Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngược Dòng.

09/04/201314:31(Xem: 2012)
Ngược Dòng.

Ngược Dòng

Nguyên tác Anh Ngữ: Against the Stream

Tác giả: Beachcomber (Abhinyana)
Việt dịch: Minh Thiện
()

–-o0o–-

Trang i. Ngược dòng thời gian năm 1984, tôi viết quyển sách đầu tiên ‘Chìa Khóa cho người Tỵ Nạn’ dành cho những người tỵ nạn Đông Nam Á, giúp họ giữ vững niềm tin và hiểu biết tường tận hơn về tôn giáo của mình để đối đầu với các hành động có hậu ý của các nhà truyền giáo Ki tô muốn họ cải đạo. Sau đó vài năm, tôi viết thêm vài mục với lời tựa mới là ‘Thực Tiễn’. Bây giờ sau 10 năm, quyển sách lại được ‘tái sanh’ lần thứ ba với tựa mới ‘Kẻ Sống Lang Thang trên Bờ Biển’. Tôi đã thay tên mới, tên mà tôi cảm thấy thích hợp hơn cả. Từ trước đến nay, tôi luôn thích đi bộ dọc theo bờ biển nhìn sóng biển đưa vào đủ thứ thập vật: vỏ sò, đá cuội, gỗ mục, v.v.. . Đây là một lối nhìn khác về cuộc sống, mở ra cho thấy những điều không ngờ tới, rút ra được những bài học, tự hỏi ta có thể biến thành hữu dụng, những gì mà người khác cho là vô dụng.

Nói chung, chúng ta là những người may mắn nhất trong lịch sử, những người đang ở trong thời biến hóa không tiền khoáng hậu nầy. Chúng ta giống như đang ở trên triền núi nhìn xuống phía dưới chúng ta với người là người. Trông họ như đàn kiến hay như những hạt cát trên đồng. Chúng ta không biết cũng như không thể biết họ là ai nhưng chúng ta có thể nghĩ được rằng nếu không có họ ở đó từ lâu thì chúng ta cũng không có sự hiện diện ở đây như bây giờ. Sở dĩ ta hiện hữu hôm nay là vì họ đã có từ lâu. Nếu không có sợi dây tương tục đó, ta không thể hiện hữu.

Tự mình ta khó có thể hoàn thành được gì cả. Và nếu hoàn thành được là nhờ nhân duyên hỗ trợ của vô số kẻ khác, còn sống hay đã chết. Ngay cả ngôn ngữ đã giúp cuộc sống ta phong phú và có ý nghĩa. Nó không phải là của ta mà nó đến từ nhiều người khác. Không một cái gì có thể cho rằng là của riêng ta. Ta hiện hữu là hiện hữu với tập thể, nó là một phần của cái gì đó to lớn hơn mỗi cá nhân ta.

Trang ii. Do sự thấy được có rất nhiều người ở phía dưới giúp ta nhận thức rằng ta còn nợ rất nhiều người. Nhìn lên trên ta thấy đỉnh núi còn cao lắm, còn mây mù rất khó thấy. Bạn và tôi sẽ khó mà đạt tới đỉnh. Giống như những người đi trước, ta may mắn đạt được một số bước đi trước rồi ta còn phải giúp những kẻ khác theo sau mình. Rồi ta cũng sẽ chết. Nếu sống có mục đích, ta sẽ chết một cách toại nguyện khi biết rằng ta đã hết sức cố gắng giúp người khác leo cao hơn ta. Nếu ta nghĩ đến mình một cách riêng rẽ, tách rời thì cuộc đời không còn ý nghĩa nữa.

Cái ta đang làm là muốn có một con đường tâm linh tức là sự chủ ý quay lưng lại với các đường lối thế gian, tức (lội) Ngược Dòng, và đây là tựa đề của quyển sách. Đây là cách chọn lựa có ý thức của mình. Đây không phải là sự chọn lựa nửa vời. Và cũng không phải là ta ngoảnh mặt làm ngơ với thế sự rồi vào hang động ở như là ẩn sĩ. Ngược lại đó là chúng ta đã quyết định cố gắng giữ giáo pháp của đức Phật là trung tâm của đời sống và chung quanh nó là các hoạt động của mình. Đây không phải là chuyện làm bán thời.

Vài bài ở đây được đổi chút ít từ quyển Thực Tiễn, những bài khác được thêm thắt ít nhiều. Có bài hoàn toàn mới. Cũng có một số lỗi lầm tôi chưa thấy được nhưng cũng có một số lỗi là do sự chủ ý của tôi. Chỉ là để xem có ai nói ra cho tôi biết hay không. Tôi cũng viết bằng chữ nhỏ không phải là để tiết kiệm giấy, mặc dầu nó cũng là một lý do. Mục đính là để người đọc phải cố gắng một chút. Tại sao tôi phải làm vậy mà không làm cho dễ dàng hơn? Tôi xin hỏi tại sao ta phải chìu lòng người lớn với lối cư xử con nít vậy; cưng chìu như vậy có làm hư đốn họ thêm không? Tôi biết có người sẽ than phiền là chữ nhỏ quá. Nếu vậy thì tôi sẽ hỏi họ là khi đọc báo họ phải làm sao?

Trang iii. Nếu lưu tâm muốn đọc, ta vẫn dùng kiến phóng đại để đọc. Và tôi bảo đảm rằng khi có sự lưu tâm đúng mức, bạn sẽ đắc chút ít cái gì sau đó. Tất cả tùy thuộc vào bạn. Mục đích của tôi vẫn là quay bạn trở lại với chính bạn.

Beachcomber. Mã lai, 1998

* * *

TIN THÌ KHÔNG THẤY

Trang 1. Lòng tin là chính yếu và cần thiết đối với các tôn giáo Hữu thần và dựa vào Thượng đế; không có ‘lòng tin’, họ sẽ không hiện hữu. Đây là một trong những điểm chính mà đạo Phật (đạo Khổng, đạo Lão) khác với các tôn giáo khác. Vì không dựa vào Thượng đế nên họ không cần có Lòng tin (tuyệt đối).

Tại sao vậy? Bởi vì ta có thể thấy được cho chính ta. Chính ta, nếu luôn cố gắng cầu tiến, nó sẽ dạy ta. Khi ta chỉ cần tin mà thôi thì đầu óc ta đã bị đóng khung rồi. Làm sao ta khám phá ra chân lý được nếu đầu óc ta đã đóng khung sẵn rồi. Ta phải rộng mở, phóng khoáng, không thành kiến và sẵn sàng học hỏi chứ không đóng khung, hẹp hòi và giáo điều.

Đức tin là một chướng ngại cho việc tìm ra chân lý. Chúng ta Tin khi không Biết; đã Biết rồi thì không cần Tin! Thấy là Biết còn chỉ Tin thôi thì không Biết. Tin thì còn thay đổi. Thấy Biết thì không. Chẳng hạn ta biết rằng lửa thì nóng và nước thì ướt; bây giờ cũng vậy, trước đây nó cũng vậy và sẽ luôn luôn như vậy; nó không phải là chuyện để tin.

‘Tin’ buộc ràng đầu óc ta còn chặt hơn dây xích cột chặt thân ta. Hầu hết chúng ta là tù nhân của lòng tin dưới hình thức nầy hay hình thức khác. Ngay cả người có tánh ‘không tin’ cũng là một tù nhân. Chính sự kiện mà họ cho rằng họ không tin cũng chứng minh điều nầy vì ‘Không Tin’ là mặt trái của ‘Tin’. Ta không thể nào Không Tin trừ phi trước đó ta đã Tin. Nếu chúng ta được Thấy sự việc một cách rõ ràng thì chúng ta sẽ bỏ qua một bên sự Tin cũng như sự Không Tin.

Cách đây hàng trăm năm, người châu Âu tin rằng Trái đất của chúng ta là trung tâm vũ trụ cùng với Mặt trời và tất cả những hành tinh quay chung quanh nó giống như những gì mà Giáo hội Cơ đốc đã dạy. Nhưng sau khi quan sát bầu trời qua một viễn vọng kính mới phát minh của mình, khoa học gia người Ý tên là Galileo (1564-1642) khám phá ra rằng nó không phải như vậy mà ngược lại Trái đất quay chung quanh Mặt trời. Khi công bố điều này ra liền có sự phản đối. Giáo hội lúc đó vì quyền lực trùm khắp mọi lãnh vực nên không sẵn sàng chấp nhận sự kiện nầy, bèn đem ông ra tòa. Bị đe dọa bỏ tù hoặc phải chết, Galileo bị buộc ký nhận là mình đã sai lầm. Cũng không bằng lòng, Giáo hội bắt quản thúc cho đến hết đời ông. Đáng lẽ ông phải đoán được điều nầy mà giữ kín về sự khám phá của mình. Nhưng như vậy thì sự thật chắc phải mất một thời gian lâu mới được công bố.

Trang 2. Mãi đến năm 1980, vâng 1980 chứ không phải 1580, một Ủy ban thuộc Giáo hội họp tại La mã để tái cứu xét vị trí Trái đất đối với Thái dương hệ, và sau khi thảo luận đề tài trong nhiều ngày, đồng ý với Khoa học cho rằng Trái đất quay chung quanh Mặt trời, và vì thế Galileo mới được cho là đúng! Rồi đến năm 1983, Giáo Hoàng John-Paul II chủ tọa một buổi họp gồm các vị quyền cao chức trọng của Giáo hội, các sử gia và khoa học gia, công khai nhận lỗi của Giáo hội và tuyên bố Galileo vô tội. Quả thật là sự mất mặt cho một Giáo hội được xem là không bao giờ sai lại phải mất một thời gian quá lâu để thú nhận lỗi lầm nầy. Cuối cùng, một Galileo đáng thương đã được trắng án. Nhưng phải mất 350 năm kể từ ngày ông chết! Và lương tâm của Giáo hội có một chút nào đó được khuây khỏa! Thế là Chân lý cuối cùng đã thắng nhưng quá trễ đối với Galileo.

Chúng ta đã thích nghi mau lẹ và tuyệt vời với các tiến bộ kỹ thuật vượt bực; chúng ta đã hiện đại hóa và có đầy kỹ năng. Tuy nhiên về phương diện tâm linh thì hầu hết chúng ta khá lạc hậu. Quả thật rất không quân bình. Hạnh phúc chúng ta mong cầu đã thoát khỏi tầm tay mình; chúng ta không hiểu rằng chính phẩm chất tinh thần chứ không phải vật chất mới là quan trọng.

Rất là cần thiết phải quân bình cuộc sống bên ngoài với cuộc sống bên trong; khá nhiều rắc rối vẫn tồn tại vì chúng ta thất bại trong việc quân bình đó. Đời sống ngoại vi, tức mặt kỹ thuật và vật chất, chúng ta đã tiến bộ vượt bực trong vài thế kỷ sau nầy, đặc biệt là thế kỷ nầy. Nhưng về mặt tinh thần thì chúng ta không theo kịp. Quả thật là tinh thần của chúng ta sống trong hang động còn xác thân thì an nghĩ trong nhà cao cửa rộng. Đây là vấn đề.

Trang 3. Nếu chúng ta không thực tế mà loại bỏ bớt sự quá tiện nghi của đời sống thiên về vật chất như hiện nay và vẫn không ‘cập nhật hóa’ cái đầu của mình với ‘chánh kiến’ và ‘chánh mạng’ (tức thấy biết cho đúng và sinh sống sao cho phù hợp với cái thấy biết đó) sao cho việc sống chung với nhau được hòa hợp hơn. Nếu không thể hay không chịu sống như vậy, chúng ta sẽ bị xâu xé giữa hai thế giới: cũ và mới, sơ khai và hiện đại.

Có người trong chúng ta sống với các tìêu chuẩn cũ chỉ có hiệu quả trong quá khứ, từ khước các sản phẩm hiện đại hóa. Điều nầy không được thực tế. Cái ta cần là con đường thực tiễn. Nó sẽ giúp ta sống thích nghi với hiện tại mà không cảm thấy bị xa rời, cô lập. Có Con Đường đó hay không? Muốn tìm ra nó, chúng ta phải xét đến lịch sử và cơ cấu các tôn giáo và các hệ thống triết học, chứ không phải chỉ có ‘tin’ là đủ. Nếu làm được như vậy, ta có thể thấy được một số sự việc chỉ có bề ngoài mà thôi, giống như đề mục giới thiệu phim ảnh, hoặc những gì thích hợp cho loại sách thần thoại và các chuyện thần tiên. Bạn có thể cho chó gặm xương không có thịt trong một thời gian ngắn; chúng gặm đỡ cho vui nhưng không được lâu đâu!

Tôn giáo, qua các thời đại, đã tạm giúp cho qua các nỗi khổ đau của con người và cho niềm hy vọng về một cuộc sống sau khi chết. Nhưng một số tôn giáo chỉ là xương mà không có thịt–nó không được chứng minh rõ ràng, nó chỉ tùy thuộc vào lòng tin. Đạo của bạn là ‘đạo theo’ hay là đạo chính bạn chấp nhận. Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình theo Đạo nầy, tại sao mình chọn Đạo nầy; Đạo nầy chỉ có xương mà không có thịt, một bộ xương được lộng kiếng hay đây là Đạo tạo sự sinh động? Hãy thành thật tự hỏi mình mà không chút sợ phiền: ‘‘Tôn giáo tôi cho tôi cái gì?’’ Nó chỉ cho bạn những lời giải thích theo lối mòn xưa cũ và những giáo điều không hợp lý? Nó có cung cấp cho bạn được một thế giới quan phù hợp với các điều kiện hiện tại và thay đổi không ngừng hay không? Nó có giúp tâm bạn được bình an trong một thế giới loạn động có thể dẫn tới diệt vong hay không? Nó có giúp bạn thấy được cái giống nhau trong vô số cái khác nhau không? Nó có giúp bạn cảm thấy một phần của mình trong nhiều phần khác không? Nó có cho bạn một chỗ đứng cùng với sự liên hệ với các thành phần khác không? Nó có cho bạn thấy được sự quan trọng của bạn hay chỉ xoay chuyển bạn phải chịu lệ thuộc vào nó mà không có ý nghĩa?

Trang 4. Khi tất cả những gì họ ném cho bạn là những lời hứa hẹn được cứu rỗi và được lên thiên đàng nếu bạn tin họ (còn nếu không tin thì có những lời đe dọa) ngoài ra không còn gì để thấy mà chỉ là những dấu hiệu của sự phá sản tâm linh. Còn phải mất bao lâu nữa để chúng ta tiếp tục bị lừa dối bởi những người chuyên lừa đảo đóng vai trò người thầy!

Cái cốt lõi của vấn đề là sự Sợ hãi: Chúng ta sợ chết và ngay cả sống cũng sợ. Nếu chúng ta tìm thấy cái ý nghĩa của cuộc sống, n��u cuộc sống của chúng ta không quá nông cạn và rỗng tuếch thế thì chuyện sợ chết hay sợ sống hay cả những gì xảy ra sau khi chết sẽ giảm bớt. Chúng ta không cần nhiều lý do hay động cơ để sống cho hay cho giỏi ngay Bây-giờ và Ở-đây mà cần làm cái gì cần phải làm mà không tham cầu đến kết quả.

Nếu chúng ta chân thật với cuộc đời thì cuộc đời sẽ chân thật với ta. Không có trò chơi nào mà không có luật chơi. Nhận ra luật chơi càng sớm, ta càng có khả năng chơi mà không bị thua mãi.

Nếu xét đến các niềm tin của mình một cách khách quan, chúng ta có thể thấy biết chúng có giá trị hay không. Chấp nhận lời của những người khác hay tin vào những gì được viết ra trong sách thật ra chưa đủ; tại sao ta không cố gắng thêm để tự mình thấy biết cho chính mình? Chúng ta sống trong một thời đại khai sáng (‘enlightened’ chứ không phải ‘ennightened’ thưa quí vị!). Tại sao lại phải bằng lòng với nhãn hiệu ‘con của Phật’, ‘người của Ki tô’, cái nầy cái kia, chỉ vì do cha mẹ ông bà ta đã theo như vậy nên ta theo đạo (hay ‘đạo theo’)? Chúng ta có cuộc đời của riêng chúng ta. Phải có khả năng chọn lựa một hướng đi cho mình. Khi đi sắm hàng, ta chọn những gì mà mình muốn trong vô số đồ vật. Thay vì mua món gì đến trước thì mua ngay. Ngày hôm nay đối với hầu hết mọi người, ta đều có thể học bất cứ cái gì ta muốn; không có kiến thức bí mật nào dành riêng cho nhóm đặc biệt nầy hay nhóm ưu tú nọ; khả năng đọc tuyệt vời sẽ mở ra được cánh cửa của Tòa nhà Kiến thức. Nếu các vấn đề Hạnh phúc và Sự thật thực sự là điều quan trọng với mình thì chắc chắn là chúng ta sẽ tìm thấy ở rất nhiều nơi, và nó không làm cho chúng ta bị đóng khung trong các ý kiến tư tưởng của những người chung quanh mình.

Trang 5. Tin hay không tin chỉ là 2 mặt của một đồng tiền. Chúng đi đôi với nhau không rời nhau, giống như đen và trắng, ngày và đêm; cái nầy ngụ ý cái kia. Chỉ khi nào chúng ta bỏ 2 cái đó qua một bên, chúng ta sẽ có khả năng thấy biết thực sự.

Buồn thay, lừa đảo người dễ hơn khai sáng người? Chỉ có những kẻ lười biếng mới tin những gì người khác nói, và rất dễ bị lừa đảo bởi những người gian manh và vô lương tâm trên thế giới. Có thể họ là những kẻ đi gõ cửa bán hàng từng nhà: chính trị gia, người truyền giáo, hoặc những kẻ thuần túy nói dối và ăn cắp!

Một số niềm tin của nhiều tôn giáo không chịu đựng nỗi với sự khảo sát chặt chẽ và nghiên cứu tận tường, vì nó không được đặt trên căn bản sự thật. Dĩ nhiên là chúng ta có thể giải thích làm sao chỉ cần hợp lý cho mình trong khi nó không chút hợp lý nào cả; chúng ta thích chơi trò ú tim, chơi mãi như vậy đã từ lâu đến độ ta quên đó là trò chơi và xem nó như thiệt, vì vậy bị lạc đường mà không hay. Hoặc chúng ta ngủ, ngủ một giấc rất dài cho đến khi nào có một chuyện gì đó làm đau đớn và khó chịu đến với chúng ta làm phiền giấc mơ của mình rồi lại đưa ta trở lại con đường cũ.

Ít khi nào ta tự thấy với con mắt và cái tâm riêng của mình mà thường qua những người khác: gia đình, bạn bè, lãnh tụ, nhà văn, nhân vật nổi tiếng–đôi khi với con mắt của kẻ thù với mình nữa! Chúng ta chấp nhận các tiêu chuẩn của người khác: họ nói đẹp nói xấu, nói hay nói dở...ta cũng nói theo. Ta rất dễ bị khai dụng và kiểm soát. Nếu chúng ta dùng đôi mắt và tâm riêng của mình, chúng ta có thể biết để tự thấy sự việc rõ ràng hơn và sâu sắc hơn; chúng ta sẽ trở nên thức giác hơn về các môi trường kỳ thú cũng như cái đẹp của chúng. Tự nhìn rồi sẽ thấy khác!

Ở đây tôi không khuyên bạn là không theo quan điểm của tha nhân mà là nên nhìn theo nhiều góc cạnh khác của một sự việc chừng đó chúng ta sẽ có một bức tranh rõ ràng hơn. Không, chúng ta không nên tự cho phép mình bị ảnh hưởng một cách thái quá bởi những người khác trong việc chấp nhận quan điểm của họ mà không xem xét cẩn thận. Chúng ta có khả năng suy nghĩ, phải không các bạn? Đây là yếu tố chính yếu để phân biệt chúng ta với các loài vật cấp thấp chỉ biết sống bằng bản năng và có rất ít sự chọn lựa cách sống riêng cho mình. Chúng ta có thể suy nghĩ, chúng ta có thể chọn lựa và quyết định, chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình–nếu chúng ta thực sự muốn.

Trang 6. Đa số nghĩ rằng từ bỏ niềm tin là mất tất cả; điều nầy không thể có được. Có thể nào sống mà không cần lòng tin về tái sanh, thiên đàng, v.v... Có thể nào nghe người khác, chẳng hạn như một người truyền giáo, cha, thầy, lãnh tụ...mà không cần vội tin, để sau đó ta có thể khám phá xem những gì họ nói là có thật hay không? Tôi xin nói: ‘‘Vâng, có thể được!’’ Và cũng xin đừng tin tôi vội. Cố gắng đi các bạn. Hãy tự mình tìm hiểu cho mình.

Tại sao lại phải bằng lòng với mấy khúc xương cũ? Hãy đòi hỏi thực tế ngay bây giờ?

* *

Nếu nó sai, hãy vứt nó đi!

Trang 7. Cách đây nhiều năm, truyền hình Anh quốc có phát thanh một chương trình có tên là Catweazle nói về một người phù thủy từ thời vua Arthur trong thần thoại. Vì một trong những thần chú của người phù thủy nầy bị thất bại, xảy ra không đúng như ý muốn nên ông bị chuyển đổi vào thời thập niên 1960’s. Hãy tưởng tượng sự ngạc nhiên với những sự việc xảy ra chung quanh ông: bóng đèn điện làm mê hoặc ông mà ông tưởng như ‘mặt trời trong cái chai’; điện thoại viễn liên (chúng ta ngày nay sử dụng thoải mái không phải suy nghĩ tại sao lại có) mà ông gọi là ‘bộ xương biết nói’ (vì quả thật nó giống như bộ xương). Cũng có các sự việc buồn cười khác trong câu chuyện của vị phù thủy nầy nhưng bây giờ thì tôi đã quên.

Giả thử bây giờ chúng ta hãy đem máy truyền hình trở ngược lại 500 năm và trình bày cho con người thời ấy xem: bạn nghĩ là họ sẽ nghĩ sao? Chắc chắn sẽ có người cho rằng đây là trò yêu thuật hay của đám ‘Ma quỉ’ và sẽ cố gắng phá hủy nó. Cũng có kẻ cho đây là phép lạ và biến nó thành một thứ tôn giáo mới với các các giáo sĩ phụ tá điều hành và dùng nó để khuất phục người khác. Lại cũng có người không nhận đây là sự thật mà cho đó là ảo tưởng là trò lừa đảo. Cũng có thêm một loại người sẽ tìm hiểu tại sao quá nhiều người nhiều vật lại tập hợp được hết vào trong một cái hộp nhỏ như vậy. Các phản ứng quả thật là khác nhau. Nhưng liệu có ai hiểu được điều nầy không?

Đến ngày nay thì truyền hình được xem là chuyện quá thường, chẳng ai buồn hỏi tại sao. Thì thấy nó như vậy là như vậy chẳng cần biết là nó đã xuất hiện được bao lâu rồi. Và có mấy ai hiểu được ngay cả việc vận hành của chiếc máy truyền hình! Có người cho đó là dụng cụ của bọn ‘Ma quỉ’ (ngay khi tôi viết các dòng nầy, báo chí đã cho biết nhóm Hồi giáo chính thống kiểm soát chính quyền tại nước A phú hãn tức nhóm Taliban đã ra lệnh cho người dân ở đó hủy bỏ các máy truyền hình và máy chiếu cá nhân trong vòng 15 ngày vì họ cho rằng nó là người gốc của sự mất đạo đức. Có người cho đó là một phép lạ (trong một ý nghĩa nào đó thì quả thật là như vậy). Và như các bạn đã thấy có nhóm dùng nó al2 một thứ tôn giáo. Phần đông mọi người chỉ vặn lên và xem chẳn thắc mắc gì.

Trang 8. Cái ý mà tôi muốn nói ở đây là: dám nhận ra mình dại tức là mình đã khôn hơn ra. Những người có lương tâm-tức những người chân thật muốn tìm ra đâu là sự thật, không bằng lòng theo người khác hoặc phải chấp nhận các thuyết lý đã được trao truyền từ quá khứ- đều can đảm từ bỏ các tư tưởng sai lầm, vô ích và có hại khi họ biết rõ như vậy; họ không hỗ thẹn mà nhận rằng họ không biết khi họ biết chắc rằng họ không biết, vì chính nhờ nhận ra sự vô minh của mình tức có nghĩa là trí tuệ họ đã tăng trưởng. Thật vậy, người ta đã cho là Đức Khổng Tử đã nói: ‘‘Tự nhận rằng mình không biết những gì mình không biết, chính người đó đã biết, đã có trí tuệ; Đức Phật cũng có nói: ‘‘Dại, biết mình là người dại tức là người khôn được một chút rồi đó; kẻ dại mà nghĩ rằng mình khôn tức anh ta là kẻ dại thật!’’

Tại sao Tôn giáo và Khoa học lại cách xa nhau thế? Hễ là Tôn giáo thì phải đầy các điều dị đoan, lễ nghi và các tín điều ngu xuẩn? Có thể nào có một tôn giáo mà nó không mâu thuẫn với Khoa học–-một Tôn giáo có tính cách khoa học hay một Khoa học có tính cách tôn giáo? Chúng ta có thể nào xem xét các sự vật một cách khách quan và đầy khoa học hay không? Các khoa học gia luôn sẵn sàng thay đổi các lý thuyết của họ khi họ thấy không còn áp dụng được nữa; nhờ vậy mà Khoa học đã tiến bộ khá xa và tiếp tục tiến bộ. Nếu Tôn giáo cũng được tinh tấn theo cùng một mức độ như vậy thì chúng ta đã tiến bộ, thế giới sẽ không ở trong tình trạng mờ mịt, mơ hồ. Thực tế là vẫn còn nhiều người ‘sống trong hang’ nếu nói theo nghĩa của tôn giáo, họ không sẵn sàng cũng như không thể cập nhật hóa trong lãnh vực nầy. Vì vậy thế giới hiện này vẫn còn trong tình trạng được gọi là mâu thuẫn ‘tôn giáo’ và chiến tranh, và điều nầy có thể đưa đến sự bùng nổ Thế Chiến Thứ Ba.

Có hai loại Biết (Kiến thức): Loại Biết Trực tiếp và loại Biết Gián tiếp. Hầu hết các loại Biết (Kiến thức) của chúng ta không phải là của chúng ta mà là ‘sản phẩm đã xài rồi’. Chúng đến với ta từ những nguồn như sách vở, truyền hình, người khác, nghe nói v.v...Chúng tuy có ích trong nhiều lãnh vực nhưng chắc chắn không đủ. Ngược lại, chúng ta Biết khá ít từ chính chúng ta. Với những cái Biết Trực tiếp do tự chúng ta khám phá thì không có gì thay thế. Chúng ta phải tự kinh nghiệm lấy với Sự Thật và với Thực Tế, giống như ta có kinh ngiệm với lửa: ta Biết lửa thì nóng và cháy chứ không phải chỉ Tin nó mà thôi.

Trang 9. Biết về máy móc, máy vi tính, nghề mộc, nghề in, v.v...là điều quan trọng vì nó có thể giúp chúng ta không chỉ kiếm ăn sinh sống mà cũng là để cải thiện thế giới chúng ta đang sống. Tuy nhiên đời sống không phải chỉ để kiếm ăn sống còn vì đó là cuộc sống bên ngoài. Còn cuộc sống bên trong nữa thì sao? Chúng ta cũng phải xét đến việc cân bằng hòa hợp giữa 2 mặt đó sao cho nó không mâu thuẫn với nhau. Phương Tây đã tập trung phần lớn và những việc bên ngoài và đã tiến bộ vượt bực trong lãnh vực nầy; nó đã sản xuất ra nhiều thứ có lợi cho toàn thể thế giới nhưng nó cũng đã gây ra nhiều thiệt hại khủng khiếp, như võ khí hoá học và vi trùng, v.v...Nó đã thờ ơ với tinh thần bên trong và chỉ để ý đến vật chất bên ngoài. Vì vậy hiện nay đã có sự mất thăng bằng và khủng hoảng khắp mọi nơi. Chuyện xảy ra như vậy cũng là thường thôi; chúng ta đong đưa từ thái cực nầy sang thái cực khác, giống như quả lắc đồng hồ. Đến một lúc nào đó bất cân xứng không còn hòa hợp và đau khổ thì quả lắc không còn hoạt động nữa.

Thế giới ngày nay đầy những ý tưởng sai lầm và điên rồ. Không có một thực thể hay thực tế nào được gọi là Thế giới; tự chúng ta chế nó ra; nó chỉ là ý tưởng, và ý tưởng thì phải chịu sự thay đổi, thay đổi rất mau! Nếu chúng ta hiểu được điều nầy, ta sẽ có thể thay đổi các ý tưởng sai trái và điên rồ trở nên tốt đẹp hơn; không có lý do gì để chúng ta không làm được chuyện nầy.

Trang 10. Đức Phật đã nói: ‘‘Có hai thứ không có giới hạn của nó: Không gian và sự Dại dột của Con người’’. Làm sao cái quả khổ có thể giảm bớt nếu cái nhân gây ra quả khổ đó tiếp tục thắng thế? Chính những tư tưởng điên rồ–tức vô minh–đã gây ra đau khổ cùng tất cả những tội ác trên thế giới. Không phải vì ta xấu xa và tội lỗi mới làm những việc không hay, mà chính vì ta mù quáng và dại dột. Có người có lúc mù dại, cũng có người luôn luôn mù dại. Không lẽ ta cứ phải chịu mù quáng và dại dột hoài như vầy sao? Nếu có là tại ta Muốn như vậy mà!

Nếu nói về mặt hiểu biết thì ta có 4 loại người?: 1. Người hiểu mau; 2. Kẻ hiểu chậm; 3. Người không hiểu; 4. Kẻ hiểu lầm.

Và nếu bạn biết là sai thì tốt hơn không nên hiểu. Hiểu sai và Biết sai chỉ làm cho người ta đau khổ.

Có bao giờ bạn nghĩ đến là tại sao chúng ta luôn luôn nghĩ rằng mình đúng và kẻ khác sai không? Dĩ nhiên là ta nghĩ rằng sai và đúng là thuộc về con người: Ông Đúng, Bà Sai. Quả thật chúng ta không cần nhìn thật sâu ở đâu cả. Đúng và Sai không phải thuộc về Con Người, không phải tôi, không phải bạn và nếu chúng ta chỉ cần ngừng lại và xét đến Cái Gì sai Cái Gì đúng, thay vì Ai sai Ai đúng, nhiều vấn đề sẽ biến mất ngay. Xin bạn cứ thử đi rồi sẽ thấy ngay!

Học và tập

Trang 11. Học và tập (to learn) là một cái gì khác với học hỏi, nghiên cứu (to study). Học Tập là căn bản và nó liên hệ đến kinh nghiệm của chúng ta, và vì vậy nó không có cái gì có thể thay thế nó được. Trái lại học hỏi nghiên cứu là khoa bảng và thường là những gì đã được biết rồi, được người khác cho biết, được cắt sẵn và khô khan, giống như cỏ khô.

Một em bé không ngồi xuống và nghiên cứu tập đi đứng từ sách vở, mà học tập từ kinh nghiệm riêng của nó, và sau nhiều thất bại, chán nản, đau khổ và nước mắt. Ngay cả những em bé mù cũng phải học cách đi; nó không phải chỉ do bắt chước mà được. Nó là Đạo, là Con đường.

Nếu muốn Học-Tập, bạn không nên chú ý đến cá tánh hay diện mạo của người thầy, những việc ấy không phải là chuyện của bạn. Chỉ nghe những gì ông nói, suy nghĩ kỹ để xem chúng có thật hay có ích hay không. Nếu bạn thích hay không thích người thầy đó thì cái nhìn của bạn sẽ bị che mờ.

Giữa ‘chicken’ và ‘kitchen’ có khác nhau không? Giữa ‘teacher’ và ‘cheater’? (Tôi đã được nghe những người học tiếng Anh lẫn lộn về hai chữ nầy). Rất có nhiều người lừa đảo giả dạng làm thầy: ta nên cảnh giác và cũng đừng vội tin hoặc phản bác họ ngay.

Vị ‘thầy’ chỉ quan trọng khi những gì họ nói là sự thực và thích đáng. Thầy không nên làm cho chúng ta tùy thuộc họ như một vị thuốc không có không được. Họ giúp ta học và hiểu rằng mọi người mọi vật đều là người thầy. Đây là bổn phận của một người thầy.

Một vị vua trong dịp đi thăm một vùng cai trị của ông, có các quan hầu cận. Trên đường đi, ông thấy trong vườn xoài có cây sai trái có cây không. Vì thích xoài nên ông nghĩ: ‘‘Bận về, sau khi xong chuyện ta sẽ bảo hái xoài cho ta’’ và ông tiếp tục đi. Các quan hầu cận thì lại nghĩ khác. Họ cũng thích xoài nhưng không thể nào đợi chờ nên lén nhà vua hái xoài bằng cây hoặc ném bằng đá. Kết quả là nhiều nhánh cây bị gãy.

Trang 12. Sau đó, vua trên đường trở về định bụng ăn xoài nhưng kết quả là xoài dập hư rất nhiều. Là bậc hiền trí, ông không vội giận mà suy nghĩ rằng: ‘‘Đây là điều ta để ý: cây sai trái thì bị gãy dập, cây không có trái ngon thì không hề hấn gì. Quả thật đây là bài học cho ta. Có nhiều đau khổ nhiều, có ít đau khổ ít. Với tâm thức nầy, nhà vua trở về hoàng cung, gọi người con trưởng, đặt vương miện lên đầu người con và nói: ‘‘Từ hôm nay con là vua. Hãy cai trị nước nhà một cách hiền trí.’’ Rồi ông thay áo mão nhà vua bằng bộ quần áo khất sĩ, rời hoàng cung, sống trong rừng. Có người tình cờ gặp ông hỏi: ‘‘Ai là người thầy của ông,’’ ông đáp: ‘‘Người thầy của ta là cây xoài.’’

Chúng ta không nên ỷ lại vào sự chỉ dạy hoàn toàn của người thầy mà phải luôn luôn tưới tẩm một tinh thần học hỏi chuyên cần không ngừng. Tự học-tập luôn luôn có kết quả tốt đẹp nhiều hơn là được chỉ dẫn. Tất cả những sự chỉ dạy trên thế giới sẽ vô dụng nếu chúng ta không cần học.

Các câu trả lời cho hầu hết các vần đề của chúng ta không được tìm thấy trong các sách vở. Nếu chúng ta dựa vào sách để giải quyết tất cả vấn đề thì chúng ta sẽ luôn luôn chạy vào thư viện để tìm câu trả lời. Đây không phải là chúng tôi bác bỏ sự hữu ích của sách vở vì có vô số sự việc chúng ta cần đến nó; sẽ là sự dại dột nếu chúng ta làm như vậy. Tuy vậy, hiểu được Phật Pháp, điều mà chúng ta có thể tìm từ kinh sách, sẽ đem chúng ta đi xa hơn là những gì trong kinh sách có. Đồng thời nó cũng giúp đỡ và khuyến khích chúng ta phát triển được cái trí tuệ cần thiết để tìm ra các câu trả lời.

Trang 13. Muốn theo Con Đường (Đạo), chúng ta phải là những người học tập chứ không phải là những kẻ học theo (tức như những người khoa bảng). Điều đó có nghĩa là, với những điều không biết, sẵn sàng thành thật nhìn nhận sự không biết của mình. Giả dối về chuyện nầy và che dấu qua kinh nghiệm bằng cấp đại học là một chướng ngại lớn. Có người vì lòng tự hào đã khiến cho họ không nhìn nhận những điều không biết của mình. Do vậy, việc nói dối đó lại khiến cho họ vô minh lần thứ hai. Lòng tự hào là một trở ngại hơn là một đức tánh. Đã có người viết: ‘‘Hãy khiêm cung và càng khiêm cung hơn khi bạn đắc được Trí tuệ.’’

Tôi có hơi buồn khi có người phê bình các buổi nói chuyện của tôi: ‘‘Tôi học được gì nơi ông ấy?’’ Tôi buồn là buồn cho họ chớ không phải cho tôi, là vì: họ có thể đúng, nhưng không phải là vì không có gì để học mà là đầu óc của họ đã đầy ấp sự chấp thủ không còn chỗ trống để chứa vào đâu cả. Nếu bạn biết cách học tập, bạn có thể học cái gì đó từ mọi việc và mọi người. Khi muốn cầu tiến, chúng ta sẽ không phiền khi phải chọn học ai.

Để chứng minh điều nầy, tôi xin kể lại một câu chuyện nhỏ về một bác sĩ tại đất nước Mã lai Á.

Trong khi phục vụ tại một bệnh viện nọ thuộc Ban Đánh Thuốc Mê, Bác sĩ Tân thường gặp phải khó khăn đối với các máy móc đã quá cũ kỷ. Khi gặp như vậy, một nhân viên bệnh viện tên Muniandy được gởi tới sữa vì anh ta là nhân viên độc nhất biết sữa loại máy đó cho nó chạy trở lại. Viên bác sĩ vừa phục nhân viên nầy vừa buồn là sao chỉ có một mình anh nầy có khả năng sữa máy mà không có ai khác. Vị bác sĩ nầy quyết định học cách sữa.

Trang 14. Khi Muniandy được yêu cầu chỉ dẫn, anh rất đổi ngạc nhiên vì nghĩ mình không được học nhiều sao một vị bác sĩ lại đi hỏi chuyện cái máy nầy. Anh khiêm nhượng từ chối. Bác sĩ vẫn một mực yêu cầu và giải nghĩa rằng nếu tự biết sửa kịp thời thì ông có thể cứu được mạng người nếu máy hư. Muniandy hiểu ra và rồi cắt nghĩa tận tình cho vị bác sĩ cách vận hành và cách sửa chiếc máy đó. Bác sĩ hiểu ngay những gì Muniandy trình bày vì đây chỉ là những gì do kinh nghiệm chứ không phải là trong lý thuyết.

Khi chuyển qua một bệnh viện khác, bác sĩ Tân gặp phải một chiếc máy mới nhập cảng từ Đức quốc với các tờ chỉ dẫn cách sử dụng nó bằng tiếng Đức. Tuy nhiên nhờ đã biết được cách sử dụng máy cũ nên bác sĩ Tân nắm rõ sự phức tạp của chiếc máy mà không cần phải xem tờ chỉ dẫn nhiều. Ông luôn nhớ những lời chỉ dẫn của Muniandy khi tiếp cận chiếc máy.

Vài năm sao đó, khi bác sĩ Tân bắt đầu mở phòng mạch riêng, Muniandy, lúc đó đã về hưu, đến thăm ông. Họ kể lại thời gian làm việc chung với nhau và khi nhắc đến chuyện cái máy cũ, nước mắt Muniandy lưng tròng. Anh nói: ‘‘Trong 35 năm làm việc tại bệnh viện, ông là người duy nhất hỏi tôi về cách thức sửa chữa chiếc máy. Đó là những lúc vui sướng nhất của tôi!’’

Có ai trên đời nầy mà biết tất cả không? Chúng ta không có lý do gì để tự hào rằng tôi không biết hoặc không thể nói, ‘‘Tôi không biết’’. Chỉ khi nào nói được với tất cả sự thành thật và khiêm tốn thì lúc đó mới nói được rằng chúng ta đã tiến bộ trên con đường tâm linh.

Trong mọi trường hợp, dù thích hay không thích, đều là cơ hội để học hỏi. Các sự việc, dù đau khổ hay không thích thú thế nào đi chăng nữa, đều có những điểm tốt để học. Một con muỗi chẳng hạn. Nó giúp chúng ta: chế phục sự sợ đau, luyện tâm, thực hành sự kiên nhẫn và nhất là lòng từ bi cao đẹp. Sao lại một ‘con muỗi’–một con vật tầm thường và bị ghét cay ghét đắng–lại giúp ta được nhiều chuyện như thế?

Trang 15. Vâng, dĩ nhiên không ai thích bị muỗi cắn, nhưng vì sợ đau nên chính cái sợ đó bị khuếch đại khiến cái đau đó lớn hơn bình thường, đủ làm cho người ta có thể thức nhiều giờ trong đêm, lo lắng con vật nầy tuy nhỏ nhưng gây phiền toái, đang bay kiếm thức ăn chiều cho chúng. Bạn có thể tự trắc nghiệm tâm lý chính mình. Để một con muỗi nào đó đậu trên da bạn. Nó hút máu bạn, bạn không đuổi đi mà cố quan sát. Chỉ tốn 5, 10 phút thì nó đầy bụng. Yên lặng nhìn tiến trình hút máu của muỗi đồng thời tự xét phản ứng của mình. Không giận không sợ. Bạn sẽ cảm thấy là cái đau không lớn lắm trong khi nếu bạn sợ thì nó có vẻ lớn hơn nhiều. Muỗi sau khi no nê, cứ để cho nó bay đi. Dĩ nhiên là không giết nó. Đầy bụng, nó sẽ khó khăn di động để bay thoát đi. Ta biết rằng chỉ có muỗi cái mới cắn và hút máu để nuôi trứng đẻ. Đấy là việc tự nhiên, loài muỗi không có cách chọn lựa nào khác.

Riêng chúng ta là loài người không cần phải chọn theo các bản năng ác nghiệp đó. Chúng ta không cần phải hút máu các sinh vật khác (mặc dầu có những kẻ chế tạo khí giới và những người hiếu chiến có vẻ họ đã sống trên xương máu của đồng loại). Chúng ta có thể chọn cách sống không bạo lực, không phá hủy hoặc sống yên bình và sáng tạo. Không ai bắt buộc chúng ta phải hành động như những dã thú.

Sau khi muỗi bay đi, bạn cố gắng bình tĩnh (chánh niệm) và quán sát sự mong muốn gãi ngứa ngay vết muỗi cắn; tự hỏi nếu không gãi thì có sao đâu. Khi quán sát tức là bạn đang kiểm soát tâm thức bạn. Bạn sẽ cảm thấy rằng mức độ muốn gãi chỉ bằng phân nửa mức độ nếu bạn không quán sát nó. Đây chỉ là vấn đề ‘tinh thần trên vật chất’ mà thôi và quả thật là nó có hiệu quả.

Trang 16. Trong một vài phút, cái ngứa sẽ biến đi, trong khi nếu gãi nó sẽ kéo dài hơn. Tôi đã từng thấy con người đầy vết thẹo trên cánh tay và chân do vết muỗi cắn mà vì họ đã gãi đến chảy máu khi họ còn trẻ.

Tất cả các sinh vật đều muốn vui mà không muốn khổ, ai cũng vậy. Chúng ta không thích những người khác đến làm phiền, làm tổn thương hoặc sát hại ta. Đây là luận chung cho tất cả. Là con người, chúng ta nên thường xuyên nhớ đến điều nầy. Ngay cả vi trùng nhỏ nhất cũng oằn xéo, phản ứng nếu có một giọt ắc xít đổ lên trên nó. Sự không thích khổ phổ biến khắp mọi nơi.

Người cứu mạng có giá trị hơn người sát hại. Ai cũng có thể sát hại được, không cần phải thông minh để sát hại vật khác. Nhưng muốn chữa lành và cứu mạng thì không dễ dàng. Nó cần lòng lòng từ, ý nghĩ tốt và sự cố gắng. Nếu không giúp được thì không nên làm hại.

Các Phật tử nhìn các giống vật thấp kém hơn và các loài khác như là em út của họ. Sự hiện hữu của chúng không phải để dùng chúng trong các trò chơi thể thao hay thức ăn, dù cho ai nói hay sách vở nói sao đi chăng nữa. Chúng hiện diện ở đây là để sống cuộc sống riêng của chúng, để trả hết cái định mạng của chúng, để biến hóa và lớn lên, để leo trèo tuy chậm chạp và đau khổ lên ngọn núi Toàn Hảo, nơi đó không có sanh và tử. Nơi đó, chúng sẽ không khác chúng ta. Nếu không thích chúng, chẳng hạn như không thích các con muỗi kia, chúng ta có thể chọn lựa tùy theo ý thích của mình vì đó là do các cá tính khác nhau của con người mà thôi, không có gì ngạc nhiên. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, ra ngoài cái bản ngã ‘cận thị’ nông cạn của mình, ta sẽ thấy Tình Thương không phải là sự chọn lựa mà là sự bảo bọc tất cả mọi người một cách bình đẳng; điều nầy không có liên quan gì đến ‘anh’ và ‘tôi’, đến sự ‘thích’ với ‘không thích’, vì điều nầy không phải là ‘ngã’. Cái ‘ngã’ là trung tâm của hầu hết các hành động của chúng ta. Tình Thương thì không và vì thế không có chuyện lòng vòng và cũng không có giới hạn. Chúng ta có thể hiểu được Tình Thương dù chúng ta chưa giác ngộ bằng cách biết cái giới hạn của cái ‘ngã’ đồng thời bước lên trên nó một bực. Như vậy không phải là đã Giác Ngộ rồi sao?

*

Mong nhiều khổ nhiều (Cầu bất đắc khổ)

Trang 17. Nếu đến nước Ấn độ, có dịp đi vào các vùng quê, bạn sẽ nhận thấy rằng đời sống diễn ra giống như đời sống cách đây cả trăm năm, có thể cả đến hằng ngàn năm. Nhiều làng mạc vẫn không có điện, truyền hình, điện thoại, đường tráng nhựa, nước vòi. Người dân vẫn dùng cày bừa theo lối cổ truyền do bò hay trâu kéo, nước thì múc hay kéo từ giếng, nấu nướng bằng lửa phân bò, v.v ...

Trong các điều kiện như vậy, ta mới có thể dể dàng hình dung đức Phật đi chân không từ nơi nầy đến nơi khác để làm vị khất sĩ hành đạo. Áo cà sa của ngài h��n phải chịu bụi trần bẩn thỉu và có thể đôi khi không giặt kịp. Cũng có thể ngài không cạo râu tóc kịp như chúng ta hiện nay. Hẳn ngài không phải luôn luôn có một định hướng trong đầu và chắc ngài cũng không vội vã hấp tấp mà ngài tiêu pha thời giờ với những người muốn tìm học đạo hoặc những người mà ngài nghĩ có thể hướng dẫn được. Với trí tuệ bát nhã, ngài có thể nói cho người khác Nghe Hiểu Thấy Biết. Bạn có thể thấy Ngài là một bậc Thầy vĩ đại như vậy được không? Một vị Thầy, một con người chứ không phải Chúa, không phải Thượng đế, không phải Đấng Cứu thế. Bởi vì Phật tử bác bỏ cái ý niệm cho rằng người nầy có thể cứu được người kia nhờ kết quả của việc họ làm.

Trong quyển sách ‘Ảo Tưởng’ hay ‘Cuộc Phiêu Lưu Bất Đắc Dĩ Của Một Đấng Cứu Tinh’ của Richard Bach, có một câu chuyện khá vui về một vùng đất của các sinh vật sống ở dưới một lòng sông. Trọn đời chúng sống bám vào các hòn đá và rong rêu dưới sông. Có một lần, một trong những sinh vật đó buồn chán vì phải bám hoài vào một tảng đá, đã nói rằng nó sẽ chết vì buồn chán nếu cứ phải sống như thế nầy. Chú ta bèn quyết định rời tảng đá để xem dòng nước sẽ mang chú đi đâu. ‘Đồ khùng’, các chú khác nói với chú như vậy, ‘Chưa ai làm như bạn vậy! Bạn sẽ bị dập vào các tảng đá khác và rồi sẽ chết mau hơn là chết vì buồn chán!’ Nhưng chú ta bất kể các lời khuyên. Chú cứ hành động theo ý chú và tức khắc bị dòng nước cuốn phăng đi.

Trang 18. Đầu tiên, chú quả thực bị dập vào các tảng đá khác nhưng không chết. Thay vì chống lại với làn nước chảy phăng phăng, chú cứ để cho dòng nước đưa chú đi đâu thì đi. Chẳng bao lâu dòng nước đưa chú lên trên mặt nước không đá không cỏ rêu.

Các sinh vật khác ở dưới khi thấy chú chuyển được lên trên, thốt lên sự ngạc nhiên. ‘‘Xem kìa, chú kia cũng như mình vậy mà chú bay dược! Chú là đấng ‘Cứu Độ’ chúng ta! Đấng Cứu Thế! Đấng Cứu Thế! Chú la lên, ‘‘Không, ta không phải là đấng Cứu Độ mà chỉ là một trong các ngươi thôi. Chính ta đã xả ly, đã tự để cho dòng nước đưa đẩy ta. Nếu các ngươi cũng tùy duyên để cho dòng nước đưa đi, các ngươi cũng thành như ta!’’. Họ không nghe chú nói và nhất quyết bỏ qua lời chú và đồng la lên: ‘‘Đấng Cứu Rỗi! Đấng Cứu Rỗi!’’. Chú được nước cuốn đi ra khỏi tầm mắt các bạn, các sinh vật kia vẫn bám chặt vào những chỗ mà họ đã được sinh ra, truyền miệng về câu chuyện Cứu Rỗi của chú.

Mặc dầu đức Phật đã nói rõ rằng không ai có thể cứu ai nổi mà là mỗi một người phải tự độ mình, nhiều Phật tử cũng vẫn còn trông chờ người cứu rỗi giùm họ, cầu nguyện chư Phật và chư Bồ tát tha thứ cho tội lỗi của họ, tẩy trừ ‘nghiệp tội’ v.v... giùm họ. Đôi khi họ cũng mong thấy các vị sư là kẻ siêu phàm, không muốn coi sư sãi là con người thường chút nào cả. Họ kính trọng quá đáng sư sãi, đặt họ lên trên quá cao đến độ muốn nhìn viễn vọng kính để tìm họ trên không trung! Lúc đó nếu người anh hùng của họ làm điều gì không phải hoặc họ không còn thích nữa, họ trở nên thất vọng và các thầy không còn được tôn quí nữa. Tại sao họ thất vọng? Có phải tại vì các thầy làm sai không? Hay tại vì đại chúng ‘cho họ lên’ quá? Nếu mong đợi càng nhiều thì thất vọng lớn sẽ nằm chờ kế bên. Và nếu các thầy tự để mình được nâng cao quá, làm sao họ có thể sống theo nổi với sự đề cao quá đáng đó. Cố gắng sống theo tức tự chuốc lấy sự tai hại, bởi vì mặc dầu chúng ta muốn được giải thoát nhưng việc mong muốn với cái thực tế (có thể thoát được hay không) là hai việc khác nhau. Dĩ nhiên, chúng ta muốn được giải thoát nhưng muốn mà thôi thì không đủ mà chúng ta phải tìm kiếm, giành lấy và nhất là chúng ta phải sẵn sàng.

Trang 19. Kế đến, trong khi đề cao các vị sư sãi, chúng ta đồng thời tự hạ mình xuống rất thấp nghĩ rằng có thể là họ sẽ được miễn trừ khỏi giới luật. Họ dùng các vị sư làm một cái cớ để làm những việc họ biết là họ không thể làm. Một lần có một người đến nói với tôi là họ thấy một tu sĩ hút thuốc và nói rằng hút thuốc đối với một tu sĩ là điều rất xấu. Tôi đồng ý với ông nhưng nói: ‘‘Sao bạn nói với tôi về một tu sĩ hút thuốc mà bạn lại vừa hút thuốc vừa nói chuyện với tôi?’’Anh ta cải lý rằng ‘vì không phải là tu sĩ nên anh hút thuốc là không sao’’. Nghe như vậy có hữu lý không các bạn? Chúng ta hãy xét đến cái ‘lý’ của một ý nghĩ như vậy.

Bản thân là tu sĩ, tôi đã thấy được cả ‘hai phía của một hàng rào’ vì vậy tôi tự cho là có thẩm quyền để nói rằng Con Đường của Phật (Phật Đạo) ngược lại với những gì các Phật tử nghĩ về các Tăng Ni và những người sống trong chùa chiền hay tu viện. Cửa chùa rộng mở cho bất cứ ai mong muốn thực sự theo học đạo. Không hiểu được điều nầy, nhiều Phật tử trong việc không hiểu biết và lười nhác, mong muốn những người khác làm mọi thứ cho họ. Để chữa được tật nầy, ta nên nói công khai rằng không có Hai thứ Luật của cuộc Đời, một cho các Tu sĩ và một cho các người lương, mà chỉ có một. Và Luật Nhân Quả không phân biệt với người cạo tóc với không cạo tóc, với người mặc áo tràng hay mặc thường phục, với người ở tu viện hay người có gia đình. Không có thiên vị, không có ưu đãi. Nếu tu sĩ cầm nắm cục than đang cháy ông ta sẽ bị phỏng, người lương cũng bị vậy thôi. Tu sĩ bệnh, già và chết, lương nhân cũng vậy. Tu sĩ không được miễn trừ các chuyện đó.

Trang 20. Theo đức Phật, có ý định (tác ý) là yếu tố mạnh mẽ nhất trong việc tạo thành nghiệp. Ngài nói: ‘‘Tác ý, các Tỳ kheo, ta tuyên bố đó là nghiệp’’. Bạn nhận cái quả từ nghiệp của bạn. Tôi hái cái quả từ nghiệp của tôi. Tôi không nhận cái quả từ nghiệp của bạn và bạn cũng không hái cái quả từ nghiệp của tôi. Nếu có chuyện chuyển được nghiệp của chúng ta sang người khác thì kẻ thù của ta sẽ tẩy trừ tất cả các bất thiện nghiệp của họ sang cho chúng ta để cho ta chịu đựng hết cái quả của các hành động không tốt của họ–thế có phải là rất tiện lợi cho họ hay không? Tuy vậy, làm sao được như vậy? Và cũng như vậy, làm sao có thể chuyển hết các nghiệp thiện của chúng ta sang cho người khác? Là Phật tử, lý do chúng ta được khuyên phải làm phước cho người khác, nếu chúng ta dám giả thử rằng chúng ta thực sự có đức để làm phước, là vì nó mở rộng ra cái tâm cái lòng của người làm việc đó. Đây là một hành động công đức, phải không quí bạn?

Có khi phải quán tưởng (hoặc quán tượng) ngay đức Phật để có thức giác liền để thành một con người luôn nghĩ đến kẻ khác. Tán thán Phật như nhiều người đã làm và cầu đến Ngài để nhờ hộ trì và cứu giúp là một lầm lẫn lớn, vì Ngài không bao giờ bảo rằng phải tin và cầu nguyện Ngài mà phải tự tìm ra Sự Thật từ đó mới Giác Ngộ và Giải Thoát. Giác Ngộ là Phật giác ngộ, không phải là ta giác ngộ. Phần công đức cũng vậy. Ta phải tự đạt lấy phần riêng cho ta mà không phải cầu xin. Ta sẽ luôn trong Luân Hồi nếu ta chỉ dựa vào việc cầu xin để được cứu độ.

Chư Thánh như các bậc A la hán và Bồ tát ngày nay rất hiếm; khó mà tìm thấy trong các chùa chiền và nhà thờ và nếu mong tìm họ ở các nơi đó, chúng ta chắc chắn sẽ thất vọng. Và chúng ta có nên đổ lỗi cho ai về sự việc nầy không? Có lý hay không khi ta đổ lỗi cho các tu sĩ hay giáo sĩ đã không sống theo sự mong đợi của ta để trở nên thần thánh như ta muốn hay không? Ta đổ lỗi cho ai nếu không phải là ta mong đợi quá nhiều? Việc phải đi theo con đường Đạo là việc quan trọng nhất. Chẳng có gì thay thế được. Chẳng có ai làm cho ta giống như chẳng ai ăn giùm cho ta được. Nếu không gieo hạt giống sẽ chẳng gặt hái được gì cả. Không tạo nhân thì chẳng bao giờ có quả. Tuyệt đối chẳng có ích lợi gì khi than phiền rằng chư Phật, chư Bồ tát hay các tu sĩ đã không cứu độ chúng ta nổi. Hãy xem tu sĩ là thầy của con đường Đạo, còn việc họ có theo con đường Đạo đó hay không là chuyện của họ; chuyện quan trọng nhất vẫn là chính chúng ta Học Tập, Học Tập và Học Tập. Và khi nó quan trọng đến độ cần thiết cho ta, ta sẽ không cần để ý đến việc ta học từ ai (hay từ đâu).

