Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Biểu nhất lảm Tam Tạng Kinh điển Phật giáo

09/11/201621:29(Xem: 7876)
Biểu nhất lảm Tam Tạng Kinh điển Phật giáo
Biểu nhất lảm Tam Tạng Kinh điển Phật giáo

GS  Nguyễn Vĩnh Thượng

Lời tác giả: Việc biên soạn chắc chắn không tránh khỏi những chỗ sai sót, chúng tôi ước mong được sự lượng thứ của các bậc cao minh. Những sự sửa sai và bổ khuyết của quý vị độc giả sẽ giúp bài viết này được đầy đủ và hoàn hảo hơn trong lần viết lại; đó quả là niềm vinh hạnh cho chúng tôi.
   NVT

                                               Bieu-nhat-lam-0000

Bài viết này [“Biểu nhất lảm Tam Tạng Kinh Điển Phật giáo” (An Overview of the Buddhist Tripataka)] nhằm cung cấp một cái nhìn duyệt qua kho tàng Kinh điển Phật giáo từ ngày Đức Phật Thích-ca Mâu-ni [khoảng 560 – 480 trước Công Nguyên (tr. CN)] còn tại thế cho đến ngày nay. Đạo Phật đã có một lịch sử trên 2.500 năm. Trong bài này, tôi sẽ trình bày:

I.Dẩn nhập : Truyền thống truyền khẩu trong các tôn giáo ở Ấn độ.
II.Định nghĩa: Tam tạng kinh điển Phật giáo.
III.Nội dung Tam tạng kinh điển trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Bộ phái.
IV.Các Kinh và Luận chính yếu trong thời kỳ Phật giáo phát triển.
V.Kết luận.

 

I.-Dẩn nhập:

Truyền thống truyền khẩu (the oral tradition) đã phát sinh và phát triển ở trong tất cả các xã hội sơ khai từ thời xa xưa cho đến ngày nay. Ông Bà trong lúc săn sóc các cháu nội ngoại và chơi giỡn với chúng thường kể lại các câu chuyện về đời sống của họ, những truyền thống về nghi lễ, về các lễ hội, về các buổi hội chợ . . .Các con cháu lại tiếp tục kể lại các câu chuyện mà chúng đã nghe được lại cho thế hệ sau nó, và cứ như thế mà câu chuyện được truyền từ thế hệ này xuống thế hệ khác. Trong khi kể chuyện, người kể chuyện có thể thêu dệt thêm các tình tiết để hấp dẩn người nghe tùy theo trình độ hiểu biết và nghệ thuật của người kể chuyện. Như vậy Ông Bà đã dùng lối dạy truyền khẩu (oral teaching) để truyền đệ những kiến thức, những thông tin từ Ông Bà của họ ở trong thời quá khứ, những tập tục truyền thống của họ. Ông Bà là gạch nối giữa quá khứ với hiện tại, và đóng vai trò trung tâm trong việc xã hội hóa con cháu mình với văn hóa dân tộc. Nói tổng quát, văn chương truyền khẩu được truyền từ miệng người này sang miệng người khác từ thời xã hội sơ khai cho đến ngày nay, nội dung của văn chương truyền khẩu gồm có những kinh văn về nghi thức hành lễ, những bài đọc tụng để chửa bệnh, các thiên anh hùng ca, những bản nhạc cho nam hoặc nữ, câu chuyện dân gian với ý nghĩa ẩn dụ, các câu chuyện mới sáng tạo, các bài vè, các bài ca, các huyền thoại, tục ngữ, ca dao, những lời nói, các trò chơi chữ, các bài ám độc, các câu chuyện kể về lịch sử. Tác giả của văn chương truyền khẩu là những nhân vật ở trong đại chúng: những người bình thường, những người bình dân.
Trên phương diện tôn giáo, truyền thống truyền khẩu (the oral tradition), dựa vào trí nhớ và sự đọc tụng các kinh văn dài, có một nguồn gốc đặc biệt trong nền văn minh Ấn độ cổ đại. Từ thời tiền sử, văn minh lưu vực sông Indus hay  Harappan (Indus Valley or Harappan) đã là một nền văn minh chính của Ấn độ, văn minh này đã ngự trị trong khoảng 3.300 đến 1.300 trước Công Nguyên / Before Common Era. Rồi đến sự xâm lăng Ấn độ của dân Aryan trong khoảng 1.800 – 1.500 tr. CN, thường được gọi là văn minh Vệ-đà (Vedic Civilization) hay thời đại đồ đá (Iron Age Civilization). Trong thời đại này, dân tộc chiến thắng Aryan đã sáng tác Thánh Kinh và các bài giảng Áo-nghĩa-thư (Upanishads), tiếp nối là Tế nghi thư (Brahmana) vào khoảng 1.000 – 800 tr. CN… đều truyền đệ bằng miệng từ thế hệ này xuống thế hệ sau trước khi được chép lại bằng chữ viết, đã tạo nên cái nôi của truyền thống truyền khẩu. Theo các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ Ấn độ (Indic language), vào khoảng năm 1.500 trước Công Nguyên thì Ấn độ đã có chữ viết rồi.Các nhà xã hội học  đã giải thích truyền thống truyền khẩu này là do hệ thống đẳng cấp (caste system) trong xã hội Ấn độ cổ đại:
“Dân tộc chiến thắng Aryan, người Aryan xâm chiếm Ấn độ trong khoảng 1.800 – 1.500 trước Công Nguyên, đã đặt ra 4 đẳng cấp trong xã hội Ấn độ ngày xưa, họ thuộc vào 3 đẳng cấp trên, còn dân tộc chiến bại Dravidian và cư dân bản xứ khác thì thuộc đẳng cấp ở dưới. Người Bà-la-môn (Brahman) là hạng người chuyên môn có khả năng điều động các thần: hô phong hoán vũ, nhờ những ma thuật riêng đi kèm với những nghi thức cúng tế. Người Bà la môn đã trở nên đẳng cấp thứ nhất trong 4 đẳng cấp của xã hội Ấn độ ngày xưa :

1.Brahmana : Bà-la-môn, giáo sĩ
2.Ksatriyas : vua chúa, hoàng tộc, võ sĩ.
3.Vaicyas: thương gia, lái buôn
4.Cudras:  nô lệ, nô bộc.

 

Có nhiều người ở ngoài 4 đẳng cấp trên là đẳng cấp Parias; ở cấp bực thấp nhất là Candalas là những người được sinh ra từ bà mẹ thuộc đẳng cấp Brahmana và cha thuộc đẳng cấp Cudras.

 

Có sự phân biệt giữa tiếng đẳng cấp và giai cấp: hệ thống đẳng cấp (caste system) là tầng lớp xã hội có tánh cách cha truyền con nối, còn hệ thống giai cấp (class system) là tầng lớp xã hội có thể thay đổi dựa theo tình trạng kinh tế, mức độ thu nhập của lợi tức, nghề nghiệp .

[ …]

 

Braman  là giáo sĩ Bà la môn , một chức sắc tối cao trong hàng giáo phẩm , vị nầy có pháp thuật cao siêu , tinh thông bùa chú nên có thể sai khiến thần linh , có thể sai khiến “cái uy quyền tối cao”,  uy quyền tối cao nầy chi phối tất cả năng lực của tạo hóa.

Các giáo sĩ Brahman tự coi mình là những bậc siêu nhiên. Họ tự coi mình là người tinh thông pháp thuật, bùa chú cao cường, nên những quyền lực siêu nhiên của họ chẳng những cảm thông được với các vị thần mà họ còn sai khiến các vị thần nữa. Họ tự cho mình là những “thần nhân” (Anh, God-Men; Pháp, Hommes-dieux )

Trong xã hội Ấn độ thời ấy, có 4 đẳng cấp, giáo sĩ Brahman nhờ thông hiểu cách thức cúng lễ tế nên đã trở nên đẳng cấp thứ nhất của xã hội.

Theo Thánh kinh Bramana, trong nghi thức cúng tế cần phải có lể vật và các dụng cụ để hành lể. Lễ vật và các dụng cụ hành lễ cũng có sức mầu nhiệm để chuyển đổi ý muốn và hành động của thần linh. “Lễ” là môi giới giữa tiểu vũ trụ, nội giới tiểu ngã (Atman) với đại vũ trụ, ngoại giới đại ngã (Brahman, Việt-Hán: Phạm Thiên).

(Nguyễn Vĩnh Thượng, Tư tưởng triết học, tôn giáo Ấn độ có trước khi Đức Phật Thích-ca ra đời, 2015)

 

Các giáo sĩ Bà-la-môn muốn giành độc quyền cho đẳng cấp thứ nhất của mình nên họ truyền đệ bằng truyền khẩu vì họ sợ khi viết lên thì các đẳng cấp khác đọc được nên tính bí truyền bị mất, và địa vị xã hội của họ có thể bị lung lại.

 

Như vậy truyền thống truyền khẩu đã có trong Bà-la-môn giáo Ấn độ cổ xưa trước thời đại của Đức Phật Thích-ca. Trong 45 năm thuyết pháp, Đức Phật Thích ca đã không để lại một chữ viết nào. Sau khi Đức Phật nhập niết bàn (khoảng năm 483 trước CN) khoảng 3 tháng thì Trưởng lảo Mahakassapa (Hán Việt, Ma-ha-ca-diếp) là vị đệ tử tối cao của Đức Phật đã tuyển chọn 500 vị Arahants (A-la-hán) họp Hội nghị Kết tập Kinh điển lần thứ nhất nhằm gom góp lại các lời giáo huấn của Đức Phật bằng phương pháp truyền khẩu. Các Ngài đã gom  góp và đúc kết thành hai tạng: Luật tạngKinh tạng theo phương pháp truyền khẩu. Khoảng 100 năm sau đó, tức khoảng năm 583 trước CN, thì có Hội nghị Kết tập Kinh điển lần thứ hai, các vị Trưởng lão, các Đại sư cũng đã gom góp thêm cho Luật tạng và Kinh tạng; trong kỳ Hội nghị này có nhiều bất đồng giữa các vị tăng ni bảo thủ và cấp tiến về giới luật và về lý tưởng nên đi đến chỗ đại phân ly (great schism) Phật giáo Nguyên thuỷ thành nhiều bộ phái, có hai tông phái chính là Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ. Vào khoảng năm 247 trước CN, Đại đế Asoka đã thỉnh cầu Trưởng lão Moggalliputta Tissa triệu tập Hội nghị kết tập Kinh điển lần thứ ba, trong lần này Hội nghị đã duyệt lại hai tạng đã có và gom góp thêm một tạng mới là Luận tạng, như vậy Kỳ Kết tập Kinh điển này đúc kết được: Luật tạng, Kinh tạng và Luận tạng cũng theo phương pháp truyền khẩu. Đại đế Asoka đã phái các vị Đại Tăng Ni sang nước Sri Lanka để truyền bá Đạo Phật.

Trong 3 kỳ Hội nghị Kết tập Kinh điển này, các vị Trưởng lão và Đại sư đã theo cách “ghi nhớ Tam tạng Kinh điển ở trong đầu” (committing the Tipitaka to memory).

