Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 15: Thắc mắc về vấn đề hôn nhân

06/03/201118:30(Xem: 6395)
Chương 15: Thắc mắc về vấn đề hôn nhân

NHỮNG BÍ ẨN CUỘC ĐỜI
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG 15: THẮC MẮC VỀ VẤN ĐỀ HÔN NHÂN

Khi hai người đã quyết định làm bạn trăm năm với nhau, họ tạo nên một sự phối hợp và cùng chịu những tác động chung về mặt tâm lý. Những cuộc soi kiếp của ông Cayce về vấn đề hôn nhân đưa đến cho ta một số ý niệm tổng quát về việc chọn lựa bạn trăm năm, cùng những sự liên hệ của hôn nhân trong quá khứ và tương lai.

Chúng ta có thể nói rằng trong vấn đề hôn nhân, cũng như mọi vấn đề khác, mỗi người đều có quyền tự do ý chí trong việc chọn lựa bạn trăm năm. Sự chọn lựa này chẳng khác nào như một người chọn tuyến xe buýt. Mặc dù người ấy có toàn quyền quyết định trong việc chọn lên tuyến xe nào, nhưng một khi đã chọn và bước lên xe, người ấy phải đi theo một lộ trình nhất định, một chiều hướng đã định sẵn, khác hẳn với lộ trình và chiều hướng của những tuyến xe khác. Ngoài ra, những hoàn cảnh và tiện nghi trên xe có thể không hoàn toàn đúng với sở thích của người ấy. Người tài xế có thể là một người cộc cằn thô lỗ, không khí trong xe có thể quá nóng nực, những cánh cửa sổ rất khó mở, hoặc người ngồi bên cạnh nói chuyện quá nhiều! Nói chung, có những sự việc bất ngờ có thể xảy ra trên chiếc xe này mà không xảy ra trên một chiếc xe khác. Nhưng thái độ và cách cư xử của chúng ta trong chuyến đi đều tùy nơi chính bản thân ta, và dầu cho hoàn cảnh chung quanh có diễn ra như thế nào, rốt cuộc chúng ta vẫn phải chịu trách nhiệm về thái độ và cách xử thế của mình.

Có nhiều trường hợp hôn nhân mà những cuộc soi kiếp của ông Cayce cho biết rằng do nghiệp quả gây nên. Trong trường hợp lạ lùng sau đây, thật không có một bi kịch nào đau thương hơn nữa, và những ảnh hưởng của luật nhân quả thật rất công bằng và vô cùng mầu nhiệm.

Đó là trường hợp của một thiếu phụ rất đẹp, thành hôn vào năm hai mươi ba tuổi. Nàng có đôi mắt xanh đẹp, một mái tóc vàng dợn sóng xõa xuống tận vai, một vóc người tầm thước, và một dung nhan mỹ lệ như một nữ diễn viên điện ảnh. Dầu cho vào năm bốn mươi tuổi là lúc nàng được ông Cayce soi kiếp, nàng vẫn còn có một vẻ đẹp tuyệt trần làm cho mọi người phải quay đầu nhìn và trầm trồ khen ngợi mỗi khi nàng bước vào chỗ đông người. Những bạn trai giàu có sang trọng có lẽ phải lấy làm ngạc nhiên nếu họ biết được cuộc đời tư của nàng. Trong mười tám năm kết tình chồng vợ với một nhà kinh doanh thương mãi rất có thanh thế và tiếng tăm, nàng đã trải qua một kinh nghiệm rất khó khăn và thất vọng về phương diện tình ái. Chồng nàng bị chứng bệnh bất lực. Người ta thấy ở đời cũng có những người đàn bà không hề cảm thấy dục tình và không bao giờ ham muốn những sự luyến ái trong khuê phòng; và đối với những người ấy thì tình trạng bất lực của người chồng không phải là một điều chướng ngại quan trọng lắm. Nhưng đối với người thiếu phụ kể trên, đẹp đẽ, duyên dáng, lãng mạn đa tình và tràn đầy nhựa sống, thì đó là một thảm trạng thật sự!

