Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật thành đạo

02/01/201105:24(Xem: 3356)
Phật thành đạo
phatthanhdao-01


PHẬT THÀNH ĐẠO
Thích Thái Hòa

phatthanhdao-1Đức Phật không có thành đạo, vì sao? Vì Phật là đạo và đạo là Phật. Ngoài đạo không có Phật để thành và ngoài Phật không có đạo để chứng. Thế thì tại sao, hàng năm vào ngày mồng tám tháng chạp âm lịch, Tăng Ni Phật Tử Việt Nam thường long trọng tổ chức kỷ niệm ngày lễ Phật thành đạo nhỉ?

Với câu hỏi ấy, ta có thể trả lời với những ý nghĩa như sau:

1- Kỷ niệm ngày vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ thành Phật:

Kỷ niệm Phật thành đạo là kỷ niệm ngày Bồ tát Tất đạt đa sau những tháng năm dài xuất gia tu tập đã tự mình nỗ lực đoạn trừ hoàn toàn các lậu hoặc, từ thô đến tế và đã chứng nhập thể tính chân thực của đạo giảithoát và giác ngộ. Ấy là ngày Bồ tát Tất đạt đa từ địa vị của một vị Bồtát Nhất sanh bổ xứ, bước lên địa vị của bậc giải thoát và giác ngộ hoàn toàn.

Vì vậy, ngày mồng tám, tháng chạp, âm lịch là ngày Tăng Ni Phật Tử Việt Nam kỷ niệm ngày Bồ tát Tất đạt đa thành Phật, chứ không phải kỷ niệm ngày Phật thành Phật. Vì Phật là viên giác, nên không có gì để đượchay mất, để thành hay bại và vì Phật là thường tại ở trong tịch diệt, nên không có chủ thể năng chứng và đối tượng để chứng. Chủ thể và đối tượng thường trực phân ly ở nơi thế giới thường nghiệm của nhận thức phàm tục, chứ ở nơi thế giới của tuệ giác thường trực và tròn đầy, thì chủ thể và đối tượng đều sáng trong, rỗng lặng và tịch diệt.

Nên, kỷ niệm ngày Phật thành đạo là kỷ niệm ngày Bồ tát đạo viên thành Phật đạo của Bồ tát Tất đạt đa.

2- Kỷ niệm ngày vị Bồ tát viên thành đại nguyện và đại hạnh:

Kỷ niệm Phật thành đạo là kỷ niệm ngày mà Bồ tát Tất đạt đa viên thành chất liệu đại nguyện và đại hạnh. Viên thành đại nguyện, vì vô lượng vô số kiếp về trước, từ nơi Bồ đề tâm, Bồ tát Tất đạt đa đã từng quỳ trước chư Phật quá khứ, phát khởi đại nguyện với đầy đủ hai chất liệu đại trí và đại bi.

Với chất liệu đại trí, Bồ tát đã nỗ lực học hỏi không hề biết mỏi mệtvới các bậc thiện hữu tri thức và luôn luôn hết lòng phụng sự các bậc thiện hữu tri thức để được học hỏi, nhằm trau dồi trí tuệ đến chỗ thấy biết chân thực hoàn toàn đối với mọi sự hiện hữu và không hiện hữu, đối với các pháp sinh diệt và không sinh diệt.

Với chất liệu đại bi, Bồ tát Tất đạt đa đã thực tập sự thương yêu và trân quí những gì tốt đẹp vốn có nơi tự thân, vốn có ở nơi mọi người và muôn loài. Bồ tát đã thực tập sự thương yêu chân thực từ một người cho tới nhiều người, từ một loài cho đến muôn loài và thương yêu và bảo vệ ngay cả cỏ cây, hoa lá, núi rừng biển cả và thiên nhiên.

