Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh chuyển Pháp luân

25/12/201622:13(Xem: 7697)
Kinh chuyển Pháp luân
Kinh chuyển Pháp luân
hay
 Bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật Thích-ca.
kinh-chuyen-phap-luan
   Đức Phật đang dạy 5 vị đệ tử đầu tiên của Ngài
Dịch và chú thích bởi
GS Nguyễn Vĩnh Thượng

Lời dịch giả: bài dịch tiếng Việt được căn cứ chính yếu vào bài dịch tiếng Anh của Đại Đức Mahathera Narada trong quyển The Buddha and his Teachings, 1964.

Kinh chuyển Pháp luân là bài thuyết Pháp đầu tiên của Đức Phật Thích-ca sau khi Ngài đã đắc đạo. Ngài đã thuyết giảng bài Kinh này cho 5 người bạn đồng tu khổ hạnh với Ngài trước kia là Kondanna (người Trung Hoa phiên âm là Kiều Trần Như), Bhaddiya, Vappa, Mahanama, Asaji tại vườn Lộc Uyển (Deer Park). Bài thuyết Pháp này được ghi lại trong Bộ Kinh Tương Ưng (Samyutta Nikaya) quyển V (Pali edition, p.420).
Tựa Kinh theo tiếng Pali là Dhamma-Cakka-Pavattana Sutta, tiếng Sanskrit là Dharma-Cakra-Pravartana Sutra. Người Hoa dịch là Kinh Chuyển Pháp Luân.
Dhamma có nghĩa là (Phật) Pháp, lời dạy của Đức Phật.
Cakka có nghĩa là bánh xe, cái dĩa tròn.
Pavattana có nghĩa là chuyển động lăng tròn.
Sutta là quyển Kinh.
Trong tiếng Hán Việt, Pháp Luân   ): luân có nghĩa là bánh xe, Pháp Luân có nghĩa là bánh xe (Phật) Pháp (Anh. Dharma Wheel).
Trong tiếng Anh, tựa bài Kinh có rất nhiều lời dịch khác nhau:
-The Setting in Motion of the Wheel of the Dharma Sutra.
-Discourse on Turning the Wheel of Truth.
-Discourse on Turning the Wheel of the Dharma.
Đã có rất nhiều bản dịch “Kinh chuyển Pháp luân” ra tiếng Hoa, Việt, Anh, Pháp … đăng trên Internet.

Để giúp độc giả nhận ra các đoạn mạch của Kinh chuyển Pháp Luân, chúng tôi phân chia bài Kinh này ra nhiều đoạn với những tiểu tựa.

I.-Nhập đề

Tôi (=Ngài Ananda) nghe như vầy:
Vào một thời nọ, Đức Phật Thích ca ở tại Vườn Lộc Uyển, xứ Isipatana (hiện nay là Sarnath), gần thành Benares.

II.-Thân bài

       II.A.-Con đường ở giữa:

Đức Phật gọi 5 thầy Tỳ Kheo đang ngụ ở nơi ấy, đã từng là bạn đồng tu khổ hạnh với mình trước đây, dạy rằng:

“Này các thầy Tỳ Kheo! Có hai cực đoan (Sa. Antu, Anh. Extreme) mà bậc xuất gia phải tránh:
-Thứ nhất là chìm đắm trong dục lạc (sensual pleasures). Đó là điều thắp hèn, phàm tục và vô ích.
-Thứ hai là theo lối tu khắc khổ (harsh austerity). Đó là điều gây khổ sở và vô ích.
Các thầy hãy từ bỏ hai cực đoan ấy. Như Lai (Tathagata, Đức Phật thường dùng danh từ này để tự xưng mình) đã thấu hiểu rằng Con đường ở giữa (Pa. Majjhima patipada, Anh. Middle way, Việt-Hán. Trung đạo)
hai cực đoan ấy, tức là không thiên về một bên nào quá đáng mà Như Lai đã áp dụng để phát triển nhản quan, sự hiểu biết phân minh, tiến đến sự an tịnh (Pa. vupasamaya, Anh. peace) đưa đến trí tuệ (Pa. abhinnaya, Anh. knowlegde), giác ngộ (Pa. sambodhaya, Anh. enlightenment/awaking) và niết-bàn (Pa. nibbana, Sa. Nirvana) hay con đường dứt khổ.

        II.B.-Bát Chánh Đạo:

Này các thầy Tỳ Kheo! Phép tu hành theo con đường ở giữa mà Như Lai đã ngộ là sự tu hành để phát triển nhãn quan, tri kiến, đưa đến sự an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ và Niết-bàn là gì? – Đó là Bát Chánh Đạo(*1) (Hán-Việt. 八正道, Sa. Ārya 'ṣṭāṅga mārgaḥ, Pi. Ariyo aṭṭhaṅgiko maggo, Anh. Eightfold path).
Bát Chánh Đạo là con đường có 8 chi nhánh (eightfold) là: 1.-Chánh Kiến (正見, Pa. Samma ditthi, Anh. Right view), 2.-Chánh Tư duy (正思唯, Pa. Samma sathkappa, Anh. Right intention), 3.-Chánh Ngữ ( 正語 , Pa. Samma vaca, Anh. Right speech), 4.-Chánh Nghiệp (. 正業 , Pa. Samma kammanta, Anh. Right action), 5.-Chánh Mạng (正命,  Pa. Samma ajiva, Anh. Right Livehood), 6.-Chánh Tinh Tấn (正精進, Pa. Samma Vayama, Anh. Right Effort), 7.-Chánh Niệm (正念, Pa. Samma sati, Anh. Right Mindfulness), 8.-Chánh Định (正定,  Pa. Samma Samadhi, Anh. Right Concentration).

