NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT TÁC ĐẠI CHỨNG MINH
TU TỨ ĐẾ PHÁP Bốn Chân Lý Chắc Thật
HT. Thích Huyền Tôn
Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật, sau khi Chứng Đạo dẹp tan sự quấy nhiễu của ma quân ở cõi Trời Tha hóa thứ sáu vào nửa đêm ngày mùng 8 tháng 2 năm Tân-Mùi. Việt lịch Năm 2256 HBK*. Tr.BC.596. Sau Thời Hoa Nghiêm Phật đến vườn Lộc Dã Uyển truyền dạy Bốn Pháp Tứ-Đế, độ cho năm vị từng theo Phật cùng tu thuở trước, thành bậc Tỳ Khưu đắc đạo. Năm vị đó là: 1/. A Nhã Kiều Trần Như, 2/. A-Thấp Bà, (Mã-thắng) , 3/ .Bạt-Đề, 4/. Ma-Ha-Nam, 5/. Thập-Lực-Ca-Diếp. Năm Vị nghe pháp Tứ Đế rồi, tu tập chứng A La Hớn Quả.
Tứ Đế Pháp: 1. Khổ Đế. 2. Tập Đế. 3. Diệt Đế. 4. Đạo Đế.
-Khổ Đế, là Ác quả của Tập Đế. -Tập Đế, là tạo Nhân xấu của Khổ Đế.
-Diệt Đế, là Thiện quả của Đạo đế. -Đạo Đế, là Nhân tu của Diệt Đế.
Nói theo chiều thuận, phải tu nhân Tập-đế, để diệt “Ác quả Khổ đế”. Tu nhân Đạo-đế, để chứng “Thánh quả Diệt đế”.
1/ Khổ Đế pháp: Biểu tượng có 11 khổ. (3+8=11 &…)
Phật nói về Chân Lý khổ đau của đời sống con người. Nói về Khổ, thì đại khái có 3 khổ, có 8 khổ và 5 Ấm khổ. Nói rộng có vô lượng khổ! Nói khổ, là nói cái chân tướng thống khổ trong vũ trụ của loài người nói riêng, chúng sanh nói chung. Nói Khổ là nói cái kết quả của hành vi tạo tác nhiều đời về trước, tập đế. Mà ngày nay phải thọ nhận (chịu khổ) trong đời hiện tại. Chưa hết, hiện tại mà không lo tu tỉnh cứ tiếp tạo tác ác nghiệp thì tương lai tiếp tục thọ khổ. Khổ hiện tại, như có thân phải thọ sự khổ biến dịch của bốn đại,nạn tai, bịnh tật nan y, bị mắng chửi, giết hại, xe tông, tàu chìm, máy bay rơi, nổ, tàu lửa lật, nước, ửa đạn bom, đao kiếm, tù tội, cướp giựt, lăng mạ thù hằn, phèo phổi ốm đau, thân thể không vẹn toàn, cháy nhà, sập đất, sóng thần, sấm sét…Vô số tai ương ….mà chúng sinh đời nay “người có trí huệ” chắc đã thấy, nghe và đã từng biết rõ! Tóm lại có vô lượng sự khổ não và đau đớn. Nên gọi là Khổ Đế.
A/.Ba khổ: (Khổ khổ, Hoại khổ, Hành khổ)
1- Khổ khổ: Mới vừa thọ một điều đau khổ, đang buồn lo chưa biết phải xoay trở ra sao? Thì điều khổ khác lại phũ phàng ập tới! Than ôi, khổ chồng lên khổ! Tâm khổ, Thân khổ. Đó, gọi là Khổ khổ.
2 - Hoại khổ: Hoại diệt những sở hữu là khổ, khổ đau vì hư hoại, nếu được có duyên may làm người Phật Tử, hiểu rõ các pháp hữu vi đều là vô thường, nhờ nghe lời Phật, hiểu biết vạn vật còn hay mất, tan hoại biến thiên, đều không thường còn, ân đó rồi oán đó, có đó rồi không đó, tình nghĩa đổi thay, mới yêu yêu thương thương rồi lại hận thù ghét bỏ?
Thề thốt chưa phai mà phút chốc đã tan rã phân ly! Thân tàn, của nát, nay đau chỗ nầy mai nhức chỗ khác, ngoài tứ chi, trong gan ruột đau đớn vô chừng, bịnh tật khổ não…Mất còn hư hoại. Thế nhân vì thế mà lệ rầu đau khổ! Người và của như sương đậu đầu cành, thói đời yêu thương, hận ghét, đổi thay, còn mất lâm ly phiền lụy không sao kể hết. Đó là Hoại khổ.
3 - Hành khổ: Mọi hành vi trong đời người, đâu dễ gì đứng yên an trụ như ý. Phải hiểu chữ hành là vô thường, là đi, là dời đổi, là xê dịch không bao giờ yên nơi yên chốn. Tất cả mọi vật có hình dáng, có tên để gọi, cái bàn, cái áo, cái xe, cái cậu nầy, cô kia… tất cả đều phải đổi thay theo luật [Sanh Trụ Dị Diệt], gọi đó là “Vô Thường”. Tốt xinh, mạnh yếu, có không, còn mất, cho đến ông vua, cái ông đại cồ lớn, lớn cỡ ông trời sống 4 hay 5, 6 ngàn năm rồi cũng phải hoại. Thánh, Thần, Trời… dù có thọ hơn 80 ngàn năm rồi cũng ô hô tử hỉ! Nói cho cùng sắt, đá, quả địa cầu, chạy vòng vòng vài chục tỷ năm, mọc thêm vài cái mặt trời, hết mưa, hết nắng chừng 14 triệu năm nữa (Phật Di Lặc ra đời), đất bằng châu ngọc, vinh quang sống thọ cho lớp người biết tu thiện của đời ác hôm nay, ngược lại không trì năm giới, mê tín đạo tà tất phải cháy ra tro, qua thế giới địa ngục mà thọ khổ. 33 cõi trời dục cũng tiêu luôn, kể gì mấy ông Thánh giấy, ông Thiên lôi nộm. Chừng đó, quyền năng giáng phước ban họa chẳng còn ai để mà than, để mà thở, để mà tranh giành sự tồn tại. Không có một ai, một thứ gì là bất diệt. Mặt khác về tinh thần, mọi ham muốn, quyết định nó đưa chúng ta rẽ một lộ trình trống không, hoại diệt. Chừng 60 tiểu kiếp (192 Tỷ năm sau) sẽ có địa cầu mới, nếu chúng ta còn luân hồi, từ thiện nghiệp sẽ bông rua tiếp tục. Không một vật thể gì mà tồn tại mãi được, đó là Hành Khổ.
Hiểu được ba cái khổ đó thì phải lo tu: Tu cái thân đừng hành động ác, tu cái miệng đừng nói ác, tu cái ý đừng nghĩ ác. Đừng hại người, đừng giết, bắn, đâm chém, ám sát, đừng tà dâm, ấu dâm, khiêu dâm v.v…Tu cái Miệng, đừng nói lời ác, nói xạo, nói láo, nói bịa đặt, nói hung dữ, nói vu khống, nói thêm, nói bớt gây chia rẽ làm nước nầy xứ nọ sanh thù oán chiến tranh, anh em tàn hại lẫn nhau. Nhất là mấy anh chàng tà dạo, đứng trên bục giảng có nói không, không nói có, ba hoa xiên xẹo, trời đẻ ra muôn loài, mèo, voi, bọ hung, chó cọp v.v… uống rượu, ăn thịt sống…chửi bới cả tổ tiên phụ mẫu. Đó chính là những ác nhân, ác khẩu tạo ra vô lượng khổ. Tâm xấu ngút ngàn, thù hằn, giận dữ, kiêu ngạo, lường gạt, lăng mạ, ghen ghét, xấc xược, đâm thọc, bỏn sẻn, che dấu, nghi nan, ám hại, ngờ vực, keo bẩn, trơ trẽn, lì lợm, ngang tàn, quậy phá, rít rắm, não loạn, tà vạy, không tự trọng, không biết thẹn và xấu hổ…, nói cả ngàn trang không sao hết nổi muôn vạn điều xấu ác của thế gian.
