Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

28. Niềm Tin

04/01/201909:15(Xem: 14984)
28. Niềm Tin

Niềm Tin

(giọng đọc Ngọc Khánh)

 

Tự ái và thiếu tự tin chính là hai thủ phạm thường xuyên đánh cắp niềm tin ta dành cho kẻ khác.

 

 

 

Tin người

 

Sống với nhau thì phải tin tưởng nhau. Dù ta với người kia không phải là liên hệ thân thích, nhưng nếu ta gửi niềm tin cho nhau tức là ta đã thể hiện lòng kính trọng và công nhận sự có mặt của nhau trong cõi đời này. Vì khi tin tưởng vào một đối tượng nào đó tức là ta đã thấy được giá trị đích thực của họ, dù những giá trị ấy đã bộc lộ ra bên ngoài hay vẫn còn đang tiềm ẩn. Do vậy, để đặt niềm tin vững chắc vào một người nào đó thì bắt buộc ta phải có cái nhìn thấu đáo vào bản chất của họ, chứ không chỉ căn cứ vào hiện tượng. Vì mọi hiện tượng đều không ngừng biến đổi theo thời gian, có thể nó sẽ xấu tệ hơn hoặc sẽ tốt đẹp hơn. Đó là sự vô thường - tính chất tự nhiên của vạn sự vạn vật.

 

Khi nhìn cánh rừng thu lá đổ, những người có tâm hồn thi sĩ dễ thấy lòng mình chùn xuống, buồn bã, và có khi sầu úa như những chiếc lá đang rơi rụng theo từng cơn gió. Họ nghĩ rằng mùa thu đang chết dần, mùa thu sẽ không còn nữa. Đó là cái nhìn bị giới hạn, đóng khung, chỉ thấy mùa thu trong sắc diện hiện tại. Họ không biết rằng bản chất của mùa thu cũng là mùa hạ, mùa đông và cả mùa xuân nữa. Ta gọi tên mùa thu là để phân biệt sắc màu và cả quá trình hình thành của chiếc lá theo thời tiết, chứ không phải ta cho rằng mùa thu là cái gì đó tồn tại riêng biệt với những mùa khác. Sự thật mùa thu không bao giờ chết, nó chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác. Có ai phủ nhận rằng những chiếc lá mùa xuân hiện tại hoàn toàn không phải là sự tái sinh của những chiếc lá mùa thu trước không? Nên ta hãy tin tưởng vào mùa thu. Mùa thu sẽ trở lại.

 

Cuộc sống đang trôi theo hướng bon chen. Ai ai cũng tranh thủ tích góp thật nhiều quyền lợi cho bản thân, đến mức đôi khi phải dùng tới những chiêu thức tinh xảo, kể cả sự dối trá. Cho nên thật khó khăn để ta đặt vào ai đó niềm tin của mình. Chỉ cần người kia không thành thật với ta một lần, hay họ có những cử chỉ khó hiểu hoặc những câu chuyện thiếu cơ sở chứng minh thì ta đóng bít ngay cánh cửa niềm tin. Ta nghĩ rằng thà không tin thì tốt hơn. Tức là thà ta không chấp nhận, không hợp tác, không thiết lập quan hệ sâu sắc với người kia. Tuy ta không được thừa hưởng quyền lợi từ họ, nhưng ít ra ta cũng không bị gạt gẫm hay lợi dụng. Dường như khi đặt niềm tin cho ai, ta cũng đều mong muốn có thêm quyền lợi. Ít nhất là ta có thêm điểm tựa cho tâm hồn đang lạc lõng, chứ không phải để chia sẻ hay nâng đỡ đối tượng. Nên khi đối tượng ấy không thể tỏa sáng nữa thì ta lập tức rút lại niềm tin. Niềm tin như thế chỉ là sự ích kỷ, không ai cần đến.

 

