Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thể tài ngôn ngữ trong kinh tạng Phật giáo

08/04/201318:30(Xem: 744)
Thể tài ngôn ngữ trong kinh tạng Phật giáo

Luận văn tốt nghiệp

NỘI DUNG VÀ Ý NGHĨA PHẨM NHẬP PHÁP GIỚI THỂ TÀI NGÔN NGỮ TRONG KINH TẠNG
PHẬT GIÁO

Thích Nữ Thánh Tâm

PHẦN MỞ ĐẦU

1. LÝ DO VÀ MỤC ĐÍCH CHỌN ĐỀ TÀI

Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu đặc biệt, là phương tiện giao tiếp cơ bản và quan trọng nhất của các thành viên trong một cộng đồng xã hội. Ngôn ngữ đồng thời cũng là phương tiện phát triển tư duy, truyền đạt truyền thống Văn hoá- Lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thông qua ngôn ngữ, con người đã thông tư tưởng với nhau, hiểu được các ý chỉ muốn trình bày. Các loại hình ngôn ngữ rất đa dạng và phong phú: Ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, ngôn ngữ không lời, ngôn ngữ biểu tượng, ngôn ngữ ký hiệu… để hiểu được ngôn ngữ ấy, người nghiên cứu phải có tri thức tối thiểu về ngôn ngữ học.

Đối với hệ thống ngôn ngữ Phật giáo, sự đa dạng và phong phú của thể tài ngôn ngữ được thể hiện thông qua hệ thống Kinh tạng. Ngày nay hầu hết Kinh tạng được dịch ra nhiều thứ tiếng như : Anh, Pháp, Nhật, Trung Hoa, Tây Tạng… bên cạnh những bản kinh cổ ngữ như Pàli, Sankrist….vì thế, Kinh điển Phật giáo càng ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi.

Song để am hiểu một bản Kinh một cách chính xác, không những ta phải hiểu biết về hình thức ngôn ngữ phổ thông, mà còn phải nắm rõ các thể loại ngôn ngữ được dùng khác nhau theo đặc trưng của từng loại trong hệ thống Kinh tạng, nắm được nguồn gốc ra đời và niên đại phiên dịch để hiểu được nét đặc thù của nền văn hoá, văn hoá Phật giáo thời ấy.

Tất nhiên công việc nghiên cứu về ngôn ngữ Kinh điển quả thật không đơn giản, nhất là đối với cổ ngữ nhưng nếu hiểu được thể tài ngôn ngữ được dùng trong Kinh thì đây là khởi điểm giúp cho người học bước vào việc nghiên cứu Phật học.

Có thể nói mục đích sử dụng nhiều thể tài Ngôn ngữ khác nhau của Đức Phật là vì mục tiêu giác ngộ, giải thoát cho mỗi con người. Các tầng lớp như người trí thức, thương gia, nông dân hay nô lệ, người già hay người trẻ, người giàu sang hay kẻ nghèo hèn… Ngài đều có cách nói khác nhau. Trong hoàn cảnh này, địa phương này, Ngài nói như thế này; hoàn cảnh khác, địa phương khác, Ngài nói như thế khác. Tất cả chỉ vì một mục đích duy nhất là giải thoát. Càng nghiên cứu sâu vào các loại hình ngôn ngữ mà Đức Phật sử dụng ta mới khám phá ra một điều kỳ diệu rằng Đức Phật là nhà tâm lý học siêu xuất tràn đầy lòng bi mẫn. Bất cứ lúc nào, Ngài cũng dùng lời nói thật từ ái và bao dung dù người đó là tín đồ Phật giáo hay không phải Phật giáo. Khi chưa là Đấng Toàn giác, Đức Phật với tư chất thông minh đĩnh ngộ phi thường, Ngài đã sử dụng được 36 thứ ngôn ngữ thời đó. Khi truyền bá chánh pháp, Ngài cũng đã sử dụng ngôn ngữ của từng địa phương, từng dân tộc. Cách sử dụng phương ngữ của Đức Phật là một trong những phương pháp thu phục nhân tâm. Thêm vào đó, cách sử dụng các thể tài ngôn ngữ khác nhau phù hợp với từng căn cơ cũng là đặc trưng của ngôn ngữ Phật giáo, chỉ nhằm mục đích giải thoát cho nhân loại. Việc tìm hiểu các thể tài ngôn ngữ cũng là cách xác định tầm vóc triết lý, tính khoa học… của Kinh điển Phật giáo đồng thời cũng là cách tìm hiểu các đặc trưng văn hoá Phật giáo vì các giá trị văn hoá truyền thống của Phật giáo tồn tại song song với ngôn ngữ của từng khu vực, từng dân tộc vào một thời đại.

Với những lý do trên, người viết không ngần ngại chọn đề tài : “ Tìm hiểu thể tài ngôn ngữ trong kinh tạng Phật giáo” . Với tiêu chí như vậy, luận văn này chỉ khẳng định sự tìm hiểu Thể tài chớ không đi sâu vào nghiên cứu ngôn ngữ, bởi như thế sẽ đi vào lãnh vực nghiên cứu về ngôn ngữ học. Ơũ đây, người viết chỉ khái quát về các Thể tài ngôn ngữ để đi vào các giá trị nhân văn mà ngôn ngữ đã đem lại cho con người đặc biệt là ngôn ngữ Kinh tạng.

2. PHẠM VI ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Trong Kinh tạng, người viết sẽ chọn lựa một số Kinh tiêu biểu rõ nét cho các Thể tài ngôn ngữ. Phương pháp nghiên cứu là phương pháp phân tích liệt kê, dùng ví dụ minh hoạ làm rõ vấn đề, làm rõ những ảnh hưởng của thể tài ngôn ngữ vào mọi khía cạnh của đời sống xã hội.

3. Ý NGHĨA THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI:

Ngày nay, Phật ngữ, Pháp ngữ thực sự đã đóng góp nhiều vào kho tàng ngôn ngữ thế giới, làm phong phú cho kho tàng ngôn ngữ nhân loại, hướng con người đến những giá trị tinh thần cao đẹp. Con người tự kiến tạo cuộc sống hạnh phúc cho mình và người bằng những lời nói từ ái, hài hoà, không dùng lời nói ác gây tổn thương, đau khổ, thù hận cho người; không dùng lời nói thêu dệt, tráo trở để lường gạt, dối trá người…dẫu khi một người tu tập im lặng, không nói cũng là sự im lặng an lành, hạnh phúc như Phật đã từng dạy: “ Nói năng như chánh pháp, im lặng như Chánh pháp”. Chỉ ngần ấy, ngôn ngữ Phật giáo đủ khiến cho mọi người trở về nương tựa Tam Bảo. Có thể nói, đây là sự đóng góp thật to lớn của đạo Phật vào đời sống tinh thần của nhân loại.

4. KẾT CẤU LUẬN VĂN

Luận văn này được viết thành 3 chương, trong đó ngoài phần dẫn nhập mang tính trường quy, phần nội dung, luận văn trình bày:

Chương 1: Giới thiệu chung về ngôn ngữ

Chương 2: Các thể tài ngôn ngữ trong hệ thống Kinh tạng

Chương 3: Hiệu quả việc sử dụng các thể tài ngôn ngữ trong việc hoằng dương chánh pháp

sau đó là phần kết luận và thư mục tài liệu tham khảo.

PHẦN NÔI DUNG

CHƯƠNG 1 : GIỚI THIỆU CHUNG VỀ NGÔN NGỮ

1.1. BẢN CHẤT HAY VAI TRÒ CỦA NGÔN NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG THỰC TIỄN

1.1.1. Chức năng của ngôn ngữ

Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội: Nhiều nhà khoa học đã chứng minh ngôn ngữ là một hiện tượng tự nhiên. Do ảnh hưởng thuyết tiến hoá của Đácuyn, một số người cho ngôn ngữ cũng giống như một cơ thể sống, một động vật hoặc một thực vật. Ngôn ngữ hoạt động và phát triển theo quy luật của tự nhiên, nghĩa là tất cả các ngôn ngữ ở mọi nơi và mọi lúc đều phải trải qua các giai đoạn: nảy sinh, trưởng thành, hưng thịnh, suy tàn và diệt vong. Để biện minh cho quan điểm này, người ta đã dẫn ra các hiện tượng nhiều từ cũ, nghĩa cũ đã mất đi; nhiều từ mới, nghĩa mới đã được tạo ra trong các ngôn ngữ, thậm chí một số ngôn ngữ đã trở thành những tử ngữ như tiếng Phạn, Latin.. vv…. Thật ra, quy luật phát triển của ngôn ngữ không giống như quy luật phát triển của tự nhiên. Ngôn ngữ luôn luôn kế thừa cái cũ và phát triển cái mới, không bao giờ bị huỷ diệt hoàn toàn. Một số ngôn ngữ trở thành tử ngữ hoặc là do dân tộc nói ngôn ngữ ấy bị huỷ diệt, hoặc do ngôn ngữ ấy đã được thay thế bằng những ngôn ngữ khác như tiếng Latin, tiếng Phạn và Pàli… dẫu không được dùng như sinh ngữ nhưng những ngôn ngữ trên vẫn để lại nhiều dấu tích trong nhiều ngôn ngữ hiện đại.

Ngôn ngữ là hoạt động không có tính bản năng như : ăn, khóc, cười, chạy, nhảy… của con người mà là một hoạt động huân tập. Nói cách khác, ngôn ngữ không phải là hiện tượng sinh vật vì những hiện tượng sinh vật ấy có thể phát triển ngoài xã hội, trong trạng thái cô độc, còn ngôn ngữ không thể phát triển trong điều kiện như thế. Chẳng hạn, đứa bé sơ sinh sống với loài vật thì sẽ không có những hoạt động như một em bé bình thường mà em sẽ tiếp thu những kỹ năng của đời sống động vật, em sẽ mất đi khả năng tư duy và không thể nói được, nhưng khi trở về với xã hội loài người thì khả năng tư duy và khả năng nói sẽ dần dần hồi phục. Hơn nữa, ngôn ngữ không có tính di truyền như những đặc trưng về chủng tộc như màu da, chủng tộc, tỉ lệ thân thể, cấu trúc xương sọ…một em bé VN nếu sống ở Anh sẽ nói tiếng của người Anh mà không biết tiếng Việt. Ngược lại, đứa trẻ sơ sinh người Anh sống ở VN thì sẽ nói tiếng Việt mà không biết tiếng Anh. Rõ ràng, ngôn ngữ không thuộc các hiện tượng tự nhiên.

Ngôn ngữ không thuộc các hiện tượng tự nhiên, cũng không phải là hiện tượng cá nhân, vậy ngôn ngữ là hiện tượng xã hội. Trong cuốn “Hệ Tư Tưởng Đức”, MÁC và ĂNGGHEN đã viết: “ Ngôn ngữ là ý thức thực tại, thực tiễn. Ngôn ngữ sinh ra là do nhu cầu, do cần thiết phải giao dịch với người khác”. Như vậy, khẳng định ngôn ngữ là hiện tượng xã hội, cũng có nghĩa là thừa nhận ngôn ngữ tồn tại và phát triển theo quy luật khách quan của mình. Trong quá trình phát triển, ngôn ngữ luôn luôn tiếp thu các yếu tố mới ( từ mới, nghĩa mới) để phong phú và hoàn thiện thêm. Khi một nhu cầu nào đó của xã hội nảy sinh, ngôn ngữ thường mách bảo cho con người một phương tiện ngôn ngữ nào đó có thể được dùng một cách mới mẻ trong việc sử dụng từ ngữ. Vì vậy, những cái mới thường đồng thời xuất hiện ở nhiều nơi trong lời nói. Chính vì lẽ ấy, những nhà tư tưởng lớn, chính trị lớn, nhà văn lớn đã đóng vai trò chính đối với sự phát triển ngôn ngữ. Cái cống hiến to lớn của họ là ở chỗ họ làm sáng tỏ, làm bộc lộ khả năng tiềm tàng trong ngôn ngữ, cũng như khả năng ngôn ngữ được nhiều người biết đến và sử dụng, nhờ tài năng của mình, họ có thể nâng chúng lên mức hoàn thiện, chuẩn mực để mọi người noi theo. Như vậy, chẳng những họ đã hiện thực hoá những khả năng tiềm tàng của ngôn ngữ mà còn thúc đẩy ngôn ngữ phát triển theo khả năng đó.

Nhìn chung, ngôn ngữ phục vụ xã hội, làm phương tiện giao tiếp giữa mọi người, làm phương tiện trao đổi ý kiến trong xã hội, làm phương tiện giúp cho mọi người hiểu biết lẫn nhau, con người mới có thể thấu hiểu những tần số tình cảm của nhau, khiến cho đời sống tinh thần của con người ngày càng thăng hoa.

Ngôn ngữ là phương tiện để tư duy

Chức năng giao tiếp của ngôn ngữ gắn liền với chức năng thể hiện tư duy của nó, bởi việc giao tiếp của ngôn ngữ chỉ có thể giúp người ta trao đổi tư tưởng, tình cảm với nhau, hiểu biết lẫn nhau và cùng nhau tổ chức một đời sống mà nơi đó bản thân của ngôn ngữ tàng trữ những kinh nghiệm, những tư tưởng, tình cảm của con người. Nếu như chức năng giao tiếp của ngôn ngữ chỉ thể hiện khi có hành động giao tiếp, tức là khi người ta dùng ngôn ngữ trao đổi với nhau, thì chức năng tư duy của ngôn ngữ là người ta có thể nói một mình, đọc một mình, viết ra giấy mà không nhằm trao đổi với ai. Như vậy, chức năng thể hiện tư duy là chức năng cơ bản của ngôn ngữ , độc lập với chức năng giao tiếp.

Ngôn ngữ là biểu hiện thực tế của tư tưởng: không có từ nào, câu nào mà lại không biểu hiện khái niệm hay tư tưởng. Ngược lại không có ý nghĩ, tư tưởng nào không tồn tại dưới dạng ngôn ngữ.

Ngôn ngữ không trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành tư tưởng. Mọi ý nghĩ, tư tưởng chỉ trở nên rõ ràng khi được biểu hiện bằng ngôn ngữ. Quá trình đi tìm từ cần thiết để nói cũng là quá trình làm cho ý nghĩ, khái niệm trở nên rõ ràng, có thể hiểu được với người nghe cũng như với chính bản thân mình.