Và viên thành đại hạnh là do từ đại nguyện ấy, Bồ tát Tất đạt đa đã trải qua vô lượng vô số kiếp, tinh cần ngày đêm không biết mỏi mệt để biến đại nguyện trở thành hiện thực của đại hạnh. Nghĩa là nguyện bao nhiêu thì hạnh bấy nhiêu. Đối với Bồ tát, nguyện và hạnh không hề tách rời nhau, dù chỉ là khoảnh khắc. Vì vậy, đối với Bồ tát, nguyện là hạnh và hạnh là nguyện. Đối với bản thân, Bồ tát có bao nhiêu phiền não, thì có bấy nhiêu hạnh và nguyện để đoạn trừ và dứt sạch. Đối với chúng sanh có bao nhiêu loài đang bị khổ đau, thì bồ tát có bấy nhiêu hạnh nguyện, phương pháp và hình tướng thích ứng để giúp chúng sanh nhiếp phục và chuyển hóa những nguyên nhân tập khởi khổ đau ấy, khiến cho những tập khởi khổ đau của họ không còn, tâm của họ được an trú vững chãi ở trong sự rỗng lặng của Niết bàn tuyệt đối. Nguyện đưa tất cả chúng sanh vào ở trong sự rỗng lặng của Niết bàn tuyệt đối gọi là đại nguyện hay viên thành đại nguyện. Nếu nguyện mà thiếu nội dung ấy, thì không thể gọi là viên thành đại nguyện. Nguyện cho mình thành Phật và nguyện cho hết thảychúng sanh cũng đều thành Phật, nguyện như vậy gọi là viên thành đại nguyện. Biến đại nguyện ấy trở thành đại hạnh. Hạnh và nguyện ấy không hề rời nhau trong mỗi tâm niệm và trong mọi biểu hiện của mọi động tác, gọi là đại hạnh hay viên thành đại hạnh của bồ tát.

Vậy, Tăng Ni Phật Tử Việt Nam kỷ niệm Phật thành đạo là kỷ niệm ngày Bồ tát Tất đạt đa viên thành đại nguyện và đại hạnh ấy của tâm bồ đề.

3- Kỷ niệm ngày vị Bồ tát chứng nhập viên mãn Phật tam thân:

Phật tam thân gồm: Phật pháp thân, Phật báo thân và Phật ứng hóa thân.

Phật pháp thân, nghĩa là bản thể thanh tịnh, không sinh, không diệt của vạn pháp là thân của Phật. Thân ấy của Phật siêu việt đối với mọi không gian và đối với mọi thời gian, nên thân ấy đối với mọi không gian và đối với mọi thời gian nó vẫn nghiễm nhiên thường tại.

Phật báo thân, nghĩa là thân thể của Phật là do tu tập giới, định, tuệ và các pháp lục độ, nên đã đoạn trừ hoàn toàn các lậu hoặc thuộc về dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Vì vậy, báo thân của Phật là thân viên mãn của các pháp thuộc về phước đức và trí tuệ vô lậu. Thân ấy cũng là thân thường tại không sinh diệt. Nó không sinh diệt, vì nó là kết quả tựu thành từ các pháp vô lậu.

Phật ứng hóa thân, nghĩa là thân thể của Phật sinh khởi từ đại nguyệnvà đại hạnh để giáo hóa làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Thân ấy biểu hiện qua nhiều hình tướng khác nhau, tùy theo y báo và chánh báo của chúng sanh trong từng thế giới mà Phật biểu hiện thân thể thích ứng theo từng chủng loại để hóa độ. Thân nầy biểu hiện đầy đủ các mặt gồm: Đản sanh, Thành đạo, Chuyển Pháp luân và Niết bàn.

Chư Phật trong ba đời và mười phương thế giới, kể từ khi các Ngài phát tâm bồ đề hành bồ tát đạo, cho đên khi viên thành đại nguyện và đạihạnh, tức là các Ngài đều chứng nhập Phật pháp thân thanh tịnh, viên mãn Phật báo thân và có khả năng biểu hiện muôn ngàn ức thân hay vô lượng thân tướng theo hạnh và nguyện để giáo hóa chúng sanh. Do đó, bất cứ bồ tát nào khi thành tựu bậc Toàn giác đều có đầy cả ba thân như vậy.