Vào khoảng thế kỷ thứ 1 trước CN, Vua Vattagamani, ở xứ Sri Lanka, đã hổ trợ cho Hội nghị Kết tập Kinh điển lần thứ tư. Ở Ấn độ, Đại đế Kaniska đã hết lòng hổ trợ Hội nghị Kết tập Kinh điển lần thứ tư vào khoảng thế kỷ thứ 1 CN. Cả hai Hội nghị kết tập kinh điển lần thứ tư đều duyệt xét, gom góp và bổ xung ba tạng: Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng. Kể từ đây, các Trưởng lão và Đại sư đã thay đổi phương cách “ghi chép Tam tạng kinh điển bằng chữ viết (committing the Tripitaka to writing). Các kinh Phật được viết trên lá bối (palm leaf, ola leaf; tiếng Sanskrit là pattra = cây bối, một loại cây cọ), võ cây phong (birch bark, maple bank), và da rất mỏng làm thành giấy (vollum); phần lớn là dùng lá bối; ở Trung hoa thì dùng các thẻ tre xanh.

 

         Bieu-nhat-lam-0001

                        Kinh lá bối                                              
Bieu-nhat-lam-0002  Cây bối

 

 

           Bieu-nhat-lam-0003

Bieu-nhat-lam-0004    
   Bát nhã ba la mật đa tâm kinh          

 

 

 

Các Hội nghị Kết tập kinh điển lần thứ năm, vào năm 1871 được Vua Miến điện Mindon hổ trợ; và Hội nghị kết tập kinh điển lần thứ sáu, vào ngày 17 tháng 5 năm 1954 cũng được Vua hổ trợ, đều ở Miến điện.

Các nhà nghiên cứu lịch sử các tôn giáo đã tin rằng các tôn giáo khác với Phật giáo cũng đã dựa vào truyền thống truyền khẩu:
Zoroaster/ Zarathustra, giáo chủ của Hỏa giáo (Zoroastrianism) - Đạo thờ lửa, cũng không để lại một kinh văn viết nào, các tín đồ Hỏa giáo cũng đã dựa vào truyền thống truyền khẩu. Thời điểm phát sinh tôn giáo này không có gì chắc chắn, nhưng các nhà sử học đoán phỏng rằng nhà tiên tri Zoroaster sống vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước CN, Hỏa giáo phát sinh ở xứ cổ Iran (Ba-tư). Hỏa giáo không những đã ảnh hưởng Do thái giáo (Judaism), Cơ-đốc giáo (Christianity) và Hồi giáo (Islam), mà có lẽ còn ảnh hưởng đến Ấn độ giáo (Hinduism) và Phật giáo (Buddhism) nữa.

 

Cũng tương tự như Đức Phật Thích ca, Đức Chúa Jesus Christ và các Sứ đồ (Apostles) của Ngài cũng đã dựa vào truyền thống truyền khẩu, do đó Ngài đã không để lại một bài viết nào trong lịch sử của nhân loại. Điều này không có nghĩa là Đức Phật và Đức Chúa không biết đọc và biết viết. Các sách Phúc Âm (Gospels) đã được nhiều vị Sứ đồ viết ra vào khoảng từ năm 45 Công Nguyên (Common Era) tới năm 140 Công Nguyên, tức là sau khi Đức Chúa Jesus Christ đã qua đời. Các sách Phúc Âm ghi lại các giáo lý của Đức Chúa Jesus, của các Sứ đồ của Ngài, cuộc đời của Đức Chúa Jesus Christ. Bộ sách này gồm có 4 cuốn sách đầu tiên và quan trọng nhất trong Kinh Thánh Tân Ước (New Testament):

1.Matthew Phúc Âm.
2.Mark Phúc Âm.
3.Luke Phúc Âm.
4.John Phúc Âm

 

Toàn bộ Kinh Thánh (Bible) của Cơ-đốc giáo (Christianity) còn có phần đầu là Thánh Kinh Cựu Ước (Old Testament). Cựu Ước là quyển kinh có nội dung gồm các bài được tuyển chọn từ một phần lớn trong Kinh Tanakh của Do thái giáo (Islam). Cựu ước được sắp xếp thành các phần khác nhau như: luật pháp, lịch sử, thi ca và tiên tri. Kinh Cựu Ước được viết vào thời điểm trước khi Đức Chúa Jesus Christ ra đời, Kinh này được viết vào khoảng từ năm 1.000 trước CN đến năm 100 trước CN.

 

II.-Định nghĩa: Tam tạng Kinh điển Phật giáo

 

Tripitaka, tiếng Sanskrit, và Tipitaka, tiếng Pali, theo lối chiết tự thì có:

   Tri + Pitaka.
Tri = số 3, Hán Việt. 三 tam, Anh. three

Pitaka = cái giỏ (Anh. Basket), có thể hiểu là cái hộp (Anh. Box). Người Trung Hoa dịch là tạng 藏, có nghĩa là kho chứa đồ vật.

Tripitaka được dịch ra tiếng Hán Việt là Tam Tạng 三藏 (Anh. Three Baskets) được hiểu là 3 kho chứa sách. Tam tạng kinh điển Phật giáo (Buddhist Tripitaka, Three Baskets in Buddhism) gồm có 3 kho chứa sách là:

 

1.Kinh tạng ( 經藏 , Sa. Sūtra-piṭaka, Pi. Sutta-piṭaka, Anh. Basket of Discourses) có nghĩa là kho chứa đựng tất cả các bài thuyết giảng của Đức Phật Thích ca, và các bài thuyết giảng của các học trò thân cận với Ngài.

Sutra, tiếng Sanskrit, và Sutta, tiếng Pali, có nghĩa là sợi dây, sợi tơ (Anh. string, thread); có nghĩa bóng là lời giảng (Anh. discourse). Trong Phật giáo, Sutra / Sutta để chỉ hầu hết các kinh sách ghi lại tất cả các bài thuyết giảng của Đức Phật Thích ca, và các bài thuyết giảng của các học trò thân cận với Ngài như vừa trình bày. Người Trung Hoa dịch chữ Sutra là Kinh 經 . Kinh  có nghĩa là đường sợi dọc, tức là đường canh của tấm vải. Trong bản đồ, đường kéo dài từ Nam tới Bắc gọi là kinh tuyến, đường kéo dài từ Đông sang Tây gọi là vĩ tuyến. Kinh thường để chỉ những cuốn sách được tôn kính trong văn chương tôn giáo, ví dụ như trong Nho giáo có 5 cuốn Kinh là: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu; trong Lão giáo có Đạo Đức Kinh. Đôi khi các sách viết chuyện lặt vặt, chuyện bình thường cũng gọi là Kinh , ví dụ Ngưu Kinh (牛 經) là sách xem tướng con trâu và cách chữa bệnh cho trâu, Mã Kinh (  經) là sách xem tướng ngựa và chữa bệnh cho ngựa.

 

2.Luật tạng (律藏 ; Sa., Pa. Vinaya-piṭaka, Anh. Basket of Discipline): Kho chứa sách đựng các giới luật do Đức Phật Thích ca đặt ra để áp dụng hằng ngày cho tăng đoàn (Sa., Pa. Sangha) gồm có các vị xuất gia như Tăng hay Tỳ Kheo (Bhikkhus, Anh. Monks), Ni hay Tỳ kheo Ni (Bikkhunis, Anh. Nuns); và các Phật tử (lay follwers) ở ngoài đời.

Ví dụ như Tăng hay Tỳ Kheo có 250 giới, Ni hay Tỳ Kheo Ni có 348 giới.

Người Phật tử hay người cư sĩ có 5 giới hay 5 điều cấm  (Sa. Pañcaśīlāni, Pa. pañcasīlāni, The Five Precepts) là: 1. Không sát sanh (no killing), 2. Không trộm cắp (not stealing), 3. Không tà dâm (non sexual misconduct), 4.Không được nói dối, nói xấu, chửi rủa, dùng lời hoa mỹ để mê hoặc người khác (non incorrect speech), 5. Không được uống rượu say sưa (refraining from intoxicants).

Người Phật tử, Cư sĩ còn có thể tự nguyện thọ Bát Quan Trai tức là giữ gìn 8 điều cấm để thân tâm được thanh tịnh trong vòng 24 giờ đồng hồ bằng cách sống ở trong chùa, nơi thanh tịnh, gần với bậc xuất gia để tập cho quen đời sống thanh tịnh. Bát= 8, quan= cửa ải; bát quan= 8 cái cửa ải (8 điều cấm để giúp ngăn chận các điều bất thiện); trai = có nghĩa là khi đã qua giờ ngọ (12 giờ trưa) thì không được ăn nữa. Tám điều cấm:

1.Không sát sinh.
2. Không trộm cướp.
3. Không dâm dục.
4. Không nói dối.
5. Không uống rượu.
6. Không trang điểm, dầu thơm, múa hát và xem múa hát.
7. Không nằm ngồi giường cao rộng đẹp.
8. Không ăn quá giờ ngọ.

Có điểm khác giữa 5 giới với 8 giới ở chỗ ``không tà dâm`` trở thành `không dâm dục` có nghĩa là Cư sĩ trong ngày thọ giới Bát quan trai thì không được giải quyết sinh lý dù là với vợ hay chồng.

 

3. Luận tạng (論藏, Sa. Abhidharma-piṭaka, Pa. Abhidhamma-piṭaka, Anh. Basket of Ultimate Things):

Abhi có nghĩa là cao hơn, Dharma (Pa.dhamma) có nghĩa là pháp.
Abhidharma ( phiên âm Hán Việt là 阿毗達磨 A-tỳ-đạt ma, Anh. higher dharma) có mục đích tập hợp các ý nghĩa của lời Phật dạy rồi đem phân loại, định nghĩa, giải thích và phân tích. Abhidharma được nhiều tông phái, nhiều luận sư quảng diễn lập trường của bộ phái mình hoặc của chính vị luận sư ấy.
Abhidharma là một thuật ngữ của Phật giáo, và đã được các đại sư giảng nghĩa khác nhau:
Ngài Buddhagosa (HV. Phật Âm) định nghĩa Abhidharma là “勝法, thắng pháp”. Trong sách chú thích Digha Nikaya thì giải thích: Abhidharma là hữu pháp, tăng tịnh, đặc thù, tôn trọng, tối thượng.

Abhidharma có nghĩa là “對法,đối pháp”, tức là giải thích giáo pháp của Đức Phật, mà còn có nghĩa là “đối lý pháp” tức là nghiên cứu lý pháp, văn tự.

Theo các nhà cựu dịch Trung Hoa thì Abhidharma là “無比法,Vô tỷ pháp” tức là pháp ở nghĩa cao tột, không có cái gì so sánh được, vì nó vượt (abhi) trên các Pháp (dharma); có nơi dịch là “微妙法,Vi diệu pháp”, vi diệu nghĩa là tinh tế và nhiệm mầu, vi= nhỏ, diệu= nhiệm mầu; có khi dịch là Thắng pháp ( 法); vắn tắt Abhidharma dịch là Luận (論).

 

Do đó người Trung Hoa dịch Abhidharma PitakaLuận tạng/ Vi diệu pháp tạng/ Thắng pháp tạng. Luận tạng là  kho chứa sách thứ ba trong Tam tạng, đã được Hội đồng Kết tập Kinh  điển lần thứ 3 kết hợp lại vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước CN.