Cần nhớ rằng, ngôn ngữ của con người không những chỉ tồn tại dưới dạng tiếng nói mà còn tồn tại dưới dạng biểu tượng âm thanh được chứa trong tiềm thức và dạng chữ viết ra trên giấy. Khi nghe một từ thì một biểu tượng âm thanh xuất hiện, khi nói một từ thì một biểu tượng chuyển động phát âm xuất hiện, khi nhìn một từ được in hoặc viết ra thì biểu tượng thị giác của từ xuất hiện . Cho nên chức năng của ngôn ngữ với tư duy không chỉ thể hiện khi ngôn ngữ được phát thành lời mà cả khi người ta im lặng suy nghĩ hoặc viết ra giấy. Bằng những thí nghiệm cụ thể, nhà ngôn ngữ học Xô Viết Bôrôpxki đã chứng minh sự tồn tại của lời nói bên trong khi người ta im lặng suy nghĩ. Ông đã lấy điện cực hình kim bằng thép gắn vào cơ môi dưới hoặc đầu lưỡi của người được thí nghiệm rồi bảo người này tính nhẩm trong óc những phép tính và tiến hành suy nghĩ thầm lặng, kết quả là người được thí nghiệm tuy tư duy không nói ra tiếng, cũng không thấy khí quan ngôn ngữ hoạt động rõ rệt, nhưng trước sau cũng có thay đổi hoặc nhiều hoặc ít. Những biến đổi điện vị này vừa khớp với những biến đổi điện vị khi phát ra âm thanh ngôn ngữ. Điều đó chứng tỏ có sự hoạt động của lời nói bên trong. Như vậy, ngôn ngữ và tư duy thống nhất với nhau. Không có ngôn ngữ thì cũng không có tư duy và ngược lại, không có tư duy thì ngôn ngữ chỉ là những âm thanh trống rỗng, thực chất là cũng không có ngôn ngữ. Bởi những ý tưởng xuất hiện và tồn tại được là nhờ vào ngữ liệu, là nhờ vào từ ngữ và câu. Tư duy đơn thuần tách khỏi ngữ liệu là không thể có được.

1.1.2. NGUỒN GỐC CỦA NGÔN NGỮ

Nguồn gốc của ngôn ngữ gắn liền với nguồn gốc của xã hội loài người. Nó vừa là vấn đề ngôn ngữ học, vừa là vấn đề lịch sử xã hội loài người. Muốn nghiên cứu vấn đề này cũng cần có sự hiểu biết về kết cấu của ngôn ngữ cụ thể. Song chỉ chừng ấy thôi chưa đủ mà còn phải có kiến thức về lịch sử văn hoá, lịch sử xã hội, nhân loại học, tâm lý học, lịch sử vấn đề phát triển của tư duy…vv…

Để hiểu nguồn gốc của ngôn ngữ, cần phải làm sáng tỏ vấn đề: điều kiện nảy sinh ngôn ngữ ?

Ngôn ngữ bắt nguồn từ trong lao động và cùng nảy sinh với lao động, năng lực tư duy trừu tượng của con người đã lớn lên cùng với lao động, nhưng tư duy không thể tồn tại, thoát khỏi ngữ liệu, cho nên tư duy hình thành thì ngôn ngữ cũng ra đời. Do tư duy trừu tượng phát triển nên nội dung mà con người cần trao đổi với nhau ngày càng phong phú, ngược lại, nhu cầu giao tiếp càng phong phú đòi hỏi tư duy trừu tượng càng phát triển hơn.

Rõ ràng, lao động quyết định sự ra đời của ngôn ngữ. Lao động làm cho người ta cần thiết phải có ngôn ngữ để nói với nhau. Mặt khác, lao động làm cho người ta cần có ngôn ngư õ để tiến hành tư duy, diễn đạt tư tưởng, lấy nó làm nội dung giao tiếp với nhau. Như vậy, lao động quyết định nhu cầu tạo ra ngôn ngữ. Nhưng chỉ có nhu cầu thì vẫn chưa có ngôn ngữ mà con người còn phải có khả năng tạo ra ngôn ngữ nữa. Khả năng tạo ra ngôn ngữ của con người nguyên thuỷ cũng bắt nguồn từ lao động. Muốn có ngôn ngữ phải có tư duy trừu tượng và khả năng phát âm rõ ràng, có như vậy thành quả của tư duy trừu tượng mới trở thành yếu tố ngữ nghĩa của ngôn ngữ.

Tóm lại, bản thân con người cũng như tư duy trừu tượng và ngôn ngữ của nó ra đời cùng một lúc dưới tác dụng của lao động. Ngôn ngữ và tư duy trừu tượng của con người là dấu hiệu phân biệt con người với con vật. Ngôn ngữ âm thanh luôn luôn là ngôn ngữ duy nhất của loài người.

Ngôn ngữ với tư cách là hệ thống tín hiệu thứ hai phải bắt nguồn từ hệ thống tín hiệu thứ nhất ở con người. Hệ thống tín hiệu thứ nhất là tất cả những ấn tượng, cảm giác, biểu tượng thu được từ bối cảnh tự nhiên bên ngoài thông qua những phản xạ, kích thích ở dạng mọi cảm giác: thính giác, thị giác, xúc giác… hệ thống tín hiệu thứ nhất tiến hành giao tiếp trong phạm vi tư duy hình tượng, một mặt nó lấy hình tượng mà bộ máy cảm giác nhận được làm cái biểu hiện còn cái được biểu hiện là tư duy hình tượng. Sự giao tiếp như vậy rất đơn sơ vì nó không có tư duy trừu tượng, nhưng dù sao cũng vẫn có tác dụng giao tiếp. Ngôn ngữ lấy ngữ âm làm vật kích thích vật chất, lấy khái niệm làm nội dung chính của những vật kích thích ấy, cho nên chỉ bộ phận hệ thống tín hiệu thứ nhất nào có tác dụng giao tiếp lấy âm thanh làm vật kích thích mới trở thành ngôn ngữ. Ngoài ra, những bộ phận tiếng kêu trong lao động, tiếng kêu cảm thán có tác dụng giao tiếp với tư cách là hệ thống tín hiệu thứ nhất, đều có thể trở thành những bộ phận cấu thành ngôn ngữ sau này.

Ngôn ngữ Kinh điển Phật giáo cũng mang những chức năng như ngôn ngữ ngoại điển là để giao tiếp và tư duy, nhưng sự tư duy, giao tiếp đó là để đi đến mục đích cuối cùng là giải thoát khỏi những đau khổ vây quanh con người. Nếu như ngôn ngữ ngoại điển hình thành, xuất phát từ trong lao động thì ngôn ngữ Phật giáo được bắt nguồn từ việc tu tập, hàng phục vọng tâm ngay giữa thực tại đời thường. Như vậy, vượt lên trên cả phương tiện giao tiếp và tư duy của ngôn ngữ thông thường, ngôn ngữ Phật giáo là cách khơi gợi, đánh thức tâm tư người nghe, người đọc trở về đối với bản tâm thanh tịnh của chính mình.

CHƯƠNG 2

CÁC THỂ TÀI NGƠN NGỮ TRONG HỆ THỐNG KINH TẠNG

2.1. CÁC THỂ TÀI KINH ĐIỂN

2.1.1. Phân loại thể tài kinh văn

Theo cách phân loại của Từ điển Phật học Hán Việt – NXB KHXH, kinh điển Phật giáo được chia thành 12 loại, tức 12 thể tài, bao gồm :

1- Tu-Đa-La: (Hán dịch là)ụ Khế kinh (Sutta)

2- Kỳ-Dạ: (Hán dịch là) Trùng Tụng (Gaya)

3- Già- Đà: (Hán dịch là) Phúng Tụng (Gàthà)

4- Ni-Đà-Na: (Hán dịch là) Nhân Duyên (Nidàna)

5- Y-Đế-Mục-Đa: (Hán dịch là) Bổn Sanh (jàtaka)

6- I-Ti-Vút-Ta-Ka: (Hán dịch là) Bổn Sự (Itivurtaka)

7- A-Phù-Đạt-Ma (A-Tì-Đạt-Ma): (Hán dịch là) Vị Tằng Hữu (Adbhutadharma)

8- A-Ba-Đa-Na: (Hán dịch là) Thí Dụ (Avadàna)

9- Ưu-Ba-Đề-Xá: (Hán dịch là) Luận Nghị (Upadisa).

10- Ưu-Đà-Na: (Hán dịch là) Tự Thuyết; (Udana);

11- Tì-Phật-Lược: (Hán dịch là) Phương Quảng (Vaipulya)

12- Hoà-Già-La: (Hán dịch là) Thụ Ký (Vyakarama) 

Trong 12 bộ này, 3 bộ Tu-Đa-La, Kỳ-Dạ và Già- Đà làụ thể tài trong kinh văn còn chín thể loại còn lại được phân bố theo từng loại sự việc được ghi trong kinh. Ở đây, Kỳ-Dạ có nghĩa là tảng văn và Già- Đà có nghĩa là thơ, kệ hay bài tụng theo thể thơ hoặc văn xuôi. Tuy nhiên, các thời thuyết giáo của Phật được ghi lại trong toàn bộ kinh điển, thì không thời pháp nào mà Đức Phật không dùng đến các hình ảnh, thí dụ, ẩn dụ, biểu tượng ; hoặc là nói chuyện về tiền thân (Bổn sanh, Bổn sự) của Ngài ; hoặc là nói theo cách lý luận logic (luận thuyết), hoặc là nói đến những truyền thống Phật sử (Vị Tằng Hữu) v.v... Do đó, sự phân loại thể tài ở đây chỉ có ý nghĩa về hình thức thuyết giáo của Phật được ghi lại trong kinh. Theo một cách phân loại khác được ghi lại trong kinh Ví Dụ Con Rắn (Trung Bộ kinh) thì giáo pháp của Phật được phân loại thành 9 thể tài như sau :

1. Kinh (cách gọi chung): Khế Kinh

2. Ứng tụng

3. Giải thuyết

4. Kệ tụng

5. Cảm hứng ngữ

6. Như thị ngữ

7. Bổn sinh, Bổn sự

8. Vị tằng hữu

9. Phương quảng

2.1.2. Ý NGHĨA CỦA CÁC THỂ TÀI

1- Kinh (Sùtra) : Những điều Đức Phật dạy cho hàng đệ tử tu tập để đi đến giác ngộ, giải thoát.

2- Ứng tụng (Gaya) : Sự (truyền tụng) ghi lại lời Đức Phật dạy theo thể tản văn.

3- Kệ tụng (Gàthà) : Sự (truyền tụng) ghi lại lời Đức Phật dạy theo thể thơ, kệ.

4- Như thị ngữ (Itivuttaka) : Sự ghi chép lại những điều được nghe từ Đức Phật nói, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong Tiểu Bộ kinh, tập IV, HT.Thích Minh Châu đã ghi chú về ý nghĩa của "Như thị ngữ" như sau :

"...Sở dĩ được gọi là "Itivuttaka : Thuyết như vậy", là vì phần lớn các kinh này đều bắt đầu với câu : "Đây là điều đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến và tôi đã được nghe", và được kết luận với câu : "Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe". Và (theo truyền thống), trong tập sớ của Dhammapàda nói rằng, có một nữ cư sĩ tên là Khujjyuttarà, nàng thường ngồi sau bức màn để nghe mọi khi Đức Phật thuyết pháp ; và do đó, đã trở thành bậc đa văn - thông tuệ. Về sau, Vua Udena đã mời nàng nói lại giáo pháp và nàng đã được Đức Phật khen ngợi là đa văn đệ nhất.

5- Bổn sanh (Jàtaka) : Sự ghi chép lại chuyện tiền thân của Đức Phật theo lời Đức Phật kể.

6- Vị tằng Hữu (Adbhutahdarma) : Sự ghi chép lại những sự việc hy hữu (hiếm có) trong đời, như chuyện các Đức Phật quá khứ v.v... do Đức Phật kể lại.

7- Cảm hứng Ngữ (Udana) - còn gọi là kinh Phật tự thuyết hay Vô vấn tự thuyết : Sự ghi chép lại những điều do Đức Phật tự nói ra trong những nhân duyên (trường hợp) đặc biệt.

8- Phương quảng (Vaipulya) : Sự ghi chép lại những cuộc thảo luận của các vị Thánh đệ tử được Đức Phật xác nhận là phù hợp với Phật ý, chánh pháp.

9- Giải thuyết (Upadisa) : Sự ghi chép lại những điều luận giải về chánh pháp của Đức Phật và các bậc A la hán.

Cách phân loại này xác thực hơn so với các thể tài. Tuy nhiên, như đã đề cập, sự phân loại thể tài thuyết giáo của Phật chỉ mang ý nghĩa khái quát về mặt thể loại văn học. Như chúng ta biết, ngôn ngữ mang nhiệm vụ truyền tin, đặc biệt, ngôn ngữ Kinh tạng Phật giáo là những thông điệp mang đến sự giác ngộ, giải thoát cho nhân loại. Khi Đức Phật thuyết pháp, mục đích cuối cùng của Ngài là mong muốn cho mọi người được an vui, sống cùng giáo pháp, thực hành nó và tạo hạnh phúc trong đời người. Trong kinh Pháp Hoa, Phật ví giáo pháp của Ngài như một trận mưa, mà căn cơ của thính chúng là rừng cây; cây lớn hấp thụ nhiều nước, cây nhỏ hấp thụ nước ít hơn… Cũng như trong hàng thính chúng, giáo pháp thấm nhuần tâm tư mỗi người tuỳ theo căn cơ của họ. Vì thế, chúng ta cần tìm hiểu cách trình bày văn bản Kinh điển, sẽ thấy được Đức Phật là vị Giáo sư tâm lý học 

2.2. CÁCH TRÌNH BÀY VĂN BẢN KINH ĐIỂN:

a) Lý do Đức Phật nói (Duyên khởi)

b) Địa điểm Đức Phật nói (không gian)

c) Thời gian Đức Phật nói (thời gian)

d) Đối tượng nghe Đức Phật nói (đối tượng)

e) Nội dung Đức Phật nói (giáo pháp).

Về cách trình bày một bản kinh, gồm có 3 phần :

- Phần Tựa : Giới thiệu về duyên khởi, không gian, thời gian, đối tượng và đầu mối vấn đề chính...

- Phần Chánh tông : Trình bày nội dung của giáo pháp. Cách trình bày cũng được đề cập theo thứ tự, như một, hai, ba, bốn... Tuy nhiên, trong phần này các Kinh được trình bày rất khác nhau, tùy theo từng loại sự việc mà tường thuật

- Phần Lưu thông : Trình bày sự kết thúc của buổi thuyết pháp... và sự xác chứng của Phật cũng như sự hoan hỷ thực hành hoặc sự chứng ngộ của đối tượng nghe pháp.

