Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12.Đêm Khuya Nghe Gió Thở Dài

26/10/201309:15(Xem: 27028)
12.Đêm Khuya Nghe Gió Thở Dài


Mot_Cuoc_Doi_01
12. Đêm Khuya
Nghe Gió Thở Dài




Mưa cuồng, gió quật, sấm chớp đùng đùng... Từng đám mây qua mùa nắng nóng dường như được rang cho khô quánh lại, bây giờ thấm ướt, nở phình ra, no ứ nước rồi đổ tràn trề, đổ xối xả xuống núi rừng, thảo nguyên, đồng ruộng, làng mạc...miền trung bắc Ấn. Những cơn mưa này mọi người chờ đợi đã lâu, từ sau tháng Vesākha, cây cối chỏng chơ, đất đai khô nẻ... đang muốn được hồi sinh! Từ từ, chầm chậm, không vội vã gì, từng cơn gió mùa xào xạc thổi qua, rồi từng cơn mưa chợt như nhẹ nhàng hơn, đều đặn hơn rơi xuống liên tục từ ngày này sang ngày khác...

Những tháng ngày khô nóng như rang người đã qua rồi. Cũng qua rồi thời kỳ mọi người chỉ muốn ngồi yên một chỗ, không động đậy, không nhích chân, nhích tay hằng giờ liền: họ muốn tiết kiệm năng lượng! Trước các sân nhà, ngoài đường, mưa đọng thành vũng, trẻ con trần truồng chạy nhảy, nghịch té nước, cười vang, nô đùa hồn nhiên. Các cụ già, bà lão, vươn vai, đứng bên ngưỡng cửa hoặc chường ra hiên chốc lát, nhìn ngắm mưa, hít thở bầu không khí trong lành, mát rượi...

Phong cảnh, sau đó, không mấy chốc thay đổi mau chóng, lạ thường. Như tay họa sĩ đại tài hoặc như tên phù thủy nhiều bùa phép, chúng biến những dòng sông lờ đờ, uể oải, nhác nhớm... thành những dòng chảy màu nâu, đỏ đục, lầu ngầu rác rưởi thành những chàng thanh niên mạnh khỏe, lao như điên, tràn sông, tràn bờ, tràn ao hồ... ồ ạt đe dọa làng mạc, cư dân, ruộng vườn... Mưa vùng này thì ít mà nước thì dâng rất nhanh, do các sườn núi từ Himalaya tràn xuống. Biết bao nhiêu là nhà cửa và đường sá bị ngập chìm. Ở đâu cũng bùn lầy, rác rến lều phều, cành củi lềnh phềnh, cây gãy, giậu đổ, nhà xiêu... Mọi người không đi đâu được. Thế giới loài vật bắt đầu lộng hành vì thiên nhiên tự do đã được trả lại. Một cảnh tượng hoang dã đổ tràn ra các ngả đường: Tha hồ là rắn, rít, bò cạp... bò ra khỏi những nơi ngập nước, lổn ngổn trườn trên những đám đất cao ráo; những chú ếch, nhái, ễnh ương... nhảy lóc chóc, kêu ồm ộp, oàm oạp bát nháo... bất kỳ chỗ nào, bất kể nơi đâu thuận lợi. Dường như chúng không còn sợ con người nữa. Ngay trong các tường nhà, thiên hô vạn hát là tắc kè, thạch sùng đua nhau chắt lưỡi, kêu réo, ngang dọc vô tư, ăn muỗi mòng, sâu kiến đến căng cả da bụng... Còn chuột đồng, chuột cống, chuột nhà... thản nhiên kiếm ăn bất kỳ đâu có củ thối, xác sình...

