Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Khổ khổ

04/04/201318:46(Xem: 4215)
Khổ khổ

ngheo_2

Khổ khổ…

Khổ khổ là một trong tam khổ [1]luôn xảy ra trong cõi Ta Bà này. Khổ là sự bất an, sự đau đớn, sự thống thiết, sự kêu gào, sự chịu đựng, sự bấn loạn, sự cay điếng, sự tan nát, sự chấn động, sự đả thương… từ thân thể đến tinh thần của một chúng sanh. Sự khổ đó không chừa một ai, từ một em bé mới sinh, một thanh niên vạm vỡ, cho đến cụ ông bà già trăm tuổi tóc bạc da nhăn gần kề cái chết. Cái khổ này chồng chất lên cái khổ khác, cái khổ cơ thể vật chất sinh lý nguyên thủy của con người, cộng với cái khổ dày xéo bất an nội tâm sâu kín. Cái khổ còn thấy được, cái khổ không thấy được, cái khổ có người giúp, cái khổ không người giúp, và cái khổ chẳng thấy, chẳng ai giúp được. Cái khổ thế nào cũng chỉ cảm được cụ thể, khi chính mình đang khổ mới là cái khổ thống thiết.

Định nghĩa khổ chỉ là định nghĩa phỏng tâm cảm động, chua xót trắc ẩn nhất thời, chứ chẳng thể hiểu được cảm thọ va chạm đau đớn. Chỉ hiểu được sự khổ thật khổ như Phật dạy, ngay khi chúng ta đang may mắn hạnh phúc hưởng lạc hiện thực cuộc đời này, vì cái gọi là hạnh phúc hưởng lạc chỉ là sanh diệt sát na, đó chính là sự khổ chính đáng; và đó gọi là hoại khổ, phát sinh theo vô vàn thống khổ mà chúng sanh phải trực nhận. Đó chính là sự vô thường bất thật của sự vật, của con người của vũ trụ nhân sinh. Một vật thể, hình thể, rồi phải hoại dần; một con người, vật thể tất nhiên chẳng ra khỏi chân lý hư hoại, và đến cả ý thức vi tế cũng thay đổi liên tục, sinh diệt chẳng ngừng, khiến con người chẳng hề an lạc được mãi.

Những gì có hình có ảnh, những thứ ấy được cấu tạo do nhiều nguyên tố nhân duyên, những ảnh thể nào sinh ra do nhân duyên đều hư hoại, vì có sinh tất có diệt. Như thế hiểu được cái khổ là hiểu được sự hạnh phúc hiện thời của ta đang luôn luôn sinh diệt vô thường, chẳng bao giờ hưởng được hạnh phúc dài lâu, đó là cái khổ hoại diệt vậy. Không đợi đến trực diện khổ mới khổ, nó đã thành khổ khi nghĩ đến sự khổ; không đợi nghĩ đến sự khổ mới khổ, mà cái khổ tất nhiên khi ta đang sống trong thế giới của hoại diệt xảy ra liên tục này (thành, trụ, hoại, không).

Mấy ngày nay, ngày đau thương nhất của cuối năm 2004, ngày 26 tháng 12 một thiên tai kinh hoàng đã xảy ra trong vùng Đông Nam A, xảy ra nhằm cuối năm chuẩn bị đón mừng năm mới. Tin tức trên mạng Đài BBC cho biết, số người chết được phỏng đoán lên đến một trăm ngàn (100.000); trong số đó không ít hàng trăm, có thể hàng ngàn người, đang khi chuẩn bị ăn mừng năm mới, hoặc đang tận hưởng ngày nghỉ làm việc, từ những nơi miền duyên hải A Châu. Họ là người Tây phương, cũng không ít người trong vùng Châu A; cuộc vui đang an hưởng bất chợt hóa thành đau thương tử biệt. Theo bản tin trên mạng, ước chừng số người tây phương mất tích và chết có đến hàng trăm; và con số người mỹ được xác nhận đến nay có hàng trăm người mất tích.