Thảm trạng này có thể giải quyết bằng một cuộc ly dị và sẽ chấm dứt dễ dàng, nhưng người thiếu phụ này lại không thể dùng cái biện pháp dứt khoát đó. Nàng vẫn yêu chồng và không muốn làm cho chồng đau khổ. Trong những năm đầu tiên, có một thời kỳ nàng đâm ra dan díu với những người đàn ông khác, không phải vì muốn phản bội chồng, nhưng chỉ là để thỏa mãn nhu cầu về sinh lý và tình cảm. Nhưng lần lần, nàng chế ngự được dục tình, một phần lớn là nhờ sự học hỏi đạo lý và tập tham thiền quán tưởng. Và cuộc đời nàng cứ trôi qua một cách bình thản như thế từ mười tám năm nay, trước khi cơn khủng hoảng xảy đến. Một trong những người yêu cũ của nàng trước kia lại xuất hiện trên bước đường đời của nàng.

Trong bức thơ gởi cho ông Cayce, nàng kể chuyện như sau:

“Khi chúng tôi gặp lại nhau, ngọn lửa tình lại nhen nhúm mãnh liệt trong lòng anh ấy, và tôi cũng đáp lại mối tình đó. Nhưng sức khỏe của tôi lại giảm sút trở lại như hồi trước khi tôi bắt đầu học hỏi đạo lý. Có lẽ tôi sẽ không ngần ngại mà tư tình với anh ta nếu như anh ta không có gia đình. Tôi không muốn bỏ chồng vì những lý do mà ông có thể hiểu, và cũng vì chồng tôi đã tiến bộ rất nhiều về sự cải hóa tánh tình... Có thể rằng những cảm tình của tôi đối với người đàn ông kia không phải là ái tình, mà là do tình trạng đặc biệt của gia đình tôi gây nên. Dầu sao anh ta cũng là một người có tính nết khá tốt. Anh ta yêu tôi từ thuở nhỏ, nhưng tôi không hay biết gì cả và chỉ nghe mẹ tôi nói lại. Anh ta không tỏ tình với tôi vì tự thấy còn chưa đủ sức lập gia đình. Nhưng về sau thì đã quá trễ, vì tôi đã đính hôn với chồng tôi. Tất cả những hoàn cảnh cho tôi thấy sự hành động của luật nhân quả, dường như có thể truy nguyên từ ba kiếp về trước của chúng tôi. Thỉnh thoảng, tôi đã cùng chung chăn gối với anh ta, một lẽ là vì anh ta quá yêu đương và có thể thất vọng đến hủy mình. Sau nữa, tôi hy vọng rằng làm như vậy giúp anh ta được thỏa mãn dục tình và thoát khỏi sự cuồng vọng của yêu đương... Nhưng sau cùng tôi đã đoạn tuyệt với anh ta vì tôi không muốn đóng trò giả dối với vợ anh ta và gây sự rối rắm trong gia đình họ. Tôi quen biết và cũng có cảm tình với vợ anh ta. Xã hội sẽ lên án những mối tình vụng trộm như thế. Tôi thì không muốn làm khổ một người nào. Anh ta cũng không có ác cảm với vợ, mặc dầu vợ anh ta thường giày vò đay nghiến anh ta suốt nhiều tuần không dứt. Người vợ ấy có thể sẽ làm to chuyện nếu biết được câu chuyện ngoại tình này. Chồng tôi có biết việc tôi thỉnh cầu sự giúp đỡ của ông, nhưng ông ấy không hay biết chi cả về chuyện này.”

