Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Lời Tiên Tri Của Đạo Sĩ Asita

26/10/201309:01(Xem: 26508)
04. Lời Tiên Tri Của Đạo Sĩ Asita
Mot_Cuoc_Doi_01
04

Lời Tiên Tri

Của Đạo Sĩ Asita




Toán phi mã cấp tốc mang tin lành về cung, đức vua truyền xa giá cùng toán quân hộ vệ thân tín rước hoàng hậu và hoàng nhi về triều. Tứ đại Thiên vương thâu hào quang, biến thành phàm phu cùng theo đoàn nghinh giá. Nhạc trời bay bổng, du dương và mưa hoa phấp phới tung bay suốt trên lộ trình. Chư thiên dùng phép ẩn thân xuống trần chung vui cùng trăm họ.

Thuở ấy, ở đỉnh cao Himalaya phủ tuyết trắng, có đạo sĩ Asita còn được gọi là Kāḷadevila đang ẩn cư. Ngài là bậc chân tu, đã đắc bát thiền và ngũ thông, tuổi cao, đức trọng; là bậc thầy của vương triều Sākya, thường được đức vua Suddhodana thỉnh đặt bát. Thỉnh thoảng, sau khi độ ngọ, ngài bay lên cung trời Đao-lợi để nghỉ trưa.

Sớm mai kia, vừa xuất định, đạo sĩ Asita chợt nghe trong hư không, tiếng gió rì rào, trong hương ngàn thoang thoảng... niềm hân hoan vui mừng của chư thiên. Đạo sĩ nhiếp tâm lắng nghe. Quả đất rung rinh dao động. Khắp mấy tầng trời nhã nhạc tưng bừng. Như viên lực sĩ với thời gian co tay vào hay duỗi tay ra, đạo sĩ Asita ngay tức khắc đã có mặt ở cõi trời Ba Mươi Ba! Thiên chủ Sakka cùng chư thiên hôm nay phục sức đẹp lộng lẫy chưa hề có; chư thiên nữ kết tràng hoa tươi thắm, vũ ca xướng hát nhí nhảnh và vui tươi như những khúc trường xuân.

Thấy đạo sĩ xuất hiện, đoàn vũ ca ngưng bặt. Thiên chủ Sakka cung tay chào.

- Hôm nay đạo sĩ lại quá bộ lên chơi!

Đạo sĩ Asita cười đáp:

- Vâng! Không biết hôm nay có chuyện gì mà cả thiên đình có vẻ vui tươi hớn hở đến thế?(1)

- Đức đại bồ-tát vừa giáng sanh trên trần thế, sau này nhất định sẽ thành bậc Chánh Đẳng Giác không là điều đại hỷ sao, thưa đạo sĩ?

- Vâng! Nhất định vậy rồi, nếu đấy là sự thật!

Nói xong, khẽ cúi chào vua trời Sakka (Đế Thích), trong nháy mắt, đạo sĩ đã có mặt ở nhân gian. Thân gầy như hạc, tóc trắng như tuyết, đạo sĩ bước xuống từ đỉnh mây, chống hờ chiếc gậy trúc, thanh thản theo điềm báo triệu hỷ hoan của gió ngàn mà đi. Trước mắt đạo sĩ, đất trời như đổi khác. Nước biếc non xanh như phủ một làn khí nhẹ thanh bình. Vầng thái dương tuôn chảy ấm áp, hắt một thứ ánh sáng dịu dàng, mềm mại. Muôn chim ca hát líu lo, gõ hồi, điểm nhịp, réo rắt một khúc hợp tấu tươi mát lòng người. Đạo sĩ già nua cũng vui lây với vạn vật, máu huyết trong người ông chợt chộn rộn, nôn nao như được tiếp truyền thêm sinh lực. Hai chân của đạo sĩ nhẹ nhàng như sóng gợn trên đầu cỏ, trôi chảy thoăn thoắt dường như không một chút dụng sức nào...

Đến một xóm làng thấy nhân dân mở hội vui chơi, đạo sĩ dừng lại. Ai ai, mặt mày cũng hân hoan, đeo vòng hoa, mặc áo đẹp, nói cười nô nức...