Theo chu kỳ thời gian, mùa tiết diễn ra đều đặn. Trong Cung Vui, thái tử chẳng đi đâu được. Và trong Cung Vui, chàng có hay biết gì chuyện mưa gió quấy nhiễu đất trời. Những bức tường dày ngăn cách âm thanh. Một lò sưởi lớn được thiết kế chỉnh chu, dẫn hơi ấm qua những ống đồng nhỏ len lỏi qua các phòng nên nơi đâu cũng khô ráo dễ chịu. Những bức tường là các họa phẩm thiên tài, màu sắc mùa xuân và mùa hạ đan xen hài hòa, cây lá, cỏ hoa... trông thật dịu dàng và mát mẻ. Âm thanh cuồng nộ của đất trời ở bên ngoài không lấn át được giai điệu nhẹ nhàng, yên tĩnh của nhạc công, ca nhi ở bên trong...

Thái tử của chúng ta bước lui, bước tới, bước ngắn, bước dài... Các ông hoàng đang chăm lo mọi công việc, chắc cũng kẹt ở đâu đó giữa mùa mưa của miền Trung bắc Ấn quỷ quái này. Thỉnh thoảng, Ānanda, Anuruddha, cậu bé Nanda... trùm mưa vượt ngựa sang chơi. Họ lại vầy những cuộc vui tao nhã, thanh lịch với trà bánh dị giản... Nhưng thái tử cũng không được vui, tâm trí của chàng dường như để ở đâu đâu.

Yasodharā từ đâu đó bước ra, khẽ khoát tay, đàn sáo ca ngưng bặt; nàng nói nhỏ với ba vị hoàng đệ:

- Hôm thái tử vào cung gặp phụ hoàng cùng các đức thân vương, bàn thử hai việc: Thứ nhất là mở trường đại học bách khoa tương tự như ở Takkasilā để đào tạo chuyên gia... Thứ hai là giảm một nửa lực lượng chiến sĩ, thay nhau làm ruộng cùng các ngành nghề khác... thì gặp sự im lặng đáng sợ của giới hoàng tộc.

- Rồi sau đó thì sao? Anuruddha vội hỏi.

- Đức thân vương Dhotodana, thân phụ của Bhaddiya nói là mở trường đại học, con cháu hoàng gia đâu có mấy người; chẳng lẽ cho cả thứ dân vào học ư? Lại nữa, nó sẽ rút cạn kiệt ngân khố của vương quốc! Thật là hoang tưởng!

Thái tử bước đến bàn sách, lựa lấy mấy tấm thẻ đồng rồi lặng lẽ ngồi xuống một bên, chàng nói:

- Kể nữa đi, Gopā! Nàng kể đúng y như nguyên văn vậy!

- Đức thân vương Sakkodana, thân phụ của Kimbila thì nói giọng hững hờ nhưng khá cay độc: Đây đúng là thời kỳ tiến bộ của dòng Sākya anh hùng, tập cấp chiến sĩ suy thoái xuống hai bậc, tình nguyện đứng sau cả bọn thương buôn! Đúng là một trang sử huy hoàng!

- Thôi, hết! Anuruddha thở hắt ra rồi quay sang thái tử - Còn thân phụ của đệ có ý kiến gì không?

- Thúc vương thì dè dặt, thận trọng hơn, ngài lặng lẽ rất lâu rồi mới phát biểu: Đào tạo chuyên gia là điều kiện tất yếu để phát triển đất nước. Đó là con đường duy nhất. Chúng ta nên hỏi ý hội đồng trưởng lão trong nay mai, chờ các ngài biểu quyết. Gia dĩ không mở trường đại học được thì tại sao chúng ta không thể cho con em hoàng gia đi du học ở Takkasilā?

- Tuyệt vời! Ānanda vỗ tay tán thưởng rồi hỏi tiếp - Thế còn thân phụ của đệ, có một câu góp ý nào nghe lọt lỗ tai không?

Thái tử mỉm cười:

- Thúc vương cũng tuyệt lắm, ngài nói rằng: Chúng ta đã từng phá lệ, mời ông chủ ngân hàng và mời thống đốc nghiệp đoàn làm quan đại thần để cố vấn kinh tế cho triều đình. Vậy tại sao thứ dân không thể trở thành người tài? Tập cấp chiến sĩ mà biết tiết kiệm ngân sách quốc gia, tự mưu sinh... thì quả là điều đáng mừng cho triều đại... Ồ! Đúng là tư tưởng của một vị Chuyển luân Thánh vương!