Trang 21. Ở trường, khi học sử địa, ta có cần người thầy dạy các môn đó phải đích thân đến các địa danh hay phải là chứng nhân các sự kiện lịch sử mà họ mô tả, chỉ dạy hay không? Và bạn nghĩ sao nếu các tu sĩ giảng về chư Phật, các bậc A la hán, Niết bàn, Thiên đàng, Địa ngục, v.v...bạn nghĩ là họ nói từ kinh nghiệm cá nhân họ hay từ những gì họ nghe hoặc họ đọc? Cũng có thể họ nói thật từ kinh nghiệm riêng của họ nhưng cũng có thể là không? Nếu có thật, chuyện đó cũng không thật cho bất cứ ai, mà ta phải tự chứng thật cho mình (LND: và đó mới thật là Tự-Do [Do: noi theo; Tự: từ mình; tự do là theo mình, do mình; như vậy mới đúng nghĩa của chữ tự do). Chỉ đến lúc đó thì ta mới sẽ biết. Đây là lý do tại sao Phật ‘cổ vũ’ chúng sanh không nên tin những gì Ngài nói mà phải ‘‘Chứng nghiệm Pháp của ta giống như thợ kim hoàn thử vàng bạc của họ’’.

Có lần có người cho tôi biết một vị sư nổi tiếng nào đó (vị nầy thành lập một tông phái đặc biệt của Phật giáo Việt nam mà người ấy theo): ‘‘Thầy là bậc A la hán chắc chắn 100%’’! Tôi hỏi sao ông chắc như vậy trong khi ông không được gặp mặt thầy ấy và ông cũng không phải là A la hán mà! Bạn muốn biết một người đã đắc A la hán hay không thì bạn phải là A la hán. Bởi vì đối với một vị A la hán, A la hán thật và Bồ tát thật, không phải như các người giả hiệu ngày nay, sẽ khó mà đi phô trương và tự tuyên bố như vậy. Chúng ta chỉ có thể nói, như tôi đã nói về (Ngài) Thích Quảng Đức và Mẹ Theresa, rằng chúng ta Suy Nghĩ người nầy là A la hán, người kia là Bồ tát; đó chỉ là ý kiến cá nhân của chúng ta mà thôi chứ chẳng có quan hệ gì với việc người ấy có thực như vậy hay không; ý kiến suy nghĩ không làm cho các vị ấy trở thành bậc nầy bậc nọ.

Trang 22. Cách đây vài năm, tôi có nói chuyện với một nhóm Ki tô giáo trong một chùa Phật ở thủ đô Manila; họ đi truyền giáo trong một số nước có đa số là Phật tử và cũng muốn biết về Phật giáo. Trong bài nói chuyện, tôi trích một số giáo lý trong Thánh kinh Ki tô để nhấn mạnh một vài điểm giảng và so sánh. Bài nói chuyện chấm dứt và đến giờ giải đáp thắc mắc, một nữ tu nói: ‘‘Chúng tôi nghe ông trích Thánh kinh ra mà nói (ý nói Thánh kinh Ki tô, như thể là chỉ có Thánh kinh nầy là độc nhất trên thế giới được xem là ‘thánh kinh’) ông có được phép nói như vậy không’’ Tôi trả lời: ‘‘Kim cương là kim cương không cứ gì nó phải từ đâu ra’’. Chúng ta không mong tìm ra Sự Thật chỉ ở trong kinh sách và chắc chắn không phải chỉ từ kinh sách Phật. Sự thật không phải chỉ có giới hạn như vậy, và nếu chúng ta hiểu những gì Phật đạy, chúng ta có thể thấy được Pháp Phật không cứ phải từ giáo lý của các tôn giáo khác, mà là trong tất cả mọi vật, mọi nơi. Pháp (Phật) ở trên Danh (Tâm) và Sắc (Vật) và không có giới hạn.

Tuy mẹ Theresa là một nữ tu Ki tô giáo, nhưng bà không màng đến việc tiếp xúc với người bị bệnh, kẻ cùng đường hoặc người hấp hối dù họ là người Ấn độ giáo hay Hồi giáo. Bà không dùng sự giúp đỡ của mình làm phương tiện để mong họ cải đạo theo Ki tô giáo. Ý tưởng làm như thế có thể không bao giờ ở trong tâm thức của bà! Có lẽ bạn cũng biết chữ ‘Ki tô’ có 2 tự loại, một là danh từ, hai là tính từ. Khi được dùng làm danh từ, ta có thể nói ‘Người nầy hay người kia theo Ki tô’, có nghĩa là tín đồ Ki tô giáo. Nhưng nếu được dùng làm tính từ như khi ta nói rằng người kia ‘có quan điểm Ki tô giáo’, nó có nghĩa là ‘đại chúng, tự do, rộng rãi, rộng mở’. Tôi nghĩ mẹ Theresa theo ‘Ki tô giáo’ với nghĩa của tính từ hơn là với danh từ. Nếu người ta gọi bà là thánh (như nhiều người đã làm) và cũng có thể là gọi quỉ!, điều đó có làm thay đổi bà chút nào được không? Lòng bác ái và vị tha tạo bà thành chức thánh và cái đó là của bà; phong thánh bà sẽ là chuyện thừa. Không cần thiết sơn một đoá hoa hồng!

Trang 23. Không lạ lùng gì khi Phật giáo dạy về Vô ngã–có nghĩa là một cái ngã hay một linh hồn riêng biệt tách rời chỉ là một ảo tưởng–mà vấn đề ‘cá tánh’ lại trở nên quá quan trọng đối với các Phật tử. Chúng ta thường quan tâm đến cá tánh của người thầy hơn là những điều chỉ dẫn của ông, và điều nầy là một chướng ngại lớn. Thường chúng ta hay nghe người ta chỉ trích các tu sĩ và nói rằng họ thích thầy nầy chứ không thích thầy kia trong khi không để ý gì về Phật Pháp cả. Cái loại ‘giác ngộ’ nầy để lộ ‘cái tôi’ và do đó nó bị giới hạn và dễ dàng đưa đến mê lầm. Tuy chưa giác ngộ nhưng chúng ta cũng không cần phải luôn luôn vướng vào cái giới hạn của cái tôi nầy và hành động theo cách vị kỷ đó. Ta có thể vượt lên trên nó bằng cách tự nhắc nhở rằng Pháp Phật, chứ không phải ‘cái tôi’, nên là trung tâm điểm của việc hành xử của ta đối với kẻ khác.

***

‘‘Giá trị của một người nên được xét đến những gì người ấy cho chứ không phải những gì người ấy nhận.

‘‘Động cơ quan trọng nhất cho việc làm và trong trường học và trong cuộc đời là sự thích thú làm việc, vui với kết quả của nó và trong cái nhận thức giá trị của một cộng đồng, Trong sự tỉnh giác và củng cố của các yếu tố tâm lý trong con người trẻ, tôi thấy rằng cái công tác quan trọng nhất vẫn là được trường học tặng cho. Một nền tảng tâm lý như vậy chỉ một mình nó thôi cũng dẫn đến sự vui thích đến các sở hữu cao nhất của con người: kiến thức và tính làm việc nghệ thuật.

Albert Einstein: Out of My Later Years.

***

Tìm vui tránh khổ

Trang 24. Thật là buồn cười nếu ta thấy ai đó trèo lên một cây táo để bẻ chuối, phải không các bạn? Nhưng chuyện nầy kể cũng không lạ lùng lắm đâu bạn. Tìm hạnh phúc ở những nơi không thể có hạnh phúc thì nó lại càng lạ lùng hơn và vô lý hơn là đi bẻ chuối từ cây táo.

Cách đây vài năm, tôi được mời nói chuyện với một số học sinh Phật giáo Á châu tại một trường nọ ở Sydney. Tôi quan sát thấy các em loạng quạng đi vào lớp trễ, không quan tâm, không chú ý và đã mất–hay từ bỏ– cung cách và sự tự trọng của truyền thống Á châu.

Để gây sự chú ý, tôi hỏi các em, con người trên thế giới hiện nay muốn gì. Vì chúng hầu hết là các con em của người Việt nam hay Căm pu chia tỵ nạn nên nhiều em nói là ‘Tự Do’. Tôi nói lại là nhiều người đã có nó rồi và vì vậy không muốn tìm nó; quả thật, có người đã có quá nhiều tự do và không biết phải làm gì với nó, lại lạm dụng nó và phá hủy nó thay vì trân trọng nó như là bảo vật. Dĩ nhiên điều nầy có nghĩa là họ không sẵn sàng để nhận cái đó; tự do sẽ bị phí phạm đối với những người không hiểu, không chịu hiểu hoặc không trân quí nó. Nó phải là cái gì tự mình tìm kiếm chứ không ai cho mình, bởi vì nếu chúng ta không cố gắng tự tìm nó, chúng ta sẽ không biết giá trị của nó và vì vậy nó sẽ dễ dàng bị phí phạm và đánh mất đi.

Có em bảo là ‘Tiền Bạc’. Mặc dầu có nhiều người, nếu không muốn nói là hầu hết đều đi tìm nó; và mặc dầu tiền bạc, chắc chắn là ‘tôn giáo’ đối với hầu hết mọi người trên thế giới nhưng không phải người nào cũng đi tìm nó. Có một số ít đã có tiền nhưng không tìm thêm.

Lại có em bảo là ‘Tình Thương’. Vâng, hẵn bạn cũng biết, dù rằng từ nầy được dùng khá nhiều đến nỗi gần như ‘vô dụng’. Tình Thương, cái phẩm chất của nó vẫn là một cái gì tất cả chúng ta đều cần, cách nầy hoặc cách khác. Câu trả lời mà tôi muốn là ‘Phúc Lạc’. Tôi hỏi chúng: ‘‘Nếu các em hạnh phúc trong quốc gia mình ở trước đây thì các em có vượt biển làm người tỵ nạn không?’’ Câu trả lời là: ‘‘Không, chắc không’’ Vậy các em trốn thoát khỏi quốc gia của mình là vì không có phúc lạc ở đó và vì cuộc sống nơi đó quá khó khăn’’.

Trang 25. Tôi đã đi đến gần 40 quốc gia và đã thấy rằng mặc dầu có các sự khác biệt giữa con người, các căn bản chính yếu vẫn là: mọi người đều muốn phúc lạc, không ai muốn khổ đau. Tôi tiếp tục nói: ‘‘Vì vậy, phúc lạc phải là một cái gì rất quan trọng, phải không? Các em trả lời: ‘‘Dạ’’ -‘‘Vậy thì tôi hỏi các em, cái phúc lạc đó rất quan trọng, thế họ có dạy các em về chuyện đó ở trường học hay không?’’ Tất cả đều đồng thanh la lên ‘‘Không, không bao giờ!’’.

Phúc lạc là một việc rất quan trọng vậy mà nó nó đã bị xao lãng hoàn toàn ở trường học! Tại sao lạ vậy? Tại vì nó không thể dạy được mà phải tự tìm lấy hay khám phá ra do chính mỗi cá nhân? Hay vì không thể được hay không nên nói về nó? Hoặc nó đã bị bỏ qua một bên vì nó ‘rất cảm tính’, nên ném vào thùng rác để nói cái gì đáng nói hơn, thí dụ như sự ‘thành công, thắng lợi’?

Riêng tôi, tôi xem hệ thống giáo dục ngày nay là Kẻ Thù Chung Số Một, vì nó khắc sâu vào tâm não con người nhiều đặc tính mà thế giới hiện nay cần ít hơn thay vì nhiều hơn, và nó đã dẫn trực tiếp đến sự xung đột: đua tranh, thô bạo, ích kỷ, tự hào, tham cầu, đố kỵ, tọc mạch, vô tâm đối với người khác,v.v...

Có người cãi lại rằng nếu không có đua tranh chúng ta sẽ không tiến bộ. Nếu vậy thì tôi không đồng ý vì chúng ta vẫn tiến bộ được mà vẫn không đua tranh hơn thua nếu chúng ta học cách hợp tác với nhau cho lý tưởng chung. Và tôi tin rằng chúng ta có thể được chỉ dẫn phô bày từ những giai đoạn đầu tiên cách hợp tác nhau. Thế Chiến thứ II–chỉ là một ví dụ điển hình cho sự xung đột vô nghĩa nhất–gây ra chết chóc cho 50 triệu người, làm thiệt hại và tàn phá nhiều thứ mà chúng ta không thể được biết và không so sánh được. Nhưng chúng ta vẫn không học được bài học đó: thế kỷ 20 là thế kỷ đẩm máu nhất. Ngay hiện nay, đã có vô số xung đột với các tầm mức khác nhau trên thế giới và sẽ là một điều cực kỳ may mắn nếu chúng ta thoát khỏi được Thế Chiến thứ III!

Trang 26. Với hệ thống giáo dục hiện nay, thực tế là mẫu hệ thống Hoa kỳ, chúng ta có thấy phúc lạc không? Chắc còn xa! Chúng ta đã biến thế giới thành một đám rừng đầy các thú vật hoang dã và tàn độc, nơi đó không có sự an toàn khi đi đêm ra ngoài phố, đôi khi cả ban ngày ở một vài nơi! Thật là lạ phải không quí bạn? Tại sao trong khi phóng người lên được cung trăng và gửi người xuống dưới đáy biển mà chúng ta không dạy được con trẻ–vì đây là nơi mà chúng ta bắt đầu–cách sống chung với những người khác trong sự hiểu biết và yên bình.

Những cách chúng ta mưu tìm hạnh phúc thì vô số. Tìm sướng tránh khổ là những theo đuổi chiếm phần lớn cuộc sống chúng ta. Chúng ta có thể nói một cách tổng quát là ai cũng muốn phúc lạc và tránh đau khổ; tất cả chúng ta đều có chung mong muốn nầy. Nhưng có bao nhiêu được phúc lạc? Đôi khi phúc lạc thì có, người nầy có phúc lạc hơn người kia thì có, nhưng bạn có biết ai được luôn luôn phúc lạc hay không? Riêng tôi thì không biết ai.

Có người tìm phúc lạc bằng những cách không hại người khác; có kẻ sẵn sàng làm tổn thương người khác để được phúc lạc, họ giết chóc, trộm cướp, nói dối, lừa đảo, v.v..., nếu họ nghĩ nó sẽ cho họ phúc lạc, họ sẽ tìm trong sự phẫn giận. Nhưng họ có phúc lạc không? Có thể là chút ít và ngắn ngủi và khi hành động họ chín muồi, thì phúc lạc của họ ở đâu? Có nhiều công thức để tìm phúc lạc. Công thức thông dụng nhất là: tiền bạc=phúc lạc. ‘‘Phải chi tôi giàu tôi sẽ hạnh phúc’’ họ nghĩ như vậy. Dĩ nhiên nếu gia đình ta đói hoặc không có nhà cửa thì sẽ khó mà hạnh phúc, nhưng giàu tự nó không giải quyết được các vấn đề và không đem lại phúc lạc.

Các công thức khác là : ‘‘Nếu tôi có một người bạn trai đẹp trai (hay một người bạn gái tuyệt đẹp) tôi sẽ hạnh phúc’’ ‘‘Nếu tôi trẻ trở lại (hoặc mạnh khoẻ, có quyền lực, nổi tiếng, có nhiều bạn, v.v...) tôi sẽ có hạnh phúc’’. Nhưng hạnh phúc có thể kế hoạch hóa được không? Ta hãy thử dừng lại một chút và tư duy về cái lòng luôn luôn chạy vội đi tìm phúc lạc của con người.

Trang 27. Hạnh phúc (và bất hạnh) không thể nào tìm được và thấy được, bởi vì nó là kết quả từ cái cách ta sống. Thực vậy, chính sự Mưu tìm hạnh phúc mới là Trở ngại lớn nhất cho việc có nó, thường chúng ta không thấy điều nầy chỉ sau khi chúng ta đã tìm đến lúc mệt lã người!

Có người đã nói: ‘‘Phúc lạc là nước hoa bạn không thể rưới lên người khác mà không nhỏ một vài giọt lên mình’’. Đây là điểm quan trọng: hãy quên mình và giúp người khác. Chúng ta nên làm thế chỉ vì chúng ta có cơ hội và khả năng làm được như vậy, chứ không phải nghĩ là làm như vậy thì sẽ được đền trả. Vì nếu nghĩ như vậy thì cũng như là đi tìm nó và kết quả là thường bị thất vọng.

Tại sao ta phải đi tìm hạnh phúc? Nếu ta đã có hạnh phúc rồi lại không có đau và khổ thì không cần thiết phải đi tìm nó! Vì không có hạnh phúc, vì có thể bị đau khổ nên ta mới tìm nó.

Đau là gì? Đó là phản ứng đối với một các nguyên nhân hay các điều kiện (nhân duyên) nào đó; đấy là kết quả của các nguyên nhân giống như mọi thứ khác, và nếu có thể khám phá và hiểu ra được các nguyên nhân, chúng ta có khả năng tránh được các hậu quả của nó.

Có hai loại đau: đau (bệnh) thân thể và đau (khổ) tinh thần. Ta có thân thể, bệnh là việc dĩ nhiên. Dù có thể tránh được vài trường hợp nếu ta chăm sóc thân thể kỹ hơn, nhưng có nhiều bệnh ta không thể tránh được thì đây cũng là chuyện dĩ nhiên vì thể xác phải càng ngày càng suy thoái giống như máy móc một ngày nào đó nó sẽ hư. Đây là lý do tại sao ngài Lão Tử đã nói: ‘‘Chấp nhận sự rủi ro xem nó như là chuyện đau thân thể; nếu không có thân thì đâu có rủi?’’

Trang 28. Khổ tinh thần ngược lại không phải là không tránh được vì ta có thể nắm quyền kiểm soát tâm thức của ta dễ hơn. Chúng ta không thể ngăn thân xác ta không già và không chết nhưng cái tâm trí ta thì ta kiểm soát được nếu ta muốn. Chúng ta không cần phải bị đau khổ vì lo lắng, buồn rầu, tuyệt vọng hay giận dữ; chúng ta không cần phải đố kỵ, trả thù, đe dọa hay tự hào; tâm trí ta không cần phải chất đầy sự tham muốn, ghét bỏ hay ngu muội. Nhưng chúng hay tới với chúng ta, phải không các bạn? Chúng ta đau khổ nhiều vì sự hiện diện của những cảm tính tiêu cực, nguy hại nầy; chúng gây cho chúng ta đau khổ ngay cả bình diện vật chất hay thân thể qua cái tâm tác ý lên trên thân xác. Quả thật là có nhiều rắc rối gây ra chỉ vì cái tâm!

Không có ai, ít nhất đối với những người không điên khùng, thích đau khổ. Hầu hết mọi người tránh khổ, ghét khổ và sợ khổ nhưng ít ai muốn tìm hiểu nó, lắng nghe nó và chịu nghe nó nói. Quả thật cái khổ nó muốn nói lắm. Khổ là sự tự nhiên, nó muốn nói lên có cái gì sai trái, không còn thăng bằng, cần phải chú ý. Thực sự không phải nó là kẻ thù như ta nghĩ, bởi vì nếu chúng ta lắng nghe nó và học hỏi từ nó, điều đó sẽ ích lợi và có thể xem nó như là một người bạn, một người thầy, dù rằng mặt mày của nó trông xấu xí. Từ cái đau khổ của mình, ta có thể hiểu được cái đau khổ của người khác. Điều nầy nẩy sinh lòng từ bi, một đức tính đáng quí. Lòng từ bi là những gì bắt buộc đức Phật phải chỉ ra con đường Đạo cho những người sẵn sàng muốn thấy. Nếu chính chúng ta không bao giờ đau khổ, sẽ khó mà cảm thông với những người khác.

Thế giới của chúng ta thật buồn phiền, dù rằng nó thường được che dấu sự đau khổ qua lớp mặt nạ. Cứ phải thường trực đương đầu với đau khổ khiến chúng ta phát điên. Đôi khi nếu chúng ta nhạy cảm, ta sẽ cảm nhận có một sự buồn phiền vô tận trong thế giới ngày nay, và nếu không biết gì về Luật Nhân Quả, chúng ta sẽ dễ dàng bị tràn ngập bởi phiền muộn. Nếu biết rằng trong Vũ trụ không có chi là tình cờ ngẫu nhiên mà mọi sự mọi việc đều có nguyên nhân của nó sẽ giúp ta phấn khởi là ta không bất lực và có thể làm được chút gì đó.

Trang 29. Có hai loại đau khổ: đau khổ tự nhiên và đau khổ nhân tạo. Nhờ tri thức tăng theo tuổi tác nên ta có khả năng làm giảm bớt đau khổ gây ra bởi Thiên nhiên. Ta có thể tiên đoán và đề phòng các trận động đất, bảo tố, núi lửa, sóng thần, v.v...Ta có thể làm dịu bớt hậu quả các nạn lụt lội, hạn hán; lại có thể diệt trừ hoặc kiểm soát nhiều bệnh tật gây tử vong và chắc chắn chúng ta sẽ làm được nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, hầu hết các đau khổ, các sự tàn ác trên thế giới ngày nay như chiến tranh tôi phạm và sử dụng thuốc kích thích thì không không phải là điều do thiên nhiên gây ra mà do chính con người gây ra và chính trong lãnh vực nầy mà chúng ta có khả năng dùng sự thông minh và từ bi nhân ái để đạt được thành công. Và đây có lẽ là điều quan trọng nhất mà tôi phải nói trong quyển sách nầy: Mỗi một người trong chúng ta đều có khả năng gia tăng hay giảm thiểu sự đau khổ trên thế giới. Có thể ta không làm được nhiều lắm nhưng ta vẫn có thể làm theo phần của mình và chính những phần nhỏ đó có công dụng của nó. Thế giới nầy là của chúng ta. Quí bạn sẵn sàng tham gia chứ?

Đạo đức không thể áp đặt từ bên ngoài vì nếu từ bên ngoài (thì đến một lúc nào đó) nó sẽ nổi lên chống lại. Nó phải đến từ bên trong do sự hiểu biết (giác ngộ). Một cá nhân cần được cho cơ hội, tự do và khuyến khích để hiểu biết chính người đó.

Xã hội bao gồm nhiều cá nhân. Con người sống trong các chế độ độc tài như chế độ Cộng sản bị tước đoạt mất tự do; tội ác và sự chống báng xã hội sẽ xảy ra khi cái nắp đè ép bị bật lên.

Chúng ta phải học cách tự sửa vì ta đã có tự do để trở thành những cá nhân có sống thực thay vì chỉ là kẻ tiêu thụ đầy tham muốn.

***

TỰTHA THỨ

Trang 30. Chúng ta nhọc nhằn và loanh quanh với cái gánh nặng tội lỗi mà không biết làm sao buông bỏ nó. Là người thì ai cũng lầm lẫn, làm những việc không nên làm và không làm những việc phải và đáng làm. Rồi tiếc nuối hối hận cứ theo ta mãi từ quá khứ đến hiện tại. Tuy phải nên cảm thấy hối hận vì lỗi lầm của mình nhưng chúng ta phải tiếp tục sống trọn vẹn hơn vì đời sống tự nó là tiếp tục. Ta không thể sống trong quá khứ vì nếu cứ ‘bị’ sống với quá khứ nó chỉ ngăn trở ta mà thôi. Làm sao ta có thể quẳng gánh lo nặng nề của quá khứ đó đi và tiến bước với tấm lòng nhẹ nhàng thơ thới?

Nhiều người tin rằng tội lỗi phải được tha thứ bởi một ‘Đấng Toàn Năng’, có kẻ lại tin là ta phải được cứu rỗi bởi một siêu nhân nào đó, nếu không ta sẽ bị đọa vào Địa ngục. Lại có người thấy chuyện niềm tin là những kỹ thuật tâm lý mà từ đó ta có thể tìm được sức mạnh để đỡ đần trách nhiệm và chấp nhận các hậu quả của các việc làm của mình và tiếp tục sống. Chúng có giá trị vì nếu không có chúng, nhiều người sẽ cảm thấy cuộc sống sẽ khó chịu đựng và sẽ chắc có nhiều trường hợp tự tử hơn bây giờ. Nhưng nếu một kỹ thuật mà không hiểu được tường tận mà trở thành một giáo điều không thể nào thay thế được thì đấy là sự trói buộc thay vì là một phương tiện để giúp ta. Đây là lý do tại sao các kỹ thuật mới phải được liên tục tìm kiếm trước khi những kỹ thuật cũ trở nên cứng nhắc và vô nghĩa.

Rõ ràng là việc ‘Xưng tội’ của phái Thiên Chúa trong đạo Cơ đốc đã được chấp nhận trong thời đại Dương lịch là từ đạo Phật, cùng với các sự việc khác; tuy nhiên nó đã trở thành giáo điều của đạo Chúa, và rất ít người biết đến ý nghĩa thực sự của nó. Hầu hết tín đồ đạo Chúa tin rằng khi họ xưng tội trước linh mục, vị nầy sẽ quở trách họ và có thể làm vài việc giúp họ tự hối lỗi và rồi thế là hết tội và họ có thể bắt đầu trở lại với một lý lịch sạch sẽ tức là tội cũ đã được bỏ qua. Các tín đồ đạo Tin lành, những người cũng không hiểu rõ ràng về việc xưng tội, chế nhạo tín đồ đạo (Thiên) Chúa về việc nầy; thật vậy, một trong những lý do khiến cho Martin Luther, một trong những người thành lập chánh thức phái Tin lành, tách ra khỏi nhánh Thiên chúa La mã là phần nghi lễ để bán chứng- chỉ - tha - thứ, được biết dưới từ ngữ là ‘Xá tội’. Có thể ông không chống chính các chứng chỉ đó mà chống công việc làm ăn sinh lợi của họ; kẻ giàu có thể được tuyên án vô tội bằng cách nầy trong khi người nghèo thì không được. Các thầy tu nói rằng họ là ‘người được Chúa lựa chọn’, họ có khả năng và quyền hạn để tha tội, dĩ nhiên là với một số tiền.

Trang 31. Tại sao chúng ta có thể mua bán vấn đề tội lỗi được? Chắc chắn đồng tiền không thể mua được chuyện nầy. Bằng cách xưng tội nói lỗi của mình cho một người khác là bước đầu tiên để thấy rõ hiểu rõ được chúng để những lần về sau nầy khi phạm những lỗi nhỏ nhặt hay to lớn chúng ta có thể khắc phục chúng.

Phật giáo dạy rằng ta bị trừng phạt bởi tội lỗi của mình chứ không phải chúng như các tôn giáo khác; nếu ta gieo hạt và nếu chúng nẩy mầm và phát triển, ta sẽ có quả chứ không phải người khác có quả. Phật tử không tin có ‘Chúa’ hay một ai hay bất cứ thứ gì khác ban ân hay quở phạt ta; khi chúng ta thoát khỏi hay được tự do ra khỏi (vọng) tưởng đó, chúng ta sẽ có khả năng làm được một cái gì đó cho cuộc đời riêng của mình, và có thể có khả năng kiểm soát cách sống của chúng ta.

Phật tử tụng ai, niệm cái gì? Chắc chắn, chúng ta tụng kinh không phải cho đấng ‘Chúa’ nào, và cũng chẳng phải chúng ta tụng niệm đức Phật vì Ngài chẳng những không bao giờ yêu cầu người ta làm chuyện đó mà trái lại cảnh báo chống lại chuyện nầy. Ngài nói với mọi người là nên học Pháp Phật rồi tự tìm con đường giác ngộ riêng cho mình. Đức Phật không tuyên bố Ngài là người cứu rỗi dưới bất cứ hình thức nào; chỉ có Sự Thật hay Pháp Phật mới cứu và giải thoát ta chứ không phải Phật hay ai khác. Khi hiểu được điều nầy rồi chúng ta sẽ tức khắc tránh được cái bẫy của các sự vật thuộc nhân thế vì nó là cái bẫy chộp bắt rất nhiều người trong chúng ta.

Trang 32. Nhưng có nhiều người thực sự cầu nguyện đến đức Phật, phải không quý bạn? Vâng, ta có thể nói như vậy. Mặc dầu việc nầy không sai trái tuy có thể làm ngăn trở trên đường học Đạo, nhưng nó không hẵn là sai. Bạn cũng biết là nhiều người không có ai để giải bày tâm sự hay vấn đề rắc rối của họ. Rất ít người có các bạn ‘thiện tri thức’ (nói theo Phật và Phạn ngữ là Kalyanamitta) chịu lắng nghe một cách cảm thông mà không phê phán, những người nầy sẽ giúp đỡ và đưa ra lời khuyên hay phê bình khi cần. Nếu thiếu những người bạn nầy thì các khúc mắc sẽ bị ngăn trệ, trở thành mối lo sợ và không thể cũng như không muốn diễn bày với ai. Các khúc mắc đó trở thành nội kết gây nhiều căng thẳng và khốn khổ, lại càng ngày càng lớn hơn và mạnh hơn cho đến một lúc họ phải tìm cách ‘thoát ra’.

Thông thường, nếu chúng ta không tự buông bỏ hoặc được giải bày các khúc mắc khó khăn của mình, chúng sẽ tích tụ và gia tăng mạnh mẽ cho đến khi bất thình lình không kiểm soát được chúng sẽ nổ tung ra như núi lửa và có thể rất nguy hại. Chúng ta cần tìm cách thoát khỏi cái khúc mắc của mình hầu khả năng phá hủy của chúng được giảm thiểu. Vì vậy mặc dầu việc cầu nguyện chư Phật không đúng hẵn theo hình tượng hay ảnh Phật nhưng nó có thể tác dụng như là một cách để thoát khỏi sự căng thẳng hay lo sợ bớt bị áp lực tích tụ. Với kỹ thuật nầy nó có thể hữu hiệu. Ta không nên để ý đến những kẻ phê bình và chỉ trích ta là ‘lạy tạ ảnh tượng’ mà hầu hết đều phạm phải chuyện phê bình không đúng đắn đó. Tín đồ đạo Ki tô cầu nguyện ‘Chúa’ chỉ là cái cách tạo ra hay phóng ra hình ảnh tinh thần vì mặc dầu họ cho rằng ‘Chúa tạo ra Người’ bằng hình ảnh riêng của Chúa nhưng thực sự nó là sự ngược lại: Người tạo ra Chúa theo lối riêng của Người tùy theo niềm hy vọng, mối sợ hãi hay sự suy tưởng do con Người mong muốn!

Trang 33. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, chúng ta phải nhận rằng sự kết án nầy là đúng: có một số Phật tử quả thật thờ phượng, cầu nguyện các hình tượng như là các bậc trên trước của họ đồng thời mong cầu được ưu đãi giúp đỡ, v.v...Nhưng nếu người ta hiểu rõ những gì đức Phật dạy thì họ sẽ không cầu nguyện hình tượng. Các hình tượng và tượng thánh chỉ là những biểu tượng mà nhờ vào đó ta tập trung định tâm để nâng cấp mức độ tâm thức của ta lên trên các tầng thiền cao hơn.

Không ai biết đức Phật ra sao? Kinh sách cho ta biết Thân Phật có một số dấu ấn đặc biệt. Nhưng tôi nghĩ rằng các dấu ấn nầy chỉ được nhận ra bởi những người tu tập thần thông đến mức độ nào đó như những người tiên tri hay thấu thị có nghĩa là có khả năng thấy được những sự vật mà nếu không có nó thì không thể nào ‘thấy’ chẳng hạn như các quỉ thần... Trong các kinh sách, có một số trường hợp trong đó người ta đã gặp Phật mà không nhận được ra Ngài. Chắc chắn, nếu các dấu ấn đặc biệt, chẳng hạn như phần nổi lên trên đỉnh đầu, đôi dái tai dài, vòng hào quang chung quanh đầu Ngài, được mọi người nhận ra thì Ngài hẵn sẽ được biết đến một cách phổ biến và bất cứ ai gặp sẽ có thể nhận ra Ngài ngay!

Năm 326 tr.T.l., tức sau 200 năm sau khi đức Phật tịch diệt, A lịch sơn Đại đế (Alexander the Great) đã chỉ huy đoàn quân của mình qua các đèo núi chập chùng thuộc nước A phú hãn ngày nay lại xuyên qua các cánh đồng của xứ Ấn độ. Đại đế chưa từng bại trận nhưng lần nầy ông bị lực lượng của Hoàng đế Chandragupta tức ông nội của A-dục Vương bắt phải dừng chơn tại sông Beas và không cách nào tiến thêm được nữa. A lịch sơn mất tại nước Ba tư trên đường trở về xứ Hy lạp tuy vậy một số ít quân của ông đã định cư tại Ấn độ. Vì có thiên hướng về nghệ thuật và triết học nên người Hy lạp rất ngưỡng mộ Pháp Phật mà họ tiếp cận trong khi sống tại Ấn độ và chính họ là những người đầu tiên tạc tượng đức Phật từ những hang đá dưới hình dạng giống như thần Apollo của họ đại diện cho Ánh sáng và Lý trí. Nhiều tượng tráng lệ từ những ngày đầu tiên hiện nay vẫn còn ở một số các bảo tàng viện.

Trang 34. Các tượng Phật có nhiều dạng: dạng Trung hoa, dạng Ấn độ. dạng Tây tạng, v.v...thời nay ta cũng thấy các dạng tượng mà mắt của Ngài được sơn xanh, tóc Ngài màu xám trông giống Anglo-Saxons! Việc nầy không thành vấn đề mà chúng ta nên hiểu mục đích của các hình tượng nầy thì hơn.

Mọi người biết rằng các tượng, ảnh đều được bắt đầu từ tâm ý của con người giống như tất cả mọi thứ do người tạo ra. Mọi người cũng biết ảnh, tượng của Phật không phải là đức Phật và cũng biết hình tượng Phật sẽ không đưa tay ra lấy trái cây cúng Ngài mà dùng. Vật cúng dường đặt trước hình tượng là tượng trưng cho sự trân quí để tưởng nhớ đến Ngài là bậc Thầy dẫn đường; vì vậy vật cúng dường là tượng trưng cho cái phước của người cung dưỡng nếu họ làm với tâm trí hoàn toàn thanh tịnh. Nó giống như cái cách mà các tín đồ Ki tô giáo đặt hoa lên trên các ngôi mộ thân nhân mình. Họ làm như vậy là để biểu lộ sự kính quí và yêu thương người quá cố chứ không phải họ thờ phượng các ngôi mộ!

Bạn có bao giờ thấy hình tượng Phật với một gương mặt buồn hay có nét đau khổ không? Có thể là bạn đã thấy cũng có thể là không, nếu người tạc tượng có lòng và khéo tay. Nhiều người mộ đạo và có đức tin muốn tạc hay vẽ hình tượng Phật nhưng thiếu kỹ năng nên thường tạo ra hình tượng không được đẹp đẽ nên gây các cảm giác khó chịu trong thời gian dài. Nếu không làm được ta không nên tạo ra các ấn tượng không hay không đẹp; tạo ra một hình ảnh Phật thô xấu là hành động xúc phạm chứ không phải là kính trọng và đó là cơ hội để cho một số người có ác tâm cười đùa. Một hình tượng thô xấu, không may là có khá nhiều tượng như vậy, đã ngăn trở mục đích tốt đẹp của một hình tượng mà đúng ra là để làm phấn khởi chúng sanh với cảm giác an bình, bất thối chuyển và để gợi lên cảm tưởng siêu hình bên trên của một gương mặt tươi cười: đó là Giác Ngộ, Trí Tuệ và Từ Bi.

Bạn hãy ngồi yên lặng và nhìn bất động vào hình hay tượng Phật đẹp đẽ trang nghiêm trong một khoảng thời gian. Để tâm buông xả các mong cầu, ít nhất là tạm thời. Rồi bạn có thể sẽ cảm thấy được một sự yên bình cho chính mình và một nụ cười giống như Phật sẽ như một đợt sóng êm ả trước mặt bạn, sau đó có thể thấm sâu vào trái tim bạn và lúc đó bạn không còn cảm thấy phải bận tâm với bất cứ cái gì cả.

Trang 35. Hình tượng Phật chỉ là một phương tiện, một kỹ thuật chứ không phải là một cứu cánh. Chắc chắn chúng ta không nên bị ràng buộc hình tượng quá đến độ để nó làm trở ngại cho chúng ta và chúng ta cũng không nên cúi đầu trước một ảnh tượng do sợ hãi hay do hy vọng muốn được phước. Khi cúi đầu đảnh lễ Phật, chúng ta làm như thế là do sự tôn kính, lòng tôn kính từ ái chứ không phải sự tôn trọng do sợ sệt. Ta làm như thế là do lòng biết ơn Người đã chỉ ta con Đường đúng đắn để sống trong một thế giới hỗn độn và khó hiểu hiện nay. Không ai chỉ cho ta biết Sự Thật một cách rõ ràng như đức Phật chỉ; hơn thế nữa, Ngài chỉ dẫn như vậy mà không bảo người nghe phải tin hay theo Ngài, mà Ngài chỉ nói thêm là phải tự khảo nghiệm chúng để tìm ra cùng một tình trạng giác ngộ như Ngài đã chứng ngộ.

Hình tượng Phật là để phản ảnh gương mặt thật của chúng ta giống như cái gương và cũng là để gợi lên các đức tánh hay đạo hạnh giống như Phật trong chúng ta ngõ hầu tìm lại được cái tánh giác (tánh phật) ở trong mỗi người chứ không phải ở trong tượng đá.

Nếu ta định nói về ‘thờ phượng thần tượng’, ta phải nhìn gần hơn là tượng hay ảnh. ‘Thần tượng’ phổ biến và mạnh mẽ nhất, mà mọi người ở mọi nơi và mọi thời đều thờ phượng- và từ đó tất cả các thần tượng khác, tượng ��nh khác cũng như vậy-dĩ nhiên chính là cái Tôi của họ, và mọi thứ được dùng trong việc thờ phượng nầy bao gồm cả tôn giáo! Bằng cách nghĩ và nói rằng chỉ có tôn giáo của họ là tôn giáo thật và rằng tất cả tôn giáo khác là không thật-như nhiều người đã nghĩ và nói như vậy-họ muốn nói là cái Tôi nhỏ bé riêng tư là trung tâm của tôn giáo của họ, giống như con nhện là trung tâm của mạng lưới của nó, khai dụng mọi sự mọi việc theo các cách riêng của nó. Tôn giáo của họ vì vậy trở thành một lối nới rộng cái ngã hay cái tôi của họ và củng cố nó thay vì làm yếu nó đi. Có phải đây là mục đích của tôn giáo không?

Trang 36. Hãy xét đến tôn giáo của bạn xem ai hay cái gì là trọng tâm, nếu bạn cảm thấy mình tự được ‘đăng quang’ hay mình tự ‘tấn phong’ mình, trường hợp nầy bạn là người ‘thờ phượng thần tượng’ và cái ngã của bạn là thần tượng!

Tuy nhiên trong khi việc lễ lạy đức Phật không phải là chuyện xấu mà là một kỹ thuật để làm giảm bớt căng thẳng thì chúng ta phải tĩnh thức và không để nó trở thành một thói quen đến nỗi phải bị ‘ghiền’ nó. Nó nên dùng đến chỉ khi nào bị căng thẳng, cũng giống như một người bị đau chân đi không được phải dùng cặp nạng để giúp anh ta đi. Xa hơn nữa ta có thể phát triển tính tự lập để hiểu biết rằng dù chứng nghiệm thế nào đi chăng nữa nó chỉ là kết quả của các nguyên nhân và vì thế nên chấp nhận nó là như vậy: chấp nhận, quán xét và đánh giá để thấy những gì đã tạo thành nó và nó sẽ đi tới đâu.

Nếu bạn cầu nguyện trước hình tượng Phật, thổ lộ vấn đề của mình và khẩn cầu để được giúp đỡ, cái hình tượng vẫn cứ ngồi đó, với một cái cười không thay đổi trên gương mặt, không nói một lời nào, cũng không chuyển một bắp thịt nào. Nếu bạn hỏi các số may để chơi xổ số hay nhờ giúp đỡ ý kiến cho một cuộc phỏng vấn tìm việc, hình tượng Phật sẽ không thầm thì để cho bạn biết số nào là số may: ‘‘Mua số nầy nầy. . .’’; nó cũng không nói: ‘‘Đừng lo, ta sẽ tính dùm cho’’. Câu trả lời cho các lời cầu nguyện của bạn, nếu quả thật có câu trả lời, phải là từ chính bạn, và điều nầy tùy thuộc vào sự tự buông bỏ và tự tháo gỡ của chính bạn. Thường là trong khi nói lên vấn đề của mình, chúng ta lại tự tìm được câu trả lời cho mình. Đó là lý do mà nhiều thầy dạy trong nhiều môn học đã tự học được những gì do chính mình dạy. Cái nỗ lực nói lên và làm sáng tỏ vấn đề đã đem lại thêm sự hiểu biết cho người thầy, để có lúc ông ấy (hay bà ấy) đôi khi có thể tự ngừng lại giữa câu, suy nghĩ: ‘‘Mình đang nói cái gì đây? Ta đã nói chuyện nầy nhiều lần trước đây rồi nhưng ta đã không bao giờ hiểu nó tường tận như hiện nay!’’

Vì thế, cầu nguyện với đức Phật, nói với hình tượng, nếu bạn không có ai để tâm sự, thì đó là phương thức trị liệu tốt cho bạn. Tuy nhiên, hãy nên nhớ: tượng chỉ là bằng đá hay bằng gỗ và đức Phật không phải là người cứu rỗi hay là một văn phòng thông tin mà là người Thầy cho những lời khuyên thực tế trong cuộc sống. Cũng vì vậy bạn nên học Pháp của Ngài chỉ dẫn, cố gắng áp dụng vào đời sống để tránh được tất cả các khó khăn và cuối cùng nó sẽ được tiến hành với trí tuệ thay vì với sợ hãi.

Trang 37. Để tạo được tiếng tăm cho tốt không phải là một điều dễ dàng, tốn thời gian lâu, mất nó lại rất mau. Cũng vậy trong khi khó làm phai nhòa được tiếng xấu thì tiếng tốt bị mất đi chỉ cần trong chốc lát.

Nhiều người trong chúng ta sống ở đời thường hay tranh cải hoặc bất đồng với tha nhân và không bao giờ cố gắng giải quyết các việc đó. Nếu không thể tránh hoàn toàn sự mâu thuẫn cùng việc tranh cải, ta nên cố gắng giải quyết chúng càng sớm càng tốt hầu giúp chúng không đặc cứng lại giống như bê tông cốt sắt; trong khi bê tông còn ướt ta có thể làm cái gì đó để thay đổi nó, khi nó kết chặt lại rồi khó mà làm suy suyển nó. Chúa Giê su ở Nazareth khuyên mọi người nên làm hòa với kẻ thù trong khi họ vẫn còn ở cạnh với chúng ta, lúc đó ta có cơ hội làm cái gì đó, trong trường hợp kẻ thù tố cáo ta ra tòa. Vì tính ương ngạnh và chấp thủ của con người, khá nhiều trường hợp dại dột được đem ra tòa án mà lẽ ra có thể và nên thanh thỏa trước; đó cũng là chỉ vì tính tự hào và mức độ dại dột chẳng ai sẵn sàng nhận lỗi mình. Đôi khi có người hận hiềm những mối buồn giận cũ cả năm nên không tha thứ và quên lãng vì thế chúng cứ nung nấu luôn trong lòng luôn. Nó mất rất nhiều năng lượng để giữ mối mâu thuẫn và ghét bỏ ấy trong lòng; có đáng để nó hủy hoại ta không. Như Đức Phật đã nói: ‘‘ ‘Nó lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt tôi’ ;những ai còn ôm ấp tâm niệm ấy thì sự oán hận không thể dứt (LND: Câu 3, Kinh Pháp Cú). ‘Nó lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt tôi’, ai bỏ được tâm niệm ấy thì sự oán hận tự dứt’’ (câu 4, KPC). Tốt hơn là phải tập buông bỏ nó, nên nghĩ rằng người ta làm tổn thương nhau là do sự không sáng suốt (vô mình) chứ không phải vì họ thực sự là xấu?

Là Phật tử ta nên biết điều nầy, vì ta đã học và biết rằng mọi người đều có tánh giác (Phật tánh) và có thể giác ngộ. Với lòng Từ Bi, chúng ta có thể khắc phục mối ác cảm với tha nhân, dứt khỏi sự độc hại của lòng sân ghét và đến được gần với sự Giác Ngộ.

Trang 38. Trong quyển sách nổi tiếng ‘Đức Phật và Phật Pháp’ của Ngài Ananda đã ghi lại rằng khi giảng pháp về Lòng Rộng lượng (Bố thí) đã nói với vị trưởng giả Anathapindika (tức Cấp Cô độc, một cư sĩ giàu có, người đã dâng Tinh xá Jetavana, tức Kỳ viên, cho Ngài) rằng của cúng dường cho Tăng chúng cùng với Phật là rất được phước báo; và còn phước báo hơn nữa là xây được tự viện cho Tăng chúng dùng; lại phước báo hơn nữa là Qui Y Tam bảo; còn phước báo hơn thế là sự trì giữ ngũ giới; lại phước báo hơn nữa là việc thiền quán vào tính Từ Bi và phước báo hơn cả là phát Huệ khai Tâm thấy rõ được sự huyễn hoặc của các sự vật (tức các pháp).

Ngài Nalanda tiếp tục nói: ‘‘Rõ ràng trong bài pháp nầy Bố thí là giai đoạn đầu tiên của lối sống của người học Phật. Quan trọng hơn nữa là sự giữ giới để tu sữa lời nói và hành động. Lại quan trọng hơn và có ích hơn nữa là sự tu sữa các đức hạnh cao quí như Từ Bi, điều nầy dẫn đến Thiền định. Quan trọng nhất và lợi lạc hơn cả là sự chuyên cần tinh tấn để đạt đến trình độ hiểu biết sự vật một cách chắc thật. (LND: Dịch giả không biết tác giả có ý phát triển phần tu Lục độ (Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định, Trí tuệ) hay không, xin độc giả cho ý kiến. Cảm ơn)

Để kết luận, việc khắc phục lỗi lầm và nhược điểm phải bắt đầu bằng việc nhận ra chúng, từ bỏ chúng và thành thật sám na hối quá. Đó là ta đã tự mình an tâm cho mình.

Hãy biết tự tha thứ mình và Tiếp tục cuộc sống

***

CON CHIM SẮT

Trang 39. Một số Phật tử hãnh diện là Phật tử vì sự kiện là máu đã không đổ vì lý tưởng Phật giáo. Họ hãnh diện chỉ vì họ so sánh lịch sử Phật giáo với các lịch sử tôn giáo khác. Quả thật, lịch sử một vài tôn giáo trên thế giới đã được viết bằng máu. Phật giáo không bao giờ gây chiến tranh, cũng không bao giờ thực hành sự hy sinh nào bằng máu, lại cũng không hành hình ai do bất đồng chánh kiến với mình. Thật ra cũng không đáng gì để hãnh diện là vì không hợp lý chút nào khi phải đổ máu cho một tôn giáo; tôn giáo là để chữa lành, để cải thiện, để đoàn kết với nhau trong sự hiểu biết, không phải để làm tổn thương và gây chia rẽ.

Trong lịch sử hơn 2500 năm, Phật giáo không bao giờ phát triển bằng bạo lực và đàn áp mà bằng phương tiện Lý Trí; đại chúng hành theo là do sự hiểu biết mà không phải do sức mạnh ép buộc. Tuy Phật giáo ở Á châu đã già nên mệt mõi và suy thoái nhưng ở phương Tây nó đang chuyển mình và phát triển, làm tròn các lời tiên đoán cổ xưa. Thí dụ cách đây 1200 năm ngài Padma Sambhava vị thầy Phật giáo người Ấn nổi tiếng đã giúp phát triển Phật giáo qua xứ Tây tạng và người Tây tạng tôn sùng vị thầy nầy là Guru Rimpoche (Người Thầy Cao Quí), đã nói rằng:

Khi Chim Sắt bay và ngựa kéo xe, dân Tây tạng sẽ phân tán như kiến trên khắp trái đất, và những Lời Dạy của đấng Thế Tôn sẽ lan đến Miền Đất của Người Da Đỏ.

Cách đây 1200 năm chưa có phi cơ và xe hơi. Châu Mỹ tức Miền Đất của người Da Đỏ chưa được người châu Âu khám phá. Trong nhiều thế kỷ, Tây tạng là miền đất bị cô lập và có tên là ‘Vùng Đất Cấm’. Nhưng sau khi Cộng sản Trung hoa chiếm lãnh nó vào năm 1950, dân Tây tạng và vị Đạt lai Lạt ma thoát khỏi đất nước nầy làm dân tỵ nạn, đem theo văn hoá và tôn giáo của mình; đồng thời họ cũng định cư ở nhiều nước trên khắp thế giới như Ấn độ, Hoa kỳ, châu Âu, và châu Úc. Phương Tây đã được những gì phương Đông mất; nhiều người phương Tây đã học và hành Phật Pháp từ những người Tây tạng nầy. Họ đã thành công rất nhiều trong việc phổ biến Phật giáo cho phương Tây.

Trang 40. Có những người khác cũng đã đem Phật Pháp qua phương Tây nhưng lại gây thảm kịch. Nhiều người phương Tây hiện nay công khai tuyên bố rằng họ không có tôn giáo. Điều nầy không có nghĩa là họ không phải là những người không tôn giáo. Trong nhiều trường hợp, nó có nghĩa là họ không còn chấp nhận được nữa các giáo điều và các tôn giáo vô lý đòi hỏi lòng tin vào các pháp mà không có sự chứng minh thực sự; nhiều giáo lý tuyền tôn giáo với hình thức sống bằng những nguyên tắc chỉ quan trọng đối với họ. Nếu họ nghe được Giáo pháp của đức Phật cắt nghĩa một cách rõ ràng và có tình có lý, nhiều người sẽ chấp nhận và sẽ thực hành theo.

Chúng ta phải trình bày Phật Pháp sao cho ta có khả năng phân biệt Phật Pháp khác với các phong tục và truyền thống đã phát triển trong vùng châu Á, vì Phật Pháp không phải là cái gì có giới hạn thuộc địa phương hay từng vùng mà là nó có tính cách phổ quát. Phương Tây sẽ không bao giờ chấp nhận toàn thể văn hóa châu Á; phương Tây có nền văn hóa riêng và những đị đoan riêng của nó. Pháp Phật nên được thông lưu vào phương Tây bằng những cách thích hợp và dễ chấp nhận hơn, nên thoát ra khỏi các loại tích lũy văn hóa và dị đoan càng xa càng tốt. Các hình thức Phật giáo ở phương Tây sẽ hình thành và phát triển theo thời gian; chúng ta cần cái Tinh túy tức Pháp Phật để gieo truyền và tăng cường sức phát triển.

Tất cả các tôn giáo đều có các yếu tố của các phép lạ hay thần thông. Phật giáo cũng không ra ngoài ngoại lệ ấy. Có các câu chuyện về cuộc đời của đức Phật quả thật là khó tin. Theo truyền thuyết, khi Thái tử Tất đạt đa còn bé nhỏ, ngài đưa một tay lên trời một tay xuống đất và nói: ‘‘Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn! Đây là kiếp cuối cùng của ta, Ta sẽ thoát khỏi Biển Sanh Tử’’. Ngài cũng được cho biết là đã bước đi bảy bước, và cứ mỗi bước một đóa hoa sen lại nở ra.

Trang 41. Vẫn có người tin những việc nầy đã thực sự xảy ra, nhưng chuyện họ tin hay không thì rất không chắc. Dĩ nhiên, chúng ta không thể có bằng chứng về chuyện họ không tin hơn là chúng ta có thể có bằng chứng là họ tin, nhưng chắc một điều là họ đã thêm vào những lời kể lại bởi những người có lòng tin nhiều hơn là trí tuệ để tán thán đức Phật, để ‘mạ vàng hoa sen’. Theo như vậy thì câu ‘Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn’ và cả câu chuyện ‘Phật biết nói ngay khi mới được sanh ra’ được gán cho Ngài khi còn nhỏ nghe có vẻ rất tự phụ và khó tin. Ngài cho biết Ngài là một người có một cuộc đời giản dị, khiêm tốn và khó ai nhận ra hay biết mặt. Tuy nhiên trong Phật giáo những câu chuyện như vậy không được xem là quan trọng và Phật giáo được đứng vững hay bị ngã đổ không phải vì những câu chuyện thuộc loại ấy; Nó được xây dựng trên những nền móng vững chắc hơn là những câu chuyện thần thông không thể thẩm tra hay kiểm chứng.

Phật giáo gồm hai phần: phần thuộc quá khứ với những lời tường thuật lại không thể thử nghiệm được hay chứng minh bằng những kinh nghiệm cá nhân, một số trong đó lại càng gây nghi ngờ, giống như câu chuyện trên; phần hai thuộc hiện tại, cái Ở-đây và Bây-giờ. Đây là Giáo Pháp mà ta có thể tự chứng ngộ và nhờ đó có các kết quả của nó, giống như đức Phật đã nói là ta nên: ‘‘Thử chứng lời dạy của ta giống như thợ kim hoàn thử vàng vậy’’. Các lời dạy nầy không đòi hỏi lòng tin mà là ‘‘được thông hiểu bởi những người hiền trí tự chứng ngộ’’.

Thường thường chúng ta nghe người ta kể cái cách mà ‘Chúa’ cứu họ khỏi bệnh hay thoát được hiểm nguy, v.v...Nhưng còn những người không được cứu? Nếu ‘Chúa’ quả thực có cứu họ thì theo nghĩa ngược lại, chúa cũng không được quên cứu những người khác. Tuy nhiên, những người có lòng tin đó tự tiện không cần để ý đến vế sau.

Trang 42. Nhiều Phật tử nghĩ đến đức Phật và các Bồ tát như là các vị ‘cứu rỗi’, nhưng nếu như vậy chứng tỏ họ là những người có đầu óc yếu đuối. Đức Phật chẳng có một chút gì liên hệ đối với cuộc sống và cái chết của chúng ta mà hoàn toàn là chuyện của chúng ta! Và nếu chúng ta biết những gì thực sự đức Phật dạy thì chúng ta sẽ hiểu được điều nầy.

Trong kinh Pháp Cú, câu 11 và câu 12 của chương đầu, chúng ta thấy đức Phật nói:

11. Không thật tưởng là thật, Thật lại tưởng là không thật;

Cứ tư duy một cách sai trái, Người như thế không thể đạt đến Chơn thật.

12. Thật biết là thật, Không thật biết là không thật;

Cứ tư duy một cách đúng đắn, Người như thế mau đạt đến Chơn thật.

Chơn Thật (Tinh túy) quan trọng hơn Danh và Sắc.

*

Đừng theo sau tôi

Trang 43. Một người hỏi: ‘‘Tôi là đệ tử của ông thầy đó, anh nghĩ sao về ông ấy?’’ Câu hỏi nầy đặt tôi vào một tình trạng khó xử chỉ vì tôi đã viết một bài nói về ông ấy và tôi biết rằng người hỏi tôi đã đọc nó. Tôi không muốn làm tổn thương ông nhưng đồng thời tôi phải thật với tôi vì tôi không muốn nói ngược lại với các nguyên tắc của tôi.

Tôi nói với anh ta là tôi đã mới vừa nhận một bức thư từ một người ở nước Úc đại lợi hỏi xem tại sao tôi không bao giờ in hình mình trên các quyển sách. Trong thư trả lời tôi nói là vì tôi thích xem nhẹ cá tánh tôi (hình sắc tôi) và đặt nặng về Pháp Phật, giúp nó nổi bật thành điểm trung tâm. Các bức hình của tôi có ích lợi gì? Có nhiều thứ tốt đẹp hơn thế! Tôi muốn cho con người những điều tốt, những điều có thể giúp cho họ tự mình đứng vững mà không lệ thuộc vào tôi, những điều thật hiển nhiên rõ ràng, những điều mà ta có thể sử dụng được luôn mà không bao giờ bị mất gíá trị. Đừng bận nghĩ gì đến tôi, đến cá tánh tôi (tức cái tôi), nếu bạn muốn cho Pháp Phật luôn được trưởng dưỡng.

Quay qua người Phật tử đã hỏi tôi, tôi hỏi lại anh ấy là đã học được những gì nơi người thầy của mình để dùng chúng luôn luôn trong suốt cuộc đời của anh. Anh suy nghĩ một hồi trước khi buồn mà nhận rằng anh không thể nghĩ đến gì ngay lúc đó nhưng thêm rằng anh cảm thấy tốt khi tham dự các buổi lễ nghi với ông thầy anh. Tôi không có ý kiến. Suy nghĩ một hồi nữa, anh nói: ‘Tôi hiểu’. Anh ta đã trả lời cho chính câu hỏi của anh.

