Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lòng Từ bi trong cuộc sống

08/04/201318:50(Xem: 864)
Lòng Từ bi trong cuộc sống

Luận văn tốt nghiệp

LÒNG TỪ BI TRONG CUỘC SỐNG

Thích Thông Nhã

DẪN NHẬP

Cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, nhưng trong đó có bao vấn đề gay go, rắc rối, hiểm nguy đang âm ỉ hoặc đã bộc phát ra (đói rét, bịnh tật, âu lo, nghi nan, tị hiềm, chia rẽ, hận thù, khủng bố, chiến tranh…). Con người vẫn đang sống với nhau nhưng trong đó luôn hục hặc, xung đột và chưa bao giờ là thực lòng với nhau, cho đến muốn trấn áp, thủ tiêu lẫn nhau. Sự hiện hữu của con người dường như ngày càng mất hết sự tự chủ. Với dòng xoáy của cuộc sống hiện đại, nhiều con người ta trở thành những người máy, tính khí trở nên cộc cằn, đầy căng thẳng và phiền muộn, thậm chí lạnh lùng và rất tàn bạo. Nguyên nhân chính của những nỗi khổ này không phải là do ta có mặt trong cuộc sống hiện đại, cũng không phải là do ta chưa đạt tới kỉ nguyên hạnh phúc, mà do trái tim con người ta ngày càng trở nên khô cằn sỏi đá, bầu năng lượng yêu thương ngày bị vơi kiệt đi; thay vào đó là thành trì bản ngã được giáo dục, được xây dựng một cách tinh vi và chắc chắn. Điều đó gây nên sự chia rẽ, manh mún và cuộc sống không thể nào được trọn vẹn.

Những vấn đề trên thật nghiêm túc và thật lớn lao. Nhưng thiết nghĩ rằng chỉ cần lắng nghe trái tim, một khi trái tim được rộng mở, thì toàn bộ cuộc sống trở nên tốt đẹp và hài hòa một cách tự nhiên. Chỉ cần một tình yêu thương chân thật thôi thì cũng đủ cho mỗi cá thể tìm lại được dòng năng lượng tươi mát có khả năng trị bệnh cho mình đồng thời cũng giúp cho mọi người trên thế giới dễ dàng nắm tay và vui sống với nhau.

Giáo lý căn bản của con đường tâm linh nảy sinh từ trong trái tim chúng ta. Khi trái tim trở thành vị đạo sư và mang lại cho chúng ta lòng tự tin, thì cuộc sống trở nên ý nghĩa và mãn nguyện. Tới lúc này thì những thú vui và cảm xúc khác đều không thể nào so sánh được. Đây là lý do đầy cảm hứng cho người viết thực hiện đề tài “Lòng từ bi trong cuộc sống”.

Khi lòng từ bi được đề cập đến là khi chúng ta đã có cái nhìn lại con đường tâm linh và đã có cái nhìn tích cực đến với cuộc đời. Giáo lý từ bi là giáo lý sống động, tích cực và bao trùm trọn vẹn ý nghĩa tinh thần nhập thế. Cho nên nói đến từ bi, nói đến hạnh phúc chân thực thì trước hết mỗi cá thể phải tự mở rộng lòng yêu thương của mình chẳng những đối với đồng loại mà còn cả động, thực vật…

Giới hạn của đề tài này chỉ tìm hiểu và diễn đạt tâm thái từ bi, trình bày một số khía cạnh có liên quan giữa tinh thần từ bi và đời sống hiện đại, dựa trên cơ sở giới luật và giáo lý từ bi trong một số kinh điển thuộc hệ Nikàya và hệ Mahàyàna; ngoài ra còn dựa theo một số cách diễn đạt của các vị hiền nhân mà tình yêu thương của họ đã trở thành lẽ sống thực sự trên cuộc đời này.

Với nhan đề trên, đề tài này nhằm thực hiện nhiệm vụ là cho biết cụ thể tinh thần từ bi như thế nào, sau đó lồng tinh thần từ bi vào cuộc sống hiện đại bằng cách trình bày phương pháp khai mở tâm từ và áp dụng lòng từ bi vào thực tiễn. Cho nên, khi tiến hành thực hiện đề tài người viết đã sử dụng phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp liên ngành. Việc nêu ra các phương pháp trên chỉ là tương đối, bởi một phần chúng tách bạch, một phần chúng được đan xen. Tất cả đều nhằm mục đích giải quyết đề tài.

Đề tài này trước hết trình bày tinh thần từ bi trung thành theo kinh điển, sau đó tìm sự liên quan mật thiết giữa tinh thần từ bi với một số mặt của đời sống nên phạm vi tham khảo là kinh điển và một số sách báo có liên quan đến đề tài.

Đời sống tinh thần lạc quan sẽ giúp cho tâm lý và sinh lý hài hòa. Tình yêu thương giữa con người và con người, giữa con người và môi sinh sẽ tạo nên một tổng thể nhịp nhàng, nên nếu áp dụng thỏa đáng vấn đề đặt ra sẽ rất có ý nghĩa về mặt khoa học.

Người viết cho rằng đề tài từ bi thì không còn là mới mẽ trong kinh luận Phật giáo và trong các trường Phật học, nhưng nó luôn luôn mới mẽ và rất cần thiết cho cuộc sống hiện tại. Bởi lẽ từ bi chính là sự sống chứ không phải là giáo thuyết. Hơn nữa lòng từ bi không chỉ để áp dụng cho Phật tử mà là cho tất cả mọi người trên trái đất; bởi ai ai cũng muốn sự hòa bình, mong được thương yêu và cần cầu hạnh phúc.

Đề tài từ bi được thực hiện sau đây chỉ nằm trong tầm mức hiểu biết giới hạn và trong khả năng nổ lực có thể thực hiện được, cho nên chưa thể nói lên hết được tính phi thường và mầu nhiệm của nó. Bởi nói đến từ bi là nói đến tâm thức vô lượng (2 trong 4 tâm vô lượng: Từ, Bi, Hỷ, Xả); tất nhiên công năng và diệu dụng của nó sẽ là vô bờ bến. Quá trình thực nghiệm từ bi để đạt đến sức mạnh siêu phàm là một hành trình miệt mài đầy nhiệt huyết.

Người viết đã cố gắng hết sức để tìm hiểu và diễn đạt luận văn cho suông sẻ, nhưng với kiến thức hạn hẹp nên chắc chắn có những khiếm khuyết. Kính mong quý giáo thọ sư từ bi mẫn giáo.

Cuối cùng, người viết kính tri ân HT Thích Minh Châu-Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, quý giáo thọ sư, huynh đệ, thân quyến và tất cả mọi loài hữu tình cũng như vô tình trong pháp giới vạn loại này. Kính chúc sức khỏe đến tất cả, ước mong mọi người luôn an trú trong tình yêu thương và có được cuộc sống hòa bình, an lạc.

NỘI DUNG

CHƯƠNG 1 : TỪ BI TRONG GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT

1.1. KHÁI NIỆM TỪ BI

1.1.1. Hiểu từ bi theo Thắng Pháp Tập Yếu Luận [3, 40 ]

Từ (Mettà) có gốc từ ngữ căn mida là làm cho dịu, thương yêu. Chính là sự mong ước, khẩn nguyện cho hết thảy chúng sanh an lành. Mettà không phải là tình thương vật chất, cũng không phải là cảm tình riêng tư. Mettà bao trùm toàn thể chúng sanh không trừ một ai. Cùng tột của Mettà là sự thể nhập bản ngã với tất cả chúng sanh (Sabbatthtà).

Thực ra, tâm từ không có tâm riêng biệt trong các loại tâm . Tâm từ này là một trong những phận sự biết đối tượng của tâm sở vô sân (Adosacetasika). Tâm sở vô sân thuộc loại tâm sở tịnh hảo (sobhanacetasika) đồng sanh với tất cả tịnh hảo tâm. Nếu nó đồng sanh với tịnh hảo tâm không biết đến đối tượng chúng sanh là đáng yêu, đáng mến, đáng kính thì tâm vô sở sân ấy không gọi là tâm từ. Nếu biết đối tượng chúng sanh đáng yêu, đáng mến, đáng kính thì tâm sở vô sân ấy gọi là tâm từ.

Bi (Karunà), từ ngữ căn Kar (làm) + Unà là cái làm cho tâm sở người thiện thêm rung động trước sự đau khổ của chúng sanh; cái làm tiêu tan sự đau khổ của chúng sanh. Đặc tính của karunà là thương xót trước sự đau khổ của người khác, cầu mong diệt trừ sự đau khổ của người khác.

Cả từ và bi đều đi chung với chữ Citta: Tâm, sự hiểu biết.

Đối tượng của tâm “Từ” là chúng sanh đáng yêu, đáng mến, đáng kính (piyamanapasattapannatti); Còn đối tượng của tâm “Bi” là chúng sanh đang bị đau khổ (dukkhitasattapanntti).

Nếu xét theo tâm lí riêng, thì tâm “Từ” và tâm “Bi” không bao giờ đi đôi, không đồng sanh với nhau, bởi vì chúng có đối tượng chúng sanh khác nhau. Cho nên khi nào có tâm “Từ” thì không có tâm “Bi”; ngược lại khi nào có tâm “Bi” thì không có tâm ‘Từ”. Nhưng nếu xét theo tâm lí chung thì “Từ” và “Bi” đều không câu hữu với “Xả” vì chúng lấy chúng sanh làm đối tượng, nên không khởi trong các siêu thế tâm vì siêu thế tâm lấy Niết Bàn làm đối tượng.

1.1.2. Hiểu từ bi theo Thanh Tịnh Đạo Luận [2, 523 ]

Có thể phân tích tóm lược từ bi theo Thanh tịnh Đạo Luận như sau:

Về ý nghĩa: từ có nghĩa là hòa tan, hóa giải những uẩn kết; bi là tiêu hủy những nỗi khổ của người khác.

Về đặc tính: từ đem lại sự an lạc, làm cho ác tâm lắng dịu; bi có đặc tính làm giảm bớt đau khổ và triệt tiêu sự tàn bạo.

Về mục đích: từ diệt tâm sân; bi ngăn tâm ác.

Về chướng ngại: tham là chướng ngại gần của từ, sân là chướng ngại xa của từ; liên hệ với gia đình là chướng ngại gần của bi, tàn bạo là chướng ngại xa của bi.

Về giới hạn: từ là cơ sở cho sự giải thoát nhờ tịnh hướng; bi là điểm tựa căn bản cho không vô biên xứ.

1.1.3. Từ bi theo Kinh Đại Bảo Tích [23, 306]

1.1.3.1 Chúng sanh duyên từ : Từ bi là lòng thương tất cả chúng sanh theo lẽ thường.

1.1.3.2. Pháp duyên từ : Là kết quả của việc chứng ngộ được tính vô ngã pháp, là quả vị của tất cả những vị Thanh văn, Duên giác và Bồ Tát bước vào địa vị thứ nhất của thập địa.

1.1.3.3. Vô duyên từ : Là tấm lòng thương yêu vô phân biệt, vô điều kiện của một vị Phật.

1.1.4. Hiểu theo lối chiết tự chữ Hán [16, 284]

Chữ từ (慈), trên là chữ tư (玆) nói theo văn bạch thoại là chữ như thị ( 如是), nghĩa là như vậy; dưới là chữ tâm (心). Từ là tâm như vậy. Tâm như vậy là khi thấy niềm vui hay nỗi khổ của người khác, đều có sự cảm nhận tương đương như vậy. Khi thấy người khác vui thì cầu mong cho mọi người có niềm vui. Khi người khác khổ thì mong muốn cho họ chấm dứt sự khổ.

Chữ Bi (悲), trên là chữ phi(非), là không phải; dưới là chữ tâm (心). Bi là chữ phi tâm (非心). Phi tâm là không ngừng cải cách, chuyển hóa cái tâm phân biệt, ích kỉ của ta. Khiến cái tâm đó tiếp cận với “cái tâm như vậy”, tâm có khả năng cảm nhận niềm vui sướng cũng như nỗi khổ đau của người khác. Khi ấy chúng ta mới có được lòng từ bi đích thực. Nếu như không biến đổi được, hoặc không tìm ra được “cái tâm như vậy” thì lòng từ bi của chúng ta sẽ không được chân thật. “Cái tâm như vậy” chính là chân tâm, là Phật tánh, là bản thể thanh tịnh của chúng sanh.

1.1.5. Hiểu từ bi theo nhân gian

Trong nhân gian chữ từ bi được hiểu là lòng thiện, lòng thương người, thương vật, không có tính vị kỷ và nhất là hay giúp đỡ người khác lúc khó khăn. Khi những hoàn cảnh cùng khổ xảy ra thì người ta mong ước có vị Bụt với tấm lòng từ bi hiện ra. Cửa chùa được người đời gọi là “cửa từ bi”, bóng dáng của một vị sư được gọi là “bóng từ bi”, lòng hiền từ hay giúp đỡ người khác gọi là lòng từ bi, thậm chí đôi mắt từ bi, đôi môi từ bi. Nói chung những gì có tính năng giúp đỡ hoặc đem niềm vui đến cho người khác đều được gọi là từ bi. Như vậy chữ từ bi là thuần của Phật giáo và được ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp vào tâm trí nhân gian. Nó là niềm tin, là một điều gì đó hiền lành, thân thiện.

Như vậy “Từ”ụ, “Bi” vừa là một loại tâm vừa là một loại nhận thức để hành động, vừa là một biểu tượng đẹp đẽ. Cho nên nó vừa là pháp tu tập cho bản thân để thăng hoa tâm linh vừa là pháp hành động để lợi ích cho tha nhân, và cũng vừa là lẽ sống cao đẹp, hạnh phúc cho mọi người. 

Nhận thấy sự hổ tương mật thiết có tính lợi tha của “Từ” và “Bi” nên Phật giáo Đại thừa đã nêu cao giá trị của chúng thành tinh thần “từ bi” chung trong công cuộc cứu nhân độ thế. Cho nên từ bi thường được hiểu trong tinh thần: “Từ năng dữ lạc, bi viết độ sanh; từ bi nhị tự diệt thiên khiên”; hay “từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc, bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ”. Nghĩa là đặc tính của từ bi thì rất dịu mát, hiền từ, hay mang sự an ổn đến cho chúng sanh. Bởi vì nó có tính tích cực trong việc chia sẻ khổ đau với chúng sanh; mong tất cả được sống an lành và hạnh phúc.

Từ bi là cho không nhận, không bị cưỡng bách phải cho, không vì tự ngã, danh tiếng mà cho… Trong Phật giáo, tâm từ bi được đánh giá là tâm lí tối thượng, hành động từ bi là hành động thiện tích cực nhất trong mọi hành động. Bản chất từ bi là vẽ đẹp, là niềm hạnh phúc cao thượng nhất. Từ bi là suối nguồn tươi mát, là nền tảng căn bản cho con đường tâm linh.

1.2 . TINH THẦN TỪ BI TRONG KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO

Lòng vị tha, yêu sự sống là tinh thần cao đẹp nhất mà hầu hết các tôn giáo thường đề cập trong giáo điển của mình. Tinh thần vị tha theo đạo Phật không dừng lại ở mức độ yêu thương con người mà mở rộng đến tất cả muôn loài. Đạo Phật thường được gọi là “Đạo từ bi”, bởi lẽ giáo lý và hành động thiết thực của nó mang đến sự an vui, an ổn cho hết thảy chúng sinh. Đạo Phật lấy cuộc đời làm tâm điểm để tu tập và thăng hoa tâm linh. Giáo lý Từ bi bắt mạch từ chính cuộc sống, nó được khai triển trong nhiều khía cạnh khác nhau để cho con người có cái nhìn toàn bộ hơn và thương mến cuộc sống này hơn.

1.2.1. Tình yêu thương và sự hiểu biết

Từ bi trước tiên phải có tầm nhìn và hiểu biết rộng đến tất cả chúng sanh. Trong bài “Kinh Từ Bi”[4, 29-506], giáo lý đạo Phật đã cho chúng ta cái nhìn rộng lớn về nhiều dạng thức chúng sanh ở nhiều thế hệ khác nhau; để từ đó chúng ta mới có cơ sở mà trải rộng lòng yêu thương đến vô cùng vô tận:

“Mong tất cả những ai

Hữu tình có mạng sống

Kẻ yếu hay kẻ mạnh

Không bỏ sót một ai

Kẻ dài hay kẻ lớn

Trung, thấp loài lớn, nhỏ

Loài được thấy, không thấy

Loài sống xa, không xa

Các loài hiện đang sống

Các loài sẽ được sanh

Sống hạnh phúc an lạc.”

