có lợi ích to lớn.

Nếu cha mẹ có thể thu xếp để trì tụng Kinh Giải Thoát,

càng nhiều càng tốt thần chú mani,

Tantra Sám Hối Bất nhiễm,

thì con có thể từ bỏ thân bardo này

và đạt được tái sanh như một con người với samaya trong sạch[11].

Với một tấm lòng bi mẫn, tôi lớn tiếng tụng thần chú sáu-âm cho cô từ xa, và cô ấy ra đi, bị cuốn dạt như một chiếc lông chim trong gió.

Trên đèo cát rất cao giữa sự sống và sự chết, là một cánh đồng cực kỳ hoang vắng, thảo nguyên bao la xám xịt của sự chết. Con sông người chết có một màu nâu ngầu đục, không có chỗ cạn, chỉ có những con sóng tung cao thật dữ dội. Chiếc cầu sáu-nhịp dễ sợ làm tôi ớn lạnh. Những sứ giả kinh khủng của Yama, Thần Chết, thì cực kỳ hung dữ và phàm ăn. Không có tới một vị bảo trợ trong xứ sở của người chết, chúng sinh ở đó thật bơ vơ, không nơi nương tựa!

Om mani padme hung hri.

Aga, con dâu của gia đình Gyaten xứ T’hromt’hog, ở trong con sông nâu không có chỗ cạn của người chết đó, phải chịu nỗi khổ không thể tưởng tượng nổi. Đây là hậu quả sau cùng của việc cô đã cúng dường trà bất tịnh cho tập hội nhiều nhà sư. Tôi hát thần chú mani và với một mũi tên có trang trí dải ruy băng, Đức Tara đã cứu thoát cô, kéo cô ra khỏi con sông nâu hung dữ.

Tôi tiếp tục đi xuống một nơi khủng khiếp. Không có ánh sáng, mà chỉ là bóng tối ảm đạm đến nỗi tôi chỉ có thể nhìn thấy khoảng một cánh tay trước mặt. Từ trên cao, một trận mưa đổ xuống. Mặt đất bị bao phủ bởi sắt nóng. Kim loại nóng chảy tràn ngập mọi hướng và đủ loại vũ khí rải đầy khắp nơi. Xác chúng sinh chất cao khoảng một trăm sải (1 sải = 1,8m), da họ màu đen như mực. Họ kêu thét một âm thanh inh tai nhức óc không dứt, giống như trăm cừu mẹ gặp được trăm cừu con của chúng, “Trời ơi! Than ôi! Ôi khổ tôi chưa! Chao ôi! Ôi Cha ơi! Ôi Mẹ ơi! Cứu con! Ôi, nóng quá!”

Sự xuất hiện hỗn loạn và khủng khiếp này dường như rải rác ở một địa điểm nào đó.

Ở giữa một cánh đồng bao la khác sừng sững một cái ngai sắt màu đen có kích thước của một tòa nhà ba tầng. Ngự trên đó là Dharmaraja[12], Thần Chết. Thân tướng ông màu nâu pha đỏ tía đậm, trông thật khủng khiếp, hung nộ và dữ tợn. Đôi mắt ông sáng rực như mặt trời và mặt trăng, đỏ ngầu và lóe sáng như tia chớp. Có những mụt cóc trên má và những chỗ khác trên mặt ông. Ở phần thân trên, ông khoác miếng da sống của một con voi, quanh thắt lưng là miếng da lột của một con người, quấn quanh phần thân dưới là hạ y bằng da cọp. Ông tô điểm bằng quần áo lụa cùng nhiều món trang sức bằng xương và châu báu. Trên đầu đội một vương miện làm bằng năm đầu lâu khô. Trong bàn tay phải, ông ôm một bảng định mệnh có vẽ các vạch chéo song song, trong bàn tay trái là tấm gương nghiệp quả[13]. Ông ngồi trong tư thế xếp chéo chân. Vẻ rực rỡ phát ra từ thân ông làm chói mắt không thể chịu nổi.

Trước mặt Yama là Ác Ý, một thuộc hạ có đầu của một con rắn đang cầm một tấm gương. Bên phải Yama là Kiêu Ngạo với cái đầu sư tử, cầm cái trống tòa án. Phía sau Yama là Định Mệnh với cái đầu khỉ, cầm một cái cân. Bên trái Yama là Awa Đầu-Bò, cầm những cuộn giấy. Xung quanh họ có vô số hàng triệu thuộc hạ của Thần Chết hóa thân trong những hình dạng có đầu của vô số thú vật.

Đức Tara và tôi, cô gái, cùng thực hiện ba lễ lạy và dâng bài tụng ca tán thán sau đây:

Nếu nhận ra được, thì chính là đây - bổn tâm của ta;

nếu không nhận ra, thì đó là Thần Chết phẫn nộ vĩ đại.

Thực ra đây chính là Đấng Chiến Thắng, Pháp Thân Samantabhadra (Phổ Hiền).

Chúng con đảnh lễ và tán thán dưới chân Dharmaraja.

Nếu nhận ra được, thì đó là Đức Phật Vajrasattva (Kim Cang Tát Đỏa);

Nếu không đó là Ác Ý với đầu của một con rắn.

Thực ra đây chính là tâm giác ngộ, với sự sân hận hoàn toàn được tịnh hóa.

Chúng con đảnh lễ và tán thán vị thuộc hạ vĩ đại cầm một tấm gương.

Nếu nhận ra được, thì đó là Đức Phật Ratnasambhava (Bảo Sanh);

nếu không, đó là Kiêu Ngạo với đầu sư tử.

Thực ra đây chính là tâm giác ngộ, với sự kiêu ngạo hoàn toàn được tịnh hóa.

Chúng con đảnh lễ và tán thán vị thuộc hạ vĩ đại cầm một cái trống tòa án.

Nếu nhận ra được, thì đó là Đức Phật Amitabha (A Di Đà)

nếu không, đó là Định Mệnh với cái đầu khỉ.

Thực ra đây chính là giác ngộ, với sự tham luyến hoàn toàn được tịnh hóa.

Chúng con đảnh lễ và tán thán vị thuộc hạ vĩ đại cầm một cái cân.

Nếu nhận ra được, thì đó là Đức Phật Amoghasiddhi (Bất Không Thành Tựu);

nếu không đó là Awa Đầu-Bò.

Thực ra đây chính là tâm giác ngộ, với sự ganh tị hoàn toàn được tịnh hóa.

Chúng con đảnh lễ và tán thán vị thuộc hạ vĩ đại cầm những cuộn giấy.

Các ngài biết rõ đức hạnh hay điều xấu ác, những thuộc hạ phẫn nộ của sự chết này.

Cầu mong những chúng sinh đó, là những kẻ không hoàn tất điều gì, không tích tập nghiệp xấu.

không bị dẫn vào những con đường không lối thoát và không thể chịu đựng,

được tái sanh trong một cõi thuần tịnh không lỗi lầm và không sợ hãi.

Dharmaraja hơi mỉm cười và trả lời: “Cô con gái có biện tài từ cõi người, cô đã tích tập loại nghiệp tích cực, thiện lành nào? Cô đã tích tập loại nghiệp tiêu cực, xấu ác nào? Hãy nói thật trung thực, bởi nói dối sẽ không ích lợi gì!”

Đức Tara Trắng đứng lên, lạy Dharmaraja ba lạy và nói: “Thay mặt cô gái này, tôi có vài điều muốn nói”.

“Tốt lắm”, ông trả lời.

“Cô gái này là con gái của gia đình Lạt ma Tromge” bà nói. “Về đức hạnh, cô ấy cúng dường bất cứ điều gì có thể cho Tam Bảo, coi Tam Bảo là bậc trưởng thượng của cô. Cô có lòng đại bi và không coi thường những người xấu, những người hành khất như người dưới của cô. Cô rất rộng lượng, thưa Ngài. Mặc dù bản thân cô không thực hành Phật Pháp nhiều, cô làm cho những người khác thực hành và khuyến khích họ sống đức hạnh. Cô luôn luôn có đức tin, lòng sùng mộ và Bồ Đề tâm to lớn. Cô không bao giờ mắc phạm dù chỉ một hành vi ác hại hay phi-đạo đức, thưa Ngài”.

Khi bà trình bày xong, Yama nói: “Tốt, nào! Thuộc hạ đầu-rắn sẽ nhìn vào tấm gương của ông xem điều này có đúng sự thật không”.

Thuộc hạ đầu-rắn chăm chú nhìn vào tấm gương và nói: “Hình ảnh giống như mặt trời lộ ra từ sau đám mây”. Thuộc hạ đầu-sư tử đánh cái trống tòa án và phát biểu: “Âm thanh thật du dương”. Thuộc hạ đầu-khỉ đặt các vấn đề lên bàn cân và tuyên bố: “Đức hạnh của cô ta hoàn toàn trổi vượt; hầu như chỉ có hơn một hoặc hai hành động xấu”. Cuối cùng, thuộc hạ bảo vệ đầu-bò liếc nhìn những cuộn giấy và nói: “Một phút thôi! Cô có phạm vài hành động xấu, như đập vỡ trứng chim trên mặt đất hoặc tỏ lộ tánh khí quá ngang bướng, phải không?”

Nghe những điều này, Dharmaraja cười khúc khích và nói: “Ồ, thế à! Tốt, con gái ta, mặc dù con là một người đầy lòng bi mẫn, nhưng lỗi lầm của những người xấu thì thật nặng nề. Nếu ta trừng phạt một số người và tha thứ những người khác, thì với tư cách là một vị vua có quyền lực đối với những ác hạnh, ta sẽ phải chịu những hậu quả của sự sao lãng nhiệm vụ. Vì thế, bây giờ ta sẽ gởi con trở về cõi giới của con một lần nữa, nhưng con nên sám hối những hành vi xấu của con và cẩn thận giữ gìn đức hạnh chừng nào con có thể. Hãy giữ trong tâm những cảnh tượng của địa ngục, những thông điệp từ những người quá cố, và những lời khuyên này của Dharmaraja. Con cũng hãy thuật lại các điều này cho những người khác và khuyến khích mọi người thực hành đức hạnh”.

Nhìn xung quanh, tôi thấy một cô gái tên là Bilima ở miền Zurpa. Một con rắn đen to mập như thân cây thông quấn quanh người cô từ đầu tới chân như thể cô đắp một cái mền. Những thuộc hạ của Yama la hét và rống lên: “Ha, ha! Ồ, ồ!” tạo nên một âm thanh inh tai nhức óc. Nước mắt cô dầm dề như đại dương, và tôi nghe tiếng cô kêu khóc: “Ôi, Cha ơi, Mẹ ơi, cứu con!”

Vị thuộc hạ la lớn:

Ồ đứa con gái tội lỗi giết những con rắn,

Kêu réo cha mẹ mi thì chẳng có ý nghĩa gì.

Đây là hậu quả của những hành động bản thân mi đã phạm.

Sẽ không thể thoát khỏi trong một ngàn kiếp!

Đây là kết quả sau cùng của việc cô giết một con rắn trong khi thu hoạch lúa mạch trong cánh đồng. Bà mẹ già của cô lo sợ những hậu quả của hành động này và nói với cô: “Con quỷ cái, đừng kêu la nữa – hãy sám hối hành động này!” cô gái đã cười phá lên và sự tái sanh này kết quả.

Cũng có một cô gái tên là Palkyid ở quận Nyagrong. Những thuộc hạ của Yama đã đặt một cái rây bằng sắt trên đầu cô, qua đó họ đổ chất kim loại đỏ rực, nóng chảy và sôi sùng sục từ đầu tới chân cô. Với những âm thanh xèo xèo, xương thịt cô bị đóng dấu bằng sắt nung và bị thiêu đốt. Cô thút thít, không thể khóc lớn tiếng. Những thuộc hạ la hét: “Ồ đứa con gái tội lỗi, trong thế giới con người phàm tục, mi đã la cà bên ngoài khu vực tu hành của một hội chúng tu sĩ, bắt đầu mỉm cười và tán tỉnh họ. Gấu áo quần của mi làm tung bụi đất. Một nhà sư nói: “Đừng cư xử như vậy – đừng tích tập nghiệp xấu!” Nhưng mi không nghe ông ấy va điều đang xảy ra cho mi bây giờ là hậu quả sau cùng của việc mi phá rối những thành viên này của tăng đoàn. Trong một ngàn kiếp, mi sẽ không có cơ may thoát khỏi”.

Bà mẹ bi mẫn của các Đấng Chiến Thắng vung vẩy mũi tên có trang trí dải ruy băng lụa; tôi, cô gái, đã tụng thần chú mani du dương như một giai điệu. Thoát khỏi trạng thái thấp đó, Palkyid tái sanh trong cảnh giới mà cô cầu nguyện, nhưng dường như cô vẫn còn phải chịu một vài hậu quả do các hành động của mình.

Om mani padme hung hri.

Sau đó tôi thấy một người đàn bà già ở miền Tro, tên là Anag. Khi kim loại nóng chảy sôi sục được đổ vào miệng bà, thân bà ta vỡ tung ra từng mảnh từ đầu tới chân. Bà chịu đựng loại đau khổ này liên tục không ngừng nghỉ. Tôi được cho biết hậu quả này là bởi bà đã đầu độc một vị lạt ma[14].

Dingla ở vùng Aso, Khargya và những người khác – thực ra phần lớn những người ở vùng đó – đang lang thang trong bardo. Rinchhen Dargyay cũng lang thang vơ vẩn ở đó. Một người tên là Nyima Holeb bị tái sanh trong Địa ngục Sống lại[15]. Cũng có khoảng mười người ở Aji. Một số đã bị tái sanh trong các cảnh giới địa ngục, một số thì ở các cảnh giới preta[16].

Trong số họ có một người tên là Abo có một cái đầu to như một cái bình đất sét lớn và thân mình bị biến dạng trông thật khủng khiếp. Miệng ông ta nhỏ như lỗ kim và thực quản bằng bề rộng của một sợi bờm ngựa, trong khi bao tử thì lớn bằng cả một thành phố. Móng tay ông đâm thủng các năm tay nắm chặt của ông ba lần. Ông không tìm được thức gì để ăn; những lưỡi lửa trào ra khỏi miệng. Ông ra đang phải chịu nỗi khổ không thể tưởng tượng nổi.

Tôi hỏi: “Hành động nào dẫn tới nỗi khổ của người này?” Tôi được kể lại rằng ông ta không bao giờ cúng dường Tam Bảo là những bậc trưởng thượng của ông, và đối xử thiếu nhân từ với chúng sinh ở các trạng thái thấp là những kẻ dưới ông. Ông luôn luôn cúng dường một số lượng nhỏ bé và do sợ cạn kiệt lương thực, ông ta chỉ dâng cúng sự tham lam.

Một người quen của tôi tên là Atar thuộc gia đình Tampa xứ T’hromt’hog cũng ở đó. Thông điệp của ông ta gởi cho mẹ và thân quyến là: “Xin đừng từ bỏ những thực hành đức hạnh, sự trì tụng thần chú mani và nghi thức của Đức Phật Akshobhya[17], cùng sự quyên cúng cho tập hội đông đảo các nhà sư”.

Tashi Dondrub thuộc gia đình Nag cũng tái sanh ở đó và trải qua nỗi khổ ghê gớm. Tôi hỏi bạn đồng hành của tôi là Đức Tara: “Người này đã phạm hành động nào mà phải chịu hậu quả này?”.

Ngài đáp: “Không giữ gìn các hứa nguyện samaya của mình, hành động với sự ích kỷ kiêu căng, nghĩ tưởng rằng: “Có phải ta sẽ được cái này?” và “Ta sẽ kiếm được cái kia chăng?”

Ông ta trao cho tôi thông điệp gởi về gia đình: “Vì lợi ích của tôi xin hãy trì tụng bảy mươi triệu lần thần chú mani và Kinh Giải thoát, hãy sám hối những hành động có hại của quý vị, và hãy dâng những lời cầu nguyện hồi hướng trong tập hội đông đảo”.

Gyashod Atsang bị tái sanh trong một cõi ngạ quỷ (preta). Vô số không thể nghĩ bàn những người khác, những người tôi quen biết lẫn những người không quen cũng bị tái sanh ở đó. Cõi giới này thì thật khủng khiếp. Các chúng sinh hết sức tuyệt vọng bởi họ không sao tìm được thứ gì để ăn hay uống. Tóc họ dựng đứng lên, thân thể gầy mòn, miệng giống như lỗ kim, cổ họng như những sợi bờm ngựa, bụng lớn như toàn thể xứ sở, và chân tay thì như những cọng cỏ. Móng tay rất dài, đâm thủng bàn tay họ chín lần.

Phần lớn trong số đó, có trong bàn tay chút nước bọt mà Đức Jamyang Khyentsei Wangpo hồi hướng cho họ[18], nhưng họ phải trải qua hàng trăm hay hàng ngàn năm trước khi có thể mở miệng và liếm tí chút nước bọt ấy. Họ không tìm thấy bất kỳ sự nhàn nhã nào ngoại trừ giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi này. Trong nỗi đau khổ của họ, họ đồng thanh kêu khóc: “Tôi sẽ ăn cái gì? Tôi sẽ uống cái gì? Tôi đói! Tôi khát! Trời ơi, trời ơi! Than ôi!”

Quân lính bảo vệ cõi preta bày ra nhiều loại món ăn và của cải, rồi cầm những lưỡi gươm sắc nhọn trong tay và nhìn trừng trừng trông thật hiểm ác. Bị dồn ép bởi đói khát, những preta tới ăn cắp thực phẩm và nước uống này, nhưng chỉ khiến cho thân xác họ bị những thanh gươm này đâm chém làm họ kêu khóc thật hoảng loạn.

Các bán thần phải trải qua nỗi khổ dữ dội trong cuộc chiến đấu với các vị trời trên những dốc núi Tu Di[19]. Họ ganh tị không thể chịu đựng nổi trước sự tráng lệ và của cải trong các cõi trời cùng trò nô đùa ve vãn của các thiên nữ đang ca hát và nhảy múa, nhưng họ chỉ gánh chịu sự đau khổ không tưởng tượng nổi bởi thất bại trước các vị trời. Các vị trời ném đĩa có các đinh nhọn, cũng như các mũi tên và chĩa ba, và sử dụng những con voi say có những vũ khí hình bánh xe được trang bị ở cuối thân voi. Các bán thần trải qua những đau khổ không thể nghĩ bàn khi bị giết chết hay bị thương tích. Họ cũng chiến đấu ngay trong nội bộ của họ, với những âm thanh inh tai “Giết, giết!” và “Đánh, đánh!” vang dội như tiếng gầm của một ngàn con rồng.

Ngay cả bản thân tôi cũng kinh hoàng trước những gì được chứng kiến trong cảnh giới đó. Đối với việc ném mạnh một trái trứng chim trên mặt đất, tất nhiên là tôi phải kinh qua mọi loại khí giới; nhưng tôi đã nhất tâm khẩn cầu Bồ Tát của lòng bi mẫn và vị thiên nữ tôn kính và hát tụng thần chú sáu-âm ba lần, và rồi dường như đối với tôi, những âm thanh dần dần trở nên dịu đi.

