Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nghĩ về Vua Thức Ý Tâm (bài viết mới nhất của HT Thích Bảo Lạc, do Phật tử Quảng Hương diễn đọc)

05/04/202020:49(Xem: 11473)
Nghĩ về Vua Thức Ý Tâm (bài viết mới nhất của HT Thích Bảo Lạc, do Phật tử Quảng Hương diễn đọc)

Duc The Ton-9
Nghĩ về Vua Thức Ý Tâm

Bài viết của HT. Thích Bảo Lạc

Diễn đọc: Cư Sĩ Quảng Hương

Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước





 

 

 

Luận Đại Thừa Trăm Pháp do Bồ tát Thế Thân (TK IV TL) tạo, nêu rõ tám thức Tâm vương hàm Tâm Ý Thức thuộc ngành tâm lý – Duy Thức Học và là một tông phái: Duy Thức Tông - thuộc Đại Thừa Phật Giáo. Tâm Ý Thức như trở thành một đề tài lớn, quan trọng, bàn cãi bất tận lâu nay trong giới Phật học thuộc tâm lý học. Bồ Tát Thế Thân tạo luận, lập Du Già Hành Tông ở Ấn Độ, và sau 3 thế kỷ, Pháp sư Huyền Trang du học sang Ấn Độ, học tông này với Ngài Giới Hiền tại Đại học Na Lan Đà (Ấn Độ) năm 626 Tây Lịch. Sau khi trở về nước (TH), Huyền Trang lập Duy Thức Tông và truyền thừa cho Khuy Cơ (632-682), xiển dương giáo nghĩa lưu truyền hậu thế.

Pháp sư Huyền Trang (602-664) là nhà Phật học lỗi lạc, uyên thâm giáo lý Đại Thừa về vạn pháp, nghiên cứu tường tận, phân tích chi ly hai phần Pháp tướng và Pháp tánh. Pháp tướng là tướng trạng của vạn pháp: Tâm, Ý, Thức, Nhãn, Nhĩ, Tỉ, Thiệt, Thân, Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp v.v… Pháp tánh hay Pháp tính là thực tướng Chân như hay còn gọi là Pháp giới, Niết Bàn. Theo định nghĩa Pháp tính là nói về thể, cái thể không đổi, nên Chân như là thể của muôn pháp hàm cả nhơ, sạch nơi loài hữu tình hay loài phi tình, tính nó không đổi, không biến nên gọi là Pháp tánh. Pháp tánh này phần nhiều Tiểu thừa không đề cập đến, nhưng các nhà Đại thừa thì bàn cãi rất sôi nổi như các Ngài Từ Ân, tông Pháp Tướng; Gia Tường, tông Tam Luận; Hiền Thủ tông Hoa Nghiêm và Ngài Trí Khải tông Thiên Thai. Mỗi vị có một sắc thái riêng vì là Tổ của bốn tông thật đa diện, mở rộng cho những nhà nghiên cứu Phật Học sau này. Tựu trung, Pháp tánh gồm đủ cả thiện lẫn ác nên sinh ra các pháp có nhiễm, có tịnh.

Pháp tánh rộng khắp và có nhiều tên gọi khác nhau như: Pháp giới, Pháp tánh, Bất hư vọng tánh, Bất biến dị tánh, Bình đẳng tánh, Ly sanh tánh, Pháp định, Pháp trụ, Thực tế, Hư không giới (theo kinh Đại Bát Nhã), còn theo Duy Thức luận gồm có bốn như: Thắng nghĩa, Chân như, Pháp giới, Thực tế.

1.Tâm Ý Thức khác hay giống nhau?

Câu hỏi rất quen thuộc đối với người học Phật xưa nay, dù có câu trả lời của luận chủ Thế Thân qua luận Đại Thừa trăm pháp, nhưng vẫn có người nêu hỏi, vì tâm thuộc về tâm thức như nói “tâm viên ý mã” dù không hình dung được nhưng biết nó vô cùng nhạy bén, linh lợi, dẫn dắt ta đi vào đường tà, mê cung không lối thoát. Bởi vì:

    

" Phàm phu có mắt như mù, 

Có tai như điếc, miệng vù như câm

Mũi quen ngửi mãi cứ lầm, 

Lưỡi ưa nếm vị chốc mòng khổ tâm 

Thân hay xúc chạm ân cần 

Ý hay dao động pháp trần quẩn quanh 

Mạt na thứ bảy đàn anh 

A lại Da thứ tám thành chủ ông " 

(Thơ của Sông Thu TBL)