Cụ thể của cách trình bày bản kinh tiêu biểu

A. Mở đầu:

Duyên khởi Kinh

Thời gian: ví dụ “Một thời bấy giờ…”ụ

Không gian: ví dụ: “Savatthi, tại Jetavana, vườn ông Anathapindika…”

Người nói – chủ thể: Đức Thế Tôn

Nội dung thông điệp chính:

Người nghe- đối tượng: hàng đệ tử xuất gia - tại gia

B. Nội Dung Chính

Vào đề

Lý do của vấn đề

Giải quyết Vấn đề

Lời tán dương, thọ ký:

C. Xác nhận

Xác chứng của Phật:

Sự tỏ ngộ của đối tượng: ví dụ “Bạch Đức Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và chúng Tỷ kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng” [Kinh Trung Bộ]

Sự hoan hỷ của Đại chúng: “Thật vi diệu thay, bạch Đức Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích…” [Kinh Trung Bộ]

2.3. CÁC LOẠI HÌNH NGÔN NGỮ TRONG KINH TẠNG PHẬT GIÁO

Có thể nói, sự phân loại thể tài trong Kinh tạng Phật giáo chỉ là sự khái quát về mặt hình thức và mang tính ước lệ. Bởi lẽ, mỗi một thể tài khác nhau được sử dụng nhiều loại hình ngôn ngữ tương tự. Theo thực tế, có bao nhiêu tâm lý khác nhau, có bao nhiêu trình độ khác nhau, có bao nhiêu chiều hướng tư duy khác nhau, có bao nhiêu cảm xúc khác nhau… tuỳ theo sự tiếp nhận của đối tượng mà có bấy nhiêu ngôn ngữ khác nhau. Bởi ngôn ngữ là hình thức của tư duy, là phương tiện giao tiếp. Và do đó, tuỳ theo sự tư duy, tuỳ theo hoàn cảnh giao tiếp mà ngôn ngữ được thể hiện và sẽ biểu thị sự linh hoạt của nó.

Song, đặc trưng ngôn ngữ Phật giáo luôn dùng những mỹ từ pháp, ái ngữ để tiếp xúc với đối tượng nhằm mang lại sự an lạc, hạnh phúc cho mọi người. Với tiêu chí từ bi, trí tuệ, Đức Phật tránh dùng từ làm tổn thương người khác, Ngài chỉ nói những lời nói thích đáng, có lợi ích cho người, như đoạn kinh sau đây mô tả: “ Bất cứ lời nào, Đức Như Lai biết là không thật, không đúng, đưa đến tai hại, làm người khác buồn khổ không thích ý, Như Lai không nói lời ấy. Bất cứ lời nói nào, Như Lai biết là không thật, không đúng, đưa đến tai hại, nhưng dễ nghe và người khác ưa thích, Như Lai không nói lời ấy. Bất cứ lời nói nào, Như Lai biết là thật, là đúng, nhưng đưa đến tai hại, làm người khác buồn khổ không thích, Như Lai không nói lời ấy. Bất cứ lời nói nào, Như Lai biết là thật, là đúng, đưa đến lợi ích, nhưng khó nghe và làm cho người khác không thích, Như Lai biết thời để nói lời ấy. Bất cứ lời nào, Như Lai biết là thật, là đúng, nhưng có hại, thì mặc dù vui tai và làm kẻ khác ưa thích, Như Lai không nói lời ấy. Lời nói nào, Như Lai biết là thật, là đúng, đưa đến lợi ích, dễ nghe, làm kẻ khác ưa thích, Như Lai biết thời để nói lên lời ấy”, “ có năm loại ngôn ngữ mà các người có thể dùng khi nói với người khác: đúng thời hay phi thời, chơn thực hay không chơn thực, nhu nhuyến hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm” [ 2, 286 -287]

Và như vậy, ngôn ngữ Phật giáo chính là Tâm ngữ vì nó xuất phát từ tâm từ bi vô cùng của Đức Phật nên các loại hình ngôn ngữ Phật giáo cũng theo tiêu chí đó. Một cách khái quát, có thể đề cập đến một số loại hình ngôn ngữ được diễn đạt trong Kinh tạng như: Ngôn ngữ ẩn dụ, thí dụ; Ngôn ngữ biểu tượng; Ngôn ngữ thiền định, tư duy…

2.3.1. Ngôn ngữ ẩn dụ và thí dụ

2.3.1.1. ngôn ngữ ẩn dụ

Aăn dụ là biện pháp tu từ liên tưởng, so sánh ngầm, nghĩa là sự định danh thứ hai mang ý nghĩa hình tượng, dựa trên sự tương đồng hay giống nhau giữa khách thể A được định danh với khách thể B có tên gọi được chuyển sang dùng cho A. Ví dụ: trong truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

“Giá đành trong nguyệt trên mây

Hoa sao hoa khéo đoạ đày bấy hoa”

Hoa B mang ý nghĩa ẩn dụ, chỉ người phụ nữ có nhan sắc A

Đức Phật đã sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ một cách thiện xảo nhằm nói lên sự đa dạng, phong phú của trạng thái tâm thức trong đời sống con người: lúc khổ đau, khi an lạc; lúc hư nguỵ, khi chân thật… đồng thời dùng nó để diễn tả, giới thiệu một cảnh giới giải thoát tự tâm khỏi mọi hệ luỵ cuộc đời. Đời sống tâm thức con người chính là những cặp phạm trù đối lặp: mê - ngộ; sinh - diệt; còn - mất; có - không; tốt - xấu; yêu thương - thù hận; sinh - diệt; khổ đau - hạnh phúc; mong chờ - né tránh;……tất cả các yếu tố trên tuy khác biệt hoàn toàn nhưng là những cặp song sinh thường trực trong tâm thức. Nó không ồ ạt hiện ra bên ngoài mà lặng lẽ nằm trong tàng thức. Tuỳ theo trạng thái tâm thức mà những hạt giống này biểu hiện ra bên ngoài, trạng thái ấy lại tuỳ thuộc vào ý chí, khát vọng của chúng hữu tình. Có thể nói, kinh Dhammapada (Pháp Cú) là một bộ kinh dùng loại hình ngôn ngữ “ẩn dụ” và “thí dụ” hết sức đặc sắc. Như khi để phân biệt sự trầm luân và giải thoát, giác ngộ, Đức Phật dùng ẩn dụ bờ này và bên kia bờ:

“Ít người giữa nhân loại,

Đến được bờ bên kia.

Còn số người còn lại,

Xuôi ngược chạy bờ này.” (PC 85)

“Những ai hành trì pháp,

Theo chánh pháp khéo dạy,

Sẽ đến bờ bên kia,

Vượt ma lực khó thoát.” (PC 86)

Đức Phật còn ẩn dụ “ái” là người làm nhà, với “đòn tay” là thân và “kèo cột” là phiền não. Những thứ ấy đã tạo nên “cái nhà”. Cái nhà ấy chính là thân người đầy phiền phức và rối rắm bởi những vật liệu xây nên ngôi nhà đã mang những tính chất ấy rồi:

“Lang thang bao kiếp sống,

Ta tìm nhưng chẳng gặp,

Người xây dựng nhà này,

Khổ thay phải tái sanh.

Ôi! người làm nhà kia,

Nay ta đã thấy ngươi!

Ngươi không làm nhà nữa,

Đòn tay ngươi bị gãy,

Kèo cột ngươi bị tan” (PC 153-154)

Lại nữa, Đức Phật còn dùng các hình ảnh “ dòng sông yêu thương” hay “36 dòng ái” để nói lên sức tuôn chảy mãnh liệt, bền bỉ của lòng yêu thương, ái dục:

“Dòng ái dục chảy khắp 

Như dây leo mọc tràn . (PC 340)

Ba mươi sáu dòng ái,

Trôi người đến khả ái,

Các tư tưởng tham ái,

Cuốn trôi người tà kiến. (PC 339)

Chính tham ái này đưa đến tái sinh, dòng ái này cuốn phăng con người vào dòng xoắn sanh tử bất tận, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, con người không thể chận đứng dòng xoáy ấy. Vì thế mà các kinh gọi là sanh tử triền miên, trôi lăn. Cái khát vọng trở nên, trở thành của con người thật mãnh liệt. Phật dạy: “ Khi người ta hiểu tư niệm thực, người ta sẽ hiểu được ba hình thức khát ái”. Đó là dục ái, hữu ái, vô hữu ái. Hay nói khác hơn chính là dục vọng, ý chí muốn sống, muốn tồn tại, muốn tái sinh, muốn trở thành, muốn tăng trưởng, muốn tích luỹ không ngừng. Đó là nguyên nhân phát sinh đau khổ. Dục vọng ấy nằm trong hành uẩn, một trong năm uẩn cấu tạo nên hình hài mới chúng sanh. Cái ý chí, nhu cầu hiện hữu ấy đã thúc đẩy dòng sông ái vận hành tương tục. Tu theo đạo Phật là phải vượt qua sông ái, vượt qua dòng thác sanh tử, trầm luân.

“Tỳ Kheo tát thuyền này.

Thuyền không nhẹ đi mau.

Trừ tham diệt sân hận,

Tất chứng đạt Niết Bàn. (PC 369)

“Đoạn năm, từ bỏ năm,

Tu tập năm tối thượng.

Tỳ kheo vượt năm ái.

Xứng danh vượt bộc lưu” ( PC 370)

2.3.1.2. Ngôn ngữ thí dụ

Ngôn ngữ “thí dụ” là ngôn ngữ diễn đạt về một hình ảnh cụ thể, một trường hợp cụ thể để minh hoạ cho vấn đề được nêu ra. Trong các thời thuyết giảng của Đức Phật đều có những thí dụ cụ thể để minh hoạ cho pháp môn tu tập của Ngài. Kinh tạng Phật giáo có thể là đặc trưng cho loại hình ngôn ngữ này bởi có quá nhiều “ví dụ” mà Đức Phật đã dùng được tóm lược thành bách dụ như Kinh Bách Dụ. Kinh Pháp Cú cũng là bản kinh nổi bật về ngôn ngữ thí dụ. Có những thí dụ dễ hiểu, gần gũi, có liên quan đến sự việc, hiện tượng có ảnh hưởng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của con người như: người chăn bò, gậy gộc, hoa lài (vassika), vầng trăng, mây, muổng canh, ruộng vườn, cỏ, voi…

“ Với gậy người chăn bò.

Lùa bò ra bãi cỏ,

Cũng vậy, già và chết

Lùa người đến mệnh chung” (PC 135)

“Như hoa Vassikà,

Quăng bỏ cánh úa tàn;

Cũng vậy vị Tỳ kheo,

Hãy giải thoát tham sân. (PC 377)

“Cỏ làm hại ruộng vườn,

Tham (sân, si, dục…) 

làm hại người đời…”

( PC 356,357, 358,359)

“Tỳ kheo tuy tuổi nhỏ.

Siêng tu giáo pháp Phật,

Soi sáng thế gian này,

Như trăng thoát khỏi mây” ( PC 382)

Trong Kinh tạng Nikàya, đặc biệt là kinh Trung Bộ, Đức Phật đã sử dụng rất nhiều ngôn ngữ ẩn dụ để làm sáng tỏ điều mà Ngài cần đề cập, có thể đó là ẩn dụ liên quan đến loài vật, có thể đó là ẩn dụ liên quan đến sự việc, hiện tượng… để ẩn dụ cho đời sống Sa môn hạnh, phạm hạnh. Ví dụ Ngài đã dùng tiếng hống của Sư Tử – bậc Chúa Sơn Lâm- để liên hệ đến giáo pháp của Ngài là: Mười lực của Như Lai, Bốn Vô uý và những đức thù thắng khác. Nhờ thành tựu những pháp trên, Như Lai tự nhận địa vị Ngưu Vương – rống tiếng Sư tử giữa các hội chúng và chuyển bánh xe pháp [2,161]. Khi nói về sự nguy hiểm của các “dục”, Đức Thế Tôn đã thuyết các “dục” giống như khúc xương, như miếng thịt, như bó đuốc cỏ khô, như hố than hừng, như giấc chiêm bao, như vật dụng cho mượn, như trái cây chín, như lò thịt, như gậy nhọn, như Rắn hai đầu, vui ít khổ nhiều, não nhiều, nguy hiểm càng nhiều hơn. Để chỉ cho giáo pháp của Ngài là phương tiện chứ không phải là cứu cánh, Đức Phật dùng hình ảnh chiếc bè dùng để qua sông chứ không phải để thờ phượng, mang vác [2, 295] 

Phật cũng trả lời cho một câu đố của một vị Trời: có gò mối ban đêm phun khói, ngày chiếu sáng, một Bà La Môn bảo kẻ Trí hãy cầm gươm đào lên. Kẻ trí làm theo lời Bà La Môn, tuần tự đào lên và lấy những vật sau đây: 1 Then cửa, một Con nhái, một cái chỉa, một cái lọc, một con rùa, một cái dao phay, một miếng thịt. Cuối cùng gặp một con Rắn hổ, Bà La Môn bảo kẻ trí hãy để yên con Rắn và đãnh lễ nó? Phật đã giải ẩn ngữ trên như sau: Gò Mối là thân tứ đại, đêm phun khói là suy nghĩ, ngày chiếu sáng là thực hiện những gì ban đêm đã suy nghĩ, Bà La Môn là Đức Phật, bậc Chánh Đẳng Giác, kẻ trí là Tỳ kheo bậc hữu học, cây gươm là trí tuệ bậc thánh, đào là tinh tấn; tinh cần, then cửa là vô minh, đem then cửa lên là từ bỏ vô minh, con nhái là phẩn nộ hiềm hận, cái chỉa hai ngã là nghi hoặc, đồ lọc là 5 triền cái, con rùa là ngũ thủ uẩn, dao phay là 5 dục trưởng dưỡng, miếng thịt là hỷ tham, đào lên có nghĩa là từ bỏ tất cả những thứ ấy, cuối cùng con Rắn hổ là vị đã diệt tận lậu hoặc, đang đảnh lễ [2, 323].