“Đoạn kinh trên là lời nguyện ước đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn và ác tâm mà mong cho ai đau khổ và khốn đốn.

Giáo lý đạo Phật thì rất nhiều, nhưng tựu trung chỉ nằm trong ba điểm chính: Bi, Trí, Dũng. Trí là sự hiểu biết rộng lớn. Nhờ sự hiểu biết rộng lớn đó mà lòng thương yêu được sáng suốt và không bị dục trói buộc. Dũng cũng là một đức tính tích cực. Lòng Dũng của đạo Phật một mặt là chiến thắng dục vọng của tự thân, một mặt là xả bỏ cả bản thân mình mà cứu độ chúng sanh. Một cách nhìn khác, chúng ta thấy giáo lý đạo Phật rất logich trong tinh thần Vô ngã - Vị tha. Nhờ vô ngã mà hoa từ bi nở ra và dâng hương sắc cho đời.

1.2.2. Tình thân thuộc đại đồng

Đức Phật thường khuyên các đệ tử tránh nghiệp binh đao, sát hại, ngược lại nên khai mở và nuôi dưỡng lòng từ. Vì sao thế ? “Bởi vì tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay thường là lục thân quyến thuộc với nhau, xả báo thân rồi theo các thân cầm thú. Bồ Tát thấy chúng sanh đều là thân thuộc, cho đến khởi từ niệm, tưởng họ như con mình. Tất cả thịt chúng sanh đều là tinh huyết ô uế tạo thành, người cầu thanh tịnh làm sao nở ăn thịt. Người tu hành từ bi tâm, trì chú thuật, cầu giải thoát, thú hướng đại thừa, nếu ăn thịt thì tất cả người, trời cho đến các chúng sanh cũng tránh xa người ấy” [12]. Không ăn thịt là một lẽ, ngược lại còn yêu thương vô hạn đối với chúng sanh.

Được gọi là từ bi, khi nào lòng yêu thương không có sự chiếm hữu hay vụ lợi. Tuy nhiên lòng yêu thương đó phải chân thành và nồng ấm:

Như tấm lòng người mẹ

Đối với con của mình

Trọn đời luôn che chở

Con độc nhất mình sanh

Cũng vậy đối tất cả

Các hữu tình chúng sanh

Hãy tu tập tâm ý

Không hạn lượng rộng lớn

Hãy tu tập từ tâm

Trong tất cả thế giới…

[4, 29]

Ơũ đoạn kinh từ bi này, chúng ta thấy lòng từ bi phải được thể hiện như tấm lòng người mẹ đem thân mạng ra che chở, bảo bọc cho đứa con duy nhất của mình. Cũng vậy, khi thực hành bồ tát đạo, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà thương xót tất cả mọi loài.

Động lực chủ yếu nhất dẫn đến việc sát sanh chính là miếng ăn: thứ nhất do bản năng, thứ hai là do quan niệm “vật dưỡng nhơn”. Kinh Thủy Sám [10] nói “chỉ vì ba tấc lưỡi mà gây không biết bao tội lỗi”. Bởi vì chỉ có ba tấc lưỡi mà chúng sanh ăn thịt lẫn nhau, chiến tranh và thù hận lẫn nhau. Từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta ăn thịt chúng sanh có thể xương chất thành núi. Do vậy, giới thứ ba trong kinh Phạm Võng [24] cấm hành vi ăn thịt như sau: “Là Phật tử, tất cả thịt của mọi loài chúng sanh đều không được ăn, luận về người ăn thịt mất lòng từ bi, dứt giống Phật tánh, tất cả chúng sanh thấy đều tránh xa, người ăn thịt mắc vô lượng tội lỗi. Vì thế Phật tử không được ăn thịt chúng sanh, nếu cố ăn, Phật tử này phạm tội khinh cấu.”

Trong kinh Lăng Nghiêm cho chúng ta thấy cụ thể nghiệp nhân sát sanh như “thợ săn, đồ tể giăng lưới bắt chim cá”, thì “những người ác này” sẽ nhận lấy một nghiệp quả là: “Loài chó thấy cũng kinh sợ, sủa cắn, các loài cầm thú thấy đều chạy trốn. Người này dứt hơi thở cũng như quỷ la-sát, đến đây ắt để giết ta. Vì để giữ gìn thân mạng, tất cả chúng đều chạy trốn”. Nhưng nghiệp quả đáng sợ nhất mà trong kinh Lăng Nghiêm [12, 364], Đức Phật dạy ngài A-Nan là: “Người ăn thịt, giả sử khai mở tâm như tam ma địa, đều là quỷ la-sát rốt ráo quả báo quyết chắc phải sa vào biển sanh tử, làm sao có thể ra khỏi ba cỏi được?”

1.2.3. Giới luật bảo vệ lòng từ bi

Giới luật đầu tiên mà Phật chế ra là cấm sát sanh. Kinh Phạm Võng cho rằng giữ giới để phát triển lòng từ bi là điều kiện tiên quyết cho những ai muốn đi theo con đường Bồ Tát. Giới đầu tiên của kinh Phạm Võng cấm giết hại chúng sinh dù bất cứ hình thức nào. “Nếu Phật tử, hoặc tự giết, hoặc bảo người giết, phương tiện giết, khen ngợi giết, thấy giết vui theo, nhẫn đến dùng bùa chú để giết, nhân giết, duyên giết, cách thức giết, nghiệp giết, cho đến tất cả loài hữu tình đều không được giết, là Phật tử, lẽ ra phải khởi lòng từ bi, lòng hiếu thuận, lập thệ cứu giúp tất cả chúng sanh, mà trái lại phóng tâm giết hại chúng sanh. Bồ Tát này phạm tội ba-la-di”. 

Chủ trương của Phật là bất hại đối với động vật cũng như thực vật. Bất hại ở đây không có nghĩa là không đụng chạm đến, mà có nghĩa là không tàn hại và phá huỷ. Trong kinh Thừa Tự thuộc Trung Bộ kinh I [5], đức Phật dạy đệ tử không nên đổ đồ ăn dư thừa trên cỏ xanh và trong nước có côn trùng. Ngài dạy đệ tử xuất gia phải dùng vải lọc nước để tránh giết hại các sinh vật. Đức Phật cũng dạy các tỳ kheo không nên đi ra ngoài lúc mùa mưa, vì tránh giẫm đạp trên cây cỏ và côn trùng nẩy nở. Ở đây chúng ta thấy tinh thần từ bi được ý thức hết sức cao độ. Tất nhiên một con người sống thì không thể là bất động. Sự giữ giới và ý thức như đã nói ở trên là không tàn hại chứ không phải là không đụng chạm. Chỉ có điều mọi sinh hoạt của một tỳ kheo đối với cuộc sống nên nhẹ nhàng, tiết chế và không gây tổn hại cho ai:

“Như ong lấy mật hoa,

không tổn hại hương sắc,

Cũng vậy, vị sa - môn

ra vào làng vô hại.”

[9, pc 9]

Thấy rỏ một số nguyên nhân có thể dẫn đến sự tổn hại lớn về lòng từ bi, nên giới 32 của kinh Phạm Võng chế rằng: “Là Phật tử, không được chứa hay buôn bán dao, gậy, cung tên, những khí cụ sát sanh; không được dùng cân non, giạ thiếu để đong; không được nương thế lực quan quyền mà lấy tài vật của người; không được ác tâm trói buộc người, phá hoại việc thành công của người; không được nuôi mèo, heo, chồn, chó… Nếu cố làm các điều trên, Phật tử này phạm tội khinh cấu. Những hành vi trên thường xuất phát từ lòng tham, ác dễ ngăn ngại tâm linh.

1.2.4 . Tình thương yêu xóa bỏ hận thù

Quán chiếu sâu xa về ân oán tình thù trong thế gian, giới 21 trong kinh Phạm Võng dạy rõ: “Không được đem giận trả giận, đem đánh trả đánh, dù anh em trong lục thân hoặc quốc chủ bị người khác giết cũng chẳng được báo thù, vì giết sanh mạng để báo thù sanh mạng đó là việc không thuận với hiếu đạo…”. Và vì “trong thế gian này không thể lấy oán mà trừ được oán, chỉ lấy nhẫn mới trừ được oán”. Thậm chí đức Phật còn dạy: “Với người dữ, ta nên ở lành; với người câu nệ, ta không nên câu nệ; với người gian tham, ta chớ nên gian tham. Lấy từ bi đáp lại nộ khí; lấy thành thực đáp lại điêu ngoa”. Điều đó không phải chỉ là vấn đề ngôn ngữ, mà thực sự phải thể hiện được khi đối diện với hoàn cảnh thực tế. Giả sử, người khác lăng mạ, đánh đập, phá hoại và cướp bóc mình thì mình cũng không ôm tâm niệm oán hận vào lòng; ngược lại xả bỏ tâm niệm ấy thì sự giận tự nhiên tan biến.

Một tâm lý khác liên quan và tổn hại lớn đến lòng từ bi nữa là tự phát động chiến tranh. Mạnh Tử [ 17, 138] có nói về việc vô cớ gây chiến tranh là tổn hại rất lớn về người và của. Hình thức này mang đến sức huỷ hoại và đau khổ cho con người rất lớn. Nhưng kết quả của nó thì sao?. Kinh Tương Ưng [7, 102] nói rằng:

“Thắng trận sanh thù oán

bại trận sanh khổ đau.

Ai bỏ thắng bỏ bại

tịnh tịch hưởng an lạc”

1.2.5. Sám hối và phát từ bi tâm

Nếu đã tạo nghiệp sát sanh rồi thì vẫn có những phương pháp hóa giải để khỏi đánh mất lòng từ bi. Theo kinh Thuỷ Sám và Lương Hoàng Sám [14], sám hối là phương pháp khả dĩ nhất để chấm dứt những ác nghiệp đã gây, đang gây và sẽ gây. Sám hối giữ được thiện tâm trong lòng và có thể phát khởi được từ bi tâm. Tất cả chúng sanh đều tham sống, sợ chết; bất cứ ai cũng đau đớn khi bị người khác hành quyết, thế mà từ vô lượng kiếp đến nay ta mê muội hoặc là làm ngơ, giả điếc trước đau đớn của chúng sanh để rồi dùng sức mạnh của mình tha hồ bắt bớ, mổ xẻ và ăn thịt. Khi biết được sự giả man của mình, khi thấy được tính vô cảm và cái ngã tội lỗi của mình là khi chúng ta biết bắt đầu ăn năn và sám hối.

Aên năn và sám hối khác hẳn với mặc cảm vì lỗi lầm trong đời sống của chúng ta. Chúng ta không cần phải thế nọ, thế kia… chỉ cần chúng ta phát khởi niềm tin yêu, trải tình thương đến với tất cả mọi người. Chúng ta sẽ vui vẻ và được thanh thảnh hơn.

Khi nhận biết được cái ngã nhỏ bé nhưng đầy tội lỗi này là chúng ta đã có được một chút gì đó hướng nội, và đó là cơ sở cho sự phát triển tâm linh của mình. Từ khi dừng nghiệp sát cho đến phát khởi tình thương, chúng ta có thể phát khởi lòng từ bi rộng lớn.

Cái hoạt dụng đáng quý nhất của đạo Phật chính là tinh thần từ bi. Tinh thần này là suối nguồn mát mẻ tưới tẩm cho bao địa hạt khô cằn khác. Mặt khác từ bi chính là nguyên nhân khiến cho tinh thần Bồ tát đạo và giáo lý đại thừa phát triển. Nhiều vị Bồ tát nguyện sanh đi sanh lại mãi trong cõi đời phù hư gió bụi này mục đích là cứu độ chúng sanh thoát khỏi đau khổ trầm luân.

Phát khởi từ bi tâm rộng lớn điển hình trong kinh điển đó là tinh thần cứu khổ cứu nạn của Bồ Tát Quán Thế Âm trong kinh Pháp Hoa[26]. Bồ Tát có thể xử dụng bất cứ phương tiện gì, có thể làm bất cứ việc gì, miễn là đem lại sự không sợ cho chúng sanh, đem lại sự an ổn và hạnh phúc cho chúng sanh. Đọc kinh Địa Tạng [24], chúng ta thấy hạnh nguyện của Ngài Địa Tạng quá lớn. Ngài thệ nguyện không làm Phật nếu còn một chúng sanh nào ở trong địa ngục. Tinh thần thần này có thể là lý tưởng hoá về Bồ Tát đạo, cũng có thể là đỉnh cao của giáo lý vô ngã.

Lòng từ bi đối với người học Phật là tối cần thiết. Kinh Đại Bảo Tích [23 ,307] nói rằng: “Ví như người không chân mà muốn đi đến Bắc Uất Đơn Việt, ví như người mù mà đọc sách, người không tay mà muốn cầm nắm, xa lìa từ tâm mà muốn Bồ đề cũng như vậy.”

Lướt qua một số kinh điển, chúng ta thấy tinh thần từ bi được đề cập đến rất nhiều. Giáo lý từ bi tương thông một cách hài hoà với các giáo lý khác trong cùng mục đích giải thoát khổ đau cho chúng sanh. Tinh thần từ bi rộng lớn, thực chất nó có sự soi sáng của trí tuệ rộng lớn. Qua giáo lý vô ngã, chúng ta thấy rõ mối liên hệ giữa các chúng sanh với nhau; thấy rõ ác quả khi tạo nghiệp sát sanh. Không dừng lại ở đóù, kinh luật còn chế ra cấm giới để ngăn chặn hành vi tạo nghiệp, chỉ ra cách khai mở tâm từ, và phát hoạ ra những biểu tượng từ bi rộng lớn. Giáo lý từ bi chính là nền giáo dục về tâm lý, đạo đức, nhân văn và môi sinh một cách sâu sắc.

CHƯƠNG 2 : KHAI MỞ TÂM TỪ BI

2.1. Nghĩ về nỗi cô đơn

Trong đời sống nội tâm, có một niềm đơn độc sâu sắc chúng ta cần phải hiểu để ngôn từ không lầm lẫn trong việc tìm kiếm sự thật: Chúng ta lao và những cuộc vui giải trí chưa hẳn là giải tỏa được cô đơn. Ngược lại, có thể mọi cây cầu nối với thế giới bên ngoài đều gãy, nhưng trong sâu thẳm nội tâm sẽ bộc phát ra niềm phúc lạc vô biên. Đây là sự đơn độc, là con đường duy nhất để hiểu và sống sâu sắc. Dẫu là bạn thân yêu dấu của ta cũng không thể chia sẻ và đến được cái thế giới tĩnh lặng đó. Sự yên lặng trong niềm cô đơn tuyệt thể của người đi tìm phúc lạc chân thật sẽ khác xa với sự cô đơn cạn cợt của thường nhân. Cái đơn độc sâu sắc đến nỗi chỉ có người can đảm lắm mới dám đối diện nó. Nhưng từ trong cõi đơn độc này, tình yêu sẽ phát ra cuộc sống với âm điệu vi diệu nhất.

Hằng ngày, tuy sống và tiếp xúc với mọi người chung quanh, nhưng chúng ta vẫn không thể nào thân thiện, cởi mở và tin tưởng nhau. Ta không hiểu người, người không hiểu ta. Cho nên chúng ta thường cảm thấy cô đơn, lạc lõng mặc dầu đang sống giữa phố thị đông người. Trịnh Công Sơn [20, 68] khi cảm nhận được trọn vẹn nỗi cô đơn của kiếp người nên đã thiết tha rằng: “ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…, mỗi khi chiều tới cần có một tiếng cười…, hãy nghiên đời xuống nhìn suốt một mối tình…, hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người, còn cuộc đời ta cứ vui…”

Nếu không có tình yêu thương chân thật thì cõi lòng rất trống vắng và cô đơn. Chúng ta thường tìm đến sách báo, phim ảnh, vũ trường, dạ hội, bạn bè hoặc đoàn thể gì đó để khỏa lấp bớt sự cô đơn trong thoáng chốc. “Chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc và tiện nghi trên bề mặt cuộc sống nhưng không thực sự hài lòng. Và cả việc cười, nói, làm việc như không có gì lo âu thế nhưng trong sâu thẳm trong lòng vẫn cảm thấy bất an và đau khổ. Chúng ta cố gắng nắm bắt cho mình một địa vị và hình ảnh riêng rồi ra sức bảo vệ nó. Chúng ta xây dựng một vỏ ốc, một thế giới hoàn toàn riêng tư, không để cho một kẻ nào khác xâm phạm được. Trong cái thế giới riêng tư đó, chúng ta thực nghiệm mọi niềm vui cũng như nỗi buồn, mọi thành công cũng như thất bại, hy vọng hay thất vọng của chúng ta. Ở đó chúng ta có thể thực hiện mọi sai lầm theo ý muốn, mà không sợ một ai hay biết. Ở đó chúng ta giấu kín những hận thù riêng tư và những tư tưởng hẹp hòi, thiếu bao dung… mà quên rằng, tất cả những cái đó giống như là thuốc độc, chúng ta chỉ đem lại nhiều thất vọng và tiêu cực hơn nữa.”[31]

Như vậy, một mặt cảm thấy mình cần quan hệ với người khác để có tình bạn và niềm vui. Nhưng mặt khác lại xây dựng cả một bức tường bảo vệ để khỏi dấn thân vào xung đột. Do đó, ít khi cởi mở thực sự lòng mình cho người khác, ít tiếp nhận, tin tưởng, xẻ chia và tìm được niềm vui thực sự từ người khác. Thấy được điều này, chỉ cần chúng ta dám đối diện với niềm cô đơn tuyệt đối thì sự hiểu biết và cảm nhận sâu sắc sẽ được phát khởi. Đó chính là đóa hoa được nở ra từ hố thẳm tĩnh lặng, và bài ca yêu thương sẽ được cất lên từ miền tuyệt thể tâm hồn. Thế thì mọi nỗi cô đơn hờ hợt tan biến và niềm vui sâu sắc sẽ tới.