Abhidharma gồm có các đặc điểm: về nội dung thì có ý nghĩa trên hết, thù thắng, còn về phương pháp luận thì tường tận, khúc chiết, rõ ràng.
Các bộ Abhidharma lúc đầu đều căn cứ vào Kinh tạng và Luật tạng, nhưng càng về sau càng luận bàn về vũ trụ quan, nhân sinh quan, tâm lý học. Abhidharma giải thích những điều mà Kinh tạng không giải thích nên Abhidharma đã có một ý nghĩa độc lập với Kinh tạng và Luận tạng; và đã phát huy nền tảng cho triết học Phật giáo sau này. Bởi vậy cho nên các bộ Abhidharma sau này đi đến giai đoạn tiến triển thì lại chi phối Kinh tạng nữa tức là khi giải thích ý nghĩa Kinh điển thì lại lấy lý pháp làm tiêu chuẩn ưu tiên, còn văn tự chỉ là thứ yếu. Nếu kinh nào không đúng với lý pháp thì cho đó là “Kinh bất liễu nghĩa” /tức là nghĩa chưa trọn vẹn, chưa hết nghĩa, Kinh này không thể dùng được.

Theo các nhà nghiên cứu tôn giáo tỷ giảo thì Abhidharma của Phật giáo có thể tương đương với thần học trong Cơ-đốc giáo, còn Kinh tạng và Luật tạng tương đương với sách Phúc Âm. Thần học đã phát nguyên từ Thánh Kinh nhưng đến giai đoạn tiến bộ thì thần học trở lại chi phối ý nghĩa, văn tự trong Thánh Kinh.

 

Abhidhamma đã có công đóng góp cho tư tưởng triết học Phật giáo trở thành một nền triết học siêu việt. Trong thời kỳ Phật giáo Phát triển, bộ luận  Abhidharmakośa-śāstra (HV.A-tì-đạt-ma-câu-xá luận, 阿毗達磨俱舍論), là bộ luận quan trọng nhất đã được Thế Thân (Sa. Vasubandhu) soạn vào thế kỷ thứ 5 sau CN tại Kashmir. Đây là một bộ luận làm nền tảng cho tất cả các trường phái tư tưởng triết học Phật giáo, kosa (HV. câu-xá) nghĩa là tạng, cái kho chứa đựng, sastra nghĩa là luận, luận thư.
Quý vị có thể đọc thêm quyển “Tư Tưởng A-tỳ-đạt-ma-câu-xá Luận” của Cố Hoà Thượng Thích Mãn Giác, cựu GS TS môn Triết học Phật giáo tại Viện Cao đẳng Phật học Saigon, Đại học Vạn Hạnh và Đại học Văn khoa Saigon. Đây  là quyển sách giáo khoa cho sinh viên Chứng chỉ Triết học Ấn độ ở Đại học Văn khoa Saigon trước 1975. Sách này được tái bản bởi Trung tâm Văn hóa Phật giáo ở Los Angeles, Hoa Kỳ, năm 1995.

 

III. Nội dung Tam tạng Kinh điển

             

Nội dung Tam tạng Kinh điển Phật giáo (Contents of the Buddhist Tripitaka (Three Baskets) trong thời kỳ Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo Bộ phái:

 

A. Kinh tạng (經藏, Sa. Sūtra-piṭaka, Pa. Sutta-piṭaka, Anh. Basket of Discourses):
gồm có 5 tuyển tập Kinh Thượng Tọa Bộ (Theravada) gọi là 5 Nikayas. Nikaya là tiếng Pali có nghĩa là một bộ (Anh. Volume), được dùng đồng nghĩa với tiếng Sanskrit  là Agama (Hán phiên âm: A-hàm) có nghĩa là một tập hợp, một góp nhặt. Cả hai tiếng Pali và Sanskrit dùng để chỉ những Kinh văn của Kinh tạng:

1.Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya, Anh. Collection of Long Discourses): gồm 34 bài thuyết giảng dùng để giảng dạy các học trò và Tăng Ni.
2.Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya, Anh. Collection of Middle-length Discourses): gồm 152 bài thuyết giảng: viết về thời Đức Phật lịch sử tu khổ hạnh, lời dạy của Ngài, hành trình đi tới giác ngộ của Ngài.
3.Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya, Anh. Collection of Kindred Sayings): gồm những bộ kinh được chia ra 5 nhóm theo những đề tài khác nhau.
4.Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya, Anh. Collection of Discourses from Gradual Sayings): gồm 9.557 bài kinh ngắn, được chia ra thành 11 phần khác nhau: bắt đầu bằng những bài Kinh có 1 đề tài trong phần 1, tiếp theo là những bài Kinh có 2 đề tài trong phần 2, và cứ như thế tiến dần đến phần 11.
Người Trung Hoa dịch chữ Anguttara là Tăng chi có nghĩa là tăng lên từng cái một theo từng phần một.
5.Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya, Anh. Collection of Short Discourses): là một tuyển tập gồm các bài Kinh ngắn, có tới 15 quyển:

1. Kinh Tiểu Bộ Tập, Tiểu Tụng (Khuddaka Patha, Anh. Shorter Texts)
2. Kinh Pháp Cú (Dhammapada, Anh.The Way of Truth)
3. Kinh Phật Tự Thuyết (Udana, Anh.Paeans of Joy)
4. Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka, Anh."Thus said" Discourses)
5. Kinh Tập (Sutta Nipata, Anh.Collected Discourses)
6. Chuyện Thiên Cung (Vimana Vatthu, Anh.Stories of Celestial Mansions)
7. Chuyện Ngạ Quỷ (Peta Vatthu, Anh.Stories of Peta)
8. Trưởng Lão Tăng Kệ (Theragatha, Anh. Psalms of the Brethren)
9. Trưởng Lão Ni Kệ (Therigatha, Anh. Psalms of the Sisters)
10. Chuyện Bổn Sanh Của Bồ-Tát (Jataka, Anh. Birth Stories of the Bodhisatta)
11. Giải Thích Nghĩa (Niddesa, Anh. (Expositions)
12. Vô Ngại Giải Đạo / Kiến Thức Phân Tích (Patisambhida, Anh.Book Analytical Knowledge)
13. Thí Dụ / Cuộc Đời Của Những A-la-hán (Apadana, Anh. Lives of Arahants)
14. Lịch Sử Đức Phật (Buddhavamsa, Anh. History of the Buddha)
15. Giới Hạnh Tạng (Cariya Pitaka, Anh. Modes of Conduct).

Bộ kinh A-hàm tiếng Sanskrit (the Sanskrit Cannon’s Agamas) có thể so sánh với Bộ Kinh Nikaya tiếng Pali (the Pali Canon’ s Nikayas): có nhiều chỗ tương ứng với nhau. Kinh tạng tiếng Sanskrit đã bị thất lạc một phần nên không đầy đủ bằng Kinh tạng tiếng Pali của Thượng Tọa Bộ (Theravada) hay Phật giáo Nam truyền. Tuy nhiên các bản Kinh tiếng Sanskrit của Phật giáo Bắc truyền đã được dịch ra tiếng Hán, gồm có 4 bộ chính sau đây:
1.Trường A-hàm (長阿含經, Dirgha Agama, Anh. Collection of Long Discourses) tương ứng với Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) của Thượng Tọa Bộ.
2.Trung A-hàm Kinh (中阿含經, Madhyama Agama, Anh. Collection of Middle length Discourses) tương ứng với Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya) của Thượng Tọa Bộ.
3.Tạp A-hàm Kinh (雜阿含經 , Samyukta Agama, Anh. Connected Discourses) tương ưng với Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya) của Thượng Tọa Bộ.
4.Tăng Nhất A-hàm (增一阿含經 , Ekottara Agama, Anh. Collection of Discourses from Gradual Sayings/ Numbered Discourses) tương ứng với Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) của Thượng Tọa Bộ.

Phật giáo Trung Hoa có dịch ra chữ Hán bộ Bổn Sanh (本生) và Bổn Sự (本事) tương ứng với Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya). Nhưng Phật giáo Bắc truyền không đặt hai Kinh này vào bộ A-hàm. Nhiều Bộ phái Bắc truyền chỉ công nhận có 4 bộ Kinh A-hàm (four Agamas) mà thôi. Như vậy Phật giáo Nam truyền có 5 bộ Nikayas, còn Phật giáo Bắc truyền có 4 bộ Agamas.

B. Luật tạng (律藏; Sa., Pa. Vinaya-piṭaka, Anh. Basket of Discipline)

gồm có 5 quyển:
1.Căn Bản Giới (Pa. Parajika, Anh. Major Offences) ─ bao gồm những giải thích về mọi trường hợp của mọi điều luật được đưa ra, và đưa ra những trường hợp đặc biệt và những ngoại lệ.
2) Tiểu Giới ( Pa. Pacittiya, Anh. Minor Offences) ─ bao gồm những giải thích và những ngoại lệ.
3) Đại Phẩm (Pa. Mahavagga, Anh: Great Section) ─ đưa ra những  điều lệ về việc chấp nhận người mới gia nhập vào Tăng đoàn (Sangha), thọ giới, y phục, cư trú và những điều luật về lễ nghi trong tu viện trong những dịp lễ đặc biệt.
4) Tiểu Phẩm (Pa.Cullavagga, Anh. Small Section) đưa ra những quy định về việc xử phạt, về phẩm giới, và những nghĩa vụ của những người thầy (Masters, Teachers), và những Sa-di (Novices), và những giới luật đặc biệt dùng cho Tỳ kheo Ni (Nuns).
5) Sách Toát Yếu của Luật Tạng (Pa.Parivara, Anh. Epitome of the Vinaya Pitaka):─ bao gồm những bài luận giảng ban đầu về quyển Đại Phẩm và những câu chuyện kể về những sự kiện tiếp theo sau khi Đức Phật đắc đạo (the Buddha s Enlightenment)giác ngộ, thành Đạo.

C. Luận tạng (論藏, Sa. Abhidharma-piṭaka, Pa. Abhidhamma-piṭaka, Anh. Basket of Ultimate things)

 

*Abhidhamma Pitaka của Thượng Tọa Bộ (Theravada School) viết bằng tiếng Pali do Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) hoàn chỉnh, gồm có 7 quyển:


1.Pháp tập luận ( 法集論, Pa. Dhammasaṅgaṇi,Anh.Classification of Dhamma) hay Phân loại giáo pháp: viết về các tâm pháp, sắp xếp theo từng cách thiền định khác nhau, và sắp xếp, phân loại các pháp bên ngoài (the fundamental phenomena) theo từng nhóm.

2.Phân biệt luận (分別論, Pa.. Vibhaṅga, Book of Analysis): phân tích và giảng nghĩa  những thuật ngữ Phật học như Ngũ Uẩn ( 五蘊, Pa. pañcakhandha, theo chiết tự thì panca nghĩa là 5, khandha nghĩa là nhóm, là yếu tố; 5 Uẩn là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức), Xứ ( 處, Pa. āyatana, có nghĩa là lĩnh vực, cái nhà, chỗ trú ẩn), Căn ( 根, Pa. Indriya= có nghĩa là gốc rể) v.v.
3.Luận sự (論事, Pa. Kathāvatthu, Anh. Points of Controversy): kết tập các quan điểm được tranh luận nhiều nhất về triết lý Phật giáo.
4.Nhân thi thiết luận (人施設論, Pa. Puggalapaññati, Anh. The book on Individuals/ Descriptions of Individuals/ Book of Human Types) hay Sách Thuyết về con người: viết về những nhân cách khác của các hạng người và Thánh nhân.
5.Giới thuyết luận (界說論, Pa. Dhātukathā, Anh. Discussion of Elements/ Discourse on Elements/ Treatise on the Elements): viết về sự tương liên giữa các giới ( 界, Pa. Dhātu) bằng hình thức Hỏi và Trả lời.
6.Song luận ( 雙論, Pa.. Yamaka, The book of Pairs): viết các lời bình luận về các câu hỏi khác nhau có tương liên bằng hai cách: phủ định và xác định.
7.Phát thú luận ( 發趣論, Pa. Paṭṭhāna, Anh. The Book of Causal Relations / Conditional Relations): viết về những mối liên hệ tương liên giữa các pháp (Pa. dhammas) đã được trình bày nơi quyển một: Pháp Tập Luận.