Phật còn dùng ví dụ những thợ bẫy nai để biểu thị cho Tỳ Kheo và những chướng ngại họ gặp phải trong khi nỗ lực thoát khỏi sự khống chế của Ma vương. Thợ săn nai đặt mồi ngon cho nai đến không phải vì thương bầy nai mà vì muốn hại, cũng như thế là cạm bẫy ngũ dục mà Thiên ma đặt để dụ người tu hành. Phật đưa ra hình ảnh 4 đàn Nai: Đàn thứ nhất tham ăn sa ngay vào mồi nên bị kẻ giăng bẫy tóm gọn, dụ cho những Sa môn, Bà la môn tham đắm ngũ dục thế gian, bị ác ma tóm. Đàn nai thứ hai tránh vào rừng sâu, thiếu cỏ nước một thời gian dài không chịu nổi, trở ra vì đói khát tham ăn, không canh chừng nên cũng sa vào cạm bẫy như đàn nai đầu, dụ cho những Sa Môn, Bà La Môn do tu khổ hạnh ép xác quá độ nên kiệt sức, không còn tinh tấn, do không còn tinh tấn, tâm giải thoát cũng bị kiệt quệ, họ cũng sa vào thế lực của ác ma như đàn đầu tiên. Đàn thứ ba rút kinh nghiệm làm một chỗ ẩn núp gần nơi giăng mồi để đến ăn một cách chừng mực rồi rút về ở ẩn, người giăng bẫy không bắt được đàn Nai, ra sức bao vây cuối cùng cũng tìm được nơi ẩn náu của chúng, dụ cho những Sa môn, Bà la môn không bị phóng dật theo Ngũ dục như hai đàn trước, nhưng lại có tà kiến về thế giới thường, vô thường, hữu biên vô biên, Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết..vv…tà kiến ấy ví như một chỗ nấp mà thợ săn có thể tìm thấy, như vậy họ cũng không thoát khỏi thế lực ác ma. Đến lượt bầy nai thứ tư, làm một chỗ nấp mà thợ săn không thể đến được, đến ăn mồi vừa phải rồi rút đi an toàn, dụ cho Tỳ kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú 4 thiền, bốn định Vô sắc, diệt thọ tưởng, khiến ác ma không tìm thấy được đường đi lối về của mình vì vị ấy không còn tham đắm bất cứ gì trên đời [2, 343].

Kế tiếp, Phật dùng hình ảnh người thợ rừng theo dấu một con Voi lớn để giải thích làm cách nào để đệ tử đạt đến sự xác tín hoàn toàn đối với chân lý Ngài dạy “ Vị Thánh đệ tử sau khi thực hành pháp, chứng Tứ Thiền, Tam Minh, vị ấy liễu tri: sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui đời sống này nữa”. Vị ấy kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, pháp được Thế Tôn khéo giảng, chúng Tăng khéo hành trì” [2, 391].

Để tiếp tục về ẩn dụ “Dấu chân voi” theo kinh Trung Bộ ghi lại, tôn giả Xá Lợi Phất đã khởi đầu bằng tuyên bố về Bốn Chân Lý. Bốn Chân Lý là pháp thiện lớn nhất trong tất cả thiện pháp như Dấu chân voi lớn nhất trong các dấu chân [2, 409].

Vương Tử Jayasena đến xin Sa Di Aciravata dạy lại cho mình pháp ông đã được nghe, theo đó một Tỳ kheo nhiệt tâm tinh cần có thể đắc Định. Sa di từ chối, nhưng trước sự van xin của Vương tử, Sa di bằng lòng nói pháp mà ông đã được nghe và học, nhưng Vương tử không hiểu ý nghĩa thì cũng không được hỏi, Vương tử bằng lòng. Sau khi Sa di nói pháp, Vương Tử bảo làm gì có chuyện một Tỳ kheo không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần lại có thể đắc định và Vương tử ra về. Sa di đến hầu Phật thuật lại mọi sự. Phật dạy dĩ nhiên vì Jayasena đang sống trong dục lạc, bị dục lạc nhai nghiến nên không thể hiểu những gì mà người cần phải xa lìa các dục mới hiểu được. Rồi Phật lấy ví dụ con voi chưa được thuần hoá không thể đạt đến địa vị chỉ có thể đạt bởi voi thuần; và ví dụ về người đang đứng trên núi tả phong cảnh trên đỉnh cho một kẻ đang đứng dưới chân núi, kẻ sau này vì bị ngọn núi che tầm mắt nên không thể thấy gì, sẽ cho rằng người trên đỉnh nói không thật. Cũng vậy Vương tử đối với Sa di như con voi rừng đối với voi đã luyện, như người đứng dưới chân núi với kẻ đứng trên đỉnh. Khi người ở dưới cũng leo lên đến đỉnh thì sẽ thấy như bạn mình đã thấy, hiểu mình đã bị chướng ngại nên không thấy được. Nhưng chướng ngại của Vương tử còn nặng nề hơn nhiều, vì ông ta bị đống vô minh che khuất trong khi sống với dục lạc, làm sao có thể thấy những gì cần được thấy nhờ ly dục? Phật lại giảng rộng thêm về ẩn dụ luyện voi để ví với sự đào luyện một người từ địa vị phàm phu đến chứng đắc quả vị thánh, như con voi rừng được điều phục bỏ những thói rừng rú, kham nhẫn với điều kiện khắc nghiệt trở thành voi được thuần hoá. Cũng vậy, một Tỳ kheo sau khi xuất gia từ bỏ gia đình , được Phật huấn luyện giữ giới, hộ trì căn, tiết độ ăn uống, chú tâm cảnh giác, gột sạch tâm khỏi chướng ngại pháp, chánh niệm tỉnh giác trong các oai nghi, tu tập thiền định gột trừ 5 triền cái, quán tứ niệm xứ điều phục tham ưu, chứng tứ thiền, chứng quả Alahán. Vị Tỳ kheo ấy nhẫn chịu được sự nóng lạnh đói khát, từ bỏ tham, sân, si, xứng đáng sự lễ bái cúng dường của thế nhân, như con voi không được điều phục khi còn sống thì khi chết, nó sẽ đón nhận một cái chết không được điều phục bất kể con voi ấy trẻ hay già, một Tỳ kheo cũng vậy [3, 338 – 352]. 

Các thí dụ trong Kinh tạng Nam truyền dễ hiểu đơn giản, gần gũi với sự việc hiện tượng trong đời sống sinh hoạt của con người. Ngược lại, các thí dụ trong Kinh tạng Bắc truyền triết lý, sâu xa, và hết sức thâm thuý uyên áo. Một khi độc giả đã quen với cách sử dụng các thí dụ trong hệ Kinh tạng Nam truyền mới có thể dần dần hiểu được ý chỉ của các thí dụ trong hệ Kinh tạng Bắc truyền, điển hình thí dụ trong kinh Pháp Hoa, nếu không có sự tìm hiểu, thâm nhập, thực nghiệm thì hành giả khó có thể nắm bắt được.

Trong Kinh Pháp Hoa có đến 9 Dụ:

1. Dụ Nhà lửa ( phẩm Thí dụ thứ 3)

2. Dụ Chàng Cùng tử ( phẩm Tín giải thứ 4)

3. Dụ Cỏ thuốc ( phẩm Dược thảo dụ thứ 5)

4. Dụ Hoá thành ( phẩm Hoá thành Dụ thứ 7)

5. Dụ Cột Châu chéo áo ( phẩm Ngũ Bá Đệ tử Thọ ký thứ 8)

6. Dụ Cao Nguyên đào giếng ( phẩm Pháp sư thứ 10 )

7. Dụ Viên Minh Châu trong Búi Tóc ( phẩm An Lạc hạnh thứ 14 )

8. Dụ Cha Trẻ Con Già ( phẩm Tùng Địa Dõng Xuất thứ 15 )

9. Dụ Vị Lương Y ( phẩm Như Lai Thọ Lượng thứ 16)

Ví như Dụ Nhà lửa, kể về một Trưởng giả giàu có. Toà nhà của ông rất lớn nhưng chỉ có một lối ra. Con cái của ông đang vui chơi trong đó. Toà nhà đang bốc cháy, các con ông vẫn không hề hay biết, mãi tung tăng vui đùa trong đó. Ông đã phải dùng các xe dê, xe hươu, xe trâu để dụ các con của ông ra khỏi. Ngôi nhà lửa ở đây là ngôi nhà tam giới cũ mục - ngôi nhà vọng tâm của tất cả chúng sanh. Các người con đang vui chơi trong nhà lửa mà không biết ngôi nhà đang bị bốc cháy là dụ cho chúng sanh bị sanh, già, bệnh, chết, lo buồn khổ não đốt cháy. Trưởng giả đã dùng 3 loại xe để dụ các con ra khỏi nhà lửa là Phật đã dùng 3 Thừa: Thanh văn, Duyên giác và Phật thừa để dắt chúng sanh ra khỏi các nẻo luân hồi. Cuối cùng, Phật chỉ đem Phật thừa là cổ xe lớn , trang nghiêm nhất để ban cho chúng sanh. Đến dụ lương y, kinh nói về người thầy thuốc hay, có nhiều con cái. Do có duyên đến nước xa, các người con ở nhà uống lầm thuốc độc. Bấy giờ, người cha từ nước xa trở về, thấy các con bị điên loạn, y theo các kinh phương, kê lương dược cho các con uống để trừ bịnh hoạn. Có người con chưa thất tâm thì uống thuốc, có người đã thất bổn tâm rồi thì không chịu uống. Vị lương y bèn bày chước phương tiện khiến các con uống thuốc này: ông đi đến nước khác, sai sứ về bảo rằng ông đã chết. Các người con nghe như thế, lòng thật thương tâm, tỉnh ngộ, liền uống thuốc, bệnh độc đều lành. Dụ này ví lương y là Phật, từ khi thành Phật đến nay đã vô lượng, vô biên a tăng kỳ kiếp, vì chúng sanh dùng sức phương tiện nói : “ sẽ diệt độ”, đưa ra những pháp môn tu tập giúp chúng sanh thoát khỏi bệnh tâm. Tất cả 9 dụ đều có thâm ý vô cùng sâu sắc. Với tư duy thông thường, người đọc khó thể hiểu được…..

Trong Kinh Hoa Nghiêm thì có thí dụ lâu các Tỳ Lô Xá Na… độc giả muốn hiểu được tôn chỉ của Kinh hay ý chỉ lời dạy của Phật chỉ cần nghiên cứu về các dụ này. Thông qua các dụ này, người đọc chiêm nghiệm, tự thân thấy rõ chân tướng của giáo pháp. Ở đây, ẩn dụ và thí dụ dường như là một, bởi nghệ thuật dùng từ ngữ đã đạt đến sự điêu luyện. Nếu ẩn dụ và thí dụ xuất hiện với tần số cao thì ẩn dụ ấy có tính ước lệ hoá, biểu tượng hoá. Đọc kinh Phật, quả là một thử thách đối với người đọc, cả một chuỗi ẩn ngữ mà Đức Phật đã dùng đã khiến cho người đọc từ thích thú tò mò muốn khám phá đi đến một ấn tượng khó quên nghĩa là ghi nhớ rõ ràng. Ngày nay, cách dùng ẩn dụ để thuyết giảng là một phương pháp tối ưu được mọi người tiếp nhận một cách hữu hiệu.

2.3.2. NGÔN NGỮ BIỂU TƯỢNG

Nếu như ngôn ngữ ẩn dụ – thí dụ là ngôn ngữ nổi bật thường được sử dụng trong Kinh tạng nguyên thuỷ, đặc biệt là Kinh Pháp Cú thì ngôn ngữ biểu tượng là ngôn ngữ tiêu biểu cho Kinh tạng Đại thừa, nhất là Kinh Pháp Hoa. Hầu hết các kinh Đại thừa đều được diễn đạt bằng ngôn ngữ biểu tượng. Nói như vậy không có nghĩa là trong Kinh tạng nguyên thuỷ không có ngôn ngữ biểu tượng mà rải rác trong các kinh Đức Phật vẫn hay dùng các hình ảnh biểu tượng. Điều cần phân biệt ở đây là ngôn ngữ biểu tượng khác với hình ảnh biểu tượng. Bởi hình ảnh biểu tượng trong kinh nào cũng có nhưng ngôn ngữ biểu tượng là ngôn ngữ đặc thù của Kinh tạng Đại thừa.

Biểu tượng là biểu tượng về một cái gì khác nó, chứ không phải là về chính nó như nói Hoa sen là biểu tượng cho một vị Phật, nói đến Hoa sen, người ta nghĩ ngay đến những đặc tính của nó:

o Mọc trong bùn nhưng không bị ô nhiễm mùi bùn

o Trải qua thời gian, Hoa sen dù như thế nào vẫn nở tròn đầy

o Trong hoa có nhuỵ, đài, gương, hạt…biểu thị nhân quả đồng thời

Những đặc tính ấy của Hoa sen biểu thị cho Phật tính của mỗi con người. Ý nghĩa của nó như sau:

o Sự giác ngộ giải thoát nằm trong sự trầm luân sanh tử, lìa đời không có giải thoát, lìa bùn không có Hoa sen.

o Dù thời gian tu tập có dài xa, mỗi con người đều sẽ trở thành vị Phật, như lời Phật đã nói “ Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”

o Trong một bản thể tâm vốn chứa đầy mỗi đức tính, như tất cả chủng tử nằm sâu trong chiều sâu tàng thức.

Trên cơ sở ấy, Hoa sen trở thành chủ đề trung tâm của toàn bộ kinh Pháp Hoa, cũng như biểu tượng đặc thù trong Kinh tạng Phật giáo. Ngôn ngữ biểu tượng là ngôn ngữ mang đầy màu sắc hình ảnh. Điều này có thể được xem là hiện tượng luận. Kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm có thể được xem là hình thức của hiện tượng luận. Dưới đây xin trích phẩm “Hiện Bửu Tháp” trong Kinh Pháp Hoa:

“…Bấy giờ Phật phóng một lằn sáng nơi lông trắng giữa chặn mày, liền thấy năm trăm muôn ức na- do- tha hằng hà sa cõi nước ở phương Đông. Các cõi nước đó đều dùng pha lê làm đất, cây báu, y báu để làm đồ trang nghiêm, vô số nghìn muôn ức Bồ Tát đầu dẫy trong nước đó, khắp nơi giăng màn báu, lưới báu phủ trên, Đức Phật trong nước đó đều dùng tiếng lớn tốt mà nói các pháp, và thấy vô lượng nghìn muôn ức Bồ Tát khắp đầy trong nước đó đối với chúng sanh mà nói pháp, phương Nam, Tây, Bắc, bốn phía trên dưới chỗ tướng sáng lông trắng chiếu đến cũng lại như thế. Lúc đó, các Phật ở mười phương đều bảo chúng Bồ Tát rằng: “ Thiện nam tử! Ta nay phải qua thế giới Ta Bà, chỗ của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, cùng để cúng dường tháp báu của Đa Bửu Như Lai”. Lúc bấy giờ cõi Ta Bà liền biến thành thanh tịnh, đất bằng lưu ly, cây báu trang nghiêm, vàng ròng làm dây để giăng ngăn tám đường, không có các tụ lạc làng xóm thành ấp biển cả, sông ngòi, núi sông cùng rừng bụi. Đốt hương báu lớn, hoa Mạn đà la trải khắp cõi đất, dùng lưới màn báu giăng trùm ở trên, treo những linh báu, chỉ lưu lại chúng trong hội này, dời các trời người để ở chỗ khác.

Lúc đó các Đức Phật đều đem theo một vị Bồ tát lớn để làm thị giả qua cõi Ta bà đều đến dưới cây báu, mỗi mỗi cây báu cao năm trăm do tuần, nhánh lá bông trái thứ lớp rất trang nghiêm. Dưới các cây báu đều có toà Sư tử cao năm trăm do tuần cũng dùng đồ báu tốt mà trau dồi đó. Khi ấy các Đức Phật đều ngồi xếp bằng trên toà này, khắp đầy cả cõi tam thiên đại thiên mà ở nơi thân của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật phân ra trong một phương vẫn còn chưa hết.