Cả tám thức, mỗi thức đều có phần hành riêng, quyền hạn cũng bao hàm hầu trọn vẹn, nhằm nói lên các pháp hữu lậu của ba cõi sáu đường trong kiếp luân hồi. Tâm theo luận 100 pháp gồm 5 vị: Tâm vương, Tâm sở, Sắc pháp, Tâm bất tương ưng hành và Vô vi pháp. Nhưng, tâm – ý - thức chỉ thuộc vị thứ nhất: Tâm vương, Tâm vương gồm có 8 thức: Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý, Mạt na (thức thứ bảy) và A Lại Da Thức chỉ chung 8 thức Tâm vương, là điểm thứ nhất, khác nhau về danh số: Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý mỗi căn liền theo thức, nên gọi chung 6 thức này là Thức, là điểm thứ hai, thức Mạt na thứ bảy gọi là Ý, do bảo vệ tự ngã, phát triển tự ngã và yêu cầu người khác tôn trọng tự ngã. Theo luận Đại Thừa 100 pháp thì người nào cũng đều như thế, cho nên giữa ta và người đấu tranh không dừng, làm cho thế giới điên đảo, biến động, bất an; riêng thức A Lại Da thứ tám gọi là Tâm, vì nó được ví như kho chứa (tàng hay tạng thức) lưu giữ hạt giống thiện, ác. Và thứ ba, khác nghiệp dụng như tâm có thể tạo nghiệp thiện, có thể tạo nghiệp ác. Theo luận Khởi Tín nói: Tâm động thì có tên là nghiệp, và nêu thí dụ, nếu có người ngồi tịnh, tuy thân miệng không động, có thể tâm đang đánh tan vọng tưởng, động niệm, đây chính là tạo nghiệp. Động niệm thiện tạo nghiệp thiện. Động niệm ác thời tạo nghiệp ác, đi xuống ba đường ác. Con người của ta, tâm niệm lúc thiện, lúc ác, nên có thể lên, có thể xuống, vĩnh viễn trong sáu đường luân hồi, hụp lặn trong biển khổ không ngừng. Thế nhưng, đâu phải chỉ có lục phàm luân hồi do tâm biến chuyển ấy, mà thành tựu tứ thánh cũng từ sự hẹp hòi hay rộng dung của cái tâm ấy. Vì sao? Nếu hành giả phát tâm chán ghét, xa lìa thì đó là Thanh Văn, Duyên Giác của Tiểu Thừa; còn như phát tâm Bồ Đề thì đó là Bồ Tát của Đại Thừa. Chỉ có phát tâm Bồ Đề mới thành tựu Phật quả vô thượng (Luận Đại Thừa 100 pháp do Lê Hồng Sơn dịch, trang 60 & 61).


HT Bao Lac
Tác giả: HT Thích Bảo Lạc





Hầu hết chúng ta đều nghĩ và nhận rằng tâm là trái tim bằng da bằng thịt ở trong thân. Hoặc có người cho rằng tâm ngoài thân, như Tôn giả A Nan trả lời Phật qua 7 lần nhận tâm đều lầm trong Kinh Lăng Nghiêm. Phật bác tâm trong thân và cũng bác luôn, nếu tâm ở ngoài thân thì thân với tâm riêng biệt, không liên lạc mật thiết nhau. Như thế, cái gì thân biết, tâm không biết; cái gì tâm biết thân không biết. Nhân đó Phật giơ tay lên cho A Nan nhìn thì cả mắt và tâm đều thấy tay Phật cùng một lúc, nên biết tâm không ở ngoài thân. A Nan lại cho rằng, nếu vậy, cái tâm trong nhãn căn (con mắt) cũng bị Phật bác. Lần thứ tư, A Nan cho rằng tâm ở cả trong lẫn ngoài thân. Phật nêu thí dụ: Khi ông nhắm mắt thấy tối, cái tối ấy có ở trước mắt không? Nếu ở trước mắt, thì cái tối ở trước mắt chứ không ở trong thân được, cũng như ông ở trong nhà tối, không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng hay đèn, các vật trong nhà tối đều là phủ tạng của ông hay sao? Còn như cái tối không đối với mắt ông, làm sao gọi thấy tối? Lần thứ năm, A Nan nghĩ rằng tâm không ở trong, ngoài và chặng giữa, mà tuỳ hợp, nghĩa là cái suy nghĩ là tâm, hễ nó hợp với chỗ nào thì tâm liền ở nơi đó. Phật bác, vì tâm không có thực thể nên không tùy hợp được. Lần này, tôn giả A Nan tự cho rằng, nếu tâm không ở trong cũng không ở ngoài, vì tâm cùng biết với thân đồng lúc, hẳn phải ở chặng giữa. Nói chặng giữa, nhưng A Nan không xác định được chặng giữa ở chỗ nào? Nó ở cảnh hay ở thân? Vì ở cảnh hay thân đều không nêu lên được đích xác, thì cũng như không có chỗ, còn giả như nêu lên được cũng không nhứt định chỗ nào là chặng giữa. Cuối cùng, Ngài A Nan bạch Phật rằng, như lời Phật dạy: Cái tâm hay biết, phân biệt không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa, không ở chỗ nào cả. Vậy cái tâm ấy hoàn toàn không dính mắc đâu cả. Tất cả những suy nghĩ của A Nan qua 7 lần tìm tâm như thế hoàn toàn không thỏa đáng.

