Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

25. Suy nghĩ về một bộ kinh Thánh Phật giáo - Thích Nhật Từ

16/05/201317:17(Xem: 2583)
25. Suy nghĩ về một bộ kinh Thánh Phật giáo - Thích Nhật Từ


Tuyển tập

Phật Thành Đạo

Nhiều tác giả
--- o0o --- 

Phần III

Phật giáo và các vấn đề thời đại

--- o0o ---

SUY NGHĨ VỀ MỘT BỘ KINH THÁNH PHẬT GIÁO

Thích Nhật Từ

Một bộ kinh thánh giản lược chỉ cần chứa đựng trong vòng 2500 trang, tóm thâu tất cả những lời dạy cao qúy và căn bản của đức Phật trong hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông. Bộ kinh thánh này nên được ấn tống rộng rãi, để mỗi chùa và từng gia đình Phật tử đều có và đọc được. Được như vậy thì thông điệp từ bi, trí tuệ và giải thoát của đức Phật sẽ chiếu sáng trên mọi góc đường, trong đời sống, tư duy và hành động của người Việt Nam.

I. NHU CẦU CỦA MỘT BỘ KINH THÁNH PHẬT GIÁO: NHỮNG DẤU HIỆU ĐÁNG MỪNG VÀ ĐIỀU LO NGẠI

Hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới đều có kinh thánh riêng và được sử dụng thống nhất trên toàn thế giới. Riêng Phật giáo cho đến ngày hôm nay, do vì có nhiều tông phái và hệ phái, với số lượng kinh sách quá phong phú lên đến hàng trăm tập, vẫn chưa có một bộ kinh thánh thống nhất nào cả. Đó là điều mà khi nghĩ đến người Phật tử có tâm huyết phải cảm thấy buồn tủi và đau lòng.

Tại Việt Nam, kể từ khi quý hòa thượng Thích Trí Tịnh, Thích Trí Quang, Thích Thanh Từ, Thích Thiện Siêu, thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, thầy Đoàn Trung Còn phiên dịch một số kinh điển quan trọng của Phật giáo đại thừa và A-hàm từ chữ Hán ra chữ Việt; hòa thượng Thích Minh Châu, hòa thượng Giới Nghiêm phiên dịch kinh tạng nguyên thủy từ chữ Pali, chúng ta tạm có đủ các kinh điển quan trọng của hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông.

Điều đáng mừng nhất là chỉ trong vòng gần 30 năm, toàn bộ 4 bộ Nikàya đầu và vài tập của Tiểu bộ Kinh đã được hòa thượng Thích Minh Châu phiên dịch ra tiếng Việt. Các tập tiểu bộ kinh còn lại đang được các thành viên của viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tiếp tục phiên dịch. Các tập luận và luật tạng Pali cũng đã được cố hòa thượng Giới Nghiêm và quý sư Nam tông dịch và ấn hành trong những năm gần đây. Như vậy, trên căn bản, ba kho tàng kinh điển Pali đã được dịch ra tiếng Việt và ấn hành. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho việc truyền bá kinh điển Phật giáo bằng tiếng Việt tại nước Việt Nam.

Bên cạnh những điều đáng mừng đó vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại. Thứ nhất, giá phát hành của các kinh nêu trên quá cao, vượt ngoài khả năng mua của những gia đình Phật tử có mức sống trung bình. Khổ của các kinh chưa được nhất quán và thiếu tiêu chuẩn. Chất lượng giấy in quá kém, kỹ thuật đóng bìa không đạt yêu cầu, khó có thể giữ lâu. Cách phân loại của đại tạng kinh Việt Nam không được rõ ràng, không theo tiêu chuẩn quốc tế, gáy sách không có ghi tên các bộ kinh (chẳng hạn như Trường bộ kinh, Trung bộ kinh v.v…) và do đó có thể gây nhiều khó khăn cho người Phật tử trong việc học hỏi và nghiên cứu kinh điển. Văn phong bản dịch của đại tạng kinh Việt Nam còn quá nặng về ngôn ngữ chữ Hán, khó hiểu đối với quần chúng Phật tử, kể cả những người biết chữ hán. Kế đến, về góc độ nghiên cứu, các kinh điển trong đại tạng kinh Việt nam thiếu hẳn phần chú thích (cước chú hay hậu chú), các chỉ mục tham khảo (index) về thuật ngữ, nhân danh, địa danh và tên kinh ở phần cuối của mỗi tập kinh. Đại tạng kinh Việt Nam thiếu hẳn tập tổng mục lục, tập hướng dẫn sử dụng và tự điển tra khảo, đối chiếu các thuật ngữ.