Khoảng năm ngàn người ở vùng Chamtring và một số không rõ những người Trung Quốc tái sanh trong cùng cảnh giới này. Dường như cũng có nhiều nhà quý tộc, nổi bật nhất trong số đó là Lozang Tendzin, một vị tướng miền Chamtring. Một số đông người không thể tính xuể bị tái sanh ở đó, trong đó có gia đình Wanggyal và bộ tộc Dugtza, phần lớn họ đã chết vì dao.

Đi xa hơn nữa, trong một công viên đầy hoa, tôi tìm thấy một vị trời hết sức già, không chịu đựng điều gì ngoài sự đau khổ. Vài người bạn tới gần, ném những vòng hoa lên người ông và nói: “Ngay khi ông rời bỏ thân xác, cầu mong ông được tái sanh trong cõi người, thực hành mười loại thiện hạnh[20], và một lần nữa được sanh vào cõi trời này”. Cùng với lời nói đó, họ tung rải những bông hoa. Ông đã phải chịu nỗi khổ không thể tưởng tượng nổi, như thể trái tim ông vỡ tung ra và thân xác thì tan thành cát bụi.

Sự trường thọ của đời một vị trời có thể được đo lường từ sự kiện là khoảng bảy ngàn năm của con người chúng ta chỉ bằng một tuần lễ đối với họ. Một tuần trước khi chết, họ trải qua những đau đớn mà mức độ dữ dội thì vượt xa những đau khổ trong địa ngục khủng khiếp nhất của sự hành hạ không ngừng dứt. Khi nghiệp của họ cạn kiệt, do các niệm tưởng bị hư hỏng bởi những cảm xúc như sự kêu ngạo, họ thực sự nhìn thấy nơi tái sanh trong tương lai của mình ở một cõi thấp. Điều ấy làm họ đau khổ ghê gớm hơn việc tự vẫn bằng cách tự ném mình vào hầm lửa lộ thiên.

Om mani padme hung hri.

Tôi tiếp tục đi và gặp Kardo thuộc bộ tộc Gestsay trong một cõi địa ngục. Ở đó, trong một căn nhà bằng sắt đồ sộ có kích thước to lớn, ông ta đang thâu thập đất, đá, cỏ và gỗ (mặc dù tôi nghi ngờ về sự cần thiết của những hành động của ông), và đặc biệt là lam ngọc, san hô, pha lê, đá lưu ly, vàng và bạc. Rồi các thuộc hạ của Yama chất đống tất cả của cải cùng đất đá lên đầu ông. Ông kêu khóc trong đau đớn. Dù cố trốn thoát ở đâu, ông cũng bị chặn giữ lại. Sau đó, phải nhìn những viên đá và kim loại quý bị rải rắc như những lông chim trong gió, một lần nữa, lòng ông đau khổ dữ dội. Rồi lại như lần trước, ông thâu thập của cải và thực phẩm và lại bị chúng đè bẹp, và vì thế ông phải chịu đựng trong từng giây phút những hình thức đau khổ luân phiên này.

Tôi hỏi: “Đây là hậu quả của hành động nào?”

Đức Tara nói với tôi: “Đây là hậu quả của việc ông ta thèm muốn tất những gì ông để mắt tới, hậu quả của việc ông có ác tâm với mọi người ông nghe nói, hậu quả của việc ông không có gì ngoài những tà kiến về mọi sự ông nghĩ tưởng tới. Đây là hậu quả của việc không thực hành đức hạnh, mà dấn mình vào những hành động phi đạo đức và có hại, kể cả việc đeo một mala (chuỗi hạt) trong khi bị phóng tâm bởi chuyện ngồi lê đôi mách và trò chuyện tầm phào không đâu”.

Kardo trao cho tôi thông điệp này để mang về: “Với Tsagdi, con dâu trong gia đình tôi, tôi nói: ‘mặc dù con trang điểm bằng mã não và san hô, điều này không tốt cho cha. Con không thương xót cha sao? Con đã không thỉnh cầu một đạo sư duy nhất để tạo mối liên hệ với cha bằng cách hồi hướng tài sản của con nhân danh cha. Không gì lợi ích cho cha hơn nghi lễ tẩy tịnh của Đức Phật Akshobhya, bổn tôn trong cổng phía nam của mạn đà la của Đức Phật Vairocana”’.

Tôi trì tụng thần chú mani và trong chốc lát ít ra ông ta đã có thể nghỉ ngơi. Nhưng cũng như trước đó, ông bắt đầu phải chịu đựng những tri giác lầm lạc của mình.

Thêm vào đó, có nhiều lạt ma (đạo sư) và nhiều sư trong một ngôi nhà trông-đẹp đẽ làm bằng sắt. Mặc dù thoạt đầu họ có vẻ khá hòa nhã, bỗng nhiên tâm họ trở nên rối loạn và cùng lúc đó họ bắt đầu la hét một ngôn ngữ gớm ghiếc. Trong sự hoài nghi, tôi tới gần và thấy lửa phun ra từ miệng họ, khói thoát ra từ lỗ mũi và những chiếc cưa sắt kêu rì rầm trên đỉnh đầu họ. Khi tôi hỏi họ hành động nào đã dẫn tới hậu quả này, họ trả lời là họ đã nói chuyện tầm phào trong các nghi lễ được cử hành cho tín đồ (cả người sống lẫn người chết), trong khi kết giao với những hành giả đang hoàn thành những thực hành bổn tôn theo nghi thức và trong khi dự những nhóm hội trong đền thờ của họ. Họ đã làm gián đoạn việc thiền định của người khác bằng cách nói luôn miệng, cãi cọ trong những tiệc cúng dường và tạo nên một âm thanh chói tai.

Một người hành hương du phương xuất hiện mặc quần áo rách rưới tả tơi và cầm một cây cờ cầu nguyện[21]. Yama Dharmaraja hiện ra với thuộc hạ của ông, biểu lộ sự vui thích và nói: “Lợi lạc to lớn biết bao cho Phật Pháp! Và không có gì vĩ đại hơn Pháp cao quý của một lá cờ cầu nguyện. Những lá cờ cầu nguyện là cội gốc của Pháp. Thần chú mani là tinh túy của Pháp. Thần chú siddhi đem lại sự giải thoát từ lối hẹp của bardo[22]. Nghi lễ chay nyungnay là bậc thầy chỉ rõ con đường đi tới giải thoát. Những hòn đá một trăm ngàn thần chú mani là vòng hoa của Pháp[23]. Hành vi cứu giúp những sinh mạng là cỗ xe của con đường. Việc đúc các satsa là cách chặn đứng sự tái sanh trong các cõi thấp[24]. Đi hành hương là cây chổi quét sạch những hậu quả của các ác hạnh. Bày tỏ sự tôn kính bằng những lễ lạy tiệt trừ các lỗi lầm. Tara là nguồn mạch bên ngoài của sự nương tựa (quy y). Sự tích tập công đức và giác tánh nguyên sơ (trí tuệ) là lương thực dự trữ cho những đời sau. Lòng bi mẫn là trục chính của Giáo Pháp. Vì thế, con ta, hãy vui vẻ đi tới Potala”.

Người hành hương đi qua, dẫn khoảng một ngàn chúng sinh có liên hệ với ông qua ngôn ngữ hay tiếp xúc.

Om mani padme hung hri.

Đức tôn kính Tara nói với tôi:

Những kẻ không bỏ nón khi một vị lạt ma bước vào trước sự hiện diện của họ,

đã có một thời họ từng phải trải qua những địa ngục sẽ tái sanh làm con cừu hoang.

Những kẻ không đứng dậy và vẫn đứng khi các nhà sư bước vào trước sự hiện diện của họ,

đã có một thời họ từng phải trải qua những địa ngục sẽ tái sanh làm những người què.

Những kẻ không cúng dường đèn bơ tinh sạch sẽ tái sanh trong hầm lửa.

Những kẻ bước lên hay để quần áo trên ba biểu tượng của Châu báu[25]

sẽ tái sanh làm những người câm hoặc làm những con sâu dơ bẩn.

Những kẻ khạc nhổ hay hỉ mũi trong các chùa miếu

sẽ tái sanh trong Địa ngục Đầm lầy Tử thi Rữa nát.

Những kẻ ăn thịt từ một con vật bị giết trong cùng ngày mà không tịnh hóa hành động đó bằng sự sám hối,

sẽ tái sanh làm những quỷ ma khát máu.

Những kẻ ăn bám vô dụng biển thủ tài sản của Tam Bảo

sẽ tái sanh làm các preta (quỷ đói) hoặc những lính canh trong các cõi preta.

Những kẻ uống rượu không được hiến cúng

sẽ tái sanh trong Địa ngục Kêu khóc.

Những kẻ sử dụng những ghế ngồi của tăng đoàn xuất gia,

sẽ tái sanh trong các địa ngục nhất thời.

Sự lấy đi các lễ phục từ ba loại biểu tượng,

sự biển thủ phóng túng tài sản của tăng đoàn,

và đặc biệt là trộm cắp tài sản chung của tăng đoàn,

sự cướp đoạt hay đánh đập các hành giả trong ẩn thất cô tịch –

những hành vi này đưa tới sự tái sanh trong tám địa ngục lạnh.

Những kẻ tích tập nghiệp bằng năng lực của sự sân hận

sẽ tái sanh làm các chúng sinh trong địa ngục;

những kẻ tích tập nghiệp bằng sự tham lam, sẽ tái sanh làm các quỷ đói;

tích tập nghiệp bằng năng lực của sự ngu si, tái sanh làm súc sinh.

Cầu mong những chúng sinh trải qua ba cõi thấp

được tái sanh ở Núi Patala.

Om mani padme hung hri.

Cũng có nhiều người ở bộ tộc Gyashod. Ở giữa cây cầu sáu nhịp trên con sông màu nâu không có chỗ cạn của người chết. Gonpo Dargyay bị xích lại, không hy vọng được giải thoát. Khói xuất hiện trên da thịt ông khi bị đốt cháy và ông phải chịu nỗi đau khổ không tưởng tượng nổi. Những thuộc hạ trong các địa ngục, với các đầu sư tử và nai đực, đang canh giữ ông. Ông nói rằng thần chú mani sẽ là một phưong tiện để tịnh hóa nỗi khổ và những lỗi lầm của ông và sẽ hết sức lợi lạc nếu có ai nhân danh ông sám hối những ác hạnh của ông.

Tôi hỏi Đức Tara là những hành động gì dẫn tới hậu quả này. Ngài trả lời: “Khi ông ta là một nhà cai trị trong vùng, ông đã không phân phát của cải và thực phẩm hoặc không xét xử đúng đắn, và ông hành xử với ác ý”.

Thợ săn nai Tsewang Gonpo đang ở trong Địa ngục Sống lại. Ông nói rằng ông sẽ được giải thoát nếu có ai khắc vào đá Kinh Giải Thoát, hành động đó tịnh hóa những hậu quả của ác hạnh. Tôi hỏi những hành động nào dẫn tới hậu quả này, Đức Tara đáp: “Bởi giết hươu nai vô tội”.

Tashi Wangkhyug đang đau khổ trong Địa ngục Sợi chỉ Đen. Ông giao cho tôi một thông điệp để mang trở về: Nếu nhân danh ông ta mà trì tụng một trăm triệu lần mỗi thần chú sau: thần chú một trăm âm của Đức Vajrasattva, thần chú mani và thần chú siddhi thì ông sẽ được tái sanh làm người.

Tsewang Gonpo đang đau khổ trên đỉnh Núi Shangma. Ông nói rằng nếu một trăm hay một ngàn nghi lễ chay nyunnay được thực hành tích cực nhân danh ông, ông sẽ có một tái sanh làm người tuyệt hảo.

Trong số những người ở Gyashod, một số trong đó có tâm hồn đức hạnh – các đạo sư, các nhà sư và các cư sĩ – ở trong các cõi thuần tịnh, kể cả nhà sư già Padma Kalzang, Tsering Dondrub, Dontse, cũng như một người được gọi là Barchhung Dragho, người ta nói rằng ông ta đã được tái sanh trong một cõi thuần tịnh bởi lòng bi mẫn của Ngài Drimed Khakyod Wangpo Rinpoche tôn quý.

Phần lớn những người ở bộ tộc Nat’har từng tinh tấn thực hành Pháp được tái sanh ở núi Potala, trong khi những người không có mối liên hệ với các bậc linh thánh, tiêu phí cuộc đời khi dấn mình vào những ác hạnh, thì phải chịu sự tái sanh sau khi tái sanh trong các cõi thấp. Một nhà sư tên là Hulay Buchhung đang đau khổ trong bardo. Một người tên là Natar Alug Chhodzin có một tái sanh may mắn. Nhà sư Lodro Zangpo đang ở cõi thuần tịnh Yulokod của Đức Tara.

Lahai Yontan, mặc dù đã từng thực hành đức hạnh và từ bỏ các ác hạnh, đã nuôi dưỡng những tà kiến hết sức nặng nề và đã bị tái sanh trong một cõi, ở đó ông ta bị giam cầm trong một căn nhà có bốn người canh gác. Khi tôi hỏi Yontan là tôi có nên thỉnh cầu nhân danh ông để đức hạnh đó được thực hành trong cõi người hay không, vị sư già trả lời rằng tôi nên để ông chịu đựng hậu quả những hành động của ông cho tới khi nghiệp của ông cạn kiệt. Ông nói rằng sau khi đau khổ như thế này trong ba năm, ông sẽ được tái sanh ở núi Potala.

Kunzang và Tendzin Wanggal được tái sanh ở núi Potala. Samyay Monlam thuộc gia đình Khamtay đang ở trong cõi thuần tịnh này. Ông nói: “Tôi có một thông điệp gởi cho con trai út của tôi. Xin nói với nó: ‘Đừng giết hươu nai, cừu hoang hoặc linh dương. Đừng sống cuộc đời của một kẻ trộm cướp. Đừng nói dối hoặc thề thốt. Đừng lấy cắp của các anh con hay đánh nhau với chúng. Hãy thực hành đức hạnh nào mà con có thể cùng với thần chú mani và nghi lễ chay nyungnay!”’.

Một người đàn bà tên là Dronma đã tới Potala, khẩn cầu nhiều đạo sư. Một vị tulku ở làng Natar tên là Adam cũng ở núi Potala. Ông nói rằng mặc dù để làm lợi lạc cho chúng sinh, có lần ông đã tái sanh trong gia đình Apal của các đạo sư trong quận Nyagrong, nhưng bởi những chứng ngại trong đời đó nên ông đã nhập Niết Bàn.

Petsa Gonpo Rinchhen cũng có mặt ở đó; ông nói rằng ông đã tái sanh trong cõi thuần tịnh đó nhờ lòng bi mẫn của Tromge Kundun Rinpoche.

Ở một nơi cách xa cõi giới này tám mươi ngàn lý (1 lý bằng khoảng 4,8km), tôi đi tới một mặt vách đá khổng lồ và dễ sợ của một tảng đá màu đỏ sậm, có bề cao bằng thế giới-ba-ngàn-nhánh[26]. Ở giữa vô số các khí giới, cạnh một pháo đài đầy đầu lâu thật khủng khiếp là Thần Chết, Yama, đang hút đời sống và hơi thở trong tam giới[27], ném tất cả những chúng sinh đã chết không ngoại trừ ai vào máng ăn, chứa ba mức độ của sự sống[28] trong bụng ông. Với cái dạ dày súc vật teo tóp thèm thuồng, cái lưỡi cuộn tròn giật giật, các răng nanh dài nhe ra sắc nhọn, đôi bàn tay chìa ra để chộp bắt, ông ta trông thật khủng khiếp. Ông có thân thể của một người đàn ông với cái đầu của một con bò đỏ, những cái sừng sắc nhọn bằng sắt và đôi mắt nhìn chòng chọc sáng như mặt trời và mặt trăng. Những lưỡi lửa nóng bắn ra từ miệng ông. Ông có sự nhanh nhẹn, lẹ làng của gió, làm thiên đường và trái đất rung lên bằng những tiếng cười khiếp sợ như bò rống. Khi tôi thấy cái nhìn dữ dội phẫn nộ vô bờ này và nghe tiếng gầm điếc tai của ông, tôi cảm thấy như thể muốn ngất đi.

Ngậm lục địa phương nam[29] của thế giới buồn khổ này trong miệng (một cái miệng dường như nuốt trọn thiên đường và trái đất), ông có thể làm thế giới run sợ bằng âm thanh của lưỡi đập vào vòm miệng. Trong khi trước kia từng có một đại dương cuồn cuộn máu đỏ sẫm khi ông ta ngậm chặt miệng lại thì trong năm này chỉ có ít giọt máu trông giống như sương. Đó là bởi ngài Khakyod thuộc gia đình Tromge, ngài Dza Konchhog và những bậc linh thánh khác đã thị tịch, và vì thế trong năm đó nhiều chúng sinh không phải chết[30]. Mặc dù nhiều điều khủng khiếp xảy ra cho tôi, nhưng nhờ khẩn cầu các thiên nữ tôn kính, tôi đã có thể giữ một quan điểm vững vàng không sợ hãi.

Gonpo Samdrub ở Tangkya đang ở trong một cõi địa ngục. Khi tôi hỏi Đức Tara hành động nào dẫn tới hậu quả này, Ngài đáp: “Khi làm một thủ lãnh, ông ra đã tham ô tài sản, coi thường phong tục đã được lập ra”.

Droje Dondrup, con trai của Zangli thuộc gia đình Sadu, đang trải qua sự đau khổ không tưởng tượng nổi. Có nhiều nhà quý tộc ở vùng Hor miền viễn đông Tây Tạng. Và cũng có nhiều người tôi không nhận ra. Bởi một lòng bi mẫn kỳ lạ phát khởi trong tâm thức tôi, tôi trì tụng thần chú mani theo giai điệu du dương.

Khi tôi, cô gái Dawa Drolma, tiếp tục cuộc hành trình thì một yogin mặc quần áo trắng với mái tóc dài chảy lòa xòa tiến lại gần, có một số daka và dakini vây quanh. Ông quay một bánh xe cầu nguyện với một cái bao thêu kim tuyến rất tỉ mỉ và bàn chân không chạm đất. Ông đi ngang qua mặt tôi trên đường đi tới cánh đồng địa ngục.

Khi tôi hỏi ông đi đâu, ông đáp: “Đi tới những cõi tái sanh thấp. Tôi sắp đi tới các cõi địa ngục để dẫn ra những người đã từng chia sẻ thực phẩm tôi. Tôi là Togdan Pawo, một đạo sư dẫn dắt chúng sinh. Tên này có ý nghĩa thực sự là ‘anh hùng của sự chứng ngộ tâm linh’”. Khi ông hát thần chú mani ba lần theo giai điệu, các ngôi nhà sắt nóng trở thành những cung điện pha lê và tất cả chúng sinh được chuyển hóa thành các thân ánh sáng. Ông tiến lên, đưa họ lên núi Potala, cõi thuần tịnh siêu phàm, giống như một đàn chim giật mình hoảng hốt bởi một viên đá từ ná bắn ra.

