- 1. Bombay, ngày 6 tháng 1 năm 1960
- 2. Eddington, Pennsylvania, ngày 12 tháng 6 năm 1936
- 3. Từ quyển: Những cuộc nói chuyện ở Châu Âu năm 1967, London, ngày 30 tháng 9 năm 1967
- 4. Seatle, ngày 16 tháng 7 năm 1950
- 5. Từ quyển: Những cuộc nói chuyện ở Châu âu năm 1967, Paris, ngày 30 tháng 4 năm 1967
- 6. Từ quyển: Tự do đầu tiên và cuối cùng, Chương 28
- 7. Từ quyển: Cuộc sống trước mặt, Chương 4
- 8. Từ quyển: Cuộc Sống Trước Mặt, Chương 7 với Những Người Trẻ
- 9. Từ quyển: Bình phẩm về cuộc sống Quyển một, Chương 18
- 10. Bombay, ngày 3 tháng 3 năm 1965
- 11. Bangalore, ngày 4 tháng 7 năm 1948
- 12. Bombay, ngày 8 tháng 2 năm 1948
- 13. Bombay, ngày 27 tháng 2 năm 1955
- 14. Bombay, ngày 24 tháng 12 năm 1958
- 15. Bombay, ngày 8 tháng 3 năm 1961
- 16. London, ngày 23 tháng 10 năm 1949
- 17. Madras, ngày 29 tháng 1 năm 1964
- 18. Madras, ngày 15 tháng 12 năm 1974
- 19. Từ quyển: Ghi Chép của Krishnamurti
- 20. New Delhi, ngày 31 tháng 10 năm 1956
- 21. Ojai, ngày 5 tháng 7 năm 1953
- 22. Ojai, ngày 21 tháng 8 năm 1955 - Nói chuyện
- 23. Ojai, ngày 21 tháng 8 năm 1955, Những câu hỏi
- 24. Saanen, ngày 2 tháng 8 năm 1964
- 25. Saanen, ngày 1 tháng 8 năm 1965
- 26. Từ quyển: Sự kết thúc của thời gian, ngày 2 tháng 4 năm 1980
- 27. Từ quyển: Sổ tay của Krishnamurti
BÀN VỀ THƯỢNG ĐẾ
Nguyên tác: ON GOD - Lời dịch: ÔNG KHÔNG – 2008
BÀN VỀ THƯỢNG ĐẾ
Trải nghiệm không là một đo lường, không là phương cách dẫn đến sự thật bởi vì, rốt cuộc, chúng ta trải nghiệm tùy theo niềm tin của chúng ta, tùy theo tình trạng bị quy định của chúng ta, và rõ ràng niềm tin đó là một tẩu thoát khỏi chính chúng ta. Muốn hiểu rõ về chính mình, tôi không cần bất kỳ niềm tin nào; tôi chỉ cần nhìn ngắm chính tôi rõ ràng và không chọn lựa – nhìn ngắm chính tôi trong liên hệ, nhìn ngắm chính tôi trong tẩu thoát, nhìn ngắm chính tôi trong quyến luyến. Người ta phải nhìn ngắm chính mình mà không có bất kỳ thành kiến, không có bất kỳ kết luận, không có bất kỳ khẳng định nào. Trong tỉnh thức thụ động đó, người ta khám phá trạng thái lạ thường của cô đơn này. Tôi chắc chắn hầu hết các bạn đã cảm thấy điều này – trạng thái của trống không hoàn toàn này, mà không gì có thể lấp đầy. Nó chỉ nằm trong trạng thái đó khi tất cả mọi giá trị hoàn toàn kết thúc, chỉ khi chúng ta có thể cô đơn và đối diện trạng thái cô đơn đó mà không có bất kỳ ý thức tẩu thoát nào, chỉ vậy sự thật đó mới hiện hữu. Bởi vì những giá trị chỉ là kết quả của tình trạng bị quy định của chúng ta; giống như trải nghiệm, chúng được đặt nền tảng trên một niềm tin, và là một cản trở cho hiểu rõ về sự thật.