Đó là bức thư của người thiếu phụ để giải bày tâm sự thắc mắc trong cuộc đời của cô. Câu chuyện cũng khá bi ai; nhưng cuộc soi kiếp còn tiết lộ nhiều điều bí ẩn trong cuộc đời quá khứ của người thiếu phụ, đã tạo nên tình trạng hiện nay, và cho ta thấy rằng tác động của luật nhân quả thật vô cùng chính xác và mầu nhiệm.

Trong hai kiếp về trước ở Pháp, hồi thời kỳ xảy ra cuộc Thánh chiến (Croisades), người thiếu phụ này tên là Suzanne Merceilieu, cũng là vợ của người chồng hiện nay. Ông Merceilieu, chồng cô trong kiếp đó, là một trong những người có óc phiêu lưu, và cuộc Thánh chiến ở vùng Cận Đông xa xôi càng nung nấu chí giang hồ của ông. Và cũng như nhiều người khác có lòng tín ngưỡng nhiệt thành, cuộc đời tư của ông lại hoàn toàn cách biệt hẳn với những nguyên tắc đạo đức mà ông tin tưởng và đề cao! Theo quan niệm của ông, thì Thánh địa Jérusalem, nơi an nghỉ cuối cùng của Đấng Cứu Thế, phải được giải phóng khỏi sự xâm lăng của những người “ngoại đạo.” Nhưng còn vấn đề áp dụng tình bác ái mà Đấng Cứu Thế đã dạy đối với vợ ông, thì dường như ông không bao giờ nghĩ đến!

Bởi đó, khi ông sửa soạn lên đường tham gia cuộc Thánh chiến để bảo vệ tôn giáo Gia Tô chống những kẻ “ngoại đạo”, thì đồng thời ông cũng muốn bảo vệ một chuyện khác, đó là sự trinh tiết của vợ ông. E rằng lòng tín ngưỡng tôn giáo của vợ ông không đủ nhiệt thành để giúp cho bà ấy có một sự hy sinh tuyệt đối, cũng như lòng hy sinh của chính ông, và thay vì tự an ủi bằng cách nương mình theo cửa Đạo, bà ta lại tự an ủi bằng cách nương mình trong hai cánh tay khỏe mạnh của một gã đàn ông khác, ông ta bèn dùng những biện pháp cần thiết để làm cho một sự “an ủi” như thế không thể thực hiện được. Hồi thế kỷ thứ mười hai ở Âu Châu có một dụng cụ rất hiệu quả để làm việc đó, gọi là cái đai trinh tiết mà về sau người ta cũng được biết ở Pháp vào năm 1935 và ở New York năm 1931, khi ở đây xảy ra hai vụ án về việc những người đàn bà bị chồng bắt buộc đeo cái đai trinh tiết này. Đai này gồm có những mảnh sắt và da kết lại, bao bọc phần dưới thân mình của người đàn bà, và được khóa lại bằng một ống khóa với một chìa khóa riêng, để cho người đàn bà không thể giao hợp với người đàn ông nào khác.

Chính bằng cách đó mà ông Merceilieu muốn bảo đảm cho vợ ông khỏi ngoại tình trong khi ông đi vắng. Cuộc soi kiếp của ông Cayce nói về vấn đề này như sau:

– Người này đã bị chồng nghi kỵ và bị bắt buộc phải mang một dụng cụ chướng ngại làm cho đương sự rất khổ sở bực bội.

Hai chữ “bắt buộc” hàm ý rằng bà Merceilieu không thỏa thuận về việc này từ lúc đầu. Câu sau đó cho thấy rằng về sau bà ấy còn đau khổ hơn nhiều và “quyết định sẽ trả thù khi có dịp thuận tiện”.

Sự cưỡng ép phải giữ gìn trinh tiết làm cho bà ta có những quyết định tai hại; và chính những quyết định này đã gây ra cho bà ta cái tình trạng hiện nay theo sự tác động của luật nhân quả.