Bà mẹ của tất cả các Đấng Chiến Thắng, Đức Tara tôn kính, chắp hai tay nơi ngực và nói:

Kỳ diệu thay – bậc dẫn đường phi thường và linh thánh!

Vị hoa tiêu siêu phàm đưa dẫn tất cả những ai có liên hệ với Ngài:

Nếu không có mối liên hệ, Ngài không thể dẫn.

Đáng thất vọng biết bao, những người không tạo nên một mối liên hệ.

Om mani padme hung hri.

Trên đỉnh ngọn cây shalmali[31], những con chim sắt đen đang móc mắt những chúng sinh trong địa ngục. Ở gốc cây là những người đàn bà dễ sợ đang ôm cổ những chúng sinh này và giựt đứt đầu họ. Trong cái nhìn của tôi, những chúng sinh ở địa ngục này không thể tránh đi tới chỗ đó, bởi nghĩ rằng bè bạn yêu quý đang kêu gọi họ. Khi họ chạy trốn, các khí giới rơi vào người họ. Khi họ quay trở lại, khí giới nhảy lên đục khoét phổi, tim, gan và ruột họ. Khi họ chạy lên dốc, khí giới đâm xuống người họ. Thịt xương họ biến thành máu. Đó là nỗi nguy cơ trước mắt những lạt ma dâm đãng và những nhà sư, ni cô thế tục, họ đã hủy hoại những đứa con bất hợp pháp của mình, và những kẻ hãm hiếp ni cô hoặc những kẻ không hài lòng với người vợ của họ mà kết giao với người đàn bà khác.

Có những người ở địa vị cao chót vót mà ngay cả tên của họ tôi cũng không dám đề cập tới, gồm cả nhiều lạt mà và các nhà sư. Một người là Nyikho thuộc gia đình Sorgu, một nhà sư của bộ tộc Tromge bị gãy bể giới nguyện. Mặc dù có lúc ông đã được tái sanh làm người, sau đó bởi nghiệp lực, ông tái sanh trong cõi địa ngục. Dưới gốc cây shalmali bị vũ khí chồng chất nặng nề, ông trải qua nỗi khổ không chịu đựng nổi. Bà mẹ bi mẫn của tất cả các Đấng Chiến Thắng cùng tôi hát tụng ba lần thần chú sáu-âm theo giai điệu. Thoát khỏi gánh nặng của khối sắt, ông ra đi. Nếu sự trì tụng Tantra Sám hối Bất nhiễm và Kinh Sám hối những Thiếu sót được ủy thác từ một tập hội rộng lớn, nếu có thể tổ chức với nhiều sự bảo trợ và nhiều vật cúng dường trong mức độ có thể, và nếu những lời cầu nguyện cao quý của sự hồi hướng và ước nguyện được thực hiện nhân danh ông, thì ông sẽ được tái sanh ở Núi Huy Hoàng Màu-Đồng Đỏ trên tiểu lục địa Chamara.

Một người tên là Atsul thuộc gia đình Sogru này, nhờ lòng bi mẫn của nhiều bậc xuất chúng và linh thánh, và nhờ con đường bí mật của chân lý siêu vượt nhân và quả, có lần đã được sanh ra làm người. Nhưng sau khi chết, ông bị rơi vào một cõi địa ngục. Ông đang đau khổ dưới chân núi có cây shalmali. Bị lôi bừa đi bởi một vòng sắt siết ngặt cổ, thân ông bị bọc trong một bộ y phục bằng sắt. Ba lính canh dữ tợn với đầu hươu đực đánh đập, đâm và xé ông bằng lưỡi dao cạo có cán bằng-hoa sen cho tới khi thịt ông bị lóc tới tận xương. Ông ta la hét dữ dội.

Khi tôi hỏi hành động nào dẫn tới hậu quả này, tôi được cho biết là ông đã dùng những quả cân sai trong việc mua bán với các lạt ma và nhà sư, nói xấu những thành viên của tăng đoàn, làm ra vẻ mình là một bậc thầy của nghệ thuật nhảy múa tôn giáo, và v.v… Nỗi khổ này là hậu quả không thể tránh khỏi của những ác hạnh này. Với lòng bi mẫn, tôi hát những thần chú sáu-âm từ xa.

Người quá cố Atsul trao cho tôi thông điệp sau đây để đem về:

Tôi chết sớm, một người đàn ông trẻ bị cái chết hủy hoại,

bị hủy hoại bởi sự chia ly cha mẹ và thân quyến của tôi.

Tôi để lại sau lưng lều bạt, bầy thú, và những vật sở hữu, vì thế khó mà từ bỏ.

Tôi đau khổ bởi những hậu quả của những ác hạnh của chính tôi – chúng chỉ chín mùi cho mỗi mình tôi.

Để giải thoát tôi khỏi nỗi khổ không thể chịu nổi này,

mọi người có thể trì tụng thần chú mani một trăm triệu lần,

tụng đọc Kangyur[32], và khắc trên đá mười ngàn thần chú sáu-âm.

Khi ấy tôi sẽ không đau khổ trong chốn này, mà sẽ có được một thân người.

Đừng quên thông điệp này; xin mang nó về cho người bà con Chhung Lima của tôi.

Một đạo sư tên là Yengmed Dorje xuất hiện, Ngài là đệ tử thân tín của đạo sư Padma Duddul ở quận Nyagrong. Ngài có mang một bánh xe cầu nguyện và một chuỗi hột cùng một nhóm năm đệ tử. Ngài ngâm:

Hri con khẩn cầu đạo sư, Đấng Bi mẫn Siêu việt.

Con khẩn cầu bổn tôn được chọn lựa, Đấng Bi mẫn Siêu việt.

Con khẩn cầu daka, Đấng Bi mẫn Siêu việt.

Con khẩn cầu bổn tôn bảo vệ, Đấng Bi mẫn Siêu việt.

Con khẩn cầu sự hợp nhất của chư vị này, Đấng Bi mẫn Siêu việt.

Con nguyện cầu, xin đưa dẫn những chúng sinh đó là những người có mối liên hệ tốt hay xấu với con tới núi Potala.

Om mani padme hung hri.

Rồi Ngài dẫn khoảng một ngàn chúng sinh ra khỏi mười tám tầng địa ngục theo một con đường ánh sáng trắng.

Ani Bumo, một ni cô ở miền Zurpa cũng xuất hiện, tay cầm một bánh xe cầu nguyện và một chuỗi hột màu vàng. Cô và một thị giả tụng thần chú mani từ xa tạo nên một giai điệu hết sức đẹp đẽ. Sư cô này dẫn khoảng một ngàn người – tăng, ni, nam nữ cư sĩ, những người hành khất và những người mù – là những người có liên hệ với cô qua ngôn ngữ hay tiếp xúc, đi theo một con đường ánh sáng xanh dương tới cõi thuần tịnh Yulokod của Đức Tara.

Tsachhung, một phụ nữ già nua ở miền Tromge, bị nghiến nát trong Địa ngục Đè bẹp. Tiếng kêu thét của bà vang dội khắp các cõi trời. Khi tôi tụng một lần thần chú mani cho bà từ xa, một lính canh dễ sợ với sừng trên đầu la hét: “Hừ, hừ! Chỉ một lần thần chú mani thì khó có lợi ích gì”. Khi hỏi hành động nào dẫn tới hậu quả này, tôi được cho biết: “Khi ở trong thế giới con người, bà ta đã ăn cắp dê, cừu và giết hại chúng”.

Bà ta muốn nhắn gởi cho con trai là Chhot’har và con gái là Lukyid. Mặc dù thoạt tiên tôi từ chối mang bất kỳ thông điệp nào cho bà, Tsachhung cứ kêu khóc mãi: “Cô phải mang! Cô không thể không mang về thông điệp của tôi!” Và vì thế tôi hứa làm điều đó.

“Xin nói với chúng điều này”, bà nói. “Chớ ấp ủ hy vọng được trở nên giàu có. Chớ mê đắm trong sự sân hận và ganh ghét. Hãy bảo Lukyid đừng quyết ganh đua với những con rắn trong việc tạo ác nghiệp[33]. Hãy khắc thần chú mani trên đá. Hãy thỉnh cầu sự đọc tụng Kinh Giải thoát và Tantra Sám hối Bất nhiễm. Hãy trì tụng liên tục thần chú mani. Hãy hồi hướng đức hạnh theo một cách thế cao quý và sau khi chịu đựng nỗi khổ này trong một ngàn năm, tôi sẽ được tái sanh trong một cõi trời, vẫn phải chịu sự đọa lạc từ cảnh giới tráng lệ đó”.

Khi nói những điều đó, bà cứ khóc mãi.

Om mani padme hung hri.

Sau đó, một phụ nữ trung niên thuộc gia đình Lo ở Gualrong tiến lại gần. Lùa khoảng bốn ngàn con cừu phía trước, bà ta lao xuống một con đường ngập máu. Những cư dân ở địa ngục, như Awa Đầu-Bò, Định Mệnh Đầu-Khỉ và La Sát Đầu-Heo – một số lượng không thể nghĩ bàn những thuộc hạ của Thần Chết – săn đuổi bà và la lớn: “Giết nó, giết nó! Đánh nó, đánh nó!”. Run rẩy như một chiếc lá, nước mắt tuôn rơi, người đàn bà già được dẫn tới trước Dharmaraja. Yama Dharmaraja bừng bừng giận dữ như ngọn lửa, cả khuôn mặt ông đen như than, đôi mắt thì như những cái hồ cuồn cuộn máu.

Từ miệng ông phát ra một tiếng gầm khiếp sợ: “Mi, mụ già thế tục, hãy thận trọng lưỡi của mi, mi phạm vào loại hành động nào, tốt hay xấu? Đừng dấu diếm hay che đậy. Hãy nói thật trung thực!”

Ông dậm chân làm mặt đất rung chuyển như một trận động đất. Những cư dân địa ngục la hét: “Nói nhanh lên!” và cùng đi dậm chân huỳnh huỵch trong sự điên cuồng.

Người đàn bà tái mét và không thể nói được điều gì. Đập đầu xuống đất, đôi bàn tay bà xé tung bộ ngực. Giữa những vị này là hai đứa trẻ tượng trưng cho nghiệp tốt đẹp và tối ám[34] của bà. Đứa trẻ tốt đẹp có vẻ không có gì để nói; vẻ mặt của nó chuyển sang màu đen như than. Sau một lát, nó nói: “Có lần bà ta cúng dường một con ngựa cho lãnh địa của tulku (vị hóa thân) Tsamtrul ở tỉnh Dza, nhưng tới lúc giao con ngựa thì bà ta lưỡng lự”.

Đứa trẻ tối ám múa may nhảy nhót và nói:

Người đàn bà hết sức xấu xa, kẻ tạo nên những ác nghiệp trong cõi người thế tục,

quỷ cái ăn thịt người tài ba, kẻ tổ chức cuộc tàn sát chúng sinh,

kẻ tham tàn xảo quyệt – mi không nhớ những hành vi tối tăm khác ư?

Mi không chỉ mắc phạm một ác hạnh từng dự tính.

Dù điều này có là sự thật hay không, nó cũng sẽ được sáng tỏ trước tâm thức Dharmaraja;

nó đúng hay không, các thuộc hạ biết rõ.

Hãy đem mụ ta đi tới con đường không hy vọng được giải thoát.

Sau khi đứa trẻ nói, một thuộc hạ của Yama cân trường hợp của người đàn bà già trên cái cân nghiệp và ngay lập tức bàn cân nghiêng từ đầu này sang đầu kia. Lấy ra một bằng chứng trên tấm bảng định mệnh, Yama nói: “Hãy đưa mụ ta tới Địa ngục Đè Bẹp. Trong nhiều ngàn kiếp mụ sẽ không tìm được sự giải thoát”.

Một đội quân gồm các thuộc hạ của Thần Chết đang la hét: “Giết nó, giết nó! Đánh nó, đánh nó! Ha, ha! Hê, hê!” và ném vào người bà những mũi tên, các ngọn giáo và gươm đao. Ấn mặt bà xuống đất họ kéo bà ta đi.

Om mani padme hung hri.

Wangchan, một thủ lãnh tầm thường trong miền Derge là con trai của một người giàu có và nổi tiếng có tên là Drugdrag và một người đàn bà tên là Tseyang Drolma. Ông ta là một thủ lãnh rất mạnh mẽ, là kẻ hưởng thụ của cải và thực phẩm của người khác, là kẻ lỗ mãng, hung hãn, không có lòng từ bi. Khi nghiệp lực duy trì thọ mạng của ông đã cạn kiệt, ông ta chết và lang thang vơ vẩn trong những cõi bardo.

Như thể bất thần nhìn thấy một kẻ thù căm ghét đã giết cha ông, Dharmaraja la lên: “Nhanh lên, các ngươi, tất cả thuộc hạ của Thần Chết, chạy mau, tất cả các ngươi! Đừng phí thời gian, dẫn ngay tên Wangchan lại đây cho ta!”.

Những thuộc hạ la hét “Ki!” và “Ha!” và lôi kéo ông ta. Những người cầm búa đánh đập ông, những người cầm kềm kéo giựt da thịt ông; những người cầm cưa cắt xẻ, những người cầm kiếm chặt chém, những người cầm giáo đâm; những người cầm rìu chặt ông. Trước mặt Dharmaraja, đứa trẻ tối tăm kể câu chuyện sau đây:

Kẻ độc ác tên là Wangchan

tư tưởng và hành vi quay lưng lại Tam Bảo.

Ông ta móc mắt các lạt ma tốt lành,

phạm vô số ác hạnh, cắt môi và lưỡi

của nhiều nhà sư và ni cô, cư sĩ nam và nữ[35].

Ông kết án nặng nề nhiều nhà sư thọ đại giới và giam cầm họ.

Ông gây ra nạn đói gần như giết hại dân chúng.

Ông khiến cho nhiều ngàn con cừu bị sát sanh.

Ông là một tập hợp của ác hạnh lớn như Núi Tu Di.

Ông ta xứng đáng loại trừng phạt nào, Dharmaraja biết rõ!

Nghe lời thỉnh cầu này, ngay lập tức Dharmaraja lôi một bằng chứng trên tấm bảng định mệnh của ông và nói: “Hãy đưa hắn tới Địa ngục Sống lại và rồi dừng lại ở tám địa ngục nóng, không được tự do trong thời gian mười ngàn kiếp”.

Những thuộc hạ la lớn: :Giết nó! Đánh nó! Đập nó!” Ấn mặt ông xuống đất, họ lôi ông ta đi.

Om mani padme hung hri.

Có một cô gái trẻ miền Derge mang một sợi những viên mã não, mỗi viên lớn bằng một căn nhà, cột trên một sợi xích sắt quấn quanh cổ. Cô bị hành hạ bởi sức nặng và nỗi khổ khi không nâng nổi những tảng đá. Đây là hậu quả của việc cô đã trang điểm thân thể bằng những mã não ăn cắp của người khác, dù ở vị trí cao hay thấp.

Om mani padme hung hri.

Tôi tiếp tục đi cho tới khi gặp một người thợ săn tên là Tsering ở miền Kat’hog bị bốn cư dân đầu hươu áp tải. Run rẩy như một chiếc lá, ông ta bị lôi tới trước mặt Yama Dharmaraja. Và ồ, hai đứa trẻ tượng trưng cho nghiệp của ông phơi bày tất cả những gì ông đã làm, đức hạnh hay ác hại, tích cực hay tiêu cực.

Đức trẻ tươi đẹp nói: Ồ Yama, Dharmaraja cao quý, người này không thể chăm lo cái ăn cái mặc hay che chở cho gia đình rộng lớn của mình. Kẻ vô lại già nua tiêu phí cả đời hắn để theo đuổi những ác hạnh. Tuy nhiên, nếu Ngài gởi trả ông ta về để thử lại một lần nữa và ông thực hành đức hạnh hết sức thuần tịnh, ông ta sẽ trở thành một người không có gì để xấu hổ và sẽ trở lại trước sự hiện diện oai nghiêm của Ngài theo đúng nghĩa của nó”. Nói tới đây, đứa trẻ khóc.

Đứa trẻ tối tăm đưa ra thỉnh cầu:

He, he! Người đàn ông này đã giết ba loại chim – kên kên, diều hâu và chim ưng – bay liệng trên không.

Hắn đã giết ba loại thú vật – linh dương, hươu nai và cừu hoang – sống trong vùng núi non.

Hắn đã giết các ma mốt vô tội trên những cánh đồng.

Hắn đã giết ba loại thú vật – cá, rái cá và ếch – sống trong nước.

Hắn đã bắt những con vật vô hại trong bẫy và lưới.

Hắn phạm những hành vi ác hại và phi-đạo đức.

Từ miệng của Yama Dharmaraja tuôn ra những lời sau:

Trong số những ác hạnh, không có gì nặng nề hơn việc cướp đi sinh mạng.

Trong trường hợp của tên thợ săn xấu xa này

hắn đã hứa với vị lạt ma thuộc bộ tộc Getze là không giết hại nữa,

nhưng sau đó phạm những hành vi hết sức độc ác vượt quá giới hạn của sự sám hối.

Bây giờ hãy đưa hắn tới Địa ngục Hoang vu.

Hắn sẽ chịu đau khổ không thoát ra được đời này sang đời khác.

Khi nói điều này, ông nêu ra một bằng chứng trên bảng nghiệp lực và ấn mặt người thợ săn xuống đất, những thuộc hạ kéo ông ta đi.

Có nhiều chúng sinh nữa mà mắt tôi không thể nhìn thấy hết được, số lượng của họ lưỡi tôi không hy vọng gì đề cập tới được, tư tưởng họ tâm tôi không thể bắt đầu thăm dò. Những kẻ xấu ác bị kéo xuống, trong khi những người đức hạnh được đưa lên trên. Tất cả những việc xảy ra này bất chấp sự mô tả; những điều tôi vừa ghi lại thì không hơn gì ý niệm thô thiển nhất.

Trước mặt Dharmaraja là một người đàn bà tên là Bochhungma sống trong miền thuộc gia đình Dezhung. Khi hai đứa trẻ tượng trưng cho nghiệp của bà ta, một tươi đẹp và một tối ám, đang phơi bày những thỉnh cầu của họ, đứa trẻ tươi đẹp nói: “Người đàn bà này có chút liên hệ với Dzaga Chhogtrul Rinpoche. Tâm bà ta hướng về sự đức hạnh”.

Rồi đứa trẻ tối ám nói:

Người đàn bà này phục vụ thực phẩm bất tịnh cho các đạo sư thông thái;

bà ta giết bê bằng cách bắt chúng nhịn đói tới chết;

bà phê bình các đạo sư và những vị đã thọ giới;

và vì thế bà phạm nhiều hành vi ác hại qua miệng, đôi bàn tay và tâm bà.

Dharmaraja trả lời: “Khi đứa trẻ tươi đẹp nói, có vẻ nó đã nói sự thật. Nhưng khi đứa trẻ tối ám nói, dường như nó đang nói sự thật. Hãy cân trường hợp này trên bàn cân thiện hạnh và ác hạnh”.

