Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

TRÍ HUỆ VÀ ĐẠI BI

26/02/201322:58(Xem: 3747)
TRÍ HUỆ VÀ ĐẠI BI
lotus_1
TRÍ HUỆ VÀ ĐẠI BI
Nguyễn Thế Đăng

Kinh Đại Bát Nhã nói Bồ-tát là người “Vì chúng sanh mà cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cứu độ những chúng sanh điên đảo chấp ngã” (Phẩm Đạo thọ thứ 71), “vì chúng sanh mà cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác” (Phẩm Nhất niệm thứ 76), “hành sáu ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại, mười tám pháp bất cọng, hành đại từ đại bi, hành nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sanh” (Phẩm Bồ-tát hạnh thứ 72).

Bồ-tát ngay từ khi mới phát tâm đã kết hợp hai công việc, hai con đường:

- Trí huệ Bát nhã thấu suốt tánh Không để tự giải thoát, giác ngộ.

- Đại bi cứu độ chúng sanh.

Nếu không nghe, suy nghĩ, thực hành Bát-nhã ba-la-mật, chúng ta dễ thấy rằng đây là hai công việc, hai con đường trái nghịch nhau. Làm sao có thể kết hợp tánh Không với việc độ chúng sanh, hết đời này qua đời khác?

Trước hết, thực hành trí huệ Bát-nhã là:

“Đức Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát có thể học rằng các pháp không có tự tánh, cũng có thể nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sanh. Biết quốc độ và chúng sanh không có tự tánh, đó là sức phương tiện của Bát-nhã” (Phẩm Đạo thọ thứ 71).

“Này Tu-bồ-đề! Biết thật nghĩa của các pháp nên gọi là Phật. Chứng thật tướng của các pháp nên gọi là Phật. Thông suốt thật nghĩa của các pháp nên gọi là Phật. Biết như thật tất cả các pháp nên gọi là Phật.

Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-đề (giác ngộ) nghĩa là gì?

Này Tu-bồ-đề! Nghĩa Không là nghĩa Bồ-đề. Nghĩa Như, nghĩa pháp tánh, nghĩa thật tế, là nghĩa Bồ-đề… Thật nghĩa của Bồ-đề không thể hoại, không thể phân biệt, đó là nghĩa Bồ-đề. Lại nữa, thật tướng của các pháp chẳng hư dối, chẳng dị biệt, là nghĩa Bồ-đề” (Phẩm Bồ-tát hạnh thứ 72).

Trí huệ Bát-nhã là quán thấy các pháp vốn không có tự tánh. Không có tự tánh cho nên được gọi là tánh Không. Tánh Không này là “thật nghĩa của các pháp”, là “thật tướng của các pháp”. Bồ-đề là giác ngộ trọn vẹn nghĩa tánh Không này. Tánh Không ấy còn được gọi là Như, là pháp tánh, là thật tế, là giác-ngộ. Vị giác ngộ trọn vẹn tánh Không, hay Như, hay pháp tánh, hay thật tế, được gọi là bậc giác ngộ, bậc Phật.

Trí huệ soi thấy tánh Không này là nền tảng từ đó phát sanh mọi thực hành vị tha của Bồ-tát, mọi Bồ-tát hạnh: Sáu ba-la-mật, từ bi hỷ xả, bốn nhiếp pháp… cho đến “tôi phải dùng ba thừa độ thoát hết thảy chúng sanh, tôi sẽ thay cho tất cả chúng sanh mười phương mà chịu khổ đau” (Phẩm Kim Cương thứ 13).

Để biết sự kết hợp của trí huệ và đại bi như thế nào, chúng ta trích dẫn một đoạn kinh về Nhẫn nhục ba-la-mật.

“Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn, làm thế nào Bồ-tát ở trong các pháp vô tướng, vô tác, vô đắc mà có thể đầy đủ Nhẫn nhục ba-la-mật?

- Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát từ khi mới phát tâm đến nay cho đến khi ngồi đạo tràng, trong thời gian ấy nếu có bị bất cứ chúng sanh nào đến đánh đập đâm chém, Bồ-tát này không khởi tâm giận dữ dù chỉ một niệm. Bồ-tát phải tu hai thứ nhẫn.

Một là không khởi tâm oán giận đối với bất cứ chúng sanh nào đến mắng chửi đánh đập đâm chém.

Hai là tất cả pháp không sanh.