B: Giờ nói đến Tám thứ khổ (Bát Khổ: Sanh, Lão, Bịnh, Tử, Ái biệt ly, Oán thù gặp mặt, Cầu bất đắc, Ngũ ấm xí thạnh)
1)-Sanh Khổ, có 2 nghĩa: Còn ở trong bào thai, cũng khổ. Khi ra khỏi thai thọ nhận suốt cả một đời sống. Tự định tâm mà hiểu, từ do nghiệp đời trước vào nơi bào thai, may được làm Người, chín tháng trong thai, gặp bà mẹ nghèo thai nhi thiếu thốn cũng khổ, gặp mẹ giàu thai nhi dư thừa cũng khổ. Nếu thai nhi là chủ nợ thì được một tình thương quá hoan hỷ. Nếu thai nhi đến để mà trả nợ oán xưa thì tất phải khổ não trăm bề. Chín tháng vẫy vùng trong lao ngục, khi chui ra bị ép ngặt có khác gì như trăn quấn, ra khỏi bào thai, miếng vải dù mềm, hơi lạnh nóng bên ngoài, chạm với da non đau rát chỉ có biết “khóc thét” để báo sự khổ hay lạc của một con người. Xuất hiện tốt, sẽ góp mặt làm một thành viên có ích trong cõi thế. Và, một cuộc đời dù thăng hoa đến đâu, rồi cũng đến già, bịnh, chết. Loay hoay trong cuộc sống, sướng ít khổ nhiều, đang bú ngon lành, mẹ có việc bỏ đi, đứa bé quơ tay đá chân, khóc la inh ỏi. Chưa có tí tuổi nào đã biết đòi, biết giành giựt, khi lớn khôn muôn ngàn vạn sự vui ít khổ nhiều, lắm lúc lệ tràn sùi sụt. Trong cuộc sống, sang hèn, giàu nghèo, thông minh, ngu dốt, quả thật khổ vui, ngàn vạn được thua, chua cay ngọt bùi, khổ đau nhiều hơn là vừa ý. Đó là Sanh Khổ.
2)- Lão Khổ (Già nua): Thân con người hay tất cả sự có thân (sắc tướng) đều do bốn chất liệu (Tứ đại) mà thành: Chất đặc (Địa đại), chất lỏng (nước, Thủy đại), chất ấm ( lửa, Hỏa đại), chất rung động (gió, Phong đại). Bốn chất đó, khi thạnh, khi suy. Tạo nên mất thăng bằng, làm cho cơ thể cằn cổi, dù cho cố sức bồi bổ đều trở nên vô dụng, năng lực lụn bại, mỏi mệt, nhăn nheo già nua làm chủ. Khi còn trẻ thì đẹp tươi, khi già nua thì xấu xí. Cũng cùng một thân, mà trẻ già thay đổi lại khác. Đổi thay đâu phải đợi có thời gian, mà thật ra chỉ chừng trong giây lát. Lưng còng gối mỏi, sức sống xa rời với ý muốn, mắt mờ tai điếc …Thời nay, còn thêm rối loạn tiền đình, nương gậy mà đi. Mỏi đau lụm cụm. Đó là Lão Khổ.
3)-Bịnh Khổ (Ốm đau): Địa đại mà thạnh, thì u nần bại liệt, nhức nhối gân xương, Thủy đại mà thạnh, thì, phù thủng sưng lở, máu huyết teo nở bất thường. Hỏa đại mà thạnh, sốt nóng cuồng nhiệt, miệng lưỡi sưng lở, táo bón khô gầy…Phong đại mà thạnh, tim mạch đau nhức, hơi thở không đều, phong giật run rẩy. Từ đó, chúng lấn nhau cái thạnh cái suy, hay do vì ăn uống biến độc, thuốc men công phạt, tạo ra lắm loại vi trùng, bồi thêm ác khuẩn. Cộng với tiền khiên nghiệp báo, đầu nhức răng đau, tứ chi rời rã, ung thư, kiết lỵ, rên rỉ kêu la, bịnh viện ì ạch. Đó là Bịnh Khổ.
Một nguyên nhân tạo cho thân thể khổ đau, gớm ghiếc mình mẩy như tắc kè, cá sấu là do đời trước xẻ thịt người hay vật còn đang sống mà ăn nhậu. Hơn nữa, bắt buộc mọi người tôn xưng mình là Trời là Thánh (Như tên Ru-Ma) Thanh Hải, là Tiên, tên cháu lão Hồ (Chân Q), rồi thánh con, thánh mẹ... Tội thay! Lếu láo xưng cho oai, ngờ đâu đời sau thọ quả xấu xí như ma như quỉ. Bịnh khổ là do hành vi gian ác, mình làm mình chịu, chẳng có ông trời, ông đế nào có quyền năng xía vô cuộc tạo tác của con người. Ông Trời (Thiên loại) dù nhờ tu, nên được thác sinh ở cõi Trời hưởng được phước báo tốt. Cao lắm là thọ 80 ngàn năm rồi cũng “chết” như tất cả mọi sinh vật khác. Tin như thế, là chánh tin. Tin trời có vạn năng là tin tà. Tin Trời chỉ là một cõi nhiều thắng phước là tin đúng.
4)Tử Khổ: Chết Cũng khổ ư?
Đúng! Chết rất là khổ! Là một sinh vật, không có một loài nào mà không sợ chết, và phải chết, thật lý là như thế. Vì chết, hơi thở ra mau, hơi vào ít lại chậm, mệt mỏi đau nhức khắp châu thân, còn máu huyết khô cạn dần dần, đớn đau như trăm ngàn con kiến, con vắc rỉa cắn, xé rứt từng tế bào. Nói không được! Rên không nổi! Khóc ư ? Còn đâu nước mắt! Cựa quậy ư? Tất cả châu thân đều cứng đơ. Muốn nói không còn tí hơi nào để nói, tiếc thương lo sợ, trước mắt muôn vạn hình trạng gớm ghiếc chập chờn, não loạn thân tâm, bởi vì trong cuộc sống, gây nhiều nhân ác. May mắn trong đời sống đã từng làm việc lành, theo Phật tụng kinh, tu nhơn tích đức, biết phụng dưỡng mẹ cha, biết thương nòi yêu nước, không theo tà đạo, nhận giặc làm cha, nhắm mắt nhẹ nhàng ra đi, về cõi an lành, không khổ bản thân, không phiền thân tộc, đó là người có phước tu theo chánh đạo. Ngoài ra, trăm ngàn cái chết, thống khổ ngút trời. Đó là Tử khổ.
Tuy nhiên, cũng có 5 trường hợp ngoại lệ là cần phải chết để giải quyết cái chỗ cùng tận không chết không được? Chỗ cùng tận có 5 vấn đề Chết!
Chết vì cái khổ, khổ hơn cái chết.
Chết ở chiến trường. (biển Cộng nghiệp)
Chết vì tình thù, mê muội. (chết ngu)
Chết vì cứu người (biệt nghiệp tốt)
Chết vì mê danh, thách đố! (nghiệp tự tạo xấu).
