Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sơ Quát về Năm Giai Vị Tu Tập trong Phật Đạo qua Duy Thức Học

16/01/202408:18(Xem: 3512)
Sơ Quát về Năm Giai Vị Tu Tập trong Phật Đạo qua Duy Thức Học



phat thanh dao-10
Sơ Quát về Năm Giai Vị Tu Tập
trong Phật Đạo qua Duy Thức Học

Khánh Hoàng

 

             Duy Thức Tam Thập Tụng, tác giả:  tổ Thế Thân (316-396), dịch giả Phạn - Hán: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang (602-664), có tất cả 30 bài  tụng, mỗi bài  có 4 câu, mỗi câu có 5 chữ (mỗi bài có 20 chữ); trong đó có 5 bài tụng (100 chữ), thuộc phần Duy Thức Hạnh đã nêu rõ về 5 giai vị tu tập trong Phật Đạo.  Đó là 5 giai vị với tên gọi là: Tư Lương vị, Gia Hạnh vị, Thông Đạt vị, Tu Tập vị, và Cứu Cánh vị. Năm giai vị này bao quát con đường tu tập đưa đến quả vị giải thoát cứu cánh trong đạo Phật. Bài viết sau đây chỉ là sự tổng hợp, góp nhặt, cảm nhận, suy luận có khi mang tính chủ quan  từ những điều đã thu thập được nơi một số kinh luận, các bài giảng thuyết; các giai đoạn tu tập cũng chỉ được nêu ra một cách rất khái quát  …nên chỉ có tính cách dùng để tham khảo.

             Giai vị đầu tiên của Duy Thức Hạnh là Tư Lương vị. Được gọi tên là "Tư Lương" vì đây là giai đoạn xây dựng, tạo lập hành trang, vật thực cần thiết cho các giai trình tu tập sau đó. Trong giai đoạn Tư Lương,  hành giả bắt đầu tìm tòi,học hỏi, suy nghĩ, tư duy, thắc mắc, lễ lạy và cúng dường Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) cùng các Thiện Tri Thức, luận bàn về Phật pháp nơi các kinh sách, các vị tôn đức tăng ni, các vị thiện tri thức nơi các tôn tự, các chùa, ,các phương tiện truyền thông có được...  Điều này tương hợp với Tam Huệ Học (Văn- Tư- Tu) trong giáo lý đạo Phật: Tư Lương vị chính là toàn phần "Văn" (học hỏi, tìm hiểu kỹ càng, tường tận giáo pháp qua nghe giảng pháp, đọc kinh sách...);  là một phần "Tư" (bắt đầu có được suy nghĩ, phân biệt, thắc mắc, xác định, phủ định, vấn đáp về giáo pháp) ; và là một phần  “Tu” (những bước tu tập sơ khởi như qui y Tam Bảo, thọ trì 5 giới, thọ Bát Quan Trai, ăn chay, niệm Phật, ngồi Thiền...).

Bài tụng thứ nhất (Tư Lương vị):  Duy Thức Tam Thập Tụng có 4 câu là:

"Nãi chí vị khởi thức

            Cầu trụ Duy Thức tánh

 Ư Nhị Thủ tùy miên

 Do vị năng phục diệt"

Tạm dịch:

" Đến khi chưa khởi thức

            Mong  trụ tánh Duy Thức

             Còn hai Thủ tiềm ẩn

             Do chưa hàng phục, đoạn trừ"

Ý nghĩa chi tiết 4 câu của Tư Lương vị được ghi nhận là:

Câu 1: "Nãi chí vị khởi thức" (Đến khi chưa khởi thức): “Thức chưa khởi” ở đây chính là thức A Lại Da. Vì ở giai đoạn này, Ý thức (Thức Thứ Sáu) hiện có của hành giả cùng với Tiền Ngũ Thức (Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỹ thức, Thiệt thức, Thân thức) còn đang dong ruổi theo 6 trần cảnh (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp) và còn bị ngăn che với A Lại Da thức (Thức Thứ Tám) bởi Mạt Na thức (Thức Thứ Bảy).

Tựu trung, thức A Lại Da có 7 đặc điểm chính yếu như sau:

1.  A Lại Da thức là thể trung gian,chuyển tiếp, cầu nối giữa Chơn Tâm (Giác Thể thanh tịnh, Chơn Như, Phật Tánh,  Như Lai Tàng…) và Vọng Tâm.  Vọng Tâm chính là 8 thức Tâm Vương bao gồm A Lại Da và 7 Chuyển Thức: Mạt Na thức, Ý thức, Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỹ thức, Thiệt thức, Thân thức. Theo Đại Thừa Khởi Tín Luận (tác giả = tổ Mã Minh (80-150), Dịch giả Phạn- Hán = ngài Chơn Đế Tam Tạng(499-569), dịch giả Hán- Việt = Hòa thượng Thích Thiện Hoa(1918-1973), sự liên hệ giữa Chơn Tâm và A Lại Da thức được diễn tả như sau: "Do không thật biết pháp "Chơn Như" nên tâm Bất Giác (mê) nổi lên, liền khởi vọng niệm (sanh tướng vô minh). Song vọng niệm vì là không có thật thể, nên chẳng rời Bản Giác".

2. Do vì từ nơi A Lại Da thức mà có ra sự lưu xuất, hình thành nên 7 Chuyển Thức nên A Lại Da còn có tên gọi khác là Căn Bản Thức. Căn Bản Thức chỉ mới có 5 tâm sở sơ khởi, sơ khai có dụng năng còn rất yếu ớt gọi là 5 Biến Hành tâm sở bao gồm: Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng, và Tư. Vì thế, cảnh giới của A Lại Da thức được mô tả là "vô phú, vô ký" (không có chỗ nương tựa, chưa có phân biệt thiện ác) nên là rất nhẹ nhàng, bao la, mênh mang, hồn nhiên, không vướng mắc, không trụ chấp, không phân biệt thiện ác, dở hay, tốt xấu.

3.  Tuy nhiên, A Lại Da thức chính là cội nguồn sâu xa nhất của Vọng Tưởng vì là nơi khởi phát ra 5 tâm sở Biến Hành trong đó có tâm sở Tưởng và tâm sở Tư, bản chất cố hữu của các loại Vọng Tưởng.

4. A Lại Da thức có công năng tích chứa chủng tử nghiệp thức nên  A Lại Da còn có tên gọi khác  là “Tàng Thức” ( hay Tạng Thức, Thức Tích Chứa, Thức Kho Tàng) hoặc là "Nhất Thiết Chủng Thức" (Thức Chứa Tất Cả Chủng Tử).  Các chủng tử đã được gây tạo bởi 3 nghiệp (thân, khẩu, ý) rồi được tàng trử, tích chứa nơi A Lại Da thức thật an toàn, không bị mất mát, hư hao từ đời này qua đời khác trong vô lượng kiếp sống của tất cả chúng sinh.

5.  Với sự biến hành của kho chủng tử, thức A Lại Da còn có tên gọi là Dị Thục Thức. Do vì các chủng tử này chính là đầu mối của chu trình nhân quả luân hồi, nôm na gọi là "Quả Báo". Nhưng từ nhân đến quả có các điểm dị biệt về thời gian ("Dị Thời nhi Thục"), về hoàn cảnh ("Dị Biến nhi Thục"), và về phẩm loại ("Dị Loại nhi Thục").

6.  A Lại Da thức là tâm thức vi tế, sâu thẳm nhất, và bị ngăn che bởi 2 tầng lớp là Mạt Na thức (Thức tư lương chấp ngã) và Ý thức (Thức tư duy chấp pháp) nên rất khó nhận biết được trong đời sống thường nhật. Chỉ có các vị Thánh, từ giai vị Tu Đà Hoàn ( Thanh Văn thừa) hoặc Bồ Tát Sơ Địa ( Bồ Tát thừa) mới có thể thấy biết đươc từng phần mà thôi. Đây là các bậc Thánh đã hoàn tất giai đoạn Kiến Đạo, giai đoạn đã thấy biết rõ ràng về con đường Tu Đạo chơn chánh do đã hoàn tất đoạn trừ xong 5 Kiến Hoặc (Thân kiến, 2. Biên kiến, 3. Kiến thủ, 4. Giới cấm thủ, và 5. Tà kiến), đã ngộ nhập vào A Lại Da thức, đã mấp mé thấy được Chơn Tâm, Phật Tánh dù đây chỉ mới là từng phần, chưa là trọn vẹn. 

7. A Lại Da thức chỉ được xả hết công năng chấp trì chủng tử nghiệp thức khi tu tập đạt đến giai vị A La Hán(Thanh Văn thừa) hoặc Bồ Tát Bát Địa (Bồ Tát thừa), các bậc đã hoàn tất tốt đẹp chặng đường Tu Đạo. Lúc này, A Lại Da thức được gọi tên là "Bạch Tịnh thức" hay là “Vô Cấu thức”.              