Ānanda sung sướng quá:

- Đệ phải chạy về ôm hôn thân phụ mới được...

Nandā hồi nãy giờ cũng lắng nghe câu chuyện của người lớn, đến đây, cậu nhướng mắt hỏi thái tử:

- Thế còn phụ hoàng của chúng ta?

- Vương phụ không quyết định được...

- Có phải là do hai thuận, hai chống?

- Ừ! Hoàng đệ giỏi lắm! Phải đợi hôm nào hội đồng trưởng lão cho ý kiến...

- Nhưng sao hoàng huynh lại buồn? Phần thắng sẽ về với chúng ta đấy!

- Không đâu, Nanda tiểu thúc! Yasodharā nói - Thái tử biết rõ chín phần mười là mình thua... Bảo vệ quyền lợi của tập cấp Sát-đế-lỵ là chiến lược hàng đầu của đa phần chư vị trong hội đồng trưởng lão!

Mọi người đều có vẻ đăm chiêu, nghĩ ngợi... Thái tử đưa những thẻ đồng đến cạnh ánh đèn, đọc cho mọi người nghe vài đoạn rồi nói rằng:

- Trí khôn của người xưa phối hợp uyển chuyển với những điều nghiên, nghị bàn của chúng ta bấy lâu nay, ắt sẽ có một chính sách khả toàn; tuy nhiên, có một cái gì đó ta linh cảm sẽ bị trở ngại...

Đêm. Không gian chìm vào yên lặng. Có tiếng gió nào đó thở dài từ rất xa... Chỉ có thái tử là nghe được âm thanh vô hình ấy:

- Ta đã bay đi từ muôn trùng hư ảo

để đến với muôn trùng hư ảo

Ta đã bay đi từ những đổ vỡ bất toàn

Để đến với những đổ vỡ bất toàn

Hỡi trăng! Hỡi sao!

Sự lấp lánh chiếu soi của ngươi

Hư vô không hề biết

Mà người mẹ đất cũng không hề biết

Rồi mây đen lại ùn ùn kéo tới

Rồi ngã mạn, kiêu căng ùn ùn kéo tới

Rồi thời gian sẽ nghiền nát ngươi

Rồi thời gian cũng sẽ chẻ vụn đôi cánh của ta

Có những cổ thành đã đi vào hoang phế

Có những lịch sử liệt oanh

được xây dựng bởi xương trắng và sọ người

Bởi sự ngu si, bạo tàn và hủy diệt

Ta không có vinh quang

Mà ngươi cũng không có vinh quang

Đều là sự hiện hữu rỗng không

Có đó và mất đó

Đều là trò chơi ảo hóa

Của thần sinh và thần tử

Chúng hý lộng và cười cợt

Sự khôn ngoan của đất trời từ sơ thủy

Rồi hang thẳm Rāgu nuốt chửng

Rồi nhiệt huyết của nắng ấm và mưa lành

Cũng bị bất toàn nuốt chửng

Cũng bị đổ vỡ nuốt chửng

Cũng bị hư vô nuốt chửng

Còn lại những ký hiệu vô nghĩa

Còn lại những ẩn số tối tăm và khó hiểu

Còn lại hạt bụi, sương hay giọt lệ

Nó lăn tròn và tan đi

Ta tan đi và ngươi cũng tan đi

Vô tăm vô tích...

Đêm ấy.

- Hãy ngủ đi, Gopā! Hãy ngủ một giấc cho ngon! Đừng thấy gì cả, đừng nghe gì cả! Đêm đã sâu lắm rồi!

Thái tử lẩm nhẩm không rõ mình đang chiêm bao mơ màng hay là đang tỉnh thức!