Đạo sĩ hỏi:

- Có chuyện gì mà bà con mở hội vui tươi, hí hửng như thế?

Thấy một cụ già tiên phong đạo cốt, mọi người rất kính trọng, trả lời:

- Tiên nhơn không biết sao? Lệnh bà, hoàng hậu của đức vua Suddhodana vừa hạ sanh một quí tử. Tin truyền là đức vua sẽ ân xá tội tù, giảm thuế má, xuất của công cho trăm họ tiệc tùng vui chơi trong nửa tuần trăng!

Đạo sĩ gật đầu, tủm tỉm cười:

- Vậy là tốt! Vậy là điều đáng hoan hỷ!

Càng gần đến kinh thành Kapilavatthu, khung cảnh khắp nơi dường như càng tưng bừng náo nhiệt hơn. Lần này đạo sĩ không hỏi, mà xen vào đứng trong một đám đông người. Một chàng trai sát-đế-lỵ, có lẽ là dòng dõi Sākya đang say sưa, ba hoa nói:

- Lúc thọ thai, hoàng hậu tôn quí và nhân đức của chúng ta có một giấc mộng rất lạ lùng, quí bà con cô bác không biết đâu! Và bây giờ sinh ra cũng vậy, lạ lùng lắm! Đúng là con của thần linh!

- Lạ lùng như thế nào, thưa tướng công? Một người cất tiếng hỏi.

Chàng trai sát-đế-lỵ cười xòa rồi sau đó lủi mất. Một đám đông kế cạnh lại có người đang nói lên tấm lòng nhân ái của hoàng hậu Mahāmāyā đã hằng chục năm rộng tay bố thí và cứu vớt những người nghèo khổ. Bà lại tịnh tu trai giới. Quý hơn nữa, bà còn cứu tế thuốc men và tận tụy chăm sóc cho người bệnh neo đơn, cô độc!

- Đúng là vị bồ-tát!

- Chứ sao? Người khác cướp lời, cao giọng tiếp - Vì vậy cho nên thượng đế Indra mới cho người con trai yêu quí của mình giáng phàm, sinh ra đã biết nói, đi bảy bước nở bảy hoa sen? Thế gian này, từ xưa, từ thuở mặt trời, mặt trăng xuất hiện đến nay - có ai được như vậy, phải không?

Người khác phụ họa:

- Đúng vậy! Nghe nói ấu hoàng tuấn mỹ phi phàm, thanh cao, tú lệ...! Rõ không phải là người trần!

Vừa đến ngang đây thì bên kia đường phố có tiếng loa truyền của quân lính hoàng gia:

- Nghe đây! Nghe đây! Đức vua của chúng ta vừa hạ sanh một quí tử nên muốn chia vui cùng với trăm họ. Vậy ngày mai, tất cả tội tù đều được ân xá, các loại thuế má đều được giảm khinh. Riêng thuế nông nghiệp thì hoàn toàn được bãi miễn suốt ba mùa vụ. Khắp nơi, tại các công đường, lệnh đức vua là cho xuất công quỹ để dân chúng mở hội vui chơi! Nghe đây! Nghe đây...!

Đạo sĩ Asita lại gật đầu, tủm tỉm cười lần nữa!

Lát sau, ngài đã đứng trước cổng hoàng thành, nói với lính canh:

- Bần đạo là Kāḷadevila ở Tuyết Sơn, muốn được vào cung để chiêm ngưỡng dung nhan của hoàng tử!

Nghe tin, đức vua Suddhodana cả kinh, hối hả cho người ra nghinh tiếp, cung kính mời ngồi, sai dâng nước rửa chân tay và nước uống.

Đạo sĩ nói:

- Nhân dân cả nước đang nô nức vui mừng đấy, tâu bệ hạ!

- Trẫm vẫn cầu mong được như vậy! Hạnh phúc của họ chính là hạnh phúc của trẫm!

- Hoàng hậu vốn có tấm lòng nhân đức từ lâu nhưng bệ hạ nào có kém gì!

