ĐẠI CƯƠNG TRIẾT HỌC TRUNG QUÁN
Tác Giả: Jaidev Singh - Dịch Giả: Thích Viên Lý
Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới Xuất Bản
4. KHỞI NGUYÊN CỦA PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA (MAHAYÀNA)
Khởi thủy của Phật Giáo Đại Thừa có thể truy cứu ở thời sơ khởi của Đại Chúng Bộ (Mahàsamghika) và thời sơ khởi của văn hiến Kinh Điển Đại Thừa (Mahàyana sùtras) (trước Đại Chúng Bộ và Văn Hiến Đại Thừa).
Tại cuộc hội nghị ở Vaisàli (căn cứ theo Kimura) đã có một số tăng lữ bất đồng ý kiến trầm trọng vợi một số tăng lữ khác về những điểm quan trọng liên quan tới giáo pháp (Dharma). Số tăng lữ có những ý kiến khác biệt tuy chiếm đại đa số nhưng họ đã bị một số tăng lữ khác lên án và gọi là Ác tỳ khưu (Pàpabhikhus) và kẻ thuyết phi pháp (Adhamma-vàdins) đồng thời đã trụt xuất họ. Trong lịch sử Phật Giáo, số tỳ khưu này được gọi là Đại Chúng Bộ (Mahàsanghikas) vì trong cuộc hội tập họ đã chiếm đại đa số hoặc cũng có thể là do họ đã phản ảnh được ý kiến của đại đa số tục chúng (Phật tử tại gia). Những tăng lữ đã xua đuổi những tỳ khưu này, đã tự xưng là Thượng Tọa Bộ (Sthaviras) hoặc Trưởng Lão (Elders) vì họ tự cho họ là đại biểu chính thống giáo nghĩa Phật Giáo nguyên thủy. Như đã trình bày, Đại Chúng Bộ đã sáng tạo danh từ Mahayàna để đại biểu cho giáo phái mà họ hành trì và tính phụng và đã gọi Thượng Tọa Bộ (Sthaviras) là Nguyên Thủy.
Chúng ta hãy thử xem giáo nghĩa căn để của Đại Chúng Bộ (Mahàsanghikas) gồm có những gì? Sự cống hiến của họ có thể cô kết thành 4 điểm dưới đây:
1. Cảnh Giới của Phật Đà
Theo nhận xét của Đại Chúng Bộ thì Đức Phật không phải chỉ là một nhân vật lịch sử. Đức Phật chân chính là một thực thể siêu việt, vượt hiện thế, vĩnh hằng và vô hạn. Đức Phật trong lịch sử chỉ là nhân vật được Đức Phật chân chính gửi đến với thế gian để cấu thành một nhân vật có hình thể là một con người, có một đời sống sinh hoạt giống hệt như một con người thường tục hầu thuyết giảng Chánh Pháp cho nhân thế. Đức Phật chân chính là một thực tại tối ưu việt. Ngài sẽ không ngừng sai phái các sứ giả đến với trần gian để truyền bá Chánh Pháp cho toàn thể nhân loại.
2. Cảnh Giới của A La Hán (Arhat)
Thượng Tọa Bộ cho rằng A La Hán là một bậc hoàn thiện, hoàn mỹ; nhưng Đại Chúng Bộ cho rằng A La Hán là bậc chưa hoàn mỹ, họ vẫn còn bị những nghi hoặc quấy nhiễu và vẫn còn nhiều điều chưa liễu giải được. Người ta không nên tôn thờ họ như là những biểu tượng lý tưởng. Thay vì vậy, người ta nên noi gương những người đã cống hiến trọn đời mình, đã hy sinh tự ngã và cố gắng tranh thủ không ngừng nhằm đạt đến cảnh giới của chư Phật – những người như thế mới xứng đáng được xem như những lý thưởng thù thắng cần học hỏi và noi theo.
3. Cảnh Giới của Kinh Nghiệm Tri Thức
Theo nhận xét của Đại Chúng Bộ (Mahàsamghikas) thì kinh nghiệm tri thức đã không thể cung cấp cho chúng ta một nhận thức thấu đáo về thực tại. Chỉ có sự siêu việt qua tất cả hiện tượng, mọi sự vật của thế tục, của Không Tánh (Sùnyàta) mới có khả năng giúp chúng ta tri nhận được thực tại. Tất cả những diễn đạt, phát biểu của ngôn ngữ đều cung cấp cho ta những nhận xét sai lầm về những gì có liên quan đến thực tại, chẳng qua chỉ là vật được cấu thành bởi tư tưởng.
4. Vô Thực Thể Tánh của các Pháp (Dharmas)
Theo Thượng Tọa Bộ (Sthaviras) thì tự ngã (pudgala) của con người vốn không có cái gọi là thực thể tánh mà chính là Pháp (mọi hiện tượng, sự vật), hay sự tồn tại của các thành tố mới là thực thể chân thật. Đại Chúng Bộ còn đi xa hơn nữa, họ cho rằng không phải chỉ có tự ngã của con người mới không có thực thể tánh (Pudgala-nairàtmya) mà ngay cả các Pháp (Dharmas – sự tồn tại của các thành tố) cũng không có thực thể tánh (Dharma-nairàtmya). Tất cả mọi sự vật, mọi hiện tượng vốn đều không có thực thể tánh (đều là Không Tánh).
Từ những điều trên, có thể biết rằng tất cả những điểm trọng yếu nhất của Triết học Trung Quán (Madhyamàka Philosophy) trên thực tế đều đã bắt nguồn từ Đại Chúng Bộ.