Điều đáng buồn nhất là với nỗ lực của các vị cao tăng và nhân sĩ Phật giáo trong việc phiên dịch, xuất bản các kinh điển Phật giáo bằng tiếng Việt, số lượng người mua và đọc các dịch phẩm ấy thật là ít ỏi và không đáng kể. Theo chúng tôi được biết mỗi kỳ ấn hành của các tập đại tạng kinh không quá 5000 bản, ấy thế mà có nhiều tập kinh được ấn hành gần 10 năm mà vẫn chưa phát hành hết. Điều đáng nói hơn nữa, cho đến hiện nay hầu hết các chùa và tịnh xá trong các tỉnh thành lớn đều không có một bộ đại tạng kinh Việt Nam trong thư viện hay tủ sách của chùa mình, nói chi đến các chùa và tự viện ở các tỉnh xa xôi và hẻo lánh, và nhất là các gia đình Phật tử khó khăn về kinh tế. Điều này đã dẫn đến một thực trạng là nhiều tăng ni và Phật tử không hề đọc qua đại tạng kinh Việt Nam. Có nhiều Phật tử còn không biết đến ba tạng kinh điển Phật giáo là gì. Cũng có nhiều người còn không biết đến lịch sử của đức Phật Thích-ca, người đã khai sáng ra đạo Phật. Nhiều người tuy đi chùa lễ Phật tụng kinh nhưng lại không hiểu các giáo pháp căn bản của đức Phật.

Có nhiều lý do dẫn đến thực trạng đau lòng đó, mà một trong các nguyên nhân quan trọng là các kinh điển Phật giáo phần lớn không được dịch ra tiếng Việt. Các nghi thức tụng niệm ở các chùa tại Việt Nam cũng như hải ngoại phần lớn để nguyên âm vận chữ Hán, hoặc nếu được dịch ra tiếng Việt thì văn phong cầu kỳ, khó hiểu và quá nặng chữ Hán. Trong khi đó, đại tạng kinh Việt Nam lại không được phổ biến trong quần chúng, không được đưa vào tụng niệm trong các thời khóa hằng ngày. Dần dà kinh điển Phật giáo chỉ được cất giữ trong các thư viện cổ kính, mà ít ai quan tâm đọc đến, huống là đem ứng dụng vào đời sống hằng ngày. Thật là uổng phí biết bao!

Để tạo điều kiện giúp cho quần chúng Phật tử hiểu rõ lời Phật dạy, chúng tôi nghĩ rằng việc thành lập một bộ kinh thánh Phật giáo giản lược là rất cần thiết. Một bộ kinh thánh giản lược chỉ cần chứa đựng trong vòng 2500 trang, tóm thâu tất cả những lời dạy cao qúy và căn bản của đức Phật trong hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông. Bộ kinh thánh này nên được ấn tống rộng rãi, để mỗi chùa và từng gia đình Phật tử đều có và đọc được. Được như vậy thì thông điệp từ bi, trí tuệ và giải thoát của đức Phật sẽ chiếu sáng trên mọi góc đường, trong đời sống, tư duy và hành động của người Việt Nam.

II. CÁC KHÓ KHĂN VỀ VIỆC HÌNH THÀNH MỘT BỘ KINH THÁNH PHẬT GIÁO

Mặc dù đã và đang có nhiều nỗ lực của các giáo hội, tổ chức và cá nhân Phật giáo trong việc phiên dịch kinh điển Pali và Sanskrit ra tiếng Mẹ đẻ, việc hình thành một bộ kinh thánh Phật giáo cho từng gia đình không phải không gặp nhiều khó khăn. Có những trở ngại mang tính khách quan như sau.

Thứ nhất, ba kho tàng văn học Phật giáo (tam tạng kinh điển) được viết bằng hai hệ ngôn ngữ chính: hệ Pali và hệ Sanskrit. Hệ Pali chỉ được phát triển và truyền thừa ở các nước theo Phật giáo nguyên thủy. Trong khi đó, hệ Sanskrit lại được phát triển ở các nước theo Phật giáo Bắc tông, nhưng lại không còn đủ trọn bộ. Kế đến, kinh điển đại thừa lại được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó quan trọng nhất là tiếng Tây Tạng và Trung Quốc. Hai thứ tiếng này lại là một trở ngại rất lớn cho người muốn tìm hiểu vì sự khó học, khó nhớ của nó.

Thứ hai là, khác với các kinh thánh của các tôn giáo khác như kinh thánh của Ky-tô giáo hay Koran của Hồi giáo, kinh thánh Phật giáo, dù là hệ Pali, là cả một kho tàng gồm nhiều tập, lên tới nhiều ngàn trang giấy khổ lớn. Riêng ba kho tàng kinh điển Pali thôi cũng đã lên tới gần 60 đầu sách. Mỗi quyển chứa trung bình từ 250 đến 400 trang. Kinh điển đại thừa lại còn nhiều hơn nữa. Chính vì thế, việc ấn hành một bộ kinh thánh Phật giáo khó được thực hiện.