Bây giờ chúng ta hãy phân tách để tìm hiểu những ảnh hưởng công bằng của luật nhân quả trong trường hợp này. Người đàn ông trong kiếp trước đã dùng một dụng cụ để gây sự chướng ngại khó khăn về tình dục cho vợ, và phải chịu quả báo bị bệnh bất lực trong kiếp này. Thật không có quả báo nào tương xứng hơn nữa.

Nhưng mới nghe qua thì hình như có sự bất công khi một người đàn bà bị áp chế một cách tàn nhẫn như thế lại phải chịu thiệt thòi về phương diện sinh lý đến hai lần. Nhưng sự bất công đó chỉ là ở bề ngoài, vì tội lỗi con người gây ra không phải chỉ là do những hành động bên ngoài mà thôi, mà còn do những ý tưởng, âm mưu, ác ý và tâm trạng tiêu cực. Người đàn bà này đã bị chồng cưỡng ép một cách bất công. Phản ứng của nàng đối với sự nghi kỵ và cách đối xử tàn nhẫn đó là một lòng căm hờn và ý nghĩ trả thù. Theo chỗ chúng ta thấy, thì lòng căm thù đó không biểu lộ ra ngoài bằng cử chỉ, nhưng quyết định trả thù vẫn có. Trong một trường hợp trước đây, chúng ta đã thấy rằng một quyết định có thể tồn tại qua nhiều kiếp sống. Quyết định trả thù sẽ tạo ra một cơ hội thuận tiện cho nàng thi hành ý định ấy.

Trong kiếp này, người thiếu phụ ấy có một sắc đẹp lộng lẫy, yêu kiều, và vô cùng hấp dẫn. Nàng kết hôn với một người đã làm khổ mình trong kiếp trước, và lần này có đủ mọi yếu tố cần thiết để làm cho chồng nàng phải phát điên lên vì ghen tuông, để hạ nhục chồng trước những bạn bè thân thuộc, hoặc gây sự đau khổ cho chồng bằng một cuộc ly dị. Nàng còn muốn gì hơn nữa? Còn cơ hội nào thuận tiện hơn nữa để trả thù một cách hoàn toàn đích đáng? Nhưng điều khác biệt lúc này là nàng đã có sự tiến bộ về phương diện đạo đức, tâm linh, và không còn nuôi ác cảm đối với bất cứ một người nào nữa.

Những bức thư của nàng từ đầu đến cuối đều biểu lộ một sự đa cảm. Nàng có thể ngoại tình, dan díu với tình nhân cũ, một sự ngoại tình mà nàng có thể che giấu chồng một cách dễ dàng. Nhưng nàng không thể chịu nổi cái ý tưởng làm khổ người vợ kia, khi người này biết được câu chuyện tình vụng trộm ấy. Bởi đó, nàng cố giữ mình. Về thể chất và tình cảm, nàng cần có sự thỏa mãn sinh lý nhưng vẫn yêu chồng và không đòi ly dị. Nàng hy sinh sự đòi hỏi của dục tình, sắc đẹp và nhựa sống của thời son trẻ để giữ một tấm lòng son sắt và trung thành.

Theo lời lẽ bí ẩn nhưng rất có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc soi kiếp thì “nàng đã gặp lại chính mình”. Thật vậy, trong tình trạng hiện tại, nàng đã gặp lại quyết định cũ thuở xưa của chính mình và đã chuộc lại lỗi cũ. Nàng đã thành công trong sự thử thách tự đặt ra cho mình từ kiếp sống trước. Kinh Thánh có nhắc lời Chúa như sau:

– Sự báo thù là ở trong tay Ta: Ta sẽ trả đủ, vì mọi sự vay trả đều phải được thanh toán sòng phẳng.

Và:

– Tai họa sẽ đến với kẻ nào chưa thanh toán xong những món nợ cũ!