         II.C.-Tứ Diệu Đế (四妙諦, Sa. Catvāry āryasatyāni, Pi. cattāri ariya-saccāni, Anh. Four Noble Truths), là bốn chân lí cao cả/ cao thượng ; cũng gọi là Tứ thánh đế ( 四聖諦,Four Holy Truths). Đây là trọng tâm của bài thuyết Pháp này.
                 1. Khổ  Đế  
Này các thầy Tỳ Kheo! Bây giờ Như Lai giảng về Chân Lý Cao thượng về sự Khổ (Pa. Duḥkhā ryasatya, Anh.the Noble truth of Suffering): Sanh là sự hợp lại của Ngũ Uẩn(*2 ) ( Sa. Pañcaskandha, Pa. Pancu-padanakkhandha, Anh. Five Aggregates), là khổ; Lão/già là khổ, bịnh là khổ, tử/chết là sự tan rã Ngũ Uẩn, là khổ. Buồn rầu, lo lắng, thất bại, rối loạn tâm thần là khổ. Sống chung với người mình không ưa thích là khổ, lìa xa người thân yêu là khổ, ước muốn mà không được là khổ. Nói cách khác, có thân Ngũ Uẩn (five psycho-physical condition groups) là khổ, vì ngũ uẩn là vô thường, biến đổi không ngừng.
                 2. Tập  Đế:
Này các thầy Tỳ Kheo! Đây là Chân Lý Cao thượng về nguyên nhân của khổ đau (Pa.Dukkha samudaya ariya sacca, Anh. Noble Truth of the cause): Chính lòng ham muốn được tái sanh, chìm đắm trong dục lạc, tức là, lòng ham muốn chìm đắm trong khoái cảm dục vọng, ham muốn mọi vật được trường tồn vĩnh cữu, lòng ham muốn trong tâm ý rằng sau cái chết thì không còn gì nữa; đó là nguyên nhân của khổ đau.
                3. Diệt Đế:
Này các thầy Tỳ Kheo! Đây là Chân Lý Cao Thượng về sự diệt khổ đau (Pa. Dukkha-nirodha-ariya Sacca, Anh. Noble Truth of Ending Suffering). Đó là sự chấm dứt lòng ham muốn, không luyến tiếc.
               4. Đạo Đế:
Này các thầy Tỳ Kheo! Đây là Chân Lý Cao thượng về con đường dẫn đến sự diệt khổ (Pa. Dukkha nirodhaga-mini-patipada –ariya-sacca, Anh. Noble Truth of the way leading to the cessation of suffering). Đó chính là  Bát Chánh Đạo.

            II.D.-Tam Chuyển Pháp Luân(*3), Thập Nhị Hành(*4): để giúp 5 vị Tỳ Kheo hiểu thấu rõ Tứ Điệu Đế, Đức Phật thực hiện “tam chuyển Pháp luân” cho mỗi Đế. Có 4 Đế, nên có 12 hành, người Trung Hoa gọi là Thập nhị hành ( 3 chuyển x 4 Đế = 12 hành).
                1. Đây là 3 chuyển Pháp luân của Khổ Đế:
                                  
a. Thị Chuyển:
Này các thầy Tỳ Kheo! Khổ đế [sự thật về nỗi khổ đau: phiền não, sanh tử luân hồi…] là pháp mà trước đây Như Lai chưa từng được nghe, được hiểu.
                           b. Khuyến chuyển:
Này các thầy Tỳ Kheo! Các thầy nên nhận biết Khổ Đế này.
                           c.Chứng chuyển:
Này các thầy Tỳ Kheo! Như Lai đã chứng nghiệm được Khổ Đế này. Nên nhãn quan, sự biết, sự hiểu, trí tuệ biết rõ, chân hiểu biết và ánh sáng (seeing, understanding, wisdom, true knowledge and light) đã phát sanh đến Như Lai. [ánh sáng ở đây có thể hiểu là “diệt trừ được vô minh”]
               2.Đây là 3 chuyển Pháp luân của Tập Đế:
                                 a.
Thị chuyển:
Này các Tỳ Kheo! Khổ Tập Đế [sự thật về các nguyên nhân của đau khổ, phiền não, và sanh tử luân hồi] là pháp mà trước đây Như Lai chưa từng được nghe, được hiểu.
                           b.Khuyến chuyển:
Này các thầy Tỳ Kheo! Các thầy nên nhận biết các nguyên nhân của sự khổ: Khổ Tập Đế.
                           c.Chứng chuyển:
Này các thầy Tỳ Kheo! Như Lai đã chứng nghiệm được Khổ Tập Đế này. Nên nhãn quan, sự biết, sự hiểu, trí tuệ biết rõ, chân hiểu biết và ánh sáng đã phát sanh đến Như Lai.
               3.Đây là 3 chuyển Pháp luân của Diệt Đế:
                                