Tôi biết một vài điều tôi viết và nói có thể gây tranh luận và dễ gây khích bác. Tôi có ý như vậy, thưa quí vị. Quả thật có người đã hỏi: ‘Ông không sợ vì việc nầy nó sẽ làm mất tiếng tăm của ông sao?’

Tôi trả lời: ‘Giống như mọi người, tôi cũng thích mọi người thích tôi, việc nầy bình thường thôi. Nhưng đối với tôi nó có một cái gì quan trọng hơn thế, tức có nghĩa là những gì tôi nghĩ là đúng. Nếu cái giá cho việc nầy là chuyện mất lòng hay mất tiếng tăm của tôi, thì cứ để thế. Và người ta nên cảm ơn rằng đã có người sẵn sàng nói lên những điều nên nói, vì đó là ý kiến cho bạn chứ không phải cho cái tôi của bạn.

Trang 44. Tiện đây, tôi xin trích lại bức thư mà tôi đã viết cho tờ ‘New Straits Times’ [Tân Thời báo ở Eo biển (Malacca)] ở Mã lai Á, phát hành ngày 17-8-1998:

Cách đây vài ngày, tôi có kinh nghiệm rằng tôi cảm thấy nên được đem ra công chúng: tôi đang ở trên một xe buýt có gắn máy lạnh từ...đến..., và ghế tôi ngồi ngay phía sau ghế tài xế.

Khi đi được một tiếng đồng hồ, chiếc xe buýt ngừng tại một địa điểm ăn uống bên vệ đường. Ngay sau khi ngồi xuống ghế, tài xế không bỏ điếu thuốc đang hút dở. Tôi yêu cầu anh đừng hút thuốc nhưng anh không để ý đến lời yêu cầu của tôi mà ngược lại ném cho tôi một cái nhìn không thân thiện và vẫn tiếp tục hút. Tôi không nói gì hết cho đến khi anh ta lại đốt thêm một điếu nữa; một lần nữa anh ta đã phớt lờ sự phản đối của tôi dù rằng tôi đã chỉ bảng ‘Cấm hút thuốc’ phía trên anh ta đang ngồi. Tôi nói tôi sẽ báo cáo anh. Quả thật không ai than phiền chuyện nầy nhưng điều đó không thay đổi được sự kiện là nó đi trái với luật định. Đây là quyền lợi của tôi để phản đối việc nầy và đòi hỏi rằng phải theo đúng luật lệ. Tôi là hành khách đi xe có trả tiền vé và tài xế phải tôn trọng quyền lợi của chúng tôi. Giả thử xe buýt chở đầy những người không hút thuốc như tôi thì thái độ của tài xế có thể khác đi chút nào không?

‘‘Có thể giận vì đã bị phản đối chuyện hút thuốc của mình nên anh ta đạp ga thêm mà tốc độ có thể làm nguy hại đến tánh mạng của mọi người trên xe buýt; vào lúc nầy thì xe đang chạy vòng trên núi và anh ta đang quẹo vào một khúc cong rất gắt và lấn vào phần chạy ngược chiều bên kia; may mà không có xe đi ngược chiều! Không muốn tỏ ra mình là người hay than phiền, tôi cố gắng đè nén không nói gì cả cho đến khi có một hành khách trẻ đi đến phía trước yêu cầu tài xế giảm tốc độ. Biết được rằng tôi không phải là hành khách duy nhất lo lắng về lối lái xe khá bất cẩn của tài xế nên tôi lên tiếng nhưng anh ta vẫn không giảm tốc độ. Lúc tôi lên tiếng với người phụ tài xế yêu cầu giảm tốc độ thì anh ta đạp thắng thật gấp đến nổi mùi cháy khét của bánh xe bay vào trong xe.

Trang 45. ‘‘Anh tài xế đứng lên. Quay ra đàng sau và bắt đầu mắng mỏ tôi, gọi tôi là ‘Đồ ngu’ và nói bằng tiếng Mã lai nên tôi không hiểu được (tôi là hành khách đến từ Úc). Tôi cũng gọi anh ta là ‘Đồ ngu’, nhưng tôi muốn nói rằng, vì không có lý do gì để anh ta gọi tôi như vậy nên tôi mới gọi lại như thế.

‘‘Kế đến anh ta bảo tôi xuống xe, nói là sẽ trả tiền xe lại. Anh ta có quyền gì mà bảo như vậy? Tôi chẳng làm gì sai trên xe. Cái mà tôi làm là quyền lợi không những cho tôi, cho mọi người mà là nói lên cái gì chính đáng và hợp pháp. Dĩ nhiên tôi không xuống xe. Anh ta la lớn lên: ‘‘Tốt, vậy thì lái đi!’’

‘‘Tuy nhiên các hành khách khác có vẻ sẵn sàng để chết hay chịu tai nạn hơn là phản đối, bởi vì khi tôi quay qua và hỏi: ‘‘Các ông bà có đồng ý với tôi không?’’ thì người duy nhất trong xe là anh thanh niên trước đó đã yêu cầu tài xế cho xe chạy chậm lại nhỏ nhẹ nói ‘‘Đồng ý’’; còn những người khác thì im lặng. Nghĩ lại về phản ứng của họ, tôi, cả lúc ấy và hiện nay, cảm thấy khá lạ về họ! Làm sao ta làm giùm cho người khi người không muốn tự làm gì hết?!

‘‘Như tôi đã nói trước, tôi đã báo cáo anh. Ngay sau khi gởi đơn than phiền lên hãng xe bằng cách nhờ một người bạn, tôi đã nhận điện thoại trả lời của giám đốc công ty hãng xe, cám ơn tôi về bức thư báo cáo và rất xin lỗi về những gì đã xảy ra. Ông nói đã có nhiều thư phản đối về người tài xế đặc biệt nầy và hứa sẽ có hành động về anh ta theo như tôi đòi hỏi.

‘‘Tôi viết cho ông ngày hôm sau, và cho ông biết với thái độ tích cực, lịch sự và thành thật của ông, mặc dầu tôi vẫn còn có ý định viết một bức thư cho báo chí về sự vụ nầy, nhưng tôi sẽ bỏ qua cái tên của công ty và tuyến đường có liên hệ và thêm rằng nếu tôi lại phải đi trên tuyến đường đó, tôi sẽ không tẩy chay công ty nầy.

Trang 46. ‘‘Vài ngày sau, ông giám đốc gọi lại tôi lần nữa, cảm ơn bức thư thứ hai và thông báo cho tôi biết là người tài xế phạm lỗi nặng đó đã chấp nhận lỗì lầm và đồng thời xin lỗi nhưng xét đến mức độ nghiêm trọng của vụ việc nên ông đã sa thải anh ta. Tôi nói với ông rằng việc tôi cáo giác anh tài xế không phải là do sự muốn trả thù và tôi tiếc là anh ta phải bị đuổi việc, mà đây chỉ là việc phải làm mà thôi vì đó là chuyện lợi ích cho công chúng. ‘‘Phòng bệnh hơn là chữa bệnh’’, nếu có thể ta chữa được bệnh; đặc biệt làm sao ta chữa được bệnh trong trường hợp đã vong mạng rồi!

‘‘Nếu sự phản đối của tôi chỉ cần cứu một người khỏi chết hay khỏi bị thương nặng thì nó cũng đáng cho việc ‘gây sự’ của tôi. Tôi đã từng thấy và nghe quá nhiều người bỏ mạng hoặc bị chấn thương trên đường. Tôi thực sự có lo chuyện đó!’’

Khi phản đối hay nói cho một điều gì, chúng ta hãy thấy nó rõ ràng trong đầu óc của mình rằng đây không phải là để cho mình mà cho người khác và điều đó phải đúng. Chúng ta có thể và phải nên chịu đựng với khá nhiều khó chịu cho riêng mình nhưng câu chuyện nó sẽ khác đi khi có những người khác liên hệ vào; việc tự chế và im lặng có thể nó sẽ không đúng. Nói về chuyện xe buýt ở trên: Nếu chiếc xe buýt ấy đâm vào lề hoặc tệ hơn nữa đụng phải một chiếc xe khác khiến cho một số người thiệt mạng và một số khác bị thương tích, hàng trăm người hoặc hàng ngàn người sẽ phải bị ảnh hưởng nặng nề chứ không phải chỉ những người chết và người bị thương. Mẹ, cha, chồng, vợ, con, thân nhân, bạn bè, chủ nhân, công nhân...sẽ cũng phải chịu lây vì những người chính thức gặp nạn nầy. Chắc chắn tất cả sẽ phải đồng ý rằng tai nạn có nhiều cách xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau và rằng nếu có ai đó hoặc cái gì đó ngăn nó không cho xảy ra thì điều nầy sẽ là một phước báo lớn lao. Ông giám đốc đã rất sáng suốt khi biết được giá trị của việc than phiền của tôi, vì đây cũng là mối quan tâm của ông; ông có thể bị tiêu tán đi việc kinh doanh, địa vị và tài sản nếu chiếc xe buýt bị gây tai nạn. Và chính người tài xế lầm lỗi cũng có lợi dù rằng anh bị mất việc do tôi viết thư cáo giác: Anh cũng có thể bị mất mạng hoặc bị thương do kết quả bất cẩn của anh và vợ con thân nhân bạn bè anh cũng có thể bị đau khổ theo. Nếu không làm những gì tôi phải làm có thể tôi không còn sống để nói lại chuyện nầy. Làm sao tôi có thể im lặng không phản đối không nói gì hết?

Trang 47. Xin nói ở đây là tôi không tự phụ cũng không nghĩ tôi là một anh hùng trong việc ngăn ngừa các tai nạn rất có thể xảy ra mà tôi chỉ làm công việc của một con người bình thường, dù rằng tôi chỉ làm một mình không có sự hỗ trợ của ai ngoại trừ một tiếng đáp ứng nhỏ ‘đồng ý’ từ một người trẻ.

(Hãy thử tưởng tượng một chuyện khác). Hai người đang ở phía sau một chiếc tàu đang bị nước vô, nhìn những người khác ở phía trước tàu đang tát nước như điên. Một người nói: ‘‘May cho mình là nước tràn vô phía của họ chứ không phải chảy vào phía sau của mình!’’

Rất nhiều người trong chúng ta giống như họ vậy. Trong khi cảm thấy có quyền hưởng lợi của xã hội, ta thường cảm thấy vô trách nhiệm trong việc đóng góp cho nó. Chúng ta chỉ muốn nhận nhận nhận. Mù quáng, miển cưỡng tham dự vào các vấn nạn trong xã hội để giúp giải quyết chúng, khiến cho sự việc càng lúc càng tệ hơn và chúng ta phải nhận một phần lỗi cho sự sa đọa và sự hủy diệt của nó. Chúng ta mong đợi người khác làm và dưỡng chúng ta giống như các trẻ em. Chuyện buồn cười là mặc dầu chúng ta cũng có thể bị kéo theo sau trong chuyện tàu xã hội vô nước nầy nhưng chúng ta không thể hoặc không chịu thấy sự kiện nầy cho đến khi quá trể.

Nếu bạn ghét xã hội hay không muốn các sự ràng buộc hay trách nhiệm của một thành viên trong xã hội, việc có lương tâm nhất là hãy từ bỏ các lợi lộc do xã hội đem lại và đi vào rừng hay hải đảo để sống một mình một chỗ nào đó. Nếu bạn không bằng lòng làm việc nầy, cố gắng hiểu xem cái ý nghĩa cũa một thành viên trong xã hội để hiểu xem bạn hưởng lợi như thế nào dưới nhiều hình thức. Cố gắng yêu thương nước bạn hay cái nơi mà bạn tình cờ sống trên đó và cố gắng làm hết sức mình; nó không cần phải là nơi bạn sanh ra mà nó là một phần của thế giới nầy, bất cứ chỗ nào miễn là nó hỗ trợ bạn sinh tồn. Và nếu bạn không có gì để có th��� làm cho nó tốt đẹp hơn thì đừng nên làm cho nó tệ hại hơn. Nếu bạn không làm gì để nó tốt đẹp hơn mà chỉ ngồi trên hàng rào, lạnh lùng nhìn cuộc sống trôi qua và chỉ mong đợi lợi lộc tới thì chính là bạn đang làm cho nó tồi tệ hơn đấy. Vì thế khi bạn bị nạn hay đau khổ thì xin đừng than phiền hay phàn nàn.

Trang 48. Bạn cũng biết ý niệm Nhân Quyền là điều rất hay và quan trọng tuy nó chỉ là một ý niệm và bạn có bao giờ dừng lại để suy nghĩ nó có là từ đâu? Ý niệm nầy tương đối khá mới, nó chỉ có mới đây sau khi tổ chức Liên Hiệp Quốc thành hình và mặc dầu nó ở trên đầu môi chót lưỡi và đôi khi đã gây sự nhạo báng hoặc bị coi thường ở bất cứ nước nào (được) áp dụng. Các cuộc nói chuyện về nhân quyền về lãnh tụ độc ác Pol Pot khi anh ta còn nắm quyền tại Căm pu chia thường dẫn đến cái đầu của người nói rời khỏi thân xác! Các cuộc biểu tình phản đối về vấn đề vi phạm nhân quyền ở Việt nam và ở những nơi khác sẽ làm cho họ được một chỗ ở trong ‘trại cải tạo’. Vì thế ở phương Tây mặc dầu các cuộc bạo động có tính cách tội ác có gia tăng và xã hội đang phải chịu sự khủng bố cũng có chiều hướng gia tăng và các sự bất công cùng với sự tàn ác của cảnh sát không phải là chuyện hiếm có nhưng chúng ta vẫn còn khá nhiều may mắn và cần phải cảm ơn việc nầy. Chúng ta cần phải duy trì các việc tốt lành trong xã hội trong lúc chúng ta được chúng vì chúng có thể dễ dàng bị mất và khi chúng mất thì chúng không còn là của ta để ta bảo vệ nữa.

Khi bị cúp điện hoặc cúp nước, chúng ta than phiền và la oái lên nhưng đó không phải là lúc chúng ta ngạc nhiên. Trái lại, lúc đáng ngạc nhiên là lúc nước, điện, vì khi mất thường dễ dàng hơn là khi được. Có được là chuyện ta thấy quá quen thuộc vì nó đã được cung cấp sẵn và do vậy mà nó che mờ cái trí vốn sáng suốt của mình; ta xem chúng như chuyện bình thường và luôn luôn mong các sự việc là của mình, chỉ cần bấm nút là có ngay, vì vậy khi mất lúc đó mới tiếc và mới thấy đau khổ.

Thiên nhiên không biết gì về ‘Nhân quyền’ và nó cũng không cần biết xem ta sống hay chết. Đời sống không phải là một quyền lợi mà là một phần thưởng từng ngày một và chúng ta không nên xem đó là chuyện bình thường như ta thường xem như vậy; một ngày nào đó ta sẽ mất thân mạng nầy một cách bất ngờ mà không có sự báo trước chút nào cả.

Trang 49. Thỉnh thoảng ta cũng nên đi đến những nước nghèo như Ấn độ, Bangladesh hay các nơi như ở châu Phi để xem họ sống như thế nào. Đây là một điều tốt. Nó sẽ giúp chúng ta nhận ra được một điều là chúng ta, những người phương Tây, đang được may mắn. Chúng ta đã được hưởng một mức độ cao về văn minh vật chất, còn cao hơn những vị vua chúa và hoàng hậu của các thời đại xa xưa. Tôi tưởng tượng rằng Nữ hoàng Cleopatra trong xứ Ai cập nóng bức và bụi bặm sẽ ghen tỵ với chúng ta trong thời đại nầy với các tiện nghi về các phòng ốc có gắn máy điều hòa không khí. A lịch sơn Đại đế hay Nã phá Luân cũng sẽ rất vui với các loại xe tầm thường như Toyota hay Ford dù rằng là loại xe đã xài rồi!

Rất nhiều người trong chúng ta thường quen với lối suy nghĩ về những việc đã tốt đẹp trong đời sống là nó đương nhiên và luôn luôn sẽ đi lên từ tốt đến tốt hơn. Nhưng đời trần thế không phải là như vậy nếu ta nhìn sơ qua về lịch sử thì chúng ta sẽ thấy; rất nhiều các triều đại lớn và các nền văn minh đã có thời hưng thịnh, tồn tại một thời gian và suy vong sau đó. Trần đời có lên thì có xuống giống như sóng nước của đại dương, chẳng có gì gọi là vĩnh cửu. Nếu chúng ta thấu biết sự việc nầy rõ rệt hơn chúng ta sẽ thấy và nhận cái khổ đau một cách nhẹ nhàng và có trí tuệ hơn.

Nói tóm lại, đây là Chìa khóa: Đừng nghĩ gì nhiều về những mất mát của mình, vì nó không còn là của bạn để nghĩ về nó. Suy tư về những gì mà bạn vẫn còn có được và Cẩn Trọng (Take Care) với nó.

$

Sợ sệt hay Ham thích cuộc-đời-sau-khi-chết không làm băn khoăn nhiều đối với những người mà họ đã hoan hỉ đóng góp một cách có ý thức cho sự tiến bộ của Nhân loại, đã tích cực cống hiến những phần riêng tư của họ vào tài sản chung của Nhân loại, đã học hiểu những gì từ lỗi lầm, khổ đau, vui thỏa, thiếu khôn ngoan và các khám phá được cái mới trong cái cũ.

$

S THẬT

Trang 50. Nói chuyện về Sự Thật thì ai cũng nói cũng nghe. Hầu hết các tôn giáo đều tự cho rằng, chỉ một mình tôn giáo họ, một mình sỡ hữu nó (nếu không thì làm sao họ chứng minh được sự hiện hữu hay sự sống còn cho họ để nhờ thế mà họ có được và kềm giữ được tín đồ?) Nhưng ai chứng minh được cái Sự Thật đó? Khi được hỏi về chuyện nầy, họ luôn nói rằng chúng ta phải tin trước khi chúng ta thấy nó.

Rất nhiều các giáo phái thuộc Cơ đốc giáo đang bị mâu thuẫn không những đối với những người không thuộc tín hữu với họ mà ngay cả chính các tín đồ với nhau về việc thế nào là ‘đúng’ thế nào là ‘sai’. Thiên chúa La mã, Tin lành, phái Mormons (LND: có từ năm 1830 tại Hoa kỳ), Hội Giám lý (LND: Methodists, thế kỷ 18), v.v...tất cả đều cho rằng chỉ có mình họ là Thật và đúng (vậy thì tại sao lại có quá nhiều giáo phái) trong khi các phái khác thì không. Ai đúng đây? Có phải tất cả đều là đúng, hay tất cả đều sai? Hay họ một phần đúng một phần sai? Làm sao ta có thể biết được? Có thể chúng ta được biết bằng cách cố tìm cái gì đúng thay vì ai đúng?

Đầu tiên, Sự Thật phải là điều phổ biến cho mọi người, nếu không nó sẽ không phải là Sự Thật, phải không các bạn? Thí dụ, nước thì ướt và lửa thì nóng; điều nầy đã đúng, đang đúng và sẽ đúng; không thể tranh cãi được. Thứ hai, vì nó có ở khắp nơi, nó không thể được nắm lấy hay độc quyền bởi tay chân; cũng không được tuyên bố bởi các đầu óc quá thiển cận như đối với các loại sở hữu vật chất. Nó quá tầm tay đối với những gì ta có thể nói đến bởi các sỡ hữu từ ‘tôi’, ‘của tôi’...Không có cái hộp nào, hàng rào nào, bức tường nào hay tên tuổi nào giữ nó được. Chữ ‘Sự Thật’ cũng vậy, nó không phải là ‘Sự Thật’.

Đức Phật đã nói như thế nào về ‘Sự Thật’? Ngài nói rõ như thế nào về tất cả sự vật, từ viên sỏi đến một vì sao trong vũ trụ bao la nầy đề phải chịu tùy thuộc vào các quy luật. Cái quy luật bao gồm tất cả và trọng đại nhất trong số các quy luật là luật Nhân và Quả. Không có một vật gì, hữu tình hay không hữu tình ở ngoài quy luật nầy. Theo như khoa học hiện đại ngày nay đã cho thấy là mọi thứ đều ở trong ‘tình trạng luân lưu luôn thay đổi và bất định’, nó luôn trở thành cái gì khác với nó.

Không có các chuyện rủi ro hay ngẫu nhiên (tức không có việc gì xảy ra do tự thân chúng) trong Vũ trụ nầy; mọi thứ là kết quả của các nguyên nhân, hằng hà vô số nguyên nhân. Hãy nghĩ đến một hạt cát trên biển và các nhân tạo ra chúng. Hãy nghĩ đến một hạt cát biển và những gì nó liên hệ; việc nầy dẫn đến việc kia như các mắc xích; nó không phải chỉ thuần là một hạt cát. Nếu bạn cố gắng tìm hiểu cội gốc (hay căn để) của nó, bạn sẽ thấy toàn thể Vũ trụ liên quan đến nó mà vẫn không đạt được cái bắt đầu của nó. Phật giáo nói rằng Vũ trụ có thể được tìm thấy từ một hạt cát và tất cả mọi thứ cũng như vậy!

Trang 51. Điều nầy có nghĩa là mọi sự mọi việc đều có liên hệ nốì kết với nhau và bằng một cách nào đó mà mọi thứ đều tùy thuộc với những cái khác mặc dầu chúng ta thường không thấy nó vì nó đòi hỏi một trí tuệ sâu sát, thâm nhập và rõ ràng. Chúng ta có thể so sánh Vũ trụ với cái lưới cá: lấy được một nút, một nơ thế là bạn lấy được cả lưới. Mọi sự đều là một phần, dù nhỏ hay lớn, của cái Nguyên thể, giống như các thành tố của nguyên tử lần lượt bao gồm các hạt điện tử, hạt điện dương và hạt năng lượng tương đương và chúng đều di động không ngừng nghĩ. Do vậy, những gì chúng ta gọi là ‘thể đặc’ thực ra nó không đặc chút nào mà nó chỉ là năng lượng (khí); không có gì hiện hữu ở bên trong hay tự nó và vì thế mọi thứ đều có tánh không.

Tuy nhiên đây là điều mà hầu hết chúng ta không muốn chút nào cả; cái họ muốn phải là một cái gì đó cầm nắm được, sở hữu được và nói là ‘của tôi, không phải của anh’; họ mong có thể loại trừ tha nhân ra khỏi ‘Sự Thật’ của họ; vì thế mới có sự hiện hữu của quá nhiều giáo thuyết về ‘Sự Thật’.

Biết hay không biết, thích hay không thích, tin hay không tin, đó là điều không quan trọng; chúng ta tất cả đều phải chịu lệ thuộc vào quy luật, sẽ bị cuốn tới trước và sẻ trở thành cái gì khác. Hơn thế nữa, các quy luật nầy không linh thiêng; các lời cầu nguyện với chúng để được thương yêu hay tha thứ sẽ không thay đổi được gì; sẽ không có câu trả lời. Khi hiểu chúng và học cách dùng chúng, làm việc với chúng thay vì đi nghịch lại với chúng, chúng ta sẽ biết cách đem vài hướng đi vào trong đời sống mình; chúng ta sẽ đặt bàn tay mình vào tay lái.

Để thấy sự vận hành của các quy luật nầy, ta không cần lòng tin nào cả bởi vì nó luôn ở chung quanh ta và cứ tiếp tục như vậy. Nếu cứ làm ngơ, điều mà hầu hết chúng ta đã và đang làm, và giả trá nói ngược lại, đó không phải là lỗi của cái đó mà là do sự còn non nớt của riêng ta.

Trang 52. Nói về vô số người tự cho là đã biết Sự Thật (hay những người kể chuyện về Chúa, về Thượng đế), đức Phật có cho một dẫn chứng, Ngài nói: ‘‘Giả thử có một người nói là anh ta đã yêu được một người đàn bà đẹp nhất thế giới, nhưng hỏi ai nói và tên của người đàn bà đó là gì thì anh ta nói không biết. Khi được hỏi thêm nơi nàng ở, cha mẹ cô ta là ai, tuổi tác nàng, màu tóc màu da, v.v...anh ta cũng nói không biết. Từ các câu hỏi và câu trả lời trên cho ta thấy rằng cái người đã nói rằng anh đã yêu được người đàn bà đẹp nhất thế giới mà chưa thấy nàng, không biết nhiều về nàng chỉ là nói chuyện vô nghĩa, tầm phào.

Người ta thường giả sử khi nói thì nhiều nhưng biết thì lại rất ít. Những gì viết trong sách thì cao như núi nhưng chẳng bao giờ có những bằng chứng một cách xác quyết về Sự Thật vì Sự Thật cần phải thực chứng trực tiếp bởi chính cá nhân đó. Thiền (Zen), tuyệt đỉnh của Phật giáo, đã dạy: ‘‘Không tùy thuộc vào Kinh sách hay quyền lực bên ngoài mà phải thấy trực tiếp vào trong lòng người!’’ Ai cũng có thể viết sách, chẳng hạn như quyền sách nầy, nhưng nội dung của nó có chứa ‘Sự Thật’ không?

Phật giáo tiếp cận cuộc đời bằng sự quán sát xem sự vật như thế nào chứ không phải do lòng tin hay giả thiết. Nó không tìm cách cắt nghĩa nguồn gốc sự vật mà chỉ cười những ai làm chuyện đó vì không ai biết cũng chẳng bao giờ có thể biết. Hơn nữa, nó xem việc cố gắng tìm hiểu đó là vô ích và phí thì giờ, vì cái đầu tiên của các sự vật thì không thấy được. Phần cuối của một sự việc luôn luôn là phần đầu của một việc khác, việc nầy đổi thành việc kia và vì thế mới nói ‘không có thủy cũng không có chung’. Vì quá khứ thì đã qua, cái thời gian còn lại là Bây Giờ, tức nhấn mạnh vào cái đang sống của cái hiện tại, chứ không phải cái hiện hữu.

Tìm tòi đi tìm Sự Thật quả là sự nghịch thường, giống như đốt cây nến lên để tìm Mặt Trời. Bộ Mặt Trời không chiếu sáng nếu ta không tìm nó à? Tại sao chúng ta lại cất công làm chuyện bí mật đó? Sự Thật không phải là một ý niệm; các ý niệm về Sự Thật thì không phải là Sự Thật. Mỗi một người đều có các ý niệm về Sự Thật, thô tháo hay vi tế, nhưng chúng thường là chủ quan, là những sự tưởng tượng của việc tự xem mình là trung tâm.

Trang 53. Sự Thật phải có mặt khắp nơi, trong mọi sự mọi vật, nhưng chúng ta không thấy nó bởi vì ta tìm nó không đúng chỗ của nó và bởi vì thực sự ta không có mặt. Đầu óc ta thường là ở đâu đâu chứ không có mặt ngay lúc hiện tại, hay nghĩ suy về quá khứ hoặc về tương lai, lo nghĩ về Sự Thật, về Giác Ngộ, về Thiên đàng, về Địa ngục. Và có thể chúng ta không muốn thấy Sự Thật vì nó có thể không phù hợp với các ý nghĩ của ta về nó. Vì vậy ta quay lưng lại với nó và tìm Sự Thật khác, Sự Thật khác, Sự Thật khác và ta không bao giờ tìm ra được nó.

$

Đạo Cơ đốc có được nhiều tín đồ là phải biết ơn các thủ đoạn chính trị của các tín hữu Cơ đốc chính thống. Họ thành công trong việc chuyển đạo Cơ đốc từ một tiểu giáo phái bị ghét bỏ thành một tôn giáo chính thức của Đế quốc La mã. Mục tiêu của họ là, theo như Giám mục Irenaeus nói, ‘‘một giáo hội phổ biến và phân tán khắp nơi trên thế giới, ngay đến tận cùng ngõ ngách của nó’’. {LND: theo từ điển Macquerie của nước Úc đại lợi thì chữ catholic (chữ c không hoa): 1. thuộc toàn thể Giáo hội Cơ đốc; 2. liên hệ đến tất cả, được sự quan tâm của tất cả; 3. có tình cảm với mọi người, có tư tưởng rộng rãi khoáng đạt, tự do; thí dụ: to be catholic in one’s tastes, interests, etc., từ chữ gốc Hy lạp katholikós (theo nghĩa số 2)}. Để đạt được cứu cánh đó, họ đã dùng gần như mọi phương tiện. Họ viết lại những gì được viết về đạo Cơ đốc, thích nghi hóa các nguyên tắc của họ để biến đạo họ được chấp nhận dễ dàng hơn. Họ chìu đãi và thỏa mãn các giới chức La mã. Họ hợp tác với các kẻ ngoại đạo. Phái Cơ đốc Chính thống chống và kêu gọi chính quyền sửa đổi lại là không cần phải là một tôn giáo khuyến khích giác ngộ, hiểu biết tâm linh mà chỉ cần là tôn giáo đem lại trật tự và sự tuân thủ của mọi người đối với Đế quốc (La mã) đang bị sụp đổ dần. Chánh quyền La mã cung cấp cho Giáo hội Chính thống những đặc quyền chưa có từ trước đến nay giúp Giáo hội có quyền uy độc đoán tuyệt đối mà Chúa Giê Su đã chống lại việc nầy ngay từ đầu.

Helen Ellerbe: Mặt Trái Tối tăm của Cơ đốc giáo.

&

Ta đã được gì?

Trang 59. Phá hại hay bóp méo thì dễ, sáng tạo hoặc làm sáng tỏ thì khó. Đây là lý do tại sao các tôn giáo, qua nhiều thời đại đã mất đi sự trong sáng và sinh khí của nó. Phật giáo cũng không ra ngoài ngoại lệ đó; nó đã có thêm nhiều thứ mà từ đầu nó không có và lại thường bị làm biến dạng đi. Lấy các phim võ công kung-fu được sản xuất hàng loạt từ bộ máy điện ảnh Hồng kông làm thí dụ. Những phim nầy có thể có một vài giá trị được xem là để giải trí. Nhưng thường thì chúng mô tả một cách sai trái về Phật giáo và triết học Trung quốc. Vì thế, khi có một cố gắng thực sự để truyền bá Phật giáo thì chúng ta trước hết phải đương đầu với những sự vô lý vô nghĩa ấy đối với những người dễ tin đã xem các phim có nói đến Phật giáo. Nó cũng giống như phải làm sạch cỏ, dọn đá và rác rưởi trên một mảnh đất trước khi trồng trọt.

Cách đây vài năm, tôi có xem một phim Nhật bản nói về Phật giáo, nhưng nó rất không chính xác, dài dòng và gây chán đến độ tôi ngủ trong rạp mà không thể chờ xem đến hết phim. Kế đến là phim chùa Shaolin của Trung quốc, chiếu các tu sĩ ăn thịt chó, uống rượu, đánh giết nhau, những thứ hoàn toàn trái ngược với đời sống bình thường của giới tu sĩ. Một phim khác rẽ tiền nói về đức Phật, chiếu cảnh Ngài bị ma quỉ kéo ra khỏi nơi ngồi thiền dưới cây bồ đề, nhờ một thần khỉ da trắng đánh bại quỉ vương bằng sức thần thông và võ kung-fu! Thật là cực kỳ ngu xuẩn và đáng chán nhất là có sự đánh giá cao bởi người tu sĩ mà tôi gặp tại một chùa ở San Jose, Mỹ quốc! Tại sao các người làm phim lại vặn vẹo sự việc một cách quá đáng như vậy!

Có các bộ phim nầy là do nhu cầu trong dân chúng? Chúng có phản ảnh thực sự thị hiếu của con người thời nay chăng? Nếu vậy tại sao con người lại quá ư vô ý thức vậy? Chúng ta được học hành được giáo dục nhiều hơn bao giờ hết (mặc dầu chưa chắc là thông minh hơn) vậy mà chúng ta lại chịu giải trí với loại vô giá trị vậy? Không lẽ đời sống ngày nay buồn chán nhiều đến nỗi chúng ta phải chạy trốn để tìm những chuyện không đâu và dại dột như vậy? Ngoài phần y phục và cấu trúc, các phim nầy xem vừa chán vừa thiếu thuyết phục; bố cục thay đổi rất ít; các cảnh đãu võ kung-fu diễn ra quá lâu, các vai đấu đá nhau ít khi bị thương, không thấy mõi mệt và dơ bẩn; các phép thần thông thì quá khó tin, âm thanh thì thuộc hạng rẽ tiền. Đức Phật hoặc Bồ tát Quan thế Âm được chiếu trông không trang nghiêm, ngồi quay tròn như chong chóng, hoa sen lẫn trong các đám mây đủ màu sắc, đức Phật thì có kiểu tóc dị thường, v.v...Các việc làm nầy có phải cố ý để phỉ báng và làm giảm giá trị của Phật giáo không? Nếu vậy thì chúng đã khá thành công. Những người không biết về Phật giáo có cảm tưởng hay cảm giác như thế nào khi xem các phim nầy?

Trang 60. Nếu bạn có ý mua nhà thì nếu khôn, bạn phải nhờ người đánh giá nó trước, nếu không thì sau đó bạn sẽ cảm thấy là bạn đã trả ‘lố’ căn nhà ấy rồi. Cũng vậy, đối với tôn giáo và triết lý của cuộc đời, bạn cũng nên biết đánh giá chúng. Bạn có dám làm như vậy không? Tôn giáo của chúng ta ngày nay có chịu sự thẩm xét chơn thực hay không? Tại sao nhiều Phật tử bỏ Phật giáo và theo các tôn giáo khác? Đó có phải chăng là vì được phần vật chất hay, là người tỵ nạn, được bảo lảnh? Họ có tìm được sự tốt đẹp nào hơn không? Và họ có hiểu biết cái đạo mà họ cải qua không? Chúng ta nên thực sự sẵn sàng hỏi những câu hỏi như thế chứ đừng nên mù quáng cải đạo, nghĩ rằng ‘‘đạo của ta hay hơn các đạo khác’’ như thông thường mọi người đều nghĩ như vậy. Nếu được hỏi tại sao chúng ta nghĩ tôn giáo của mình hay và cao hơn các tôn giáo khác liệu chúng ta có thể trả lời được không?

Chúng ta có thể thấy rằng riêng về việc phục vụ xã hội thì Phật giáo cho đến nay đứng ở phía sau mà phía sau khá xa, xa đến nổi không thấy đâu! Về lễ nghi thì các tôn giáo còn lại cũng không khác với Phật giáo. Những gì khiến cho Phật giáo khác biệt và tại sao nó tiếp tục hiện hữu trên thế giới nầy 2500 năm nay? Và tại sao nó lại không đi theo con đường bị lãng quên của các tôn giáo Hy lạp và La mã mà chúng chỉ còn lưu trữ tại các bảo tàng viện và trong sách vở về môn thần thoại học? Phật giáo có cung cấp được cho con người chút nào không, khi họ không thể tìm thấy ở các tôn giáo khác? Nếu chúng ta sợ bị hỏi những câu hỏi đó tức có nghĩa là chúng ta đã không hiểu và không thực sự có lòng tin nơi những gì đức Phật dạy. Chúng ta không nên nghĩ rằng, nghi ngờ hay hỏi han là không kính quí bởi vì đây là những gì đức Phật đã khuyến khích hỏi để học chứ không phải chỉ có lòng tin mà thôi. Khi Ngài sắp tịch diệt, Ngài hỏi các đệ tử của Ngài xem có chuyện gì còn nghi ngờ hay thắc mắc không. Chư vị im lặng. Ngài lại nói rằng nếu họ không thích hỏi chỉ vì kính trọng Ngài quá thì họ nên nhờ bạn bè họ hỏi dùm. Vẫn không có câu hỏi và đức Phật biết rằng đấy là vì họ đã hiểu rõ và không có gì nghi ngờ chứ không phải vì họ sợ sệt hay nhát nhúa.

Trang 61. Không giống như các tôn giáo khác, Phật giáo không phát triển từ một nhánh tôn giáo nào đã từng hiện hữu trước đó mà do sự Giác Ngộ và Giải thoát của đức Phật. Vì thế Phật tử nói rằng nó được căn cứ vào những sự kiện có thể kiểm chứng được và không đòi hỏi các người theo đạo phải chấp nhận và tin tưởng nó mà không được không nghi ngờ.

Trong Phật giáo cũng có sự kiện về các phép lạ (thần thông) so với các tôn giáo khác tuy có vài tôn giáo đặt nặng vấn đề nầy. Nhưng Phật giáo không nhấn mạnh hay xem chúng là quan trọng vì chúng khó kiểm chứng được và phần đó là phần quá khứ trong khi phần quan trọng là phần hiện tại tức cái Bây-Giờ và Ở-Đây có tính cách Chơn Thường. Ngay ngày hôm nay có người với những thần lực siêu nhiên có thể thi triển các phép lạ. Người Phi luật tân nổi tiếng với các nhân vật chữa tâm bệnh hay tâm linh những người đã nổi tiếng là có thể làm được các cuộc giải phẩu với tay không mà vẫn có hiệu quả. Nước Ấn độ đã có vô số vị Du già và Thánh nhân, nhiều người trong số nầy đã có được rất nhiều thần thông. Thần thông nổi tiếng nhất là Sai Baba, vị mà nhiều người đã thấy là ông cho ra nhiều vật khác nhau từ trên không. Điều nầy không thể bàn cãi; có một số vấn đề mà hầu hết mọi người kể cả các khoa học gia không thể biết được. Chẳng hạn các khoa học gia không thể cắt nghĩa làm sao mà con người có thể đi trên lửa mà không bị phỏng thế mà chuyện nầy không phải là hiếm ở các nước châu Á.

Phật giáo đánh giá sự quan trọng về ‘phép lạ huyền diệu’ bằng một giai thoại nói về đức Phật. Một bữa nọ, trong khi đi dọc theo sông Hằng, Ngài gặp một ẩn sĩ. Sau khi trao đổi lời thăm hỏi với vị đạo sĩ khổ hạnh với râu tóc dài, Ngài hỏi thăm về sự tập luyện của ông. Vị đạo sĩ trả lời rằng ông đã ngụ nơi đó rất nhiều năm, tu luyện khổ hạnh để có thể khinh công trên mặt nước và cuối cùng thì bây giờ các cố gắng của ông đang có kết quả. Đức Phật cười, có thể có hơi một chút thương hại ông, và nói: ‘‘Ông không biết là trên kia có một người lái đò có thể chở ông qua sông mà chỉ tốn hai xu sao?’’

Trang 62. Quyền năng về tâm linh được cho biết rằng bất cứ người nào chịu thực hành một vài loại tu luyện thiền định đều có thể có được nhưng đức Phật cho rằng , nếu các đệ tử của Ngài đã có được các loại quyền năng tâm linh ấy (tức các thần thông), họ phải giữ đừng phô bày ra bên ngoài. Kinh sách nói rằng chính Ngài đạt được thần thông, và thực sự đã có những lời tường thuật về Ngài phô triển các phép lạ như tạo ra các ảo ảnh về mình dưới muôn hình thức để cho người khác thấy, tạo ra lửa và nước từ thân thể Ngài, biến mất ở một nơi, xuất hiện tại nơi khác. v.v...Nhưng các thứ nầy không được xem là quan trọng. Điều kỳ diệu thực sự của Phật giáo là sự Khai sáng, Giác ngộ, sự Tĩnh Thức đối với Thực Tại và chúng được mở ra cho tất cả mọi người. Đức Phật không độc quyền Sự Thật (Chơn Đế) nầy; Ngài nói rằng bất cứ ai cũng có thể tìm được những gì mà Ngài đã tìm ra. Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), người em họ với Đức Phật mặc dầu chỉ là tu sĩ thường và luyện được thần thông như bay trên không trung, đi xuyên qua bức tường, khinh công trên mặt nước, v.v... nhưng vẫn không đạt được mức Giác Ngộ; ngược lại chính các khả năng quyền biến đó đã gây chướng ngại cho Ông tự phụ tự đắc, thối nát hủ bại và Ông đã qua đời trong trạng thái đau khổ.

Vâng, Phật giáo đã và vẫn còn là Con Đường giúp (ta) sống trong Thế giới nầy với sự Tĩnh Thức. Đó là những lý do tạo thành sự tồn tại của Phật giáo; Phật giáo thực sự có một cái gì đó cống hiến cho thế giới nầy; một thế giới dù có những tiến bộ phi thường về khoa học công nghệ và kỹ thuật, nhưng vẫn còn đầy các vô minh, mê tín, sân hận, sợ hãi, cố chấp, tối tăm và đau khổ. Là Phật tử, chúng ta phải tái khám phá di sản của mình, lau chùi bụi bặm gia tài của mình và đem chúng ra cho mọi người đều thấy. Nhiều người đang chờ những gì được cống hiến; ta có nên giữ riệt chúng không? Tuy nhiên khi cho tha nhân, chúng ta phải hiểu và quí chúng trước rồi sau đó biết rằng chúng đáng cống hiến cho người khác.

Trang 63. Muốn tiếp cận Phật giáo, chúng ta phải có Tín ngưỡng và Trí Tuệ; cả hai phải cân xứng nhau. Nếu có quá nhiều Lòng Tin nhưng không đủ Trí Tuệ, sự việc sẽ bị sai trái. Ta có thể xem các kết quả ở các tôn giáo bạn: họ trở nên ngây thơ và không thực tế, dị đoan như trong thời Con Người còn bán khai. Lại nữa các tôn giáo mất cân bằng nầy thường cho thấy tính cố chấp, cuồng tín, khủng bố, xung đột, chiến tranh. Tại sao con người không chịu nhìn sâu hơn vào các vấn đề thay vì chỉ thấy trên bề mặt rồi tin vào?

Đức tin là gì? Vâng, nhiều người đánh đồng Đức tin với Tin tưởng. Thực ra chúng có khác. Ta có khuynh hướng Tin tưởng những người mà ta kính trọng hay vui thích dù rằng ta không có bằng chứng hay hiểu biết đối với những gì họ nói là có thật hay không; chúng ta thường tự bị lừa bằng cách nầy. Tin thì có nhưng thiếu hiểu biết vẫn có thể có. Thí dụ, hầu hết mọi người sẽ trả lời là ‘Có’ nếu được hỏi là họ có tin ma quỉ hay không dù rằng họ chưa bao giờ thấy quỉ ma. Và nếu bạn bảo những người trả lời ‘Không’ đi theo bạn đến các nghĩa trang vào ban đêm thì họ có thể sẽ từ chối, điều nầy chứng tỏ rằng họ thực sự có tin. Tin hay Không tin thường đi đôi với nhau và chúng ta thường thấy rằng cái nầy là cái kiếng soi của cái kia. Còn Lòng (Đức) Tin ít có liên hệ đến sự tin tưởng, vì Đức Tin có được là do có sự hiểu biết. Chẳng hạn bạn đã thấy quảng cáo phim Kodak; các nhà chế tạo bỏ ra một số tiền rất lớn để quảng bá chúng; có thể bạn đã bị ảnh hưởng phải mua phim Kodak bởi chính sự quảng cáo đó. Tuy nhiên bạn chỉ tin nó vậy thôi. Chỉ đến khi nào bạn mua, dùng và có kết quả tốt thì lúc đó bạn sẽ có Lòng Tin và rồi bạn sẽ mua nó nữa. Nếu hình rửa không đẹp, bạn sẽ mất lòng tin và không sẽ không bao giờ mua nữa. Vì vậy, Lòng (Đức) Tin nẩy sinh từ kinh nghiệm trực tiếp và thay vào chỗ tin tưởng. Khi chúng ta có Lòng Tin, Đức Tin hay Tín nhiệm nơi cái gì đó thì chúng ta không cần tin tưởng chỉ vì chúng ta biết rồi.

Trang 64. Hai người bày bán hàng hóa trong chợ. Một người đậy đồ lại, lớn tiếng rao mời kẻ qua người lại mua hàng, nói rằng nếu họ để mất dịp mua nầy họ sẽ hối tiếc suốt đời. Người bán đòi hỏi người mua tin những gì mình nói mà không có gì để chứng minh. Người kia bày hàng của mình ra cho mọi người thấy và xem xét, không ‘hù’ cũng không hứa hẹn; nếu ai muốn mua thì mua; nếu không thì cũng chẳng sao. Người nầy giống như đức Phật, Người chẳng bao giờ kêu gọi người ta phải tin và theo Người, chỉ nói rằng nếu chịu làm họ sẽ tự cứu và lên cõi thiên khi qua đời (nầy), nếu không thì vào các cõi ngục ác.

Còn Trí Tuệ là gì? Trí Tuệ là khả năng phân biệt giữa cái Chơn và cái Giả, cái Đúng và cái Sai, khả năng thấy các sự vật đúng như tánh tướng của chúng chứ không phải như ta muốn chúng phải như thế nào theo ý ta. Và đó là cái khả năng sống duyên theo sự thấy biết và sự hiểu biết đó. Nhờ vậy nó dẫn đến Giác Ngộ, điều mà ngay cả một người mù cũng có thể nói: ‘‘Ồ, vâng, tôi thấy rồi, tôi hiểu rồi!’’. Người ca sĩ mù Stevie Wonder đã từng nói: ‘‘Tôi muốn giúp người thấy được cái đẹp chúng quanh ta!’’ Thấy mà không có đôi mắt? Vâng đúng vậy! Trí Huệ là thấy. (Ta gọi là Huệ Nhãn. M.T.) Nhiều người có đôi mắt tốt nhưng không có nhiều Trí Tuệ, vì vậy họ thấy và hiểu rất ít.

Thế giới nầy cùng với mọi sự mọi việc đổi thay và trôi lăn; tất cả các công trình của chúng ta, tốt hay không tốt, rồi sẽ tan thành cát bụi. Phật giáo cống hiến sự Giác Ngộ và Giải thoát (Enlightenment: 1. Khai Sáng; 2. Lòng khoan dung và thoát khỏi định kiến). Không ít hơn không nhiều hơn.

@@@

Vua Canute xét lại

Chơn thành và không khiêm tốn một cách giả dối

Tôi phải nói rằng tôi thích được (người ta) thích tôi

Giống như mọi người

Nhưng không phải đến độ để các ý kiến về tôi làm tôi tê liệt

Và ngăn tôi không cho nói những gì mà tôi cảm thấy phải được nói.

Vì ai sẽ thay vào chỗ của tôi khi tôi qua đời?

%

Có người ‘ỷ’ là bạn tôi, có thói quen ‘lải nhải vào tai tôi’ cả giờ, lại tâng bốc tôi thái quá, nói đủ thứ về tôi mà tất cả không phải là đúng sự thật. Tôi không biết tại sao anh làm như vậy và muốn gì khi làm như thế, riêng tôi thì tôi không thích; chắc anh ta cho tôi là anh chàng dại dột! Cũng may là tôi biết về tôi rõ hơn là anh ta biết tôi và nhờ vậy mà các lời khen rỗng tuếch của anh không vào trong đầu tôi được. Tôi muốn kể cho anh ta một câu chuyện về vua Canute.

Canute là người Đan mạch mà lại làm vua nước Anh, người của ông đã chinh phục được một nước Anh không phòng thủ và chưa văn minh vào thế kỷ thứ 8th và 9th. Triều đình ông, mặc dầu chưa phải là trung tâm của văn minh, cũng có những kẻ nịnh hót và nhũng người tìm sự ưu đãi. Tuy nhiên, Canute không phải là người dại nên không muốn để các câu chuyện bợ đỡ làm mờ tối lương tâm ông. Sau đó khi các miệng lưỡi ngọt lịm đó đã đi quá sức của chúng đến độ bắt đầu ‘ca’ các quyền năng siêu nhiên của Canute, tuyên bố rằng ông ‘thần thông’ đến độ gió và sóng biển phải vâng lời ông, ông quyết định đây là lúc ông phải dạy nó một bài học.

Ra lệnh cho ngai vàng ông được mang và đặt ra ngoài bờ biển, ông chờ cho đến khi thủy triều lên rồi ngồi đó và ra lệnh sóng biển không được đánh vào bờ nữa. Các kẻ tâng bốc ông đứng đó có vẻ thấy không ổn, biết rằng họ sắp bị khiển trách. Sóng biển càng lúc càng đến gần cho đến khi tràn lên chân ông, chẳng để ý gì tới lệnh của ông. Khi vương bào bị ướt vì nước biển, ông mới nói với họ: ‘‘Các ngươi thấy các lời khen rỗng tuếch và vô nghĩa của các ngươi chưa? Trong tương lai, cố tự chế cái lưỡi, nếu không chính các ngươi sẽ bị làm cho dừng lại’’.

Trang 66. Nếu phải chi tôi may mắn hơn khi còn trẻ được ai cắt nghĩa cho về những sự việc mà tôi nói cho người khác biết như hiện nay; tôi có thể đã hiểu biết hơn và tự giúp tôi tránh được nhiều rắc rối và đỡ mất nhiều thì giờ hơn.

Nhưng thôi, cũng không trể lắm nếu muốn tu sửa hay chuộc lỗi những thứ mà tôi bây giờ hối tiếc và tôi cố gắng chuyển các lỗi lầm và dại dột của tôi, biến chúng thành những gì tích cực hơn. Có thể ai đó sẽ học được từ những kinh nghiệm của tôi và nếu họ làm được như vậy thì các lỗi lầm của tôi sẽ không phải trở nên vô ích.

Theo Con Đường (Đạo) thường là cuộc tranh đấu vất vả, dĩ nhiên, vì chúng ta phải đương đầu và chạm trán với những nhơ bẩn, ô uế của tâm thức ta. Hầu hết mọi người cũng không muốn biết chuyện nầy và thích sống một cách bất cần, phí đi cái phần quí giá tái tạo của con người (Tạng ngữ), rất dễ đi vào con đường chậm tiến lạc hậu. Nhưng mặc dầu thực sự có khó khăn nhưng cũng có phần cấu trúc tinh thần nó ở bên cạnh ta và giúp chúng ta trong hành trình hướng thượng; chúng ta gọi đó là Lương Tâm hay tiếng nói của nội tâm. Tuy đôi lúc nó làm cho ta cảm thấy khó chịu nhưng đó là vì lợi ích cho ta, là ‘cổ phần’, là quyền lợi của ta.

Đã khởi hành theo Con Đường (Đạo) không có nghĩa là chúng ta sẽ không sai trái; chúng ta chỉ mới bắt đầu, vì thế dĩ nhiên ta có thể hành động sai giống như bao nhiêu người khác không biết gì về Đạo. Sự khác biệt giữa ta và họ là ta sẽ không bao giờ quên nó. Việc làm sai trái của chúng ta khiến ta sẽ bị phiền não và sẽ không để cho ta sống trong sự an bình. Ta hoặc sẽ hối hận hoặc sẽ cố gắng tu sửa lỗi lầm của mình, hoặc sám hối hay ‘thú tội’ với một người nào khác và với cách nầy ta sẽ để chúng lại đằng sau và xem đó là một phần của tiến trình học tập. Nó có thể xem như là một chỉ dấu cho sự tiến bộ trong việc học Phật Pháp: ta có thể làm sai nhưng đừng ‘vô tàm vô quý’ mà cho là hay về việc dám ‘can đảm’ nói ra.

Trang 67. Tôi không cần phải nói ra điều nầy và tôi cũng không khoe là đã dám nói ra. Tôi xin ‘sám hối’ ở đây một chuyện mà tôi đã làm đã khiến cho tôi phiền não từ lâu. Làm như vầy tôi mong sẽ giúp những người khác tránh được vết xe đi trước.

Năm 1998 tại Kathmandu, tôi có đến một tiệm bán sách cũ. Theo phong tục địa phương, tôi cũng trả giá như ai về giá của một quyển sách, chỉ trả 300 rupees thay vì 400 theo như giá đề trên sách và với sự tin tưởng là sẽ được lấy lại được phân nửa số tiền nếu tôi trả sách lại. Vài ngày sau tôi trả sách lại nghĩ rằng sẽ lấy lại được 150 rupees. Người bán sách hôm ấy không phải là người hôm trước. Thấy sách ghi giá 400 rupees, anh hỏi có phải đó là cái giá mà tôi đã trả hay không, tôi tiếc là tôi đã trả lời chỉ một chữ ‘Đúng’. Vì vậy anh trả lại cho tôi 200 rupees, mà đúng ra là tôi chỉ được nhận lại 150 mà thôi. Tôi bước ra và suy nghĩ, ‘‘Ừ, thì anh ta cũng đã lời 150 rupees rồi và không có lỗ lã gì với mình’’.

Vâng, anh ta có lời. Tôi không gây đau khổ cho ai trừ cho chính tôi! Tôi đã dại đột. Tôi đã làm mất tôi. Nghĩ rằng tôi đã được lợi 50 rupees (tức 80 xu Mỹ) nhưng thực sự tôi mất nhiều hơn và tôi chỉ mong được hành động trở lại và quên hết những chuyện mình đã làm; nó làm tôi băn khoăn hoài và tôi quả thật là hổ thẹn về chuyện nầy.

Kể lại chuyện nầy, hầu hết mọi người đã hiểu và đồng ý với tôi, nhưng có một phụ nữ ngạc nhiên lắm và nói: ‘‘Ông là một tu sĩ! Tại sao mà ông lại làm được một chuyện như vậy!’’ Tôi trả lời: ‘‘Vâng, tôi là một tu sĩ, nhưng làm tu sĩ không có nghĩa là tôi không sai trái. Và tôi đã kể chuyện nầy để chứng minh cho bà biết, bên cạnh sự Giác Ngộ, ta vẫn có thể làm sai. Hơn thế nữa, tôi muốn cái nhược điểm của tôi, xin bỏ qua không nói đến cái ưu điểm của tôi, sẽ là cái nguồn sức mạnh cho những người khác. Đây là món quà của tôi cho bà, và nếu bà không lắng nghe hay để ý nó theo đường hướng đó thì bà sẽ không được lợi lạc gì cả!’’ Bây giờ thì bà đã hiểu chứ, Khơi-dậy-từ-Đống-tro-tàn?

Trang 68. Tôi không có thói quen làm những việc như thế; thực ra tôi đã viết loại chuyện nầy ở mục khác nữa, (Mục ‘Không phải chỉ có trong tâm trí’) và tôi cố gắng tu tập những gì mà tôi thuyết pháp. Tôi nói là ‘cố gắng’ có nghĩa là không phải luôn luôn tôi thành công, đó là lý do tại sao tôi viết mục ‘Đừng Theo Tôi’. Tôi ý thức được nhược điểm của tôi và tôi không muốn tha nhân dính đến chúng, đó là vì họ cũng có đủ ưu nhược riêng của họ để tự tranh đấu lấy. Nhưng tôi cảm thấy rằng quả là điều ích lợi để biết rằng tất cả chúng ta đều cùng thuyền cùng hội và không phải là ở vị trí ‘chĩa’ tay ra xỉa xói vào người khác và cảm thấy mình là kẻ cả. Có đôi lúc ta cảm thấy nhu nhược nhưng chính từ sự nhu nhược mà cương cường mới nẩy sinh ra. Tôi không muốn tự hào về các thành công của tôi nhưng tôi có chút ít về chúng. Xin nói thực nếu tôi không có chúng mà chỉ có toàn thất bại thì chắc tôi đã không hiện diện ở đây nói chuyện về nó. Tôi đang thú nhận là có sai sót có lầm lẫn chứ không phải là hãnh diện về các thành công của tôi.

Mặc dầu chúng ta có khả năng ‘phản quan tự kỷ’ và tự kiểm nhưng nó nên được khách quan và công bằng mà không cần phải tự hạ mình quá. Ta thường mong muốn ở tha nhân nhiều quá cũng như quá nhiều về mình nên ta thường thất vọng. Tuy vậy điều nầy không có nghĩa là ta không nên có lý tưởng theo đuổi mà ta nên chấp nhận sự có thể có thất bại và không nên quá thất vọng khi thất bại xảy ra. Nó nên được xem là một cơ hội để tiếp tục cố gắng tinh tấn hơn và sau cùng đạt đến thành công thay vì lấy cớ để chịu thua rồi tự trách mình hoặc tuyệt vọng.

%

Có Có Không Không, Đúng Đúng Sai Sai ...

Trang 69. Khi nói ‘Có’ hay ‘Không’ hoặc ‘Đúng’ hay ‘Sai’, ý chúng ta thế nào? Đây là câu hỏi đàng hoàng, nghiêm túc chứ không phải chớt nhã không đúng mực như nhiều người trong chúng ta thường xem nhẹ chuyện đưa ra lời ăn tiếng nói của mình. Chúng ta tạo ra cái hẹn nhưng lại không cố gắng giữ đúng cái hẹn đó, nói ‘Đúng’, lúc ta không nghĩ nó là thật đúng và cả lúc ta nghĩ nó là ‘Sai’ nữa.