Hai câu trong Kinh Thánh trên đây hàm ý rằng người ta có thể tin cậy vào luật nhân quả để trừng phạt kẻ tội lỗi; rằng người ta không cần phải băn khoăn về sự báo thù kẻ đồng loại bằng chính bàn tay của mình.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là xã hội không cần chống lại những kẻ sát nhân. Sự lên án kẻ vi phạm luật pháp là một hành động hợp lý của xã hội để duy trì nền an ninh công cộng và hạnh phúc của số đông người. Đó chỉ là sự áp dụng luật pháp một cách vô tư; và hành động lên án đó không phải là một cử chỉ báo thù.

Trong tập hồ sơ Cayce còn có một trường hợp khác về thảm kịch gia đình do việc dùng đai trinh tiết trong một kiếp của đôi vợ chồng nọ cũng vào thời kỳ Thánh chiến. Trong trường hợp này, luật nhân quả đã tác động có hơi khác hơn một chút. Theo lời tường thuật của người vợ thì chồng nàng là một người rất kiên nhẫn, hòa nhã và biết cảm thông. Tuy nhiên, sau tám năm chung sống gia đình, người đàn bà ấy vừa được ba mươi hai tuổi, vẫn luôn sợ hãi sự chung chăn gối với chồng. Người ta có thể hiểu rằng chỉ một sự kiện ấy cũng đủ làm cho tình trạng trở nên khó khăn; nhưng nó còn phức tạp hơn vì người vợ lại thầm yêu trộm nhớ và say mê một chàng ca sĩ người Ý, bạn của gia đình nàng.

Cuộc soi kiếp giải thích lý do sự sợ hãi chung chạ với chồng là do kiếp trước người đàn bà này bị chồng cưỡng ép dùng đai trinh tiết trong thời kỳ người chồng phải tùng chinh trong trận Thánh chiến. Quả báo của hành động này là người đàn ông phải có một người vợ đáp ứng thấp về mặt tình dục và rất sợ không muốn ngủ chung với ông ta!

Sự kiện người vợ chịu khổ sở vì những rối rắm trong gia đình gây nên bởi sự khủng hoảng tình dục kể trên cũng là một quả báo của cô ta. Đối với việc bị cưỡng ép mang đai trinh tiết hồi kiếp trước thì phản ứng của nàng là lòng căm thù. Và lòng căm thù tạo nên dây oan nghiệt. Cuộc soi kiếp cho biết:

– Những sự nghi nan và sợ sệt trong kiếp này là do lòng thù hận nung nấu tiềm tàng ở kiếp trước. Cái nhân xấu đó phải được tiêu trừ bằng sự thông cảm và lòng ưu ái ở kiếp này. Cô phải biết tha thứ nếu cô muốn được tha thứ. Sự say mê chàng ca sĩ có nguyên nhân là do một kinh nghiệm khác. Người ca sĩ này đã là tình nhân của nàng trong một kiếp trước ở Đông Dương.

Đáp lại câu hỏi: “Bây giờ tôi phải làm gì?”, ông Cayce nói:

– Cô hãy làm những gì phù hợp với cái lý tưởng mà cô đã lựa chọn.

Một lần khác, người ta lại thấy có yếu tố sợ hãi trong một trường hợp với nguyên nhân khác hẳn. Xét về sự đau khổ do quả báo đưa đến thì câu chuyện này thật là bi đát; nhưng theo quan điểm phân tách tâm lý thì trường hợp sau đây trình bày những tài liệu rất hay để giúp ta nghiên cứu những mối tương quan của luật nhân quả, sự di truyền và ảnh hưởng của hoàn cảnh.

