Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Niết Bàn

26/01/201612:04(Xem: 13489)
Niết Bàn
Phat Niet Ban 5
NIẾT BÀN
o0o
T/S Lâm Như-Tạng
o0o


A-KHẢO SÁT MỘT


Niết Bàn, tiếng Sanscrit là Nirvãna, phiên âm thành Niết-bàn-na. Cũng gọi là Nê-hoàn, Nê-bạn. Đó là cảnh trí của nhà tu hành dứt sạch các phiền não và tự biết rằng mình chẳng còn luyến ái.

Niết (Nir): là ra khỏi, thoát ra, giải thoát.

Bàn hay Bàn-na (vana): Rừng. Tức là ra khỏi cảnh rừng mê tối, rừng phiền não.

Niết Bàn còn có những nghĩa như sau:

Diệt: Dứt nhơn quả sanh tử, dứt nghiệp luân hồi.

Diệt độ: Dứt nhân quả sanh tử, qua khỏi dòng nước mạnh.

Tịch diệt: Tịch là vô vi, trống không lặng lẽ, an ổn. Diệt là dứt tai hại lớn sanh tử.

Bất sanh: Những khổ quả sanh tử chẳng còn nữa, tức chẳng sanh ra nữa.

Vô vi: Không nhơn duyên tạo tác nghiệp lầm.

An lạc: An ổn khoái lạc, hết khổ.

Giải thoát: lìa khỏi các phiền não.

Đối với phái Nam Tông, nhập Niết bàn là được vào nơi ngơi nghỉ trọn vẹn, dứt tất cả phiền não vừa thể chất, vừa tinh thần.

Đối với phái Bắc Tông, nhập Niết bàn là vào cõi cao rốt, sau khi linh hồn đã qua khỏi các cuộc từng trãi và tấn bộ.

Hồi Đức Thích Tôn thành đạo và giáo độ chư đệ tử, Pháp môn Ngài chia ra làm hai thời kỳ: thời kỳ đầu về Tiểu thừa, thời kỳ sau về Đại thừa. Trong thời kỳ Tiểu thừa, Ngài khuyên chư đệ tử diệt phiền não để đắc quả La Hán, đắt Niết bàn tại thế (Hửu dư Niết bàn) và đến chừng tịch thì nhập hẳn Niết bàn trọn vẹn (Vô dư Niết bàn). Những đệ tử thực hành lời dạy của Ngài, cố diệt các sự luyến ái, đắc và nhập Niết bàn.

Đến thời kỳ Đại thừa, Ngài dạy rằng thành La hán và nhập Niết bàn, đó là nhập Niết bàn tạm mà thôi. Phải lo đắc Đại Niết bàn, tức là Niết bàn của Phật thế Tôn, của Phật Như Lai.

La Hán tuy đã đắc đạo và nhập Niết Bàn, vào nơi yên nghỉ, nhưng chỉ là cảnh yên nghỉ tạm thời mà thôi. Rồi đây các vị La Hán ấy còn phải tu học nữa đặng về sau thành Phật Thế Tôn. Những vị La Hán còn phải tu theo pháp Đại thừa để về sau thành bậc Bồ Tát Ma Ha Tát.

Đức Phật đã dạy về cảnh trí của bực đắc Niết Bàn của Phật Thế Tôn như sau: “ Tâm giác ngộ và trong sạch hoàn toàn, hành giả thành Phật, nhập Niết Bàn. Người đạt đến cảnh giới tuyệt cao, cũng như người lên tới đỉnh núi tuyết, ở trên còn có mênh mông bầu trời xanh mà thôi. Thần Tiên quả vị thấp hơn, ước được như bậc chứng quả.

Cảnh tang thương trong Tam Giới không làm cho người nghiêng ngã được. Người sống đủ các đời, chết đủ các thuở, cái nghiệp không tạo chỗ ở cho người nữa. Không cần cái gì nữa, người có đủ tất cả. Cái bản ngã của người biến mất trong vũ trụ. Ai nghĩ rằng nhập Niết Bàn là không còn, những kẻ ấy nhầm. Vì họ đâu có biết gì đến Niết Bàn, họ đâu có hiểu rằng cao hơn những cây đèn bể của họ, có ánh sáng mạnh là thế nào. Họ đâu có hiểu rằng cảnh cực kỳ sung sướng vẫn ở ngoài vòng sự sống và thời gian”.

Đức Phật Thích Ca hiện thân ứng hóa và nhập Niết bàn vào ngày rằm tháng hai tại cặp cây Ta La gần thành Câu Thi Na (Kousinagara), bấy giời Ngài trên 80 tuổi.

Khi nhập Niết bàn, Đức Phật ngự gần thành Câu Thi Na, thuộc về đất nước của kiếng, họ Ma La (Mallas), trong vườn cây Ta La (sâla). Biết rằng gần tới giờ tịch vào Đại Niết Bàn, Phật dạy ông A Nan dọn cho Ngài một chỗ nằm giữa hai cây Ta La, đầu quay về hướng Bắc. Ngài cho hay rằng vào giữa đêm, Ngài sẽ tịch trọn vẹn.

Khi A Nan dọn chỗ xong, Ngài nằm nghiêng bên mặt, để cho hai bàn chân chụm lại với nhau. Ngài sáng suốt và tỉnh mỉnh. Trí thức Ngài mạnh mẽ, đầy đủ. Ngài khắn chặt vào ý tưởng về Niết Bàn.

Nhưng trước khi viên tịch, Ngài còn mở long từ bi độ cho ông đạo Tu Bạt Đà La ở thành Câu Thi Na. Ông đạo nầy khi ấy 120 tuổi, tu đắc ngủ thông. Vừa xuất gia thọ giới Tỳ Kheo, ông liền đắc quả A La Hán và nhập Niết Bàn. Ông nhập Niết Bàn trước Phật. (Niết Bàn của ông Tu Bạt Đà La là Niết bàn của La Hán, Niết Bàn của đức Thích Tôn là Niết Bàn của Phật Như Lai).

Kinh Niết Bàn, quyển 33, viết: Phật có thể dùng rất nhiều từ để gọi Niết bàn như vô sanh, vô xuất, vô tác, vô vi (không cố ý làm), quy y (chỗ theo về, chỗ nương dựa), quật trạch (hang động, nhà cửa), giải thoát, quang minh (ánh sáng, hào quang), đăng minh (đèn sáng, ánh sáng của đèn), bỉ ngạn (bờ bên kia), vô úy (không sợ), vô thối (không lui), an xử (ở yên), tịch tĩnh, vô tướng, vô nhị, nhất hạnh, thanh lương (trong sạch mát mẽ), vô ám , vô ngại, vô tranh, vô trược, quảng đại, cam lộ (thuốc tiên, trường sanh bất tử, kiết tường (điềm lành).

I-NIẾT BÀN ẤN

Ấn Niết Bàn. Con dấu, dấu in, đóng dấu Niết bàn. Một trong những pháp ấn.

Cũng gọi là Niết bàn tịch tĩnh ấn. Khi Phật đã quyết định, Ngài bèn thuyết diễn lý tịch tĩnh của Niết bàn khiến chúng sanh lìa khỏi phiền não và sanh tử. Chỗ thuyết diễn ấy gọi là Niết bàn tịch tĩnh pháp ấn. Gọi tắc là Niết bàn ấn. Trong các Kinh Phật, có những đoạn giải về lẽ tịch tĩnh, giải về công đức của Niết bàn, những đoạn ấy tức là Niết bàn ấn. Con dấu Niết bàn nói trong Kinh chứng tỏ lời thuyết diễn của Phật tỷ như con dấu đóng trên văn kiện để chứng tỏ sự quyết định chắc chắn của chánh phủ, của cơ quan đoàn thể.

Lại nữa, sự ấn chứng, vẻ đặc biệt bảo chứng cho người đắc quả Niết bàn ấn.  

II-NIẾT BÀN BÁT VỊ

Tám mùi vị, tám thú vị của Niết bàn. Tức là tám pháp vị của người tu diệu lý Đại thừa mà đắc Niết bàn của đức Phật đã đắc Đại Niết bàn. Tỷ như người ta thích ăn nhờ đồ ăn có những mùi vị vừa ý như ngọt, mặn, cay v.v…

Nhà tu học thích ở trong Đại Niết bàn, vì Đại Niết bàn có đủ 8 pháp vị, tám thú vị:

(1)-Thường trụ, (2)-Tịch diệt, (3)-Bất lão, (4)-Bất tử, (5)-Thanh tịnh, (6)-Hư thông, (7)-Bất động, (8)-Khoái lạc.

III-NIẾT BÀN CHÂU

Đất liền là Niết bàn. Đó là lời nói tỷ dụ. Chúng sanh chìm đắm mãi trong bể khổ, sông mê. Họ bị lôi cuốn bỡi bốn dòng Tứ bạo thủy, Phật dùng Bát chánh đạo làm thuyền mà đưa họ vào bờ bến, vào đất liền nên gọi là Niết bàn châu.

IV-NIẾT BÀN ĐƯỜNG

Nhà yên nghỉ vĩnh viễn, tức ngôi mộ, ngôi tháp của sư tăng. Cũng có nghĩa là nơi nghĩa địa dành riêng cho các Sư Tăng. Cũng gọi là Diên thọ đường, Vô thường viện.

V-NIẾT BÀN GIỚI

Tức là Cõi Niết bàn, Cảnh giới Niết bàn. Giới nghĩa là nơi chứa trữ. Niết bàn có thể chứa trữ muôn đức vô vi, nên gọi là Niết bàn giới.

Giới cũng có nghĩa là: Nhơn, do nơi. Do nơi Niết bàn mà sanh ra tất cả các việc lợi lạc thế gian và xuất thế gian nên gọi là Niết Bàn Giới.

Giới còn có nghĩa là: Cõi, cảnh giới. Đó là cõi an lạc vô biên, cõi nhập diệt của những nhà đắc Đạo khi xã bỏ xác thân tứ đại.

VI-NIẾT BÀN KINH

Tiếng Sanscrit là Nirvãnasũtra, tiếng Nhật là Néhan-gyô. Nói cho đủ là Đại Bát Niết Bàn Kinh (Mahã Pari Nirvãna Sũtra). Một bộ kinh có danh tiếng về Đại Thừa mà Đức Phật giảng thuyết trước khi nhập diệt. Trong bộ kinh ấy Phật dạy phương pháp tu trì rất chu đáo. Như Ngài khuyên chư đệ tử nên ăn ở và tu tập theo Bát Chánh Đạo, như vậy còn hơn những cách thờ phụng bề ngoài, còn hơn lễ bái Ngài và chư Phật, Thần, Thánh, còn hơn thờ phượng tượng, ảnh. (xem kinh Đại Bát Niết Bàn).

VII-NIẾT BÀN LẠC

Sự vui sướng của Niết bàn, cảnh vui sướng ở Niết bàn. Lìa tất cả các mối khổ, các phiền não trong đường luân hồi, tâm trí được an ổn, vui sướng một cách rốt ráo, ấy là Niết bàn lạc.

Trái với sanh tử khổ, luân hồi khổ. Niết bàn lạc có hai cảnh: Một là cảnh của nhà tu hành dứt hết phiền não, đắc quả Thánh, tuy ở thế mà tâm trí hoàn toàn an lạc. Hai là cảnh của nhà tu hành đắc đạo, khi tịch diệt thì vào Niết bàn, hưởng các sự vui sướng vô vi.

Có 3 thứ vui sướng (Tam lạc):


1-THIÊN LẠC

Sự vui sướng ở cảnh Tiên. Các nhà tu thập thiện khi thác thì sanh lên cảnh Tiên dục giới, Sắc giới, hoặc Vô sắc giới mà hưởng các khoái lạc thù diệu.

2-THIỀN LẠC

Sự vui sướng ở cảnh Thiền định. Nhà tu hành ngồi thiền, vào các cảnh thiền định, hưởng các khoái lạc không thể tả.

3-NIẾT BÀN LẠC

Sự vui sướng ở Niết Bàn. Đoạn trừ các phiền não, chứng Niết Bàn, hưởng khoái lạc rốt ráo, không còn cái vui sướng hoặc khổ não trong đường sanh tử, dứt nẽo luân hồi.

VIII-NIẾT BÀN MÔN

Cửa Niết bàn. Cửa ngỏ từ đó mà nhà đạo đi vào thành Niết bàn. Niết bàn được xem như một đô thành, tức là Niết bàn thành. Trong thành ấy có các hàng thánh giả cư ngụ. Muốn vào Niết bàn thành phải đi từ cửa chánh, gọi là Niết bàn môn.

IX-NIẾT BÀN PHONG

Gió Niết bàn. Đó là lời nói tỷ dụ để chỉ cho Diệu lý Niết bàn. Khi gió thổi mạnh thì có sức đẩy những đồ vật đi theo chiều gió. Diệu lý Niết bàn cũng như thế, có sức đưa đẩy chúng sanh tới Bồ Đề nên gọi là Niết bàn phong.

X-NIẾT BÀN PHƯỢC

Dây trói buộc của Niết bàn, sự trói buộc vì chấp trước Niết bàn. Người tu hành ở cảnh giới Tiểu thừa chỉ lo cho mình, không nghỉ đến việc lợi ích cho chúng sanh. Họ bị buộc trói vào lý Niết bàn Tiểu thừa, cho nên Niết bàn ấy trở thành dây trói buộc, tức là Niết bàn phược.

XI-NIẾT BÀN THÀNH

Thành thị Niết bàn, Đô thành Niết bàn. Chốn ngơi nghỉ, chỗ ở yên của hàng Thánh giả, nơi ấy chư La Hán hưởng mọi khoái lạc cực điệu, không có xen một mảy may khổ não. Thành, thành thị là tiếng tỷ dụ, ví Niết bàn như một cảnh thành phố. Ví dụ như một đoàn bộ hành đương mệt mỏi, khổ nhọc trải qua những khu rừng sâu. Họ mong cho ra khỏi những khu rừng ấy để tới một thành phố gần đó mà nghỉ ngơi, rồi sẽ tiếp tục đi nữa cho đến mục đích. Các nhà tu hành được ví dụ như đoàn bộ hành ấy, họ đang ở trong rừng phiền não, rừng luân hồi. Họ trông cho mau đắc Niết Bàn để nghỉ ngơi cho thỏa dạ. Phật thị hiện cảnh Niết Bàn Tiểu thừa, tức Niết Bàn thành để cho những vị La Hán và Bích Chi yên nghỉ. Sau khi họ được khỏe khoắn, mạnh dạn, đức Phật sẽ bảo họ rời cảnh thành thị giả tạm ấy mà thẳng đến cảnh Đại Niết Bàn của Như Lai, của Phật Thế Tôn.

(Xem phẩm 7, Hóa thành dụ trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh).  

B-KHẢO SÁT HAI

Theo Phật Học Tự Điển tiếng Anh thì Niết Bàn (Nirvãna) được viết như sau:

Nirvãna, “Blown out, gone out, put out, extinguished”; “liberated from existence”; “dead, deceased, defunct”. “liberation, eternal bliss”; “ (with Buddhists and Jainas) absolute extinction or annihilation, complete extinction of individual existence.” M.W. Other forms are originally translated to extinguish, extinction, put out (as a lamp or fire), it was also described as release, tranquil extinction; inaction, without effort, passiveness; no (re)birth; calm joy; transmigration to “extinction”.

The meaning given to “extinction” varies, i.e. invidual extinction; cessation of rebirth; annihilation of passion; extinction of all misery and entry into bliss. While the meaning of individual extinction is not without advocates, the general acceptation is the extinction or end of all return to reincarnation with its concomitant suffering, and the entry into bliss. Nirvãna may be enjoyed in the present life as an attainable state, with entry into parinirvãna, or perfect bliss to follow.

It may be (a) with a “remainder”,  i.e. the cause, but not all the effect (karma), reincarnation having been destroyed; (b) without “remainder”, both cause and effect having been extinguished. The answer of the Buddha as to the continued personal existence of the Tathãgata in Nirvãna is, in the Hinayãna canon, relegated “to the sphere of the inderterminates” (Keith), as one of the questions which are not essential to salvation.            

One argument is that flame when blown out does not perish but returns to the totality of Fire. The Nirvãna Sũtra claims for Nirvãna the ancient ideas of permanence, bliss, personality, purity in the transcendental realm.

Mahãyãna declares that Hinayãna by denying personality in the transcendental realm denies the existence of the Buddha. In Mahãyãna final Nirvãna is transcendental, and is also used as a term for the absolute. The place where the Buddha entered his earthly Nirvãna is given as Kusínagara. The Nirvãna-form of Buddha; also the “sleeping Buddha”, i.e. the Buddha entering Nirvãna.

Nivãsana, an inner garment. The eight rasa, i.e. flavours, or characteristics of Nirvãna – permanence, peace, no growing old, no death, purity, transcendence, unperturbedness, joy. The part or lot, of Nirvãna. The seal or teaching of Nirvãna, one of the three proofs that a sũtra was uttered by the Buddha, i.e. its teaching of impermanence, non-ego, Nirvãna; also the witness within to the attainment of Nirvãna.

The Nirvãna city, the abode of the saints. The Nirvãna hall, or dying place of a monk in a monastery. The School based on the Mahãpari Nirvãna Sũtra, first translated by Dharmaraksa A.D. 423. Under the Ch’ên  dynasty this Nirvãna school became merged in the T’ien-t’ai sect.

The Nirvãna place of the saints. The steadfast mountain of Nirvãna in contrast with the changing stream of mortality. The Nirvãna assembly, 2nd moon 15th day, on the anniversary of the Buddha’s death. The date of the Buddha’s death, variously stated as 2nd moon 15th or 8th day; 8th moon 8th; 3rd moon 15th  ; and 9th moon 8th  .

Nirvãna-joy or bilss. Nirvãna-island, i.e. in the stream of mortality, from which stream the Buddha saves men with his eight-oar boat of truth. Nirvãna-dhãtu; the realm of Nirvãna, or bliss, where all virtues are stored and whence all good comes, one of the Nidhãpana, Nirdahana, cremation.

