Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Phiền não

19/01/201109:01(Xem: 6671)
5. Phiền não

Ý TÌNH THÂN
Tỷ kheo Thích Trí Siêu

5. Phiền não

1/ Đi tìm phiền não

Tham, sân, si được xem là ba phiền não lớn nhất của chúng sinh. Trong các sách phổ thông thường nêu ra 10 thứ phiền não, đó là: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ. Tuy nhiên phiền não còn được chia ra nhiều loại tùy theo Kinh Luận khác nhau.

Phiền não được dịch từ Kilesa (pali) hoặc Klesa (sanskrit), có nghĩa là những tính bất thiện (akusala), theo Thanh Tịnh Đạo luận gồm có 10[8]: tham (lobha), sân (dosa), si (moha), mạn (mana), tà kiến (ditthi), nghi (vicikiccha), hôn trầm (thina), trạo cử (uddhacca), vô tàm (ahirika), vô quí (anottappa).

Ngoài chữ phiền não, ta còn có chữ nội kết hay kiết sử (samyojana) cũng gồm có 10: thân kiến (sakkaya-ditthi), nghi (vicikiccha), giới cấm thủ (silabbata-paramasa), tham dục (kama-raga), sân hận (vyapada), tham sắc (rupa-raga), tham vô sắc (arupa-raga), mạn (mana), trạo cử (uddhacca), vô minh (avijja). Gọi là kiết sử vì các tánh xấu này trói buộc sai sử ta trong sinh tử, gọi là nội kết vì nó kết tụ lại trong tâm hay trong con người của ta.

Trong 51 tâm sở của Duy Thức Học[9] có nói về 6 căn bản phiền não (mulaklesa) và 20 tùy phiền não (upaklesa).

Sáu căn bản phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến.

Hai mươi tùy phiền não: phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, hại, kiêu, vô tàm, vô quí, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri.

Theo Câu Xá Luận (Abhidharmakosasastra), do ngài Thế Thân (Vasubhandhu) trước tác khi còn theo Tiểu Thừa[10], gồm có 46 tâm sở, trong đó có[11]:

Sáu căn bản phiền não: vô minh, phóng dật, giải đãi, bất tín, hôn trầm, trạo hối.

Hai đại bất thiện: vô tàm, vô quí.

Mười tiểu phiền não: phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, hại, kiêu.

Trên đây tạm gọi là đi tìm phiền não trong Kinh Luận. Ta thấy sự phân chia và sắp xếp các phiền não không giống nhau, nó tùy thuộc vào quan điểm của các luận sư thời xưa, và tùy theo giáo lý Nguyên Thủy hay Đại Thừa.

Ngoài ra có vài tâm sở rất quen thuộc của đời sống hàng ngày mà Duy Thức Học đã bỏ quên như:

- từ, bi, hỷ, lạc: có thể thêm vào trong 11 tâm sở thiện.

- ái (yêu), ố (ghét), ai (buồn), ưu (lo), khủng (sợ): có thể thêm vào 20 tùy phiền não.

Phiền não là một danh từ đặc biệt của đạo Phật và trở thành quen thuộc đối với người Phật tử, nhưng khi muốn phân tách đó là gì thì không phải chuyện dễ cho những ai không có khái niệm về tâm lý học Phật giáo như Duy Thức hoặc A Tỳ Đàm. Qua vài định nghĩa của Kinh Luận thì phiền não là những tâm sở bất thiện, thuộc hành uẩn, nhưng đối với người bình thường như bạn và tôi thì phiền não được hiểu là những cảm giác buồn bực, khó chịu, bất an, lo sợ, ganh ghét, chán nản, bất mãn, v.v... thuộc thọ uẩn. Đứng trên danh-sắc (nama-rupa) hay thân tâm thì hành uẩn và thọ uẩn đều thuộc về danh hay tâm, nhưng trên tác dụng thì hai cái có sự khác biệt.