 

*-*Abhidharma Pitaka của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ ( 說一切有部, Sa. Sarvāstivāda School), còn gọi là Nhất Thiết Hữu B ( 一切有部)được viết bằng tiếng Sanskrit, do Ngài Thế Thân (Vasubandhu) kết hợp, cũng gồm có 7 quyển như sau:

  1. Tập dị môn túc luận ( 集異門足論, Sa. Saṅgītiparyāya, Anh. Discourses on Gathering Together): bao gồm những bài giảng theo hệ thống số, tương tự như Tăng chi bộ kinh.
  2. Pháp uẩn túc luận ( 法蘊足論, Sa. Dharmaskandha,Anh. Aggregation of Dharmas): gần giống như Phân biệt luận trong A-tì-đạt-ma của Thượng toạ bộ.
  3. Thi thiết túc luận ( 施設足論, Sa. Prajñaptiśāstra, Anh.Treatise on Designations): trình bày dưới dạng Kệ những bằng chứng cho những sự việc siêu nhiên, thần bí.
  4. Thức thân túc luận ( 識身足論, Sa. Vijñānakāya, Anh. Body of Conciousness): nói về các vấn đề nhận thức. Có vài chương nói về những điểm tranh luận giống Luận sự (Pa. kathāvatthu), Giới luận (Pa. Dhātukathā) và Phát thú luận (Pa. Paṭṭhāna) trong A-tì-đạt-ma của Thượng toạ bộ;
  5. Giới thân túc luận ( 界身足論, Sa. Dhātukāya, Anh. Body of Elements): gần giống Giới thuyết luận (Pa. dhātukathā) của Thượng toạ bộ;
  6. Phẩm loại túc luận ( 品類足論, Sa. Prakaraṇa,Anh. Exposition): bao gồm cách xác định những thành phần được giảng dạy và sự phân loại của chúng;

  7.Phát trí luận (發智論, Sa. Jñānaprasthāna, Anh.Foundation of Knowledge): Biện pháp để làm đúng những khía cạnh tâm lý của Phật pháp như Tuỳ miên ( 隨眠, Sa. anuśaya), Trí (智, Sa. jñāna), Thiền (禪, sa. dhyāna) …

 

Trong Luận tạng của Nhất Thiết Hữu Bộ có nhiều lời chú giải như là lời hướng dẩn vào kho tàng của Luận này. Các lời chú giải nổi tiếng nhất theo truyền thống của Bộ phái này là ở trong quyển Abhidharma Kosha Sastra (A-tì-đạt-ma câu-xá luận, Anh. Treasury of Higher knowledge) của Ngài Vasubandhu (Thế Thân).

 

IV. A. Các Kinh và Luận chính yếu trong thời kỳ Phật giáo Phát triển:

 

Phong trào Phật giáo Phát triển (the Developmental Buddhism) / Tân Phật giáo (the Neo-Buddhism) thường gọi là Phật giáo Đại thừa (the Mahayana Buddhism) hay Phật giáo Bắc tông đã bắt đầu phát khởi vào thế kỷ 1 CN.

Cuốn “Đại thừa khởi tín luận” ( 大乘起信論, Srt. Mahayana Sraddhotpada Sastra, Av. The Awakening of  Faith in the Mahayana), có nghĩa là “Làm phát khởi niềm tin đối với Đại thừa”, gọi tắt  Khởi tín luận, bản dịch chữ Hán xuất hiện vào thế kỷ thứ 6 (?) do Ngài Asvaghosa [VH Mã Minh (khoảng 80 – 150 Tây Lịch)] dịch. Nguyên bản chữ Sanskrit của bộ Luận này không còn. Đây là cuốn nghị luận đầu tiên để phát khởi phong trào Đại thừa/ Phật giáo Phát triển.

Phong trào Phật giáo Phát triển  đã có rất nhiều quyển kinh mới, dĩ nhiên nội dung cũng như hình thức đều đã biến hóa nhiều, về hình thức thì cách diễn tả khúc chiết, có tính chất văn học, cách quảng diễn tư tưởng  thì phóng khoáng; sau đây là những bộ kinh quan trọng và có ý nghĩa nhất của phong trào này:

 

1.Bát-nhã-ba-la-mật đa kinh (般若波羅密多經, Sa. Prajñāpāramitā-sūtra, Av. Perfection of Wisdom): prajna có nghĩa là trí tuệ, sự sáng suốt, paramita có nghĩa là tuyệt hảo [người Trung Hoa dịch âm Paramita là ba-la-mật (波羅蜜) và dịch nghĩa là đáo bỉ ngạn (到彼岸), tức là “đến bờ bên kia”. Prajñāpāramitā có nghĩa là trí tuệ tuyệt hảo. Trong hệ  Bát-nhã-ba-la-mật đa kinh  này có 2 quyển kinh nổi tiếng là:

     1.a. Tâm kinh (多經,Heart Sutra)/ Bát-nhã Tâm Kinh có tên đầy đủ là Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh (般若波羅蜜多心經, Sa. Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra, Av. Heart of Perfect Wisdom Sutra), đây là kinh ngắn nhất chỉ có khoảng 260 chữ của Phật giáo Phát triển, Tâm kinh  được xem là bài kinh, chú phổ biến nhất của Phật giáo Phát triển. Tâm Kinh chứa đựng cốt tủy của tư tưởng triết học Phật giáo, bao gồm:

- Ngũ Uẩn (蘊, Sa. Skhandas, Pa. Khandhas, Anh. Aggregate, uẩn là yếu tố tạo thành thân tâm của con người) [ ngũ uẩn= 1.sắc (Sa. Pa. rupa, A. form/body/matter), 2. thọ (Sa. Pa.vedana, A. feelings/ sensations), 3.tưởng (Sa. samjna, Pa. sanna, Anh perceptions) 4.hành (Sa. Sankhara, Pa. samskara, Anh. Impulses/ mental formations), và 5.thức (Sa.vijnana, Pa. vinnana, Anh. consciousness) ],

- Tứ diệu đế (the Noble Truths): Khổ (Samsara, Suffering), Tập (Samudaya, Origination),Diệt (Nirvana, Stoping), Đạo (Marga, Path): có 8 con đường (the eight- fold path) để diệt khổ là: 1. Chánh kiến (right understanding),2.Chánh tư duy (right thoughts), 3.Chánh ngữ (right speech), 4.Chánh nghiệp (right action), 5.Chánh mạng (right livelihood), 6.Chánh tin tấn (right effort), 7.Chánh niệm (right mindfulness), 8.Chánh định (right meditation).

- Tánh Không (Sa. Sunyata, Anh. Emptiness): Tánh Không (Emptiness) không có nghĩa là không có gì cả (Nothingness) mà có nghĩa là mọi vật đều có quan hệ liên kết với nhau (interrelated), đều nối kết với nhau (interconnected), đều có sự tùy thuộc liên kết với nhau ( interdependence). Tâm Kinh giúp hành giả quán chiếu tuệ giác để hành giả đưa mình qua bên bờ bên kia là bờ giác ngộ (覺 悟,bodhi).[chữ Ngộ 悟 được dùng trong Thiền tông Trung Hoa, rồi sau kết hợp với chữ giác 覺  tạo thành từ kép giác  ngộ để dịch chữ Sa.  bodhi].

      1.b.- Kim cương kinh (金剛經, Diamond Sutra) có tên đầy đủ là Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh (金剛般若波羅密多經, Sa. Vajracchedikā-prajñāpāramitā-sūtra), Kinh Kim cương dài hơn Bát- nhã Tâm kinh khoảng 27 lần số chữ. Một bản Kinh Kim Cương được in vào năm 868 đã được khám phá ở vùng Tây-Bắc nước Trung Hoa, đây là một quyển sách in xưa nhất thế giới. Nội dung Kinh Kim Cương nhằm giúp hành giả phá bỏ mọi chấp trước: chấp có cũng như chấp không, vượt khỏi mọi vướng mắc, mọi sinh diệt, mọi vô thường của cuộc đời để tâm không trụ vào đâu thì cái tâm thanh tịnh, tâm giác ngộ mới xuất hiện : “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” ( 應無所住而生其心,Anh. Give rise to a mind that is not based on anything). 

2.-Hoa Nghiêm Kinh  ( 華嚴經 , Avatamsaka Sutra, Anh.  Flower Garland Sutra/ Flower Adornment Sutra) tên đầy đủ là Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm ( 大方廣佛華嚴經, Sa. Buddhāvataṃsaka-mahāvaipulyasūtra )  lấy biểu tượng là nhiều loài hoa, một tràng hoa (Flower Garland) khác với Kinh Pháp Hoa/ Liên Hoa Kinh (Lotus Sutra) lấy biểu tượng chỉ có một loài hoa là hoa sen. Đây là quyển Kinh dài nhất của Phật giáo Phát triển, bản dịch chữ Hán có hơn 700.000 chữ. Kinh Hoa Nghiêm là giáo lý căn bản của Hoa Nghiêm tông.
Nội dung của Kinh Hoa Nghiêm là dạy rằng trong vũ trụ vô cùng vô tận thì các hiện tượng, các pháp (dharmas, Anh. Phenomena) đều hòa huyện lẫn nhau (interpenetration), đều liên kết tùy thuộc lẫn nhau (interdependency) để cùng nhau hiện hữu. Tất cả mọi pháp đều do tâm mà tạo ra: “tâm như người thợ vẽ, vẽ các thứ ngũ uẩn, các pháp trong thế giới, pháp nào cũng vẽ được”. Thời gian và không gian có liên hệ tương kết lẫn nhau.
3. Duy-ma-cật sở thuyết Kinh (維摩詰所說經, Sa.Vimàlakirti-nirdèsha Sutra, Av. Vimalakirti’s Exposition): Vimalakirti/Duy-ma-cật là một người cư sĩ sống bình thường nhưng vẫn thực hành được hạnh Bồ tát, kinh này cho biết cư sĩ và tăng sĩ đều có thể thực hành hạnh Bồ tát để đi đến chỗ giác ngộ.

4. Thủ-Lăng-Nghiêm tam muội Kinh (首楞嚴三昧 經 ,Sa. Surangama-samadhi Sutra, Av. Samadhi of the Heroic Progression/ Hero’s Sutra), còn gọi là  Lăng-nghiêm kinh (楞嚴經), kinh này hướng dẩn về thiền định, giải nghĩa tánh không và hạnh Bồ tát, kinh này rất được phổ biến trong giới Phật giáo thiền.