Hãy chịu khó nhìn kỹ một chút, bởi vì nhìn kỹ có thể giúp chúng ta tránh những khó khăn không cần thiết và nếu được như vậy thì chắc chắn sẽ ích lợi và tốt đẹp.

Tại sao chúng ta coi nhẹ chuyện ăn nói mà không chịu xét xem những hậu quả của chữ nghĩa ta dùng? Tại sao ta phải đạo đức giả? Ta có cần như vậy không? Ta có vui theo cách thức như vậy không? Bộ ta không có cách nào khác? Hãy nhìn cách ngoắc đuôi của con chó: với cái tâm của nó, một cách thành thật. Tại sao ta ít thành thật hơn thay vì phải thành thật hơn loài chó?

Chắc chắn chúng ta được chọn lựa, không nhiều như ta nghĩ nhưng chắc chắn là có. Chúng ta không phải là những nạn nhân không có sự giúp đỡ hay không tự lo liệu được trừ phi là ta tự cho mình bị như vậy và ta tin rằng mình phải làm sao cho phù hợp với chúng; cái đó được gọi là ‘hoàn thành sự mong muốn’. Nó có là từ những tâm hồn yếu đuối và vô minh.

Nếu có ai hẹn với bạn và bắt bạn chờ, bạn cảm thấy ra sao? Chắc bạn không vui lòng lắm dù rằng có thể có nhiều lý do xảy ra cho những người thực sự muốn giữ đúng hẹn. Nhưng ngày nay có rất ít nguyên cớ vì ta vẫn có thể gọi cho hay trước là không đúng hẹn và xin lỗi. Và nếu chúng ta hiểu được như vậy thì chúng ta cũng có thể hiểu họ cảm thấy như thế nào nếu chúng ta không giữ đúng hẹn với họ; nó có hiệu quả hai chiều và chúng ta có trách nhiệm phải thấy như vậy chứ không phải là cái quyền được hưởng như vậy.

Chúng ta nên biết có loại người mà chữ Đúng hay Sai hoặc Có hay Không không phải là chỉ dấu cho những gì họ nói ra. Hoặc là họ yếu đuối và không dám nói những gì họ muốn nói (có thể họ muốn lịch sự do sợ hay không muốn làm phiền lòng người), hoặc họ không có nguyên tắc và không có khả năng đưa ra một câu trả lời rõ ràng hoặc họ có các động lực kín đáo không nói rõ ra. Chúng ta có thể không thích Maggie Thatcher chẳng hạn nhưng chắc chắn bà đã ‘phất ngọn cờ’ dùm ta cho mọi người thấy và không để cho người nào nghi ngờ khi bà nói ‘Không’ là không. Ít nhất bà cũng đáng đặt niềm tin. Anh chàng Billy dại khờ thua xa trình độ bà rồi!

Trang 70. Tận trong tâm khảm, mỗi người chúng ta đều có những ý kiến thế nào là đúng thế nào là sai; phê bình người nào làm sai chứng tỏ rằng chúng ta đã biết. Tuy nhiên, khi thực hành chúng ta thường có tính cách thiên kiến thiên vị và hay ‘đổ thừa’ kẻ khác những việc mà chính mình thường có tội. Đó là lý do tại sao tôi cho là đạo đức giả. Chúng ta có phải cần như vậy không, đến độ ghét ngay cả chính mình nữa? Chúng ta hy sinh sự chính trực nhất thống của mình và sẵn sàng nói và làm những việc mà sau đó chúng ta hối tiếc, chỉ vì phải giữ thể diện và sợ không muốn làm mất lòng người khác; đời sống của chúng ta là sự ‘trình diễn’, là trò chơi ngớ ngẫn, là dối trá. Không ngạc nhiên khi chúng ta không hạnh phúc, không gần gũi và không toàn vẹn vì lúc nào ta cũng sống để gây ấn tượng cho người khác.

Cũng đã nhiều năm tôi được biết giữa anh và người vợ anh ít có tình yêu, khi anh đến và bảo với tôi rằng vợ anh đã bỏ anh đi lấy người khác thì chính là anh đã tiết lộ mặt kia của anh. Anh nhờ tôi cho lời khuyên làm thế nào để xử trí với một hoàn cảnh như vậy nhưng rõ ràng là anh chỉ muốn gây ấn tượng với tôi về nhân sinh quan của anh chứ thực tình anh không tìm lời khuyên. Anh ta cho rằng anh chàng kia có trách nhiệm ‘làm đổ vỡ gia đình tôi’. Tuy nhiên, tôi không có ý kiến vì mặc dầu tôi chưa được gặp vợ anh nhưng tôi biết chị ấy cũng có câu chuyện riêng của chị. Tôi nói với anh như vậy, và hỏi anh có nghĩ rằng sở dĩ chị rời anh để tới với người kia là vì chị không còn sự chọn lựa nào khác. Nếu anh cảm thấy anh kia đã ‘bắt cóc’ vợ anh ngược lại với ý muốn của chị, anh nên nhờ luật pháp và đem anh ta ra tòa. Nhưng vì chị đi ra theo ý riêng của chị, điều nầy là điều phải để ý đến và anh nên tự hỏi với mình là chị có lý của chị khi rời anh không? Những gì chị sẽ được khi chị không ở với anh?

Trang 71. Anh kiên quyết tuyên bố là mình đã bị vu khống và muốn trả thù nên càng hỏi tôi cái cách phải làm như thế nào. Lúc đó thì tôi mới hỏi là anh có chuyện tình ái riêng tư của anh không (xin đừng quên cũng trong một bài của quyển sách nầy tôi đã đóng vai trò ‘Người biện hộ cho quỷ dữ). Anh thú nhận là có nhưng hỏi lại ‘‘Vậy thì sao? Điều nầy không liên hệ gì tới nó cả’’. Tôi nói: ‘‘Nó có liên hệ nhiều chứ. Tại sao anh làm chuyện ngoại tình được mà vợ anh không làm được? Cũng một chuyện mà anh thì đúng mà chị lại sai. Anh liệu nói được như vậy ở toà án hay không? ’’

Đây là, như các bạn đã thấy biết rõ ràng, thế giới của nam nhân, trong đó nữ giới luôn luôn bị phân công sẵn vào vị trí thứ hai và hầu như nữ giới phần lớn phải chấp nhận phục tùng nam giới. Như vậy nó có lý do đúng đắn và hợp lý hay không? Martin Luther, vị sáng lập nhánh Cơ đốc Thệ phản đã viết năm 1533: ‘‘Con gái bắt đầu nói được và đứng lên được sớm hơn con trai bởi vì cỏ dại luôn mọc lên sớm hơn là mùa màng.’’ (Trích từ bài sưu tập của Tama Starr ‘Sự Rụt rè Nhút nhát Tự nhiên của Phụ nữ’, Nữu Ước, Nhà Xuất bản Poseidon, 1991). Có phải đây là thành kiến thuần túy hay không?!

Ở Trung hoa và Ấn độ, nam giới thường được xem trọng hơn nữ giới và việc giết con gái từ khi còn sơ sinh là chuyện phổ biến; do vậy tỷ lệ nam nữ hiện nay là một vấn đề.

Ở Ấn độ, hầu như mỗi ngày đều có báo cáo về cái gọi là ‘Chết vì của hồi môn’. Vì do lòng tham quá đáng, những người vợ trẻ bị chồng hoặc mẹ chồng tưới xăng rồi đốt sống lấy lý do là bếp bị nổ trong khi nàng đang nấu nướng và áo quần bị bắt cháy. Các cơ quan công quyền lại thường chấp nhận lý do nầy! Một vài chuyện sát nhân nầy cũng có khi bị tố cáo và được đem ra tòa án, người chồng được tự do rồi tái giá và lại được của hồi môn.

Chuyện buồn nhất về tội ác ghê gớm nầy cũng như là khó hiểu nhất là mẹ chồng, người được xem là thủ phạm chánh đã xúi con mình làm chuyện gớm ghê nầy, cũng đã từng làm dâu, vì vậy bà hẳn phải đau khổ như thế nào mà bà lại nhẫn tâm không thương cảm dâu của mình! Thường chính phụ nữ là những người chống đối và làm chậm trể luật pháp cải cách quyền lợi của phụ nữ trong khi đáng lẽ họ phải là người đi đầu! Họ đã phản bội giới tính của họ.

Trang 72. Điều nầy lại làm sôi sục lên vấn đề vô mình và dị đoan. Nam giới tốt đẹp hơn nữ giới ở điểm nào? Có những sự việc đàn ông làm được mà giới kia không làm được nhưng các trường hợp ngược lại cũng vẫn xảy ra. Hầu hết đàn ông cho rằng họ yêu thương một người nữ, hay vài người nữ và đặc biệt là vợ họ (xin lỗi cho sự hay hoài nghi của tôi), nhưng cách xử trí của họ đối với đàn bà (thay vì họ tự bảo vệ) là sự mâu thuẫn, trái ngược với những gì họ nói. Đàn ông đối xử tệ bạc với người đàn bà như thế nào? Có phải vì họ sợ khả năng đặc biệt của nữ giới về việc sản sinh ra sự sống hay không ? Hay vì không muốn thấy ‘thua’ khi nhận ra rằng anh ta phải tùy thuộc vào người đàn bà? Nếu vậy thì thực sự không cần phải làm như vậy bời vì anh ta không thể thay đổi được trừ phi anh chịu làm nhân giống vô tính hay giải phẩu để anh có khả năng sinh sản và vui thú.

Ai chịu sống trong một thế giới chỉ có nữ giới hoặc chỉ có nam giới? Vâng, dĩ nhiên sẽ có người chịu, nhưng hầu hết thì không muốn. Vì thế chúng ta nên cố gắng nhìn sự việc với một triển vọng rõ ràng hơn và thừa nhận rằng chúng ta không tự cung cấp cho mình đầy đủ được và rằng chúng ta không thể làm mà không có người khác. Nói một cách thành thật và cởi mở là ‘‘Tôi cần bạn’’ không có nghĩa là mình yếu đuối và không làm nhẹ thể mình mà đó chỉ là nói lên một hành động hiển nhiên. Thực vậy, dám nhận sự thật mới chứng tỏ sự mạnh mẽ và can đảm. Ai có thể làm được?

%

Phòng chống tốt hơn gây chiến

Trang 73. Dân số thế giới hiện nay khoảng 6 tỷ và vẫn đang tăng dần. Trong những nước nghèo điển hình như Ethiopia và Somalia, nạn đói và thiếu ăn đã gây ra cho cả triệu người và rất dễ thấy rằng nó sẽ lan rộng khắp nơi. Tuy vậy, dù thấy thực trạng nầy, con người vẫn tiếp tục sản sinh không kiểm soát, không ngăn chận sự thôi thúc mù quáng nầy để đảm bảo cho sự sống còn của loài người.

Bất cứ giải pháp nào về vấn đề môi trường toàn cầu phải được thi hành trùng hợp với sự kiểm soát và giảm bớt dân số. Theo nhà môi trường học David Suzuki, một bé sơ sinh được sinh trong một quốc gia tân tiến gây tai hại hơn là sinh 50 em trong một nước chưa phát triển như Bangladesh chẳng hạn. Chính dân chúng trong các quốc gia tân tiến sản ra một khối lượng lớn chất thải độc khí gây ra nạn Hiệu ứng Nhà kiếng và làm giảm tầng ozone.

Nạn tăng dân số gây sự khốn đốn dưới nhiều hình thức: đói kém, ô nhiễm, phá rừng, thiếu nước, đất đai cằn cỗi và chiến tranh. Người nào chống đối việc kiểm soát dân số tức có ý ủng hộ chiến tranh, vì chiến tranh là một trong những kết quả của dân số đông đúc. Chúng ta chỉ cần nhìn lại lịch sử để xem những gì đã xảy ra khi dân số của một nước trở nên quá mức chịu đựng: dân chúng sẽ không chịu nằm dài trên đường phố và chịu chết vì đói nếu họ biết và thấy được đất nước bên cạnh họ đầy đủ thức ăn. Chúng ta có thể thấy được chuyện đó trong thế giới loài vật như thỏ, chuột và châu chấu chẳng hạn. Chúng chẳng biết ngừa thai và nhìn xem chúng những gì xảy ra với chúng!

Giáo Hoàng John-Paul II gây tai tiếng vì chống đối ngừa thai và tuyên bố điều nầy. Lập trường của ngài là một dẫn chứng cổ xưa của người Cơ đốc, đặc biệt là đã chống chẳng những Khoa học mà chống cả Lương tri trải qua nhiều thời đại. Tại sao ông lại hành xử với một cung cách không có trách nhiệm và đáng gây phẫn nộ như vậy? Chúng ta không nói về vấn đề Phá thai ở đây, điều mà Phật giáo, Ấn giáo và Kỳ na giáo cũng chống đối vì Phá thai là sát nhân; đời sống bắt đầu ngay lúc tạo thai khi ba yếu tố tinh cha huyết mẹ thần thức con hợp lại với nhau. Về vấn đề ngừa thai là sự ngăn ngừa không cho sự thụ thai xảy ra: nó không phải liên quan đến sát nhân. Và ngày hôm nay, với vô số hình thức ngừa thai sẵn có, các chánh phủ có thể và phải có đủ quyền trong việc kiểm soát chương trình ngừa thai; tốn phí cho nó ít hơn so với tốn phí dân số gia tăng.

Trang 74. Được biết Giáo Hoàng đã nói rằng ngừa thai là không đúng với tự nhiên. Vâng, đúng là trái với tự nhiên; không ai chối cải điều đó. Nhưng tại sao lại chỉ đơn cử chuyện ngừa thai để kết tội khi các chuyện khác cũng trái với tự nhiên thì sao? Nếu ngài dùng chuyện nầy là lý lẽ cho việc kết tội nó thì ngài không nên thay đổi và không nên sống trong dinh thự nào, cũng không nên dùng hình thức chuyển vận nào, cũng không nên ăn đồ ăn nấu sẵn và không mặc quần áo. Ngài cũng không nên dùng nhà vệ sinh mà chỉ nên làm công việc bài tiết của cơ thể khi bất cứ chỗ nào và lúc nào cơ thể ngài muốn làm chuyện đó, giống như các loài vật vậy. Có thể ngài trở lại với thời của Thánh kinh khi Chúa bảo ‘Adam và Eve’ (Genesis 1:28): ‘‘Gây quả và nhân nó lên’’. Vâng trong những ngày tiền sử đó, sự sản sinh là điều cần thiết vì mức tử suất rất cao và đời người thì rất ngắn; nhưng ngày nay thì lại không phải như vậy nếu không muốn nói là phải nói ngược lại: không tăng mà phải giảm! Các sự cổ vũ hay khuyến khích như vậy; phải được hiểu theo thời đại khác nhau và không áp dụng cho sự vĩnh cửu. Nhưng nếu vì phải theo Thánh kinh mà ngài Giáo hoàng phải chống việc ngừa thai thì tại sao ngài lại độc thân? Cách thức Giáo hội Thiên chúa La mã tu tập cho tu sĩ độc thân là lấy từ đâu? Do thái giáo không bao giờ làm như vậy. Tôi không nghĩ được ở bất cứ đoạn nào trong Tân Thánh kinh ngài Giê su lại có nói thẳng về sự độc thân hay khuyến khích chưa nói chi tạo thành một điều luật cho các tín đồ của ngài {trừ một đoạn nói về hoạn quan, (Matt. 19:12)}. Có thể đây là một trong nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Ấn độ đối với Cơ đốc giáo trong thời kỳ đầu tiên. Cũng có một số Giáo hoàng ngày đó không độc thân mà công khai có nhiều vợ và nhiều con. (Lịch sử về chức vị Giáo hoàng giống như lịch sử Cơ đốc giáo là một chuỗi rrấấtt đđáánngg đọc!)

Trang 75. May thay các Giáo hoàng trong thời đại chúng ta không đủ quyền hành đối với đời sống của dân chúng so với các Giáo hoàng thời trước đã có. Nhiều người Ki tô hiện nay không còn để ý gì đến các ý kiến của Giáo hội về vấn đề kiểm soát sanh đẻ, và người ta hy vọng rằng họ sẽ lắng nghe hơn Tiếng nói của Lẽ phải thay vì Tiếng nói của Giáo điều La mã. Hiện nay có một điều chắc chắn là phải đối diện với nó nếu chủng tộc loài người muốn tránh sự tự diệt hoặc chuyển thành một tình trạng thoái hóa, thấp kém hơn. Chúng ta không còn bị tự cách ly bởi vô minh và dị đoan trái lại chúng ta phải thấy cái cách từng người một trong chúng ta đóng góp và đương đầu với các vấn nạn của Toàn thể Nhân loại. Cái Toàn thể có được là do từng phần nhỏ, và từng phần nhỏ đó là con người, giống như bạn và tôi. Chúng ta phải nhận trách nhiệm, trước khi muốn làm thì đã quá trể. Ta không sống một mình trên thế giới nầy; thế giới không phải là của riêng của ai mà thuộc về tất cả chúng ta, ít nhất trong một đoạn thời gian; ta chia xẻ nó với tha nhân như hiện nay và sẽ truyền thừa lại cho những người đến sau chúng ta. Vậy thì đây không phải là quyền lợi để chúng ta nghĩ đến và chăm sóc chúng hay sao?

Các giải pháp cho những vấn đề mà ta phải đối diện không chỉ nằm trong khoa học mà nó cũng có với tôn giáo, một ảnh hưởng rất mạnh vào đời sống con người. Albert Einstein viết: ‘‘Tôn giáo tương lai sẽ là Tôn giáo vũ trụ. Nó sẽ vượt lên trên cái gọi là Chúa cá thể và tránh giáo điều và thần học. Bao gồm cả phần Vũ-trụ-với-tất-cả-hiện-tượng-của-nó và phần Tâm linh, nó phải nên được đặt trên một ý nghĩa tôn giáo của tất cả mọi sự vật, tức 2 phần kể trên như là một Toàn thể có Ý nghĩa’’ (Albert Einstein: Out of My Later Years). Ông cũng viết như sau:

Trang 76. ‘‘Mặc dầu tôi đã xác nhận rằng, sự mâu thuẫn chính đáng giữa khoa học và tôn giáo thực sự không thể nào hiện hữu được nhưng tôi cũng phải hạn chế sự xác nhận đó một lần nữa vào một điểm rất chính yếu, đó là điểm lịch sử của các tôn giáo. Sự việc nầy có liên hệ đến ý niệm về Thượng đế. Nói về sự tiến hóa tinh thần của loài người trong thời kỳ đầu tiên, chính trí tưởng tượng của họ đã tạo ra các thượng đế theo hình tượng riêng của họ, và ý chí hoạt động tính toán mổ xẻ của họ cộng với bất cứ ảnh hưởng nào đó để họ quyết định thế giới hiện tượng bên ngoài. Con người cũng tìm cách thay đổi quyền-lực-sắp-xếp-mọi-việc của các thượng đế nầy theo ý muốn riêng của con người bằng các phương tiện như phép lạ và cầu nguyện. Ý niệm về thượng đế hiện nay được dạy trong các tôn giáo đã được lý tưởng hóa từ quan niệm các thượng đế xưa cũ. Chẳng hạn Thuyết Hình Tượng cho rằng Con Người có thể tiếp cận với Thánh Thần bằng cách kêu gọi Đấng Thiêng Liêng trong các lời cầu nguyện và xin được toại nguyện trong các lời mong cầu của họ’’.

Einstein thêm: ‘‘Lý do chánh cho việc mâu thuẫn trong các lĩnh vực hiện nay giữa tôn giáo và khoa học nằm ở chỗ ý niệm về một Thượng đế. Khoa học nhằm thiết lập các luật chung quyết để nối kết các liên hệ hỗ tương giữa các sự vật và các biến cố trong thời gian và không gian. Những luật nầy đòi hỏi phải có hiệu lực tuyệt đối mà không cần chứng minh. Nó phải lập chương trình và trên nguyên tắc chỉ nên tin là có thể thành công một phần mà thôi. Nhưng khó tìm ra ai từ chối những thành công một phần nầy mà họ cho là do sự tự lừa dối của con người. Trên căn bản của những luật nầy, việc mà ta có thể đoán trước được sự vận hành tạm thời các hiện tượng trong một số lĩnh vực nào đó với sự cực kỳ chính xác và chắc chắn, thực sự dính chặt vào trong tâm thức của con người thời nay, dù rằng anh ta nắm bắt rất ít nội dung những luật nầy. Anh ta chỉ cần xem xét rằng con đường đi của các hành tinh trong hệ thống thái dương hệ có thể được tính toán trước với sự thật chính xác đặt trên căn bản của một số nhỏ của các luật giản dị nầy. Cũng vậy, mặc dầu không cần chính xác, ta cũng có thể tính trước sự vận hành của một động cơ điện tử, một hệ thống truyền tin hay một bộ máy không dây, ngay cả việc sắp xếp thành một quyển tiểu thuyết.

Trang 77. Để cho chắc chắn, khi tất cả các yếu tố thành hình trong một mớ hiện tượng phức tạp trở nên quá lớn, thì trong nhiều trường hợp, phương pháp khoa học không giúp ta được gì. Chỉ cần nghĩ đến thời tiết, việc tiên đoán một vài ngày trước thôi cũng không thể được. Tuy nhiên không ai nghi ngờ rằng chúng ta phải đương đầu với mối quan hệ nhân quả trong đó nhìn chung thì chúng ta đều biết các thành phần của chúng. Các sự việc xảy ra trong lãnh vực nầy vượt lên trên sự tiên đoán chính xác vì sự vận hành của các yếu tố khác nhau chứ không phải vì thiên nhiên thiếu trật tự.

Einstein nói thêm: ‘‘Người càng đắm chìm với sự cân đối có thứ tự của tất cả sự kiện thì người ấy sẽ càng tin có cái kiến chấp là không còn chỗ nào thêm vào được nữa. Đối với anh ta luật của con người hay luật của thánh thần sẽ không thể hiện hữu thành một nguyên nhân độc lập của các biến cố tự nhiên. Vì vậy chắc chắn là thuyết về một Thượng đế ‘riêng biệt’ cho một tôn giáo thường làm cản trở các sự kiện tự nhiên sẽ không bao giờ bị bác bỏ được bởi khoa học bởi vì thuyết nầy luôn luôn ở trong các lĩnh vực đó mà tri thức khoa học vẫn chưa có thể đặt chân vào.

‘‘Nhưng tôi tin rằng chuyện làm ấy nói riêng về tánh chất đại diện cho tôn giáo sẽ chẳng những không đáng mà còn hại nữa. Đối với một giáo thuyết có thể tự duy trì không làm cho sáng sủa mà chỉ làm cho tối tăm sẽ làm mất đi sự ích lợi cho loài người và làm hại vô kể cho sự tiến bộ của nhân loại. Trong việc tranh đấu cho cái Chơn, các vị đạo sư phải dám từ bỏ cái Thượng đế riêng biệt đó có nghĩa là từ bỏ cái nguồn sợ hãi và hy vọng mà trong quá khứ nó đã cho quyền hạn bao la trong bàn tay của các giáo sĩ. Họ phải cố công tự tạo cái khả năng vun trồng cái Chơn Thiện Mỹ cho nhân loại. Chắc chắn đây là một nhiệm vụ khó khăn nhưng nó rất xứng đáng không thể nào so sánh được. Sau khi các đạo sư hoàn thành tiến trình được như vậy tức họ sẽ hoan hỷ xem nó là một chơn tôn giáo đã được thần thánh hóa và sẽ làm cho tri thức khoa học sâu sắc hơn.

Trang 78. Ông nói tiếp: ‘‘Đây là một trong những mục tiêu của tôn giáo để giải thoát con người xa lánh trói buộc của tham dục, sợ hãi càng tốt; đó là lúc luận lý của khoa học giúp cho tôn giáo thêm một ý nghĩa mới nữa. Mặc dầu mục tiêu của khoa học là khám phá ra các qui luật giúp cho sự liên kết của các sự kiện cũng như đoán trước được chúng. Đó là sự thật nhưng không phải là mục đích chính. Nó còn tìm ra sự giảm thiểu các sự nối kết và phân tách ra từng thành phần nhỏ nhất nhưng độc lập nhau nếu có thể. Chính trong nỗ lực hợp lại làm một từ cái đại thể mà nó đã thành công lớn lao dù rằng chắc chắn cố gắng nầy sẽ gây ra nguy hiểm cũng lớn lao, đó là nó có thể trở thành cái mồi của ảo tưởng. Nhưng bất cứ ai đã được cái kinh nghiệm thành công lớn lao trong lĩnh vực nầy đều được tôn kính. Bằng sự hiểu biết, người ấy đã hoàn thành sự giải phóng có tầm mức cao từ cái gông cùm của hy vọng và lòng dục cá nhân và do thế đã đắc được một thái độ tinh thần khiêm tốn đối với sự hiện thức vĩ đại của lý trí trong một chiều sâu sâu xa nhất mà con người khó đạt tới. Tuy nhiên đối với tôi thái độ nầy làm cho khoa học không chỉ làm thuần khiết cái xung động bề ngoài thần thánh rẻ tiền của tôn giáo mà nó còn đóng góp cho tính tâm linh hoá của tôn giáo có sự hiểu biết cuộc đời hơn.

‘‘Tiến trình tâm linh của con người càng vượt bực thì tôi nghĩ chắc chắn là con đường của một tôn giáo thực chất không nhắm vào sự sợ hãi đời sống, sợ hãi cái chết hay tin tưởng mù quáng mà là cố gắng theo đuổi cái tri thức hợp lý. Trong chiều hướng nầy tôi tin rằng các giáo sĩ phải trở thành thầy dạy nếu họ muốn thực hiện công lý trong nhiệm vụ giáo dục cao cả của họ’’.

[Tôi trích dẫn lời của Einstein khá dài là để chia xẻ chút nào tư tưởng của ông với nhiều người, chỉ sợ rằng họ không được biết đến.]

Con người thời nay càng lúc càng biết rằng quả Địa cầu của chúng ta vận hành không riêng rẽ và chịu ảnh hưởng bởi tất cả các sinh vật, đặc biệt là loài người, một loài có tiềm năng phá hủy cao.

Trong quá khứ, không có nhiều người lo lắng về nạn ô nhiễm, phá rừng hay giết hại các loài thú đến độ tận diệt chúng trong nhiều trường hợp. Ngày nay thì vì thấy được thực tế là tất cả chúng ta đều trực tiếp liên hệ với những gì đang xảy ra nên con người bắt đầu ý thức hơn về sự thiếu tỉnh thức và ơ hờ của mình. Họ nhận ra rằng nếu tàu chìm thì tất cả đều chìm theo. Tuy nhiên sẽ phải mất thêm nhiều nữa để giữ được sự tỉnh thức ấy đồng thời gây sự hứng khởi để họ tham gia tích cực hầu đương đầu với các hậu quả của việc lạm dụng và xao lãng hằng mấy thế kỷ nay. Bây giờ chúng ta phải thấy lên trên cái hàng rào mà ta đã dựng, phải hiểu cái (tổ) ấm loài người (human-ness=human nest) mà chúng ta có chung với nhau, phải hướng đến một Tôn giáo Vũ trụ mà Einstein đã phác họa; cần khẩn cấp để làm chuyện nầy!

$

‘‘Nếu bạn tạo được nội lực, nội lực sẽ giúp bạn;

Nếu bạn không tạo được nội lực, nó sẽ hủy hoại bạn.’’

(Từ sách Phúc âm của Giáo phái theo thuyết Trực quan, theo Thomas)

$

Không phải ‘AI’ mà là cái ‘GÌ’

Trang 80. Bất cứ chỗ nào có con người là có chuyện. Đủ thứ chuyện. Chuyện kế hoạch sản xuất đồ ăn và các món cần thiết khác cho sự sống. Những chuyện mà dù sắp xếp giản dị hoá đến đâu cũng không thể hoàn hảo được. Nhưng tôi không muốn đề cập các chuyện đó ở đây. Những chuyện tôi nói là có thể tránh được. Chỉ cần dùng một chút trí tuệ của mình mà tự suy nghĩ thôi.

Bạn thích khổ không? Dĩ nhiên chắc bạn nói ‘Không!’. Nhưng chắc có một chút tính ác nào đó trong mỗi chúng ta, nếu không thì taị sao ta chịu trả tiền xem các phim ghê rợn gây sợ hãi để tự gây nhiều đêm ác mộng chập chờn? Hoặc các tay quyền Anh được trả cả triệu cho vài hiệp đánh nhau mặt mày bầm dập máu me chỉ để giải trí và thỏa mãn cho một số người dự khán và vỗ tay khen tính bạo động đó? Có cái gì bên trong chúng ta thích khổ. Nếu không phải là bạn thì là người khác. Lạ, phải không bạn?

Mỗi người nhìn thế giới theo thị kiến riêng của mình. Điều nầy chẳng phải là sự bất thường. Nhưng có rắc rối là vì ta nghĩ rằng xã hội phải giống hệt như ta nhận thức nó mà không nghĩ rằng tha nhân có thể thấy nó khác tùy theo quan điểm riêng của họ. Bám chặt vào cái thấy riêng của mình, không nhìn sự vật từ cái thấy của người khác dẫn đến sự không khoan nhượng, tin mù, cuồng tín và đem đến sự căng thẳng, xung đột, rắc rối từ nhỏ đến lớn.

Thế giới chúng ta là thế giới mà các văn hóa và các tôn giáo đan kết với nhau, không giống như trong các thế kỷ trước, khi các quốc gia có rất ít sự tiếp xúc hay buôn bán với nhau. Lại rất ít hiểu (nếu hiểu thì phần nhiều là hiểu lầm) các văn hóa vá tôn giáo khác. Bây giờ nhìn lại, chúng ta đã trực tiếp gây ra rắc rối và đau khổ là bởi ý niệm ‘người được Chọn và kẻ Tôi đòi’ trong suốt dòng lịch sử. Đến lúc nào ta phải xem lại cung cách của mình để nhìn lại các sự vật? Xin nhắc chúng ta đang bước vào thế kỷ thứ 21 (dùng niên đại Ki tô giáo mà toàn thể thế giới bị ‘kẹt’ phải dùng)

Trang 81. Có điều buồn là trong khi trí tuệ của thế giới ngày nay với các phương tiện được dành sẵn cho mọi người biết đọc và biết viết trong các hiệu sách hoặc thư viện (báo chí, tạp chí...) thì lại có nhiều người sung sướng trong sự vô minh của họ giống như loài heo vui sướng với bùn lầy của chúng hoặc bằng lòng sống như ‘ếch ngồi đáy giếng’, nghĩ và nhìn toàn bộ sự vật theo lối riêng của họ là toàn bộ của cuộc sống. Thật ra để cho họ như vậy thì cũng được thôi nếu họ chịu để cho người khác dám không giống với họ; đằng nầy họ lại muốn kéo người khác xuống vũng lầy tối tăm với họ. Điều nầy không thể và không nên không chống lại. Xã hội cần nhiều ánh sáng thay vì bóng tối.

Chúng ta có thể–đúng vậy, rất có thể–nhìn sự vật từ các quan điểm của người khác mà không cần thiết phải đồng ý hay thích chúng và nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ tự làm giàu cho mình. Càng nhìn một sự vật từ nhiều mặt, ta càng thấy hình ảnh rõ nét hơn. Cố thử ngay bây giờ đi rồi sẽ thấy. Không đưa cái đầu đi đâu trong khi đọc câu nầy, nhìn bất cứ vật gì gần bạn: cái truyền hình, cái tủ lạnh, cái xe hơi hay ngay cả một con người. Cái thấy của bạn về nó, cái ý tưởng của bạn về nó chỉ là một vật hai chiều, giống như bạn xem truyền hình. Bạn có thể lái xe hai chiều, ngồi trên ghế hai chiều, ăn một bữa ăn hai chiều, hay ôm một người hai chiều? Nếu đi mua xe, bạn sẽ không xem nó một lần, nhìn nó một lần rồi mua liền, phải không? Bạn sẽ phải đi vòng chiếc xe, nhìn bên dưới nó, ngồi vào trong, xem xét các thứ và lái thử nó.

Cũng như vậy, sẽ là điều ích lợi cho chúng ta và cho cả cộng đồng thế giới nếu chúng ta xét các quan điểm của tha nhân một cách khách quan. Ta không cần thích họ hay dồng ý với họ mà ta có thể đồng ý về sự khác biệt và không cần tiêu diệt nhau. Không sẵn sàng làm được chuyện nầy chứng tỏ có sự bất ổn sâu xa đối với quan điểm riêng của một người. Nó cũng thường hạ thấp ta thành người có lòng tin mù quáng hoặc cuồng tín hay la hoãng lên rằng: ‘‘Tôi đúng, anh sai’’, hoặc trên mức độ cá nhân hay ở mức độ cao hơn như ‘gia đình tôi’, ‘bộ lạc tôi’, ‘nước tôi’, ‘chủng tộc tôi’, ‘tôn giáo tôi’, v.v..Có phải chúng ta thường chỉ nghĩ đến ‘con người’ đối với mọi thứ; biến các sự vật như ‘tốt’ ‘xấu’, ‘đúng’ ‘sai’...cũng thành con người. Lần sau xin hãy coi chừng khi tranh cãi với ai ta có bao giờ đế ý đến ‘Anh đúng và tôi sai’ không? Nếu ta nghĩ được như vậy, sẽ chẳng còn cái gì để tranh luận, phải không các bạn? Luận bàn thường xảy ra và tiếp tục kéo dài chỉ vì mỗi người tự cho mình là đúng và kẻ khác sai. Ta có thể làm được chuyện gì về vấn đề nầy không? Chắc chắn là được. Cố gắng xem xét điều nầy:

Cái quan trọng làcái gì đúng chứ không phảiai đúng.

%

Trong nhiều thế kỷ, các hiệp sĩ châu Âu mở ra nhiều cuộc thập tự nhân danh Thượng đế chống lại ‘kẻ ngoại đạo’ Thổ Nhĩ Kỳ đang chiếm Thánh Địa. Nhưng các đoàn truyền giáo nầy đi giết người chứ không phải là để giúp cải đạo. Hành trình khát máu nhất được lãnh tụ Godfrey thuộc dòng Bouillon đáp ứng lại theo lời khẩn cầu của Giáo hoàng Urban đệ nhị. Ông nầy tố cáo người Thổ Nhĩ Kỳ đã khủng bố Thiên chúa giáo ở Trung đông. Năm 1097, lực lượng Godfrey bao vây thành phố Antioch nước Syria trong 7 tháng. Cư dân Thổ ở đó chịu đầu hàng nhưng họ đều bị tàn sát. Rồi quân đội giáo phái Phúc âm nầy tiến đến Jerusalem. Các tháp cao lớn bao vây chung quanh đã giúp họ tràn ngập những lỗ châu mai và bắt đầu thêm một đợt giết người không kiềm chế. Dân Do thái nào muốn tìm chỗ tôn nghiêm trong các giáo đường của họ đều bị thiêu sống. Sử gia Salomon Reinach viết: ‘Người ta nói rằng 70,000 người đã chết không đầy một tuần để chứng thực cho cái đạo đức ưu việt của lòng tín ngưỡng Ki tô’!

%

Thầy Sa môn và cây Bồ đề

Trang 83. Ngày xưa có một vị Sa môn tên là Sakyamuni đã đắc quả Giác ngộ dưới một cội cây mà các Phật tử hay gọi là cây Bồ đề hay cây Tĩnh Giác. Không khó tìm cây ficus regiosa (tên La tinh) tức cây Bồ đề ở châu Á. Hạt giống cây bồ đề thường ở các chỗ nứt hay đường nứt, mọc rất dễ và rất mau, có khi làm vỡ những tảng đá lớn.

Có sa môn nọ chọn tàn cây vừa vặn, mát mẽ và ngồi xuống. Thời gian trôi qua, chẳng có gì xảy ra. Ông bắt đầu thắc mắc có gì sai trái đây? Sao mình lại chưa thấy được gì?

Ông quay nhìn cây bồ đề không hiểu cái Giác ngộ ở đâu, không có ở thân cây, không thấy ở các nhánh cây cũng không hiện ở các lá cây. ‘Cái giác ngộ ở đâu?’ ông tự hỏi. ‘A...có thể...ờ...có thể ở phía trong’. Vị sư đứng dậy, kiếm cây búa và bắt đầu chặt cái cây, hy vọng tìm thấy giác ngộ ở phía trong. Nhưng với nhát búa cuối cùng khi cây ngã, một con quỉ dữ nhảy xổ ra và xé tan tứ chi ông!

Đức Phật không phải đạt quả vị Giác ngộ nhờ ngồi dưới cây nào đó nhưng nhờ cái quả của Trí Tuệ mà Ngài đã khai thị hoàn mãn. Sau khi Phật giác ngộ rồi, cái cây mới trở thành ‘cây Bồ đề’ như chúng ta biết đó là nơi mà Ngài đã đắc quả. Ta tôn quí nó vì lý do nầy chứ không phải vì nó tốt đẹp hơn các loại cây khác. Cũng có thể là Ngài ngồi dưới các cây khác như cây xoài, cây thông hay cây sồi. Ngài chỉ ngồi một lần một cây giống như bạn và tôi ngồi vậy!

Thức giác không tùy thuộc vào loại cây nào, đẹp hay tốt như thế nào. Giống như ngày nào cũng giống nhau, đêm trăng tròn hay không. Trăng tròn không liên hệ gì đến sự Giác ngộ của đức Phật. Nó có thể xảy ra vào bất cứ đêm nào không cứ gì phải là đêm trăng tròn. Chúng ta hay mắc kẹt một cách vô lý vào các vật tầm thường mà cứ tưởng là nó trọng đại.

Trang 84. Có khoảng 300.000 tu sĩ Phật giáo ở Thái lan hầu hết đều đi khất thực mỗi ngày. Có lúc nhiều chúng tăng quá nên không đủ ăn là vì không có đủ người cho hay vật cúng. Riêng vào những ngày rằm hay mùng một thì dễ có thức ăn hơn vì có nhiều người xem những ngày nầy tốt hơn nên dâng cúng cho chư tăng nhiều hơn. Họ nghĩ rằng sẽ được nhiều phước đức hơn. Dĩ nhiên là không đúng. Không có ngày nào tốt hơn ngày nào. Khác thì có nhưng tốt hơn thì không. Chắc chắn sẽ có phước đức hơn nếu ta cho những người lúc họ bị đói kém hơn là lúc họ no đủ. Việc cho như vậy do động lực muốn được một cái gì đó trả lại mà không phải để tự nhiên quả sẽ theo nhân, trái sẽ theo hạt. Thực sự là họ cho họ chứ không phải cho người.

Cách đây vài năm, khi người Tây tạng trốn thoát khỏi nước của họ làm dân tỵ nạn, các tổ chức truyền giáo Ki tô đi thăm các trại tị nạn ở Nepal, cố ý cải đạo họ. Họ cho biết sẽ được cứu trợ nếu ai chịu cải đạo qua Ki tô giáo. Nhưng người Tây tạng là những Phật tử rất vững vàng, thuần thành; lòng tin của họ không ‘bị bẫy’ bởi những đồ cho nhỏ mọn vặt vãnh. Họ bảo thẳng với các nhà truyền giáo rằng nếu ‘đồ cứu trợ’ của họ được dùng để ‘câu mồi’ thì tốt hơn họ nên mang tặng vật đi chỗ khác. Không bắt được con cá nào, các tổ chức truyền giáo thất vọng đi nơi khác. Xin tán thán các người Tây tạng! Phải chi các Phật tử khác (như nhiều người Việt nam và Căm pu chia đã không chịu nổi áp lực ‘ăn gian’ của các nhóm ‘dụ’ họ cải đạo) cũng vững tin, cương quyết thay vì tự để cho mình bị chao đảo và lừa bịp!

%

Hãy suy tư

Tôi biết một vài ý kiến của tôi có thể mới lạ và khác thường. Tôi sẽ không viện cớ hay hối tiếc vì chúng. Có ích gì khi viết một cuốn sách mà chẳng có gì khác lạ hơn những cuốn khác?

Ngày nay, ít nhất ở các quốc gia phương Tây, chúng ta đã được tự do điều tra mọi sự. Không có gì bất khả xâm phạm và ở trên sự khảo sát chân thật nữa, không giống như thời Trung cổ, thời mà con người nếu có ý kiến hơi khác hơn những gì được dạy bởi Giáo hội La mã sẽ bị ‘dán nhãn’ là phù thủy hay tà đạo và thường bị tra tấn khủng khiếp có khi phải bị thiêu sống. Chúng ta đã có tiến bộ, vậy ta nên dùng sự thuận lợi và tự do về tri thức nầy mà điều tra rõ ràng và cũng nên bảo vệ nó hầu ta có thể phá vỡ xiềng xích của vô minh và mê tín.

Vâng, một vài ý tưởng của tôi có thể hơi là lạ nhưng tôi không yêu cầu tin tôi; trái lại tôi xin các bạn đừng tin tôi vội mà hãy giữ đầu óc rộng mở để suy nghĩ kỹ và rõ về chúng. Bạn có sẵn sàng cho một ‘ý kiến lạ’ nữa hay chưa?

Có người đôi lúc sẽ thấy lạ khi tôi nói tôi gần Chúa Giê su hơn Phật Thích ca. Tôi có thể nghe được những người đó suy nghĩ: ‘‘Ổng nói gì kỳ vậy?’’ Ông ta là tu sĩ Phật giáo! Sao ổng lại có thể nói được như thế!?’’ Vâng, bạn cũng biết là trong kinh điển Phật giáo không có chỗ nào ghi lại là đức Phật tỏ lộ ra sự giận dữ, lo sợ hay buồn rầu. Trong tiến trình biến hóa tâm thức của tôi với một đầu óc chưa hoàn toàn, tôi phải nhận rằng tôi không thể nào hiểu được một tình trạng như vậy mặc dầu tôi cũng muốn đạt được tình trạng như vậy. Và Thánh kinh Ki tô giáo theo như tôi đã đọc và hiểu biết được thì chúa Giê su đã giận, sợ và có lúc buồn. Chính điều nầy làm tôi nói là tôi gần Chúa hơn Phật vì tôi cũng có những cảm tính nầy! Còn các bạn? Ở đây tôi không muốn nói là tôi khoan dung hay đồng ý với các cảm tính đó. Tôi muốn thành thật và thực tế.

Trang 86. Những người biện hộ cho Ki tô giáo sẽ nói (họ luôn luôn giải thích và tìm cớ cho các sự việc nầy, dù rằng chúng rất ít thuyết phục được ai, đôi khi lại làm cho vấn đề càng mờ tối hơn) rằng chúa Giê su cố ý để lộ sân giận, buồn rầu và lo sợ để cho ‘những người bình thường’ như bạn và tôi có thể nhìn thấy Chúa sẵn sàng hạ mình xuống một mức độ nào đó để giúp chúng ta hiểu biết và chấp nhận ngài là ‘người cứu rỗi của riêng từng người’. Nói cách khác, theo lời giải thích, ngài không buồn, không giận, không sợ mà ngài chỉ giả vờ như vậy!

Giống như tôi bây giờ, chúa Giê su đã chưa qua khỏi các cảm tính nầy và vì vậy mặc dầu không nghi ngờ gì là ngài đã tinh tấn trên con đường Đạo hơn tôi, tôi vẫn có thể thấy và hiểu ngài rất rõ, trong khi đó cái tâm của đức Phật đối với tôi ngay bây giờ thì sâu thẳm quá. Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy gần Giê-su hơn là gần với Phật. Đức Phật đã thoát khỏi Biển Sinh Tử trong khi đó thì chúa Giê-su vẫn còn trên con đường đến đó, vẫn còn đi trên mặt nước, một chỗ nào đó giữa Phật và tôi.

Những điều dạy của hai người Thầy nầy tuy nhiên lại là một vấn đề khác, một cái gì đó không phải thuộc về cá tính hay cái ngã. Nếu hai ngài phải hiện diện hôm nay thì thật khó so sánh họ, bởi vì trong ít nhất hơn 20 thế kỷ qua đã có quá nhiều thời giờ và cơ hội sửa đổi thêm thắt và thay đổi họ. Chúng ta không thể giả dụ một cách hợp lý rằng hai ngài đến với chúng ta hôm nay giống hệt như hai người Thầy ngày xưa đã nói và đã dạy cách nay quá lâu. Phật Pháp được ghi lại vẫn khá rõ ràng dù rằng chắc chắn đã có phần thêm vào. Còn Giáo Lý Ki tô thường là tối nghĩa, nước đôi, mơ hồ, mâu thuẫn, thiếu từ bi và cực kỳ khó tin. Điều nầy tôi nghi ngờ là của những người kiểm soát, biên soạn, sưu tập các kinh sách của Tân Ước hơn là của chúa Giê su thực sự nói. Có khá nhiều điều đã được gán cho là Giê su nói, bởi những người với quyền lợi bất di bất dịch của họ, mệnh danh là theo chúa Giê su.

Có thể chúng ta sẽ không bao giời biết chúa Giê su thực sự đã nói gì vì các tài liệu đã bị sửa đổi bóp méo rất nhiều; sách Tân Ước có thể nói là một trong những quyển sách bị thêm bớt nhiều nhất trên thế giới. Và một khoảng thời gian trống không đến 18 năm, giống như một sự cố ý xóa bỏ, trong cuộc đời của chúa, từ lúc 12 tuổi cho đến 30 tuổi. Tôi thường không biết tại sao những tín đồ Ki tô giáo không tìm ra hay phát kiến các sự việc để điền vào chỗ gián đoạn đầy bí ẩn và rành rõ nầy trong khi họ rất hay về khả năng giả mạo mọi sự. Có thể nào chúa Giê su lại không nói gì cả cho các tông đồ thân thiết về các hoạt động của mình trong 18 năm phát triển quan trọng nhất nầy. Có thể là, giống như vụ bê bối Watergate trong đó Nixon và các cộng sự viên đã bôi xóa và tiêu hủy các bằng chứng buộc tội họ về việc tự ý dội bom bí mật vào xứ Căm pu chia, một nhóm người họp lại và quyết định tẩy xóa những gì mà theo họ là có thể ‘không thích hợp’ cho số đông quần chúng. Các việc làm như vậy được mọi người biết là ‘hiệu đính’ hay ‘kiểm duyệt’

Trang 87. Khoảng thời gian trống trong cuộc đời chúa Giê su cho ta một cơ hội lớn lao để phỏng đoán về những gì chúa đã làm trong 18 năm nầy. Theo một ý tưởng hiện nay là chúa đã đi Ấn độ để học hỏi nghiên cứu cái trí tuệ cổ đại ở đó. Đó là lý đo tại sao giáo lý của ông có phần hương vị của Ấn độ. Nhưng chúa không cần phải đi đâu xa để học hỏi tư tưởng Ấn độ, vì những con đường của các đoàn-lữ-hành-tập-họp-nhau-để-vượt-qua-các-vùng-nguy-hiểm-ở-phương-Đông đến Ai cập đều phải chạy ngang qua Palestine. Và trước khi Giê su ra đời 250 năm, hoàng đế A dục (Ashoka) đã gởi các đoàn Phật giáo đến nhiều nơi ngoài biên địa của ông cai trị, bao gồm Damascus ở Syria và Alexandra ở Ai cập, là những nơi mà họ phải đi ngang qua Palestine. Vì vậy, giáo pháp của đức Phật đã được biết đến một phần nào trên thế giới trước khi chúa Giê su ra đời. Đã có một thắc mắc là pháì Essenes, mà các tài liệu của họ tức Cuộn Sách Cổ ở Biển Chết (Dead Sea Scrolls) được tìm thấy vào năm 1947 tại một hang động gần bờ biển có tên đó, đã được hình thành từ các phái đoàn của A-dục vương. Phái Essenes là những nhà khổ hạnh đã sống trong các cộng đồng ở sa mạc, theo chế độ ăn uống rau quả và trong một số trường hợp, sống độc thân, một điều mà đạo Do thái chính thống xem là xa lạ và không biết đến. Người ta cũng biết chúa Giê su là một thành viên của phái Essenes.

Trang 88. Bây giờ, lý do mà tôi muốn đưa ra ở đây là để cho thấy có một số cách để nhìn thấy sự việc khác hơn là những cách được chấp nhận theo thói quen từ xưa tới nay bởi đa số quần chúng. Những cách nầy không kém giá trị hơn của họ, nếu không muốn nói là có giá trị hơn và hợp lý hơn.

Tôi tự xem tôi là người Ki tô giáo nhưng đó là chuyện đã lâu, lâu lắm rồi. Bây giờ, sau khi tìm hiểu sưu tầm về lịch sử đạo Ki tô, tôi xem đạo nầy là đạo lừa bịp lớn nhất mà nó đã phạm phải đối với nhân loại. Nhưng điều nầy không ngăn tôi mất sự kính trọng chúa Giê su. Ngài đã không kiểm soát được những gì mà các tín đồ của ngài đã làm với những điều dạy của ngài sau khi ngài mất. Tôi đã nói rằng tôi hiểu ngài rất nhiều rất rõ và rất tôn kính ngài. Ngài là một con người, giống như các bạn và tôi dù rằng ngài đã phát triển tâm linh rất cao. Tội nghiệp cho các tín hữu của ngài không bao giờ hiểu ngài như vậy; khó có ai theo chân được một vị thánh thiện, nhưng có thể theo chân một con người, phải không các bạn? Nếu người ấy đã thành thì tất cả cũng có thể sẽ thành, đó là lời Phật nói.

Không lẽ ý kiến nầy quá khác lạ đến độ ta không thể làm được?

%

‘‘Trong việc tạo dựng Hiến pháp và Luật Nhân quyền, các Cha Ông Sáng Lập Hiệp chủng quốc đã bác khước lý thần học của Cơ đốc Chính thống giáo. Năm 1797, Thượng viện Hoa kỳ đã chính thức chuẩn y, ‘‘Chánh phủ Hiệp chủng quốc trong mọi trường hợp không đặt nền tảng vào Ki tô giáo.’’

(Trích từ Helen Ellerbe: Mặt Tăm tối của của Ki tô giáo, trong đó bà dã trích câu trên từ‘Các Thỏa ước và các Đạo luật Quốc tế khác của Hoa kỳ’, do Hunter Miller hiệu đính, Quyển 2. 1931)

%

Đa diện

Trang 89. Có lần tôi đã kể cho một ai đó là trên thế giới có bốn hạng người: Hạng đẹp ở ngoài không đẹp ở trong; Hạng không đẹp ở ngoài nhưng đẹp ở trong; Hạng đẹp cả hai; Hạng không đẹp cả hai.

Người được tôi nói hỏi tôi làm sao phân biệt được khi mà bên ngoài đâu phải luôn luôn do ở bên trong mà ra. Nhờ anh hỏi nên tôi mới nhận ra và thú nhận là những gì tôi nói với anh không phải rõ ràng như một với một là hai. Tôi phân loại là để cho dễ dàng thôi. Loài người sống cực kỳ phức tạp và khó đoán, không giống như loài vật sống phần lớn theo bản năng. Tuy sự thực là thường làm việc theo thói quen nhưng chúng ta có thiên hướng thay đổi hơn loài vật. Hôm nay ta làm một việc theo một cách, ngày mai ta làm cùng một việc nhưng theo một cách khác, tùy theo thọ cảm của ta lúc làm.

Tất cả các tôn giáo cho biết sự mâu thuẫn giữa Tốt và Xấu, Thiện và Ác, một mâu thuẫn xảy ra bên trong và bên ngoài ở mỗi chúng ta. Hầu hết chúng ta ‘theo phe’ hoặc ‘bị lôi kéo’ khi gặp mâu thuẫn nhưng vì đầu óc con người thay đổi không ngừng nên có lúc theo phe nầy có lúc ta theo phái kia. Không ai tốt cả, không ai xấu cả. Ta là một hỗn hợp, không biết phải đứng ở đâu hôm nay, ở đâu ngày mai.

Nếu được hỏi: ‘‘Bầu trời màu gì?’’, hầu hết sẽ nói: ‘‘Màu xanh’’. Vâng, đúng vậy, bầu trời xanh nhưng nó không phải luôn luôn xanh, phải không các bạn? Có lúc nó xám, trắng, đen có khi lại vàng, hồng, đỏ. Cũng vậy có thể áp dụng khi nói về một người: ‘‘Anh ấy là người xấu’’, thì mặc dầu người ấy có lúc xấu nhưng chắc chắn cũng có lúc anh ấy không xấu.

Trang 90. Đây là một câu trong sách Quần đảo ngục tù của nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn: ‘‘Có những người xấu ác gây tội lỗi ở nơi nào đó, ta cần phải ngăn cách họ với ta để trừ họ. Nhưng lằn ranh giữa thiện và ác chạy vào tâm của mỗi người khác nhau. Ai sẵn sàng trừ mảnh ác đó trong tâm?’’

Loài người là một chủng loại vẫn còn đang tiến hóa, nhưng tiến hóa từ đâu tới đâu thì ta không biết. Ngày nay với sự cải thiện thông tin và chuyển vận, con người thuộc các văn hóa và tôn giáo khác nhau đã và đang hòa lẫn cùng nhau cho đến khi các ranh giới không còn rõ nữa. Thời đại chúng ta là thời đại chuyển hóa thật mau, hậu quả là sẽ có nhiều mập mờ và mâu thuẫn. Nếu chúng ta không vội vàng cẩu thả mà tự chế không hủy hoại mọi thứ vì sự không kiên nhẫn, nhiều điều tốt sẽ sinh ra. Giống như loài bướm biến hóa từ con nhộng, chúng ta sẽ biến hóa từ đó để thành loài người trung hòa, khoan dung và khôn ngoan hơn. Chắc chắn tất cả chúng ta sẽ cần tự dàn xếp trong giai đoạn chuyển tiếp nầy. Không dễ, nhưng ta đã sinh tồn cho đến ngày nay được thì đây là bằng chứng hùng hồn cho cái khả năng đó.

Đây là thời đại ‘tốc độ ánh sáng’, thời đại mà ta đã thu góp qua nhiều thế hệ. Ta có thể bỏ đi cái lỗi thời và không cần thiết mà vẫn giữ cái tinh yếu của các kinh nghiệm đó, những thứ có giá trị và hữu ích trong bất cứ trường hợp nào. Giống như cùng đi trên chiếc tàu tỵ nạn, chỗ thì ít, đồ tế nhuyễn không nhiều: trước khi đi ta phải quyết định những gì ta đem theo: Chỉ những thứ thật cần yếu. Nếu cần, như mọi người tỵ nạn đều biết, chúng ta có thể tới đích với rất ít phương tiện.

Trang 91. Phật tử hay nói rằng các sinh vật hữu tình đều có ‘Phật tánh’, nghĩa là khả năng có thể Giác ngộ, tuy rằng đây không phải là Giác ngộ của thú vật như loài cá, loài chim v.v..., mà là Giác ngộ sau bao nhiêu đời bao nhiêu cõi rồi cuối cùng là một con người sẽ tĩnh thức cái Thực Hữu. Điều kiện để trở thành con người vì vậy được xem là rất may mắn. Có thể là chúng ta có Phật tánh nên chúng ta nhận ra rằng, song song với khả năng có thể Giác ngộ, chúng ta cũng có các thiên hướng khác, tối tăm hơn, tệ hại và đau khổ hơn. Và trong hầu hết chúng ta, thôi thúc thấp hèn lại mạnh hơn xung động hướng thượng, giống như bóng tối mạnh hơn ánh sáng. Có người có thể không đồng ý và nói rằng bóng tối và ánh sáng bằng nhau như đêm dẫn tới ngày hoặc ánh sáng mạnh hơn bóng tối. Vâng, tất cả chúng ta đều biết đêm dẫn tới ngày, đêm không kéo dài vô tận. Nhưng vì chúng ta đang đề cập tới Bản Chất của Con Người ở đây nên tôi vẫn muốn nói rằng bóng tối mạnh hơn ánh sáng. Ta hãy suy nghĩ xem: ta đâu có trả tiền ‘bills’ cho sự tối tăm vì nó miễn phí, dù ta muốn có nó hay không. Ngược lại ta phải trả ‘bills’ điện vì nó cung cấp cho ta ánh sáng!