2.2. Nhìn thấy sự mong manh

Những thành đô, hoa lệ, những phú quý, vinh quang rồi cũng tan biến như giọt sương mai trên đầu ngọn cỏ, như tia chớp ban chiều. Trái đất một ngày nào đó cũng tan thành trăm ngàn mảnh và cát bụi của nó sẽ bay tung tóe khắp nơi vào cát hành tinh khác. Tử thần vẫn lãng vãng ngày đêm trên trái đất, ấy thế mà người ta tưởng rằng mình sẽ sống đời đời, để rồi mãi hơn thua, tranh đấu và thù hận, và cứ thế phiền lụy mãi không thôi. Sự vô thường của cuộc đời nào ai biết được: chỉ một trận động đất hay một cơn sóng thần là có thể giết chết hàng mấy trăm triệu người trong tức khắc. Cuộc đời thực ngắn ngủi, thế mà phần lớn con người quá tham lam, sân hận, tàn ác và mãi hơn thua, tranh đấu chí tử để rồi tự làm khổ mình và gây cho người khác đau khổ trọn cả kiếp người. Cuộc sống là cái toàn thể thế mà chúng ta lại đóng kín cửa và tạo một bức tường chắc chắn để chia cách và phòng thủ. Chỉ khi nào nhìn thấy được sự tổng thể của cuộc sống thì trái tim và trí óc mới mở ra. Chỉ khi nào ý thức được tính mong manh, sự bất an của đời sống thì ánh sáng tâm linh mới được thắp lên. Lúc ấy, mọi hoàn cảnh thuận nghịch, mọi biến dị của vật chất, của ý thức không làm lay động được chúng ta; tức trái tim và tâm thức chúng ta đã có một niềm vui và thực sự vượt thoát những gì thuộc ngoại tại và có tính vô thường, mong manh kia.

2.3. Ý thức về nỗi khổ

Kiếp người bị rất nhiều nỗi khổ bởi do chính bản thân và hoàn cảnh mang lại. Trong vô vàn nỗi khổ thì nỗi khổ vì tự ngã gây ra là bao trùm và gốc rể nhất. Tự chấp nê bản ngã để rồi từ đó tạo rất nhiều sai lầm, gây rất nhiều phiền muộn cho mình và cho người. Đây là sự thật mà ít ai nhận thấy.

Khi nhìn lại và cười nhạo vào những trò hề do chúng ta tạo ra, khi nhìn rõ sự thật về tính ảo tưởng của cái ta thì lập tức không còn lý do gì để tự tạo ra những nỗi khổ nữa. Có chăng, một chút ý nghĩa còn lại trên cuộc đời này là chúng ta hãy làm một điều gì đó cho mọi người đều vui vẻ. Thế thì tự dưng trái tim chúng ta mở rộng, và chúng ta muốn góp nhặt những điều gì đó để cống hiến chung vào cuộc đời mà không hề ỷ mỵ, sầu cảm hay tính toán.

Khi chúng ta cười được với tất cả mọi hoàn cảnh bi đát nhất của cuộc sống tức là chúng ta đã mở được nguồn vui nội tâm, mở được cánh cửa chân lý của cuộc sống. Khi chúng ta có niềm tin yêu trác tuyệt vào cuộc sống, có niềm tôn kính với tất cả vạn loại tức là chúng ta đã vượt ra khỏi vòng sầu khổ của chính mình.

Khi ý thức được nỗi khổ thì hãy làm một điều gì đó để giúp mọi người vơi khổ. Khi nhận biết về nỗi khổ của cuộc đời tăng lên thì lòng từ bi cũng được nhân lên. Nhận ra sự đau khổ của mọi người là đức tính căn bản của từ bi. Khi trái tim biết lắng nghe và cảm nhận mọi nỗi đau đớn của chúng sanh là khi chúng ta đã có sự rung động và ước mong cho chúng sanh đó thoát khổ. Lúc đầu chia sẻ khổ đau, có thể chúng ta cảm thấy nặng nề, khó chịu ở một mức độ nào đó. Nhưng dần dần cảm xúc này sẽ thay đổi, bởi vì cảm xúc này ẩn tàng bên dưới là lòng quyết tâm, là sự tình nguyện của một người chia xẻ khổ đau của người khác để giúp mình trau dồi lòng từ bi. Cho nên cảm xúc là cảm xúc của người chia xẻ khổ đau, một sự sẵn lòng trợ giúp người khác, tâm trí chúng ta lúc này rất tỉnh táo, sáng suốt chứ không hề bấn loạn.

2.4. Ý thức về sự sân hận

Có những điều đã được dự định nhưng không cho ra như mong muốn thế là chúng ta cáu kỉnh, khó chịu, bực tức, đôi khi còn giận dữ, điên tiếc. Khi ai đó xúc phạm hoặc không làm vừa ý thế là chúng ta sân hận, thù hằn. Sự sân hận thay đổi theo cường độ. Nó được biểu lộ qua cung cách, thái độ, lời nói, nét mặt. Tính ích kỷ, hẹp hòi, bảo thủ, tham lam và ngã mạn là những nguyên nhân cho sân hận và tội ác lộng hành.

Cuộc sống hằng ngày đã vì sân hận mà xảy ra bao chuyện đáng tiếc. Từ những vấn đề rất nhỏ tưởng chừng không có gì quan trọng, ấy thế mà vì chút tự ngã để rồi sân hận và gây đổ vỡ, mất lòng, cho đến thù địch và giết chết nhau. Những đảng phái hay tôn giáo lớn nếu không có lòng bao dung, nhẫn nhục và tôn trọng sự sống; ngược lại bảo thủ, tham vọng càng lớn thì hố ngăn cách ngày càng sâu và nguy cơ chiến tranh hay khủng bố càng cao. Hai trận thế chiến trong lịch sử, những cuộc thánh chiến, những tòa án dị giáo của đạo Thiên Chúa, những sự kiện khủng bố của Hồi giáo cực đoan là nỗi kinh hoàng cho toàn nhân loại. Cho đến hiện nay - cái thời mà nhân loại gọi là văn minh, chúng ta vẫn thấy tâm trí con người dẫy đầy tham, sân. Các nước Trung Đông vẫn còn ngập tràn trong chiến tranh và thù hận. Theo Phật giáo thì nguyên nhân và kết quả đó là do lòng ác độc và sân hận đã tạo ra một vòng tròn ân oán chất chồng. Cụ thể là do nhiều nghiệp riêng về sân hận mà tạo ra một đất nước có nghiệp chung về chiến tranh và đau khổ triền miên.

Sự sân hận tiến đến chiến tranh và khủng bố như trên thế giới từ trước đến nay, phần lớn là do sự giáo dục, sự kích động về lòng đắc thắng, về tính tự ngã quá độ của con người. Con người phải gánh chịu hoàn toàn những khổ đau do tri giác sai lầm tạo ra.

Sân hận là trạng thái bất ổn của tâm. Đối với phật giáo không bao giờ chấp nhận cái gọi là sân hận chính đáng. Theo dõi lịch sử Phật giáo từ 25 thế kỷ qua, trên con đường truyền đạo chưa khi nào Phật giáo gây ra sự đổ máu đáng tiếc nào.

Sân hận được xem là thuốc độc có hại cho tâm. Khi ý thức được sự sân hận bắt nguồn từ tâm thì phải từ tâm mà chuyển hóa. Phải ý thức sự sân hận là tội ác, là khổ đau thì phải triệt tiêu và ngăn cấm nó hoạt động trong lòng chúng ta. Bởi vì nó là một cảm xúc mang mầm mống hủy hoại và tạo ra bao nỗi khổ cho thân và tâm, cho mình và cho người khác. Khi biết được sự sân hận là điều không tốt, chỉ mang đến cho chúng ta sự thất bại và khổ đau, thế thì hãy xua tan nó bằng cách trải rộng tình thương. Tu tập trau dồi tình thương để chế ngự sân hận. Chuẩn bị năng lượng yêu thương để đối diện cuộc sống là điều tốt nhất.

2.5. Ý thức về tình cảm 

Mạnh Tử [17,116] nói: “Ai cũng có lòng thương người, nếu ai không có lòng trắc ẩn, lòng thẹn, lòng từ thì không phải con người.” Cho nên tình cảm là yếu tố quan trọng cần được phát huy trong cuộc sống. Nhưng khi ý thức được lòng từ bi không phải là cái gì đó ngây ngô, ỷ mỵ hoặc đa cảm, ngược lại khi ý thức rằng lòng từ bi là cái gì đó thật quý giá và có giá trị rất sâu sắc thì chúng ta sẽ lập tức hứng thú, say mê và sẵn sàng tu dưỡng, áp dụng nó. Khi phát triển lòng từ bi thì chúng ta bắt đầu phụng hiến trái tim của mình, thậm chí không cần biết người ta có chấp nhận thái độ, hành vi của chúng ta hay không. Đơn thuần chúng ta làm vì để giảm bớt lòng chấp ngã. Khi bớt chấp ngã, một cảm giác thật thanh mát và trọn vẹn hiện ra - cảm giác này mở rộng cho đời chúng ta thêm ý nghĩa.

Trình độ, văn hóa, sự thông minh, lịch lãm cũng chẳng thiết thực gì mấy cho hạnh phúc. Những phú quý, những hoa lệ, những tri thức, những cải cách cuối cùng cũng chỉ là một giấc mơ đêm. Bởi chúng thuộc ngoại tại, mà những gì thuộc ngoại tại thì không phải là của ta. Nếu cái gì thuộc riêng của ta thì nó sẽ còn đó vào buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, lúc tuổi thanh xuân, khi tuổi về già, trong khi đau ốm hay khỏe mạnh, trong cuộc sống lẫn trong cái chết nữa. Còn những gì thuộc ngoại tại thì dẫu có cố nắm bắt nó vẫn sẽ tuột khỏi tầm tay. Cho nên, tất cả mọi kinh nghiệm đều mang một bản chất khía cạnh, vô thường. Chỉ có tình thương chân thật xuất phát từ sâu thẳm nội tâm mới đem lại hạnh phúc trọn vẹn và bền lâu. Khác với những cảm giác hạnh phúc thông thường chúng ta thực nghiệm, niềm vui mà lòng từ bi mang lại không phải là lãng mạn, cũng không phải là tình tự (sentimental). Nó không phân biệt người cho và người nhận.

Muốn được lợi ích, hằng ngày chúng ta nên nghĩ tới sự cô đơn, khổ đau, mê muội mà chúng ta đều thực nghiệm. Điều này giúp chúng ta hiểu nỗi khổ đau hiện hữu như thế nào từ lúc ta mới sinh cho đến bây giờ. Một khi nghĩ đến điều này chúng ta cảm thấy thư giản và cởi mở hơn. Các vấn đề dường như bớt nghiêm trọng hơn và chúng ta vui hưởng cuộc sống này hơn. Đôi lúc chúng ta còn cười nhạo bản thân và đánh giá cuộc sống theo đúng giá trị của nó.

2.6. Lòng bao dung

Khi ai đó có những vấn đề khó xử hoặc không tốt, thay vì bực bội, trách lỗi chúng ta nên thông cảm cho người. Chúng ta biết lắng nghe, biết cho người khác thời gian để giải bày và sửa đổi. Như vậy, dù mâu thuẩn hay bất đồng tất cả đều có cơ hội trở lại êm thắm. Chính nhờ tấm lòng cảm thông này, khi tiếp xúc, chúng ta không còn e dè sợ sệt mà rất tự tin. Chúng ta cũng luôn tạo được một không khí cởi mở và thoải mái.

Trên đời có rất nhiều quan điểm, ý kiến, tư tưởng khác nhau cho nên đừng cho cái nào là sai cả. Bởi lẽ những người cùng chung đi trên con đường hướng về chân lý thì sai hoặc đúng chẳng qua là khác nhau về trình tự quan điểm. Những gì bây giờ chúng ta cho là đúng trong khi ngày hôm qua chúng ta lại kịch liệt phản đối nó; những gì ngày hôm nay bị bác bỏ thì chúng ta sẽ tôn thờ nó vào ngày mai. Mỗi người đều có một ảo tưởng riêng về thế giới của mình. Đừng làm tổn thương ai, đừng phủ nhận vị trí của ai cả. Mọi triết thuyết, đảng phái, tôn giáo nếu không biết lắng nghe, không có lòng bao dung, không thực hành vì lợi tha thì chẳng ai biết nó có cái gì trong đó cả. Nếu ai cũng tự cho mình là chân lý thì chiến tranh và chia cách sẽ xảy ra. Do vậy lòng bao dung và lòng vị tha luôn là điểm chung đầy ưu việt cho tất cả. Nó là tôn giáo chung, là tiếng nói chung cho toàn thể nhân loại.

2.7. Tấm lòng từ thiện

Làm việc thiện là hành động cao cả nhất. Đây là việc làm thực tế nhất để thể hiện lòng từ bi. Thếâ nhưng việc giúp đỡ người khác là một đặc ân cho chính ta chứ không phải người khác. Bởi lẽ nhờ người nghèo khó mà chúng ta có cơ hội thực hành năng lực nhân đức và nhờ sự giúp đỡ đó mà chúng ta trở nên thanh khiết và trọn vẹn. Hãy ân cần và thực sự cảm ơn đối với người nghèo khổ. Không có kẻ ăn mày nào nợ chúng ta đồng nào cả, trái lại chúng ta thiếu y mọi sự, bởi vì y đã cho phép chúng ta hành từ thiện. Mọi hành vi từ thiện đều có khuynh hướng làm cho chúng ta thanh khiết và toàn vẹn. Nếu hoàn toàn vị tha thì chúng ta sẽ không cần đọc bất cứ điều gì trong sách nữa, khỏi phải đi vào giáo đường hoặc nhà thờ, miếu mạo nào nữa.

Điều mà chúng ta làm không phải giúp đỡ trên cương vị ban phát ân huệ đối với kẻ dưới mà là sự chia sẻ tâm thức, sự tôn trọng của mình đối với kẻ khác. Bởi làm bất cứ việc gì để giúp đời mà không thấy mình cao cả, thì tự nhiên mình được cao cả. Ngược lại, nếu tự cho mình cao cả trong trong những hành động thiện thì chúng ta đã tự trả giá và đánh mất bản chất tuyệt vời của từ bi. Kinh Thánh [29,176] nói rằng: “Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự. Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ”.

2.8. Những bậc thang

Phật giáo thường nói “ái bất nhiễm bất sanh ta bà”. Điều này cho thấy thực tế rằng con người đã bị dục nhiễm chi phối từ khi sinh ra và lớn lên trong thế giới này. Thế nhưng, tình yêu là một vẻ đẹp không thể thiếu vắng nó trong cuộc sống. Thậm chí nó chính là dưỡng chất quan trọng nhất để cho cuộc sống cao thượng tồn tại. Điều này chúng ta cần hiểu rõ trạng thái tâm theo 3 cung bậc: dục, tình yêu và từ bi.

Dục là khởi đầu do sự tham ái. Nó chính là tâm lí mong đợi, thèm muốn, không thỏa mãn và tất nhiên là rất bất an. Dục chỉ hoàn toàn muốn nhận trăm phần trăm chứ không cho đi. Mà đối tượng khách quan để ta nhận lại là điều bất như ý. Đây chính là nguyên nhân của mọi sự khổ đằng sau nó. Cho nên nói dục là hạ đẳng nhất.