5. Diệu pháp liên hoa Kinh ( 妙法蓮華經, Sa. Saddharma-pundarika Sūtra, Av.literally: Sutra on the White Lotus of the True Dharma/The Sutra of the Lotus flower of the wonderful law, the shortened form: Lotus Sūtra ), gọi ngắn là Kinh Pháp hoa hay Liên Hoa Kinh, kinh này giảng rõ 3 yếu tố cấu tạo nên sự vật là thể, tướng, dụng để người trì tụng kinh có thể quan sát chân tướng của sự vật trong vũ trụ, để thấu đạt tới chân lý cuối cùng.

6. Tịnh  độ Tông / Tịnh thổ tông (淨土宗 căn cứ vào 3 bộ kinh và một bộ luận:

  1.  Vô Lượng Thọ Kinh (無量壽經, Sa. Sukhavati-Vyuha Sutra, Av.  Infinite Life Sutra): nói về tiền thân của Đức Phật A-di-đà.
  2.  A-di-đà Kinh ( 阿彌陀經, Anh: Amitabha sutra)/Phật thuyết A Di Đà Kinh (佛說阿彌陀經, Sa. Sukhāvatī-vyūha Sutra) : diển tả thế giới cực lạc đầy trang nghiêm, nơi đó Đức Phật A-di-đà thuyết pháp…

        3. Quán Vô Lượng Thọ Kinh (觀無量壽經, Sa. Amitāyurdhyāna Sūtra, Anh.  Amitayur Meditation Sutra) trình bày các nét đặc trưng của Tịnh Độ Tông, phép quán tưởng niệm Phật, phẩm hạnh của Phật A-di-đà, Bồ tát Quan Âm, Bồ tát Thế chí.

Bộ luận:  Vãng Sanh Tịnh Độ Luận là bộ luận thâu tóm về ý nghĩa của ba bộ kinh trên, do Ngài Thế Thân (Vasubandhu) viết.


Tông phái này có mục đích hoằng truyền pháp môn vãng sanh nơi cõi thanh tịnh  của Đức Phật A-di-đà. Vãng sanh (): vãng nghĩa là đi qua, vãng sanh là đi qua khỏi sự sống tức là chết. Tịnh độ = tịnh thổ ( , pure land): tịnh là trong sạch, thanh tịnh (pure); độ = thổ (, land) là cõi, nước, nơi; tịnh độ là một cõi thanh tịnh, cõi trong sạch. Vãng sanh nơi cõi tịnh độ nghĩa là sau khi chết/sau khi kết thúc cuộc sống hiện tại thì đi đến một cõi thanh tịnh, an vui hơn ở cõi ta-bà này. Nhiều luận sư đã thuyết minh rằng thật ra không phải chỉ cầu cho sau khi chết / vãng sanh để được đến cõi tịnh độ mà hành giả phải niệm Phật, giữ tâm thanh tịnh, không bị vọng động, vượt qua các phiền não, thực hiện đầy đủ phước đức thì hành giả  sẽ đạt được cõi tịnh độ, đạt được cõi cực lạc ngay nơi cuộc đời hiện tại này. Sau đó hành giả có nguyện cầu về đời sống tương lai: sau khi vãng sanh thì đến cõi cực lạc, cõi thanh tịnh thì chắc chắn sẽ không có gì trở ngại.

Người Phật tử cần phải có lòng thành và tin tưởng nơi sức mạnh cứu độ của Đức Phật A-di-đà, tức là người Phật tử chỉ cần trông cậy một tha lực từ Phật A-di-đà. Các Phật tử tu hành theo phái này chỉ cần chú tâm niệm: “Nam-mô A-di-đà Phật” (Namo Amitabha  Buddha) nhằm mục đích chế ngự tâm ý cho tâm ý không bị vọng động, có câu: “tâm vượn, ý mã” là ý chỉ tâm và ý luôn luôn bị lay động không ngừng như khỉ luôn chuyền từ nhánh cây này qua nhánh cây khác, và ngựa thì chạy không ngừng nghỉ. Nhờ tin vào tha lực, vào sự hổ trợ của Phật A-di-đà, hành giả rất dễ dàng thực hiện được phép tu này.
Tịnh Độ Tông (Pure Land Buddhism/ Pure Land Sect) được phổ biến và có nhiều đệ tử ở Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Tây Tạng và Việt Nam.

 

              IV.B- Một trường phái tư tưởng mới trong Phong trào Phát Triển Phật giáo: Trung quán tông (Madhyamaka)

             Trung quán tông (HV. 中觀宗, Sa. Mādhyamaka, Anh. Madhyamaka), còn được gọi là Trung luận tông (HV. 中論宗).

Madhyamaka là tiếng Sanskrit có nghĩa là con đường ở giữa (middle way), trung đạo. Đức Phật Thích ca đã trình bày về con đường trung đạo (the middle way) trong bài thuyết pháp đầu tiên của Ngài. Theo Đức Phật lịch sử thì con đường trung đạo tức là con đường ở giữa hai cực đoan: một cực đoan là sự hưởng thụ khoái lạc theo chủ nghĩa khoái lạc (hedomism), và một cực đoan là sống khắc khổ theo chủ nghĩa khổ hạnh (asceticism). Đức Phật Thích Ca cũng có thể đã dùng quan niệm về con đường ở giữa hai triết lý đối kháng với nhau: đó là triết lý của chủ nghĩa bất diệt, hằng cửu, đời đời (eternalism) là niềm tin linh hồn sẽ hiện hữu vĩnh viễn đối với triết lý của chủ nghĩa hủy diệt hoàn toàn (annihilationism) là niềm tin linh hồn sẽ bị hủy diệt khi chết. Cũng có thể Đức Phật Thích ca dùng quan niệm về con đường ở giữa hai triết lý: chủ nghĩa duy vật chất (materialism) và chủ nghĩa hư vô (nihilism). 

Nagarjuna (HV. Long thọ, 龍樹, khoảng thế kỷ thứ 3 sau CN, tức khoảng 700 năm sau ngày Đức Phật Thích ca nhập diệt, ông thuộc dòng dõi Bà-la-môn) đã lấy quan niệm “con đường đứng giữa” của Đức Phật lịch sử và phát triển thêm để đưa ra học thuyết Trung đạo (Madhyamaka) được luận giải trong quyển Mula-madhyamaka Karika (中論, Trung luận, Anh. Fundamental verses on the middle way) được viết vào khoảng năm 150 Tây Lịch). Ngài còn viết nhiều bộ luận khác nữa, tựu trung là phát huy triết lý Tánh Không, đã phá Thượng Tọa Bộ . . .

Trung luận đặt trên một lý luận rằng không có gì tuyệt đối, mọi sự vật đều tương đối, không có sự vật nào tự tồn tại, mọi sự vật đều liên kết tùy thuộc lẫn nhau (everything is interdependent). Từ lý luận này, Trung luận đi đến khái niệm về tánh không (shunyata). Shunyata nghĩa là trống không (Shunyata means emptiness). Điều này không có nghĩa là không có cái gì hiện có. Nó có nghĩa là không có cái gì tự nó hiện hữu, cái đó là một phần của “mạng lưới phổ biến” của hiện hữu (a part of a universal web of being). Quan niệm này là trọng tâm tư tưởng của các trường phái trong Phong trào Phật giáo Phát triển (Mahayana, Đại thừa). Thực ra quan niệm “tánh không” là một hình thức diễn tả lại quan niệm về vô ngã (anatman, Av.not soul, not self-possessed), về vô thường (anityata, Anh. Impermanent), khổ (dukkha, Anh. pain, sorrow). 

 

                          

             IV.C- Kinh điển Phật giáo sau thời đại Ngài Nagarjuna (Long Thọ):

                      Từ  sau thời đại Ngài Long Thọ đến thời đại Ngài Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu), có 4 bộ kinh chính yếu như sau:

  1. 1.       Thắng Man Kinh ( 勝鬘經,  Sa. Śrīmālādevī -Sūtra)  tên đầy đủ là Thắng Man sư tử hống nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh (śrīmālādevī-siṃhanādavaipulya sūtra): Công chúa Thắng Man là nhân vật chính trong kinh này. Kinh này dạy về tư tưởng “Như lai tạng”.Như lai tạng là tên khác của Phật tính. Phật tính luôn đầy đủ tâm tính của Như Lai. Tâm tính thường ngày của chúng sanh và tâm tính thanh tịnh của Như lai chỉ là một thể: như sóng với nước.

 

  1. 2.      Đại Bát Niết Bàn Kinh ( 大般涅槃經, Sa. Mahā-Parinibbāna-Sutra) kinh này viết về giai đoạn cuối đời của Đức Phật Thích Ca, từ sáu tháng trước cho tới khi ngài viên tịch, tức là nhập niết bàn.. Kinh này giảng dạy về tư tưởng: “Pháp thân thường trụ”, “Hết thảy chúng sanh đều có Phật tính”, “Nhất-xiển-đề thành Phật”: hạng người “nhất-xiển-đề (Sa. Icchāntika), nhất-xiển-đề là lòng độc ác, không tin vào chánh pháp, không thể thành Phật. Nhưng Đức Phật Thích ca dạy rằng “hạng người nhất-xiển-đề” cũng có tính Phật, nghĩa là họ cũng có thể giác ngộ thành Phật, nếu họ có lòng tin Chánh pháp thì lập tức họ không còn là người “nhất -xiển -đề”.

 

  1. 3.      Giải Thâm Mật Kinh ( 解深密經, Sa. Saṃdhinirmocana-Sūtra, Anh.Sūtra of the Explanation of the Profound Secrets ): Nội dung Kinh này làm nền tảng tư tưởng chính yếu cho môn duy thức học sau này: trình bày về A-lại-da thức (Sa. Alaya vijnana) có năng lực chứa đựng các chủng tử; trình bày 3 tướng và 3 tự tánh của thế giới. Kinh này kết luận rằng “mọi pháp đều không có tự tánh” tương tự như tư tưởng “Không ” trong  Kinh Bát –nhã.

 

  1. 4.      Lăng Già Kinh ( 楞伽經,Sa.Laṅkāvatāra sūtra, Anh."Scripture of the Descent into Laṅkā), người Hoa còn dịch là Nhập Lăng-già Kinh ( 入楞伽經) là Kinh được Đức Phật thuyết tại xứ Tích Lan (Lanka /Sri Lanka). Nội dung của Kinh là giúp hành giả đạt được tâm vô phân biệt để đi đến chỗ giác ngộ. Kinh Lăng Già là nền tảng của Duy thức tông và Thiền tông ở Trung Hoa, Nhật và Việt Nam.

 

      IV.D- Duy thức tông và các bộ Luận của Ngài Asanga (Vô Trước) và Vasubandhu (Thế Thân)

  1.                       Duy thức tông (Hv. 唯識宗, Sa. Yogachara/ Vijñapti-mātra, Anh. Consciousness only school),  hoặc Du-già hành tông (Sa. Yogācārin, Anh. Yogachara school); tại Tây Tạng, người ta còn gọi là Duy tâm tông (Hán. 唯心宗, Sa.rt. Cittamātrin).

Yogachara nguyên nghĩa là "thực hành du-già" (yoga practice). Yogachara (Duy thức tông) là triết thuyết thứ hai của Phong trào Phật giáo Phát triển, do hai anh em Asanga (Hán. Vô Trước, 無著) và Vasubandhu (Hán. Thế Thân, 世親) sáng lập. Họ sống vào khoảng năm 300 sau CN, tức là ra đời sau Nagarjuna (Long Thọ) khoảng 100 năm.