Ý có nghĩa là suy tư phân biệt bao trùm mọi tác dụng tâm lý cùng sanh diệt tương tục không gián đoạn. Cả tám thức: Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý, Mạt na và A Lại da (alaya) đều có chung tác dụng: Niệm niệm sanh diệt tương tục không gián đoạn, nên ý cũng gọi là Tâm hay thức đều không gì trở ngại. Nếu ý được dùng làm chỗ y cứ cho cơ năng nhận thức gọi là ý căn, là một trong 6 căn (trong 12 xứ gọi là ý xứ, trong 18 giới gọi là ý giới).


2. Nghiệp dụng tâm thức từ phàm lên thánh: Chừng nào tâm còn nàng phiền não ba độc ngự trị, sai sử thì, lúc đó ta vẫn đang còn loay hoay hụp lặn trong nhiễm ái của sanh tử, đến khi chuyển được 8 thức: 5 thức trước thành: Sở tác trí, thức thứ 6: Diệu quan sát trí, thức thứ 7: Bình đẳng tánh trí, thức thứ 8: Đại viên cảnh trí mới đủ lực chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển vô minh thành Giác Ngộ để trở thành hàng Thánh Giả.

Không thể nào so sánh giữa Phật và chúng phàm phu về mặt tu chứng, ở đây chỉ có thể khái niệm tâm thức giữa Thánh – Phàm phân thành hai vế cho dễ phân biệt:

 

Tâm phàm phu

Có hạn lượng

Hẹp hòi, ích kỷ

Khép chặt

3 nghiệp bất tịnh

Nhiễm 3 độc tham, sân, si

Tự lợi

Tham lam tích chứa

Bất an thường trực

Sống khổ não

Kế thừa gia nghiệp

Tâm Phật Thánh

Vô hạn giới

Từ bi, lợi tha

Rộng mở bao dung

3 nghiệp thanh tịnh

Giải thoát khỏi 3 độc

Lợi tha

Bố thí ban phát

An nhiên tự tại

Sống an lạc

Thừa tự tuệ giác.

 

Từ đó ta có thể rút tỉa thành những bài học cần thiết, quí giá như: Mưu toan bị thất kế, tính lừa người liền gặp quả báo tương xứng, hãm hại người bị luật pháp trị phạt tùy tội nặng nhẹ xử phân, bố thí được nhiều điều lợi lạc ở hiện tại và về sau như tiền tiết kiệm gởi ở ngân hàng… Mặc dù vậy, luật pháp thế gian vẫn chưa giải quyết công bằng tội phạm, bởi thiếu liêm chính, công minh, chỉ có luật nhân quả là minh bạch, chính xác ở hiện tại cũng như trong tương lai gần hoặc xa, nhằm khuyến thiện, trừ ác. Do vậy, người có tu tập tụng niệm kinh chú, niệm Phật, tham thiền hẳn có tâm chứng. Chẳng hạn Kinh Dược Sư tuy ngắn gọn mà Đức Thế Tôn vẫn cặn kẻ gia tâm, phân tích lợi hại giữa nhân và quả cho người hành trì tiện so sánh, hầu tránh gây tạo ác nghiệp, mà hổn danh là hắc nghiệp, đối nghịch lại là bạch nghiệp - nghiệp sáng tịnh giải thoát. Đối tượng Phật giảng giải Kinh Dược Sư cho Mạn Thù Thất Lợi, cùng bốn chúng trì tụng, học hỏi để chuyển đổi nghiệp ác thành nghiệp thiện.