a.Thị chuyển:
Này các thầy Tỳ Kheo! Khổ Diệt Đế [sự thật về việc phải diệt trừ sự khổ đau để đạt được an lạc, thanh tịnh, hạnh phúc và giác ngộ] là pháp mà trước đây Như Lai chưa từng được nghe, được hiểu.
                           b.Khuyến chuyển:
Này các thầy Tỳ Kheo! Các thầy nên nhận biết cần phải dứt bỏ, tiêu diệt sự khổ đau: Khổ Diệt Đế.
                           c.Chứng chuyển:
Này các thầy Tỳ Kheo! Như Lai đã trải nghiệm quyết định tiêu diệt sự khổ đau: Khổ Diệt Đế. Nên nhãn quan, sự biết, sự hiểu, trí tuệ biết rõ, chân hiểu biết và áng sáng đã phát sanh đến Như Lai.
              4.Đây là 3 chuyển Pháp luân của Diệt Khổ Đạo Đế (Bát Chánh Đạo):
                           a.Thị chuyển:
Này các thầy Tỳ Kheo! Diệt Khổ Đạo Đế (=Bát Chánh Đạo) [8 con đường có 8 chi nhánh dẩn đến việc diệt trừ khổ đau] là pháp mà trước đây Như Lai chưa từng được nghe, được hiểu.
                           b.Khuyến chuyển:
Này các thầy Tỳ Kheo! Các thầy nên nhận biết Diệt Khổ Đạo Đế để giúp dẩn đến việc diệt trừ khổ đau.
                           c.Chứng chuyển:
Này các thầy Tỳ Kheo! Như Lai đã thực nghiệm “Bát Chánh Đạo”. Khi Diệt Khổ Đạo Đế được thực hiện (to be practised) và được phát triển (to be developed) thì nhãn quan, sự hiểu, sự biết, trí tuệ biết rõ, chân hiểu biết và ánh sáng đã phát sanh đến Như Lai.

Sau khi kết thúc “tam chuyển Pháp luân” (Pa. tiparivă, Anh. three stages/ phases) - thập nhị hành (Pa. dvadasakara, Anh. twelve aspects), Đức Phật Thích-ca giảng tiếp:
Này các thầy Tỳ Kheo! Nếu Như Lai chưa hoàn toàn thấu triệt Tứ Diệu Đế (Four Noble Truths) về ba phương diện (three stages/ phases) và đủ mười hai phương thức (twelve aspects) một cách hoàn toàn sáng tỏ thì Như Lai đã không xác nhận điều này trước thế gian này gồm có cả chư Thiên (Gods), Ma vương (Maras), Phạm thiên (Brahmas), Đạo sĩ (Recluses), Giáo sĩ Bà-la-môn (Brahmans), Con người (Humans) và loài ngoài hạng con người nữa (Some-One) rằng Như Lai đã đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ( Pa. Anuttara Samma Sambodhi, Anh. The highest Awakening).

Này các thầy Tỳ Kheo! đến khi Như Lai thấu triệt Bốn Diệu Đế/ Bốn Thánh Đế (insight and understanding of the Four Noble Truths/Four Holy Truths), về 3 phương diện (three stages) và đủ mười hai phương thức (twelve aspects) một cách hoàn toàn sáng tỏ thì đến lúc đó Như Lai mới xác nhận trước thế gian này gồm có cả chư Thiên (Gods), Ma vương (Maras), Phạm thiên (Brahmas), Đạo sĩ (Recluses), Giáo sĩ Bà-la-môn (Brahmans), Con người (Humans) và loài ngoài hạng con người nữa (Some-One) rằng Như Lai đã đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Và rằng lúc ấy tri kiến và nhãn kiến phát sanh thì tâm của Như Lai được giải thoát và không còn lay chuyển. Đây là kiếp sống cuối cùng của Như Lai, Như Lai sẽ không bao giờ tái sanh nữa.

III.Kết luận:

Đức Phật giảng xong, 5 vị Tỳ Kheo thấy vui mừng trong lòng. Ngài Kondanna khi nghe giảng Tứ Diệu Đế liền chứng được pháp nhãn thanh tịnh (Pa. Dhamma Cakkhu, Anh. Pure eye of Dhamma); và Ngài chứng ngộ rằng “cái gì đã có sanh tất phải có diệt” (Everything is of a nature to arise is likewise of a nature to cease).