Nên, Tăng Ni Phật Tử Việt Nam kỷ niệm ngày Bồ tát Tất đạt đa thành Phật, chính là kỷ niệm ngày Bồ tát thành tựu ba thân ấy vậy.

4- Kỷ niệm ngày ánh sáng Trí tuệ, Từ bi và hòa bình xuất hiện và tỏa chiếu cùng khắp:

Ngày thành Phật của Bồ tát Tất đạt đa không những quan trọng đối với Tăng Ni Phật tử chúng ta, mà còn quá ư quan trọng đối với tất cả nhân loại và muôn loài.

Tại sao? Vì đối với Tăng Ni Phật tử, chúng ta có một bậc Thầy giác ngộ hoàn toàn, một bậc Đạo sư có đầy đủ trí tuệ, Từ bi và hùng lực để dẫn dắt chúng ta vượt qua biển đời sinh tử để đi đến nơi hạnh phúc tịnh lạc của Niết bàn tuyệt đối.

Đối với nhân loại, Ngài là một bậc Đạo sư, đầy đủ Trí tuệ và Từ bi đãcông bố giáo pháp đem lại hòa bình an lạc cho nhân loại. Như ông Ban kiMoon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã nói trong Thông điệp Đại lễ Vesak 2008 như sau: “Hơn hai ngàn năm trăm năm qua, những lời dạy của đức Phậtvẫn tiếp tục là kim chỉ nam và đã mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của hàng trăm triệu người trên thế giới. Việc tổ chức hàng năm Đại lễ Vesak là cơ hội để Phật tử xác quyết niềm tin vào giáo pháp của Ngài, đồng thời nêu cao giáo lý Từ bi, Trí tuệ và Hòa bình mà Ngài đã thuyết giảng,…”

Như vậy, đối với nhân loại, ngày Bồ tát Tất đạt đa thành đạo chính làngày thành tựu đời sống hòa bình, đời sống của trí tuệ và từ bi, đồng thời cũng là ngày công bố giáo lý hòa bình và đời sống ấy cho nhân loại bằng chính con đường mà Bồ tát Tất đạt đa đã chứng nghiệm và giác ngộ hoàn toàn.

5- Kỷ niệm ngày mở ra cách nhìn mới cho nhân loại:

Ngày Bồ tát Tất đạt đa thành Phật ở nơi cõi Ta ba nầy là mở ra cho nhân loại một cách nhìn mới, một cách tư duy mới, một cách phát ngôn mới, một cách hành động mới, một cách sống mới, một cách nỗ lực mới, mộtcách ghi nhận mới và một cách trầm tĩnh mới.

Cách nhìn mới là cách nhìn không bị rơi vào những cục bộ phiến diện do sự điều động bởi những nhận thức sai lầm từ một bản ngã phàm tục hay siêu nhiên. Cách nhìn mới ấy, là cách nhìn thấy rõ mọi sự hiện hữu trongsự tương quan duyên khởi. Một sự hiện hữu có mặt trong mọi sự hiện hữu và mọi sự hiện hữu đang dung chứa ở trong một sự hiện hữu. Chúng hiện hữu với nhau trong sự dung thông toàn thể, sống động mà không có bất cứ một cá thể nào có thể tồn tại độc lập. Sự tồn tại của một cá thể độc lậpkể cả cá thể siêu nhiên chỉ là những ý niệm điên đảo vọng tưởng, chúng khởi lên từ tâm thức yếu hèn, hay tâm thức đầy cao ngạo và mù quáng.

Tư duy mới là tư duy không thiết lập trên nên tảng hữu ngã mà trên nền tảng của các pháp duyên khởi vô ngã, để chứng nghiệm tự tánh viên thành nơi vạn hữu.

Cách phát ngôn mới là cách phát ngôn không quay về cho bản ngã hay cho bất cứ một cá thể nào mà chỉ nhắm tới hiển thị sự thực làm lợi ích cho toàn thể.

