Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

20. Ái Ngữ

03/01/201916:16(Xem: 12526)
20. Ái Ngữ

Ái Ngữ

(giọng đọc Quỳnh Hoa)

 

Một lời nói đẹp, chân thành, có tính chất xây dựng niềm tin yêu chính là đóa hoa thơm ngát trong khu vườn văn minh của nhân loại.

 

 

 

Tiếp năng lượng cho nhau

 

Người xưa thường hay nhắc nhở: "Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Ta vốn có sẵn một thứ tài sản rất quý báu, có thể làm cho những người sống bên cạnh an vui và hạnh phúc mà không phải tốn kém tiền bạc hay công sức, đó là lời nói dễ thương - ái ngữ. Đúng là bản chất của ngôn từ không thể nào diễn đạt hết những điều sâu sắc của tình cảm hay sự vô cùng của chân lý, nhưng nó thật sự cần thiết để tiếp sức cho nhau trong những lúc khó khăn. Những lời nói nhẹ nhàng và ấm áp được phát ra từ cõi lòng bình yên và thái độ kính trọng, không những tạo nên cảm giác dễ chịu, mà còn có thể xoa dịu và nâng đỡ người nghe rất nhiều. Khi ta biểu đạt ra ngoài bằng hành động hay lời nói phù hợp với những gì đang xảy ra trong tâm thì năng lượng của nó sẽ được khuếch đại lên gấp nhiều lần. Do đó một lời nói chân thành, truyền tải được năng lượng an lành, đích thực là liều thuốc bổ giúp nhau mau chóng hồi phục sức khỏe và tinh thần.

 

Do mải mê với những quyền lợi riêng tư nên đã từ lâu rồi ta đã bỏ quên thói quen khen tặng nhau. Đôi khi ta lại sợ mở lời khen thì họ sẽ đánh giá trình độ ta chỉ mới đạt tới mức ấy nên ta đã không đòi hỏi họ nữa, hoặc sợ họ sẽ khinh lờn khi thấy ta có vẻ bằng lòng về họ. Nhưng thực tế thì ai cũng mong muốn được người khác công nhận và khen tặng một cách chân thành và đúng đắn về những gì họ đã cố gắng đạt được. Nhất là lời khen tặng của người mà họ thương yêu và tin tưởng. Dù họ chưa thật sự hoàn hảo, nhưng chính những lời nâng đỡ của ta sẽ giúp họ có thêm tự tin để đạt tới mức hoàn hảo. Khen ngợi ưu điểm người khác một cách thật lòng, vô điều kiện, là chứng tỏ ta đã vượt qua được sự tự mãn và thành kiến của ta về người ấy. Ta đã thấy và xác nhận giá trị đích thực của họ.

 

Nên nhớ, cái đẹp (mỹ) phải được sinh ra từ cái thật (chân) và tốt lành (thiện) thì mới là cái đẹp đích thực. Khi ta cố gắng làm cho người kia vui lòng bằng những lời trau chuốt bóng bẩy mà lòng ta không hề nghĩ và muốn nói như thế, tuy nó tạo nên những cảm xúc dễ chịu trong nhất thời, nhưng vô tình ta lại phủ lên nhau những bức màn ngăn cách. Ta thấy có nhiều người luyện tập cách nói năng cực kỳ khéo léo, hấp dẫn. Dường như lúc nào trên môi họ cũng có sẵn "hũ mật" nên rất dễ khiến người khác xiêu lòng khi bị họ thuyết phục. Thậm chí, khi họ không hài lòng về ta hoặc không thích ta mà ta cũng không tài nào đoán biết được. Đó cũng là cách trang điểm cho cái tôi, dùng cảm xúc tốt này trao đổi với cảm xúc tốt khác. Chỉ có những kẻ thiếu tinh tế và thiếu tự tin mới bị sập vào cái bẫy ấy. Trong khi bản chất của ái ngữ thì phải có tính xây dựng niềm tin yêu cho nhau.

 

Có nhiều người chỉ thích sống với cái thật chứ không chú trọng cái đẹp. Họ cho rằng sống đẹp mà không thật thì đó là hành động lừa đảo khôn ngoan nhất. Vì thế họ nói năng rất bộc trực để thể hiện rõ ràng điều mình muốn nói, dù có khi làm nát lòng kẻ khác. Đúng là sự thật là điều quý giá nhất trên đời. Nếu phải chọn lựa giữa cái đẹp và cái thật thì người có hiểu biết dĩ nhiên sẽ chọn cái thật. Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng lý tưởng như ta nghĩ. Nếu ta sống một mình thì không nói gì. Đằng này đối tượng thương yêu sống bên cạnh ta chưa đủ giỏi hoặc đang rất yếu ớt, mà nếu lúc nào ta cũng bắt họ phải chấp nhận những cảm giác cực kỳ khó chịu chỉ vì đó là cái thật thì họ sẽ rất bất mãn. Vì vậy, chỉ có lời nói chân thật thôi thì ta sẽ không đủ sức để nâng đỡ hay dẫn dắt kẻ khác.