The 8th  sign of the Buddha, his entry into Nirvãna, i.e. his death, after delivering “in one day and night” the Mahã-parinirvãna sũtra, Nirvãna sũtra, there are two versions, one the Hinayãna, the other the Mahãyãna, both of which are translated into Chinese, in several versions, and there are numerous treatises on them.

Hinayãna: Mahãparinirvãna sũtra, translated by Po Fa-tsu A.D. 290-306 of the Western Chin dynasty, B.N. 552; by Fa-hsien, B.N. 118. These are different translations of the same work. In the Ãgamas (A hàm) there is also a Hinayãna Nirvãna sũtra.

Mahãyãna: Caturdãraka-samãdhi sũtra, translasted by Dharmaraksa of the Western Chin A.D. 265 – 316, B.N. 116. Mahãparinirvãna sũtra translated by Fa-hsien, together with Buddhabhadra of the Easter Chin A.D. 317-420, B.N.120, being a similar and incomplete translation of B.N. 113, 114.

Caturdãraka-samãdhi-sũtra translated by Jnãna-gupta of the Sui dynasty, A.D. 589-618, B.N. 121. The above three differ, though they are the first part of the Nirvãna sũtra of the Mahãyãna. The complete translation is  ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH, translated by Dharmaraksa A.D. 423, B.N. 113;  v. a partial translation of fasc. 12 and 39 by Beal, in his catena of Buddhist Scriptures, pp. 160-188.

It is sometimes called Northern Book, when compared with its revision, the Southern Book, i.e. NAM BỔN ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH, Mahãparinirvãna sũtra, produced in Chien-yeh, the modern Nanking, by two Chinese monks, Hui-yen and Hui-kuan, and a literary man, Hsieh Ling-yũn. B.N. 114. ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH HẬU PHẦN The latter part of the Mahãparinirvãna sũtra translated by Jnãnabhadra together with Hui-ning and others of the T’ang dynasty, B.N. 115, a continuation of the last chapter of B.N. 113 and 114.

The fetter of Nirvãna, i.e. the desire for it, which hinders entry upon the Bodhisattva life of saving others; it is the fetter of Hĩnayãna, resulting in imperfect Nirvãna. Niết Bàn Thánh, nickname of Đạo Sanh (Tao-shêng), pupil of Kumãrajịva, translated part of Nirvãna sũtra, asserted the eternity of Buddha, for which he was much abused, hence the nickname. Nirvãna colour, i.e. black, representing the north. Niết Bàn Môn: the gate or door into Nirvãna ; also the northern gate of a cemetery.

Niết Bàn Tế: the region of Nirvãna in contrast with that of mortality. Niết Bàn Phong: the Nirvãna wind which waft the believer into Bodhi. Niết Bàn Thực: Nirvãna food; the passions are faggots, wisdom in fire, the two prepare Nirvãna as food.   

C-KHẢO SÁT BA

I-NIẾT BÀN VÔ DANH LUẬN

Theo sách nầy thì Nirvãna được dịch như sau: Niết Bàn, Nê-viết, Nê-hoàn, Nê-bạn, Niết-bàn-na. Những bản dịch cũ gọi là Diệt, Diệt độ, Tịch diệt, Bất sinh, Vô vi, An lạc, Giải thoát v.v…

Những từ dịch mới là Ba-lị-nặc, Phọc-nam, dịch nghĩa là Viên-tịch. Trong số nầy cách dịch đơn DIỆT là cách chính, các cách khác đều là phiên dịch theo nghĩa. Sách Niết Bàn Vô Danh Luận của Triệu Sư nói: “Nê-viết, Nê-hoàn, Niết-bàn, ba tên nầy lần lược ra đời khác nhau có lẽ là do âm vùng Sở vùng Hạ không giống nhau.

Đọc Niết Bàn là đúng âm (…).Đời Tần dịch là Vô Vi, còn gọi là Độ. Vô Vi là chỉ nghĩa hư vô tịch mịch, tịch diệt, dứt hẳn  với hửu vi. Diệt Độ là nói hoạn nạn lớn đã vĩnh viễn tiêu tiệt, vượt qua tứ lưu”.

II-NIẾT BÀN HUYỀN NGHĨA

Niết Bàn Huyền Nghĩa, q. thượng viết: “Từ nầy đã phiên dịch ra rồi, nay tạm nêu ra 10 nhà phiên dịch như sau:

1-TRÚC ĐẠO SINH

Người đương thời gọi là Niết Bàn Thánh, phiên dịch là Diệt.

2-TRANG NGHIÊM ĐẠI VŨ

Phiên dịch là Tịch Diệt.

3-BẠCH MÃ ÁI

Phiên dịch là Bí Tạng.

4-TRƯỜNG CAN ẢNH

Phiên dịch là An Lạc.

5-ĐỊNH ÂM NHU

Phiên dịch là Vô lụy giải thoát.

6-ĐẠI TÔNG XƯƠNG

Phiên dịch là Giải Thoát.

7-LƯƠNG VŨ

Phiên dịch là Bất Sinh.

8-RIỆU LUẬN

Gọi là Vô Vi, cũng gọi là Diệt Độ.

9-CỐI KÊ CƯ

Cũng dịch là Vô Vi.

10-KHAI THIỆN và QUANG TRẠCH

Đều dịch là Diệt Độ.

III-ĐẠI THỪA NGHĨA CHƯƠNG   

Sách Đại Thừa Nghĩa Chương, q.18, viết: “Niết Bàn là từ ngoại quốc, ở đây phiên dịch là Diệt. Có nghĩa là diệt phiền não, diệt sinh tử, nên gọi là Diệt. Do nghĩa là lìa bỏ chúng tướng, đại tịch tính, nên gọi là Diệt”.

IV-HOA NGHIÊM ĐẠI SỚ SAO

Sách Hoa Nghiêm Đại Sớ Sao, q.52, viết: “Dịch tên là Niết bàn, chính tên là Diệt. Chọn nghĩa có thể dùng nhiều cách. Tóm lại nên phiên dịch theo nghĩa, gọi là Viên Tịch. Nghĩa đầy khắp pháp giới, đức trùm khắp trần gian thì gọi Viên. Nắm rõ hết chân tính, dứt bỏ hết tướng lụy, thì gọi là Tịch”.

V-NGŨ CHỦNG NIẾT BÀN

Phàm phu có 5 loại Niết Bàn: (1)-Coi Dục Giới là nơi chứng quả mà mến mộ. (2)-Mến mộ tính vô ái của Sơ Thiền. (3)-Mến mộ tâm vô khổ của Nhị Thiền. (4)-Mến mộ sự cực duyệt của Tam Thiền. (5)-Mến mộ sự khổ lạc đều quên của Tứ Thiền.

Tính toán có 5 chỗ Hiện Niết Bàn nầy thì rơi vào ngoại đạo, mê hoặc ở tính Bồ Đề. (xem kinh Lăng Nghiêm).

VI-NHỊ CHỦNG NIẾT BÀN

Đó là Hửu Dư Niết Bàn và Vô Dư Niết Bàn.

Cách dịch mới là Hửu Dư Y Niết Bàn và Vô Dư Y Niết Bàn.

Y là Y thân hửu lậu, đối lại với hoặc nghiệp mà gọi là Dư. Hửu Dư Niết Bàn là chỉ Hoặc Nghiệp, là cái nhân của sinh tử đã hết, chỉ còn dư lại khổ quả y thân hửu lậu.

Vô Dư Niết Bàn là diệt nốt hết cả khổ quả y thân, không còn dư lại chút nào.

Hai loại Niết bàn nầy cùng là một thể. Hành giả của Tam Thừa khi mới thành đạo, tuy đã chứng đắc, song Vô Dư Niết Bàn chỉ hiện ra khi mệnh chung. Hai loại Niết Bàn nầy nếu kể cả Đại Thừa và Tiểu Thừa thì có thể chia làm 3 môn:

1-PHÂN BIỆT THEO TIỂU THỪA

Chỉ phân biệt theo tiểu thừa thì dứt hết cái nhân sinh tử, chỉ còn dư khổ quả sinh tử, thì gọi là Hửu Dư Niết Bàn.

Dứt hết cái nhân sinh tử, đồng thời làm cho quả thui chột đi không sinh được nữa thì gọi là Vô Dư Niết Bàn. Hiện ra tướng Vô Dư Niết Bàn là ở lúc mệnh chung, bởi vì Vô Dư Niết Bàn, thân tàn trí diệt, cả các vật hửu tình đều là diệt hết.

2-PHÂN BIỆT THEO ĐẠI THỪA

Phân biệt theo Đại Thừa thì cái nhân biến dịch sinh tử đã tận hết, là Hửu Dư. Quả biến dịch sinh tử đã tận hết là Vô Dư.

3-PHÂN BIỆT THEO CẢ ĐẠI THỪA VÀ TIỂU THỪA

Phân biệt theo cả hai trường hợp thì Niết Bàn của Tiểu Thừa là Hửu Dư, bởi vì còn biến dịch sinh tử. Niết Bàn của Đại Thừa là Vô Dư, bởi vì không còn biến dịch sinh tử. Nghĩa nầy lấy ra từ kinh Thắng Man (xem Thắng Man Kinh Bảo Hốt q. hạ).

Lại nữa về thân trí vĩnh viễn tiêu diệt thì Đại Thừa và Tiểu Thừa giải thích có khác nhau.

Không nghĩa của Tiểu Thừa nói Thánh Nhân của tam thừa nhập vào Vô Dư Niết Bàn thì thân trí đều mất đi cả không còn một vật nào, trong Pháp Giới đã diệt hết các vật hửu tình.

Trong Đại Thừa có hai Tông là Tướng và Tánh.

Duy Thức Tông của Tướng Tông cho rằng Vô Dư Niết Bàn của Nhị Thừa định tính là rút cục đều diệt hết. Vô Dư Niết Bàn của Nhị Thừa bất định tính và của Phật không phải là thực diệt. Bậc Nhị Thừa lìa khỏi phân đoạn sinh tử gọi là Vô Dư Niết Bàn. Phật dẹp bỏ Hóa Ứng Thân trở về gốc của chân thân là Vô Dư Niết Bàn.

Tam Luận Tông, Hoa Nghiêm Tông, Thiên Thai Tông cho rằng Nhị Thừa Định Tính và Nhị Thừa Vô Định Tính rút cục đều thành Phật cả. Vậy nên Pháp Giới không có Vô Dư Niết Bàn thực diệt, nhưng dứt bỏ vọng kiến qui về chân như, thu hóa thân trở về với bản thân thì sẽ nhập vào Vô Dư Niết bàn.

VII-BỐN LOẠI NIẾT BÀN

Pháp Tướng Tông lập ra 4 loại Niết Bàn như sau:

1-BẢN LAI TỰ TÁNH THANH TỊNH NIẾT BÀN

Tuy có phiền não khách trần, nhưng do bản tính thanh tịnh, trong vắt như hư không, dứt bỏ hết mọi tướng phân biệt, dứt bỏ hết ngôn ngữ, lìa khỏi tất cả hành xứ của Tâm, chỉ có bậc Chân Thánh chứng ngộ từ bên trong. Tính ấy vốn là Tịch Tĩnh nên gọi là Niết Bàn.

2-HỬU DƯ Y NIẾT BÀN       

Dứt bỏ hết phiền não tướng để cho chân như hiện rõ. Hửu Dư Y là nói y thân hửu lậu. Đối với phiền não đã dứt bỏ gọi là dư. Tuy có dư y thân hửu lậu nầy nhưng chướng phiền não đã vĩnh viễn tịch diệt nên gọi là Niết bàn.

3-VÔ DƯ Y NIẾT BÀN

 Vô Dư Y Niết Bàn là chân như đã thoát ra khỏi nỗi khổ sinh tử. Đây là chân lý có được cùng với Hửu Dư Y Niết Bàn dứt bỏ chướng phiền não và hiển hiện ra ở thời khổ quả sinh tử đã tàn lụi, tức là hậu thời. Vậy nên không có y thân khổ quả gọi là vô chướng y. Mọi khổ đau vĩnh viễn tịch diệt gọi là Niết Bàn.

4-VÔ TRỤ XỨ NIẾT BÀN

Vô Trụ Xứ Niết Bàn đó là chân như dứt bỏ sở tri chướng sở hiện. Sở tri chướng là chướng ngại của trí tuệ. Bậc Nhị Thừa do có sở tri chướng nên không hiểu được lý sinh tử, Niết Bàn không khác nhau, cố chấp sinh tử đáng chán, Niết Bàn đáng vui. Khi Phật dứt bỏ sở tri chướng, có được chân trí Bồ Đề thì đối với sinh tử, Niết Bàn đã lìa bỏ được cái tình chán ghét, vui mừng, mà chỉ còn có đại trí, nếu trụ ở vòng sinh tử thì có đại bi, nên không trụ ở Niết Bàn thì làm lợi lạc cho chúng hửu tình vị lai. Vì vậy gọi đó là vô trụ xứ. Tác dụng của lợi lạc tuy là thường có, nhưng cũng là thường tịch diệt, nên gọi là Niết Bàn. Trong đó, tất cả các vật hửu tình chỉ có một loại Niết Bàn ở trên.

Bậc chí Thánh của Nhị Thừa thì có được ba loại trên là Tự Tính, Hửu Dư, Vô Dư. Bậc Bồ Tát từ Sơ Địa trở lên thì có được 2 loại Niết Bàn là loại thứ 1 và thứ 4. Chỉ riêng có đức Thế Tôn là có đủ cả 4 loại Niết Bàn.

Sách Vấn Y Đại Thừa viết: “Thế thì sắc thân Như Lai vốn là vô lậu thanh tịnh, không phải là khổ quả sanh tử thì làm gì có Hửu Dư Niết Bàn. Hửu Dư Niết Bàn đã không có rồi thì Vô Dư Niết Bàn chắc cũng không có?

Trả lời: Nhìn vào Phật thân mà bàn Hửu Dư, Vô Dư thì có 2 nghĩa:

(1)-Thân của Như Lai tuy không có khổ quả thực, nhưng về mặc thị hiện giống như y thân khổ quả thì đó là Hửu Dư, Vô Dư, như loại Bát tướng thành đạo. (2)-Nhằm vào chổ ẩn hiện của sắc thân Vô Lậu mà bàn, đó là Hửu Dư, Vô Dư. (xem Luận Duy Thức, q.10, Bách Pháp Vấn Đáp Sao, q.8).

VIII-TIỂU THỪA NHỊ GIA NIẾT BÀN

Tông Hửu Bộ gọi Niết Bàn là Bản Lai Thực Hửu. Khi dứt bỏ phiền não là lìa bỏ sợi dây ràng buộc vào thân của hành giả.

Tông Thành Thật gọi Niết Bàn là Vô Pháp. Không có nhân quả sanh tử đó là Niết Bàn.

Cách giải thích khác nhau của hai Tông như trên nên gọi là Nhị Gia Niết Bàn.

(xem Đại Thừa Huyền Luận, q.3).        

IX-TIỂU THỪA NIẾT BÀN và ĐẠI THỪA NIẾT BÀN

Trong sách Pháp Hoa Huyền Luận, q. 2, viết: “Niết Bàn của Tiểu Thừa, Đại Thừa gồm có 3 nghĩa:

1-BẢN TÍNH

Bản Tính tịch diệt khác với phi bản tính tịch diệt Niết Bàn của Tiểu Thừa là diệt sinh tử mà lên Niết bàn. Niết Bàn của Đại Thừa là sinh tử vốn là Niết Bàn rồi. Vậy nên kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện viết rằng: chư pháp từ bản lai thường tự tịch diệt tướng.

2-GIỚI NỘI, GIỚI NGOẠI

Giới nội, giới ngoại dứt bỏ mê hoặc khác nhau. Niết Bàn của Tiểu Thừa chỉ có dứt bỏ phân đoạn sanh tử giới nội là dừng. Niết Bàn của Đại Thừa lại kiêm diệt cả biến dịch sinh tử giới ngoại.

Nhưng Giới Nội, Giới Ngoại là gì?

Ngoài ba cõi Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, là cõi Tịnh Độ của chư Phật, Bồ Tát, đó gọi là Giới Ngoại. Ba cõi vừa kể là Giới Nội. Cõi Tịnh Độ ở ngoài ba cõi nầy, Tông Thiên Thai phân biệt làm hai cõi: Phương Tiện Hửu Dư Độ và Thực Báo Vô Chướng Ngại Độ.

3-CHÚNG ĐỨC

Chúng Đức đầy đủ không khác nhau. Niết Bàn của Tiểu Thừa vô thân vô trí nên không có đủ chúng đức. Niết Bàn của Đại Thừa có đủ thân trí nên có đủ đức Bát Nhã  Pháp Thân.

Trong Pháp Hoa Huyền Tán, q.2, viết: “Chân Như có đủ tam đức để thành Niết Bàn:

(1)-Chân Như sinh Viên Giác gọi là Bác Nhã. Thể của Chân Như là Giác Tính. Thể Niết Bàn của Tiểu Thừa không phải Giác Tính nên không gọi là Bát Nhã.

(2)-Thể của Chân Như, bỏ sở tri chướng, gọi là Pháp Thân. Bởi vì nó là chỗ dựa của tất cả công đức Pháp. Niết Bàn của Tiểu Thừa không phải là chỗ dựa của công đức Pháp nên không gọi là Pháp Thân.

(3)-Thể của chân như, mọi nỗi khổ đều tiêu tan hết, nên gọi là giải thoát. Niết Bàn của Tiểu Thừa lìa bỏ phân đoạn sinh tử, nên không phải là giải thoát viên mãn. Thế nhưng nhìn vào việc lìa bỏ phân đoạn sinh tử mà xét thì có thể nói rằng Tam Thừa cũng vào bậc giải thoát rồi vậy. Do đó Tiểu Thừa cũng có thể gọi là Niết Bàn, nhưng chưa được đầy đủ vậy.  