Hôm nay là một hội nghị đột xuất, đặc biệt. Mặc dầu mưa gió, sự đi lại khó khăn, nhưng đức vua Suddhodana vẫn triệu tập các đức thân vương và hội đồng trưởng lão để lắng nghe ý kiến của thái tử và các ông hoàng trẻ tuổi về kế hoạch phát triển đất nước. Chỉ một số ít vắng mặt không đáng kể, những nhân vật quan trọng đều hiện diện tương đối đầy đủ.

Với những chứng liệu cụ thể, xác thực, thái tử trình bày những nguyên nhân làm cho vương quốc không thể thịnh cường. Khái quát là bởi những lý do chính:

- Đất đai mười phần mà diện tích canh tác chỉ một phần, đa phần đã bị bỏ hoang.

- Rừng chiếm một nửa đất nước nhưng khai thác củi gỗ than một cách bừa bãi làm cho hoang hóa nhiều.

- Bốn mươi mốt ngàn nông dân và mười bảy ngàn thợ thuyền trực tiếp tạo ra của cải xã hội với kỹ thuật lạc hậu, dụng cụ thô sơ không đủ sức nuôi hơn một trăm ngàn dân mà mức sống cao hơn họ một lần, hai lần, mười lần cho chí một trăm lần! Ngoài ra, người già cả, ốm đau, bệnh hoạn, tật nguyền, trẻ em là gánh nặng xã hội lại chiếm đến hơn ba mươi ngàn!

- Các buổi lễ tế đàn, súc vật như cừu, dê... bị giết để lấy máu tế thần, mỗi năm có đến năm bảy trăm ngàn con. Nhân dân tiêu tốn cho các thầy bà-la-môn tư tế ở các đền miếu, thị trấn, làng xã... về hàng chục loại lễ khác nhau có thể lên đến cả từng thúng vàng, thúng bạc...

- Chi phí hằng năm cho mười ngàn chiến sĩ Sát-đế-lỵ về lương hướng, khí giới, quân nhu... chiếm dụng hết một phần năm tài sản quốc gia.

- Các ông chủ ngân hàng cho vay quá nặng lãi. Các chủ nghiệp đoàn vắt kiệt sức lao động của thợ thuyền nhưng cho họ hưởng một đồng lương quá thê thảm để tồn tại chứ không phải để sống!

- Không có trường học nào cho con em các giai cấp. Chỉ có hoàng gia, quý tộc, các gia đình giàu có mới nuôi nổi các thầy bà-la-môn học thức làm gia sư. Tình trạng này làm cho đất nước ta thiếu nhân tài để phục vụ dân sinh...

Thái tử trình bày xong, khiêm cung cúi chào các bậc trưởng thượng rồi ngồi xuống. Các ông hoàng, bạn bè thân hữu của thái tử, những đồng chí, đồng sự cùng một tâm cổ vũ, tán thưởng, vỗ tay bôm bốp... Riêng hội đồng trưởng lão thì ngồi yên, im, lặng ngắt. Họ thấy rõ thái tử đã chẩn đúng căn bệnh. Đã ngạc nhiên đến lạnh người khi thái tử chỉ ngồi một chỗ mà thấy được toàn cục của quốc gia... Ồ, nó đúng như vậy thì phải làm sao? Ồ, nguy hiểm đến thế, nhưng từ lâu, tại sao không ai hay biết? Hằng chục, hằng trăm cuộc họp của hội đồng, bấy lâu chỉ bàn việc tế trời, tế đất, tế thần; chỉ để phân chia quyền lợi cho dòng trưởng, dòng thứ...; chuyện quan hôn, tang tế... hoặc chuyện tranh chấp đất đai của hoàng gia, quý tộc... Cho chí việc nhỏ mọn như con chim hạc thuở xưa hội đồng trưởng lão cũng phải họp bàn...

Một vị trưởng lão quắc thước đứng lên:

- Thái tử đã đưa ngón tay chỉ đúng vào huyệt đạo của sự đói nghèo, hội đồng nguyên lão rất cảm ơn. Nhưng biện pháp? Tức là đơn thuốc để chữa trị căn bệnh ấy? Hội đồng rất muốn được nghe qua.