Nhưng đó là một công việc gian lao mà hầu hết chúng ta không sẵn lòng trải qua. Vì vậy chúng ta bám vào những trải nghiệm, kỳ bí, mê tín, những trải nghiệm của liên hệ, của tạm gọi là tình yêu, và những trải nghiệm của sở hữu. Những điều này trở nên rất quan trọng, bởi vì từ chính những điều này chúng ta được tạo thành. Chúng ta được tạo thành từ những niềm tin, từ những tình trạng bị quy định, từ những ảnh hưởng môi trường sống. Đó là nền tảng quá khứ của chúng ta, và từ nền tảng đó, chúng ta nhận định, chúng ta đánh giá. Và khi người ta thấu triệt, hiểu rõ, toàn qui trình của nền tảng quá khứ này, vậy thì người ta đến được nơi người ta hoàn toàn cô đơn. Người ta phải cô đơn để tìm ra sự thật – mà không có nghĩa là tẩu thoát, rút lui khỏi cuộc sống. Trái lại nó là sự tột đỉnh trọn vẹn của sống bởi vì lúc đó có tự do khỏi nền tảng quá khứ, khỏi ký ức của những trải nghiệm tẩu thoát. Trong cô đơn đó, trong cô độc đó, không có chọn lựa, không có sợ hãi cái gì là. Sợ hãi nảy sinh chỉ khi nào chúng ta không sẵn lòng thừa nhận hay thấy cái gì là.
Vì vậy, rất cần thiết, để sự thật hiện hữu, phải gạt đi vô vàn những tẩu thoát mà người ta đã thiết lập, trong đó người ta bị trói buộc. Nếu bạn quan sát, bạn sẽ thấy cách chúng ta tận dụng con người – cách chúng ta tận dụng người chồng và người vợ của chúng ta, hay những nhóm người, hay những quốc tịch – để tẩu thoát khỏi chính chúng ta. Chúng ta tìm kiếm thanh thản trong liên hệ. Một tìm kiếm thanh thản trong liên hệ như thế mang lại những trải nghiệm nào đó và chúng ta bám vào những trải nghiệm đó. Để tẩu thoát khỏi chính chúng ta, hiểu biết cũng trở thành quan trọng lạ lùng; nhưng rõ ràng hiểu biết không là con đường dẫn đến sự thật. Cái trí phải hoàn toàn trống không và tĩnh lặng để cho sự thật hiện hữu. Nhưng một cái trí đang huyên thuyên cùng hiểu biết, bị nghiện ngập những ý tưởng và những niềm tin, luôn luôn liếng thoắng, không thể thâu nhận cái là.
Tương tự nếu chúng ta tìm kiếm thanh thản trong liên hệ, vậy thì liên hệ là một lẩn tránh của chính chúng ta. Trong liên hệ chúng ta muốn thanh thản, chúng ta muốn có cái gì đó để dựa vào. Chúng ta muốn được nâng đỡ, chúng ta muốn được thương yêu, chúng ta muốn được chiếm hữu, mà tất cả đều thể hiện sự nghèo khó của thân tâm riêng chúng ta. Tương tự như vậy ham muốn của chúng ta cho tài sản, cho tên tuổi, cho những chức tước, cho những sở hữu, thể hiện sự nghèo khó bên trong đó.
Khi người ta nhận ra đây không là con đường dẫn đến sự thật, vậy thì người ta đến được trạng thái đó khi cái trí không còn đang tìm kiếm sự thanh thản, khi cái trí hoàn toàn mãn nguyện cùng cái gì là – mà không có nghĩa bị trì trệ. Trong hướng đi tách khỏi cái gì là có chết; trong nhận ra và tỉnh thức được cái gì là có sống. Vì vậy trải nghiệm được dựa vào tình trạng bị quy định, trải nghiệm của một niềm tin – mà là kết quả của sự tẩu thoát khỏi chính chúng ta – và trải nghiệm của liên hệ, những cái này trở thành một ngáng trở, một vật cản; chúng che đậy những nghèo khó của chúng ta. Và chỉ khi nào chúng ta nhận ra những việc này là một tẩu thoát, và vì vậy thấy giá trị thực của chúng, để cho có thể duy trì tĩnh lặng, thanh thản, trong trống không đó, trong cô đơn đó. Và khi cái trí rất tĩnh lặng, mà không chấp nhận hay phủ nhận, đang tỉnh thức thụ động được cái là, vậy thì có khả năng cho sự thật không thể đo lường đó hiện diện.