Tóm lại lìa bỏ phân đoạn sinh tử, biến dịch sinh tử, có thân trí vô biên, đầy đủ tam đức pháp bát giải thoát, phối nghĩa Thường Lạc Ngã Tịnh là Niết Bàn của Đại Thừa. Riêng lìa bỏ phân đoạn sinh tử, diệt vô thân trí nói về Đại Thừa thì có thân trí biến dịch sinh tử. Trong tam đức chỉ có đủ một phần giải thoát, trong 4 nghĩa chỉ có đủ ba nghĩa:  “Thường, Lạc, Tịnh đó là Niết Bàn Tiểu Thừa”.

X-NHỮNG BỘ KINH NIẾT BÀN

1-KINH NIẾT BÀN CỦA TIỂU THỪA

Kinh Niết bàn của Tiểu Thừa gồm có: bộ Phật Bát Nê Hoàn Kinh, 2 quyển, do Bạch Pháp Tổ đời Tây Tấn dịch. Bộ Đại Bát Niết Bàn Kinh, 3 quyển, Pháp Hiển đời Đông Tấn dịch. Bộ Bát Nê Hoàn Kinh, 3 quyển, không rỏ người dịch. Đó là những bộ đồng bản nhưng khác người dịch, nói tình hình tiền pháp nhập Niết Bàn ở thành Câu Thi Na của Đức Thích Ca hóa thân bát tướng thành đạo. Đây là bản thực lục về hóa thân Phật. Ngoài ra trong kinh Trung A Hàm cũng có kinh Niết Bàn nói về phép quán hành có thể đắc Niết Bàn.

2-KINH NIẾT BÀN CỦA ĐẠI THỪA

Kinh Niết Bàn của Đại Thừa gồm có: Phật Thuyết Phương Đẳng Bát Nê Hoàn Kinh, 2 quyển, do Trúc Pháp Hộ đời Tây Tấn dịch. Đại Bát Nê Hoàn Kinh, 6 quyển, Pháp Hiền đời Đông Tấn dịch. Tứ Đồng Tử Tam Muội Kinh, 3 quyển, Xà Na Quật Đa đời Tùy dịch. Ba bản nầy rộng hẹp khác nhau, nhưng đều là phần đầu tiên của Kinh Niết Bàn của Đại Thừa. Bộ kinh đầy đủ do Đàm Vô Sấm đời Bắc Lương dịch là bộ Đại Bát Niết Bàn Kinh, 40 quyển, gọi là Niết Bàn Bắc Bản. Về sau các ngài Tuệ Quan đời Lưu Tống đem sửa chửa lại bộ kinh ấy thành bộ Đại Bát  Niết Bàn Kinh, 36 quyển, gọi là Niết Bàn Nam Bản. Bộ nầy nói về Niết Bàn của Phật, không phải là hủy thân diệt trí. Nay hiện tướng Phật tuy nhập diệt, nhưng thân Phật thường trụ bất diệt. Ngoài ra còn bộ Đại Bát Niết Bàn Kinh Hậu Phần, 2 quyển, Nhược Na Bạt Đà La đời Đường dịch, nói về phụ thuộc của Phật và các việc nhập Niết Bàn, trà tì, phân cốt v.v…Đó là phần hậu phần bổ sung cho Tiền kinh, cho nên gọi là Hậu Phận Kinh.

Trong các bản kể trên, những bản thường gọi là Kinh Niết Bàn là hai bản Đại Niết Bàn Kinh Bắc Bản, Nam Bản. Nam Bản không tính có phần sớ của Chương An thuộc Tông Thiên Thai. Bản mà các Tông đều thông dụng cả là Niết Bàn Bắc Bản.

Các nhà chú thuật và các trước tác có liên quan đến bản Kinh nầy như sau: Niết Bàn Kinh Huyền Nghĩa, 2 quyển, Quán Đỉnh đời Tùy soạn. Niết Bàn Kinh Sớ, 33 quyển, Quán Đỉnh đời Tùy soạn, Trạm Nhiên đời Đường sửa chữa lại. Niết Bàn Nghĩa Ký, 20 quyển, Tuệ Viễn đời Đường thuật lại. Niết Bàn Kinh Du Ý, 1 quyển,  Cát Tạng đời Tùy soạn. Đại Niết Bàn Kinh Huyền NghĩaVăn Cú Hội Bản, 2 quyển, Quán Đỉnh đời Tùy soạn, Đạo Tiêm đời Đường thuật lại, Thủ Đốc của Nhật Bản phân hội. Niết Bàn Kinh Hội Sớ Điều Mục, 3 quyển, Niết Bàn Kinh Hội Sớ, 36 quyển, Quán Đỉnh đời Tùy Soạn, Trạm Nhiên đời Đường sửa lại, Bản Thuần người Nhật Bản phân hội. Niết Bàn Kinh Sớ Tư Ký, 12 quyển, Hành Mãn đời Đường biên tập. Niết Bàn Kinh Sớ Tư Ký, 9 quyển, Đạo Tiêm đời Đường thuật lại. Niết Bàn Kinh Sớ Tam Đức Chỉ Qui, 20 quyển, thiếu quyển 15, Trí Viên đời Tống thuật lại. Niết Bàn Kinh Trị Định Sớ Khoa, 10 quyển, Trí Viên đời Tống soạn. Niết Bàn Huyền Nghĩa Phát Nguyên Cơ Yếu, 4 quyển, Trí Viên đời Tống thuật lại. Khoa Nam Bản Niết Bàn Kinh, 36 quyển, sư chính đời Nguyên sắp xếp các khoa, Khả Độ hiệu đính lại. Niết Bàn Kinh Hội Sớ Giải, 36 quyển, Sư Chính đời Nguyên phân khoa, Viên Trừng đời Minh hội sớ. Niết Bàn Kinh Mạt Hậu Cú, 1 quyển, Tịnh Đình soạn.   

XI-NIẾT BÀN NHẬT NGUYỆT

Đó là ngày tháng Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, tất cả có mấy thuyết: Kinh Đại Bát Niết Bàn, Luật Thiện Kiến nói là ngày rằm tháng 2 Ngài nhập Niết bàn. Kinh Trường A Hàm, Kinh Bồ Tát Xử Thai nói là ngày 8 tháng 2 Ngài nhập Niết Bàn. Luận Tát Bà Đa nói là ngày 8 tháng 8, khi mà sao Phí Linh xuất hiện thì Ngài nhập Niết Bàn. Sách Tây Vựt Ký, q.6, viết: “Thấy ngừa xưa chép rằng Đức Phật sống được 80 năm, đến ngày rằm nửa sau tháng Phệ-xá-khư thì Ngài nhập Niết Bàn. Ngày đó tương đương với ngày rằm tháng 3. Thuyết Nhất Thiết Bộ thì nói Đức Phật đến ngày 8 nửa sau tháng Ca-lạt-đề-ca thì nhập Niết bàn. Đó là ngày 8 tháng 9”.

XII-NIẾT BÀN THÁNH

Ngài Đạo Sinh đời Tần tìm thấy bộ Niết Bàn Kinh Lược Bản, tức là bộ Phật Thuyết Niết Bàn Kinh, 6 quyển, Pháp Hiển dịch, phát minh ra nghĩa Phật Thân Thường Trụ. Người nghe lúc đầu không tin, đến khi công bố rộng rãi, quả đúng như vậy. Người đương thời gọi Ngài là Niết Bàn Thánh.

Niết Bàn Huyền Nghĩa, q. thượng, viết: “Ngài Trúc Đạo Sinh, người đương thời gọi là Niết bàn Thánh”.

1-TRÚC ĐẠO SINH:  Đạo Sinh Đời Tấn, vốn họ Ngụy, người đất Cực Lộc. Sư theo Trúc Pháp Thải xuất gia rồi lấy họ Trúc. Ông sống ở Lưu Sơn 7 năm để nghiên cứu kinh Phật. Sau sư cùng Tuệ Tuấn, Tuệ Nghiêm đến Trường An theo học ngài La Thập. Sau đó quay về Kinh Đô, trụ trì chùa Thanh Viên, biên soạn các bộ: Nhị Đế Luận, Phật Tính Thường Hửu Luận, Pháp Thân Vô Sắc Luận, Phật Vô Tịnh Độ Luận v.v…thường bị những người quản lý việc in ấn và lưu hành kinh sách ghen ghét. Có lần trước khi đưa lên Kinh Sư bộ Nê Hoàn Kinh, 6 quyển, ngài Đạo Sinh đã mổ xẻ tóm tắt nghĩa lý của kinh, đưa ra thuyết Xiển Đề cũng có Phật Tánh. Bấy giờ đại bản (bản đầy đủ) chưa lưu truyền, nên những người cựu học không chấp nhận, lại cho là tà thuyết rồi đuổi sư đi.

Đại Sinh dấu bản đó vào trong tay áo rồi đến núi Hổ Khâu ở Bình Giang, dựng các tảng đá lên làm học trò và cứ thế giảng kinh Niết Bàn cho đá nghe. Đến chỗ Xiển Đề cũng có Phật Tánh”, sư liền hỏi: “Những điều ta nói có hợp với ý Phật hay không?” . Đám đá đều gật đầu. Về sau sư vào dãy Lô Sơn, sống ở núi Tiêu Cảnh. Khi nghe tin ngài Đàm Vô Sấm ở Bắc Lương dịch lại phần Hậu Phẩm của kinh Niết Bàn, sư liền đi xuống Nam Kinh xin được xem thì thấy nội dung kinh Niết Bàn đúng như lời sư đã nói. Sư viên tịch vào tháng 11 năm Nguyên Gia 11  đời Tống. (xem Cao Tăng Truyện).

Phần trên có từ XIỂN ĐỀ xin giải thích để người đọc dể tham khảo.

2-XIỄN ĐỀ: Tiếng Sanscrit là Atyantika, dịch là Nhứt Xiễn Đề, Triễn Đề; cũng đọc là A Xiễn Đề, A Xiễn Để Ca. Có nghĩa là chẳng thành quả Phật. Chỉ cho hạng người tà kiến, bài bác lý nhân quả, không tin rằng tu hành rồi sau sẽ thành Phật, nhập Niết Bàn. Họ không nhận rằng người niệm Phật sẽ được vãnh sanh Tịnh Độ.

Trong kinh Lăng Già nói có hai hạng Xiễn Đề, hai hạng chẳng thành quả Phật:

(1)-Hạng người rất ác, dứt tất cả các căn lành, tức là hạng phạm ngũ nghịch, thập ác, không thể tu hành cho đắc quả Phật, lại phải đọa vào ba nẻo ác.

(2)-Hạng Đại Bi Bồ Tát, quyết lòng tế độ tất cả chúng sanh, vì sức thệ nguyện thâm trọng, cho nên chẳng nỡ nhập Niết Bàn. Ví dụ như ngài Địa Tạng Bồ Tát.  

XIII-NIẾT BÀN NA

Niết Bàn Na là từ trong luận Tỳ Bà Sa đã dùng để gọi Niết bàn, đúng là phiên âm từ chữ Nirvãna. Trong sách Niết Bàn Huyền Nghĩa, quyển thượng có nói điều nầy.

Sơ lược về sách Tỳ Bà Sa Luận như sau: Tiếng Phạn viết là Vibhãsã Sãstra, là một bộ luận gồm 14 quyển của đạo Phật, giảng theo lối rất cũ. Sách bằng tiếng Phạn, đời Phù Tần do Thi Đà Bàn Ni soạn, Tăng Già Bạt Trừng đời Phù Tần dịch. Còn gọi là A Tì Đàm, Tì Bà Sa A Tì Đàm Luận, được in vào tập thứ 28 trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng.

Tì Bà Sa tiếng Phạn là Vibhãsã có nghĩa là quảng thuyết, quảng thích. Nội dung của bộ luận nầy giảng rộng về Pháp Tướng của Thuyết Nhất Thiết Hửu Bộ. Đó là tên chung, gọi riêng thì trong kinh tạng có 4 bộ: (1)- Đại Tỳ Bà Sa Luận.

(2)- Đề Bà Sa Luận.

(3)-Ngủ Sự Tỳ Bà Sa Luận. ( ba bộ trên thuộc Tiểu Thừa)

(4)-Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận. (thuộc Đại Thừa).

Tất cả chúng sinh đều có khởi hoặc gây nghiệp, lưu chuyễn trong ba cõi nên Phật thuyết pháp Niết Bàn tịch tĩnh để giúp chúng sinh thoát khỏi sinh tử đạt đến Niết Bàn tịch tĩnh an lạc.

XIV-NIẾT BÀN MẠN ĐỒ LA

Mandala phiên âm là Mạn Đà La, Mạn Đồ La, Mạn Đát La, Mạn Nô La v.v…Gọi tắc là Mạn Nô, Mạn Đồ. Xưa nay có rất nhiều cách dịch khác nhau. Trước kia phần nhiều dịch là Đàn, còn gọi là Đạo Tràng. Nay phần nhiều dịch là Luân Viên Cụ Túc (tròn trặn viên mãn, đầy đủ). Còn gọi là tụ tập. Tựu trung lại, về mặt Thể mà nói thì lấy nghĩa Đàn hay Đạo Tràng làm nghĩa chính. Về mặt Nghĩa mà nói thì lấy nghĩa Luân Viên Cụ Túc hay Tụ Tập là nghĩa gốc. Tức là đắp một cái đàn đất hình vuông hoặc tròn, chư Tôn Đức lên đó để cúng tế. Đó là nguồn gốc của từ Mạn Đà La.

Ở trên Đàn đó tập trung đầy đủ chư Tôn, chư Đức, tạo thành một Đại Pháp Môn giống như có đủ trục, vành, nan hoa, tạo thành một bánh xe tròn trịa. Nhưng thường gọi là Mạn Đồ La, đó là một bức đồ họa, là loại Đại Mạn Đồ La trong 4 lọa Mạn Đồ La.

Trong sách Diễn Mật Sao, quyển 2, viết: “Mạn Đồ La có nghĩa là nơi tụ hội của Thánh Hiền, muôn đức đều qui về”. Nơi tụ hội của tất cả Hiền Thánh, tất cả Công Đức thì gọi là Mạn Đồ La. Do vậy mà mọi thứ từ thân hình, ngôn ngữ, hoặc vật cầm, hoặc thệ nguyện v.v…của các vị Thánh Hiền cũng đều được gọi là Mạn Đồ La. Đó là lấy nghĩa tròn trặn đầy đủ của bánh xe vậy.

Đại Nhật Kinh Sớ, quyển 1, viết: “Chân ngôn, tiếng Phạn viết Mandala, có nghĩa là những lời nói chân thật, như thật, không lầm, không khác.

Sách Thích Luận gọi đó là những lời bí mật, trước kia dịch là Chú, là không đúng”. Những lời nói bí mật của các bậc Hiền Thánh phụ vào từ Mạn Đồ La, đó là một lệ. Tựu trung lại, Mật Giáo lập ra 4 loại Mạn Đồ La là để thu nhiếp tất cả các Pháp.

1-CHI PHẦN SINH MẠN ĐỒ LA

Đại Nhật Kinh Sớ, quyển 3, viết: “Kinh nói rằng tất cả chi phần của Đức Thế Tôn đều xuất hiện ở trên thân thể Như Lai”. Lúc trước khi hiện ra trang nghiêm tạng, thân thể của tất cả phổ môn tràn đầy khắp mười phương, tùy theo nhân duyên mà ứng vậy.

Nay muốn nói địa vị của Mạn Đồ La thì phải thông hiểu sự phân loại thân thể Phật chia ra làm ba phần Thượng, Trung, Hạ. Từ rốn trở xuống thì sinh ra loại hình Thích ca Thân Sống, người và Pháp, cùng hàng Nhị Thừa và vô số chúng sinh trong sáu đường, sắc tượng, uy nghi, tiếng nói, tọa đàn có khác nhau, chu biến khắp tám phương tới các tầng thứ, bản vị của các loại Mạn Đồ La mà trụ (là viện thứ ba, tức tầng thứ tư).

Từ Rốn trở lên cho tới cổ họng thì sinh ra vô lượng Thập Trụ chư Bồ Tát. Ai nấy đều giữ lấy tấm thân Tam Mật, cùng với vô lượng quyến thuộc khắp tám phương, tới các tầng thứ, thuộc bảng vị của các Mạn Đồ La mà trụ ở. Nhưng trong đó cũng có hai loại. Loại từ tim trở xuống thì sinh các vi Thập Phật giữ đại bi vạn hạnh cùng vô số đại quyến thuộc (đó là tầng thứ ba, tức viện thứ hai).  

Từ tim trở lên là các vị Thập Phật giữ Kim Cương mật tuệ  cùng vô số nội quyến thuộc (đó là tầng thứ hai, tức viện thứ nhất). Hai loại trên đây gọi chung là Đại Bi Chúng. Hai loại từ cổ họng trở lên cho tới đỉnh đầu Như Lai thì sinh ra các bậc quả đức Phật, thân có tứ trí, tứ tam muội. Tám thân của 4 vị Phật, 4 vị Bồ Tát nầy, ở trong tất cả thế giới.

Các mặt đồ đệ, đất nước, danh nghiệp, thân nghiệp của các vị có khác nhau, trụ ở các tầng thứ, bản vị của các loại Mạn Đồ La trong tám phương (đó là tầng thứ nhất, tức Trung Thai).

Ở đây ta thấy có từ Cửu Diệu Mạn Đồ La đó là: mặt trời, mặt trăng, và  các sao Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ, thêm hai sao La Hầu và Kế Đô thành ra Cửu Diệu.

Theo thuyết của các bộ Mật Giáo Bản Kinh, Kim Cương Đỉnh Kinh của Kim Cương Giới thì có sáu loại, mười loại Mạn Đồ La, trong loại Hiện Đồ Mạn Đồ La bao gồm cả chín loại kia nên gọi là cửu hội mạn Đồ La.  

2-LƯỠNG BỘ MẠN ĐỒ LA

Đó là Mạn Đồ La của Kim Cương Giới và Mạn Đồ La của Thai Tạng Giới. Vì tất cả pháp môn của Mật Giáo đều chia thành hai bộ Kim Cương bộ và Thai Tạng bộ. Mạn Đồ La cũng xây dựng theo hai bộ đó. Tuy hai bộ đó, mỗi bộ đều độc lập có pháp môn, thành tựu Phật quả riêng của mình, nhưng Mật Giáo là từ trên toàn thể mà dung hội cả hai, nên phối hợp cả lí trí nhân quả, phối hợp cả hai bộ thành một pháp môn. Thai Tạng Giới là Pháp Môn thuộc chúng sinh vốn có đầy đủ lí tính, phối hợp với lí, phối hợp với nhân.