Sự đau khổ khiến thân nhân kẻ quá cố, trong hoàn cảnh nào cũng là đau khổ. Nước mắt khóc cho cha, cho mẹ, cho chồng, cho vợ, cho anh, cho em, cho cháu, cho bạn hữu, cho tình đồng loại đến nay hãy còn. Nước mắt ấy chẳng còn phân biệt Tây phương, Đông A, nước mắt đó là nước mắt mà Phật dạy nước mắt chúng sanh cùng mặn, cũng như bao giọt máu đổ ra hòa vào nước biển, chảy trôi theo vô số nghễnh ngang đồ vật, dòng máu ấy Phật dạy cũng cùng màu đỏ mà thôi.

Tình huynh đệ tứ hải, tình nhân loại năm châu, giờ đây có lẽ cấp nguy mau mau thể hiện. Tích Lan, Nam Dương, An Độ, Thái Lan, Mã Lai, Miến Điện và các Đảo quốc tính có hàng chục quốc gia. Các quốc gia này có thể khác nhau thể chế chính trị, khác nhau tín ngưỡng tôn giáo, truyền thống văn hóa, nhưng không thể khác hơn niềm đau thương, cảm động, khóc cho dân lành gặp nạn thiên tai. Tiếng khóc từ bên kia quốc gia này chẳng khác tiếng khóc từ bổn địa quốc gia kia; nước mắt có còn đâu để phân biệt, khóc cho cha, cho mẹ, cho chị, cho em…

Hiện nay không ai bảo ai, các hội từ thiện đã tích cực lao vào công tác cứu trợ, hy vọng giúp được phần nào hay phần nấy, để chia xẻ niềm thương đau nhân loại thâm tình nhân thế với nhau. Một miếng khi đói bằng một gói khi no; bầu ơi thương lấy bí cùng tuy rằng khác giống nhưng chung một dàng.

Người Phật tử trong lúc này ai lại không chua xót, ai lại không động lòng, ai lại có thể làm ngơ, và ai lại chẳng xem đây là thời điểm khẩn tu cụ thể nhất, phát lòng từ bi thương người bố thí. Huống chi Phật dạy cơ bản của người tu Phật trước tiên phải là từ bi, bố thí. Bố thí là hạnh cao quý, chẳng những thế tục còn ca ngợi, xưng dương, mà đường hành đạo giải thoát dẹp tan được tham lam tự ngã.

Nhưng bố thí không thôi chưa đủ, người Phật tử hãy lấy lời Phật dạy, hãy quan sát sự kiện đau lòng của người để quay lại chính mình suy nghiệm. Ngày nào còn giữ được ưu tư nỗi thống khổ xót xa vì nhân sinh trong cái sống vô thường, ngày đó chất liệu giải thoát sẽ chín dần theo hành trang học đạo chính ta. Sống thương yêu, sống tha thứ, sống hòa ái trong tỉnh thức đó là cách thể hiện cuộc sống thiết thực này. Phật dạy do tham ái, tự kỷ, chấp ngã, chấp pháp, nên đời sống hóa ra đau thương, và sự xuất hiện mang thân này dù ở thế giới nào chẳng tránh được khổ đau trong mọi hoàn cảnh.

Thiên tai, nhân tai suy ngẫm chẳng ngoài con người mà ra, nguyên vì những ý thức dệt lên từ vô lượng kiếp tạo thành cộng nghiệp duyên sinh, hóa ra thế giới Ta Bà này; ngược lại chuyển mê thức thành trí thức giác ngộ giải thoát, thì thế giới sẽ thay đổi theo tâm thức, và cứ một biệt nghiệp hướng thiện, vươn lên cho tha nhân đạt đến vô ngã, thế giới theo đó là thế giới thanh tịnh, thế giới phi thế giới, được dệt bằng những thương yêu của tâm thức, đó là thế giới Phật vậy.

Ngày nay chúng ta cùng sống trên cõi Ta Bà đầy phiền trược thương đau, cái khổ mang thân vật chất đã đủ khổ, lại còn bị hạnh hạ cái khổ ngoại duyên tác động, đó chính là một cộng nghiệp bất thiện từ vô thỉ đến nay, cho nên cộng sanh cộng khổ. Dù ta không phải là nạn nhân, là thân nhân của nạn nhân, nhưng ta là nhân chứng, nhân chứng hoặc chứng kiến, hoặc nghe tin, hoặc xem hình, đó là nhân chứng đau thương chua xót tình đồng loại, và đó là cộng nghiệp khổ cùng xuất hiện ở thế gian này.

