Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thông Điệp Khánh Chúc Lễ Tiết Đức Thích Tôn Thành Đạo

04/01/202306:04(Xem: 2011)
Thông Điệp Khánh Chúc Lễ Tiết Đức Thích Tôn Thành Đạo
phat thanh dao 2

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

VIỆN TĂNG THỐNG
HỘI ĐỒNG GIÁO PHẨM TRUNG ƯƠNG



THÔNG ĐIỆP
KHÁNH CHÚC LỄ TIẾT
ĐỨC THÍCH TÔN THÀNH ĐẠO



Nhất Tâm Kính Lễ
Bồ đề thọ hạ, hàng phục ma quân, nhất đổ minh tinh thành đạo
BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT

Trên hai mươi lăm thế kỷ đã trôi qua, kể từ đêm khuya ấy, một ánh Sao Mai âm thầm tỏa sáng trên bầu trời phương Đông, báo hiệu một bình minh hy vọng trước một kỷ nguyên mới của văn minh nhân loại, thời trục văn minh được khởi phát từ những nguồn minh triết Đông-Tây. Hai mươi lăm thế kỷ tiếp theo, dòng lịch sử nhân loại trôi đi trong máu lửa với những cuộc chiến khốc liệt tranh quyền thống trị thống nhất đất nước, tranh quyền bá chủ thế giới, cùng với những cuộc chiến tranh tôn giáo kéo dài hằng trăm năm, tranh quyền thống trị Thiên quốc trần gian.

Trong dòng lịch sử bi thương ấy, và cũng không kém hào hùng, hai nguồn mạch minh triết Đông-Tây vẫn âm thầm tuôn chảy, nuôi dưỡng nguồn hy vọng, khát vọng sinh tồn của con người; bằng trí tuệ, bằng tình yêu, đã âm thầm khám phá những quy luật tồn tại và vận hành của thiên nhiên, mang lại cho con người những phương tiện cần thiết để xoa dịu bớt những thống khổ của thân tâm. Những khám phá ấy, một mặt khác không khỏi bị lợi dụng bởi những tham vọng điên cuồng, gieo rắc những thảm họa khốc liệt cho loài người không ít. Hai cuộc chiến tranh thế giới đi qua, cho đến lúc các nhà khoa học vĩ đại của thế kỷ chợt thấy những khám phá của mình đang đe dọa những sụp đổ kinh hoàng của thế giới, và đã cùng nhau đồng loạt lên tiếng cảnh tỉnh: “Các nhà khoa học chúng ta đã phạm tội ác với nhân loại”.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những lời cảnh tỉnh ấy chưa báo hiệu một cuộc hồi sinh của tình yêu và trí tuệ. Nhân loại đang khắc khoải giữa thảm họa tiểu tam tai, ôn dịch, chiến tranh, và đói kém, đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Một cuộc chiến tàn khốc đang đe dọa hủy diệt 25 thế kỷ văn minh nhân bản của nhân loại.

Trong những nỗi hy vọng và tuyệt vọng ấy, tại một diễn đàn, nơi quy tụ các cơ cấu quyền lực thế giới đang đấu tranh quyết liệt để giành quyền thống trị và cũng tại nơi ấy, giữa những mâu thuẫn ý thức tôn giáo, xung đột quyền lợi kinh tế, xung đột chủng tộc; giữa những xung đột rối ren ấy, trong thâm tâm của mỗi con người tham vọng quyền lực ấy, vẫn âm thầm tìm dấu của một ánh Sao Mai le lói, soi đường định hướng cho bản thân và thế giới; tất cả đồng tâm nhất trí, đồng thanh quyết nghị, nêu cao một Con Người lịch sử, đã xuất hiện trong thế giới loài người, cũng hiện thân giữa những con người cùng khổ, bị áp bức. Những điều mà Con Người ấy đã nghĩ, đã nói và đã làm, suốt trên 25 thế kỷ trôi qua, vẫn âm thầm như ánh Sao Mai soi tỏ đường hướng hòa bình, nhân ái, bao dung, trong đêm tối mịt mù của lịch sử.

Trong trận ôn dịch vừa qua, trong trận chiến tàn khốc đang diễn ra, tấm lòng nhân ái như ánh Sao Mai chợt bừng sáng giữa những bạo hành hung ác, soi sáng nguồn hy vọng trước một bình minh hòa bình, nhân ái, bao dung trong thế giới loài người.