Vâng, có thể chúng ta thực sự có ‘tánh Phật’, nhưng chúng ta cũng có ‘tánh thú vật’, ‘tánh quỷ đói’ và ‘tánh tham dục’. Bạn hỏi ‘tánh quỷ đói’ là gì? Vâng, kinh sách Phật nói rằng, do nghiệp quả đã làm trong những kiếp trước, các ‘quỷ đói’ là những sinh vật khốn khó không bao giờ thỏa mãn nên đói khát thường xuyên vì bao tử to lớn, miệng bằng lỗ kim và cổ họng, tay chân rất nhỏ trông giống như nhánh cây con. Vâng, tôi không biết có các con vật như vậy hay không vì tôi chưa bao giờ thấy nhưng tôi biết có nhiều người quần áo và sắc diện đẹp đẽ nhưng hành động như loài Quỷ Đói. Cái tham muốn sở hữu của họ không thể thỏa mãn hay dập tắt được. Đây mới là cái nghĩa của ‘Quỷ Đói’!

Trang 92. Hầu hết chúng ta đều biết chuyện ngụ ngôn ‘Ngỗng Đẻ Trứng Vàng’ nhưng tôi cũng xin kể lại ở đây, nghĩ rằng không hại gì vì nó chứng minh rất đúng.

Ngày xưa có một cặp vợ chồng nọ có nuôi một con ngỗng đặc biệt đẻ Trứng vàng đặc mỗi ngày. Nghĩ lại cái may mắn của mình nên vợ chồng rất hạnh phúc và vừa ý. Ai lại không vậy, phải không các bạn? Nhưng vì ngỗng cứ đẻ trứng vàng mỗi ngày như vậy nên vợ chồng tưởng cái may mắn của họ là một quyền lợi và vì thế xem cái phước nầy là chuyện bình thường. Người chồng không còn hỏi vợ: ‘‘Ngỗng có đẻ trứng hôm nay hay không?’’ mỗi khi về đến nhà như mọi bữa. Vì thế họ xem chuyện lạ nầy là quá tầm thường.

Dĩ nhiên, sau đó không lâu chuyện nầy trở thành lòng tham, lòng tham đó lớn dần lớn dần giống như bệnh ung thư. Bệnh tham cũng như vậy. Một bữa nọ, chồng nói với vợ: ‘‘Xem nầy, ngỗng chỉ đẻ mỗi ngày có một trứng, không hơn không kém. Chắc nó phải có cả kho vàng trong nó nên nó mới sản xuất được như vậy. Nếu chúng ta giết nó và mỗ ruột nó ra, ta sẽ có tất cả vàng trong một lần thay vì phải chờ đợi từng ngày một’’. Nghe qua có vẻ hợp lý, người vợ bèn kiếm cây dao. Hỡi ôi! Sau khi con ngỗng vắn số bị giết và mỗ ruột, chẳng có vàng trong đó! Sự buồn tủi và hối hận thật vô cùng nhưnh đã quá trễ. Vì lòng quá tham, họ đã hủy hoại cái phước của họ!

Mỗi người trong chúng ta đều có một nghiệp đời riêng để sống. Vậy tại sao ta không nghĩ cho ta và quyết định cái ta muốn thực hiện cho cuộc sống của ta và con đường nào mà ta nên đi? Có thể đây là chuyện bơi ngược dòng như nhiều người không có đầu óc cho riêng họ và hành động giống như người mơ ngủ hoặc là người tỏ ra không có sức sống, thụ động hoàn toàn không có suy nghĩ độc lập. Nếu ai muốn theo con đường của các con Quỷ Đói thì đĩ nhiên đó là tùy họ nhưng như thế có nghĩa là ta cũng phải làm như vậy sao?

%

Vòng vòng

Trang 93. Tất cả chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng là sự Thay Đổi, hay Vô Thường là Qui Luật của Đời sống. Căn nhà mới của ta không phải mới được luôn, chiếc xe mới sẽ bị trầy, móp, hư, mòn, cũ; ta rồi sẽ già, già từ lúc mới sanh ra và cuối cùng sau một thời gian thay đổi với từng cá nhân một, sẽ chết.

Đồng hồ kiểu cũ cần vặn mới chạy nhưng khi ‘dây thiều’ mất đi tính đàn hồi, đồng hồ sẽ chạy chậm và ngừng hẵn. Với đồng hồ kiểu mới, một cục ‘pin’ nhỏ cũng đủ làm cho nó chạy được độ một năm; hết ‘pin’ đồng hồ hết chạy đúng theo qui luật vô thường. Tất cả sự vật một khi đã ‘có’, chúng sẽ hướng về ‘không’; gặp nhau cuối cùng rồi sẽ chia tay, tạo rồi hủy, sanh rồi tử. Có thể không thích sự thật nầy nhưng ta không làm sao hơn, không làm sao ngăn chận hay thay đổi được. Tuy thế ta có thể chấp nhận và cố gắng hiểu nó. Phiền lòng hay tranh đấu mù quáng, yếu ớt chẳng giúp được gì mà chỉ làm cho tệ hơn thôi.

Phật giáo dựa trên nền tảng triết lý ‘Vô Thường’ cũng không ra ngoài biệt lệ ấy. Cứ xem cái Đại Đạo Giải Thoát đức Phật đã nói cách đây 2.500 năm nó đã phế vong dần rồi trở thành một vòng tròn. Nhiều tu sĩ đã trở thành giáo sĩ (có người tự cho như vậy) giống như những người Bà la môn trong thời Phật hiện tiền, người đã xem và dạy rằng họ cách nhau một giai cấp, giai cấp cao nhất trong 4 giai cấp trong đó hệ thống Bà la môn thống lãnh. Cho rằng họ được sanh từ miệng của Phạm thiên, Thượng đế tối cao của họ, nên họ lấy tên đó làm tên giai cấp ‘Bà la môn’ cho mình. Giai cấp thứ hai là Sát-đế-lợi tức vọng tộc, lãnh chúa, sĩ phu, nhà tướng, những người mà họ tin rằng họ được sanh từ tay của Phạm thiên (Thái tử Sĩ đạt ta được sanh trong hàng vọng tộc Sát-đế-lợi; cha ngài là tiểu vương, nên ta nói rằng Thái tử Sĩ-đạt-ta được sanh từ nách phải của mẹ ngài thay vì được sanh bình thường). Giai cấp kế là Phệ xá tức giới làm thương mãi, nhà nông và thợ khéo; người Bà la môn nói người Phệ xá sanh từ hông Phạm thiên. Cuối của 4 giai cấp là Thú đà la, những người được cho rằng sanh từ bàn chân của Phạm thiên và chỉ được phép làm công việc tay chân như quét dọn, làm nhà vệ sinh, đổ rác v.v...Nhưng Thú đà la cũng không phải là những thành viên thấp nhất trong xã hội. Thấp nhất là giai cấp cùng khổ, mạt chủng, (tức giai cấp Chiên đà la (Candala) hay Ba-lỵ-a (Pariahs). M.T.). Ngay cả việc người thuộc cấp nầy vô tình chạm đến người của cấp Bà la môn, họ cũng phải đi tắm hoặc thay quần áo mới. Xã hội được chia thành nhiều từng bậc.

Trang 94. Người Bà la môn, qua nhiều thế kỷ bắt nạt và hiếp đáp, đã làm cho người ta tin rằng họ có sự độc quyền về tôn giáo. Cho rằng mình có ‘chìa khóa của cõi trời’, họ dạy rằng bất cứ ai muốn được sanh lên đó đều phải qua ảnh hưởng và lễ nghi trung gian của họ, không cần phải nói đó là phải tốn phí. Cũng giống như những người Ki tô ngày nay cho rằng, dù không một bằng chứng nhỏ nhoi nào để chứng minh, phải qua chúa Giê su thì một người mới được ‘cứu rỗi’ để lên thiên đàng sau khi chết, người Bà la môn dạy rằng lễ nghi và sự hy sinh của họ là cần thiết cho sự tái sanh vào cõi trời. Không khó thấy tại sao điều nầy dẫn đến mọi thứ tham ô và quá đáng. Họ càng giàu có và kiêu ngạo qua việc lợi dụng tính dễ bị lừa của quần chúng thất học và dị đoan.

Đức Phật không phải là người độc nhất trong việc muốn hóa giải hệ thống giai cấp nầy. Cũng có nhiều cá nhân có tâm phản đối sự bất công như thế. Nhưng chính đức Phật là người đã chống lại nó với sự rõ ràng nhất và hiệu quả nhất. Nó bị lật tung dưới cái tâm đầy trí tuệ và lòng đầy từ bi của ngài. Lúc nào người Bà la môn dạy rằng giai cấp là vấn đề của giai cấp và không bao giờ trong trọn một kiếp người thay đổi giai cấp được thì đức phật nói: ‘‘Không phải vì sanh ra mà người ta mới thành giai cấp cao hay thấp mà chính là những hành động của người ấy họ mới thành như vậy’’.

Trang 95. Đức Phật dùng cả cuộc đời ngài đi hết nơi nầy đến nơi khác, kiên nhẫn giáo huấn và giải nghĩa bất cứ cho ai chịu khó lắng nghe. Ngài thuyết cho số đông cũng như cho từng nhóm nhỏ cho đến từng cá nhân hướng họ chứng đắc Giác ngộ và Giải thoát. Ngài không bao giờ cử hành lễ hay tham gia vào các nghi thức như những vị Bà la môn làm. Quả thật, Ngài nói rõ vướng mắc với lễ nghi hoặc các nghi thức là một trong những cái còng (kiết sử) phải được cắt bỏ để một người chứng đắc quả vị Dự Lüu tức Tu đà hoàn (Sotapatti).

Vậy thì tại sao chùa chiền lại có quá nhiều lễ nghi, nghi thức trong khi đó ít dạy Pháp. Tại sao các tu sĩ lại xuất hiện nhiều trong các buổi nghi thức thay vì phải làm thầy dạy Đạo? Có đúng không khi nói: ‘‘Bây giờ là thời mạt pháp’’?

Không lâu sau khi đắc quả vị Phật, đức Phật tập hợp các đệ tử, lúc đó chỉ có khoảng 60 vị, tất cả đã đắc quả Giác ngộ bằng cách lắng nghe Pháp Phật. Ngài nói: ‘‘Này các Thầy Tỳ kheo, vì cái thiện phúc của nhiều người, vì lòng từ bi cho xã hội, vì cái thiện lành, lợi lạc, phúc đức của trời và người, Pháp Phật viên mãn từ đầu cho đến cuối, cả ý lẫn lời. Hãy công bố Đời sống Linh diệu, Hoàn mãn và Thanh tịnh. Có những người chỉ với một chút bụi trong mắt, không nghe Pháp, sẽ ngã xuống. Sẽ có những người hiểu được Pháp Phật’’.

Ngài không nói: ‘‘Này các Thầy Tỳ kheo, xây nhiều chùa, khuyến khích người ta cúng dường chư tăng và tu viện’’, giống như các người Bà la môn nói. Chúng ta có thể nói: ‘‘Vâng, các tu sĩ đã đắc quả A la hán, chúng ta thì chưa’’. Bạn có thể thấy cách chúng ta thoát được các vấn đề? Nếu chúng ta chờ đến khi mình đắc đạo trước khi làm được cái gì hoặc ngồi đó chờ người đắc đạo đến dạy ta, hẵn chúng ta sẽ chờ rất lâu. Thời nay có rất ít người đắc đạo và cũng không thể gặp họ ở một góc đường nào đó hay tu viện nào đó. Nhưng vì giác ngộ, giống như hàn thử biểu, có nhiều độ nóng, là điều không đúng khi nói rằng nhiều người trong chúng ta đã đạt được một trình độ nào đó, có thể đã đạt đến gần 0 độ nhiều hơn là 100 độ. Nếu chúng ta biết chút ít, ta có thể chia xẻ nó với người khác; nếu chúng ta biết nhiều, ta vẫn chia phần được; chúng ta không cần phải 100 % đắc quả, hoặc phải khoe chứng chỉ A la hán quả hay Phật quả, mà vẫn có thể chia xẻ Phập Pháp với tha nhân. Ta có thể biết rất ít trong khi có thể có người biết nhiều hơn ta nhưng cũng có vô số người biết ít hơn ta và tăm tối hơn ta.

Trang 96. Có một câu của Phật thường nói: ‘‘Trong tất cả các thứ để cho, cho Pháp là tốt nhất’’. Vì vậy, tại sao ta ơ hờ lưỡng lự về chuyện cho nầy? Pháp Phật bị xem là ít quan trọng hơn ở các chùa, nơi mà chuyện giảng Pháp nói Pháp thuyết Pháp là chuyện đặc biệt thay vì phải xem nó là một tiêu chuẩn mẫu mực. Điều đó cho thấy rằng chúng ta thực sự không xem Pháp là bảo vật mà, nói phải tội, có Phật tử coi đó là thứ bỏ đi! Hoặc trong những năm lạm phát và kinh tế bất an, ta tích trữ chờ cho giá cả tăng lên rồi đem ra bán.

Phật giáo đầu tiên là Con Đường Để Sống, con đường thoát khỏi dị đoan và tối tăm (vô minh) nhưng nó lại trở thành ‘con đường tử’ đặt trọng tâm vào các nghi thức cho người chết, một con đường nô lệ tùy thuộc vào các tu sĩ. Nhiều Phật tử cảm thấy rằng không có các tu sĩ để làm lễ cho các nghi thức là không được. Như vậy các tu sĩ giống như thuốc men mà con người trở nên bị ghiền thuốc vậy, bệnh ghiền tu sĩ! Tôi đã nhìn nó với cả hai phía của một hàng rào, và vì thế có thể nói là không có gì một tu sĩ làm mà một cư sĩ không làm được nếu người cư sĩ ấy muốn. Chính là con người chúng ta chứ không phải giáo pháp gây phân biệt giữa tăng ni và thường dân cư sĩ

Trang 97. Cách đây vài năm khi tôi ở một chùa có dân đông và giàu tại Manila, vị trụ trì phàn nàn tôi vì tôi không nhập chúng với các tu sĩ để tụng niệm trong các nghi lễ mà lại đi vào trong tù với ‘‘những người xấu’’ (ông ấy gọi họ như vậy). Tôi im lặng để ông nói hết những gì ông muốn nói. Kế đó tôi trả lời: ‘‘Tôi cũng có thể đọc tụng và làm nghi lễ cho người chết được nếu tôi muốn nhưng cái cách tôi làm là cho người sống nhiều hơn là cho người chết. Tôi không nghĩ là tôi giúp được cho người chết nhiều nhưng tôi có thể giúp được cho người sống’’. Ông không nói gì được khác với tôi lúc đó nhưng chẳng bao lâu sau ông ngưng phụ cấp tôi. Tuy nhiên, không ai có thể làm cho tôi im được vì $10 một tháng! Tôi không thể bị bán rẻ như vậy!

Nếu mua một hộp nước ngọt bạn mua hộp hay mua nước? Phật giáo là một tôn giáo có tổ chức với chùa chiền, tu sĩ, người làm công quả, nghi thức, lễ bái, các tông phái, v.v...giống như cái hộp chứa đồ. Không may ít Phật tử biết đến điều nầy và cũng không biết nó đựng cái gì. Chính là Pháp của Phật tức nội dung chứa đựng quan trọng hơn cái hộp chứa nó.

Nhiều người chẳng bao giờ nghĩ đến hay tuyển trạch nó, cho rằng Phật giáo và Phật Pháp là một. Biết được sự khác nhau rất hữu ích, đặc biệt thời nầy là thời vật chất ngự trị. Tình trạng tôn giáo bị biến cách, xuống cấp hiển lộ khắp nơi khiến con người mất lòng tin. Nếu hiểu rõ sự khác biệt, lòng tin của ta sẽ vững chắc hơn thay vì yếu kém.

Phật giáo bắt đầu vào một mốc thời gian rất đặc biệt. Đó là khi đức Phật bắt đầu tổ chức đoàn Tăng già lúc Ngài 35 tuổi, gần ngay sau khi Ngài đắc quả Phật. Nó có chỗ bắt đầu và vì vậy nó có chỗ chấm dứt. Hơn nữa trong khi tồn tại, nó cũng phát triển, thay đổi, thích nghi, hấp thụ các thành phần khác biệt trong khi tiếp cận nhau, các hình thức lễ nghi và các tông phái biến hóa ra, cuối cùng thành lập một tổ chức cách đây rất lâu. Không thể tránh được các sự việc đã được thêm bớt, sửa đổi. Trên một hành trình dài ta có thể đoan chắc rằng bây giờ nó khá khác với ngày xưa.

Trang 98. Đi sâu vào Phật học về phương diện tôn giáo ta thấy được Giáo Pháp của Phật. Đây cũng là một cái hộp chứa, một hộp lớn chứa một hộp nhỏ. Vì, sau khi đắc quả, đức Phật đã gắng công thuyết lại những gì Ngài đã khám phá ra cho người khác biết. Dĩ nhiên điều nầy khá khó, giống như muốn cắt nghĩa các màu sắc hay bông hoa cho người mù. Ngài sắp xếp lại Giáo Pháp, gọi chúng là Trung Đạo, giải nghĩa về khổ và nguyên nhân huân tập gây khổ, về cách diệt khổ và con đường đạo dẫn tới sự tiêu diệt nó. Đức Phật gọi đây là bốn điều chơn thật (thuyết Tứ Đế): Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Riêng con đường (đạo) gồm tám bước tức Bát Chánh Đạo. Các điều dạy căn bản nầy không thay đổi trong suốt cuộc đời hoằng pháp của ngài dù rằng ngài trình bày có khác đối với từng người khác nhau.

Mặc dầu sự trình bày có khác nhưng tựu trung Ngài cố gắng giảng cho tha nhân thấy rõ ràng hơn. Những sự kiện đó (Pháp) tự nó đã hiện hữu ở đây rồi, nó luôn luôn là như vậy, Ngài không phát minh mà là phát kiến. Mọi người đều có thể thấy nó. Nó không tùy thuộc vào ngài. Có 3 bậc ta nên biết: 1. Phật giáo: một tôn giáo; 2. Phật Pháp: Lời Dạy của Phật; 3. Pháp: các Sự kiện trong cuộc Đời. Được xem là Phật tức là vị đã nhận thức, thấy biết tận tường Pháp và tiết lộ cho xã hội loài người bằng Phật Pháp theo như Ngài thấy được; còn Phật giáo là một tổ chức được phát triển từ Phật Pháp.

Bây giờ sau nhiều thế kỷ, Phật giáo đã bị coi thường vì cũ kỹ, tầm thường và mất dần đi t��nh nguyên thủy. Và không phải là không tự nhiên khi nó bị bao vây bởi sự bệnh hoạn và biến dạng. Tại châu Á, nhiều chùa chiền đã trở thành nơi làm ăn, chỗ ban phước, nhà tử vi, nhà đòn, bói quẻ, mật chú, xua đuổi tà ma. Nhiều tu sĩ thành các nhà ảo thuật hay thầy thuốc, thoả mãn lòng ham muốn của những người gần như không biết gì về Phật dạy thay vì giúp họ hiểu biết. Có lẽ chẳng bao lâu nữa chúng ta phải làm đám táng cho Phật giáo!

Trang 99. Sau khi thấy được tất cả Sự Đời nầy, mà thực tình nó ít có liên hệ gì đến Phật Pháp, nhiều người đã đâm ra chán nản và mất lòng tin nơi Phật giáo. Họ chọn tôn giáo khác hoặc không muốn theo ai. Chuyện nầy ta phải hiểu và không thể trách họ. Thật tội nghiệp là họ chỉ thấy cái hộp bên ngoài mà không thấy đến và thấy được những gì trong ấy. Phần lớn vì hầu như không ai, kể cả các tu sĩ, cố lo giúp họ thấy biết và vì chính họ lười và không muốn học tập.

Xe mới tinh thì bóng láng, không trầy trụa. Chạy được hơn 50.000 cây số thì bạn nghĩ nó còn sáng và nguyên như mới không? Vậy thì, dù bên ngoài ‘xế hộp’ không còn sáng bóng như xưa hay bụi bẩn, móp méo...chúng ta vẫn còn nợ cái ơn đó. Nhờ nó nên những gì ở bên trong vẫn được giữ, qua nhiều thời đại cho đến thế hệ hiện nay. Chúng ta có thể, với một chút cố gắng và kiên nhẫn, rồi sẽ thấy cái Chứa bên Trong (Nội dung) qua lớp bụi bám vào hộp. Đừng quá thất vọng nếu cái Hộp không còn sáng và bóng nữa, như chiếc ‘xế hộp’ vậy.

Hộp bên ngoài không phải là Đồ bên trong!

Phật giáo nhìn ở ngoài khác với Phật Pháp ở trong!

Nhìn và Suy cho kỹ!

%

Đo thời gian

Ngày hôm qua thì đã qua, như một giấc mơ;

Ngày mai thì không bao giờ trở lại

Vậy ta phải gọi cái giờ riêng của mình là gì?

Hiện tại thì giống như bào bọt trên mặt nước:

Chụp bắt nó, không được.

Trong tay ta luôn luôn không có gì?

Bị cuốn trôi hết, không ngừng.

Già đi, không chống lại được:

Vậy thì đi đâu?

Bạn có ‘chớp’ thời gian được không?

Suy nghĩ đi:

Có lẽ chính Thời gian ‘chớp’ bạn đó!

Trang 100. Chúng ta đo lường Thời gian bằng nhiều cách. Đối với những việc hằng ngày phải liên hệ với tha nhân và để cho tiện gọi, bạn tính giờ bằng đồng hồ. Nó chia ngày ra giờ, phút, giây; tất cả là do người tạo ra tức sự chia phân nhân tạo; ta không thể tìm ra trong Thiên nhiên, một giờ với 60 phút hay một phút với 60 giây. Những phát minh nầy hữu ích nên mọi người đồng ý; nó giúp cho xã hội ‘chạy’ thông suốt; ta có thể đúng giờ đúng hẹn nhờ các biện pháp được đồng ý chung.

Chúng ta lại chia thời gian thành ngày, đêm, tuần, tháng, năm... Vâng những sự phân chia nầy là những thực tế trên hành tinh nầy. Nếu chúng ta đi vào Không gian, những cái ta gọi đó sẽ vô giá trị. Và ngay khi ta ở trên hành tinh nầy thực sự chẳng có tuần, chẳng có 7 ngày. Một lần nữa đây là do con người tạo ra và nó không tự nhiên; ta không thể quan sát một sự phân chia tự nhiên thành 7 ngày. Thực vậy, một-tuần-bảy-ngày truy nguyên có trong Thánh-kinh Ki-tô Do-thái và vì qua các cuộc xâm lăng và chinh phục của châu Âu với thành phần hải tặc hoặc dân đi chiếm thuộc địa (và tiếng Anh hiện nay là ngôn ngữ quốc tế) nên nó đã được toàn thể thế giới chấp nhận mà không có một lý do nào khác.

Trang 101. Không gian thật bao la nên không thể tính bằng dặm hay cây số, vì vậy ta thay bằng thời gian. Chúng ta được biết rằng khoảng cách từ Trái đất lên Mặt trời độ 93 triệu dặm (tức 150 triệu cây số). Tốc độ ánh sáng mỗi giây là 186.000 dặm (298.000 cây số) tức nó mất 8 phút để xuyên hết độ dài đó. Còn các hành tinh xa hơn nữa thì được tính bằng cả trăm ngàn, có khi cả triệu năm ánh sáng mới tới quả Địa cầu! Chúng ta không thể nào hiểu hết được cái bao la của vũ trụ. So sánh với loại thời gian như thế thì tuổi thọ của chúng ta chỉ bằng cái búng tay. Nhìn lên bầu trời ban đêm và thử suy ngẫm về sự nhỏ bé của mình là một điều tốt; các rắc rối và lo lắng của ta sẽ được cảm thấy khác đi và nhẹ hơn phần nào.

Ít có người sống được đến trăm tuổi: so với tuổi thọ của bướm dĩ nhiên là ta thọ nhưng so với loại cây đỏ ở bang California Hoa kỳ (thọ đến 3000 năm) thì loài người chúng ta không thọ chút nào.

Hầu hết chúng ta đo thời gian bằng cảm giác: nỗi buồn niềm vui, hy vọng thất vọng...Một giờ trong chiếc tàu bị nước biển vào trên đại dương đầy sóng gió dường như vô tận, trong khi một giờ vui sướng trôi qua trong nháy mắt; dù dài bao nhiêu nhưng vui thì luôn cảm thấy ngắn ngủi còn buồn thì giống như lê lết.

Nhưng khi sự vật đã trôi qua, chúng dường như là một phần của một giấc mơ và chúng ta không chắc là chúng có xảy ra hay không đôi khi tưởng răằg đó chỉ là giấc mơ. Đây là lý do tại sao cuộc đời được nói đến như là cơn mộng, cầu vồng, ảo ảnh; nó không phải của chúng ta, nó đến rồi đi, không nắm bắt được. Nếu cuộc đời ta thực sự thuộc về ta, ta có thể nói: ‘‘Ta sẽ không già, bệnh, chết’’. Vâng. Ta có thể nói, nói thì dễ mà. Nhưng già thì nó cứ già, cứ bệnh và cứ chết.

Trang 102. Thời gian dù nó được ta đo tính như thế nào thì nó là con đường một chiều. Ta chuyển từ quá khứ, qua hiện tại rồi tới tương lai không bao giờ đi ngược chiều được. Từng ngày mới quan trọng. Hãy trân quý từng ngày để không hối tiếc về chuyện mình già đi mỗi ngày.

%

Đem sự mới lạ vào cuộc sống

Càng học nghệ thuật nhiếp ảnh, tôi càng nhận rằng kỹ thuật không phải là chìa khóa bí mật độc nhất cho những bức hình nổi tiếng. Nếu không có sự kích thích của niềm hứng khởi, nhà nhiếp ảnh không hoàn thành những bức ảnh nghệ thuật nhất của mình. Người ấy phải luôn tĩnh thức với những khám phá bất ngờ chung quanh mình hoặc với sự thay đổi các mẫu ánh sáng, dấu vết và hình thức.

Xin cho tôi lấy thí dụ. Khi đi tản bộ trong vườn hoa của tôi cách đây không lâu, tôi dừng lại trước một chùm hoa phi yến quen thuộc. Mặc dầu tôi đã nhìn chúng cả trăm lần trước đây, lần nầy chuyện không ngờ đã xảy ra: một chùm ánh sáng từ đâu đó thình lình chói rọi vào các đóa hoa, chiếu thẳng vào tâm thức tôi với sức bộc phá mạnh mẽ của ánh sáng và màu sắc. Nó giống như thể tôi thấy hoa phi yến lần đầu tiên vậy. Trong khi nhắm máy hình để chụp, tôi biết rằng cuộn phim rửa sẽ cho tôi hình ảnh của một vẻ đẹp hiếm quý. Trong khung cảnh thường nhật của vườn hoa mình, tôi đã có một khám phá mới lạ tuyệt vời.

Edward Steichen, nhiếp ảnh gia

%

Ngơ ngáo

Trang 103. Người ta nói rằng Kinh điển Phật giáo đầu tiên được viết lại từ năm 1 (niên đại Ki-tô). Trước đó nó được truyền miệng từ người nầy qua người khác bằng cách học thuộc lòng. Thật là tuyệt vời vì chắc nó phải nhiều lắm. Người Ấn độ nổi tiếng là có trí nhớ.

Chúng ta không biết là ai đã phụ trách công việc ghi lại bằng chữ viết nhưng chắc là họ phải có được một trình độ cao về trình độ học vấn và rất nhiều kiên nhẫn. Nghe thuyết pháp là một việc, viết ra những lời đó là một việc khác, đặc biệt càng khó hơn khi Đức Phật đã tịch diệt cách đó 500 năm. Làm sao họ dám đảm nhận việc làm nầy? Năm trăm năm là một thời gian dài. Tiếng nói của đức Phật không còn vang dội.

Khi đọc được các dòng chữ của các học giả, ta có thể nghe tiếng nói và thấy gương mặt của ngài được không? Chúng ta phải dùng trí tưởng tượng để đọc nếu không chữ nghĩa đó chỉ là giấy trắng mực đen thôi. Ta có thể nào biết được chỗ ngài ngừng, phần ngài nhấn mạnh hay giọng điệu sắc thái ngài không? Ta có thấy được ngài cười, nhấp nháy đôi mắt khi nói ví von khôi hài hay không? Ta thấy được cử chỉ, điệu bộ, cách nhướng mày của ngài không? Dù luôn điềm tĩnh và thanh tịnh nhưng đức Phật không bất động như một bức tượng, giọng nói cũng không như người máy hay đơn điệu. Nó có thể rất có thần.

Có đôi lần để thử nghiệm, tôi nhờ người đọc vài đoạn trong một quyển sách của tôi cho thính giả nghe, kế đó chính tôi đọc đoạn đó để cho thấy sự khác nhau về phương diện cảm thọ. Người đọc đoạn ấy không cách nào biết được cảm nghĩ của tôi ra sao khi tôi viết; khi tôi đọc đoạn tôi viết là từ trái tim tôi.

Chúng ta phải nhớ là khi đọc kinh sách, những người được đức Phật nói đến thì thường là những người quê mùa thất học, có cái nhìn về cuộc đời khác với chúng ta ngày hôm nay. Đối với họ, quỷ thần, thánh thần mặc dầu vô hình, nhưng có thật, giống như người và vật chúng quanh họ. Đức Phật hiểu được các sự kiện nầy và vì vậy nói với họ theo trình độ của họ. Nếu ngài nói thẳng và bác khước những chuyện nầy, nếu ngài nói với họ theo trình độ của ngài thì sẽ có ít người chịu nghe ngài. Ngài nói cái ngôn ngữ cũa họ, trình độ của họ và chẩm rải hướng dẫn họ. Ngài rất hay về chuyện nầy. Nếu Phật hiện hữu ngày nay ngài sẽ đổi cách nói sao cho phù hợp với thời đại chúng ta.

Trang 104. Tuy nhiên, nhiều người không có khả năng nầy. Họ muốn thấy đức Phật là một nhân vật trong quá khứ giống như vật hóa thạch cổ lổ. Họ xem các thứ trong kinh sách là có giá trị bề ngoài. Một ‘đồng nghiệp’ của tôi, người tôi đã quen được 20 năm, là như thế. Ông trở nên nguyên tắc trong sự tiếp cận, tin rằng sự việc được nói đến trong kinh điển là phải có thật. Trong lúc nói và viết, ông thường lấy kinh điển ra, gây ấn tượng người khác. Đây là thuật của con vẹt chứ không phải từ kinh nghiệm riêng của mình. Trích ra hay lấy ra từ kinh điển không được chấp nhận tại toà án và sẽ bị bác bỏ.

Mới vừa đây, có người cho tôi biết là ông đã nói với một nhóm người trí thức rằng việc thiếu nước ở Kualar Lumpur trong mấy tháng qua là do sự trừng phạt của các quỷ thần vì là một thành phố tội lỗi. Vâng, sau khi nghe ông nói những điều vô lý như vậy trong ba năm qua, tôi nhận ra đó là kiểu cách của ông và không ngạc nhiên. Chỉ có một chuyện tôi cho là ‘lạ’ là chữ ‘tội lỗi’ mà ông đã dùng; có thể nó là một chữ khác đồng nghĩa với chữ đó. Tôi hỏi người đã nghe ông nói có phản bác lại không, anh trả lời: ‘‘Phản bác để chi?’’, tôi nói: ‘‘Tại sao không? Đây là điều dị đoan trắng trợn; phải làm cái gì chứ ông ta không được cho phép thoát khỏi sự sai lầm nầy!’’

Có người, hiền lành nhưng ngây thơ, tin những điều như vậy chỉ vì ông ta là một tu sĩ. Không thể để cho nó qua được. Chống dị đoan đã khó, lại càng khó hơn nếu các điều dị đoan đó lại được truyền loan.

Trang 105. Quả thật là một lời cao ngạo! Cái quyền gì cho ông ‘phán’ như vậy. Làm như ông biết hết tất cả, thấy hết tất cả các nguyên nhân ảnh hưởng một thành phố 2 triệu dân! Lấy từ đâu mà ông có những ý tưởng lạ lùng như vậy? Chắc chắn là ông lấy từ các kinh điển, điều nầy chứng minh cái tánh dễ bị lừa của ông. Ông có thấy các quỷ thần hay có biết họ nghĩ gì và tại sao không? Rõ ràng là tánh nguyên tắc mà không để ý đến các lời giải thích về khoa học gần đây. Ảnh hưởng El Nino vừa mới cho biết hiện tượng nầy. Nó đã có trong từ điển. Chúng ta không biết là nó có xảy ra trong thời đức Phật hay không, có thể là có. Tuy nhiên trong thời đó chưa có khoa học và khí tượng học. Các nguyên nhân của các mẫu thời tiết khác nhau vẫn chưa được biết. Có thể người ta gán chuyện sấm sét, giông bão, lục lội, v.v...cho các quỷ thần và thánh thần; có người vẫn còn cho như vậy. Riêng tôi chọn sự giải thích của khoa học. Tôi không còn thích những chuyện thần tiên chút nào cả.

Chắc chắn là có những kẻ tội lỗi trong thành phố Kualar Lumpur (thành phố nào cũng vậy). Nhưng ta không thể nói chung như vậy để buộc tội toàn thành phố. Phải có nhiều người tốt trong thành phố K.L. Gia đình ông ta ở trong thành phố nầy vậy ông có tính chung vào không? Hay ông muốn nói: ‘‘Ác lai ác báo, nếu không thì bạn sẽ không bị! Sự thiếu nước nầy là một hình thức của đau khổ nên các nguyên nhân của nó phải là như vậy!’’ Ông quả thật là Giáo sư về môn Nghiệp Quả tức là tin tất cả những gì xảy ra cho ta đều là do nghiệp quả! Sự thực không phải như vậy. Có những yếu tố khác thực tế trong cuộc sống của chúng ta bên cạnh Luật Nhân Quả. Ta phải thú thật và thành thật hơn là ở trình độ của mình, nó chỉ là một ý niệm chứ chưa được chứng minh.

Cách đây vài năm, ông ‘đồng nghiệp’ nầy gởi tôi một cuộn băng có bài nói chuyện của ông ấy với lời ghi kèm ‘‘Nếu có gặp ai muốn nghe Phật Pháp chưa bị sửa đổi, xin ông đưa cho họ băng nầy’’. Tôi thật sững sốt nhưng cũng phải mất khá lâu tôi mới chịu nghe băng; tôi nghĩ Trái đất có thể động đất hay gì gì đó, giống như nó đã làm khi đức Phật giảng bài Pháp đầu tiên! Bài giảng không có gì đặc biệt ngược lại tôi lại thấy chúng khô khan, lý thuyết, phân biệt nhỏ nhặt, đầy các dẫn chứng kinh điển: ‘‘Kinh số mấy, số mấy, cái nầy thuộc Kinh bộ, cái kia cũng vậy,’’ v.v...Nói theo lương tâm thì tôi không thể đưa nó cho ai; tôi không muốn làm người khác sợ!

Xin mọi người hãy rất cẩn thận với ý niệm nầy, chỉ sợ rằng nó làm hại bạn hơn là giúp bạn. Hãy rất cẩn thận khi nghe tu sĩ giảng Pháp. Đừng tự động nghĩ rằng họ có thẩm quyền rồi nghe và tin liền. Hãy chăm chú lắng nghe và dùng trí tuệ để quyết định xem những gì họ nói là có thật và có ích hay không. Đừng để giáo pháp làm ta ‘mắc cạn’, giống như cá voi mắc cạn ở bờ biển vậy!

@

Albert Einstein: Những Năm Sau cùng của Tôi

‘‘Đi theo một quan điểm đạo đức con người không có nghĩa là chỉ nghiêm khắc đòi hỏi từ bỏ một số niềm vui cuộc đời mà đúng hơn là phải có lòng thành tâm về một hạnh phúc tốt đẹp hơn cho con người.’’

@

Trở về cội nguồn.

Trang 107. Có người thích làm súp tôn giáo bằng cách bỏ một vài tôn giáo hay tất cả lại với nhau rồi trộn nó lên.

Đã có đầy đủ các tôn giáo khác nhau và riêng biệt trên thế giới ngày nay rồi, nếu không muốn nói là quá đủ. Có cần tìm lý do tại sao ta cần tôn giáo như một số người đang làm không? Sự thôi thúc tôn giáo có từ đâu? Ta nên đi từ điểm gốc của vấn đề hơn là chỉ bàn ‘hoa lá cành’.

Hãy tưởng tượng trong thời tiền sử cách đây mấy ngàn năm lúc chưa có nhà cửa, đường sá, thức ăn ngon bổ, quần áo thời trang; cũng chưa có dụng cụ bằng kim loại! Con người nhặt nhạnh trái cây để sống, bẫy hay săn thú với đá nhọn chĩa bén, mặc đồ bằng da thú và đi chân trần. Cuộc sống mong manh, hiểm nghèo, ngắn ngủi, không dễ dàng, thiếu vui thú. Họ chịu đủ thứ tật bệnh, không thuốc men; sống trong hang hay các nơi trú ẩn làm bằng nhánh cây với cỏ. Họ săn thú nhưng thường bị thú ăn: cọp beo, chó sói và các loài thú dữ khác sẵn sàng ăn thịt họ. Các loại thiên tai như lụt lội, đói khát, hạn hán, động đất, núi lửa cũng tiêu hủy họ rất nhiều; nhân loại còn tồn tại được là điều đáng ngạc nhiên.

Sao họ lại cảm thấy bất an bởi thiên tai mà không có khả năng ngăn chận được? Co cụm vì sợ hãi, họ bắt đầu nhân cách hóa và thờ phượng các sức mạnh thiên nhiên; trong sự vô minh và sợ hãi các sức mạnh đó, họ tưởng tượng ra là các đấng thần linh đã giận dữ, quỷ thần hay thượng đế hoạt động và cảm thấy họ là đối tượng cho sự giận dữ đó. Nhằm làm vui lòng các đấng nầy, họ bắt đầu cúng dường phẩm vật quan trọng như cho thức ăn, cúng thú vật. Nếu động đất hay núi lửa bớt đi, họ cho là thần thánh đã vui lòng với sự cúng đường đó (xem Genesis, Kinh thánh Cựu ước nói về sự hình thành thế giới, chương 4, xin các bạn tự hỏi tại sao Thượng đế lại thích máu nhiều quá?). Nhưng nếu thiên tai tiếp tục, họ cho là thượng đế chưa vui, thế là họ tiếp tục cúng thêm, ngay cả việc hy sinh các trẻ em vô tội. (Hy sinh tánh mạng, trong 2000 năm qua, là điểm chính của cái tôn giáo lớn nhất và hung hãn nhất trên thế giới hiện nay. Các tín đồ của tôn giáo ấy không thực hành nó nhưng kẻ thành lập nó là người đã hy sinh tánh mạng thay, theo như họ nói như vậy! Họ thay thế lý Nghiệp Quả mà họ không-thấu-hiểu-hoàn-toàn–-đã được Paul nói ra ở Galatians, 6:7 như sau: ‘‘Đừng để bị lừa dối; Thượng đế không phải là để chế nhạo; vì những gì người gieo thì người cũng sẽ gặt’’–-với lòng tin cứu rỗi bằng máu của người lãnh đạo bị đóng đinh (tức chuộc tội thay cho con người!?). Tôn giáo bắt đầu từ điểm nầy, căn nguyên là phải đi trở lại thời kỳ tiền sử. Rễ gốc của nó là Vô Minh, rễ con là Sợ Hãi, Tham Vọng.

Trang 108. Sau đó, con người được chọn lựa để trở thành giáo sĩ, linh mục, cha cố, thầy tư hay giáo chủ hoặc họ tự chỉ định để làm như vậy, đặc biệt nếu họ thông minh hơn người khác hay biết một chút gì đó về cách chữa bệnh. Giáo sĩ trở nên có quyền hạn nhất và được kính trọng nhất trong các xã hội cổ đại.

Thời gian trôi qua, phép tắc hiện, lễ bái vô nghĩa làm chủ. Điện thờ (chiến sĩ trận vong) được xây lên, sau trở thành thánh đường; huyền thoại được dựng lên và pha chế; tôn giáo càng lúc càng phức tạp và được tinh lọc. Các thánh thần được cúng bái như là các đấng có thật, đại diện cho giông bão, động đất, núi non, mặt trời v.v... được cho tên tuổi và hình thức (danh và sắc), được đặt trong các đền thờ; thờ cúng trở thành các sinh hoạt chánh thức; con ngươì không làm được gì, nếu đầu tiên không cầu nguyện thần thánh họ, dù đi cấy trên đồng, chuyển đi nơi khác, đi săn thú vật, gây chiến, v.v...Mỗi bộ lạc đều có riêng một vị thần của họ cũng như các bộ lạc chánh cũng có trong vùng. Khi các bộ lạc tiếp xúc nhau, sự dị biệt về lòng tin, nghi thức thường gây ra xung đột; dĩ nhiên mỗi nhóm xem thánh thần của họ và cách thức thờ phượng của họ là hay nhất tốt nhất, như con người hiện nay vẫn làm. Lịch sử cho thấy sự dị biệt đó đôi khi dẫn đến ‘Thánh Chiến’ và buồn thay, ngay trong thời nầy, sự điên khùng đó vẫn tiếp diễn, được bắt đầu và đổ dầu thêm bởi sự hiểu lầm, lo sợ, bất nhượng và sân ghét.

Trang 109. Con người đã và đang sợ các thực tế khổ đau của cuộc đời vì vậy mới sanh ta tưởng tượng hầu giúp họ thích nghi với chúng, thế là các quan niệm khác nhau về những gì xảy ra sau khi chết xuất hiện. Cố gắng muốn đem lại trật tự cho xã hội, mà cũng muốn tăng quyền lực cho mình, các giáo sĩ chi tiết hoá Thiên đàng (Địa ngục), thưởng (phạt) trong tái sanh cho những kẻ nào theo (hay không theo) mệnh lệnh của họ. Tôn giáo trở nên càng lúc càng trở nên áp chế và độc quyền.

Cách đây 2.600 năm, so sánh với Bắc Âu và các vùng khác, Ấn độ đã khá văn minh rồi. Dĩ nhiên phần lớn đó là nền văn minh nông nghiệp và dân chúng sống hài hòa vui sống với ruộng vườn và thờ cúng thần thánh của họ. Nhưng giai cấp giáo sĩ (Bà la môn) có quyền lực và tham nhũng, ép chế dân chúng đóng góp, thâu thuế cho các nơi thờ tự, dạy về tính ưu việt của cấp giáo sĩ, cho rằng tái sanh ở các cõi trời chỉ để dành cho những người vâng lời họ, và rằng giai cấp thấp phải phục vụ cho giai cấp cao hơn.

Dĩ nhiên không phải mọi người đều chấp nhận hệ thống nầy. Có sự bất mãn khắp nơi chống lại quyền lực của các giáo sĩ; Có người chống lại những điều dạy của họ và tìm Sự Thật theo lối khác. Một trong những người chống lại đó thuộc giai cấp quí tộc, tuổi 29, bị các hình ảnh thực tế của cuộc sống chung quanh ám ảnh luôn, đã từ bỏ đời sống vương giả tiện nghi tại cung điện và đi vào rừng để tìm Sự Thật. Sau 6 năm khổ hạnh, có lúc tưởng phải chết, cuối cùng ông đã tìm được những gì mình muốn và người được biết đến đó là đức Phật. Phật là một danh hiệu, không phải là tên. Nó có nghĩa là ‘Bậc Giác Ngộ’ hay ‘Người Tỉnh Thức’. Sau khi Giác Ngộ, Ngài trình bày rõ ràng chính xác các Lời Dạy của ngài theo những gì ngài đã tìm thấy và nhận thức. Chúng không có nói gì tới một ‘Thượng đế Tối thượng’ tạo ra mọi vật hay có ai kiểm soát cái gì hoặc thưởng phạt tùy theo ai đó muốn; các hiện tượng thiên nhiên không nhân cách hóa cũng không thần thánh hóa; con đường (Đạo) để Giác Ngộ được tuyên bố công khai cho những ai có những cố gắng cần thiết. Con đường Đạo của ngài không cần có các giáo sĩ hay trung gian. Mọi người được khuyến khích sống ngay thẳng thiện lành, tập luyện hướng về sự cứu độ cho mình. Nó không cần loại cầu nguyện hay cách thờ phượng nào. Thần thánh đã bị truất ngôi.

Trang 110. Phật giáo được dựa vào các sự kiện yếu tố mà chúng ta có thể tự chứng nghiệm, chứ không vào sự vô minh, sợ hãi và dị đoan. Cội rễ của nó không bị dấu diếm trong sự mờ mịt của thời gian, không bị che dấu và u tối trong các di tích hay đồ cổ xưa. Nó bắt đầu vào lúc có một nền văn minh đã được phát triển rất cao (cách đây khoảng 4800 năm, nền văn minh nầy kéo dài gần 1000 năm, chung quanh vùng sông Indus, nay thuộc Hồi Quốc, Pakistan–-xin xem trang 14 quyển ‘The Three of Enlightenment’ cùng tên người dịch, M.T.; hay của Thầy Thích Tâm Quang). Nó trưởng thành từ sự Giác Ngộ của đức Phật, từ kinh nghiệm trực tiếp và quán sát khách quan về những thực tế của cuộc đời, và vì các thực tế đó không thay đổi nên những gì đức Phật tìm thấy và chỉ rõ là (Bây giờ và) Ở Đây cho bất cứ ai muốn chứng nghiệm. Ngài không đặt ra một ‘Thượng đế Sáng Tạo’ để cắt nghĩa các sự vật; Ngài cũng không nói rõ cái bắt đầu của mọi vật; Ngài cho là phí thì giờ khi thắc mắc về những chuyện đó. Chẳng ai biết, cũng chẳng ai có thể biết cách mà các sự vật bắt đầu. Quả thật, cái không bắt đầu từ cái không; mọi sự vật đều do kết quả của nhiều nguyên nhân; luôn luôn có một cái gì đó trước mọi sự việc.

Đức Phật nhấn mạnh rằng cái quan trọng là Bây Giờ ( và Ở Đây) , vì chỉ có nó là điểm thời gian mà ta có. Bây Giờ là cái gì? Ta có bằng lòng với các sự việc như chúng hiển hiện ngay Bây Giờ không? Nếu bằng lòng thế thì chẳng có lý do gì để tham muốn, để thay đổi hay để thoát khỏi chúng; nếu không thì phải tìm cách làm một cái gì đó. Đức Phật cho chúng ta cái cách đó: đầu tiên, quan sát cái Bây Giờ là cái Gì, Hiểu biết nó và kế đó, tạo ra (các nhân mới) để thay đổi các kết quả mà ta không thích. Không cần cầu mong với các đối tác bên ngoài; chúng ta phải học tập cách dựa vào mình.

$

Bắc truyền và Nam truyền.

Trang 111. Hai từ thường gây nhiều lẫn lộn cho Phật tử, đó là Bắc truyền và Nam truyền (Đại thừa và Tiểu thừa). Tôi xin đưa ra một cách nhìn khác về chuyện nầy. Nó liên hệ đến cách tiếp cận của Phật giáo đối với cuộc đời nầy.

Đại thừa, nghĩa đen là ‘Xe Lớn’ (cho việc Cứu thế, Cứu rỗi hay Tự do, Giải thoát) giống như máy bay phản lực chở được nhiều người. Tiểu thừa là một từ xúc phạm có nghĩa là’Xe Nhỏ’ (giống như giày trượt hay xe đạp) chỉ chở được một người. Những người tự cho là theo Đại thừa đã dùng để chỉ các tín hữu theo ‘trường phái Nguyên thủy’ hay ‘Trường Lão’. Họ tự cho như vậy là họ đã qua được giai đoạn ��ầu rồi. Họ nói ‘người Tiểu thừa’ là ích kỷ, chỉ nghĩ đến việc tự cứu mình mà thôi, thay vì như họ là cứu thế gian, cứu chúng sinh. Có sự cực kỳ tự ngã trong câu nói nầy. Dùng chữ Tiểu thừa là dùng sai từ. Nó không nên dùng để chỉ cho người chút nào cả. Tôi sẽ nói sau đây ‘Đại thừa’ hay ‘Tiểu thừa’ không phải là các trường phái của Phật giáo mà chỉ là quan điểm, thái độ hay thức của tâm.

Ngày nay, Phật giáo là cái gì hơn tín ngưỡng nữa trong phần lớn châu Á. Đại thừa đã suy thoái thành một hệ thống cầu nguyện và sùng bái nhiều vị Phật và Bồ tát trong đó sự hy vọng, sự sợ hãi và tính dị đoan đã nhập cư với Vũ trụ. Không (chịu) biết đến các điều dạy của Phật về Luật Nhân Quả và sự quan trọng cho việc phát triển tinh thần tự lợi cho mình, những người yếu tinh thần quay sang nhờ các đấng thần thánh giúp đỡ và cứu rỗi. Chư Phật và chư Bồ tát được tưởng tượng là rất xa đối với họ, ở đâu đó trên bầu trời, giống như các vị thần thánh của các tôn giáo khác vậy. Chính vì vậy, họ đã mất đi điểm chính yếu của Phật dạy: ‘‘Tự mình tinh cần với mình’’. Giác Ngộ là cái kinh nghiệm bên trong và thân thiết với mình, không phải là cái gì đến với ta từ bên ngoài.

Tất cả Phật tử, không phân biệt các tông phái, nhận cái lý tưởng Bồ tát là con đường cao nhất, vì nó là con đường của Bồ tát hạnh.

Trang 112. Sau khi đạt được mục tiêu và trở thành một vị Phật, lúc đó ta mới có khả năng giúp người khác đắc quả (không phải tha thứ tội lỗi và cứu vớt họ mà thành thầy cô giáo chỉ dẫn và giúp họ mọi cách, nếu có thể, để họ đỗ đạt và tốt nghiệp; thầy cô không thể thi dùm họ). Khi đắc quả Giác ngộ, ta không còn là Bồ tát nữa mà là Phật có đầy đủ ‘lông cánh’. Trường hợp của Thái tử Sĩ-Đạt-Ta tính cho đến tuổi 35, vẫn chưa hoàn toàn giác ngộ. Ngài không biết ngài là Bồ tát dù ngài thực sự là Bồ tát. A La Hán là bậc đã theo học Pháp của một vị Phật, đạt Giác ngộ và cái Giác ngộ (tức Niết bàn) mà ông đạt được đó bằng với cái Giác ngộ của một vị Phật (Niết bàn là không có điều kiện, không thứ hạng, không phân cấp). Bậc nầy cũng có thể giúp người khác nhưng khả năng ông không bằng khả năng một vị Phật. Phật là A La Hán nhưng A La Hán không phải là Phật, giống như Bác sĩ là đàn ông hoặc đàn bà, nhưng không phải đàn ông đàn bà nào cũng là bác sĩ. Cả Phật và A La Hán đều đã thoát khỏi cái xiềng xích của Luân hồi (các hiện tượng hữu hình); họ không còn có (ý) thức gì về sự phân chia và ích kỷ. (Dĩ nhiên tôi nói tất cả những điều nầy là theo Kinh điển chứ không phải từ kinh nghiệm tôi).

Hầu như ngược lại với con đường cúng bái và cầu nguyện được giúp đỡ từ một bậc cao cả hay thần thánh, Đại thừa là con đường Đạo với sự cố gắng lớn lao. Những người theo con đường đó không khẩn nguyện với Phật hay Bồ tát nhưng họ sử dụng Pháp Phật để tự trở thành Bồ tát. Họ làm như vậy không phải để chối từ thế gian mà là họ hiểu rằng họ là thế gian và rằng họ không và không thể sống một mình cho họ được. Tự-lợi và lo-sợ-cho-cái-ngã làm giảm đi cái cân đối của việc thấy mình và thấy người, giống như ý thức về phân-chia và bản-ngã làm tăng lên sự lo sợ và đau khổ cho cái ngã.

Để cho rõ nghĩa, ta tạm chia ra 3 loại người trên thế giới: người mù quáng, người ích kỷ và người vị tha.

Loại người mù quáng lang thang trong cuộc đời, không biết không lo về Pháp, chỉ lo nghĩ đến họ, hành động gần như không có lợi cho họ và chỉ đưa đến kết quả đau khổ; họ tin rằng họ thương họ, nhưng thực ra là không. Họ không xấu, không ích kỷ, không dại khờ; ích kỷ là cái gì trên trước họ vì người ích kỷ ít nhất biết cách tự lo trong khi người mù quáng và người dại khờ thì không và họ chỉ làm tổn thương họ mà thôi. Có nhiều người mù quáng trên thế giới; thế giới lún chìm dưới sức nặng của họ. Nếu thức tỉnh, họ sẽ thay đổi được con đường của họ.

Trang 113. Người tự kỷ tuy thấy được Pháp và cố sống với Pháp nhưng vì trí tuệ họ không được hoàn toàn nên họ bị thúc đẩy qua sự tự lợi. Họ tốt, không làm tổn thương người khác nhưng đó chẳng qua là vì lo sợ hay đau khổ hay vì muốn được cái gì đó, vật chất hay/và tinh thần. Nếu có thêm những người nầy thì thế giới sẽ tốt đẹp hơn vì họ thực sự biết-lo-cho-mình, không giết, trộm cắp, nói dối, gạt gẫm, gây chiến và muốn kéo dài chiến tranh, v.v...Những người điên rồ mới làm những chuyện xấu đó. Việc tự chế không làm xấu và cái tốt của người tự kỷ dù do bản ngã nhưng cũng làm lợi cho thế giới phần nào. Giống như một nụ hoa, cái mức độ tốt chưa hoàn chỉnh nhưng nó là một giai đoạn cần thiết của con đường Đạo; ta cần phải bắt đầu bằng cái ngã hầu có sự hiểu biết và vượt lên trên nó.

Dĩ nhiên, tính tự kỷ ở đây không được hiểu thấu toàn bộ mà nó là cái gì tiêu cực và có khi đi ngược lại với xã hội. Loại người tự kỷ nầy có cảm nhận ra tha nhân dù rằng họ nghĩ đến họ trước. Ta có thể gọi những người nầy là họ đang ở trong giai đoạn Tiểu thừa. Ta không thể coi thường mà ngược lại vẫn kính phục họ vì hó cũng là bậc cao thượng. Thường thì ta chỉ gặp những người tự cho là theo Đại thừa và xem thường những người theo Tiểu thừa. Quả thật là chuyện không hay và chỉ là những danh từ rỗng tuếch.

Vượt trên cái ngã, lên giai đoạn thứ ba đó là Đại thừa được hoàn tất qua sự thấy biết rốt ráo là ta không sống một mình. Đời sống là cái Toàn bộ với nhiều phần nhỏ hợp lại giống như viên kim cương có nhiều mặt. Ta không phân cách và đơn độc mà hiện hữu hỗ tương với mọi vật khác. Và trong khi ta bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng thuộc về cá nhân như lo sợ, đau khổ, tuổi già, chết chóc hoặc không giác ngộ được và vì vậy vẫn ở trong vòng Luân hồi vô tận thì đằng nầy qua Trí Tuệ, chúng ta có đủ thần lực để khuất phục nỗi thăng trầm của cuộc đời. Ta đã thấy được hầu hết các sự đau khổ của mình đều là do vô minh và si mê thế là ta có thể tránh được. Quả thật là một khám phá cực kỳ quan trọng! Thay vì đi tìm các nguyên nhân của những rắc rối từ bên ngoài mình, ta tự tìm ở bên trong! Lúc đó trong khả năng thông đạt của mình với tha nhân sẵn sàng nghe ta, ta hãy la to lên với mọi người rằng các xiềng xích cột chặt ta chính là cái mà ta đã tự tạo riêng. Cái nầy, chứ không phải là một tông phái hay tư duy Phật giáo với tâm thức phân biệt nào, mới chính là Đại thừa; nó là cái cốt lõi, tinh túy của sự Giác Ngộ dành sẵn cho Mọi Người

Trang 114. Ta có thể theo Đại thừa nhưng với sự thành thật khiêm tốn, không ai cần nói ra; th��t ra người ấy có thể không biết đến nó và cũng có thể khước từ nó! Không có dấu hiệu bên ngoài để nhận ra một Bồ Tát; họ cũng không lang thang ngồi kiết già như đã được vẽ ra trong nghệ thuật phổ biến của Phật giáo. Và nếu có vị Bồ Tát nào muốn giúp người thì để họ giúp, ta không cần cầu nguyện đến họ; chỉ cần ta tự đặt mình vào vị trí của người được giúp đỡ bằng cách giúp người khác trước. Nếu ai không tự chuẩn bị theo cách nầy, người đó không có lý do gì để nhận sự giúp đỡ từ người khác. Phải cho trước rồi mới nhận, gieo giống trước khi thu hoạch. Đây là điều hiển nhiên ai cũng biết, phải không?