Thái tử và các ông hoàng đã họp bàn từ trước. Chính thái tử đã đưa ra từng biện pháp, đã hướng dẫn cách phát biểu và đã phân công trách nhiệm cho từng người. Nên sau khi được hội đồng trưởng lão chất vấn, các ông hoàng, thay mặt thái tử, lần lượt đứng lên, trình bày từng điểm một.

Ānanda phụ trách ruộng đất, đã trình bày rất rõ ràng toàn bộ diện tích đất đai trong lãnh thổ; về rừng, về sông ngòi, thành phố, thị trấn, làng mạc, ruộng vườn... chiếm bao nhiêu diện tích; bao nhiêu đất hiện đang canh tác và bao nhiêu đất hoang phế, cỗi cằn... rồi kết luận:

- Xin thưa, là phải canh tác cho hết trên dưới chín trăm do-tuần vuông (mỗi bề ba mươi do-tuần ) ruộng đất bị bỏ hoang. Nhà nước phải cung cấp dụng cụ sản xuất, phân giống; ngoài ra phải tuyển cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cho nông dân cách ươm trồng, chăm sóc, gieo gặt... bảo đảm năng suất cho được cao hơn. Phải cần có chuyên gia phụ trách nông nghiệp... Đấy là điều quan trọng nhất cần đưa lên chính sách ưu tiên một để cải thiện dân sinh!

Ānanda có biết gì về lãnh vực ruộng đất? Hội đồng trưởng lão đã đưa mắt nhìn nhau... ngạc nhiên! Rồi còn kỹ thuật, chuyên gia? Cái gì thế? Họ đâu có biết rằng, các ông hoàng ham chơi của họ, nhờ sống gần thái tử, họ không còn ngây thơ nữa, đã có tâm nghĩ đến người khác rồi. Và những hiểu biết về nhiều lãnh vực, chúng nằm trong những ký tự khó hiểu thuộc truyền thừa của dòng giống Aryan, thái tử học được rồi trao truyền cho huynh đệ kiến thức ấy.

Vì hội đồng muốn nghe tất cả nên đến phiên Kāḷudāyi, phụ trách về tài nguyên, môi trường; chàng nói những điểm chính yếu nhất.

- Rừng chúng ta hiện có hơn bảy trăm do-tuần vuông, nhưng đã hơn hai trăm do-tuần vuông mọi người khai thác củi gỗ và săn bắn bừa bãi. Phải đầu tư trồng rừng mới, phải nghiên cứu cây trồng thích hợp, lãnh vực này cần có chuyên gia... Các loại gỗ quý phải biết cách khai thác, sử dụng. Các loại trầm chiên-đàn là tài nguyên phong phú của đất nước, phải cần có một bộ phận chuyên môn nghiên cứu khai thác và tiêu thụ. Rừng chúng ta cũng hàm tàng những dược thảo quý hiếm, vừa khai thác, chế biến để chữa bệnh cho hoàng gia, dân chúng, đồng thời còn có khả năng bán sang các nước lân cận. Việc này cần nhiều nhà chuyên môn, lương y. Săn bắt động vật rừng cũng phải có kế hoạch, phải có giấy phép của hoàng gia. Ngoài ra, cần đào tạo chuyên gia nông nghiệp, chuyên gia khai thác khoáng sản như vàng, bạc, đồng, chì, sắt...; chuyên gia về đất đai, thổ nhưỡng... tất tần tật. Nói tóm lại là phải cần có trường đại học bách khoa... mới mong nói đến việc dân giàu, nước mạnh...