Cũng từ trong thảm họa tiểu tam tai ấy, khi mà những quyền lực đen tối cấu kết thành một hệ thống bạo hành khép kín, hút cạn dòng máu và hơi thở những con người khốn khổ, cô đơn hấp hối trên giường bệnh; giữa canh giới cùng hung cực ác ấy, tấm lòng nhân ái bao dung, đã từng là tố chất dệt thành truyền thống của một dân tộc, dẫn lịch sử dân tộc vượt qua những đọa đày khổ lụy, vượt qua những sóng gió thăng trầm vinh nhục; tấm lòng bao dung, nhân ái lại được khơi sáng như ánh Sao Mai soi sáng nguồn mạch tâm linh, để san sẻ cho nhau những bát gạo, những bó rau, để dìu nhau cùng vượt qua những cơn thống khổ nhân sinh, như Cha Ông đã từng vượt qua trong lịch sử. Những đóa hoa nhân ái bé nhỏ ấy đã hé nụ, nhưng làm sao để được thắm đượm nguồn nước từ bi, để nở hoa trí tuệ, làm sao để được kết dệt thành những tràng hoa tươi thắm trang nghiêm thiện tính của con người.


Trên 25 thế kỷ trôi qua, tùy quốc độ, phương vực, địa phương, tùy theo thời gian nhân duyên, chúng đệ tử Đức Thích Tôn đã từ những điểm chuẩn khác nhau trên quả đất mà chiêm ngưỡng ánh Sao Mai, để bằng ánh sáng ấy mà soi tỏ tự tâm, để thấy biết từ những cảm nghiệm khổ lạc của thân tâm, để hiểu rõ đâu là căn nguyên vô minh và hữu ái mà từ vô thủy đã hiện thực thành khát vọng sinh tồn được thúc đẩy bởi động lực mù quáng của mọi loài chúng sinh, nhận chìm tất cả trong dòng sống chết khổ đau bất tận.

Bị thúc đẩy bởi khát vọng sinh tồn mù quáng, mọi loài chúng sinh đều cần hướng ra ngoại giới để tìm nguồn dưỡng chất để tồn tại. Từ đó, Đức Phật đã chỉ ra nguồn gốc của những bước tiến cạnh tranh sinh tồn khốc liệt, để thu hoạch những gì ta cần và nhiều hơn, những gì ta cần; phát minh những công cụ sát hại lẫn nhau càng lúc càng tinh vi và tàn bạo trong lịch sử tiến hóa của mọi loài, từ những sinh vật hạ đẳng cho đến đẳng cấp trí tuệ siêu việt, để bảo vệ những gì ta đang có, và chiếm đoạt những gì ta không có. Đức Phật đã chỉ rõ căn nguyên sâu xa bản chất và hiện tượng của những tranh chấp để chiếm hữu, cạnh tranh tích lũy để sinh tồn, tạo thành một thế giới bất bình đẳng giữa kẻ yếu và kẻ mạnh, cấu thành những thế lực tham tàn: “Nhất thiết chúng sinh giai y thực trụ”, mọi loài chúng sinh đều nương thức ăn mà tồn tại. Nguyên lý đó đã hiện thực thành động lực cạnh tranh chiếm hữu, chiếm đoạt sinh tồn, Do đó, bước đầu học Phật và tu Phật, chúng đệ tử cần phải tích lũy công đức bằng bố thí.

Bằng bố thí để nuôi dưỡng tâm từ. Bằng tâm từ, bằng cảm nghiệm sâu xa những thống khổ thân tâm của người cùng khổ mà tự thân không đủ năng lực để tồn tại trong một thế giới đầy áp bức, bóc lột do bởi cạnh tranh sinh tồn, để từ đó hiểu rõ, thấu suốt bản chất của tồn tại, cứu cánh của sinh tồn của mọi loài.

Bằng bố thí để phân phối thu nhập, quân phân bình đẳng thu nhập giữa kẻ mà và người yếu, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, để mỗi cá nhân trong mọi cộng đồng xã hội nhận ra phẩm giá con người của mình, để nhận biết Phật tính bình đẳng trong ta và trong tất cả mọi loài, để biết thương yêu và kính trọng, để biết tự nâng cao phẩm giá của chính mình và tôn trọng phẩm giá của người khác.