Kim Cương Giới là Pháp Môn thuộc chư Phật mới thành quả tướng, phối hợp với Trí, phối hợp với Quả. Nếu sắp đặc thì Thai Tạng Giới Mạn Đồ La thuộc phương đông, Kim Cương Giới Mạn Đồ La thuộc phương Tây. Lấy nghĩa phương Đông là nơi bắt đầu phát sinh vạn vật, phương Tây là nơi cuối cùng trở về của vạn vật. Vì, theo cái lí nhân quả tương ứng, và để thuyết minh cái lí nhất ứng.

3-NHỊ CHỦNG MẠN ĐỒ LA

Pháp môn Mạn Đồ La của hai bộ  Thai Tạng Giới và Kim Cương Giới, mỗi loại đều có hai loại thiển lược, và bí mật.

Loại Mạn Đồ La thuộc Thai Tạng Giới, Phẩm Cụ Duyên, kinh Đại Nhật viết: “Cảnh giới Giả Trí của đức Đại Nhật ở và đức A Di Đà hiện Tam Ma Địa là loại Mạn Đồ La thuộc Liên Hoa Bộ trong ba bộ. Đó là loại Thiên Lược Mạn Đồ La”. Còn loại nói ở phẩm Bí Mật thì đó là cảnh giới bản địa của đức Tì Lư Giá Na, là loại Mạn Đồ La thuộc Phật bộ trong ba bộ, tức loại Bí Mật Mạn Đồ La vậy.

Loại Mạn Đồ La thuộc Kim Cương Giới, Giáo Vương kinh và Lược Xuất Kinh nói rằng đức Đại Nhật trụ ở A Xúc Tam Ma Địa, tụng chữ Hồng trở thành vị A Xúc Phật là vị Phật ở hộ thành thân, là loại Mạn Đồ La thuộc Kim Cương Bộ trong ba bộ, tức là loại Kim Cương Mạn Đồ La vậy. Còn chỉ loại Mạn Đồ La nói trong phẩm tựa kinh Du Ki. Đó là loại Mạn Đồ La thuộc Phật bộ trong ba bộ, tức loại bí mật Mạn Đồ La. Bởi vì kinh Du Kì không phải là thâu tóm cả 18 hội, là bộ kinh nói về Kim Cương Giới vốn có.

Đức Đại Nhật Như Lai trụ ở cõi Tam Ma Địa vốn có của chúng sinh,  tự tính hiện ở nơi cảnh giới vô tác vốn có đã tạo thành 37 vị chư tôn, vì chủng tử ba hình của các vị khác hẳn với thuyết ở thường đồ. Nghĩa là loại Thiển Lược Mạn Đồ La là loại Mạn Đồ La gia trì tu sinh, loại bí mật Mạn Đồ La là loại Mạn Đồ La bản hửu bản địa.

Đức Lí Phật thuộc Thai Tạng bản điạ lại trụ ở Mạn Đồ La gia trì thuộc Liên Hoa bộ ở Tây Phương, còn đức trí Phật thuộc bản hửu Kim Cương lại trụ ở Mạn Đồ La thị tu sinh thuộc Kim Cương bộ ở đông phương.

Bởi vì hai bộ thâm mật là được xây dựng trong Phật bộ, còn hai bộ thiển lược là cái thể của hai bộ Liên Hoa và Kim Cương.

(xem Bí mật Tạng Kí, q. bản; và Bí Mật Tạng Sao, q.1)

4-THAI TẠNG GIỚI

Thai Tạng, tiếng Phạm là Garbha, Hán âm là Nghiệt Lạt Bà.

Giới, tiếng Phạm là Dhãtu, Hán âm là Đà Đô.

Gọi đủ là Đại Bi Thai Tạng Sinh.

Đối lại là Kim Cương Giới.

Một trong hai Giới của Mật Giáo. Thai Tạng có nghĩa là hàm chứa, che chở và giữ gìn. Theo Đại Nhật Kinh Sớ, quyển 3 thì hành giả mới phát tâm Nhất Thiết Trí, giống như chủng tử của thức được thai mẹ cưu mang, che chở, đến khi các căn đầy đủ thì sinh ra, rồi lớn lên, học tập các kĩ năng để thực hiện sự nghiệp trong đời; cũng như nương vào Lý Tính sẵn có của chúng sinh mà học tập muôn hạnh đại bi, hiển hiện tâm thanh tịnh, phát khởi tâm thanh tịnh, phát khởi các phương tiện, tu sửa tự thân, lợi mình lợi người, rốt ráo viên mãn, gọi là Đại Bi Thai Tạng Sinh.

Vì thế nên biết Thai Tạng là chỉ cho Lý Tính sẵn có của chúng sinh, còn pháp môn Lý Bình Đẳng thì gọi là Thai Tạng Giới. Đối lại với pháp môn Trí Sai Biệt của Kim Cương Giới. Thai Tạng Giới cũng là Hóa Tha Môn từ Quả hướng tới Nhân, Bản Giác chuyễn trở xuống, gồm đủ ba đức đại định, đại trí, đại bi mà lập ra pháp môn của ba bộ là Phật Bộ, Kim Cương Bộ, Liên Hoa Bộ.

(Xem Đại Nhật Kinh Sớ, q. 5 và Bí Tạng Ký).   

Hai nghĩa chánh của Thai Tạng Giới:  Che lấp, ẩn giấu và chứa đựng.

a-CHE LẤP, ẨN GIẤU như con người ta ở trong thai mẹ mà ẩn kín đi, Lí Thể hàm tàng các pháp, nên gọi là Thai Tạng.

b-CHỨA ĐỰNG như đứa trẻ được chứa đựng và nuôi dưỡng trong bào thai.

Lí Thể có đầy đủ công đức mà không bị mất, nên gọi là Thai Tạng. Chứa chất ở đây cũng có hai nghĩa là Chấp Trì và Sinh Ra. Có ba cách ví Đạo Pháp:

(1)-Ví với lí tính vốn đầy đủ. Mật Giáo coi ngũ đại như Đất hoặc tâm Bồ Tát thanh tịnh là lí vốn đủ. Lí Tính nầy thu nhất thiết chư pháp, giống như trong Thai Mẹ gìn giữ đứa con, vậy nên gọi là Thai Tạng. Trong sách Bí Tạng Kí, quyển thượng, viết: “Thai Tạng là Lí, Kim Cương là Trí”.

(2)-Ví với trái tim của chúng sinh. Trái tim nầy ví như hoa sen tám cánh, nắm giữ chư tôn của Mạn Đồ La.

Sách Mật Tạng Kí Sao, quyển 3, viết: “Kinh nói đó là lai xứ Mạn Đồ La. Trong Tâm tất cả chúng sinh có cục thịt tám múi, đó là hình hoa sen tám cánh. Vì vậy dựng Mạn Đồ La ở đó, gọi là Thai Tạng Giới”. Đó là Viện Bát Diệp trung đài trong Mạn Đồ La. Vì Thai Tạng của Đức Đại Nhật Như Lai sinh ra hết thảy chư tôn của ba tầng Mạn Đồ La, nên gọi là Thai Tạng. Đức Phật đại từ bi yêu mến nuôi nấng chúng sinh, giống như con trong thai mẹ vậy, nên gọi là Thai Tạng. Nói cho rõ hơn, tức là muốn chỉ bảo rõ cái lí Thai Tạng vốn đầy đủ trong chúng sinh cho tất cả chúng sinh biết, và từ Thai Tạng Đại Từ Bi của Phật nầy sinh ra thành những Pháp Môn giáo hóa khác.

Đó là Mạn Đồ La của Thai Tạng Giới, vì thế mà dùng để đối lại với Kim Cương Giới. Kim Cương là Trí, Thai Tạng là Lí. Kim Cương là Thủy Giác, Thai Tạng là Bản Giác. Kim Cương đi từ Nhân đến Quả, còn Thai Tạng đi từ Qủa đến Nhân. Kim Cương là tự lợi cho mình còn Thai Tạng là làm lợi cho chúng sinh.

5-THAI TẠNG GIỚI CHƯ TÔN

 Các vị Chư Tôn của Thai Tạng Giới số lượng nêu ra không cố định, nhưng thường vẫn lấy con số 414 vị: (1)- Trung Đài Bát Diệp Viện: có 9 vị. (2)-Biến Tri Viện: có 7 vị. (3)-Thích Ca Viện: có 39 vị. (4)-Trì Minh Viện: có 5 vị. (5)-Hư Không Tạp Viện: có 28 vị. (6)-Kim Cương Thử Viện: có 33 vị. (7)-Trừ Cái Chướng Viện: có 8 vị. (8)-Quan Âm Viện: có 37 vị. (9)- Địa Tạng Viện: có 9 vị. (10)-Văn Thù Viện : có 25 vị. (11)-Tô Tất Địa Viện: có 8 vị. Phần thân gồm có 209 vị, gọi là Nội Viện. (12)-Kim Cương Viện vòng ngoài: có 205 vị. Tính chung cả Nội và Ngoại gồm có 414 vị.  

 6-THAI TẠNG GIỚI MẠN ĐÀ LA

Các Tôn trong Thai Tạng Giới theo thứ tự xếp đặt ở đàn tràng. Mạn Đà La là Đàn Tràng có nghĩa là luân viên (vòng tròn). Trong Đàn Tràng sắp đặt 414 vị Tôn của 13 vị đại viên tất cả mọi công đức đều viên mãn, đó là Mạn Đà La của Thai Tạng Giới. Mạn Đà La nầy làm sáng tỏ Lý Tính vốn có của chúng sinh nên gọi là nhân Mạn Đà La, Lý Mạn Đà La. Lại coi Đông phương là vị trí làm nhân pháp sinh, nên còn gọi là Đông Mạn Đà La. Lý Tính của nó có đức tính trong sạch không chút bụi trần, ví với hoa sen, nên còn gọi là Liên Hoa Mạn Đà La.

Lại nữa, Mạn Đà La nầy gồm có hai loại là Mạn Đà La Đồ Hoạ và Mạn Đà La do A Xà Lê truyền hóa. Mạn Đà La Đồ Họa do Mạn Đà La vẽ bằng tranh, vẽ hình đàn tràng do ngài Thiện Vô Úy Tạng cầu đảo hư không. Đó chính là Mạn Đà La đang lưu hành ở đời nầy.

Mạn Đà La do A Xà Lê truyền bá là Mạn Đà La nói đến trong Kinh Đại Nhật và Nghi Quỹ, không thấy ghi ở đồ hoạ, tất cả đều do A Xà Lê đặt phép tắc và nghĩa lý. Điểm trái nhau của hai loại rất ít, bởi vì Mạn Đà La Đồ Họa là kết duyên, còn Mạn Đà La do A Xà Lê truyền bá là truyền pháp. (Xem Mạn Đồ La).

7-THAI TẠNG GIỚI MẠN ĐỒ LA

Tên đầy đủ là Đại Bi Thai Tạng Sinh Mạn Đồ La. Gọi tắt là Thai Tạng Mạn Đồ La, Đại Bi Mạn Đồ La. Đối lại là Kim Cương Giới mạn Đồ La. Cũng gọi là Nhân Mạn Đồ La, Đông Mạn Đồ La, Lý Mạn Đồ La. Mạn Đồ La thuộc Thai Tạng Giới của Mật Giáo.

Thai Tạng tiếng Phạm là Garbha, hàm nghĩa là Đại Bi.

Mạn Đồ La tiếng Phạm là Mandala, bao gồm các nghĩa: sinh ra chư Phật, ý vị cùng tột không gì sánh bằng, tròn trịa đầy đủ.

Mạn Đồ La Thai Tạng Giới chính là Đại Mạn Đồ La sinh ra từ trong tâm địa bình đẳng của Đại Bi Thai Tạng của Tỳ Lô Giá Na Như Lai. Bởi vì Mạn Đồ La Thai tạng Giới vốn căn cứ vào ý nghĩa nói trong phẩm cụ duyên, Kinh Đại Nhật mà được kiến lập, rồi Đại Nhật Kinh Sớ lại bổ sung thêm, vì thế xưa nay thường gọi Mạn Đồ La Thai Tạng Giới nầy là Kinh Sớ Mạn Đồ La. Lấy phía trên của mạn Đồ La làm phương Đông mà chia ra như sau:

7/1-VIỆN TRUNG ĐÀI BÁT DIỆP

Đức Đại Nhật Như Lai trụ ở Trung Đài. Bốn Đức Phật, Vô Lượng Thọ, Bảo Chàng, Khai Phu Hoa, Thiên Cổ và 4 vị Bồ Tát, Văn Thù, Quán Âm, Di Lặc, Phổ Hiền trụ ở Bát Diệp (8 cánh sen), tất cả có 9 vị Tôn. Hoa sen 8 cánh tượng trưng cho quả tim 8 khía của chúng sinh, biểu thị ý nghĩa chữ A vốn không sinh, hiển bày lí thú tất cả chúng sinh đều có Phật Tính. Viện Trung Đài bát Diệp là tổng thể của Thai Tạng Mạn Đồ La, các viện khác là biệt đức của viện nầy.

7/2-VIỆN BIẾN TRI (cũng gọi là viện Phật Mẫu)

Nằm ở phía trên Viện Trung Đài Bát Diệp, có 7 vị Tôn gồm Phật Nhãn, Phật Mẫu…Viện nầy biểu thị cho đức biến tri (biết khắp) và đức năng sinh của chư Phật.

7/3-VIỆN QUÁN ÂM

Viện nằm về phía Bắc của Viện Trung Đài Bát Diệp, có 37 vị Tôn như Bồ tát Đại Thế Chí…Viện nầy biểu thị cho Đức Đại Bi hạ hóa của Như Lai.

7/4-VIỆN KIM CƯƠNG THỦ (cũng gọi là Viện Tát Đóa)

Viện nằm về phía nam Viện Trung Đài Bát Diệp, có 33 vị Tôn như Hư Không Vô Cấu Luân Trì Kim Cương… Viện nầy biểu thị cho đức Đại Trí Thượng Cầu.

7/5-VIỆN TRÌ MINH (cũng gọi là Ngũ Đại Viện, Phẫn Nộ Viện)

Nằm ở phía dưới viện Trung Đài Bát Diệp, có 5 vị Tôn như Bồ tát Bát Nhã… Viện nầy biểu thị cho 2 đức Chiết phục và Nhiếp Thụ.

7/6-VIỆN THÍCH CA

Viện nằm phía trên Viện Biến Tri, có 39 vị Tôn như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni… Viện nầy biểu thị cho đức Phương Tiện Nhiếp Hóa. Dùng hai đức Trí và Bi biến hiện thành Thích Ca Như Lai cứu độ chúng sinh.

7/7-VIỆN TRỪ CÁI CHƯỚNG

Nằm về phía nam Viện Kim Cương Thủ, có 9 vị Tôn, như Bồ Tát Bí Mẫn…Viện nầy biểu thị cho việc dùng Trí môn Kim Cương để diệt trừ phiền não chướng của chúng sinh.

7/8-VIỆN ĐỊA TẠNG

Nằm về phía bắc Viện Quán Thế Âm, có 9 vị Tôn, như Bồ Tát Địa Tạng…Viện nầy biểu thị việc dùng bi môn của đức Quán Âm để cứu mê tình trong chín cõi.

7/9-VIỆN HƯ KHÔNG TẠNG

Nằm ở phía dưới Viện Trì Minh, có 28 vị Tôn, như Bồ Tát Hư Không Tạng…Viện nầy biểu thị cho bi và trí hợp nhất, bao hàm muôn đức, có năng lực tùy theo nguyện vọng của chúng sinh mà ban cho tất cả của báu, đầy đủ trí đức, và lấy phúc đức làm gốc.

7/10-VIỆN VĂN THÙ

Nằm ở phía trên Viện Thích Ca, gồm có 25 vị Tôn, như Bồ tát văn Thù…Viện nầy biểu thị cho trí tuệ của đức Đại Lực, có công năng dứt trừ tất cả hí luận, đầy đủ phúc đức và lấy trí tuệ làm gốc.

7/11-VIỆN TÔ TẤT ĐỊA

Nằm phía dưới Viện Hư Không Tạng, gồm có 8 vị Tôn như Bồ Tát Thập Nhất Diện Quan Âm…Viện nầy biểu thị cho đức thành tựu việc lợi mình, lợi người.

7/12-VIỆN NGOẠI KIM CƯƠNG BỘ

Lớp bên ngoài bao quanh 4 phía đông, tây, nam, bắc của Mạn Đồ La Thai Tạng Giới, cộng chung 4 phía có tất cả 205 vi Tôn. Viện nầy biểu thị đức tùy loại ứng hóa và lý phàm thánh bất nhị.

7/13-VIỆN TỨ ĐẠI HỘ

Trong hiện đồ Mạn Đồ La lược bỏ Viện thứ 13 nầy. Còn lại 12 Viện thì Viện Trung Đài là Phật Bộ, Viện Quán Âm là Liên Hoa Bộ, Viện Kim Cương Thủ là Kim Cương Bộ, 6 Viện: Biến Tri, Thích Ca, Văn Thù, Trì Minh, Hư Không Tạng, và Tô Tất Địa thuộc Phật Bộ. Viện Địa Tạng thuộc Liên Hoa Bộ. Viện Trừ Cái Chướng thuộc Kim Cương Bộ. Ngoại Kim Cương thuộc cả 3 Bộ.

(Xem kinh Đại Nhật q.1,2,4,5. Tôn Thắng Phật Đính Tu Du Già Nghi Quỉ, q. hạ. Đại Nhật Kinh Sớ q. 1,3,4,5,6. Thai Tạng Đồ Tượng. Hiện Đồ Mạn Đồ La. Đà La Ni Môn Chư Bộ Yếu Mục. Mạn Đồ La).   