 

Tuyệt vời nhất vẫn là sự kết hợp hài hòa giữa cái đẹp và cái thật. Như trong trường hợp nếu để người kia biết được sự thật có thể khiến họ ngã quỵ ngay lập tức thì bắt buộc ta phải dùng lời khéo léo để che giấu bớt. Không làm được như thế là ta thiếu trách nhiệm, ta có lỗi lớn. Tất nhiên, ta cũng không quên tìm cách trả lại sự thật khi họ đã thật sự đủ sức tiếp nhận. Có nhiều người không có khả năng sử dụng lời nói đẹp, mỗi khi họ lên tiếng là người khác cảm thấy rất nặng nề và mệt mỏi. Thế nhưng, họ lại rất tự hào vì cho rằng mình đang sống thật. Cái thật chỉ để phục vụ cho sự ích kỷ, không hề có ý thức tôn trọng hay chẳng giúp đỡ được gì cho kẻ khác thì đó không phải là cái thật của chân lý.

 

Ái ngữ còn là lời nói rất cẩn trọng khi nhận xét. Dù biết khả năng của người kia chưa đạt hay họ đã hành động sai trái, thì ta cũng không được tự cho mình cái quyền chê trách tùy tiện. Một câu tuyên bố lạnh lùng như: "Đừng nói nữa. Đi chết đi", hay thẳng thắn nhận xét: "Chẳng ra gì cả", hay một lời phán xét: "Đồ vô tích sự", hoặc một tiếng hằn học: "Không" để từ chối lời thỉnh cầu đều có thể khiến người kia tổn thương hoặc đẩy họ xuống vực thẳm. Tuy ta không có ác ý, nhưng trong nhất thời vì thất vọng hay tự ái nên ta đã buông ra cảm xúc rất độc hại. Nên nhớ lời nói luôn nằm sẵn trên môi, chỉ cần một kích động nhẹ của ngoại cảnh thì nó sẽ thay mặt cảm xúc nhảy vọt ra ngoài. Dù ta nhân danh bất kỳ điều gì đi chăng nữa thì lời nói cũng đủ thể hiện rõ trình độ hiểu biết và đạo đức của ta. Thế nên, lời nói cũng chính là kẻ vạch trần điểm yếu của ta một cách bất ngờ nhất.

 

Những lời nói gây nát lòng người khác thường xuất phát từ cảm xúc nóng giận nhất thời, như một loại phản ứng tự vệ dễ dàng và hữu hiệu. Nhưng khi bình tĩnh lại, ta vẫn luôn cảm thấy hối tiếc, nhất là khi biết được ta đã trách lầm người khác. Tiếc thay, người kia đã tin tất cả những lời ấy xuất phát từ suy nghĩ thật của ta, nên họ đã chấp chặt trong lòng. Dù sự hối lỗi chân thành của ta có khiến họ cảm động và chấp nhận bỏ qua, nhưng sự thật là họ không dễ dàng quên được. Nó vẫn còn in khắc sâu đậm trong tâm. Đúng là ngôn từ ấy không phải là tất cả con người ta, nhưng nói không phải là của ta thì cũng không đúng. Ta phải chịu trách nhiệm cho tất cả những gì mình đã tạo ra, dù chỉ là một lời nói.

 

 

 

Lắng nghe lời mình nói

 

Nếu thấy cách nói năng của ta còn quá vụng về, mỗi lần nói ra chỉ gây thêm sự hiểu lầm hay tổn thương kẻ khác, thì ta hãy nên thực tập im lặng một thời gian để nhìn lại mình. Ta cũng nên báo cho những người thân sống bên cạnh được biết, để họ khỏi thắc mắc và bảo vệ không gian thật yên tĩnh trong suốt thời gian ta không thể dùng lời nói để giao tiếp. Nếu cần, ta cũng nên dán bốn chữ "thực tập im lặng" trên áo để không bị người khác vô tình quấy nhiễu. Ta cũng nên tắt điện thoại, không chat trên internet và rời xa bất cứ phương tiện nào khiến ta dễ phản ứng nói năng hay suy tư vọng động. Trong trường hợp quá cần thiết, ta chỉ nên viết xuống tờ giấy chứ đừng vội vàng mở lời. Bởi ta đã quyết tâm thực tập im lặng tuyệt đối trong suốt ba ngày hay một tuần lễ để nhìn lại và sửa đổi cảm xúc ham thích nói năng, những ngôn từ thường sử dụng và cả thái độ ứng xử của ta trước nay. Trong suốt thời gian thực tập, ta cần phải bớt lại công việc để có nhiều cơ hội đối diện với tâm mình và quan sát chúng sâu sắc hơn. Nếu không khéo, vô tình ta lại dùng công việc để giết bớt khoảng thời gian thực tập im lặng thì ta sẽ làm sai lệch mục đích.