Bình thường chúng ta nói tâm tham, tâm sân, và xem tham, sân là hai phiền não thuộc về tâm, điều này cũng đúng. Nhưng nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy là do Ý nghĩ gì mới khiến lòng tham nổi lên, Ý nghĩ gì mới khiến lòng sân nổi lên. Tham và sân không thể tự nhiên khởi lên được. Chữ tâm (citta) theo tiếng Hán có nghĩa là tim hay lòng và nhiều khi nó cũng được hiểu là Ý. Do đó tâm thường mang hai nghĩa: Ý và Tình (tâm ý và tâm tình). Tim hay lòng chính là Tình.

Từ sự phân tách trên, tôi xếp những ý nghĩ (hay tư tưởng) bất thiện vào Ý, và những cảm giác bất thiện (tức phiền não) vào Tình. Bởi vì tôi nghĩ xấu anh Ba, cho rằng anh nói xỏ và chửi xéo tôi nên tôi mới nổi giận. Mỗi khi Ý có những ý nghĩ bất thiện thì đương nhiên làm phát sinh ra cảm giác (Tình) buồn phiền. Do đây tôi xem phiền não thuộc về Tình, còn nguyên nhân gây ra phiền não thuộc về Ý.

2/ Phiền não từ đâu đến?

Mỗi khi bị phiền não, khổ đau, chúng ta có thói quen đổ lỗi cho người và sự vật bên ngoài. Tôi[12] buồn khổ vì người đời ác độc, tham lam, ích kỷ! Chủ đuổi tôi, vợ con hất hủi, bạn bè khinh chê, v.v... Tôi vô tội, đâu có làm gì ác! Chính những người khác làm tôi khổ. Tôi chỉ là một nạn nhân đáng thương xót!

Sau khi học Đạo, tôi hiểu được mọi khổ đau xảy đến đều do mình tạo chứ không phải tại người khác. Vì không biết cách sống, không biết kiểm soát ba nghiệp (thân, khẩu, ý) nên tôi đã làm những hành động đưa đến khổ đau. Trong ba nghiệp thì Ý dẫn đầu. Kinh Pháp Cú[13] (Dhammapada), phẩm Song Yếu (Yamaka Vagga) có nói:

Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bám theo sau
Như xe, chân vật kéo.

Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng, không rời hình.

Tại vô minh hay ái dục?

Trong Kinh Bảo Tích (Ratnakuta) có kể một ví dụ: một người cầm cục gạch ném vào con chó. Bị trúng gạch đau quá, con chó liền rượt theo cục gạch sủa tức tối. Con chó không biết thủ phạm làm cho nó đau không phải là cục gạch mà là người ném gạch. Cũng vậy cái làm cho ta đau khổ không phải sự vật bên ngoài mà là sự vô minh của ta.

Vô minh có nghĩa là không sáng suốt, không hiểu biết. Nhưng không hiểu biết cái gì?

Trong kinh dạy đó là sự không thấu hiểu về tính cách vô thường, vô ngã và duyên sinh của sự vật. Do không hiểu nên mới tham đắm, ưa thích và vì vậy nên bị trói buộc.

Ở đây tôi đi xa hơn một chút và hỏi tiếp là Ai vô minh hay cái gì không hiểu biết? Đức Phật dạy Vô Ngã mà tại sao tôi cứ hỏi Ai hoài?

Con người được cấu tạo bởi năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), nói gọn hơn là danh sắc hay thân tâm. Thân thể có hình sắc, còn tâm chỉ có tên gọi (danh). Theo Duy Thức Học, tâm gồm có tám thức, trong đó Ý thức được xem là chủ nhân tác nghiệp. Do đó nếu hỏi Ai vô minh thì ta có thể trả lời là Ý vô minh. Ở đây muốn đơn giản hóa vấn đề mà nói như vậy chứ sự thật phức tạp hơn nhiều. Ý thức không thể độc lập tự tung tự tác mà phải cộng tác với 51 tâm sở và những chủng tử hiện hành từ A Lại Gia Thức.