Người biết chánh đạo, giờ chết gần kề, chí tâm niệm Phật, cầu sanh thế giới an lành, người không biết chánh đạo, cứ tưởng cầu trời là sẽ về thiên đường. Thương thay cho những người nầy, họ đâu có biết, Trời là một sinh vật giống như Người, cõi của Trời tốt đẹp sung sướng hơn cõi Người gấp trăm ngàn lần, họ sống dài lâu hơn người nhưng rồi, người cõi Trời cũng phải chết. Người “Trời” là người an lạc chỉ khi còn phước báo! Cầu sanh về cõi Trời không quá khó! Con người chỉ gắng giữ làm 10 việc lành, sau khi tắt hơi thở cuối đời là thẳng về cõi Trời, về đó, đời sống thọ từ 1000 tuổi cho tới 80.000 tuổi, đó là cõi Trời có sắc thân. Mười điều lành là: 1- Không được phép giết chết sự sống của người và sinh vật. 2- Không ăn cắp ăn trộm tiền của người khác. 3- Không được phép loạn, ấu, gian dâm, như những nhân vật tà đạo lớn con to xác thường nghe trên đài phát thanh Việt ngữ. 4- Không được nói láo, bịa đặt chuyện không nói ra có. 5- Không được uống rượu, hút ma túy. 6- Không được mắng chửi, nói lời thô ác, khen mình chê người. 7- Không được đâm thọc cho hai bên hiềm khích. 8- Không tham lam vẽ chuyện, đá khóc hang sầu hòng mua danh thủ lợi. 9- Không được giận hờn. 10- Không si mê cuồng tín, (như giết hại gây đớn đau cho người khác, mà mong trời rước về thiên đường) Cấp thêm cho mớ gái tơ (?) Mèn ơi! Không thể nào có được các lý lẽ bất công như vậy trong cõi thế gian nầy ? Có điều chắc thật rằng . Bất cứ ai, bất cứ tín ngưỡng nào, tu được 10 điều lành vừa nói trên thì nhất định sau khi chết người đó được Chư Thiên đến rước về cõi Trời. Nếu muốn sống trường miên trên cõi trời phải bố thí phóng sanh. Làm nhiều việc thiện, và phải quy y Tam Bảo, giữ tròn 10 điều răn của Phật, chỉ có phương pháp đó mới lên cõi trời. Còn kỳ dư dụ dỗ cách gì cũng là chỉ nhằm vào vơ vét tiền bạc kiếm kẻ làm tôi tớ mà thôi. Còn Thượng đế ? TĐ là ai ? Nếu có, cũng là con người, Ông ấy không có họ hàng gì với VN chúng ta cả. Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, chỉ nghe nói nhưng không bao giờ có ai thấy ông ấy xuất hiện? Và đã chết từ lâu rồi. Người ta cho rằng, ổng chết là để chuộc tội cho nhân loại ? Tội của ổng, ổng không tự cứu được, thân nhân của ổng thôi cũng đành bó tay. Ai có trí khôn, tự hiểu tự biết lý ấy. Đúng không bạn? T-Đ chính là người toàn vẹn đức tốt vậy.
.
5) Ái Biệt Ly Khổ: Yêu thương mà phải xa lìa là khổ! Nuôi thằng con lớn lên mẹ trăm thương ngàn mến, nó ra đi biền biệt không về, lòng mẹ khổ đau khôn xiết kể! Thương yêu mẹ già chưa báo được ơn sâu của mẹ, mà mẹ lại bỏ con về với Tổ tiên lòng con quặn đau, lệ sầu thương nhớ! Bạn hữu thâm tình, gặp nạn qua đời, tiếc thương sầu khổ! Cái khổ “Biệt Ly” làm cho lòng người quay quắc như rướm máu tim gan. Phật dạy không hề sai.
Nói sao cho hết nỗi sầu thương! Đó là Biệt ly khổ!
Anh đi ra chốn sa trường,
Quê nhà em đợi em thương nhớ hoài.
6) Oán Tắng hội ngộ khổ: (Oán thù mà gặp mặt nhau! Mệt lắm!)
Kẻ thù, kẻ cừu địch, cướp của, giựt tình, thằng tà đạo, lường gạt… “nó” đã từng làm cho mình, đắng cay, hao tổn, mà giờ đây cứ gặp lại cái bản mặt bất nhơn bất nghĩa của nó. Thiệt là khổ! Bực ơi là bực! Đúng hông? Ghét kẻ thù mà gặp là khổ. Không chỉ là oán thù sâu nặng, mà vì một chút cãi cọ, một ý kiến bất đồng, hai bên chẳng bên nào chịu xả bỏ, thấy mặt là ghét rồi! Tại sao? Cõi lòng đầy tham sân si. Đó là Oán Tắng Hội Ngộ Khổ.
7) Cầu Bất Đắc Khổ: (Mong cầu không được là đau khổ)
Lo lắng ngược xuôi, kiếm chút công danh lợi lộc, chờ đợi cả năm kia tháng nọ bây giờ lại hỏng bét! Buồn bực, tức giận, lao tâm, hận khổ. Trách trời giận đất. Bán buôn lỗ lã, mua số trật số, vận động sai thời, cầu quan thất bại. Ứng cử tiêu vong, tất cả mọi sự mong cầu, đều không như ý. Khổ ơi là khổ. Vô sòng bạc cầu may. Nhưng tiền cứ trôi đi như nước dốc! Nếu lòng không kiên định, có khi lại phải quyên thân! Cho nên gọi là Cầu bất đắc khổ.
8) Ngũ Ấm Xí Thạnh Khổ: (Có 5 Khổ của Ấm ). Là sự hưng khởi chống chọi bất tương ưng của năm ấm làm cho Thân Tâm đau khổ) Ấm hay Uẩn, có nghĩa là “Tích tập, chứa nhóm các sự khổ. Năm ấm, là 5 thuật ngữ, pháp số: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Năm Uẩn khổ nầy, là sự khổ chung của Thân và Tâm. Thân khổ vì sắc ấm. Tâm khổ vì Thọ, Tưởng, Hành và Thức ấm. (Sắc ấm thuộc về thân), (Thọ Tưởng Hành Thức thuộc về tâm)
+Sắc Ấm (Uẩn) : Là Sắc thân, thuộc về vật chất, là sắc pháp, là hữu vi.
Gồm đủ các khổ về thân, là y báo của đời sống. Sắc pháp còn có tính chướng ngại, biến dịch vì chính nó là “Tứ Đại” (Đất Nước Gió Lửa). Bốn Uẩn sau, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thuộc về Tâm pháp.
+-Thọ Ấm (Uẩn): Thọ nhận tất cả pháp Khổ, pháp Lạc và pháp Xả Thọ. Pháp xả Thọ là pháp không hẳn là Khổ, cũng không hẳn là Lạc.
+-Tưởng Ấm (Uẩn): Là tưởng tượng, hoạt dụng của “Tưởng” là lành, dữ, yêu, ghét. Lấy các chủng tướng tiền trần (Sáu Trần: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.) làm nghiệp dụng.
+-Hành Ấm (Uẩn): Chính là, hành vi tạo tác, do ý thức dẫn khởi, hành ấm duyên với các chủng pháp thiện, hoặc bất thiện đi khắp xứ nghiệp, để tạo nhân. (gồm 2 nghiệp Ác hay Thiện).