Câu 2: "Cầu trụ Duy Thức tánh" (Mong trụ tánh Duy Thức): đây là nét đặc sắc nhưng rất quan yếu trong tu tập Phật đạo cho hành giả Tư Lương vị. Đó là hành giả cần phát tâm mong cầu thấy được, ngộ nhập được vào tánh Duy Thức, vào A Lại Da thức.  Điều này đương nhiên hàm chứa 2 ý nghĩa:  Ý nghĩa thứ nhất là hành giả cần có lòng tin chơn chánh (chánh tín) về Phật tánh và về tánh của thức A Lại Da. Hai tánh này vốn có tương quan gắn bó mật thiết với nhau như đã nêu ở phần trên. Ý nghĩa thứ hai là hành giả cần phát tâm ham thích, mong muốn, khát khao được hội nhập, an trụ vào thức A Lại Da. Tâm mong muốn, ham thích này cũng chính là bước khởi đầu của Dục Như Ý Túc, 1 trong 4 Thần Túc (Tứ Thần Túc : 1.Dục Thần Túc, 2. Tinh Tấn Thần Túc, 3.Tâm Thần Túc, 4. Quán Thần Túc), cũng là 4 trong 37 Phẩm Trợ Đạo, Đạo Đế của Tứ Diệu Đế, giáo lý căn bản của Phật Đạo.  Tâm ham thích ở đây có thể xem là một dạng thái của tâm tham nhưng  không phải là tâm tham phiền não , một trong 5 Căn Bản Phiền Não (Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác Kiến) của thế gian,  vốn là tâm Ý thức bôn ba bám chấp, chạy đuổi theo 6 trần cảnh (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp) ở bên ngoài. Trái lại, nó là tâm ngược chiều với tâm tham Ý thức phiền não vì là tâm hướng nội quay về hội nhập với A Lại Da thức. Do vậy, tâm ham thích hướng nội này  được xem là một dạng thái sơ khởi của Định (Tam Ma Địa), nên còn có tên gọi là "Dục Tam Ma Địa" hoặc tên gọi đầy đủ là "Dục Tam Ma Địa Đoạn Hành Thành Tựu Thần Túc”. Có thể nói nôm na đây là Tham để nhập Định, không là Tham phiền não, khổ đau luân hồi.  Như thế, ở giai đoạn Tư Lương, hành giả ngoài sự học hỏi, hiểu biết về Phật pháp, về Duy Thức còn cần phát khởi tín tâm chân chính và phát khởi lòng ưa muốn, ham thích ngộ nhập vào A Lại Da thức nữa.

Câu 3 và câu 4: “Ư Nhị Thủ tùy miên, Do vị năng phục diệt” (Còn hai Thủ tiềm ẩn  Do chưa hàng phục, đoạn trừ). Thủ là bám giữ (thủ chấp). Hai Thủ gồm Năng Thủ (chủ thể thủ chấp) và Sở Thủ (đối tượng bị thủ chấp). Hai Thủ này được cảm nhận là công năng và tính chất chủ yếu của Mạt Na thức. Chúng là 2 dạng thể chuyển hành tinh khôi nơi tâm thức chúng sinh: Mạt Na thức (Năng Thủ) đã chấp thủ Kiến Phần của A Lại Da thức (Sở Thủ) làm bản ngã. Từ đây bắt đầu thấy ra có cái ta (Ngã) và có những cái không phải là ta (Nhân, Chúng Sanh, Thọ Giả). Như thế, muốn trở về hội nhập vào A Lại Da thức, Ý thức cần hoàn tất 2 việc: Việc thứ nhất là xa rời sự ràng buộc, tham chấp vào cảnh trần phiền não của Ý thức; đây được xem như tương ưng với công phu "Ly Sanh Hỷ Lạc" của cảnh giới Sơ Thiền. Việc thứ hai là cần vượt qua sự cản ngại của Mạt Na thức, nghĩa là cần khắc phục và đoạn trừ 2 thủ chấp, Năng Thủ và Sở Thủ, nơi Mạt Na thức. Việc thứ nhất cần được hoàn tất ở giai vị Tư Lương. Sau đó, việc thứ hai sẽ bắt đầu được hoàn tất ở các giai vị sau.  Nên bài tụng nói là ở giai vị Tư Lương, hai Thủ còn hiện hữu ở trạng thái tiềm ẩn, do chưa được hàng phục, đoạn trừ.

 

Bài tụng thứ hai (Gia Hạnh vị):  Duy Thức Tam Thập Tụng có 4 câu là:

"Hiện tiền lập thiểu vật

 Vị thị Duy Thức tánh

              Dĩ hữu sở đắc cố,     

            Phi thật trụ Duy Thức"

Tạm dịch:

"Lúc này đã tạo được chút thành tựu

  Chưa là Duy Thức tánh

             Do đã có chỗ sở đắc

             Không là thật trụ Duy Thức"

Ý nghĩa 4 câu của Gia Hạnh vị được ghi nhận là:

 Câu 1 và câu 2: " Hiện tiền lập thiểu vật Vị thị Duy Thức tánh " (Lúc này đã tạo được chút thành tựu,  Chưa là Duy Thức tánh): Ở giai đoạn này, hành giả đã tạo thêm được một số thành tựu trên con đường tu tập. Cảm nhận theo  Biện Trung Biên Luận (Bồ Tát Di Lặc thuyết kệ, Bồ Tát Thế Thân (316-396) luận giải, ngài An Huệ (475-555) thích sớ, ngài Chân Đế (499-569) dịch Phạn sang Hán, Quảng Minh dịch Hán sang Việt),  các thành tựu tu tập này bao gồm các thành tựu công phu tu tập về 4 Niệm Xứ, 4 Chánh Cần, 4 Như Ý Túc, 5 Căn, 5 Lực, và Tứ Gia Hạnh (tổng cọng là 22 phẩm trong 37 Trợ Đạo phẩm). Theo luận Hiển Dương Thánh Giáo (Tác giả: Đại sĩ Vô Trước (310-390), Dịch giả Phạn- Hán: Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang (602-664), Dịch giả Hán- Việt: Quảng Minh), và theo Biện Trung Biên luận (Bồ Tát Di Lặc thuyết kệ, Bồ Tát Thế Thân (316-396) luận giải, ngài An Huệ (475-555) thích sớ, ngài Chân Đế (499-569) dịch Phạn sang Hán, Quảng Minh dịch Hán sang Việt) , ý nghĩa của 22 phẩm này được ghi nhận tổng quát như sau:

1) Tứ Niệm Xứ: là 4 chỗ qui huớng, tập trung tâm thức  để giảm thiểu bớt đi tạp niệm  và để tăng cường thêm sức Định, sức Huệ.  4 chỗ đó là:


1. Thân: tâm niệm qui hướng về nhục sắc thân, theo sát và rõ biết về thân, về hơi thở vào ra nơi thân, cảm nghiệm được sự Bất Tịnh nơi thân của chính mình.


2.  Thọ: tâm niệm qui hướng và rõ biết về các cảm thọ nơi thân và nơi tâm của chính mình. Có 5 cảm thọ chính là Ưu thọ, Khổ thọ, Hỷ thọ, Lạc thọ, và Xả thọ, nhưng tất cả rõ ra đều chỉ là khổ đau, não phiền.


3. Tâm : tâm niệm qui hướng và rõ biết về các hành chuyển, các trạng thái Vô Thường, các sắc thái hiện khởi ra trong tâm thức của chính mình.


4. Pháp: tâm niệm qui hướng và rõ biết về dạng loại, hành trạng, bản chất Vô Ngã của các pháp hiện khởi ra trong tâm thức của chính mình.


2) Tứ Chánh Cần: bao gồm 4 pháp rèn luyện tâm thức qui hướng về chỗ thiện lành, lìa xa các nẻo ác trược. 4 pháp này là:

1. Pháp ác đã sanh thì khởi ước muốn, nỗ lực phát khởi Chánh Cần, giục tâm, giữ tâm để đoạn trừ chúng,

2. Pháp ác chưa sanh thì khởi ước muốn, nổ lực phát khởi Chánh Cần, giục tâm, giữ tâm để giữ cho chúng không sanh,

3. Pháp thiện chưa sanh thì khởi ước muốn, nổ lực phát khởi Chánh Cần, giục tâm, giữ tâm để phát sinh chúng,

4. Pháp thiện đã sanh thì khởi ước muốn, nổ lực phát khởi Chánh Cần, giục tâm, giữ tâm để an trú, không quên lãng, tu viên mãn, tăng trưởng rộng lớn thêm.