Bấy giờ, Đức Thích Ca Mâu Ni vì muốn dung thọ các vị Phật của mình phân thân, nên ở tám phương lại biến thành hai trăm muôn ức Na- do- tha cõi nước, đều làm cho thanh tịnh, không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cùng A tu la, cũng dời các trời người để ở chỗ khác.

Những nước của Phật biến hoá ra đó cũng dùng lưu ly làm đất, cây báu trang nghiêm cao năm trăm do tuần, nhánh lá bông trái thứ lớp rất tốt đẹp. Dưới các cây báu đều có toà Sư tử cao năm trăm do tuần cũng dùng đồ báu tốt mà trau dồi đó. Những nước đó cũng không có biển cả sông ngòi và các núi lớn: núi Mục Chơn Lân Đà, núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, núi Tu Di.vv… thông làm một cõi nước Phật, đất báu bằng thẳng, cây báu xen lẫn nhau làm màn trùm khắp ở trên, treo các phan lọng, đốt hương báu lớn, các hoa trời báu trải khắp trên đất.

Đức Thích Ca Mâu Ni Phật vì các Phật sẽ đến ngồi, nên ở nơi tám phương lại đều biến thành hai trăm muôn ức na- do- tha cõi nước, đều làm cho thanh tịnh, không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cùng A tu la, lại dời các hàng trời người để ở chỗ khác. Những nước biến hoá ra đó cũng dùng lưu ly làm đất, cây báu trang nghiêm cao năm trăm do tuần, nhánh lá bông trái thứ lớp rất tốt đẹp. Dưới các cây báu đều có toà sư tử cao năm trăm do tuần cũng dùng đồ báu tốt mà trau dồi đó. những nước đó cũng không có biển cả sông ngòi và các núi lớn: núi Mục Chơn Lân Đà, núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, núi Tu Di.vv… thông làm một cõi nước Phật, đất báu bằng thẳng, cây báu xen lẫn nhau làm màn trùm khắp ở trên, treo các phan lọng, đốt hương báu lớn, các hoa trời báu trải khắp trên đất.

Bấy giờ, ở phương Đông, các Đức Phật trong trăm nghìn muôn ức na- do-tha hằng hà sa cõi nước của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật phân thân ra, thảy đều nói pháp đến nhóm ở cõi này. Tuần tự như thế, các Đức Phật trong cõi nước ở mười phương thảy đều đến nhóm ngồi ở tám phương. Bấy giờ, mỗi mỗi phương các Đức Như Lai ngồi khắp đầy trong bốn trăm muôn ức na- do- tha cõi nước.

Lúc đó, các Đức Phật đều ngồi toà Sư tử dưới cây báu, đều sai vị thị giả qua thăm viếng Đức Thích Ca Mâu Ni Phật , đều đưa cho đầy bụm hoa báu mà bảo thị giả rằng: Thiện nam tử! Ngươi qua núi Kỳ Xà Quật, chỗ của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, theo như lời ta mà thưa cùng Phật thế này: “Như Lai có được ít bệnh, ít khổ an vui, và chúng Bồ Tát cùng Thanh Văn đều an ổn chăng?” rồi đem hoa báu này rải trên Phật để cúng dường mà thưa rằng: Đức Phật kia cũng muốn mở tháp báu này, các Đức Phật sai người đến cũng như vậy.

Bấy giờ, Đức Thích Ca Mâu Ni Phật thấy các vị Phật của mình phân thân đều ngồi tên toà Sư tử, đều nghe các Phật cùng muốn đồng mở tháp báu, Phật liền từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay một lòng nhìn Phật.

Khi ấy, Đức Thích Ca Mâu Ni Phật dùng ngón tay hữu mở cửa tháp bảy báu vang ra tiếng lớn, như tháo khoá chốt mở cửa thành lớn. Tức thời, tất cả chúng trong hội đều thấy Đức Đa Bảo Như Lai ở trong tháp báu ngồi toà Sư tử, toàn thân không rã như vào cảnh thiền định, lại nghe Phật đó nói: “ Hay thay, hay thay! Thích Ca Mâu Ni Phật sướng thích nói kinh Pháp Hoa đó, ta vì nghe Kinh đó mà đến cõi này”

Bấy giờ, hàng tứ chúng thấy Đức Phật đã diệt độ vô lượng nghìn muôn ức kiếp về trước nói lời như thế đều khen là việc chưa từng có, đều đem hoa trời báu rải trên Đức Phật Đa Bảo và Phật Thích Ca Mâu Ni. Lúc đó, Đức Đa Bảo Phật ở trong tháp báu chia nửa toà cho Thích Ca Mâu Ni Phật mà nói rằng: “Thích Ca Mâu Ni Phật có thể đến ngồi trên toà này”. Tức thời Đức Thích Ca Mâu Ni Phật vào trong tháp báu ngồi xếp bằng trên nửa toà đó.

Bấy giờ, hàng Đại chúng thấy hai Đức Như Lai ngồi xếp bằng trên toà Sư tử trong tháp bảy báu thời đều nghĩ rằng: “ Đức Phật ngồi trên cao xa, cúi mong Đức Như Lai dùng sức thần thông làm cho bọn chúng con đều được ở trên hư không”

Tức thời Đức Thích Ca Mâu Ni Phật dùng sức thần thông tiếp hàng Đại chúng đều ở hư không, rồi dùng tiếng lớn mà khắp bảo đó rằng: “ Ai có thể ở trong cõi Ta Bà này rộng nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa nay chính phải lúc, Như Lai không bao lâu sẽ vào Niết Bàn, Phật muốn đem kinh Pháp Hoa này phó chúc cho có người” [16, 301-319].

Thâm nghĩa ngôn ngữ biểu tượng của đoạn kinh trên như sau:

Không thể dùng ngôn ngữ bình thường để diễn tả Phật tâm, Phật tánh hay Pháp tánh trong mỗi con người. Vì lẽ Phật tâm, Phật tánh, Pháp tánh là pháp vô vi không hình tướng, chỉ có thể dùng ngôn ngữ biểu tượng để diễn tả cái thâm diệu của các pháp không hình tướng, sự diễn tả như vậy mới chân xác, rốt ráo. Qua phẩm Hiện Bửu Tháp, Đức Phật ngụ ý rằng: tháp tức là pháp, pháp đã có từ vô lượng, vô số hằng hà sa kiếp mà vẫn trường tồn, bất hoại. Đó là Pháp tánh. Chỉ có Pháp tánh mới là bất hoại, chơn thường. Phật Đa Bảo Như Lai thọ lượng lâu đời như ngôi Bửu tháp, thì không phải là “ Ứng thân Phật”. Qua sự kiện này, Phật muốn “ thị Phật tri kiến” cho chúng sanh biết về cái Phật tánh bất diệt là như thế ấy.

Đất ở thế gian thì nay động mai chuồi; đây bồi kia lở, bại hoại vô thường. Vậy đất trường tồn phải là đất bất sanh bất diệt, vô thỉ vô chung, tuổi thọ của nó phải đồng với cái thọ lượng của Phật tánh, Pháp tánh. Có như vậy mới dung chứa được tháp và Đa Bảo Như Lai bất sanh bất diệt. Pháp, Phật từ đất nổi lên, có nghĩa là Phật tánh, Pháp tánh không ngoài tâm tánh, tâm tánh bao trùm hàm chứa Phật tánh, Pháp tánh.

Đức Phật Đa Bảo Như Lai khi tu nhơn có lời thệ sâu nặng: “ Nếu tôi được thành Phật thì sau Phật diệt độ trong mười phương ở đâu có nói kinh Pháp Hoa thì tháp của tôi sẽ hiện đến để nghe và tán thán! “ Hay lắm! hay lắm! Và nếu Đức Phật đó muốn giới thiệu thân tôi cho tứ chúng thấy thì phải nhóm hết phân thân Phật của mình đang thuyết pháp trong mười phương lại, bấy giờ thân tôi mới hiện ra”

Ta có thể hiểu sự kiện này qua 2 ý nghĩa:

1. Kinh Pháp Hoa là Kinh giáo Bồ tát Pháp Phật sở hộ niệm, rằng Kinh Pháp Hoa, Đức Thích Ca đang nói là Kinh của chư Phật trong hằng hà sa số kiếp đã nói. Đó là chân lý tối thượng của Phật thừa, không phải chỉ có một mình Phật Thích Ca tự ý nói.

2 Đây là bản kinh để Phật Thích Ca giới thiệu cho chúng sanh biết rằng : tuổi thọ của Pháp thân Phật về thời gian thì xuyên suốt 3 đời, về không gian thì khắp giáp mười phương

Đức Phật Thích Ca nhóm phân thân về cõi Ta Bà không đủ chỗ ngồi, Phật phải biến thêm 200 muôn ức na- do- tha hằng hà sa cõi nước ở phương Đông, cũng không đủ chỗ ngồi, phải tận dụng bốn hướng cạnh, Phật biến mỗi phương cạnh số cõi nước cũng bằng như thế, như vậy mới đủ sức dung chứa số phân thân Phật của Đức Thích Ca. Kinh nói lại sự kiện này không phải để giới thiệu cái tài ảo thuật biến hoá của Đức Phật với đệ tử mình mà Đức Phật muốn giới thiệu rằng Phật thường trụ và Pháp thường trụ. Sự hiện hữu của Tháp và Phật Đa Bảo tồn tại qua vô lượng vô số kiếp nhằm chỉ Phật Pháp thường trụ về mặt thời gian. Phật Thích Ca biến hoá cõi nước đây khắp tám phương, cây báu Bồ Đề, toà Sư tử và các phân thân Phật nhằm chỉ Phật Pháp thường trụ về mặt không gian. Do nghĩa đó, Kinh nói: người thọ trì, đọc tụng biên chép, giảng nói kinh Pháp Hoa bất cứ ở điểm không gian nào và khoảng thời gian nào thường được Phật rờ đầu, lấy y trùm cho và được cùng Phật ở chung. Tháp của Phật Đa Bảo vốn trụ trong hư không, Phật Thích Ca muốn mở tháp cũng phải trụ trong hư không. Tứ chúng muốn ra mắt Phật Đa Bảo phải nhờ sức thần Phật trụ trong hư không mới thấy được.

Qua phẩm này, ta nhận ra ngôn ngữ biểu tượng quá thâm diệu, người có căn cơ thấp kém khó có thể hiểu được. Muốn hiểu được ngôn ngữ biểu tượng trong các Kinh điển Đại thừa, tất nhiên người đọc phải hiểu những hình ảnh biểu tượng. Trong kinh điển Phật giáo, có rất nhiều hình ảnh biểu tượng cho tính chất của lời nói. Trong tập Luận văn này, chỉ xin đề cập đến những biểu tượng quen thuộc:

o Hoa sen: là biểu tượng cho sự vô nhiễm, vô uý. Trong Kinh Tăng Chi 2, có bài kệ:

“ Như Hoa sen thiện mỹ hoàn toàn.

Không bị nhiễm ô bởi nước bùn,

Ta chẳng nhiễm ô vì thế tục,

Vậy ta là Phật, hởi Sa môn!”

Về mặt xã hội và Tôn giáo, hoa Sen biểu trưng cho con đường nhập thế sinh động của Phật giáo, tuy sống trong cuộc đời phàm tục nhưng không hề bị nhiễm sự xấu xa của cuộc đời .“Phật Pháp bất ly thế gian pháp” với ý nghĩa lìa đời không có giải thoát, lìa bùn không có hoa sen.

o Đất: biểu thị cho bản tánh của tâm. Kinh Tâm Địa Quán nói: “ Trong tam giới lấy tâm làm chủ. Người năng quán tâm chắc chắn giải thoát, người không quán tâm chắc chắn trầm luân. Tâm chúng sanh ví như Đại địa. Ngũ cốc, ngũ quả từ Đại địa mà sanh. Cái tâm cũng thế, nó sanh ra các pháp thế và xuất thế: Hữu học, Vô học, Độc giác, Bồ tát cho đến Như Lai. Do đó, Tam giới duy tâm. Tâm được gọi là đất”. Đất còn có những đặc tính: không phân biệt, dung chứa và chuyển hoá. không phân biệt và dung chứa nghĩa là ai bỏ vào đất vật gì đất cũng tiếp nhận. Chuyển hoá nghĩa là ta bỏ vào đất vật xấu như thế nào đất cũng chuyển thành vật tốt chăm bón cho cây xanh tươi tốt.

o Nước, sóng : Cùng một tánh là thể lỏng, nhưng nước là dụ cho tâm bình lặng, an nhiên, bất động nên Nước được các kinh điển Đại thừa ví cho tâm. Còn sóng là dụ cho ý thức bởi ý thức thì tán loạn, lao xao như những gợn sóng trên mặt nước tâm. Trong Duy thức học, tâm là tàng thức, gọi là tâm hải. Ý thức là thức thứ sáu.

o Con vượn, con khỉ: tượng trưng cho sự buông lung, phóng dật của ý thức. Những vọng thức liên tục xuất hiện trong tâm như những chú khỉ chuyền cành nên có thành ngữ : “ tâm viên ý mã”

o Bánh xe: Biểu tượng cho Chánh pháp được vận hành gọi là pháp luân là loại bánh xe tám nan, biểu trưng cho Bát Chánh đạo. Nếu Bánh xe có 12 nan là biểu trưng cho 12 nhân duyên, gọi là Bánh xe luân hồi, là vòng tròn sinh hoá lưu chuyển không dừng.

o Con thuyền: tượng trưng cho giáo lý phương tiện để đưa người vượt sông sinh tử. Chiếc thuyền là để vượt qua, chứ không phải để mang vác.

o Đại dương: đặc tính của biển cả biểu tượng cho đặc tính của Chánh pháp. Nếu như biển cả có tám đặc tính thì chánh pháp cũng có tám đặc tính. Nếu biển có những bờ cát thoai thoải khiến cho ta dễ dàng xuống nước thì Chánh pháp mở rộng cho tất cả mọi người thuộc đủ loại căn tính. Nếu biển không bao giờ dung túng thây chết trong lòng nó thì chánh pháp cũng vậy, không dung túng được người phạm giới, người thực hành ác pháp. Nếu biển chấp nhận nước của tất cả dòng sông không phân biệt thì Chánh pháp cũng vậy, từ giai cấp nào trong bốn giai cấp xã hội, người ta cũng được đón tiếp một cách bình đẳng vào trong Đạo pháp. Cũng như khi nước các sông chảy ra biển, chúng bỏ lại sau lưng tên của mình và lấy tên biển cả, những người vào đạo pháp bỏ tên dòng họ, giai cấp địa vị thế gian mà mang danh hiệu của dòng họ Thích. Làm Khất sĩ rời bỏ gia đình sống không gia đình. Nếu biển vẫn luôn cố định một chỗ thì những nguyên tắc của Chánh pháp vẫn không thay đổi, ai thực hành đúng theo nguyên tắc ấy thì sẽ chứng đạt quả vị tương xứng. Nếu biển không vơi cũng không đầy thêm dù đêm ngày muôn sông vẫn tiếp tục đổ về, thì Chánh pháp cũng vậy. Có bao nhiêu người thực hiện tu tập mà Niết Bàn vẫn không tăng giảm. Nếu trong lòng biển có vô số ngọc quý, san hô, xa cừ…thì pháp Phật cũng có nhiều pháp môn vi diệu và quý báu như: Tứ Diệu đế, Tứ Chánh cần, Tứ Như Ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ đề và Bát Chánh đạo…Nếu biển là chỗ dung thân cho hàng triệu loài sinh vật, từ loài lớn dài đến hàng trăm do tuần cho đến loài vật nhỏ như hạt cát thì Chánh pháp cũng thế, người ít học hay vị trí thức, một em bé hay bậc Đại nhân vẫn có thể tu học một pháp môn giống nhau. Nếu nước biển chỉ có một vị, đó là vị mặn thì Chánh pháp chỉ có một vị đó là vị giải thoát.

o Lâu các Tỳ Lô Giá Na: Tiêu biểu cho pháp thân Phật, Đức Phật sanh thân Niết bàn nhưng Ngài vẫn tồn tại miên viễn dưới dạng thanh tịnh pháp thân. Khi tu hành, Hành giả trở về với chơn tâm thanh tịnh, nghĩa là Hành giả ấy đã bắt gặp pháp thân Tỳ Lô Giá Na.

o Tháp Đa Bảo: Tháp tức là pháp, tánh của Pháp là tánh của Phật, vì Phật tánh và Pháp tánh không hai. Danh thì khác mà thể thì đồng.