Đức vua Suddhodana vòng tay khiêm tốn:

- Trẫm không dám!

- Xem ra, vị ấu hoàng này không phải là người thường! Bần đạo muốn chiêm ngưỡng ngài một lát!

Đức vua Suddhodana rất đỗi vui mừng, vội truyền cho thị nữ bồng hoàng tử ra đảnh lễ đạo sĩ. Trước sự kinh ngạc của đức vua, hoàng hậu, các vị lão thần, cung nga thể nữ; hoàng tử bỗng nhiên quay về phía đạo sĩ và đặt trọn cả hai chân lên mái đầu bạc phơ của ông!

Đang ngồi trên ghế, vị đạo sĩ già vội vã trỗi dậy, rất lấy làm kinh sợ, nghĩ rằng: “Vị ấu hoàng này oai đức lớn quá, vậy ta không nên tự làm hại mình!”; rồi lật đật bò sập xuống đất, hết sức thành kính cúi đầu đỡ hai chân của đại bồ-tát. Đức vua Suddhodana thấy vị chân tu, đạo cao, đức trọng làm vậy, cũng đâm ra sợ hãi, quỳ xuống lạy theo(1).

Đạo sĩ Asita vốn là bậc lão thông điềm triệu, tướng pháp, lại có cả bát định và ngũ thông. Riêng túc mạng thông thì ngài có khả năng thấy biết về quá khứ bốn mươi kiếp, thấy biết về vị lai hai mươi kiếp. Nên sau khi chăm chú quan sát bồ-tát một hồi, đạo sĩ khẳng định rằng: “Đức ấu nhi này, ba mươi lăm năm sau sẽ đắc quả vị Chánh Đẳng Giác không sai!”

Nghĩ vậy, đạo sĩ mỉm cười, niềm vui bừng bừng như một làn nắng hồng ửng trên khuôn mặt già nua. Ông cảm thấy mừng cho chư thiên và nhân loại. Bậc Đại Giác mà ra đời là kết tụ tất cả tinh hoa và linh khí của trời đất, kết tụ của vô lượng a-tăng-kỳ công đức và phước báu. Thế gian này sẽ nhờ trí tuệ của đức Đại Giác mà thoát được cảnh tối tăm của đêm đen sinh tử. Còn bản thân ông, đạo sĩ biết rõ rằng, sau khi thân hoại mạng chung ở đây, ông sẽ hóa sanh tức khắc vào cõi trời phạm thiên Vô Sắc([1]). Ở đấy thì cả ngàn đức Đại Giác ra đời cũng không cứu độ ông được. Nếu như thế thì thật là đau thương, vô phúc và bất hạnh cho ông! Chẳng thể nào ông có được duyên lành để nghe chánh pháp từ kim khẩu của đức Đại Giác Vô thượng Chí tôn này! Nghĩ đến ngang đây, vô cùng thương cảm cho chính bản thân mình, đạo sĩ không thể làm chủ được cảm xúc, òa khóc nức nở!

Đức vua Suddhodana thấy vậy, lo sợ hỏi:

- Thưa đạo sĩ quý kính! Chẳng hay ngài xem tướng của hoàng nhi như thế nào mà thần sắc thay đổi đột ngột đến vậy? Trước thì ngài mỉm cười, vui sướng; sau thì ngài khóc lóc, sầu tủi! Có điểm bất tường nào về tướng mạo của hoàng nhi chăng?

Đạo sĩ Asita ngước mắt lên, cất giọng điềm đạm:

- Không phải thế đâu, bệ hạ! Tất cả mọi quý cách của cổ thư tướng pháp đều hội tụ đầy đủ nơi vị hoàng 1nhi phi phàm này. Sở dĩ có buồn vui lẫn lộn, cười rồi lại khóc của bần đạo, nguyên do là vì như thế này đây: “Bệ hạ và mọi người hãy nhìn mà xem. Dung nhan và thần sắc của ấu hoàng vừa sáng tỏ vừa dịu dàng như mặt trời và mặt trăng cùng hòa hợp. Ánh mắt của ấu hoàng vừa nghiêm vừa dung, vừa bao la như biển lớn, vừa mát mẻ vừa xanh trong như nước hồ thu... Nói tóm lại, toàn thân ngài đầy đủ toàn bích ba mươi hai quý tướng và tám mươi vẻ đẹp của bậc Tối Thượng Nhân(1)không biết mấy chục quả đất sinh diệt mới hình thành nên được một ưu vật cổ kim hy hữu như vậy. Tướng cách của ấu hoàng vượt xa tướng cách của các bậc Đế vương, vượt xa cả Chuyển luân Thánh vương. Là đóa hoa Ưu Đàm kỳ diệu muôn triệu năm mới nở một lần, và thảy cả vũ trụ này đều được thơm hương!

Tâu bệ hạ! Trong tương lai, ấu hoàng sẽ đắc thành quả Phật, một vị đại A-la-hán toàn bích. Chúng sanh vạn loài sẽ nương nhờ giáo pháp của đức Đại Giác ấy mà thoát khổ được vui, được đến cõi miền chân phúc và tự do!

Tâu bệ hạ! Bần đạo cười vui là cười vui cho chúng sanh như vậy đó!”

Đạo sĩ Asita ngừng một lát, đưa đôi mắt mờ đục, mệt mỏi nhìn ra xa rồi nói tiếp:

- Còn bần đạo khóc là khóc cho tự thân, sầu tủi, thương cảm cho bản thân mình. Bần đạo tiếc cho mình sẽ không kéo dài tuổi thọ chừng nửa thế kỷ nữa để được nghe chân lý từ kim khẩu của đấng Pháp vương. Vì khi ngài thành đạo, ba mươi lăm năm sau, và chuyển bánh xe pháp thì bần đạo đã lìa bỏ cõi đời này mà hóa sanh vào cõi trời Vô sắc bát định mất rồi! Thảm thương thay cho bần đạo phải sống ở đó quá lâu, nếu có trở lại trần gian thì đức Đại Giác đã an nghỉ trong cõi Niết-bàn thường tịch; và giáo pháp chơn chánh ấy đã theo mấy lần quả đất mà thành tro tàn hủy diệt còn đâu!

Tất cả mọi người có mặt như cùng chìm sâu với tâm sự, với nỗi niềm bi thương của vị đạo sĩ già nua. Lâu lắm, đạo sĩ mới quay qua hoàng hậu Mahāmāyādevī:

- Tâu lệnh bà! Chư thiên và nhân loại rất cảm kích và tri ân lệnh bà đã cưu mang một bậc Vĩ Nhân, một hiện thân Siêu Phàm. Lệnh bà sẽ trở thành một vị Phật mẫu đúng theo đại nguyện của lệnh bà nhiều kiếp trước. Ân đức và phước báu của lệnh bà quá lớn, hàm tàng một năng lực quá mạnh, sợ rằng thân thể nặng nề của thế gian tứ đại kia không đủ sức chở mang được nữa. Bảy ngày sau, lệnh bà sẽ từ bỏ nhục thân ấy, hóa sanh làm một vị thiên nam ở cung trời Tusita (Đẩu-suất)! Hơn bốn mươi năm sau, khi nhân duyên tròn đủ, chính đức Chánh Đẳng Giác - con trai vĩ đại của lệnh bà, sẽ lên cõi trời Ba Mươi Ba thuyết pháp để trả nợ ân huyết sữa; và lệnh bà sẽ đắc quả Thánh ở đấy, vĩnh viễn sẽ không còn trở lại chốn trần gian đầy thống khổ này nữa!

Thật quả như lời tiên tri của đạo sĩ Asita, bảy ngày sau, hoàng hậu Mahāmāyādevī không bệnh, mỉm cười lìa trần, tức khắc hóa sanh vào cung trời Tusita. Hoàng phi Mahā Pajāpati Gotamī, em ruột của lệnh bà, cùng kết duyên với đức vua Suddhodana, thay thế chị để săn sóc cho hoàng tử với vô vàn tình cảm thiết tha và trìu mến. Mấy năm sau, bà được đức vua Suddhodana phong làm hoàng hậu, sanh được một con trai là hoàng tử Nanda, một gái là công chúa Sundarī Nandā nhưng bà cũng giao hai con mình cho mấy người nhũ mẫu chăm sóc. Bà muốn dành trọn vẹn tâm huyết và thì giờ để lo lắng cho người con sớm mất mẹ. Bà thương quý trẻ còn hơn cả hai đứa con được sinh ra từ núm ruột của mình!