Thuộc hạ đầu-khỉ cân nhắc những hành động của người đàn bà trên chiếc cân, và thế là những ác hạnh của bà làm nghiêng bàn cân từ đầu này sang đầu kia. Yama Dharmaraja nói:

Mỗi một ngàn ngày trong cõi người

bằng khoảng một ngày và đêm duy nhất trong các cõi địa ngục.

Trong mười hai năm dằng dặc này mi sẽ chịu đựng đau khổ

bằng cách uống kim loại nóng chảy sôi sục.

Rồi ngươi sẽ được dẫn đi nhờ năng lực của lòng bi mẫn

và những nguyện lực của Dzaga Chhogtrul Rinpoche.

Khi ông nói xong, người đàn bà bị lôi vào một dinh thự bằng sắt.

Om mani padme hung hri.

Kế tiếp là Paltso, một người đàn bà du cư già có mái tóc xám ở cộng đồng Nyingshul. Bà cầm một bánh xe cầu nguyện và một mala màu vàng, bà đang lần tràng hạt. Vừa hát tụng thần chú mani thật rõ ràng theo một giai điệu, bà đi thẳng tới Dharmaraja. Yama Dharmaraja mà khuôn mặt thì như mặt trăng chiếu rọi trên tuyết, nói thật lịch sự và vui vẻ: “Paltso, sau khi chết và đi tới cõi bardo, bà có mệt không? Đối với bất kỳ thiện hạnh và ác hạnh nào bà đã từng dính dáng tới, hãy phơi bày tại đây trước mặt ta”.

Bà cụ Paltso thỉnh cầu:

Tôi chú tâm nơi Tam Bảo như cứu cánh duy nhất của tôi.

Tôi gắn bó chặt chẽ chí hướng của tôi với Giáo Pháp tinh tuý.

Lời nói của tôi là sự thực hành đức hành, và vòng quay tràng hạt của tôi thì không ngừng dứt.

Tôi thiết lập những liên hệ với những bậc có khuynh hướng tâm linh tuyệt hảo.

Đặc biệt nhất là tôi có mối liên hệ với Dzaga Chhogtrul qua việc cúng dường Ngài một miếng hổ phách lớn.

Tôi đã tạo một mối liên hệ với Adzom Drugpa[36] bằng cách cúng dường Ngài một cái kẹp dây lưng.

Trong số những người thắt một chiếc khăn vàng quanh mình[37].

không ai mà với họ, tôi, người đàn bà này, không có mối liên hệ.

tôi đã rót khoảng hai mươi hoặc ba mươi ngàn ngọn đèn bơ;

đã tụng lớn tiếng một trăm triệu thần chú mani;

là một bà già có động lực cao quý,

tôi đã hồi hướng tất cả những điều này cho chúng sinh hữu tình.

Với sự hân hoan, đứa trẻ tươi đẹp đưa ra một thỉnh cầu tương tự. Đứa trẻ tối ám thì hoàn toàn không nói gì hết. Bây giờ tấm gương, văn bản tường trình và bàn cân là các chứng cứ của những thiện hạnh và ác hạnh của người đàn bà. Những thuộc hạ la lên: “Nhìn những cái này xem!” Thuộc hạ đầu-sư tử chăm chú nhìn vào tấm gương, thuộc hạ-đầu khỉ cân nhắc những hành động của bà trên chiếc cân, và thuộc hạ đầu-bò đọc văn bản tường trình về nghiệp của bà. Ba vị trong số những thuộc hạ khiêm tốn đệ trình rằng tất cả những gì bà nói đều đúng sự thật, điều ấy làm Dharmaraja vô cùng hài lòng. Ông nói:

Nếu những người đàn ông và đàn bà bình thường trong thế giới loài người thế tục

giống như người này, thì sẽ tốt đẹp biết bao.

Nhưng cho dù hiểu biết những thiện hạnh và ác hạnh,

họ không từ bỏ một vài điều và áp dụng những thứ khác.

Họ ráng sức trong những hành động phi-đạo đức và ác hại –

họ bị dày vò biết bao bởi những cảm xúc muộn phiền.

không ai đi qua đời khác mà không gặp ta.

Nếu họ có Pháp, thì ta là vua Pháp,

Nhưng nếu không có, thì ta vị vua của những ác hạnh của họ.

Giờ đây, bà lão tên là Paltso!

Hãy đi, nương tựa thiện nghiệp này.

Bà sẽ không rơi trở lại, vì thế hãy đi tới Cõi Cực Lạc.

Khi nói xong, bà cụ đứng dậy và lạy ba lạy. Bà nói: “Tôi sẽ không đi một mình”[38]. Thay vào đó, bà dẫn khoảng một ngàn rưỡi chúng sinh có liên hệ với bà qua ngôn ngữ hay tiếp xúc, đi chầm chậm tới Cõi Cực Lạc ở phương Tây, trong khi thì thầm thần chú mani theo một giai điệu.

Om mani padme hung hri.

Một ông già tên là Dondrub ở vùng Gulong đang bị một sợi cáp sắt xuyên thủng tim và bị những thuộc hạ đầu-cọp, đầu-báo, đầu-gấu đen và nâu, đầu-cáo, và đầu-chó rừng lôi đi. Họ tung ông lên không trung rồi quăng ông xuống đất, la hét: “Ki, ki! Ồ, ồ!” khi dẫn ông ta đi. Người đàn ông mặc bộ quần áo sờn rách bằng da mác mô. Khi nhận ra mình đang đứng trước mặt Dharmaraja, mặt ông trở nên tái mét và ông la lớn: “Ahhh!” Sau một tường thuật ngắn về những thiện hạnh và ác hạnh của ông, Yama Dharmaraja nói:

Con người thế tục ác độc, kẻ giết những ma mốt!

Mi đã từng giết nhiều ngàn ma mốt

ăn thịt và uống máu họ,

mặc y phục làm bằng da sống –

ngươi đã giết ma mốt như thiên hướng của mi.

Vào mùa hạ mi giết ma mốt bằng cách đổ nước xuống hang của họ để đuổi họ ra ngoài;

Vào mùa đông mi đào hang để bắt những con lửng, và giết những ma mốt ngủ đông.

Những hành động xấu xa trầm trọng như thế rất khó mà sám hối,

bởi những gì mi đã làm không khác gì việc giết một nhà sư thọ cụ túc giới.

Mi sẽ không có cơ may được giải thoát trong một ngàn kiếp.

“Vậy thì” Dharmaraja nói, “hãy đem hắn tới những địa ngục nóng!” Ấn mặt ông xuống đất, những thuộc hạ lôi ông ta đi xuống.

Om mani padme hung hri.

Sau đó, khoảng mười hai nhà sư thụ cụ túc giới ở miền Sakya[39] đi tới. Họ mặc ba chiếc y tu viện, cầm những bản văn Phật Pháp linh thánh và lớn tiếng trì tụng các thần chú siddhi và mani. Trước mặt Dharmaraja, họ làm như thể lễ lạy như một nhóm, nhưng Ngài nói: “Xin đừng lạy!” Chính Dharmaraja đứng thẳng người tỏ vẻ kính trọng. Khi những thuộc hạ run rẩy kính sợ thì các nhà sư tiến lên, dẫn khoảng mười hai ngàn chúng sinh đi tới cõi Cực Lạc ở phương tây.

Kế đó, một ni cô đức hạnh ở miền Minyag đi tới. Quay một bánh xe cầu nguyện và lần tràng hạt làm bằng vỏ ốc xà cừ, bà đứng thật cung kính trước mặt Dharmaraja.

Ngài hỏi: “Bà là ai?”

Bà trả lời: “Tôi được gọi là Zangmo. Tôi đã thâu thập một đại dương đức hạnh trong khi tích lũy hai sự tích tập”[40]. Bằng một giọng nói ngọt ngào, bà dâng cúng Ngài bài hát sau:

Om mani padme hung hri.

Đấng mà sắc thân là nơi tụ hội của tất cả chư Phật

và là đấng bất khả phân với Đức Avalokiteshvara:

Trong sự hiện diện tôi kính của ngài Sodnam Rinchhen

con xin thỉnh cầu: Xin ban cho con những sự ban phước của Ngài.

Con không mắc phạm những ác hạnh lớn bằng hạt mè.

Con là một ni cô đã đạt được chút ít kiên cố trong tâm.

Trong sự hiện diện tôn kính của ngài Sodnam Rinchhen, con dâng lời cầu nguyện lên

bậc có lòng bi mẫn đặc biệt đối với chúng sinh trong những thời đại suy hoại tâm linh này,

một chúa công của Pháp, là một hóa thân của các Bồ Tát trong ba bộ[41] –

Xin ban những ân phước của Ngài khiến những ước nguyện của chúng con được thành tựu tự nhiên.

Xin ban những ân phước của Ngài để những nỗi khổ trong các cõi thấp được an dịu.

Xin ban những ân phước của Ngài để chúng con có thể đi vào con đường giải thoát.

Xin ban những ân phước của Ngài để chúng con có thể được sanh vào cõi Cực lạc.

Xin ban những ân phước của Ngài để hai loại lợi lạc[42] có thể được thành tựu tự nhiên.

Tất cả những chúng sinh được nghe những lời này

không phải trải qua nỗi khổ của địa ngục khi chết;

họ không phải kinh nghiệm những xuất hiện lầm lạc của bardo.

Nếu họ lập lại những lời này mỗi ngày bất kể điều gì xảy ra,

chắc chắn là khi chết họ sẽ không đi tới địa ngục.

Họ sẽ được tái sanh trong Núi Huy Hoàng Màu-Đồng Đỏ.

Khi nói những lời này, bà hát tụng thần chú mani theo một giai điệu du dương, rồi bà tiếp tục đi, dẫn theo khoảng ba ngàn chúng sinh có liên hệ với bà bởi những nghiệp tốt và xấu[43] tới Núi Huy Hoàng Màu-Đồng Đỏ.

Rồi Dharmaraja ra lệnh cho hai trong số các thuộc hạ của Ngài là Awa Đầu-Bò và Định Mệnh Đầu-Khỉ đưa vào một nhà sư đã thọ cụ túc giới, quê quán ở miền nam tỉnh Tsang, tên là Kunga Paldan. Khi ông xuất hiện trước Dharmaraja, những thiện hạnh và ác hạnh của ông được phơi bày. Đứa trẻ tươi đẹp đệ trình: “Nhà sư này không phạm những ác nghiệp” và cúi đầu đứng lặng yên.

Đứa trẻ tối ám trả lời: “Nhà sư này đã gãy bể giới luật và thệ nguyện. Ông thọ các giới nguyện trong sự chứng minh của tu viện trưởng và giáo thọ của ông và đã đắp ba y tu viện, tuy nhiên ông ta phải chịu trách nhiệm về việc giết hại nhiều người và ngựa. Ông ném những lời thóa mạ vào những người tiếp xúc với Giáo Pháp. Về mặt đạo đức, ông ta là một kẻ phá sản, đã ném những thệ nguyện samaya của mình xuống sông”.

Bởi thỉnh cầu này, Dharmaraja nói: “Những câu chuyện mà hai đứa trẻ tươi đẹp và tối ám này kể không thể chân thật cả hai. Chúng ta hãy hỏi ý kiến tâm gương, văn bản tường trình và chiếc cân”.

Nhìn vào những vật dụng này, những người thẩm tra kính cẩn đệ trình lên Dharmaraja: “Những điều đứa trẻ tối ám trình bày là sự thật”.

Đùng đùng nổi giận, Dharmaraja la lớn: “Đem kẻ suy đồi đạo đức này tới đỉnh núi có những cây shalmali”.

Những thuộc hạ dẫn nhà sư đi, họ la hét: “Giết nó, giết nó! Đánh nó, đánh nó!”

Một người đàn bà tu hành tên là Dronchhung ở miền Minyag được dẫn vào. Khi những hành động của cô được phơi bày, đứa trẻ tươi đẹp nói: “Năm hai mươi mốt tuổi, người phụ nữ trẻ này xuống tóc, xuất gia làm ni cô và lên đường hành hương tới vùng Lhasa, trong khi đó liên tục trì tụng các thần chú một trăm-âm và mani”.

Đứa trẻ tối ám kiến nghị: “Ôi Yama Dharmaraja cao quý, chính con có thẩm quyền để nói về tiểu sử của người phụ nữ trẻ này. Cô ta là một con quỷ cái, một người có nghiệp xấu xa đã thực hiện những hành vi phi-đạo đức và ác hại. Trong chuyến hành hương, cô ta đã giết hại một số sinh vật và việc đó chỉ là một biểu hiện trong vô số những ác hạnh mà cô ta đã phạm, thưa Ngài!”.

Bởi ý kiến này, Dharmaraja nói: “Hãy cân những kiến nghị này lên bàn cân”.

Khi chúng được cân nhắc xong, vấn đề được kính cẩn trình lên Dharmaraja rằng đó là một pha trộn của những thiện hạnh và ác hạnh. Ngài nói: “Người phụ nữ này phải chịu đau khổ ở Địa ngục Sống lại trong thời gian một tháng ở cõi đó; sau đó, do sức mạnh của nguyện lực mà cô ta đã tạo nên trong chuyến hành hương, cô ta sẽ có một tái sanh làm người thuần tịnh”.

Một tướng lãnh tên là Sanggi Adzam thuộc gia đình Sa-ngon ở Jazi trong quận Nyagrong, bị tái sanh trong Địa ngục Đè bẹp và đang chịu nỗi thống khổ không thể đo lường được ở đó. Ông nói với tôi: “Con dâu tôi tên là Lumotso. Bằng mọi giá cô phải tiếp âm thông điệp của tôi cho nó. Hãy nói với nó: ‘Con có thể làm lợi lạc cho cha bằng cách tạo một mối liên hệ với một vài đạo sư; nhân danh cha, hãy hiến cúng các đạo sư san hô và những đồ trang sức của cha mà con cất dấu. Những giọt nước mắt mà con nhỏ xuống trở thành một trận mưa máu đổ xuống người cha. Bởi cha có một chút liên hệ với vị tulku ở Jazi, hãy cầu xin ý kiến và sự giúp đỡ của Ngài. Vì lợi ích của cha, hãy cúng dường trà cho các nhà sư ở tu viện Jazi và xin các ngài trì tụng thần chú mani và siddhi trong những nghi lễ tập thể”’.

Khi nói những điều đó ông ta bật khóc. Mặc dù bóng dáng ông đã mờ nhạt nhưng những tiếng kêu khóc ở ông vẫn tiếp tục ám ảnh tôi. Vì lợi lạc của ông, tôi dâng những lời cầu nguyện hồi hướng và ước nguyện, và trì tụng thần chú mani một lát, nhưng tôi không có liên hệ với ông và vì thế hành động ấy không đem lại ích lợi.

Om mani padme hung hri.

Một sĩ quan quân đội tên là Arta ở quận Nyagrong Gangri đang ở trong Địa ngục Sợi Chỉ Đen. Hàng trăm và hàng ngàn những đường vạch đen được vẽ trên người ông. Bằng những cái cưa sắt đỏ rực lửa, ông ta bị cắt mỏng dọc theo những đường này đầu tới thắt lưng rồi thì những bề mặt của đầu ông được nói lại với nhau. Rồi ông ta bị cắt mỏng tới lui từ bụng trở xuống, với những mảnh thân thể bị chia ra thành từng phần và lại nối lại, khiến ông luân phiên chịu đựng những đau khổ này.

Khi tôi hỏi vị thiên nữ bi mẫn cao quý: “Những hành động nào dẫn tới hậu quả này?” bà trả lời:

Người này chỉ huy quân lính đánh phá các tu viện.

Ông đưa người tới phá hủy các lăng mộ và đài kỷ niệm,

thiêu rụi các sườn núi, đốt cháy ếch, nhái, rắn và các sinh vật khác,

gây xáo trộn trong xã hội, kích động sự chém giết tương tàn, xúi dục sự tranh chấp, hận thù.

Là thủ lĩnh, chỉ riêng ông đã giết mười tám người và những con ngựa.

Ông khó được giải thoát trong một ngàn kiếp.

Cầu mong nghiệp xấu và những ác hạnh của người này được tịnh hóa và cầu mong ông ta được tái sanh trong Cõi Cực Lạc.

Mặc dù bà nói trong chiều hướng này, ông ta không hưởng được lợi lạc gì nhiều.

Một người gốc gác ở Drured tên là Arkong bị các thuộc hạ dẫn tới trước Dharmaraja, bị đập bằng búa, bị kẹp bằng kềm và bị chém bằng các vũ khí. Mặc dù cả hai đứa trẻ tươi đẹp và tối ám đã nói nhưng không ích lợi gì bởi Dharmaraja trở nên giận dữ, dậm chân trên mặt đất cùng những nắm đấm mạnh mẽ và la lớn: “Để hắn giải thích, và nhanh lên!” Nhưng vì quá khiếp sợ, ông ta không thể nói điều gì.

Thuộc hạ đầu rắn chăm chú nhìn tấm gương và nói: “Người này ôm giữ những tà kiến. Ông nói rằng thực hành các thiện hạnh thì không ích lợi và không có gì lầm lỗi khi làm các ác hạnh. Ông tuyên bố rằng Tam Bảo không có ân phước. Ông ta nói rằng chừng nào còn được sung sướng trong hiện tại thì không cần phải quan tâm tới tương lai. Ông vui thú trong việc trộm cướp và áp bức”.

Sau khi cân nhắc những vấn đề trên bàn cân, thuộc hạ đầu-khỉ nói: “Nếu cùng một lúc xếp vào hũ những cặp sừng đầy máu của những con hươu đực, dược liệu xạ hương từ hươu nai, da sống và xương từ những con rái cá mà hắn đã giết, thì chúng sẽ chất đầy một căn nhà nhỏ. Đây là kẻ mà bản thân đã từ chối sự may mắn được đeo đuổi Phật Pháp”.

Rồi thuộc hạ-đầu bò xem xét chứng cớ tốt đẹp trong báo cáo về nghiệp: “Người này giết hại những thú vật trong một tháng linh thiêng, trong tháng đó hậu quả những hành vi của hắn được khuyếch đại lên một trăm ngàn lần. Cầm một cây súng đi loanh quanh, hắn bắn giết thật hung bạo nhiều sinh vật – gấu đen và gấu mật, cáo, mèo rừng và ma mốt. Không con vật nào trong những loài này mà hắn không giết”.

Ngay sau đó Yama Dharmaraja ghi một chứng cớ trên bảng định mệnh. “Mặc dù thời kiếp có thể chấm dứt”, Ngài kêu lên “người đàn ông này sẽ không có cơ hội thoát khỏi. Hãy gởi hắn tới Địa ngục Hoang vu!”.

Với những tiếng la hét dễ sợ, thuộc hạ dẫn ông đi xuống, đầu ông ta gục xuống trong sự xấu hổ.

Om mani padme hung hri.

Chính Yama Dharmaraja nói những lời này:

Các ngươi đàn ông và đàn bà trong thế giới con người phàm tục!

Chớ giết bọ chét và chấy rận sống trên người các ngươi.

Chớ giết chúng, bởi việc sát hại ấy không đáp ứng mục đích gì.