Hồi đó vào năm 1926, một người đàn bà đã viết thư cho ông Cayce như sau:

“Tôi quá đau khổ đến nỗi tôi sắp sửa phát điên và tự tử. Tôi là người đàn bà vô phước nhất đời, và để làm dịu bớt đau khổ, tôi phải dùng đến chất ma túy. Mẹ tôi là người đã chịu đau đớn vô ngần vì đẻ khó hết sáu lần. Suốt đời, tôi đã từng nghe mẹ tôi nói về sự dau đớn khi sinh đẻ. Vì vậy khi tôi có chồng cách mười tám năm nay đến giờ, tôi sợ mang thai đến nỗi tôi phải ở xa người chồng yêu quý của tôi, vì tôi không thể gần gũi được với anh ấy. Tôi đã cầu nguyện; tôi đã áp dụng thử khoa tâm lý, khoa chữa bệnh thần kinh v.v... nhưng không kết quả. Ông hãy xem tôi còn có hy vọng nào chăng? Tôi muốn có con và tôi vẫn yêu chồng, nhưng sự chung chăn gối làm cho tôi sợ hãi, và bây giờ thì tệ hơn bao giờ hết, vì như tôi đã nói, tôi sẵn sàng tự tử. Tôi vừa muốn tự vẫn trong tuần này, thì nghe nói về công việc của ông...

Cuộc soi kiếp truy nguyên tấn thảm kịch của người đàn bà này ở hai kiếp về trước. Trong kiếp đó, nàng sống một cách ích kỷ, xa hoa và say mê thú vui vật chất dưới vương triều nước Pháp. Đó là một cuộc đời nhộn nhịp vui tươi, nhưng nàng đã gieo hạt giống cho tấn thảm kịch nối liền theo sau, cùng với những nhà khai thác thuộc địa đầu tiên đến Bắc Mỹ, nàng sinh hạ được sáu đứa con và về sau nhìn thấy tất cả sáu đứa con ấy đều bị thiêu sống.

Cuộc soi kiếp nói tiếp:

– Người này đã sợ sệt không dứt suốt cuộc đời kể từ khi đó. Nàng đã đánh mất hoàn toàn đức tin và nuôi lòng oán hận Chúa Trời vì không che chở cho nàng và cho các con. Bởi đó, trong kiếp này nàng sợ có con, và chịu mọi hậu quả của sự sợ sệt đó.

Tấn thảm kịch xảy ra hồi thời kỳ khai thác thuộc địa ở Bắc Mỹ có thể hiểu được. Vì chúng ta biết rằng chỉ khi thất bại về vật chất người ta mới thường quay trở về những vấn đề tâm linh. Nhưng trong khi nàng đang phải nhận lãnh quả báo thì lại gây thêm nghiệp quả mới. Dầu cho đối với một người đàn bà ích kỷ, việc phải nhìn thấy sáu đứa con chết thiêu là một sự đau khổ rất lớn. Trong cơn đau khổ đó, thay vì nuôi dưỡng một tình thương nảy nở dồi dào, nàng đã ôm lấy sự sợ hãi với tấm lòng đầy oán hận. Chính sự oán hận ấy đã tạo thành quả báo ngày nay mà nàng phải nhận chịu.