(1)Có lẽ đạo sĩ không muốn dùng thần thông để thấy biết mọi chuyện, ngài chỉ muốn nghe sự cảm nhận của người khác.

(1)Đây là lần thứ nhất vua cha Suddhodana lạy Bồ-tát.

(2) Đạo sĩ Asita đắc định “Phi tưởng phi phi tưởng” - tức là tầng định cao nhất của Vô sắc giới, có tuổi thọ 84 ngàn đại a-tăng-kỳ.

(1)32 tướng quý của bậc Đại nhân (trích từ Mahāvagga,Mahāpadānasutta,

Pātikavagga lakkhaṇasutta):

1- Lòng bàn chân bằng phẳng, đầy đặn.

2- Hai lòng bàn chân có hình bánh xe, mỗi bánh có 108 ô, mỗi ô có 1000 hình ảnh tượng trưng khác nhau

3- Gót chân thon dài

4- Ngón tay, ngón chân dài

5- Tay chân mềm mại

6- Giữa các ngón chân có màng da lưới như chân vịt; 5 ngón chân dài bằng nhau; 2 bàn tay, trừ 2 ngón cái, 4 ngón còn lại dài bằng nhau

7- Mắt cá tròn như con sò và nằm cao

8- Hai ống chân có thịt đầy đặn như ống chân con sơn dương

9- Hai cánh tay dài quá đầu gối

10- Tướng mã âm tàng

11- Màu da vàng sáng như màu vàng ròng

12- Da mịn màng, trơn mượt, bụi không thể dính

13- Mỗi lỗ chân lông chỉ có 1 sợi lông

14- Lông mọc xoáy tròn 3 vòng về phía phải, màu xanh đen mượt

15- Có thân hình cao thẳng

16- Bảy chỗ tròn đầy, không lộ gân và xương: 2 sống bàn tay, 2 sống bàn chân, 2 đầu bả vai và cổ

17- Nửa mình trước đầy đặn như thân sư tử chúa

18- Giữa 2 vai không lõm khuyết

19-Thân cao cân đối như cây bàng, bề cao của thân bằng bề dài 1 sải tay

20- Cổ tròn đầy đặn

21- Cằm và quai hàm đầy đặn như cằm và quai hàm của sư tử chúa

22- Có nhiều dây thần kinh lưỡi nên vị giác hết sức bén nhạy

23- Có 40 cái răng

24- Răng đều đặn

25- Răng không khuyết hở

26- Có 4 răng nhọn phát hào quang sáng ngời. Răng trơn láng, bóng loáng, sạch sẽ, thơm tho

27- Lưỡi mềm mại, rộng dài – le đến 2 lỗ mũi, 2 lỗ tai và lên đến vầng trán

28- Giọng nói êm ả như giọng phạm thiên, như tiếng chim Ca-lăng-tần-già

29- Mắt xanh đen lánh

30- Lông mi mềm và đẹp như lông mi con bò con

31- Có sợi lông trắng cong vòng bên phải như hình bán nguyệt mọc giữa hai chân mày