Trở lại câu hỏi đau khổ tại vô minh hay tại ái dục? Ta có thể đáp là: tại vì Ý vô minh nên mới sinh ra ái dục dẫn đến khổ đau. Trong mười hai nhân duyên, vô minh được xếp hàng đầu và ái đứng hàng thứ tám.

Vô minh

Muốn định nghĩa vô minh (avijja hay avidya) là gì không phải chuyện dễ. Vì mỗi truyền thống, mỗi trường phái đều có sự định nghĩa riêng.

Thí dụ: Theo Nguyên Thủy, vô minh là không biết luật nhân quả, Tứ Đế, 12 nhân duyên.

Theo Đại Thừa, vô minh là không nhận ra được thật tánh của các pháp.

Theo Thiền tông, vô minh là không biết ông chủ, bản lai diện mục, chân tâm.

Theo Kinh Kim Cang, chấp vào sắc tướng âm thanh là vô minh.

Theo Kinh Lăng Nghiêm, bất giác không ngộ được bản tâm chân không diệu hữu là vô minh.

Theo Kinh Bát Nhã, không biết Tánh Không của các pháp là vô minh.

Theo Kinh Pháp Hoa và Niết Bàn, không nhận ra được Phật tánh là vô minh.

Theo Duy Thức, chấp các pháp hiện hữu ngoài thức là vô minh, v.v...

Từ những định nghĩa khác nhau ở trên, ta có thể rút tỉa đại ý như sau:

Vô minh là không biết luật duyên sinh, không nhận ra thật tánh của các pháp, nên chấp vào sắc tướng và các pháp hiện hữu bên ngoài.

Cái gì không biết? Chính cái Ý không biết nên gọi là vô minh. Vì vô minh nên không nhận ra các pháp đều như mộng, như huyễn, bào, ảnh, và từ đó sinh ra suy nghĩ sai lầm, chấp ngã, chấp pháp.

Chấp ngã là tin và bám víu vào một cái Ta, từ đó đưa đến bám víu vào những cái liên quan đến Ta (ngã sở) như: vợ ta, con ta, nhà ta, tài sản của ta, danh dự của ta, v.v...

Chấp pháp là bám víu vào mọi sự vật trên đời, cho rằng chúng hiện hữu thực sự như: nhà cửa, xe cộ, tiền bạc, danh lợi, đồ đạc, sông núi, cỏ cây, người vật, v.v...

Nhưng bám víu vào một cái Ta và sự vật đâu có gì sai quấy? Dưới mắt thế gian thì không có gì sai quấy, ngược lại cần phải bám víu thì mới gọi là người khôn. Nhưng theo lý Đạo, cái Ta và sự vật (các pháp) không có thật, vì do nhân duyên giả hợp, vô thường, vô ngã, không hiện hữu thực sự nên không thể nắm bắt hay bám víu. Cứ muốn nắm bắt cái không thật có thì không phải vô minh là gì?

Thí dụ: Đi trong sa mạc, dưới ánh nắng như thiêu như đốt, bao nhiêu nước uống đã cạn. Ta lần mò đi tìm một nơi nào có nước. Nhìn xa xa ta thấy hình như có một ao nước ở phía trước nhưng khi lại gần thì chẳng thấy gì cả. Đó chỉ là ảo ảnh sóng nắng, do ánh nắng mặt trời và sự phản chiếu của cát tạo ra. Vì quá khát nước, ta lại lên đường hy vọng tìm thấy một ao nước nào khác và lại bị thất vọng.

Cái Ta và các pháp cũng hiện hữu như sóng nắng, thấy hình như có mà không thật có. Khi đủ duyên thì chúng ảnh hiện như có, thiếu duyên thì chúng tan biến. Vì không biết như thế nên mới bám víu, nắm giữ làm của mình, đến khi nó tuột khỏi tầm tay thì buồn tủi, thất vọng, than khóc.