Bài học trước tiên phải chia xẻ, là phải cứu giúp trong khả năng mình; phải nguyện cầu thế giới được yên vui, người người an lạc; hãy xem nhau tất cả là anh em một nhà, là chúng sanh có tình thương yêu cao nhất trong tất cả chúng sanh hữu tình giác tỉnh. Lấy sự thể đau thương xảy ra này nhắc nhở rằng cái khổ thế gian chỉ có thể vượt lên bằng tình thương yêu, mới có thể xoa dịu nỗi đau của người lâm nạn. Và lấy ngay sự kiện vô thường nhân thế, để đánh thức tâm từ, bỏ đi vị ngã cá nhân, bỏ đi tánh sân tham trong lớp vỏ bé nhỏ ngã mạn của chính mình. Như vậy thật sự đã thể hiện sự cảm thông, sự thương tưởng tình yêu đại đồng nhân loại. Cuối cùng hãy cầu nguyện cho tất cả người thân của nạn nhân, cùng người thương tật còn sống xót, chóng hồi phục thân tâm, xây dựng lại đời sống yêu thương hạnh phúc. Cầu nguyện bao hương hồn không may quá vãng sẽ được yên lành thoát khỏi sự sợ hãi đã trải qua, để sanh về nơi an lành tịnh cảnh. Cầu nguyện cho tất cả những người chứng kiến, hiểu biết biến cố này, sẽ động tâm ý thức rằng thế giới cần phải lấy thương yêu để sống, và luôn an lành để sẳn sàng đùm bọc học hỏi với nhau trong tình yêu nhân loại.

Nam Mô A Di Đà Phật

Thích Phổ Huân

Sydney, 30 -12-2004

[1] Tam khổ: khổ khổ, hoại khổ, hành khổ

***

Chuyến thăm không định trước.

Tôi đến Anh Quốc lần này (2004) có hơn năm lần; mỗi lần hoàn cảnh khác nhau, nhưng chỉ có hai sự thay đổi kỷ niệm lớn khó quên, đó là lần đầu tiên khi còn là cư sĩ của hơn mười ba năm trước và năm sau đó mang hình tướng người tu đến nay. Lần đến Anh này chỉ để tịnh tâm vài tháng. Trong lúc tá túc tại tư gia người cháu con người anh thứ hai được hơn tháng rưởi sắp trở về Uc, tình cờ nhận được liên lạc với Thầy Đồng Văn. Thầy mở lời chào hỏi kèm theo vài lời trách, rằng sao tôi đang ở gần Đức Quốc mà không qua thăm chùa Tâm Giác. Tôi đã khéo trả lời, không thể qua thăm được vì cận ngày về Uc, hơn nữa lại có hẹn tiếp xúc vài người quen nên đành không thuận ý với Thầy. Nhưng rồi lá thư e-mail thứ hai khiến tôi không còn cách từ chối. Thầy phán rằng: Tôi đã đến Uc, đã ở Chùa Pháp Bảo, ở Tu Viện Đa Bảo đến gần ba tháng vậy mà Thầy lại không thể viếng thăm chùa Tâm Giác dù chỉ một tiếng đồng hồ hay sao! Đọc thư mail xong, tôi liền đặt vé máy bay ngay; đặt ở luôn đến một tuần lễ, tỏ lòng đáp lại nhã tình mà Thầy vừa chân thành mời, vừa chân thành‘trách’!

Bây giờ trở lại Luân Đôn, thật thầm cảm ơn Thầy Đồng Vân lần nữa, dù đã cảm ơn Thầy và Tăng chúng trước khi mãn cuộc thăm viếng. Tri ân Thầy, vì chuyến đi này tôi chẳng những biết được nơi sinh hoạt Phật sự chùa Tâm Giác, biết được phần nào thành phố trù phú vùng Munich Đức quốc, tôi còn được thăm nơi tàn tích đau thương biến cố lịch sử, những nạn nhân trong thời chiến tranh thứ hai, đó là trại tập trung Dachau (Dachau Concentration Camp), nơi giam người, và thiêu đốt hàng trăm, hàng ngàn dân Do Thái dưới bàn tay sát khí của nhà độc tài Hitler. Nhờ thăm nơi đau thương này tôi càng thấy được nhân duyên tu đạo khi được mang thân người là thù thắng. Nay trở lại Luân Đôn xin ghi lại ít cảm tưởng về chuyến thăm không định trước, nhất là hình ảnh Trại giam thời chiến tranh thứ hai đã gây ấn tượng trong tôi mãi đến bây giờ.