Người hỏi: Liệu rằng có, hay không có, một kế hoạch thiêng liêng? Ý nghĩa trong nỗ lực của chúng ta là gì nếu không có một kế hoạch thiêng liêng?
K: Tại sao chúng ta nỗ lực? Và chúng ta đang nỗ lực vì cái gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không nỗ lực? Chúng ta sẽ trì trệ và thoái hóa? Nỗ lực liên tục để là cái gì này là gì? Nỗ lực này, cố gắng này, thể hiện điều gì? Hiểu rõ hiện diện được qua nỗ lực, qua cố gắng, hay sao? Người ta liên tục đang nỗ lực để trở nên tốt hơn, để thay đổi chính người ta, để phù hợp chính người ta vào một khuôn mẫu nào đó, để trở thành cái gì đó – từ một người thư ký đến một vị giám đốc, từ một vị giám đốc đến một vị thánh. Nỗ lực này mang lại hiểu rõ hay sao?
Tôi nghĩ rằng vấn đề của nỗ lực nên được thực sự hiểu rõ. Cái gì đang thực hiện một nỗ lực, và chúng ta có ý gì qua từ ngữ “Ý chí để là”? Chúng ta không tạo ra một nỗ lực với mục đích đạt được một kết quả, với mục đích trở nên tốt hơn, với mục đích được đức hạnh hơn, hay giảm bớt điều gì khác hay sao? Có sự đấu tranh liên tục này xảy ra trong chúng ta giữa những ham muốn tích cực và tiêu cực, một ham muốn thay thế cái còn lại, một ham muốn kiểm soát cái còn lại, chỉ chúng ta gọi nó là cái tôi cao hơn và thấp hơn. Nhưng rõ ràng nó vẫn còn là ham muốn. Bạn có thể đặt nó tại bất kỳ mức độ nào, và cho nó một cái tên khác biệt, nó vẫn còn là ham muốn, một khao khát để là cái gì đó. Cũng có nỗ lực liên tục bên trong chính người ta với những người khác, với xã hội.
Bây giờ, xung đột của những ham muốn này có mang lại hiểu rõ hay không? Xung đột của những đối nghịch, những cái muốn và những cái không muốn, có mang lại rõ ràng hay không? Có hiểu rõ trong sự đấu tranh để phỏng chừng chính chúng ta vào một ý tưởng hay không? Vì vậy vấn đề không là nỗ lực, đấu tranh, hay điều gì xảy ra nếu chúng ta không đấu tranh, nếu chúng ta không có một nỗ lực, nếu chúng ta không cố gắng để là cái gì đó, theo tâm lý cũng như phía bên ngoài; vấn đề là: làm thế nào hiểu rõ hiện diện được? Bởi vì ngay khi có hiểu rõ, không còn nỗ lực. Điều gì bạn hiểu rõ, bạn được tự do khỏi nó.
Làm thế nào hiểu rõ hiện diện được? Tôi không biết liệu có khi nào bạn thấy rằng bạn càng đấu tranh để hiểu rõ nhiều bao nhiêu, bạn càng hiểu rõ bất kỳ vấn đề nào ít hơn bấy nhiêu. Nhưng khoảnh khắc bạn ngừng đấu tranh và để cho vấn đề kể cho bạn toàn câu chuyện, bộc lộ tất cả ý nghĩa của nó, vậy thì có hiểu rõ; mà rõ ràng, có nghĩa rằng cái trí phải tĩnh lặng. Cái trí phải tỉnh thức, không chọn lựa, thụ động; và trong trạng thái đó, có hiểu rõ nhiều vấn đề của cuộc sống chúng ta.