Luật Hiển Dương Chánh Giác nói:

“Phật tánh tại hữu tình

Pháp tánh tại vô tri

Phật Pháp bản lai vô nhị tánh

nhất hoả năng siêu bá vạn sài”

o Kim Cương: Tượng trưng cho trí tuệ Bát nhã, sắt bén như Kim cương, đoạn trừ các phiền não.

o Chiếc xe: Hán dịch là Thừa hay Thặng, nghĩa là cổ xe. Tam Thừa là ba loại xe: tượng trưng cho Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. Đại thừa là cổ xe lớn; Tiểu Thừa là cổ xe nhỏ. Như vậy, xe tượng trưng cho giáo pháp là phương tiện chuyên chở con người đến Niết bàn.

o Dòng sông: tượng trung cho luân hồi sanh tử. Nguồn gốc của sanh tử là tham ái nên gọi là ái hà (sông ái). Vượt qua sông ái là đạt đến giác ngộ

o Giác ngạn (bờ giác): là bên kia bờ, bên này là sông mê, bên kia bờ là bến giác, là thoát ly sanh tử, sinh diệt, thường đoạn khứ lai…

o Con Thiên nga: tượng trung cho bậc thánh Alahán, người đã vượt dòng sanh tử………..

Qua một số dẫn dụ trên, ta thấy rằng phần lớn Kinh tạng Đại thừa được thuyết bằng ngôn ngữ biểu tượng. Nếu như không hiểu được những ý nghĩa biểu tượng thì không làm sao hiểu được hình ảnh biểu tượng của ngôn ngữ Kinh tạng Đại thừa. Nhưng hình ảnh biểu tượng chỉ có một mà kiến giải của từng đối tượng thì có rất nhiều, có thể hiểu qua nhiều góc độ khía cạnh khác nhau của các hình ảnh biểu tượng. Tuy nhiên ý nghĩa của ngôn ngữ bao giờ cũng tuỳ thuộc vào ngữ cảnh. Như vậy, chỉ có biểu tượng và ngôn ngữ biểu tượng mới có đầy đủ năng lực diễn đạt về một thế giới tâm thức sâu xa, kỳ bí và nhiệm mầu, và chỉ có ngôn ngữ biểu tượng là phương tiện khả dĩ để truyền đạt bức thông điệp vô thượng của Ngài, cũng như giới thiệu các cảnh giới thanh tịnh và hạnh phúc cho chúng sanh.

2.3.3. NGÔN NGỮ THIỀN HỌC, TƯ DUY

Pháp môn thiền học là pháp môn đặc trưng cho Phật giáo nên ngôn ngữ thiền học là ngôn ngữ chung nhất và phổ thông nhất của Phật giáo. Ngôn ngữ thiền học có mặt trong tất cả hệ thống kinh điển Phật giáo từ Nikaya, Agama, cho đến kinh tạng Đại thừa. Như đã nói, những lời giảng dạy của Đức Thế Tôn chỉ nhằm mục đích giải thoát con người ra khỏi mọi hệ luỵ, phiền não, giúp con người buông bỏ cái tôi và cái của tôi. Chính vì vậy, ngôn ngữ thiền học, tư duy là ngôn ngữ của sự tỉnh thức, ngôn ngữ của sự thực nghiệm, xả ly. Nhưng thế giới thiền định là thế giới siêu việt ngôn ngữ, bặt suy lường, là thế giới vô ngôn nên càng diễn tả bằng ngôn ngữ bao nhiêu càng rối bời khó hiểu, song nếu không dựa vào phương tiện ngôn ngữ, người tu tập thật khó hiểu được tôn chỉ của Đức Phật .

Những thi kệ, thiền ca của các Thiền sư đời Lý Trần đã làm sáng rỡ nền văn học Phật Giáo VN thế kỷ 15, 16; dòng thơ Haiku của Nhật cũng mang đầy tính chất thiền vị. Đọc những thi kệ, thiền ngữ ta cảm thấy ngôn ngữ thiền đã thoát khỏi lùm rừng ngôn ngữ phức tạp để bước vào thế giới rổng rang thanh tịnh. Tuy nhiên ngôn ngữ thiền chỉ đặc tả đời sống tâm thức và các hiện tượng diễn biến của tâm thức. Trong ấy, ta thấy rõ sự vận hành của các cảm thọ, của tâm thức. Tư duy chỉ là yếu tố cơ bản và quan trọng để dắt dẫn hành giả đến cảnh giới thiền định, tư duy không có trong cảnh giới này.

Ngôn ngữ thiền học có những đặc trưng tính chất riêng nên Thiền giả một khi thể nhập cảm thấy an lạc, hạnh phúc mà thật khó diễn tả với người khác: “ như nhơn ẩm thuỷ, hàn nhiệt tự tri” nghĩa là như người uống nước, nóng lạnh tự biết. Người thể nhập thiền định là người an trú trong từng giây phút của hiện tại mà không truy tìm quá khứ cũng không vọng tưởng về tương lai. Như vậy, đặc trưng thứ nhất của Ngôn ngữ thiền học là sống trong hiện tại, phải trực nhận phút giây hiện tại của cuộc sống. Đó là một thực tại sinh động và giải thoát.

Đặc trưng thứ hai của ngôn ngữ Thiền là mang tính nghịch ngữ, phi logic: đó là ngôn ngữ của riêng Phật giáo không lẫn lộn. Các Thiền Sư sử dụng ngôn ngữ này mục đích là đánh mạnh vào tâm tư người đọc, người học, dồn ép người đọc đến chỗ tận cùng khiến họ câu thúc bức bách bởi ngôn ngữ để sau đó thâm nhập vào thế giới thực tại và sẽ bình tỉnh giác ngộ chơn lý. Những nghịch ngữ phi logic đó thường gặp trong văn ngữ lục, tụng cổ, niệm tụng kệ hay trong các công án thiền.

Ví dụ: hình ảnh viên ngọc thêu trong núi, sen nở trong lò, mây mù soi vách đá, bà già què trèo núi cao, kẻ điếc nghe đàn cầm, anh mù ngắm trăng rằm, nghệ sĩ chơi đàn không dây, sáo không lỗ, người gỗ đánh trống, cô gái sắt múa may, chàng người gỗ xuống biển hát khúc vô sanh…đối với văn học Thiền của Việt Nam thì thể loại này xuất hiện vào thế kỷ 9, dòng Thiền Vô Ngôn Thông, Thiền sư Viên Chiếu, người nối tiếp là Trần Thái Tông với khoá hư lục: 43 bài. Thoại đầu, thiền ngữ là thể tài sáng tác khá quen thuộc trong văn học Thiền từ xưa đến nay, nhất là ở Việt Nam, thể tài này được ứng dụng từ thế kỷ 19, dòng thiền Vô Ngôn Thông. Thông thường thoại đầu, thiền ngữ được hiểu là một câu nói hay mẫu đối thoại có tác dụng làm hưng khởi sự đạt ngộ của tâm tư thiền giả, từ sự khai mở tâm thức của vị Thầy. Điều đáng nói là các thoại đầu, thiền ngữ ấy được Thiền Sư diễn trình bằng hình ảnh thi ca vô cùng sống động, cụ thể, rõ ràng, đơn giản lại súc tích để trả lời các câu hỏi học trò đưa ra. Mục đích cuối cùng của các Ngài là nhằm đưa người tham vấn trở về thế giới thực tại sinh hoạt của đời thường “ bây giờ và tại đây” khi người tham vấn đang phải đối diện với các vấn đề mang tính triết lý, tư duy, trừu tượng của thế giới siêu hình. Tại đây chân lý được hiển bày dưới cái nhìn duyên sanh vô ngã mà học trò lãnh hội thể nhập dưới sự hướng dẫn của vị Thầy. Người học thiền luôn chờ đợi sự trả lời đầy đủ từ vị Thầy nhưng thiền sư luôn kéo thiền giả về với thực tại bằng cách diễn đạt thế giới thực bằng ngôn ngữ không thực, khiến con người bỏ lề thói bình thường là sự chấp trước mà thực hiện thái độ xả ly, buông bỏ, quay đầu là thấy bến. Trả lời bằng thiền ngữ là cách gợi nhiều hơn mở, siêu việt ngôn ngữ, khiến trực cảm tâm linh của thiền giả đạt đến trình độ cao, đó chính là lúc thiền giả hoát nhiên đại ngộ. Ngôn ngữ thiền định, tư duy lúc đó là cái không lời, cái siêu biệt, cái vô ngôn. Thuật ngữ văn chương gọi là “cái thần, cái hồn”. Muốn có cái thần, phải thông qua cái vỏ ngôn ngữ, ngôn từ. Nếu như ngôn ngữ thơ ca phương Đông khơi gợi trí tưởng tượng cảm xúc cho người đọc thì thiền ngữ mở rộng khả năng ấy đến vô cùng và chứa nhiều tầng nghĩa. Tính hàm súc của văn học thiền nhiều khi đi đến tính nghịch lý, phi logic ít thấy ở các bộ phận văn học khác, do vậy, ngôn ngữ thiền đôi khi vượt qua ngoài ý nghĩa thông thường để trở thành ký hiệu siêu ngôn ngữ, vượt thoát mọi ý nghĩa, mọi quy ước. Nó không còn là phương tiện diễn đạt ý nghĩa mà là phương tiện gợi mở đánh thức tâm trí người học đạo. Với ngôn ngữ như thế, người đọc bằng tư duy thông thường khó có thể hiểu được, cần có sự tư duy thực nghiệm, mới có thể thâm nhập được ngôn ngữ này. Như vậy, sự thực nghiệm cũng là một đặc trưng của ngôn ngữ thiền định, tư duy.

CHƯƠNG 3

SỰ VẬN DỤNG NGÔN NGỮ PHẬT GIÁO VÀO VIỆC HOẰNG DƯƠNG CHÁNH PHÁP

3.1. ĐỐI VỚI KHÔNG GIAN, THỜI GIAN VÀ ĐỐI TƯỢNG TIẾP NHẬN

Nếu như ngôn ngữ nói mang tính bình dị, hiện thực, trực tiếp…bao nhiêu thì ngôn ngữ viết mang tính đa dạng, gián tiếp, triết học…bấy nhiêu. Vì lẽ, ngôn ngữ là một sinh ngữ bởi theo thời gian từ mới nghĩa mới sẽ được sinh sôi, nảy nở bên cạnh các từ cũ, nghĩa cũ. Có điều, Kinh điển Phật giáo, dù trải qua thời gian, không gian, dù cách dùng từ ngữ của chư Tổ có nhiều sai khác theo kiến giải của từng người, vẫn hàm chứa tôn chỉ của Đức Phật. Song, cách dùng các loại hình ngôn ngữ Phật giáo như: ngôn ngữ ẩn dụ, thí dụ; ngôn ngữ biểu tượng, ngôn ngữ thiền học, tư duy… là đặc thù mà không thể lẫn lộn, không thể lạc hậu cùng với thời gian. Các ẩn dụ, thí dụ càng đặc trưng bao nhiêu giúp cho người đọc, người nghe dễ dàng thâm nhập giáo lý bấy nhiêu. Chẳng hạn, khi nói đến hoa sen, người nghe sẽ hiểu được tính chất của hoa sen là thanh khiết, không ô nhiễm bùn nhơ nước độc. Nói đến chiếc thuyền, ta nghĩ ngay đến tính chất chuyên chở của nó cũng như giáo pháp là phương tiện đưa người đến bến bờ giác ngộ. Nói đến nước, ta nghĩ ngay đến tính chất tẩy rửa của nó cũng thế nước pháp là nước tẩy rửa những phiền não cho chúng sanh. Nói đến lửa là nói đến tính chất thiêu đốt cũng như lửa tham, sân, si… đang đốt cháy thâm tâm chúng hữu tình….

Đọc kinh Phật, chúng ta tìm thấy nguồn sinh lực rạt rào đang tuôn chảy, như kinh Trung bộ, ta như hình dung được mỗi sáng Đức Phật “ Tay ôm bình bát, khoát thượng y” đi vào làng khất thực, và tuần tự những người có duyên đều được hoá độ; gia chủ Potaliya, mặc đồ đẹp, mang dù, dép đi dạo; được Đức Thế Tôn giảng về các dục; và gia chủ Upali là tín đồ của Ni- kiền- tử (Nigantha Nataputta), vâng lời Giáo chủ đến cật vấn Đức Phật về chủ trương tác thành ác nghiệp, Đức Phật với thực chứng của mình đã khiến gia chủ Upali quy ngưỡng, trở về làm đệ tử Phật, khiến cho tín đồ của Nigantha Nataputta vô cùng tức tối nghĩ Đức Phật là một huyễn sư, có huyễn thuật lôi cuốn mọi người, riêng Ni- kiền- tử đã thổ huyết lúc ấy. Với lập luận vô cùng vững chắc, bằng cách vận dụng thể tài ngôn ngữ, Đức Phật đã khiến cho các hạng người từ Gia chủ đến thợ hớt tóc, gánh phân đều trở về nương tựa Tam Bảo. Nhưng khi cảm thấy hàng đệ tử thuần thục, Ngài bảo cần phải xả bỏ, không chấp mắc vào văn tự ngữ ngôn.

