Phật tại thế thời ngã trầm luân
Kim đắc nhân thân Phật diệt độ
Áo não thử thân đa nghiệp chướng
Bất kiến Như Lai kim sắc thân.
Tạm dịch :
Khi Phật hiện đời con nổi trôi
Nay được thân người Phật diệt rồi
Buồn thay thân con nhiều nghiệp chướng
Chẳng thấy thân vàng Phật ở đời.
Chẳng biết tự bao giờ, bài thơ ấy đã in sâu vào trong tâm khảm của tôi. Mỗi lần nhắc lại, tôi không sao tránh khỏi niềm cảm xúc trào dâng. Nửa thương cho người xưa, nửa buồn cho thân mình cũng nhiều nghiệp chướng, tại gia cha mẹ chia lìa, anh em phân tán, xuất gia quá đỗi muộn màng ! Vì sao ?
Hồi ấy, quê tôi thuộc vùng biên địa, chùa chiền hiếm hoi, chung quanh đa phần là đạo Cao đài, xa thật xa mới có một ngôi chùa nhỏ, đơn độc mỗi vị Thầy cư trú, trên danh nghĩa ông Từ thắp hương hôm sớm, kinh điển chủ yếu tụng Huỳnh đình. Ngày 30 tháng 04 năm 1975, Cách mạng đổi đời, chùa được tiếp quản làm nơi hội họp. Tuy vậy, nhưng mẹ tôi vốn thích đi chùa, bà thường hay lui tới, giúp đỡ vài phần việc nho nhỏ cho Sư cô quản lý chùa. Còn tôi đi theo mà lòng chẳng hề cảm mến chùa. Có lẽ vì Đức Phật Thích-ca nhỏ quá … nên không gây cho tôi ấn tượng đặc biệt chăng ? Cho đến một hôm, tình cờ tôi phát hiện quyển LỊCH SỬ PHẬT THÍCH-CA trong tủ sách của dì. Ban đầu tôi chỉ đọc với tánh hiếu kỳ của đứa trẻ 13, muốn biết xem Đức Phật là vị như thế nào ? Dần dần cuộc đời Ngài thu hút tôi lúc nào không rõ. Quyển lịch sử ấy tôi đọc những ba lần, mỗi lần đọc tôi đều xúc động đến rơi nước mắt. Tôi thật sự cảm xúc trước đức hạnh và ý chí kiên cường của Đức Phật. Giữa cuộc đời giả trá bạc đen, nhân cách của con người được định bằng giai cấp, phẩm hàm địa vị. Thế mà đương thời là một Thái tử tài ba lỗi lạc, Đức Phật đã dứt khoát ra đi, khước từ sự sủng ái của vua cha, để lại hoàng cung vợ đẹp con xinh, dấn thân vào con đường khổ hạnh, mong tìm ra chân lý cứu khổ cho mình và cho nhân loại.
Còn hình ảnh nào não nùng hơn, khi Thái tử ba lần vén màn từ biệt vợ thân yêu :
Ra đi rồi lại trở vào
Phút giây chia biệt dạt dào tình thương
Song đây tiếng vọng vô thường
Tình riêng gát lại chọn đường xuất gia.
Nhẫn nhục trước ngàn cơn cám dỗ của lục trần, đại bi trước những lời thóa mạ, luôn "lấy kẻ chống nghịch làm người ngao du, coi sự thi ân như đôi dép bỏ, lấy xả lợi làm vinh hoa, lấy oan ức làm đà tiến thủ". Đức Phật đã từng bước vén bức màn vô minh cho nhân loại, ánh sáng trí huệ bừng lên, không chỉ cho toàn cõi Ấn Độ bấy giờ, mà mãi đến tận hôm nay, toàn thế giới cùng chung hưởng.
Trang sử đời Ngài đã khép lại nơi rừng Ta La Song Thọ cách đây hơn 2500 năm, nhưng đã để lại tất cả sự chân thành, gần gũi, thân thương. Từ đó, với lòng kính yêu Đức Phật, mến mộ con đường Ngài chỉ dạy, tôi thường xuyên đến chùa, theo mọi người tụng kinh sám hối, công quả, mong được tìm thấy hình ảnh Phật qua bóng dáng chư Tăng Ni, để củng cố cho tôi một niềm tin vững chắc trước khi quyết định đi theo con đường của Phật. Song, duyên may chưa đến cùng tôi lúc đó. Tôi đành nán lại đợi chờ, hàng mấy năm liền.