Thế nhưng, làm thế nào để hành nguyện bố thí được thể hiện bằng cơ chế vĩ mô, để mang lại đời sống sung mãn, tăng ích và an lạc cho toàn xã hội. Từ trên đó, tạo dựng một trật tự an ninh toàn xã hội, bồi dưỡng đạo đức cá nhân, bao dung, hóa giải hài hòa mọi mâu thuẫn dị đồng giữa các xu hướng tư duy, tín ngưỡng tôn giáo dị biệt. Đạo đức và bao dung, giới và nhẫn, là hai đức lý cơ bản để giáo dục các thế hệ đương đại và kế thừa phấn đấu sinh tồn bằng ý chí và nghị lực kiên cường, để có đủ khả năng trấn áp tâm tư bất thiện, phát triển đức tính từ ái, bao dung. Bằng thiện tâm, từ ái và bao dung, mà quan sát, chiêm nghiệm những mối quan hệ sinh tồn giữa ta và thế giới quanh ta, phát triển trí tuệ để thấy biết rõ căn nguyên và quy luật tồn tại, sinh thành và hủy diệt trong chuỗi dài vô tận của những chu kỳ thành-trụ-hoại-không. Chư Phật Thế Tôn đã thọ ký cho mọi loài chúng sinh: Phật tử đời nay hành đạo, đời sau sẽ thành Phật.

Ngày hôm nay, chúng đệ tử Phật nhìn ánh Sao Mai mà định hướng đi cứu cánh cho đời mình, tâm tự tịch tĩnh trong ánh Sao Mai, trấn áp và dập tắt những ngọn lửa phiền não đang đốt cháy tâm tư bằng những hận thù, nghi kỵ, tị hiềm, hãy cùng hòa hiệp đồng tu, để xoa dịu những thống khổ của chính mình và của những người thân yêu, cho đến cùng mọi loài chúng sinh.

Tổ đình Phật Ân, ngày 7 tháng Chạp, năm Nhâm dần, Phật lịch 2566
Thừa ủy nhiệm Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương,
Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống
Tì-kheo Thích Tuệ Sỹ