Kāḷudāyi ngưng nói đã lâu mà hội đồng trưởng lão vẫn im lặng. Họ không biết tại sao bọn trẻ lại biết rõ ràng nhiều lãnh vực mà từ lâu tuy họ quan tâm nhưng đã không giải quyết được... Chưa thôi, bây giờ lại đến phiên Bhaddiya, Kimbila, Anuruddha, Bhagu, Mahānāma; họ lần lượt trình bày về vấn đề giải thể bớt một phần hai quân số chiến sĩ để giảm bớt gánh nặng ngân sách; quan đại thần phụ trách kinh tế, thương mãi phải nắm các ngân hàng tư nhân để ấn định, chế tài giá cả cho vay, điều chỉnh lương hướng thợ thuyền cho hợp lý tại tất cả các nghiệp đoàn; nâng đỡ nông dân bằng cách giảm thuế má nông nghiệp nhưng lại cung cấp phân, giống, dụng cụ sản xuất... Muốn có người tài giúp nước phải khuyến khích con em các giới theo học các trường học của vương quốc - bắt buộc phải mở trong tương lai; con em hoàng gia, quý tộc phải tự túc để đi học đại học Takkasilā. Hoàng gia, quý tộc phải tiết kiệm trong ăn tiêu, chi dùng... Phải kiểm soát các cuộc tế đàn, lễ lạt tốn kém sức người, sức của... Phải ra lệnh cấm giết hại súc vật để tế thần lửa và các vị thần mơ hồ chẳng ích dụng gì cho cuộc đời... Phải thẳng tay trừng trị bọn bùa phép ru ngủ ngu dân... Giảm thiểu chi phí ngân sách quân đội mà tăng cường ngoại giao hòa bình mới là khôn ngoan. Nên có chính sách liên minh với Koliya tương tợ sự liên minh của liên bang Vajjī để tạo sức mạnh và ổn định lâu dài... Bỏ bớt các cuộc họp vô ích, phù phiếm giải quyết các công việc nhỏ nhen hoặc sự tranh tụng, kiện cáo của hoàng gia. Phải giải phóng nô lệ, cho họ một số quyền lợi để họ tăng gia sản xuất. Khuyến khích tất cả các giới lao động sản xuất, làm ruộng để tăng thêm của cải cho xã hội. Phải có bệnh viện miễn phí để chăm sóc sức khỏe cho lê dân. Phải có chính sách hợp lý để săn sóc người khuyết tật, già cả, trẻ em... Nói tóm lại là tất cả giới lãnh đạo phải biết hy sinh quyền lợi của mình, đồng cam, cộng khổ để đưa đất nước đi lên... Phải dũng cảm đứng thẳng dậy, phải thức tỉnh... tất cả chúng ta đã ngủ gục quá lâu, ngủ gục trên vinh hoa, tự mãn và biếng nhác - thì làm sao thoát khỏi thân phận đói nghèo, lệ thuộc...!

Các ông hoàng trẻ say sưa nói, nhiệt huyết bừng bừng mà không hề để ý phản ứng của hội đồng trưởng lão. Thái tử không ngăn được. Lúc nói xong thì nghị trường đã trống vắng hơn một nửa... Thái tử biết mình đã thất bại. Đức vua Suddhodana trìu mến nhìn các ông hoàng, thở dài, nói:

- Chính sách hay, rất thuyết phục... nhưng do nóng vội thành ra hỏng cả. Quyền hạn của ông vua bộ tộc rất nhỏ, các con ạ! Trong lúc này, ta mà theo các con thì ít hôm nữa sẽ có người trình tấu lên đại vương Kosala, chưa chừng, ngay ta cũng bị bãi nhiệm!

Đêm về, đã khuya, thái tử trằn trọc không ngủ được, lại nghe tiếng gió thì thào ở bên tai:

Ta đã đi qua bao cuộc phế hưng

Ta đã lang thang qua biết bao nhiêu thời đại và lòng người tối tăm và vị kỷ.

Ánh sáng không thể đến được hang sâu

Chân lý không giải quyết bằng miếng cơm và manh áo

Thế gian quay cuồng ngược xuôi, tự mãn bởi kiêu căng và dục vọng.

Ai cắn xé nhau cứ mặc

Ai điên cuồng cướp giật lẽ công bằng và sự sống thì kẻ đó là anh hùng.