Asanga (Vô Trước) đã từng theo Bà-la-môn giáo, sau cải sang Đạo Phật và theo phong trào canh tân Phật giáo. Ngài kể lại rằng Ngài đã nghe Đức Phật Di lặc (Maitreya) thuyết pháp, và Ngài thuật lại lời của Đức Phật Di Lặc, Asanga cũng có soạn một phần của bộ kinh này.

Tương truyền Asanga có sức thần thông lên tận cung trời Đâu-Xuất (Tusit) (?) để nghe Bồ tát Di Lặc (Maitreya) giảng giáo lý Phật Giáo. Ngài đã ghi lại lời Đức Phật Di lặc qua 4 bộ luận chính:
1.Du-già-Su-địa luận (Yogacarya-bhumi Sastra)
2.Đại thừa trang nghiêm kinh luận (Mahayana-lankara Sastra)
3.Thập địa kinh luận (Dasabhunuka-sutra Sastra)
4.Trung biên phân biệt luận (Madhyatavibhaga Sastra).

Thêm vào đó, Asanga đã tự viết ra 5 bộ luận:
1.Hiển dương Thánh giáo luận (Prakaranaryavaca Sastra).
2. Nhiếp đại thừa luận (Mahayana samparigrah Sastra)
3.Kim cương Bát nhã ba la mật đa kinh luận (Vajraprajna paramita sutra Sastra)
4.Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tạp luận (Mahayana-abhidharma sangiti Sastra)
5.Thập trung luận (Madhyāntānusāra-śāstra).

Vasubandhu (Thế Thân) cũng theo Phật giáo, lúc đầu theo Thượng Tọa Bộ  về sau chuyển sang Phật giáo phát triển, Ngài nghiên cứu và tích cực phát triển tư tưởng Phật giáo. Ngài Vasubandhu đã viết rất nhiều bộ luận, trong số đó có 3 bộ luận làm nền tảng cho môn Duy thức học như:

1. A-tỳ-đạt-ma câu-xá luận (Abhidharma kosa Sastra)
2. Duy thức nhị thập tụng (Vimsatika vijinaptima-tratasiddhi karika)
3. Duy thức tam thập tụng Trimsika vijnaptimatratasiddhi karika). 

Hai anh em các Ngài đã phát động phong trào canh tân từ lúc sơ kỳ trong một định hướng của triết lý duy tâm (idealism, Sa. Chitta-matra). Chitta-mantra có nghĩa là chỉ có thức (mind/consciousness only): ở trên thế gian này, mọi vật hiện hữu đều do tâm thức (mind /consciousness) mà có. Những gì mà chúng ta nghĩ đến như là những vật thể, thật ra chỉ là những ảo tưởng, ảo giác phát xuất từ tâm thức: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" (Nguyễn Du, Truyện Kiều). Để ra khỏi những ảo giác này, chúng ta cần phải thực hành thiền định (meditate), và đây là điều cơ bản của Duy thức tông, có nghĩa là tạo nên một tâm thanh tịnh, loại bỏ ảo giác. Khi loại bỏ được ảo giác của cá nhân thì con người sẽ đạt được cái tâm phổ quát (universal mind) tức là cái tâm Phật (Buddha mind).

                 IV. E.- Các bộ Luận của Ngài Dignaga (Trần Na)

Ngài Dignaga (Trần Na) sanh ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ 5 CN. Lúc đầu Ngài theo học giáo lý Thượng Tọa Bộ, rồi sau chuyển sang giáo lý Phật giáo phát triển. Thêm vào đó, Ngài rất tinh thông môn Luận Lý Học của Ấn độ, còn gọi là Nhân Minh Học (Hetuvidya). Dignaga đã biên soạn và hệ thống hóa lại môn Nhân Minh Học thành một hệ thống luận lý mới gọi là “Tân Nhân Minh”, còn phương pháp cũ gọi là “Cổ Nhân Minh”. Cổ Nhân Minh đã có từ thời xa xưa trong triết học Ấn độ, Ngài Aksapada, thủy tổ của phái Nyaya (Chính Lý phái), 1 trong 6 phái của triết học Ấn độ, đã viết lại thành hệ thống luận lý trong khoảng thế kỷ thứ 3 trước CN. Nhân Minh Học còn được gọi là Luận Lý Học Phật giáo (Buddhist Logic). Ngài Dignaga đã trước tác nhiều bộ luận, bộ căn bản là:
Nhân minh chính lý môn luận bản (Hetuvidya-nyayadvara-sastra-mula) để giải thích về phương pháp luận lý của Nhân Minh Học.

              IV. F.- Các bộ Luận của Ngài Bhavaviveka (Thanh Biện):

Ngài Bhavaviveka sống vào khoảng tiền bán thế kỷ thứ 6 CN. Lúc đầu Ngài theo giáo lý của ngoại đạo, về sau chuyển qua giáo lý Phật giáo. Trong 2 bộ luận của Ngài, có một bộ quan trọng là:
-Bát-nhã đăng luận thích (Prajnadipa-sastra-karika) là một giảng luận về tư tưởng của Ngài Narajuna (Long Thọ) trong Trung quán luận.

             IV. G. Các bộ Luận của Ngài Dharmapala (Hộ Pháp):

Ngài Dharmapala sống vào khoảng hậu bán thế kỷ thứ 6 CN. Lúc đầu Ngài theo học giáo lý Thượng Tọa Bộ, rồi sau theo học với Ngài Dignaga (Trần Na) về môn Duy Thức học của Phật giáo Phát triển. Ngài đã trước tác 4 bộ luận, trong đó có một bộ chính yếu là:
-Thành duy thức luận (Vijnapti matrata siddhi-Sastra): bộ sách này giảng luận về bộ “Duy thức tam thập tụng” của Ngài Thế Thân.

           IV. H. Các lý luận  của hai Ngài: - Jnanaprabha (Trí Quang) và Siladhadra ( Giới Hiền):

a.- Ngài Jnanaprabha (Trí Quang) sống vào khoảng giữa thế kỷ thứ 6 CN. Ngài rất tinh thông cả giáo lý của Thượng Tọa Bộ và của Phật giáo Phát triển, nên Ngài đã viết một bộ luận tổng hợp các tưởng của các trường phái Phật giáo khác nhau, sau đó Ngài phân tích giáo lý Phật giáo ra làm 3 loại:

1. Tâm cảnh hữu giáo: gồm các giáo lý cho rằng tâm và cảnh thực có. Đó là giáo nghĩa của Thượng Tọa Bộ.
2.Tâm hữu, cảnh không: là giáo lý cho rằng tâm có nhưng cảnh thì không có thực. Đây là giáo nghĩa của Asanga (Vô Trước) và Vasabandhu (Thế Thân).


3.Tâm cảnh câu không: là giáo lý cho rằng tâm cảnh đều không có. Đó là giáo nghĩa của Ngài Nagarjuna (Long Thọ).

 

b.- Ngài Siladhadra (Giới Hiền) sống cùng thời với Ngài Jnanaprabha, Ngài bắt đầu theo học Duy thức học với Ngài Dharmapala (Hộ Pháp), và đã trở thành một đại luận sư của môn Duy thức học. Ngài Giới Hiền đã không chấp nhận lói chia giáo nghĩa Phật giáo của Ngài Jnanaprabha (Trí Quang). Ngài Siladhadra (Giới Hiền) đưa ra 3 cách phân loại từ thấp đến cao như sau:
1. Hữu giáo: bao gồm giáo nghĩa của Phật giáo Thượng Tọa Bộ và các giáo phái khác.
2. Không giáo: là giáo nghĩa của Ngài Nagarjuna (Long Thọ)
3. Trung đạo giáo: gồm giáo nghĩa của Ngài Asanga (Vô Trước) và Vasubandhu (Thế Thân).

 

Sự bất đồng về quan điểm phân chia tư tưởng Phật giáo đã khơi nguồn cho nhiều cuộc tranh luận về “tư tưởng Hữu” và “tư tưởng Vô” trong giới Phật học đương thời, và tiếp tục một thời gian dài về sau. Sự tranh luận này là một cơ hội cho tư tưởng Phật giáo được phát triển trong dòng lịch sử Phật giáo.

          IV.I Thời kỳ cuối cùng của Phong trào Phát triển Phật giáo: Các Kinh điển của Mật giáo.
              
Mật tông ( 密宗,Sa. Tantra, Anh.Tantrism/ Tantric religion/Tantric Buddhism)  còn gọi là Mật giáo tức Bí mật giáo, và các tên khác là Chân ngôn tông, Kim cương thừa, Mật thừa. Mật giáo có nguồn gốc từ một truyền thống xa xưa của người Ấn độ về sự thực hành các nghi quỹ (tantra), nghi quỹ (儀軌) là phép tắc, nghi thức hành lễ, nhằm mục đích cầu phước, trừ tai ách cho người đời. Mật giáo phát khởi khoảng thế kỷ thứ 5 Tây lịch, đây là giai đoạn phát triển cuối cùng của Phật giáo ở Ấn độ.

Mật giáo, về phương diện tư tưởng thì được dẫn xuất từ tư tưởng Phật giáo Phát triển, về phương diện tín ngưỡng thì chịu ảnh hưởng các nghi thức hành lễ của Tân Bà-la-môn giáo, tức Ấn độ giáo như cách tụng Thần chú để cầu phúc, trừ tai ách chịu ảnh hưởng của các tập tục cổ truyền và của Bà-la-môn giáo.

Tư tưởng Mật giáo được thành lập bởi 2 bộ kinh chính yếu là:

  1. Đại Nhật Kinh ( 大日経, Sa. Maha-Vairocana Sutra, Anh. Great Sun Sutra/ Discourse of the Great Illuminator) xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ 7 CN , căn cứ theo đó , Mật giáo đã chính thức được thành lập. Phái “Chân ngôn thừa” (Mantra Yana)/ Chân ngôn tông đã lấy bộ kinh này làm căn cứ lý luận các giáo nghĩa của Mật giáo. Kinh này giải nghĩa các đức tính của Đại Nhật Phật (Maha- Vairocana Buddha/Great Sun Buddha), và dạy rằng thân xác của chúng sanh thì bình đẳng với Phật. Khi chúng sanh hoàn thành được những đức tính của Phật trong tâm thức của họ, khi tâm thức này chứ đựng được các đức tính của Phật thì tâm này được giác ngộ.
  2. Kim Cương Đỉnh Kinh ( 刚顶经 , Sa. Vajra- Sekhara Sutra, Anh. Diamond Peak Sutra) xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ thứ 7 CN. Phái Kim Cương Thừa (Varja Yana) lấy bộ kinh này làm căn cứ. Phái Mật giáo này kết hợp với phái Sakta của Ấn độ giáo. Phái Sakta sùng bái nữ thần Durga, có nhiều nghi thức bí mật, có nhiều trò ma thuật, và có nhiều hình thức “làm tình” (Tantra/ Tantric sex) trong nghi quỹ. Do đó, phái Mật giáo này lấy chủ nghĩa khoái lạc, dục vọng làm lý tưởng, như vậy phái này đã làm mất đi cái tư tưởng cao quý của Phật giáo.