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/05/2017(Xem: 53941)
Trong bước đầu học Phật, chúng tôi thường gặp nhiều trở ngại lớn về vấn đề danh từ. Vì trong kinh sách tiếng Việt thường dùng lẫn lộn các chữ Việt, chữ Hán Việt, chữ Pali, chữ Sanscrit, khi thì phiên âm, khi thì dịch nghĩa. Các nhân danh và địa danh không được đồng nhứt. Về thời gian, nơi chốn và nhiều câu chuyện trong sự tích đức Phật cũng có nhiều thuyết khác nhau làm cho người học Phật khó ghi nhận được diễn tiến cuộc đời đức Phật. Do đó chúng tôi có phát nguyện sẽ cố gắng đóng góp phần nào để giúp người học Phật có được một tài liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tra cứu khi cần.
13/02/2017(Xem: 5652)
Này Ananda, nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. (Đại Bát Niết Bàn – Trường Bộ Kinh)
05/01/2017(Xem: 12954)
Sao Mai từ góc trời lên Tử sinh đã dứt não phiền đã tan Mười phương thế giới hân hoan Mừng đấng Chánh Giác với ngàn lời ca. Mừng ngày Đức Phật thành đạo (8-12 âm lịch). Đây là hình ảnh rất thiêng liêng và cao quý đối với người Phật tử, vì đây là lúc thái tử Siddhartta Gautama đã tìm ra được đạo lớn sau 49 ngày thiền định miên mật dưới gốc cây Bồ Đề, và nhờ đó Phật giáo đã có mặt và tồn tại suốt 2600 năm qua, mang lại lợi ích cho vô lượng vô số chúng sinh.
01/10/2016(Xem: 8030)
Vào khoảng năm 1978, chùa chúng tôi xảy ra một biến cố làm cho tất cả mọi người có thêm kinh nghiệm về việc tái sinh và nghiệp báo. Nếu biến cố này xảy ra trước 1975 thì chắc những tờ nhật báo tha hồ khai thác để làm tiền thiên hạ, và chùa chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng không ít vì cảnh “dập dìu tài tử giai nhân” đua nhau tới chùa tìm hiểu sự vụ, hòng kiểm chứng những lời tường thuật của báo chí. Nhưng nhờ sự cố đã xảy ra vào một thời rất căng cho các chùa chiền, thêm nữa chùa chúng tôi ở nơi thật hẻo lánh trên núi thì ai biết được sự cố hy hữu đã xảy đến.
27/12/2015(Xem: 9604)
Lễ Vía Đức Phật A Di Đà 2015 tại TV Minh Quang Sydney, Úc Châu, Chủ Nhật 26-12-2015
02/06/2015(Xem: 14622)
Trước khi ôn lại Tiểu Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, để người đọc nhận định dễ hơn về ngày tháng ghi trong tiểu sử của Ngài, chúng tôi xin nhắc lại là Đức Phật Thích Ca sanh vào năm 624 trước Tây Lịch. Ngài nhập Niết Bàn lúc 80 tuổi vào năm 544 trước Tây Lịch. Sáu trăm hai mươi bốn năm sau, Tây Phương mới bắt đầu chọn năm sinh của Đức Chúa Jesus Christ làm khởi điểm cho Dương lịch. Như vậy tính đến nay là năm 2015 thì Đức Phật đã ra đời được 2,639 năm và chiếu theo Phật lịch khởi đầu từ năm Đức Phật viên tịch (năm 544 trước TL) thì Ngài đã nhập Niết Bàn được 2,559 năm. Việt Nam và các quốc gia thuộc khu vực Đông Á như Nhật Bản, Trung Hoa, Triều Tiên ... từ xưa đều làm Lễ Phật Đản vào ngày mồng 8 tháng Tư Âm Lịch. Tên gọi tắt dành cho ngày Lễ Phật Đản là "Ngày mồng Tám tháng Tư" đã lưu truyền hằng bao thế kỷ, trở thành phong tục tập quán cổ truyền, ghi đậm vào tâm khảm của mọi người kể cả người theo hay không theo Phật giáo.
30/01/2015(Xem: 9906)
Hôm mồng 08 tháng 12 Âm lịch (27/01/2015), Tổ đình Thiền tông Thiếu Lâm Tự tổ chức nấu Cháo Bát Lạp, để dâng cúng dường Kỷ niệm ngày đức Thích Ca Mâu Ni thành Phật, hoạt động này đã thu hút hàng trăm Phật tử tham gia chế biến món truyền thống với hương vị đặc trưng này. Hôm nay cũng là Lễ hội Cháo Bát Lạp nhân Kỷ niệm ngày đức Thích Ca Mâu Ni thành Phật, được gọi là “Pháp Bảo Tiết”. Vào buổi sáng lúc 08 giờ 30 phút, Hòa thượng Thích Vĩnh Tín, Phương trượng Thiếu Lâm Tự, cùng đại chúng vân tập Đại Hùng Bửu điện cử hành cung phụng Pháp hội, những tình nguyện viên, thiện nam tín nữ Phật cầu Phúc.
29/01/2015(Xem: 5959)
Nam Mô Bồ Đề Thọ Hạ Đại Thắng Ma Quân Dạ Đổ Minh Tinh Đạo Thành Chánh Giác Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Sao Mai từ góc trời lên Tử sinh đã dứt não phiền đã tan Mười phương thế giới hân hoàn Mừng Đấng Giác Ngộ với ngàn lời ca.
27/01/2015(Xem: 8800)
DƯỚI GỐC CÂY NÀY, NẾU TA KHÔNG ĐẮC ĐẠO VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ, DẦU CHO TAN THÂN NÁT THỊT QUYẾT KHÔNG ĐỨNG LÊN. Lời nguyện vĩ đại trên Đức Phật đã đánh đổ tất cả thành trì, vương tước và khước từ cuộc sống vị kỷ, hạn hẹp tình vợ chồng con cái trong chốn nhung lụa, giàu sang của hoàng tộc. Lời nguyện siêu tuyệt trên Đức Phật đã băng rừng, lội suối trải qua bao gian khổ, nhọc nhằn hiểm nguy để tìm ra chân lý giải thoát khổ đau cho tất cả muôn loài.
24/12/2014(Xem: 18581)
Bộ tranh cuộc đời Đức Phật Buddha life story
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]