3) Tứ Như Ý Túc (còn gọi là “Tứ Thần Túc”) bao gồm 4 thứ : Dục Như Ý Túc, Cần (Tinh Tấn) Như Ý Túc, Tâm Như Ý Túc, và Quán Như Ý Túc. Ý nghĩa Tứ Như Ý Túc được ghi nhận theo Hiển Dương Thánh Giáo luận là:


1. Dục Như Ý Túc: là Dục Tăng Thượng nên đắc Tam Ma Địa. Dục Như Ý Túc và ba Như Ý Túc còn lại đều là các loại Tam Ma Địa (Định). Dục Như Ý Túc được gọi là Dục Tăng Thượng Tam Ma Địa. Định này bắt nguồn từ công phu tu tập Tứ Chánh Cần, từ nơi tâm mong muốn các ác pháp bị trừ diệt, không còn hiện hành và mong muốn các pháp thiện được hiện hành và tăng trưởng thêm lên. Định sau đó được tiếp tục triển chuyển ra thành Tâm Trú Nhất Cảnh Tánh.


2. Cần Như Ý Túc: là Cần Tăng Thượng nên đắc Tam Ma Địa. Đây là tinh tấn, dũng mãnh, nhiệt thành, siêng năng tu tập 8 pháp Đoạn Hành để chứng đắc Tâm Trú Nhất Cảnh Tánh. Tám pháp Đoạn Hành là pháp tu căn bản của Tứ Như Ý Túc, đặc biệt ở 3 Như Ý Túc sau (Cần Như Ý Túc, Tâm Như Ý Túc, và Quán Như Ý Túc). Tám pháp Đoạn Hành bao gồm:


(1) Dục : là tâm mong muốn các ác pháp bị trừ diệt, không còn hiện hành và mong muốn các pháp thiện được hiện hành và tăng trưởng thêm lên.

(2) Cần (Tinh Tấn): là siêng năng tu tập Xa Ma Tha (Chỉ) và Tỳ Bát Xá Na (Quán).           

(3) Tín: là nhân tố để khởi Dục, là sở nhân cho Dục, do từ Tín mà có Dục sanh khởi.

(4) An: là nhờ có Tinh Tấn mà thân tâm không còn nặng nề, thô nặng mà trở nên nhẹ nhàng, thư thái để có thể kham nhiệm.

(5) Chánh Niệm: là phòng hộ tâm hôn trầm và trạo cử của Tùy Phiền Não khiến cho tâm ghi nhớ, không quên.

(6) Chánh Tri: là tâm liền nhận ra, nhận thấy, nhận biết bất cứ khi nào có Tùy Phiền Não hiện hành.

(7) Tư: là tâm tạo tác trong khi Tịnh Chỉ (tâm chán ghét các cảnh sở duyên nổi lên từ trạo cử) và khi Sách Cử (tâm phấn chấn trở lại sau khi hôn trầm).

(8) Xả: là tâm bình đẳng, chánh trực, an trú Bất Nhiễm Ô, đã rời xa trạo cử, hôn trầm.


3. Tâm Như Ý Túc: là Tâm Tăng Thượng nên đắc Tam Ma Địa. Đây là hành giả tu tập hạnh Xa Ma Tha, tư duy nội pháp (các Tưởng Uẩn, Hành Uẩn của 5 Uẩn), đắc Tâm Trú Nhất Cảnh Tánh mà thành tựu Tam Ma Địa.


4. Quán Như Ý Túc: là Quán Tăng Thượng nên đắc Tam Ma Địa. Đây là do công phu tu tập quán sát mà thành tựu Tam Ma Địa: hành giả nghe học Chánh Pháp, ghi nhớ rồi dùng trí tuệ giản trạch, quán sát, biến giác quán sát mà đắc Tam Ma Địa”.

Các thành quả này là tiền đề cơ bản để xây dựng và hình thành nên hai phần tiếp theo trong tu tập 37 Trợ Đạo Phẩm là Ngũ Căn và Ngũ Lực.


4) Ngũ Căn (Năm Căn) và Ngũ Lực (Năm Lực): bao gồm Tín Căn và , Tấn Căn và, Niệm, Căn và, Định Căn và, và Tuệ Căn và. Chữ “Căn” ở đây có thể được xem là căn nguồn, cội nguồn, căn cứ địa, căn cứ xuất phát, nơi khởi phát ra 5 Lực, 5 khả năng, 5 trạng thái hoạt dụng thiện lành của tâm thức là Tín, Tấn, Niệm, Định, và Tuệ . Ý nghĩa của 5 Căn và 5 Lực được sơ lược ghi nhận như sau:


1. Tín Căn và Tín Lực: là do Thế Gian Đạo khiến tâm thanh tịnh, trong sáng, không dơ bẩn, lìa Tùy Phiền Não, được trú Bất Động. Rồi sau cầu Thánh Đế Hiện Quán đễ vĩnh đoạn Tùy Miên, tu tập các phương tiện đối trị, nhờ đó tăng khởi Thượng Tín Căn, Thượng Tín Lực.

2. Tấn Căn (còn gọi là Chánh Cần Căn) và Tấn Lực: là dựa vào Tín Căn và Tín Lực, tu tăng tiến dũng mãnh, cùng hành chuyển với Tín Căn và Tín Lực.

3. Niệm Căn và Niệm Lực: là dựa vào Tấn Căn và Tấn Lực nên trí được sáng tỏ, không quên lãng, cùng hành chuyển với Tấn Căn và Tấn Lực.

4. Định Căn (còn gọi là Đẳng Trì Căn) và Định Lực: là dựa vào Niệm Căn và Niệm Lực, Tâm Trú Nhất Cảnh, cùng hành chuyển với Niệm Căn và Niệm Lực.

5. Tuệ Căn và Tuệ Lực: là dựa vào Định Căn và Định Lực, Tuệ giản trạch các pháp, cùng hành chuyển với Định Căn và Định Lực.


5) Tứ Gia Hạnh: bao gồm 4 giai vị là Noãn vị, Đảnh vị, Nhẫn vị, và Thế Đệ Nhất vị.

1. Noãn Vị: (Noãn là ấm nóng) là giai đoạn tâm thức cảm thấy được ấm nóng do từ công phu tu tập 5 Căn, 5 Lưc. Đây là giai đoạn báo hiệu sắp có lửa, ánh sáng nơi Thánh Đạo. Ở giai vị này, hành giả quán thấy các pháp tự tướng, các pháp cộng tướng đều chỉ là ý ngôn mà hoạch đắc Trí Pháp Minh, quán sát được chân xác các cảnh sở duyên của các pháp.

2. Đảnh Vị: (Đảnh là đỉnh đầu, đỉnh núi) là từ Noãn Vị được tăng trưởng rồi thành mãn mà chuyển lên.

3. Nhẫn Vị: Nhẫn là xác nhận (nhẫn khả) các pháp chỉ toàn là duy tâm, nên từ đây không còn bị thoái đọa trên con đường tu tập nữa.

4. Thế Đệ Nhất Vị: là thấy rõ cả thế gian chỉ là pháp hữu lậu. Trong các pháp hữu lậu này, pháp Hiện Quán của Bồ Tát là hơn cả nên gọi là Thế Đệ Nhất. Đến đây, Bồ Tát tu tập pháp Hiện Quán Thánh Đế, quán sát thành công nên thấu rõ được Lý Tứ Đế ở ba cõi (Dục Giới, Sắc Giới, và Vô Sắc Giới) mà có đủ được 16 Tâm (16 Trí) cần thiết để “Thấy Đạo”(Kiến Đạo), đắc Thánh vị. Bồ Tát hội nhập Cảnh Không, hòa nhập vào A Lại Da thức nên khiến 7 Chuyển Thức không còn phát sinh, làm điều kiện đưa đến Định Vô Gián để phát sinh Trí Vô Lậu, gọi là đắc nhập Kiến Đạo và Chánh Tánh Ly Sanh. Đắc nhập Kiến Đạo được gọi là đã chứng Thánh vị, đắc quả vị Tu Đà Hoàn (bên Thanh Văn thừa), tương đương với quả vị Bồ Tát Sơ Địa (quả vị đầu tiên trong 10 quả vị Bồ Tát Đăng Địa bên Bồ Tát thừa).