Bồ-tát tu nhẫn như vậy, nếu có người đến mắng chửi, đánh đập, bèn suy nghĩ: ai mắng, ai chê, ai chửi, ai đánh đập? Ai là người nhận chịu? Bồ-tát phải suy nghĩ thật tánh của các pháp là rốt ráo Không, không có pháp, không có chúng sanh. Các pháp còn bất khả đắc huống gì chúng sanh. Lúc quán tưởng các pháp như vậy, Bồ-tát chẳng thấy có người mắng chửi, chẳng thấy có người đánh đập. Khi Bồ-tát quán tướng các pháp như vậy liền được vô sanh pháp nhẫn.

Sao gọi là vô sanh pháp nhẫn? Biết tướng các pháp thường không sanh, các phiền não từ xưa đến nay cũng thường không sanh. An trụ trong hai nhẫn ấy thì có thể đầy đủ bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn niệm xứ, ba môn giải thoát, mười trí lực, bốn vô úy, bốn trí vô ngại, mười tám pháp bất cọng, đại từ đại bi…

Này Tu-bồ-đề! Ở trong pháp vô tướng, vô tác, vô đắc, đầy đủ Nhẫn nhục ba-la-mật như vậy” (Phẩm Nhất niệm thứ 76).

Thực hành sáu ba-la-mật trong tánh Không như vậy, thì sáu ba-la-mật thành “Sáu ba-la-mật vô tướng”, nghĩa là giải thoát ngay khi hành (Phẩm Lục dụ thứ 77).

Bốn nhiếp pháp là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự là hoạt động do lòng bi của Bồ-tát cho chúng sanh. Bốn nhiếp pháp, như tất cả mọi hoạt động khác của Bồ-tát, được nối kết với trí huệ tánh Không. Ở đây chúng ta trích một đoạn về bố thí pháp:

“Đức Phật dạy: Này Tu-bồ-đề, vì thế nên phải biết, Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, vì chúng sanh mà thuyết pháp một cách thích hợp, đem chúng sanh ra khỏi điên đảo, khiến chúng sanh được vào chỗ nên an trụ, vì pháp thì không trói không mở. Vì sao thế? Vì sắc không trói không mở, thọ tưởng hành thức không trói không mở. Sắc không trói không mở thì chẳng phải sắc, thọ tưởng hành thức không trói không mở thì chẳng phải thọ tưởng hành thức. Vì sao thế? Vì sắc rốt ráo thanh tịnh, thọ tưởng hành thức cho đến hết thảy pháp, hoặc hữu vi hoặc vô vi, cũng đều rốt ráo thanh tịnh.

Như vậy, Bồ-tát vì chúng sanh thuyết pháp cũng không thủ đắc tướng chúng sanh và tất cả pháp, vì tất cả pháp bất khả đắc vậy. Bồ-tát không trụ nên trụ trong thật tướng của các pháp, đó là sắc Không cho đến hữu vi vô vi pháp Không.

Tại sao thế? Vì sắc cho đến hữu vi vô vi pháp, tự tánh bất khả đắc nên không có chỗ an trụ. Pháp vô sở hữu chẳng trụ pháp vô sở hữu. Tự tánh pháp không trụ trong tự tánh pháp, tha tánh pháp không trụ trong tha tánh pháp. Vì sao? Vì tất cả pháp đều bất khả đắc. Pháp bất khả đắc thì an trụ chỗ nào?

Như vậy, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật do các pháp Không mà có thể thuyết pháp như vậy. Hành Bát-nhã ba-la-mật như thế, với chư Phật, chư Thanh văn, Độc giác Phật không có lỗi. Vì sao thế? Chư Phật, chư Bồ-tát, Độc giác Phật được pháp này rồi, vì chúng sanh thuyết pháp mà chẳng hề chuyển đổi thật tướng của các pháp. Vì Như, pháp tánh, thật tế không thể chuyển đổi. Tại sao thế? Vì các pháp không có tánh vậy” (Phẩm Tứ nhiếp pháp thứ 78).

Nhờ hành sáu ba-la-mật vô tướng, tất cả các Bồ-tát hạnh vô tướng mà Bồ-tát có thể “độ thoát hết chúng sanh mà không có dẫu chỉ một người được vào Niết-bàn”.