Đọc sách báo lịch sử, hay nghe kể miêu tả lò sát sanh giết người trong thời chiến tranh thứ hai, rõ hơn một tí là xem phim ảnh thời sự còn giữ lại; nhưng hôm nay đứng trước cảnh tượng dấu tích của ngày xưa mà chừng như vẫn còn ghê rợn. Đã gần 60 năm qua từ khi phe đồng minh tiến vào giải phóng địa ngục đen tối nhất lịch sử này, vậy mà giờ đây nhìn lại tường vách không gian hiện thời, không ai lại không trầm ngâm bùi ngùi liên tưởng đến cảnh khiếp hải kinh hoàng đó. Được biết trại tập trung nơi đây chỉ là một trong nhiều trại rải rác trên khắp nước Đức và ngoài nước.

Viết miêu tả về trại giết người này đã có nhiều văn sĩ viết ra thành sách, hay trung thực hơn, chính tác giả là nạn nhân, nhân chứng còn sống sót kể lại; do vậy tôi chỉ có cảm tưởng riêng tư nơi mình trong cái nhìn của người con Phật, xúc động ghi lại vài nét.

Đi thăm Trại hôm đó chỉ có ba người, Chú Nguyên Biên, Anh Thành và tôi. Riêng Anh Thành đã đến tham quan một lần cách đây khá lâu. Anh kể, lần đó chỉ đứng bên ngoài không dám vào trong xem. Hiện thời thì Anh nói: Lần đó sao thấy ớn quá không dám vô, lần này có Thầy nên dựa hơi không sợ! Chú Nguyên Biên dù ở Đức khá lâu mà cũng chưa đi xem lần nào, nên dịp lên chùa Tâm Giác thăm Thượng Tọa Trí Minh, rồi nghe tôi muốn đi xem, cũng xin tháp tùng đi. Xin thưa Thượng Trí Trí Minh là phương trượng chùa Khuôn Việt ở Na Uy, đi Phật sự tại chùa Tâm Giác.

Điều đầu tiên bước vào trại làm người tham quan hơi khó chịu, cũng không ít ngạc nhiên, là vô số con bồ móng bay tỏa khắp nơi, chúng lại còn bu quanh phủ đầu người. Nghe Anh Thành nói, hiện giờ là cuối thu sắp vào đông, loại sinh vật nhỏ này đâu thể có nhiều như vậy, lạ nữa chúng chỉ xuất hiện trong trại mà thôi. Để xem lời anh nói có đúng hay không, khi chúng tôi trở ra khỏi trại; và quả thật bên ngoài rào, từ con đường dẫn đến chỗ đậu xe khoảng hai trăm thước, không có đến một con làm phiền chúng tôi. Chú Nguyên Biên suy nghĩ, nhận định sự việc này có phần tâm linh huyền bí. Chú nói:… biết đâu chừng, đó là những oan hồn tái sanh trở lại, do vì căm hờn uất ức, chết mà không hiểu được nguyên nhân, hay trước khi chết chứng kiến bao người thân mình, bà con mình, dân tộc mình chết. Vì lý do vậy nên thần thức đau đớn căm hờn, khiến tái sanh làm con bù móng quanh quẩn mãi nơi tử địa này mà chẳng theo nghiệp đầu thai làm thân khác. Anh Thành nhận định thêm: cũng có thể họ tủi hờn đau khổ không muốn người đến tham quan, nên cứ nhắm vào đầu mặt người mà bu! Sau khi ra về, trên xe chú Nguyên Biên kể cho tôi và anh Thành nghe, khi bị bu đầu như vậy chú chợt nghĩ, đây chắc phải là oan hồn rồi, nên thầm lặng mà niệm Phật cầu nguyện cho chúng được siêu thoát; chú niệm Phật được một lúc thì tự nhiên chú quên đi, và không hay biết mình không còn bị chúng quấy nhiễu nữa. Chú nghĩ rằng đây là một điều lạ khó thể giải thích.