Theo Kinh Dược Sư, Đức Thế Tôn giảng giải phần bố thí hay không bố thí, có lợi hay bất lợi như thế nào, rất rõ ràng ta cần phải học hỏi, quán chiếu:

“Đức Thế Tôn bảo Mạn Thù Thất Lợi đồng tử rằng, có những chúng sanh không biết điều lành dữ, cứ ôm lòng bỏn sẻn tham lam, không biết bố thí, mà cũng không biết quả báo của sự bố thí là gì, ngu si vô trí, thiếu hẳn đức tin, lại ham chứa chất của cải cho nhiều, đêm ngày bo bo gìn giữ, thấy ai đến xin lòng đã không muốn, nhưng nếu cực chẳng đã phải đưa của ra thì đau đớn mến tiếc, dường như lắt thịt cho người vậy. Lại có vô lượng chúng hữu tình tham lẫn, chỉ lo tích trữ của cải cho nhiều mà tự mình không dám ăn tiêu, còn nói chi đến sự bố thí, kể cả người thân…”

Bố thí là ban cho người của cải, giáo pháp và tâm vô úy hay nói cách khác là tài thí, pháp thí, vô úy thí, cho nên bố thí cũng gọi là cúng dường cho những bậc trên như Phật, chư Tăng, cha mẹ hay cho những ai cần, và nhờ đó các vị an ổn tu hành, cầu nguyện phước lành đến người cúng dường. Bố thí trừ diệt tham lam, bỏn sẻn, keo kiệt, khinh mạn, do lòng từ bi rộng rãi khi trao món quà tới người nhận bằng tâm hoan hỷ, chia sẻ hiểu biết. Người làm hạnh bố thí như vậy sẽ được quả báo giàu có, ít bịnh, sống lâu, gia đình hiếu thuận an vui hạnh phúc. Trái lại, người không biết điều lành dữ thì tham lam, bủn xỉn thấy kẻ xin tới liền xua đuổi, mắng rủa nặng lời hoặc nếu có cho cũng với thái độ hống hách, khinh thường như muốn tống khứ đi cho khuất mắt. Vì thiếu đức tin nên luôn tiếc của, tự cho cái gì của mình cũng đều quí giá còn hơn vàng, nên muốn tom góp vào thật nhiều nhưng lại không muốn cho ra. Thậm chí việc ăn tiêu của mình cũng không dám xài thì có đâu đem của cho người, cho dù những kẻ ấy là cha mẹ, vợ con, thân bằng quyến thuộc; đã vậy lại còn muốn vơ vét, bòn rỉa của người thân, nếu có cơ hội chẳng kể gì tội lỗi, quả báo, cứ phớt tỉnh làm càng, như kinh văn nêu rõ:

“… Nếu có những người nào thọ các giới của Phật để tu học mà phá giới, phá phép tắc, hủy hoại chánh kiến, bỏ sự đa văn, có thói tăng thượng mạn, che lấp tâm tánh, cố chấp cho mình phải, người khác quấy, chê bai Chánh pháp, kết đảng với ma. Những kẻ ngu si ấy tà kiến mà lại còn khiến cho nhiều người cũng bị sa vào hố nguy hiểm, khi chết bị đọa vào 3 đường dữ: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Mặc dầu ở trong ác thú, nhưng nhờ đời trước sống trong cõi nhân gian, đã từng nghe qua danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, mà nay lại còn nhớ niệm đến danh hiệu Ngài thì liền từ cõi ấy thoát sanh trở lại làm người”.

Chiêm nghiệm quả báo nhãn tiền là nói tắt ngang, thật ra chúng nằm trong ba thời kỳ: Hiện báo ngay bây giờ; sanh báo chờ thời gian chín muồi như người gieo hạt giống phải đợi đủ ngày tháng mới thu hoạch; thời kỳ thứ ba, hậu báo phải chờ lâu hơn qua năm tháng quả mới trổ sanh. Do vậy những người làm ác mà thấy ra hậu quả liền biết sợ sệt như sợ đau khổ, túng quẩn, côi cút, tật nguyền, thù ghét… và trở lại làm việc bố thí, cũng như khen ngợi, tán thán người khác bố thí nên không tham tiếc như trước kia nữa. Bây giờ là cơ hội tốt cho người bố thí, không những cho của cải, tiền bạc, thuốc men, quần áo, chỗ ở, đồ ăn uống, hay công ăn việc làm thuộc ngoại tài do mồ hôi nước mắt tạo thành; lại tiến xa hơn còn đem cho cả đầu mắt, tay chân, máu thịt, các cơ phận … để cứu người thuộc nội tài. Nhờ vậy, kẻ tiếc của giờ đây đủ cơ duyên hành bố thí cho những người cần; và tự xem của cải chẳng đáng giá gì, chỉ cần phát tâm rộng rãi, từ bi, khoan dung, hiểu biết là đầy đủ tất cả nghĩa như ta thường nghe câu “Chọn người giao đúng việc, vật cho đúng đối tượng”. Lẽ dĩ nhiên, người bố thí quên của bố thí, người nhận của và mình là người cho cũng thế, có như vậy việc bố thí mới hàm nghĩa chân chánh trong niềm tin Chánh Pháp giải thoát của Như Lai.