Tình yêu thì tiến lên việc cho và việc nhận bằng nhau - năm mươi năm mươi. Tình yêu hướng dục và dục hướng tình yêu. Tình yêu hướng dục như con chim diều hâu bay trên bầu trời cao rộng, nhưng tâm trí của nó luôn quan sát xuống những đống rác rưởi dưới đất, để tìm kiếm một con chuột hay một xác chết nào đó. Dục hướng tình yêu là đóa sen thoát khỏi bùn và nở ra hương thơm tinh khiết. Đó là con đường thăng hoa lên sự cao thượng của tâm hồn. Trong tình yêu đời thường chúng ta thấy niềm vui và đau khổ đi song với nhau. Chúng ta thường thấy nhiều người nói “người kia không yêu tôi”, chứ ít thấy ai nói “tôi chưa thực sự yêu người đó”. Chúng ta yêu người kia và trong thâm tâm chúng ta muốn người ta yêu lại. Nếu ai đó không yêu lại ắt hẳn thất tình, thất vọng và hận tình xảy ra. Cho nên chúng ta yêu người kia và lấy người kia làm phương tiện, tạo nên mối ràng buộc vào nhau. Điều đó dể hiểu tại sao trong tình yêu có những giây phút đẹp tuyệt vời và nhiều nỗi muộn phiền, đau khổ đến thế.

Khi tình yêu không còn là nhu cầu, khi tình yêu không còn ham muốn về người khác, khi tình yêu không còn là sự ăn xin mà nó trở thành vị hoàng đế, khi tình yêu chỉ là sự chia sẻ, chỉ hoàn toàn cho ra và vui với việc cho, đó là từ bi. Thế thì mọi bất an vi tế sớm rời bỏ chúng ta và trong sâu thẳm nó nó tỏa ra cho chúng ta một hương thơm thanh khiết. Dục là thú vật, tình yêu là con người, từ bi là thần thánh. Dục là thể chất, tình yêu là tâm lí, từ bi là tâm linh. Từ bi cũng bắt đầu từ nấc thang thứ nhất mà có, song từ bi chính là đóa hoa tình yêu đã nở rộ. Từ bi chỉ vui hoàn toàn với việc cho đi. Từ bi là thuần khiết một tâm thức không ham muốn, không mong đợi và không phiền muộn. Nếu không có nấc thang thứ nhất, tất nhiên cũng không có nấc thang thứ hai và thứ ba.

2.9. Thế giới cảm quan

Thế giới chúng ta đang sống là thế giới cảm quan. Nó được hình thành trên hai mặt, đó là: mắt, tai, mũi, lưỡi (lục căn) và sắc, thinh, hương, vị , xúc, pháp (lục trần). Trong cuộc sống, những người nam và người nữ yêu nhau có thể thành công và cũng có thể thất bại. Vui sướng hay khổ đau, ái tình hay thù hận cũng đến từ thế giới đó. Chúng ta không cần chạy trốn hay bài xích thế giới đó, mà chỉ cần biết khéo léo chuyển hó nó. Hãy rút ra bài học kinh nghiệm và có thể tu tập từ chính đời sống ái tình đó.

Khi xem nữa phần sau của kinh Lăng Nghiêm [12, 304], chúng ta thấy 24 vị Bồ Tát báo cáo với Phật về việc tu hành của họ bằng 24 cách khác nhau. Trong đó, chúng ta phát hiện một điểm chung mà họ sử dụng đó là thông qua 6 cảm quan của mình để khai mở trí tuệ. Trong số này có vị tên là Hỏa Đầu Kim Cang, vốn rất mãnh liệt về tình dục, nhưng ông lại bắt đầu sự tu hành của ông, chuyển hóa lòng ái dục đó thành lòng đại bi đối với thế gian này, và cuối cùng ông chứng được thật tánh là cái không bị hủy hoại - tức là kim cương.

Như vậy, lòng từ bi trước hết đã bắt nguồn từ thực tế, ái nhiễm, khổ đau sau đó thăng hoa tâm linh và hoàn toàn siêu thoát nó. Nếu chúng ta biết lợi dụng cảm quan để tu hành thì cái chuyện luyến ái hay thù hận trong nhân gian không phải là không có ý nghĩa.

2.10. Thiền quán trải rộng tâm từ

Để có được lòng từ bi, ngoài việc ý thức như đã nêu trên, chúng ta cần phải rải tâm từ. Quán tưởng một người đang bị bệnh tật hay đang gặp hoàn cảnh bất hạnh, ngay lúc này ta nghĩ rằng: “Khổ thay cho vị này, mong sao vị ấy sớm được thoát khổ !”. Phương pháp này cần có đối tượng để thiền quán. Thanh Tịnh Đạo Luận [2, 523] nói rằng sự tu tập thiền khởi đầu bằng cách hướng tâm đến một cá nhân, trước tiên là người mình thương mến, kế đến là người mình không thương và sau cùng là người mình thù ghét. Luận này cũng chú ý cho hành giả lúc mới khởi sự nên tránh hướng tâm đến đối tượng khác giới vì tránh nguy cơ dục nhiễm. Một chú ý nữa là không nên hướng tâm đến người chết. Có lẽ để tránh loạn tâm hoặc là đề tài này không phù hợp với thiền tâm từ.

Sân hận chính là mặt trái của từ bi. Cách làm cho được tâm từ bi cũng chính là cách làm cho giận dữ tan biến. Nếu giận dữ nổi lên, hãy lặng lẽ quan sát nó một cách chánh niệm. Giận dữ từ từ tan biến, điều này không cần đè nén hoặc chống lại nó.

Để cho đạt sự cân bằng về chính mình, nên kết hợp giữa thiền rải tâm từ và tu tuệ quán. Chẳng hạn thực hành vài phút rải tâm từ sau đó chuyển sang tuệ quán, hoặc quán tâm từ vào buổi sáng thì áp dụng tuệ quán vào buổi chiều.

Chia sẻ khổ đau là việc làm dể mang đến cho hành giả sự bực bội vì bị buồn phiền lây sang. Đó là do tâm chưa quen và chưa kiên định. Tuy nhiên, việc này là chủ động nên nó giúp cho tâm có được tỉnh giác; khác với tự tâm lo lắng cho mình vì bệnh, vì bị đau khổ do hoàn cảnh bất trắc nào đó.

Thiền quán về lòng từ bi chính là cách rèn luyện để có sẵn từ bi trong lòng, để khi đối diện mọi hoàn cảnh không như ý thì lòng từ bi luôn luôn có đó. Cho nên điều lưu ý nhất là nên thiền trải tâm từ trước khi ra hoạt động từ thiện cũng như muốn giữ được sự an tịnh trước những việc bất như ý có thể xảy ra.

Như vậy, Để có một lòng từ bi cao cả, chỉ cần rèn luyện tâm một cách khéo léo, với sự kiên tâm trì chí chứ không cần ứng dụng một phương pháp bí ẩn nào cả. Thiền quán để trải tâm từ, ý thức những nỗi khổ song song với việc quyết tâm thực nghiệm hạnh phúc chân thật bằng con đương yêu thương thìụ chúng ta sẽ có một cuộc sống an bình và hạnh phúc.

2.11. Hành động thể nghiệm tình thương.

Tình thương thì nên rộng lớn không nên manh mún - vì cuộc sống là cái tổng thể chứ không có đơn điệu. Nếu có yêu Thượng Đế, yêu Phật hay yêu Chúa thì hãy yêu toàn bộ cuộc sống này. Đừng tập trung vào bất cứ điều gì vì như vậy là chia cắt. Cuộc sống là một hổn hợp: tốt có, xấu có… chúng ta không nên chỉ biết đến cái hay mà lẩn tránh cái dở. Nếu ai đó yêu Phật thì hãy yêu luôn cả Ma, nếu ai đó yêu Chúa thì hãy yêu luôn cả Quỷ. Cánh cửa tâm hồn mở rộng để đón gió mát thì gió nóng cũng có thể vào được. Chúng ta đón nhận tất cả và sẽ thích nghi. Đừng chia cắt, đừng từ chối vì tất cả đều có liên quan mật thiết với nhau. Nếu chối bỏ là vô tình chúng ta từ bỏ một cái gì đó trong lòng chúng ta. Vì vậy, hãy đối diện với tất cả hoàn cảnh của chúng sanh mà chia sẻ, cảm thông và chuyển hoá cho đến khi tất cả đều được an lạc. Việc chấp nhận và yêu thương là cách duy nhất để chúng ta thư thái.

Hằng ngày tiếp xúc với cuộc sống, chúng ta có bao nhiêu cơ hội để thể nghiệm tình thương. Nhặt một cục đá hay một nhánh gai giữa đường, an ủi hay cảm thông với một người đang tuyệt vọng khổ đau, chia sẻ hay giúp đỡ vài đồng tiền đối với người đang gặp khó khăn, tươi tắn và vui vẻ với mọi người, nhẫn nhục khi bị người khác mắng nhiết, dùng lời ôn hòa để trao đổi và nói chuyện v.v… là những hành động mà hằng ngày phải dùng đến rất nhiều. Phật giáo đồ có truyền thống thương người, thương vật, thương cây cỏ bằng hành động lắng nghe, ái ngữ, ăn chay, phóng sanh, trải tâm từ, tu chánh niệm, làm từ thiện… là những hình ảnh tuyệt đẹp về lòng từ bi vậy.

Đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng nếu như mọi hành động của con người mà không có tình yêu thì tất cả đều vô nghĩa: “ kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì chẳng thế nào yêu đức Chúa Trời mình chẳng thấy được”, “dầu ai có phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích gì cả”. Cho dù duy tâm, duy vật, duy thức hay duy linh gì gì đi nữa mà không thể nghiệm được tình thương vào cuộc sống thì chẳng ai biết nó có thiết thực gì cho cuộc đời này hay không. Cho nên, giác ngộ tôn giáo là người sẽ đem cả trái tim chân thành ra phụng hiến vì hạnh phúc cho tha nhân. Phải tìm nơi bản ngã nhỏ bé này và đập vỡ nó ra thì cơ may niềm vui vô ngã mới xuất hiện.

Tóm lại, mọi vui-buồn, sướng-khổ đều có tính mong manh và bất toàn. Khi ý thức được điều này không phải ở đâu xa lạ mà là trong cuộc sống hằng ngày và phần lớn do chính mình tạo ra, thế thì chúng ta làm cuộc cách mạng nội tâm để thay đổi tất cả. Thấy được tính vô nghĩa của việc bảo thủ, ích kỉ mà mở rộng trái tim và bắt đầu cho con đường phụng hiến thì đó chính là khai mở tâm từ bi. Chỉ có một việc làm duy nhất có ý nghĩa trong cõi đời phù du gió bụi này là mở rộng trái tim yêu thương và hành động gì đó để giúp cho chúng sanh thoát khổ.

Chỉ cần một vòng tay nhân ái cũng có thể giúp kẻ xa lạ nào đó đang tuyệt vọng tìm được lẽ sống. Tình thương rất cần cho cuộc sống này. Để có lòng từ bi chúng ta không cần áp dụng một phương bí ẩn hay cao siêu nào cả, chỉ cần ứng dụng các cảm quan vốn có của mình để chuyển hóa từ nhiễm ô sang thanh tịnh. Ý thức cuộc sống chung quanh và thiền quán trải rộng tâm từ để tích lũy năng lượng yêu thương, đó là phương pháp khai mở tâm từ một cách dể dàng và thiết thực nhất.

2.12. Cảm ơn cuộc đời 

Cuộc sống hằng ngày đã cho ta bao cơ hội để yêu thương. Mọi buồn vui sầu khổ, kẻ oán người thân đều cho chúng ta cơ hội để tìm hiểu chính mình. Thực sự, cuộc đời là một tặng phẩm quý giá cho những ai biết thưởng thức và sống có ý nghĩa. Chúng ta không sợ sự xấu ác của cuộc đời vây hãm mà chỉ sợ chúng ta không thánh hóa được đời sống. Nếu có chánh niệm tỉnh giác, khi nhận một ân huệ nhỏ chúng ta phải biết trân trọng và thành tâm cảm tạ nó. Đoạn thơ bằng tiếng Gujarata sau đây [15, 53] răn đời rất hay:

Nhận một bát nước lã, ngươi hãy trả bằng bữa cơm ngon

Trả bằng tiền vàng, dù ngươi chỉ nhận một đồng xu nhỏ

Đừng tiếc thân mạng với người đã cứu ngươi sống sót

Đấy là hành động và ngôn từ của bậc hiền nhân

Họ đền đáp gấp mười cho những ân huệ nhỏ

Song những bậc Thánh biết rõ mọi người là một

Và vui vẻ đem ân đáp lại oán cừu.

Ngoài những ân huệ trực tiếp mọi người mang lại, cuộc sống còn bao nhiêu điều quý giá từ thiên nhiên như cây cỏ, đất trời lặng lẽ làm tặng phẩm cho chúng ta. Một khi chúng ta đừng nghĩ nhiều về tư lợi, đừng nghĩ nhiều về cái tôi của mình; ngược lại chúng ta biết nhạy cảm với cái đẹp thì toàn bộ cuộc sống là một vẻ đẹp. Đến lúc đó, chúng ta có thể nói như Kaljlil Gibran rằng:

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Ta có thêm ngày nữa để yêu thương.

Về ý này Thiền sư Nhất hạnh cũng có bài kệ rất hay:

“ Thức dậy miệng mỉm cười

Hăm bốn giờ tinh khôi

Xin nguyên sống trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời.”

Cũng là sự mở cửa và tiếp xúc với cuộc đời nhưng những người có tâm trí và cuộc sống đen tối thì sáng dậy mở cửa, họ lại nói “lạy trời đã sáng rồi sao?”. Cho nên, nếu không có phẩm tính của cái đẹp, của sự nhạy cảm thì sẽ không có chân lý. Vì thế trải rộng tấm lòng, yêu thương trọn vẹn cuộc sống chính là cánh cửa mở ra chân trời hạnh phúc.

CHƯƠNG 3 : CHÂN TRỜI HẠNH PHÚC

3.1. Sự im lặng của trái tim

Một tình yêu sâu sắc thì dường như chẳng nói nên lời. Khi ngồi bên người yêu, chúng ta thấy một sự im lặng bao quanh mình. Im lặng để cảm nhận hay nói đúng hơn là đang sống trong tình yêu. Khi ai đó đem tình yêu ra phân tích, cân đo, tính toán, suy xét thì rõ ràng người đó không yêu. Cho nên chúng ta thấy rằng hằng ngày có rất nhiều sự đổ vỡ bởi vì chúng ta có quá ít tình yêu thật sự trong đó.

Khi hai người ngồi im lặng với nhau thì biết rằng họ đang ở trong tình yêu sâu sắc. Trịnh Công Sơn [20] nói: “Hãy nghiên mình xuống nhìn suốt một mối tình, hãy lặng nhìn không nói năng…” Người yêu trở thành im lặng. Cho nên nếu học nghệ thuật đến độ im lặng thì chúng ta trở thành một người yêu. Tận cùng bản thể im lặng của một vị Phật đó là tình yêu. Chúng ta thấy Đức Phật có sự im lặng tuyệt đối khi ngồi thiền. Chính sự im lặng đó là tình yêu sâu sắc nhất mà từ đó Ngài đem ra cứu nhân độ thế không sờn lòng. Khi ngồi bên dòng sông với sự im lặng, chúng ta có thể tuôn chảy với nó; khi im lặng nhìn lên các vì sao trên bầu trời chúng ta thấy như được kết nối với các vì sao.

Khi im lặng lắng nghe trái tim, những cánh cửa vô hình nào đó tạo ra, bức rềm nào đó được vén sang một bên. Tâm hồn chúng ta có thể cất lên bài ca yêu thương nhiều cung bậc:

Hãy lắng nghe trái tim

Im lặng và thuần khiết

Tình yêu là lẽ sống

Chia sẻ là niềm vui.

Hãy lắng nghe trái tim

Nghe nhịp sống hài hòa

Dòng năng lượng chảy tuôn

Đầy an lành tỉnh thức.

Hãy lắng nghe trái tim

Sự phân biệt không còn

Không màu da, chủng tộc

Không Thượng đếù, ăn xin.

Hãy lắng nghe trái tim

Thành tâm không ham muốn

Độc hành trong thanh tịnh

Hòa vui theo đại đồng.

Hãy lắng nghe trái tim

Không phân biệt, đấu tranh

Không lý luận, vọng tưởng

Buông thỏng cho tình yêu.