 

Trong khi làm việc gì ta cũng nên cố gắng làm chậm rãi hơn bình thường một chút, để quan sát thái độ của ta đang phản ánh lên công việc ấy. Ta nên tập mỉm cười mỗi khi nhìn thấy được những cảm xúc đi ngang qua, hay những ý niệm phát sinh trong tâm tưởng, kể cả khi chúng thúc giục ta nói năng hay hành động. Ta cần có một cuốn nhật ký để ghi lại tất cả những chuỗi phản ứng đó. Nhất là khi ta muốn lên tiếng để phản ánh về điều gì, dù đó là những ý nghĩ đen tối xuất hiện từ những ngõ ngách sâu kín. Khi có chút năng lượng quan sát, ta nên nhìn vào thói quen tự mãn hay độc tài của mình. Vì những phiền não đó thường là nguyên nhân chính khiến ta không thể nói năng dễ thương. Tuy không có ai làm đối tác, nhưng nếu quan sát tinh tế ta cũng sẽ nhận ra những phiền não ấy khi gặp phải những điều bất như ý nho nhỏ do chính ta gây ra. Hãy chấp nhận và thấu hiểu chúng.

 

Nếu thực tập nghiêm túc và đúng đắn, ta sẽ thấu hiểu về mình rất nhiều trong những ngày im lặng như thế. Ta sẽ không khỏi giật mình nhận ra từ bấy lâu nay ta chỉ chạy theo đối tượng bên ngoài, nên không hề biết trong tâm đã hình thành những nhận thức và thói quen rất đáng sợ. Ta từng cho rằng mình chưa hề khinh thường ai, nhưng ta không biết tại sao mình lại thiếu kính trọng khi nói chuyện với những kẻ yếu kém hơn mình. Cũng như ta luôn nghĩ mình đâu có căm ghét người ấy, nhưng ta vẫn không hiểu tại sao mình lại không thể sử dụng lời nói nhẹ nhàng với họ như khi trao đổi với bạn bè hay khách hàng. Nhờ dừng lại và nhìn sâu, ta mới phát hiện ra ta đã từng thấy mình quá quan trọng, tài giỏi và cống hiến nhiều, nên đã tự ban cho mình cái quyền nói năng tùy hứng mà không cần quan tâm đến cảm xúc của kẻ khác. Cũng vì sự ích kỷ nên ta đã không quyết tâm từ bỏ thói quen nói năng cộc cằn, thô lỗ, để đem tới năng lượng bình yên và tươi mát cho những người thân sống bên cạnh, dù họ đã khẩn thiết yêu cầu ta không biết bao lần.

 

Khi bắt đầu nói trở lại, ta nên giữ tốc độ chậm rãi để kịp nghe rõ từng câu chữ và quan sát được thái độ của mình. Thỉnh thoảng, cũng nên dừng lại để nhìn kỹ dòng cảm xúc và tâm ý nếu thấy mình đang nói tăng tốc. Thời gian đầu ta sẽ thấy hơi khó chịu. Vì trước nay ta chỉ quen nói tùy hứng, hoặc nói cho xong để đạt được mục đích, nên hầu như ta chỉ chú ý đến phản ứng của đối phương. Nhưng kiên nhẫn luyện tập chừng vài tuần, ta sẽ thấy mình có những thay đổi rõ rệt. Ta sẽ cảm nhận giọng nói của mình rõ ràng, tròn đầy và chắc chắn hơn. Ta sẽ thấy tự tin và thoải mái hơn khi trò chuyện với những đối tượng có uy lực lớn. Điều không ngờ là các mối quan hệ của ta sẽ được cải thiện rất nhanh. Nhất là những người đang sống bên cạnh sẽ rất biết ơn và nể phục tinh thần trách nhiệm của ta.

 

Điều thú vị hơn nữa là ta bỗng nhận ra rằng, mỗi lời nói khi được đặt trong phạm vi quan sát hợp lý thì nó sẽ tạo nên sức mạnh rất lớn. Nó vừa có thể thu phục những năng lực bạo động, vừa có thể nâng đỡ những tâm hồn yếu đuối. Cho nên một lời nói đẹp, chân thành, có tính chất xây dựng niềm tin yêu chính là đóa hoa thơm ngát trong khu vườn văn minh của nhân loại. Và chỉ có những ai sống thường trực trong tỉnh thức mới sở hữu được nó.