Ái dục

Ái có nghĩa là yêu hay ưa thích, dục là ham muốn. Ái dục không thể tự nhiên phát sinh. Ta không thể tự nhiên yêu ai hay thích ai nếu chưa bao giờ gặp hay tiếp xúc với người đó. Do sự tiếp xúc (sparsa, contact) mà ái dục (tanha) phát sinh. Mắt thấy sắc đẹp mới khởi lòng yêu mến, tai nghe âm thanh dịu dàng mới thích, mữi ngửi mùi hương thơm mới ưa, miệng nếm vị ngon mới thèm, thân thể xúc chạm cảm giác khoái lạc mới nhớ thương.

Khi sáu giác quan tiếp xúc với người hay vật bên ngoài gây ra những cảm thọ dễ chịu thì phát sinh sự yêu thích (ái). Khi lục căn tiếp xúc với lục trần gây ra cảm thọ khó chịu thì phát sinh sự chán ghét (ố). Yêu hay ghét đều thuộc về Tình cảm. Khi yêu thì ta muốn bám giữ, chiếm hữu; khi ghét thì ta muốn xua đuổi, tiêu diệt. Từ đó trong tâm sinh ra đủ loại tình cảm xung đột, phiền não. Trong vòng 12 nhân duyên (vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử) thì thọ và ái (thuộc về Tình) là nơi phiền não hiển lộ hay biểu hiện. Vô minh, hành, thức (thuộc về Ý) là nguồn gốc gây ra phiền não.

Theo Ý mình

Theo giáo lý, nguyên nhân sinh ra phiền não đúng là vô minh và ái dục như đã phân tách ở trên. Nhưng trong đời sống hàng ngày, ta có thể tìm thấy nguyên nhân của phiền não một cách giản dị, không cần phải có nhiều kiến thức phật học với những danh từ chuyên môn.

Thí dụ: Sau một thời gian lân la làm quen với cô Tám, cuối cùng tôi cũng cưới được cô ta làm vợ. Mừng rỡ tôi nghĩ mình sẽ có hạnh phúc. Nhưng chỉ sau vài tháng, tôi nhận ra hai vợ chồng có nhiều ý kiến và ý thích xung khắc. Người nào cũng cho mình đúng và muốn người kia phải thuận theo mình. Mới đầu còn nhường nhịn nhưng từ từ không ai nhường ai, sinh ra cãi lộn rồi giận nhau.

Ít lâu sau vì nhu cầu phật sự tại địa phương có một thầy về kêu gọi Phật tử đóng góp xây chùa. Khi chùa lập xong thì chúng tôi dắt nhau tới làm công quả. Ban đầu chân ướt chân ráo vô chùa, ai sai bảo việc gì chúng tôi cũng làm hết, không dám chống trái. Bà con cô bác và thầy trụ trì thấy vợ chồng tôi siêng năng công quả nên mời gia nhập vào ban quản trị của chùa. Tôi được bầu làm Tổng thư ký, vợ tôi làm Thủ quỹ. Tưởng đâu có chức vụ thì làm việc đạo hanh thông hơn, nhưng không ngờ mình đã bước vào thế giới của phiền não. Cứ đến buổi họp hàng tháng của ban quản trị là tôi nhức đầu, phải ghi nhớ tất cả ý kiến của mọi người để làm biên bản. Ui chao ơi! Sao người nào cũng có ý kiến hết! Không những một ý kiến mà nhiều ý kiến. Ai cũng cho ý kiến của mình đúng rồi cãi nhau ỏm tỏi. Hết buổi họp, nhiều đạo hữu ra về buồn bực không muốn nhìn mặt nhau. Sau vài năm sinh hoạt Phật tử đến chùa càng đông nên thầy trụ trì muốn mở mang làm chùa to hơn, nhưng theo Ý tôi và vài đạo hữu thì muốn thầy tổ chức các khóa tu học. Vì từ lâu làm công quả, tôi thấy mình chưa hiểu gì về giáo lý đạo Phật, sinh hoạt ở chùa quanh quẩn chỉ có lễ lược đám sám, cầu an, cầu siêu. Trong tuần chùa vắng như chùa Bà Đanh, cuối tuần Phật tử đến chùa lạy phật một chút rồi xúm nhau ăn uống nói chuyện ồn ào như cái chợ. Tu hành phải đầy đủ phước huệ như chim muốn bay phải cần hai cánh, nếu chỉ có cánh to cánh nhỏ thì bay không được huống chi một cánh. Nhưng hình như thầy chỉ muốn "duy ngã độc tôn", không muốn Phật tử của mình học đạo với thầy khác nên thầy không đồng ý. Thấy thầy không đồng (ý), nên tôi buồn bực (tình), muốn từ chức Tổng thư ký ở nhà tu một mình (thân).