Việc ấy không lợi lạc gì cho thực phẩm của các ngươi, không đáng giá một hạt mù tạc.

Việc ấy không ích lợi gì cho y phục trên lưng các ngươi, mà là một hành vi nghiêm trọng, ác hại.

Không nhất thiết phải giết chúng giữa răng và móng tay các ngươi,

bởi nó không khác gì giết chính con cháu của các ngươi.

Thay vào đó, nếu các ngươi thả chúng và để chúng sống, điều này sẽ có lợi ích to lớn.

Nếu giết chúng, các ngươi chỉ cần nhìn xem điều gì đã xảy ra cho những kẻ đọa lạc ở đó để hiểu rõ những gì sẽ là định mệnh của các ngươi.

Có nhiều ngàn người đã đau đớn vì bị ép dẹp giữa hai ngọn núi. Ở đó có một người tên là Yado thuộc gia đình T’hromt’hog. Thân xác một số người trong số đó bị lửa thiêu đốt; đó là hậu quả của việc đốt bọ chét. Một số bị rơi xuống nước và chết đuối; đây là hậu quả của việc ném bọ chét vào tuyết và mưa đá.

Dharmaraja nói: “Vì thế các ngươi hãy để yên bàn tay và hãy trì tụng thần chú mani”.

Om mani padme hung hri.

Rồi Yama Dharmaraja nói với tôi:

Các ngươi đàn ông và đàn bà trong thế giới con người phàm tục!

Chỉ trong lúc này mà các ngươi đã có được thân người.

Chỉ lúc này mà các ngươi đã được tái sanh trong Trái Đất.

Chỉ lúc này mà sự chọn lựa nơi các ngươi đi tới đang nằm trong lòng bàn tay các ngươi.

Hãy cúng dường Tam Bảo ở trên các ngươi bất kỳ thứ gì các ngươi có thể.

Các ngươi sẽ không trở nên nghèo túng – tóm lại các ngươi sẽ giàu có hơn trong đời này,

và trong những đời sau các ngươi sẽ được tái sanh với một thân thể được phú bẩm hỉ lạc và cơ hội.

Hãy bố thí hào phóng cho những người hành khất, những người mù và chó ở dưới các ngươi.

Đứng nói với họ những lời thô lỗ, bởi họ đáng được hưởng lòng bi mẫn.

Bố thí một nắm hạt lúa mì hay lúa mạch cho người hành khất,

thì hơn là nuôi béo một trăm người giàu có trong một năm.

Trong hai thiện hạnh này, cái trước thì đặc biệt hơn cái sau.

Những người giàu có sống sung túc, có nhiều của cải và đất đai,

họ giống như những người giữ kho tàng giữa đám quỷ đói với thức ăn và đồ uống, những người hầu, và của bố thí của họ,

lãng phí đời người, chẳng bao giờ có đủ thời gian và chẳng bao giờ thâu thập các sự tích tập.

Họ không có ngay cả một chốc lát để chậm rãi và nghỉ ngơi.

Mặc dù đúng là có cả những núi của cải, tài sản và thực phẩm,

họ không thể đem theo duy nhất một cây kim tới trước mặt ta.

Những thành viên trong gia đình không nghe ý kiến của người khác;

tranh cãi vào buổi sáng, đánh nhau lúc sẩm tối như những bán thần.

Họ sẽ không thể sống chung lâu dài, mà sẽ đi theo con đường riêng lẻ của họ.

Vì thế hãy đối xử tốt với nhau trong gia đình, và hãy trì tụng thần chú sáu-âm.

Người ta có vẻ giận dữ với cha mẹ tốt lành của họ,

sử dụng uy quyền với vợ hay chồng họ,

và coi những bậc trưởng thượng trong gia đình như những tử thi cùi hủi.

Khi về già, người ta trở nên yếu tim và sa sút tinh thần,

vì thế hãy đối xử với họ bằng lòng kính trọng, giọng nói mềm mỏng, lời lẽ dịu dàng.

Giờ đây, không có hình thái tâm linh nào cao cả hơn điều đó.

Các ngươi sống trong thế giới con người thế tục là những kẻ đền đáp món nợ lòng tốt cho cha mẹ các ngươi

thì sẵn sàng và có thể đi tới Cõi Cực Lạc.

Những ai hầu hạ, trải dọn chỗ ngồi, cung cấp những nhu yếu của đời sống,

làm người hướng dẫn, nói năng với giọng dễ thương và lời lẽ dịu dàng

với những người già từ nơi xa tới trong chuyến hành hương

thì giống như những người giao phó một viên ngọc như ý cho người khác.

Họ sẽ không bị khó khăn khi theo đuổi con đường đi tới giải thoát.

Có đức tin nơi các đạo sư và thiết lập mối quan hệ với các bậc trưởng thượng tâm linh –

thì giống như việc giương cao ngọn đuốc trong một căn phòng tối

và sẽ đưa dẫn các ngươi tới Cõi Cực Lạc mà không cần sự chuyển tiếp hay chuyển hóa.

Có lòng bi mẫn đối với chúng sinh và hồi hướng công đức của các ngươi cho người khác –

thì giống như một kho tàng châu báu bảo đảm mọi nhu cầu thiết yếu.

Trong mọi cuộc đời về sau các ngươi sẽ gặp gỡ rất nhiều bậc tôn quý.

Vị vua ngự trên ngai cao và kẻ hành khất chống gậy –

đối với hai vị này thì “cao” và “thấp” không đáng giá một sợi tóc trước mắt ta,

vì thế hãy đến với ta khi đã thực hành đức hạnh của Pháp.

Đừng quên thông điệp của ta, hỡi Dudjom Drolma.

Hãy làm lợi ích chúng sinh, dù cao hay thấp, bằng thông điệp này.

Om mani padma hung hri.

Tuy nhiên tại nơi ghê sợ khác có nhiều người là những kẻ ăn trộm ăn cướp, những thợ săn tàn ác, là những kẻ đặt bẫy bắt hươu xạ, lừa đảo người khác trong việc buôn bán, nói dối và báng bổ, là những kẻ trộm cắp của những người cao tuổi bơ vơ không nơi nương tựa, nói ác hay đánh đập các nhà sư, giết chó, ngựa và rắn – một số đông người không kể xiết đã dấn mình vào mười loại ác hạnh[44].

Trong số đó có một người hàng thịt tên là Atsog, ông ta khóc thổn thức khi bị dẫn tới trước Dharmaraja. Các thuộc hạ áp đảo ông, la hét dữ dội: “Giết, giết nó! Đánh, đánh nó!” Sau đó thuộc hạ đầu-bò, Awa Langgo nói với ông ta:

Khi mi ở trong thế giới con người thế tục,

mi cười phá lên khi phạm các ác hạnh là nguyên nhân của sự việc này.

Hậu quả là mi sẽ kêu khóc trong đau đớn khi chịu đựng một số phận thấp kém.

Giờ đây kêu khóc có lợi ích gì khi mi đang ở trong những cánh đồng địa ngục?

Họ đập đầu ông ta bằng một chiếc búa, xẻ lưng bằng một cái cưa, đâm một ngọn giáo ngắn vào ngực, và ném một loạt vũ khí lên người ông. Khi đã thẩm tra về những thiện hạnh và ác hạnh ông đã làm, họ lôi ông ta tới Địa ngục Nóng Dữ dội.

Om mani padme hung hri.

Một người tên là Chhungdron ở miền Gojo, cũng như Paldron Dal và con gái ông ta, đã bỏ thuốc độc một vị lạt ma, quyến rũ các nhà sư và vu khống các bậc trưởng thượng tâm linh của họ. Hậu quả sau cùng là lưng họ bị trĩu nặng bởi những tảng kim khí nóng chảy, lưỡi bị chẻ bằng gươm sắt cháy đỏ, và kim loại nóng chảy sôi sục đổ vào miệng họ.

Đức Tara nói:

Những ác hạnh của thân thì giống như vùng cát lầy dơ bẩn:

Nó có vẻ mềm mịn, nhưng nó mà đau khổ phát sinh.

Những ác hạnh của ngữ thì giống như những lưỡi lửa cháy rực:

Mặc dù tàn lửa bé nhỏ, nó có thể thiêu rụi những ngọn lửa công đức.

Những ác hạnh của tâm thì giống như chất độc ghê gớm:

Mặc dù ngọt ngào trong miệng, chúng đem lại đau khổ to lớn trong những cõi thấp.

Đối với những kẻ đã thực hiện những ác hạnh thuộc thân, ngữ và tâm,

cầu mong những hậu quả được chế ngự giống như sương giá bị mặt trời quét sạch.

Om tara tam soha.

Một người tên là Argong ở miền Barong đã thuyết phục phối ngẫu của một đạo sư bỏ trốn theo ông ta, nhưng họ đã chết và đang lang thang trong xứ sở của Yama. Tôi nhìn thấy Thần Chết, Yama Dharmaraja, giáng lên họ nhiều loại trừng phạt. Nhiều sinh linh ăn-thịt giằng xé thân xác họ; những đau đớn họ đang chịu đựng thì vô bờ bến. Rồi một đạo sư mặc áo trắng có mái tóc dài đi tới. Ông hát tụng thần chú vara guru ba lần theo một giai điệu và tiến lên, dẫn vị phối ngẫu đi theo con đường ánh sáng trắng.

Om mani padme hung hri.

Có vô số đàn ông, đàn bà và trẻ em ở miền Barong. Tôi không có thì giờ để thuật lại tất cả tên của họ, nhưng nếu các bạn muốn hỏi thêm nữa và thành thực quan tâm thì tôi có nhiều điều có thể kể cho các bạn, miễn là các bạn không gãy bể samaya với tôi hay dối gạt tôi theo cách nào đó.

Cũng có khoảng mười hai người thợ săn trộm ở miền Dartsedo[45], mà câu chuyện của họ được kể như sau:

Trong sự tàn ác và sân hận, họ đặt bẫy lấy lông bò yak làm nỉ.

Máu của những con vật bị họ giết cuồn cuộn như cái hồ.

Của cải họ cướp đoạt thì chất cao như núi.

Họ lôi mọi sinh linh có quan hệ với họ tới những số phận xấu xa.

Nhìn vào dấu vết tinh tế, Awa Đầu-bò nói: “Vì lợi ích của gia đình Gya Truglo, những người này đã dùng dao gây đổ máu trên khắp hai vùng rộng lớn. Họ là những kẻ đầu sỏ chịu trách nhiệm việc giết hại nhiều người. Họ đã phạm quá nhiều ác hạnh khiến ngay cả việc kể hết ra cũng không thể làm được”. Với những tiếng gầm khủng khiếp: “Giết, giết chúng! Đánh, đánh chúng!” các thuộc hạ của Thần Chết dẫn họ tới Địa ngục Nóng Dữ dội, đầu họ gục xuống.

Om mani padme hung hri.

Có khoảng mười người đàn bà ở miền Sangen đã chế tạo chất độc. Karma T’harkhyin, Tsewang Dargyay, Gonpo Srung và những người khác, thân họ bị băm nhỏ, lưỡi bị nhổ ra và nhãn cầu bị chọc thủng.

Cũng thế, những kẻ ám sát các đạo sư và phá hủy các thánh tích bị ném vào một hầm lửa. Những thuộc hạ khủng khiếp của Thần Chết, cầm những chiếc búa có kích thước như những tòa nhà, và bằng từng cú đập mạnh đã tung rải thịt xương họ. Bởi họ chết đi sống lại liên tục và chỉ liên tục chịu đựng nỗi khổ không thể tưởng tượng nổi, nên những tiếng kêu khóc thất thanh của họ có thể làm nổ tung và tách rời núi non và thung lũng.

Mọi người kêu khóc gọi tôi: “Dudjom Drolma, xin tụng cho chúng tôi một thần chú mani!” về phần tôi, tôi cảm thấy một lòng bi mẫn không thể nghĩ bàn và đã tụng hát thần chú mani theo một giai điệu.

Tôi tiếp tục đi cho tới khi đi ngang qua bốn người đàn ông, là những người hàng thịt ở Gamdzed trong miền Hor. Một người tên là Buchhung và người kia là Buja; tôi không nhớ rõ tên hai người kia. Khi những thuộc hạ đầu bò lần lượt cắt cổ họ bằng những lưỡi gươm cháy đỏ, họ kêu khóc với tôi rằng họ phải chịu đựng hậu quả của việc giết những gia súc vô tội. Họ phải trải qua nỗi khổ không chịu đựng nổi của sự chết và sống lại liên tục.

Với lòng bi mẫn, tôi hát tụng thần chú mani theo một giai điệu và thỉnh cầu thiên nữ cao quý và tôn kính Tara, vì thế bốn người hàng thịt được giải thoát khỏi nỗi khổ của họ. Họ nói với tôi: “Xin đưa chúng con ra khỏi chỗ này” Tôi thúc giục họ đi vào con đường ánh sáng trắng dẫn tới núi Potala, và trong tâm trạng vui mừng họ đi xa khuất tầm mắt.

Om mani padme hung hri.

Rồi vị thiên nữ cao quý bi mẫn nói những lời sau:

Đừng phục vụ chất độc cho các đạo sư thông tuệ.

Đừng trộm cắp thực phẩm của các hành giả Pháp dấn mình vào thực hành mãnh liệt.

Đừng thực hành Pháp đã bị ô nhiểm bởi những ác hạnh.

Đừng làm nhơ bẩn các bình chứa tượng trưng cho thân, ngữ và tâm của các Đấng Chiến Thắng.

Luôn luôn tránh xa các ác hạnh và hãy thực hành thiện hạnh.

Ô các cư sĩ và tu sĩ, thuộc giai cấp quý tộc hay giai cấp thấp của thế giới con người thế tục!

Chớ để tim quý vị bị trói buộc bởi xích xiềng lãnh đạm.

Hãy bảo vệ nhân và quả của nghiệp như giữ gìn đôi mắt quý vị.

Nhờ đức hạnh của Pháp, dù bằng một giạ hay chỉ một nhúm,

chắc chắn rằng không có gì khác hơn một định mệnh duy nhất,

vì thế chớ nghi ngờ điều này là chân thật,

hãy liên tục cầu xin Tam Bảo.

Hãy thực hành theo giáo huấn của các đạo sư của quý vị;

hãy tuân thủ đức hạnh và từ bỏ những ác hạnh.

Không lợi ích gì khi cảm thấy hối tiếc và giờ chết của quý vị.

Ô các đạo sư và tulku, tăng và ni, những yogin chứng ngộ,

những hành giả mật thừa, những pháp sư, những học giả, thủ lãnh,

những bộ trưởng chính phủ, những thần dân, từ trẻ em trở lên:

Hãy giữ thông điệp này giữa trái tim quý vị.

Tối hảo là hãy nuôi dưỡng sự xác tín siêu việt và hoan hỉ vào giở chết của quý vị.

Nếu không được như thế, đừng sợ hãi và không tự hổ thẹn.

Ít nhất là không có gì để hối tiếc.

Đừng sai phạm lỗi lầm! Đừng sai phạm lỗi lầm! Hãy thực hành đức hạnh!

Om tare tam soha.

Có nhiều ngàn thợ rèn ở thế giới con người. Thân họ bị bao phủ bởi những đống than lớn như núi Tu Di. Họ bị thêu đốt trong ngọn lửa, thịt họ không bị tách rời khỏi xương và bị nghiền nát bởi những chiếc búa có sắt, có kích thước như núi Tu Di. Rồi họ bị những chiếc kẹp chụp bắt và bị thêu đốt như trước. Thân xác thêu cháy của họ biến thành màu sắt; chúng bị đập vỡ thành nhiều mảnh và bị đưa vào lò rèn. Rồi họ bị thêu đốt như trước, và lại tiếp tục. Thật là một cảnh tượng khủng khiếp làm tôi choáng váng.

Tôi hỏi những thuộc hạ: “Những hành động nào dẫn tới hậu quả cuối cùng này?”

“Ha, ha!” họ trả lời: “Những người này rèn súng ống và những khí cụ phá hoại khác – dao và rìu chiến đấu, những mũi tên và giáo – dùng để tàn sát nhiều người và ngựa. Họ sửa chữa súng bắn không chính xác, kéo dài và làm thẳng nòng súng và ống nhắm và trui rèn lưỡi kiếm và v.v…”.

Khi nói như thế, nhiều ngàn thuộc hạ giáng những nỗi đau đớn không ngừng nghỉ lên những người thợ rèn này.

Om mani padme hung hri.

Có nhiều người gây sự bất hòa trong các dòng tu, biển thủ tài sản của các đền chùa và tu viện, hoặc đầu tư kinh doanh bằng những vật cúng dường mà tăng đoàn thâu thập. Tôi không thể nhận biết tất cả họ. Có nhiều ngàn người trong số họ đang có mặt ở một khu vực. Than hồng nóng đỏ, rác rưởi và kim loại nóng chảy được rót vào miệng họ.

Họ kêu khóc: “Than ôi! Chúng tôi khổ biết bao! Ôi cha ơi, Ôi mẹ ơi! Nỗi khổ của chúng tôi to lớn biết bao! Chúng tôi thật khó thoát khỏi nỗi đau đớn và khốn khổ này! Khi chúng tôi sống trong cõi người, chúng tôi không nghĩ rằng có thể đau khổ ghê gớm như thế này. Nhưng giờ đây chúng tôi nhận ra rằng thật nguy hiểm biết bao khi dính dáng vào tài sản của Tăng đoàn. Điều đó còn dễ hơn việc nuốt thuốc độc, bởi chỉ duy nhất cái chết là điều chắc chắn. Không có gì tệ hơn việc lạm dụng tài sản của những thành viên trong Tăng đoàn, bởi nó gây nên đau khổ to lớn như thế này. Than ôi!”.

Tôi được cho biết là dù được giải thoát khỏi trạng thái này, họ sẽ bị tái sanh làm ngạ quỷ với các che chướng ô uế nội tại[46]. những kẻ gây nên sự bất hòa và chia rẽ trong Tăng đoàn phải kinh qua Địa ngục Đau khổ Liên tục (Địa ngục Vô gián) thấp nhất mà không có bất kỳ sự ngưng nghỉ nào giữa những đời trước và đời sau của họ.

Om mani padme hung hri.

Tôi cũng nhìn thấy các cư sĩ tantrika[47], đã hành xử vô trách nhiệm, những phù thủy già và những người phàm tục giả bộ làm các đạo sư, vô số những người đó đang ói ra máu và trải qua sự đau đớn không thể chịu được của thân xác. Tôi thấy nhiều sinh vật ăn thịt đang ngấu nghiến họ và nhiều cư dân ở địa ngục ném ra những lời buộc tội về những ác hạnh của họ.