Kết luận: Đại thừa và Tiểu thừa là thái độ, quan niệm của tâm hay thứ bậc của thức chứ không phải là tông phái, trường phái của Phật giáo.

%

Không làm cho ai cả.

Trang 115. Dù tôi được dạy là phải kính trọng người lớn tuổi nhưng tôi không trọng sự kiêu mạn nơi bất cứ ai, bất kể tuổi tác của họ.

Có nhiều hạng người khác nhau trên thế giới. Đi đây đi đó để nói chuyện, tôi không chỉ gặp nhiều hạng người thân thiện nhưng cũng gặp một số thô lỗ. Số sau làm nổi bật số trước và ngược lại. Có người cố ý thô lậu và cũng có người vô tình. Cũng chỉ vì họ không biết cách làm sao cho đẹp hơn; họ không biết và vì vậy có thể được chỉ dẫn.

Tôi thường cố gắng cắn môi không nói gì khi gặp họ nhưng cũng có lúc phải nói vì họ. Trong muôn một, tất cả chúng ta đều phải học hỏi nhau và việc giải nghĩa tại sao thô lậu là điều không đúng có thể là một hành động của lòng bi mẫn. Và tại sao thô lậu lại không đúng? Ta không thích người khác thô lậu với ta nên ta phải cố gắng không thô lậu với người khác: giản dị như vậy, không có gì khó hiểu, phải không?

Cách đây vài năm, tại thành phố Samaylian, tôi gặp một kẻ ba hoa dùng thì giờ của mình để khoe tài biết của mình. Tôi gặp ông ta vài lần trong năm. Mỗi lần gặp tôi là mỗi lần ông nói như búa bổ. Chẳng quan tâm đến việc hỏi han, ông đã quên rằng ông có 2 lỗ tai và 1 cái miệng thay vì ông làm ngược lại.

Cuối cùng vì chán chuyện nầy cũng như nản việc phô trương hiểu biết Pháp của ông, tôi từ chối không tiếp chuyện ông ta nữa dù rằng ông có lời yêu cầu. Thời giờ của tôi tốt hơn nên bỏ ra cho những người thành thật muốn học. Vã lại tôi cũng cần có thời giờ nghĩ ngơi vì tu sĩ không phải là ‘tài sản công cộng’. Tôi sẵn sàng đi đến những nơi nào các tu sĩ khác không đến được, nếu tôi nghĩ tôi có thể giúp ai đó hiểu được Pháp một chút–-tôi cũng có thể đi đến Mỹ, cái xứ quá kích động! Nhưng tôi không phải là đầy tớ và cũng không muốn được đối xử như vậy.

Trang 116. Tôi vừa mới được yêu cầu nói chuyện ở thành phố đó một lần nữa. Khi đến, tôi được cho biết là ông ta tẩy chay tôi và sẽ không tham dự các buổi nói chuyện của tôi và rằng nếu tôi muốn ông ta đến dự thì phải có lời yêu cầu ông. Tôi nói: ‘‘Nói với ông rằng đừng nín thở chờ tôi mời vì chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra!’’ Ông ta không tới nhưng tôi chẳng màng; thực sự tôi mong ông tẩy chay tôi những lần trước vì ông chẳng được cái gì nơi tôi. Tôi bắt đầu nói chuyện bằng cách hỏi quí thính giả đến đây để thấy tôi hay để học Pháp. Họ nói, như tôi đã hy vọng, rằng họ đến để nghe Pháp. Tôi nói: ‘‘Vậy thì ta nên bắt đầu. Người nói Pháp, cá nhân ông ta hay cuộc đời của ông ta, nên được để qua một bên; cái quan trọng là những gì ông nói. Để cho chắc chắn, bạn phải lắng nghe cẩn thận và dùng trí phân biệt của mình thay vì chỉ tin vào nó mà thôi. Đừng đến đây chỉ vì tôi và nghĩ rằng các bạn đang làm chuyện đặc ân cho tôi thay vì cho chính bạn. Dĩ nhiên là tôi có đề mục quan trọng để nói, nếu không thì tôi đã chẳng đến đây; nhưng điều đó không có nghĩa là nó quan trọng cho bạn; chỉ có chính bạn mới tự quyết định nó quan trọng hay không’’.

Nếu ông Già Ba hoa đó nghĩ rằng việc tham dự của ông là một đặc ân cho tôi thì tốt hơn ông không nên đến thì mới thực là làm ơn cho tôi! Cái ‘mất’ của ông (đáng lẽ ông có thể ‘được’, nếu cái tâm của ông rộng mở thêm một chút) là cái’ được’ của tôi: nhờ ông tránh xa tôi!

Cuối năm 1997, tôi làm một chuyến nói chuyện ở miền Đông Mã lai. Sau vùng Sandakan, vị chủ tịch Hội Phật Giáo công khai nói với tôi rằng ông đã yêu cầu ai đó ở Kualar Lumpur gởi cho ông một băng nói chuyện của tôi (để xem tôi có thích hợp cho nhóm của ông không; rõ ràng đây là ‘tiêu chuẩn’ của ông; ông ta đã kiểm duyệt hay thanh lọc tôi rồi đấy). Ông ta hơi bối rối khi nghe tôi nói: ‘‘Vâng, tôi vui mừng là đã đậu được kỳ thi của ông đặt ra’’. Sau đó tôi có viết, yêu cầu ông xem có thể cấp chứng chỉ chấp nhận được không và nếu được thì xin ông gởi cho tôi một bản. Tôi đợi.

Trang 117. Bẵng đi một thời gian, tôi cảm thấy cần thiết phải nói ra cái gì đó có liên quan đến việc sắp xếp các buổi thuyết Pháp. Quả thật là phiền khi phải nói ra chuyện nầy. Nhưng vì tôi không nghe ai nói vì vậy tôi phải nói dù biết rằng có người sẽ không thích nó. Vâng, thật tệ nhĩ.

-Có một vài điều kiện liên quan về vấn đề thuyết Pháp. Nó phải có, nếu không thì sẽ không có thuyết Pháp. Mục đích của một bài thuyết Pháp là để hướng dẫn con người giác ngộ; vì vậy nó không nên được xem nhẹ; nó là một hình thức cần phải có.

-Vị Chủ tịch của Tổ chức không phải chỉ là người giàu có, mua chức vụ đó mà phải là người có khả năng với sự hiểu biết và biết chăm lo về Pháp Phật. Ông ta nên làm gương cho những người đã bầu mình bằng cách tham dự nghe thuyết Pháp. Việc hiếm khi tham dự chứng tỏ phải có cải thiện. Thường chỉ khi nào có vị thầy nổi tiếng thuộc hàng giáo phẩm thì mới thấy các vị Chủ tịch tham dự. Rõ ràng là họ xem trọng Người hơn là xem trọng Pháp. Điều nầy không đúng. Chúng ta nói Pháp Bảo vật, vậy ta phải hiểu và xem nó như vậy chứ không phải xem Pháp là rác rưới!

-Đúng giờ là điều tốt cần được vun trồng như là một phần của việc hành Pháp. Một buổi thuyết Pháp nên được bắt đầu đúng giờ qui định và không nên xem nó nhẹ hơn một chương trình truyền hình như Hài kịch Jade, Gia đình Jade (một chương trình Hồng kông nổi tiếng được xem phổ biến hằng ngày tại Mã lai). Nó làm giảm giá trị Pháp Phật đi. Nếu người nghe không cố gắng đến đúng giờ chứng tỏ họ không thích thú lắm. Người ta khi đi làm thì cố gắng đến đúng giờ hoặc khi đi xem hát bóng thì đến trước giờ chiếu vậy thì tại sao họ ‘từ từ’ đi nghe Pháp Phật? Đây là một thói quen có thể và nên diệt nó đi.

Trang 118. -Cần có người chỉ số ghế trong thính đường xem họ ngồi đàng hoàng chưa trước khi mời Pháp sư lên giảng. Người giảng không phải đợi người nghe. Và trong khi nghe giảng, thính giả nên lắng nghe và không nói chuyện nhau hoặc đứng lên đi vòng quanh. Có người đứng lên đi ra ngoài khi họ không bằng lòng với ‘chuyện thần tiên’ mà họ mong đợi. Họ tự làm giảm giá trị và mất đi cơ hội có thể học tập của mình. Nhiều người cho là phước đức khi chỉ cần tham dự nghe giảng Pháp mà không cần lắng nghe. Chỉ tham dự thôi không đủ mà cần phải nghe và hiểu. Nếu không chịu nghe mà chỉ lo nói chuyện với nhau thì tưởng là làm phước nhưng thực ra là gây tội. Nếu vậy thì tốt hơn là nên ở nhà vì nói chuyện không chỉ tỏ ra bất kính mà còn làm phiền người khác không được nghe giảng trọn vẹn. Vẫn có thời giờ cho họ nói chuyện với nhau sau buổi giảng đặc biệt là có giờ hỏi đáp.

-Điện thoại di động nên được vặn tắt trong buổi giảng để tránh gián đoạn: cái đầu óc nặng nề thường ngày nên để ở ngoài với đôi giày.

-Nói về thông lệ, vật phẩm cúng dường của Hội Phật Giáo cho Pháp sư: đầu tiên, không có giá cả cho một bài Pháp vì vậy vật cúng dường không phải là một hình thức trả công mà chỉ là vật kỷ niệm nhớ ơn. Tuy nhiên, hình như các vật phẩm cúng dường thường đặt trên căn bản thứ bậc giáo phẩm, mức độ nổi danh, v.v... của giảng viên cùng với số lượng ít nhiều. Điều nầy không đúng. Nên được đối xử bình đẳng. Những gì cho một người cũng là những gì cho tất cả; không nên có sự phân biệt từng cá nhân. Các tu sĩ hành tụng trong các nghi lễ không nên được cúng dường nhiều hơn các tu sĩ làm giảng viên vì đây là sự rất bất kính đối với Pháp Phật và vì vậy làm hại người cúng dường.

Trang 119. Nếu tôi phải giữ vai trò Ngài Tiêu Diện (Ông Ác) là chỉ vì tôi bắt buộc phải làm như vậy. Về chính trị, nếu không có người phát ngôn đối lập, chúng ta sẽ thấy nhiều điều lạm dụng hơn nữa. Vậy thì đây là điều lành mạnh và cần thiết. Tôi không đòi hỏi cho tôi cái gì hơn là sự đối xử bình đẳng, không hơn không kém, và chỉ cố gắng điều chỉnh một vài kém khuyết mà tôi đã thấy được. Tôi ở vào hoàn cảnh phải làm vì tôi không có chùa riêng để phải lo. Nếu có, tôi sẽ không được tự do hoàn toàn để nói những gì tôi nên nói mà chỉ nói những gì làm vui lòng người ta để được họ ủng hộ. Phật Pháp lúc đó sẽ ‘thoả đáng’ và mọi người sẽ bị mất mát.

@

Mặt Tối Đen của Lịch-sử Ki-tô-giáo: Helen Ellerbe

Ta nên biết rằng giáo phái thờ đức mẹ đồng trinh Mary chỉ có sau nhiều thế kỷ bị khủng bố tôn giáo và cố gắng thất bại của Giáo hội Ki tô giáo để tiêu diệt các giáo phái tự nhiên bị coi là tà giáo và thờ phượng Mẹ-Nữ thần. Cuối cùng nhận ra là không thể thành công, Giáo hội hợp thức hóa sự thờ phượng mẹ Mary tại Hội đồng Ephesus năm 431, chấp nhận sự hết lòng phụng kính. Nhiều lần, với mưu chước, Giáo hội sửa đổi một số nguyên tắc để được, đúng hơn là bắt buộc, các người cải đạo.

‘‘Có một điều đáng quan tâm là Ki tô giáo đối với phái nữ đã khai trừ bất cứ hình ảnh nào có dính líu tới các khía cạnh quyền lực nhất của Nữ thần và có bộ mặt giống bà già phù thủy khôn ngoan. Ba gương mặt thần thánh nữ phái phổ biến trong các giáo phái trước Ki tô giáo là Đức Mẹ Đồng trinh, Mẹ và Phù thủy. Mary là hiện thân của 2 người đầu. Còn người phù thủy, đại diện cho sự tổng hợp của quyền lực và trí tuệ nữ phái, bị khai trừ khỏi các kinh điển thần thánh của Ki tô giáo. Sự bác bỏ của Giáo hội về bà phù thủy có ý nghĩa ở chỗ là gương mặt phù thủy sau đó tượng trưng cho kẻ thù tối hậu của Giáo hội.

@

Sự thật chứ không phải tưởng tượng.

Trang 120. Muốn cho công bằng, chắc chắn chúng ta phải dẹp bỏ tất cả các hệ thống một chiều chỉ ủng hộ các phe phái đặc biệt, và đi tìm sự cân bằng trong cuộc sống Tự nhiên. Sự quan tâm về ô nhiễm môi trường và bảo vệ các nguồn tài nguyên là một điều tốt và đúng hướng vì nó tạo cho mọi người hợp tác với nhau. Có thể ngành sinh thái học sẽ là tôn giáo tương lai vì con người càng ngày càng ý thức hơn rằng chúng ta chia xẻ quả Địa cầu Tốt đẹp của mình với vô số các hình thái sinh vật khác, học để sống chung với chúng chứ không phải sống dựa vào chúng. Chúng ta có nhiều thứ để học từ Thiên nhiên.

Vì ‘ỷ’ là đi thẳng đứng được 2 chân nên ta đã làm mất đi tính liên hệ với Thiên nhiên, tự xem đứng riêng với nó thay vì là một phần của nó. Vì thế, chúng ta đã cố gắng làm chủ và kiểm soát nó, đến nay thì thấy mình ở trong tình trạng rối bời! Chỉ khi nào thấy mình là một phần trong sự liên hệ với cái Toàn thể thì ta mới hiểu ta thêm. Tiếc là ta đã cắt đi sợi dây đó và sống tách rời thì làm sao ta hiểu được ta rốt ráo? Ta có vô số các thuyết lý và triết lý cho cuộc đời nhưng nếu muốn tìm Chơn Đế ta phải nhìn vào Thiên nhiên chứ không vào con Người và ý tưởng của nó vì Thiên nhiên không quên Chơn đế.

Thiên nhiên là trung tâm của Phật giáo chứ không phải là cái tôi của Phật Gotama. Chơn đế không phải là Con Người hay Sinh vật. Đức Phật không bao giờ nói: ‘‘Ta là Con Đường, là Chơn Đế, là Cuộc Đời’’ mà ngài chỉ cho ta Con Đường để tự tìm Chơn Đế cho mình. Ngài cắt nghĩa về Cuộc Sống không có cái ta. Ngài nói về ‘Ba Sự Thật Phổ Biến Trong Cuộc Đời’ tức ‘Tam Pháp Ấn’ mà không ai, nếu có cái nhìn khách quan không thiên kiến, không thể bác khước được. Sau đây là một đoạn trong Kinh ‘Định luật Vạn Pháp’ thuộc Kinh điển Pali:

Trang 121. {Tôi được nghe như vầy: Một thời Bậc Thế Tôn đang ở Savatthi tại vườn ông Trưởng giả Cấp Cô độc của Thái tử Jeta. Lúc đó Đấng Thế Tôn đã nói như sau với các Tỳ kheo: ‘‘Này các Thầy Tỳ kheo’’. Các Tỳ kheo đã trả lời với Ngài: ‘‘Bạch Thế Tôn’’. Ngài nói tiếp: ‘‘Này các Thầy Tỳ kheo, có Như Lai (Đức Phật dùng chữ Như Lai để chỉ về ngài; có nghĩa là: ‘Người đã đến như vậy’), hay không có Như Lai, cũng đều có sẵn ‘Định luật Vạn Pháp’. Đó là tất cả hữu vi Pháp đều Vô thường. Như Lai là hoàn toàn hiểu biết, là trọn vẹn tỉnh thức điều đó. Người đã tuyên bố, chỉ cho thấy, thiết lập, giảng rõ và làm sáng tỏ: Tất cả hữu vi Pháp đều Vô thường.

‘‘Này các Thầy Tỳ kheo, có Như Lai hay không có Như lai, cũng đều có sẵn ‘Định luật Vạn Pháp’: Tất cả hữu vi Pháp đều là Bất Như Ý (Khổ). Như Lai là hoàn toàn hiểu biết, là trọn vẹn tỉnh thức điều đó. Người đã tuyên bố, chỉ cho thấy, thiết lập, giảng rõ và làm sáng tỏ: Tất cả hữu vi Pháp đều Bất Như Ý (Khổ).

‘‘Này các Thầy Tỳ kheo, có Như Lai hay không có Như Lai, cũng đều có sẵn ‘Định Luật Vạn Pháp’: Tất cả hữu vi Pháp đều là Vô Ngã. Như Lai là hoàn toàn hiểu biết, là trọn vẹn tỉnh thức điều đó. Người đã tuyên bố, chỉ cho thấy, thiết lập, giảng rõ và làm sáng tỏ: Tất cả hữu vi Pháp đều Vô Ngã.

Bậc Thế Tôn đã nói như vậy. Các Tỳ kheo hoan hỷ với những lời Ngài nói}

Đây là Tam Pháp Ấn (Ba Sự Thật Phổ Biến). Nhờ sự nhận ra và hiểu biết chúng, Thích Ca Mâu Ni mới thành Phật, Giác ngộ và Giải thoát.

Vô Thường:

Mọi vật sau khi hình thành đều hướng đến sự tan rã: có hợp thì có tan, có xây thì có phá, có sinh thì có tử.

Trang 122. Cố bám vào các sự thay đổi ấy đều gây ra đau buồn, thống khổ. Trong tất cả các cuộc diễn trình có vẻ như hội chợ trên quả Địa cầu nầy, không có cái gì không thay đổi và trôi qua. Dù được sinh ra dưới một hình thức nào, kết quả tự nhiên không tránh được của cái sinh đó là cái tử. Vì thế, một người thông minh lợi dụng các cơ hội của mình để tìm Chơn Đế ngay khi còn sống trên thế gian nầy; người ấy không mong tìm Chơn Đế sau khi chết.

KHÔNG-NHƯ-Ý (DẬU -KHƯ):

[LND: Xin quí độc giả, học giả hay hành giả lưu ý điều sau đây, sẽ cảm ơn hơn nếu được hồi ứng của quí vị.

1. Từ trước đến nay hầu hết chúng ta hay biết đến chữ ‘khổ’. Gốc của chữ nầy được dịch từ tiếng Pali ‘dukkha’. Nó có rất nhiều nghĩa chứ không phải chỉ có một nghĩa rốt ráo tột cùng là ‘khổ’. Tiếng Anh dịch chữ ‘dukkha’ là ‘suffering’ và nhiều chữ khác là ‘ill, evil, unsatisfactoriness, unrest’. Chữ ‘dukkha’ gồm tất cả năm nghĩa (nghĩa đầu thì phổ cập, hai nghĩa kế xin để quí vị suy nghĩ và cho biết ý kiến, hai nghĩa sau tôi tạm dịch là: không-như-ý, không-yên-ổn).

2. Tôi để nguyên chữ ‘dukkha’ (âm ra tiếng Việt là ‘dậu khư’ để dễ đọc) không dịch vì tính nhiều nghĩa của nó mà để tùy cái ‘TÂM’ cái ‘THỨC’ cái ‘MỨC SUY NGM’ của mình muốn hiểu sao thì hiểu miễn là trong phạm vi của tất cả các nghĩa của nó. Hai chữ khác mà người Việt mình ai cũng biết trong vô số các chữ về tâm linh của Đông phương không được dịch là âm Niết-bàn (Nibbana, Nirvana) và âm A-la-hán (Arahat, Arhat)]

Dậu-Khư (Không-Như-Ý)

Dậu-Khư là âm Việt được phiên âm từ chữ ‘dukkha’ của tiếng Pali. Nếu hiểu tường tận chữ ‘dukkha’ (dậu-khư), ta sẽ hiểu ý đức Phật tại sao muốn dùng nó. Ngài nói: Sanh là dậu-khư; Lão là dậu-khư; Bệnh là dậu-khư; Buồn rầu, Than vãn, Đau khổ, Chán nản là dậu-khư; Ái (mà) biệt ly, Oán (mà) hội ngộ là dậu-khư; Cầu (mà) không được, Được những cái không cầu (ngũ ấm thạnh?) là dậu-khư. Và Chết là cái dậu-khư cuối cùng. Nói chung, nói đến tình trạng hay điều kiện vật chất là nói đến dậu-khư.

Ngài tiếp tục dạy rằng nếu phải dùng chữ bất như ý (dậu-khư) thì ta vẫn có khả năng chấm dứt nó mà không còn mong muốn gì, trong sự buông bỏ, từ khước, thoát khỏi sự mong cầu và không vướng mắc.

Và ngài gọi con Đường dẫn đến tình trạng nầy là Niết bàn. Ta có thể thực chứng được nó ngay trong đời nầy chứ không phải là một tình trạng hay nơi chốn nào xa vời sau khi chết. Con Đường đó gồm 8 bước được gọi là Bát Chánh Đạo: 1. Chánh Kiến (Tri); 2. Chánh Nguyện (Vọng); 3. Chánh (Ngôn) Ngữ; 4. Chánh (Hành) Nghiệp; 5. Chánh Mạng; 6. Chánh Tinh tấn; 7. Chánh (Ý) Niệm; 8. Chánh Định (Tâm).

Con Đường của Đức Phật tức Bát Chánh Đạo là Con Đường Trung Dung của tâm An bình, đuốc Trí tuệ, kho Hiểu biết và huệ Giác ngộ.

Trang 123. Vô Ngã

Không sự gì vật gì tự nhiên mà có; mọi sự mọi vật hiện ra tùy thuộc các yếu tố khác nhau; chúng lưu lại một thời gian sau đó không còn nữa. Chẳng có gì độc lập; mọi thứ tùy thuộc vào nhiều thứ khác; thật vậy, nếu nhìn sự vật thật rõ ràng, chúng ta sẽ thấy rằng chúng đều liên quan nhau, nối kết nhau. Nó có nghĩa là sự tương quan tương tác và tương hữu: sự hợp nhất của đời sống. Vì vậy tình huynh đệ không phải là một ý tưởng trừu tượng hay một giấc mộng xa vời mà là một điều có thực. Tuy nhiên thường là trong thực tế, ta lại không thích thấy nó mà chỉ thích sống ngược lại với nhau.

Con Đường của đức Phật (Phật Đạo) không cần tin, chỉ cần thực hành và áp dụng một cách sáng suốt thông minh. Thực vậy, niềm tin được xem là chướng ngại và trái lại với những gì nhiều người nghĩ, Tin và Tín có nhiều di biệt. Tin thì không có Trí; Tín thì có Trí trong đó, Tín là tin vào cái gì đó mà ta có chút Tri thức và Kinh nghiệm về nó (Đây là ví dụ về sự khác nhau của Tin (Belief) và Tín (Faith): Hỏi người Ki tô giáo là họ tin (belief) có quỷ Sa-tăng, cósự-xấu-xa-và-là-kẻ-thù-của-thượng-đế (the Devil) không, thì hầu hết đều trả lời là ‘Có’. Nếu tiếp tục hỏi họ có tín (faith) nơi quỷ Sa tăng hay không thì tôi rất không chắc là họ cũng sẽ trả lời có.

Từ điểm nầy, ta có thể thấy rằng Phật Đạo không đặt trung tâm cá nhân Phật mà đặt chung quanh Sự Thật vừa không thể chối cãi vừa hữu hình và thực chứng được. Nó là Con Đường rõ ràng, dân chủ và không độc thuyết. Nó là Ở Đây và Bây Giờ. Chỉ có một đòi hỏi là chúng ta phải đi (đều bước) với nó.

@

Thư cho người Thầy cũ.

Trang 124. Thầy Ravencroft thân mến,

Tôi không viết cho Thầy đã lâu nên nay xin có một số điều xin nói với Thầy. Thầy có phiền không nếu tôi kể lại những chuyện mà tôi thường nói với các người tỵ nạn trong trại tại đây?

Khi còn nhỏ tôi ghét đi học, không phải vì tôi khờ hay không có khả năng mà chính vì tôi không thích bị người ta bắt đi học. Tôi hư nghịch lắm, đôi khi lại bỏ học; có thể tôi là người học trò hư nghịch nhất trong trường. Tôi không nghĩ được ai có thể hư nghịch hơn. Tôi bị đòn nhiều lần. Rời trường tôi rất vui. Bây giờ sau nhiều năm tôi nhận ta rằng tôi chưa bao giờ rời trường học mà thật ra là tôi vẫn ở trường nhưng cái trường mà tôi hiện học chỉ có mái che mà không có tường chung quanh: nền trời là mái che. Có sự khác nhau giữa bây giờ với ngày trước. Tôi thích học-tập. Đời tôi mỗi ngày là sự phiêu lưu, là một hành trình các điều khám phá mới lạ.

Tôi học-tập rất nhiều từ Thầy đã lâu, trong đó một vài điều chỉ mới xảy ra cách đây vài năm. Thầy đã chẳng cắt nghĩa cho tôi rằng những gì không có trong bức tranh cũng quan trọng ngang như những gì có trong đó. Điều nầy được nói đến trong triết học Đông phương, đặc biệt là Trung hoa. Giống như những khoảng trống giữa các nốt nhạc hoặc giữa các vần trong chữ: nếu không có các khoảng trống sẽ có sự mơ hồ vô nghĩa. Thưa, Thầy có bao giờ nghiên cứu Triết Đông chưa?

Tôi viết thư nầy nói lên sự biết ơn trễ tràng của tôi với Thấy về các cố gắng kiên trì của Thầy với tôi (ngay cả chuyện roi vọt cũng là điều tốt cho tôi mà đúng ra là tôi nên nói: đặc biệt là chuyện bị đòn). Phải có thời gian cho một hột giống nẩy mầm và phát triển. Không thể có ngay một cái cây kết trái ngay. Nhìn lại không biết tại sao tôi không bị đòn thêm. Tôi đáng bị thêm lắm. Bây giờ thì tôi đang ở trong tình trạng của Thầy ngày trước, tôi đang hiểu cái khó khăn nó như thế nào khi giữa vai trò là người thầy cố gắng truyền đạt kiến thức cho người khác. Bây giờ người ta gọi tôi là ‘Thầy’, mong tôi biết những gì họ không biết. Vâng, tôi cảm thấy cần phải nói ra là chúng ta nên phá bỏ đi cái thói quen luôn luôn chờ đợi để được dạy và với tất cả sự khiêm tốn mà thành một người học hỏi, học tập. Nó khác với vai trò của người học sinh, phải không Thầy? Tôi cảm thấy, mỗi một sự một vật gì đó luôn cho chúng ta biết một cái gì đó; chúng ta có nên luôn nghĩ rằng tất cả kiến thức đều nằm trong một người hay một số người không? Các môn thuộc khoa học tự nhiên mà ta đã có ở trường là những bài học tuyệt vời; tôi chỉ mong rằng sẽ có thêm nhiều môn nữa.

Trang 125. Có một lần tôi muốn là thầy giáo dạy sử nhưng không thành. Bây giờ dù nhận ra rằng cái hiện tại dựa vào quá khứ của nó, giống như cái đỉnh tuyết ở trên chóp núi nhưng tôi đã mất sự thích thú về lịch sử đã được ghi lại. Nói cho cùng thì lịch sử (history) cũng có một phần của ‘câu chuyện (chủ quan) của mình’ trong đó (his story): nó thường có thiên kiến và bị vặn vẹo. Để chắc hơn, có nhiều việc ta có thể và nên học tập từ quá khứ để sống cho hiện tại. Chỉ có một ngày 6-8-1982: nó trôi qua, không thể trì kéo lại và cũng không thể thay đổi, trước đó không có một ngày như vậy, sau nầy cũng không có một ngày như vậy. Cuộc đời, tuy với tất cả sự đau khổ và giả huyễn của nó, vẫn còn đáng sống, miễn là chúng ta học tập được cái gì đó, lúc đó chúng ta sẽ không từ giã nó với tay không.

(Trại Tỵ nạn Bataan, Phi luật Tân, 6-8-1982)

***

Tôi xin cập nhật hóa một chút. Tôi trở về nước Anh cuối năm 1985. Đầu năm 1986, đi thăm ông Ravencroft, tôi thấy ông đã già yếu và run rẩy đến độ không nhận ra tôi. Tôi thì nhớ ông và đây là điều quan trọng; tôi nhớ và tận mặt đến cảm ơn ông đã giúp tôi hiểu cái gì đó. Tôi từ giả ông, cảm thấy may mắn đã gặp ông lại.

Trang 126. Mười năm sau, tôi lại trở lại nước Anh và đến thăm làng quê tôi. Nơi đó tại sân nhà thờ trong số các bia mộ cổ xưa phủ đầy cỏ rêu, tôi thấy một bia hoa cương mới cho biết đây là nơi an nghĩ của người thầy cũ và vợ ông. Tôi lặng nhìn một lúc để tưởng niệm ông.

Từ lúc tôi viết bức thư vào năm 1982 đã có nhiều thay đổi. Một trong những sự thay đổi đó là sự quan tâm của tôi về lịch sử, bởi vì mặc dầu nó ít có sự thật hơn ngày trước, nhưng quá khứ là một tài sản quí báu cho mỗi chúng ta. Chúng ta có thể tạo nên cái ý nghĩa của cái hiện tại bằng cái phương tiện của quá khứ; nếu không nó chẳng có ý nghĩa gì cả.

Hiện tại là quá khứ với một chút thêm thắt; nếu không, sẽ chẳng phải là hiện tại. Có thể chúng ta chuẩn bị nó như một bờ san hô, được dựng lên chậm chạp và khó có thể nh���n ra bởi vô số san hô tí hon. Quá khứ đã qua như nhiều người nghĩ. Nó vẫn còn ở đây, nói với ta và dạy ta bằng nhiều cách; chúng ta khá mắc nợ nó. Như đã được nói tới nhiều lần trong quyển sách nầy, chúng ta hoàn thành được gì thì cứ hoàn thành, không phải chỉ do cố gắng riêng của mình mà còn nhờ những người khác trước ta; chỉ do ta, một mình, cô lập, chúng ta không làm gì được. Là một thành viên của cộng đồng nhân loại giúp ta có cảm hứng để đóng góp bất cứ cái gì có thể cho sự tiếp nối sang trang.

*

‘‘Một thời đại được coi là Đen tối không phải vì ánh sáng nó không chiếu được mà vì con người từ khước chuyện thấy nó’’. James A. Michener: Không gian

(Thời được gọi là Mạt Pháp không phải vì Phật Pháp ‘mạt vận’ nhưng vì con người không chịu học tập Chánh pháp)

* * *

Không Tranh Đua, Không Vội Vã.

Trang 127. Thỉnh thoảng có người hay hỏi: ‘‘Thầy làm tu sĩ được bao nhiêu năm rồi?’’, hay ‘‘Bà ăn chay bao lâu rồi?’’ hoặc ‘‘Anh giữ được bao nhiêu giới?’’, v.v...Những câu hỏi nầy không đẹp không khéo vì nó ngụ ý so sánh, đo lường hoặc phán đoán.

Trên đường Đạo, chúng ta không tranh đua với ai, không chạy đua để xem ai thắng, ai giỏi nhứt, ai thánh thiện nhứt, mà chỉ cố gắng tự cải sửa và trong khi làm như vậy tức là cải thiện cộng đồng thế giới.

Người ăn chay phải cẩn thận đừng trở nên tự hào là ta ăn chay, nếu không thì sẽ mất cái phước mà họ đã có từ chuyện ấy. Thực tế là họ không làm gì tich cực mà chỉ ngưng làm chuyện tiêu cực (đó là chuyện ăn thịt), tuy điều nầy có một ảnh hưởng tích cực ít nhất là cho thú vật. Kiêng ăn thịt vì làm như vậy là đúng chứ không phải là do tư tưởng ‘làm công đức’, hoặc để cho có sức khỏe hơn. Làm đúng không phải là lý do để tự hào.

Thật buồn cười khi ngay cả trong các tổ chức tôn giáo, con người lại đấu tranh và âm mưu để đạt các địa vị quyền lực và thanh thế. Làm và hãnh diện như vậy tức họ đã làm tiêu tan toàn thể mục đích của việc theo Pháp. Thường thì một khi có quyền lực và địa vị, họ xao lãng làm công việc của địa vị đó đòi hỏi hoặc lạm dụng quyền lực đó. Tôi đã thấy quá thường các chuyện ‘xoay trở’ để có bất cứ chức vụ nào đó trong các Trại Tỵ nạn, bất kể là họ có khả năng tư cách hay không. Trước đây trong nước của họ, có thể họ đã giữ những địa vị cao cấp, rồi khi trở thành người tỵ nạn, cảm thấy là không chịu nổi với sự xuống cấp trở thành dân giả. Tôi thấy họ trong các Ủy ban trong chùa của Trại Tỵ nạn, không biết gì về Phật giáo, không làm gì cho chuyện truyền bá giáo pháp nhưng lại không chịu nhường bất cứ chức vụ nhỏ nhoi nào để cho những người có khả năng khác đảm trách. Họ giống như gà giò muốn làm đại bàng. Đại bàng có thể bay xuống đất để ngóng trông bằng con mắt của gà, nhưng gà chỉ có thể bay lên cao chút ít mà không thể nhìn phía dưới với cặp mắt đại bàng được. Cũng giống như anh bán cá vào nhà thương tự xưng là bác sĩ giải phẫu: anh ta có thể xẻ cá giỏi nhưng không thể nào có khả năng trình độ để mổ xẻ bệnh nhân. Có thể chuyện làm văn phòng của những người không có đủ trình độ nầy là một trong những lý do mà họ đã làm họ mất nước. Đến lúc nào thì người ta mới học thấy chuyện nầy?

Cây sai quả cành trĩu xuống. Cây không quả cành thẳng cứng. Cũng vậy, khi lòng tự hào con người ‘sai trái’, họ ngẫng đầu lên, trong khi những người đạt chút ít quả trên con đường Đạo thì họ không xấu hổ mà hạ đầu xuống!

&&&

Thật là tệ!

Trong góc của một sở thú Anh quốc, có một tấm kiếng đúng tầm kích với câu sau đây: Bạn đang ngắm nhìn một con thú nguy hiểm nhất thế giới, để nhắc cho bất cứ ai nhìn vào sẽ nhớ rằng loài người nguy hiểm hơn bất cứ loài vật nào khác.

Chúng ta giết nhau, điều mà trong thế giới loài vật (giống vật nầy có thế giết giống vật khác nhưng ít khi nó giết cùng giống với nhau). Loài người cũng gây ô uế rác rưởi cho hàng triệu dặm vuông trên đất liền và làm ô nhiễm biển cả, giết hàng triệu chim muông, côn trùng, cá và các sinh vật khác.

Đã có đủ lý do cho tất cả chúng ta cố gắng thêm để giúp duy trì các tài nguyên quí giá của Trái đất.

@

Chùa là gì?

Trang 129. Mỗi một người xem ngôi chùa là một nơi với ý nghĩa khác nhau sau đây:

- nơi công cộng giống như công viên dùng để nghỉ ngơi, chụp hình, gặp bạn, ăn uống, xả rác, v.v...

- nơi được miễn phí một vài thứ

- nơi có thể đổi giày dép cũ thành mới

- nơi ‘khoe’ địa vị, quyền lực, danh tiếng

- nơi để làm công đức, nơi để đốt một rừng nhang tạo khói thánh

- nơi để cầu xin, hạ mình, thỉnh cầu cứu nạn, tìm các con số may mắn, thi đậu, đỏ tình, v.v...

- nơi cho sự an ủi, khuây khoả, đơn độc; tránh xa các rắc rối và áp lực ở nhà và nơi làm việc.

- nơi học tập được sự ích lợi ứng dụng vào cuộc sống ngoài đời (chỉ một số ít)

Ngày nay, mặc dầu đã có các tín ngưỡng truyền thống tôn giáo nhưng số người công khai tự nhận không theo tôn giáo đã tăng nhiều, con số nầy tiếp tục tăng. Các khuynh hướng nầy tụ lại thành 2 phe:

Đời sống thời nay đã trở nên mau lẹ và phức tạp. Ta có thể cho là máy móc. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy khó thích ứng với tốc độ thay đổi nầy. Thật dễ hiểu tại sao chúng ta trở nên xa lạ, chán nản và loạn thần kinh. Vì cần tìm một cái gì để bám trụ nên có người ẩn dật tìm về quá khứ, về những gì tổ tiên có, hầu tìm lại sự vững mạnh và an lạc, đặc biệt từ nơi tôn giáo. Đây là lý do tại sao ta thấy có sự trổi dậy các ‘‘Trào lưu Chính thống’’, bám chặt vào các hình thức cổ đại được xem là các thành phần vượt thời gian và rất cần thiết của tôn giáo với sự tin tưởng rằng các câu trả lời cho tất cả các vấn nạn của hiện tại và tương lai đều nằm trong đó. Nhưng, nếu có chuyện, điều nầy chỉ làm tăng các vận nạn thêm thôi vì trước nhất là các thực tế của cái hiện tại thường bị bỏ qua và tránh xa vì chỉ nhìn đàng sau thay vì phải nhìn phía trước. Thứ hai, sợ hãi bám chặt vào các tư tưởng và niềm tin cũ, điều không may là lại thường bám hơn là không bám và không có căn cứ, lại làm phân rẽ con người tạo thêm xung đột và vấn nạn. Vì vậy cho đến ngày hôm nay chúng ta vẫn còn có ‘Thánh Chiến’ hay ‘Tử vì Đạo’. Các ‘Trào lưu Chính thống’, như cố Ayatollah Khomeini của nước Ba-tư và những người nối nghiệp thường là các người cuồng tín nguy hiểm và trong một thế giới mà các hậu quả khủng khiếp có thể đem lại cho con người bởi các ngón tay ngứa ngáy trên các nút bấm, các ý tưởng đơn độc mà cho là đúng trong khi những người khác thì đương nhiên là sai, suy nghĩ ra thật là đáng sợ.

Trang 130. Rất nhiều vấn nạn trên thế giới có thể trực tiếp nhận thấy qua sự suy nghĩ nông cạn là ‘Tôi đúng, anh sai’. Những người thuộc Trào lưu Chính thống (Đạo) ít khi có quan điểm căn bằng về cuộc Đời và tự họ hay làm cho người khác để ý đến bầu nhiệt huyết không mệt mỏi để ảnh hưởng và gây nhiễm tư tưởng của họ cho người khác. Trong lãnh vực chính trị, người cộng sản là thí dụ điển hình nhất cho việc nầy trong thời đại ta; trong khi ở lãnh vực tôn giáo thì cũng rất rõ ràng để nói là ai thắng giải nầy mà không cần phải kể tên ở đây.

Đối với những người hoàn toàn phản bác tôn giáo vì bất cứ lý do gì hay những ai không quan tâm một chút nào về tôn giáo thì phải nói là tôn giáo không ảnh hưởng chút nào cả đối với những người nầy. Nếu họa chăng có khi nào nghĩ đến thì họ chỉ nhún vai cho rằng lỗi thời và không liên hệ gì cho ngày hôm nay. Đây cũng là một cực đoan nhưng tôi hiểu và thông cảm với những vị có các suy nghĩ nầy hơn là với các vị của Trào lưu Chính thống. Nhiều người đã ‘uống’ quá ‘đô’ nên ngán ngẫm các giáo điều và mê tín không biện giải được vì tôn giáo đã cố gắng áp đặt họ nhưng thất bại. Các sự việc nầy bị phản bác, bị xem là lỗi thời không thể được chấp nhận là rất đúng.

Trang 131. Tuy nhiên đôi khi người ta ‘‘bỏ con nít và đổ cả nước’’ ý nói đến sự khước từ toàn bộ những gì có liên quan đến tôn giáo; họ bỏ cả tốt lẫn cả xấu. Nhưng họ không thể bị buộc có trách nhiệm cho chuyện nầy vì thường đây chỉ là phản ứng chống lại quá khứ. Đây là tùy thuộc vào công việc ‘dọn dẹp nhà cửa’ của các lãnh tụ các giáo phái, dọn dẹp từ trên xuống dưới, đem tôn giáo tương xứng với các kết quả của khoa học đương đại và tâm lý học (hay ít nhất, không giữ nó đi ngược lại với khoa học). Càng sớm làm điều nầy, toàn thể thế giới sẽ càng mau tốt đẹp.

Tôn giáo và Khoa học đã ly dị và chống nhau từ bao lâu nay, mặc dầu thực sự không có lý do tự nhiên nào cho chúng chống; chính vì Tôn giáo thường đòi hỏi lòng tin tưởng mù quáng vào những sự những việc mà nó không chuẩn bị hay không có khả năng chứng minh. Bây giờ thì, trong Thời đại Không gian, sự cần thiết kết nối lại khoảng trống nhân tạo giữa hai lãnh vực lớn lao của sinh hoạt con người cấp bách hơn bao giờ hết.

Đã qua rồi- cũng là may!- cái thời mà Tôn giáo ra lệnh tín hữu của họ suy nghĩ và hành động theo họ. Tuy nhiên buồn thay nhiều người không biết phải làm sao với chữ tự do thình lình đến với họ nhờ kết quả của những người khác tạo ra. Trong số những người đó, sẽ có người tốt đẹp hơn nếu họ không được cung cấp tự do vì có nó họ sẽ làm hại hơn là làm lợi cho nhân quần xã hội (Chứng kiến các hành động cử chỉ của một số khán giả người Anh tại các trận đấu bóng tròn, cho ta thấy rõ ràng đây là sự lạm dụng của tự do). Dân chủ là một cái gì mà nhiều người rõ ràng là không sẵn sàng với nó giống như chó không có khả năng trân quý kim cương; chúng đã được phục vụ với đĩa ăn thay vì chúng phải tự kiếm ăn mới đúng.

Trang132. Trong một phần lịch sử châu Âu ‘thời Trung cổ’ (Thời Trung cổ trải dài từ cuối thế kỷ thứ V đến ít nhất là năm 1150 {có sách nói 1350, có sách nói 1500. M.T.) và mãi đến cuối thế kỷ 17, các Giáo hoàng La mã duy trì quân đội riêng của họ và thỉnh thoảng sai khiến họ ra chiến trận! Nhưng ngày nay, tôn giáo đã mất móng vuốt và mất cả quyền lực và trong nhiều trường hợp đã bị tách rời ra khỏi quyền lợi của nhà nước. Tuy nhiên, nó vẫn có vai trò rất quan trọng và có lợi trên thế giới, chỉ mong rằng tôn giáo đó sẽ không tiếp tục sống trong quá khứ.

Trong nhiều năm các cố gắng của tôi truyền đạt giáo Pháp phần chính là cho người Á châu, vì tôi cảm thấy rằng người Tây phương nếu muốn học Pháp sẽ dễ dàng hơn người Phật giáo Á châu. Tại sao tôi cảm thấy như vậy? Không phải vì tôi sợ Á châu (Tôi thì không nếu không muốn nói ngược lại!). Cũng không phải vì tôi nghĩ người Tây phương thông minh hơn hay tốt đẹp hơn bất cứ người Á châu nào. Đó là vì, nếu người Á châu muốn học về Phật giáo thì họ phải phấn đấu với bao nhiêu là truyền thống và dị đoan cũ kỷ đã tích tụ chung quanh nó qua nhiều thế kỷ và đôi khi chỉ có chút ít hoặc chẳng chút nào liên hệ đến Phật giáo! Một thí dụ điển hình của chuyện nầy là việc đốt giấy tiền vàng bạc đủ mọi thứ giả với lòng tin rằng người chết sẽ được những thứ thiệt ở thế giới bên kia. Có một lần ở Malacca, tôi chứng kiến việc đốt một hoàng cung giả với đầy đủ đồ ‘phụ tùng’ và quần-áo-của-người-hầu (chế phục),v.v...trị giá 4.000 đô la Mỹ! Tuy nhiên, các tu sĩ trong chùa đó không làm gì trong việc cản ngăn sự dị đoan hoang phí tốn kém vô ích nầy: sự im lặng của họ ngầm tán trợ sự tiếp tục.

Nếu một người Á châu muốn hiểu bi���t Phật học thật khó vã lại biết bắt đầu từ đâu. Quả thật nhiều người, vì không thích điều tra cặn kẽ, có thể không ý thức được sự bắt đầu có tính cách vàng thau lẫn lộn nên chấp nhận cái toàn thể mà không nghi ngờ gì cả. Phải nhận rằng, ‘cái không biết đôi khi là niềm vui sướng nhất (‘không có vô minh cũng không có hết vô minh..’ tức ‘vô vô minh diệc vô vô minh tận’,...:‘Bát nhã Ba la mật đa Tâm Kinh’; hoặc, ‘‘ Where ignorance is blissful....M.T.), và con người có vẻ ‘đạt’ an ủi, khuây khoả, mãn nguyện từ đó. Nhưng Phật giáo không phải là như vậy. Người trẻ ngày nay và mai sau có chấp nhận sự việc mà không thắc mắc không? Có dấu hiệu cho thấy nhiều người Á châu sống ở phương Tây hiện đang có cơ hội chiều theo những tham muốn mà trước đây họ chưa thỏa mãn, họ sẽ trở nên vật chất hơn người phương Tây. Nhiều người từ bỏ văn hóa và tôn giáo của họ để chạy theo lối sống Tây phương mà không chịu tìm hiểu nó trước. Tôn giáo có liên hệ gì đến những kẻ cơ hội nầy không? Nhiều người không đến chùa trừ khi có thân nhân hoặc bạn bè qua đời. Nhưng họ có thể bị trách cứ không, khi hầu như không ai chăm lo hoặc cắt nghĩa đầy đủ cho họ.

Trang 133. Người ta nói Khổng Tử đại khái đã nói như sau: ‘‘Nếu bạn thương người mà người không thương lại, hãy nhìn lại cái thương đó’’, tức nói đến cái khả năng tự kiểm và tự kỷ của ta. Các nhà lãnh đạo tôn giáo nên cố gắng hơn trong việc hiểu người thay vì muốn người hiểu mình hoặc hay nói: ‘‘Ừ, thời mạt pháp mà, làm gì được?’’

Phật giáo là con đường dựa vào Chuyển, Đổi, Thay, Dịch. Các hình thức của nó đã thay đổi, chuyển dịch trong quá khứ nhiều lần và cũng sẽ thay đổi, chuyển dịch trong tương lai. Tuy nhiên nếu bản thể vẫn còn thì điều đó không hề hấn gì. Giữa hình thức Phật giáo Việt-Hoa với hình thức Phật giáo Ấn độ nguyên thủy, chẳng hạn, có rất nhiều dị biệt. Điều nầy cũng không ngạc nhiên vì Phật giáo giống như một dòng nước ở trên đầu nguồn nó hoàn toàn trong sạch. Khi lần chảy xuống dưới hạ lưu, nó có thêm những dòng sông nhỏ nhập vào, dần dần rộng lớn hơn cùng với các thứ loại khác như lá cây, đá sỏi, củi mục, bùn lầy, đất cát, thú chết và đôi khi có thể có những cục vàng. Tất cả chảy ra biển, lúc đó dòng nước không còn tinh sạch như trước mà có đủ thập loại bẩn thỉu nhiễm ô. Làm sao mà không như vậy được. Cửa biển quá xa cội nguồn, xa cả thời gian lẫn không gian.

Trang 134. Hiện nay càng ngày càng ít người đi chùa đều đặn. Trong số nầy nhiều người trước đây đã từng đi chùa thường. Nếu hỏi lý do tại sao, có thể họ nói lá quá bận và không có thì giờ. Đây chỉ là một lý do; có những lý do khác không nói ra. Tôi chắc chắn. Tôi chịu nhận là lối sống Tây phương, chẳng những thấy rõ ở phương Tây mà còn ở các phương khác, rất nhanh mau và sôi nổi cuồng nhiệt. Nhưng tôi không nhận rằng nó không phải là cái cớ để đổ thừa cho tất cả các rắc rối của chúng ta; không là một điều công bằng khi đổ lỗi cho lý do bên ngoài đối với mọi chuyện xảy ra; ta nên nhìn gần ta hơn để thấy thêm các nguyên nhân. Nhiều người Á châu thay đổi rất nhiều sau khi sống ở phương Tây một thời gian; tôi đã nghe người ta than phiền là họ thấy bạn bè đã thay đổi nhiều sau khi họ gặp lại chỉ một vài năm sau.

Chúng ta Thay đổi, vâng–mọi việc Thay đổi, Thay đổi thường xuyên–nhưng ta có phải luôn luôn là nạn nhân của Thay đổi và thoái hóa, hoặc có thể ta hiểu biết và sử dụng sự Thay đổi ấy để tiến hóa và trở nên tốt lành hơn? Một con tàu không bánh lái sẽ bị sóng gió vùi dập, nếu có bánh lái nó sẽ được điều khiển đi bất cứ hướng nào mình muốn.

Trong nhiều năm tôi đã nói rằng mỗi chùa nên có–để cân bằng với cái thùng ‘Phước Điền’ có mặt khắp nơi trong chùa–thùng Góp ý. Người ta sẽ viết góp ý hoặc than trách về ngôi chùa, có hay không có tên tùy họ muốn. Với cách nầy, như là một hệ thống đân chủ, mọi người cảm thấy rằng họ có tiếng nói trong các sự việc trong chùa. Ủy ban nhà chùa có thể biết được người của chùa mình muốn gì (nó cũng có tác dụng như là một sự ngăn chặn các sự lạm dụng quyền hành của những người có chức quyền).

Nhân đây cũng nên phân biệt sự khác nhau giữa Chùa và Tu viện: Tu viện dành cho cho Tu sĩ, được kiểm soát và điều hành bởi họ, không bởi ai ngoài họ. Chùa thì khác. Chính yếu là cho đại chúng cư sĩ. Chùa là nơi để thờ phượng và học tập. Chùa điều hành bởi đại chúng và thuộc về cộng đồng Phật giáo nói chung không phải của cá nhân. Tu sĩ ở Chùa làm việc trong khả năng của một vị cố vấn tâm linh cho đại chúng. Vai trò của họ rất cao thượng, vì vậy họ được gọi là ‘Thầy’; đại chúng mong được học hỏi ‘con đường Phật đi’ nơi họ. Chùa không thuộc giới Tu sĩ, giới đã theo đuổi triệt để cuộc đời không nhà cửa, cũng không trông mong nơi nào khác.

Trang 135. Sự phân biệt giữa Chùa và Tu viện nên được nói rõ vì nhiều người không hiểu, đã dựa quá nhiều vào giới Tu sĩ (thay vì Pháp), xem họ không thể thiếu được. Tôi đã từng ở nhiều chùa không có tu sĩ. Người ta nói với tôi rằng họ rất buồn vì không có các thầy tại đấy. Lúc nào được nghe than thở như vậy, tôi cắt nghĩa cho họ không nên lo mà nên tự học hiểu Phật Pháp không nên chờ ai tới dạy mình. Nếu có vị thầy nào ở đó chỉ dạy rồi thầy đi có thầy khác tới thì tốt hơn nên có cùng một thầy ở đó vài năm. Có người chán nghe một thầy dạy mà chỉ muốn nghe cái gì mới. Nó giống như dùng một món hoài trong một bữa ăn, ngày này qua ngày khác; dù có ngon mấy đến đâu ta cũng sẽ ngán và muốn món khác.

Không phải, như vài người nông cạn nghĩ, tôi chống nhà tu và nhà chùa. Tôi nghĩ vai trò tu sĩ và nhà chủa vẫn rất quan trọng. Nhưng cho tôi nói rõ ràng là nó quan trọng như thế nào: Tu sĩ là thầy dạy, Chùa là trường học. Chùa phải là nơi người ta đến học tập đường đi của Phật (nhưng dĩ nhiên là chùa không phải là nơi độc nhất mà ta có thể học được chuyện đó). Một tu sĩ nên có khả năng giúp người ta thấy rằng Pháp (Phật) có khắp nơi chứ không phải chỉ có ở chùa. Vị đó nên lo đến việc giúp người ta trở nên tự túc bằng cách hiểu biết và dựa vào Pháp mà không dựa vào người nào. Thực vậy, mục đích của vị ấy nên là ‘học là dạy và dạy là học’. Vị ấy không cần bao giờ lo chuyện đó xảy ra hay không. Chúng ta hiểu biết chẩm rải, từ chút một chứ không hiểu liền cái toàn thể được.

Trang 136. Có người từng nói với tôi rằng anh xem chùa là bệnh viện, là nơi người ta tới để được trị bệnh. Và vì anh không bệnh nên anh không cần tới. Theo cái ví von của anh, tôi đáp: ‘‘Bệnh viện thì cần bác sĩ và y tá chữa bệnh nên nếu anh cảm thấy không cần đến đó trị bệnh thì có thể tới đó để phụ giúp người khác trị bệnh cách nầy hay cách khác’’. Có thể nói rằng khi chúng ta đã học hết những gì đã học ở chùa thì không cần tới đó nữa nhưng đó là ích kỷ nếu ta nghĩ như vậy. Ta vẫn có thể tới nhưng trong vai trò người thầy hay Pháp hữu đối với những người còn đang học. Bạn đã thấy đó, mặc dù tôi có những ý tưởng khác hơn người khác về chùa chiền, nhưng tôi không xem nó là không quan trọng; đó là lý do tại sao tôi dựng 2 chùa ở tại Trại Tỵ nạn Bataan ở Phi luật tân.

Vị lãnh đạo dân Tây tạng lưu vong, tức Đức Đạt lai Lạt ma đã được giải thưởng Nobel qua công sức tìm cách giải phóng Tây tạng ra khỏi Trung hoa bằng các phương tiện hoà bình. Trong quyển ‘‘Khai mở một Ý thức mới’’, Ngài nói:

‘‘Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm đối với nhân loại. Đây là lúc chúng ta nghĩ đến người khác như là anh chị em ta đồng thời nghĩ đến hạnh phúc cùng với sự giảm thiểu sự đau khổ của họ. Dù rằng bạn không thể hy sinh quyền lợi riêng của mình một cách hoàn toàn, bạn không nên quên việc nghĩ đến tha nhân. Ta nên nghĩ đến tương lai và phúc lợi của tất cả nhân loại.

‘‘Lại nữa, nếu bạn cố gắng dẹp dần các động lực ích kỷ như giận buồn v.v...và phát triển lòng từ bi với người khác, tức khắc bạn sẽ hưởng lợi hơn lúc bạn không nghĩ đến. Vì vậy, đôi khi tôi nói rằng một người ‘tự kỷ’ khôn ngoan nên thực hành cách nầy. Người ích kỷ không khôn ngoan luôn luôn nghĩ đến họ và kết quả là tiên cực. Hạng người thứ nhất nghĩ tới tha nhân, giúp người hết mình và kết quả là chính họ cũng được hưởng phước.

Trang 137. ‘‘Đây là tôn giáo đơn giản của tôi. Không chùa, không triết lý phức tạp. Riêng bộ não, trái tim ta đủ là chùa của mình, triết lý là có (tấm) lòng’’.

Những chữ tuyệt vời. Nó không mâu thuẫn với những gì tôi nói về chùa. Chùa phải là nơi con người có thể học tập ý nghĩa của những chữ trên của đức Đạt lai Lạt ma. Ngài sống ở chùa mà, phải không?

John Lennon buồn rất nhiều với các phần tử bảo thủ thuộc các tôn giáo với bài ca, ‘Imagine’, trong đó anh hát:

‘Hãy tưởng tượng rằng không có quốc gia,

Đâu có khó tưởng tượng đâu;

Chẳng giết chóc, chẳng chết cho ai,

Và cũng chẳng có tôn giáo’’.

Đây là Pháp. Rất có ý nghĩa. Nhưng cũng chính Pháp nầy dẫn John Lennon đến cái chết!

Tùy các nhà lãnh đạo chùa chiền, nhà thờ giúp tín đồ hiểu và tự hiểu họ rằng nếu họ làm thì họ sẽ không mất sự hỗ trợ. Thực vậy nếu muốn cho người khác có cái nhìn mới mẻ và tươi sáng về đạo lý (tôn giáo) tức giúp cho họ thấy rằng nó không phải là nơi giống như bảo tàng viện (hình như từ trước tới nay là như vậy!) thì các vị trên sẽ được sự hỗ trợ do kết quả là đã sống theo đúng với thời mà chúng ta đang sống.