May sao hiện nay băng nhựa thuyết pháp của quý thầy không cánh mà bay khắp nơi, nhờ đó tôi cũng sưu tập được khá nhiều. Nhưng sau một thời gian nghe băng lại có chuyện mới. Tôi thích tu Thiền, còn vợ tôi không thích nghe giáo lý mà chỉ thích vào chùa làm công quả gặp bà con cô bác cho vui thôi. Không nói chuyện Thiền được với vợ, tôi đành vào chùa tìm anh Năm, vì nghe đâu anh cũng chuyên tu Thiền. Đến khi gặp anh nói chuyện thì tôi vỡ mộng. Cũng cùng một chữ Thiền, nhưng Thiền của anh là Thiền của Hoà Thượng Thanh Từ, còn Thiền mà tôi thích là Thiền của thiền sư Nhất Hạnh. Thế thì tuy cùng Thiền mà không cùng thuyền!

Vào chùa bất đồng ý kiến với thầy bạn, về nhà thì không nói chuyện được với vợ. Tôi cảm thấy mình cô đơn, lẻ loi, không ai hiểu mình hết.

Ở đây nguyên nhân làm tôi khổ là: muốn sự vật phải theo Ý mình.

Nhưng Ý mình là cái gì? Là ý kiến, ý tưởng, ý nghĩ, ý niệm, v.v... của mình.

Ý kiến là cái thấy của ý.
Ý tưởng là cái tưởng của ý.
Ý nghĩ là cái nghĩ của ý.
Ý niệm là cái ghi nhớ của ý.

Tất cả những cái thấy, tưởng, nghĩ, nhớ của ý, ta thường cho nó là mình, là ta, đạo Phật gọi là ngã kiến.

Nhưng Ý của tôi có luôn luôn đúng và đáng cho người khác phải theo không? Nhiều khi chính tôi còn không làm vừa lòng mình được huống chi muốn người khác phải tuân theo ý mình.

Cuối tuần chồng muốn vợ đi câu cá với mình, còn vợ lại muốn chồng chở mình lên chùa lễ Phật công quả. Phật tử đến chùa thì muốn quý Thầy phải đặc biệt chú ý ưu đãi mình, nếu không thì buồn bực không vui. Thầy thì muốn đệ tử phải chiều theo ý mình, nếu không thì lơ là không nhòm ngó tới.

Vì muốn sự vật xảy ra theo ý mình nên mới lo. Khi gặp việc trái ý thì tức giận. Bị mất mát thì buồn. Con người sống trong vòng lẩn quẩn của muốn, lo, giận, buồn, rồi lại buồn, giận, lo, muốn. Sự vật xảy ra theo nhân duyên chứ không theo ý của ai hết, khi đủ duyên thì việc thành tựu, thiếu duyên thì không thành.

3/ Tiến trình phiền não

Như đã thấy ở trên, trong đời sống hàng ngày không lúc nào Ý, Tình, Thân ngưng hoạt động và phiền não cũng phát xuất từ đó nhất là từ Ý.

Ý thường làm gì?