+-Thức Uẩn: Là Ý Tưởng liễu biệt, (phân biệt, rõ biết) do thức hiểu biết, lấy cảnh giới làm đối tượng sở duyên. Cùng hợp với Sắc chất và 4 pháp Thọ Tưởng Hành, Thức cấu tạo nên Thân Tâm một con người. Tóm lại, Ấm hay Uẩn đều có nghĩa tích tập, nhóm chứa, công năng của nó, làm che lấp Tánh Chơn, thọ thân trầm luân trong sanh tử.
Đến đây là hết về phận Khổ Đế, nói qua phần 2, Tập Đế.
2/ Tập Đế: Đức Phật dạy bày cho con người thấy rõ cái nguyên nhân dẫn khởi mà chúng sanh đã hành động từ nơi Thân ác, Nói ác, Nghĩ ác, làm ác mọi hành vi đều bất thiện! Nghiệp bất thiện to như núi Tu-Di, sâu như biển cả. Do vì ác nhân duyên ấy mà ngày nay phải nhận vô số kết nghiệp khổ đau. Tập đế ác là giết người. hại vật, cướp của phá nhà, vu khống gây họa, làm khổ tha nhân, hành vi tổn hại, như cọng sản Tàu, Việt, như các đạo tà. Thủ đoạn ác độc, dùng những danh xưng, cao ngạo, xấc xược cố tâm ngự trị con người, đè bẹp nhân phong hủy hoại nhân luân , hạ thấp con người xuống hàng con cháu, coi rẻ con người như thú vật, xấc láo trịch thượng, tạo ra vô số ác nghiệp.
Tập đế ác bất nhân, ác khẩu, loạn luân, sau chết sẽ đọa vào ác thú, ngạ quỷ, đau khổ tội nghiệp muôn đời, Bồ tát cũng khó ra tay cứu vớt. Nếu không tu theo Pháp lành, sám hối, xa lánh tà đạo, ác đạo, thì đời đời kiếp kiếp khó được trở lại thân người. Nếu cứ tiếp tục hung tàn thực thi chủ nghĩa bất nhân, v.v…như gã Ruma là tên ma đạo, gã hổn xược dám xưng là Phật. Đại Lực Quỉ mang gã cho trầm luân ngàn kiếp nơi địa ngục. Gã nầy đang là Tập đế ác. Nếu Sanh tâm hành Thiện, quy y pháp lành quay về Tập đế thiện thì hóa nên nhân thiên quả báo thiện vậy. Tóm lại, đổi 3 nghiệp và 3 độc thành thiện pháp là có Tập Đế Thiện vậy.
3/ Diệt Đế: Đức Phật muốn thuyết minh cảnh giới Niết Bàn, để cho con người bậc trí, và chúng sanh các cõi, thấy biết mừng vui, ngoài cái cõi giới đọa đày đau khổ, còn có cảnh giới vắng lặng, an lạc thường miên không sanh, già, bịnh, chết! Thử hỏi, còn đâu hơn, mà không lo gấp, cố gắng tinh tấn tu trì Tứ Diệu Đế (Trừ các Kiết Sử). Ngõ hầu sớm đắc Quả vị A-La-Hớn. Để được ra khỏi luân hồi sanh tử. Ai không biết, về cõi trời là sung sướng, nhưng hưởng hết phước tốt, lại phải sa đọa vào người, địa ngục, ngạ quỉ, v.v…Diệt Đế Cũng là Niết Bàn, một cảnh giới chứng đắc, diệt tận hết các khổ. Nhưng muốn được đến Diệt Đế phải trải qua con đường Đạo Đế. Đạo Đế là do tu 37 phẩm: 4 niệm xứ. 4 chánh cần. 4 Như ý túc. 5 Căn. 5 Lực. 7 Bồ đề phần. 8 Chánh đạo. Trọn vẹn 37 pháp tu là vào Diệt Đế. Chứng đắc Niết Bàn.
4/ Đạo Đế: Đức Phật vì thương nỗi khổ của chúng sanh, dạy phương pháp tu hành, chỉ ra con đường Thánh đế cho chúng ta tu tập. Những con đường đó, hay nói cách khác là một phương thức, một cách làm đúng theo, học cho thuộc, không được “Tu” sai cách. Gọi tắc là Tu Trì, Hành Trì. Cũng như ta học một bài văn, tập một thế võ, mà không tập cho thuần thục thì bài học đó, thế võ đó sẽ vất đi. Cũng vậy Tu là pháp Hành. Thiền quán, Đạo Đế là con đường của Thánh đi, của bậc Toàn Giác đã đi, đã tu và Giác Ngộ. Phật mong con người Giác Ngộ như Phật để hết khổ, nên Phật mới xuống cõi Người của chúng ta. Muốn chúng ta làm Phật, chỉ có chừng ấy. Đạo Đế: Đi lên con đường giải thoát hết khổ được vui như Phật. Đây, mời các quí vị, hãy cố tâm tin tưởng và lên đường Đạo Đế. Đạo Đế là những pháp môn tu tập, hành trì, chúng ta phải hết sức tinh tấn, tín phục, quý kính ngày đêm nghiền ngẩm, niệm niệm liên tục nhớ nghĩ, thọ trì, không để cho thân tâm gián đoạn, thì người tu sẽ nhất định sớm đạt được Thánh quả A-la-hớn vậy. Các Pháp tu hành của Đạo Đế gồm có:
A-Tứ Niệm Xứ: Bốn Pháp nầy phải trụ nơi Trì Niệm Không Gián Đoạn cho nên còn gọi là Tứ niệm trụ. Thứ lớp của bốn niệm là: Thân bất tịnh, Thọ Thị khổ, Tâm vô thường, Pháp vô ngã.. Nói gọn cho dễ nhớ (Thân, Thọ, Tâm, Pháp). Đây là Thiền Quán.
+Hành giả (là người tu) khi niệm Thân thì phải biết và quán thấy Thân bất tịnh, (theo Đại Thừa) để trừ bỏ các vọng tưởng, không chấp nhận “Thân là sạch thơm tho” để sanh tâm mê luyến, và phải nhận rõ các khổ đau ở trên thân là của bốn Đại, năm Uẩn. Thấy rõ 36 uế trược của thân không sạch, còn phải đến thi lâm để Thấy rõ cái thể trược phân hủy của tứ đại. Đặt nó trong vị trí khổ, không mắc mớ gì để tâm phải lụy theo đau khổ. Tiểu thừa thì cái khổ ở trên thân là của thân, nó nằm trên thân và cách ly nó, tự tại không quan hoài đến nó, và cái khổ đau đó nó sẽ tự diệt. Đó là niệm Thân.
Mặt khác, chính lý là không mê đắm thân, rời bỏ mê đắm vì an trụ trong thanh tịnh nên gọi là Thân Bất Tịnh.
+ Pháp quán thứ hai là Thọ thị khổ: Khổ thì có ba pháp là Lạc Thọ, Khổ Thọ và Xả Thọ: Lạc Thọ (cảm nhận vui), Khổ Thọ (cảm nhận các khổ đau), Xả Thọ (cảm nhận những pháp trung tính không có gì vui, không có gì khổ). Trong ba pháp Lạc, Khổ và Xả nầy nó có đủ 8 khổ và vô lượng khổ khi phối hợp tương quan với 18 giới ( 6 căn, 6 trần, 6 Thức) . Thí dụ như Nhãn (mắt) trong 6 căn thấy hoa đẹp thì ưa, khi hoa tàn thúi thì lại chán ghét. Căn, Trần, Thức đều như vậy cả. Nếu dung tạp với nhau trong Tam giới thành ra Vô Lượng Khổ.