32- Có tướng nhục kế trên đầu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/01/2017(Xem: 9858)
Hiểu tư tưởng Duyên Khởi thì hiểu Triết học Phật giáo. Thuyết “duyên khởi” là một nền tảng triết lý rất quan trọng trong lời giáo huấn của Đức Phật. Sau khi đắc đạo, Đức Phật đã căn cứ vào lẽ sanh khởi của dukkha (những điều không hài lòng, căng thẳng, khổ đau…) mà nói lên sự liên hệ nhân quả của nó gồm có 12 thứ/ 12 chi. Ngài lập ra thuyết “duyên Khởi”.
22/12/2016(Xem: 28661)
Tất cả chúng ta đều biết rằng lời Phật dạy trong 45 năm, sau khi Ngài đắc đạo dưới cội cây Bồ Đề tại Gaya ở Ấn Độ, đã để lại cho chúng ta một gia tài tâm linh đồ sộ qua khẩu truyền cũng như bằng văn tự. Kể từ đó đến nay, con Người vĩ đại ấy và giáo lý thậm thâm vi diệu của Ngài đã vượt ra khỏi không gian của xứ Ấn và thời gian trải dài suốt 26 thế kỷ từ Á sang Âu, từ Âu sang Mỹ, từ Mỹ sang Úc, Phi Châu v.v… Như vậy đủ để cho chúng ta thấy rằng giáo lý ấy đã khế hợp với căn cơ của mọi người, dầu tu theo truyền thống Nam truyền hay Bắc truyền và ngay cả Kim Cang Thừa đi nữa cũng là những cổ xe đang chuyên chở mọi người đi đến con đường giải thoát của sanh tử luân hồi.
20/12/2016(Xem: 15635)
Đức Phật xuất hiện ở đời vì hạnh phúc chư thiên và loài người. Sau 49 năm thuyết pháp, độ sinh, ngài đã để lại cho chúng ta vô số pháp môn tu tập tùy theo căn cơ của mỗi người nhằm chuyển hóa nỗi khổ và niềm đau, mang lại hạnh phúc an vui, giải thoát, niết bàn. Chỉ xét riêng thánh quả Dự Lưu (Tu Đà Hườn), trong kinh điển Nikaya (Pali) Thế Tôn và ngài Xá Lợi Phất chỉ ra hơn năm cách[i] khác nhau tùy theo hoàn cảnh và sở trường của hành giả xuất gia cũng như tại gia để chứng đắc thánh quả đầu tiên này trong bốn thánh quả. Trong những cách này, cách dễ nhất, căn bản nhất, phổ quát nhất và hợp với đại đa số chúng đệ tử nhất
13/11/2016(Xem: 9919)
Khi bàn về Phật giáo, học giả Lương Khải Siêu đã nói: “Phật giáo là trí tín, không phải mê tín, là kiêm thiện chứ không phải độc thiện, là nhập thế chứ không phải yếm thế”. Lương Khải Siêu tiên sinh bác cổ thông kim, học thông cả cổ Trung và Tây phương, giữ một địa vị khả kính trong giới học giả. Lời nói của ông phải có căn cứ trên phương diện học lý. Thế thì căn cứ ấy là gì? Lẽ dĩ nhiên là ở trong Tam tạng giáo điển của đạo Phật. Vì mục đích của Phật Pháp là mong con người chuyển mê thành ngộ, chuyển ngu thành trí, và chuyển phàm thành Thánh chứ không gì khác.
27/08/2016(Xem: 7327)
Thức A-lại-da không phải là linh hồn. Đạo Phật bác bỏ không có linh hồn tồn tại trong một bản thể muôn loài hữu tình chúng sanh. Thức A-lại-da, là cái biết linh diệu của muôn loài, trong đó có loài người là tối thượng hơn tất cả. Cho nên Thức A-lại-da là con người thật của con người, chứ thể xác không phải là con người thật vì sau khi xác thân con người nói riêng, muôn loài chúng sanh nói chung bị chết đi, xác thịt sẽ bị bỏ lại, rồi từ từ tan rã thành đất, cát, tro, bụi bay tứ tung trong không gian, không thể mang theo qua bên kia cõi chết. Duy chỉ còn lại một mình thức A- lại-da ra đi và tồn tại trong một bản thể nào đó bên kia cõi chết.
27/08/2016(Xem: 5323)