Câu 3 và câu 4: “Dĩ hữu sở đắc cố, Phi thật trụ Duy Thức” (Do đã có chỗ sở đắc, Không là thật trụ Duy Thức): Chỗ thành tựu tu tập trong 24 phẩm Trợ Đạo vừa nêu trên được gọi là chỗ "Sở Đắc". Đắc chính là 1 trong 24 Tâm Bất Tương Ưng Hành, được kể đến đầu tiên trong Duy Thực 24 Tâm Bất Tương Ưng Hành bao gồm: 1. Đắc, 2. Mạng Căn, 3.Chúng Đồng Phận, 4. Dị Sanh Tánh, 5. Vô Tưởng Định, 6. Diệt Tân Định, 7. Vô Tưởng Báo, 8. Danh Thân, 9. Cú Thân, 10. Văn Thân, 11. Sinh, 12. Trụ, 13. Lão, 14. Vô Thường, 15. Lưu Chuyển, 16. Định Vị, 17. Tương Ưng, 18. Thế Tốc, 19. Thứ Đệ, 20. Thời,  20.Phương,  22. Số, 23.Hòa Hợp, 24. Bất Hòa Hợp.  Được gọi là "Bất Tương Ưng Hành" vì 24 Tâm này không tương ưng, không lệ thuộc vào bộ ba "Căn-Trần-Thức" hòa hợp mà sinh khởi.  Nói cách khác, tâm thức của hành giả đã không còn bám đuổi theo 6 trần cảnh bên ngoài, mà quay ngược vào bên trong nội tâm, hướng về Mạt Na thức và ra sức vượt qua Mạt Na thức. Tựu trung, Mạt Na thức có 6 đặc điểm chính yếu, tạm nêu như sau:


1. Mạt Na thức là thức đầu tiên của 7 Chuyển Thức triển chuyển từ A Lại Da thức (Thức Thứ Tám) nên nó còn có tên gọi là Thức Thứ Bảy. Mạt Na thức có tánh Hữu Phú Vô Ký; gọi là Hữu Phú vì nó có chỗ nương dựa vào nơi thức A Lại Da, gọi là Vô Ký vì nó không  có công năng phân biệt thiện ác như  Ý thức.


2.Mạt Na Thức là thức trung gian giữa A Lại Da thức và Ý thức nên nó còn được gọi là Ý Căn (Căn nguồn của Ý thức). Gọi là Căn nguồn của Ý thức, vì Mạt Na thức có công năng đem các chủng tử từ Tạng thức A Lại vào nơi Ý thức, khiến Ý thức có thêm cơ sở cho hoạt dụng phân biệt cảnh trần. Ngoài ra, cũng chính Mạt Na thức đem các pháp hiện hành từ nơi Ý thức mà truyền ngược vào Tạng thức, biến thành chủng tử thêm cho kho Tạng thức, nên nó lại còn có tên là ”Truyền Tống thức”.


3. Mạt Na thức có tánh chấp trụ, đầu mối của tâm phan duyên và tâm phân biệt:   Mạt Na thức chấp Kiến Phần của A Lại Da làm tự ngã nên có ra Ngã Tướng đầu tiên. Rồi từ Ngã Tướng này lại có sự phân biệt ra hai bên (nhị biên) mà tiếp tục phát triển tựu thành 3 tướng còn lại là Nhân Tướng, Chúng Sanh Tướng, Thọ Giả Tướng. Sự tựu thành và phát triển ra 4 tướng (Ngã, Nhân, Chúng Sanh, Thọ Giả) được cảm nhận là ý niệm về "Chúng Sanh Trược" ở kinh Thủ Lăng Nghiêm.


4.Dưới ảnh hưởng tác động từ vô lượng chủng tử nghiệp thức, Mạt Na thức cũng có tánh tuôn chảy không ngửng nghỉ giống như ở A Lại Da thức. Nó thường được ví như tiếng nói thầm thì liên tục đêm ngày, lúc tỉnh thức và cả lúc mộng ngủ; hoặc ví như nước liên tục rỉ chảy từ ống nước ăn thông, nối liền vào biển lớn.


5. Mạt Na thức cũng chính cưu mang sẵn trong nó tính chất phiền não. Điều này được thể hiện qua sự hiện diện nơi Mạt Na thức của 4 tâm sở Căn Bản Phiền Não (Tham, Si, Mạn, Ác Kiến) và của 8 tâm sở Đại Tùy Phiền Não (Trạo Cử, Hôn Trầm, Bất Tín, Giải Đãi, Phóng Dật, Thất Niệm, Tán Loạn, và Bất Chính Tri). Tổng cọng là 12 tâm sở, chiếm đến 2 phần 3 trong 18 tâm sở cố hữu của Mạt Na thức (gồm 12 tâm sở Phiền não và có thêm 5 tâm sở Biến Hành cùng 1 tâm sở Biệt Cảnh Huệ).


6.Mạt Na thức chính là lớp ngăn che ở giữa Ý thức và A Lại Da thức. Nó khiến tâm hành giả không thể cảm nhận, còn mờ mịt về A Lại Da thức và về Như Lai Tạng tâm nên nó cũng thường được nhà Thiền ví như Thùng Sơn Đen, Đầu Sào Trăm Trượng, Vô Thủy Vô Minh… Muốn cảm nhận và thể nhập vào A Lại Da thức, tâm thức hành giả cần phải vượt qua lớp rào chắn Mạt Na thức Vô Thủy Vô Minh, tức là vượt qua lớp rào chắn tư lương chấp ngã này. Khi đó, tâm hành giả không còn có chấp Ngã nữa, tâm được hòa nhập vào thức A Lại Da, trụ vào Duy Thức tánh.

Do vậy, các thành tựu nơi Tứ Gia Hạnh vị này cũng chỉ được xem là "chút ít", chưa có thể hội nhập, thể nhập vào A Lại Da thức nên bài tụng nói " Chưa là Duy Thức tánh”. 

 

Bài tụng thứ ba (Thông Đạt vị):  Duy Thức Tam Thập Tụng có 4 câu là:

"Nhược thời ư sở duyên

            Trí đô vô sở đắc

 Nhỉ thời trụ Duy Thức

            Ly Nhị Thủ tướng cố "

Tạm dịch:

"Nếu khi đối trước cảnh

            Trí đều không có chỗ đắc

            Lúc đó trụ Duy Thức

            Đã lìa tướng Hai Thủ"


Thông Đạt vị tương ưng với quả vị Kiến Đạo nơi Bồ Tát Sơ Địa (Hoan Hỷ Địa), quả vị đầu tiên trong 10 Thánh vị Đăng Địa của Thập Địa Bồ Tát.  Bên Thanh Văn thừa, quả vị này tương ứng với Sơ Quả vị Tu Đà Hoàn. Gọi là Kiến Đạo bởi vì bắt đầu từ quả vị này, tâm Bồ Tát đã vượt qua Mạt Na thức, đã không còn có chấp Ngã nên Bồ Tát đã bắt đầu sống được với phần nào Giác Tánh, đã thấy biết  ("Kiến") rõ con đường ("Đạo") tu tập chơn chánh thâm sâu nhất trong Phật Đạo.  Bậc Sơ Quả Tu Đà Hoàn, còn gọi Nhập Lưu hay Thất Lai, nhờ vào tuệ giác có được từ 5 Căn, 5 Lực, Tứ Gia Hạnh nên đã tận diệt ba kiết sử Thân kiến, Nghi và Giới cấm thủ; nhưng các vị còn phải có bảy lần tái sanh trở lại vào Dục Giới để tiếp tục con đường tu tập tối thượng. Theo kinh Hoa Nghiêm (Dịch giả Phạn-Hán: Đại sư Thật Xoa Nan Đà (652-710), Dịch giả Hán-Việt: Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), Bồ Tát Sơ Địa được  goi tên là Hoan Hỷ Địa vì từ nay, Bồ Tát được vui mừng rất lớn (hỷ duyệt, hân khánh...) do đã bắt đầu khởi nhận được trí Bát Nhã, thấy rõ con đường Tu Đạo. Các Ngài mong cầu Phật Trí, luôn nghĩ tưởng về Tam Bảo, không còn tham luyến danh sắc, ưa thích thực hành Bố Thí Ba La Mật (1 trong 10 Ba La Mật), Bố Thí Nhiếp Pháp, Ái Ngữ Nhiếp Pháp (2 trong 4 Tứ Nhiếp Pháp), Tứ Vô Lượng Tâm (Từ Bi Hỷ Xả) nên tâm các Ngài được Vô Úy, không còn kinh sợ nơi thế gian, sinh tử.  Đây chính là " KIẾN ĐẠO KHỞI TU " (thấy ra con đường Đạo mà bắt đầu hành trì pháp Tu Tập tối thượng ) trong đạo Phật. Qui luật tất yếu ở đây là cần phải thấy ra con đường ("Kiến Đạo"), sau đó mới có thể bước đi trên con đường ("Tu Đạo").


 Qua Biện Trung Biên Luận và qua Hiển Dương Thánh Giáo Luận, giai vị Kiến Đạo Tu Đà Hoàn chuyên chú tu tập về Thất Giác Chi, 7 phẩm trong 37 Trợ Đạo phẩm sau khi đã hoàn tất tốt đẹp 22 phẩm ở các giai vị trước. Thất Giác Chi được định nghĩa là “Bảy chi hổ trợ cho Tuệ Giác”. Bảy chi này bao gồm:

1. Niệm Giác Chi: là chi phần sở y cho Tuệ Giác, là tâm trí sáng tỏ Thánh Đế, không quên Thánh Đế. Đây là do đã có đủ thiện lực để Kiến Đạo hiện tiền, đắc nhập xuất thế Vô Công Dụng, Vô Phân Biệt.