Người hỏi muốn biết liệu có hay không có, một kế hoạch thiêng liêng. Tôi không biết bạn có ý gì qua từ ngữ một “kế hoạch thiêng liêng”, nhưng chúng ta có biết – phải không? – rằng chúng ta đang đau khổ, rằng chúng ta đang hoang mang, rằng hoang mang và đau khổ đó luôn luôn đang gia tăng, theo xã hội, tâm lý, cá thể và tập thể. Đó là cái gì chúng ta đã tạo thành thế giới này. Liệu có một kế hoạch thiêng liêng hay không, không quan trọng gì cả. Nhưng điều quan trọng là hiểu rõ sự hoang mang trong đó chúng ta sống ở bên ngoài cũng như bên trong. Muốn hiểu rõ sự hoang mang đó, chắc chắn chúng ta phải bắt đầu với chính chúng ta, bởi vì chúng ta hoang mang; chính chúng ta đã tạo ra hoang mang phía bên ngoài này trong thế giới. Và muốn xóa tan hoang mang đó, chúng ta phải bắt đầu với chính chúng ta bởi vì thế giới là cái gì chúng ta là.
Bây giờ bạn sẽ nói rằng, “Ồ, trong cách này phải tốn rất nhiều thời gian để tạo ra trật tự trong thế giới.” Tôi không chắc rằng bạn đúng; bởi vì rốt cuộc, chính một người hay hai người mà rất rõ ràng, rất hiểu rõ, mới tạo ra một cách mạng, một thay đổi. Nhưng chúng ta lười biếng, bạn thấy rồi, đó là sự khó khăn. Chúng ta muốn những người khác thay đổi, chúng ta muốn những hoàn cảnh thay đổi, chúng ta muốn chính phủ sắp đặt cuộc sống của chúng ta, hay một điều phi thường nào đó xảy ra mà sẽ thay đổi chúng ta. Và vì vậy chúng ta sống cùng hoang mang.
Vì vậy điều thực sự quan trọng là không phải tìm hiểu liệu có hay không có một kế hoạch thiêng liêng, bởi vì qua đó bạn sẽ phí phạm những tiếng đồng hồ phỏng đoán, chứng thực rằng có hay không có. Việc đó trở thành một trò chơi cho những người truyền bá. Điều quan trọng là thực sự giải thoát chính bạn khỏi hoang mang, và việc đó không tốn thời gian bao nhiêu. Điều tối thiết là thấy rằng người ta bị hoang mang, rằng mọi hoạt động, mọi hành động bắt nguồn từ hoang mang, cũng phải bị hoang mang. Giống như một con người bị hoang mang đang tìm kiếm một người dẫn dắt; người dẫn dắt của anh ấy cũng phải bị hoang mang. Vì vậy điều tối thiết là thấy rằng người ta bị hoang mang, và không cố gắng tẩu thoát khỏi nó, không cố gắng tìm ra những lời giải thích cho nó – nhưng hãy tỉnh thức một cách thụ động, một cách không chọn lựa. Vậy thì bạn sẽ thấy rằng một hành động hoàn toàn khác hẳn nảy sinh từ sự tỉnh thức thụ động đó. Bởi vì nếu bạn cố gắng giải thích rõ ràng trạng thái của hoang mang, điều gì bạn tạo ra sẽ vẫn còn là hoang mang. Nhưng nếu bạn tỉnh thức được chính bạn, tỉnh thức một cách không chọn lựa, một cách thụ động, vậy thì hoang mang đó phơi bày và tan biến.
Bạn sẽ thấy nếu bạn muốn thử nghiệm điều này – và việc đó sẽ không tốn nhiều thời gian đâu, bởi vì thời gian không có liên quan gì trong nó – sự rõ ràng đó hiện diện. Nhưng bạn phải trao chú ý tổng thể của bạn, quan tâm trọn vẹn của bạn cho nó. Tôi không chắc rằng mọi người chúng ta không thích bị hoang mang bởi vì trong trạng thái bị hoang mang đó bạn không cần hành động. Vì vậy chúng ta hài lòng cùng hoang mang; bởi vì muốn hiểu rõ hoang mang cần sự hành động mà không là theo đuổi một lý tưởng hay một ý tưởng.