3.2. Trí óc và trái tim

Trí óc có thể khôn ngoan, thông minh, hiểu biết và tìm được những vinh quang, nhưng những điều đó không thấy ai lại thỏa mãn. Ít ai tìm được giá trị đích thực nếu không có dòng năng lượng từ bi chảy qua trái tim. Trí óc có thể nắm bắt mọi kiến thức về khoa học, triết học nhưng nếu không có lòng từ thì cũng là những học giả trống rỗng. Cuộc đời ít có ý nghĩa và thỏa mãn đích thực. Khi năng lượng của từ bi được khơi dậy thì dòng cảm xúc tươi mát sẽ xuất hiện, và mọi sự tiếp xúc đều lành mạnh. Một khi trái tim được mở rộng, cuộc sống sẽ được rộng mở tốt đẹp và hài hòa một cách tự nhiên.

Bộ óc có thể là huyển tưởng nhưng trái tim luôn là thực. Đầu óc luôn tạo ra vô vàng vấn đề rắc rối rồi tìm mọi phương cách để giải quyết. Quá nhiều vấn đề xảy ra trong xã hội, quá nhiều các cuộc hội thảo hội nghị nhưng các vấn đề không thể nào được giải quyết thỏa đáng. Bởi lẽ chúng ta ít có sự lắng nghe, ít có sự tìm hiểu những nguồn gốc của khổ đau cũng như hạnh phúc. Chúng ta thường giải quyết vấn đề trên ngọn nghành và ít biết đến gốc rể của nó. Khi trái tim phát khởi tình yêu thương chân thật, thì đó là bậc đạo sư của chúng ta. Trái tim chính là nguồn sáng để dẫn đường cho chúng ta đến bến bờ hạnh phúc. Tình yêu thương hóa giải mọi rắc rối thành đơn giản. Một khi trái tim rộng mở thì mọi vấn đề không còn quá lớn đối với chúng ta nữa. Nhờ có sự yên lặng của nội tâm, chúng ta dể dàng đối diện với chính mình ngay khi chúng ta mất hết của cải, bạn bè, mất hết mọi hổ trợ. Ngay cả việc đối diện với cái chết, chúng ta vẫn yên tâm, tự tại và thanh thản. Vì thế, chúng ta cần khơi dậy những tình cảm nồng ấm và tích cực cho trái tim. Sự ấm áp do tình thương đem lại không phải là cảm xúc hời hợt mà nó cho chúng ta sự cân bằng về tâm sinh lý. Nó giúp chúng ta bình thảng trong mọi tình huống hơn là hoảng loạn.

Bộ óc có thể chạy đi tìm những lời khuyên, những niềm vui vật chất, những trò giải trí khác để khỏa lấp nỗi cô đơn và nỗi buồn nhưng chỉ là tạm thời. “Chúng ta không thể tìm thấy một cái gì đẹp mà không kèm theo sự thất vọng và chán chường trong đó. Nếu trái tim còn đóng chặt, thì cuộc sống còn trống vắng. Dù chúng ta đọc sách, tìm lời khuyên từ bạn bè và người yêu, tìm niềm vui trong giải trí, trong đồ đạc vật chất, nhưng rồi chúng ta cũng cảm thấy lo âu và không thỏa mãn. Cuối cùng, chúng ta chỉ biết khóc thầm một mình. Có những hòn đá trong đại dương, bị nước phủ hàng nghìn năm, thế nhưng trong lòng chúng vẫn khô. Cũng như vậy, dù cố gắng tìm hiểu chính mình, qua lặn lội tìm kiếm trong nhiều tư tưởng và triết lý khác nhau, nhưng nếu cửa lòng cứ đóng kín và lạnh lùng thì chúng ta vẫn không tiếp xúc được với ý nghĩa đích thực của sự sống. Nếu chúng ta không cởi mở, thì dù chúng ta ở đâu hay làm gì thì vẫn không có một ai tiếp xúc được với chúng ta, kể cả những bậc Đạo sư vĩ đại nhất.” [16, 22] Nhưng khi tấm lòng rộng mở thì mọi thứ sẽ đến và hài hòa với ta một cách tự nhiên. Khi trái tim có đầy đủ dưỡng chất yêu thương thì nó tự sung mãn và không cần bất cứ niềm vui nào khác nữa. Có ai lại cần bất cứ thứ gì trong khi đang an hưỡng một tình yêu chân phúc. Khi mà tình yêu cao thượng nhất có đó thì mọi thứ bị vức bỏ.

3.3. Phút giây thực tại

Hạnh phúc là mục đích chính của đời người. Mọi vấn đề trên cuộc đời chung quy cũng không ngoài vì hạnh phúc. Nhưng câu hỏi muôn đời về mục đích đó vẫn chưa bao giờ là giải đáp thỏa đáng. Mọi nỗ lực đi tìm hạnh phúc của nhân loại phần lớn đã sai lệch và dường như là ảo vọng. Người ta cứ tưởng rằng câu trả lời cho hạnh phúc quá bí ẩn và cao xa, người ta cứ tưởng rằng cuộc chạy đua đi tìm hạnh phúc bên ngoài vẫn chưa đủ lực để nắm bắt, nhưng ít ai ngờ rằng tất cả điều quá đơn giản cho mục đích của đời người. Hạnh phúc thực sự là cảm giác mãn nguyện trong giây phút cụ thể. Hạnh phúc miên viễn là phải liên tục duy trì trạng thái mãn nguyện trong mọi thời khắc trôi qua. Điều đó thì không thể nào tìm kiếm từ bên ngoài; điều đó duy nhất chỉ có thể bên trong.

Mỗi giây phút trôi qua với trọn vẹn niềm yêu thương thực tại. Cho dù niềm hạnh phúc nào có lớn lao bao nhiêu đi nữa thì sự cảm nhận của nó cũng chỉ là giây phút ngập tràn tình yêu thương trong hiện tại. Nếu duy trì chánh niệm yêu thương trong mọi lúc, thì chúng ta trở thành bản chất của tình yêu, của niềm phúc lạc vô biên.

Hạnh phúc không phải là cái gì để nói, để đi tìm ở đâu xa. Đơn giản chỉ cần tâm thức chúng ta tĩnh lặng, trái tim chúng ta yêu thương thì hạnh phúc sẽ hiển hiện. Dù có hàng ngàn con đường tìm kiếm hạnh phúc mà không dừng lại mọi tham vọng và không chịu lắng nghe tiếng nói của trái tim thì không bao giờ hạnh phúc có thể đến được.

Và đến một lúc nào đó chúng ta cảm thấy sự thừa thải của ngôn từ, chúng ta không thể thiếu một tình yêu thương nồng ấm thầm lặng, và một ánh mắt trong sáng nào đó có thể cho ta niềm tin yêu cuộc sống hơn cả tiền bạc và quyền uy, thì những khoảnh khắc nhỏ bé nhưng vô cùng quý giá ấy của hiện tại còn hơn cả một trời hứa hẹn tươi sáng nhưng chỉ là ảo tưởng của tương lai.

Mới nghe, người ta có thể cho đó là điều vô lý. Thực sự hạnh phúc mà được tìm thấy từ bên ngoài vốn rất mong manh, khó nắm bắt. Bởi những gì không thuộc của ta thì nó sẽ không bao giờ ở mãi với ta. Hạnh phúc chỉ có trong lòng bàn tay thực tại. Tình yêu thương, tâm trí tự do - đó là những cảm xúc hạnh phúc của chính nội tâm. Đó chính là con đường duy nhất mà chúng ta có thể thực nghiệm được. Nếu vô tình quên lãng kho tàng quý báu nhất đời người trong nội tâm hiện tại là một điều đáng tiếc vô cùng.

3.4. Niềm vui chân phúc

Nghèo khổ là điều không ai thích, đau đớn là điều không ai muốn bao giờ. Thế nhưng một mặt chúng ta chạy đi tìm hạnh phúc, và một mặt chúng ta thường ra tay phá vỡ nó. Một mặt chúng ta muốn mở lòng ra để đón nhận niềm vui, nhưng mặt khác lại muốn cách biệt, không cho ai biết những bí ẩn thâm sâu trong con người xấu xa của ta. Và chính sự ôm giữ những năng lượng tiêu cực là vô tình ta ôm chất độc trong cơ thể mình. 

Giàu sang, nghèo khổ, vui sướng hay bi thương chỉ là tạm thời; chúng không thuộc về chân tính của chúng ta. Tình yêu chân thực là niềm vui vĩnh cửu. Nó vược trên mọi khốn khổ và hạnh phúc đời thường thật xa. Khi tình yêu cao thượng đã đạt được, thì tất cả đều không còn cần thiết. Triết lý, lý luận, tự do, tế độ, sự cứu rỗi đều bị vức bỏ. Có ai lại cần đến nó khi đang an hưỡng một niềm vui chân phúc.

Giàu sang có thể đến và đi, khốn khổ có thể ngập tràn trong cuộc sống nhưng khi đừng cố chấp, đừng tuyệt vọng và sợ hãi thì mọi điều tươi đẹp sẽ chờ đợi chúng ta. Qùa tặng lớn nhất của cuộc đời là tình thương yêu, lòng bao dung của mọi người dành cho nhau. Không sợ những khổ đau, những điều xấu ác của cuộc đời mà sợ mình không thánh hóa được đời sống. Chúng ta không sợ già, chết hoặc những thống khổ bao vây mà chỉ sợ trái tim mình khóa chặt trong bốn bức tường tự ngã. Nếu trái tim được rộng mở thì mọi phúc lành sẽ xuất hiện đến. Bằng cứ ôm giữ mọi tham vọng, sân hận, hẹp hòi và ích kỉ thì không ai có thể cứu rỗi hoặc ban phúc lành cho chúng ta được, và chúng ta cũng không thể chạy đi tìm nguồn hạnh phúc được ở bất cứ nơi đâu. Khi chúng ta bắt đầu đi trên con đường thương yêu thì niềm phúc lạc sẽ có đó. Chúng ta sẽ có những chứng nghiệm đẹp đẽ và ngày càng sâu sắc và mở rộng hơn với những sắc thái mới, với những bông hoa mới và với những hương thơm mới.

CHƯƠNG 4 : LÒNG TỪ BI TRONG CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI

Mọi lĩnh vực trong cuộc sống đều có khó khăn và khủng hoảng nhất định, nhưng đối với thế nhân thông thường chỉ giải quyết chúng ở phạm vi ngoại cảnh. Ở đây chúng ta thử tìm hiểu và đặt vào nội tâm để giải quyết một số mặt của đời sống hiện đại:

4.1. Xã hội

Dù xây dựng trên phương thức sản xuất cao như thế nào đi nữa, nhưng khi con người trong xã hội sinh hoạt chung mà không có tình yêu thương làm nền tảng căn bản, thì bao vấn đề sẽ xảy ra xung đột và rắc rối. Xã hội đó không thể nào công bình và văn minh được. Lịch sử đã qua với bao triều đại thịnh hưng và suy tàn. Những triều đại hưng thịnh và thái bình nhất là những triều đại được xây dựng phần lớn bởi tình yêu thương, đoàn kết và công bình.

Mỗi cá nhân là một phần tử của xã hội, không ai có thể tách riêng biệt mà sống. Dù trực tiếp hay gián tiếp thì sự tiếp dưỡng qua lại giữa cá nhân và xã hội vẫn diễn ra. Xã hội thì có nhiều mặt để giúp cá nhân tồn tại và phát triển. Trong đó có thể nói rằng tình thương yêu là mặt quan trọng nhất cho sự hạnh phúc của con người. Ngay đương thời xã hội Ấn Độ chia làm bốn giai cấp rõ rệt, nhưng Đức Phật cho rằng không thể phân chia giai cấp và khẳng định: “Tình thương là sợi dây liên kết giữa người với người, không có đẳng cấp trong nước mắt cùng mặn, trong giọt máu cùng hồng. Một người sinh ra không ai mang sẳn từ trong thai vòng dây ở cổ hay dấu ti - ca trên trán”. Đây chứng tỏ là tinh thần xã hội số một của Phật giáo.

Phật giáo có tính nhân gian rất mạnh. Phật giáo cho rằng nếu như ở trên cõi nhân gian này mà không sống hoà bình an lạc, thì khi chết đi sẽ không có một thế giới nào cho người ta sống hạnh phúc cả. Và mô hình xã hội lý tưởng nhất của Phật giáo đó là thiết lập nhân gian tịnh độ. Nhân gian tịnh độ có được nhờ chuyển hóa từ cõi uế độ; nó được xây dựng trên chất liệu căn bản là vô ngã - vị tha. Phẩm “Nhập pháp giới” [27, 7] của Hoa Nghiêm cho thấy thế giới vô ngại vì lý sự viên dung. Ở đây, không bao giờ có chuyện mâu thuẩn giữa các phạm trù lý và sự. Cho nên vấn đề cá nhân và xã hội không bao giờ được đặt ra vì cá nhân và xã hội là một.

Krishnamurti [21, 233 - 234] nói: “Sở dĩ có xung đột giữa cá nhân và xã hội bởi cá nhân tự xung đột với chính mình, và sự xung đột xảy ra giữa Tĩnh và Động. Xã hội là biểu lộ ngoại tại của con người.” Cho nên muốn cải tạo xã hội thì điều trước tiên là mỗi cá nhân phải tự cải tạo lấy mình.

Nói đến xã hội tức là nói đến công dân, bởi nhiều công dân kết thành xã hội. Công dân và xã hội đồng nghĩa với nhau, công dân tốt thì xã hội tốt và trái lại. Nhưng chưa chắc công dân tốt là con người tốt và con người tốt có thể là công dân xấu. Điều này cho thấy có những con người tốt nhưng bị xã hội khinh bỏ, tù đày; thế nhưng họ vẫ an nhàn tự tại và tâm thức giải thoát khỏi mọi quốc gia. Chính điểm này, trên thế gian mới sản sinh ra những con người vĩ đại có sức sáng tạo và cống hiến lớn lao.

Đi vào thực tế bằng lòng từ bi, chúng ta xóa bỏ những hàng rào giai cấp, xóa bỏ sự phân biệt nam nữ, sự kì thị tôn giáo, màu da, chủng tộc… Chúng ta làm một con người viên dung giữa cá nhân, con người và xã hội. Thế thì con người sống tự tại nhưng không phóng ra khỏi xã hội và xã hội chính là ngôi nhà lớn do chúng ta xây ra. Tiếng nói chung cho nhân loại không phải trên đầu lưỡi mà là từ trái tim. Chúng ta lắng nghe nhau, đến với nhau và có thể bắt tay nhau để cùng tồn tại và phát triển.

4.2. Giáo dục

Hầu hết hệ thống giáo dục hiện nay thiên trọng về thực dụng, thành công. Như vậy mọi năng khiếu con người đều quy về một hướng có tính cách duy lý. Vì thế mà một phần khác như cảm xúc và tâm linh bị bỏ qua. Nói theo Kinh Dịch [28] thì lối giáo dục này mới có dương mà chưa có âm, có “lumen” mà chưa có “numen”. Như vậy, phần nữ tính của triết học bị bỏ qua, mà nữ tính là yếu tố thống nhất. Hiểu theo triết lí Đông Phương thì đó mới biết tiểu thể chứ chưa biết đại thể. Tiểu thể là đời sống cá nhân con người hạn cục trong chính xác thân mình và một số liên hệ với người thân, với xã hội. Trái lại, Đại thể là đời sống tinh thần không hạn cuộc trong xác thân, trong những mối liên hệ xã hội mà còn lan tỏa khắp vũ trụ. Phải gồm tiểu thể và đại thể thì con người mới lưỡng thể. Chỉ có quan niệm đó thì giáo dục mới đem lại sự cân xứng và toàn diện.

Giáo dục Phật giáo đầy đủ hai mặt. Một mặt giáo dục con người xã hội về các trách nhiệm, giao tiếp… để sống hòa nhập giữa cá nhân và xã hội; một mặt chú trọng con người toàn vẹn. Nền giáo dục này trọn vẹn cả trí lẫn tâm.

Giáo dục con người toàn vẹn thì được Phật giáo chú trọng nhất. Bởi có hoàn thiện cá thể thì sau đó mới là công dân tốt và có ích cho cộng đồng. Một bông hoa đầy đủ nội tố thì tự dưng nó sẽ nở ra và dâng hương sắc cho đời. Vì thế Phật giáo thường khai mở những tiềm ẩn bên trong thông qua sự hướng dẫn, phân tích và bồi dưỡng những yếu tố cần thiết cho đối tượng được giáo dục hướng đến chân, thiện, mỹ. Giáo dục Phật giáo là trao cho chiếc chìa khóa chứ không phải áp chế hoặc máy móc. Tuyệt nhiên Phật giáo không chú trọng đến việc nhồi sọ hoặc định hướng giáo dục chỉ thuần ra làm quan hay làm ra tiền. Giáo dục đúng nhất là ý thức cho đối tượng học tự khai mở mọi đức tính, tự giải phóng mọi khổ đau và tìm ra được chân hạnh phúc. Cái tâm phải được khai mở, tình yêu thương phải được đánh thức song song với việc phát triển trí óc; điều đó mới khả dĩ hài hòa được tâm trí và trọn vẹn trong việc giáo dục con người. Do đó không có việc trung thành với tư tưởng hệ và xu thế thời đại nào. Bởi vì việc trung thành hay bắt chước ai đó theo kiểu vẹt thì con người trở nên khô khan, mất khả năng sáng tạo và rất nguy hiểm.