Đành rằng vì để bảo vệ quyền lợi cho bản thân, nên đôi khi ta cũng cần phải suy xét cẩn thận khi trao gửi niềm tin. Song, cuộc sống là tương tác, là liên hệ, là phải có trách nhiệm nâng đỡ nhau mới có thể giữ được thế cân đối và hòa điệu lâu bền. Vì thế ta phải biết nghĩ cho kẻ khác, tin tưởng kẻ khác, để giúp họ có thêm niềm tin vào bản thân mà vượt qua hoàn cảnh khó khăn hay trở lực trong chính họ. Hãy nhìn lại mình. Chắc ta vẫn chưa quên, đã có những lúc ta hụt hẫng niềm tin vào cuộc sống đến mức tuyệt vọng. Nhưng thật may mắn khi có được một người rất tin tưởng ở ta. Dù họ chỉ trao cho ta ánh mắt cảm thông hay vài lời động viên an ủi, cũng đủ khiến ta ấm áp và có thêm sức mạnh để tiến bước. Cho nên khi không thể tin vào ai thì ta hãy tự hỏi mình có đang vướng kẹt vào nhận thức sai lầm nào về họ không, có thành kiến với những vụng về hay lầm lỡ của họ trong quá khứ không, có lo sợ họ không mang lại quyền lợi cho ta mà còn lợi dụng ta không, có phải vì họ thiếu kính trọng hay làm tổn thương ta không, hay có phải vì ta đang thiếu niềm tin vào chính bản thân mình? Quả thật, tự ái và thiếu tự tin chính là hai thủ phạm thường xuyên đánh cắp niềm tin của ta dành cho kẻ khác.

 

Chỉ trừ trường hợp ta vội vàng tin kẻ khác vì những ưu điểm nổi bật của họ đã đánh trúng vào cảm xúc yêu thích nhất thời của ta. Tức là do yêu thích, vướng mắc tình cảm, muốn sở hữu đối tượng mà ta đã dễ dãi đặt trọn niềm tin cho họ. Đó là thứ niềm tin nông nổi, mù quáng, rất thường xảy ra ở tâm lý của những kẻ thích dựa dẫm vào người khác. Còn khi ta đã đủ bình tĩnh, sáng suốt để quan sát và thấu hiểu đối tượng thì ta hãy cứ mạnh dạn tin tưởng nhau đi. Tất nhiên, thời gian mới chính là phương thức hữu hiệu nhất để trắc nghiệm mức độ chân thành của nhau. Nhưng nếu cần phải trao nhau niềm tin mạnh mẽ để tiếp sức cho nhau vượt qua đoạn đường gian khó ngay trong hiện tại thì ta hãy đừng quá đắn đo. Lỡ như sự chân thành của ta bị lợi dụng thì tuy mất mát tài sản hay danh dự nhưng trong ta vẫn còn đó nguyên vẹn niềm tin. Còn tin vào con người là ta còn tìm thấy chỗ đứng vững chắc trong cuộc đời này. Vì tin nhau tức là gắn kết với nhau; ngờ nhau tức là cắt đứt nguồn năng lượng hỗ trợ vốn rất cần thiết cho sự tồn tại của nhau.

 

 

 

Tin đời

 

Nhiều người đã đánh mất niềm tin vào cuộc đời, vì họ đã trải qua những thất bại chua cay hay bị nhiều kẻ xấu hãm hại. Họ sống trong định kiến nặng nề, tin chắc rằng trên đời này không có ai là chân thật cả, tất cả những lời nói hay hành động dễ thương kia cũng chỉ là những màn trình diễn giả tạo. Từ nhận thức đó, họ khư khư xác quyết rằng cuộc đời này chẳng khác gì những vở tuồng bi hài trên sân khấu, nên không cần phải thiết tha duy trì hay xây đắp thêm chi nữa. Một số người quan niệm như thế có lối sống bất cần đời, thích làm gì thì cứ làm mà không cần quan tâm đến hậu quả hay phản ứng của những người xung quanh. Số người khác thì ẩn dật, sống trong u uất lạnh lùng, sợ tiếp xúc và nghi ngờ tất cả mọi người. Số còn lại thì gửi linh hồn mình cho một đấng quyền năng nào đó để mong mỏi được cứu rỗi về một thế giới không còn bóng dáng của sự giả dối.

 

Nên nhớ thành bại, được mất, hợp tan là những cặp thăng trầm mà bất kỳ ai trong đời này cũng phải nếm trải. Tất cả những gì xảy ra với ta hôm nay đều tuân theo nguyên tắc nhân quả và duyên sinh, vì vũ trụ vốn không ưu tiên cho bất cứ ai và cũng không ghét bỏ ai. Do ta chưa đủ trí tuệ để có thể hiểu rõ tiến trình vận hành của nguyên tắc ấy, ta đã gây ra nhân gì mà phải gánh chịu hậu quả như vậy, nên ta mới tin rằng số phận của mình đã được an bài bởi một đấng tối cao. Đó là cách lý giải rất con người, của những tâm hồn còn đầy dẫy năng lượng tham-sân-si bảo vệ cái tôi bé nhỏ. Vì nếu có một đấng quyền năng thật sự, thì đấng quyền năng ấy phải xử sự công bằng và hợp lý. Không thể vì sự tin tưởng nhiệt tình của ta mà đấng quyền năng mới chịu chú ý và ưu đãi ta hơn. Chính vì tâm hồn đang quá yếu đuối và hụt hẫng điểm tựa, nên đã khiến ta đặt niềm tin một cách mù quáng và mê muội. Một khi cái tôi bất ngờ được nâng niu, được hứa hẹn với những quyền lợi hấp dẫn trong tương lai thì sự mê tín sẽ được đẩy lên tới mức cuồng tín - sẵn sàng làm bất cứ việc gì cho đối tượng tin tưởng mà bất chấp mọi lẽ phải trên đời.