2. Trạch Pháp Giác Chi: là chi phần tự tánh của Tuệ Giác, là do đã có Tuệ Giác vô phân biệt, vô công dụng nên y chỉ nơi Niệm, cùng Niệm câu hành, vì thế hiểu rõ, giác ngộ Thánh Đế.

3. Tinh Tấn Giác Chi: là chi phần xuất ly của Tuệ Giác, là sanh tâm dũng mãnh nơi Thánh Đế.

4. Hỷ Giác Chi: là chi phần lợi ích của Tuệ Giác, là có tâm hỷ duyệt nơi Thánh Đế.

5. Khinh An Giác Chi: là chi phần Vô Nhiễm của Tuệ Giác, có thể là Tuệ tâm sở, là có thân tâm kham nhiệm ở trong Chân Đế Hiện Quán (Kiến Đạo ly Tam Giới), lấy tánh Kham Năng làm chỗ dụng công tu tập.

6. Định (Tam Ma Địa) Giác Chi:  là chi phần Vô Nhiễm của Tuệ Giác, là chỗ sở y của Vô Nhiễm để có được Chuyển Y, là có tâm trú Nhất Cảnh Tánh ở trong Chân Đế Hiện Quán.

7. Xả Giác Chi: cũng là chi phần Vô Nhiễm của Tuệ Giác, là tự tánh của Vô Nhiễm , là có tâm bình đẳng, tâm chánh trực, tâm không chuyển động ở trong Chân Đế Hiện Quán. Nơi Xả Giác Chi, các phiền não tạp nhiễm đều bị đoạn trừ nên hiển lộ tự tánh Vô Nhiễm .

Ý nghĩa 4 câu của Thông Đạt vị được ghi nhận là:

 
Câu 1: " Nhược thời ư sở duyên " (Nếu khi đối trước cảnh): Câu này có 2 điểm quan trọng sau:

1.     Chữ "Thời" trong câu kệ này cũng chính là một trong 24 món Tâm Bất Tương Ưng Hành pháp, giống như chữ "Đắc" đã đề cập ở phần trên: Còn có "Thời" là còn chưa vượt thoát khỏi tầm tác động, ảnh hưởng của thức A Lại Da dù trí Bát Nhã đã được hé lộ.

2.     Cảnh sở duyên của Thông Đạt vị có thể được phân biệt ra 2 loại: Loại 1 vẫn còn là 6 cảnh trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp) của phần Tư Duy nơi Ý Thức hướng ngoại; loại 2 là cảnh giới của A Lại Da thức chỉ với 5 tâm sở Biến Hành và với 1 Xả Thọ nơi Ý thức hướng nội đã vượt qua "thùng sơn đen" Tư Lương chấp ngã Mạt Na thức. Nói cách khác, Thông Đạt vị là bậc Thánh đã có thêm được Thiên Nhãn, Huệ Nhãn nhưng Nhục Nhãn vẫn không mất.


Câu 2: " Trí đô vô sở đắc " (Trí đều không có chỗ đắc):

"Trí không có chỗ đắc" này được cảm nhận chính là trí Bát Nhã. Trí Bát Nhã tự hiển bày khi tâm hành giả đã có đầy đủ 5 Căn, 5 Lực, Tứ Gia Hạnh vị và khi A Lại Da không còn bị Mạt Na thức che khuất.  Tựu trung, trí Bát Nhã có 6 đặc điểm sau:

1. Trí Bát Nhã là Trí của các bậc Thánh, của các Bồ Tát Đăng Địa (Thập Địa Bồ Tát), bắt đầu từ Bồ Tát Sơ Địa (tương đương với quả vị Tu Đà Hoàn bên Thanh Văn thừa) lên đến Bồ Tát Bát Địa (tương đương với quả vị A La Hán bên Thanh Văn thừa). Trí này vượt hẳn qua trí tuệ thế gian: phàm phu và ngay cả các nhà bác học, thông thái của thế gian cũng không thể biết được Trí Bát Nhã khi chưa Kiến Đạo. Đến giai vị Thiện Huệ (Cửu Địa), không còn gọi là trí Bát Nhã vì Bồ Tát đã được thể nhập vào Phật trí bất tư nghì.

2. Trí Bát Nhã là Trí đã khuất phục và đã vượt qua 2 chấp trụ cơ bản nhất của tâm thức:  Hai chấp trụ này là Ý thức tư duy chấp pháp khiến có sinh khởi ra mê mờ, phiền não (Kiến Hoặc, Tư Hoặc, Căn Bản Phiền Não, Tùy Phiền Não...) và là Mạt Na thức tư lương chấp ngã khiến có ra 2 Thủ (Năng Thủ và Sở Thủ). Điều này khiến Trí Bát Nhã còn được gọi là Trí Vô Trụ, trí không có chỗ trụ (vượt qua ý niệm về không gian), trí không có lúc trụ (vượt qua ý niệm về thời gian) vì Thể và Dụng của trí Bát Nhã hằng hữu bàng bạc, mênh mang khắp không gian, khắp thời gian.

3. Do đã vượt qua các chấp trụ nêu trên, Trí Bát Nhã là Trí sẵn có khả năng hội nhập, thể nhập vào A Lại Da thức. Nói cách khác, tầng bậc nhập Định của các bậc Thánh này có khi khiến tâm các vị chỉ còn có 5 tâm sở Biến Hành và Xả thọ của A Lại Da thức.

4. Trí Bát Nhã là Trí thấy được Pháp thân (hay Pháp tánh, Phật tánh..) nên kinh Bát Nhã gọi Trí Bát Nhã là mẹ đẻ của chư Phật, chư Bồ Tát. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào mức độ tu tập: Ở Sơ Địa Bồ Tát (giai vị vừa được Kiến Đạo), Bồ Tát chỉ thấy được một phần Pháp thân mà thấy không rõ ràng; còn ở Bát Địa Bồ Tát (giai vị hoàn tất Tu Đạo), Bồ Tát thấy Pháp thân được trọn vẹn, toàn phần rõ ràng hơn.

 5. Do đã thấy ra Phật tánh, trí Bát Nhã là Trí tràn đầy thiết tha với Phật tánh nên đến lúc này, tâm Bồ Tát thực thụ chỉ hướng về Phật tánh, về Như Lai,về Vô Dư Y Niết Bàn mà không còn có chỗ bám víu,  chỗ sở đắc nào khác nên bài tụng nói là “Trí đều không có chỗ đắc”.

6. Trong tu tập, trí Bát Nhã là Trí đã đã thấu rõ các hành chuyển, qui hướng, ưa thích...của tâm chúng sinh để giúp cho Bồ Tát tu tập có hiệu quả tốt đẹp về Tứ Nhiếp Pháp  (4 pháp cấn thiết để nhiếp phục mà giáo hóa, hóa độ cho tất cả chúng sinh, bao gồm 1. Bố thí, 2. Ái ngữ, 3. Lợi hành, 4. Đồng sự);  và cũng là Trí thông thấu về 2 bờ, bờ bên này và bờ bên kia, để giúp Bồ Tát tu tập có hiệu quả tốt đẹp về 10 Ba La Mật,  10 pháp tu tập đưa qua bờ bên kia, bao gồm: 1. Bố thí, 2. Trì giới, 3. Nhẫn Nhục, 4. Tinh Tấn, 5. Thiền Định, 6. Bát Nhã, 7. Phương tiện, 8. Nguyện, 9. Lực, 10. Trí Huệ,  mà đi từ bờ bên này  (bờ khổ đau- sinh tử) qua đến bờ bên kia (bờ giải thoát- tịch diệt).


Câu 3 và câu 4: " Nhỉ thời trụ Duy Thức ,  Ly Nhị Thủ tướng cố " (Lúc đó trụ Duy Thức,  Đã lìa tướng Hai Thủ):  "Trụ Duy Thức" là an trụ A Lại Da thức, là an trụ Duy Thức tánh vì A Lại Da chính là tánh của Duy Thức. An trụ vào A Lại Da cũng có nghĩa là tâm thức Bồ Tát đã vượt qua Mạt Na thức, vượt qua Nhị Thủ (Năng thủ, Sở thủ) của Mạt Na thức. Như thế, đến đây tâm thức Bồ Tát đã hoàn toàn rời lìa được 2 tầng lớp mê mờ quan trọng: Tầng lớp 1 là các tâm thức mê mờ của Kiến Hoặc (Thân kiến, Biên kiến, Kiến thủ, Giới Cấm thủ, Tà Kiến) từ nơi Ý thức chấp thủ, bám víu vào thân tâm 5 uẩn và vào dụng năng Thấy- Nghe- Hay- Biết (Kiến Văn Giác Tri) của thân tâm 5 uẩn; tầng lớp 2 là tâm thức bám víu chấp Ngã, tâm thức cội nguồn của Nhị Thủ (Năng thủ, Sở thủ) của Mạt Na thức.  Chỗ này cũng chính là nền tảng cần thiết để Bồ Tát có thể tiếp tục tu tập đoạn trừ Tư Hoặc và xả bỏ A Lại Da thức trong các giai vị Tu Tập tiếp theo.