 

 

Ái ngữ thật nhiệm mầu

Tiếp năng lượng cho nhau

Như cam lồ tịnh thủy

Xoa dịu những niềm đau.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/02/2011(Xem: 3122)
Nói rằng triết học Âu Tây giỏi và bảnh rồi, cho nên kiêu căng biệt cư, không cần chiếu “camé” vào để “thâu” một ít vốn ở các hệ thống triết học Á Đông nữa thì thật là không đúng. Nói rằng triết học Á Đông có một số mặc cảm rồi cam phận đơn cư thì lại càng tuyệt đối không đúng lắm nữa.
14/01/2011(Xem: 14952)
Bản văn này chỉ giới thiệu những điểm chủ yếu có liên quan đến triết học Trung Quán một cách hết sức đơn giản, dù vậy, vẫn bao hàm được tất cả mọi yếu điểm cốt lõi của hệ phái Triết học này.
14/01/2011(Xem: 8490)
Viết về một triết học là đặt ra các câu hỏi về những vấn đề được bàn đến trong triết học đó. Trong trường hợp này, chúng ta thử viết một bài nghiên cứu mang tính phê bình về triết học Thế Thân.
13/01/2011(Xem: 3302)
Trong các lớp bậc trung học chúng ta cũng đã biết chút ít thế nào là tương tự. Hai bài toán có thể dùng cùng một phương cách để giải thì ta gọi đó là "quá trình tương tự hoá".
11/01/2011(Xem: 8516)
Lý Duy tâm của Phật giáo không công nhận có cảnh nào là cảnh thật, hết thảy các cảnh đều do tâm hiện, lá chuối cũng tâm hiện, bóng người cũng tâm hiện, như hoa đốm giữa hư không.
05/01/2011(Xem: 12747)
Triết thuyết Căn Bản của PG Đại Thừa
05/01/2011(Xem: 4007)
Tài liệu về Đại sư Khuông Việt quá ít ỏi , hầu như chỉ bao gồm trong chuyện kể về Ngài của Thiền Uyển tập anh , Cho đến nay những hiểu biết về Ngài chỉ căn cứ vào đó , chưa có những phát hiện gì mới ngoài những diễn dịch , phát triển suy đoán , lắm khi mang tính cường điệu . . Qua bài này như một góp ý nhò nhặt , người viết mong rằng những nhận định vế Đại sư lừng danh của nước Việt bớt đi những suy diễn chung chung , thiếu dẫn chứng, chỉ mang tính cường điệu mà thiếu tính khoa học ; đồng thời nhấn mạnh đến nhiệm vụ chung của nhà nghiên cứu là tìm thêm tài liệu , chứng cứ để củng cố những luận điểm nhằm vinh danh vị Tăng thống đầu tiên của nước ta .
05/01/2011(Xem: 3290)
Đạo đức học là một bộ phận của triết học nhằm dựa vào lý trí mà thiết lập một sự phân biệt giữa thiện và ác, giữa điều được làm và điều bị cấm làm, nhằm nêu ra một nguyên tắc tổng quát để xếp loại và đánh giá các hành động. Đạo đức học nhằm nêu định cứu cánh của mọi hành động hợp lý mà con người cố vươn tới, tức mục đích, lý tưởng của cuộc đời và tìm các phương cách giúp con người tiến tới mục đích lý tưởng ấy.
05/01/2011(Xem: 32084)
Từ ngày 6 đến ngày 16 tháng 6 năm 2007 này, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ viếng thăm Úc Châu, đây là chuyến thăm Úc lần thứ năm của Ngài để giảng dạy Phật Pháp. Mọi người đang trông đợi sự xuất hiện của ngài. Bốn lần viếng thăm Úc trước đây đã diễn ra vào các năm 1982, 1992, 1996, 2002, đặc biệt trong lần viếng thăm và hoằng pháp lần thứ tư năm 2002, đã có trên 110. 000 người trên khắp các thủ phủ như Melbourne, Geelong, Sydney, và Canberra đến lắng nghe ngài thuyết giảng để thay đổi và thăng hoa đời sống tâm linh của mình.
05/01/2011(Xem: 10473)
Phật giáo là một sự thực tập để đối trị khổ đau. Phật nói “ta chỉ dạy về khổ đau và vượt thoát khổ đau” [3] . Ðiều này đã được Phật phát biểu trong công thức của bốn sự thực thâm diệu [tứ diệu đế].
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567