 

Ta hãy nghĩ rằng mình là một bãi cát chứ không chỉ là một hạt cát. Khi gió bão thổi vài hạt cát từ nơi này đến làm đầy chỗ khác, thì gió bão cũng sẽ đưa những hạt cát từ nơi khác đến lấp đầy chỗ khuyết ở  nơi này. Chỗ khác hay chỗ này cũng đều thuộc bãi cát, vậy thì ta đâu cần phải nao núng, lo sợ. Nếu ta có khả năng vượt ra khỏi phạm vi bé nhỏ của cái hình hài này để thấy mình cũng đang đồng thời có mặt ở khắp muôn nơi, vì sự thật là ta không ngừng tương tác với vạn sự vạn vật để tồn tại, thì ta sẽ không bao giờ thấy đau khổ hay hụt hẫng niềm tin khi đi qua những thăng trầm vốn phải có trong cuộc đời này. Hãy đừng vội oán trách vô thường. Bởi nếu không có vô thường thì nụ hoa không thể nở, tuyết không thể tan, em bé không thể trở thành người lớn, chế độ độc tài không thể tan rã và kẻ đau khổ sẽ chìm mãi trong khổ đau. Vậy nên, chỉ khi nào ta bớt nghĩ cho quyền lợi cá nhân, biết nhìn cuộc đời bằng con mắt thương yêu và nâng đỡ thì niềm tin của ta sẽ vững mạnh và không bao giờ bị ngã đổ. Ta tin vào con người vì ta đã thấy được bản thiện của họ; ta tin vào cuộc đời vì ta đã thấy được cái tôi rộng lớn bao la của mình.

 

 

 

Tin mình

 

Thật khó có thể chấp nhận rằng, khi ta đánh mất niềm tin vào con người hay cuộc đời này là do ta đã không có đủ niềm tin vào chính mình. Nhưng đó lại là sự thật. Vì ta tin rằng những điều kiện thuận lợi may mắn từ bên ngoài sẽ mang tới sự an toàn và hạnh phúc lâu bền, nên ta mới ra sức rượt đuổi, nắm bắt, nâng niu và bám chặt vào nó. Bỏ tâm chạy theo cảnh như thế, nên khi cảnh bị dao động hay biến mất thì tâm trở nên bơ vơ lạc lõng cũng là lẽ đương nhiên. Dù biết rằng ta không thể sống tách rời với ngoại cảnh, nhưng ta phải cố gắng luyện tập cho mình khả năng bớt lệ thuộc vào sự may rủi của hoàn cảnh bằng cách tin tưởng vào chính bản thân mình. Tất nhiên, phải hiểu được giá trị đích thực của mình thì ta mới tin tưởng mình được. Còn lỡ như không thấu hiểu hết con người của mình thì ta cũng nên nhờ những bậc có hiểu biết lớn chỉ điểm cho. Để từ đó ta tìm cách phát huy những ưu điểm nổi bật và tìm cách khơi dậy những năng lượng tiềm ẩn. Tin sâu vào thực lực chính mình, ta sẽ có đủ bản lĩnh để đương đầu với mọi tình huống.


Người trẻ bây giờ thường làm ra vẻ rất tự tin, nhưng niềm tự tin của họ thật đơn điệu. Chỉ vì kiến thức của họ được một ngôi trường danh tiếng xác nhận qua bằng cấp, tài nói năng của họ mang lại nhiều mối quan hệ tốt, vóc dáng cao ráo của họ được nhiều người để ý, hay chỉ vì quần áo của họ thuộc hàng hiệu đắt tiền là họ đã tràn đầy tự tin và vênh mặt trước mọi người. Thật tội nghiệp! Những kẻ chỉ thấy được giá trị của mình qua sự công nhận hời hợt của người khác thì phải đành chấp nhận thường xuyên lạc mất cái tôi linh thiêng của mình thôi. Vì nhận xét và tình cảm của người khác cũng rất vô thường, luôn biến đổi. Huống chi, khi ta chỉ tập trung vào những điểm chỉ đem lại cảm xúc yêu thích từ kẻ khác trong nhất thời thì thế nào ta cũng sẽ bỏ bê những giá trị sâu sắc bên trong. Sống giữa cuộc đời đầy biến động này mà lại thiếu đi những đức tính quan trọng như bình tĩnh, nhẫn nại, khiêm cung, bao dung, lạc quan, uyển chuyển...thì làm sao ta đứng vững được?