Lúc Đức Phật chuyển Pháp Luân, chư Thiên trên hành tinh này hoan hô: “Pháp Luân này quả thật tuyệt diệu! Chẳng có Pháp Luân nào cao siêu hơn Pháp Luân này. Không có chư Thiên, Ma vương, Phạm Thiên, Đạo sĩ, Giáo sĩ Bà-la-môn nào trên thế gian này có thể giảng được như Đức Phật đã giảng tại vườn Lộc Uyển trong làng Isipatana, gần thành Benares.”
Nghe lời vừa tán dương trên, chư Thiên ở các cung trời Tứ-Đại-Thiên-Vương (Catum-Maha-Rajika, Anh. Four Kings) v…v… cũng đồng thanh hoan hô: “tại vườn Lộc Uyển, trong làng Isipatana, gần thành Benares, bánh xe chuyển Pháp tối thượng đã được Đức Phật thuyết giảng.” và họ quay lưng rời bỏ chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, Đạo sĩ, Giáo sĩ Bà-la-môn và bất cứ người nào trên thế gian này. Họ sẽ hướng về Đức Phật.
Trong khoảnh khắc ấy tiếng hoan hô vang dội làm rung chuyển mạnh mẽ, chỉ trong nháy mắt đã làm cả 10.000 thế giới trong cõi Phạm Thiên đều rung chuyển theo.

Một hào quang vô cùng rực rỡ hơn tất cả hào quang của chư Thiên đã chiếu sáng trên thế gian.
Đức Phật liền nói: “Kondanna quả đã giác ngộ! Kondanna quả đã giác ngộ! Từ đó Kondanna được gọi tên là Annata Kondanna , có nghĩa là “Kondanna là người đã giác ngộ”.
  Samyutta Nikaya (Tương Ưng Bộ Kinh Pali), quyển V, trang 420.

*-*-*

Trong Luật tạng (Vinaya Pitaka)   có nơi nói rằng Ngài Kondanna thỉnh cầu Đức Phật cho Ngài làm đệ tử của Phật, Đức Phật đã chấp thuận. Kondanna là vị sư xuất gia đầu tiên, Tăng đoàn (Sangha, Community of Monks & Nuns) đã được thành lập từ đó, tiếp theo là 4 vị Tỳ Kheo kia cũng gia nhập tăng đoàn và họ lần lượt chứng quả Arahant.

*-*-*

Chú thích:  
(*1) Bát Chánh Đạo:  con đường có 8 chi nhánh (eightfold) như sau:

1.Chánh kiến: Người có chánh kiến là người hiểu rõ 4 Diệu Đế.
Người có chánh kiến là người thấu hiểu sự vật theo: - thật tướng vô thường, thật thể vô ngã, thật tánh duyên khởi tức là mọi vật đều liên kết, đều tuỳ thuộc lẫn nhau mà hiện hữu.
Người có chánh kiến là người thấu hiểu mọi hành động đều có hiệu quả: chết không phải là hết, những hành động và đức tin đều có cái hậu quả sau khi chết.
2.Chánh tư duy: có nghĩa là mọi suy nghĩ/ tư duy căn cứ vào 4 Diệu Đế, căn cứ vào các Pháp: vô thường, khổ, vô ngã .
3.Chánh ngữ: có nghĩa là lời nói phải hòa nhã, hợp đạo lý, chân chính/ không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói những lời phù phiếm.
4.Chánh nghiệp: có nghĩa là hành động từ bỏ các điều ác, từ bỏ việc làm tổn thương đến người khác, hành động giúp người khác được lợi, được vui, và cũng giúp chính mình được lợi và an vui.
5.Chánh mạng: có nghĩa là sinh sống bằng những nghề không xúc phạm đến thân mạng và tài sản của người khác.
6.Chánh tinh tấn: có nghĩa là siêng năng làm điều lành, cố gắng tránh đều ác.
7.Chánh niệm: có nghĩa là luôn luôn nhớ, nghĩ đến điều lành, và nghĩ tới điều ác nên tránh.
8.Chánh định: có nghĩa là luôn luôn giữ tâm không bị vọng động, giữa tâm thanh tịnh, bình thản, và chú tâm vào điều tốt.

(*2) Ngũ uẩn:
Ngũ uẩn (五蘊, Sa. pañca-skandha, Pa. pañca-khandha, Anh. five aggregates་), còn gọi là Ngũ ấm (五陰), pañca là 5 ; skandha là nhóm, người Trung Hoa dịch là uẩn có nghĩa là tích tụ, là (các điều, các vật) được chất chứa cùng một nhóm.  Ngũ uẩn là năm nhóm yếu tố kết hợp lại tạo thành con người: - Phần vật chất  có hình dáng gọi là 1.Sắc uẩn;- Phần tâm lý không có hình dáng, gồm 4 nhóm, gọi là: 2.Thọ uẩn, 3.Tưởng uẩn, 4.Hành uẩn và 5. Thức uẩn.  (Xem thêm bài Ngũ Uẩn của NVT).