“Đức Phật nói: Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nên sanh tâm như vầy: Ở trong vô lượng đời sanh tử, tôi sẽ đại thệ trang nghiêm. Tôi sẽ xả bỏ mọi sở hữu, tôi phải ở trong tâm bình đẳng với tất cả chúng sanh, tôi phải dùng ba thừa độ thoát tất cả chúng sanh, khiến tất cả họ vào Niết-bàn vô dư. Nhưng độ hết chúng sanh rồi mà không có dẫu chỉ một người vào Niết-bàn. Tôi phải hiểu rõ tướng bất sanh của tất cả các pháp, tôi phải thuần dùng tâm Nhất thiết chủng trí để thực hành sáu ba-la-mật, tôi phải học trí huệ thấu suốt tất cả pháp, tôi phải thông đạt trí huệ tất cả các pháp là Một tướng, tôi phải thông đạt đến trí huệ rõ suốt vô lượng tướng của các pháp.

Đây gọi là đại Bồ-tát phát sanh đại tâm không thể hư hoại như kim cương. An trụ trong đại tâm này, đại Bồ-tát là bậc thượng thủ trong quyết định chúng. Vì pháp dụng đây vô sở đắc vậy” (Phẩm Kim cương thứ 13).

Chính vì “pháp dụng vô tướng, vô sở đắc” cho nên lòng bi trở thành vô biên, mà người xưa nói là “đồng thể đại bi”.

Nếu không kết hợp với trí huệ tánh Không, lòng bi dễ thành “lòng bi ái kiến”, nói theo kinh Duy Ma Cật. Lòng bi ái kiến là lòng bi mà có nhiễm sự yêu thích ràng buộc vào sắc thọ tưởng hành thức của các đối tượng. Và khi đã có yêu thích thì phải có cái không yêu thích, cái chán ghét.

Phẩm Văn Thù thăm bệnhnói: “Nếu đối với chúng sanh mà khởi lên lòng bi ái kiến thì đối với sanh tử tái sanh có lòng chán mệt. Như Đức Phật có nói: Nếu tự mình bị trói buộc mà giải thoát cho sự trói buộc của người khác, chuyện ấy không thể có. Nếu tự mình không bị trói buộc mà giải thoát cho sự bị trói buộc của người khác, chuyện ấy có thể được”.

Một lần nữa, chúng ta trích một đoạn kinh nói về lòng bi độ hết chúng sanh nhưng lòng bi ấy kết hợp với trí huệ tánh Không, nên tuy làm công việc độ thoát chúng sanh nhưng vẫn thấy sắc thọ tưởng hành thức của mình và người đều là tánh Không:

“Ngài Tu-bồ-đề nói với các thiên tử: Chư đại Bồ-tát đối với các pháp bình đẳng, không thủ chứng bậc Thanh văn, Độc giác Phật thì vẫn chưa là khó. Chư đại Bồ-tát đại trang nghiêm với thệ nguyện rằng: Tôi sẽ độ vô lượng vô biên vô số chúng sanh. Biết chúng sanh rốt ráo bất khả đắc mà độ chúng sanh, đây mới là khó.

Này các thiên tử! Đại Bồ-tát phát tâm Vô thượng Bồ-đề nguyện rằng: Tôi sẽ độ hết chúng sanh. Chúng sanh thật không thể có được mà vị ấy muốn độ chẳng khác nào muốn độ hư không. Tại sao thế? Vì hư không lìa tướng, phải biết chúng sanh cũng lìa tướng. Vì hư không là Không, phải biết chúng sanh cũng là Không. Vì hư không không kiên cố phải biết chúng sanh cũng không kiên cố. Vì hư không hư huyễn phải biết chúng sanh cũng hư huyễn. Vì thế nên biết việc Bồ-tát làm là khó. Vì lợi lạc cho chúng sanh bất khả đắc mà đại trang nghiêm. Vị ấy cam kết thệ nguyện vì chúng sanh tức là muốn tranh đấu cùng hư không. Bồ-tát này cam kết thệ nguyện rồi cũng không thấy có chúng sanh mà vẫn vì chúng sanh cam kết thệ nguyện.

Vì sao thế? Vì chúng sanh lìa tướng nên biết đại thệ nguyện cũng lìa tướng. Vì chúng sanh hư huyễn nên biết đại thệ nguyện cũng hư huyễn. Nếu đại Bồ-tát nghe pháp như vậy tâm không sợ, không nghi, nên biết đại Bồ-tát ấy tu Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao thế? Vì sắc lìa tướng tức chúng sanh lìa tướng, thọ tưởng hành thức lìa tướng tức chúng sanh lìa tướng. Sắc thọ tưởng hành thức lìa tướng tức là Sáu ba-la-mật lìa tướng. Cho đến Nhất thiết chủng trí lìa tướng tức là sáu ba-la-mật lìa tướng. Nếu nghe tất cả pháp lìa tướng như vậy mà tâm chẳng sợ, chẳng nghi, chẳng mê mờ, phải biết đó là đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật” (Phẩm Độ không thứ 65).