+-Lớp thứ ba, Tâm vô thường: Kinh nói “Tâm viên ý mã”, là nói cái vọng tâm “nó” chao động như con vượn đong đưa trên cây, con ngựa rông chạy trên bãi cỏ. Nói vô thường là nói không bao giờ nó trụ định được tý nào cả. Niệm xứ dạy như vậy chính là bảo hành giả phải Trụ Định cho kiên cố vậy. Kinh còn dạy vọng tâm luôn luôn thay đổi. Yêu ghét, ưa chán, thuận nghịch, bạn thù, chánh tà, trung nịnh diễn biến khó lường …Khi ưa thích thì thề thốt nhào vô, khi chán ghét thì quỵt mặt bỏ đi, tâm cảnh như vậy, nên nói là Vô Thường.
+-Lớp thứ tư, Pháp Vô Ngã: Các Sắc pháp, Pháp tướng đều không có thật thể, không hề có thể tánh thường trụ, trải qua bốn thời Thành, Trụ, Hoại rồi Không. Các vật thể có sắc đều luôn luôn thay đổi hình dáng, cho nên nói, các pháp đều Vô Ngã. Con mắt thường của thế nhân cũng thấy được điều biến hoại đó. Người tu Tứ Niệm Xứ, sớm đắc pháp phá tan được Ngã chấp và cả Pháp chấp ly trần cấu, lọc sạch các trược thân tâm liền trong sạch.
B-Tứ Chánh Cần: Tu pháp Chánh Cần là phải cần mẫn, siêng năng, nỗ lực nâng cao hạnh tu, cao hơn và cứ cao lên mãi. Tu đúng pháp, siêng năng cần chánh, đừng để lạc vào tà pháp.
Bốn pháp chánh cần:
1. Tâm ác việc ác sắp sanh, đừng cho phát sanh.
2. Tâm ác việc ác đã sanh, liền đoạn diệt ngay.
3. Tâm thiện việc thiện chưa sanh, nên gấp phát sanh.
4. Tâm thiện việc thiện đã sanh, nên tăng trưởng thêm lớn mạnh.
Pháp Tu Chánh Cần, giúp cho Thiện quả càng ngày càng rộng lớn, đạo nghiệp vững bền, chỉ có lên, chứ không có xuống, như thuyền lướt gió, bờ giải thoát đã sắp đến nơi! Mừng thay! Vui thay! Chánh kinh viết rằng: “Kỷ sanh ác linh đoạn diệt. Vị sanh ác linh bất sanh.
Vị sanh thiện linh sanh khởi, Dĩ sanh thiện linh tăng trưởng”. Đó là bốn pháp hạnh cần mẫn siêng năng của người tu theo Tứ Đế.
C. Tứ Như Ý Túc cũng gọi là Tứ Thần Túc: Bốn pháp Như Ý:
-Dục Như Ý Túc -Niệm Như Ý Túc -Tấn Như Ý Túc -Huệ Như Ý Túc.
Bốn công hạnh Dục, Niệm, Tấn, Huệ (Tuệ): Nghĩa là mong cầu con đường tu mau chóng được kết quả. Mong muốn niệm niệm luôn nhất tâm, vững trụ nơi chánh lý. Mong cầu mau tiến tới, tiến mau tới trước không hề gián đoạn. Mong trí huệ sáng suốt tâm trụ nơi chân lý. Trong bốn pháp Như ý, có người nghi ngờ pháp đầu tiên có chữ Dục? Đạo Phật luôn luôn trừ “Dục Vọng” sao lại có pháp Dục ở đây? Xin thưa, mới nghe và hiểu ít nên nghi ngờ! Nhưng tất cả pháp đều có Tà và có Chánh. Tuy Dục đều cùng nghĩa là “Muốn” nhưng muốn được cứu giúp người cô thế, muốn nâng đỡ kẻ lâm nguy, muốn tiêu diệt gian manh, muốn đem gạo tiền giúp người nghèo đói…nghĩa “Dục” như vậy là mong muốn chân chính!
Khác xa với tà dục? Còn các điều muốn phi nhân phi nghĩa như để nô lệ ngoại ban, muốn chui lòn bán nước hại dân? Muốn mọi người sa vào tà tín, tin tạo hóa, tin thần linh chỉ nô lệ cho kẻ đầu cơ hạ thấp nhân bản của con người, khi dễ con người, mà lại có thứ con người cứ mãi không thức tỉnh, luồn theo, ôm ấp bảo vệ. Những cái muốn đê hèn như vậy nào ai muốn nó tồn tại? Loại muốn phi pháp bại hoại tà dục! Còn ở đây là Muốn mau thành tựu Pháp Lớn để cầu dộ chúng sanh, dựng nên một xã hội thanh bình,không nên đồng hóa lộn lạo chữ nghĩa sai lầm mà tổn hại trí tuệ của mình!
D. Ngũ Căn: Năm pháp căn bản giúp mau đạt đạo, đó là Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn và Huệ căn. Tin đúng là căn bản phải có. Tấn tới dũng mãnh là căn bản phải có. Nhớ nghĩ thông suốt là căn bản phải có. Sức Định kiên cố là căn bản phải có. Huệ sáng suốt là căn bản phải có.
Đ. Ngũ Lực: Năm cường lực giúp cho sức mạnh không lùi bước, đó là: Tín Lực (Tín vững mạnh), Tấn Lực (Không thối tâm), Niệm Lực (Nhớ nghĩ đúng), Định Lực (Thiền định kiên cố), Huệ Lực (Thông suốt tỏa rộng). Hay là: Sức Mạnh của Lòng Tin - Sức mạnh của Tinh Tấn - Sức mạnh của Nhớ Nghĩ - Sức mạnh của Thiền Định - Sức mạnh của trí Huệ.
Năm pháp Căn Bản và năm pháp Sức Mạnh tuy có trùng lặp một vài pháp yếu với nhau, nhưng ý nghĩa pháp hành lại có phần khác biệt như: Chữ Tín của Ngũ Căn là tin vào căn bản pháp. Còn chữ Tin của Ngũ Lực là tin vào năng lực dũng mãnh. Các chữ trùng lặp khác cũng tương tợ như vậy Trong Văn chương Hóa Nghĩa Ngữ , tuy Đồng Âm, Nghĩa, nhưng vì theo đầu ngữ đề Tài mà có ít phần khác biệt.
E. Thất Giác Chi: Hay Thất Bồ Đề Phần, gồm có bảy Pháp tu chọn lọc: 1/.Trạch Pháp Bồ Đề Phần. Tức là dùng trí huệ chọn lựa Pháp Tu, biết rõ pháp đó là chơn hay là tà pháp! Tín, dụ như mình nghe giảng về Pháp Môn Tịnh Độ, vừa dễ tu, lại vừa mau thành tựu, ( Pháp nầy Phật nói do Tôn Giả Xá-Lợi-Phất hỏi khi Phật dạy cho Bà Vi-Đề-Hy pháp quán tưởng Cõi Phật A-Di-Đà), Tin Phật là chánh tín). 2/. Tinh Tấn Bồ Đề Phần: Tức là lấy tâm dũng mãnh, tận dụng năng lực thực hành chánh pháp. Tinh tiến liên tục. 3/. Hỷ Bồ Đề Phần: Tức là, do tâm nhận được thiện pháp mà sanh lòng hỷ lạc vui mừng. 4/. Khinh An Bồ Đề Phần: Tức là trừ bỏ những thô cấu phiền não, nên sanh tâm An lạc nhẹ nhàng thơ thới. 5/. Niệm Bồ Đề Phần: Tức là trong thời khắc quán niệm chánh pháp, định huệ cùng lúc đồng thời sáng tỏ. 6/. Định Bồ Đề Phần: Tức là chú tâm được vào cảnh giới Định, không còn có mảy may tán loạn. Đại định thành tựu viên mãn. 7/. Xả Bồ Đề Phần: Tức là xả ly tất cả các pháp hư vọng, đủ năng lực thực thi chánh pháp ra làm Phật sự. Xả ly các pháp phiền não, trừ sạch phiền não tam độc.