Ô những lạt ma tăm tiếng của thời đại, gồm cả tu sĩ lẫn cư sĩ, một đứa con gái hèn mọn như tôi hầu như không dám nhắn gởi tới quý ngài, vì thế tôi phải van nài quý ngài. Trong các cõi địa ngục là những cuộc phán xét mà quý ngài có thể tự thấy chính mình. Chúng ta sẽ xem xét những điều này? Quý vị, những cư sĩ tantrika, ngày nay với mái tóc dài và những áo choàng trắng, vợ (chồng) và con cái quý vị đã sum vầy đông đảo. Được các vị trời và quỷ ma trợ giúp và được sở hữu một ít năng lực huyền bí nhỏ bé, quý vị lừa phỉnh người khác bằng cách tuyên bố mình phải những thị kiến về các vị trời và quỷ ma. Nếu quý vị có khả năng nghĩ tưởng về điều đó, giờ đây hãy thực hiện nó. Cầu mong điều đó không làm tổn hại quý vị và cầu mong cuộc đời quý vị được trường thọ. Đó là thỉnh cầu của tôi.

Dưới đây là thông điệp của Yama Dharmaraja:

Những đạo sư, các tăng và ni tôn quý trong thế giới này

tin cậy nhiều guru theo một cách thế hời hợt mà không khảo sát họ.

Họ không giữ gìn những thệ nguyện samaya của mình, và

vì thế đặt một gánh nặng lên vai họ, nó kéo họ xuống đáy sâu địa ngục.

Đặc biệt, vị đạo sư mà từ Ngài ta nhận lãnh những quán đảnh,

là người chỉ cho ta con đường đi tới sự trưởng thành và tự do trong tâm linh,

và là người khai thị bổn tánh chân thật của ta

là tinh túy của một ngàn vị phật của thời đại may mắn này.

Đối với những kẻ làm đảo lộn hay đi nghịch lại lời dạy của đạo sư họ

hoặc kẻ tạo nên mối bất hòa trong những bằng hữu, anh em và chị em tâm linh

-là những người đã tham dự cùng một mạn đà la[48] và cùng một dòng giáo lý-

thì chẳng có sự tích tập công đức nào đem lại lợi lạc.

Không chỉ như thế, mặc dù những kẻ mắc phạm những ác hạnh chống trái như Phật

có thể tịnh hóa nghiệp của họ nhờ sự sám hối, nhưng những kẻ gãy bể samaya thì không có nơi nương tựa.

Mặc dù những kẻ đã giết hại nhiều ngàn người và ngựa

có những phương tiện để sám hối các hành động của họ, nhưng những kẻ gãy bể samaya đã từ bỏ các đối tượng quy y mà với các ngài họ có thể sám hối.

Đi nghịch lại lời dạy của vị thầy gốc của mình là một ác hạnh còn to lớn hơn việc mỗi ngày giết một người.

Dù cho một ngàn vị Phật của thời đại may mắn này xuất hiện,

nhưng bất kỳ dây cứu hộ nào các ngài có thể tung ra để kéo lên những kẻ chịu trách nhiệm về ác hạnh nặng nề này cũng đều bị đứt.

Không chỉ một mình kẻ mắc phạm bị đọa lạc;

mà những ai có liên hệ với họ qua ngôn ngữ hay tiếp xúc, giống như những đàn bê và cừu chạy tán loạn trên một sườn núi,

cũng sẽ bị lộn ngược đầu và rơi xuống Địa ngục Kim cương[49].

Vào lúc đó, mặt đất của thế giới con người sẽ rung động

và nhiều bậc linh thánh sẽ thị tịch.

Trong một ngàn kiếp sẽ không thoát khỏi trạng thái đó;

mà trong hàng tỉ đại kiếp không thể tính đếm được

họ sẽ phải chịu đựng lập tức mọi đau khổ

mà tuyệt đối không cách nào chịu đựng nổi sự đau đớn này.

Than ôi, hỡi các đạo sư và tulku, cư sĩ lẫn tu sĩ trong thế giới con người!

Hãy không ngừng dâng lên những lời cầu nguyện, trong mọi lúc hãy duy trì mối liên hệ không ngăn cách

với vị thầy gốc, ngài ngang bằng chư Phật trong ba thời[50].

Chớ để ba năng lực[51] của quý vị bị xao lãng.

Hãy phụng sự đạo sư của quý vị trong bất kỳ cách thức nào có thể.

Hãy cúng dường những vật sở hữu thâu đạt được như một sự cúng dường mạn đà la hoan hỉ.

Nếu quý vị có thể chấp nhận mệnh lệnh của đạo sư của mình

và hiến dâng thân thể lẫn sinh lực của mình để phụng sự đạo sư,

thì cho dù quý vị không thực hành đức hạnh nào khác, như thiền định về các bổn tôn hay trì tụng các thần chú,

quý vị sẽ không cần gặp ta khi từ bỏ thân xác mình.

Quý vị sẽ sẵn sàng đi tới bất kỳ cõi thuần tịnh nào quý vị muốn.

Bởi thông điệp này tiết lộ công khai những vấn đề ẩn dấu và bí mật,

quý vị không cần phải xấu hổ hay bối rối – hãy lớn tiếng công bố ra ngoài cho mọi người.

Nếu quý vị muốn nghe lời khuyên của Dharmaraja,

hãy ôm giữ những gì ta nói trong tim quý vị,

Samaya!

Tiếp tục hành trình trong các địa ngục, tôi đi tới một nơi có khoảng mười tám các vạc úp miệng xuống dưới. Tôi tự hỏi: “Những vật kỳ dị này sao lại úp ngược thế nhỉ?”

Ngay sau đó, Awa Đầu-Bò xoay cái vạc nhỏ nhất trong số đó (chúng lớn tới nỗi nếu đi ngựa thì phải mất tới mười tám ngày mới giáp vòng chu vi của nó) cho ngửa miệng lên, hướng về phía tôi. Bên trong là nhiều lớp máu. Tim tôi bừng bừng, thân tôi run rẩy vì xúc động.

Ông ta nói: “Sự kiện năm nay chúng lật úp xuống có nghĩa là nhiều đạo sư, đặc biệt là các ngài Tromge Khakyod, Dza Konchhog và những vị khác, đã khởi hành tới các cõi thuần tịnh, đem theo những người có liên hệ với các ngài. Đối với họ, sẽ không có chuyện rơi trở lại vào vòng luân hồi sinh tử”.

Trên một con đường ánh sáng cầu vồng – trắng, vàng, đỏ và xanh lá cây – vị đại hành khất T’hrulzhing, lạt ma Gyurmed Dorje ở Tahor tiến lại gần cùng với đoàn tùy tùng gồm nhiều đệ tử. Ngài đang hát tụng bài ca sau đây:

Om ah hung vara guru padma siddhi hung.

Tôi không thấy cõi địa ngục, mà chỉ thấy cõi thuần tịnh cao tột, Pháp giới nền tảng của mọi hiện tượng.

Tôi không thấy Yama Dharmaraja, mà chỉ thấy Pháp Thân Samantabhadra (Phổ Hiền).

Tôi không thấy đám thuộc hạ hung nộ, mà chỉ thấy các bổn tôn hòa bình và phẫn nộ của các mạn đà la.

Tôi không thấy các đứa trẻ tươi đẹp và tối ám của nghiệp, chỉ thấy năng lực mạnh mẽ tự-sinh của trí tuệ siêu việt và những phương tiện thiện xảo[52].

Tôi không thấy các cư sĩ, tăng hay ni, mà chỉ thấy cõi thuần tịnh của phạm vi hoàn toàn rộng lớn của sự thuần tịnh vĩ đại.

Tôi không thấy những hậu quả sau cùng của thiện hạnh và ác hạnh, mà chỉ thấy năng lực mạnh mẽ của giác tánh nội tại tô điểm chân tánh của thực tại.

Tôi không thấy sự khác biệt giữa những gì có mối liên hệ và những gì không,

mà chỉ thấy tất cả hoàn toàn nối kết trong Pháp giới nền tảng của các hiện tượng.

Tôi không thấy các cõi chúng sinh cao và thấp, mà chỉ thấy sự thuần tịnh nguyên sơ của sự hiện hữu có điều kiện và của trạng thái an bình.

Gấp lên, nhanh lên, mọi người – hãy theo tôi!

Khi Ngài hát bài đó, từ trái tim Ngài một ánh sáng chiếu rọi như ánh trăng. Ngay lúc ấy nó tràn ngập mọi cõi địa ngục, những âm thanh của sự đau khổ và khóc than đột nhiên ngưng bặt. Những cư dân địa ngục đứng nhìn với đôi mắt mở to, đầy vẻ sợ hãi. Ngay cả Dharmaraja cũng biến mất trong phút chốc. Vị lạt ma đi qua, dẫn dắt mười hai ngàn chúng sinh tới cõi Potala, dù họ có liên hệ với Ngài hay không.

Tôi quỳ lạy, cúng dường và lập đi lập lại sự xác quyết của tôi trong niềm tin và sự hoan hỉ. Đức Tôn kính Tara cũng chắp tay và nói: “Vị lạt ma đó tên là Akara, cũng được gọi là Tahor Gyurmed Dorje”.

Cũng xuất hiện một lạt ma ở quận Nyagrong tên là Yeshe Droje, thân Ngài chiếu sáng một vẻ rực rỡ khó mà cưỡng được và có một đoàn tùy tùng gồm nhiều daka và dakini vây quanh Ngài. Từ đôi môi Ngài phát ra những lời sau:

Con khẩn cầu dưới chân bậc thánh đại thành tựu ở sườn núi Lhangdrag[53].

Con là Yeshe Droje của cái thấy không tạo tác,

Yeshe Droje của sự thiền định không lầm lẫn,

Yeshe Droje của mục đích không lay động.

Từ tuổi ấu thơ, con đã nối góc một bậc thánh thành tựu vĩ đại.

Con đã đem tới sự hoàn thiện của Ngài cuộc đời cùng sự thực hành của con.

Tất cả những ai có một mối liên hệ với tôi, tôi đã hướng họ tới con đường toàn trí.

Giờ đây những ai có niềm tin nơi Padma Duddul,

bậc thánh đại thành tựu ở quận Nyagrong,

và ở tôi, một lão già,

sẽ đi với tôi tới tiểu lục địa Chamara,

tới núi Huy Hoàng.

Om ah hung vajra guru padma siddhi hung.

Với những lời này, ánh sáng chiếu rọi và tràn ngập dưới mười tám cõi địa ngục[54]. Rồi vị lạt ma dẫn hai mươi ngàn người, các đạo sư, tăng sĩ và các cư sĩ, ngay cả những hành khất và người mù, tới núi Huy Hoàng Màu-Đồng Đỏ trên tiểu lục địa Chamara.

Tôi cảm thấy một niềm tin và sự hoan hỉ khó tưởng tượng nổi. Vị thiên nữ tôn kính lạy ba lạy và nói: “Vị lạt ma này tên là Jnanavajra[55], cũng được gọi là hành khất Yeshe Dorje. Chúng sinh chỉ nghe nhắc tới danh hiệu Ngài cũng được hưởng vô lượng lợi lạc”.

Trong số những người đàn ông và đàn bà ở cộng đồng Satod là một người đàn ông tên là Wanggyal mang trên lưng một chuỗi hột bồ đề có kích thước bằng một trái núi[56]. Không thể nâng nó lên, ông ta kêu thét trong đau đớn khi các thuộc hạ đánh đập ông.

Tôi hỏi một thuộc hạ đầu cọp là hành động nào đã dẫn tới hậu quả này. Ông ta trả lời: “Người này đã đánh đập một khách hành hương du phương, một yogin chứng ngộ đang trên đường tới Tsiwa và dùng vũ lực ăn cắp chuỗi tràng và tất cả những tài sản khác của Ngài”.

Om mani padme hung hri.

Có một người tên là Ashey, mặc y phục màu nâu sậm, sống trong miền Gakhog. Ông ta giết hại nhiều lạt ma và những bậc trưởng thượng tâm linh thánh thiện, giả vờ đọc các kinh điển và nhận thù lao để tụng Kangyur nhiều lần mà chưa từng thực hiện những sự trì tụng này[57]. Lưỡi của ông ta bị kéo ra khỏi miệng. Trên chiếc lưỡi lớn như đồng cỏ Aji[58], là những con trâu sắt với những chiếc sừng sắc nhọn. Buộc vào sừng là những lưỡi cày sắt nóng cháy mà các con trâu dùng để cày bừa “cánh đồng” này. Nỗi đau đớn của người đàn ông này thì không thể tưởng tượng nổi. Một thuộc hạ đầu khỉ nói với ông:

Lời của các Đấng Chiến Thắng[59] thì giống như một viên ngọc như ý:

Chớ nhận thù lao nhờ chúng hay bán chúng cho những người khác.

Ngữ của lạt ma thì giống như một cái bình pha lê:

Chớ ném nó vào rác rưởi hay bùn nhơ, mà hãy yêu quý nó.

Ngôn ngữ tuyệt hảo nhất của Đức Phật thì giống như một đại dương lương dược:

Đừng ngồi trên bờ và chết khác.

Giả vờ đọc Kinh văn thì giống như ngụy tạo cỏ là vàng,

nhưng nó không trở thành vàng và ngươi phải chịu đựng nỗi khốn khổ này.

Trong khi vị thuộc hạ nói, những con trâu cứ cày liên tục.

Có khoảng chín người gốc miền Ragchab đang ở trong bardo. Họ không có ý thức được rằng họ đã chết và tâm trí bị dính mắc với của cải, tài sản và với cha mẹ họ. Họ và nhiều người khác không làm chủ được nơi sắp đi tới.

Hơn nữa, có khoảng một trăm nhà sư ở Nyitso. Một số vị mặc một bộ y phục bằng sắt nóng giống như chiếc y của nhà sư; một số mặc y phục bằng sắt nóng giống như áo chẽn không tay của nhà sư. Tôi được cho biết rằng đó là hậu quả của việc họ đã tham dự những tiệc cúng dường với samaya bất tịnh, giả bộ giữ giới nguyện thanh tịnh, bản thân họ không sám hối và tịnh hóa.

Cũng thế, có một người tên là Atsang ở vùng T’hrom thượng. Nhiều thuộc hạ của Yama đang đổ chì nóng chảy vào miệng ông ta. Họ nói: “Đây là kết quả sau cùng của việc hắn đã kín đáo ăn những thực phẩm cúng dường được chuẩn bị tại nhà hắn và nhà những người khác, khiến cho các thành viên của tăng đoàn xuất gia phải ăn đồ ăn thừa”.

Con khẩn cầu Đức Avalokiteshvara cao quý.

Con khẩn cầu Đức Avalokiteshvara đưa dẫn chúng con suốt con đường.

Con khẩn cầu Ngài dẫn dắt những người chết đó

là những kẻ lang thang trong các cõi thấp của địa ngục, tới núi Potala.

Om mani padme hung hri.

Có một cụ già trông như ông nội thuộc gia đình Lạt ma Tromge, mặc một áo choàng đen lùng thùng. Trong bàn tay phải ông quay một bánh xe cầu nguyện bằng bạc, trong khi bàn tay trái cầm chuỗi tràng bằng gỗ cây keo. Tên ông là Tromge Sodnam Namgyal và ông đang lớn tiếng hát tụng thần chú mani theo một nhịp điệu vui tươi. Các cư dân ở địa ngục đối xử với ông rất kính trọng và tin tưởng. Là một gia chủ và hóa thân của một Bồ Tát, ông tiến lên, dẫn theo nhiều chúng sinh trên con đường đi tới giải thoát.

Lạt ma Jinpa Dondan thuộc bộ tộc Zur có cách hành xử hết sức điên khùng. Ngài đi qua, tay cầm một chuỗi tràng bằng xương và hát tụng thần chú vajra guru theo một giai điệu khi dẫn dắt nhiều chúng sinh trên đường đi tới giải thoát.

Một người bảo trợ của Tromge Chhogtrul tên là Rinchhen thuộc gia đình Kyompa, ở trong cõi địa ngục, đang hát tụng thần chú mani theo giai điệu với một giọng trong trẻo. Khi lớn tiếng nói: “Chhogtrul Dorje Chang thấu biết tất cả”[60] Ngài dẫn vài người tới cõi giới núi Potala.

Một người nào đó tên là Buchhung ở miền Nyoshul, đang ở trong Địa ngục Sống lại. Ông yêu cầu tôi tụng cho ông thần chú mani, hay thậm chí một chữ Om duy nhất cũng được.

“Ông là ai?” Tôi hỏi.

“Tôi là cậu của cháu”.

“Sao cậu không được Orgyan T’hutob Lingpa cứu?”

Ông nói: “Nỗi đau khổ của cậu là hậu quả của những lỗi lầm đã phạm trong lúc trò chuyện với vị đạo sư đó”.

Sau khi tôi tụng lớn tiếng từ xa cho ông ba lần thần chú mani, ông đi qua, biến mất khỏi tầm mắt tôi và tôi không rõ ông đi đâu.

Om mani padme hung hri.

Một cư dân ở địa ngục có đầu của một con cú đang dẫn nhiều người trên một cánh đồng sắt nóng, gây đau đớn cho nhiều người, cả cư sĩ lẫn tu sĩ. Cư dân đầu-cú này nói với tôi: “Cô gái thế tục có thái độ cao thượng, đừng bước lên con dao bằng đồng đỏ này của tôi”.

Tôi đã tụng liên tục thần chú mani. “Xin hãy cư xử nhưng một đồng minh của những chúng sinh này”, tôi van nài.

Cư dân này nổi giận trước thỉnh cầu của tôi. “Cô đã làm những thiện hạnh và ác hạnh nào? Tự cô hãy giải thích rõ ràng xem!” ông ta nói.

“Tôi từng ở mọi nơi, từ núi Huy Hoàng Màu-Đồng Đỏ trở xuống và từ cánh đồng sắt nóng rộng lớn trong các địa ngục trở lên. Tôi đã trình bày các thiện và ác hạnh của tôi trước mặt Dharmaraja. Tôi là một cô gái sống bởi nhân và quả của nghiệp. Còn ông đã làm những thiện hạnh và ác hạnh nào?”

Ông ta không nói gì mà vẫn đứng đó, miệng mỉm cười.

Om mani padme hung hri.

Có một bà cụ tên là Argrong ở cộng đồng Barchhung. Là hậu quả sau cùng của việc giết chuột chũi, bà bị một cư dân có đầu chuột chũi đánh đập. Bà gởi cho tôi mang về một thông điệp: Nếu nhân danh bà, một trăm triệu thần chú mani, Tantra Sám Hối Bất nhiễm, Sự Sám hối các Ác Hạnh và Kinh Giải Thoát được khắc trên đá và những sự hiến cúng được dâng lên cho nhiều hội chúng tăng sĩ, bà ta sẽ được tái sanh làm một cư sĩ tantrika trong miền Derge.

Khi bà nói điều này, nhờ nguyện lực của một đạo sư thuộc bộ tộc Ango ở Barchhung, bà thăm viếng chóng vánh một cõi thuần tịnh; nhưng sau đó tự bản thân nghiệp lực cạn kiệt và là hậu quả của việc sát hại một người, bà bị tái sanh trong Địa ngục Sống lại.

Để giải thoát bà khỏi chiếc vòng cổ bằng sắt làm bà nghẹt thở, tôi khẩn cầu Đức Avalokiteshvara bi mẫn siêu việt và tụng thần chú mani cho bà từ xa, sau đó cái vòng được lấy ra.