4.3. Chính trị

Chính trị là sức mạnh kiến tạo công bằng cho quốc gia, vì mục đích của chính quyền là phải làm cho công dân của quốc gia trở nên hoàn thiện. Ý nghĩa như vậy thì chính trị không phải mục đích là cầm quyền, xâm lược, chống đối, đàn áp hay bóc lọt… C.A. Richardson viết: “Chính trị tồn tại là vì loài người chứ không vì cái gì khác, đó là một sự thật, nhưng là một sự thật luôn luôn phải được nhấn mạnh.”

Bản chất chính trị là một điều tốt nhưng khi nó bị những kẻ tham tàn lạm dụng thì trở nên xấu. Nhìn ra sân khấu chính trị trên thế giới chúng ta thấy rất phức tạp và đau lòng. Chính trị trở nên một đấu trường để giành dật quền lực. Người ta muốn trở thành giàu có và nỗi tiếng, người ta muốn trở thành chính khách thủ tướng, tổng thống người ta mới phát động chiến tranh, xâm chiếm và mở rộng thuộc địa.Trong bài diễn văn mở đầu thành lập tổ chức UNESCO của Liên Hợp Quốc [30, 8] có đoạn khẳng định: “vì chiến tranh bắt nguồn từ tâm ý của con người nên sự bảo vệ hoà bình cũng được thiết lập ngay từ nơi đó”. Câu cổ ngữ Đông phương “tu thân, tề gia trị quốc, bình thiên hạ” xem ra rất hợp với vấn đề này.

“Phật giáo thì không bao giờ chủ trương có giáo quyền, không bao giờ tham gia chính trị với tinh thần điều khiển hay chỉ huy hay chống đối bất cứ ai. Chống Mỹ, chống Nga, chống tư bản, chống cọng sản là những việc làm tào lao.”[1, 131]. Mình phải chống mình trước để tìm thấy sự hài hòa giữa nhân tánh, cá thể và xã hội. Bởi vì mình thấy mình mâu thuẩn với đại đồng là mình tự mâu thuẩn với mình trước.

Nếu nghĩ được vậy thì có lẽ những cuộc chiến tranh xâm lược không xảy ra; những cuộc chiến tranh mệnh danh cho công lý cũng không xảy ra. Phật giáo cho rằng không có sự sân hận nào được gọi là chính đáng cả. Có hành động chăng là vì lòng từ bi, vì hòa bình mà gióng lên tiếng chuông để thức tỉnh lương tri cho những thế lực hắc ám hồi tâm chuyển ý. Điều này minh chứng ở tinh thần bất bạo động của Phật giáo từ xưa đến nay. Điển hình là tinh thần bất bạo động của Bồ Tát Quảng Đức tại Việt Nam và thánh Gandhi tại Ấn Độ. [15]

Người nắm quyền hành trong tay nếu không có thiện tâm lo chăm sóc công dân và dẫn dắt đất nước phát triển, mà chỉ biết lợi dụng quyền lực và thỏa mãn thú tính thì rất nguy hiểm. Vì chính trị có thể dùng mọi thủ đoạn để sinh sát con người một cách dể dàng. Chúng ta cần lưu ý câu “vật cực tắc biến, nhân cùng tắc phản” trong Kinh Dịch. Ý muốn nói ở đây là chính trị hãy xây dựng hòa bình hạnh phúc trên nguyên lý tinh thần và luân lý cao cả. Không nên xây dựng nhiều những nhà tù mà nên xây dựng những mái trường đạo đức và tâm linh, là phương án có tầm nhìn rộng cho hạnh phúc lâu dài. Bởi vì các tội phạm trong nhà tù thực ra không phải tội phạm mà là bệnh nhân. Họ đã bị bệnh về tâm, trái tim vì độc tham sân si dấy khởi nên trở thành kẻ phạm tội.

Luôn tâm niệm vì hòa bình hạnh phúc cho nhân dân đó là trách nhiệm lớn lao của người làm chính trị. Mọi công dân đều biết ơn công lao đó. Chính vì thế, người làm chính trị phải biết quán chiếu, biết lắng nghe nỗi khổ, nỗi khó khăn của dân, giảm thiểu tham ô, hối lộ, quan liêu và hách dịch.

4.4. Môi sinh

Giáo lý duyên khởi đã cho thấy con người và thế giới do các yếu tố nhân duyên sinh giả hợp thành, mà bản thể của các “pháp” thì bất biến. Có thể nói cụ thể là sự, vật trên cuộc đời này đều tồn tại theo nguyên lý “nghiệp cảm duyên khởi”. Nghĩa là:

“Cái này có thì cái kia có

Cái này không thì cái kia không

Cái này sinh thì cái kia sinh

Cái này diệt thì cái kia diệt”.

[4, 291]

Theo đạo lý trên thì giá trị mọi sinh linh đều bình đẳng như nhau về thật tánh của nó. Mỗi sinh linh là một phần tử trong ngôi nhà chung của vũ trụ. Như vậy, chúng ta phải buông thư và hài hòa theo nhịp sống đại đồng; phải xem tất cả có tương quan mật thiết với nhau. “Không có một cá thể nào có thể đứng tách riêng ra ngoài thế giới mà tồn tại được. Một bộ phận đau thì mất quân bình của toàn bộ thân thể. Mất quân bình thì không có sức khoẻ. Ngộ nhận một cái ta riêng biệt, tức là tạo một ung nhọt trong toàn thể vũ trụ. Sai lầm chấp vào cái ta không thực thể là nguyên nhân làm trái mọi tương quan nhân quả giữa sự vật.” [17, 32]ỉ. Khi hiểu điều này, chúng ta phải biết làm gì để bảo vệ môi sinh một cách hài hoà nhất. Con người đoàn kết với con người là điều dĩ nhiên trong xã hội; chẳng những thế, con người cần phải bảo vệ cả sinh vật, động vật, tài nguyên thiên nhiên, thì các hệ sinh thái mới cân bằng được. Hiện nay, một số loài động, thực vật đã tiệt chủng hoặc có nguy cơ tiệt chủng, tài nguyên bị khai thác gần cạn kiệt, không khí bị ô nhiễm trầm trọng, điều này đã đến mức báo động đỏ. Loài người hơn bao giờ hết phải đề ra một đường hướng giáo dục về đạo đức môi sinh; phải bắt tay nhau để giữ gìn chung ngôi nhà thế giới. Nếu không, tác dụng ngược của trái đất như bệnh tật, thiên tai…sẽ giáng xuống con người.

Chính từ, bi, hỷ, xả là bốn sức mạnh xây dựng sự thông cảm giữa người và người, giữa người với loài vật. Thay vì phát động các cuộc chiến tranh hủy diệt con người, hủy diệt động vật, hủy diệt thiên nhiên, chúng ta nên thương yêu, nên hòa bình để xây dựng môi trường trên trái đất chúng ta thật tốt đẹp cho bây giờ và cho tương lai.

4.5. Y học

Con người không phải duy chỉ có thể xác mà còn tinh thần. Thể xác và tinh thần tương thông qua hai hệ thống như sau:

1. Hệ thống thần kinh hữu ý của đời sống liên lạc bên ngoài (système nerveux volontaire de la vie de relations). Những cảm xúc của tinh thần được truyền ra các bắp thịt do hệ thống này để gây ra các cử động. Khi vui ta cười, lúc buồn ta khóc, lúc đau ta nhăn màu, lúc giận ta la hét…

2. Hệ thống thần kinh vô tâm của đời sống dinh dưỡng bên trong (système nerveux involontaire de la vie de nutrition). Khi tinh thần cảm xúc mà nó không được phát lộ ra bên ngoài, nó sẽ gây một áp lực phản kích trên các bộ phận tuỳ thuộc nơi các hệ thống thần kinh vô tâm của đời sống dinh dưỡng bên trong. Hiện nay nhiều hoàn cảnh không cho phép ta biểu lộ cảm xúc ra bên ngoài một cách tự nhiên, lại phải bị đè nén, dồn ép bên trong, làm cho xáo trọn các bộ phận ấy. Như trước đông người, ta giận mà không dám la hét cho nư giận, ngược lại nuốt giận vào trong, vô tình ta tự thiêu đốt lấy ta, tự gây thương tổn cho cơ thể ta. Khoa học đã tìm thấy mỗi loại vi trùng có một ái tánh riêng biệt với bộ phận nào đó trong cơ thể con người- như vi trùng lao thường thích đục khoắt lá phổi chẳng hạn. Mặt khác, khoa tâm lý học cho ta biết rằng cảm xúc của ta có sự giao cảm riêng biệt đối với một cơ quan nào đó trong nội tạng.

Sức khoẻ tích cực của tinh thần có thể cải thiện tốt đến sức khoẻ thể chất. Một tinh thần sảng khoái mang lại một cảm xúc khoẻ khắn và tươi mát cho thân thể. “Trường đại học Harvard đã làm một cuộc nghiên cứu kéo dài 30 năm và cho thấy lối sống vi tha là một yếu tố góp phần tạo nên một lối sống tinh thần tốt đẹp. Nhà khảo sát Allan Luks cũng tiến hành khảo sát trên hàng ngàn người có lòng tình nguyện giúp đở người khác thì biết 90% trong số họ hăng say,tích cực và sống vui hơn… Một nghiên cứu khác của James House thuộc trường đại học Michigan phát hiện ra rằng việc thường xuyên tình nguyện, xung phong tác động qua lại với mọi người trong tình yêu thương nồng ấm sẽ làm tăng tuổi thọ và sức sống của con người. Nhà tâm lý học David Mcclelland của trường đại học Harward thì có kết luận rằng người có sự kích động của cảm xúc yêu thương trong lòng thì nồng độ globulin trong nước bọt tăng cao, kháng thể này giúp cơ thể chống lại các chứng nhiễm trùng đường hô hấp.”[11, 7- 9]

Trong cuốn “từ thuốc đến thiền”[18, 40] Osho nói rằng: “Người sống theo cộng đồng với trái tim rộng mở, thoải mái thì ít bị đau tim, ít bị cao huyết áp, ung thư, điên khùng cũng như tự tư,ũ nhưng họ dể bị bệnh truyền nhiễm. Điều này chúng ta thấy trong xã hội tây phương, khi chủ nghĩa cá nhân được đề cao, được bảo vệ thì tỉ lệ người bị bệnh tim, cao huyết áp, tự tử ngày càng cao; nhưng trong xã hội có tính cộng đồng cao thì chúng ta lại ít thấy bệnh này, chỉ một số ít được giáo dục và có lối sống cá biệt, độc lập mới bị thôi.”

Cũng trong cuốn sách trên, Osho nói “Từ thuốc (medicinne) và từ thiền (meditation) có cùng gốc. Thuốc có nghĩa là cái chữa lành về thể xác, còn thiền nghĩa là cái chữa lành về tâm linh. Cả hai đều là những công năng chữa lành”. Hiện nay Y học không ngừng phát triển, điều đó ai cũng thấy rõ, nhưng thực sự có nhiều căn bệnh nan y mà các vị lương y đành bất lực. Lúc ấy, người ta xoay về yếu tố quan trọng, đó là yếu tố tinh thần, yếu tố tâm linh để kết hợp chữa bệnh.

4.6. Thực phẩm

Các nhà khoa học cho rằng ăn thịt động vật dể bị bệnh tim, mạch và ung thư vì 6 yếu tố sau: (1) trong thịt động vật và những sản phẩm liên hệ như trứng bơ, phó-mát và sữa có nhiều chất cholesterol và chất béo bão hòa, (2) thịt động vật không có chất xơ và carbon hydrate,(3) tiêu thụ thịt động vật và các sản phẩm bơ, sữa làm yếu hệ tiêu hóa dẫn đến nhiều dạng rối loạn đường ruột, (4) phương pháp nuôi gia súc theo kiểu hiện đại thường độc do chất độc từ thức ăn mà công nghiệp chế biến, (5) nhiễm trùng động vật, (6) protein động vật nâng cao lượng cholesterol trong máu. Các nhà khoa học lại cho rằng ăn ngũ cốc, rau quả thì cần thiết và bảo đảm cho sức khỏe. Vì trong chúng có nhiều chất như vitamins, minerals, fiber và complex carbonhydrates. Ăn rau đậu trái cây tươi, ngũ cốc và loại có nhiều chất xơ, đó là chế độ dinh dưỡng ít chất béo nên giảm chất protein trong máu, tức giảm thiểu mức độ tim mạch. Ngoài ra chúng còn có khả năng ngăn ngừa các bệnh ung thư, bệnh tiểu đường, bệnh xốp xương và các triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh ở phụ nữ.

Khi con vật bị đem ra giết thịt, chúng có những tâm lý sợ hãi, đau đớn và thù hận. Tâm lý đó tạo thành một năng lượng độc và thẩm sâu vào da thịt, nếu chúng ta ăn vào là đã thọ lấy một phần chất độc. Cho nên, xét về mặt tâm lý mà nói thì người ăn thịt thường hung dữ và bất an hơn người ăn thực vật. Điều đó được thấy rỏ qua các dân tộc có nguồn gốc sống bằng lúa nước(Đông nam á) thì hiền lành, còn các bộ tộc chăn nuôi và ăn thịt (Mông Cổ) thì hung dữ hơn. Người ăn thực vật nhiều thì thanh thản, nhẹ nhàng và ít ham muốn hơn người ăn nhiều thịt.

Hiện nay việc ăn kiêng cũng phổ biến nhiều trên thế giới. Mỗi tôn giáo có cách ăn kiêng riêng. Có những tôn giáo chỉ kiêng cữ thịt một con vật nào đó mà họ cho là linh thiêng và huyền thoại với họ, xuất phát từ sự mê tín. Người tây phương ăn kiêng (Vegetarian): nghĩa là không ăn thịt động vật. Mục đích của họ là bảo vệ sức khỏe cho bản thân, mang nặng tính vị kỷ. Khác với mục đích của Phật giáo đồ ăn chay là để tu dưỡng lòng từ bi, tôn trọng sự sống, thậm chí còn hi sinh cả thân mình để bảo vệ mạng sống ấy nữa. Đối với Phật giáo đồ thì không sát sinh là giới, và ăn chay là chính sách để thực hiện đặc điểm ấy.

4.7. Kinh tế

Kinh tế là yếu tố sống còn của con người. Dù thời nào hay chế độ nào thì kinh tế cũng quan trọng. Nếu kinh tế dồi dào thì đem lại sự ấm no hạnh phúc, nếu kinh tế thiếu thốn thì dẫn đến trộm cướp và xung đột. Kinh Cakkavattsihanda cho rằng sự nghèo khổ của dân chúng là nguyên nhân của tội phạm, lừa đảo… Kinh Kutadanta [6.135], Đức Phật nói rằng, phương pháp duy nhất để chấm dứt các tội phạm trong xã hội là nâng cao mức sống và cải thiện đời sống dân chúng về phương diện kinh tế. Và cũng chính trong kinh này đã phát họa cả một chương trình canh tân kinh tế và cải cách xã hội. Đặc biệt là giai cấp lảnh đạo phải vạch đường hướng, chính sách để nhân dân làm ăn tốt. Chương trình ấy ngày nay vẫn còn giá trị hoàn toàn và có thể áp dụng cho bất cứ xã hội loạn lạc nào, để đem lại an cư và lạc nghiệp cho dân chúng.

Trên thế giới hiện nay, nhiều quốc gia nạn đói kém và thiếu dinh dưỡng vẫn còn xảy ra. Thế nhưng, có nhiều quốc gia rất lớn mạnh về kinh tế, khi mà thực phẩm sản xuất dư thừa và đổ biển. Chính sự khủng hoảng và mất cân đối về kinh tế này là nguyên nhân của bao vấn đề rắc rối xảy ra.