Theo các tài liệu lịch sử đương thời cho thấy: sau khi thành đạo, Đức Phật không thể truyền bá giáo lý mà Ngài đã thực chứng: “ Ta đã thực chứng một sự thật sâu xa, khó thấy, khó hiểu…chỉ những bậc trí mới hiểu thấu. Những người bị đam mê chế ngự, bị vô minh vây phủ không thể nào thấy chân lý này, vì nó ngược dòng, nó cao siêu sâu kín, tế nhị và khó nghĩ bàn”. Nghĩ thế, Phật đã do dự một lúc: “ Có phải vô ích không nếu ta cố giảng giải cho thế gian chân lý mà ta chứng nhập?” rồi Ngài so sánh thế gian như một ao sen: Trong ấy có nhiều hoa còn ở dưới mặt nước, có những hoa khác chỉ vừa ló lên trên mặt nước, nhưng cũng có những bông hoa đã vươn khỏi mặt hồ và không còn động chạm với nước. Cũng thế trong thế gian này, trình độ phát triển của con người khác nhau: Có một số người sẽ hiểu được chân lý. Vì thế Đức Phật quyết định giảng dạy chân lý ấy [2, 378]. Chính vì lẽ ấy mà ngôn ngữ Kinh tạng luôn mang tính chất khế lý, khế cơ nhưng không vì thế mà giáo pháp dung dưỡng sự ngu si, yếu đuối, sợ hãi, khát khao dục vọng của con người. Con người luôn luôn thích được vuốt ve tự ngã, chấp thủ sai lạc, thích được nương tựa vào tha lực nên con người đã dựng nên thượng đế để được che chở, dựa dẫm; dựng nên cái ngã và ngã sở hữu bất khả xâm phạm đến nổi những ý tưởng này đã trở thành chủ thuyết. Tất cả khái niệm, chủ thuyết ấy dầu là những dự phóng tinh vi của óc tưởng tượng của con người được gói ghém trong mớ danh từ triết lý và siêu hình phức tạp. Những ý tưởng này đã ăn sâu gốc rễ tâm lý con người, gần gũi thân thiết với họ đến nổi họ không mong nghe, cũng không muốn hiểu một đạo lý nào ngược lại. Đức Phật biết rõ điều ấy, Ngài dạy rằng giáo lý của Ngài đi ngược dòng, trái ngược với dục vọng ích kỷ của con người. Nhưng Ngài đã vận dụng một cách thiện xảo, nhuần nhuyễn các ngôn ngữ tâm lý để đưa con người đến chỗ nhận chân được sự thật cuộc đời mà giải thoát chính mình ra khỏi mọi rối loạn, bất an, đau khổ.

Tuy nhiên, Đức Phật thuyết giảng giáo pháp mục đích không phải vì phô bày kiến thức và trí tuệ của mình mà để giúp con người đạt đến thực chứng trên lộ trình tu tập. Ngài là bậc Đạo Sư thực tiễn, đầy từ bi và trí tuệ nên khi nói với người nào, Ngài luôn luôn quan tâm đến trình độ phát triển của họ, khuynh hướng của họ, cấu tạo tâm thức họ, tính tình họ và khả năng họ để lĩnh hội vấn đề. Vì lẽ ấy, hoạt tính của ngôn ngữ vô cùng phong phú, từ đó dẫn đến việc Đạo Phật có muôn vàn pháp môn phục vụ cho việc tu tập của con người. Đức Phật cũng hết sức tinh tế trong việc trả lời câu hỏi của đối tượng, Ngài tránh những câu trả lời nào gây tổn thương, đau khổ cho người khác cũng như khi có người ngoại đạo đến cật vấn, Ngài cũng hết sức từ tốn trong việc giáo hoá họ. Nếu cảm thấy câu trả lời của Ngài không làm thoả mãn người hỏi mà có khi khiến người hỏi sân giận, không có lợi trong việc tu tập của họ, Ngài sẽ im lặng, không trả lời, để câu hỏi sang một bên.

Theo Phật, có bốn cách trả lời câu hỏi: 1. Có khi nên trả lời thẳng câu hỏi. 2. Có câu hỏi cần trả lời bằng cách phân tích. 3. Có khi nên trả lời bằng cách hỏi ngược lại. 4. Cuối cùng có những câu hỏi nên im lặng, không đáp.

Một lần Đức Phật ở lại trong rừng Simsapa, thành Kosambi, Ngài đã giảng cho các đệ tử rằng sự hiểu biết của Ngài như lá trong rừng nhưng sự giảng dạy của Ngài như lá nắm trong tay. Chỉ những gì Ngài cảm thấy thực sự có lợi ích trong việc tu tập thân tâm của tín đồ Phật tử, Ngài mới truyền dạy [4, 635]. Pháp Phật là vô thượng giải thoát nên phải tuỳ thời, tuỳ nơi, tuỳ hoàn cảnh, tuỳ căn cơ mà truyền bá, không phải đụng đâu nói đó. Rõ ràng đối với các bậc Giác ngộ, ngôn ngữ chỉ là phương tiện để người khác hiểu được ý chỉ của mình. Theo lịch sử, từ thuở mới 12 tuổi, thái tử Siddhattha đã tinh thông văn võ đến mức các Danh Sư phải cúi đầu thán phục. Với tư chất thông minh đĩnh ngộ phi thường, Ngài sử dụng được 36 thứ ngôn ngữ thời đó. Có nghĩa là Đức Phật đã thông suốt ngôn ngữ từng vùng, từng dân tộc. Không vì thế mà Đức Phật phô trương kiến thức của mình, Ngài thu phục nhân tâm bằng thân ngữ và tâm ngữ nhiều hơn là khẩu ngữ, nói khác, Ngài sử dụng tiếng nói của lòng xuất phát từ trái tim từ ái và trí tuệ minh mẫn. Chính vì điều này đã đẩy Phật ngữ, Pháp ngữ trở thành Thánh ngữ siêu việt mọi ngôn ngữ khác. Vì vậy, Chánh pháp là tâm pháp, sự kiến giải Kinh điển tuỳ theo sở đắc của mỗi vị hành giả chớ không tuỳ thuộc vào sự hiểu biết trên văn tự ngữ ngôn. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện truyền bá giáo lý mà không phải là mục đích giải thoát. Cũng cần nói đến ẩn dụ danh tiếng: “ giáo pháp như chiếc bè dùng để qua sông, không phải để nắm giữ và mang trên lưng” [2, 305 –306] :

“ Hỡi các Tỳ Kheo, một người đi du lịch, đến một khoảng sông rộng, bờ bên này rất nguy hiễm, nhưng bờ bên kia thì an ổn và không có nguy nan. Không có một con thuyền nào để qua bên bờ sông, cũng không có một chiếc cầu nào để đi qua. Người ấy tự nhủ: “ Con sông thật rộng, bờ bên này đầy hiểm nguy, nhưng bờ bên kia thì an ổn, không nguy hiểm. Không có một con thuyền nào để sang bên kia, cũng không có một chiếc cầu nào để đi qua. Bởi thế, thật sẽ rất tốt nếu ta lượm cỏ, gỗ, cành cây và lá để làm một chiếc bè, và nhờ chiếc bè đó mà qua bờ kia cho an ổn, dùng cả tay chân để chống chèo”. Rồi hỏi các Tỳ Kheo, người ấy lượm cỏ, gỗ, cây lá mà làm một chiếc bè, và nhờ chiếc bè đó đưa sang bờ kia một cách an ổn, chống chèo bằng tay chân mình. Sau khi đã vượt qua sông đến bờ kia, y nghĩ: “ Chiếc bè này thật đã giúp ích cho ta rất nhiều. Nhờ nó ta đã vượt qua an ổn đến bờ sông bên này chống chèo bằng tay chân ta. Thật đáng nên mang chiếc bè này trên đầu hay trên lưng bất kỳ ta đi đâu” Đức Phật dạy đó không phải là hành động thích đáng với chiếc bè mà phải để chiếc bè lại trên nước rồi đi bất cứ đâu: “ Hỡũi các Tỳ kheo, ta đã truyền dạy giáo lý tương tự như chiếc bè, nó cốt dùng để vượt qua, chứ không phải để mang theo, ôm giữ. Hỡi các Tỳ kheo, đã hiểu rằng giáo lý như một chiếc bè, thì Pháp các ông còn phải lìa bỏ, huống nữa là phi pháp, thì lại càng nên xả bỏ biết chừng nào”

Nói như vậy, không có nghĩa các loại thể tài ngôn ngữ là không cần thiết mà ta phải vận dụng chúng bằng tính khế lý và khế cơ. Một người khi đã quán triệt được các loại hình ngôn ngữ không đồng nghĩa với người nói nhiều mà không có lợi ích, một lời nói chỉ có ý nghĩa khi nó có lợi ích cho người. Vận dụng ngôn ngữ quá nhiều đối với hành giả là điều không cần thiết. Bởi ngôn ngữ là một chướng ngại cho một người đang trên lộ trình tu tập thân tâm. Chính vì thế mà Phật bảo chư đệ tử giáo pháp là chiếc bè cần phải lìa bỏ, như vậy, mới là người đạt đạo. Đây chính là thâm ý của Phật khi giảng ẩn dụ danh tiếng về chiếc bè.

3.2. MỘT VÀI BIỂU HIỆN CỦA SỰ TIẾP NHẬN NGÔN NGỮ PHẬT GIÁO VÀO VĂN HỌC

Mặc cho vấn đề đã nêu trên, Phật giáo vẫn đóng góp cho kho tàng ngôn ngữ thế giới những thuật ngữ Phật học mang tính chất chân, thiện, mỹ nhằm giáo dục con người thực hành những điều lành, mang hạnh phúc đến cho chính mình và mọi người xung quanh. Ngày nay, trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam, có nhiều từ ngữ có nguồn gốc từ ngôn ngữ Phật giáo. Người Việt Nam bất luận là ai, tín đồ Phật giáo hoặc không phải tín đồ Phật giáo, người bình dân hoặc người trí thức…chắc chắn ai cũng đã từng nghe, từng sử dụng thuật ngữ Phật học rất đỗi quen thuộc, rất đỗi tự nhiên như đói cần ăn, như khát cần uống bởi lẽ chúng đã trở thành khẩu ngữ của dân tộc Việt. Thuật ngữ Phật học còn xuất hiện trong văn học, trong ca dao Việt Nam.

Trước hết, nhìn từ khía cạnh từ ngữ, thuật ngữ Phật học trở thành khẩu ngữ trong đời sống giao tiếp của người dân Việt, thể hiện qua những câu nói cửa miệng của người bình dân như: khi thấy một người hoạn nạn đau khổ, để tỏ lòng thương xót, người Việt thường nói: “ tội nghiệp quá”, nghiệp ở đây là thói quen tạo tác hành động của con người. Hai chữ “ tội nghiệp” một chủ thuyết căn bản của đạo Phật “con người là chủ nhân ông của nghiệp là kẻ thừa tự nghiệp”. Người ta cứ sử dụng thuật ngữ này mà không biết nó xuất phát từ đâu? Chữ nghiệp của đạo Phật có 2 khía cạnh: nghiệp thiện và nghiệp ác. Tuy vậy, theo cách hiểu bình dân và quan niệm thông thường, chữ nghiệp thường được dùng để chỉ cho nghiệp tiêu cực như trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”

Khi muốn diễn tả số lượng nhiều, người dân thường dùng thuật ngữ: “ hằng hà sa số”. Thuở xưa, Đức Phật thường lấy số lượng cát sông hằng bên Aán Độ để chỉ một số lượng nhiều không thể tính đếm được và thuật ngữ: “ hằng hà sa số” ra đời từ đó.

Người mẹ mắng con là: “ lục tặc quá” nghĩa là người con ấy quậy phá. Lục tặc là thuật ngữ Phật giáo dùng để chỉ sáu thứ giặc: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp xâm nhập vào sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý để quấy nhiễu chúng ta. Khi lỡ làm việc quấy muốn tỏ lòng ăn năn, nhân dân dùng từ hối lỗi, hối cải, hối hận, đây là một từ xuất phát từ chữ Ksamayati nghĩa là sám hối, một thuật ngữ Phật giáo đã bị bản địa hoá thành hối lỗi, hối cải, hối hận; Có khi dùng luôn từ : sám hối. Chữ Buddha nghĩa là Phật, là Bụt; nhân dân dùng từ Bụt chỉ cho ông tiên hiền từ, nhân hậu, hay hiện lên giúp đỡ người nghèo khó, cơ hàn, bị ức hiếp. Thuật ngữ: “ An cư kiết hạ” được người dân dùng trại ra : an cư lạc nghiệp; an cư là thời gian ba tháng mà Tăng Ni an trú tại một chỗ để trau dồi Giới, Định, Tuệ. Thuật ngữ: “ Ta Bà thế giới” chỉ quốc độ giáo hoá của Đức Phật Thích Ca, được nhân dân dùng để diễn tả người hay đi rày đây mai đó. Ngoài ra còn rất nhiều từ ngữ khác như : hỷ xả, từ bi, giác ngộ, bể khổ, bờ mê, bến giác, luân hồi, nhân quả, nghiệp báo…được người dân Việt dùng như tiếng mẹ đẻ, tự nhiên, không ngượng nghịu, lạ lùng.

Tiếp theo Thuật ngữ Phật học được dùng trong văn học Việt Nam, điển hình là tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, một tác phẩm được ảnh hưởng sâu sắc ngôn ngữ Phật giáo: “ thiện căn ở tại lòng ta, chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”; “ Sư rằng phúc hoạ đạo trời, cội nguồn cũng ở lòng người mà ra, có trời mà cũng có ta, tu là cội phúc, tình là dây oan”; “ một nhà chung chạ sớm trưa, gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng”.

Trong ca dao, ngôn ngữ Phật học được dùng hết sức bình dân, mộc mạc:

Bội giác hiệp trần là nguyên nhân đau khổ,

Quay đầu giác ngộ là mục đổ Như Lai,

Vì yêu thương nên chi nghiệp báo kéo dài,

Chi bằng gắng công tu niệm để được hoa khai kiến Phù ( Phật)” [9, 46]

“Ba mươi súc miệng ăn chay.