Riêng tôi thì có cảm giác như vầy; dù tôi vẫn bị bu quanh đầu không khác gì chú Nguyên Biên, Anh Thành, nhưng có điều tôi cho đó không quan trọng, cũng không đến nổi khó chịu bực mình; vì thật tình lúc bắt đầu bước vào trại tâm tư tôi miên man, nghĩ về sự kiện con người cùng chung một nòi giống, một ý thức vươn lên để tồn tại; trong đó sự thương yêu thù ghét hẳn nhiên phải mâu thuẩn phức tạp. Nhưng con người không vì vậy mà quên đi ý thức cùng là một sinh vật sống có ý thức cao hơn các loài khác, nhưng sao con người lại có thể hủy diệt đồng loại với nhau chỉ vì một ý thức cá biệt ích kỹ tham lam như thế! Nhưng ý thức cá biệt kia không thể tồn tại khi phải nương gá vào cộng đồng ý thức. Tôi không thể tưởng được sự khó nghĩ này, nên cảm động chua xót nhìn ngắm từng cảnh tượng không gian vật cảnh, như không thể tin được trước mắt một chứng tích rõ ràng, cách đây hơn 60 năm nơi đây xảy ra thảm sát đau thương như vậy. Do miên man nghĩ ngợi, lại bận tìm một vài cảnh chụp, nên không để ý cũng chẳng quan tâm mấy đến bày bồ móng quanh quẩn trên đầu. Hay có lẽ nào chúng nghe được, hiểu được tâm tư tôi bấy giờ, nên cũng sót xa cho thân nghiệp mình mà ít làm phiền tôi chăng? Và thật tôi chẳng thấy làm phiền lắm so với Anh Thành và chú Nguyên Biên.

Tàn tích còn lại của trại hầu như chỉ là khoảng trống không gian lặng lẽ, hiện lên dư âm ngậm ngùi xúc động trong lòng khách vãng lai viếng thăm. Hàng chục dãy nhà giam, giờ chỉ còn lưu lại khuôn nền sỏi đá, như những dãy mồ khổng lồ được lấp phẳng. Tổng số dãy nhà phá đi có đến ba mươi bốn căn, chỉ chừa lại 2 căn nhà làm chứng tích hình ảnh trại tập (concentration camp) trung của lịch sử đen tối này.

Tận cùng của hai hàng dãy nhà, hiện ra trước mặt là đền kỷ niệm tưởng nhớ đến những người nằm xuống. Đến đây hướng về phía trái là nơi hành hình và thiêu đốt xác người.

Một nhà thiêu nhỏ diện tích không lớn hơn ngôi nhà ba phòng mà đã thiêu đốt hết 11.000 người; vậy không biết bao nhiêu người đã thành tro trong một dãy nhà thiêu lớn hơn gấp hai ba lần được dựng lên gần đó.

Ngay cửa chính trước khi bước vào bên trong nhà thiêu lớn, trước mắt cảnh tượng chừng như nguyên vẹn, hai lò thiêu người hiện ngay ra trước mặt, khoảng cách chỉ cách lối vào năm bảy thước. Nếu không bị ngăn bằng sợi xích rào thì người xem có thể đụng chạm được gạch tường lò thiêu, cũng như chiếc băng ca chuyển xác chết đẩy vào lò. Hai phía lò thiêu là những dãy phòng được ngăn chia làm những phòng nhỏ, có ghi rõ nơi chứa thây chết, chờ chuyển vào lò, và một phòng hơi ngạt xử lý tù nhân sống biến thành thây chết rồi đốt thành tro ít giờ sau đó.

Đi vào phòng bên cạnh lò thiêu, đọc lời giới thiệu chỉ dẫn làm tôi phải giựt mình, nếu không có bản giải thích dán lên tường thì chẳng khác gì bao phòng ốc ở trường học, cư xá dân cư. Vừa đọc xong, Anh Thành liền nói: thôi đi ra Thầy ơi, đứng đây sao thấy ghê quá! Anh đọc tiếng Đức, tôi đọc tiếng Anh, cùng lúc tôi cũng hiểu như anh, nhưng anh giải thích thêm làm cả hai phải xúc động và xót thương cho người quá cố. ‘ This room was used to store the corpses that were brought from the prisoner camp to be cremated’. Căn phòng này dùng để chứa xác người, được mang từ trại tù đến đây để hỏa thiêu.