 

Bài tụng thứ tư (Tu Tập vị):  Duy Thức Tam Thập Tụng có 4 câu là:

"Vô Đắc bất tư nghì

            Thị xuất Thế Gian Trí

            Xả nhị Thô Trọng cố

            Tiện chứng đắc Chuyển Y"

Tạm dịch:

" Vô Đắc không thể nghĩ bàn

            Đây là trí xuất thế gian

            Xả xong hai Thô Trọng

            Liền Chuyển Y chứng đắc"


Tu Tập vị tương ưng với quả vị Tu Đạo, bao gồm 7 quả vị của Bồ Tát Đăng Địa từ Địa 2 (Ly Cấu Địa) đến Địa 8 (Bất Động Địa). Kinh Hoa Nghiêm khai thị về các quả vị này, được ghi nhận sơ lược như sau :

1.     Bồ Tát Nhị Địa (Ly Cấu Địa): các Ngài tu tập thiên về Trì Giới (1 trong 10 Ba La Mật); về Ái Ngữ Nhiếp Pháp( 1 trong 4 Nhiếp Pháp);  các Ngài không còn có Tham, Sân, Si; xa lìa Tà Kiến cấu bẩn , nên được gọi tên là “Ly Cấu”.

2.     Bồ Tát Tam Địa (Phát Quang Địa): các Ngài tu tập thiên về Nhẫn Khả Ba La Mật (1 trong 10 Ba La Mật), về Lợi Hành Nhiếp Pháp (1 trong 4 Nhiếp Pháp); thông thạo Tứ Thiền, Bát Định, xuất nhập các Tam Muội; thành tựu vô lượng sức thần thông cùng Trí Quán Tướng, quán được tướng chơn thật của các pháp Hữu Vi, nên được gọi tên là "Phát Quang".

3.     Bồ Tát Tứ Địa (Diệm Huệ Địa):  các Ngài tu tập thiên về Tinh Tấn Ba La Mật (1 trong 10 Ba La Mật), về Đồng Sự Nhiếp Pháp (1 trong 4 Nhiếp Pháp); 10 pháp Minh Môn quán sát vào 10 Giới mà đắc được Trí Thành Thục, phát khởi Huệ phương tiện để Tu Đạo và Trợ Đạo, nên được gọi tên là "Diệm Huệ".

4.      Bồ Tát Ngũ Địa (Nan Thắng Địa):  các Ngài tu tập thiên về Thiền Định Ba La Mật (1 trong 10 Ba La Mật), về tất cả công hạnh của 4 Nhiếp Pháp; (kể từ Ngũ Địa trở lên, các Bồ Tát đều có tu tập, công hạnh đầy đủ trọn vẹn 4 Nhiếp Pháp để nhiếp hóa chúng sinh), đắc các Đế Trí,Tín Giải Trí,Phương Tiện Trí; biết như thật về Tứ Thánh Đế, thấu đạt được Tâm Bình Đẳng; là giai vị khó vượt qua, khó ngăn hoại nên được gọi tên là "Nan Thắng".

5.     Bồ Tát Lục Địa (Hiện Tiền Địa):  các Ngài tu tập thiên về Bát Nhã Ba La Mật (1 trong 10 Ba La Mật), quán thế gian sinh diệt với tâm Đại Bi, quán về Ngã chấp, về nhị biên Có- Không chấp,  thông tỏ lý Duyên Khởi cùng 12 Nhân Duyên, quán chiếu thấu suốt được 10 Pháp Bình Đẳng , nên các Ngài được Giải Thoát hiện tiền, Bát Nhã hiện tiền, Không Tam Muội hiện tiền, do vậy được gọi tên là "Hiện Tiền".

6.     Bồ Tát Thất Địa (Viễn Hành Địa):  các Ngài tu tập thiên về Phương Tiện Ba La Mật (1 trong 10 Ba La Mật),  9 phần Ba La Mật kia thì tùy sức mà tu tập, trong 1 niệm có đủ 10 Ba La Mật, thành tựu 10 môn Phương Tiện Huệ; 4 Nhiếp Pháp, 37 phẩm Trợ Đạo, 3 môn Giải Thoát; lại có thể nhập- xuất Diệt Tận Định nhưng không tác chứng, gọi là đã viễn ly Vô Hành thậm thâm nên được gọi tên là "Viễn Hành".

7.     Bồ Tát Bát Địa (Bất Động Địa):  Giai vị Bát Địa bên Bồ Tát thừa chính là A La Hán bên Thanh Văn thừa, giai vị hoàn tất giai đoạn Tu Tập Phật đạo. Các Ngài tu tập thiên về Nguyện Ba La Mật (1 trong 10 Ba La Mật), 9 phần Ba La Mật kia thì tùy sức mà tu tập, trong 1 niệm có đủ 10 Ba La Mật; đã thành tựu Phương Tiện Huệ, thành tựu về các Tánh Vô Sanh, Vô Khởi, Vô Tướng, Vô Tánh …; trong một niệm có thể dùng Trí Vô Công Dụng nhập cảnh giới Nhứt Thiết Chủng Trí.  Các Ngài đã lìa các tưởng phân biệt nơi Tâm – Ý – Ý thức, đã đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, được hạnh Vô Tránh, Tịch Diệt hiện tiền, bình đẳng 3 thuở (Sơ–Trung-Hậu), thanh tịnh các Đạo, khéo nhiếp trì Đại Nguyện lực, được Phật Lực gia hộ ban cho Như Lai Trí, Tự Lực khéo giữ gìn, Trí Nhẫn đệ nhất, thâm tâm Tuệ Giác, có thể khởi phát vô lượng, vô biên Trí sai biệt, như thuyền vào biển lớn chỉ cần theo gió mà đi, không cần tốn hao công hạnh  nên được gọi tên là "Bất Động" hay “Vô Sở Hành”, “Vô Công Dụng”, ‘Vô Sanh Pháp Nhẫn’...

Ý nghĩa 4 câu của Tu Tập vị được ghi nhận là:

Câu 1: “ Vô Đắc bất tư nghì”  (Vô Đắc không thể nghĩ bàn):

“Vô Đắc” là cảnh giới đã thoát qua khỏi ảnh hưởng tác động của Mạt Na thức và của cả A Lại Da thức, cảnh giới không còn có chỗ Sở Đắc, khách thể , hay cảnh Sở Đắc; cũng không còn có Năng Đắc, chủ thể,  hay khả năng có thể có thêm, tiếp nhận thêm bất cứ sự vật gì vào trong tâm thức vốn đã quá thanh tịnh.  Vô Đắc là hệ quả tất yếu của công phu tu tập xả bỏ thức A Lại của Tu Tập vị. Công phu này được diễn đạt rõ qua 4 câu tụng trong Bát Thức Qui Củ Tụng, tác giả: ngài Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang (602-664), như sau:

"Bất Động Địa tiền tài xả Tàng

Kim Cang Đạo hậu Dị Thục không

Đại Viên, Vô Cấu đồng thời phát

Phổ chiếu thập phương sát trần trung"

Tạm dịch:

"Trước địa vị Bất Động  còn phải xả bỏ Tàng thức

 Sau Kim Cang Đạo, thức Dị Thục không có nữa

 Trí Đại Viên, thức Vô Cấu đồng thời phát

 Chiếu khắp mười phương vi trần quốc độ"

Cảnh giới Vô Đắc được cho là “bất tư nghì” (không thể nghĩ bàn) vì nó đã  vượt qua A Lại Da thức, vượt khỏi các tâm Bất Tương Ưng của A Lại Da thức là Danh Thân, Cú Thân, Văn Thân. Ba Thân này chính là bản thể, là chất liệu căn bản của tất cả nghĩ bàn, bao gồm ngôn ngữ, văn tự, suy tư, hiểu biết, phân biệt cho muôn loài chúng sinh.

Câu 2: "Thị xuất thế gian trí” (Đây là trí xuất thế gian):

Trí thế gian là trí chỉ có thể thu nhận, quán sát, phân biệt cảnh trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc,Pháp) mà không thể thấy biết thấu suốt được, không hội nhập, ứng hợp được với cảnh giới Vô Ngã, Vô Đắc. Nhưng  đây không phải là cảnh giới Vô Ngã, Vô Đắc xuất ra khỏi thế gian trí mà chính là trí thế gian do không còn có sự ứng hợp nên tự xuất ly, tự cách ly ra khỏi cảnh giới u tuyệt, huyền nhiên, bất khả tư nghì này.