(*3) Tam chuyển (Pa. tipariva, Anh. three phases/ stages) Pháp luân: ức Phật đã giảng “mỗi Diệu Đế” bằng cách đi qua 3 giai đoạn nhằm giúp cho 5 vị Tỳ Kheo hiểu rõ và thực hiện hoàn toàn mỗi Diệu Đế:
           1.Thị chuyển: đây là giai đoạn công nhận (recognition), hiểu biết về “mỗi Diệu Đế” mà (hiện nay) Đức Phật đã thấy rõ, (trước kia, trước khi giác ngộ, Đức Phật chưa thấy rõ). Ngài giảng rõ cho 5 vị Tỳ Kheo ý thức về sự có mặt của Khổ đau, hành trình tìm hiểu nguyên nhân, quyết định diệt trừ khổ đau, và con đường giúp diệt trừ khổ đau.
           2 .Khuyến chuyển: đây là giai đoạn khuyến khích (encouragement) tìm hiểu về “mỗi Diệu Đế”, Đức Phật đã khuyến khích 5 vị Tỳ Kheo nên tìm hiểu rõ về sự khổ đau, về nguyên nhân, quyết định diệt trừ khổ đau, và phương cách để diệt trừ khổ đau.
           3. Chứng chuyển: đây là giai đoạn thực hiện (realization), Đức Phật nêu lên bằng chứng Ngài đã trải nghiệm và thực hiện “mỗi Diệu Đế”, do đó 5 vị Tỳ Kheo cần phải thực hiện “mỗi Diệu Đế” này.

Tóm lại, sau khi đã nhận thức từng (hay 4) Diệu Đế thì phải hiểu rõ từng (hay 4) Diệu Đế, rồi hoàn thành việc thực hiện từng (hay 4) Diệu Đế. Và như thế các thầy Tỳ kheo mới giải thoát khỏi khổ đau.

(*4) Thập nhị hành (Pa. dvadasakara, Anh. twelve aspects): Đức Phật thực hiện “tam chuyển Pháp luân” cho mỗi Diệu Đế (mỗi chân lý vi diệu). Có 4 Diệu Đế (4 chân lý vi diệu), nên có 12 hành, người Trung Hoa gọi là Thập nhị hành ( 3 chuyển x 4 Diệu Đế = 12 hành).

Bài học từKinh Chuyển Pháp Luâncủa Đức Phật Thích-ca.

Bài thuyết Pháp đầu tiên của Đức Phật lịch sử đã dạy cho chúng ta những điều sau đây:

1.-Con đường ở giữa
Đức Phật khẳng định với 5 vị Tỳ Kheo đồng tu khổ hạnh với Ngài trước kia rằng: “Đức Phật đồng ý với quý Tỳ Kheo này việc tham luyến dục lạc là điều không có ích lợi, nhưng Đức Phật thêm vào đó là việc tham luyến lối tu khắc khổ cũng không có lợi” và rồi Đức Phật đưa ra giải pháp: “ Hãy tránh cả hai cực đoan, và chọn con đường ở giữa hai cực đoan này để được đưa đến giác ngộ.”
Khi là Thái tử, Ngài đã trải nghiệm cuộc sống vương giả, đã hưởng thụ dục lạc, yến tiệc linh đình, cung phi mỹ nữ múa hát ngày đêm, có đủ kẻ hầu người hạ, tương lai còn được vua cha trao cho ngai vàng…, nhưng Ngài đã “ngộ” rằng việc tham luyến dục lạc là điều phàm tục, không có lợi ích, không thể kéo dài mãi mãi. Sau đó, trong bước đầu của cuộc đời xuất gia, Ngài đã trải nghiệm cuộc sống của tu sĩ theo cách tu khắc khổ, nhưng thể xác của Ngài suy yếu lần lần nên yinh thần cũng không được minh mẫn, rồi Ngài “ngộ” rằng lối tu khắc khổ cũng không có lợi ích. Do đó Ngài mới chọn “con đường ở giữa” hai thái cực này.

2.-Tứ Diệu Đế:
Trọng tâm của Kinh chuyển Pháp luân là lời giảng dạy của Đức Phật về Tứ Diệu Đế (Sa. catvāri āryasatyāni; Pa. cattāri ariyasaccāni, Four Noble Truths), các Đại sư Trung Hoa còn dịch là Tứ Thánh Đế (Four Holy Truths):

1.-Khổ  Đế (dukkha, Sa. Duhkha, the truth of suffering) là chân lý về sự khổ đau: cuộc đời này đầy đau khổ. Các Đại sư  Trung Hoa dịch dukkha là  khổ (suffering), dukkha còn có nghĩa rộng như là sự không hài lòng (dissatisfaction), sự căng thẳng (stress)…

 2.-Khổ Tập  Đế (samudaya dukkha, the cause of suffering): nguyên nhân gây khổ đau là vọng tưởng và bám vào sự vật vô thường.

 3.-Khổ Diệt Đế (nirodha dukkha, the cessation of suffering): cần phải diệt trừ những vọng tưởng và bỏ sự bám víu vào sự vật vô thường.

 4.-Diệt khổ Đạo Đế (magga dukkha, the path to the cessation of suffering = the Noble Eightfold Path) là “con đường có 8 chi nhánh” = Bát Chánh Đạo, đây là phương cách để diệt trừ sự bám víu vào các vật vô thường, và do đó sự tái sanh và khổ đau sẽ dứt.