Nó thường hay nghĩ (tư), gọi là ý nghĩ (penser); nó hay nhớ (niệm, se souvenir), gọi là ý niệm; nó hay tưởng (croire, imaginer) gọi là ý tưởng; nó hay thấy (kiến) gọi là ý kiến. Nó có công năng hiểu biết và phân biệt (thức) gọi là ý thức.

Khi ý thức suy nghĩ, nhớ tưởng điều lành thì miệng và thân sẽ nói và làm điều lành. Đây là thiện nghiệp và sẽ đưa đến quả báo hạnh phúc.

Khi ý thức suy nghĩ, nhớ tưởng điều xấu ác thì miệng và thân sẽ làm điều sai quấy. Đây là ác nghiệp và sẽ đưa đến hậu quả khổ đau.

Vì thế người tu hành phải luôn luôn cố gắng giữ gìn tu tập cho ba nghiệp (thân, khẩu, ý) của mình được thanh tịnh.

Trong Kinh Kalama[14], có kể chuyện đức Phật đi đến thị trấn Kesaputta, ở đó có những người dân Kalama, họ thưa hỏi đức Phật rằng: Có một số Sa môn, Bà la môn đến Kesaputta để truyền đạo, thuyết minh và phát huy giáo lý của mình mà bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên tạc giáo lý của người khác. Vậy thì trong những Sa môn này, ai nói thật, ai nói dối?

Đức Phật trả lời: Này các người Kalama,

chớ có tin vì nghe nói lại,
chớ có tin vì theo truyền thống,
chớ có tin vì nghe đồn,
chớ có tin vì kinh điển truyền tụng,
chớ có tin vì lý luận siêu hình,
chớ có tin vì đúng theo một lập trường,
chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện,
chớ có tin vì phù hợp với định kiến,
chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền,
chớ có tin vì vị sa môn là bậc thầy của mình.

Nhưng này các người Kalama, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là thiện, các pháp này không có tội. Các pháp này được người trí khen ngợi. Các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui, thời này các người Kalama, hãy tin theo và an trú.

Qua lời dạy trên, ta thấy đức Phật không phải là một bậc giáo chủ độc tài, ngài không bao giờ bắt đệ tử phải tin theo ngài một cách mù quáng và lời dạy trên không có ngã kiến và giới cấm thủ kiến.

Tiến trình phiền não

Khi Ý có những sự thấy, nghĩ, tưởng, nhớ sai lầm thì gọi đó là vọng tưởng hay tà kiến. Từ vọng tưởng sẽ đưa đến vọng tình (tình cảm sai lầm). Và vọng tình sẽ đưa đến vọng nghiệp (hành động sai lầm). Vọng nghiệp trở lại nuôi dưỡng vọng tưởng, và cứ thế ba cái này tương duyên tương sinh, xoay vần mãi làm cho chúng ta phiền não khổ đau.

Ý → Vọng tưởng

Tình → Vọng tình

Thân → Vọng nghiệp

Vọng tưởng đồng nghĩa với vô minh.

Vọng tình đồng nghĩa với ái dục và phiền não.

Vọng nghiệp đồng nghĩa với tạo nghiệp (thủ, hữu).

Từ đó ta có tiến trình dưới đây:

Vì không biết (vô minh) nên nghĩ tưởng sai lầm. Vì nghĩ tưởng sai lầm nên sinh ra ưa ghét, buồn giận (phiền não). Vì phiền não nên tạo nghiệp bất thiện. Khi tạo nghiệp bất thiện thì kết quả là khổ đau, khi bị khổ đau thì tâm trí u mê không sáng suốt (vô minh).

Muốn chấm dứt vòng tròn "vô minh, phiền não, nghiệp" thì phải chấm dứt vọng tưởng, vọng tình, vọng nghiệp, tu sửa Ý, Tình, Thân.

[1] Đây là chuyện giả tưởng, không phải đời thật của tác giả.

[2] Từ Đạo Hạnh là tiền thân của vua Lý Thần Tông. Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không là hai thiền sư nổi tiếng ở Việt Nam vào thế kỷ 12. Xem "Thiền Sư Việt Nam" của Thích Thanh Từ.