 

Cho nên tin vào chính mình là tin vào tài năng và cả đức hạnh của mình nữa. Tài năng không chỉ để kiếm được nhiều tiền hay khiến người khác ngưỡng mộ, mà còn phải đem tới nhiều an vui cho chính mình và những người thân sống bên cạnh. Tài năng mà không có đức hạnh, chỉ để phục vụ cho cái tôi ích kỷ bé nhỏ của mình thôi thì tài năng ấy sớm muộn gì cũng sẽ đưa ta đến chỗ hủy diệt vì sự chủ quan và kiêu ngạo. Đức hạnh mà không có tài năng thì tuy không làm nên sự nghiệp lớn hay không giúp đỡ được nhiều người về phương diện vật chất, nhưng chính đức hạnh mới đem lại giá trị bình an và hạnh phúc bền vững trong tâm hồn. Khi ta có bình an và hạnh phúc thật sự, tự nó sẽ tỏa chiếu đến mọi người xung quanh qua thái độ sống của mình. Điều ấy không nhất thiết phải có nhiều tài năng mới làm được. Hãy bình tâm nhìn lại! Đừng mê mải chạy theo xu hướng chung nữa. Hãy quay về khơi dậy giá trị chân thật của mình để vững tin đi tới.

 

Nên nhớ, tâm mới là nguồn gốc sinh ra mọi cảm giác hạnh phúc hay khổ đau, còn hoàn cảnh chỉ đóng vai trò tác nhân mà thôi. Thay vì cứ chạy theo những vọng tưởng điên đảo, vắt kiệt sức ra để chụp bắt hết đối tượng này đến đối tượng khác, thì ta hãy trở về làm tan biến đi những đòi hỏi không cần thiết hay không hợp lý của tâm mình. Dù trong giờ phút này tâm ta đang rất xáo động hay đang rớt xuống những cung bậc rất thấp vì đã lỡ gây ra rất nhiều lầm lỗi, nhưng với quyết tâm mạnh mẽ quay về chính mình cộng với những bài thực tập rèn luyện thân tâm đúng đắn, thì chắc chắn ta sẽ mau chóng chữa lành những vết thương ấy và khôi phục lại vị trí làm chủ cuộc đời mình. Hãy tin vào bản chất thanh tịnh và mầu nhiệm vốn có của mình. Nó không bao giờ bị hư hao hay hủy diệt.

 