Hình ảnh tại Chánh Điện Chùa Bảo Vương:
TT Thích Nguyên Tạng (Chủ Biên Trang Nhà Quảng Đức)
Phỏng vấn Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Tôn
(Thứ năm 30-8-2018)
G. Bát Chánh Đạo: Còn gọi là Bát Thánh Đạo. Nghĩa là tu trì theo Tám con Đường Chánh: 1. Chánh Kiến: Thấy biết chân chánh, nhận thức đúng pháp “Thấy biết” đúng chân lý. Nhưng, điều nầy căn cứ vào pháp gì để quyết định sự nhận thức đó là đúng? Ta dùng pháp gì để biết “pháp tà “đội lốt” pháp chánh, đó là “Tà”? Rất dễ biết: 1) Vì nó là tà , nên ta thấy rõ được cái “lốt tà” của nó. 2) Vì tà, nó hoàn toàn kẹt cứng trong giả định, lẩn quẩn trong thời gian, chết ngủm trong không gian ngắn hạn. 3) Vì là “Tà” bản chất nó không có chỗ để nắm bắt, nó trống rỗng, lươn lẹo, chứng cứ giả tạo, từ xa xưa cho đến hiện tại, việc đó không hề có lịch sử, không có trong ký ức của nhân loại. Không trừu tượng trong luân lý. Là chánh kiến, nên tránh xa hý luận cãi cọ vô bổ ấy, vì giáo pháp Thánh đạo, Phật dạy cho những con người cầu giải thoát. Tuy nhiên, muốn an tâm với thật nghĩa “Chánh kiến đúng” hành giả nên đem các pháp: 8 thức, 12 nhân duyên, 10 Thiện nghiệp, 4 nhiếp v.v… so với các giáo nghĩa luân lý của thế gian với cái lành hay tàn bạo là thấy ngay cái “Tà”, cái ô trược của nó tức khắc! Khi có chánh kiến ta nên cố tâm tu trì và hoằng dương Chánh Kiến đó.
2. Chánh Tư Duy: Suy nghĩ Chơn Chánh. Nói cách khác là khảo cứu thật chính xác. Vì muốn sáng tỏ các pháp hành nên phải tư duy, miệt mài cho chính chắn, điều nầy cần phải có huệ, có niệm đề huề cho tư duy được chơn chánh. Tư duy mà sai lầm tất pháp hành có lỗi.
3. Chánh Ngữ: Lời nói đúng như pháp, ngay thẳng, không dua nịnh, thêm bớt, không tà vạy, không thiên lệch, lời nói chan chứa từ bi. Người nghe sanh tâm hoan hỷ, muốn quy y Tam Bảo, bỏ ác làm lành. Chánh ngữ, không chỉ tu cho bản thân mà đem lợi ích hòa bình cho khắp cõi thế giới an vui thạnh vượng.
4. Chánh Nghiệp: Hành vi trong sự nghiệp đời sống, tức là mọi hành hoạt dựng nghiệp, không bán chất say, không buôn người, không buôn đao kiếm, không gian ngoa, không bán thịt, không lường gạt buôn bán trai gái, mọi việc được trọn lành. Phước tốt cho cá nhân, thăng hoa cho xã hội.
5. Chánh Mạng: Mạng vị của con người, dù y báo hay chánh báo có khác biệt nhau, sung túc hay thiếu thừa có khác nhau, mạnh yếu không đồng nhau. Những khóc cười, vui khổ, bản chất trong đời sống không khác biệt. Phải cần chính đáng trong bản vị con người, sống không gian tham, không lọc lừa mưu mẹo, không lường gạt bày kế thánh thần để mưu dụ hạng yếu kém tuệ căn hòng chèn ép để thủ lợi, không bịa đặt chuyện giả nói ra thiệt, nhơ nhớp mà cho mình là trong sạch. Hành vi bẩn thỉu mà mạo nhận ngang như bậc thánh thần, lường cân tráo đấu mà cứ như người chính nhân quân tử, dâm loàn bỉ ổi, hãm hiếp thuần phong, mà cứ thổi phồng mình là thánh thần cao cả. Ăn đầu trên cướp đầu dưới cướp bóc dụ dỗ đổi đạo thay đời, hủy phá nhân luân cho mình là trong sạch. Cuộc sống tồi tệ như thế đó. Thì làm sao có được Chánh Mạng để mà tịnh hóa con người?
6. Chánh Tinh Tấn: Là phải nỗ lực siêng năng, vững tiến không ngừng, không để có kẽ hở gián đoạn. Vì biết rõ pháp đang hành trì tu niệm là Chân lý giáo pháp. Quyết tiến không lùi dù gặp rất nhiều sự trở ngại. Đó là Chánh Tinh Tấn.
7. Chánh Niệm: Nhớ Nghĩ Chơn Chánh. Tất cả các điều tưởng niệm đang tư duy theo chánh pháp, đang hành trì niệm niệm chơn chánh, không hề có mảy may tà niệm xen vào, đang an trú trong chánh niệm ấy. Rộng hơn là 37 Phẩm trợ đạo đều nằm trong duy nhất một chánh niệm.
8. –Chánh Định: Pháp Định đang tu là Đại Định của Phật, là Thiền Định chân chánh, là Sa-Ma-Tha, là Chánh Pháp Nhãn Tạng. Chỉ duy nhất có một Chánh Định nầy mà thôi. Chánh Định nầy là Đại Định thẳng đến quả vị A-La-Hán. Nên nói là Chánh Định.
Kết pháp tu trì: Qua, *4 Pháp Niệm Xứ. *4 Pháp Chánh Cần. *4 Như ý Túc. *5 Căn. *5 Lực. *7 Giác Chi. *8 Chánh Đạo. Đủ 37 Pháp Đạo Phẩm đã giải thích khá rõ. Có thể nói là dễ hiểu. Nhưng không dám nói là đầy đủ tường tận. Tuy nhiên, vì để góp phần mở gút cho những lời hỏi: “Xin chỉ cho phương pháp tu 37 Phẩm trợ Đạo. Thứ lớp phải thế nào?”
Tôi xin mạn phép trình bày và mong có kiến giải bổ túc tuyệt hảo hơn. Trong 37 phẩm, có những phẩm pháp trùng “danh” như: Tấn có 5, Niệm có 4, Tín có 2, Định có 4, Huệ có 2, tất cả là 17 Pháp. Vậy 37 Phẩm trợ đạo trừ 17 thì còn 20 phẩm.
17 Trùng Pháp ta tu phải có khác nhau hay phải giống nhau? Như phẩm Định ở Bát Thánh Đạo với Định ở Giác Chi giống chỗ nào và khác chỗ nào? *Định Giác Chi là Định (chú) trong thành tựu. *Định Bát chánh là Định trong Samatha. (Chánh định)
*Tinh Tấn ở Chánh Đạo là nỗ lực không ngừng.
*Tinh Tấn ở Trạch pháp là có tiếp diễn trong trạch pháp.
*Niệm ở Ngũ Căn cao, Niệm ở Ngũ lực rộng. (Nhiếp đỉnh, trải khắp)
*Tấn ở Căn nhẹ, Tấn ở Lực mau. (chuẩn mực, nhiếp trì)
*Huệ ở Căn tỏ Huệ ở Lực rõ. (không nhầm, sáng suốt)
*Tín ở Căn vững, Tín ở Lực sâu. (Chắc thật, không lay chuyển)
Tóm lại: Trùng nhau nhưng vẫn có ý chỉ khác nhau tùy ở mục đích hành trì.