Vì vậy câu hỏi liệu có, hay liệu không có, một kế hoạch thiêng liêng đều không thích hợp. Chúng ta phải hiểu rõ chính chúng ta và thế giới chúng ta đã tạo ra: đau khổ, hỗn loạn, xung đột, những cuộc chiến tranh, những phân chia, những bóc lột. Tất cả điều đó là kết quả của chính chúng ta trong liên hệ với những người khác. Và nếu chúng ta có thể hiểu rõ chính chúng ta trong liên hệ với những người khác, nếu chúng ta có thể thấy cách chúng ta tận dụng những người khác, cách chúng ta cố gắng tẩu thoát khỏi chính chúng ta nhờ vào những con người, nhờ vào tài sản, nhờ vào hiểu biết, và vì vậy trao sự quan trọng lạ kỳ vào liên hệ, vào tài sản, vào hiểu biết – nếu chúng ta có thể thấy tất cả việc đó, tỉnh thức được nó một cách thụ động, vậy thì chúng ta sẽ được tự do khỏi nền tảng quá khứ đó mà chúng ta là. Chỉ lúc đó mới có khả năng tìm ra cái gì là. Nhưng trải qua nhiều tiếng đồng hồ phỏng đoán liệu có một kế hoạch thiêng liêng hay không, cố gắng tìm ra nó, diễn giảng về nó, dường như đối với tôi là quá ngây ngô. Vì an bình không hiện diện qua tuân phục vào bất kỳ kế hoạch nào, dù kế hoạch đó là trái, phải hay thiêng liêng. Tuân phục chỉ là đè nén, và trong đè nén có sợ hãi. Chỉ trong hiểu rõ mới có an bình và tĩnh lặng; và trong tĩnh lặng đó, sự thật hiện diện.
Người hỏi: Hiểu rõ đến đột ngột cho một người, không liên quan đến nỗ lực và trải nghiệm quá khứ hay sao?
K: Chúng ta có ý gì qua từ ngữ trải nghiệm quá khứ? Làm thế nào bạn trải nghiệm một thách thức? Rốt cuộc, cuộc sống là một qui trình của thách thức và đáp trả – phải vậy không? – thách thức luôn luôn mới mẻ, nếu trái lại nó không là một thách thức. Và đáp trả của chúng ta rõ ràng là kết quả của nền tảng quá khứ, của tình trạng bị quy định của chúng ta. Vì vậy đáp trả, nếu nó không được trọn vẹn, đầy đủ, hoàn toàn, liên quan đến thách thức, phải tạo ra mâu thuẫn, phải tạo ra xung đột. Chính xung đột giữa thách thức và đáp trả này mà chúng ta gọi là trải nghiệm. Tôi không biết liệu có khi nào bạn thấy rằng nếu đáp trả của bạn đến thách thức đó là trọn vẹn, chỉ có một trạng thái trải nghiệm, không phải hồi tưởng của một trải nghiệm. Nhưng khi đáp trả không được trọn vẹn đến thách thức, vậy thì chúng ta bám vào ký ức của trải nghiệm.
Điều đó không khó khăn lắm, đừng bối rối quá. Chúng ta hãy tìm hiểu thêm một chút nữa và bạn sẽ thấy. Như tôi đã nói, cuộc sống là một tiến trình của thách thức và đáp trả – tại mọi mức độ, không phải ở một mức độ đặc biệt nào – và chừng nào đáp trả còn không được trọn vẹn đến thách thức, phải có xung đột. Chắc chắn điều đó rõ ràng. Và xung đột luôn luôn ngăn cản hiểu rõ. Qua xung đột người ta không thể hiểu rõ bất kỳ vấn đề nào cả, đúng không? Nếu tôi liên tục cãi cọ với người hàng xóm của tôi, với người vợ của tôi, với những người bạn kinh doanh của tôi, hiểu rõ sự liên hệ đó là điều không thể được. Chỉ có thể hiểu rõ sự liên hệ đó khi không có xung đột.
Hiểu rõ đến đột ngột phải không? Đó là, xung đột có thể kết thúc đột ngột hay không? Hay người ta phải trải qua vô vàn xung đột, hiểu rõ mỗi xung đột, và rồi được tự do khỏi tất cả xung đột? Đó là, đặt vấn đề một cách khác, đằng sau câu hỏi này tôi chắc chắn có một câu hỏi khác: “Vì bạn đã trải qua vô vàn rối loạn, những hoang mang, những xung đột, niềm tin trong những vị Thầy, trong luân hồi, vô số những tổ chức, và vân vân, và vân vân, tôi cũng phải trải qua chúng hay sao? Vì bạn đã trải qua những chặng đường nào đó, tôi cũng phải trải qua những chặng đường đó, để được tự do hay sao? Đó là, tất cả chúng ta phải trải qua hoang mang, để được tự do khỏi hoang mang hay sao?