Thế rồi, nhân duyên hội ngộ, từ phong cách thanh thoát, lời nói ôn hòa, cởi mở, rất rộng lượng khoan dung của vị thầy đầu tiên tôi tiếp xúc (giờ là đại sư huynh)đã thực sự cho tôi niềm tin : Đức Phật Thích-ca là vị Phật có thật trên cõi đời. Thầy sẵn sàng giải thích cho tôi nghe những hoài nghi của tôi về Đức Phật, về hạnh nguyện của Ngài, sẵn sàng hướng dẫn tôi vào Phật pháp, nhưng không bao giờ nói cho tôi biết những nẻo đường quanh co khúc khuỷu, những ngang trái "dò sông dò biển dễ dò". Có lẽ bấy giờ thầy sợ tôi thối thất Bồ-đề tâm chăng ?
Hơn hai năm xuất gia ở chùa, cộng với bảy năm học nội trú ở trường Cơ bản, tất cả các vị Ân sư đã ân cần hướng dẫn cho tôi cách thức làm một hoa tiêu giỏi, để lái con thuyền của mình vượt sóng trùng dương, tránh những bẫy đá ngầm và cả những loài thủy quái. Tôi học thuộc lòng và nhớ tất cả như bản cửu chương thời cấp một. Thế nhưng, khi đối duyên xúc cảnh, chao ơi ! Không biết bao lần, con thuyền tâm của tôi chao đảo trước những lượn ba đào : Tham - sân - si đi kèm tám ngọn gió. Lúc ấy, tôi tự giận, dày vò, dằn vặt chính bản thân mình. Tôi càng rứt bỏ những phiền não tư hữu thì nó lại càng bám chặt. Trong si mê hỗn loạn, tôi đâu thể nào chấp nhận nó và tôi đồng nhất thể "Phiền não tức Bồ-đề" ?
Sau mỗi lần sóng gió lặng yên, nhìn bức chân dung từ bi của Phật, tôi vô cùng hỗ thẹn … Ngày tháng trôi qua, tôi lần mò tự mình tháo gút. Rồi duyên lành đưa đẩy tôi vào lớp Huệ Quang, trong một buổi học, tình cờ nghe câu giảng "Phiền não là tự suy mình" từ Kinh Lục độ, tôi chợt bừng tỉnh mộng, lòng vui sướng khôn cùng. Bao năm qua cũng ngần ấy nội dung mà sao tôi không hiểu ? Giá như bây giờ, có ai hỏi vì sao tôi đi tu, chắc tôi chẳng biết đáp sao cho thỏa đáng. Nhưng điều duy nhất tôi có thể biết chắc chắn là, nếu ở ngoài đời tôi sẽ mãi mãi không cảm nhận được giá trị "Phiền não là tự suy mình".
Kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo, kỷ niệm ngày tôi xuất gia tròn 10 năm, biết bao buồn vui đi qua trong tôi, dù có lúc hụt hẫng chơi vơi, nhưng Phật pháp đối với tôi mãi là niềm tin sáng ngời bất diệt.
Lạy Đức Thế Tôn ! Con xin kính tạ ơn Ngài, đã mở đường chỉ lối cho con vào pháp nhân duyên, niềm tin sâu sắc nơi nhân quả.
Con xin kính tạ ơn những bậc Thầy hướng đạo, đã dang rộng đôi tay từ ái bằng trí tuệ, bằng đức hạnh đưa con vào nẻo đường chánh kiến an vui.
Hướng về ngày Đức Phật thành đạo, mong sao muôn vạn sanh linh cùng gieo duyên Phật pháp. Người chưa gieo trồng hạt giống Phật xin hãy đến. Ai đã gieo rồi xin ngày thêm tăng trưởng. Và xin hãy nhớ :
Khổ đau hay hạnh phúc
Dù tương đối trong đời
Nhưng vẫn đầy sức hút
Khiến người phải chơi vơi
Một phen bừng tỉnh mộng
Mới hay ta lạc loài
Dừng chân xoay trở lại
Phiền não tự mình thôi !
---o0o---
Trình bày : Nguyên Hân