Cách hành động mới không phải là cách hành động nhắm tới lợi ích cho cá nhân mình mà cho tất cả mọi người và muôn loài. Cách hành động ấy có khả năng làm ngưng chỉ những nguyên nhân sinh khởi khổ đau và là động cơdẫn sinh mọi đời sống an lạc.

Cách sống mới là cách sống giản dị mà sâu lắng, đơn giản mà thanh cao, không đặt đời sống của mình trong tháp ngà ảo vọng mà đặt đời sống của mình liên hệ đến nhân quả tốt đẹp không phải chỉ đời nầy mà cả nhiềuđời về sau; không phải chỉ biết đặt sự liên hệ đời sống của mình trong một phạm trù mà là toàn thể và không đặt sự tồn tại sinh mệnh của chính mình ở trong ngũ dục mà ở trong sự tịch tịnh các dục.

Cách nỗ lực mới là nỗ lực nhìn thấy sự thực của khổ đau mà chuyển hóanhững nguyên nhân của nó, chứ không phải nỗ lực tránh né hay khắc phục hậu quả khổ đau; nỗ lực mới là nỗ lực phát huy những tiềm năng tốt đẹp vốn có và nỗ phát huy những tiềm năng ấy đến chỗ toàn hảo; nỗ lực mới lànỗ lực khơi mở và yểm trợ cho những người khác nhận ra được tiềm năng tốt đẹp vốn có của họ và giúp cho họ phát triển tiềm năng ấy đến chỗ toàn hảo, để cho tất cả thế giới đều được sống ở trong thế giới toàn hảovà được bảo chứng bởi những chất liệu toàn hảo mà do chính hành động tốt đẹp của mỗi người tạo ra cho mọi người và mọi người tạo ra cho mỗi người.

Cách ghi nhận mới là cách ghi nhận không lầm lẫn giữa cái nầy với cáikia, giữa tác nhân nầy với tác nhân kia, giữa tác duyên nầy với tác duyên kia, với bản chất nầy với bản chất kia, với hiện tượng nầy với hiện tượng kia,…với cách ghi nhận mới như vậy, chúng có tác dụng tạo ra sự trầm tĩnh sâu lắng cho tâm ta, khiến cho tâm ta càng lúc càng vững chãi, không bị tác động bởi những hấp dẫn của ngũ dục thế gian. Sống ở đâu, lúc nào và tiếp xúc với ai cũng có ý thức sáng trong, tự chủ và tĩnh tại.

Bởi vậy, ngày thành đạo của Bồ tát Tất đạt đa đã mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới về sự hiểu biết, về hành động, cách phát ngôn,… tất cảđều chuyển tải nội dung của trí tuệ và từ bi toàn hảo, đem lại sự an lạc và hòa bình cho những ai, cho những cộng đồng nào biết chấp nhận và sống bằng đời sống có nội dung của chất liệu ấy.

Không có ngày thành đạo của Bồ tát Tất đạt đa, sẽ không có sự kiện chuyển Pháp luân của Ngài ở vườn nai, và ở trên đời nầy không bao giờ cóPhật, Pháp, Tăng xuất hiện một cách toàn vẹn đầy đủ cả sự và lý làm chỗnương tựa an ổn cho chư Thiên và loài người trong biển đời sinh tử.

Vì vậy, kỷ niệm ngày Bồ tát Tất đạt đa thành Phật, Tăng Ni Phật tử chúng ta, không phải chỉ kỷ niệm suông trên ngôn ngữ, trên những hiểu biết tri thức hay trên những biểu hiện lễ nghi trống rỗng mà phải từ nơiniềm tin chân thực và trái tim bồ đề của chúng ta. Và chúng ta càng không nên biến ngày ấy trở thành một ngày lễ hội mà phải biết biến ngày ấy là ngày của chánh kiến, chánh trí và chánh giải thoát.

Hãy giải thoát cho nhau thoát khỏi những ràng buộc của tham sân si, cố chấp và tà kiến; hãy mở ra cho nhau những buộc ràng vô lối, những quiước phàm tục và hãy hiến tặng cho nhau những tự do căn bản và tối thiểucủa tâm hồn, để từ đó cùng nhau tu tập bước tới địa vị giác ngộ toàn hảo, đem lại lợi ích cho hết thảy muôn loài.