Vì vậy câu hỏi không phải là: “Hiểu rõ có được qua tuân theo hay chấp nhận những khuôn mẫu nào đó, và sống theo những khuôn mẫu nào đó để được tự do?”, hay sao? Ví dụ vào một thời điểm bạn đã tin tưởng một ý tưởng nào đó, nhưng bây giờ bạn gạt bỏ chúng; bạn được tự do và có hiểu rõ. Và tôi đến và thấy rằng bạn đã sống qua những niềm tin nào đó, và đã gạt bỏ chúng và có hiểu rõ. Vì vậy tôi nói với chính tôi, “tôi cũng sẽ tuân theo những niềm tin đó, hay chấp nhận những niềm tin đó và cuối cùng tôi sẽ có được hiểu rõ.” Chắc chắn đó là một qui trình sai lầm, phải không? Điều gì quan trọng là hiểu rõ. Hiểu rõ có là vấn đề của thời gian hay không? Chắc chắn không. Nếu bạn quan tâm đến một sự việc gì đó, không có vấn đề thời gian. Toàn thân tâm của bạn ở đó, được tập trung, hoàn toàn thâm nhập trong sự việc đó. Và chỉ khi nào bạn muốn kiếm được một kết quả thì vấn đề của thời gian mới chen vào. Vì vậy nếu bạn đối xử với hiểu rõ như một kết thúc để đạt được, vậy thì bạn cần thời gian, vậy thì bạn nói về “lập tức” hay “trì hoãn”. Nhưng chắc chắn, hiểu rõ không là một qui trinh kết thúc. Hiểu rõ đến khi bạn yên lặng, khi cái trí của bạn tĩnh. Và nếu bạn thấy sự cần thiết của cái trí tĩnh, vậy thì ngay tức khắc có hiểu rõ.
Người hỏi: Theo ông, thiền định trung thực là gì?
K: Bây giờ mục đích của thiền định là gì? Và chúng ta có ý gì qua từ ngữ thiền định? Tôi không biết liệu bạn đã từng thiền định hay chưa, vì vậy chúng ta hãy trải nghiệm cùng nhau để tìm ra thiền định trung thực là gì. Đừng chỉ lắng nghe sự diễn tả của tôi về nó. Cùng nhau chúng ta sẽ tìm ra và trải nghiệm thiền định trung thực là gì. Bởi vì thiền định rất quan trọng, phải vây không? Nếu bạn không biết thiền định đúng đắn là gì, không có hiểu rõ về chính mình; và nếu không hiểu rõ về chính mình, thiền định không có ý nghĩa. Ngồi trong một góc phòng hay dạo bộ trong một ngôi vườn hay ngoài đường phố, và cố gắng thiền định, chẳng có ý nghĩa gì cả. Việc đó chỉ dẫn đến một tập trung đặc biệt mà là loại trừ. Tôi chắc chắn một số bạn đã cố gắng tất cả những phương pháp đó. Đó là, bạn cố gắng tập trung vào một vật đặc biệt, cố gắng cưỡng bách cái trí, khi nó đang lang thang khắp mọi nơi, tập trung lại; và khi việc đó thất bại, bạn cầu nguyện.
Nếu người ta thực sự muốn hiểu rõ thiền định đúng đắn là gì, người ta phải tìm ra những điều giả dối nào mà chúng ta đã gọi là thiền định. Rõ ràng, tập trung không là thiền định bởi vì, nếu bạn quan sát, trong qui trình tập trung có loại trừ, và vì vậy có sự xao lãng. Bạn đang cố gắng tập trung vào điều gì đó, và cái trí của bạn đang lang thang đi khỏi để hướng về điều gì khác; và có một đấu tranh liên tục đang xảy ra để cố định vào một điểm trong khi cái trí khước từ và lang thang đi khỏi. Vì vậy chúng ta trải qua nhiều năm cố gắng tập trung, học tập trung, mà đã được hiểu sai là thiền định.