  

 



8-THAI TẠNG GIỚI TAM BỘ

Kim Cương Giới là cửa tự lợi, thông giác, thượng chuyễn, nên thâu tóm lấy ngũ trí mà chuyễn thức sở đắc, thống thu Mạn Đồ La ở ngũ bộ. Thai Tạng Giới là cửa hóa tha, bản giác, hạ chuyễn, nên thâu tóm tam đức đại định trí tuệ, thống thu Mạn Đồ La ở tam bộ:

a-PHẬT BỘ

Đó là về mặt quản lý đầy đủ giáo đạo viên mãn, chỉ các vị chư tôn của Trung Đài Bát Diệp Viện trong Mạn Đồ La Thai tạng Giới và các viện trên dưới. Đó là Đại Định.

b-LIÊN HOA BỘ

Đó là Đại Bi Tam Muội của Như Lai có thể làm nảy sinh muôn điều thiện nên ví với hoa sen mà gọi là Liên Hoa Bộ. Đó là Quan Âm Viện, Đại Tạng Viện ở bên phải.

c-KIM CƯƠNG BỘ

Đó là sức tác dụng của trí tuệ của Như Lai, có thể hủy diệt tam chướng hoặc khổ nghiệp, nên ví như Kim Cương gọi là Kim Cương bộ. Đó là Kim Cương thủ viện, trừ cái chướng viện ở bên trái. Đại Nhật Kinh Sớ, q. 3, viết: “Đại phàm tầng thứ nhất nầy, bên trên là Phật thân chúng đức trang nghiêm, bên dưới là Phật trì minh thị giả, đều gọi là Như Lai bộ môn. Bên phải là Như Lai đại bi tam muội, có thể làm nảy sinh muôn điều thiện, nên gọi là Liên Hoa Bộ. Bên trái là Như Lai đại tuệ lực dụng, có thể hủy diệt tam chướng, nên gọi là Kim Cương Bộ. Về thứ tự tam bộ có hai loại. Thứ tự Phật bộ, Liên Hoa bộ, Kim Cương bộ của kinh nầy là thứ tự từ hơn đến kém”. Lại còn cách sắp xếp của kinh Cù Hê, kinh Tô Tất Địa là Phật Bộ, Kim Cương bộ, Liên Hoa bộ. Ở đây, Phật bộ là giải thoát, Kim Cương bộ là Bát Nhã, Liên Hoa bộ là Pháp Thân, nên có thứ tự vốn nhờ tu luyện mà sinh ra.

(Xem Bí Tạng Sao, q.3).

9-THAI TẠNG TỨ BỘ NGHI QUĨ

Gọi tắt là Tứ Bộ Nghi Quĩ. Nghi Quĩ, 11 quyển, là 4 bộ nghi quĩ, bao gồm ý nghĩa các phẩm của kinh Đại Nhật thuộc Bí Mật bộ, đồng thời chỉ rõ pháp cúng dường của Thai Tạng giới và ấn khế, chân ngôn của chư Tôn, được thu vào Đại Chính tạng tập 18.

Bốn bộ nghi quĩ nầy là:

a-NHIẾP ĐẠI TỲ LÔ GIÁ NA thành Phật thần biến gia trì kinh nhập liên hoa Thai Tạng hải hội bi sinh mạn đồ la quảng đại niệm tụng nghi quĩ cúng dường phương tiện hội, 3 quyển, do ngài Du Bà Ca La dịch vào đời Đường,  gọi tắt là NHIẾP ĐẠI NGHI QUĨ.

b-ĐẠI TỲ LÔ GIÁ NA KINH QUẢNG ĐẠI NGHI QUĨ, 3 quyển, do ngài Thiện Vô Úy dịch vào đời Đường, gọi tắt là QUẢNG ĐẠI NGHI QUĨ.

c-ĐẠI TỲ LÔ GIÁ NA THÀNH PHẬT thần biến gia trì kinh Liên Hoa Thai Tạng bi sinh Mạn Đồ La quảng đại thành tựu nghi quĩ cúng dường phương tiện hội, 2 quyển, do ngài Pháp Toàn soạn vào đời Đường, gọi tắt là  HUYỀN PHÁP TỰ NGHI QUĨ.

d-ĐẠI TỲ LÔ GIÁ NA THÀNH PHẬT THẦN BIẾN GIA TRÌ KINH Liên Hoa Bồ Đề chàng tiêu xí phổ thông chân ngôn tạng quảng đại thành tựu du già, 3 quyển, do ngài Pháp Toàn biên tập vào đời Đường, gọi tắt là THANH LONG TỰ NGHI QUĨ.

Trong 4 bộ nghi quĩ trên, hai nghi quĩ Nhiếp Đại và Quảng Đại là diệu hạnh của chư Phật 10 phương ba đời lưu nhập vào Pháp Giới Mạn Đồ La do Đức Đại Nhật Như Lai hiển hiện ra. Còn hai nghi quĩ Huyền Pháp và Thanh Long thì là nghi tướng mở hội do đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai hiển bày trong Pháp Giới mạn đồ la của đức Đại Nhật Như Lai.

(Xem Chư A Xà Lê chân ngôn Mật Giáo Bộ loại tổng lục, q. thượng. Bảo Sách Sao, q.2. Bí Mật Nghi Quĩ Tùy Văn Ký, q.18. Bí mật Nghi Quĩ Truyền Thụ khẩu Quyết, q.6).   

10-KIM CƯƠNG GIỚI

Tiếng Phạm: Vajra-dhãtu

Tiếng Hán đọc âm là: Phạ nhật ra đà tô.

Tạng: Rdo-rje-dhyins.

Đối lại với Thai Tạng Giới.

Gọi tắt là Kim Giới.

Bộ môn khai thị trí đức của đức Đại Nhật Như Lai. Trí Đức nội chứng của đức Đại Nhật Như Lai, thể của nó rất bền vững, có tác dụng phá hết thảy các phiền não cho nên ví nó với Kim Cương.

Bí Tạng Ký viết: “Kim Cương Giới là Trí tuệ nội chứng của Phật”. còn chỉ cái nghĩa không thể pha hủy được của Kim Cương, đó là Trí Tuệ.

Theo quan điểm của Mật Giáo, hết thảy muôn vật trong vũ trụ đều do đức Đại Nhật Như Lai hiển hiện, trong đó, phần biểu hiện về mặt Trí Đức của Ngài gọi là Kim Cương Giới, còn phần biểu hiện về mặt Lý Tính của Ngài thì gọi là Thai Tạng Giới. Đây là hai bộ căn bản của Mật Giáo.

Trí Đức nội chứng của Như Lai, thể rất bền chắc, không bị phiền não làm hoăn ố, phá hoại, giống như kim cương cứng chắc, không bị các vật khác làm hư nát, vì thế, Kim Cương Giới có đủ các nghĩa: Trí, Quả, Thủy Giác, Tự Chứng, v.v…

Trái lại Lý Tính của Như Lai tồn tại ở trong tất cả, do đại bi nuôi đỡ, giống như thai nhi trong bụng mẹ hoặc như một hột sen ẩn chứa trong hoa sen, cho nên ví như Thai Tạng. Do đó, Thai Tạng Giới bao hàm các nghĩa: Lý, Nhân, Bản Giác, Hóa Tha, v.v… Nếu phối hợp Kim Cương Giới với 5 Trí thì chia làm 5 bộ là: Phật Bộ, Kim Cương Bộ, Bảo Bộ, Liên Hoa Bộ và Yết Ma Bộ. Nếu phối hợp Thai Tạng Giới với 3 đức: Đại Định, Đại Bi, Đại Trí thì chia làm 3 bộ: Phật Bộ, Liên Hoa Bộ và Kim Cương Bộ.

Theo kinh Kim Cương Đính, nếu Kim Cương Giới được biểu hiện bằng tranh vẽ thì gọi là Mạn Đồ La Kim Cương Giới. Còn theo kinh Đại Nhật, nếu Thai Tạng Giới được biểu hiện bằng tranh vẽ thì gọi là Mạn Đồ La Thai Tạng Giới. Kim Cương Giới và Thai Tạng Giới gọi chung là Chân Ngôn lưỡng bộ hoặc là Kim Thai lưỡng bộ là hai mặt căn bản nhất của Mật Giáo. Nếu hai bộ được xem như là đối lập nhau thì gọi là lưỡng bộ tương đối. Còn nếu được xem là một thể thì gọi là lưỡng bộ bất nhị. Về vấn đề nầy Đông Mật của Nhật Bản chủ trương hai bộ vốn bất nhị cho nên không lập riêng  Pháp Bất Nhị, nhưng Thai Mật thì lập riêng Pháp Bất Nhị gọi là Pháp Tô Tất Địa.

Ngoài ra trong hai Pháp Sắc, Tâm thì Kim Cương Giới thuộc Tâm Pháp. Trong 6 Đại:  Đất, nước, lửa, gió, không , thức thì Kim Cương Giới thuộc Thức Đại. Ấn khế chung của Kim Cương Giới là Ấn Ngũ Cổ Chử (ấn chày 5 chĩa). Về phổ hệ truyền thừa của Kim Cương Giới thì bắt đầu từ đức Đại Nhật Như Lai rồi lần lược đến các ngài: Kim Cương Tát Đỏa, Long Mãnh, Long Trí, Kim Cương Trí, Bất Không v.v…

(Xem kinh Kim Cưong Đính,q.1. Đại Nhật Kinh Nghĩa Thích Diễn Bí Sao q.7. Luận Thập Trụ Tâm q.10. Mạn Đồ La).   

11-KIM CƯƠNG GIỚI MẠN ĐỒ LA

Tiếng Phạm gọi là Vajra-dhãtu-mandala. Cũng gọi là Tây Mạn Đồ La, Quả Mạn Đồ La, Nguyệt Luân Mạng Đồ La.

Một trong hai bộ Mạn Đồ La của Mật Giáo, nền tảng là kinh Kim Cương Đính.

Hiện đồ Mạn Đồ La Kim Cương Giới gồm 9 hội Mạn Đồ La cấu tạo thành, vì thế còn được gọi là Cửu Hội Mạn Đồ La, Kim Cương Cửu Hội, Kim Cương Giới Cửu Hội Mạn Đồ La.

Trong chín hội, 7 hội trước là phần Kim Cương Giới, trong đó 6 hội đầu là Luân Thân tự tính của đức Đại Nhật Như Lai. Hội thứ bảy là Luân Thân Chính Pháp của Ngài. Hội thứ 8 và 9 thuộc phẩm hàng tam thế, đều biểu thị Luân Thân Giáo Lệnh của đức Đại Nhật Như Lai. Cả 9 hội trên đây, gọi chung là Mạn Đồ La Kim Cương Giới. Bức vẽ của Mạn Đồ La nầy lấy phía trên làm phương Tây, 2 chiều ngang và dọc đều chia làm 3 phần, tổng cọng có 9 ô tức thành 9 hội. Trong hình vẽ nầy nếu căn cứ vào ý nghĩa Hạ chuyển môn (môn hướng xuống) “từ Quả hướng xuống Nhân”, thì hội thứ nhất ở chính giữa là hội Thành Thân, từ đó, theo thứ tự hướng xuống đi theo phía bên trái như sau:

a-HỘI THÀNH THÂN

Cũng gọi là Yết Ma: Đại Mạn Đồ La trong 4 loại Mạn Đồ La. Hội nầy dùng 5 vòng tròn bày xếp theo hình chữ  + ,  trong mỗi vòng tròn vẽ một đức Phật. Vòng ở chính giữa là đức Đại Nhật Như Lai. Chung quanh ngài là 4 vị Bồ Tát Ba La Mật. Ở 4 phương dều có vòng mặt trăng. Trong mỗi vòng mặt trăng vẽ một vị Phật, mỗi vị Phật có 4 vị Bồ Tát thân cận. Tổng cọng có 16 vị Bồ Tát. Ngoài ra còn có 4 vị Bồ Tát nội cúng dường, 4 Bồ Tát ngoại cúng dường, 4 vị Nhiếp Bồ Tát, các vị trời hộ trì Mật Giáo và 1.000 đức Phật ở kiếp Hiền v.v… tổng cọng có 161 vị Tôn vây chung quanh đức Đại Nhật Như Lai. Hình vẽ của Hội Thành Thân nầy được biểu thị cho thực tướng của quả Phật.

b-HỘI TAM MUỘI DA

Cũng gọi là Hội Yết Ma: Tam Muội Da Mạn Đồ La trong 4 loại Mạn Đồ La là hình thức các vị Tôn dùng như vật cầm tay, ấn khế, v.v…để tượng trưng cho bản thệ của các ngài. Chẳng hạn tháp Đa Bảo tượng trưng cho thân Tam Muội Da của đức Đại Nhật Như Lai. Cây chày kim cương 5 chĩa được đặt ngang dưới thân tháp, là hình Tam Muội Da biểu thị cho 5 trí hiển hiện. Hình Tam Muội Da của 4 vị Phật ở 4 phương theo thứ tự là: Phật A Súc phương Đông là chày kim cương dựng đứng, Phật Bảo Sinh phương Nam là bảo châu, Phật A Di Đà phương Tây là hoa sen,  Phật Bất Không Thành Tựu phương Bắc là Yết Ma. Còn các vị Bồ Tát cũng đều dùng Tam Muội Da để tượng trưng bản thệ của các Ngài. Hội Tam Muội Da có tất cả 73 vị Tôn mà vị trí được sắp xếp đại khái cũng giống như hội Thành Thân.

c-HỘI VI TẾ

Cũng gọi là hội Yết Ma, hội Kim Cương Vi Tế: Pháp Mạn Đồ La trong 4 loại Mạn Đồ La. Tức thân Tam Muội Da của chư Tôn đều hòa nhập vào nhau để hiển bày nghĩa “Đức tính của một vị Tôn có đầy đủ đức tính của các vị Tôn”, cho nên Mạn Đồ La nầy biểu thị chư Tôn đều có đầy đủ trí dụng vi tế của 5 trí. Hội nầy tổng cộng có 73 vi Tôn.

d-HỘI CÚNG DƯỜNG

Cũng gọi là Hội Đại Cúng Dường. Là Yết Ma Mạn Đồ La trong 4 loại Mạn Đồ La. Hội nầy trình bày nghi thức chư Tôn cúng dường lẫn nhau, cho nên, ngoại trừ 5 đức Phật, còn có các vị Bồ Tát khác đều nắm tay trái, tay phải cầm hoa sen, trên hoa đặt hình Tam Muội Da. Hội nầy cũng có tất cả 73 vị Tôn.

e-HỘI TỨ ẤN

Biểu thị nghĩa “Tứ mạn bất li”, tức hội nầy bao quát tất cả 4 loại Mạn Đồ La. Hình vẽ là: Đức Đại Nhật Như Lai ở chính giữa, 4 phương vẽ 4 vị: Kim Cương Tát Đỏa, Quang Âm, Hư Không Tạng và Tỳ Thủ Yết Ma. Ở 4 góc của 4 vòng tròn lớn vẽ hình Tam Muội da (chày 5 chĩa, bảo châu, hoa sen, yết ma) của 4 Bồ Tát Ba La Mật và hình Tam Muội Da (chày 3 chĩa, tràng hoa, đàn không hầu, yết ma) của 4 Bồ Tát: Kim Cương Hí, Kim Cương Man, Kim Cương Ca, Kim Cương Vũ. Đức Đại Nhật Như Lai trong bức vẽ tượng trưng chỗ nương tựa của 4 loại Mạn Đồ La, còn 4 Bồ Tát Ba La Mật thì theo thứ tự tượng trưng cho 4 loại Mạn Đồ La. Hội nầy tổng cọng có 13 vị Tôn.

f-HỘI NHẤT ẤN

Biểu thị nghĩa chư Tôn của 4 loại Mạn Đồ La đều qui về tính hải bất nhị. Hình vẽ chỉ đơn thuần biểu hiện có một vị Tôn: Đức Đại Nhật Như Lai, đặc biệt được dùng trong phép tu Đại Nhật. Đại Nhật Như Lai an tọa trong Đại Nguyệt Luân ở giữa bức vẽ, đầu đội mũ báu Ngũ Phật, mình mặc áo trời màu trắng, trụ trong ấn Trí Quyền, tượng trưng nghĩa Pháp Thân duy nhất đầy đủ 5 trí.

g-HỘI LÝ THÚ

Cũng gọi là Hội Tát Đỏa, Hội Phổ Hiền. Hội nầy biểu thị nghĩa Đại Nhật Như Lai hiện thân Kim Cương Tát Đỏa đem chính pháp giáo hóa chúng sanh. Trong bức vẽ, Kim Cương Tát Đỏa đầu đội mũ báu Ngũ Trí ngồi ở chính giữa, 4 phương là 4 vị Kim Cương: Dục, Xúc, Ái, Mạn và ở 4 góc là 4 vị Kim Cương nữ: Ý Sinh, Kế Lý Cát La, Ái Lạc và Ý Khí. Viện ngoài thì vẽ 4 vị nhiếp Bồ Tát và 4 vị Bồ Tát nội cúng dường là: Kim Cương Hí, Kim Cương Man, Kim Cương Ca và Kim Cương Vũ. Nhưng vị trí của các Bồ Tát Nội cúng dường, Ngoại cúng dường của hội nầy đặc biệt khác với các hội khác, đó là biểu thị nghĩa Nội, Ngoại dung hợp, không ngăn ngại. Hội nầy có tất cả 17 vị Tôn.

h-HỘI HÀNG TAM THẾ YẾT MA

Gọi tắt là Hội Hàng Tam Thế: Biểu thị nghĩa Đại Nhật Như Lai hiện thân giận dữ để hàng phục những chúng sanh ương ngạnh khó dạy. Trong bức vẽ, đức Đại Nhật Như Lai an trú trong ấn Trí Quyền, ngự ở chính giữa, hiện tướng hàng phục 4 loài ma (Ngủ ấm ma, Phiền não ma, Tử ma, Thiên ma). Bốn phương là 4 vị Phật và 16 vị Bồ Tát cùng đều nắm tay và hiện tướng giận dữ, nhất là Kim Cương Tát Đỏa thị hiện thân hình đặc biệt khác lạ, đó là tướng Minh Vương phẫn nộ hàng tam thế với 3 mặt 8 tay. Ở 4 góc của Kim Cương bộ ngoài, vẽ 4 vị Đại Minh Vương: Kim Cương Dược Xoa, Quân Đồ Lợi, Đại Uy Đức và Bất Động, hoặc vẽ hình tướng 4 bà vợ của 4 vị Đại Minh Vương là: Sắc, Thanh, Hương, Vị. Hội nầy tổng cọng có 77 vị Tôn

i-HỘI HÀNG TAM THẾ TAM MUỘI DA

Biểu thị nghĩa bản thệ của đức Đại Nhật Như Lai là hàng phục trời Đại Tự Tại. Cách bài trí chư Tôn trong hội nầy hoàn toàn giống với hội Hàng Tam Thế ở trên, chỉ có vị trí của hình Tam Muội Da là khác nhau mà thôi. Bởi vì Hội Hàng Tam Thế thì biểu hiện thân tướng đầy đủ sự nghiệp của chư Tôn mà hội nầy thì biểu hiện đức nội chứng  của chư Tôn. Trong bức vẽ, hình Tam Muội Da của Kim Cương Tát Đỏa là bánh xe có 8 căm (nan hoa) là một khí cụ dùng để phá dẹp, tượng trưng cho tâm bồ đề thanh tịnh kiên cố sẵn có của chúng sinh. Còn trời Đại Tự Tại trong bức vẽ thì tương trưng cho căn bản vô minh, bởi thế, hội nầy biểu hiện uy nghi dùng ánh sáng của trí tuệ thanh tịnh xua tan bóng tối vô minh ô nhiễm trong nội tâm của hành giả.