Chúng ta nỗ lực thực tập và nguyện sống với những gì cao quí của hạnhvà nguyện như thế là chúng ta đã làm cho ngày thành đạo của đức Thế Tônchúng ta hiện hữu một cách sống động và thực tế. Ngày cao quí ấy đã, đang và sẽ đến với chúng ta và chúng ta cũng đã, đang và sẽ đi đến với ngày ấy một cách toàn hảo không phải chỉ thuần túy bằng đức tin mà bằng chính hành động “quên mình giữa tất cả mọi người của chúng ta”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/01/2025(Xem: 766)
Kính lạy bậc kỳ vĩ xuất hiện, từ ngàn năm trong thế giới (1) Gây âm vang chấn động, mở ra một kỷ nguyên Mang ánh sáng đi vào đời, với phương pháp tịnh Thiền Giúp người người tìm về Chánh Pháp mầu nhiệm
22/06/2024(Xem: 2018)
Bộ hành là bước đi của chân. Nơi đây, trong bài này, chỉ có ý nói rằng xin mời gọi bước đi của tâm: khuyến tấn cả nước cùng nhau bộ hành theo dòng Kinh Phật, cùng tập thói quen đọc kinh, suy nghĩ về kinh, để tâm hướng theo lời kinh dạy, và hàng ngày hãy làm như thế trong những điều kiện có thể của từng Phật tử, từng ngôi chùa. Nói theo chữ cổ, hàng ngày hãy tự xem hành động đọc, nghĩ, và làm theo lời Phật dạy cũng là một hạnh đầu đà. Nếu chúng ta đi bộ bằng chân, độ dài chỉ có thể đo bằng kilômét trong lãnh thổ Việt Nam. Trong khi, nếu chúng ta bước đi bằng tâm, hàng ngày mở trang kinh ra, để đọc, để nghĩ và để làm – thì độ dài của kinh và luận sẽ là nhiều ngàn năm, trải rộng cả Ấn Độ, Tích Lan, Trung Hoa, Việt Nam, Hoa Kỳ, Úc châu… Và sẽ không làm cản trở giao thông của bất cứ ai, bất cứ nơi nào.
19/06/2024(Xem: 3011)
Khi nói tới chuyện trao truyền y bát, chỉ là sử dụng một kiểu ngôn ngữ ước lệ. Nơi đây, chúng ta muốn nói tới một thẩm quyền sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Nghĩa là, một thẩm quyền tối hậu để nương tựa. Khi dò lại kinh, chúng ta sẽ thấy câu chuyện phức tạp hơn. Vì có nơi Đức Phật nói rằng sau khi ngài nhập Niết Bàn, tứ chúng hãy chỉ dựa vào Chánh pháp. Kinh lại nói rằng tứ chúng chỉ nên dựa vào Kinh và Luật. Mặt khác, Đức Phật nói rằng có những kinh cần giải nghĩa (tức là, hãy nhìn mặt trăng, chứ đừng chấp vào ngón tay, và từ đây mở đường cho các bộ Luận và Kinh Đại Thừa). Có lúc Đức Phật chia đôi chỗ ngồi và trao y cho ngài Ca Diếp. Có kinh ghi lời Đức Phật trao pháp kế thừa cho ngài A Nan. Và có kinh ghi lời Đức Phật ủy thác quyền lãnh đạo cho Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Thế rồi, một hình ảnh thơ mộng từng được kể qua truyện tích Niêm Hoa Vi Tiếu, rằng Đức Phật lặng lẽ, cầm hoa lên, và ngài Ca Diếp mỉm cười. Tích này kể lời Đức Phật nói rằng ngài có một pháp môn vi diệu, không dự
06/06/2024(Xem: 1298)