3. Thánh phàm dung thông:

Một bài kệ đáng chú ý nhất của Kinh Hoa Nghiêm như:

Nhược nhơn dục liễu tri

Tam thế nhứt thiết Phật

Ưng quán Pháp giới tánh

Nhứt thiết duy tâm tạo.

Dịch nghĩa:

Nếu người muốn hiểu rõ

Chư Phật trong ba đời

Nên quán tánh Pháp giới

Hết thảy do tâm tạo.

Trong bài kệ đặc biệt có hai cụm từ “Pháp giới tánh” và “duy tâm tạo” mà cổ kim Thánh hiền đã bỏ bao tâm huyết, năng lực và tuệ giác, kể cả thân mạng trong công hạnh tu trì, thành tựu chứng đạt như Đức Thế Tôn và Thánh chúng đệ tử của Ngài, lưu lại hậu thế một gia tài đồ sộ, đó là di sản giác ngộ tâm như chúng ta đang thừa hưởng. Gia sản vĩ đại cao quý ấy xài mãi vẫn không hết mà lại còn làm cho phong phú hơn, nếu hàng hậu bối biết kế thừa thông minh với Tâm – Ý - Thức có chắt lọc tu tập đúng pháp, là bắt được mạch nguồn tâm linh của Thầy - Tổ - Phật với sứ mạng kế thừa xứng đáng. Nhờ đó không còn thấy có sự xa cách giữa Phật và chúng sanh, phàm và Thánh mà tất cả đều dung thông, như nước của muôn dòng đều đổ về biển cả hòa nhập thành một vị, đó là vị giải thoát. Trước đây Ngài A Nan bị nạn Ma Đăng Già quấy rối, Phật phải dùng Thần chú Thủ Lăng Nghiêm giải nạn, rồi nay lại kẹt pháp tu định không tự giải thoát nên thỉnh cầu Đức Thế Tôn chỉ giáo:

A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận q.105 Đại Chánh Tạng cuốn 27 tr 542 Đức Thế Tôn dạy A Nan pháp định Tam Ma Địa (Samadhi) có dẫn câu chuyện dòng họ Thích bị tiêu diệt như thế này:

“…A Nan theo hầu Đức Phật luôn ở bên cạnh Đức Thế Tôn nghe giảng về pháp Tam Ma Địa (Samadhi) cho chí Phật còn giảng rộng nhiều hơn thế. Tuy nhiên A Nan vẫn còn nghi ngờ không biết mình có tiếp nhận được không nên cầu thỉnh Phật chỉ dạy. Phật bảo rằng ông khéo hay thọ trì những gì Như Lai giảng dạy, nhưng cần phải dứt khoát không hồ nghi…”

Vì sao Phật dạy thế? Vì pháp định Tam Ma Địa là Chánh định lìa trạo cử hay dao động, nếu tâm còn nghi ngờ tức chưa định, nên người hành trì cần phải nhiếp tâm mới thành tựu. Vấn đề là tâm Ngài A Nan chưa đủ định lực nên buồn lo dòng họ Thích bị tiêu diệt, mà nguyên nhân là do ông vua ác tên Tỳ Lô Trạch Ca gây ra, như phá hủy thành Ca Tỳ La, sát hại cả dòng họ Thích. A Nan đã chứng kiến cảnh điêu tàn đổ nát như cung điện trở thành gò hoang, lầu quán đổ nát, thành quách ngửa nghiêng, cửa nẻo hư hoại sụp đổ… Quang cảnh hoang tàn vắng vẻ; thậm chí các loài chim bay, thú chạy cũng tìm cách trốn lánh xa không dám xuất hiện. Với cảnh những bé trai gái mồ côi cha mẹ cùng những người thân khác, chạy theo A Nan kêu khóc thảm thiết, chúng bày tỏ nỗi khổ mất cha mất mẹ, cùng người thân, không có ai nương tựa, cậy nhờ. Thảm nạn xảy ra không những chỉ mất nhà cửa, của cải, xóm giềng bà con, mà còn mất cả nhân mạng, kể cả các vị xuất gia, đạo sĩ bị giết lên tới hàng chục vạn người… Đó là nguyên nhân khiến A Nan phân tâm nên không giữ được chánh định. Trái hẳn với tâm lo lắng của A Nan, Đức Thế Tôn đủ cả oai lực, dung dị tự tại hiện ra như luận dẫn:

“Đức Thế Tôn từ tốn an nhiên, sáu căn nhàn tịnh, tuệ giác vững trụ như núi, tâm Ngài thư thái, nhiếp niệm an bình, các căn điều hòa vững chãi, chăm chú an tường, Ngài vào thành nhập định tu quán các pháp hữu vi vô thường hoại diệt.

A Nan quán sát tư thái Thế Tôn sáng rỡ lạ thường, nhan sắc Ngài tươi tắn mát dịu làm sao, nên liền tự nghĩ: Đức Thế Tôn với ta cùng nơi sinh quán, cùng bà con thân thuộc, thì việc mất còn, tan hợp… cùng giống nhau thôi.  Thế nhưng Thế Tôn lại an nhiên bất động vững trụ như núi, còn ta lại bị khổ não thế này! Hẳn là Phật phần nhiều nhờ an trụ trong Không Tam Ma Địa, còn Ta thì luôn tưởng nghĩ tới thành trì. Phật nghĩ tưởng nơi nhàn tịnh, A Nan này nghĩ tới người thân; Phật nghĩ trung dung, A Nan nghĩ tới chúng hữu tình. Phật nghĩ tưởng pháp viên mãn rốt ráo nên Ngài an nhàn bất động như núi”.

Vấn đề cho thấy rõ sự sai biệt giữa bậc Thánh giải thoát với người tu chưa đủ công phu. Cho dù nhập định, hành trì, nhưng một đàng nhắm hướng nội, còn một đàng luôn hướng ngoại, như người nấu cát muốn thành cơm không bao giờ được. Phật biết rất rõ tâm A Nan cùng chúng Tỳ kheo do không biết tu thiện, Ngài từ tốn thong thả đi tới thành Thất La Phiệt và tạm dừng chân ở Lộc Mẫu Tinh Xá. Lúc đó A Nan vẫn còn sầu khổ chưa dứt, liền đến chỗ Phật và bày tỏ rằng, con nhớ lại trước kia có lần cũng chính con đây trong lúc đang nghe Phật giảng pháp mà tâm cứ lo buồn nên con có điểm hồ nghi mong Ngài chỉ dạy: Con cũng thường tu pháp Không Tam Ma Địa, nhưng không biết đó là pháp không gì? Có thuyết nói trụ trong không chỗ hành không và cùng bốn oai nghi hợp với Pháp Không này. Có phải đây là pháp mà Phật luôn an trụ? Con theo đúng lời Phật dạy, trụ bản tánh Không quán bản tính Pháp không vô ngã mà vẫn thấy sự biến hoại vô thường cứ vẫn không hết lo buồn. Nhân đấy Phật dạy A Nan cùng chư Tỳ kheo phải dứt trừ vọng niệm:

- Nghĩ tưởng cung thành lầu quán đổ nát, hoại diệt vô thường tâm không định.
- Nghĩ tưởng người thân thuộc, bằng hữu, lân lý xóm giềng, nói chung là loài hữu tình ly tan, tử biệt làm tâm bất an không thể nhập định thiền quán.

4. Kết luận:

Pháp tánh như đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, không gì khác hơn là các phẩm tâm mà không phân biệt tâm nào, chúng bao hàm hết thảy như vua và quần thần, bề tôi kề cận không rời nhau, như có thơ đề:

Thử xem tám pháp Tâm vương

Như vua một nước đảm đương trị vì

Bao gồm các Bộ, Sở, Ty

Điều hành, sắp đặt, thực thi, chế tài

Mắt thân, mũi, lưỡi, cùng tai

Trông nghe ngửi nếm hòa hài chạm va

Thức thứ sáu quan sát qua

Thu vào chọn lựa Mạt na sẵn sàng

Dẫn đầu A Lại Da Tạng

Duy thức học ví thức tàng chứa dung

Phần hành tập trung ba dạng

Năng tàng, sở tàng, ngã ái chấp tàng

Đi trong sanh tử Niết Bàn

Xuống lên đọa lạc trần gian nổi chìm

Si mê ảo ảnh kiếm tìm

Nghịch lưu thánh cảnh về miền Chân Như…

(Thơ: Tâm Vương - Sông Thu TBL)