Đại bi là cái phân biệt hai con đường, con đường Thanh văn, Độc giác Phật và con đường Bồ-tát, mặc dầu cả hai đều thực hành Bát-nhã ba-la-mật thấu đạt tánh Không:

“Những thiện nam tử thiện nữ nhân muốn học bậc Thanh văn cũng phải nghe Bát-nhã ba-la-mật để thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ, thực hành. Người muốn học Độc giác Phật cũng phải nghe Bát-nhã ba-la-mật để thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ, thực hành. Người muốn học bậc Bồ-tát cũng phải nghe Bát-nhã ba-la-mật để thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ, thực hành.

Tại sao vậy? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật nói rộng về ba thừa, nên Bồ-tát, Thanh văn, Độc giác Phật đều phải học” (Phẩm Khuyến học thứ 8).

Sự khác biệt của Bồ-tát so với Thanh văn, Độc giác Phật là lòng đại bi, “cam kết thệ nguyện độ thoát vô lượng vô biên vô số chúng sanh”. Công việc ấy trải qua vô lượng vô biên vô số đời, như trong kinh Phổ Hiền hạnh nguyện, Bồ-tát Phổ Hiền nói: “Cho đến thế giới, hư không tận. Chúng sanh và nghiệp, phiền não tận. Trong tất cả vô tận thời gian. Nguyện này rốt ráo hằng vô tận”.

Bồ-tát thừa khác với Thanh văn thừa, Độc giác thừa ở chỗ vì đại bi đại nguyện, mặc dầu có thể nhập Niết-bàn ở đệ thất địa và đệ bát địa, Bồ-tát vẫn tiếp tục con đường vì chúng sanh cho đến khi thành Phật. Điều này chúng ta có thể tham khảo ở phẩm Thập địa kinh Hoa Nghiêm.

Với kinh Đại Bát Nhã, điều này được gọi là “học Không bất chứng”:

“Lúc an trụ trong pháp Không, đại Bồ-tát tự nghĩ nay là lúc tôi học chứ chẳng phải là lúc chứng”.

“Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát phải nghĩ rằng nay là lúc tôi học Bố thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật chứ chẳng phải là lúc chứng, là lúc tôi tu bốn niệm xứ chứ chẳng phải là lúc chứng, là lúc tu ba tam muội Không, Vô tướng, Vô tác chứ chẳng phải là lúc chứng, cho đến là lúc tôi học Nhất thiết chủng trí chứ chẳng phải là lúc chứng quả A-la-hán và Độc giác Phật…

Đại Bồ-tát nghĩ rằng tôi chẳng nên rời bỏ tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh chìm đắm trong cái hoàn toàn không có gì, mãi đi trong bóng tối của cái tôi và cái của tôi, tôi phải độ thoát họ. Bấy giờ Bồ-tát hành ba môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô tác mà chẳng chứng lấy thật tế (Niết-bàn). Vì chẳng chứng nên chẳng sa vào bậc Thanh văn và Độc giác Phật. Vì có sức phương tiện nên Bồ-tát này thường tăng ích pháp lành, căn trí thông lợi hơn căn trí của bậc A-la-hán, Độc Giác Phật” (Phẩm Học Không bất chứng thứ 60).

Đại bi chính là một cánh, cánh kia là trí huệ Bát-nhã, để Bồ-tát đủ hai cánh bay trong tánh Không mà chẳng chứng nhập tánh Không, chẳng rơi rớt xuống sanh tử mà cũng chẳng tan biến vào Niết-bàn. Nhờ đôi cánh đại bi và trí huệ, Bồ-tát làm việc khó làm: bay giữa sanh tử và Niết-bàn, giữa sự không lấy cũng không bỏ việc giải thoát cho chính mình và giải thoát cho chúng sanh:

“Này Tu-bồ-đề! Cũng vậy, đại Bồ-tát ở giữa tất cả chúng sanh với tâm từ bi hỷ xả tràn đầy cùng khắp. Khi ấy đại Bồ-tát an trụ trong bốn tâm vô lượng, đầy đủ sáu ba-la-mật, chẳng chứng lấy quả vô lậu, học Nhất thiết chủng trí, vào ba giải thoát môn Không, Vô tướng, Vô tác. Bấy giờ Bồ-tát chẳng duyên theo tất cả các tướng cũng chẳng chứng tam muội Vô tướng. Vì chẳng chứng tam muội Vô tướng nên chẳng sa vào các bậc Thanh văn và Độc giác Phật.