Tôi cho là bà ta sẽ được sanh làm người trong khoảng bảy đời. Bà nói rằng để bà được giải thoát, mọi người phải thực hiện pháp sám hối và tịnh hóa (đặc biệt là một trăm triệu thần chú mani, một trăm triệu thần chú siddhi, một triệu ba trăm ngàn thần chú trăm-âm của Đức Vajrasattva, và Sự Sám hối các Ác Hạnh); thì bà có thể được tái sanh trong cõi thuần tịnh của Đức Avalokiteshvara sau khi đã trải qua một đời làm người.

Cái lưỡi của một người tên là Nyima P’huntsog ở Tsang phía nam trung tâm Tây Tạng bị kéo dài ra bằng kích thước của cả một quốc gia. Nó găm đầy những gai sắt trong bốn phương và bị đổ kim loại nóng chảy sôi sục lên. Tôi được cho biết đó là hậu quả sau cùng của sự báng bổ và nói dối, và đặc biệt là việc có cái nhìn sai lệch về các thành viên của tăng đoàn xuất gia.

Một người tên là Dondrub, là hậu quả sau cùng của việc đốt nhà, bị các cư dân trong địa ngục đưa lên một ngọn lửa phun ra từ sắt nóng đỏ, bị cháy sém cho tới khi thân ông chỉ còn trơ những khúc xương dính với nhau. Cuối cùng, ông ta sống lại và tiếp tục nỗi khổ như trước.

Kim loại nóng chảy được đổ vào miệng Tsering Drolma, phối ngẫu của Lạt ma Tanpa ở Minyag, là hậu quả của việc bà đã đầu độc vị lạt ma. Bởi đau đớn khủng khiếp, những giọt nước mắt tuôn ra từ đôi mắt bà giống như mưa rào trong một năm. Các cư dân tạo nên những tiếng huyên náo dễ sợ, một âm thanh ầm ĩ như tiếng sấm của một ngàn con rồng, đủ để tách rời thiên đường và trái đất ra làm hai.

Bảy người từ miền Golog, kể cả Tsering Kẻ Giết Bò Yak Hoang dã, bị móc vào sừng những con bò yak hoang bằng sắt, sau đó bị quăng xuống đất rồi bị húc. Kim loại nóng chảy được đổ vào miệng những bà vợ của họ, Chhimed Dronma và những người khác, khiến những lưỡi lửa nóng đỏ phụt ra sáng rực từ mọi khiếu trên người họ. Nỗi khổ của họ lên tới cực điểm.

Là hậu quả của việc làm ô uế nước trà của tăng đoàn xuất gia và đánh đập hoặc tấn công các nhà sư trong tăng đoàn, Gonpo Dargyay Tsogo, Je Nyima và những người khác ở Dartsedo đang vùng vẫy vượt qua con sông đầy xác chết không có chỗ cạn; họ kêu khóc ầm ĩ vì đau đớn khủng khiếp.

Vào lúc đó, Yama Dharmaraja gởi tôi mang về thông điệp sau đây:

Hãy mang thông điệp này về cho các đạo sư:

Trong cái thấy tối hậu của bản tánh căn bản của thực tại thoát khỏi sự tạo tác,

Ta phải giống như không gian, không rơi vào bất kỳ thái cực nào.

Trong sự nuôi dưỡng các giai đoạn phát triển và thành tựu, sự hiện diện tự nhiên của sự trong sáng tuyệt đối,

ta phải giống như một ngọn núi, không có bất kỳ sự đổi thay hay chao đảo nào.

Trong sự vận dụng các giác tánh nguyên sơ, sự giải thoát tự nhiên khỏi năm độc[61],

ta phải giống như đại dương, không có sự chấp nhận hay chối bỏ.

Để làm việc vì hạnh phúc của chúng sinh, dẫn đường trong việc làm lợi lạc cho người khác,

ta phải giống như một người cha hay mẹ, không đánh giá dựa trên sự thân thiết hay xa cách.

Để khám phá mục đích là sự thành tựu tự nhiên của hai loại lợi lạc,

ta phải giống như kẻ đi tới Đảo Vàng và không mất những gì đã tìm được ở đó.

Những người như thế thì vô cùng tốt lành, là bậc siêu phàm trong những người quan tâm tới Giáo Pháp và chúng sinh.

Trái lại, những người giả bộ cung cách của đạo sư,

những kẻ thực hiện p’howa[62] cho người khác mà không thấu suốt bổn tâm minh,

những kẻ chỉ vì thực phẩm và của cải mà hạ thấp Mật thừa[63] thành việc lầm bầm những nghi thức, trống rỗng,

những kẻ tự phong là người lão luyện tài giỏi trong việc làm lợi ích cho người khác trong khi khát khao tích lũy của cải,

những kẻ chỉ bắt chước Phật Pháp linh thánh mà không giải thoát dòng tâm thức của chính mình,

và những kẻ dẫn dắt những người khác, cả người sống lẫn người chết, trên con đường sai lạc:

Hãy đưa tất cả những hành động theo những cách này tới gặp ta!

Và hãy mang một thông điệp tới các nhà sư:

Những người đi theo dấu chân của Đấng Đạo sư, Đức Phật Toàn Giác,

những người nắm giữ chân lý Thánh Pháp của các Kinh điển và tantra,

thân thể được tô điểm bằng cờ chiến thắng là những chiếc y màu vàng nghệ của sự thuần tịnh viên mãn,

và những người đã ngưng dứt mọi hành vi ác hại, đã thâu thập mọi đức hạnh:

Họ là phước điền cho hai sự tích tập[64] và được các vị trời tôn kính.

Những người mang dấu ấn con cái của các Đấng Chiến Thắng nhưng phá hoại Giáo Pháp của các Ngài,

Những kẻ mà sự thôi thúc của họ hướng về những theo đuổi thế tục,

những kẻ mê đắm đàn bà và rượu chè như cốt tủy của sự thực hành tâm linh của họ,

những kẻ dấn mình vào mười loại hành vi ác hạnh:

Hãy để những kẻ hành động theo những cách này tới gặp ta!

Và hãy mang một thông điệp tới các vị phối ngẫu dakini[65]:

Những ai lúc đầu làm chín mùi dòng tâm thức của họ bằng sự quán đảnh và giữ gìn samaya thanh tịnh,

những người khi đó trở nên thiện xảo trong các điểm trọng yếu của các giai đoạn phát triển và thành tựu,

và được phú bẩm kinh nghiệm và sự thực hành,

và những người sau cùng đi tới những giới hạn của sự thành tựu bằng con đường bốn cấp độ của sự hỉ lạc[66]:

Những người như thế an trú giữa những bậc trì giữ giác tánh nội tại.

Nhưng những kẻ ích kỷ và dối gạt vĩ đại với những phương cách cám dỗ,

những kẻ khi đó chọn các ma vương làm bạn đồng hành và gây nên sự tranh chấp, đau khổ và xung đột,

và những kẻ cuối cùng bị đưa tới sự hủy hoại bởi những dục vọng thông dâm và tằng tịu tai hại:

Họ sẽ không được giải thoát.

Hãy cấp tốc đưa họ tới gặp ta!

Và hãy mang một thông điệp tới các sư cô:

Những người cúng dường tóc trên đỉnh đầu mình cho các tu viện trưởng và giác thọ,

những người bảo vệ thân mình như của cải không cho kẻ cướp xâm phạm

những người coi xứ sở quê hương như quân thù và tìm tới những sườn núi và khe hang cô tịch,

và những người theo đuổi thực hành đức hạnh với động lực hoàn toàn vị tha thanh tịnh:

Họ nhận ra bổn tâm và sẽ không hối tiếc vào giờ chết.

Trong một trạng thái cực kỳ hỉ lạc, họ sẽ đi tới bất kỳ cõi thuần tịnh nào họ muốn.

Nhưng những sư cô giả dối thọ giới

mà không trì giữ các thệ nguyện của họ và trắng trợn vứt bỏ chúng,

những kẻ cuối cùng dấu đầu mình trong cát,

thèm khát tính dục bất chính và chạy quanh như những con chó lạc loài:

Hãy để những kẻ hành xử theo cách này tới gặp ta!

Và hãy mang một thông điệp tới các thủ lãnh và nhà cai trị:

Hãy lấy Tam Bảo làm nguồn mạch nương tựa chính yếu.

Hãy giữ vững vương quốc Giáo Pháp như lời khuyên dạy tinh túy của quý vị.

Chớ quan tâm tới lợi lạc riêng của quý vị, mà hãy bảo vệ những định luật đạo đức.

Hãy khuyến khích mọi người thực hành đức hạnh, và ngăn cấm việc săn bắn và đánh bắt cá.

Quý vị sẽ đạt được quyền hành, thế lực và một thân thể cao quý, và thường xuyên gặp được con đường đi tới giải thoát.

Nhưng nếu quý vị không phân biệt được sự tuyệt hảo và điều ác hại,

quý vị sẽ đem tới sự hủy hoại cho chính óc bè phái của quý vị và phạm những tội ác làm hại người khác

và phí phạm cuộc đời khi hoàn toàn dấn mình trong sự bất hòa, mâu thuẫn, tranh cãi và xung đột giết hại lẫn nhau.

Hoàn toàn vô ích, quý vị sẽ đem lại đau khổ cho nhiều chúng sinh.

Hãy đưa tất cả những kẻ hành xử theo cách này tới gặp ta!

Hãy mang một thông điệp tới những người đàn ông:

Tất cả các ông, trước tiên còn làm một sự pha trộn thiện hạnh và ác hạnh,

rồi thiết lập những liên hệ với nhiều đạo sư

và sau cùng gặp được Phật Pháp linh thánh đích thực,

thực hành sám hối như cách đối trị cho các ác hạnh:

Hãy đi trên con đường cao quý càng lúc càng dẫn tới những trạng thái chói ngời.

Nhưng hầu hết trong các ông hành xử phi đạo đức, như những người chỉ huy binh lính hay những kẻ cướp,

Nhồi nhét thừa mứa thực phẩm và của cải, làm năm hành vi bị quả báo lập tức[67],

coi đạo sư và Tam Bảo như một nỗi tai ương.

Tâm các ông bốc cháy như ngọn lửa, có khuynh hướng phạm các ác hạnh:

Hãy đưa tất cả những kẻ hành xử theo cách này tới gặp ta!

Và hãy mang một thông điệp tới những người đàn bà:

Tất cả quý vị không bội ơn những bậc cha mẹ tốt lành

hoặc là nguyên nhân cho mối bất hòa của bạo lực và tranh chấp trong gia đình,

mà phụng sự cha mẹ và cư xử nhân từ với mọi người,

xa lánh ác hạnh và theo đuổi thiện hạnh càng nhiều càng tốt:

không hối tiếc vào giờ chết và quý vị đi tới sự tái sanh trong những cõi cao hơn.

Những một số trong quý vị xâm phạm thân thể và tinh thần của các bậc cha mẹ tốt lành,

là nguyên nhân của nhiều bất hòa cùng bạo lực và tranh chấp trong gia đình,

hết sức khéo léo trong việc sử dụng những âm mưu vi tế với độc chất mạnh mẽ,

với những quan điểm sai lầm về mọi người, liên tục phỉ báng họ:

Hãy để những kẻ hành xử theo cách này tới gặp ta!

Và hãy mang một thông điệp tới tất cả mọi người trong thế giới con người:

Khi đã được sanh trong một cõi giới cao, hãy xoay chuyển tâm quý vị hướng tới Giáo Pháp.

Hãy giữ những bánh xe cầu nguyện và các chuỗi hạt trong tay quý vị không ngơi nghỉ.

Hãy theo đuổi sự trì tụng các thần chú mani và siddhi như tinh túy của ngôn ngữ quý vị.

Những người trong quý vị có động lực cao quý và lòng bi mẫn vĩ đại

sẽ không gặp ta mà sẽ đi tới Cõi Cực Lạc thuần tịnh.

Nhưng những người trong quý vị ngay từ ngày đầu mới sanh ra

chỉ gắng làm những hành động ác hại và phi đạo đức

và quay lưng lại Tam Bảo

sẽ không gặp ta mà sẽ đi tới Địa ngục Đau khổ Không ngừng.

Trong Giáo Pháp duy nhất này, hãy phát triển cái thấy và lòng bi mẫn thanh tịnh, hãy quy y và cầu nguyện;

hãy trì tụng các thần chú mani, siddhi, tare và những lời của các Đức Phật ChiếnThắng;

hãy ngăn cản việc săn bắn và đánh cá, hãy khuyến khích những người khác thực hành đức hạnh;

hãy chuộc mạng những chúng sinh, sử dụng cờ cầu nguyện, những khuôn satsa và bánh xe cầu nguyện;

hãy cử hành các nghi thức chay nyungnay, các sự lễ lạy, kinh hành và tịnh hóa những che chướng –

không thiện hạnh nào lớn lao hơn những điều này trong khắp ba cõi.

Đừng quên những thông điệp này, mà hãy tường thuật chúng cho tất cả mọi người.

Sau đó, trên một con đường ánh sáng trắng, tôi thấy những tu sĩ lẫn cư sĩ, đang cầm các bánh xe cầu nguyện, lần chuỗi, tham dự các nghi thức chay, khắc thần chú mani trên đá, treo cờ cầu nguyện, tu sửa những con đường mòn và gờ tường, nâng cấp những con đường xấu, khuyến khích người khác thực hành đức hạnh, ném các khuôn satsa, thắp đèn cúng dường, thực hiện các sự lễ lạy, đi hành hương và chuộc mạng sống của chúng sinh sẽ bị giết. Vô số tỉ người trong số đó có vẻ mặt uy nghi, tâm hồn hoan hỉ và tư tưởng lạc quan vui vẻ. Trong khi rì rầm trì tụng các thần chú mani, siddhi và tare, họ tiến lên, đi tới Cõi Cực Lạc, núi Potala và núi Huy Hoàng Màu Đồng Đỏ.

Đó là những lời thuật lại của tôi, nó không trái nghịch những chỉ dạy của đạo sư. Những bậc cha mẹ tốt lành của tôi và tất cả dân chúng trong miền tôi ở đã liên tục thỉnh cầu tôi thuật lại tiểu sử của tôi, vì thế ở đây tôi ghi lại một bản tường thuật phác thảo. Cầu mong nó làm vui lòng quý vị.

Trong thời đại suy hoại này, khi những vấn đề lớn nảy sinh nhanh chóng, nếu chúng ta không nắm giữ những lời dạy của các Đấng Chiến Thắng với sự xác tín, thì điều gì có thể được nói cho chúng ta? Bài tường thuật Giáo Pháp về nhân và quả này mà tôi thực chứng kiến thì không bị ô nhiễm bởi sự nói dối; cũng không chỉ là một sự lặp lại những lời của người khác nói. Tôi tìm được sự xác quyết để nói mà không bóp méo những thị kiến ở cõi địa ngục, chúng giảng dạy sự chấp nhận và từ bỏ[68] nhờ ân phước của Đức Tara tôn quý và những đạo sư tốt lành của tôi. Nếu tôi dối trá, nói rằng đã chứng kiến điều nào đó trong khi thực ra tôi không thấy, hoặc nếu vì ước ao được kính trọng và nổi tiếng mà tự phụ tuyên bố về trạng thái tâm linh của tôi, thì xin các ma mốt (mamo) ăn thịt[69] nhanh chóng cướp đoạt sinh lực và hơi thở của tôi.

Đối với những người đọc tường thuật này, xin truyền bá nó và thực hành nó, xin dấn mình không sai sót vào sự chấp nhận và từ bỏ của nhân và quả, thiên nữ cao quý sẽ là người hướng đạo trong suốt con đường ánh sáng cầu vồng. Nếu có những thuật ngữ hay danh xưng sai lầm, những chữ không chính xác, hay những từ bí mật được phơi bày ở đây, tôi xin sám hối những thiếu sót này trước sự hiện diện của đạo sư. Tôi khẩn cầu được thành tựu sự thuần tịnh không chướng ngại trong đời này và những đời sau.

Dòng chảy êm ả, không ngừng nghỉ của đức hạnh hoàn toàn thuần tịnh

nhờ hàng trăm tia sáng tỏa ra sẽ xua tan bóng tối của những lỗi lầm tích tụ,

làm đổ xuống trận mưa lợi lạc và hạnh phúc cho tất cả chúng sinh vô biên như không gian:

Cầu mong mọi người nhanh chóng đạt được trạng thái của thiên nữ cao quý.

Như thế, bản văn này tường thuật làm thế nào cô gái Dawa Drolma trải qua năm ngày nhìn thấy các thị kiến về cõi địa ngục và những cõi giới khác đã được người sao chép ghi lại đúng như những gì từ miệng cô gái nói ra, không có bất kỳ chữ nào được thêm vào hay bỏ sót và không có bất cứ sự sai sót hay lầm lẫn nào trong ý nghĩa.

May mắn, may mắn, may mắn!

Cầu mong tường thuật này là sự trang hoàng sáu lần nhiều hơn của thế giới, chói ngời với sự lộng lẫy tốt lành.

Sarva mangalam – cầu mong mọi sự tốt lành.






Chú thích



[1] Nỗi sợ sư tử, voi hoang, lửa, rắn, sự lụt lội, sự tù đày, kẻ trộm và những kẻ ăn thịt người.

[2] Đó là Tromge Kundun, Tromge Trungpa và Drimed Khakyod Wangpo, ba vị tulku là những vị được đề cập tới trước tiên trong chương 1 và là những vị nổi bật trong những tường thuật của Dawa Drolma.

[3] Thuật ngữ Tây Tạng bardo có nghĩa là “một khoảng cách giữa hai thời điểm”; trong bản văn này nó đặc biệt ám chỉ khoảng cách giữa cái chết và sự tái sanh, trong quãng thời gian này các nghiệp lực trong tính chất của một cá nhân tạo nên những phóng chiếu tiên báo sự tái sanh trong tương lai của cá nhân đó.

[4] Bởi những tham luyến của ta đối với chúng, ta trở nên bị sụp bẫy trong các hoạt động và những mối quan tâm, chúng kéo dài mãi vòng luân hồi sinh tử.

[5] Đối với Phật Giáo thì ý niệm quy y là nền tảng; thực vậy “thệ nguyện quy y” là bước đi chính thức đầu tiên trong hứa nguyện riêng của một cá nhân đối với con đường của Đạo Phật. Ta quy y (nương tựa) nơi “Tam Bảo”, ba lý tưởng hay nguyên lý tâm linh (xem Chương 1, chú thích 32). Như vậy, việc ban tặng sự nương tựa (quy y) bao hàm nhiều ý nghĩa hơn là chỉ đơn giản che chở hay bảo vệ người nào đó, bởi nó đòi hỏi ước nguyện và sự dẫn dắt tâm linh.

[6] Những thân tướng trắng và xanh lá cây của Đức Tara.

[7] Một tính ngữ chỉ Đức Manjushri (Văn Thù), Bồ Tát của trí tuệ.

[8] Sodnam Tzemo sống từ năm 1142 tới 1182, là con trai của Sachhen Kunga Nyingpo (vị sáng lập phái Sakya của Phật Giáo Tây Tạng) và vì thế là vị thứ hai trong năm vị “tổ sáng lập” của phái.