Rồi thì lại có vấn đề của cầu nguyện. Rõ ràng cầu nguyện đem lại những kết quả, nếu không hàng triệu người chẳng cầu nguyện. Rõ ràng, trong cầu nguyện, cái trí được làm yên lặng; bằng cách lặp lại liên tục những cụm từ nào đó cái trí có trở nên yên lặng. Trong yên lặng đó có những gợi ý nào đó, những trực nhận nào đó, những đáp ứng nào đó. Nhưng việc đó vẫn còn là một phần trong sự ma mãnh của cái trí; bởi vì, rốt cuộc, qua một hình thức của mê hoặc bạn có thể làm cho cái trí rất yên lặng. Và trong yên lặng đó có những đáp ứng che giấu từ tầng ý thức bên trong và từ tầng ý thức bên ngoài. Nhưng nó vẫn còn là một trạng thái trong đó không có hiểu rõ.
Và thiền định không là hiến dâng – hiến dâng đến một ý tưởng, đến một hình ảnh, đến một nguyên tắc – bởi vì những sự kiện của cái trí vẫn còn có tính tôn sùng. Người ta có lẽ không tôn sùng một bức tượng – nghĩ rằng đó là tôn sùng, ngu ngốc, mê tín – nhưng người ta có tôn thờ, như hầu hết mọi người đều làm, những sự việc của cái trí. Điều đó cũng có tính tôn sùng. Được hiến dâng đến một hình ảnh hay một tư tưởng, một vị Thầy, không là thiền định. Rõ ràng, nó là một hình thức của tẩu thoát khỏi chính mình. Nó là một tẩu thoát rất thanh thản, nhưng nó vẫn còn là một tẩu thoát.
Sự cố gắng liên tục này để trở nên đạo đức, để có được đạo đức qua kỷ luật, qua tìm hiểu cẩn thận về chính mình, và vân vân, rõ ràng cũng không là thiền định. Hầu hết chúng ta bị trói buộc trong những qui trình này, nhưng bởi vì chúng không trao tặng sự hiểu rõ về chính chúng ta, chúng không là phương cách của thiền định đúng đắn. Rốt cuộc, nếu không hiểu rõ về chính mình, nền tảng nào bạn có cho sự suy nghĩ đúng đắn? Tất cả mọi việc bạn sẽ làm nếu không có hiểu rõ về chính mình đó chỉ là sự tuân phục vào nền tảng quá khứ, vào phản hồi của tình trạng bị quy định của bạn. Và phản hồi của tình trạng bị quy định đó không là thiền định. Nhưng tỉnh thức được những phản hồi kia, đó là, tỉnh thức được những chuyển động của tư tưởng và cảm thấy mà không có ý thức của chỉ trích, để cho những chuyển động của cái tôi, những phương cách của cái tôi, hoàn toàn được hiểu rõ, đó là cách thiền định đúng đắn.
Thiền định không là một rút lui khỏi cuộc sống. Thiền định là một tiến hành của hiểu rõ về chính mình. Và khi người ta bắt đầu hiểu rõ về chính mình, không chỉ ý thức bên ngoài nhưng còn cả những phần che giấu của chính người ta nữa, vậy thì có tĩnh lặng. Một cái trí được làm tĩnh lặng, qua thiền định, qua cưỡng bách, qua tuân phục, không tĩnh lặng. Nó là một cái trí trì trệ. Nó không là một cái trí tỉnh táo, thụ động, có thể thâu nhận sự sáng tạo. Thiền định đòi hỏi cảnh giác liên tục, tỉnh thức liên tục được mọi từ ngữ, được mọi tư tưởng và cảm thấy, mà bộc lộ trạng thái của toàn thân tâm riêng chúng ta, tầng che giấu cũng như tầng bề mặt; bởi vì công việc đó gian khổ, chúng ta tẩu thoát vào mọi loại sự việc gây thanh thản, dối gạt, và gọi nó là thiền định.