Câu 3: " Xả nhị Thô Trọng cố” (Xả xong hai Thô Trọng):

 Trong  5 thọ, A Lại Da thức chỉ có duy nhất một Xả thọ. Các Bồ Tát Đăng Địa đã thể nhập, tương ưng vào A Lại Da thức nên các Ngài ứng hợp với thọ Xả này, công phu tu tập đầy đủ về Hạnh, Nguyện, Thiền Định khiến phát sinh các Đại Tâm, các trí tuệ thanh tịnh mà xả bỏ 2 thứ Thô Trọng là Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng.  Đây là hai rào cản rất vi tế và thâm sâu trong tâm thức, khiến tâm thức bị ngăn ngại không được thông thấu với Phật tánh, Bồ Đề trí, nên được gọi là "Chướng".  

Phiền Não Chướng chính là 6 tâm sở Căn Bản Phiền Não bao gồm: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác Kiến; trong đó 5 tâm sở đầu (Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi ) được gọi là Tư Hoặc, còn Ác Kiến được gọi là Kiến Hoặc. Kiến Hoặc lại chia ra 5 loại là Thân Kiến, Biên Kiến, Tà Kiến, Kiến Thủ và Giới Cấm Thủ. Do vậy, 6 Căn Bản Phiền Não cũng thường được gọi là Kiến Tư Hoặc. Gọi là “Hoặc” vì đây là Bất Giác, mê mờ, vô minh khiến chúng sanh phải chịu trầm luân sanh tử. Duy Thức Học minh định lý do sâu thẳm nhất khiến có ra Bất Giác chính là do còn có sự hiện hữu của kho tàng chủng tử tập khí nghiệp thức nơi A Lại Da thức. Nên chỉ khi nào kho tàng này bị xả bỏ hoàn toàn qua tu tập tối thượng nơi các vị Bồ Tát Đăng Địa, tâm thức mới có thể trở về tương hợp, ứng nhập vào với Chơn Tâm, Chơn Như bản hữu. Do vậy, lý Tứ Đế và lý Thập Nhị Nhơn Duyên ít nhiều có liên hệ đến bóng dáng và sự biến hành, tác động của kho tàng chủng tử này. Như phải đến giai vị Hiện Tiền (Đệ Lục) Địa, Bồ Tát mới rõ thấu được Lý Duyên Khởi 12 Nhơn Duyên nhưng vẫn còn tu tập tiếp tục xả bỏ chủng tử Tàng Thức. Chỉ khi đến được giai vị Bất Động (Đệ Bát) Địa, Tàng Thức mới được xả bỏ xong; lúc này, Tàng Thức A Lại Da được đổi tên gọi là Bạch Tịnh Thức, hay Vô Cấu Thức; hành giả được xem là đã Kiến Tánh.

Trong khi Phiền Não Chướng là chướng có liên hệ đến các chủng tử của 6 Căn Bản Phiền Não, thì Sở Tri Chướng được cảm nhận là chướng có liên hệ đến tất cả dạng loại chủng tử còn lại có trong A Lại Da thức. Đây là bao gồm tất cả các chủng tử có công năng tri giác, nhận biết, phân biệt vào một đối tượng nào đó; nôm na gọi là có chỗ trụ, có chỗ để tri giác, nhận biết (gọi là "Sở Tri" = "chỗ biết").  Còn có "chỗ" là còn chưa được bình đẳng, là còn trái với Giác thể Chơn Như vốn là bình đẳng, nhất như. Lý tánh bình đẳng, nhất như cao diệu này lại bị che lấp bởi các tâm thức chấp ngã và chấp pháp của chúng sinh.  Nên các Bồ Tát Đăng Địa phải tu tập đến giai vị Nan Thắng (Đệ Ngũ) Địa mới có được 10 Tâm Bình Đẳng,  rồi phải đến giai vị Hiện Tiền (Đệ Lục) Địa mới quán chiếu thấu suốt được 10 Pháp Bình Đẳng.

Câu 4: " Tiện chứng đắc Chuyển Y” (Liền Chuyển Y chứng đắc):

"Tiện chứng đắc" được cảm nhận là có ý nghĩa rất vi tế, sâu sắc  vì chữ "chứng đắc" ở đây không đồng nghĩa với chữ "Đắc" nơi 24 Tâm Bất Tương Ưng nơi các giai vị tu tập trước. Câu tụng này là cảnh giới của Bồ tát Bất Động (Đệ Bát) Địa: sau khi đã hoàn tất công phu xả bỏ trọn vẹn kho tàng chủng tử nghiệp thức, xả bỏ A Lại Da thức; thân tâm các vị Bồ tát Bất Động Địa (tương ưng với quả vị A La Hán bên Thanh Văn thừa) đã được hoàn toàn thanh tịnh, lìa xa các Tưởng nơi Tâm, Ý, và Ý thức; nhập Vô Sanh Pháp Nhẫn. Ngoài ra, do sức bản nguyện rộng lớn, các Ngài còn được thấy vô lượng chư Phật hiện ra và được chư Phật ban cho Như Lai Trí...Như thế "Tiện chứng đắc" có thể được tạm giải thích là "sự tương ưng, ứng hạp tự nhiên được tiếp nhận ân phước từ chư Phật", nên đây tạm gọi là sự chứng đắc mà không có thêm vào, không có bớt ra, không có dụng công như sự chứng đắc thông thường ở các giai vị trước.

"Chuyển Y" là chuyển đổi 4 chỗ Y chỉ, là chuyển đổi từ Thức sang Trí, bao gồm 4 chuyển đổi: Chuyển Ý thức ra Diệu Quán Sát Trí, chuyển Mạt Na thức ra Bình Đẳng Tánh Trí, chuyển Tiền Ngũ thức (Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỹ thức, Thiệt thức, Thân thức) ra Thành Sở Tác Trí, và chuyểnA Lại Da thức ra "Đại Viên Cảnh Trí". Đây cũng là sự chuyển đổi tự nhiên, như nhiên, tự  hiện khởi sau khi đã Kiến Tánh mà không qua bất kỳ dụng công, tác ý nào.

Bài tụng thứ năm (Cứu Cánh vị):  Duy Thức Tam Thập Tụng có 4 câu là:

"Thử tức Vô Lậu giới

 Bất tư nghì Thiện Thường

 An lạc giải thoát thân

 Đại Mâu Ni danh pháp"

Tạm dịch:

"Đây là cõi Vô Lậu

 Thiện Thường không thể nghĩ bàn

 Thân giải thoát, an lạc

 Tên gọi Đại Tịch Tịnh"

Cứu Cánh vị là giai vị tu tập sau cùng của Duy Thức Học, bao gồm các địa vị từ Bồ Tát Thiện Huệ (Đệ Cửu) Địa, Bồ Tát Pháp Vân (Đệ Thập) Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác, và Phật. Kinh Hoa Nghiêm khai thị về Thiện Huệ  Địa và Pháp Vân Địa, được ghi nhận sơ lược như sau :

1.     Bồ Tát Cửu Địa (Thiện Huệ Địa):  các Ngài tu tập thiên về Lực Ba La Mật (1 trong 10 Ba La Mật), 9 phần Ba La Mật kia thì tùy sức mà tu tập, trong 1 niệm có đủ 10 Ba La Mật; thâm nhập Phật Tam Muội, quán sát bất tư nghì Đại Trí tánh; tu tập 10 Lực, đức Vô Úy và 18 Bất Cộng pháp của chư Phật, theo chư Phật chuyển Pháp luân; được 4 Vô Ngại Trí, khéo diễn thuyết hóa độ, điều phục chúng sinh; thể nhập Tịch Diệt, Giải Thoát, Phật Trí bất tư nghì nên được gọi tên là "Thiện Huệ".

2.     Bồ Tát Thập Địa (Pháp Vân Địa):  các Ngài tu tập thiên về Trí Huệ Ba La Mật (1 trong 10 Ba La Mật), 9 phần Ba La Mật kia thì tùy sức mà tu tập, trong 1 niệm có đủ 10 Ba La Mật; các Ngài thể nhập Phật cảnh giới, được Phật quán đảnh làm bậc Thọ Chức; tùy thuận công hạnh Tịch Diệt của Như Lai, thể nhập Tam Muội tối hậu, thể hiện được các quang minh của chư Phật; Bồ Tát hạnh ví như Đại Hải, có thể an trì, nhiếp thọ vô lượng Đại pháp của Như Lai; các Ngài dùng Tự Nguyện Lực nổi mây Phước Đức Đại Bi, chấn sấm Đại Pháp, nháng chớp Trí Huệ Vô Úy, nên được gọi tên là " Pháp Vân ".

Ba  giai vị sau cùng (Đẳng Giác, Diệu Giác, Phật) không còn có dụng công tu tập nữa, cảnh giới chư Phật lại quá huyền diệu, quá nhiệm mầu, quá bất khả tư nghì nên kinh luận rất ít khi đề cập đến.