Chúng ta phải theo thứ tự ưu tiên. Tôi không xem việc mua chuông giá 22.000 đô la Úc ở Sydney, cũng không xem việc ‘thỉnh’ một bộ kinh sách Phật chữ Hoa tốn hàng mấy ngàn đô la cho một chùa Việt nam ở Melbourne là ưu tiên. Vì rất ít người có khả năng đọc nó. Trong tương lai lại càng ít hơn nữa. Việc sở hữu kinh sách Phật học hoặc việc có khả năng nhớ hay tụng thuộc lòng một phần trong đó sẽ không đem lại kết quả gì vô hình. Khi nghe người ta nói kinh nầy kinh nọ ‘rất hay’, ‘rất đạt’ tôi thấy vui vui, hiểu được cái hiệu quả chống lại sự nguy hiểm và rủi ro; họ hỏi nhau: ‘‘Ông có biết tụng kinh Pháp hoa không?’’, hoặc ‘ ‘Chị có tụng được Kinh Thủ lăng nghiêm không?, v.v...Đây không phải là mục đích của kinh điển Phật giáo chút nào; bằng lối hiểu biết như thế, chúng ta đã hạ kinh điển xuống hàng vô nghĩa đối với các thần chú và nghi lễ.

Trang 138. Thực sự phải cố gắng ‘giải mật’ tôn giáo nếu việc đó có liên hệ tới tương lai chúng ta; phải cố gắng loại trừ các thành phần ma thuật và dị đoan nếu không muốn tiếp tục mất lợi thế hay chỗ đứng của mình. Điều cần thiết là phải trình bày sự việc bằng ngôn ngữ đại chúng suy nghĩ, nói năng hằng ngày. Có lợi ích gì khi biết ngoại ngữ mà không biết ý nghĩa chúng? (Tôi đã đọc đâu đó một nam nhân Trung hoa gặp một phụ nữ Hoa kỳ tại một buổi tiệc buổi chiều và, vì thấy bà ấy mang một mề đai đồng sáng chói với hàng chữ Hoa trên đó, hỏi bà có món đồ nữ trang ấy từ đâu. Sau khi cho biết bà tình cờ mua nó tại một tiệm bán đồ cũ tại Hồng kông và rất thích nó, bà mới hỏi nam nhân cho biết nghĩa các chữ đó. Hơi miễn cưỡng và mắc cở, anh nói: ‘‘Thành phố Thượng hải. Nhà thổ có phép’’. Đây là một di vật tù những ngày tiền cách mạng!

Để chấm dứt, tôi xin nói rằng những điều được viết ở trên, giống như tất cả bài viết khác, chỉ là ý kiến của tôi về các sự việc; tôi không cho là chúng đại diện cho ‘Phật giáo chính thức’, dù rằng nó có thật như vậy. Vì thế coi chừng đừng vội chấp nhận các ý tưởng đó rồi nhận chúng như là của bạn mà không suy nghĩ cho sâu; nếu bạn chấp nhận liền tôi cũng không ‘lên chân’ hay ‘phổng mũi’ đâu mà sẽ xem bạn là dại. Nếu bạn tỏ ra cố gắng đọc hết bài nầy, tôi muốn xin bạn suy nghĩ các sự việc đó một cách rõ ràng và cẩn thận và tự hỏi xem là chúng có đúng hay hữu ích cho bạn hay không.

@

Nghỉ ngơi đi.

Trang 139. Tại sao chúng ta luôn cắt cuộc đời nầy thành ra từng mãnh nhỏ: cái bình thường, cái đặc biệt, cái thế gian, cái siêu thế gian, cái thánh thiện, cái phàm trần? Bộ cuộc đời nầy nó chia ra như vậy hay tại ta nhìn nó như vậy?

Chúng ta tự tra tấn mình với hết tư tưởng nầy đến ý tưởng nọ để rồi không bao giờ thấy sự vật rõ ràng. Chúng ta tiêu phí thời giờ lục lọi tìm tòi tiền bạc và tự làm nhọc thân mình trong việc theo đuổi đó. Kế đó lại tìm thời giờ ‘đi nghĩ mát’. Ta ít biết chữ đó là nghĩa gì mà cứ cho nó là một ngày không cần làm việc. Bạn có biết nghĩa chữ đó không? Nó có nghĩa là ‘Holy day’.

Hầu hết chúng ta nghĩ chỉ có một vài ngày được xem là ‘Holy days’ trong mỗi năm, có nghĩa là những ngày mà ta xem nó là đặc biệt và có ý nghĩa tôn giáo quan trọng hơn cả. Nhưng đây chỉ là do suy nghĩ mà ra thôi. Thực ra không có ngày nào quan trọng hơn ngày nào. Thí dụ, hôm nay là ngày 28-9-1998. Có bao giờ có ngày 28-9-1998 nào trước ngày hôm nay không? Và sẽ có ngày 28-9-1998 nào sau nầy không? Không, chỉ có ngày 28-9-1998 hôm nay mà thôi. Và đó là những gì đặc biệt, quan trọng và linh thiêng. Hôm qua thì đã qua, ngày mai không bao giờ tới; Chúng ta chỉ có ngày hôm nay và vì thế nên xem nó là một ngày linh thiêng (holy day). Làm việc hay không làm việc, ở nhà hay đi nghĩ mát không làm thay đổi cái sự kiện nó là đặc biệt và vì thế nó là một ngày linh thiêng, thánh thiện.

Cũng vậy, mỗi năm có 365 ngày, và mỗi một ngày đều có ý nghĩa tôn giáo; tùy chúng ta sinh hoạt trong ngày đó với ý nghĩa tôn giáo. Tôn giáo không nên bị giữ trong tủ với quần áo đẹp đẽ, chỉ đem chưng ra vào những ngày dặc biệt rồi lại bỏ vô tủ trở lại với long não mà nó phải là một vật bình thường, hằng ngày và đặc biệt.

Pháp (tức giáo luật, giáo pháp, giáo , giáo tông, giới đức, tôn giáo, lời dạy) nên là trung tâm cuộc sống của chúng ta trong đó tất cả các sinh hoạt hằng ngày đều quay chung quanh nó chứ không phải một chút ở điểm nầy một chút ở điểm kia, hoặc chĩ thỉnh thoảng suy nghĩ đến Pháp; nó nên là cái gì điều chỉnh nhẹ nhàng đời sống chúng ta.

Trang 140.

Hôm nay giống như mãnh đất mới nơi đó chưa có ai đến

Đầy các sự vật để học tập, vui hưởng, khám phá và thám hiểm.

Sáng ra khi thức dậy, ngạc nhiên thấy vẫn còn sống, ta nên đối diện ngày đó với một tinh thần phiêu lưu, sẵn sàng khám phá và học cách cho.

Có người nói: ‘‘Đời tôi chán phèo, chẳng gì thú vị xảy ra cho cuộc đời tôi’’. Dĩ nhiên điều nầy không phải đúng; cuộc đời không bao giờ chán phèo; ngược lại chính chúng ta mới là chán phèo, là dại, không thấy sự vật tuyệt vời chung quanh chúng ta; như thể là ta đang ngủ dù rằng mắt mở.

Và giống như ngày nào cũng là ngày đặc biệt tức không có ngày nào đặc biệt hay quan trọng hơn ngày nào trừ khi ta muốn ‘khiển’ nó, cũng vậy, người nào cũng là người đặc biệt bởi vì người đó là người đó mà không phải là người khác. Chúng ta là như vậy, là đặc biệt như vậy mà không cần làm gì hoặc cố gắng làm cho ra vẻ đặc biệt. Tuy nhiên vì ta không thấy nó là như vậy (Không Chánh Kiến), nên chúng ta không bằng lòng nó đặc biệt theo cách của riêng ta vì vậy ta cố gắng làm cho nó đặc biệt, và vì thế chúng ta không đặc biệt, vì nhiều người cũng đều làm như vậy: cố gắng làm cho đặc biệt, khác thường và hay hơn người khác. Không cần cố gắng để đặc biệt; chỉ cần khám phá bạn là ai. Bạn không phải là tôi; tôi không phải là bạn. Hãy là mình!

Và, trước khi đi ngủ, tự xét lại các diễn biến và sinh hoạt trong ngày sắp trôi qua. Nếu bạn đã sống tốt bạn sẽ ngủ một cách bình yên với một nụ cười trên gương mặt của mình, nghĩ rằng: ‘‘Tôi may mắn đã sống qua được một ngày và tôi vẫn còn sống!’’

Một cuộc đời sống cho đúng đem lại sự mãn nguyện tinh thần hoặc tâm linh; một cuộc sống không đúng và phí phạm là nguyên nhân của sầu khổ.

@

Khó tin

Trang 141. Thật là rất ngạc nhiên khi Thánh kinh Ki tô giáo đầy lỗi lầm và mâu thuẫn thì nhiều tín đồ lại tin đó là ‘Lời Chúa’. Đây là sự thành công của phép lạ Ki tô giáo: là con người thì phải tin nó một cách tuyệt đối!

Chẳng hạn, lấy lịch sử gia phả của chúa Giê su, được rút ra từ chương đầu của quyển thứ nhất của Kinh Tân Ước (tôi xin thêm một chuyện nữa trong Thánh Luke, trong đó tổ tiên của Chúa được tìm thấy trở lại ngay từ đầu là Adam, người đầu tiên! Xin độc giả tự thấy sự mâu thuẫn bất nhất của hai nguồn kinh nầy). Nó được truy tầm từ Abraham qua David, tới Joseph, chồng của mẹ Mary, mẹ của Giê su. Tín đồ Ki tô giáo đã gắn bó sự kiện rất quan trọng nầy, xem nó là điều tiên tri có thể xem là hoàn mãn nhất. Nhưng họ cho Mary là nữ trinh (phái Thệ phản -Tin lành- cũng cho là như vậy nhưng sau nầy thì không nhận) và mang thai Giê su một cách siêu phàm, có nghĩa là bằng cách khác hơn với cách nhờ qua một người đàn ông! Đây chính là điểm mâu thuẫn, vì nếu Giê su được thụ thai như vậy thì gia phả của chúa phải được truy tầm theo họ mẹ chứ không thể theo họ cha! Bây giờ cái nào đúng: chúa là con cháu của Abraham và David qua Joseph hay chúa được sanh từ một nữ trinh? Không thể đúng cả hai vì cái nầy đúng thì cái kia không đúng, phải không? Thế là ở đây ngay trong chương đầu của quyển kinh căn bản của Ki tô giáo đã có sự bất nhất rõ rõ ràng ràng. Nếu mỗi lời trong Thánh kinh là lời của Chúa, như nhiều Ki tô hữu tuyên bố như vậy, tại sao có nhiều sự mâu thuẫn mà nhiều học giả chỉ ra và rất dễ thấy cho nhiều người đọc quyển kinh ấy?

Gina Cerminara, trong ‘Trí tuệ của Thời đại Bảo Bình’ đã nói trong trang 114, tựa đề: ‘‘Được sanh từ nữ trinh là chuyện phổ biến trong các tôn giáo ngoại đạo’’. Phật, Zoroaster, Krishna được các tín hữu sau nầy cho rằng họ đã được thụ thai một cách kỳ diệu và do các nữ trinh sanh ra. Ý tưởng đó rõ ràng là để thiết lập tính thánh thiện cho họ. Cũng cùng một số phận như vậy đã áp dụng cho Giê su, người luôn luôn tự xưng là Con của Chúa. Nhưng đấy là để làm vui lòng và gây ấn tượng cho những kẻ ngoại đạo đã cải qua đạo Thiên chúa mà các thần học gia tuyên bố Giê su sanh từ một trinh nữ’’. (Tiếng Hebrew –almah–trong một đoạn nổi tiếng trong Isaiah [7:14] có chữ ‘trinh nữ’, lấy ra từ đoạn tiên tri ‘Nữ trinh sanh Giê su’. Ngày nay một vài đoạn Thánh kinh hiện đại đã dịch chữ almah đúng nghĩa của nó là ‘người phụ nữ trẻ’ chứ không phải là ‘trinh nữ’)

Trang 142. Bây giờ, Mary rõ ràng đã có một số con cái khác sau Giê su. Cũng có thể chúng có trước Giê su. Các tín đồ Ki tô quá nhiệt tình đến độ vẫn giữ hình ảnh Mary thánh thiện; có một Giáo hoàng tuyên bố nàng là ‘Nữ Trinh muôn đời’’; các kẻ khác lần lượt cho nàng là ‘Mẹ của Chúa’ hoặc ‘Nữ hoàng trên Thiên giới’ (và đương kim Giáo hoàng John-Paul đệ nhị, có vẻ sắp tuyên bố bà là ‘Người Đồng Cứu rỗi với Giê su’), càng ngày càng đi xa thực tế. Chỉ sau khi Mary chết những người mưu trí và lừa lọc ban cho bà những tước hiệu nầy. Họ có các quyền lợi bất di bất dịch khi làm như thế. Phần còn lại của đại chúng Âu châu lúc đó là dốt nát, dễ bị lừa, quá nhút nhát và dễ bị dọa nạt nếu nói ra điều gì chống đối hoặc bất đồng với quyền lực Giáo hội.

Tuy nhiên, bây giờ thì khác. Khác ở chỗ ta có tự do được nói ra và đặt vấn đề. Quyền tự do nầy đã được mua một cách rất đắt từ những người khác. Nhưng đây không có nghĩa là ta sẽ luôn luôn có quyền nầy mãi mãi. Nó có thể mất vì lịch sử đã lập lại nhiều lần như vậy. Chúng ta có thể đắm chìm trở lại vào những thời kỳ như Thời Đại Tối Tăm, không giống như thời kỳ Cộng sản chỉ kéo dài vài thập niên. Nó kéo dài cả ngàn năm trong lịch sử quá khứ trong đó Giáo hội Ki tô là ngôi quyền lực đầy ưu thế và độc đoán giống như bạo chúa. Quyền tự do ta hưởng hiện nay ở phương Tây, mà các nước khác vẫn còn đang tranh đấu để giành lấy, không nên để bị tước đi một cách dễ đàng mà phải nên được dùng để cố gắng hiểu biết và củng cố thêm. Như vậy nó sẽ không bị mất dễ dàng và chúng ta không trượt vào một lần nữa vào sự tối tăm về văn hoá và tâm linh. Quyền tự do là tài sản quí báu nhất của ta và ta nên cố gắng ‘giác ngộ’ ra điều nầy trong khi có nó, vì nếu để mất nó, chúng ta chỉ còn có khóc than cho sự ngu muội của mình là đã không gìn giữ nó kỹ lưỡng hơn. Bây giờ thì ta có đó nhưng.................

Trang 143. Trong nhiều thế kỷ, Thiên chúa giáo Âu châu đã chịu đựng nặng nề dưới sự khủng bố của ‘Tòa án xử người Dị giáo’ của Giáo hội, cả trăm ngàn người đã bị tra tấn, bị thiêu sống và tài sản bị tịch thu bởi một Giáo hội không bao giờ biết thỏa mãn. (LND: trang 424, quyển 17 Kiến thức Chiều Sâu, Encyclopaedia Britannica: ‘‘...Những quốc gia còn lại ở Âu châu-trừ Tây ban nha-không thấy có một lý do nào để chấp nhận quyết định của Giáo hoàng và kết quả là chiến tranh tàn bạo và thường xuyên ở tại các thuộc địa xa xôi, ngay cả khi các chánh quyền Âu châu chính thức có hòa bình với nhau). Các cuộc ‘Thệ phản (Tin lành) Cải cách’ đã xử trí cũng không kém phần tàn bạo, dù có mức độ kém hơn chút, với ‘những kẻ không tin’. John Calvin, kẻ khắc khổ thành lập đạo Calvin (LND: đạo nầy nhấn mạnh rằng định mệnh và hạnh phúc vĩnh hằng duy nhất do ân sũng của Chúa) đã thiêu sống người vì những tư tưởng ‘khác thường’.

Hằng triệu người đã bị giết và văn hoá đã bị tận diệt bởi những người theo Thánh giá nhân danh tôn giáo họ. Quả thật, lịch sử của Ki tô giáo được viết bằng máu. Và nếu chúng ta dễ dãi và cho phép như vậy, sự điên cuồng ‘tôn giáo’ có thể trở lại gây nạn ‘dịch’ cho thế giới nghèo nàn tâm linh của ta một lần nữa với mức độ cao; cũng vậy, Trào lưu Chính thống gia tăng hiện nay đang có trong một số tôn giáo thế giới không phải là điềm tốt cho nền hoà bình và ổn định.

Kẻ thù thực sự của chúng ta là Vô Minh, bị che đăy dưới nhiều hình thức. Tôi cũng như Khổng Tử và Đức Phật, nhưng không như Ki tô giáo luôn nói con người là ‘tội lỗi’, tin vào cái Chơn Bản Thiện của Con Người. Tuy nhiên thực tế thì tôi cũng thấy cái Chơn Bản Thiện nầy, trong nhiều trường hợp giống như kim cương của địa cầu, đã bị che đậy và mất dấu bởi vô số các thứ bất thiện lành. Nó là (hay nên là) mục đích của tôn giáo và giáo dục để giúp chúng ta khám phá cái Chơn Bản Thiện của Con Người nói chung chớ không phải chỉ của tín hữu của Phật, tín đồ của Ki tô giáo, của Ấn độ giáo, của Hồi giáo, v.v...

Trang 144. Hầu hết những người nghiên cứu tôn giáo chắc sẽ nhận ra rằng Giê Su không phải là người sáng lập đạo Ki tô. Chúng ta có thể đọc lệnh của ngài cho các đệ tử của mình (Matthew 10: 5-6) là không được đi đến vùng đất của người ‘Gentiles’ (tức không phải người Do thái. Họ luôn tự cho mình là ‘đặc biệt’ và ‘được chọn lọc’. Các tín đồ đạo Ki tô cũng lấy các đặc điểm nầy để tự cho mình là như vậy; thật là tai hại và mất mát cho thế giới nhiều lắm!) mà phải tới ‘vùng đất có đàn trừu bị lạc tại Căn nhà Do thái’. Giê Su là nhà cải cách của tôn giáo Do thái; có điều nghi ngờ rằng không biết ngài có định thành lập một tôn giáo mới hay không.

Trang 144. Phao Lồ (Paul), người có thể không bao giờ gặp Giê Su, là người thực sự lập đạo Ki tô thành một tôn giáo riêng với đạo Do thái. Chính Phao lồ đã bác bỏ những đòi hỏi của lễ tục đạo Do thái như cắt da qui đầu và tạo đạo Ki tô cho người dân Do thái và dân không phải Do thái (Gentiles). Thực ra ta nên gọi là đạo Phao Lồ hơn là đạo Ki tô. Theo Phao lồ, đạo Ki tô cống hiến cho thế giới bằng máu của Ki tô và sự cứu rỗi có từ đạo đó mà ra. Nếu Giê Su không chết trên thập tự giá (mà nhiều người hiện nghi ngờ) và nếu ngài không phục sinh (có nhiều lý do để suy nghĩ) thì luận điểm của Phao Lồ là nhờ máu Giê su mới được cứu rỗi (Người Do thái có cái thích máu một cách bệnh hoạn như đã được thấy trong Kinh Cựu Ước), sẽ ‘bẽn mặt’ mà không có tác dụng! Giê Su đặc biệt đã nói (Matt 19: 16-17) rằng cứu rỗi có được là nhờ giữ mười điều răn. Nhưng Phao Lồ thay đổi tất cả bằng cách nói: ‘‘Nếu Ki tô không phục sinh thì việc giảng đạo của ta trở nên vô ích và lòng tin cũng vô ích’’ (I Corinthians 15-14) Tội nghiệp người Ki tô phải ở trong tình trạng tấn thối lưỡng nan về chuyện nầy; tin ai đây: tin Thầy hay tin đệ tử?

Trang 145. Tôi không còn theo đạo Ki tô nhưng không có nghĩa là tôi không tôn kính chúa Giê Su nữa. Nó chỉ có nghĩa là tôi thấy ngài khác hơn ngày trước. Không còn bị buộc ràng bởi những ràng buộc cùm gông của đạo Ki tô. Tôi được tự do suy nghĩ. Có thể thành th���t mà nói rằng bây giờ tôi hiểu Giê su rõ ràng hơn lúc tôi còn là tín đồ Ki tô. Những huyền thoại về việc ‘được sinh từ nữ trinh’ và việc ‘phục sinh’ mà tôi xem là sự bịa ra của những người quá ư nhiệt tình; đây là những gì xảy ra cho tất cả các tôn giáo, kể cả Phật giáo, khi con người có quá nhiều niềm tin nhưng lại quá ít trí tuệ. Sự bất cân bằng đã gây ra vô số hậu quả tai hại.

Bốn lối giải thích về cuộc đời Giê Su của Matthew, Mark, Luke và John không trong nhiều chỗ và quả thật, thường mâu thuẫn nhau. Vì thế không ngạc nhiên là có quá nhiều sự bất đồng ý kiến về Giê Su là một người, là một người thầy và là ‘Con của Chúa’. Chúng ta sẽ có thể không bao giờ biết chắc chắn nhiều về ngài, nhưng đó là lý do để chấp nhận các lời giải thích khó tin đã đến với chúng ta qua hàng bao nhiêu thế kỷ, những lối giải thích đã đem nhiều gượng ép trong sự tưởng tượng đó? Chúng ta hãy xét thêm một vài điểm được ghi trong sách Phúc Âm (LND: Phúc Âm, một trong 4 tập đầu của Kinh Tân Ước) dù rằng danh sách còn dài:

Giê Su được cho là bị đóng đinh vào chiều Thứ sáu và thi hài được đem xuống đặt trong ngôi mộ trước khi mặt trời lặn cùng ngày, mặt trời lặn ngày Thứ sáu là lúc bắt đầu thời gian nghỉ ngơi và cầu nguyện, không làm gì cả của người Do thái. Bây giờ, người Ki tô cho rằng Giê Su nằm chết trong mồ 3 ngày 3 đêm. Nhưng qua cách tính toán của họ khó mà tưởng tượng vì khi một số nữ đệ tử đi đến ngôi mộ vào sáng Chúa nhật kế tiếp, họ mới thấy thi hài của Giê su đã mất đi, dù không nói rõ là đã mất bao lâu, hay ‘ngồi dậy’, ‘sống lại’, trước khi các đệ tử tới, rất có thể ở đó chỉ có 2 đêm và trọn một ngày là nhiều nhất! Vì thế. Làm sao mà họ có thể nói được là 3 ngày 3 đêm? Họ không biết tính à?

Trang 146. Rồi thì, Matthew nói một thiên thần hiện ra tại ngôi mộ; Mark thì nói đây là một người trẻ. Luke nói có ‘2 người với quần áo sáng rực’ và John nói có 2 thiên thần. Xem ra trong thời đó cái cảnh ‘các thiên thần’ quá thường lệ đến độ họ không thể thống nhất với nhau về con số xuất hiện?! Và, và những gì một/hai người/thiên thần đó nói cũng lại khác nhau trong 4 lối giải thích trên, nếu tất cả ai có đọc đều có thể nhận thấy điều đó trong Kinh Tân Ước. Khi các nữ nhân đó thấy có người trong nấm mồ, Luke (24:5) đã cho là họ nói: ‘‘Tại sao các người tìm cái sống trong người chết?’’, ý nói Giê su. Đây là một vấn đề rất quan trọng thế nhưng nó đã bị bỏ qua vì tín đồ Ki tô luôn có một thuyết hỗ trợ vĩnh viễn: Giê su chết trên Thánh giá và sống dậy sau 3 ngày đã chết. Giống như có một bộ màn cửa hay một bộ bàn ăn, và xây một căn nhà chung quanh chúng để xứng với bộ màn cửa và bộ bàn ăn thay vì phải ngược lại; Ki tô giáo đã được tạo ra chung quanh sự kiện Giê su ‘sống dậy’ rất khó xảy ra thay vì đặt nặng vào việc giáo huấn của ngài. Như đã nói trên, đây chính yếu là việc làm của Phao Lồ (Paul), tông đồ sau cùng.

Vấn đề về các Thiên thần rất rõ: ‘‘Tại sao các ông tìm cái sống nơi người chết?’’ Cái sống? Giê su đã được cho là chết rồi! ‘Đúng’, người Ki tô nói. ‘‘Chúa đã chết nhưng ngài sống dậy, nhà ngươi không thấy à?’’ Có thể là chúa không chết trên thánh giá mà chỉ có vẻ chết thôi? Vào thời đó không có máy đo tim động đồ, cũng không ai ghi lại mạch chúa khi họ đem ông xuống từ thánh giá. Họ chỉ tuyên bố là ông chết và lo chôn ông trước ngày nghỉ và cầu nguyện bắt đầu. Bây giờ giả thử các tông đồ đem ông xuống và nhận ra là ông vẫn còn sống; liệu họ có quá mừng mà la lên rằng:‘‘Chúa còn sống! Chúa vẫn còn sống!’’ không? Chắc chắn là không! Họ rất có thể lo lắng nên phải dấu mọi người sợ rằng sẽ có người báo lại cho các cơ quan thẩm quyền.

Trang 147. Chúng ta hãy theo giả thuyết sau đây: John cùng với Mary nhìn các ‘thiên thần’, các vị nầy hỏi Mary: ‘‘Tại sao bà khóc’’? (20:13). Mary trả lời: ‘‘Họ đã lấy Chúa đi mất và ta không biết chổ ở đâu’’. Kế đó bà quay sang và thấy một người (tức Giê Su) đứng đó nhưng bà không nhận ra mà tưởng là người làm vườn. Giê Su hỏi bà: ‘‘Thưa bà, tại sao bà khóc? Bà tìm ai?’’ Vẫn không biết đó là Giê Su, bà trả lời: ‘‘Thưa ông nếu ông bắt Chúa đi mất, xin cho tôi biết ông để chúa ở đâu để tôi đến đem chúa đi’’. Rồi Giê Su nói tên bà ‘Mary’ có thể bằng một lối phát âm thân thương đặc biệt, nhờ vậy mà bà nhận ra đó là chúa. ‘‘Thầy!’’, bà nói và đáng lẽ ôm chầm chúa nhưng chúa cấm bà không được làm như vậy, chắc chắn là cảm thấy đau đớn và tế nhị sau sự thử thách vừa qua. Điểm chính ở đây là tại sao Mary lúc đó đứng quá gần Giê Su sau khi Giê Su ‘cải đạo’ cho bà, lại không nhận ra chúa mà lại tưởng lầm là người làm vườn; bà cũng không nhận ra giọng nói của chúa cho đến khi chúa nói tên bà. Tại sao lại có thể như vậy được? Giê Su có thể giả dạng người làm vườn để không ai nhận ra ông? Điều nầy có thể lắm. Nhưng chúa giả dạng để chi? Có thể nào ông lại không sợ, nếu người Do thái vì trước đó đã muốn ông bị đóng đinh khám phá ra ông vẫn còn sống, lần nầy sẽ bị giết hẵn không? Nhưng tại sao, nếu sống lại từ cõi chết, chúa lại sợ chết? Chúa đáng lẽ phải bước lên trên cái chết. Giê Su còn sống! Giê Su đã không chết! Chúa sau đó gặp lại các tông đồ một vài lần và bảo họ rờ chúa bằng da bằng thịt chứ không phải là thần linh hay hồn ma; chúa bảo họ để tay lên trên vết thương ông. Nếu quả thật sống lại, chúa vẫn còn mang các vết thương sao? Nếu chúa mất một cánh tay: thân thể sống lại của chúa đã mất một cánh tay? Các vết thương nầy thuộc về một thân thể trần tục và sự hiện diện của chúng chứng tỏ rằng chúa không chết mà rời khỏi cuộc sống mà vẫn còn sống! Ông vẫn đòi thức ăn để ăn và để chứng tỏ điều nầy!

Trang 148. Bây giờ, tại sao tôi, một người không còn là tín đồ Ki tô, lại phải tiêu pha quá nhiều thì giờ viết những sự việc nầy? Tại sao tôi không tự lo cho tôn giáo của tôi? Vâng, trước hết tôn giáo tôi là Đời Sống và vì tôn giáo Ki tô, tín đồ Ki tô, Giê Su và các lời dạy của ngài là một phần của Đời Sống, làm sao tôi lại tách rời khỏi chúng được? Chúng ta liên kết nhau dù thích hay không thích. Và đạo Ki tô đã giữ một vai trò trọng đại trong lịch sử thế giới. Nó tiếp tục là như vậy. Sẽ là điều vô trách nhiệm đối với tôi khi tôi phớt lờ nó. Dù tôi nhận rằng nó là một trong những tôn giáo chánh của thế gian, điều đó không có nghĩa là tôi chấp nhận nó thực sự là đại diện của chúa Giê Su và các lời giáo huấn của ngài, hơn là những gì mà tôi chấp nhận Phật giáo thực sự là đại diện của đức Phật và Phật Pháp. Tôi tin vào sự tự do và cảm thấy rằng mỗi người đều có quyền có ý kiến của mình; nếu tín đồ Ki tô cảm thấy có quyền bán rao tôn giáo họ từ nhà nầy đến nhà khác, chắc chắn tôi có quyền có ý kiến về một ‘Giê Su Thuộc Nazareth’ đặc biệt khi các lời giải thích về ông rất mờ tối và trừu tượng. Tôi sẽ rút ra các lời dạy của ông những gì tốt đẹp và hữu ích cho tôi và cố gắng áp dụng nó trong cuộc sống của mình; cái quan trọng đối với tôi là những gì ông dạy chứ không phải các huyền thoại đã được tích lũy chung quanh ông bao nhiêu đời, giống như các loại sò ốc chân tơ chung quanh tàu thuyền.

Bằng cách nầy, ‘Giê su Thuộc Nazareth’ vẫn còn sống với tôi!

*

Sợ chết hay tham cuộc đời sau khi chết, không có nghĩa gì đối với một người đã hoan hỷ đóng góp một cách ý thức trên bước đường tiến bộ của Nhân loại, cống hiến tích cực phần mình vào tài sản tập thể, học tập những gì từ các sai sót, đau khổ, vui sướng, điên rồ và các điều mới lạ trong quá khứ.

*

Cừu non

Trang 149. Làm bánh đem ra chợ bán, chắc không ai không rao bánh không ngon, phải không bạn? Muốn bán được thì người ấy phải nói là bánh ngon.

Nhiều người cố gắng thuyết phục kẻ khác rằng chỉ có cách của họ là đúng và vì vậy các cách khác đều sai; tất cả những người nầy đều cố gắng muốn bán cái gì đó. Nhưng họ có thể chứng minh rằng cách của họ là hay nhất với đầy đủ bằng chứng không? Họ nói cách của họ là hay nhất, vâng, nhưng chỉ nói thôi thì nó có là sự thật hay không? Chúng ta có ngây thơ không, khi chỉ tin nghe mọi thứ người khác nói?

Những người có tiếng nói mạnh mẽ nhất như trên chính là những người nói rằng ai không tin thì người ấy sẽ xuống Địa ngục mãi mãi. (Bộ không tự giựt mình, tự mắc cở, hay bối rối, ngượng ngùng sao, khi nghe người ta nói những chuyện như vậy trong thời đại nầy?) Vì vậy, theo họ, tất cả những người theo Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, Do thái giáo và ngay cả người Ki tô giáo (nói ra câu đó!) chắc chắn là xuống Địa ngục.

Một phái nọ–-phái Nhân chứng Jehovah–-nổi tiếng là đi từ nhà nầy đến nhà nọ cố thuyết những tư tưởng thiển cận của họ đến các gia chủ. Họ tin rằng trong số cả tỷ người trên thế giới đang sống đây chỉ có 144.000 người sẽ được cứu rỗi và lên Thiên đàng–-và với con số nhỏ nầy lại chỉ có 9.000 được chọn. Chúng ta có thể nào tưởng tượng một điều ngu xuẩn như vậy hay không? Sao lại có những người xét nghĩ đến những điều như thế, trừ khi họ quá tham muốn và cảm thấy ta là ‘trưởng thượng’ hơn người khác?

Hãy so sánh sự hẹp hòi đó với tính mở rộng của Phật giáo, cổ vũ ta nghĩ về tất cả chúng sinh hữu tình và ‘trình dâng’ việc có thể có Giác ngộ cho tất cả (Phái Chứng Nhân Jehovah đó rất thích tiên đoán ‘Tận thế’; trên 6 lần tiên đoán trước đây đều không có thật: 1914, 1918, 1925, v.v...và bây giờ họ đang làm tiếp. Dĩ nhiên là họ không thể chờ chuyện đó xảy ra, bởi vì họ tin rằng khi chuyện đó xảy tới thì Giê Su sẽ đến và chỉ có lúc đó mà thôi. Từ việc nầy, chúng ta có thể thấy một cách dễ dàng rằng các người cuồng tín có thể có một quyền lợi bất di bất dịch trong việc bắt đầu Chiến tranh Thế giới Thứ ba, cảm thấy rằng họ không còn gì để thua mà chỉ có thắng! Hoa kỳ sẽ có lợi nhuận thêm cho loại người nầy!)

Trang 150. Nếu quả thật như những người nầy nói và nếu chúng ta phải nói với họ: ‘‘Xin hỏi, Phật, Lão, Khổng và vô số chư Thánh Thần không tin Giê Su hay nhận ông là kẻ cứu rỗi, theo ông hiện giờ họ ở đâu?’’, họ sẽ bị bắt buộc trả lời: ‘‘Dĩ nhiên là ở Địa ngục với tất cả những người không tin!’’ Vậy thì nếu chúng ta phải xuống Địa ngục chỉ vì không tin Giê su thì chúng ta sẽ cùng kết hội nhau dưới đó, nhé? Nhưng có thể họ dùng lộn chữ Thiên đàng và Điạ ngục.

Tin và theo mù quáng cũng giống như loài trừu. Và trừu, như mọi người đều biết, thì nhát và dại. Chúng hay ‘sát cánh’ nhau từng đàn và nếu vì một lý do nào đó, một người trong bọn chúng sợ hãi và bắt đầu chạy thì những con khác sẽ tự động chạy theo mà không hiểu tại sao.

Trong lò sát sinh ở Úc có loại trừu được huấn luyện đặc biệt dẫn đầu những nhóm trừu dễ bị lừa đi theo vào lò rồi con-trừu-được-huấn-luyện ấy sẽ ra ngoài để dẫn vào một đợt khác cho đến chuyến cuối cùng đến phiên nhóm dẫn đầu cũng không trở ra khỏi lò. Những con trừu đó được gọi là ‘trừu Judas’, lấy tên của một tông đồ phản bội Giê su.

Nhiều con người cũng tương tự như con trừu ở cái cách họ theo người khác. Có người chịu theo người nầy người kia. Họ không cần xem là ai dẫn và dẫn tới chỗ nào, miễn là họ khỏi phải nghĩ ngợi chi hoặc chấp nhận trách nhiệm cho cuộc đời tư riêng của mình.

Khi lắng nghe người khác, chúng ta nên cố gắng nghe với đầu óc mở rộng chứ không phải với đầu óc đầy thành kiến (tức, phán đoán trước). Nhưng nó không có nghĩa là ta nên chấp nhận mọi thứ mọi người nói với ta, vì như vậy là ‘khùng’ rồi. Ta nên dùng trí thông minh, thức phân biệt và cố gắng tách phân cái đúng cái sai.

Trang 151. Và nếu ai chán cái việc có người tới nhà áp lực mình chấp nhận tôn giáo họ, và nếu họ là đạo Ki tô thuộc giáo phái nầy giáo phái nọ thì đây là ‘quẻ’ mà mình nên ‘dở’ ra cho họ. Hỏi họ xem chính họ thực sự tin Thánh kinh là ‘Lời Chúa’ hay không thì chắc chắn là họ sẽ nói: ‘‘Đúng, tôi tin!’’ Nếu hỏi thêm thì họ lật quyển của Mark, chương 16, câu 17 và 18 trong Thánh kinh mà họ luôn luôn mang theo. Họ sẽ đọc lớn lên: ‘‘Và những dấu hiệu sau đây sẽ theo sau những người đã tin: Với tên ta, chúng sẽ trừ ma quỷ; chúng sẽ nói với cái lưỡi mới. Chúng sẽ chiếm chỗ của các con rắn; và nếu uống bất cứ thuốc độc nào, chúng sẽ không bị hại’’. (Thật là nghi ngờ khi những chữ nầy bị cho là của Giê Su, cũng như nhiều thứ khác mà ông bị gán ghép là đã nói. Nhiều chữ đã bị ‘bỏ vào trong miệng ông’ để hỗ trợ cho các tín đồ khi nói về ông). Hỏi người đến trước cửa nhà bạn rằng anh ta có sẵn sàng chịu thử lòng tin của mình hay không. Nói cho người đó biết rằng bạn có trong nhà đầy đủ các thứ chất độc: thuốc giết cỏ, thuốc giết chuột, thuốc tẩy,v.v... những thứ nầy có thể trộn chung với si rô để thành một loại giải khát nước ngọt, hỏi người ấy có chịu thử hay không? Không chắc chắn là người ấy sẽ chấp nhận sự thử thách nầy dù rằng Thánh kinh nói rằng người nào có đức tin sẽ không bị tổn hại. Bảo đảm là người đó sẽ không đến nhà làm phiền bạn lần thứ hai!

@

‘‘...định luật thuộc sinh vật là bài học căn bản của lịch sử. Chúng ta phải chịu lệ thuộc vào các diễn trình thử thách của Biến Hóa, phải chịu sự cạnh tranh để tồn tại. Nếu một số người có vẻ thoát khỏi luật đào thải tự nhiên tàn khốc, đó là nhờ một tập thể nào đó đã che chở cho ta; nhưng rồi chính tập thể đó cũng phải đương đầu với các thử thách khác để sống còn.’’

Will và Ariel Durant: Bài học của Lịch sử

&

Nương tựa (Qui y)

Trang 152. Một vài điều dạy sau cùng của Phật trước khi Ngài qua đời là: ‘‘Hãy là hải đảo tự thân, hãy là ngọn đèn cho mình; hãy tự ta mà tìm duyên do. Hãy nương tựa Pháp, không nương tựa bên ngoài nữa’’.

Nơi trú ẩn (để nương tựa để qui y) là chỗ an bình. Sự an bình thực sự không nằm chỗ nào khác hơn là nơi thâm sâu của trái tim, nơi sự Học tập, Áp dụng và Giác ngộ Con Đường của Phật.

Người Phật tử học tập về Định luật Tự nhiên và bắt đầu thấy rằng tất cả các sự vật từ nhỏ đến lớn đều có nguyên nhân giống như cây cối có từ hạt giống. Người đó cũng thấy rằng tất cả các sự vật có đến thì có đi, có sanh thì có diệt. Và khi thấy được như vậy rồi, người đó biết rằng đi tìm sự bình an và phúc lạc ở ngoài mình là điều vô ích và rằng bình an và phúc lạc thực hữu có thể được tìm thấy trong một trái tim rộng rải và sâu kín, điềm đạm và rõ ràng. Người ấy sẽ thấy vô ích ra sao khi đổ lỗi cho người và vật khác và rằng chính người ấy không hoàn toàn có trách nhiệm về tình trạng mà người ấy đang gặp phải. Có thể không hiểu hay không muốn nhưng người ấy thấy rằng nó xảy ra là do có nguyên nhơn, mà hầu hết các nguyên nhơn nầy đều ra ngoài sự kiểm tính của mình. Vì vậy người ấy sẽ đánh giá nó để xem mình có thể học được cái gì từ đó và cách thức chuyển đổi nó ra làm sao. Nếu vẫn chưa vừa lòng, người ấy biết nó sẽ không kéo dài, sẽ thay đổi và trở thành một cái gì khác.

Việc học tập ‘Nương tựa’ hẵn đã có ở Ấn độ trước khi có Phật giáo. Có thể là một điều phổ biến cho con người khi nói: ‘‘Tôi nhờ (nương tựa) ông và các điều dạy của ông’’, khi họ mãn nguyện với những gì họ đã được nghe từ một người thầy và mong được xem ông là thầy của họ; nó đến từ chính họ. Chúng ta không thể tưởng tượng là đức Phật nói: ‘‘Lập lại theo ta: ‘Trở về nương tựa Phật, Trở về nương tựa Pháp, Trở về nương tựa Tăng...’ ’’

Trang 153. Những người đầu tiên trở về Nương tựa (Qui y) là hai thương buôn đến với Phật đang ngồi dưới cội cây ngay sau khi Ngài giác ngộ. Họ là những người đầu tiên đến gặp ngài, theo truyền thuyết. Họ có đầy ấn tượng khi thấy dung mạo ngài. Họ hoan hỷ, tôn quí và xin dâng hiến thực phẩm cho ngài. Ngày nay ta không có được những gì ngài nói trong Bài Giảng Đầu Tiên (Được dạy rằng, mọi người nói chung tin như vậy, Ngài nói Bài Giảng Đầu Tiên cho năm người Ẩn tu ở Vườn Nai gần Benares, vài tuần sau ngày Giác ngộ của ngài), nhưng cho gì đi chăng nữa, họ cũng tự ý xin Nương tựa nơi Phật và Pháp Phật. Họ nói: ‘‘Trở về Nương tựa Phật, Trở về Nương tựa Pháp’’. Vì Phật lúc đó chưa có đệ tử nào, cũng chẳng có tu sĩ nào nên họ không nói câu ‘Trở về Nương tựa Tăng’.

Ngày nay nhiều người đọc tụng công thức Tam bảo mà không thực sự hiểu nghĩa vì họ chỉ học thuộc lòng. Thực là vô nghĩa trừ khi và cho đến khi chúng ta tin rằng Con Đường đi của Phật (Đạo Phật), chứ không có con đường nào khác hơn, là Con Đường chúng ta muốn theo; đây là vấn đề nói lên sự tin tưởng của người vào Đạo. Chúng ta có thể làm việc nầy chỉ khi nào và nếu ta đã ‘trạch pháp’ tất cả Con Đường khác và thấy không thích hợp. Ta phải biết rõ tại sao ta chọn đạo Phật mà không chọn đạo khác.

Trang 154. Một Phật tử nương tựa vào Ba Nơi Quí (Tam Bảo): Phật là Thầy, Pháp (hay Luật) là Những Điều Dạy {Phật dạy các bài học đầu tiên là thuộc về Pháp và Luật chứ chưa có Kinh, Luật, Luận tức Tam Tạng. M.T.} và Tăng là tất cả những người nào đã đắc một số (kết) quả của Con Đường Phật Pháp. Tuy nhiên theo lời khuyên cuối cùng của Phật, chúng ta hiểu rằng sự Nương tựa Tối Thượng (tức Pháp) không ở ngoài chúng ta.

Nương Tựa nghĩa là quyết định (qui) y theo những lời Phật dạy với khả năng tốt đẹp nhất của mình, mục đích là để tự phát triển, thành con người tốt đẹp hơn hầu có thể Giác ngộ. Một Phật tử phải có lòng tin vào Ba Nơi Quí (Tam Bảo), nhưng không phải là lòng tin mù quáng hay chỉ tin mà thôi; nó là lòng tin dựa vào trí tuệ và nhận thức sự Thật và tính Vững Chắc của Phật Pháp, một lòng tin có từ sự chứng nghiệm. Khi một người có được lòng tin như vậy, người ấy có thể Nương Tựa, tin rằng đó là chánh đạo của mình. Đây là quyết tâm chơn thật và nghiêm túc. Nó không có nghĩa là chỉ đọc tụng kinh sách cổ điển. Không nên coi nhẹ bước quan trọng nầy. Nó khác với việc rửa tội của các tôn giáo khác. Trẻ em thành người tôn giáo qua sự rửa tội. Một người tự do trở thành Phật tử do sự tự chọn (tự do) của mình khi người ấy đủ trưởng thành, hiểu biết và chọn lựa cho chính mình. Một em nhỏ không thể được xem là Phật tử vì nó chưa suy nghĩ và cũng không hiểu biết được gì cả.

@

‘‘Đây là cách thử xem nhiệm vụ của bạn trên trái đất nầy có xong chưa: nếu bạn còn sống tức bạn chưa xong!’’

Richard Bach: Illusions

$

Không Chỉ Ở Cái Tâm

Trang 155. Đừng đo lường chữ nghĩa với Vô Lượng

Đừng nhận chìm dòng tư tưởng với Vô Biên

Ai hỏi sai thì sẽ có câu trả lời sai

Hãy nói ‘không’.

Khả năng hiểu biết và lý luận rất quan trọng; ta nên dùng hết mức của nó nhưng cũng phải nhận ra cái giới hạn của nó. Nói về mặt nổ lực tâm linh, nó có thể đem ta đi xa nhưng không xa lắm. Nó không đủ sức tư duy và nói năng một cách rõ ràng; chúng ta phải sống!

Có một câu chuyện nhỏ chứng minh chuyện nầy: một giáo sư đang qua đò, có vẻ xem thường người lái đò nghèo nàn, chàng ta hỏi: ‘‘Ông có biết khí tượng học không?’’. Ông trả lời: ‘‘Thưa ông, không’’. Chàng giáo sư trả lời: ‘‘Quả thật đáng thương. Ông đã phí mất ¼ cuộc đời mình’’. Lần sau đi đò, chàng lại hỏi: ‘‘Ông có biết ngành Hải dương học không?’’. Người chèo đò nói: ‘‘Ngành đó là ngành gì?’’. Kẻ học giả lên giọng ngạo mạn: ‘‘Ý ông nói là không biết ngành Hải dương học? Thế là ông phí đến ½ cuộc đời ông rồi!’’.

Ông chèo đò mắc cỡ gục đầu xuống.

Một vài ngày sau, tên học giả hỏi khi có dịp đi đò: ‘‘Ông có học ngành kỹ sư hàng hải không?’’ Ông chèo đò trả lời rằng ông không biết gì về ngành đó. Nhìn ông với sự đầy ngạc nhiên, người học giả nói: ‘‘Thật là phí phạm đến ¾ cuộc đời mình khi phải chèo đò đưa người qua sông!’’ Người chèo đò im lặng. Kế đến một ngày nọ khi chàng học giả bước lên đò và lúc đò đang ở giữa dòng, người chèo đò nói với chàng ta: ‘‘Thưa ông, ông có học ngành Bơi lội học không?’’. Chàng ta hỏi một cách lo lắng: ‘‘Không, để làm chi’’.

Trang 156. Ông trả lời: ‘‘Bởi vì có một trận giông đang kéo đến và nếu đò chìm thì chúng ta phải bơi vào bờ!’’.

Thắc mắc và phân tích trí thức sẽ không bao giờ dẫn đến Giác ngộ mà chỉ làm cho nó rối mù thêm thôi. J. Krishnamurti đã từng viết về việc nầy: ‘‘Cái Vô Hạn không thể nào tìm thấy được bằng tư tưởng, vì tư tưởng luôn luôn có số, có cỡ, có hạn lượng. Cái Vô Lượng không ở trong cơ cấu của tư tưởng và lý luận, cũng không là sản phẩm của cảm tính và cảm tình. Nếu bạn muốn đi tìm cái cao nhất bạn sẽ không tìm thấy; nó có tới với bạn thì do bạn may mắn. Và may mắn là cửa sổ rộng mở của trái tim bạn chứ không phải của tư tưởng bạn’’.

Chúng ta phải tự mở rộng trái tim của mình và điều nầy xảy ra khi ta tiếp xúc, hoà nhã dịu dàng chứ không khắt khe khắc khổ với cuộc đời. Nếu không có sự vui vẻ trong đời sống, tim óc ta sẽ không bao giờ mở rộng; vì thế phải có một sự quan tâm với cuộc đời, một sự sẵn sàng hạ thấp xuống và tiếp cận mặt đất, một chuyện mà cho đến nay chúng ta xem nó là ‘bất tịnh’.

Sự Thật, giống như ngọn gió, không thể chộp bắt được để cho vào chai và giữ nó làm sỡ hữu, hoặc hả hê nói ‘của tôi, không phải của anh/chị’; nó không thể bảo tồn như dung dịch ‘ga’ nhẹ không màu. Nó không phải là cái gì của quá khứ như xương của các loài khủng long, cũng không phải của tương lai trong một không gian thời gian xa vời mà nó là Ở-đây và Bây-giờ. Nó phải được chứng thực ngay và không ngừng. Cố gắng chộp bắt lấy nó trong những mạng chữ nghĩa, như nhiều người trong chúng ta cố làm, thì đây là điều vô ích giống như trói buộc và giữ lại biển cả vậy.

Có hai người thầy nổi tiếng. Người thì thu góp kiến thức cho mình bằng lối học khoa bảng từ việc nghiền ngẫm sách vở cho đến lắng nghe kẻ khác. Người kia thì được nó từ việc quan sát cuộc đời chung quanh mình và kinh nghiệm trực tiếp của riêng mình.

Một ngày nọ, có người quyết định thử nghiệm 2 vị thầy nầy để xem họ thực sự biết những gì mà họ đang nói. Trước hết anh đến với thầy học nhiều và nói: ‘‘Thưa thầy! Xin thầy đứng một chân và cắt nghĩa cho tôi những điều dạy của thầy?’’ Ông thầy giận sự hỗn hào của anh, bèn mắng anh ta: ‘‘Sao anh dám bảo tôi cắt nghĩa nó trong một vài phút những cái mà tôi đã học cả đời? Cút đi đừng làm mất thì giờ ta!’’

Trang 157. Anh đi đến người thầy kia với cùng một câu hỏi. Thầy nầy cuời và nói: ‘‘Vâng, đây: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân. Bất cứ cái gì khác được nói ra chỉ là lời phê bình câu nầy’’.

Đây là Luật Vàng; nó được các tôn giáo dạy dưới hình thức nầy hay hình thức khác. Nó không là độc quyền của ai. Ki tô hữu nghĩ là của họ vì chúa Giê Su dạy nó,vì vậy họ có thể ngạc nhiên khi biết được rằng nó đã có từ lâu trước khi chúa Giê Su ra đời và rằng cả đức Phật lẫn ngài Khổng tử đều dạy nó kể cả nhiều Bậc khác! Nó có kết quả vào ngày xưa và cả ngày nay nếu ta biết áp dụng nó. Đây là Chìa khóa Tuyệt vời, lại không có gì bí mật trong việc sử dụng nó cả; thực ra nó rất giản dị và có hiệu quả khi được dùng trong sự liên hệ với tha nhân.

Giả thử đi vào tiệm mua món đồ ghi giá 10$, bạn đưa ra tờ 50$. Nếu người chủ tưởng đó là tờ 20$ và thối lại 10$ thay vì 40$. Bạn phản ứng thế nào? Bạn có nghĩ: ‘‘Ồ, không sao, chỉ xê xích nhau 30$ thôi’’ hay bạn sẽ nói: ‘‘Xin lỗi, ông lầm rồi, ông ‘thối’ tôi chưa đủ’’?

Nhưng giả thử người chủ làm ngược lại, có nghĩa là, thí dụ tưởng bạn đưa tờ 100$ thay vì thực sự chỉ là tờ 50$. Lúc ấy bạn có nói là người chủ sai không và bạn có đưa lại phần dư ra hay không? Hay bạn liền nghĩ: ‘‘Tôi thật may!’’ và vội vã rời tiệm không nói một lời?

Một ngày nọ, một trại gia đi gặp láng giềng, than phiền là bò đực của người láng giềng đã húc bò cái của mình và đòi bồi thường. Người láng giềng nói: ‘‘Vâng, tôi xin lỗi khi biết được chuyện nầy nhưng thú vật không biết được việc làm của chúng nên tôi không thể bồi thường theo trách nhiệm pháp lý’’.

Trang 158. Trại chủ thứ nhất nói: ‘‘Ơ... ra vậy, xin lỗi, tôi nghĩ lại là tôi kể sai trường hợp rồi; thực ra không phải là bò đực của ông mà là bò đực của tôi húc bò cái của ông!’’

Láng giềng la lên: ‘‘Ơ nầy! Tôi phải tham vấn luật sư tôi để xem có một tiền lệ cho trường hợp như thế hay không; có thể là tôi được hưởng tiền bồi thường!’’

Công lý là con đường hai chiều; nếu muốn người công bằng với mình, ta phải cố gắng công bằng với người; không thể gặt được những gì ta không cấy. Vấn đề là, con người muốn người khác tôn trọng quyền lợi và tự do của họ nhưng lại không luôn tôn trọng những cái đó của người khác; họ nghĩ nếu luật pháp bảo vệ được họ là luật pháp tốt, còn ngược lại là không tốt nếu luật pháp đó giới hạn chuyện làm của họ.

Muốn tìm Sự Thật ta phải lương thiện. Trang Tử đã nói: ‘‘Không có Sự Thật nếu không có con người Thật’’, nó có nghĩa là, đi tìm Sự Thật sẽ là vô ích nếu ta không chịu bỏ đi tính bất lương.

Có người thu thập tri thức mà không áp dụng nó nên chúng trở nên ‘bị táo bón tri thức’’, như vậy, tri thức trở nên là một gánh nặng vô ích. Phật Pháp phải được áp dụng nếu muốn có kết quả; thật vô ích nếu nó chỉ là vấn đề tin tưởng thuần túy hoặc là một đồ chơi trí tuệ.

@

Chữ Vạn

Trang 159. Tôi đã chờ quá lâu để viết một chuyện đáng lẽ phải được giải quyết từ lâu; nếu tôi viết sớm hơn một số rắc rối có thể đã được chuyển đổi. Tuy nhiên, ‘thà trể còn hơn không có gì cả’, và tôi viết những dòng nầy với hy vọng rằng chúng sẽ ngăn ngừa một số rắc rối trong tương lai.

Nếu chịu suy nghĩ một chút, ta sẽ thấy ngay là mình sống với bao nhiêu dấu hiệu không thực tế chút nào. Chúng là biểu tượng cho những thứ khác. Tiền chẳng hạn, là dấu hiệu hiển lộ nhất trong thời đại chúng ta; nó là dấu hiệu của sự giàu có, một bằng chứng của sự trao đổi, nhưng tự nó chẳng có giá trị gì. Thường xảy ra chuyện chánh phủ thình lình phá giá tiền tệ và trong một đêm nó bị giảm giá, trở nên vô giá trị! Lúc còn có giá, ta dùng nó như là một phương tiện trao đổi để mua vật dụng, nhưng khi đói kém không thức ăn, liệu ta có thể ăn tiền bạc thay đồ ăn không?

Tất cả các loại tội ác, kể cả tội ác lớn nhất là Chiến tranh, đã và đang phạm chỉ vì biểu tượng. Cộng sản đem cờ Búa Liềm vào các trận chiến, giống như Ki tô hữu đem Thập tự vào các cuộc Thánh chiến ‘linh thiêng’ của họ. Phật tử chưa bao giờ làm giảm giá trị tôn giáo của họ bằng bạo lực. Chưa có một cuộc chiến tranh Phật giáo, hy vọng sẽ không bao giờ có; quả thật, khó mà tưởng tượng có một cuộc chiến tranh nào được nhân danh Phật giáo. Nguyên tắc đầu tiên của nó là Tôn Quí Cuộc Đời.

Hình ảnh đức Phật là một biểu tượng của một vị Thầy khôn khéo và từ bi sống cách đây rất lâu. Người đã cho ta lời khuyên để sống sao cho tốt đẹp thiện lành. Ai coi tượng thờ như sinh vật thật, tưởng lầm biểu tượng là cái được biểu tượng? Ai, có khi nào, tưởng tượng rằng vị Đạo Sư nầy, một người khi được sinh ra là Thái tử lại từ bỏ tất cả giàu sang và danh vọng trần thế để trở thành một người không nhà cửa và cuối cùng thành một bậc Giác Ngộ, thực sự trông giống như các tượng thờ mà chúng ta đã làm để tượng trưng cho ngài? Bạn sẽ nghĩ sao nếu thấy một người giống Phật trên đường, đỉnh đầu cao hẳn lên, tai gần đụng vai, tóc cuốn giống hình ốc sên và những nét khác, theo kinh sách, được xem như có những dấu hiệu đặc biệt của một con người phi thường? Bạn không lẽ không ngạc nhiên? Có người, không một chút nghi ngờ, nghĩ là họ đang nhìn một sinh vật siêu thế gian! Tôi nói như vậy không phải có ý bất kính mà tôi chỉ cố gắng nói lên việc chúng ta bị kẹt vào các biểu tượng và không bao giờ thấy được những gì trên và trước.