Này Tu-bồ-đề! Ví như chim có đủ hai cánh bay lượn trong hư không chẳng bị rơi rớt, dầu chim ở trong hư không mà cũng chẳng an trụ trong hư không (Phẩm Học Không bất chứng thứ 60).

(Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 169)


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/02/2016(Xem: 10850)
Hai bài kệ dưới đây trích trong Lục Tổ đàn kinh rất nổi tiếng trong giới Thiền học, được phổ biến, giảng luận không biết bao nhiêu là giấy mực ở khắp nơi từ hơn một thế kỷ qua. Nhưng do có nhiều học giả nêu nghi án về người ghi chép kinh và nội dung kinh, hai bài kệ ấy cũng đáng nghi ngờ: Bài của Thượng tọa Thần Tú: Thân thị bồ-đề thọ Tâm như minh kính đài Thời thời cần phất thức Vật sử nhạ trần ai. 身 是 菩 提 樹 心 如 明 鏡 臺 時 時 勤 拂 拭 勿 使 惹 塵 埃
26/01/2016(Xem: 12292)
Niết Bàn, tiếng Sanscrit là Nirvãna, phiên âm thành Niết-bàn-na. Cũng gọi là Nê-hoàn, Nê-bạn. Đó là cảnh trí của nhà tu hành dứt sạch các phiền não và tự biết rằng mình chẳng còn luyến ái. Niết (Nir): là ra khỏi, thoát ra, giải thoát. Bàn hay Bàn-na (vana): Rừng. Tức là ra khỏi cảnh rừng mê tối, rừng phiền não.
07/10/2015(Xem: 19545)
Pháp là các Pháp, Giới là Cảnh Giới, giới hạn. Các Pháp Đều có tự thể nhưng vì cảnh giới không đồng cho nên phải phân ra từng cảnh giới. Mỗi cảnh giới là một Pháp Giới như mười cảnh giới: Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thinh Văn, Trời, Người, A-Tu-La, Qủi, Súc Sanh, Địa Ngục gọi là mười Pháp Giới. Nói một cách tổng quát tất cả các pháp trong thế gian, sự vật trong vũ trụ, đều gọi chung là Pháp Giới. Trong vũ trụ vô cùng vô tận, trải qua thời gian, lúc nào và nơi nào cũng có Phật Pháp, gọi chung là Pháp Giới (cõi Pháp của Phật). Trong đời thuyết pháp độ sinh của Đức Phật, Ngài dạy vô số pháp môn, tất cả những Pháp Môn ấy cũng gọi là Pháp Giới. Tất cả những Sự, Lý trên đời đều gọi là Pháp Giới.
04/09/2015(Xem: 10964)
Pháp Tánh hay Pháp Tính có rất nhiều tên ví dụ như Thật Tướng Chân Như, Pháp Giới Tính, … Xin ghi ra đây trích đoạn bằng tiếng Anh để dễ so sánh, tìm ra ý nghĩa của nó. Pháp Tánh:
26/07/2015(Xem: 10285)
Trước khi xác định Phật Giáo như là một hệ thống tư tưởng triết học (Buddhism as a philosophy) hay như là một tôn giáo (Buddhism as a religion), chúng ta sẽ tìm hiểu triết học là gì ? và Phật giáo là gì ? I . Triết học là gì? Triết học (philosophy) là một từ có nguồn gốc từ tiếng Hy lạp cổ đại: philosophia ( tiếng phiên âm theo Anh văn), có nghĩa là lòng yêu mến sự hiểu biết. Nói rộng hơn, triết học là những quan niệm, tư tưởng, thái độ của một cá nhân hay một nhóm người siêu việt.
19/07/2015(Xem: 9699)
Khi còn trong phiền não trói buộc thì Chơn Như là Như Lai Tạng. Khi ra khỏi phiền não thì Chơn Như là Pháp Thân. Trong Phật Tánh Luận chữ Tạng có 3 nghĩa như sau: 1/- Chân Như lập ra 2 nghĩa: - Hòa Hiệp: sanh ra tất cả các Pháp “nhiễm”. (2)- Không Hòa Hiệp: Sanh ra tất cả Pháp “thanh tịnh”. Tất cả các Pháp Nhiễm và Thanh Tịnh đều thuộc Như Lai Tạng, tức là Thâu Nhiếp Chơn Như, gọi là Như Lai Tạng. Tức là Chân Như thâu nhiếp tất cả Pháp. Hay gọi Như Lai Tạng là tất cả Pháp cũng cùng ý nghĩa đó.