 

Tóm lại, thức là hiểu biết phân biệt và tất cả tám thức đều có công dụng hiểu biết phân biệt. Ý có nghĩa sanh diệt tương tục không gián đoạn mà cả tám thức đều niệm niệm sanh diệt tương tục cả. Như vậy, Tâm, Ý, Thức theo đặc tính mỗi thức thì thức thứ tám có nghĩa “tích tập” thù thắng nên gọi là Tâm, còn thức thứ bảy về nghĩa sanh diệt tương tục nên gọi là ý, và sáu thức trước về nghĩa phân biệt thù thắng nên gọi là Thức. Thức, Ý, Tâm hay Tâm, Ý Thức nói khác chỉ khác nhau hình thức, giống nhau về nghiệp dụng vậy.

 

Thích Bảo Lạc

Thiền Lâm Pháp Bảo – 23/3/2020, Sydney.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

- Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai bổn nguyện công đức do H.T Huyền Dung dịch.

- Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm HT Trí Tịch dịch, Chùa Khánh Anh Pháp tái bản

- Kinh Lăng Nghiêm, Tuệ Quang dịch do nhóm Phật tử Sydney tái bản năm 1992, Australia.

- Luận Đại Thừa bách pháp nguyên tác Thế Thân Bồ Tát – Cư sĩ Hồng sơn dịch, Hồng Đức phát hành tại Saigon. năm 2013.

- Thơ: Hạt cát mịn của Sông Thu do Pháp Bảo xuất bản năm 2014 tại Sydney.

- Phật Quang Đại Từ điển cuốn 6 do HT Quảng Độ dịch do TT Văn Hóa Phật Giáo Linh Sơn Đài Loan, ấn hành năm 2000.

- Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh cuốn 27, A Tỳ Đại Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận q.105 Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán, T. Bảo Lạc dịch tiếng Hán sang tiếng Việt tháng 3 năm 2020 tại Sydney.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/03/2011(Xem: 8417)
Chúng ta điều hòa với đa nguyên tôn giáo như thế nào, điều rất cần thiết trong thế giới hiện nay, với sự quan tâm sâu sắc đến tín ngưỡng của chính chúng ta? Đức Đạt Lai Lạt Ma cống hiến giải pháp của ngài. Với nhiều tín đồ, chấp nhận tính chính đáng của những truyền thống tín ngưỡng khác đặt ra một thử thách nghiêm trọng. Để chấp nhận những tôn giáo khác là chính đáng có thể dường như làm tổn hại tính nguyên vẹn niềm tin tôn giáo của chính mình, vì nó đòi hỏi sự thu nạp những con đường tâm linh khác nhau nhưng hiệu quả.
20/03/2011(Xem: 3904)
Tôi có một người huynh đệ băn khoăn bởi một vấn đề. Đó là một đằng theo lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng: “Không nghĩ thiện không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục, v.v.?” tức là không còn so sánh, phê phán, nhị biên, để hoà mình, thâm nhập với chân như. Đằng khác lại phải còn biết phải quấy để hành thiện, cải thiện, tức là còn nhị biên. Như vậy người huynh đệ tự hỏi: chánh kiến là hành thiện, hay không thiện, không ác?Và đi xa hơn một chút, thế nào là định nghĩa đúng của chữ hành thiện (vì có rất nhiều cạm bẫy hiểu lầm: biết bao nhiêu kẻ quá khích lại tưởng mình hành thiện)? Tôi có cảm tưởng rằng câu hỏi đặt ra cũng là câu hỏi chung của nhiều Phật tử, trong đó có tôi. Nỗi băn khoăn, khắc khoải đó hoàn toàn có căn cứ, và không phải là dễ dàng giải đáp.
12/03/2011(Xem: 7125)
Với người chịu dày công tìm hiểu, đạo lý không có gì là bí ẩn; với người biết suy xét, hiểu được đạo lý không phải là khó khăn.
05/03/2011(Xem: 3681)
Áo nghĩa thư[1] thường được ghép vào trong phần phụ lục của Sâm lâm thư (Āraṇyaka), có khi lại được ghép vào trong phần phụ lục của Phạm thư (Brāhmaṇa), nhưng tính chất đặc biệt của nó như một chuyên luận riêng là điều luôn luôn được chú ý. Thế nên chúng ta nhận thấy trong một vài trường hợp, những chủ đề trông đợi được trình bày trong Phạm thư (Brāhmaṇa) lại thấy được giới thiệu trong Sâm lâm thư (Āranyaka), đôi khi bị nhầm lẫn thành một số lượng đồ sộ của các Áo nghĩa thư.
01/03/2011(Xem: 4023)
Vào khoảng cuối thế kỷ thứ VII đầu thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, nền tư tưởng triết học của Ấn Độ đã trải qua những thay đổi lớn lao cả về hình thức lẫn nội dung. Nó được đánh dấu bằng sự ra đời của các học phái phi Veda với nhiều học thuyết khác nhau, góp phần rất lớn làm suy giảm tầm ảnh hưởng của hệ thống Veda già cỗi. Và kể từ đây, lịch sử tư tưởng Ấn lại sang trang mới để rồi ghi nhận về sự tồn tại song hành của hai trường phái triết học khác nhau nhưng lại có quan hệ với nhau: hệ thống Bà-la-môn và hệ thống Sa-môn. Hệ thống Bà-la-môn lấy giáo nghĩa của Veda làm cơ sở và đang bước vào thời kỳ suy thoái.
22/02/2011(Xem: 4372)
Tôi không hề quan tâm đến chữ ism(...isme) [tức là chữ ...giáotrong từ tôn giáo]. Khi Đức Phật thuyết giảng Dharma[Đạo Pháp], Ngài không hề nói đến chữ ismmà chỉ thuyết giảng về một cái gì đó mà mọi tầng lớp con người đều có thể hấp thụ được : đấy là một nghệ thuật sống...[...]. Phải làm thế nào để trở thành một con người tốt – đấy mới chính là điều quan trọng. Thiền sư S. N. Goenka
19/02/2011(Xem: 4217)
“Chân lý cao cả nhất là chân lý này: Thượng đế hiện diện ở trong vạn vật. Vạn vật là muôn hình vạn trạng của Thượng đế…Chúng ta cần một tôn giáo tạo ra những con người cho ra con người”. (Vivekananda)
19/02/2011(Xem: 3094)
Từ cổ chí kim, trong thâm tâm của mỗi người luôn cố gắng tìm kiếm và vạch ra bản chất của thế giới, thực chất bản tính của con người, sự tương đồng giữa nội tâm và ngoại tại, tìm con đường giải thoát tâm linh… Mỗi người tùy theo khả năng của mình đã cố gắng vén mở bức màn bí ẩn cuộc đời. Vì vậy, biết bao nhiêu nhà tư tưởng, tôn giáo, triết học ra đời với mục đích tìm cách thỏa mãn những nhu cầu tri thức và chỉ đường dẫn lối cho con người đạt tới hạnh phúc. Nhưng mỗi giáo phái lại có những quan điểm, tư tưởng khác nhau. Ở đây, với giới hạn của đề tài, ta chỉ tìm hiểu bản chất triết học của Bà-la-môn giáo dưới cái nhìn của đạo Phật như thế nào.
19/02/2011(Xem: 2956)
Là một phần trong cái hùng vĩ nền triết học Ấn Độ, Bà-la-môn giáo và Phật giáo đã có sự đóng góp to lớn, không những trên bình diện triết lý u huyền mà còn để lại những ảnh hưởng sâu đậm trong từng nếp nghĩ, cử chỉ hay quan niệm sống của toàn thể dân tộc Ấn Độ. Và cũng vì là hai thực thể có cùng chung một dòng máu nên trong quá trình phát triển, cả hai đều đã có những ảnh hưởng nhất định lên nhau. Nhưng vì ra đời muộn hơn nên đã có không ít quan niệm cho rằng Phật giáo là sự hệ thống lại các tư tưởng Ấn độ giáo, hoặc cũng có ý kiến cho rằng đạo Phật là phản biện của chủ nghĩa tôn giáo Ấn... Còn có rất nhiều nữa những quan niệm hoặc là thế này hoặc là thế kia để so sánh những mệnh đề đã tồn tại từ lâu trong lòng của hai khối tư tưởng một thời đã từng được xem là đối kháng của nhau.
17/02/2011(Xem: 3107)
Nói rằng triết học Âu Tây giỏi và bảnh rồi, cho nên kiêu căng biệt cư, không cần chiếu “camé” vào để “thâu” một ít vốn ở các hệ thống triết học Á Đông nữa thì thật là không đúng. Nói rằng triết học Á Đông có một số mặc cảm rồi cam phận đơn cư thì lại càng tuyệt đối không đúng lắm nữa.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567