3.-Bát Chánh Đạo
(đã trình bày ngắn gọn ở phần chú thích. Có thể đọc thêm bài viết Tứ Diệu Đế Bát Chánh Đạo của NVT)

4.- Ngũ uẩn:
5 nhóm yếu tố kết hợp lại tạo thành con người: 1.Sắc uẩn, 2.Thọ uẩn, 3.Tưởng uẩn, 4.Hành uẩn và 5. Thức uẩn.  Các “Uẩn” thì liên kết với nhau, tùy thuộc lẫn nhau mà hiện hữu, khi tan rả thì con người cũng không còn sống.
(đã trình bày ngắn gọn ở phần chú thích. Có thể xem thêm bài viết Ngũ Uẩn của NVT).

Đức Phật  nói “ngũ uẩn” luôn biến đổi không ngừng, ngũ uẩn là vô thường, như vậy ngũ uẫn là khổ.

5.-Vô thường:
Ngài Kondanna đã ngộ lời giảng dạy của Đức Phật Thích ca về triết lý vô thường (impermanence) khi Kondanna phát biểu: “Cái gì đã có sanh tất phải có diệt”.

Toronto, 03 December 2016
Nguyễn Vĩnh Thượng
 
Cựu giáo sư triết học (1969 – 1975) tại các trường Trung Học Petrus Ký, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn An Ninh, Cần Đước (Long An) và trường Sư Phạm Sài gòn.

 

Tài liệu tham khảo chính yếu

-Cao Hữu Đính, Văn Học Sử Phật Giáo, Huế: tác giả xuất bản, 1970. Đây là bài cours mà GS CHĐ đã soạn giảng cho Sinh viên Đại Học Vạn Hạnh Saigon và Phật Học Viện Nha Trang.
-Hirakawa Akira, A History of Indian Buddhism: from Sakyamuni to Early Mahayana, translated and edited by Paul Groner, Hawaii: University of Hawaii Press, 1974.
-Kogen Mizuno, Buddhist Sutras: Origin, Development, Transmission. Translated by Morio Takanashi & others, adapted by Rebecca M. Davis. Tokyo: Kosei Publishing Co. First English edition, 1982. Sixth printing, 1995.
-Narada, Mahathera, The Buddha and his Teachings, Kandy (Sri Lanka): Buddhist Publication Society, First enlarged edition: 1964, Second revised and enlarged edition: 1973.
-Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn độ, Saigon: Lê Thanh Thư Xã, 1963.
-Thích Tâm Thiện, Tìm hiểu ngôn ngữ Kinh điển Phật giáo, Sài-gòn: NXB TP.HCM, 2000.

 Cùng một tác giả
Các bài viết đã đăng trên Internet bởi các trang Web:
Thư viện Hoa sen, Chùa Adida (Australia), Trang nhà Quảng Đức, Tống Phước Hiệp-Vĩnh Long,
Petrus Ký-LHP, An phong-An bình …:

-Ảnh hưởng Phật giáo trong pháp luật triều Lý, 1971.
-Tư tưởng Phật giáo trong văn học đời Lý, 1996 (Sách).
-Phật giáo như là một triết học hay như là một tôn giáo, 2014.
-Cuộc đời của Đức Phật Thích-ca, 2014.
-Việc phiên dịch Kinh điển Phật giáo ra chữ Quốc ngữ, 2016.
-Việc phiên dịch Kinh điển Phật giáo ra chữ Hán, 2016.
-Ngụy Kinh trong thời kỳ Phật giáo Phát triển, 2016.
-Biểu nhất lảm Tam tạng Kinh điển Phật giáo, 2016.
-Về một nhà giáo thời VNCH: GS TS Nguyễn Thanh Liêm, 2010.
-Lời giới thiệu về Nhà văn Cư sĩ Huỳnh Trung Chánh, 2014.
-Thầy Tạ Ký- Nhà giáo và Nhà thơ, 2015.
-Tuyển tập Biên khảo Nguyễn Vĩnh Thượng, 2016 (Sách PDF & EPUB)
v…v…