Trong nhà Phật, lời nguyện là một phần có thể gặp ở bất kỳ kinh sách nào. Hầu hết các lời nguyện đều lớn vô cùng, và trải dài vô cùng tận. Trong các chùa Thiền Tông, chúng ta thường nghe tới Tứ hoằng thệ nguyện, nơi câu đầu "Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ" (Nguyện giải thoát vô số chúng sinh) đã mang tâm lượng vô biên, vô cùng tận. Trong các chùa Tịnh Độ, các bộ Kinh A Di Đà, Kinh Dược Sư đều ghi những lời nguyện lớn của các vị Phật tương ưng. Tới đây, chúng ta có thể gặp một câu hỏi, rằng có lời nguyện nào sẽ thích hợp cho kiếp này thôi. Bởi vì, có những vị tuổi thọ chỉ còn chừng vài năm nữa là sẽ qua kiếp khác. Và Đức Phật đã dạy những gì cho lời nguyện trong một kiếp ngắn hạn này?
04/06/2024(Xem: 4481)
Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến. Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành. Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:
23/05/2024(Xem: 678)
Một người con khi xa gia đình, xa quê hương, đã thổn thức mong chờ một chuyến về thăm nhà như thế nào thì người con phật cũng khát khao được về thăm xứ Phật một cách thiết tha như thế ấy!
04/05/2024(Xem: 1096)
Sen vàng tháp cổ quyện trầm hương Thị hiện Như Lai giữa nẻo thường Cõi mộng nhân gian Thầy xua lối (*) Cơ duyên chánh đạo pháp soi đường Triêm ân chỉ hướng nguyền xin tỏ Rõ lý qui nguồn xả hết vương Bát Nhã đèn thiền luôn sáng rạng Mê lầm hóa giải thoát tai ương.
16/04/2024(Xem: 989)
Thông thường chúng ta tổ chức kỷ niệm ngày đản sanh hay những ngày lễ khác trong Phật giáo rất long trọng tưng bừng, riêng ngày Phật thành đạo thì có vẻ im lìm và số Phật tử biết hay nhớ ngày này cũng rất ít. Thật sự thì ngày đức Phật thành đạo rất quan trọng, thậm chí có thể quan trọng hơn cả ngày nhập niết bàn. Vì ngày Phật thành đạo là một sự kiện có một không hai trong lịch sử loài người, đây là cái dấu mốc quan trọng mở ra con đường giải thoát cho loài người và cho cả chư thiên, phi nhân…
14/04/2024(Xem: 594)
Có một bạn trẻ, trí thức, mặt mũi sáng sủa mộ đạo tới hỏi một thiền sư như thế này: -Thưa thầy, con đọc kinh điển thấy Đức Phật nói, “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” như vậy chúng sinh có thể tu thành Phật. Con rất muốn tu thành Phật. Xin thầy chỉ cho làm thế nào để thành Phật? Sư đáp: -Nếu tu để ngộ được tâm Phật, an nhiên tự tại như chư Tổ và các thánh tăng thì khác. Còn muốn trở thành một vị Phật lại khác. Về hình dáng: Phải cao. dung mạo phải đẹp đẽ, oai nghi, không khiếm khuyết bất cứ một bộ phận nào trên cơ thể. Về thân thế: Phải là vua, hoặc thái tử, hoàng tử của một vương quốc. Nếu là các nước cộng hòa thì phải là tổng thống, thủ tướng. Phải có chức vụ cao tột đỉnh như vậy để sau này không còn ham mê danh vọng nữa. Phải là con của một tỷ phú thừa kế một tài sản khổng lồ để sau này không còn ham mê tiền bạc. Một vị Phật không thể xuất thân từ một gia đình thấp kém, bần hàn, là con mồ côi hay con của một gia đ
24/03/2024(Xem: 2959)
Thành Kính Tưởng Niệm…. “Ngày Đức Phật nhập Đại Niết Bàn lúc 80 tuổi” Toàn bộ lời thuyết pháp lần cuối được ghi lại trong kinh Vừa căn dặn đệ tử tự là hòn đảo và tự thắp sáng chính mình, Vừa cô đọng, những điểm căn bản chính yếu trong giáo lý ! Phải luôn đi theo Chánh Đạo với BI, DŨNG, TRÍ !
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]