Theo tài liệu hướng dẫn tham quan, thì trại Dachau này được thành lập từ 1933; đã dung chứa trên 200.000 (hai trăm ngàn) tù nhân bị bắt giam từ khắp nơi ở Au Châu; và số người chết nơi này có hơn 43 000 (bốn mươi ba ngàn) người.

Tôi không có nhiều thời gian quan sát kỷ hơn, nhưng cảm nhận điều đau lòng đã vừa đủ!.

Thật ra cảnh tù đày nào lại chẳng có chết chóc đau thương, nhưng lịch sử nơi đây cảnh tượng giết người hàng loạt có sắp đặt lập trình quy mô, đã trở thành quá khủng khiếp. Chúng tôi đi vào viện bảo tàng xem lại lịch sử chiến tranh, lịch sử những ý thức hệ sai lạc đã dẫn đưa bao sinh linh vô tội đi vào cõi chết. Động tâm đau thương hơn, viện còn lưu giữ lại vài vật dụng cá nhân của người tù.

Thôi thì có nói thế nào sự kiện đã trở thành quá khứ, tuy nhiên việc lưu trử tàn tích lịch sử là điều quan trọng, giúp con người hôm nay và ngày mai lấy đó làm kinh nghiệm, đừng bao giờ quên hình ảnh đau thương nơi đây.

Ngay trước họa hình đài tưởng niệm nạn nhân, có dựng hàng chữ nổi bằng vài ngôn ngữ, ngôn ngữ của các quốc gia liên hệ trong tàn tích lịch sử này; và chỉ có võn vẹn vài chữ rằng: never again. Có lẽ nên tạm dịch là, xin đừng bao giờ tái diễn lại cảnh tượng đau thương này. Nhưng tại sao không ghi rõ như vậy, mà quá vắn tắc? Hỏi cũng tự trả lời! Tôi cũng đồng ý, không cần phải ghi dài dòng văn tự, vì cụ thể lịch sử tàn tích hình ảnh còn đó, cần gì phải nói cho nhiều. Không chừng nói nhiều, phân bua cho rõ làm sai lạc đi niềm đau thương, hay tệ hơn đùa giởn lên sự đau thương khủng khiếp đó. Nếu như được cũng không cần ghi gì cả, bởi bên cạnh là một hoạt hình nổi diễn tả hàng lớp người tù lỏa lồ còn da bọc xương dính mắc nhau, chồng chất nhau đang ngoằn ngoại, đang tắt hơi đi vào cõi chết. Nhưng, nghĩ cũng nên viết, và viết như vậy đã quá đầy đủ.

Quan sát hôm chúng tôi tham quan, có đến khoảng năm chiếc xe buýt lớn loại chở khách xuyên tiểu bang; đặc biệt khách trên những xe đó toàn là học sinh, sinh viên. Như vậy rõ ràng đường hướng chính sách chính phu,û có lập định đàng hoàng việc tham quan dành cho những người trí thức trẻ, mong rằng sự kiện biến cố lịch sử nơi đây sẽ ghi đậm vào ý thức người trẻ bài học đau thương của nhân loại, và như vậy mọi quốc gia trên thế giới, hiện nay và mai sau phải được lãnh đạo bằng công bình dân chủ, bằng tình thương nhân loại với nhau, và nhất là tránh ‘never again’ cảnh tưởng giết người khủng khiếp như thế xảy ra trên hành tinh này.

*

Nói về việc thăm chùa Tâm Giác tôi cũng được nhân duyên một ít vui, dù chỉ ở ít ngày tôi đã được Thầy Đồng Văn và Chú Tài hướng dẫn thăm niệm Phật đường Tam Bảo vùng Reultinger do Ni sư Như Viên trụ trì, và cũng được Thầy mời chứng minh buổi lễ Hằng Thuận (thành hôn). Buổi lễ diễn ra tại chánh điện Phật Đường vừa đủ kính số người tham dự. Không gian tuy không rộng lớn nhưng ấm cúng tình người tình đạo. Quý Thầy Cô hôm đó gồm có: Thầy Đồng Văn, Ni sư trụ trì, Đại Đức Giác Đức, Chú Hạnh Tâm và tôi. Buổi lễ diễn ra và hoàn mãn trong nghi thức giản dị, nhưng đặc sắc mang tính hướng thiện xây dựng theo niềm tin chánh pháp Phật Đà.