Điều mà mỗi chúng ta cần nhận biết là, một tình thương chân thật sẽ có năng lực xua đuổi sự sợ sệt. Người phụ nữ này không hiểu được điều đó, không hiểu rằng nàng phải dứt bỏ cái quan niệm ích kỷ đối với cuộc đời; phải tập mở rộng lòng thương yêu người khác, trong đó có chồng nàng. Vì không nuôi dưỡng được tình thương, nên nàng phải tiếp tục sống trong nỗi sợ hãi về sự đau đớn thể xác ám ảnh và không thể làm vợ, làm mẹ như mong muốn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/06/2015(Xem: 11771)
Tám Bài Kệ Chuyển Hóa Tâm và Phát Khởi Bồ Đề Tâm. Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 giảng. Thích Hạnh Tấn dịch
24/05/2015(Xem: 11609)
Về cơ bản, lý duyên khởi giải thoát mô tả tâm lý của thiền, nghĩa là, những gì xảy ra trong tiến trình hành thiền được hành giả trải nghiệm từ lúc đầu cho đến lúc cuối. LDKG có liên hệ chặt chẽ với giáo lý duyên khởi nổi tiếng trong đạo Phật. Cho những ai chưa quen thuộc nhiều với những lời Phật dạy, lý duyên khởi là một chuỗi mười hai yếu tố nhân quả kết nối với nhau. Yếu tố cuối cùng trong chuỗi nhân quả này là khổ. Bởi vì là một chuỗi nhân quả, nó cho ta thấy khổ phát sinh như thế nào. Yếu tố thứ nhất của mười hai nhân duyên là vô minh – không có khả năng thấy được thế gian như nó là, và nó thật sự hoạt động như thế nào. Như thế, bắt đầu với vô minh, yếu tố này dẫn đến yếu tố sau, tiếp luôn cho đến khổ đau. Do vậy, lý duyên khởi chỉ cho ta thấy khổ đau chính là hậu quả của vô minh.
16/05/2015(Xem: 24037)
Hãy nôn ra lòng sân hận độc hại khỏi cõi lòng bạn. Sự sân hận đầu độc và bóp nghẹt tất những gì thiện mỹ nơi bạn. Tại sao bạn phải hành động chỉ vì con quái vật độc hại dấu mặt này? Hãy nôn nó ra, vứt hết đi, không chừa lại một chút gì cả. Bạn sẽ cảm thấy dễ chịu khi vứt bỏ nó đi. Rồi cõi lòng bạn tràn ngập tình bi mẫn vị tha, thẩm thấu qua từng lỗ chân lông bạn. Hãy hiển lỗ tâm từ vô nhiễm trào dâng thương yêu. Hãy để những ai đến với bạn đều nhận được vầng quang hảo tâm không thể chối từ, cũng như khi rời xa, họ cảm thấy được cảm thông và can đảm hơn để đối mặt với cuộc đời đầy gian truân và nghiệt ngã này.
15/05/2015(Xem: 25987)
Thể theo lời yêu cầu của các bạn Đạo, tôi chọn một số bài nói chuyện về Phật pháp của tôi tại Tổ Đình Từ Quang ở Montréal và một vài nghi thức tụng niệm để in thành cuốn sách này, với hy vọng phổ biến Phật pháp. Cuốn sách được hình thành trong dịp Tết Canh Thìn, nhưng phải đợi đến Tết Dương Lịch 2001 mới đánh máy xong. Trong thời gian chờ đợi này, tôi đã cẩn thận kiểm điểm lại nội dung từng bài, nhưng chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, những mong các bậc cao minh từ bi chỉ điểm cho. Montréal, Tết Dương lịch 2001 Hiển Mật, Đỗ Hữu Trạch
12/05/2015(Xem: 22223)
Video: Những Hiểu Lầm về Đạo Phật
01/05/2015(Xem: 30158)
Một tập sách với tựa đề như trên, trong xã hội hiện nay, không có gì đặc biệt; so với Kito giáo tại Việt Nam, cũng là việc làm bình thường, vì hàng năm, một số giáo xứ thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn giáo lý và hôn nhân cho thế hệ trẻ từ tuổi 18 trở lên; nhưng đặc biệt của tập sách nầy nằm trong hai lĩnh vực: 1/ Phật giáo chưa từng xuất hiện sách hoặc lớp hướng dẫn về hạnh phúc gia đình, mặc dù có những kinh điển nói qua vấn đề nầy, quá tổng quát, chưa thích ứng với từng cảnh trạng của từng xã hội biến thái khác nhau hiện nay. 2/ Sách không trực tiếp dạy giáo lý như các lớp “giáo lý và hôn nhân” của các giáo xứ, nhất là giòng Tên; nhưng sách hướng dẫn tháo gỡ nhiều vấn đề mắc mứu liên quan đến tâm lý xã hội và đạo đức nhà Phật.