[3] Xem Đại Thủ Ấn. Thích Trí Siêu

[4] Trích "Niệm Phật Thập Yếu". Thích Thiền Tâm

[5] Kinh Ví dụ con rắn, Trung Bộ Kinh, số 22.

[6] Sách Vô Ngã, Thích Trí Siêu.

[7] Tứ tất đàn gồm có: thế giới tất đàn, vị nhân tất đàn, đối trị tất đàn, đệ nhất nghĩa tất đàn.

[8] Theo Buddhist Dictionary của Nyanatiloka, trích từ Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimaga) và Tỳ Bà Sa (Vibhasa).

[9] Trích Phật Học Phổ Thông, khóa thứ Năm.

[10] Về sau chuyển sang Đại Thừa, Thế Thân lại chia ra 51 tâm sở. Do đó sự phân chia này không phải là tuyệt đối.

[11] Trích Tâm Lý Học Phật Giáo, Thích Tâm Thiện.

[12] "Tôi" ở đây là nhân vật giả tưởng của chương 1.

[13] Kinh Pháp Cú do HT Thích Minh Châu dịch.

[14] Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya I), Thích Minh Châu.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/06/2012(Xem: 6278)
Trong kinh điển Phật giáo , có nhiều trường hợp mô tả Đức Phật đã giữ thái độ im lặng trước một sồ câu hỏi của các du sĩ ngoại đạo mang tính huyền hoặc hoặc thiếu thực tế . Đức Phật thấy rõ , những người đặt các câu hỏi như thế thì hoặc chính bản thân họ không hiểu , hoặc họ chỉ nhằm khoe khoang kiến thức qua những tưởng tượng hay ức đoán ; và nếu có trả lời thì tính hạn chế của ngôn ngữ cũng khiến mọi giải thích không thể diễn tả rốt ráo mọi điều thấy biết của Đức Phật . Vì thế mà Đức Phật chỉ im lặng .
05/06/2012(Xem: 35266)
Mới đây theo công trình nghiên cứu của giáo sư Eric Sharp thuộc Đại học Sydney, Australia, trong số những thánh nhân của thế kỷ thứ 20 này, có ba thánh nhân người châu Á. Đó là cố thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861-1941), Thánh Mahatma Gandhi (1869 - 1948) và một vị hiện sống là Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (1935-?). Vâng, Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay được nhiều nơi trên thế giới công nhận là một hóa thân Quan Âm và một bậc thầy tâm linh vĩ đại của nhân loại
02/06/2012(Xem: 6646)
Tôi rất vui mừng có cơ hội tiếp xúc với Phật tử Thái Lan có một số vị Tì Kheo. Các anh chị em, tôi rất vui, như tôi đã đề cập, tôi đã ở Thái Lan trong năm 1960, và tôi đã gặp gỡ với vị Tăng Vương Thái Lan. Tôi không nhớ tên, vị thứ nhất, vị thứ hai, Buddhadasa[1], rất cao, là một học giả, một tu sĩ rất tuyệt, một hành giả chuyên cần, một tu sĩ thánh thiện, nghiên cứu thâm sâu.
26/05/2012(Xem: 4317)
Giáo dục Phật giáo là lý tưởng hoàn thiện xã hội và con người. Lý tưởng này vẫn được truyền thừa qua nhiều thế hệ nhằm đem lại hài hoà, thịnh vượng và hạnh phúc cho con người, xã hội. Đức Phật chẳng những là một triết gia lỗi lạc, một đạo sư chuẩn mực mà còn là một nhà giáo dục vĩ đại. Giáo dục làm thăng tiến tâm thức và phát triển xã hội. Vai trò của Phật giáo rất quan trọng trong giáo dục, vì Phật giáo chủ trương hoàn thiện tâm thức, và xã hội. Con người có khả năng nhận thức và lý luận. Tâm con người là phương tiện cơ bản để sinh tồn, và phương tiện để đạt được tri thức. Con người không thể sống chỉ cần những nhu cầu vật chất đơn giản mà còn cần sự tiến triển tinh thần. Sự tiến triển tinh thần này gọi là tiếp thu tri thức hay giáo dục. Nếu không có khả năng giáo dục và được giáo dục nhân loại không có được những thành tựu như ngày nay. Giáo dục đem lại 4 điều lợi ích cho con người: 1) Có được tri thức cần thiết cho sự sinh tồn. 2) Phát triển khả năng của con người.