Nếu nói theo môn thượng chuyễn “Từ nhân hướng tới quả”  thì ý nghĩa của các hội là biểu thị thứ tự tu hành của Bồ Tát hoặc của hành giả Chân Ngôn, tức là thứ tự đoạn trừ hoặc chướng và khai phát tâm địa như sau:

i/1-Hội thứ nhất, đảo ngược thứ tự mà chỉ cho hội  Hàng Tam Thế Tam Muội Da, tức là Minh Vương Hàng Tam Thế tự hiện hình Tam Muội Da, hàng phục 3 độc Tham, Sân, Si để dẹp trừ chướng nạn gây trở ngại cho việc hành đạo.

i/2-Do hình Tam Muội Da biến làm thân Yết Ma hiện tướng đại phẫn nộ, chân trái đạp lên trời Đại Tự Tại, tượng trưng đoạn trừ phiền não chướng. Chân phải đạp lên Ô Ma (vợ của trời Đại Tự Tại), tượng trưng đoạn trừ sở tri chướng. Đây tức là Hội Hàng Tam Thế Yết ma.

i/3-Đại hội trước đã trừ 3 độc, 2 chướng, mà ngộ

được lý thú Bát Nhã. Như vậy, tất cả 17 vị Tôn bao gồm Dục, Xúc, Ái, Mạn, v.v…tượng trưng cho tâm trong, cảnh ngoài đều thị hiện cái thể của Bát Nhã ngay từ ban đầu vốn chẵng sinh. Đây tức là hội Lý Thú.

i/4-Khi pháp quán Ngũ Tướng Thành Thân được thành tựu, thì tự thân hành giả tức là thể của bản thôn Đại Nhật Như Lai thu nhiếp tất cả chư Tôn vào một thể duy nhất. Đây tức là Hội Nhất Ấn.

i/5-Hành giả phải được sự gia hộ của 4 vị Phật thì mới có thể quyết định thành Phật, lúc ấy, 4 vị Phật hiện ra trước, vây quanh Đức Đại Nhật Như Lai. Đây tức là Hội Tứ Ấn.

i/6-Các vị Tôn đều dâng mũ báu, tràng hoa v.v…cúng dường Đức Đại Nhật Như Lai để biểu hiện nghi thức cúng dường chư Phật. Đây tức là Hội Cúng Dường.

i/7-Do chư Tôn hiển hiện Tha Thụ Dụng Thân mà có  Hiện Trí Thân, Kiến trí thân, Tứ minh, v.v… để hiển bày tướng vào khắp trong Thiền định kim cương vi tế. Đây tức là hội vi tế.

i/8-Trong Đạo Tràng Quán

Trong đạo tràng quán kết ấn Như Lai quyền, từ văn tự chủng tử mà chuyển biến thành hình Tam muội da. Đây tức là hội Tam muội da.

i/9-Hội Yết Ma

Từ hình Tam muội da chuyển biến mà thành thân Yết ma của Tỳ Lô Giá Na Như Lai. Đây tức là hội Yết Ma.

Toàn thể 9 bộ tổng cọng có 1461 vị Tôn, gồm 136 vị Phật, 297 vị Bồ Tát, 4 vị Tôn hiện thân giận dữ, 4 vị thần Chấp kim cương và 120 vị Tôn thuộc Kim cương bộ ngoài.

Ngoài thứ tự của các hội được sắp xếp như trên ra, còn có nhiều thuyết khác, trong đó có thuyết Mạn đồ la biểu thị “Tự chứng hóa tha chiết phục nhiếp thụ bất nhị” được sắp xếp theo thứ tự như sau: Thứ nhất hội Tát Đỏa (hội lý thú), thứ hai hội Hàng Tam Thế, thứ ba hội Hàng Tam Thế tam muội da, thứ tư hội Tứ Ấn, thứ năm hội Cúng Dường, thứ sáu hội Yết Ma (hội Vi tế), thứ bảy hội Nhất Ấn, thứ tám hội Thành thân (hội Yết Ma), thứ chín hội Tam muội da.

Thứ tự nầy biểu thị ý nghĩa từ tự chứng đi đến hóa tha, rồi từ hóa tha trở về tự chứng.

(Xem: phẩm Đại quán đỉnh mạn đồ la trong Tôn thắng Phật đỉnh tu du già pháp nghi quĩ, q.hạ; Kim cương đỉnh du già kinh thập bát hội chỉ qui; Hiện đồn mạn đồ la kim cương giới chư tôn tiện lãm, q.1; Lưỡng bộ mạn đồ la nghĩa kí, q.5, q. 7; v.v…).   

12-KIM CƯƠNG GIỚI BA MƯƠI BẢY TÔN

Cũng gọi là Tháp trung ba mươi bảy Tôn. Ba mươi bảy vị Tôn được bày xếp trong hội thành thân, thuộc mạn đồ la Kim cương giới của Mật giáo.

Đó là :

a-Năm Đức Phật

Đại Nhật Như Lai, A Súc Như Lai, Bảo Sinh Như Lai, Vô Lượng Thọ Như Lai, Bất Không Thành Tựu Như Lai.

b-Bốn vị Bồ Tát Ba La Mật

Tức bốn vị thân cận đức Đại Nhật Như Lai, từ Đại Nhật Như Lai sinh ra, biểu thị đức Định của bốn đức Phật, đó là: Bồ Tát Kim Cương ba la mật, Bồ Tát Bảo ba la mật, Bồ Tát Pháp ba la mật, Bồ Tát Yết Ma ba la mật. Bốn vị Bồ Tát nầy theo thứ tự là mẹ sinh ra và nuôi nấng 4 đức Phật: A Súc, Bảo Sinh, Vô Lượng Thọ, và Bất Không Thành Tựu.

c-Mười sáu vị đại Bồ Tát

Bốn vị thân cận A Súc Như Lai: Bồ Tát  Kim Cương Tát Đỏa, Bồ Tát Kim Cương Vương, Bồ Tát Kim Cương Ái và Bồ Tát Kim Cương Hỷ.

Bốn vị thân cận Bảo Sanh Như Lai: Bồ Tát Kim Cương Bảo, bồ tát Kim Cương Quang, bồ tát Kim Cương Chàng và bồ tát Kim Cương Tiếu.

Bốn vị thân cận Vô Lương Thọ Như Lai: Bồ Tát Kim Cương Pháp, bồ tát Kim Cương Lợi, bồ tát Kim Cương Nhân, bồ tát Kim Cương Ngữ.

Bốn vị thân cận Bất Không Thành Tựu Như Lai: Bồ Tát Kim Cương Nghiệp, bồ tát Kim Cương Hộ, bồ tát Kim Cương Nha, bồ tát Kim Cương Quyền.

d-Tám vị Bồ Tát Cúng Dường

Chia ra Nội và Ngoại:

Bốn vị Nội Cúng Dường: Bồ Tát Kim Cương Hi, bồ Tát Kim Cương Man, bồ tát Kim Cương Ca và bồ tát Kim Cương Vũ. Bốn vị bồ tát nầy từ trong tâm đức Đại Nhật Như Lai thể hiện ra để cúng dường 4 vị Phật.

Bốn vị Ngoại Cúng Dường: Bồ Tát Kim Cương Hương, bồ tát Kim Cương Hoa, bồ tát Kim Cương Đăng và bồ tát Kim Cương Đồ Hương. Bốn vị bồ tát nầy từ trong tâm 4 vị Phật thể hiện ra để cúng dường đức Đại Nhật Như Lai.

e-Bốn vị Nhiếp Bồ Tát

Bồ Tát Kim Cương Câu, bồ tát Kim Cương Sách, bồ tát Kim Cương Tỏa và bồ tát Kim Cương Linh. Bốn vị bồ tát nầy từ trong tâm đức Đại Nhật Như Lai thể hiện ra, có nhiệm vụ nhiếp hóa dẫn dắt tất cả chúng sinh vào Mạn Đồ La, biểu thị đức hóa tha, trao cho pháp quả địa (quả vị).

Vấn đề xuất sinh của 37 vị Tôn, các sách Lý Thú Thích và Bí Tạng Ký như đã nói ở trên cho rằng từ trong tâm đức Đại Nhật Như Lai thể hiện ra 4 vị bồ tát Ba La Mật, từ trong tâm 4 vị bồ tát Ba La Mật thể hiện ra 4 vị Phật. Tuy nhiên,  còn có các thuyết khác như kinh Kim Cương Đính, Kim Cương Đính Du Già Tam Thập Thất Tôn xuất sinh nghĩa và Luận Bồ Đề Tâm, v.v…thì cho rằng từ trong tâm đức Đại Nhật Như Lai thể hiện ra 4 vị Phật, rồi từ trong tâm 4 vị Phật thể hiện ra 4 vị bồ tát Ba La Mật. Còn Lược thuật kim cương đính du già phân biệt Thánh vị tu chứng pháp môn thì cho rằng 36 vị Tôn đều từ trong tâm đức Đại Nhật Như Lai thể hiện ra tất cả.

Theo sách Bí Tạng Ký thì 4 vị bồ tát Nội Cúng Dường là do từ trong tâm 4 vị Phật thể hiện ra để cúng dường đức Đại Nhật Như Lai. Còn 4 vị bồ tát Ngoại Cúng Dường thì do đức Đại Nhật Như Lai dùng tâm thể hiện ra để cúng dường 4 vị Phật. Ngoài ra, 16 vị Đại Bồ Tát chủ về Tuệ Đức, nên gọi là Tuệ Môn Thập Lục Tôn. Còn 4 vị bồ tát Ba La Mật, 8 vị bồ tát Cúng Dường và 4 vị Nhiếp Bồ Tát thì chủ về Định Đức nên gọi là Định Môn Thập Lục Tôn.

(Xem kinh Đại Thừa Nhập Lăng Già , q. 7;  kinh Chư Phật Cảnh Giới Nhiếp Chân Thực, q. hạ; kinh Kim Cương Đính Du Già Trung Lược Xuất Niệm Tụng; kinh Du Già Du Ký; Kim Cương Đính Du Già kinh thập bát hội chỉ qui; Kim Cương Đính Du Già Lược Thuật Tam Thập Thất Tôn Tâm Yếu; Kim Cương Đính Liên Hoa Bộ Tâm Lược Thuật Nghi Quĩ; Kim Cương Đính Đại Giáo Vương Kinh Sớ, q. 1; v.v…).  

D-KHẢO SÁT BỐN

I-NIBBÃNA

Phần trên đã giải thích, Niết Bàn tiếng Pali là Nibbãna, tiếng Phạm gọi là Nirvãna. Theo phiên âm là Nê Hoàn, Nê viết, Niết Bàn na, Niết lệ bàn na, Nê phạ nam, Nậc phạ nam. Có nghĩa là diệt, tịnh diệt, diệt độ, tịch, vô sinh, trạch diệt, li hệ, giải thoát, viên tịch, đại viên tịch.

Niết Bàn nguyên nghĩa chỉ cho sự thổi tắt, hoặc biểu thị trạng thái thổi tắt, về sau được chuyển dụng  để chỉ lửa phiền não thiêu đốt đã bị dập tắt, là cảnh giới hoàn toàn giác ngộ. Cảnh giới nầy vượt ngoài sanh tử (mê giới), cũng là mục đích thực tiễn cuối cùng của Phật Giáo, cho nên được xếp vào một trong những Pháp Ấn gọi là Niết Bàn Tịch Tĩnh.

Sau đây là giải thích khác nhau về Niết Bàn của Tiểu Thừa và Đại Thừa.    

1-GIẢI THÍCH THEO TIỂU THỪA

Niết Bàn là trạng thái diệt hết phiền não. Trong đó chia làm Hửu Dư Y Niết Bàn và Vô Dư Y Niết Bàn. Hửu Dư Y Niết Bàn nghĩa là phiền não tuy đã diệt hết, nhưng nhục thể (tức y thân) tàn dư còn lại. Vô Dư Y Niết Bàn nghĩa là phiền não đã hết mà y thân cũng không còn. Tức là trạng thái khôi thân diệt trí. Hửu Bộ chủ trương Niết Bàn là một thực thể tồn tại. Nhưng Kinh Lượng Bộ thì cho rằng Niết Bàn chỉ là giả danh của trạng thái đã diệt hết phiền não chứ tự nó không có thực thể.

2-GẢI THÍCH THEO ĐẠI THỪA

Trung Luận chủ trương Thực Tướng là Niết Bàn, Thực Tướng cũng tức là tính không, là pháp do nhân duyên sinh ra, bởi thế Niết Bàn và sinh tử thế gian không có sai khác.

Kinh Niết Bàn quyển 3 (bản Nam) cho rằng Niết Bà có 8 vị: Thường, hằng, an, thanh tịnh, bất lão, bất tử, vô cấu và khoái lạc. Nếu đem 8 vị nầy phối hợp với 4 đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của Niết Bàn thì Thường và hằng tức là THƯỜNG, an và khoái lạc à LẠC, bất lão và bất tử là NGÃ, thanh tịnh và vô cấu là TỊNH.

Duy Thức Tông cho rằng Niết bàn có 4 loại: Bản lai tự tính thanh tịnh Niết Bàn, Hửu Dư Y Niết Bàn, Vô Dư Y Niết Bàn và Vô Trụ Xứ Niết Bàn. Trong đó, Bản lai tự tính thanh tịnh Niết Bàn (gọi tắt: Bản lai thanh tịnh Niết Bàn, Tính tịnh Niết Bàn) là chỉ cho Chân Như. Nghĩa là tướng của hết thảy sự vật xưa nay vốn là lý thể của Chân Như vắng lặng. Vô trụ xứ Niết Bàn là nương vào trí tuệ mà xa lìa phiền não chướng và sở tri chướng, không bị vướng mắc trong cõi mê sinh tử. Lại vì lòng Đại Bi nên hoạt động trong cõi mê để cứu giúp chúng sinh mà không bị kẹt nơi cảnh giới Niết Bàn. Đây là một đặc sắc về Niết Bàn của Phật Giáo Đại thừa.

Tông Địa Luận và tông Nhiếp Luận chia Niết Bàn làm 2 loại: Tính Tịnh Niết Bàn và Phương Tiện Tịnh Niết Bàn.

Tông Thiên Thai thì chia Niết Bàn làm 3 loại: Tính Tịnh Niết Bàn, Viên Tịnh Niết Bàn và Phương Tiện Tịnh Niết Bàn (cũng gọi là Ứng hoá Niết Bàn - Đức Phật vì cứu độ chúng sinh nên thị hiện thân giả huyễn, khi nhân duyên độ sinh đã hết thì vào Niết Bàn).

Tông Tịnh Độ gọi thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà là Thành Niết Bàn, cũng gọi là Vô Vi Niết Bàn Giới.

Hàng Thanh Văn, Duyên Giác vào Vô Dư Niết Bàn, sau đó lại hồi tâm chuyễn hướng, Đại Thừa Giáo gọi là Vô Hoàn Sinh. Đồng thời Niết Bàn là xa lìa tướng trạng sai biệt của hết thảy các pháp nên cũng gọi là Lý Tướng.

(Xem kinh Tạp A Hàm q.18;  kinh Niết Bàn q.33 (bản Bắc); phẩm Như Lai Thọ Lượng trong kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương; luận Đại Tỳ Bà Sa q.28, 33, 34; luận Câu Xá q.6; v.v…).

II-NIẾT BÀN BỘ

Bộ thứ năm trong 5 bộ kinh lớn của Đại Thừa.

Khai Nguyên Thích Giáo Lục quyển 11

Gọi 6 bộ kinh, gồm 58 quyển sau đây là Niết Bàn Bộ:

1-KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

40 quyển, do ngài Đàm Vô Sấm dịch vào đời Bắc Lương.

2-KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN HẬU DỊCH ĐỒ TÌ PHẦN

Gồm có 2 quyển, do các ngài Nhã Na Bạt Đà La và Hội Minh cùng dịch vào đời nhà Đường.

3-KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN

Gồm có 6 quyển, do các ngài Pháp Hiển và Giác Hiền cùng dịch vào đời Đông Tấn.

4-KINH PHƯƠNG ĐẲNG BÁT NÊ HOÀN

Gồm có 2 quyển, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn.

5-KINH TỨ ĐỒNG TỬ TAM MUỘI

3 quyển, do ngài Xà Na Quật Đa dịch vào đời Tùy.