Cố GS TS Hòa thượng Thích Thanh Kiểm đã nhận định:
… phái Kim Cương thừa dần dần bị đọa lạc vào vòng tà đạo, và cũng là nguyên nhân đọa lạc của Mật giáo”.
(Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn độ, Saigon: Lê Thanh Thư xã, 1963, tr. 232)

Mật tông nhấn mạnh về địa vị của Gurus (religious Teachers), tức là các đạo sư tinh thông những bí mật về nghi thức hành lễ với những bùa chú để giúp người thường về việc cầu phước, trừ tai ách như đã nói trên. Người Tây Tạng dịch chữ guru là “lama” (lạt-ma), nên Mật tông còn được người Hoa gọi là Lạt-ma giáo.
Mật tông đã dùng nhiều kỹ thuật bùa chú, nỗi tiếng nhất là:

1.-Mandala:tiếng Việt Hán dịch là “luân viên cụ túc”, đây là một nghệ thuật bao gồm các hoa văn hình tròn và hình vuông đồng tâm, biểu hiện hệ thống đại vũ trụ (macrocosm), thế giới bản thể, và hệ thống tiểu vũ trụ (microcosm), thế giới hiện tượng. Mandala được làm bằng đất, được dùng làm lễ vật cho nghi thức hành lễ, cầu nguyện, tu luyện …

 

                                            Bieu-nhat-lam-0005     

                                          Mandala

 

2.-Mantra: là các thần chú gồm nhiều chữ hoặc nhiều câu được tin tưởng rằng có một nội dung chứa đựng ý nghĩa thâm sâu và có một phép mầu huyền diệu, thường được viết hoặc được phiên âm từ tiếng Sanskrit. Câu thần chú nỗi tiếng nhất là “chú lục tự đại minh” (the six character great bright Mantra) tức là câu chú, hay chân ngôn, gồm có 6 chữ. Mỗi chữ đều phóng ra một luồng ánh sáng có công năng biến đổi sự tối tăm của 6 nẻo luân hồi trở nên sáng lạn, đó là câu thần chú:
           “Om Mani Padme Hum
   âm Hán Việt: “Án Ma-ni Bát- di Hồng
    dịch: “Om, ngọc quý trong hoa sen, Hum.”
    nghĩa:   Om hay Án : là một âm tiết thiêng liêng trong Ấn độ  giáo, tiếng mở đầu cho các câu chú để làm cho quỷ thần khiếp đảm, không dám gây rối.
                ngọc quý ( mani nghĩa là jewel=ngọc quý): biểu hiện cho Bồ-đề tâm (bodhicitta).
                hoa sen (padme nghĩa là  lotus flower= một loài hoa linh thiêng của Phật giáo); hoa sen: chỉ tâm thức con người.
               ngọc quý trong sen có ý nghĩa là tâm Bồ- đề nở trong lòng người.
                Hum hay Hồng có nghĩa là đại diện cho tinh thần của sự giác ngộ, còn có nghĩa là sự che chở của thiên thần đến với người niệm chú để được tai qua nạn khỏi.
                                           Bieu-nhat-lam-0006

                                               Mantra

 

 

Dharani là một dạng câu thần chú như Mantra, nhưng những câu Đà-la-ni thường dài hơn.

3.-Mudra: là thủ ấn hay dùng ngón tay để bắt ấn (hand positions). Thủ ấn là biểu tượng của các vị trí của bàn tay, tùy theo vị trí của bàn tay để biết dấu hiệu biểu lộ một ý nghĩa đặc biệt liên quan đến Phật tánh và trình độ giác ngộ.

 

                                                  Bieu-nhat-lam-0007     

                                             Mudra

 Vào khoảng thế kỷ thứ 8 sau Tây Lịch, một chùa lớn của Mật giáo được thành lập: Vikramasila là trung tâm phát huy tư tưởng và thực hành tín ngưỡng của Mật giáo.
 
Mật giáo đã có những Đại sư như Subha Karasimha (Thiện vô Úy,  善無畏,  637-735, người Trung Ấn), Vajra Bodhi (Kim cương Trí,  金剛智, 671-741, người Nam Ấn), Amoghavajra (Bất không kim cương,  不空金剛, 705-774, người Tích Lan), Nhất Hạnh ( 一 行; 683 – 727)  là vị sư người Trung Hoa đã giúp việc dịch  Đại Nhật Kinh với 3 vị Đại sư Ấn độ và phát triển Mật giáo ở Trung hoa.

 Đại sư Padmasambhava (Liên hoa sinh, cuối thế kỷ thứ 8 ) đã đem Mật giáo truyền qua Tây Tạng, và sáng lập nên Lạt-ma giáo. Mật tông ở Tây tạng có nhiều kinh điển, đặc biệt là tàng lục  là những văn bản được trước tác, nhưng được chôn giấu để người đời sau tìm ra theo thông báo vào một thời điểm nhất định. Bộ tàng lục nỗi tiếng  nhất là bộ Tử Thư.

Tử thư ( 死書, tiếng Tây Tạng là “bardo thodol”,  nguyên nghĩa là "Giải thoát qua âm thanh trong Trung hữu", Av. Liberation through hearing in the Bardo). Tử thư là một Tàng lục (tiếng Tây Tạng là gter ma ), được xem là trước tác của Đại sư Liên Hoa Sinh (Srt. Padmasambhava), gồm những lời khai thị cho người sắp chết, thần thức của người chết có thể đạt giải thoát bằng cách lắng nghe lời khai thị để nhận ra tất cả là do tâm thức mình đang chiếu hiện mà nhờ vậy đạt Niết-bàn. Tử thư được tìm thấy khoảng thế kỷ thứ 14.
Sau đó, tư tưởng Mật giáo được truyền sang Trung Hoa, rồi từ Trung Hoa sang Nhật Bản, Chân ngôn tông rất phổ biến ở Nhật, sau đó truyền sang  sang Việt Nam, Miến Điện, Kampuchea. Lối kiến trúc của hai đền Angkor Thom và Angkor Wat ở Kampuchea vào thế kỷ 12 CN đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của Mật giáo.

      Bieu-nhat-lam-0008

  Angkor Thom     
Bieu-nhat-lam-0009 Angkor Wat- ----- - -Angkor Wat

 

          IV. J.- Các Kinh điển của Phật giáo Phát triển ở Trung Hoa:

       Ở Trung Hoa, Phật giáo Phát triển đã trước tác nhiều bộ Kinh Phật, sau đây là các bộ Kinh chính yếu:
1.-Vu-Lan-Bồn Kinh (盂蘭盆 經, Sa.Ullambana Sutra) có nơi người Trung Hoa phiên âm chữ nầy đọc theo âm Việt Hán là Ô-lam-bà-noa (烏藍婆拏),  có nghĩa đen là cái chậu cứu nạn treo ngược, có nghĩa bóng là hồn kẻ chết bị treo ngược ở cõi âm được cứu để giải thoát khỏi cảnh địa ngục, ngạ quỷ (= quỷ đói). Kinh này xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ 3 và thế kỷ thứ 6. Kinh này biểu hiện lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên (Sa. Maudgalyayana) đối với mẹ mình, đây là điều rất phù hợp với đạo lý của Nho giáo.

2.-Có một bộ Kinh được thuyết giảng và đã ghi rõ ràng tên tác giả là Đại sư Lục Tổ Huệ Năng (慧能, 637-713 Tây Lịch), Ngài là người Tàu, là vị tổ thứ 6 của Thiền tông ( 禪 宗). Đó là Pháp Bảo Đàn Kinh (法寶壇經, Anh.  Platform Sutra of the Sixth Patriarch).

Pháp Bảo Đàn Kinh là cuốn kinh do Đại sư Trung hoa Huệ Năng giảng, không phải cuốn kinh đem đến từ Ấn độ. Kinh Pháp Bảo Đàn là một kinh văn thiền đã được sáng tác ở Trung Hoa vào khoảng giữa thế kỷ thứ 8 và thế kỷ thứ 13.
Tư tưởng Thiền học của Huệ Năng được Ngài giảng dạy trong “Pháp Bảo Đàn Kinh”: Theo Ngài thì hành giả phải bỏ hết ngôn ngữ văn tự, xa lìa những lý giải,  hành giả cần phải thấu triệt tâm nguyên, an trí vào trí tuệ Bát-nhã; bởi vì vi diệu lý của Phật Pháp chẳng dính dáng gì với ngôn ngữ văn tự, chữ nghĩa, nên hành giả cần đạt được ý mà quên lời chớ nên chấp vào ngôn ngữ văn tự.

 

3.-Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân Kinh (大報父母恩重經, Anh. Sutra of the Great Parental Kindness Repayment/ the Scripture on Profound Gratitude toward Parent): có nội dung đề cao chữ hiếu, nêu rõ hành vi đạo đức của một người con bất hiếu, và thúc đẩy người con phải báo đáp chữ hiếu đối với cha mẹ bằng cách cúng dường Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng. Nói khác, bản kinh đã đề cập đến mười công ơn của cha mẹ và phương thức báo hiếu của con cái; trong phần kết luận, bản kinh tán thán công đức việc in ấn, quảng bá, và mô tả các dạng thức địa ngục mà kẻ bất hiếu phải trải qua.

4.-Phạm Võng Kinh ( 梵 網 經, Sa. Brahma Jala Sutra [ Brama= Phạm Thiên, Jala= cái võng, cái lưới], Anh. Brahma’s bet): nội dung kinh này đưa ra giới luật cho người Tăng sĩ và Cư sĩ, nhưng đã thêm vào “chữ hiếu” của Khổng giáo để thay đổi giới luật của Bồ-Tát.

5.-Thập Điện Diêm Vương Kinh (十殿閻王 經 ,Anh. The Scripture of the Ten Kings) có nghĩa là 10 vị vua ở địa ngục. Đây là 10 vị vua, 10 thần linh cai quản ở cõi địa ngục và là 10 vị phán xét các vong hồn ở cõi địa ngục căn cứ vào công hoặc tội mà họ đã tạo ra khi còn sống, theo tín ngưỡng Trung Hoa. Kinh này đã được truyền sang Việt Nam và có nhiều ảnh hưởng trong đại chúng.

*-*-*
Phật giáo Ấn độ gặp đại Pháp nạn:
Vào hậu bán thế kỷ thứ 6, quân Hồi giáo của Vua Al Mahdi (775 -785) sau khi chiếm trọn Iran (Ba tư), họ liền tiến chiếm vùng Tây-Bắc Ấn độ.
Sau đó vào năm 1203, quân Hồi giáo của tướng Iktiyar Uddin đem đại quân chiếm vùng Trung Ấn. Quân Hồi giáo đối xử rất bạo ngược đối với tất cả tôn giáo không phải đạo Hồi. Đối với Phật giáo, quân Hồi phá huỷ các chùa tháp, thiêu đốt hết Kinh sách, hảm hại Tăng Ni, Phật giáo hầu như bị tiêu diệt nơi xứ Phật: trung tâm văn hoá Phật giáo Nalanda bị hủy diệt, chùa Vikramasila cũng bị chiếm đống sau 1.700 năm lịch sử truyền bá.