Đây là chọn ý theo bài giảng của Tổ Xá-Lợi-Phất trong Như Lai Ứng Hóa Sự Tích.
Kết luận tu thế nào?
Trong 37 phẩm, thực ra chỉ còn có 20 phẩm là Pháp Hành để tăng trưởng Đạo lực, và chóng thành Đạo quả. Phần pháp yếu là phải đoạn trừ các “Kiết Sử” mà Kiết sử thì có đến 88 Kiến Hoặc và 81 Tư Hoặc. Nhưng mà đại cương để tu và đoạn trừ thì phải: Trừ Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ. 10 kiết sử (đó là 10 phiền não gốc của sanh tử) chung chia cho 4 quả vị phải tu và đoạn trừ sạch hết thí dụ như 10:4 =2.5 mỗi quả phải: Đoạn 3 sử chính, lấy 20 phẩm làm gia trì cho pháp hành:
1- Đoạn trừ Tham Sân Si, Nghi, Giới cấm thủ. Thì chứng Tu-đà-hoàn.
2- Đoạn trừ Tham, Sân, Si, Nghi, Giới cấm thủ, Kiến thủ, Tà kiến. Thì chứng Tư-đà-hàm.
3- Đoạn như trên thêm Biên kiến, Thân kiến, Mạn. Thì chứng A-Na-Hàm.
4- Đoạn hết 10 Kiết sử, luôn cả Kiến Tư Hoặc. Thì chứng A-La-Hán quả.
Tóm lại, Tuy chứng quả tuy đồng, nhưng thần thông cao diệu có khác, vì Vô Minh Hoặc
Và Trần-Sa-Hoặc hết sạch ( Sự hết sạch) chưa đồng đều.
Một điểm quan trọng là Diệu Đế thuộc pháp hành, kiết sử thuộc đoạn diệt, hành và đoạn, đoạn và hành phải hợp nhất. Thí dụ như trong Tứ chánh cần dạy “Tâm ác việc ác phát sanh, đừng cho phát sanh. Vậy ác là pháp gì? Đó chính là các kiết sử! Riêng Tứ niệm xứ là Thiền quán, để trừ các chấp giả cảnh do Thân Thọ Tâm Pháp dính liền với căn thân khí giới từ vô lượng kiếp.
Kiến Hoặc Cũng gọi là Kiến Tư Hoặc, tính ra có 88 hay 81, là nói chung cho ba cõi. Một pháp dứt sạch trọn vẹn muôn pháp theo đó mà tiêu trừ. Chung quy cũng chỉ là Căn và Trần.
Trong Lăng Nghiêm Thế Tôn hỏi Bồ Tát Đại Thế Chí: “Ông tu pháp gì mà oai lực của Ông rộng lớn vô biên như thế?” Bồ Tát Thế Chí trả lời “Sáu căn đối tác với sáu trần con không nhiễm trước”! Chúng sanh vì nhiễm cái trung gian vô thật tánh làm thật tánh, nên vô lượng trần lao kiết sử làm duyên với nhau mà câu khởi. Nay ta, lễ ân Từ Phụ lấy Đạo Đế của diệu đế làm pháp hành, đi trên con đường đó mà đoạn trừ Kiến hoặc và Tư hoặc, chẳng phải là phương Pháp tu Tứ Đế đó sao? Mời các vị xem các Hoặc trong 3 cõi, để đoạn trừ các Hoặc.
Tóm lại, đứng trên pháp hành Đạo Đế mà Đoạn diệt Kiết sử tất sẽ được công thành quả mãn. Nam Mô A Di Đà Phật.
Sau dây là các Kiết sử phải đoạn trừ tận gốc. Kiết sử là một tên khác của thuật ngữ “phiền não” theo đuổi dính chặt với chúng sanh từ vô thỉ. Chúng đều trong “Vô Minh Hoặc”.
- Kiến Hoặc có 88. Tư Hoặc có 81.
Đoạn 88 Kiến Hoặc. Hoặc là chấp nhận sự mê lầm từ vô thỉ của vô minh dính chặt vào thân tâm làm chất “nghiệp”nuôi sống để luân hồi sanh tử.
Trong Câu Xá Tông:
A/.Tư Hoặc, Tâm Mê Vào Sự nên có: Tham, Sân, Si, Mạn = Câu sanh khởi hoặc.
B/. Kiến Hoặc, Tâm Mê vào Lý nên có: Tham, Sân, Si, Mạn, Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ, Nghi = Phân biệt khởi hoặc.
A/. Kiến hoặc mê Lý: Đối với 3 Cõi, nên có 88 sử:
-Cõi Dục: 1 Khổ đế: Đủ 10 Sử
2 Tập đế: Có 7 sử. Không có Thân, Biên, Giới cấm.
3 Diệt đế: Có 7 sử. Không có (giống như tập đế).
4 Đạo đế: Có 8 Sử. Không có Thân và biên kiến. Cộng 32 sử.
-Cõi Sắc: 1 Khổ đế: Có 9 Sử. Không có Sân.
2 Tập đế: Có 6 Sử. Không có Sân, Thân, Biên, Giới cấm thủ.
3 Diệt đế: Có 6 sử. ( giống tập đế )
4 Đạo đế: Có 7 Sử. Không có Sân, Thân, Biên kiến. Cộng 28 sử.
-Cõi Vô Sắc: Đồng với cõi Sắc giới trong 4 đế. Cộng 28 sử.
Cộng chung tất cả là 88 Sử.
B/. Tư Hoặc: Còn gọi là Tu hoặc. Mê sự, (hữu vi) làm hoặc nên còn lại phần hoặc trầm trọng.
Trong 9 cõi đang sống ở thân tâm như sau:
1. 9 phẩm hoặc Tham, Sân, Si, Mạn cho cõi Dục gọi là “Ngũ Thú Tập Cư Địa.
2. 9 phẩm hoặc Tha, Si, Mạn cho cõi Sơ thiền Ly sanh hỷ lạc địa. Sắc giới.
3. 9 phẩm hoặc Tham, Si, Mạn cho cõi Nhị thiền Định sanh hỷ lạc địa. Sắc giới.
4. 9 phẩm hoặc Tham, Si, Mạn cho cõi Tam thiền Ly hỷ diệu lạc địa. Sắc giới.
5. 9 phẩm hoặc Tham, Si, Mạn cho cõi Tứ thiền Xả niệm thanh tịnh địa. Sắc giới.
6. 9 phẩm hoặc Tham, Si, Mạn cho cõi Không vô biên xứ địa. Vô sắc giới.
7. 9 phẩm hoặc Tham, Si, Mạn cho cõi Thức vô biên xứ địa. Vô Sắc giới.
8. 9 phẩm hoặc Tham, Si, Mạn cho cõi Vô sở hữu xứ địa. Vô sắc giới.
9. 9 phẩm hoặc Tham, Si, Mạn cho cõi Phi Tưởng phi phi tưởng. Vô sắc giới.
Tổng hợp 9 cõi là 81 Tư hoặc. –Trong 81 chỉ đoạn Tham, Sân, Si, Mạn là đủ.