Sau chuyến thăm Niệm Phật đường Tam Bảo cách chùa Tâm Giác khoảng 300 cây số, về lại Tâm Giác, tôi lại được duyên tiếp tục cuộc thăm viếng chùa Viên Giác, thăm Thầy Phương Trượng, Thầy trụ trì và quý huynh đệ nơi đây, chuyến đi này phải đi xe lửa vì xa gấp đôi Phật Đường Tam Bảo.

Mỗi lần thăm chùa Viên Giác, mỗi lần biết thêm vài Tăng chúng mới ở chùa. Thật sự đến nay tôi cũng không rõ biết Thầy Phương trượng chùa Viên Giác (PTCVG) đã có được bao nhiêu Tăng Ni đệ tử. Có lẽ ở hải ngoại này, Tăng sĩ người Việt ngoài Thiền sư Nhất Hạnh ra, Thầy PTCVG là vị Thầy thứ hai độ chúng xuất gia đông nhất. Điều này cũng thật mừng cho Phật Giáo Việt Nam ở hải ngoại, mong rằng duyên độ chúng của Thầy vẫn còn tiếp tục, cũng như chư huynh đệ, đệ tử của Thầy hiện nay và tương lai sẽ ít nhiều tạo nên hình ảnh đẹp cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Thăm chùa Tâm Giác gần một tuần, trong đó được hai ngày cuối tuần. Ngày chủ nhật Thầy Đồng Văn đã mời tôi nói chuyện với quý Phật tử. Mặc dù không được thông báo trước số Phật tử hiện diện đến nghe vẫn chiếm hơn phân nữa chánh điện. Xét thấy rằng, nơi đâu Phật tử cũng chuộng nghe pháp, mến Tăng Ni, nên dù trình độ học Phật của quý vị vẫn có thể tự học, nhưng vẫn luôn về chùa nghe pháp.

Như vậy chuyến thăm Đức Quốc lần này không phải là dự tính, nhưng đã để lại trong tôi nhiều hoài cảm vui buồn với cảnh người cảnh vật.

Lần nữa xin cảm niệm công đức Thầy Đồng Vân, xin chân thành tri ân công đức quý Bác, quý Chú, quý Anh Chị Phật tử đã ân cần đón đưa và cúng dường tịnh tài trong chuyến thăm chùa Tâm Giác vừa qua.

Xin được chúc nguyện đến tất cả người con Phật, hai giới xuất gia tại gia hằng nuôi dưỡng mãi Bồ Đề Tâm để ngôi nhà Phật pháp trường tồn dài lâu trên cõi Ta Bà này.

Nam Mô A Di Đà Phật

Luân Đôn ngày 23/10/2004

Thích Phổ Huân



 