Người viết nhận thấy một mặt vô nghĩa nữa mà con người trên thế giới này tỏ ra quan trọng và nghiêm túc, đó là nghành quân sự. Ngân sách dành cho nghành quân sự là rất lớn. Chế tạo một cây súng hay một quả bom là mất hàng ngàn tấn lương thực, trong khi có nhiều người chết đói. Chưa nói đó là nguyên nhân và phương tiện thuận lợi để tiến đến chiến tranh và hủy diệt. Thế nhưng người ta luôn tỏ ra nghiêm túc trong vấn đề chạy đua vũ trang, xây dựng và cũng cố quân bị. Những vấn đề này xuất phát từ sự hẹp hòi, ích kỉ, lo âu, sợ hãi và thiếu vắng tình thương trầm trọng của loài người.

Tóm lại, không ai phủ nhận giá trị khoa học mà con người ứng dụng vào các mặt cuộc sống để đem lại tiện nghi cho con người hiện đại. Nhưng ở đây vẫn tìm thấy sự bất toàn và khía cạnh, tất nhiên là không tin tưởng vào đó để tìm thấy hạnh phúc chân thật. Sự khủng hoảng mọi mặt của đời sống phần lớn do chúng ta chưa tìm hiểu và giải quyết một cách nguồn gốc. Sự mất quân bình về kinh tế, sai lệch trong chính trị, máy móc và khía cạnh trong giáo dục… là nguyên nhân cũng là kết quả cho mọi sự xung đột trong thế giới hiện nay. Phần lớn căn nguyên xung đột, khủng hoảng và mất quân bình xuất phát từ định hướng sai lệch ban đầu. Tham vọng, ích kỉ, thiên kiến, đặc biệt thiếu tinh thần vô ngã vị tha thì cuộc sống ngày càng sẽ bó buộc, manh mún, khô khan. Vấn đề hạnh phúc mà con người cố công tìm kiếm chỉ là hình ảnh chập chờn giữa vô vàn sự rối răm của lý trí. Mọi vấn đề khủng hoảng không thể nào chỉ giải quyết bên ngoài, mà cần phải hướng nội để giải quyết; thậm chí hoàn toàn chỉ là phương pháp bên trong. Không ai có thể chạy đi tìm hạnh phúc bất cứ nơi đâu nếu không dừng lại mọi tham vọng, lắng nghe trái tim và mở rộng tình thương.

Mở rộng lòng thương yêu, lòng chia sẻ đến con người và cả thiên nhiên, thì mọi vấn đề dể được hanh thông. Hãy lắng nghe và quán chiếu tính toàn thể của cuộc sống; hãy quay vào yếu tố nội tâm, thế thì chúng ta sẽ tìm thấy sự hài hòa tốt đẹp giữa cá nhân và xã hội, giữa cá thể và toàn thể.

CHƯƠNG 5 : LỢI ÍCH VÀ VẺ ĐẸP CỦA LÒNG TỪ BI.

5.1.LỢI ÍCH

5.1.1. Đối với bản thân

Khi tinh thần lạc quan, thanh thản, yêu đời thì tất yếu có được một sức khỏe tốt, tâm lý nhẹ nhàng và nhận được nhiều sự hổ trợ. Lợi ích từ lòng từ bi thật là lớn lao, theo Thanh Tịnh Đạo Luận thì cụ thể có 11 điều lợi ích như sau: dể ngủ; lúc tỉnh giấc thì tươi tỉnh như nụ hoa; khi ngủ không thấy ác mộng; được mọi người mến yêu; được quỷ thần cầm thú quý mến; được chư thiên và quỷ thần hộ vệ; lửa, độc dược và hung khí không thể xâm hại; dể định tâm; nét mặt tươi sáng; chết thanh thản; có thể chứng được tứ thiền, nếu không chứng đắc quả A La Hán sẽ được tái sinh vào cõi trời Phạm Thiên sau khi chết. Theo kinh Đại Bảo Tích [22, 299], người tu từ bi có tám điều không sợ: binh đao trong và ngoài nước; ác quỷ; tinh tú; ác bịnh; ác thú; ác tặc; hạn khô và lũ lụt; thiếu lương thực. Ngoài ra, người tu từ bi tâm sẽ dể dàng sanh vào nước Phật và dể dàng chứng các quả lành tối thượng.

Thương người, giúp người, sống chan hòa thì tạo được niềm tin yêu và từ đó giúp chúng ta dể thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiệu quả chính yếu của việc thực hành từ bi là làm cho tâm hồn thanh khiết. Bằng mọi cách liên tục phụng hiến đời mình cho người khác là phương cách để chúng ta quên bản ngã của mình; sự quên mất bản thân mình là một bài học cao cả nhất trong cuộc đời. Khi thực hành từ bi thì dòng năng lượng tươi mát sẽ hiện khởi và bao trùm khắp thân tâm. Từ bi cho ta cơ hội lắng tâm, giải quyết mọi vấn đề một cách sáng suốt. Một lợi ích to lớn nhất của người hành từ bi tâm là ít kẻ thù, có nghiệp thiện, nếu tái sinh thì vào thế giới an lành. Từ bi là nhân cũng chính là kết quả của của mọi phúc lành trong kiếp sống nhân sinh. Nếu gieo trồng lòng trắc ẩn, yêu thương thì chính giây phút đó chúng ta lại đón nhận dòng năng lượng từ tâm mát mẻ. Nếu thực hành chia sẻ hay giúp đỡ những khó khăn với người khác thì chính lúc đó chúng ta đón nhận mọi trợ lực về tinh thần cũng như vật chất. Buông ra tất cả sẽ nhận dược tất cả, bởi quy luật của sự nhận là cho đi.

5.1.2. Đối với tha nhân

“Nhất nhân tác phước thiên nhân hưởng, độc thọ khai hoa vạn thọ hương”. Điều đó cho thấy từng hành động hay nhân cách của mỗi người rất là quan trọng. Người có lòng thành thật, yêu thương người khác thì sẽ tạo được niềm tin và tình đoàn kết. Thiên hạ sẽ hòa bình an lạc nếu mỗi mỗi đều làm thiện. Thắp một ngọn đèn là xóa được một bóng tối, khởi một tình thương là giảm một niềm đau. Chỉ một niệm từ bi, các vị thánh nhân đã giúp ích cho nhân loại rất nhiều. Theo Kinh Đại Bảo Tích [23, 298] thì “nếu có Bồ Tát tu từ bi ở xứ nào thì nhân dân nơi ấy có được tám điều lành cao thượng: luôn cúng dường cha mẹ, tăng trưởng tàm quý, cung kính Sa môn, Bà la môn, bực kỳ cựu có đức thọ trì cấm giới; nhân dân xa lìa sát hại, lòng dân nhu nhuyến không có tham dục, không sân hận mà thường bình đẳng không hai; nhân dân không gian tham, ưa thích bố thí, quở trách trộm cắp; vợ chồng trinh chánh, quở trách gian dâm phi pháp; nhân dân chơn ngữ, thiệt ngữ, hòa hiệp ngữ, nhu hòa ngữ, quở trách vọng ngôn, ác khẩu, lưỡng thiệt, ác ngữ; nhân dân không có lòng ganh tỵ ghen ghét ác độc; nhân dân chánh kiến, chẳng mê lầm, không có tà kiến; nhân dân cúng dường tam bảo, xa lìa ác kiến. Thứ nữa khi Bồ Tát tu từ bi ở xứ nào thì xứ ấy có tám hạng đại trượng phu: chúng sanh từ quá khứ chổ vô lượng Phật vun trồng thiện căn thích sanh vào đó; chúng sanh vô lượng đời quá khứ tu trì tịnh giới và đa văn thích sanh vào xứ ấy; chúng sanh từ vô lượng đời quá khứ hiếu kính cúng dường cha mẹ, sư trưởng Hòa thượng kỳ cựu bực có đức thích sanh vào xứ ấy; chúng sanh vô lượng đời quá khứ tu tập nghiệp trời sẽ thọ thân trời mà cố ý chuyển báo trời thích sanh vào xứ ấy; các chúng sanh hay phá trừ ác nghiệp ba ác thú thích sanh vào xứ ấy; chúng sanh đủ pháp Thanh văn thừa thích sanh vào xứ ấy; chúng sanh đủ pháp duyên giác thừa thích sanh vào xứ ấy; chúng sanh từ vô lượng đời quá khứ tu sáu ba la mật thích sanh vào xứ ấy. Ngoài ra nếu Bồ Tát tu tứ vô lượng tâm ở đâu thì nơi đó đất đai màu mỡ, nước dùng lành tốt, có pháp vị vô thượng, tất cả nhân dân cùng mọi loài có lòng thân yêu nhau, xả thân hiện tại được sanh cõi trời được thiên thân, nhân dân được thành tựu các công đức, mà Bồ Tát ấy không hề tổn giảm.”

Như vậy, nếu phát khởi được tâm từ bi là chúng ta có được món quà to lớn nhất để dâng tặng cho đời và đồng thời chúng ta cũng đón nhận được món quà vô giá cho mình.

5.2. VẺ ĐẸP CỦA LÒNG TỪ BI

5.2.1. Chất keo nuôi dưỡng cuộc sống hiện tại

Nếu bỏ cuộc sống này mà mơ tưởng đến một thế giới nào đó hoặc một tương lai nào đó tốt đẹp hơn là một điều viễn tưỡng. Phật giáo cho rằng nếu như ở đời này mà không giải quyết được những vấn đề khổ đau thì sau khi chết cũng không giải quyết được. Cũng vậy, nếu không làm cho cuộc sống an vui và giải thoát ngay bây giờ thì đến khi chết cũng không thể nào tìm thấy một thiên đường hay một cực lạc nào đó được. Tình yêu thương là một trong những nguyên tố chủ yếu để làm cho cuộc sống này tươi đẹp. Bởi lẽ sự yêu thương có khả năng tạo ra dòng năng lượng tươi mát và nồng ấm cho mọi người. Tình yêu thương chính là chất keo nuôi dưỡng và làm sống tất cả mọi sinh linh. Chúng ta là một phần tử trong toàn bộ sự nhịp nhàng của cuộc sống này thế thì chúng ta phải hoà nhập vào chính cuộc sống để góp phần làm tươi đẹp nó. Chỉ cần từ bi thôi, nó là điểm chung để những người trên thế giới sống với nhau, nói chuyện, bắt tay nhau.

5.2.2. Không nhị nguyên, không hận thù

Không nhị nguyên (được-mất, hơn-thua, thành-bại, ta-người…) thì không ham muốn. Không ham muốn thì không tranh giành, và sẽ không có vấn đề ai đánh với ai. Khi cái ngã biến mất thì chẳng có ai chinh phục ai nữa, và ngôn ngữ tranh đấu cũng vô hiệu. Như thế thì thất bại là thắng lợi. Khi chúng ta hiểu rằng mình là giọt nước giữa đại dương mênh mông; khi chúng ta hiểu rằng mình là một phần tử trong vũ trụ bao la thì chẳng có lý do gì để sân hận và tranh đấu. Như vậy người ta chỉ có thể tuôn chảy và buông thư theo nhịp sống của đại đồng.

5.2.3. Không giới hạn bởi thời gian hay phương sở

Người ta có thể bằng nhiều cách khác nhau hoặc nhiều ít khác nhau để cho đi trong mọi lúc, nhưng không thể nhận trong mọi lúc. Từ bi được hoàn toàn chủ động trong việc cho đi. Như thế, thực hành hạnh từ bi dể dàng làm cho dòng năng lượng sống tuôn chảy và không bị bế tắc. Quá khứ hay tương lai thường là khởi lên bởi tư tưởng hay vọng tưởn, đó là những gì đã chết hoặc chưa sinh. Nhưng lòng từ bi hiển hiện là hiển hiện của dòng năng lượng sống, của trái tim thương yêu. Từ bi chính là giây phút chánh niệm trong hiện tại. Từ bi không bao giờ hư mất. Nó là thuộc vào cái vĩnh hằng.

Cõi lòng rộng mở thì cuộc sống trở nên tổng thể. Khi lòng từ bi xuất hiện thì toàn bộ cuộc sống là vẻ đẹp, là niềm hạnh phúc khôn tả. Bản chất của từ bi là diệu mát, là niềm vui sướng trọn vẹn của tâm hồn. Khi lòng từ bi có đó thì mọi tính toán, lo âu, sợ sệt, sân hận và thù địch… mang tính ích kỉ không còn. Khi những thành trì bản ngã được phá vỡ, trái tim được rộng mở thì con người sẽ cảm nhận được niềm vui sướng tràn ngập. Một khi lòng thương yêu được trải rộng, hạnh phúc sẽ đến với nó từ mọi phía. Niềm hạnh phúc ở đây không đến từ việc nhận, cầu xin hay mong đợi; đơn giản nó đến từ việc cho, vui niềm vui của việc cho.

Từ bi còn là mong ước thâm sâu đồng nhất với đạo. Vì từ bi phá vỡ được thành trì bản ngã và con người có thể nhập vào đại đồng pháp giới. Khi được thu hút vào đạo, phần lớn con ngưòi cảm thấy không được tiếp dưỡng và bị tan biến. Điều này chỉ vì thói quen cho là mong nhận lại, chỉ vì sai lầm chấp cái ta này là thật. Đó là bước dừng lại để nếm mọi sự bức bách, khổ đau của đời người. Nếu chuyển hóa tâm chấp thủ thành tâm thức tự do thì thế giới mênh mông sẽ hiển hiện. Cho nên, khi cánh cửa lòng mở ra, thì đồng thời chúng ta cũng mở ra bao điều mầu nhiệm cho cuộc sống. Vẻ đẹp của lòng từ bi chính là tâm thức tự do, không bị giới hạn bởi thời gian hay phương sở.

5.2.4. Lòng từ bi mở ra chân trời cao rộng

Cuộc sống là dòng chảy. Đức phật nói rằng: “hãy là khúc gỗ trôi dạt”. Nỗi với dòng suối trôi ra đại dương, đừng vướng mắc hai bên bờ nhân, ngã. Khi trái tim rộng mở, mọi chấp đắm được buông bỏ, thế thì chúng ta đã làm cuộc phiêu lưu như áng mây trời phiêu lưu vô định. Vẻ đẹp cuộc sống, vẻ đẹp tình yêu là những chân trời xa lạ. Tuy nói xa mà không xa đâu cả, nó chính là vượt ra ngoài tâm trí tham đắm, mơ tưởng. Nó chính là dòng chảy mới mẻ của giây phút hiện tại.

Đóa sen tinh khiết được nở ra từ bùn. Đó là biểu tượng đẹp nhất của Phật giáo. Đạo Phật nói rằng “Phật pháp bất ly thế gian giác” và “phiền não tức Bồ đề”. Vậy hãy khai mở lòng từ bi từ những tham sân tật đố của mình. Lòng từ bi giúp con người thoát khỏi ngục tù bản ngã. Từ bi giúp con người hướng tâm đến bầu trời, đến tự do chứ không nghĩ đến đến những điều vụn vặt, vô nghĩa. Từ bi bắt đầu nở hoa ở dục nhưng nó không còn là sự mong đợi. Nó chỉ sẵn sàng dâng hiến tất cả. Từ bi chỉ nghĩ đến cái rộng lớn bao la và cảm nhận hạnh phúc từ sự cho đi. Mọi dòng sông cuối cùng đều chảy ra đại dương, mọi thương yêu chúng cuộc đều đạt tới chân phúc.

5.2.5. Biến độc tố thành mật ngọt

Khi trái tim rộng mở cho cuộc sống trọn vẹn thì nó cho chúng ta một niềm vui đến nỗi mà chúng ta không cần dùng đến rượu và ma tuý. Chỉ có kẻũ sầu não, buồn chán, cô đơn, khốn khổ mới thường tìm đến rượu và ma tuý để giải sầu, để tìm niềm khoái lạc thoáng chốc. Chỉ có kẻ mang nặng bản ngã cá biệt đầy căng thẳng, bức bách mới tìm đến dục để giải toả bản ngã trong thoáng chốc. Người nam và người nữ cảm thấy khoái lạc trong giây phút họ tan biến vào nhau. Điều đó chứng tỏ rằng khi bản ngã tan biến thì niềm hạnh phúc mới xuất hiện. Nhưng lạc thú sẽ làm cạn kiệt năng lượng và khiến cho con người ngày càng xơ xát, mất hết sự sống. Chỉ giây phút lạc thú trôi qua thì hục hằn và phiền muộn lại trở về. Lạc thú được tìm thấy trong dục chỉ là thoáng chốc, nó không thể là vĩnh hằng. Nhưng khi chúng ta làm cuộc hôn phối với toàn bộ cuộc sống, với toàn bộ đất trời thì chúng ta đã vượt qua những thứ phá huỷ hoặc khoái lạc thoáng chốc kia. Bản chất từ bi là viên thuốc màu nhiệm cho sự lành mạnh, khỏe khắn của thân và tâm mà không có bất cứ một tác dụng phụ nào.