[9] Âm thứ hai của danh hiệu Gyajam là một cách rút gọn của Jamyang, tiếng Tây Tạng của tên Manjughosha theo Phạn ngữ.

[10] Một ẩn dụ về cảnh tượng hỗn mang và rối loạn.

[11] Hai bản văn được đề cập tới được sử dụng trong các nghi lễ sám hối trong truyền thống Phật Giáo Tây Tạng.

[12] “Vua vận mệnh”, một tính ngữ chỉ Yama.

[13] “Bảng định mệnh” được mô tả là một cây gậy dẹp, trông giống cái mái chèo được đánh dấu bằng những nét khắc song song; mỗi vận mệnh của một cá nhân nối kết với một dấu được ghi trên một trong những ô vuông biểu kết quả. Tấm gương nghiệp quả phản chiếu rõ ràng những hành vi của ta trong đời trước, nó giúp cho ta không sai lạc với định luật nghiệp quả bất di bất dịch.

[14] Một sự mê tín đã hiện hữu trong một vài miền ở Tây Tạng, cho rằng một người đầu độc gây nên cái chết của một lạt ma thì trong cách thế nào đó được hưởng công đức tâm linh của những người đã khuất. Nhưng hậu quả thực tế của hành vi này là sự tái sanh trong địa ngục.

[15] Địa ngục đầu tiên trong tám địa ngục nóng của vũ trụ học Phật Giáo truyền thống. Về các mô tả những cõi địa ngục và ngạ quỷ được nhắc tới trong chương này, xin coi The Jewel Ornament of Liberation (Vật Trang sức Quý báu của sự Giải thoát), H.V. Guenther, bản dịch (Boston: Shambhala, 1986), các trang 55-69; Kun-zang La-may Zhal-lung, S.T.Kazi, bản dịch (Upper Montclair, N.J.: Nhà Xuất Bản Diamond-Lotus, 1989), các trang 83-139; và Patrul Rinpoche, The Words of My Perfect Teacher (Lời dạy của vị thầy toàn hảo của tôi) (San Francisco: Harper Collins, 1994), các trang 63-76.

[16] Các ngạ quỷ là những tinh linh đau khổ bị phiền não bởi sự đói và khát khủng khiếp và sự phơi bày các yếu tố (các đại).

[17] Một vị Phật mà pháp thiền định và thần chú của Ngài đặc biệt hữu hiệu trong việc tịnh hóa hậu quả của những ác hạnh.

[18] Một đại đạo sư sống từ năm 1820 tới 1892. Ngài có công trong việc dẫn đạo một cuộc vận động cải cách rộng lớn, tập trung ở miền đông Tây Tạng vào thế kỷ thứ mười chín. Mặc dù trên danh nghĩa Ngài là một lạt ma của phái Sakya, Ngài đã nghiên cứu rộng rãi và trao truyền các dòng truyền thừa trong mọi trường phái của Phật Giáo Tây Tạng.

[19] Theo vũ trụ học Phật Giáo truyền thống thì núi Tu Di là ngọn núi trung tâm của hệ thống giới của chúng ta.

[20] Ba loại thiện hạnh thuộc về thân là sự bảo vệ sinh mạng, sự bố thí và đạo đức tính dục; bốn loại thuộc về ngữ là sự chân thực, nói năng tử tế, tạo sự hòa hợp bằng lời nói và nói những lời có ý nghĩa; và ba loại thuộc về tâm là sự hài lòng, sự nhân từ, và sự thấu hiểu đúng đắn các chân lý tâm linh.

[21] Những người Tây Tạng tin rằng cờ cầu nguyện gởi những sự ban phước của những lời nguyện theo làn gió, làm lợi lạc cho tất cả những ai được gió chạm vào.

[22] Thần chú siddhi là một tên khác của thần chú của Đức Liên Hoa Sanh, Om ah hung vajra guru padma siddhi hung.

[23] Một thiện hạnh phổ biến ở Tây Tạng là khắc sáu chữ của thần chú om mani padme hung vào các hòn đá, chúng thường được chất thành ụ đá hay các bức tường.

[24] Satsa là những mô hình tháp (stupa) nhỏ bằng đất sét - các vật kỷ niệm mà những đặc trưng kiến trúc của chúng tượng trưng cho các phương diện của tâm giác ngộ - hay những tượng đúc bằng đất sét hình các bổn tôn; đất sét thường được trộn với tro lấy từ hài cốt của những người chết để truyền những sự ban phước cho họ.

[25] Đó là hình ảnh, sách và các dụng cụ là những đồ chứa tượng trưng cho thân, ngữ và tâm của các bậc giác ngộ.

[26] Trong vũ trụ học Phật Giáo truyền thống, một ngàn hệ thống thế giới tương tự như thế giới chung của chúng ta tạo thành một vũ trụ có độ sáng bậc nhất; một ngàn vũ trụ này tạo thành một vũ trụ có độ sáng bậc nhì; và một ngàn vũ trụ này (đó là một tỉ hệ thống thế giới tương tự thế giới của chúng ta) tạo thành một vũ trụ có độ sáng bậc ba, một “vũ trụ gấp ba ngàn lần”.

[27] Ba cõi là dục giới (bao gồm các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, bán thần và các cấp độ thấp của các vị trời), sắc giới vi tế hơn (những cấp độ trung bình của các vị trời), và vô sắc giới vi tế nhất (cấp độ cao nhất của các vị trời). Tất cả ba cõi giới đều ở trong vòng luân hồi có điều kiện, vì thế tượng trưng cho việc không có hạnh phúc hay giải thoát cuối cùng và vẫn còn nằm dưới sự thống trị của Thần Chết.

[28] Ba mức độ của sự sống là cách diễn tả khác về vòng luân hồi; đó là thế giới địa ngục, thế giới trên mặt đất và các cõi trời.

[29] “Lục địa phương nam” (Nam Thiệm Bộ Châu) trong bốn lục địa bao quanh núi Tu Di chính là thế giới của chúng ta, đại khái tương đương với “Trái Đất”.

[30] Khi chết, những bậc có chứng ngộ cao này làm đảo lộn nghiệp của nhiều người mà thông thường chúng sẽ gây nên cái chết của họ.

[31] Một loại cây trồng ở một trong những nơi gọi là địa ngục lân cận và tạo thành nguồn gốc nguyên thủy của sự đau khổ cho chúng sinh trong địa ngục đó. Xem Kazi, Kun-zang La-may Zhal-lung, các trang 93-94.

[32] Theo nghĩa đen: “Pháp ngữ được phiên dịch [của Đức Phật]”. Kinh điển Phật Giáo Tây Tạng, thường gồm 108 pho sách, trong số những kinh điển được công nhận là các giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

[33] Ta đoán chừng con gái bà có thiên hướng về sự sân hận và sát sinh.

[34] Những “đứa trẻ” này là những phóng chiếu của những yếu tố tích cực và tiêu cực trong tính chất riêng của ta.

[35] Một sự ám chỉ cho những hình thức khắc nghiệt về hình phạt thể xác mà ông ta, là người chỉ huy, đã chịu trách nhiệm khi ra lệnh.

[36] Một nhân vật trọng yếu trong phái Nyingma của Phật Giáo Tây Tạng trong thế kỷ mười chín trước và đầu thế kỷ hai mươi.

[37] Đó là giới tu sĩ; màu vàng là màu được dành cho trang phục của các nhà sư và ni cô ở Tây Tạng.

[38] Đó là việc không dẫn những người khác đi theo bà nhờ công đức của nghiệp tích cực của bà.

[39] Một trung tâm tu viện và chính trị quan trọng ở tỉnh Tsang miền nam Tây Tạng và trụ sở của phái Sakya của Phật Giáo Tây Tạng.

[40] Những sự tích tập công đức trên bình diện thông tục và tích tập giác tánh nguyên sơ trên bình diện tối hậu.

[41] Đức Manjushri, Avalokiteshvara và Vajrapani (các Bồ Tát của trí huệ, lòng bi mẫn và năng lực tâm linh theo thứ tự tương ứng) là những Bồ Tát thuộc “ba bộ” - thuộc về thân, ngữ và tâm của tất cả chư Phật.

[42] Sự lợi lạc cho bản thân và những người khác trong khoảng thời gian ngắn hạn và dài hạn.

[43] Ngay cả một dính líu tiêu cực do một hành động hay ý định xấu ác đối với người nào đó cũng tạo nên một mối liên hệ ích lợi.

[44] Đây là những đối nghịch của các thiện hạnh được đề cập trong chú thích 20 ở trên: các hành vi thuộc thân là sát sinh, trộm cắp và tà dâm; các hành vi thuộc ngữ là nói dối, lăng mạ, vu khống và nói tầm phào vô ích; và các hành vi thuộc tâm là sự tham muốn, ý định xấu và các tà kiến liên quan tới các chân lý tâm linh.

[45] Một thành phố lớn (tiếng Trung Hoa họi là Ta-chien-lu) ở biên giới Hoa-Tạng, trước đây là địa điểm chính qua đó trà Trung Quốc được nhập khẩu vào lãnh thổ Tây Tạng.

[46] Các ngạ quỷ với các che chướng nội tại là những chúng sinh mà các tri giác chủ quan của họ bị bóp méo đến nỗi mặc dù họ có thể tìm được thực phẩm hay thức uống, nhưng những thứ này trở thành lửa, rác rưởi, hay chất độc khi ăn vào.

[47] Một tantrika là một hành giả của con đường Mật thừa, đó là phật Giáo Kim Cương thừa.

[48] Điều này ám chỉ những người đã cùng thọ nhận những quán đảnh để đi vào thực hành Kim Cương thừa từ cùng những vị lạt ma; việc này được cho là mối ràng buộc không gì chặt chẽ hơn có thể có được giữa những con người với nhau.

[49] Địa ngục Kim Cương là cõi mà chúng sinh rơi vào do những vi phạm trầm trọng các thệ nguyện samaya của họ.

[50] Chư Phật đã xuất hiện trong quá khứ, chư Phật đang xuất hiện trong hiện tại, và chư Phật sẽ xuất hiện trong tương lai.

[51] Thuộc thân, ngữ và tâm.

[52] Ở đây sự phân biệt thông thường giữa tích cực và tiêu cực được thay thế bằng các nguyên lý cao hơn của thực hành tâm linh.

[53] Như những dòng dưới đây làm rõ nghĩa, vị thánh này là đạo sư tâm linh chính yếu của Yeshe Dorje.

[54] Tám địa ngục nóng, tám địa ngục lạnh, các địa ngục lân cận và những địa ngục nhất thời.

[55] Từ Phạn ngữ của danh hiệu Yeshe Dorje.

[56] Bởi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang ngồi dưới một cây đa (hay cây bồ đề) khi Ngài giác ngộ nên hột của loại cây này được quý trọng và dùng làm hột chuỗi tràng.

[57] Ở Tây Tạng, người ta thường bảo trợ cho những người tụng đọc Kinh điển lớn tiếng và hồi hướng công đức của việc tụng đọc cho hạnh phúc của người bảo trợ.

[58] Một đồng cỏ bao la gần nhà Dawa Drolma.

[59] Đó là Đức Phật.

[60] Trong thực hành của Phật Giáo Tây Tạng, danh hiệu đạo sư của một người thường được dùng trong câu “… thấu biết tất cả!” như một hình thức của thần chú. Ở đây người này đặt vị thầy của mình ngang hàng với Dorje Chang (Phạn ngữ: Vajradhara), Đức Phật Pháp Thân của chân lý tối hậu.

[61] Năm độc thuộc cảm xúc là sự tham luyến, sân hận, vô minh, tự phụ và ganh tị.

[62] P’howa hay sự “chuyển di tâm thức”, là một kỹ thuật Kim Cương thừa có thể được thực hiện vì lợi lạc của bản thân hay của những người khác. Nó cho phép tâm thức lìa bỏ thân xác vào lúc chết trong cách thức thiện xảo và hữu hiệu nhất để trợ giúp cho tiến bộ tâm linh của ta.

[63] Xem chương 1, chú thích 22.

[64] Bằng cách tôn kính các vị này, người ta thâu thập được các sự tích tập công đức và giác tánh nguyên sơ.

[65] Đó là những phối ngẫu của các đạo sư.

[66] Bốn cấp độ hỉ lạc phát sinh liên tiếp trong sự thiền định là hỉ lạc được chỉ định, hỉ lạc siêu phàm, hỉ lạc đặc biệt và hỉ lạc đồng xuất hiện (hay hỉ lạc siêu vượt hỉ lạc [thông thường]).

[67] Năm hành vi mà nghiệp quả của chúng thì trầm trọng tới nỗi nếu không có sự tịnh hóa, chúng dẫn tới việc kẻ phạm vào hành vi đó bị tái sanh lập tức trong một cõi địa ngục vào lúc chết, mà không kinh qua trạng thái bardo thông thường xảy ra giữa sự chết và sự tái sanh. Những hành vi đó là giết cha, giết mẹ, giết một vị A la hán (xem Chương 3, chú thích 32), vì ác tâm mà làm một vị Phật chảy máu và gây những sự chia rẽ không thể hàn gắn trong cộng đồng Phật Giáo.

[68] Đó là hành vi đạo đức chấp nhận một vài hình thức hành xử là đạo đức và từ bỏ những hình thức khác là vô đạo đức.

[69] Ma mốt là những thiên nữ hung dữ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/09/2010(Xem: 5537)
Mỗi con người chúng ta đều có ba thân, đó là thân Tiền ấm, thân Trung ấm và thân Hậu ấm. Thân Tiền ấm là thân hiện đời chúng ta đang có, là thân vật chất...
24/09/2010(Xem: 5983)
Luân hồi là một thể tài rất sinh động và rất được quan tâm đối với con người. Chết rồi sẽ đi về đâu? Tại sao sinh, rồi tái sinh? Có cõi âm hay không? v.v... Đó là những dấu hỏi lơ lửng trong tâm của phần lớn của nhân loại. Các nền tín ngưỡng và tôn giáo trên thế giới đều có những quan niệm khác nhau về luân hồi. Riêng đối với Phật giáo, luân hồi không phải là một giáo lý đặc thù, cũng không phải là một vấn đề triết học cơ bản, nhưng nó là một sự thật hiển nhiên đối với những con người còn bị trầm luân trong sanh tử khổ đau...
28/08/2010(Xem: 5003)
Trăm năm ngó xuống đời hư ảo - Phút chốc nhìn lên ngộ lẽ trời.
08/08/2010(Xem: 9936)
Đức Phật đã nói rằng trong tất cả những mùa khác nhau để cày cấy, mùa thu là mùa tốt nhất, trong tất cả những loại nhiên liệu để đốt, thì phân bò là tốt nhất, và trong tất cả những loại tỉnh giác khác nhau, sự tỉnh giác về sự vô thường và cái chết thì hữu hiệu nhất. Cái chết là điều nhất định, nhưng khi nào nó giáng xuống thì bất định. Nếu chúng ta thực sự đương đầu với sự việc, chúng ta không biết được cái gì sẽ tới trước – ngày mai hay cái chết. Chúng ta không thể hoàn toàn quả quyết rằng người già sẽ chết trước và người trẻ còn ở lại phía sau.
04/08/2010(Xem: 4161)
Vào ngày 23 tháng 02 năm 2008, Hòa Thượng Thánh Nghiêm có cuộc nói chuyện với đức cha thiên chúa giáo Đơn Quốc Tỉ về quan điểm sinh tử. Hôm nay, Hòa thượng đã xã báo an tường, thu thần thị tịch, để tỏ lòng tưởng niệm đến cố giác linh Ngài, Biên tập viên Minh Bửu đã biên dịch lại cuộc đối thọai này.
04/08/2010(Xem: 4962)
Chết là chủ đề, hầu hết mọi người không muốn nghe, không muốn bàn đến hoặc nghĩ đến. Tại sao như vậy? Và cho dù, chúng ta thích hoặc không thích, thì mỗi chúng sẽ phải chết trong một ngày nào đó. Thậm chí trước khi đối mặt với cái chết của bản thân, chúng ta sẽ đối mặt với những cái chết của người khác ( người trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…) Chết là điều sẽ xảy ra, là phần của cuộc sống, vì vậy tốt nhất là chúng ta nên đón nhận nó với quan điểm tích cực hơn là sợ hãi và phủ nhận nó. Cuốn sách “ Chuẩn bị cho cái chết và giúp đỡ người chết ” được dịch từ nguyên tác của Sangye Khadro, sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về cái chết./.
04/08/2010(Xem: 8471)
Đối với đa số, cái chết thường được quan niệm như một vách ngăn giữa hai thế giới: người mất–kẻ còn, hay cõi âm và dương thế. Trong cái nhìn của đạo Phật, cái chết được xem là một phần tự nhiên của cuộc sống. Trước sự ra đi của người thân, nhiều người thường rất đau buồn, đôi khi quên đi những sự chăm sóc và giúp đở cho người đã khuất một cách thiết thực và ý nghĩa. Nhân mùa Vu Lan–Báo hiếu PL.2546-2002, NSGN giới thiệu cùng bạn đọc về lời của một người ở thế giới bên kia, nguyên giáo sư Đại Học Y Khoa Geneve (Thụy Sĩ) với các con của ông, và vài gợi ý về phương pháp chăm sóc, giúp đở người thân trong tình trạng đặc biệt: ốm đau nặng hoặc lâm chung...
04/08/2010(Xem: 4357)
Phật giáo trả lời khẳng định. Phật giáo cho rằng tất cả chúng sinh, trừ các bậc đã giải thoát khỏi sinh tử (các vị A La Hán của tiểu thừa giáo) hay là các bậc đã tự chủ đối với sinh tử (các bậc thánh Bồ Tát của đại thừa), còn thì tất cả đều ở trong vòng sinh tử luân hồi.
04/08/2010(Xem: 5646)
Là con người, chúng ta có khuynh hướng bám víu vào đời sống của chính mình. Nhà Phật gọi đó là chấp thủ. Do đó, chúng ta thường tránh né nghĩ về- quá trình đi đến- cái chết của chúng ta. Sogyal Rinpoche nói rằng, chúng ta hoặc trốn chạy cái chết, hoặc chúng ta thờ ơ không nghĩ về nó và cho đó là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, Rinpoche nói, sự chết đối với chúng ta lại là giây phút quan trọng nhất trong đời sống của mình. Rinpoche (tiếng Tây tạng có nghĩa là:“vật báu” ) là tác giả của cuốn sách “Tạng thư sống chết”. Cuốn sách này đã được bán 1 triệu 500 bản ngay lần xuất bản đầu tiên và gần đây đã được tái bản lần thứ 10.
04/08/2010(Xem: 7060)
"Đời sống mong manh, chết là điều chắc chắn" Đó là câu châm ngôn nổi tiếng trong Phật Giáo. Biết rõ Chết mong manh và là một hiện tượng tự nhiên mà mọi người phải đương đầu, chúng ta không nên sợ cái chết. Nhưng tất cả chúng ta đều sợ chết vì không nghĩ về điều không tránh được. Chúng ta thích bám víu vào đời sống, vào xác thân và phát triển quá nhiều tham dục và luyến ái.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]