02/07/2015(Xem: 13701)
Duy Thức học là môn học khảo cứu quan sát Tâm, hay gọi là môn học tâm lý Phật Giáo; nhưng cũng còn gọi là Pháp Tướng Tông, tức nghiên cứu hiện tượng vạn pháp. Như vậy Duy Thức Học cũng có thể gọi là môn học nghiên cứu vừa chuyên về Tâm vừa chuyên về Pháp. Thuộc về tâm, thì môn này đã tường tận phân định từng tâm vương, tâm sở; thuộc về pháp, thì lý giải khảo sát từ pháp thô đến pháp tế, từ hữu vi cho đến vô vi. Một môn học bao gồm hết thảy vấn đề, từ vấn đề con người cho đến vạn vật; từ chủ thể nhận thức đến khách thể là thế gian và xuất thế gian - môn học như vậy nhất định là môn học khó nhất để có thể am tường, quán triệt! Hơn nữa thế gian xưa nay, con người đã không ngừng nghiên cứu khoa học vật chất, mà vẫn chưa có kết quả thỏa đáng, nghĩa là vẫn mãi bận bịu đi tìm, vẫn mãi phát minh bất tận thì đâu còn thời gian và tâm lực để có thể nghiên cứu về Tâm về Thức.
01/07/2015(Xem: 21716)
Trong sinh hoạt thường nhật ở Chùa ai ai cũng từng nghe qua câu “Ăn cơm Hương Tích, uống trà Tào Khê, ngồi thuyền Bát Nhã, ngắm trăng Lăng Già “, do đó mà nhiều người thắc mắc “Thuyền Bát Nhã” là loại thuyền như thế nào? Bài viết này sẽ giải đáp đôi điều về nghi vấn ấy. Nói theo Thập Nhị Bộ Kinh, Thuyền Bát Nhã là pháp dụ, tức lấy thí dụ trong thực tế đời thường để hiển bày pháp bí yếu của Phật. Thuyền là chỉ cho các loại thuyền, bè, ghe đi lại trên sông, trên biển. Còn Bát Nhã là trí tuệ, một loại trí tuệ thấu triệt cùng tận chân tướng của vạn pháp trên thế gian là không thật có, là huyền ảo không có thực thể, mà nói theo Đại Trí Độ Luận thì mọi thứ trên thế gian này như bóng trong gương, như trăng dưới nước, như mộng, như sóng nắng… để từ đó hành giả đi đến sự giác ngộ giải thoát vì giác ngộ được chân lý “Nhất thiết pháp vô ngã”. Do vậy, Thuyền Bát Nhã chính là con thuyền trí tuệ có thể chuyên chở chúng sanh vượt qua biển khổ sanh tử để đến bến bờ Niết bàn giải thoát an vui.
01/07/2015(Xem: 9228)
Có những tiếng những lời những âm thanh nghe hoài không chán, nghe mãi không quên, không nghe thì trông ngóng đợi chờ. Tiếng nói của người thương kẻ nhớ kẻ đợi người mong, âm thanh của những ngọt ngào êm dịu, lời ru miên man đưa ta về miền gợi nhớ, những yêu thương da diết chôn dấu trong từng góc khuất, những trăn trở buồn vui có dịp đi qua. Và còn nữa, những thứ mà lúc nào ta cũng trông mong, lời khen tán thưởng tiếng vỗ tay tung hô của thiên hạ.
24/06/2015(Xem: 26876)
Lời vàng của Thầy tôi, một Hướng dẫn vào các sự Chuẩn bị cho Tâm-yếu của Phạm Vi Bao La từ Đại Viên Mãn, trình bày các con đường của bốn trường phái chính của Phật Giáo Tây Tạng mà không có bất kỳ mâu thuẫn nào giữa chúng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567