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/11/2021(Xem: 11643)
Đây chỉ là chiếc thuyền nan, chưa tới bờ bên kia, vẫn còn đầy ảo tưởng chèo ra biển cả. Thân con kiến, chưa gột sạch đất cát, bò dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, nghe tiếng vỗ của một bàn tay trên đỉnh cao. Chúng sinh mù, nếm nước biển, ngỡ bát canh riêu cá, Thế gian cháy, mải vui chơi, quên cảnh trí đại viên. Nắm vạt áo vàng tưởng như nắm lấy diệu quang, bay lên muôn cõi, theo tiếng nhạc Càn Thát Bà réo gọi về Tịnh Độ, ngửi mùi trầm Hương Tích, an thần phóng thoát. Con bướm mơ trăng Cực Lạc, con cá ngụp lặn dưới nước đuôi vàng như áo cà sa quẫy trong bể khổ, chờ thiên thủ thiên nhãn nghe tiếng sóng trầm luân vớt lên cõi Thanh văn Duyên giác. Những trang sách còn sở tri chướng của kẻ sĩ loanh quanh thềm chùa Tiêu Sơn tìm bóng Vạn Hạnh, mơ tiên Long Giáng lào xào bàn tay chú tiểu Lan trên đồi sắn.
07/11/2021(Xem: 12111)
Kinh Vô Lượng Nghĩa nói “vô lượng pháp từ một pháp mà sinh ra”. Ma Ha Chỉ Quán của Thiên Thai Trí Giả (538-597), quyển 5, nói: “Phật bảo các Tỳ-kheo, một pháp thâu nhiếp tất cả pháp, chính là Tâm”. Phổ môn là vô lượng giáo pháp. Vô lượng giáo pháp này cũng từ một giáo pháp mà sinh ra. Một giáo pháp phổ cập tất cả gọi là phổ môn. Chư Phật thuyết giáo thuận theo Tâm của chúng sinh. Giáo là những ngôn từ được thuyết ra cho những chúng sinh chưa thấu suốt. Pháp là những phương thức với nhiều tướng trạng giống nhau hoặc khác nhau. Tâm ý chúng sinh có bao nhiêu ngõ ngách thì giáo pháp có chừng ấy quanh co. Chư Phật dùng muôn vàn phương tiện khế cơ mang lại lợi ích cho chúng sinh. Ngài Xá Lợi Phất từng nói: “Phật dùng nhiều thứ nhân duyên và thí dụ, phương tiện ngôn thuyết như biển rộng khiến tâm người trong pháp hội được yên ổn, con nghe pháp ấy khiến lưới nghi dứt” là nghĩa trên vậy.
04/10/2021(Xem: 2729)
Trong những gì tôi được đọc và được nghe kể, hình như nhà thơ Bùi Giáng không còn tham sân si, hay nếu còn, thì rất là ít. Không rõ có ai chứng kiến lúc nào Bùi Giáng khởi tâm tham sân si hay không. Rất nhiều người đã thân cận, đã chứng kiến đời thường của nhà thơ họ Bùi và đều nhận thấy nhà thơ như là người của cõi khác, người bay trên mây, người lạc tới thế gian này, như dường không còn chút nào tham sân si; hay chỉ còn, nếu có, thì rất ít.
05/09/2021(Xem: 14980)
Bắt đầu gặp nhau trong nhà Đạo, người quy-y và người hướng-dẫn biết hỏi và biết tặng món quà pháp-vị gì cho hợp? Thực vậy, kinh sách man-mác, giáo-lý cao-siêu, danh-từ khúc-mắc, nghi-thức tụng-niệm quá nhiều – nghiêng nặng về cầu-siêu, cầu-an – không biết xem gì, tụng gì và nhất là nhiều người không có hoàn-cảnh, thỉnh đủ. Giải-đáp thực-trạng phân-vân trên, giúp người Phật-tử hiểu qua những điểm chính trong giáo-lý, biết qua sự nghiệp người xưa, công việc hiện nay và biết đặt mình vào sự rèn-luyện thân-tâm trong khuôn-khổ giác-ngộ và xử-thế, tôi biên-soạn cuốn sách nhỏ này. Cuốn sách nhỏ này không có kỳ-vọng cao xa, nó chỉ ứng theo nhu-cầu cần-thiết, mong giúp một số vốn tối-thiểu cho người mới vào Đạo muốn tiến trên đường tu-học thực-sự. Viết tại Sài-thành mùa Đông năm Mậu-tuất (1958) Thích-Tâm-Châu
18/08/2021(Xem: 3374)
Hôm nay là ngày 15/8 dương lịch nhằm ngày mồng Tám tháng Bảy, Tân Sửu. Chỉ còn một tuần nữa là tới Rằm tháng Bảy. Rằm tháng Bảy âm lịch là ngày mà các chùa theo đạo Phật khắp nơi trên thế giới đều tổ chức Lễ Vu-Lan rất trọng thể. Lễ Vu-Lan từ lâu đã được xem như là ngày Lễ Báo Hiếu của những người con dành cho bậc cha mẹ.
23/07/2021(Xem: 11810)