10/05/2012(Xem: 4228)
Người đời khi đã phát nguyện quy y Tam Bảo là họ đã an trú trong ngôi nhà Như Lai, vì đó là ngôi nhà an vui vĩnh viễn nhất. Chánh pháp Như Lai là hào quang chân lý, giúp cho chúng sanh phân định được đâu là tính chất mê muội, luân hồi và đâu là giác ngộ, giải thoát. Chánh pháp Như Lai còn soi sáng cho chúng sanh phá tan màn vô minh điên đảo để dứt trừ mọi sai lầm đau khổ.
10/04/2012(Xem: 4740)
Trau dồi từ ái làm tiến bộ nguyện ước chúng sinh đánh mất hạnh phúc sẽ gặp gở hạnh phúc và nguyên nhân của nó. Bây giờ, mục tiêu là để mở rộng chu vi từ ái của chúng ta vượt khỏi phạm vi hiện tại. Chẳng hạn sự mở rộng sẽ đến một cách tự nhiên trong sự thực tập của chúng ta sau khi đã phát triển một cảm nhận tình cảm với người khác, những người muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau.
26/03/2012(Xem: 5806)
Để phát sinh lòng từ ái chân thật, chúng ta cần biết nó khác biệt với luyến ái như thế nào. Lòng yêu thương và trắc ẩn thông thường quyện kết với luyến ái, bởi vì động cơ của chúng là vị kỷ: chúng ta quan tâm đến những người nào đấy bởi vì họ tạm thời giúp đở chúng ta và người thân của chúng ta.
19/03/2012(Xem: 7732)
Nỗi khổ đau suốt trăm năm trong cõi người ta vẫn hoài đè nặng lên kiếp người như một người mang đôi gánh nặng trĩu trên vai và đi mãi trên con đường dài vô tận, không khi nào đặt xuống được. Nhưng ngàn xưa vẫn chưa có bậc xuất thế nào tìm ra con đường thoát khỏi khổ đau của sanh, lão, bệnh, tử nên trong tiền kiếp Đức Phật cũng đã từng xông pha lăn lộn trong cuộc đời đầy cát bụi và đã trải qua biết bao khổ đau, thương tâm cũng như nghịch cảnh để tìm ra người thợ xây ngôi nhà ngũ uẩn và dựng lên những tấm bi kịch thường diễn ra trên sân khấu cuộc đời.
04/03/2012(Xem: 53018)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (tập 4), mục lục: Sắc đẹp hoa sen Chuyện hai mẹ con cùng lấy một chồng Cảm hóa cô dâu hư Bậc Chiến Thắng Bất Diệt - Bạn của ta, giờ ở đâu? Đặc tính của biển lớn Người đàn tín hộ trì tối thượng Một doanh gia thành đạt Đức hạnh nhẫn nhục của tỳ-khưu Punna (Phú-lâu-na) Một nghệ sĩ kỳ lạ Vị Thánh trong bụng cá Những câu hỏi vớ vẩn Rahula ngủ trong phòng vệ sinh Voi, lừa và đa đa Tấm gương học tập của Rahula Bài học của nai tơ Cô thị nữ lưng gù
28/02/2012(Xem: 1222)
Phật Giáo, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của kinh nghiệm trực tiếp trong vấn đề nghiên cứu tâm lý học. Nếu chỉ chú trọng duy nhất vào lý thuyết thì sẽ đánh mất đi những điều căn bản.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]