05/04/2015(Xem: 13938)
Cái Tâm là cái chi chi, có chi chi củng cứ chi chi với Tâm. Theo quan niệm của Phật Giáo, Duy Thức Luận: Tâm thức tạo ra thế giới vạn vật, "tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức" hay "nhất thiết duy tâm sở tạo." Tất cả đều nói lên một ý rằng cả thế giới chúng ta đang sống đều do tâm thức tùy theo nhân duyên mà sanh ra muôn sự, muôn vật rồi cũng tùy theo nhân duyên mà diệt đi. Không có việc gì, vật gì, có thực tướng ngay cả chư pháp, tồn tại vĩnh viễn ngoại trừ Tâm Bồ Đề là vô sinh, vô diệt đó chính là Tâm Phật.
05/01/2015(Xem: 21364)
Các soạn và dịch phẩm của cư sĩ Hạnh Cơ - Tịnh Kiên - Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật (dịch từ tác phẩm Thập Đại Đệ Tử Truyện, nguyên tác Hoa văn của Tinh Vân pháp sư, nhà xuất bản Phật Quang, Đài-bắc, ấn hành năm 1984) Chùa Khánh Anh (Paris) in lần 1, năm 1994 Tu viện Trúc Lâm (Edmonton) in lần 2, năm 1999 (có thêm phần “Phụ Lục” do dịch giả biên soạn) Ban Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam (Nha-trang) in lần 3, năm 2004 Chùa Liên Hoa và Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County (California) in lần 4, năm 2005 - Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 1996 Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam (California) in lần 2 (có bổ túc và sửa chữa), 2008 - Giấc Mộng Đình Mai của Nguyễn Huy Hổ (tiểu luận) Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 2001 - Bộ Giáo Khoa Phật Học (dịch từ bộ Phật Học Giáo Bản – sơ cấp, trung cấp, cao cấp – nguyên tác Hoa văn của Phương Luân cư sĩ, Linh Sơn Xuất Bản Xã, Đài-bắc, ấn hành năm 1996) * Giáo Khoa Phật Học
05/01/2015(Xem: 18923)
Các soạn và dịch phẩm của cư sĩ Hạnh Cơ - Tịnh Kiên - Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật (dịch từ tác phẩm Thập Đại Đệ Tử Truyện, nguyên tác Hoa văn của Tinh Vân pháp sư, nhà xuất bản Phật Quang, Đài-bắc, ấn hành năm 1984) Chùa Khánh Anh (Paris) in lần 1, năm 1994 Tu viện Trúc Lâm (Edmonton) in lần 2, năm 1999 (có thêm phần “Phụ Lục” do dịch giả biên soạn) Ban Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam (Nha-trang) in lần 3, năm 2004 Chùa Liên Hoa và Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County (California) in lần 4, năm 2005 - Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 1996 Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam (California) in lần 2 (có bổ túc và sửa chữa), 2008 - Giấc Mộng Đình Mai của Nguyễn Huy Hổ (tiểu luận) Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 2001 - Bộ Giáo Khoa Phật Học (dịch từ bộ Phật Học Giáo Bản – sơ cấp, trung cấp, cao cấp – nguyên tác Hoa văn của Phương Luân cư sĩ, Linh Sơn Xuất Bản Xã, Đài-bắc, ấn hành năm 1996) * Giáo Khoa Phật Học
15/12/2014(Xem: 10947)
Tôi rất vui mừng hiện diện với tất cả quý vị chiều hôm nay. Tôi đã được yêu cầu nói về "Tại sao Phật Giáo?" dĩ nhiên đây là câu hỏi đáng quan tâm, một cách đặc biệt ở phương Tây, nơi mà chúng ta đã có những tôn giáo của chúng ta, vậy thì tại sao chúng ta cần Phật Giáo? Tôi nghĩ thật quan trọng để hiểu rằng khi chúng ta nói về Phật Giáo, chúng ta có nhiều phương diện khác nhau đối với Phật Giáo. Đấy là những gì chúng ta có thể gọi là khoa học Phật Giáo, tâm lý học Phật Giáo, và tín ngưỡng Phật Giáo:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]