Trang 160. Năm 1985, tôi đi thăm người tỵ nạn Việt nam tại Na uy. Tại đó tôi được cho biết một việc không may đã xảy ra không lâu trước đó, một việc mà nếu thấy trước một chút thì có thể tránh được. Một Phật tử Việt nam chết. Gia đình người nầy cho khắc hình chữ Vạn lên trên mộ bia. Dấu chữ Vạn với Phật giáo Việt nam và với các dân tộc ở Á châu là một biểu tượng tốt, nếu không thì các dân tộc nầy đã không khắc nó trên mộ bia? Nhiều Phật tử Hoa Việt cũng mang hình chữ Vạn bằng vàng chung quanh cổ, hoặc xăm trên cánh tay. Tuy nhiên, sau khi hỏi một số người mang dấu hiệu nầy là ý nghĩa gì tôi mới thầy rằng ít ai biết. Vâng, theo lời nói lại tôi nghe thì dấu hiệu nầy xuất xứ từ nước Ba tư cổ đại các đây khoảng 3.500 năm. Tức có trước Phật giáo 1.000 năm và dù 2 dấu hiệu rất dễ bị lầm lộn nhưng nó đều có nghĩa là (Vạn sự) Cát tường, An toàn, Thịnh vượng, Phúc lạc, Thành công, Thắng lợi.

Tuy nhiên, trong khi ở phương Đông, dấu chữ Vạn luôn luôn nói lên điều tốt thì ở phương Tây, vì Adolf Hitler dùng nó nên nó đã trở thành một dấu hiệu của ác quỷ (2 dầu tuy có khác một chút nhưng rất dễ tưởng là giống nhau. M.T.) Rất ít người phương Tây biết nguồn gốc và ý nghĩa của nó.

Na uy giống như các nước Âu châu khác, đã bị tràn ngập và đau khổ dưới sự chiếm đóng của quân đội Đức quốc Xã trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Vì vậy khi một vài người Na uy thấy dấu hiệu nầy tại nghĩa trang trên một số mộ bia người Việt nam thì tâm thức họ nhớ lại sự khủng bố của đội Quốc Xã. Thế là có sự làm ầm lên. Đầu tiên, những người Việt nam không biết tại sao lại trở thành lớn chuyện. Họ nói 2 dấu đó khác nhau. Vâng, điều nầy có thể là đúng với họ nhưng tôi chắc chắn rằng đối với người Tây phương không để ý đến sự khác nhau nầy kể cả người Na uy. Sự phản đối nổi lên và người Việt nam phải giải nghĩa, xin lỗi công chúng Na uy và bỏ đi dấu hiệu đó.

Trang 161. Tôi biết đã có những biến cố khác về dấu hiệu nầy tại Hoa kỳ. Vì tôi không muốn thấy các Phật tử bị rắc rối hay nguy hiểm nên tôi đã cố gắng giải nghĩa ở những nơi khác nhau. Xin khuyên là đừng nên dùng dấu hiệu nầy nữa, vì nó sẽ gây lẫn lộn và hiểu lầm. Dầu sao không phải chỉ có một dấu hiệu đó ta mới dùng được. Dấu hiệu Hoa Sen hay Bánh xe Pháp chẳng hạn. Chúng ta nên thực tế về vấn đề nầy cũng như các vấn đề khác. Không thể nào cắt nghĩa cho mọi người rằng dấu hiệu chữ Vạn của Phật giáo thì khác với chữ Vạn của Đức quốc Xã. Không thể được! Việc dùng nó có thể không những gây tai hại mà nó còn ngăn trở các cố gắng của ta để hoằng hóa Phật Pháp ở phương Tây; có người có thể có cảm tình với Phật giáo nhưng sẽ có ác cảm vì sự có mặt của chữ Vạn trong các ngôi chùa.

Vì thế, Chúng Ta, chứ không phải Họ, cần hiểu biết, chịu cúi xuống và thích nghi hoá về điểm nầy. Nếu Phật tử Hoa Việt tiếp tục dùng dấu hiệu chữ Vạn nầy ở các nước phương Tây thì chính là họ đã mời rắc rối đến và hậu quả là chỉ có họ là lý do để bị đổ lỗi. Đây là lời khuyên thành thật của tôi, thành thật muốn bảo tồn, ngăn ngừa và bảo vệ. Có như vậy mới thực sự là ta đem đến một chút phẩm chất của chữ Vạn với ý nghĩa nguyên gốc của nó: An Toàn, Thịnh Vượng và Phúc Lạc.

@

Xây Phá, Phá Xây...

Trang 162. Trước khi có tạo phải có hủy (và ngược lại): muốn làm bàn ghế, cây cối phải bị chặt xuống; muốn may quần áo, vải sồ phải được cắt ra và tạo lại.

Tuy nhiên nếu phải hủy cái gì, ta hãy chắc chắn là nó sẽ tạo dựng cái gì đó từ sự hủy hoại nầy; hãy thành nghệ sĩ của cuộc đời, luôn luôn cố gắng cải thiện thay vì để lại đàng sau rác rưới và phá hoại.

Chỗ nào có người là có rác, có ô nhiễm, có phá hoại. Núi, rừng, sông, biển và các nơi khác đầu tiên sạch đẹp nay bị dơ thối một khi có con người đi qua. Loài vật không làm lộn xộn như loài người. Sao ta lại làm như vậy? Quả Địa cầu tốt đẹp nầy là nhà ở của ta trong một thời gian. Vì quyền lợi, ta nên giữ sạch sẽ và chăm sóc nó hầu nó có thể tồn tại để thành một nơi sống thoải mái dễ chịu.’

Tất cả chúng ta đều có thể biến thế giới nầy là một nơi để sống tốt đẹp hơn. Nếu ai thích sống gần nơi rác rến, hình như nhiều người có vẻ như vậy, cứ tiếp tục xả rác bất cứ chỗ nào; hãy thành người cỏ rác, bất cẩn và u mê! Nhưng nếu ai thích sạch sẽ, đẹp đẽ hơn, hãy để ý đến việc bỏ rác đúng chỗ, hãy làm sạch chỗ nào ai làm dơ, phát triển tinh thần cộng đồng, tỉnh thức và tế nhị, dám làm. Người có ý thức và tế nhị là người tôn giáo. Người tôn giáo là người có lương tâm, chăm chỉ, cẩn thận và tận tâm.

Phê bình là việc có thể tích cực và tiêu cực, xây dựng hay phá hại. Trong quyển sách nầy và các quyển sách khác, tôi đã phê bình một số sự việc nhưng tôi nghĩ tôi không phá hại. Khi tôi chỉ trích cái gì đó, tôi cố gắng cho một giải pháp để thay thế cho tốt đẹp hơn; tôi không muốn lấy đi cái nạng chống của người rồi để họ tay không.

Tất cả các tôn giáo đều có chứa Sự Thật, chỉ nhiều hay ít mà thôi, nhưng không có tôn giáo nào chứa đựng tất cả Sự Thật. Đó là vì Sự Thật không thể chuyển từ người nầy sang người khác được. Nó phải ‘‘được chứng nghiệm bởi người ngoan hiền, từng chút một’’, như Phật đã nói hay Lão Tử đã viết: ‘‘Đạo khả Đạo phi thường Đạo’’ {Con Đường (Phương Cách) mà có thể dùng lời để diễn tả được thì không phải là Con Đường (Phương Cách) vĩnh cửu bất biến).

Trang 163. Dù ta ám chỉ đến nhưng tất cả cố gắng để định nghĩa sẽ bị thất bại ngay từ đầu. Với chữ ‘Bánh’, chẳng hạn, ta không thể ăn nó được; cũng vậy, chữ ‘Sự Thật’ không thể chính là cái Sự Thật được; thực vậy, chúng ta không thể nói gì về nó, vì ngay lúc ta dùng chữ đó ta mất nó liền. Nếu chúng ta hiểu nó, chúng ta sẽ không ghét bỏ và không tranh cãi nhau về các quan niệm khác nhau về Sự Thật hay Thực Tại; máu mủ và đời sống thì quan trọng hơn chữ nghĩa và ý tưởng!

Các Thầy dạy Đạo thường có vẻ tương phản nhau không phải vì các vị thầy trước cùng các điều dạy của ông ấy sai nhưng vì mức độ chú ý của hầu hết chúng ta thường là ngắn ngủi. Nếu nghe cái gì một vài lần, được cắt nghĩa cùng một lối, thế là ta nghĩ rằng ta đã biết và vì thế không còn chú ý nữa; ta trở nên ‘ngấy’ đi với sự lập lại và bắt đầu tìm thầy các sự vật khác hấp dẫn hơn.

Vì thế, một người Thầy muốn truyền đạt lời khuyên cho kẻ khác thì phải tạo ra các lối mới để nói về một bài học cũ, trình bày nó bằng các lối khác nhau, biến thái hình thức, phương thức hầu cho người khác thấy nó mới mẻ và độc đáo. Người ta thường không thích ‘bánh cũ’. Phật nói, trong tất cả thời gian hoằng pháp của Ngài, Ngài không nói gì hết ngoài Lý ‘Tứ Diệu Đế’, có nghĩa đây là phần Giáo Pháp chính yếu nhất và tất cả các phần khác mà Ngài đã nói đều tựu trung chung quanh nó.

Hầu hết chúng ta đều không đi sâu vào các chi tiết sự vật mà chỉ là đi trên bề mặt của nó. Câu ‘một ít kiến giải là điều nguy hiểm’ thế mà đúng. Các người cuồng tín tôn giáo thường hiểu rất ít, ngay cả hiểu lầm, về tôn giáo của mình; lòng nhiệt huyết của họ cùng với sự hiểu biết sơ sài là điều rất nguy hiểm.

Trang 164. Nhiều người trong chúng ta bắt đầu các sự việc một cách nhiệt tình, nhưng sau đó dễ bỏ dở, giống như ai đó cắt vải để may áo nhưng không bao giờ may các mảnh vải cắt lại với nhau; các mảnh vải vì vậy không ích lợi gì và ngườì đó không có áo để mặc. Một thí dụ khác là giống như đổ dầu vào lửa: ngọn lửa tức thời bùng lên rất cao nhưng cũng tắt rất mau. Chúng ta nên cố ‘để tâm quan sát’ (quan tâm) hơn, nên cháy với ngọn lửa liên tục, thay vì phút đầu thì cao phút sau thì thấp.

Chúng ta là những người thích ‘cà phê uống liền’ muốn kết quả cho mau và nếu không được nó thì không tìm Giác Ngộ hay Sự Thật ở một Con Đường sau khi đã theo nó một thời gian ngắn (nhưng không sâu). Ta đổi, đổi và chẳng tìm thấy gì. Có thể là vì ta không biết cách học mà thay vào đó luôn luôn chờ người khác để chỉ ta. Ngày nay hình như nhiều học sinh đi đến trường nghĩ rằng chúng đến đó là để giúp thầy cô giáo hơn; cung cách thô tháo, bất kính và hành động tệ hại của chúng ở trường học là những chỉ dấu cho việc nầy.

Tôn giáo thường được xem là không thích hợp, xưa cũ, so với nền công nghiệp kỹ thuật cao của ngày nay. Tôn giáo chỉ được chấp nhận bên lề, ngoại vi; có thể vì qua rất nhiều thế kỷ nó đã được trình bày dưới các hình thức giáo điều, độc đoán và không khoa học và vì thế làm mọi người xa lánh. Đây là chuyện có thể hiểu được. Nhưng tôn giáo mà không khoa học có sao không? Chắc chắn là phải có một chút huyền bí và không thể nào định nghĩa được về nó, nhưng có thể nào nhập chung Tôn giáo và Khoa học không? Chúng có cần luôn luôn chống nhau và độc quyền không? Không, nếu ta muốn tìm hiểu tôn giáo, chăm sóc nó để không mất cái tinh yếu mà chỉ tẩy đi cái phần ô nhiễm của nó. Thực ra thế giới rất cần tôn giáo hơn là cần phát triển kỹ thuật thêm. Không có tôn giáo hướng dẫn và giám sát kỹ thuật, là phần được xem cần yếu cho con người, sẽ khó mà giới hạn ta không làm những chuyện tai hại vì với các khả năng quyền lực lớn lao mà chúng ta đã tạo ra và phát triển cho mục đích nầy. Các ngón tay của ta sẽ ngứa ngáy nhấn nút, chỉ vì ta muốn xem những gì sẽ xảy ra khi các nút được bấm!

Trang 165. Nhưng chúng ta cần hiểu tôn giáo một cách khác hơn với những gì được hiểu một cách thông thường. Ta cũng không chỉ chấp nhận các quan niệm thường thấy và thường hiểu về tôn giáo. Nó không phải là một cái gì cổ xưa mà ta đã thừa hưởng một cách không thắc mắc từ tổ tiên ta. Nó không cần phụ thuộc vào uy quyền của quá khứ. Nó có thể là cái gì rõ ràng và hiển nhiên Ở-Đây và Bây-Giờ, tức cái gì đó nó giúp ta rộng rãi và khôn ngoan, sẵn sàng cho cái thấy Chơn Lý (Sự Thật, Chơn Đế) mà một bậc Đạo sư đã nói: ‘‘Ngươi sẽ thấy Chơn Lý và Chơn Lý sẽ làm cho ngươi được tự do’’. Nhưng chúng ta phải tự chuẩn bị trước để sẵn sàng cho việc thấy đó, nếu không nó sẽ ít có ý nghĩa đối với chúng ta và cũng có thể nguy hiểm nữa.

Tôn giáo là một cái gì để sống, không phải để nói; Nó ở bên trên của Tên và Lời, Danh và Ngôn. Có lần tôi thấy một người mặc áo với hàng chữ: ‘‘Mỗi người là một nơi thánh thiện’’. Đúng vậy! Phải chi chúng ta hiểu nó, rồi ta sống cuộc đời của ta và để cho người khác sống cuộc đời của người, mà không thúc ép tên, lời, ngôn, danh ngu xuẩn lên chúng. Trong các trại Tỵ nạn Đông Nam Á cách đây nhiều năm, ta thường thấy có người mặc áo mang những dòng chữ như: ‘‘Giê su yêu người’’, ‘‘Giê su lo cho người’’, ‘‘Viện trợ Ki tô Quốc tế’’, ‘‘Hội Tỵ nạn Thệ phản (Tin lành)’’, v.v...được các Hội thánh phát miễn phí. Người tỵ nạn vì thế trở nên ‘‘giấy quảng cáo biết đi’’, báo cho mọi người biết ai là tốt lành và tử tế qua việc cho áo sơ mi. Quà tặng của các Hội thánh không phải là những gì của bề ngoài mà nó có nghĩa của một mục đích: sự phá vỡ và cải đạo người tỵ nạn, mà hầu hết là những người tự xem mình là Phật tử. Quả là một sự ngã mạn kinh khiếp khi đi vào trại Tỵ nạn với mục đích đó trong đầu, lợi dụng cái nghèo khó và đau khổ của những người không may mắn để rồi ‘hiêu hiêu tự đắc’ là đã ‘cứu rỗi’ được bao nhiêu ‘linh hồn ngoại đạo’! Đây quả thật là tôn giáo lạc đường!

Trang 166. Ai theo đạo (đường) nào cũng tự nhiên cho đạo (đường) mình là hay là đúng nhất, nếu không thì họ sẽ theo đạo khác. Phật tử cũng vậy. Nhưng tại sao người ta nghĩ đạo mình là nhất?

Có phải là vì những lý do nầy không:

1.Họ đã hiểu biết rõ ràng các lời dạy của đạo để chọn đạo đó là đạo hay nhất của họ chưa?

2.Họ chỉ lười, dại, chấp nhận không thắc mắc những gì người khác nói với họ?

3.Họ quá ngây thơ và ích kỷ cho rằng vì đây là đạo của họ nên tự động nó là nhất?

Buồn thay, chỉ một ít người ở trong loại một, loại hai có nhiều hơn và loại ba lại có nhiều hơn nữa. Tại sao vậy? Vì tất cả chúng ta tự xem là trung tâm của Vũ trụ mà tất cả cái khác phải quay chung quanh. Chúng ta nghĩ và nói ‘Tôi’, ‘tôi’, ‘của tôi’ hầu như liên tục và hậu quả là ‘cách của tôi’ là nhất. Chúng ta không thể nào suy nghĩ nghiêm túc rằng vẫn có cách khác tốt hơn hoặc ngang bằng như cách của ta.

Nếu chúng ta bắt đầu xem các sự việc một cách khác biệt, rõ ràng, có lý trí và cân bằng hơn một chút, chúng ta sẽ không còn nhìn mình hay sự việc của mình với cái lối cho mình là trung tâm nữa. Chúng ta sẽ có khả năng xem xét đến các vật khác, các lối khác và khi làm ta sẽ thấy cái nào sai cái nào đúng, cái nào thật cái nào giả. Sẽ không còn phải suy nghĩ ‘‘Tôi đúng, anh/chị sai’’, vì chúng ta bước ra khỏi lối thiển cận hẹp hòi của việc nhìn các sự vật. Đây mới là có nghĩa ‘tái sinh’, tức không trở lại với các ý tưởng không hợp thời, các câu trả lời phá sản của quá khứ mà chỉ thấy rõ ràng cái Bây-Giờ, vì sự vật luôn luôn là: mới và lạ. Không ai có thể làm được chuyện nầy cho bạn; bạn phải mở mắt bạn để Thấy! Thấy cho chính mình.

Trang 167. Rồi bạn sẽ ngừng tự cho mình là Phật tử, là Ki tô hữu, là gì gì đó, vì không có cái tên nào thích hợp hay cần thiết cả. Bạn bắt đầu sống, sống cho chính mình–-lúc đầu hơi nghiêng ngã, có thể, nhưng sau trở nên tự tin hơn từng bước. Và bạn sẽ không nói cách của bạn là duy nhất và hay nhất mặc dầu có thể nó là cách duy nhất và hay nhất cho bạn, cho chính bạn. Nó không phải cho mọi người hay ai khác vì mỗi người phải tìm ra cách riêng của mình. Và, vì mỗi người là đặc biệt và khác nhau. Người ta đã nói: ‘‘Các Con Đường (Đạo) dẫn đến Chơn Lý thì nhiều cũng như đời sống của con người’’. Vì thế, chúng ta không thể tuyên bố rằng Đường của chúng ta là nhất và duy nhất cho mọi người. Ai nói như thế (rủi là nhiều người đã nói!) chỉ đưa ra sự vô minh, dốt nát của mình, giống như con cóc trong giếng. Người ấy còn phải học tập nhiều lắm.

%

Hành trình đầu tiên của Phật.

Trang 168. ‘‘Đừng quên ông ấy là con vua và luôn luôn sống trong nhung lụa từ đầu. Có thể ta hy vọng nơi ông nhiều hơn là ông có thể al2n được. Nhưng hãy đi tới đó; hãy đi đến ông!’’

Với khuôn mặt nghiêm khắc, một trong 5 anh em Kiều Trần Như nói: ‘‘Chúng tôi phải bỏ ông, không thể sống chung với ông nữa vì ông đã từ bỏ sự cầu đạo và chỉ sống lợi dưỡng!’’.

‘‘Ta không bỏ sự cầu đạo. Con đường đi bấy lâu đã sai, các ông không thấy à? Nó không đem lại cho ta được gì mà chỉ là sự đi xuống toàn diện, chúng ta gần như chết! Phải có cách khác hay hơn, thông minh hơn. Nó sẽ giúp tránh được các sự cực đoan hiện nay.’’

‘‘Không. Nếu kiên nhẫn ông sẽ tìm ra. Chúng tôi chưa thấy và nghe ai khác đi được xa như ông. Chúng tôi đã theo ông nhiều năm, nghĩ rằng nếu ai tìm ra được thì người đó phải là ông. Tất cả hy vọng đều dựa vào ông. Vậy mà bây giờ ông làm chúng tôi thất vọng. Chúng tôi không còn tôn kính ông nữa.’’

‘‘Và ông sẽ đi đâu?’’

‘‘Các ông hỏi gì kỳ vậy? Chúng ta muốn đi đâu thì đi không thành vấn đề. Nhưng chúng ta đã nghe nói Vườn Nai (Lộc Uyển) tại Varanasi, nơi đó có rất nhiều người tu tập Du già (Yoga) và tầm đạo. Chúng ta có thể đến đó.’’

Thế là họ bỏ (Thái tử) Siddhartha trong rừng và tầm đạo một mình. Tuy nhiên, Thái tử hồi phục nhanh sau lần thất vọng của mình vì sau khi thấy được sự vô ích của việc mình đang làm, bây giờ ông cảm thấy tin tưởng là đang tìm được chánh đạo.

Sau vài tuần:

‘‘Bình an, Sáng suốt biết bao. Nó đã đến với ta! Mọi việc đã khác, mạnh mẽ, đầy sức sống, dù nó có vẻ giống như trước! Tại đây, vĩnh viễn, những gì ta tìm. Trước đây ta đã không tìm được nó. Ta cảm thấy nhẹ nhàng như thể một gánh nặng đã được bỏ xuống. Việc gì cần làm ta đã làm xong. Việc tầm đạo của ta đã chấm dứt. Ta được giải thoát khỏi vô minh và các mối ràng buộc của tham muốn. Ta thấy quá khứ, nơi mà từ đó ta đến. Bất cứ ai nghĩ nó sẽ như thế nầy và tất cả điều xấu ác, sự đau khổ đã dự phần vào?

Trang 169. ‘‘Nhưng ai tin ta? Làm sao giải nghĩa cho họ biết những gì ta đã tìm ra được? Chữ nghĩa làm sao nói hết được chuyện nầy? Đối với ta cố gắng cắt nghĩa chỉ làm cho rắc rối thêm một cách không cần thiết. Tốt hơn ta nên ở trong rừng, vui với cái giác ngộ cực lạc bình an nầy cho đến khi chết.’’

Ngài lúc đầu nghĩ như thế và ngày tháng trôi qua niềm vui của ngài tiếp tục không suy suyễn. Ngài cảm thấy rằng sự khám phá lớn lao của mình không nên, và cũng không thể, giữ hoài một mình; ngài nên đi ra ngoài để cố gắng chia xẻ nó với những người khác. ‘‘Nhưng có ai chịu hiểu không? Nó quá thâm sâu và ra ngoài sự hiểu biết của những người đã tự làm mất họ trong các thú vui trần tục, tìm vui và tránh khổ. Tuy thế, giống như hoa sen trong hồ, có hoa còn chìm dưới nước, có hoa vừa chí trên mặt nước, có hoa nổi lên nhưng chưa hé nụ lại có hoa nở trọn. Con người cũng vậy. Kẻ kia bị Vô minh che lấp hoàn toàn, người nọ có chút ít thông minh, người kia thông minh hơn chút nữa, kẻ nọ không hoàn toàn Vô minh và mù quáng mà chỉ bị vẩn đục chút ít mà thôi. Hai người thầy của mình trước đây, người quí tộc, kẻ vị tha, đã cố gắng chỉ dạy hết sức cho mình không còn sống nữa. Tin tức về cái chết của họ vừa đến tai mình. Còn năm người trước đây tu chung với mình chưa thấy được và vẫn tin rằng cách tu khổ hạnh hành xác là con đường Đạo độc nhất. Nhưng họ không dại dột. May ra họ có thể hiểu nếu ta chịu nói với họ. Nhưng họ có chịu nghe không? Họ đã từng bỏ mình mà. Có thể họ vẫn cứng nhắt và quay mặt đi. Nhưng có thể họ không từ chối mà sẽ chịu nghe và hiểu. Thôi mình thử nữa xem’’.

Sau khi quyết định, ngài hướng về phía tây. Chưa được một khoảng xa, ngài gặp Upaka, một ẩn sĩ lãng du. Ông nầy nói: ‘‘Bạn ơi, qua hình tướng dễ nhìn, vẻ mặt trong sáng của bạn chắc là bạn đã tìm được cái gì rất đặc biệt. Xin cho tôi biết ai là thầy bạn và ông ấy dạy cái gì?’’

Trang 170. ‘‘Không có ai ta gọi là thầy. Do các cố gắng của ta mà ta đã Giác ngộ và thành một Giác giả (Phật)’’.

Upaka không tin và nghĩ rằng ngài kiêu mạn, một việc không phải là không thông thường ngay cả trong thời đó. Ông nói: ‘‘Có thể thế, Có thể thế’’, và lánh đi mất. Đức Phật nhận thức rằng ta mới vừa làm lỗi khi nói thẳng tuột như vậy và quyết định rằng các phương cách khác nhau nên được dùng với các hạng người khác nhau.

Đi suốt ngày trong nắng cháy đến lúc nghỉ dưới bóng cây mát, ngài tiếp tục hành trình vào buổi chiều lúc trời trở nên mát mẽ hơn. Ngài ngủ đêm bất cứ lúc nào ngài thấy cần, thường là ngủ ngoài trời, đôi khi trong chòi hay trong nhà nghĩ của một ngôi làng; và ăn bất cứ thực phẩm nào mà ngài có được trên lộ trình đi. Ngài cũng gặp rất nhiều dân làng trên hành trình ngài đi qua. Nhiều người đón mừng và cung dưỡng (cúng dường) món ăn thức uống cho ngài một cách đầy kính trọng. Cũng có người thô tục, lơ là hoặc trách móc ngài cho rằng ngài sống nhờ vào người khác thay vì phải tìm kế sinh nhai. Có người đến với ngài kể những chuyện khúc mắc, buồn rầu của họ. Ngài chăm chú lắng nghe, ít nói; họ rời ngài đi lòng cảm thấy nhẹ nhàng hơn, bình an hơn. Luôn luôn khi nói, ngài dùng chữ nghĩa và thí dụ thích hợp với người nghe. Hầu như, vì ngài đi đến những nơi ở các vùng quê nên ngài dùng ngôn ngữ của dân quê và nông gia, nói về các sự thay đổi thời tiết, cày bừa, cấy gặt, gieo nhân, hái quả. Ngài nói về lòng vui thú với sự giản dị của cuộc đời và hành động làm những điều thiện lành là việc cần thiết. Hầu hết người nghe ngài tin tưởng và hứng khởi bởi sự chơn thành và tĩnh lặng của ngài.

‘‘Chúng tôi đã thấy được nhiều vị ẩn sĩ khổ hạnh như thế nầy với tóc và râu gần như trần truồng không mang gì ngoại trừ bình bát và gậy,’’ một người nói với những người chung quanh, ‘‘Còn ông nầy thì khác, ông điềm tĩnh và phong cách! Có thể đây là người mà chúng ta đã nghe nói đến, người mà họ gọi là Thích Ca Mâu Ni, người là một thái tử nhưng bỏ cung vàng điện ngọc để tìm chơn lý? Người ta nói rằng vị tôn hoàng của ta là vua Bimbisara đã cho ông vương quốc Magadha nhưng ông từ chối nói rằng ông đã từ bỏ một cung điện vương miện rồi chẳng lẽ lại đi nhận một cung điện vương miện khác. Vua của chúng ta ngạc nhiên với sự quyết tâm nầy nhưng tôn trọng nó và xin vị rishi (LND: rsi, rs (Sanscrit); isi (Pali)=hiền triết, tiên, tiên tri) nầy trở lại khi nào ngài đắc quả để truyền chia với ông. Chắc chắn là ông ấy rồi. Kông thể ai khác. Chúng ta hãy tôn quý ông và xin ông cho ta một số lời đạy!’’

Trang 171. Đức Phật bằng lòng, hoan hỉ chia xẻ những gì ngài đã tìm được với những người nức lòng muốn được nghe. Tuy nhiên với những người không để lòng đến, ngài im lặng. Ngài nghĩ: ‘‘Ta không thể nói cho người ta hiểu khi họ không sẵn sàng nghe. Chỉ khi nào sẵn sàng thì họ mới học được.

Một ngày nọ, ngài đến với một nhóm thợ săn và biết rằng những người tu thiền du già đó đều ăn chay. Họ đón ngài với sự coi thường. Đức Phật im lặng không nói gì. ‘‘Ông thầy đến ngồi ăn chung với chúng tôi các món chúng tôi mới vừa có được đây’’, một người trong nhóm chế giễu. Người khác cố ngăn bớt người kia bằng cách nói: ‘‘Ai muốn ăn gì cũng được mà bạn. Thầy tu nầy không nói gì với tụi mình. Tại sao bạn chọc ổng như vậy?’’ Người đầu tiên nhận lỗi mình và xin lỗi đức Phật. Phật, thấy có người mở lối bèn nói: ‘‘Trong khi còn sống với gia đình tôi cũng ăn thịt thú vật. Bây giờ là tu sĩ, tôi đã kiêng ăn mặn và bây giờ không có gì sống mà sợ tôi. Tất cả sinh vật đều thương thân mình và không muốn bị đau khổ. Tôi tự chế không muốn gây ra đau khổ cho những con vật thấp bé nhất. Kẻ thù thì tôi vẫn có nhưng không ai là kẻ thù của tôi.’’

Thường thì ngài gặp những người theo tôn giáo tại nhà hay tại nơi thờ tự, cúng dường và cầu thánh thần giúp đỡ và đặc ân nhưng ngài không nghe trả lời. Một ngày hai lần, ngài thấy những tử thi được hỏa táng và cảm thấy buồn cho những người phúng điếu.

Sau đó, Ngài đến sông Hằng và phải qua sông. Có người mưu sinh bằng cách đưa đò qua sông nhưng ngài không có tiền. Tuy nhiên ngài không lo và cũng không yêu cầu được đưa qua sông. Ngài ngồi trên bờ, yên lặng ngắm nhìn nước lặng lẽ chảy qua, nghĩ đến chỗ thượng nguồn của những đòng nước nầy rồi chảy đến đây rồi ra biển, mất đi cái bản sắc lúc đầu nhưng không mất cái tinh yếu của nó trong đó. Ngài nghĩ: ‘‘Dòng đời là một tiến trình, giống như dòng nước ở đây. Nó không tĩnh (lặng yên) hoặc tỉnh (lặng yên mà hiểu rõ) chút nào mà trái lại luôn luôn thay đổi. Không có gì ngừng nghỉ; không có gì giống nhau; không có gì nắm bắt được, sở hữu được, để gọi là của chúng ta. Nếu ta hiểu được điều nầy, ta sẽ giúp được người khác hiểu biết rằng trong khi sống ở đây, ta nên tránh làm bất cứ điều xấu ác nào mà phải làm nhiều điều thiện lành. Có như vậy ta mới có ,mới cho cuộc đời một ý nghĩa, một cuộc đời không chỉ chảy trôi dòng không mục đích giống như dòng sông nầy không biết từ đâu tới và sẽ chảy tới đâu’’.

Trang 172. Những dòng tư tưởng của ngài bị cắt ngang bởi người lái đò. ‘‘Tôi biết ông không có tiền trả tôi nhưng nếu ông chờ có thêm người cho đông thì tôi đưa qua một lượt.’’ Đức Phật cười và nói: ‘‘Ông tử tế quá’’.

Chẳng bao lâu có nhiều người đến và lên đò. Người đưa đò ra dấu cho đức Phật ngồi kế bên. Rồi với cánh tay mạnh mẽ, lối chèo mau chắc, người chèo đò đưa chiếc đò từ bờ ra giữa dòng sông rộng. Dòng nước chảy không mạnh lắm, các giọt mưa cũng chưa rơi rớt vì vậy ông không cảm thấy bị thúc bách nhiều. Khách đò chuyện trò nhau, họ trên đường về nhà sau khi xong chuyện trong ngày của mình. Người chèo đò biết mặt và kêu tên nói chuyện. Riêng đức Phật thì rất đặc biệt. Ra giữa dòng, ông quay sang Phật nói: ‘‘Tôi biết ông là người không nhà nhưng xin phép được biết ông từ đâu đến và đi đến đâu?’’

Môt cách lịch sự, đức Phật trả lời: ‘‘Tôi mới từ Gaya ở Magadha tới và muốn đi tới vườn Lộc Uyển thường được biết là Isipatana. Có thể ông đã nghe nói đến nơi nầy?’’

Trang 173. Người chèo đó trả lời: ‘‘Vâng, tôi có nghe. Có nghe. Đây là nơi dễ chịu mà các ông tu sĩ và hiền triết như ông thường hay đến. Nó cách đây khoảng 2 tiếng đồng hồ đi bộ về phía tây.

‘‘Tôi luôn luôn đưa các thầy đó qua đò miễn phí, vì biết rằng quí thầy không tiền. Có thầy thì biết ơn, có thầy thì không và xem đây là quyền lợi của các thầy phải được đưa qua. Có thầy nói, rằng các thầy là thánh và rằng tôi đã tạo phước đức khi đưa các thầy qua sông. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy được cái công đức mà các thầy đã nói, và đôi khi tôi cảm thấy bị lừa. Còn những người nầy phải trả tiền cho dịch vụ nầy; đây là cách sinh nhai nuôi nấng gia đình tôi. Tôi không thể sống mà không có gì.

Đức Phật trả lời: ‘‘Ông nói đúng. Ông làm một công việc ích lợi và sống một cuộc sống lương thiện. Làm sao người ta có thể qua sông nếu không có những người như ông làm giúp cho họ? Không có cầu hoặc chỗ cạn. Bây giờ, cũng như ông cung cấp dịch vụ hữu ích cho người khác, ông nghĩ ông có hưởng các dịch vụ hữu ích khác dưới hình thức nào đó không?’’

Người chèo đó đáp: ‘‘Vâng có. Chúng ta tùy thuộc vào nhau qua nhiều dịch vụ. Trong khi tôi đưa đò chở người qua sông thì tôi không làm việc được trên đồng ruộng và do vậy tôi mua thức ăn từ những người khác. Rồi quần áo, thuốc men khi tôi hay thân quyến bị bịnh. Và còn những thứ khác nữa.

Đức Phật nói: ‘‘Rất đúng. Ông nhận thức đúng và mau. Tất cả ta đều phải tùy thuộc vào nhau. Điều may mắn cho ta là việc nào người ấy làm, ai có việc nấy. Nếu tất cả mọi người đều chèo đò như ông thì làm sao ta có đồ ăn? Nếu tất cả làm nông trại và sản xuất đồ ăn thì lấy quần áo đâu để mặc, có đồ vật đâu để dùng? Làm sao họ qua sông?

‘‘Nhưng đời sống không phải chỉ là vấn đề trao đổi hàng hóa và dịch vụ; có những vấn đề khác mà con người cần tới, những vấn đề không thể mua và bán. Chúng ta cần bạn. Chúng ta cần tình thương. Chúng ta cần tử tế. Thỉnh thoảng ta cần người khác lắng nghe ta. Ta không hoàn toàn sống với ta được; ta cần kẻ khác; mỗi người đều cần như vậy. Ta thích người khác tử tế và giúp đỡ ta dưới các hình thức khác nhau cũng giống như người khác thích y như vậy. Ta không nên luôn luôn tính toán và cầu báo.’’

Trang 174. Người lái đò vui mừng nói như khóc: ‘‘Tôi đã hiểu. Tôi đã hiểu. Cái ông nói nghĩa là ta cảm thấy hạnh phúc ngay lúc giúp người khác mà không nghĩ đến hơn thua, làm đúng hay tốt là những gì ta cần làm. Cảm ơn ông. Ông đã cho tôi một cái gì đó giúp tôi trong nhiều ngày sắp tới; tôi đã được ông trả tiền hậu hỉ lần đưa ông qua sông nầy. Bất cứ lúc nào ông cần qua sông, xin tìm tôi ở đây. Tên tôi là Nyanapala và nhà tôi ở đằng kia, gần mấy cái cây đó. Tôi sẽ rất vui nếu được chở ông trong những lần tới.’’

Đức Phật nói: ‘‘Xin chúc ông và gia đình ông khỏe mạnh và hạnh phúc. Nếu tôi đi qua đây lần nữa tôi sẽ tìm gặp ông’’. Khi xuống đò, đức Phật bước xuống và đi dọc theo bờ sông. Người chèo đò nhìn theo bước đi của ngài với sự ngưỡng mộ cho đến khi ngài khuất dạng. Chiều hôm đó, người chèo đò về nhà, vợ ông trông thấy ông vui vẻ mới hỏi tại sao. Ông ta trả lời: ‘‘Ta đã gặp một người đặc biệt hôm nay qua đò, một trong những người mà ta thỉnh thoảng thấy với tóc bính râu dài ăn mặc bằng vải rách may lại. Nhưng người nầy rất khác biệt; có một cái gì đó nơi ông ấy làm ta vui vui; gặp ông ấy làm ta hy vọng và cảm thấy con người mình đáng quý trọng hơn. Gia đình ta và ta đã được phước đức và sẽ không bao giờ quên ông.’’ Người vợ cảm thấy như thể là hạnh phúc của mình.

Mặt trời gần sắp lặn khi đức Phật bước xuống đò. Ngài không muốn đến vườn Lộc Uyển vào đêm tối vì vậy trong khi còn sáng, ngài tắm trong hồ sen và chọn một cội cây gần đó để ngủ qua đêm. Có nhà đó đây không xa lắm nơi mà ngài có thể khất thực vào sáng ngày mai.

Ngài không ngủ liền, trời mới chạng vạng. Theo thói thường, ngài ngồi thiền với thế kiết già để ôn lại những việc đã qua trong ngày và những người mà ngài đã gặp và nói chuyện. Ngài nghĩ: ‘‘Mỗi người đều có hoàn cảnh riêng của họ, mỗi người thấy theo cái cách riêng của họ, mỗi người có hy vọng, có sự lo sợ, có nguyện vọng riêng của họ. Ai cũng muốn sướng không muốn khổ. Có nhiều điều trong cuộc đời để thấy để hiểu; ta không cần phải bị đau khổ nhiều như ta đã bị. Phải chi con người mở rộng tim óc và sống để lòng đến người khác, thế giới sẽ là nơi để sống tốt đẹp hơn nhiều. Tôi có thể giúp người thấy được chuyện nầy nhưng chỉ khi nào người sẵn sàng lắng nghe; nếu không sẵn sàng, hay từ chối không chịu thấy nghe, chẳng ai có thể giúp người được.’’

Trang 175. Sáng hôm sau, sau khi ngài đến các khu nhà gần đó để khất thực và dùng cơm rau mà dân chúng đã cúng dường vào bình bát của mình, ngài rảo bước về vườn Nai ở Isipatana. Khi tới nơi ngài hỏi hai vị tu sĩ du già mà ngài gặp là họ có biết nhóm năm người nào đó có thể lưu lại tại đây không. Họ nói có và chỉ hướng đi đến đó. Sau khi cảm ơn, ngài theo hướng chỉ và gặp được năm người nầy. Họ cũng thấy ngài.

‘‘Xem có ai tới kìa’’, có hai người cùng nói. ‘‘Đó là Siddhartha! Ông ấy muốn gì đây? Có thể ông ta trên đường đi tới Kapilavastu để nhận vương quốc của ông và ghé ngang qua đây để khoe đấy!’’ Một người khác nói: ‘‘Để ý làm gì! Ông ta bỏ sự cầu đạo mà chỉ tìm lợi dưỡng. Chúng ta không tôn phục ông nữa, nhớ không? Đó là lý do tại sao ta từ bỏ ông. Xem ông ta có da có thịt và ‘bóng mượt’ kìa! Rõ ràng là ông chỉ biết ăn mà thôi từ lúc chúng ta bỏ đi!’’ Lại một người nói: ‘‘Đừng để ý. Nếu ông ta đến đây thì ta không cần ngăn nhưng đừng đứng dậy chào ông ta!’’

Tuy nhiên khi ngài đến gần, với phong cách và phẩm giá của ngài gây nên một cảm giác kính phục nên họ quên cái quyết tâm của mình mà tất cả đồng đứng dậy chào ngài. Một người nói nhẹ nhàng: ‘‘Trước đây chúng ta đã kính phục ông. Bây giờ có cái gì khác lạ nơi ông. Có cái gì đã xảy ra! Ông ta thật sáng ngời!’’

‘‘Chào bác Gotama. Gặp lại bác rất vui. Bác bây giờ ra sao? Bác biết chúng tôi ở đây để tìm tới bằng cách nào vậy?’’ Họ nói, người thì cầm bình bát của ngài, kẻ cởi y ngoài của ngài, người thứ ba mời ngồi, người thứ tư mời nước, người cuối cùng đem nước đến cho ngài rửa chân và rửa mặt.

Trang 176. ‘‘Khi các ông rời tôi đi, các ông không nhớ là đã nói rằng tôi có thể tới đây à? Tôi thử coi tới đây có may mắn gặp các ông không? Và các ông không còn thích đáng để gọi tôi bằng tên hay xem tôi là bạn nữa’’, đức Phật nói, ‘‘Bây giờ tôi không là tôi của ngày xưa nữa. Tôi đã tìm ra những gì tôi muốn tìm. Tôi bây giờ là một Giác Giả (Phật).’’ Nhớ lại lúc gặp Upaka, Ngài cũng nói gần giống như vậy (Upaka khi nghe ngài nói như thế nên không kính phục vì tưởng ngài kiêu mạn–xin xem lại trang 170). Ngài biết rằng mình có thể gặp chuyện không hay nếu nói như thế, tuy vậy ngài cảm thấy không còn cách nào khác hơn.

Một người trong bọn hỏi: ‘‘Nhưng làm cách nào có thể thành Phật được. Bác đã tu tập mọi cách, tinh tấn khá xa trong việc tu khổ hạnh hơn bất cứ người nào khác và nhờ vậy đã trở thành Thích Ca Mâu Ni. Nhưng bác vẫn không tìm được và bây giờ muốn chúng tôi tin bác trong khi bác trở lại với đời sống lợi dưỡng, tại sao?’’

‘‘Các con đường tôi tu tập trước đây đã sai’’, đức Phật nói, ‘‘và đã không dẫn tới đâu; chúng không ích lợi. Khi tôi thấy chúng sai, tôi chuyển hướng chứ không phải bỏ dở sự cầu đạo. Tôi ăn nhưng chỉ để bảo tồn sự sống, ăn để mà sống. Tôi đã không trở lại đời sống tham dục như các ông nghĩ. Tôi đã tìm được con đường Trung đạo, tránh các cực đoan vô ích.’’

-‘‘Khó tin thật, bác có cái gì đó mà bác không có trước đây.’’

-‘‘Khi chúng ta tu tập với nhau trước đây,’’ đức Phật nói, ‘‘các ông có bao giờ nghe tôi tuyên bố cái gì không?’’

-‘‘Không, không bao giờ. Chúng tôi luôn luôn biết bác là người chỉ nói Sự Thật mà thôi.’’

-‘‘Vậy thì, hãy đến đây và chú ý lắng nghe. Rỗng Không hay Chơn Không là những cái cổng cho sự Vô Sanh. Tôi sẽ nói rõ cho các ông những gì tôi đã tìm được,’’

Năm người bỡng chốc tin tưởng, lắng nghe đức Phật. Ngài nói về cái Quả Bất-Như-Ý (tức Quả KHỔ), về Nguyên Nhân�� Huân TẬP ra cái khổ, về cái Quả có thể DIỆT nó và về cái Nhân (tức con đường ĐẠO) chấm dứt nó. Giọng nói của ngài có uy lực, có trí tuệ và đầy từ bi. Trong khi ngài nói, ánh sáng hiểu biết hiện trên gương mặt của năm anh em Kondanya (Kiều Trần Như) và đức Phật thấy như vậy nên nói thêm: ‘‘Kiều Trần Như đã hiểu! Kiều Trần Như đã hiểu!’’

Trang 177. Thế là lời của Phật đã được truyền. Ngài đã nói lên được lời của ‘Sư Tử Hống’, lời mà cho tới nay vẫn còn rền vang.

Trong vài ngày, đức Phật tiếp tục giảng cho năm người nghe. Tất cả đã được khai sáng, giác ngộ và các mối nghi đều tan nát. Khởi đầu với năm người nầy, đức Phật đã bắt đầu nhóm Tăng đoàn của ngài cho đến ngày hôm nay mà chúng ta gọi là đoàn Tỳ Kheo Tăng già (Bhikkhu Sangha). Đây là tổ chức tương tục cổ xưa nhất của thế giới.

Những gì Cồ Đàm Sĩ Đạt Ta (Siddhartha Gotama) thành tựu không phải là để cho ngài mà cho vô số chúng sinh. Ảnh hưởng đấng Thế Tôn cho thế gian thật là vô lượng vô biên.

@

Phụ chú: Đây là câu chuyện không có xuất xứ từ Kinh điển mà chỉ là do sự tưởng tượng của tôi. Tôi viết nó ra là vì trong Kinh không nói gì về cuộc hành trình 250 cây số nầy. Kinh điển có nói rằng Ngài nói Bài Pháp Đầu Tiên cho Năm Ẩn Sĩ tại Vườn Lộc Uyển nhưng còn tất cả những người mà ngài gặp trên đường đi tới đó thì sao? Không lẽ ngài không nói gì cả với họ? Tôi tưởng tượng Ngài phải thật là vui mừng để chia xẻ những gì mình đã đắc quả với những người khác; Lời của ngài phải là đầy Pháp Vị. Một bài Pháp không cần phải là câu chuyện dài và đầy chữ nghĩa văn chương mà nó có thể ngắn gọn và súc tích.

*

William Drummond, nhà văn Tô-Cách-Lan (1585-1649)

‘‘Ai không chịu nói hay nghe sự suy luận hợp lý là người cố chấp; ai không có khả năng suy luận hợp lý là người dại dột; ai không dám suy luận hợp lý là kẻ nô lệ.’’

Lời Bạt

Trang 178. Giả thử một người có ý muốn đậy hết thế giới nầy lại bằng da để bảo vệ đôi chân trần của mình không bị đá sỏi, gai nhọn, miểng chai đâm vào chảy máu. Anh ta có khả năng làm được như vậy không? Có phải chân anh ấy sẽ được bảo vệ như anh muốn nếu chỉ cần mang đôi giày ‘xịn’ thôi, phải không?

Chúng ta phí bao nhiêu thì giờ, than phiền về các hoàn cảnh bên ngoài, trách người trách vật cho hoàn cảnh ta phải đương đầu. Ta hay nghĩ: ‘‘Ồ, nếu phải chi cuộc đời tôi khác đi, nếu phải chi thế nầy mà không phải thế kia thì tôi sẽ hạnh phúc’’, v.v...Chúng ta tùy thuộc quá nhiều người nhiều việc và dùng chúng để làm cái cớ cho các nhược điểm của mình. Trong các trang trước, tôi đã cố gắng chỉ vào nội tâm để nói rằng trong đầu óc riêng của ta, ta có sẵn nguồn lợi cần thiết để đương đầu với tất cả khó khăn và những điều Bất-Như-Ý (Khổ) mà cuộc đời đã ném vào ta. Việc chúng ta bị như vậy không ít đã chứng minh điều nầy.

Chúng ta có thể sống hết cuộc đời mình, cố gắng thay đổi thế giới bên ngoài và làm cho nó phù hợp với các lý tưởng và tham vọng của mình nhưng rồi sẽ không hoàn toàn thành công, mặc dầu điều nầy không thể ngăn chúng ta không hành động. Có những việc cần được thay đổi và có thể thay đổi được; cũng có những việc khác ta nên cố gắng thay đổi dù rằng ta không chắc là chúng có thể thay đổi được hay không. Nếu con người không cố gắng để thay đổi sự việc qua nhiều thế kỷ thì chúng ta vẫn còn sống trong hang động và chắc hầu hết chúng ta sẽ không thích như vậy đâu. Nhưng khi chú tâm vào việc cố gắng thay đổi thế giới bên ngoài, chúng ta quên phần đời sống nội tâm. Bình An và Phúc Lạc mà chúng ta tìm sẽ tuột khỏi tay mình, vì nó ở trong chứ không ở ngoài.

Chúng ta thường nói là: ‘‘Ồ, khó quá, tôi không thể làm đươc’’ dù rằng trước đó ta đã cố gắng. Nếu ta không thử, không những nó khó mà còn vô phương nữa! Rất dễ đổ lỗi cho định mệnh và rồi cứ đau khổ rồi than phiền. Và nếu chúng ta bằng lòng làm như vậy thì tại sao chúng ta, tôi và bạn, viết và đọc quyển sách nầy làm chi?

Trang 179. Lời khuyên nầy là để dành cho hạng người (vững bền quý như) Kim Cương chứ không phải cho hạng người muốn người khác mang họ theo và cho họ ăn với muỗng vàng giống như con nít hoặc tha tội rồi cứu rỗi họ. Nghe qua có vẻ là ác khẩu thì tôi xin lỗi nhưng những người không tỏ ra cố gắng để tự giúp thì sẽ phải chờ tiến trình chậm chạp của sự tiến hoá và sẽ học được sự dạy dỗ khắt khe của Đau khổ. Người nào hứa giúp cứu người khác và nói rằng không cần làm gì mà chỉ cần tin thôi là những người lừa dối cho dù họ có lịch sự và tử tế bao nhiêu; và nếu họ không dối gạt người cố ý thì họ cũng là người bị dối gạt. Phật nói rất rõ rành là mỗi người phải có những cố gắng cần thiết cho chính mình. Lời dạy của ngài có thể tóm gọn như sau:

Do chính ta mới có sai trái,

Do chính ta đau khổ kéo dài;

Do chính ta sai trái dừng lại,

Do chính ta thanh tịnh hiện ra.

Không ai cứu ta trừ chính ta,

Không ai khiến ta (sai, khổ, đau...)

Không ai ngăn ta (dừng, tịnh, lạc...);

Chính ta phải bước trên đường Đạo,

Chư Phật chỉ là người chỉ Đường.

Lời Hồi Hướng:

Xin Chúc Tất cả Mỗi ngày một Tinh tấn Tinh thần,
Mỗi ngày một Mới Lạ, Mới Lạ, Mới Lạ (Fresh and New),
Học (cách) Bớt Vật chất Sẽ Thêm Mới Lạ Tinh thần,
‘Vi Học Nhi Ích Vi Đạo Nhi Tổn’

HẾT

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/10/2024(Xem: 815)
Thân-Khẩu-Ý (身-口-意; P: Kāya-Vacī-Mano; S: Kāya-Vak-Mana; E: Body-Speech-Thought) là 3 thứ tách biệt nơi con người, nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó, Ý là yếu tố có sự tác động đến cả Thân và Khẩu. Nếu một hành động của Thân hay lời nói của Khẩu mà không có Ý tác động vào thì khó mà có kết quả.
19/10/2024(Xem: 670)
Tứ y pháp (四依法; S: Catuḥpratisaraṇa; E: The four reliances) là 4 pháp phương tiện quan trọng theo quan điểm của Phật giáo Bắc truyền, với mục đích giúp hành giả rõ biết pháp nào nên hoặc không nên nương tựa, nhằm thành tựu giác ngộ, giải thoát.
14/10/2024(Xem: 1510)
Bầu không khí chính trị trên thế giới hiện nay đang nóng bỏng vì khuynh hướng độc tài, cực đoan, chia rẽ, hận thù và cuồng vọng không thua kém gì bầu khí quyển của địa cầu đang nóng dần lên do khí thải nhà kính gây ra. Cả hai đều do con người tạo ra và đều là thảm họa cho nhân loại! Nhưng thảm họa này không phải là điều không thể giải quyết được, bởi lẽ những gì do con người gây ra cũng đều có thể do con người ngăn chận và hóa giải được. Cụ thể là hàng chục năm qua, Liên Hiệp Quốc đã nỗ lực kêu gọi, bằng các nghị quyết, các quốc gia cố gắng thực hiện các biện pháp giảm khí thải nhà kính, với các chính sách cắt giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, gia tăng sản lượng xe chạy bằng điện năng, v.v… Dù kết quả chưa đạt được mức yêu cầu, nhưng cũng đã gây được ý thức và thể hiện quyết tâm của cộng đồng thế giới trong việc giải quyết thảm họa của khí thải nhà kính.
04/06/2024(Xem: 4020)
Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến. Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành. Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:
27/05/2024(Xem: 994)
Theo quan niệm của Phật giáo, Khổ (zh. 苦, sa. duḥkha, pi. dukkha) là cơ sở quan trọng của Tứ Diệu Đế. Chúng ta thường nghe nói, “Đời Là Bể Khổ.” Phật Giáo phân loại Khổ rất luận lý khoa học: Tam Khổ (Khổ khổ [sa. duḥkha-duḥkha,] Hoại khổ [sa. vipariṇāma-duḥkha,] và Hành khổ [sa. saṃskāra-duḥkha.] Ngoài ra còn có Bát khổ. Sinh – Lão – Bệnh – Tử gọi là tứ khổ. Cộng thêm 4 cái khổ khác nữa là: Ái biệt ly khổ - 愛別離苦(あいべつりく): Yêu nhau mà chia lìa nhau là khổ vậy. Cầu bất đắc khổ - 求不得苦(ぐふとくく): Cầu mà không được chính là khổ vậy. Oán tắng hội khổ - 怨憎会苦(おんぞうえく): Ghét mà phải ra vào gặp mặt hàng ngày là khổ vậy. Ngũ ấm xí thạnh khổ - 五蘊 盛苦(ごうんじょう): No cơm ấm cật quá cũng khổ.
30/04/2024(Xem: 2981)
Những lời trích dẫn trên đây thật đanh thép và minh bạch, chữ vu khống trong câu trích dẫn trên đây trong bản gốc bằng tiếng Pali là chữ abbhācikkhanti (abhi + ā + cikkh + a), các tự điển tiếng Anh dịch chữ này là accusation, calumny, slander…, có nghĩa là kết án, phỉ báng, vu khống…. Thế nhưng trong khi viết lách hay thuyết giảng đôi khi chúng ta không nghĩ đến những lời cảnh giác trên đây của Đức Phật. Sau hơn hai mươi lăm thế kỷ quảng bá, xuyên qua nhiều vùng địa lý, hòa mình với nhiều nền văn minh và văn hóa khác nhau, nền Tư tưởng và Giáo huấn của Đức Phật đã phải trải qua nhiều thử thách, thích ứng với nhiều dân tộc, do đó thật khó tránh khỏi ít nhiều biến dạng và thêm thắt. Thế nhưng thực tế cho thấy trong suốt cuộc hành trình kỳ thú và vĩ đại đó – nếu có thể nói như vậy – nền Tư tưởng và Giáo huấn đó của Đức Phật vẫn đứng vững và đã góp phần không nhỏ trong công trình cải thiện xã hội, nâng cao trình độ văn hóa, tư tưởng và mang lại ít nhất là một chút gì đó lý tưởng hơn, cao đ
30/04/2024(Xem: 3541)
Con người thường hay thắc mắc tại sao mình có mặt ở cõi giới Ta Bà này để chịu khổ triền miên. Câu trả lời thường được nghe là: Để trả nghiệp. Nhưng nghiệp là gì? Và làm sao để thoát khỏi? Then chốt cho câu trả lời được gói ghém trong 2 câu: “Ái bất trọng, bất sanh Ta Bà Niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Độ” Có nghĩa là: “Nghiệp ái luyến không nặng, sẽ không tái sanh ở cõi Ta Bà Niệm Phật không nhất tâm, sẽ không vãng sanh về Tịnh Độ”
18/02/2024(Xem: 3703)
Bát Chánh Đạo là con đường thánh có tám chi nhánh: Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Đây là con đường trung đạo, là lộ trình kỳ diệu giúp cho bất kể ai hân hoan, tín thọ, pháp thọ trong việc ứng dụng, thời có thể chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, giải thoát, niết bàn. Bát Chánh Đạo là Chơn Pháp vi diệu, là con đường đưa đến khổ diệt, vượt thời gian, thiết thực trong hiện tại, được chư Phật quá khứ, Đức Phật hiện tại và chư Phật tương lai chứng ngộ, cung kính, tán thán và thuyết giảng cho bốn chúng đệ tử, cho loài người, loài trời để họ khai ngộ, đến để mà thấy, và tự mình giác hiểu.
07/02/2024(Xem: 7420)
Từ 1983 đến 1985 khi đang ở Singapore, bận bịu với chương trình nghiên cứu Phật giáo tại Viện Phát triển Giáo Trình, tôi được Tu viện Phật giáo Srilankaramaya và một số đạo hữu mời giảng bốn loạt bài pháp nói về một vài tông phái chính của Phật giáo. Các bài giảng được ưa thích, và nhờ các cố gắng của Ô. Yeo Eng Chen và một số bạn khác, chúng đã được ghi âm, chép tay và in ấn để phát miễn phí cho các học viên. Kể từ đó, các bài pháp khởi đi từ hình thức của các tập rời được ngưỡng mộ và cũng được tái bản. Sau đó, tôi nhận thấy có vẻ hay hơn nếu in ấn bốn phần ấy thành một quyển hợp nhất, và với vài lần nhuận sắc, xuất bản chúng để cho công chúng dùng chung.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]