Có quỷ ma cài vương miện

Có ngu si đồng lõa

Và ngục tù tối đen khóa chặt trái tim người.

Ta là lang thang gió

Ta đã đi qua sa mạc, đồng bằng, núi lửa.

Ta đã cùng với hư vô đào huyệt thế gian này

Khá thương cho những ai loay hoay với kế hoạch đại toàn.

Thành công cũng rỗng không

Mà thất bại cũng rỗng không

Nước mắt, niềm vui cũng chỉ là cuộc đánh đố của con xúc xắc.

Rồi ai cũng cháy túi ra về

Rồi tử ma đợi chờ bên ngưỡng cửa

Rồi thống khổ điêu tàn

Rồi tàn tro đốm lửa

Cháy bập bùng.

Và ta quạt gió lên

Đã muôn triệu kiếp rồi

Ngươi có nghe chăng?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/10/2024(Xem: 945)
Thân-Khẩu-Ý (身-口-意; P: Kāya-Vacī-Mano; S: Kāya-Vak-Mana; E: Body-Speech-Thought) là 3 thứ tách biệt nơi con người, nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó, Ý là yếu tố có sự tác động đến cả Thân và Khẩu. Nếu một hành động của Thân hay lời nói của Khẩu mà không có Ý tác động vào thì khó mà có kết quả.
19/10/2024(Xem: 778)
Tứ y pháp (四依法; S: Catuḥpratisaraṇa; E: The four reliances) là 4 pháp phương tiện quan trọng theo quan điểm của Phật giáo Bắc truyền, với mục đích giúp hành giả rõ biết pháp nào nên hoặc không nên nương tựa, nhằm thành tựu giác ngộ, giải thoát.
14/10/2024(Xem: 1715)
Bầu không khí chính trị trên thế giới hiện nay đang nóng bỏng vì khuynh hướng độc tài, cực đoan, chia rẽ, hận thù và cuồng vọng không thua kém gì bầu khí quyển của địa cầu đang nóng dần lên do khí thải nhà kính gây ra. Cả hai đều do con người tạo ra và đều là thảm họa cho nhân loại! Nhưng thảm họa này không phải là điều không thể giải quyết được, bởi lẽ những gì do con người gây ra cũng đều có thể do con người ngăn chận và hóa giải được. Cụ thể là hàng chục năm qua, Liên Hiệp Quốc đã nỗ lực kêu gọi, bằng các nghị quyết, các quốc gia cố gắng thực hiện các biện pháp giảm khí thải nhà kính, với các chính sách cắt giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, gia tăng sản lượng xe chạy bằng điện năng, v.v… Dù kết quả chưa đạt được mức yêu cầu, nhưng cũng đã gây được ý thức và thể hiện quyết tâm của cộng đồng thế giới trong việc giải quyết thảm họa của khí thải nhà kính.
04/06/2024(Xem: 4390)
Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến. Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành. Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:
27/05/2024(Xem: 1053)
Theo quan niệm của Phật giáo, Khổ (zh. 苦, sa. duḥkha, pi. dukkha) là cơ sở quan trọng của Tứ Diệu Đế. Chúng ta thường nghe nói, “Đời Là Bể Khổ.” Phật Giáo phân loại Khổ rất luận lý khoa học: Tam Khổ (Khổ khổ [sa. duḥkha-duḥkha,] Hoại khổ [sa. vipariṇāma-duḥkha,] và Hành khổ [sa. saṃskāra-duḥkha.] Ngoài ra còn có Bát khổ. Sinh – Lão – Bệnh – Tử gọi là tứ khổ. Cộng thêm 4 cái khổ khác nữa là: Ái biệt ly khổ - 愛別離苦(あいべつりく): Yêu nhau mà chia lìa nhau là khổ vậy. Cầu bất đắc khổ - 求不得苦(ぐふとくく): Cầu mà không được chính là khổ vậy. Oán tắng hội khổ - 怨憎会苦(おんぞうえく): Ghét mà phải ra vào gặp mặt hàng ngày là khổ vậy. Ngũ ấm xí thạnh khổ - 五蘊 盛苦(ごうんじょう): No cơm ấm cật quá cũng khổ.