6-KINH ĐẠI BI

5 quyển, do các ngài Na Liên Đề Da Xá và Pháp Trí cùng dịch vào đời Cao Tề.

Duyệt Tạng Tri Tân 25 quyển

Ngoài 6 bộ của Khai Nguyên Thích Giáo Lục đã ghi ở trên, còn thêm 10 bộ 63 quyển kinh sau đây:

1-KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

36 quyển, do ngài Tuệ Nghiêm sửa lại vào đời Lưu Tống.

2-KINH ĐẠI THỪA PHƯƠNG QUẢNG TỔNG TRÌ

1 quyển, do ngài Tì Ni Đa Lưu Chi dịch vào đời Tùy.

3-KINH TẾ CHƯ PHƯƠNG ĐẲNG HỌC

1 quyển, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn.

4-KINH TẬP NHẤT THIẾT PHÚC ĐỨC TAM MUỘI

3 quyển, do ngài Cưu Ma La Thập dịch vào đời Diêu Tần.

5-KINH ĐẲNG TẬP CHÚNG ĐỨC TAM MUỘI

3 quyển, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn.

6-KINH MA HA MA DA

2 quyển, do ngài Đàm Cảnh dịch vào đời Tiêu Tề.

7-KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG VÔ TƯỞNG

6 quyển, do ngài Đàm Vô Sấm dịch vào đời Bắc Lương.

8-KINH BỒ TÁT XỬ THAI

7 quyển, do ngài Trúc Phật Niệm dịch vào đời Diêu tần.

9-KINH TRUNG ẤM

2 quyển, do ngài Trúc Phật Niệm dịch vào đời Diêu Tần.

10-KINH LIÊN HOA DIỆN

2 quyển, do ngài Na Liên Đề Da Xá dịch vào đời Tùy.

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh

Theo Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh thì trừ 2 bộ kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì và Tế Chư Phương Đẳng Học ghi trên ra rồi thêm 9 bộ kinh sau:

1-KINH ĐẠI VÂN VÔ TƯỞNG

9 quyển, do ngài Trúc Phật Niệm dịch vào đời Diêu Tần.

2-KINH PHẬT THÙY BÁT NIẾT BÀN LƯỢC THUYẾT GIÁO GIỚI

1 quyển, do ngài Cưu Ma La Thập dịch vào đời Diêu Tần.

3-KINH MẬT LÂM NIẾT BÀN KÝ PHÁP TRỤ

1 quyển, do ngài Huyền Trang dịch vào đời Đường.

4-KINH BÁT NÊ HOÀN HẬU QUÁN LẠP

1 quyển, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào đời tây Tấn.

5-KINH PHẬT DIỆT ĐỘ HẬU QUAN LIỆM TÁNG TỐNG

1 quyển, mất tên người dịch.

6-KINH CA DIẾP PHÓ PHẬT BÁT NIẾT BÀN

1 quyển, do ngài Trúc Đàm Vô Lan dịch vào đời Đông Tấn.

7-KINH PHẬT NHẬP NIẾT BÀN MẬT TÍCH KIM CƯƠNG LỰC SĨ AI LUYẾN

1 quyển, mất tên người dịch.

8-KINH DƯƠNG LAI BIẾN

1 quyển, do ngài Trúc Pháp hộ dịch vào đơi Tây Tấn.

9-KINH PHÁP DIỆT TẬN

1 quyển, mất tên người dịch.

Tổng cộng Niết Bàn Bộ gồm có 23 bộ Kinh, 127 quyển.

(Xem: Đại Tạng Kim Cương Mục Chỉ Yếu Lục, q.3; Trinh Nguyên Tân Định Thích Giáo Mục Lục, q.21; v.v…).

III-NIẾT BÀN PHẦN

Chỉ cho phần vị của Niết Bàn, cũng tức là nhân của Niết Bàn. Phần là nói đối lại với TOÀN và MÃN.

Vãng Sinh Luận Chú, quyển hạ, của ngài Đàm Loan cho rằng người phàm phu tuy có phiền não nhưng cũng được vãng sanh, nghiệp trói buộc trong ba cõi không thể lôi kéo được. Tức là không dứt phiền não mà vẫn được Niết Bàn Phần.

Niết Bàn Phần gồm có 3 nghĩa:

1-CHƯA TRÒN ĐỦ

Do nghĩa chưa tròn đủ nên chỉ chứng được một phần Niết bàn.

2-DO NGHĨA NHÂN

Do nghĩa Nhân mà được Niết Bàn, tức là Nhân phần Niết Bàn.

3-DO NGHĨA TRÒN ĐỦ

Do nghĩa tròn đủ vô ngại mà chứng Niết bàn, cũng tức là toàn phần vô ngại.

(Xem: Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký, q.5; Thành Duy Thức Luận Qui Kính Tự; v.v…).

IV-NIẾT BÀN SƠN

1-NIẾT BÀN SƠN

Núi Niết Bàn. Trong kinh Phật, Núi thường được dùng để ví dụ Niết Bàn và sông ví dụ sinh tử. Vì thế có từ  “Sông Sinh Tử”, “Núi Niết Bàn”.

Kinh Thiên Thủ (Đại 20, 106 hạ) viết: “Kính lạy đức Đại Bi Quan Thế Âm, con nguyện sớm lên núi Niết Bàn”.

2-NÚI NIẾT BÀN

Đức Phật nhập Niết Bàn giống như mặt trời khuất sau núi, cho nên núi được dùng để ví dụ Niết Bàn.

Đại Nhật Kinh Sớ, quyển 20 (Đại 39, 788 trung) viết: “củi duyên của chúng sinh đã hết, thì lửa phương tiện của Như Lai cũng tắt cho nên nhập Niết Bàn. mặt trời Phật đã ẩn sau núi Niết Bàn, vì vậy thế gian tối đen”.  

  

V-NIẾT BÀN TÔNG

Còn gọi là Thường Tu Đa La Tông, Niết Bàn Học Phái.

Tên tông phái y cứ vào kinh Niết Bàn mà được thành lập, tổ khai sáng là ngài Đàm Vô Sấm, một trong 13 tông phái ở trung Quốc, hoằng truyền giáo chỉ  “hết thảy chúng sinh đều có Phật Tính” và “Như Lai thường trụ không có biến đổi”.

Trước hết, Pháp sư Đạo Sinh học trò của ngài Cưu Ma La Thập, nghiên cứu 6 quyển kinh Đại Bát Niết Bàn do các ngài Pháp Hiển và Phật Đà Bạt Đà La cùng dịch vào đời Đông Tấn, nêu ra luận thuyết “Xiển Đề thành Phật”, bị các học giả bài bác kịch liệt, sư phải lánh xuống miền Nam, sang lập chùa Long Quang tại Kiến Khang, sau lại dời đến Lô Sơn. Ba năm sau, tức là vào năm Vinh sơ thứ 2 (421) đời Vũ Đế nhà Lưu Tống, ngài Đàm Vô Sấm ở Lương Châu dịch kinh Đại Bát Niết Bàn 40 quyển, trong đó nêu rõ thuyết “Xiển Đề thành Phật”, bấy giờ các học giả mới thán phục thuyết của Pháp Sư Đạo Sinh và học theo luận thuyết của ngài.   

Trong Pháp Hoa Kinh Sớ quyển  thượng của mình ngài Dạo Sinh lập thuyết “Tứ Chủng Pháp Luân” , xiển dương diệu lý thường trụ trong kinh Niết Bàn và gọi đó là “Đệ Tứ Vô Dư Pháp Luân” . Ngài Đàm Vô Sấm thì chẳng những theo đuổi sự nghiệp phiên dịch, mà còn hết lòng hoằng truyền, giảng thuyết để đẩy mạnh việc nghiêng cứu kinh Niết Bàn. Các ngài Đạo Lãng, Sùng Trí v.v…cũng ra sức giúp đỡ ngài Đàm Vô Sấm trong sự nghiệp nầy. Trong Đại Thừa Huyền Luận quyển 3, ngài Cát Tạng có đề cập đến Niết Bàn Nghĩa Sớ do ngài Đạo Lãng soạn, giải thích về bản dịch kinh Niết Bàn của ngài Đàm Vô Sấm và đề xướng thuyết Trung Dạo là Phật Tính. Ngoài ra ở miền Nam có ngài Tuệ Quán ở chùa Đạo Tràng tiếp nối chí nguyện của ngài Đàm Vô Sấm, muốn tìm kiếm kinh Niết Bàn bản tiếng Phạm, sau đó có các ngài Đạo Phổ… đi Tây Trúc tìm cầu nhưng không đạt được mục đích. Bấy giờ, các ngài Tuệ Quán, Tuệ Nghiêm và cư sĩ Tạ Linh Vận cùng vâng sắc của vua Văn Đế đời Lưu Tống, tham cứu kinh Đại Bát Nê Hoàn do các ngài Pháp Hiển và Phật Đà Bạt Đà La cùng dịch, kinh Đại Bát Niết Bàn do ngài Đàm Vô Sấm dịch, châm chước sửa chữa, nhuận sắc và sắp xếp lại các phẩm mục mà thành kinh Nam Bản Niết Bàn gồm có 36 quyển, đối lại với kinh Bắc Bản Niết Bàn do ngài Đàm Vô Sấm Dịch. Từ đó miền Bắc dùng Bắc bản, miền Nam dùng Nam bản.  

Trong khoảng các đời Tống, Tề, Lương, Tùy…có nhiều học giả nối gót nhau nghiêng cứu, chú giải, giảng thuyết kinh Niết bàn, tạo thành nền học vấn rực rỡ một thời. Lương Vũ Đế đặc biệt tôn sùng kinh Niết Bàn. Nhà vua thường tuyên giảng kinh nầy tại chùa Đồng Thái và tu sám pháp Niết Bàn. Năm Thiên Giám thứ 8  (509) vua sắc lệnh ngài Bảo Lượng soạn bộ Niết Bàn Kinh Nghĩa Sớ hơn 10 vạn lời.

Sang đời Tùy có các ngài Đàm Diên, Tuệ Viễn, Đại Xướt, Pháp Lệ…

Đến đời Đường có các ngài Linh Nhuận, Đạo Hồng, Đạo Tuyên, Pháp Bảo…tiếp tục giảng thuyết và truyền bá rộng rãi kinh Niết Bàn. Những chú sớ về kinh Niết Bàn của các học giả thời ấy được ngài Bảo Lượng thu tập thành bộ Đại Bát Niết bàn Kinh Tập Giải, 71 quyển, còn được truyền đến ngày nay, nhờ đó mà biết được học thuyết thành lập tông Niết Bàn của các học giả đương thời.      

Về phán giáo của tông Niết Bàn, đầu tiên có ngài Tuệ Quán chủ trương kinh Niết Bàn là giáo pháp tột bậc của đức Phật, đề xướng ngũ thời phán giáo, đây là lập thuyết theo Ngũ Vị (nhũ, lạc, sinh tô, thục tô, đề hồ) trong kinh Niết Bàn.

Niết Bàn kinh tập giải quyển 35, dựa theo thuyết của ngài Tăng Lượng, cho rằng Phật Giáo phát khởi từ Tiểu Thừa, nên dùng Nhũ ví dụ cho Tam Tạng.

Nhũ, Thiên Thai Tông lấy 5 vị so sánh với 5 loại kinh Phật trong đó Nhũ vị (vị Sữa tươi) sánh với kinh Hoa Nghiêm, nên gọi kinh Hoa Nghiêm là Nhũ Kinh. Pháp Hoa Huyền Nghĩa, q.2, viết: “Nhũ Kinh (…) vừa rộng lớn, vừa huyền diệu”.

Lạc (Dadhi, chất tinh chế từ sữa bò đã cô đặc lại giống như sữa chua, ya-ua ; kinh Niết Bàn quyển 10 viết: “Thanh Văn như sữa, Duyên Giác như Lạc”. Lạc còn có nghĩa là Sukha, gặp cảnh tốt duyên tốt thân tâm được vui vẻ thì gọi là Lạc. Luận Phật Đại q.5, viết: “Thân tâm vui vẻ thì gọi là Lạc”) ví dụ cho thuyết về Tam Thừa.

Sinh Tô cũng chế biến từ sữa nhưng đặc giống như Crem, ví dụ cho kinh Phương Đẳng.

Thục Tô giống như Bơ, ví dụ cho kinh Bát Nhã.

Đề Hồ giống như phó-mát, ví dụ cho kinh Niết Bàn.

Như vậy Ngũ Thời gồm có: Tiểu Thừa, Tam Thừa, Phương Đẳng, Bát Nhã và Niết Bàn.

Ngài Tăng Tông thì đem chia giáo pháp do đức Phật nói trong một đời làm 5 thời: Tiểu Thừa, Tam Thừa Thông Giáo, Tư Ích Duy Ma, Pháp Hoa và Niết bàn. Ngài Bảo Lượng thì đem ngũ thời: Tiểu Thừa Thông Giáo, Duy Ma Tư Ích, Pháp Hoa, Niết Bàn phối hợp với Ngũ Vị: Nhũ, Lạc, Sinh Tô, Thục Tô, Đề Hồ giải thích tỷ mỷ rõ ràng.

Sau đây giải thích thêm về thuyết Ngũ Vị so sánh với 5 thời thuyết giáo của đức Phật thông thường được nói trong các Kinh Phật Giáo.

Ngũ Vị là chỉ cho 5 món ăn, uống được chế biến từ sữa bò mà ra, phẩm vị có khác nhau từ thấp đến cao. Năm vị đó là: Nhũ Vị là sữa tươi chưa chế biến gì cả. Lạc Vị là sữa đặc lại giống như sữa chua hay ya-ua. Sinh Tô Vị giống như Crem. Thục Tô Vị giống như Bơ. Đề Hồ giống như phó-mát.

Theo kinh Niết Bàn, khi đức Phật nói tới 5 vị của sữa v.v…ngài đã lấy Đề Hồ Vị là món ngon nhất bổ nhất trong Ngũ Vị để ví với kinh Niết Bàn là kinh vi diệu nhất, có thể khiến người tu Phật đạt tới quả Phật Thế Tôn là quả vi diệu nhất, có thể đưa họ tới cảnh Đại Niết Bàn của Đức Phật. Đại sư Thiên Thai bèn nhân đó mà phân định ra trình tự công cuộc giáo hóa trong suốt một đời của đức Như Lai thành 5 thời kỳ gọi là Ngũ Thời Giáo (năm thời kỳ giáo hóa) đồng thời dùng 5 vị để ví với năm thời kỳ đó.

Cách ví dụ nầy bao hàm hai ý nghĩa: Một là để ví với trình tự nảy sinh, trình tự tiến hành của Ngũ Thời Thuyết Giáo.

Hai là để ví với quá trình căn cơ thuần thục dần dần của những người được thụ giáo.

Thí dụ về Ngũ Vị nói trên gồm có:

1-NHŨ VỊ

Vị sữa tươi mới vắt ra, để ví với thời kỳ đầu tiên gọi là Hoa Nghiêm Thì (thời Hoa Nghiêm), thời kỳ mà lần đầu tiên trong đời giáo hóa, đức Phật thuyết giảng kinh Hoa Nghiêm. Thời kỳ nầy, căn cơ Nhị Thừa còn chưa thuần thục, còn rất loãng nhạt, giống hệt như sữa tươi mới vắt ra.

2-LẠC VỊ

Vị sữa cô đặc chế từ sữa tươi, ví với thời kỳ đức Phật thuyết kinh A Hàm ở Vườn Nai cho hạng căn cơ Tiểu Thừa sau thời Hoa Nghiêm. Thời kỳ nầy được gọi là Lộc Uyển Thì (thời Lộc Uyển) hoặc A Hàm Thì (thời A Hàm).

3-SINH TÔ VỊ

Vị chế từ sữa đặc ra. Ví với thời kỳ đức Phật thuyết kinh Phương Đẳng được gọi là Phương Đẳng Thì, sau thời Lộc Uyển. Lúc nầy căn cơ Tiểu Thừa đã thuần thục và trở thành căn cơ Đại Thừa Thông Giáo.

4-THỤC TÔ VỊ

Vị chế từ Sinh Tô (crem) ra giống như bơ. Ví với thời kỳ đức Phật thuyết giảng kinh Bát Nhã, được gọi là Bát Nhã Thì, sau thời Phương Đẳng. Thời kỳ nầy căn cơ Đại Thừa Thông Giáo đã thuần thục và trở thành căn cơ Đại Thừa Biệt Giáo.

5-ĐỀ HỒ VỊ

Vị tinh chế từ Thục Tô, giống như phó-mát. Ví với thời kỳ đức Phật thuyết kinh Pháp Hoa và kinh Niết Bàn, được gọi là Pháp Hoa Niết Bàn Thì sau thời Bát Nhã. Thời kỳ nầy căn cơ Đại Thừa Biệt Giáo đã thuần thục và trở thành căn cơ Đại Thừa Viên Giáo.

(Tham khảo: kinh Niết Bàn q.14. Ví dụ 5 Vị nầy có hai loại: ví với người và ví với pháp. Ví với người thì như trong kinh Niết Bàn, q.10 viết: “Đức Phật dạy rằng: nầy thiện nam tử! Thanh Văn như Nhũ (sữa tươi), Duyên Giác như Lạc (sửa cô đặc), Bồ Tát như Sinh Thục Tô (crem, bơ), chư Phật Thế Tôn giống như Dề Hồ (phó-mát)”.  Ví với Pháp thì trong kinh Niết Bàn , q.14, ví 5 Vị đó với các kinh Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, Niết Bàn như trên đã nói. Thêm nữa trong kinh Lục Ba La Mật đã ví 5 Vị đó với 5 Tạng Kinh, Luật, Luận, Bát Nhã và Tổng Trì; xem thêm Ngũ Thì Giáo).  

Tóm lại, thứ tự phán giáo 5 Thời của tông nầy tức là thứ tự về giá trị và cho đó là giáo pháp chân thực tột cùng, là bản hoài xuất thế của đức Phật. Và các thuyết như: Tất cả chúng sinh đều có Phật Tính; Xiển Đề đều được thành Phật; Phật có 4 đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh và Như Lai Tạng…là những giáo pháp chủ yếu của Tông Niết Bàn.