Nếu người ta có thể thấy rằng hiểu rõ về chính mình là khởi đầu của thiền định, vậy thì vấn đề trở thành lý thú và sinh động lạ thường. Bởi vì nếu không có hiểu rõ về chính mình, bạn có thể luyện tập điều gì bạn gọi là thiền định và vẫn còn bị quyến luyến đến những nguyên tắc của bạn, đến gia đình bạn, đến tài sản của bạn; hay, khi từ bỏ tài sản của bạn, bạn có lẽ lại quyến luyến đến một ý tưởng và quá tập trung vào nó đến độ bạn tạo ra nhiều hơn và nhiều hơn về cái ý tưởng đó. Chắc chắn đó không là thiền định. Vì vậy hiểu rõ về chính mình là khởi đầu của thiền định; nếu không có hiểu rõ về chính mình, không có thiền định. Và khi người ta thâm nhập sâu hơn vào vấn đề của hiểu rõ về chính mình, không chỉ cái trí trên bề mặt trở nên tĩnh lặng, nhưng những tầng che giấu khác nhau của cái trí được bộc lộ. Khi cái trí trên bề mặt được yên lặng, lúc đó tầng ý thức bên trong, những tầng che giấu của ý thức tự chiếu rọi chính chúng; chúng bộc lộ nội dung của chúng, chúng bày tỏ những ám chỉ của chúng, đến độ toàn qui trình của thân tâm người ta hoàn toàn được hiểu rõ.
Vậy là cái trí trở nên cực kỳ tĩnh lặng – là tĩnh lặng; nó không bị làm tĩnh lặng, nó không bị cưỡng bách để tĩnh lặng bởi một phần thưởng, bởi sợ hãi. Lúc đó có một tĩnh lặng trong đó sự thật hiện hữu. Tĩnh lặng đó không là tĩnh lặng của Thiên chúa giáo, hay tĩnh lặng của Hồi giáo, hay tĩnh lặng của Phật giáo. Tĩnh lặng đó là tĩnh lặng, không đặt tên được. Nếu bạn tuân theo hướng đi tĩnh lặng của Thiên chúa giáo hay Hồi giáo hay Phật giáo, bạn sẽ không bao giờ được tĩnh lặng. Một con người muốn tìm ra sự thật phải từ bỏ hoàn toàn tình trạng bị quy định của anh ấy – dù là Thiên chúa giáo, Hồi giáo hay Phật giáo, hay bất kỳ phe nhóm nào khác. Chỉ củng cố nền tảng quá khứ qua thiền định, qua tuân phục tạo ra sự trì trệ của cái trí; và tôi không chắc rằng đó không là điều gì hầu hết chúng ta mong muốn, bởi vì quá dễ dàng khi tạo ra một khuôn mẫu và tuân theo nó. Nhưng muốn được tự do khỏi nền tảng quá khứ cần phải tỉnh thức liên tục trong liên hệ.
Khi một lần tĩnh lặng đó hiện hữu, vậy thì có một trạng thái sáng tạo lạ thường – không có nghĩa rằng bạn phải viết những bài thơ, vẽ những bức tranh; bạn có lẽ làm hay không làm. Nhưng tĩnh lặng đó không dành cho sự theo đuổi, sao chép, bắt chước – nếu như vậy nó ngừng tĩnh lặng. Bạn không thể đến với nó bằng bất kỳ con đường nào. Nó hiện diện chỉ khi nào những phương cách của cái tôi được hiểu rõ, và cái tôi cùng tất cả những hoạt động lẫn ma mãnh của nó kết thúc. Đó là, khi cái trí, không còn tạo tác, vậy thì có sáng tạo.
Vì vậy cái trí phải trở nên đơn giản, phải trở nên tĩnh lặng; nó phải là tĩnh lặng – từ ngữ “phải” dùng sai lầm; khi nói cái trí phải tĩnh lặng hàm ý sự bắt buộc – và cái trí là tĩnh lặng chỉ khi nào toàn qui trình của cái tôi kết thúc. Khi tất cả những phương cách của cái tôi được hiểu rõ, và vì vậy những hoạt động của cái tôi đã kết thúc, vậy thì chỉ lúc đó có tĩnh lặng. Tĩnh lặng đó là thiền định trung thực. Và trong tĩnh lặng đó vĩnh hằng hiện diện.