30/04/2024(Xem: 3278)
Những lời trích dẫn trên đây thật đanh thép và minh bạch, chữ vu khống trong câu trích dẫn trên đây trong bản gốc bằng tiếng Pali là chữ abbhācikkhanti (abhi + ā + cikkh + a), các tự điển tiếng Anh dịch chữ này là accusation, calumny, slander…, có nghĩa là kết án, phỉ báng, vu khống…. Thế nhưng trong khi viết lách hay thuyết giảng đôi khi chúng ta không nghĩ đến những lời cảnh giác trên đây của Đức Phật. Sau hơn hai mươi lăm thế kỷ quảng bá, xuyên qua nhiều vùng địa lý, hòa mình với nhiều nền văn minh và văn hóa khác nhau, nền Tư tưởng và Giáo huấn của Đức Phật đã phải trải qua nhiều thử thách, thích ứng với nhiều dân tộc, do đó thật khó tránh khỏi ít nhiều biến dạng và thêm thắt. Thế nhưng thực tế cho thấy trong suốt cuộc hành trình kỳ thú và vĩ đại đó – nếu có thể nói như vậy – nền Tư tưởng và Giáo huấn đó của Đức Phật vẫn đứng vững và đã góp phần không nhỏ trong công trình cải thiện xã hội, nâng cao trình độ văn hóa, tư tưởng và mang lại ít nhất là một chút gì đó lý tưởng hơn, cao đ
30/04/2024(Xem: 3834)
Con người thường hay thắc mắc tại sao mình có mặt ở cõi giới Ta Bà này để chịu khổ triền miên. Câu trả lời thường được nghe là: Để trả nghiệp. Nhưng nghiệp là gì? Và làm sao để thoát khỏi? Then chốt cho câu trả lời được gói ghém trong 2 câu: “Ái bất trọng, bất sanh Ta Bà Niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Độ” Có nghĩa là: “Nghiệp ái luyến không nặng, sẽ không tái sanh ở cõi Ta Bà Niệm Phật không nhất tâm, sẽ không vãng sanh về Tịnh Độ”
18/02/2024(Xem: 3884)
Bát Chánh Đạo là con đường thánh có tám chi nhánh: Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Đây là con đường trung đạo, là lộ trình kỳ diệu giúp cho bất kể ai hân hoan, tín thọ, pháp thọ trong việc ứng dụng, thời có thể chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, giải thoát, niết bàn. Bát Chánh Đạo là Chơn Pháp vi diệu, là con đường đưa đến khổ diệt, vượt thời gian, thiết thực trong hiện tại, được chư Phật quá khứ, Đức Phật hiện tại và chư Phật tương lai chứng ngộ, cung kính, tán thán và thuyết giảng cho bốn chúng đệ tử, cho loài người, loài trời để họ khai ngộ, đến để mà thấy, và tự mình giác hiểu.
07/02/2024(Xem: 7838)
Từ 1983 đến 1985 khi đang ở Singapore, bận bịu với chương trình nghiên cứu Phật giáo tại Viện Phát triển Giáo Trình, tôi được Tu viện Phật giáo Srilankaramaya và một số đạo hữu mời giảng bốn loạt bài pháp nói về một vài tông phái chính của Phật giáo. Các bài giảng được ưa thích, và nhờ các cố gắng của Ô. Yeo Eng Chen và một số bạn khác, chúng đã được ghi âm, chép tay và in ấn để phát miễn phí cho các học viên. Kể từ đó, các bài pháp khởi đi từ hình thức của các tập rời được ngưỡng mộ và cũng được tái bản. Sau đó, tôi nhận thấy có vẻ hay hơn nếu in ấn bốn phần ấy thành một quyển hợp nhất, và với vài lần nhuận sắc, xuất bản chúng để cho công chúng dùng chung.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]