Định nghĩa. Thực tại, nghĩa là nơi chốn, chỗ, vị trí, cũng có tên không gian. Không gian, nói một cách tổng thể, là bề mặt của vũ trụ từ bao la, rộng lớn, cho đến hạn hẹp đối với mỗi con người chúng ta đang có mặt ở một nơi nào đó, như tại : bãi biển, bờ đê, quán cà phê, phòng ngủ, phòng ăn, sân chùa, chánh điện, trong chợ, trên đoạn đường xa lộ, bãi đậu xe (parking), v.v…Trên mặt của toàn thể vũ trụ đều có vô số vạn hữu (cỏ, cây, muôn thú), và con người, gọi chung chư pháp. Kinh văn Phật nói: “Thật tướng của vạn hữu (chư pháp) là vô ngã “. Q
31/05/2016(Xem: 13148)
Chữ NHƯ được thông dụng rất phổ biến trong văn chương và lời nói thường nghiệm của các dân tộc trên thế giới và trong Phật Giáo . Trong văn chương, chữ Như được thấy ở một số trường hợp : Xác định, phủ định, tương tợ, không thực…(như ảo, như hóa) đối với các vật thể hiện thực. Lãnh vực văn chương ở lời nói và viết thành văn, thơ. Ta thường nghe dân Việt nói và viết lời xác định về chữ như : Trắng như tuyết, cứng như đá, mềm như bún, nóng như lửa đốt, lạnh như băng giá, lạnh như đồng, xưa như trái đất, xưa như Diễm, chua như chanh, nắng như lửa đổ, mặn như muối, lạc (nhạt) như nước lã, tối như đêm ba mươi, đen như mực tàu, ốm như ma trơi, bén như gươm, cao như bầu trời, rộng như biển cả, ốm như cây sậy, nhanh như chớp, lẹ như sóc, dữ như cọp, ngu như bò, ngang như cua, v.v…
28/05/2016(Xem: 12940)
Phật Tánh đó là Tánh Giác Ngộ, Tánh Phật, Bổn Tánh Lành, Mầm Lương Thiện trong mọi loài chúng sinh. Cũng gọi là Như Lai Tánh, đối nghĩa với chúng sanh tánh. Kinh Phạm võng: Tất cả chúnh sanh đều có sẵn Tánh Giác Ngộ nơi mình (Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh). Nhờ có Tánh Giác Ngộ ấy, bổn tánh lành ấy chúng sanh công nhận và thấu đạt lý nhân quả, hiểu cái thể tự nhiên của mình đồng với Phật. Phật Tánh nơi ta luôn tiến chớ không phải thối, tích lũy chớ không phải tiêu vong, nó tiến tới mãi, nó khiến cho cảnh trần càng tươi đẹp, càng thuần tịnh, nó đưa lần mọi vật đến gần cái tuyệt đẹp, tuyệt cao, tuyệt diệu, tuyệt trong sáng thánh thiện. Mỗi loài đều có nơi mình Phật Tánh, dầu cho loài nào có thấp hèn tới đâu cũng có khả năng thành Phật. Không trừ loài nào, không một ai mà không có khả năng thành Phật.
30/04/2016(Xem: 17428)
Pháp Thân tiếng Sanscrit là Dharmakaya, tiếng Nhật là Hosshimbutsu, tiếng Pháp là Corps d’essence. Đó là nói về Chơn Thân, Đạo Thể, thể của Pháp Tánh. Pháp Thân của Phật có 4 Đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh (4 Đức Ba La Mật). Nó không mắc vào tứ khổ (Sanh, Lão, Bệnh, Tử). Nó không lớn, không nhỏ, không trắng, không đen, không có Đạo, không vô Đạo, nó tự nhiên trường tồn, không thay đổi. Dầu Phật có ra đời hay không thì nó cũng như vậy mãi.
24/04/2016(Xem: 35470)
Qua mạng Amazon.com, tôi đặt mua cuốn sách tiếng Anh “In The Buddha’s Words” của Bhikkhu Bodhi ngay sau khi xuất bản năm 2005. Đọc sơ qua phần đầu rồi để đó. Mỗi lần đi đâu, tôi mang theo để đọc từ từ vài trang, trong lúc chờ đợi, trước khi đi ngủ. Cứ thế dần dần qua năm tháng. Rồi cũng không thẩm thấu được bao nhiêu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]