Chính sự mong ước thọ nhận nên mới có thất vọng và chán chường, bởi điều thọ nhận thì không thể nào là như ý muốn. Chính cuộc sống què quặt, cuộc sống manh mún riêng, tư đã sinh ra tham vọng trong các trò chơi đang xảy ra trong xã hội. Người sống trọn vẹn, trái tim rộng mở thì tất cả mọi tham vọng đều được mãn nguyện, họ vui sướng trong hiện tại đến mức họ nghĩ rằng không thể có gì vui sướng hơn thế.

Chúng ta không cần đi tìm kiếm bất cứ thú vui nào khác, bởi con tim có khả năng chuyển hóa mọi buồn chán tẻ nhạt thành niềm vui. Khi trái tim tràn đầy năng lượng yêu thương thì thân cũng như tâm trở nên thuần khiết. Tâm có khả năng chế tác niềm vui lâu dài và tất nhiên thuần khiết, không nguy hại.

5.2.6. Tỏa hương sắc dâng đời

Buông ra tất cả sẽ được nhận tất cả, đó là quy luật của sự nhận là cho đi. Trong mọi hoàn cảnh khổ đau của chúng sanh, lòng từ bi luôn rung động với niềm thông cảm sâu xa. Từụ bi chính là nguồn năng lượng yêu thương được tích tụ bằng việc chia sẻ và cầu mong cho chúng sanh thoát khỏi khổ đau để sống an lành và hạnh phúc. Từ bi mang nguồn nước tươi mát để nuôi dưỡng vườn hoa bác ái cho mình; đồng thời truyền tải dòng năng lượng nhẹ nhàng đến mọi vật chung quanh.

Cuộc sống không phải ngày càng già đi, thu nhỏ lại mà ngày càng lớn mãi thêm. Khi tấm lòng rộng mở thì ta có cơ hội đi sâu vào nội tâm mình. Như cái cây càng cao, tán lá càng rộng thì bộ rể nó càng cắm sâu vào lòng đất. Khi từ bi được khai mở trọn vẹn như một bông hoa nở trọn vẹn thì hương sắc nó không chỉ dành riêng cho ai thưởng thức mà cho tất cả những ai gần gủi nó. Bản chất từ bi là vẻ đẹp không bị phai tàn bởi thời gian hay nhan sắc. Vì vẻ đẹp từ bi không phải do công phu chăm sóc nuôi dưỡng bản thân mà có; ngược lại chính nhờ chỗ quên mình màụ lo chăm sóc cho người khác mà thành. Từ bi chính là đóa hoa tâm thức đã nở rộ, đầy đủ hương và sắc. Từ bi có được không phải khai thác từ nguồn tài nguyên nào khác ngoài nguồn năng lực từ tâm.

5.2.7. Nhìn tất cả đều thơ mộng

Năng lượng yêu thương giúp cho con người có cái nhìn lạc quan với cuộc sống. Người ta trở nên yêu đời, trở nên ca hát không vì bất cứ lý do gì. Đơn thuần chỉ vì bông hoa đầy đủ dưỡng chất và hé nụ, đám mây hội đủ nhân duyên và mưa xuống, đôi môi tràn ngập niềm vui và cười ra. Nhờ cõi lòng rộng mở, con người có thể khám phá ra những chân trời xa lạ. Nhìn cuộc sống trôi chảy thơ mộng, nhìn con người hoà bình, chim chóc tự do, cây cối, núi sông và trời mây hạnh phúc; nhìn tất cả đều đẹp, tất cả đều thiêng liêng, đó là tâm thái của sự thanh thản, của sự hồn nhiên, và của những phúc lành cao thượng nhất.

Thực hành từ bi không thể gọi là hi sinh bản thân mình, mà chính là nhận lấy hạnh phúc từ trong đó. Với tâm trí còn muốn nhận thì thực hành từ bi sẽ nhận những ích lợi thiết thực đầy đủ hương sắc; với tâm trí tự do thì từ bi là phúc lành vô quyến niệm, vô úy và vô ngại.

KẾT LUẬN

Cuộc sống thực dụng với nhiều bó buột, manh mún, căng thẳng và phiền muộn thì từ bi giúp cho con người quân bình lại tâm sinh lý. Mọi tình cảm trên đời nếu gọi là những thứ xa xỉ và phù phiếm thì từ bi cũng là thứ xa xỉ; dẫu sao đó là loại xa xỉ có ý nghĩa và thiết thực nhất. Tất cả dẫu bị phôi pha hoặc tan biến bởi thời gian thì điều còn lại duy nhất cho con người nơi trần thế là tấm lòng từ bi. Đó cũng chính là tình yêu thương chân thật, là lối sống vị tha và là hành động tích cực được mọi người trân quý nhất trong cuộc đời. Vì từ bi giúp cho con người có lý tưởng đẹp, có một cuộc sống ấm áp, thân thương và hạnh phúc. Một khi trái tim được rộng mở thì mọi con đường, mọi cánh cửa sẽ được thênh thang và đón nhận nhiều ánh sáng.

Giáo lý từ bi cho chúng bài học về nhân quả sâu sắc. Cũng từ đó chúng ta học được bài học vô ngã và có hành động yêu thương để cuộc sống này hài hòa, tươi sáng và tốt đẹp. Thiết nghĩ rằng các nền giáo dục, các triết thuyết hay tôn giáo phải dạy tinh thần bao dung và yêu thương như là tiếng nói đầu tiên tối cần thiết để con người hiểu và sống được an lành hạnh phúc. Bắt đầu bằng mỗi cá nhân, hãy chế tác năng lượng yêu thương từ giây phút này để góp phần lành mạnh hóa bản thân và xã hội. Đối với Phật giáo, thực hiện lí tưởng Bồ Tát để chia sẻ và giúp đỡ mọi người là con đường thứ nhất thực hiện tinh thần từ bi; con đường thứ hai là con đường của Alahan luôn chế tác năng lượng từ bi một cách âm thầm lặng lẽ như luồng gió mát thổi nhẹ vào đời.

Hiện tại, những giáo lý, triết thuyết, tư tưởng, ý thức hệ… quá nhiều, con người bị nhồi sọ, bị đầu độc và có nguy cơ chia rẽ rất lớn. Chỉ có tình yêu thương vô điều kiện như từ bi mới có cơ may cứu với con người thoát khỏi sự chia cách, kỳ thị và chiến tranh. Từ bi là tiếng nói chung, là tôn giáo chung cho toàn thể nhân loại.

Chính cuộc sống bó buộc, cô đơn, căng thẳng và phiền muộn khiến con người phải tìm đến rượu, ma túy và các trò chơi giả tạm để khỏa lấp và giải tỏa. Chỉ khi nào cõi lòng rộng mở và năng lượng yêu thương có đó mới cho ra một cuộc sống mãn nguyện và lành mạnh. Trái đất ngày càng có nguy cơ gây ra thảm họa, ngay lúc này con người cần phải hạn chế tiêu thụ, hạn chế khai thác tàn phá thiên nhiên. Hãy quán chiếu tính toàn thể và mở lòng yêu thương tôn trọng sự sống chung. Không sản xuất mọi vũ khí, phương tiện dẫn đến chiến tranh cũng như không giáo dục về lòng đắc thắng, thù hận; ngược lại hãy sống trong tinh thần đoàn kết đại đồng thì mới có thể gọi là nhân loại văn minh được. Nếu như một nơi nào đó bị nạn thì từ bi là tiếng nói chung kêu gọi mọi người giúp đỡ nhau, và từ bi cũng là hành động chung vì lợi ích cho hòa bình nhân loại.

Mong ước rằng tất cả con người trên trái đất biết được sự sinh tồn của mình đều nằm trong “ngiệp cảm duyên khởi”, để từ đó biết rõ nguyên nhân và kết quả mình sẽ làm và sẽ nhận. Theo nguyên lý “Một là tất cả, tất cả là một”, thì thánh hóa đời sống của mình tức đã đóng góp một phần lớn vì hòa bình và hạnh phúc cho thế giới rồi. Hòa bình và hạnh phúc là điều mong muốn chung cho nhân loại, thế thì tình yêu thương chân thật là việc làm chung cho mọi người chứ không riêng cá nhân nào cả.

Nguồn: dentutraitim.com

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/07/2022(Xem: 11174)
Phải nói là khi nhận được tin TT Giảng Sư Thích Nguyên Tạng sẽ có bài pháp thoại giảng tại Thiền Lâm Pháp Bảo hôm nay (12/7/2022) lại vừa nghe tin tức mưa lớn và lụt tràn về Sydney mấy ngày qua, thế mà khi nhìn vào màn ảnh livestream lại thấy khuôn viên thiền môn trang nghiêm thanh tịnh quá, dường như thời tiết khí hậu chẳng hề lay động đến nơi chốn này, nơi đang tập trung những người con cầu tiến muốn hướng về một mục đích mà Đức Phật hằng mong chúng ta đạt đến : Vô Sanh để thoát khỏi vòng sinh tử .
15/06/2022(Xem: 10051)
Tôi thật chưa tìm ra cuốn nào như cuốn này, tác giả viết từ những năm 50s, hữu duyên được dịch ra tiếng Việt vào những năm 80s… Tìm lại được bản thảo sau khoảng 33 năm (2021). Tốn thêm một năm hiệu đính trên đường ta bà, gọt dũa lại.
01/02/2022(Xem: 36540)
48 Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà (loạt bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng trong mùa dịch cúm Covid-19)
17/11/2021(Xem: 25293)
Nghiệp, phổ thông được hiểu là quy luật nhân quả. Nhân quả cũng chỉ là mối quan hệ về tồn tại và tác dụng của các hiện tượng tâm và vật trong phạm vi thường nghiệm. Lý tính của tất cả mọi tồn tại được Phật chỉ điểm là lý tính duyên khởi.266F[1] Lý tính duyên khởi được nhận thức trên hai trình độ khác nhau. Trong trình độ thông tục của nhận thức thường nghiệm, quan hệ duyên khởi là quan hệ nhân quả. Chân lý của thực tại trong trình độ này được gọi là tục đế, nó có tính quy ước, lệ thuộc mô hình cấu trúc của các căn hay quan năng nhận thức. Nhận thức về sự vật và môi trường chung quanh chắc chắn loài người không giống loài vật. Trong loài người, bối cảnh thiên nhiên và xã hội tạo thành những truyền thống tư duy khác nhau, rồi những dị biệt này dẫn đến chiến tranh tôn giáo.
14/11/2021(Xem: 21202)
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại xứ Sāvatthi, gần đến ngày an cư nhập hạ suốt ba tháng trong mùa mưa, chư Tỳ khưu từ mọi nơi đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin Ngài truyền dạy đề mục thiền định, đối tượng thiền tuệ thích hợp với bản tánh của mỗi Tỳ khưu. Khi ấy, có nhóm năm trăm (500) Tỳ khưu, sau khi thọ giáo đề mục thiền định xong, dẫn nhau đến khu rừng núi thuộc dãy núi Himavantu, nơi ấy có cây cối xanh tươi, có nguồn nước trong lành, không gần cũng không xa xóm làng, chư Tỳ khưu ấy nghỉ đêm tại đó. Sáng hôm sau, chư Tỳ khưu ấy dẫn nhau vào xóm làng để khất thực, dân chúng vùng này khoảng một ngàn (1.000) gia đình, khi nhìn thấy đông đảo chư Tỳ khưu, họ vô cùng hoan hỉ, bởi vì những gia đình sống nơi vùng hẻo lánh này khó thấy, khó gặp được chư Tỳ khưu. Họ hoan hỉ làm phước, dâng cúng vật thực đến chư Tỳ khưu xong, bèn bạch rằng: – Kính bạch chư Đại Đức Tăng, tất cả chúng con kính thỉnh quý Ngài an cư nhập hạ suốt ba tháng mùa mưa tại nơi vùng này, để cho tất cả chúng con có
08/11/2021(Xem: 5207)
Vô Tầm Vô Tứ Định là tầng Định thứ hai trong bốn chi Thiền do đức Phật thiết lập. Bốn chi Thiền đó gồm Sơ Thiền tương xứng với Sơ Định hay Định Hữu Tầm Hữu Tứ, Nhị Thiền tương xứng với Vô Tầm Vô Tứ Định, Tam Thiền tương xứng với Xả hay An Chỉ Định, Tứ Thiền tương xứng với Chánh Định.
08/11/2021(Xem: 14913)
Đây chỉ là chiếc thuyền nan, chưa tới bờ bên kia, vẫn còn đầy ảo tưởng chèo ra biển cả. Thân con kiến, chưa gột sạch đất cát, bò dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, nghe tiếng vỗ của một bàn tay trên đỉnh cao. Chúng sinh mù, nếm nước biển, ngỡ bát canh riêu cá, Thế gian cháy, mải vui chơi, quên cảnh trí đại viên. Nắm vạt áo vàng tưởng như nắm lấy diệu quang, bay lên muôn cõi, theo tiếng nhạc Càn Thát Bà réo gọi về Tịnh Độ, ngửi mùi trầm Hương Tích, an thần phóng thoát. Con bướm mơ trăng Cực Lạc, con cá ngụp lặn dưới nước đuôi vàng như áo cà sa quẫy trong bể khổ, chờ thiên thủ thiên nhãn nghe tiếng sóng trầm luân vớt lên cõi Thanh văn Duyên giác. Những trang sách còn sở tri chướng của kẻ sĩ loanh quanh thềm chùa Tiêu Sơn tìm bóng Vạn Hạnh, mơ tiên Long Giáng lào xào bàn tay chú tiểu Lan trên đồi sắn.
07/11/2021(Xem: 15062)
Kinh Vô Lượng Nghĩa nói “vô lượng pháp từ một pháp mà sinh ra”. Ma Ha Chỉ Quán của Thiên Thai Trí Giả (538-597), quyển 5, nói: “Phật bảo các Tỳ-kheo, một pháp thâu nhiếp tất cả pháp, chính là Tâm”. Phổ môn là vô lượng giáo pháp. Vô lượng giáo pháp này cũng từ một giáo pháp mà sinh ra. Một giáo pháp phổ cập tất cả gọi là phổ môn. Chư Phật thuyết giáo thuận theo Tâm của chúng sinh. Giáo là những ngôn từ được thuyết ra cho những chúng sinh chưa thấu suốt. Pháp là những phương thức với nhiều tướng trạng giống nhau hoặc khác nhau. Tâm ý chúng sinh có bao nhiêu ngõ ngách thì giáo pháp có chừng ấy quanh co. Chư Phật dùng muôn vàn phương tiện khế cơ mang lại lợi ích cho chúng sinh. Ngài Xá Lợi Phất từng nói: “Phật dùng nhiều thứ nhân duyên và thí dụ, phương tiện ngôn thuyết như biển rộng khiến tâm người trong pháp hội được yên ổn, con nghe pháp ấy khiến lưới nghi dứt” là nghĩa trên vậy.
04/10/2021(Xem: 3696)
Trong những gì tôi được đọc và được nghe kể, hình như nhà thơ Bùi Giáng không còn tham sân si, hay nếu còn, thì rất là ít. Không rõ có ai chứng kiến lúc nào Bùi Giáng khởi tâm tham sân si hay không. Rất nhiều người đã thân cận, đã chứng kiến đời thường của nhà thơ họ Bùi và đều nhận thấy nhà thơ như là người của cõi khác, người bay trên mây, người lạc tới thế gian này, như dường không còn chút nào tham sân si; hay chỉ còn, nếu có, thì rất ít.
05/09/2021(Xem: 17735)
Bắt đầu gặp nhau trong nhà Đạo, người quy-y và người hướng-dẫn biết hỏi và biết tặng món quà pháp-vị gì cho hợp? Thực vậy, kinh sách man-mác, giáo-lý cao-siêu, danh-từ khúc-mắc, nghi-thức tụng-niệm quá nhiều – nghiêng nặng về cầu-siêu, cầu-an – không biết xem gì, tụng gì và nhất là nhiều người không có hoàn-cảnh, thỉnh đủ. Giải-đáp thực-trạng phân-vân trên, giúp người Phật-tử hiểu qua những điểm chính trong giáo-lý, biết qua sự nghiệp người xưa, công việc hiện nay và biết đặt mình vào sự rèn-luyện thân-tâm trong khuôn-khổ giác-ngộ và xử-thế, tôi biên-soạn cuốn sách nhỏ này. Cuốn sách nhỏ này không có kỳ-vọng cao xa, nó chỉ ứng theo nhu-cầu cần-thiết, mong giúp một số vốn tối-thiểu cho người mới vào Đạo muốn tiến trên đường tu-học thực-sự. Viết tại Sài-thành mùa Đông năm Mậu-tuất (1958) Thích-Tâm-Châu
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]