Giữa tương quan sinh diệt và biển đổi của muôn trùng đối lưu sự sống, những giá trị tinh anh của chân lý bất diệt từ sự tỉnh thức tuyệt đối vẫn cứ thế, trơ gan cùng tuế nguyệt và vững chãi trước bao nổi trôi của thế sự. Bản thể tồn tại của chân lý tuyệt đối vẫn thế, sừng sững bất động dẫu cho người đời có tiếp nhận một cách nồng nhiệt, trung thành hay bị rũ bỏ, vùi dập một cách ngu muội và thô thiển bởi các luận điểm sai lệch chối bỏ sự tồn tại của tâm thức con người. Sự vĩnh cửu ấy phát xuất từ trí tuệ vô lậu và tồn tại chính bởi mục đích tối hậu là mang lại hạnh phúc chân thật cho nhân loại, giúp con người vượt thoát xiềng xích trói buộc của khổ đau. Tuỳ từng giai đoạn của nhân loại, có những giai đoạn, những tinh hoa ấy được tiếp cận một cách mộc mạc, dung dị và thuần khiết nhất; có thời kỳ những nét đẹp ấy được nâng lên ở những khía cạnh khác nhau; nhưng tựu trung cũng chỉ nhằm giải quyết những khó khăn hiện hữu trong đời sống con người và xã hội.
07/05/2021(Xem: 16547)
Phật Điển Thông Dụng - Lối Vào Tuệ Giác Phật, BAN BIÊN TẬP BẢN TIẾNG ANH Tổng biên tập: Hòa thượng BRAHMAPUNDIT Biên tập viên: PETER HARVEY BAN PHIÊN DỊCH BẢN TIẾNG VIỆT Chủ biên và hiệu đính: THÍCH NHẬT TỪ Dịch giả tiếng Việt: Thích Viên Minh (chương 11, 12) Thích Đồng Đắc (chương 1, 2) Thích Thanh Lương (chương 8) Thích Ngộ Trí Đức (chương 7) Thích Nữ Diệu Nga (chương 3, 4) Thích Nữ Diệu Như (chương 9) Đặng Thị Hường (giới thiệu tổng quan, chương 6, 10) Lại Viết Thắng (phụ lục) Võ Thị Thúy Vy (chương 5) MỤC LỤC Bảng viết tắt Bối cảnh quyển sách và những người đóng góp Lời giới thiệu của HT Tổng biên tập Lời nói đầu của Chủ biên bản dịch tiếng Việt GIỚI THIỆU TỔNG QUAN Giới thiệu dẫn nhập Giới thiệu về cuộc đời đức Phật lịch sử Giới thiệu về Tăng đoàn: Cộng đồng tâm linh Giới thiệu về các đoạn kinh của Phật giáo Thượng tọa bộ Giới thiệu về các đoạn kinh của Phật giáo Đại thừa Giới thiệu về các đoạn kinhcủa Phật giáo Kim cương thừa PHẦN I: CUỘC ĐỜI ĐỨC
29/11/2020(Xem: 12522)
“Ma” tiếng Phạn gọi là Mara, Tàu dịch là “Sát,” bởi nó hay cướp của công đức, giết hại mạng sống trí huệ của người tu. “Ma” cũng chỉ cho những duyên phá hoại làm hành giả thối thất đạo tâm, cuồng loạn mất chánh niệm, hoặc sanh tà kiến làm điều ác, rồi kết cuộc bị sa đọa. Những việc phát sanh công đức trí huệ, đưa loài hữu tình đến Niết-bàn, gọi là Phật sự. Các điều phá hoại căn lành, khiến cho chúng sanh chịu khổ đọa trong luân hồi sanh tử, gọi là Ma sự. Người tu càng lâu, đạo càng cao, mới thấy rõ việc ma càng hung hiểm cường thạnh. Theo Hòa Thượng Thích Thiền Tâm trong "Niệm Phật Thập Yếu", Ma tuy nhiều, nhưng cốt yếu chỉ có ba loại: Phiền não ma, Ngoại ma và Thiên ma
04/11/2020(Xem: 7782)
Những chúng sanh thuộc hàng Thanh Văn: Các chúng sanh thuộc hàng Thanh Văn được chứng ngộ khi nghe được những học thuyết về các Uẩn, Giới, Xứ, nhưng lại không đặc biệt lưu tâm đến lý nhân quả. Họ giải thoát được sự trói buộc của các phiền não nhưng vẫn chưa đoạn diệt được tập khí của mình. Họ đạt được sự thể chứng Niết-Bàn, và an trú trong trạng thái ấy, họ tuyên bố rằng họ đã chấm dứt sự hiện hữu, đạt được đời sống Phạm hạnh, tất cả những gì cần phải làm đã được làm, họ sẽ không còn tái sinh nữa. Những vị nầy đã đạt được Tuệ kiến về sự Phi hiện hữu của “Ngã thể” trong một con người, nhưng vẫn chưa thấy được sự Phi hiện hữu trong các sự vật. Những nhà lãnh đạo triết học nào tin vào một "Đấng Sáng Tạo" hay tin vào “Linh hồn” cũng có thể được xếp vào đẳng cấp nầy.
03/10/2020(Xem: 19979)
Đây là một bài nghị luận về Lý Duyên Khởi được Ajahn Brahm viết lần đầu tiên hơn hai thập niên trước. Vào lúc đó, ngài quan tâm nhiều hơn đến những chi tiết phức tạp trong việc giảng dạy kinh điển. Vì lý do đó bài nghị luận này có tính cách hoàn toàn chuyên môn, so với những gì ngài giảng dạy hiện nay. Một trong những học giả Phật học nổi tiếng nhất hiện nay về kinh điển Phật giáo đương đại là Ngài Bhikkhu Bodhi, đã nói với tôi rằng “Đây là bài tham luận hay nhất mà tôi được đọc về đề tài này”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567