Ý nghĩa 4 câu của Cứu Cánh vị được ghi nhận là:

Câu 1 và câu 2:“ Thử tức Vô Lậu Giới, Bất tư nghì Thiện Thường”

                   (Đây là cõi Vô Lậu, Thiện Thường không thể nghĩ bàn)

Cảnh giới của chư Phật là cõi Vô Lậu, không còn bị rơi rớt trở lại vào thế gian. Cảnh giới này được tạm mô tả là cảnh giới cực kỳ thanh tịnh, không còn hiện hữu bất kỳ dấu vết, bóng dáng của chủng tử, nghiệp thức nên cũng không còn có bất cứ tỳ vết nào của phiền não, khổ đau,  đã tuyệt nhiên vắng bóng tất cả phân biệt, chấp trước nên được bài tụng gọi là Bất Tư Nghì Thiện. Cảnh giới nhiệm mầu, như nhiên, tận xuất Thế Gian này lại cũng tuyệt đối thường hằng, đã siêu tuyệt, vượt thoát khỏi các chu trình biến hoại Sinh-Tử, Có-Không của thế gian nên được bài tụng gọi là Bất Tư Nghì Thường.

Câu 3 và câu 4:“ An lạc giải thoát thân  Đại Mâu Ni danh pháp”

                          (Thân giải thoát, an lạc   Tên gọi Đại Tịch Tịnh)

Thân an lạc, giải thoát tối hậu chính là pháp thân của chư Phật. Gọi là An Lạc vì đã tuyệt nhiên không có bất cứ vướng chấp phiền não, cũng là nghĩa của chữ “Tịch” (tuyệt nhiên vắng bóng);  gọi là Giải Thoát vì đã vượt thoát ra khỏi tất cả ràng buộc của kho tàng chủng tử nghiệp cảm nơi A Lại Da thức, cũng là nghĩa của chữ “Tịnh”(tuyệt nhiên trong sáng). Do từ ý nghĩa này,  2 chữ An Lạc và Giải Thoát cũng được gọi là Tịch và Tịnh. Tịch Tịnh cũng được gọi là Mâu Ni, là danh hiệu của đức Bổn Sư vậy.

Do bổn tánh Bình Đẳng và thường hằng chu biến khắp pháp giới, pháp thân an lạc và giải thoát vốn thường sẳn đủ, quang minh thường hằng biến chiếu nơi muôn loài chúng sinh. Nhưng theo Duy Thức Học, chúng sinh không thể thấy biết, thụ hưởng, sử dụng nguồn quang minh này là do còn bị ngăn che bởi 3 lớp màn che, rào ngăn chính. Lớp 1 là Tiền Lục Thức (Ý thức và Tiền Ngũ Thức: Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân:) tư duy chấp mắc vào cảnh trần (6 trần cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) khiến không ngớt gây tạo, phát sinh biết bao chủng tử phiền não nghiệp chướng.  Lớp 2 là Mạt Na thức, cội nguồn tư lương chấp ngã, đón đưa chủng tử nghiệp thức, gây tạo ra vô lượng phiền não, nghiệp chướng mà phải đến giai vị Kiến Đạo mới vượt qua được lớp màn che Ngã chấp này và mới rõ ra được con đường tu tập tối thượng (Kiến Đạo Khởi Tu). Lớp 3 là A Lại Da thức, cội nguồn tàng trử kho tàng chủng tử nghiệp thức; kho tàng này cần được xả bỏ hoàn toàn, gọi là Kiến Tánh, để chuyển Thức thành Trí và để cảnh giới, pháp thân an lạc- giải thoát tự hiện khởi trở lại.

Trong nhà Thiền có câu chuyện kể:  Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng (677-744) đến Tào Khê tham yết Lục Tổ Huệ Năng (638-713).  Tổ hỏi: "Ở đâu đến?", Ngài thưa: "Ở Tung Sơn đến." Tổ lại hỏi: "Đem vật gì đến?", Ngài trả lời không được, bèn ở lại với Tổ. Sau tám năm, Ngài chợt có tỉnh, liền đến trình Tổ :"Nói một vật là không đúng". Tổ liền hỏi: "Lại có thể đạt đến chăng?" Ngài đáp: "Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được." Tổ bèn ấn chứng:  "Chính cái không nhiễm ô này là chỗ hộ niệm của chư Phật, ngươi đã như thế, ta cũng như thế".  Và khi đã trở về được với bổn tánh Bình Đẳng, thường hằng chu biến khắp pháp giới, pháp thân tịch tịnh, an lạc và giải thoát này thì "ai ai cũng như thế" vậy.

 

 

Khánh Hoàng

Plano _ January 15, 2024




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 13477)
Hằng năm cứ mỗi độ cuối đông, toàn thể Phật giáo đồ trên khắp năm châu bốn bể, đều long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo (vào ngày mùng tám tháng mười hai âm lịch).
08/04/2013(Xem: 4441)
Hướng về cuộc hành trình vi diệu của Đức Phật để chúng ta dũng tiến trên con thuyền thực nghiệm tâm linh. Nó sẽ đưa chúng ta vượt qua những lượn sóng ngại khó, cầu an, bỏ lại phía sau những chiếc đảo hoang danh lợi, sớm cập bến bờ chinh phục nội tâm.
08/04/2013(Xem: 5125)
Ngày Phật Thành đạo năm nay, chúng ta được về Bồ-đề Đạo Tràng, nơi đức Phật thành đạo, để ôn lại ngày lịch sử thiêng liêng ấy, và cùng thảo luận chuyên về về đức Phật và ngày thành đạo của Ngài. Nhân đây tôi cũng xin được nói lên vài suy nghĩ của mình về đức Phật lịch sử và đức Phật tôn giáo.
08/04/2013(Xem: 4970)
Các biến cố quan trọng trong những năm tháng cho đến khi Ngài Sakya Gotama Siddhatta (Thích Ca Cồ Đàm Sĩ đạt đa) thành đạo tựu viên mãn Phật quả để được gọi là Sakya Buddha được ghi chép đa dạng bỡi những trường phái khác nhau . . .
08/04/2013(Xem: 4131)
Ngày Thành Đạo chính là giờ phút huy hoàng nhất trong lịch sử nhân loại, ngày mà cách đây hơn 25 thế kỷ, trong núi Tượng Đầu chim hòa nhạc, hoa quyện hương, nắng dệt tơ vàng cùng với nỗi hân hoan của muôn ngàn vũ trụ cung nghinh Đức Thế Tôn lúc đạo quả viên thành.
08/04/2013(Xem: 4029)
Nếu trong giờ phút Đản Sanh của Thái tử Tất-đạt-đa đã xảy ra những sự lạ khác thường như quả đất rung động, nhạc trời chúc tụng, bao nhiêu kỳ hoa dị thảo trong vườn Lâm-tỳ-ni khoe sắc đua màu, hương thơm ngào ngạt khắp nơi, . . .
08/04/2013(Xem: 4612)
Tháng chạp âm lịch, sương khuya phủ dầy cảnh vật; cách 5m không thấy nhau, đoàn người lầm lủi đi trong màn đêm. Từ Việt Nam Phật Quốc tự về Bồ Đề Đạo tràng chỉ hơn cây số; 4giờ sáng trời vẫn âm u tĩnh mịch, . . .
08/04/2013(Xem: 4082)
Gia chủ Tapussa cùng với Tôn Giả Ananda đến hỏi Đức Phật, vì sao giới cư sĩ gia chủ "Thọ hưởng các dục, vui thích các dục, ưa thích các dục, hoan hỷ các dục", xem đời sống viễn ly của các vị xuất gia như là vực thẳm. Tuy vậy trong pháp và luật của Thế Tôn lại có những Tỳ Kheo trẻ tuổi phấn khởi trong sự xuất ly, tịnh tín, an trú, hướng đến xuất ly, và các vị này thấy trong sự xuất ly "Đây là an tịnh". Chính ở nơi đây là sự sai khác trong Pháp và Luật này giữa các Tỳ kheo và phần đông quần chúng.
08/04/2013(Xem: 3692)
Nếu chúng ta quan niệm Ngài là một vĩ nhân thì đó là một vĩ nhân trên hết các vĩ nhân của nhân loại từ xưa đến nay. Nếu chúng ta quan niệm Ngài là một bậc siêu nhân thì đó là một bậc siêu nhân cao hơn tất cả các bậc siêu nhân khác. Nếu chúng ta quan niệm đời Ngài là một sự thị hiện của Phật, thì đó là sự thị hiện đẹp đẽ nhất và đầy đủ ý nghĩa hơn hết trong các sự thị hiện.
08/04/2013(Xem: 4217)
Tu chứng quan là địa hạt quan trọng nhất trong giáo lý Phật. Nó như một bức tường vững chãi, ngăn chận những phiêu lưu của hành giả vào con đường tri thức phức tạp. Nếu không có tu chứng quan thì giáo lý Phật chỉ là một loại triết học chỉ làm thoả mãn tri thức hiếu kỳ mà thôi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]