Nam Mô Phật, khó khăn thay cho những ai muốn thoát sanh tử luân hồi, vì thế cho nên Đức Từ Phụ mới dạy bày trì Chú hay niệm Phật, là những pháp môn mầu nhiệm để cho chúng sanh dễ vào chánh niệm, Bảo Tích Kinh, Di Đà Kinh, Tịnh Độ Ngũ Kinh, VôLượng Thọ Kinh, ngày Phật dạy pháp Niệm Phật A-Di-Đà cho bà Vi-Đề-Hi, có mặt Tôn giả A-Nan, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, ấy mà ngày nay bọn Tà sư con cháu của Đề Bà, bọn Ni kiền, học theo nhóm tiểu thừa chê bai Đại Thừa không có trong thời Phật tại thế, chẳng lẽ 45 năm, không có Phương đẳng, Phương quảng, Hoa nghiêm, Lăng Nghiêm, chỉ vỏn vẹn có ít cú kệ A-hàm, Tăng nhứt A hàm, Tỉ dụ, v.v…là suốt đời Phật nói pháp hay sao?
Phật tử nên biết, tài trí, khả năng, chịu đựng bền bỉ của chúng ta đời nay thua kém người xưa, ta bết bát lắm. Do đó, tu thiện đoạn ác không dễ! Một câu Niệm Phật 6 chữ Di Đà, hay một câu Chú Phật Đảnh, mà nhất niệm được suốt trong chỉ 1 câu cũng thành quả thánh như thường. Tóm lại không nên nghe pháp với nhiều trò đùa cợt, thành tâm yên lặng, ghi nhớ lời thầy dạy; hý hững vỗ tay tuy ít buồn ngủ nhưng buông rơi rất nhiều những lời pháp yếu. Trong khi đó vì quá vui mà lỡ phát sinh những câu thiên ích về tà đạo, tất Thầy trò đồng có tội với giáo pháp. Tôi tình cờ nghe vị GS khuyên PT: “Hãy quán tưởng hình bà Maria để đời sau được có sắc đẹp”. Mô Phật!
Một số Sư đã qua nửa đời mới vào đạo, thích làm Thầy, nhờ Google, youtube, cũng thao thao tán loạn đề tài, vui quá đả kích luôn kinh điển chánh pháp, mà Phật tử không ngờ. Hãy thận trọng mà nghe pháp. Nguyện cầu pháp giới chúng sanh đồng thành Phật Đạo.
- Định Nghĩa 11 Kiết Sử:
- Tham: Là ham muốn, tham lam, khát vọng, tham cầu, ưa thích, muốn cho có những thứ mình chưa có như: Tiền bạc, châu báu, sắc đẹp, nhà lầu, các loại xe cộ, vàng ròng, ngọc ngà, kim cương, danh lợi, chức tước, của cải, xa hoa lộng lẫy, quyền bính, cao sang, oai vệ, giàu có, đồ quí hiếm, hống hách, cống cao, ngã mạn, đẹp xinh, say sưa trong ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy). Tham mãi không bao giờ biết chán.
- Sân: Giận, sừng sộ, hét la, đánh chửi, cuồng nộ, nhiếc mắng, rủa rã, cấu xé, khiêu kích, hồ đồ, táo tợn, đốt nhà, phá tán, đâm chém, thù hằn hung dữ, trí đoản, ghen tuông, tóm lại là không có chút đạo đức để nuôi thân tâm.
- Si: Ngu đần, mê muội, ngốc nghếch, vô lễ phép, lắm điều bậy bạ, không biết phải trái, không phân biệt chánh tà. làm thú vật mà tưởng là cao sang, tôn kẻ bất lương làm cha chú, quên mất tổ tiên phụ mẫu, đắm say trong tà giáo mà cho đó là chân chánh, nhiều lúc cũng có bằng cấp ngon lành, nhưng ù ù cạc cạc, làm người luồn cúi để cho kẻ đồi bại chăn dắt mà không xấu hổ, tóm lại, là si ám tất cả mọi vấn đề trong thế gian.
- Mạn: Là ngã mạn, cống cao, dở cho là giỏi, ngu cho là trí, có được vài bằng cấp thì tự tôn tự đại, làm ăn thuận lợi có tí bạc tiền thì khoe khoang ta đây, được chút danh chức tước liền ra oai hống hách, chổng chảnh, coi mình như con cu đất ở trên cây ngó xuống, trong đời chẳng có ai hơn mình. Mạn là thế đó.
- Thân Kiến: Một thứ tà kiến chấp thân là “Thật Ngã” là sạch, là thơm tho, là quí cách hơn ai cả, đối với năm uẩn, cưỡng lập là chủ tể, vọng chấp làm thân. Trong Thân kiến có bên chấp thường, có bên chấp đoạn. Chấp Thường, lúc trẻ trung cho là trẻ mãi không già không ốm đau không chết. Chấp đoạn thì sau chết là hết không có tái sanh, không có Phật, Thánh, Trời, Thần, giống như cái đồng hồ hết nghe tiếng tích tắc là câm nín hết (như CS Các-mác đã thuyết minh).
- Biên Kiến: Kiến giải cực đoan, chấp Thường, chấp Đoạn, thiên chấp thân hằng vĩnh trụ, hoặc chết rồi tiêu mất chẳng còn hồn xác. Đều là tà kiến. Cùng loại vô thần.
- Tà Kiến: Không tin nhân quả báo ứng, bác pháp Tứ Đế, xem thường các thiện nghiệp cuồng vọng lung tung theo các lý thuyết tà đạo, thượng đế thưởng phạt, tạo hóa sanh vạn vật, ác thần ma ma quỉ quỉ.
- Kiến Thủ: Chấp trước những kiến giải sai lầm, chấp hết tất cả các chấp Thân, Biên, Tà, và giới cấm thủ làm sở tri. (cái biết của bản thân).
- Nghi: Đối với đế lý chân thật không thấu hiểu, do dự, phải trái (đúng sai) không quyết định để hiểu thật pháp.
- Giới Thủ: Tin các tà giáo, tin thờ bò chó heo ngựa, vọng chấp cho là nhờ từ đó mà giải thoát. Lấy tốt làm xấu, thay đổi lộn lạo làm chỗ sở tri.
- Giới Cấm Thủ Kiến: Kiến chấp sai lầm từ những giới cấm phi lý, tin trâu chó chết vẫn được lên trời nên ăn cỏ, ăn phân theo trâu chó để cùng lên trời. Cái chấp si mê như vậy, nên gọi là kiến.(Tà giới cấm).
Những Kiết sử nầy, đều là “Tập Đế Ác” Chúng đều là Hoặc nghiệp bất thiện, tu là đoạn trừ chúng, đem Tín Tấn Lực các pháp hành trong Đạo đế mà dốc tâm lực đoạn trừ dứt bỏ, chắc thật sẽ chứng được đạo quả.
Tu là đoạn trừ các ác pháp! Hành là chú tâm đi trên đường chánh đạo không ngừng sự tinh tấn, tin vững, làm đúng thì nhất định đạo quả Bồ Đề không thể nào không thấu đạt.
Nếu thấy quá khó, thì phát nguyện chuyên tâm “Niệm đủ 6 chữ Nam Mô A-Di-Đà Phật” hay trì Chú Phật Đảnh “Ma Ha Tất Đát Đa Bát Đát Ra” đến Nhất Tâm Bất Loạn. Thì Tùy thích về các cõi Phật. (Nhớ chọn kỹ từng câu / pháp, Đây là Pháp Tu Trong Tứ Đế:
1. Trừ Diệt Các Tập Đế Ác. 2. Tu Hành Các Đạo Đế Thiện & đoạn 10 Kiết sử.
3. Diệt Trừ Các Pháp (Nguyên Nhân) Ác. 4.Tu Hành Các Pháp (Nguyên Nhân) Thiện.
Xin Tạm Dừng.