Mãi đến cuối thế kỷ 19, Phật giáo mới bắt đầu có cơ hội phục hồi và phát triển. Nhà Phật học người Sri Lanka là Ngài Anagarika Dharmapala đã sang Ấn độ để khởi xướng việc phục hồi Phật giáo: trùng tu các Thánh địa như “Bồ đề đạo tràng” (Buddha Gaya) là nơi Đức Phật thành đạo. Các Tam tạng kinh điển Pali được đem trở lại Ấn độ từ Sri Lanka, các Tạng kinh từ Trung Hoa và Tây Tạng được phiên dịch trở lại tiến Sanskrit. Năm 1892, Ngài Anagarika Dharmapala phát hành tờ Bodhi Journal (Bồ-đề tạp chí) làm cơ quan truyền bá Phật giáo, ông kêu gọi Phật giáo đồ khắp nơi ủng hộ việc trùng tu Phật tích ở Ấn độ. Sau đó ông còn thành lập một Hội đoàn Phật giáo để vận động việc phục hưng Phật giáo ở Ấn độ. Đó là “Maha Bodhi Society of India” (Hội Đại Bồ-đề của Ấn độ). Phật giáo đã bị suy tàn trong một thời gian dài 800 năm ở cố quốc, giờ đây đã được tái lập lại và trở về quê hương gốc của mình.
Ngày nay, Phật giáo đã trở thành một tôn giáo lớn vào hàng thứ tư trên thế giới, sau Cơ đốc giáo (Christianity), Hồi giáo (Islam) và Ấn độ giáo (Hinduism).

V.-Kết Luận:

Tam tạng Kinh điển Phật giáo là một kho tàng kinh điển đồ sộ như một cánh rừng đầy kỳ hoa và dị thảo, chứa đựng những tư tưởng cao siêu là đỉnh cao của tư tưởng triết học trong dòng lịch sử triết học Đông và Tây phương.
Ngày nay, rất nhiều Học giả, Giáo sư, Sinh viên đã để tâm nghiên cứu Phật học, tư tưởng triết học Phật giáo đã là đề tài cho nhiều tiểu luận, luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Toronto, 08 November 2016
 Nguyễn Vĩnh Thượng
 
Cựu giáo sư triết học tại các trường Trung Học Petrus Ký, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn An Ninh, Cần Đước (Long An) và trường Sư Phạm Sài gòn (1969 – 1975).

 

Các tài liệu tham khảo chính yếu:
-Bình AnSon, Tam Tạng Kinh điển Nguyên thủy (Tipitaka), Website: Buddha Sasana, 2000.
-Chan Khoon San, Three Baskets (Tipitaka) in Buddhism: Chapter XVII from Buddhism Course, Malayia: Br. Chan Khoon San, 2006, pp. 261-309.
-Hệ phái Theravada, Tam Tạng Pali & Chú giải, Website: tamtangpaliviet.net, 2013.
-Kogen Mizuno, Buddhist Sutras: Origin, Development, Transmission (translated from Japanese), Tokyo: Kosei Publishing Co., 1982.
-Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo Sử lược, Hanoi: 1643.
-Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn độ, Saigon: Lê Thanh Thư Xã, 1963.
-Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Trung Hoa, Saigon: Vạn Hạnh, 1965.
-Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ thông từ khóa I đến khóa XII (gồm 12 quyển), đã xuất bản ở Saigon từ 1955 – 1964. Tái bản: Phật Học Viện Quốc tế, Sepulveda, CA, USA, 1982.
-Triệu Phước, Mật tông Phật giáo tinh hoa, Colorado: Hội Ái hữu Mật giáo tại Hoa kỳ, 1985.
-Teshe Lama, Introduction to Tantra, Boston: Wisdom Publications, 1987.

 Cùng một tác giả
Các bài viết đã đăng trên Internet bởi các Trang Web: Chùa Adida (Australia), Trang nhà Quảng Đức, Thư viện Hoa sen, Đạo Phật Ngày nay, Tống Phước Hiệp-Vĩnh Long, An phong-An bình …:

-Ảnh hưởng Phật giáo trong pháp luật triều Lý, 1971.
-Tư tưởng Phật giáo trong văn học đời Lý, 1996 (Sách giấy).
-Phật giáo như là một triết học hay như là một tôn giáo, 2014.
-Cuộc đời của Đức Phật Thích ca, 2014.
-Việc phiên dịch Kinh điển Phật giáo ra chữ Quốc ngữ, 2016.
-Ngụy Kinh trong thời kỳ Phật giáo Phát triển, 2016.

-Về một nhà giáo thời VNCH: GS TS Nguyễn Thanh Liêm, 2010.
-Lời giới thiệu về Nhà văn Cư sĩ Huỳnh Trung Chánh, 2014.
-Thầy Tạ Ký- Nhà giáo và Nhà thơ, 2015.
-Tuyển tập Biên khảo Nguyễn Vĩnh Thượng, 2016 (Sách PDF)

v…v…
 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/01/2018(Xem: 5596)
Vấn đề chủ yếu trong tác phẩm Trung Quán Luận của Long Thọ là tánh không. Ý nghĩa cốt lõi của tánh không như chúng ta đã biết là tánh không trong điều kiện duyên khởi.Trong các kệ tụng vi diệu, Long Thọ tỏ lòng kính trọng đức Phật như một vị thánh diễn giải các pháp thoại về duyên khởi với năng lực siêu nhiên. Vì vậy, Long Thọ ca ngợi đức Phật là một vị đạo sư vô song. Theo đạo Phật, nền tảng giáo lý duyên khởi là điều rất quan trọng.
06/01/2018(Xem: 13429)
Vài suy nghĩ về việc học chữ Phạn trong các Học Viện Phật Giáo Việt Nam_ Lê Tự Hỷ
05/01/2018(Xem: 10128)
Sau bài giới thiệu “Đọc Trúc Lâm Thiền Phái tại Huế của Thích Tín Nghĩa” phổ biến tới bạn đọc ngày 7/12/2017, Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa lại gửi biếu tôi thêm hai cuốn sách : - Trúc Lâm Thiền Phái Thi Tập tái bản lần thứ nhất 2013. - Đạt Ma và Huyền Trang tái bản lần thứ ba 1998.
02/01/2018(Xem: 6391)
Phái đoàn chúng tôi đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu về đến đây, tức là chùa Châu Lâm, thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên để thăm viếng bà con và chia sẻ một số tịnh tài, phẩm vật đến với bà con khốn khó trong cơn bão lũ vừa qua tại tỉnh nhà chúng ta. Thưa quý vị! Phú Yên là quê hương yên bình, được che chở bởi trời đất, bởi hồn thiêng sông núi, bởi lịch đại Tổ sư Phật giáo. Quê hương của chúng ta có biển, có núi, có đầm, có sông và có bình nguyên, cho nên cũng từ đó, mà quê hương chúng ta đã phát sinh ra nhiều bậc anh tài cho đất nước, nhiều bậc cao Tăng cho Đạo Pháp một thời.
21/12/2017(Xem: 7337)
Hôm nay là ngày 9/10/Đinh Dậu, tức ngày 26/11/2017, tại chùa Quang Sơn, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, thay mặt chư Tôn Đức Tăng hiện tiền, cũng như chư Tôn Đức Tăng Ni Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, các Phật tử của Âu Châu hảo tâm, các nhà mạnh thường quân tại Âu Châu, phái đoàn chúng tôi xin gửi lời thăm hỏi chân tình nhất đến bà con hiện diện hôm nay.
15/12/2017(Xem: 75715)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dương và lưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoát và giác ngộ cho những ai học hỏi và thực hành đúng đắn. Chánh Pháp ấy là thuốc hay, nhưng bệnh mà không uống thì chẳng phải là lỗi của thuốc. Trong kinh Di Giáo, đức Phật cũng ân cần huấn thị lần chót bằng những lời cảm động như sau: “Thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói Chánh Pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành… Hãy tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình trôi qua một cách vô ích, và sau này sẽ phải lo sợ hối hận.” Báo Chánh Pháp có mặt để góp phần giới thiệu đạo Phật đến với mọi người. Ước mong giáo pháp của Phật sẽ được lưu chuyển qua những trang báo nhỏ này, mỗi người sẽ tùy theo căn tánh và nhân duyên mà tiếp nhận hương vị.
15/12/2017(Xem: 118865)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
08/12/2017(Xem: 15238)
Những pháp thoại trong tác phẩm này là những lời dạy tiêu biểu truyền cảm hứng phi thường mà Lama Yeshe và Lama Zopa Rinpoche đã thuyết giảng tại nhiểu thời điểm. Các pháp thoại này là những gì truyền cảm hứng cho nhiều học trò của họ, như tôi, để buông xả những gì chúng ta đang làm và hiến dâng trọn đời mình đi theo các vị Lama[1]. Khi Rinpoche nói “mỗi người chúng ta cần nghỉ như vậy: tất cả chúng sanh đều vô cùng tử tế với tôi trong quá khứ, họ tử tế với tôi trong hiện tại, và họ sẽ tiếp tục tử tế với tôi trong tương lai. Họ là cánh đồng mà trong đó tôi nhận được tất cả hạnh phúc của mình—quá khứ, hiện tại và tương lai; tất cả các tài đức hoàn hảo của tôi đều xuất phát từ những chúng sanh khác. Do vậy, tôi phải chứng đạt giác ngộ. Chỉ tìm kiếm hạnh phúc miên viễn cho riêng tôi, không mang lại hạnh phúc cho những chúng sanh khác, từ bỏ những chúng sanh khác,không quan tâm đến hạnh phúc của họ, là rất ích kỉ. Do đó, tôi phải chứng đạt giác ngộ, hạnh phúc cao cả nhất, để
30/11/2017(Xem: 6072)
Định nghĩa. Vô Trước. Vô, nghĩa là không. Trước, nghĩa là dính mắc, bị dính vào, mắc vào, kẹt vào. Cụm từ Vô Trước, nói cho đủ: Không bị dính mắc, kẹt vào. Danh từ kép này, được chỉ cho những hành giả trong đạo phật trên đường tu tập, để tìm cầu cho mình cơn đường giải thoát là không để cái Tâm bị dính vào, mắc vào, kẹt vào sắc trần, nói như pháp môn thiền định “đối cảnh vô tâm. Như vậy, tâm con người thường bị dính trần hay sao, mà pháp thiền phải cảnh giác ? Đúng như vậy, tâm của kẻ phàm phu ưa dính, mắc vào, kẹt vào sắc trần vật chất, ưa trách móc, ưa chấp nê, ưa nghe lời khen ngợi
21/11/2017(Xem: 9203)
Từ Kinh Phật Sơ Thời Đến Thiền Đốn Ngộ Giới Thiệu Tác Phẩm “Thiền Tông Qua Bờ Kia” Của Cư Sĩ Nguyên Giác--Trong tác phẩm mới xuất bản “Thiền Tông Qua Bờ Kia” tác giả Cư Sĩ Nguyên Giác kể chuyện buổi đầu ông học Thiền với Hòa Thượng Bổn Sư Thích Tịch Chiếu ở Chùa Tây Tạng tại Tỉnh Bình Dương, Việt Nam như sau: “Tôi nhớ lại buổi đầu gặp Hòa Thượng Tịch Chiếu, hỏi Thầy rằng con nên tập Thiền thế nào, Thầy nói rằng, “Phải Thấy Tánh đã.” Lúc đó, Thầy bảo đứa em kế tôi phải niệm Phật sáng trưa chiều tối, và quay sang đứa em gái kế sau nữa của tôi, bảo nhỏ này là con hãy về đọc bài Bát Nhã Tâm Kinh tối ngày sáng đêm. Tôi hỏi, rồi con cần niệm hay đọc gì hay không, Thầy đáp, con không có một pháp nào hết.”[1]
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567