Sáng ngày mùng một dựng cây Trúc đài,

Lâm râm khấn vái Phật trời,

Biết đâu có nắng mà phơi quần hồng,

Ai ơi! Khoan hãy lấy chồng

Để sau trai gái dốc lòng đi tu,

Chùa này chẳng có Bụt ru,

Mà đem chuông khánh treo chùa Hồ sen…” [9, 50]

“Dù cho cha đánh mẹ treo

Em không bỏ hội chùa Keo đêm rằm.”

“Dù ai đi đâu về đâu

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Nhớ ngày mùng tám thì về chùa Dâu.”

“Nguyện cho tôi được tâm không,

Độ cho cha mẹ thoát vòng tử sanh.

Nguyện cho tôi được tâm khai,

Thuyết cho cha mẹ vui hoài Pháp âm.

Nguyện cho tôi được biện tài,

Thuyết cho cha mẹ nghe hoài vẫn vui” [9, 474]

Có đến gần 2000 câu ca dao, tục ngữ có liên hệ đến Phật học. Về hình thức, ảnh hưởng về ngôn ngữ, thuật ngữ Phật học; về nội dung, dù gián tiếp hay trực tiếp, cũng ảnh hưởng tư tưởng của Phật giáo.

KẾT LUẬN

Qua 3 chương được trình bày, chúng ta nhận ra ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người. Dù là ngôn ngữ viết, ngôn ngữ nói hay ngôn ngữ được biểu thị thông qua cử chỉ của thân thể, chủ thể cũng đem đến cho người hiểu một thông điệp nào đó: hoặc hạnh phúc hay khổ đau, hoặc đồng tình hay từ chối…… ngôn ngữ Phật giáo, với những tính chất riêng, qua sự trình bày của Đức Phật và chư thánh đệ tử, đã được mọi người chấp nhận. Còn nhớ, tại hội Linh Sơn, Đức Phật chỉ đưa cành hoa lên cao, vậy mà Ca Diếp đã hiểu được thâm ý của Ngài và Ngài đã phó chúc chánh pháp nhãn tạng cho Tổ Ca Diếp. Thật ra, để có thể thâm nhập vào thế giới ngôn ngữ Phật giáo, con người phải biết cách lắng nghe, lắng đọng mọi phiền não, thanh lọc tâm tư nhằm khiến cho tâm tư mình rỗng rang mới tiếp nhận các thông điệp một cách chính xác do ngôn ngữ kinh điển mang lại.

Cùng với thời gian, Đạo Phật đi vào lòng người thông qua các biểu hiện của Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Nhìn chung, đạo Phật đã đóng góp cho kho tàng trí tuệ của nhân loại các giá trị tinh thần quý báu: giá trị đạo đức, giá trị hạnh phúc, giá trị giải thoát…phục vụ cho đời sống tâm linh của con người. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ – thông tin, tất cả được nối kết bằng những phương tiện truyền tin hiện đại nên có sự rối loạn, phức tạp nhất định trong cuộc sống hàng ngày. Con người cần phải bình tĩnh để quân bình đời sống sinh lý và tâm lý của mình. Lẽ dĩ nhiên, Đạo Phật đã khơi gợi, đánh thức tâm thái hành thiện ngủ quên trong tâm thức con người, đó là lý do khiến cho đời sống tinh thần của con người ngày càng thăng hoa.

Một điều cần nói, ngôn ngữ đạo Phật là ngôn ngữ của tinh thần vô ngã, của tinh thần tự lực, tự mình vượt qua chính mình, điều phục mình, tự mình nương tựa mình, không nương tựa vật gì khác. Ngôn ngữ đạo Phật cũng không hề dung dưỡng sự ngu si, chấp trước, hệ luỵ trói chặt con người vào vòng dây tham ái và dục vọng mà giúp con người tự chiến, tự thắng.

Trong thời đại của nền công nghệ tiên tiến, vì sợ hãi và yếu đuối, con người đã nương tựa, dựa dẫm, gởi gắm tâm hồn mình vào những trò vui chơi giải trí: khu tham quan du lịch, các chương trình ca nhạc, truyền hình, mạng Internet, điện thoại di động… Họ lấy những điều đó làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình. Như vậy, con người đang đứng trước tình trạng chông chênh trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, những hạnh phúc mong manh. Trước tình trạng đó, ngôn ngữ đạo Phật hướng dẫn con người tự thân nỗ lực, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ, con người tự tạo niềm vui và hạnh phúc bằng nỗ lực tự thân, tự tâm, hạnh phúc xuất phát từ tâm mới là niềm hạnh phúc, thường trực, chân thật.

Với những gì đã trình bày ở trên, không có lý do gì mà Kinh điển chỉ để đọc tụng, thờ phượng, trưng bày…hàng Tăng bảo phải có nhiệm vụ truyền trao giáo Pháp ấy đến tận tay mọi người không chỉ bằng cách giảng dạy giáo Pháp mà hãy mở cửa, giải phóng các tủ Kinh, đem Kinh điển nhà Phật vào siêu thị, chợ búa, công xưởng…có như vậy kinh điển nhà Phật mới nằm trên miệng của quần chúng. Những lời mà Đức Phật đã dạy, sở dĩ được gọi là “kim ngôn ngọc ngữ” vì những lời ấy có tác dụng chuyển mê khải ngộ, ly khổ đắc lạc cho mọi người chớ không phải vì lời nói ấy được trưng bày trên bàn thờ, trong tủ kính; được tôn vinh là “kim ngôn ngọc ngữ” vì nó có công dụng như chiếc bè, giúp con người vượt qua sông mê, mà “ đáo bỉ ngạn”; gọi là “kim ngọc” vì Đức Phật “ làm sao nói vậy, nói sao làm vậy”, nói lời từ ái, hiền hoà, không trau chuốt, thêu dệt lường gạt người khác.

Tại Việt Nam, Đại Tạng Kinh vẫn chưa hoàn thành khâu chuyển ngữ. Đây là vấn đề cấp thiết cần được thực hiện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Có những chuyển biến cho chúng ta có quyền hy vọng rằng trong tương lai Ban Giáo Dục Trung Ương sẽ hoàn thành nhiệm vụ này ngõ hầu giúp cho hàng Phật tử dễ dàng hiểu được tôn chỉ những lời dạy của Đức Phật mà tự kiến tạo hạnh phúc cho chính cuộc đời mình.

Nguồn: dentutraitim.com

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/07/2022(Xem: 11174)
Phải nói là khi nhận được tin TT Giảng Sư Thích Nguyên Tạng sẽ có bài pháp thoại giảng tại Thiền Lâm Pháp Bảo hôm nay (12/7/2022) lại vừa nghe tin tức mưa lớn và lụt tràn về Sydney mấy ngày qua, thế mà khi nhìn vào màn ảnh livestream lại thấy khuôn viên thiền môn trang nghiêm thanh tịnh quá, dường như thời tiết khí hậu chẳng hề lay động đến nơi chốn này, nơi đang tập trung những người con cầu tiến muốn hướng về một mục đích mà Đức Phật hằng mong chúng ta đạt đến : Vô Sanh để thoát khỏi vòng sinh tử .
15/06/2022(Xem: 10049)
Tôi thật chưa tìm ra cuốn nào như cuốn này, tác giả viết từ những năm 50s, hữu duyên được dịch ra tiếng Việt vào những năm 80s… Tìm lại được bản thảo sau khoảng 33 năm (2021). Tốn thêm một năm hiệu đính trên đường ta bà, gọt dũa lại.
01/02/2022(Xem: 36537)
48 Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà (loạt bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng trong mùa dịch cúm Covid-19)
17/11/2021(Xem: 25292)
Nghiệp, phổ thông được hiểu là quy luật nhân quả. Nhân quả cũng chỉ là mối quan hệ về tồn tại và tác dụng của các hiện tượng tâm và vật trong phạm vi thường nghiệm. Lý tính của tất cả mọi tồn tại được Phật chỉ điểm là lý tính duyên khởi.266F[1] Lý tính duyên khởi được nhận thức trên hai trình độ khác nhau. Trong trình độ thông tục của nhận thức thường nghiệm, quan hệ duyên khởi là quan hệ nhân quả. Chân lý của thực tại trong trình độ này được gọi là tục đế, nó có tính quy ước, lệ thuộc mô hình cấu trúc của các căn hay quan năng nhận thức. Nhận thức về sự vật và môi trường chung quanh chắc chắn loài người không giống loài vật. Trong loài người, bối cảnh thiên nhiên và xã hội tạo thành những truyền thống tư duy khác nhau, rồi những dị biệt này dẫn đến chiến tranh tôn giáo.
14/11/2021(Xem: 21202)
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại xứ Sāvatthi, gần đến ngày an cư nhập hạ suốt ba tháng trong mùa mưa, chư Tỳ khưu từ mọi nơi đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin Ngài truyền dạy đề mục thiền định, đối tượng thiền tuệ thích hợp với bản tánh của mỗi Tỳ khưu. Khi ấy, có nhóm năm trăm (500) Tỳ khưu, sau khi thọ giáo đề mục thiền định xong, dẫn nhau đến khu rừng núi thuộc dãy núi Himavantu, nơi ấy có cây cối xanh tươi, có nguồn nước trong lành, không gần cũng không xa xóm làng, chư Tỳ khưu ấy nghỉ đêm tại đó. Sáng hôm sau, chư Tỳ khưu ấy dẫn nhau vào xóm làng để khất thực, dân chúng vùng này khoảng một ngàn (1.000) gia đình, khi nhìn thấy đông đảo chư Tỳ khưu, họ vô cùng hoan hỉ, bởi vì những gia đình sống nơi vùng hẻo lánh này khó thấy, khó gặp được chư Tỳ khưu. Họ hoan hỉ làm phước, dâng cúng vật thực đến chư Tỳ khưu xong, bèn bạch rằng: – Kính bạch chư Đại Đức Tăng, tất cả chúng con kính thỉnh quý Ngài an cư nhập hạ suốt ba tháng mùa mưa tại nơi vùng này, để cho tất cả chúng con có
08/11/2021(Xem: 5206)
Vô Tầm Vô Tứ Định là tầng Định thứ hai trong bốn chi Thiền do đức Phật thiết lập. Bốn chi Thiền đó gồm Sơ Thiền tương xứng với Sơ Định hay Định Hữu Tầm Hữu Tứ, Nhị Thiền tương xứng với Vô Tầm Vô Tứ Định, Tam Thiền tương xứng với Xả hay An Chỉ Định, Tứ Thiền tương xứng với Chánh Định.
08/11/2021(Xem: 14911)
Đây chỉ là chiếc thuyền nan, chưa tới bờ bên kia, vẫn còn đầy ảo tưởng chèo ra biển cả. Thân con kiến, chưa gột sạch đất cát, bò dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, nghe tiếng vỗ của một bàn tay trên đỉnh cao. Chúng sinh mù, nếm nước biển, ngỡ bát canh riêu cá, Thế gian cháy, mải vui chơi, quên cảnh trí đại viên. Nắm vạt áo vàng tưởng như nắm lấy diệu quang, bay lên muôn cõi, theo tiếng nhạc Càn Thát Bà réo gọi về Tịnh Độ, ngửi mùi trầm Hương Tích, an thần phóng thoát. Con bướm mơ trăng Cực Lạc, con cá ngụp lặn dưới nước đuôi vàng như áo cà sa quẫy trong bể khổ, chờ thiên thủ thiên nhãn nghe tiếng sóng trầm luân vớt lên cõi Thanh văn Duyên giác. Những trang sách còn sở tri chướng của kẻ sĩ loanh quanh thềm chùa Tiêu Sơn tìm bóng Vạn Hạnh, mơ tiên Long Giáng lào xào bàn tay chú tiểu Lan trên đồi sắn.
07/11/2021(Xem: 15060)
Kinh Vô Lượng Nghĩa nói “vô lượng pháp từ một pháp mà sinh ra”. Ma Ha Chỉ Quán của Thiên Thai Trí Giả (538-597), quyển 5, nói: “Phật bảo các Tỳ-kheo, một pháp thâu nhiếp tất cả pháp, chính là Tâm”. Phổ môn là vô lượng giáo pháp. Vô lượng giáo pháp này cũng từ một giáo pháp mà sinh ra. Một giáo pháp phổ cập tất cả gọi là phổ môn. Chư Phật thuyết giáo thuận theo Tâm của chúng sinh. Giáo là những ngôn từ được thuyết ra cho những chúng sinh chưa thấu suốt. Pháp là những phương thức với nhiều tướng trạng giống nhau hoặc khác nhau. Tâm ý chúng sinh có bao nhiêu ngõ ngách thì giáo pháp có chừng ấy quanh co. Chư Phật dùng muôn vàn phương tiện khế cơ mang lại lợi ích cho chúng sinh. Ngài Xá Lợi Phất từng nói: “Phật dùng nhiều thứ nhân duyên và thí dụ, phương tiện ngôn thuyết như biển rộng khiến tâm người trong pháp hội được yên ổn, con nghe pháp ấy khiến lưới nghi dứt” là nghĩa trên vậy.
04/10/2021(Xem: 3695)
Trong những gì tôi được đọc và được nghe kể, hình như nhà thơ Bùi Giáng không còn tham sân si, hay nếu còn, thì rất là ít. Không rõ có ai chứng kiến lúc nào Bùi Giáng khởi tâm tham sân si hay không. Rất nhiều người đã thân cận, đã chứng kiến đời thường của nhà thơ họ Bùi và đều nhận thấy nhà thơ như là người của cõi khác, người bay trên mây, người lạc tới thế gian này, như dường không còn chút nào tham sân si; hay chỉ còn, nếu có, thì rất ít.
05/09/2021(Xem: 17735)
Bắt đầu gặp nhau trong nhà Đạo, người quy-y và người hướng-dẫn biết hỏi và biết tặng món quà pháp-vị gì cho hợp? Thực vậy, kinh sách man-mác, giáo-lý cao-siêu, danh-từ khúc-mắc, nghi-thức tụng-niệm quá nhiều – nghiêng nặng về cầu-siêu, cầu-an – không biết xem gì, tụng gì và nhất là nhiều người không có hoàn-cảnh, thỉnh đủ. Giải-đáp thực-trạng phân-vân trên, giúp người Phật-tử hiểu qua những điểm chính trong giáo-lý, biết qua sự nghiệp người xưa, công việc hiện nay và biết đặt mình vào sự rèn-luyện thân-tâm trong khuôn-khổ giác-ngộ và xử-thế, tôi biên-soạn cuốn sách nhỏ này. Cuốn sách nhỏ này không có kỳ-vọng cao xa, nó chỉ ứng theo nhu-cầu cần-thiết, mong giúp một số vốn tối-thiểu cho người mới vào Đạo muốn tiến trên đường tu-học thực-sự. Viết tại Sài-thành mùa Đông năm Mậu-tuất (1958) Thích-Tâm-Châu
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]