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/12/2013(Xem: 18062)
Thành thật luận 成實論 (Satyasiddhi-śāstra) cũng gọi Tattvasiddhi Śāstra 16 quyển, hoặc 20 quyển, do Ha-lê-bạt-ma (Harivarman) tạo luận, Cưu-ma-la-thập (Kumārạiva) dịch, Đàm Quỹ ghi chép, Đàm Ảnh chỉnh lý, trong khoảng đời Dao Tần, niên hiệu Hoằng Thùy thứ 13 đến 14 (411 ~ 412), thâu lục trong Đại Chính, Đại Tạng Kinh, Tập số 32, kinh số 1647.
17/12/2013(Xem: 16405)
Khi mới thành đạo, đức Phật đã nói: “Lạ thay tất cả chúng sanh đều có đức tính trí huệ của Như Lai mà bị vô minh che lấp nên không phát hiện ra được”. Và bản nguyện của Phật là muốn khai thị cho chúng sanh ngộ nhập được tri kiến Phật của
17/12/2013(Xem: 8881)
Có sự phân giới của chúng sinh và không phải chúng sinh, và việc quan tâm đến các chúng sinh cùng hành vi tinh thần trong đời sống hằng ngày của chúng ta, cũng có những trình độ khác nhau. Khi chúng ta thức giấc, khi chúng ta mơ ngủ và khi chúng ta ở trong giấc ngủ sâu và rồi thì khi chúng ta bất tỉnh - ở tại mỗi giai tầng, có một trình độ sâu hơn của tâm thức. Rồi thì cũng ngay tại thời điểm lâm chung khi tiến trình của tan biến của tâm thức tiếp tục sau khi hơi thở chấm dứt - tại thời điểm ấy, lại có một trình độ thậm chí sâu hơn của tâm thức. Chúng ta không có kinh nghiệm của những gì xảy ra tại thời điểm lâm chung, nhưng chúng ta thật sự biết những gì là kinh nghiệm thức giấc và mơ ngủ và vào lúc ngủ sâu như thế nào.
16/12/2013(Xem: 14209)
Giới là sự khác biệt căn bản giữa người nam và người nữ, liên quan đến giới tính, đến vai trò và vị trí xã hội của họ. Vấn đề bình đẳng giới được nêu lên nhằm giải quyết sự thiệt thòi của phụ nữ vì bị đối xử phân biệt
14/12/2013(Xem: 36055)
Năm 2006, khi tôi viết thư xin phép Thiền sư Bhante H. Gunaratana để dịch quyển tự truyện cuộc đời ngài, Hành Trình Đến Chánh Niệm (Journey To Mindfulness), Thiền sư không những đã từ bi hoan hỷ cho phép, mà còn giới thiệu về quyển sách mới của ngài, Eight Mindful Steps To Happiness. Do duyên lành đó hôm nay bản dịch của quyển sách trên được đến tay độc giả với tựa Bát Chánh Đạo: Con Đường Đến Hạnh Phúc.
13/12/2013(Xem: 14110)
Khi tâm được bình an, vắng lặng, nhìn lại bà con thân thuộc thì thấy mọi người đều mải mê lặn hụp trong đau khổ, trong vòng lẩn quẩn của thương ghét, từ đó khởi lên tình thương mà đạo Phật gọi là từ bi... Thương ghét
11/12/2013(Xem: 35313)
Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác là con nhà họ Đới ở Châu Ôn . Thuở nhỏ học tập kinh, luận và chuyên ròng về phép Chỉ quán của phái Thiên Thai. Kế, do xem kinh Duy Ma mà tâm địa phát sáng. Tình cờ có học trò của sư Huệ Năng là thầy Huyền Sách hỏi thăm tìm đến. Hai người trò chuyện hăng say.
10/12/2013(Xem: 22417)
Pháp Tướng Tông (Duy Thức Tam Thập Tụng) của Bồ Tát Thế Thân, Vu Lăng Ba giảng, cư sĩ Lê Hồng Sơn dịch
10/12/2013(Xem: 24541)
Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với câu chuyện đời của Đức Phật. Chúng ta biết rằng thái tử Siddhattha đã rời bỏ cung điện lộng lẫy của vua cha, để bắt đầu cuộc sống không nhà của người lữ hành lang thang đi tìm con đường tâm linh, và sau nhiều năm tu hành tinh tấn, Ngài đã đạt được giác ngộ khi đang nhập định dưới gốc cây bồ đề. Sau khi xả thiền, Đức Phật đã đi đến thành phố Benares, giờ được gọi là Varanasi. Ở đó, trong Vườn Nai, lần đầu tiên Ngài thuyết pháp về những gì Ngài đã khám phá về con đường đi đến hạnh phúc toàn vẹn. Lời dạy của Đức Phật rất đơn giản nhưng sâu sắc.
03/12/2013(Xem: 58697)
Người ta thường nói :"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Đối với tôi, câu nói này thật là quá đúng. Ngày nhỏ chưa biết gì nhưng từ khi làm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tôi đã thấy ích lợi của một Tăng thân. Chúng tôi thường tập trung thành từng nhóm 5,7 người để cùng nhau tu học. Giai đoạn khó khăn nhất là sau 75 ở quê nhà. Vào khoảng 1985, 86 các anh lớn của chúng tôi muốn đưa ra một chương trình tu học cho các Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Tỉnh và những Htr có cấp nên đã tạo ra một lớp học Phật pháp cho các Htr ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam. Nói là "lớp học" nhưng các Chúng tự học với nhau, có gì không hiểu thì hỏi quý Thầy, các Anh và kinh sách cũng tự đi tìm lấy mà học. Theo qui định của các Anh, Sàigòn có 1 Chúng và mỗi tỉnh có 1 Chúng. Chúng tu học của chúng tôi (Sàigòn) có tên là Chúng Cổ Pháp và phải thanh toán xong các bộ kinh sau đây trong thời gian tối đa là 3 năm:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]