Đến khi tông Thiên Thai hưng khởi, ngài Trí Khải dùng giáo quán của chính mình làm chuẩn và dùng kinh Niết Bàn bổ trợ thêm cho kinh Pháp Hoa, chỉ xem kinh Niết Bàn là giáo pháp “lượm lặt” (nghĩa là giáo pháp chỉ cứu độ những người mà kinh Pháp Hoa còn bỏ sót). Từ đó về sau, những người thuyết giảng và truyền bá kinh Niết Bàn một cách độc lập, mỗi ngày một ít đi, cuối cùng thì hết hẳn. Hiện nay chỉ có Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn còn truyền thừa kinh nầy. Nhưng chỉ truyền tông chỉ và giáo lý và tôn thờ như một tín ngưỡng phổ thông vậy thôi chứ không có nét gì đặc biệt của một tông phái.

(Tham khảo: Bà Tẩu Bàn Đậu Pháp Sư Truyện; Đại Bát Niết Bàn Kinh Tập Giải, q.1; Xuất Tam Tạng Ký Tập, q.8,12; Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa, q.10; Quảng Hoàng Minh Tập, q.28; Ngũ Thời Giáo, Niết Bàn v.v…).   

VI-NIẾT BÀN TỨ CHỦNG ĐẠI LẠC

Bốn niềm vui lớn của Niết Bàn.

Theo kinh Đại Bát Niến Bàn quyển 23 (Bắc bản) thì Niết Bàn có 4 niềm vui lớn, đó là:

1-VÔ KHỔ LẠC

Không có khổ. Vui cái vui của thế gian chính là nguyên nhân của khổ. Niết Bàn không có khổ, vui; vì đã dứt được khổ và vui của thế gian.

2-ĐẠI TỊCH TĨNH LẠC

Niềm vui tịch lặng. Nghĩa là tính của Niết Bàn xa lìa tất cả các pháp ồn ào, náo loạn.

3-ĐẠI TRI LẠC

Niềm vui hiểu biết rộng lớn. Nghĩa là chư Phật, Như Lai có trí tuệ rộng lớn, thấy biết tất cả các Pháp.

4-BẤT NĂNG HỦY HOẠI

Niềm vui không bị hủy hoại. Nghĩa là thân của Như Lai giống như kim cương, không thể hủy hoại được, chứ không phải là thân của phiền nảo vô thường. Vì thân bất hoại nên là vui lớn.

VII-NIẾT BÀN TƯỚNG

Chỉ cho tướng nhập diệt của đức Thế Tôn, một trong 8 tướng thành đạo của đức Phật.

Sau 45 thuyết pháp hóa độ chúng sinh, nhân duyên hóa độ đã mãn, đức Phật đến khu rừng cây Sa La bên bờ sông Bạt Đề gần thành Câu Thi Na, nước Trung Thiên Trúc, giảng kinh Đại Bát Niết Bàn trong một ngày đêm. Sau đó đức Phật nằm nghiêng bên hông phải, đầu quay về hướng Bắc, mặt xoay về hướng Tây, vào Tứ Thiền rồi nhập định mà nhập diệt. Bấy giờ các cây Sa La ở bốn bên nở toàn hoa màu trắng, giống như đàn chim bạch hạt đang đậu trên cây.

Bấy giờ tôn giả Đại Ca Diếp và 500 vị đệ tử Phật đang ở trong núi Kỳ Xà Quật, gần thành Vương Xá, biết tin đức Phật nhập diệt, liền đến đảnh lễ ngài lần cuối cùng. Bảy ngày sau, các lực sĩ thuộc chủng tộc Mạc La (Phạm, pãli: Malla) ở thành Câu Thi Na, rước kim quan của Phật đến nơi đồ tì, chất củi chiên đàn đề thiêu, 7 ngày mới cháy hết. Vua chúa các nước đến chia nhau lấy xa lợi, đưa về xây tháp cúng dường.

(Tham khảo: kinh Trường A Hàm q.4; Tứ Giáo Nghĩa q.7 v.v…).

VIII-NIẾT BÀN TƯỢNG

Cũng gọi là Niết Bàn Đồ, Ngọa Phật Tượng, Thụy Phật Tượng, Tẩm Thích Ca.

Tượng Niết Bàn, thông thường vẽ hoặc khắc hình đức Thế Tôn nằm nghiêng bên phải trên bảo đài, giữa 4 cây Sa La, đầu đặt trên gối quay về hướng Bắc, dáng như nằm ngủ, bên cạnh có các vị Bồ Tát, đệ tử Phật, quốc vương, đại thần, Thiên Bộ, Ưu Bà Tắc, quỉ thần, các loài súc sinh gồm 52 chủng loại và có cả thân mẫu đức Phật là phu nhân Ma Da ở trong số đó. Tượng Niết Bàn có thể dùng làm hội Niết Bàn.

Tại Ấn Độ, di phẩm Tượng Niết Bàn xưa nhất hiện còn là pho tượng Phật nằm bằng đá, chiều dài khoảng hơn 6 mét, được tôn trí ở nhà Niết Bàn thuộc liên tỉnh Kasia về phía tây nam (cũng là nơi đức Phật nhập diệt). Theo bài minh khắc trên tượng cho biết thì pho tượng nầy được tạc vào khoảng thế kỷ thứ V . Lại theo điều Phạm Diễn Na Quốc trong Đại Đường Tây Vực Ký quyển 1, cách đô thành nước Phạm Diễn Na 23 dặm về phía Đông, có một ngội già lam, trong đó có thờ pho tượng Phật nhập Niết Bàn, chiều dài hơn nghìn thước Tàu, vua nước nầy thường cử hành đại hội Vô Già trước tượng Niết Bàn. Tượng Niết bàn lớn hơn nghìn thước như vậy xưa nay thật ít thấy.

Ngoài ra, ở động 26 tại Ajantã cũng có pho tượng Phật Niết bàn nổi tiếng, là di phẩm được điêu khắc vào thời đại Cấp Da.

Tại Trung Quốc, tư liệu ghi chép về việc kiến tạo tượng Niết Bàn sớm nhất là Pháp Uyển Tạp Duyên Nguyên Thủy Tập Mục Lục trong Xuất Tam Tạng Ký Tập quyển 12, trong đó có nói: “Trần Thái Phi của Minh Đế nhà Tống tạo tượng Niết bàn ở chùa Pháp Luân và Tuyên Phác”. Nhưng các tượng ấy hiện nay không còn. Các pho tượng Niết Bàn tương đối nổi tiếng ở Trung Quốc hiện nay là tượng ở bức vách phía Đông của hang thứ 6 trong động Vân Cương tại Đại Đồng và tượng ở hang thứ 19 của động Thiên Phật tại Đôn Hoàng (tượng nầy được tạo lập vào đời Đường và được xem là kiệt xuất trong các tượng Niết bàn), hang thứ 120 và hang thứ 135 v.v…

(Tham khảo: Hửu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự q.38; Quảng Hoằng Minh Tập q.17; Đại Đường Tây Vực Ký q.6; Thích Ca Phương Chí q. thượng v.v…).

IX-NIẾT BÀN GIỚI

Giới Niết Bàn. Giới có 3 nghĩa:

1-HÀM TÀNG

Niết Bàn có thể chứa góp muôn đức vô vi.

2-NHÂN

Niết Bàn có thể làm nhân sinh ra mọi việc lợi lạc ở thế gian và xuất thế gian.

3-BỜ CÕI

Niết Bàn tuy không có bờ cõi, nhưng đối lại với cõi sinh tử mà gọi Niết Bàn là cõi Niết Bàn.

(Tham khảo: kinh Tăng Nhất A Hàm q.12; Luận Thành Duy Thức q.hạ v.v…) .

X-CỬA NIẾT BÀN

1-CỬA NIẾT BÀN

Chỉ cho Tịnh Độ Cực Lạc, là chỗ chứng được diệu quả Niết Bàn.

2-HẠNH NIỆM PHẬT

Chỉ cho hạnh niệm Phật và lòng tin đối với bản nguyện của đức Phật A Di Đà. Tông Tịnh Độ chủ trương hạnh niệm Phật và lòng tin có khả năng chứng được quả Niết Bàn, cho nên gọi là Niết Bàn Môn.

3-CỬA PHƯƠNG BẮC CỦA MẠN ĐỒ LA

Niết Bàn Môn chỉ cho cửa phương Bắc của Mạn Đồ La Kim Cương Giới và Thai Tạng Giới Mật Giáo.

Trong Lưỡng Giới Mạn Đồ La đều có 4 cửa ở 4 phương, trong dó, cửa phương Bắc là Niết Bàn Môn, được phối với Thành Sở tác Trí trong 4 Trí (Đại Viên Kính Trí, Bình Đẳng Tánh Trí, Diệu Quán Sát Trí, Thành Sở tác Trí) với  TỊNH trong 4 Đức (Thường, Lạc, Ngã, Tịnh), với  NHẬP trong 4 Tri Kiến Phật (Khai, Thị, Ngộ, Nhập) và với mùa Đông trong 4 mùa.

XI-NIẾT BÀN HỘI    

Cũng gọi là Thường Lạc Hội, Niết Bàn Kị, Phật Kị.

Pháp hội được cử hành hằng năm vào ngày đức Phật nhập Niết Bàn.

Về ngày đức Phật nhập Niết Bàn, các nước theo Phật Giáo Đại Thừa như Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản…đều cho rằng đức Phật nhập diệt vào ngày 15 tháng 2 âm lịch (riêng Nhật Bản gần đây đổi dùng dương lịch) và gọi là ngày lễ Niết Bàn. Cho nên hàng năm đến ngày nầy các chùa đều cử hành pháp hội, treo bức tranh đức Phật Niết Bàn và tụng kinh Niết Bàn, kinh Di Giáo đề tưởng niệm ngài.

Tại Trung Quốc, tư liệu ghi chép về hội Niết Bàn sớm nhất là Phật Tổ Thống Kỉ quyển 33. Sách nầy (Đại 49, 319 trung) viết: “Đức Như Lai nhập diệt vào ngày tháng 2 Chu Mục Vương53, tại các già lam đều có thiết lễ cúng dường, gọi là Phật ky”.

Tại Nhật Bản hội Niết Bàn thông thường có thêm 4 pháp hội nữa là: Niết Bàn giảng, La Hán giảng, Di Tích giảng, và Xá Lợi giảng. Đơn giản nhất cũng phải tổ chức một trong4 giảng nầy.

(Tham khảo: Điều Phạm Diễn Na Quốc trong sách Đại Đường Tây Vực Ký q.1; Quảng Hoằng Minh Tập q.28; Thích Thị Yếu Lãm quyển hạ; Điều Phật Thành Đạo Niết Bàn trong Sắc Tu Bách Trượng Thanh Qui q.2; Môn Bảo Đảo trong Thiền Lâm Tượng khí Tiên v.v…).

XII-NIẾT BÀN TƯỢNG MẠN ĐỒ LA

Mạn Đồ La dựa theo sự miêu tả trong các kinh mà vẽ các cảnh tượng lúc đức Phật nhập Niết Bàn như sau:

1-ĐỨC PHẬT NẰM

Đức Phật nằm nghiêng trên giường báu, 52 chúng buồn thương đứng vây chung quanh.

2-TRONG ĐÁM MÂY

Trong đám mây giữa hư không, Tôn Giả A Na Luật cầm tích trượng đứng trước và vô số người trời theo sau đang đi xuống. (Theo kinh Ma Ha Ma Da quyển hạ, sau khi đức Như Lai vào Niết Bàn, tôn giả A Na Luật lên cung trời Đao Lợi báo tin cho phu nhân Ma Da biết, nghe xong phu nhân buồn rầu tưởng nhớ và bay xuống rừng cây Sa La thăm Phật).

3-QUAY ĐẦU VỀ HƯỚNG BẮC

Đức Phật nằm quay đầu về hướng Bắc dưới cây Sa La, trên cành cây Sa La treo cái túi bát và tích trượng của đức Phật. Túi bát và tích trượng nầy đã được giao cho tôn giả A Nan trước khi đức Phật nhập diệt.

4-2 NGƯỜI GIÀ ÔM CHÂN PHẬT

Dưới chân đức Phật có 2 người già ôm chân Phật mà khóc. Họ tủi thân vì nghèo khó không thể cúng dường đức Phật.

5-MỘT VỊ TỲ KHEO NẰM BẤT TỈNH

Trước đức Phật có một vị tỳ kheo nằm bất tỉnh, đó là tôn giả A Nan vì quá buồn đau thương nhớ nên đã ngã lăn mê man trước đức Thế Tôn, chúng tăng và tôn giả A Na Luật đang an ủi ngài.

6-MỘT ĐẠI LỰC SĨ THƯƠNG KHÓC

Đại lực sĩ thương khóc chết ngất. Đó là lực sĩ Kim Cương Thuở theo hầu đức Phật.

(Tham khảo: kinh Bồ Tát Xử Thai q.1; kinh Đại Niết Bàn q.hạ; kinh Phật Nhập Niết Bàn Mật Tích Kim Cương Lực Sĩ ai luyến v.v…).


o0o

Lâm Như-Tạng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/01/2011(Xem: 5431)
Nói đến tiến trình phát triển Phật giáo là nói đến lộ trình diễntiến của Phật giáo từ lúc Phật nói bài pháp đầu tiên sau khi thành đạo cho đến bây giờ, suốt thời gian trên hai mươi lăm thế kỷ; là nói đến nơi Phật thuyết pháp lần đầu tiên cho nhóm Kiều-trần-như ở vườn Lộc Uyển cho đến bây giờ, trải qua một không gian rộng lớn từ lưu vực sông Hằng ở vùng Ấn Độ, đến miền Tây, vượt khỏi biên thùy Ấn Độ, đến Hy Lạp, Ai Cập, qua những sa mạc mênh mông, những dãy núi cao vòi vọi, những đồng bằng bát ngát, từ Trung Á đến Trung Quốc, Việt Nam, Tây Tạng, Đại Hàn, Nhật Bản, xuống Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cao Miên, Mã Lai, vượt Địa Trung Hải đến Âu châu, vượt Thái Bình Dương đến Úc châu, Mỹ Quốc. vượt Ấn Độ Dương đến Phi châu, vượt Đại Tây Dương đến Trung Mỹ, Nam Mỹ.
24/12/2010(Xem: 7080)
"Vị Trú Trì có một vai trò rất quan trọng, bởi lẽ Chùa và Niệm Phật Đường là nơi quy tụ quần chúng Phật tử, gắn bó với mọi hoạt động của con người xã hội. Sự thịnh suy của ngôi Chùa, của Niệm Phật Đường chính là sự thịnh suy của Đạo Phật tại địa phương ấy và góp phần vào sự thịnh suy chung của Phật Giáo Việt Nam..."
11/12/2010(Xem: 12350)
Trong cuộc sống hiện tại, là một con người, ai không phải suy nghĩ. Người có cuộc sống đơn giản cũng suy nghĩ về ăn uống, sinh hoạt, nghĩ về gia đình...
03/12/2010(Xem: 5232)
Một đệ tử đang ở trong tù viết thư cho Rinpoche khẩn cầu ngài ban những thực hành cho quãng đời còn lại của anh. Rinpoche đã trả lời như sau. Bài do Michelle Bernard biên tập.
27/11/2010(Xem: 1915)
Thay vì tiến hành bằng cách giải thích chỉ ra nguyên nhân tương sinh, tương ẩn như diệt, trong cách khởi đầu kệ tụng mang tính quán sát vạn hữu động trong DUY THỨC của Thế Thân được ngài Huyền Tráng dịch luận - cách giải luận về huyền học của tâm - thì đại sư Pháp Hưng (法興) đặt ngay vấn đề mang tính thế trí về hiện tượng vật lý: căn, trần, thức, là gì?
21/11/2010(Xem: 4762)
Phật Giáo và Tâm Lý Học Hiện Đại do ban biên tập của Bồ Đề Học Xã biên soạn, là một tài liệu giá trị cho những ai muốn tìm hiểu sự khác và giống giữa Phật Pháp và Tâm lý Học Trị Liệu Tây phương.
19/11/2010(Xem: 7976)
Nếu bạn hỏi ta tham dự vào việc lắng nghe, suy niệm và thiền định về giáo lý như thế nào thì câu trả lời là ta cần làm những điều đó không chỉ vì lợi ích của ta, nhưng bởi lợi lạc của tất cả chúng sinh. Như vậy bạn phát triển Bồ Đề tâm ra sao? Trước hết bạn thiền định về lòng từ ái, và sau đó là lòng bi mẫn. Làm thế nào bạn biết là mình có Bồ Đề tâm hay không? Người không phân biệt giữa bạn và thù, người ấy có Bồ Đề tâm. Điều này rất khó khăn đối với người mới bắt đầu, bạn nghĩ thế phải không? Vậy tại sao khó khăn? Từ vô thủy chúng ta đã bám chấp vào ý niệm sai lầm của cái tôi và đã lang thang suốt trong sinh tử.
17/11/2010(Xem: 15618)
Sách này có hai phần: Đạt-lại Lạt-ma tại Harvard, bao gồm các khóa trình được thực hiện tại đại học Harvard, được giáo sư Jeffrey Hopkins dịch từ Tạng sang Anh ngữ...
16/11/2010(Xem: 11121)
Hiện nay, thế giới đang có sự rối loạn, không hiểu biết, tranh cãi về bệnh tâm thần, thiền định, và sự liên hệ giữa hai đề tài này. Các chuyên gia về sức khỏe thể chất, và tâm thần cũng không hiểu rõ phạm vi nghề nghiệp của họ. Họ cũng không hiểu cái gì là thiền định. Bởi vậy đối với người bình thường họ sẽ rất bối rối.
11/11/2010(Xem: 19716)
Toàn bộ giáo lý đức Phật đều nhằm mục đích ''chuyển mê khai ngộ'' cho chúng sanh. Vì mê ngộ là gốc của khổ vui. Mê thì khổ, ngộ thì vui.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com