Đừng buồn nhìn xơ xác

Đời cần chút đổi thay

Hoa xưa rồi thắm lại

Vườn cũ ngát hương bay.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/11/2010(Xem: 15937)
Sách này có hai phần: Đạt-lại Lạt-ma tại Harvard, bao gồm các khóa trình được thực hiện tại đại học Harvard, được giáo sư Jeffrey Hopkins dịch từ Tạng sang Anh ngữ...
16/11/2010(Xem: 11344)
Hiện nay, thế giới đang có sự rối loạn, không hiểu biết, tranh cãi về bệnh tâm thần, thiền định, và sự liên hệ giữa hai đề tài này. Các chuyên gia về sức khỏe thể chất, và tâm thần cũng không hiểu rõ phạm vi nghề nghiệp của họ. Họ cũng không hiểu cái gì là thiền định. Bởi vậy đối với người bình thường họ sẽ rất bối rối.
11/11/2010(Xem: 20232)
Toàn bộ giáo lý đức Phật đều nhằm mục đích ''chuyển mê khai ngộ'' cho chúng sanh. Vì mê ngộ là gốc của khổ vui. Mê thì khổ, ngộ thì vui.
09/11/2010(Xem: 8144)
Stephen William Hawking, sinh ngày 8 tháng Giêng năm 1942 là một nhà Vật lý Lý thuyết người Anh, đồng thời cũng là một nhà Vũ trụ học nỗi tiếng nhờ các tác phẩm khoa học và các lần ông xuất hiện trước quần chúng.. Ông là Hội viên Danh dự của Hội Nghệ thuật Hoàng gia Anh (Royal Society of Arts), Hội viên vĩnh viễn của Viện Khoa học Giáo hoàng (Pontifical Academy of Sciences) và vào năm 2009, được trao tặng Huy chương Tổng thống về Tự Do là huy chương dân sự cao quý nhất của Mỹ.
02/11/2010(Xem: 8017)
Hôm nay chúng tôi xin nói qua và giải thích thêm về bản chất của Đạo Phật để quí Phật tử thấy rõ đạo Phật là bi quan hay lạc quan. Đây là vấn đề mà nhiều người muốn biết, nhưng Phật tử chúng ta đa số vẫn chưa giải nổi. Chúng tôi sẽ nói rõ để quí Phật tử hiểu cho thật đúng với tinh thần của đạo Phật, tránh bị người xuyên tạc, hiểu lầm. Trước hết, chúng tôi nói đến quan niệm mà đa số người hiểu lầm cho rằng đạo Phật là bi quan.
02/11/2010(Xem: 4965)
Tôi đã từng đối diện với nhiều trường hợp khó khăn suốt con đường của cuộc đời tôi, và quê hương tôi đang trãi qua một thời điểm nghiêm trọng. Nhưng tôi cười thường xuyên, và cái cười của tôi là lây lan. Khi người ta hỏi tôi làm thế nào tôi có thể tìm thấy động lực để cười bây giờ, tôi trả lời rằng tôi là một cây cười chuyên môn. Cười là một đặc điểm của người Tây Tạng điều này khác biệt với người Nhật Bản hay Ấn Độ.
30/10/2010(Xem: 1089)
Ontario, Canada – Nhiều người diễn giải Phật giáo thấy Đạo Phật là một trong vô số triết học và tôn giáo được biết từ cổ xưa. Đúng ra Phật giáo là một môn triết học thực tiển trong một ý nghĩa được phơi bày ngày nay. Môn triết học này thiết lập một hệ thống trị liệu rộng rãi. Trong phạm vi ấy Đức Thế Tôn là một nhà tâm lý trị liệu vô song. Trong phổ quát, Tâm lý trị liệu có nghĩa là sự điểu trị về những sự rối loạn cảm xúc, thái độ cá nhân căn cứ trước tiên trên sự giao tiếp bằng lời nói hay không lời nói. Đức Phật là một nhà chửa bệnh không thể bắt chước được giúp vô số người vượt qua căng thẳng, rắc rối về cảm xúc, và những vấn nạn giao thiệp qua thiền quán thân hữu.
27/10/2010(Xem: 9655)
Tôn chỉ Phật giáo là chí hướng cao siêu của một chân lý. Chí hướng của Phật là "Tự Giác Giác Tha", có nghĩa là tự mình giác ngộ, thức tỉnh trong giấc mộng vô minh...
23/10/2010(Xem: 11838)
Trước hết, có lẽ tôi cần phải thú nhận là không có cách nào tôi có thể trình bày đầy đủ về thuyết Tiến Hóa. Lý do chính là: Tiến Hóa là một quy luật thiên nhiên trong vũ trụ, và trong gần 150 năm nay đã được kiểm chứng, phát triển, từ đó giải thích được nhiều điều trong vũ trụ, thiên nhiên. Ngày nay, thuyết Tiến Hóa bao trùm rất nhiều bộ môn khoa học. Do đó, không ai có thể tự cho là mình biết hết về thuyết Tiến Hóa. Một khó khăn khác tôi vấp phải khi viết về thuyết Tiến Hóa là những danh từ chuyên môn mà tôi không đủ khả năng để dịch ra tiếng Việt hoặc không biết là đã được dịch ra tiếng Việt. Vì những lý do trên, trong bài khảo luận này, tôi chỉ tự hạn trong chủ đề
19/10/2010(Xem: 4776)
Chỉ trong vòng 50 năm qua, ngành sinh học và y học thế giới đã phát triển nhanh chóng hơn là trong khoảng thời gian 50 thế kỷ trước, về hiểu biết cũng như khả năng tác động của con người trên sự sống. Sự phát triển này cũng làm nẩy sinh lên một số vấn đề đạo đức mới, được gom lại dưới danh từ "sinh đạo đức" (bioéthique). Những vấn đề này trở thành mỗi ngày một thêm phức tạp, chúng đã vô hình chung vượt khỏi khuôn khổ chuyên môn và đặt ra một cách rộng lớn cho toàn thể xã hội."
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]