Hơn thế nữa, do "ngôn ngữ tự điển" của các bản dịch, kinh điển Phật giáo chỉ trở nên quen thuộc trong giới học giả. Giới quần chúng thông thường lại không có cơ hội để tiếp xúc với kinh điển.

Đó là chưa nói đến các khó khăn về tài chánh in ấn và phổ biến. Các trở ngại này đã làm cho kinh điển Phật giáo trở thành các thư viện nghiên cứu của một số đối tượng, thay vì là của toàn thể quần chúng, từ bình dân đến trí thức. Tuy nhiên các khó khăn đó không phải là không thể khắc phục được, nếu chúng ta nhìn vấn đề từ góc độ duyên khởi: cái này có do cái kia có; cái này không có kéo theo cái kia không có. Do đó, nếu chúng ta tăng cường các trợ duyên, phương tiện và nỗ lực chất xám của nhiều người thì công việc trên sẽ có thể có một lối mở thích đáng.

III. NỘI DUNG CẦN CÓ CỦA BỘ KINH THÁNH PHẬT GIÁO

Vì đạo Phật có 2 hai nhánh chính là Phật giáo nguyên thủy và đại thừa nên tuyển tập kinh thánh Phật giáo nên chứa đựng cả 2 nguồn kinh điển tiêu biểu của hai tông phái chính. Trên tinh thần đó, nên có 2 tuyển tập kinh thánh Phật giáo: một tuyển tập của kinh điển hệ Pali nguyên thủy và một tuyển tập của hệ Sanskrit đại thừa.

TUYỂN TẬP KINH THÁNH NGUYÊN THỦY

1. Tạng giới luật nên được tỉnh lược tối đa. Chỉ nên giữ lại phần cốt lõi Đại Phẩm (Mahavagga) và Tiểu Phẩm (Cullavagga). Các phần còn lại của tạng Luật không nên giới thiệu trong tuyển tập kinh thánh. Bởi lẽ các phần đó liên hệ thuần túy đến các điều khoản, cách trị phạt, hệ thống tổ chức đời sống cộng đồng của người xuất gia; không có lợi ích nhiều cho người Phật tử tại gia. Kế đến, giáo pháp của Phật không được chứa tải nhiều trong các phần giới luật này.

2. Không kèm tạng Luận trong tuyển tập kinh thánh . Bởi lẽ, ngôn ngữ của tạng Luận tuy sâu sắc nhưng khó hiểu với cách lý luận, mang phong cách phân tích nặng về triết học ngôn ngữ, nên không cần thiết cho giới Phật tử bình dân. Do đó không cần thiết giới thiệu vào trong bộ kinh thánh Phật giáo.

3. Chỉ tuyển chọn các kinh quan trọng trong 4 bộ Nikaya đầu bao gồm tuyển tập các bài kinh dài (Trường Bộ Kinh), tuyển tập các bài kinh trung bình (Trung Bộ Kinh), tuyển tập các bài kinh theo chủ đề (Tương Ưng Bộ Kinh) và tuyển tập các bài kinh theo pháp số (Tăng Chi Bộ Kinh).

4. Về 15 tuyển tập thuộc Tiểu Bộ Kinh, chỉ nên tuyển chọn các phần tinh hoa trong 5 bộ đầu. Riêng kinh Pháp Cúthì nên giữ nguyên toàn bộ 423 bài kệ, vì tính cô đọng và bao quát giáo pháp Phật chứa đựng trong đó. Mười bộ từ thứ sáu trở đi nên được tỉnh lược.

Như vậy với cách chọn lọc này, bộ kinh thánh Nguyên thủy sẽ chiếm khoảng 1000 trang giấy, rất tiện lợi cho việc mang đi đây đó, thọ trì, đọc tụng và phổ biến.

ĐỐI VỚI TUYỂN TẬP KINH THÁNH ĐẠI THỪA

1. Về giới Bồ-tát, chỉ giới thiệu phần nội dung của 10 giới nặng và 48 giới nhẹ. Tỉnh lược toàn bộ phần dẫn nhập về nhân địa bồ-tát.

2. Toàn bộ phần Mật tạng và luận tạng nên được tỉnh lược, vì quá nhiều và không cần thiết cho đại đa số quần chúng.

3. Đối với các kinh điển đại thừa, cũng nên chọn lọc các kinh tiêu biểu mà thôi. Các kinh đại thừa nên được giới thiệu là: kinh Thủ Lăng Nghiêm, kinh Lăng Già, kinh Viên Giác, kinh Pháp Hoa, Kinh Duy-ma-cật Sở Thuyết, kinh Đại Bảo Tích, kinh Bát-nhã, Kinh Báo Ân Cha Mẹ, Kinh Vu-lan. Riêng kinh Năng Đoạn Kim Cang Bát-nhã ba-la-mậtthì giữ trọn vẹn. Không nên giới thiệu các kinh Dược Sư, ĐịaTạng và các kinh thần chú, vì tính chất van xin và cầu nguyện trong các kinh này đã đi ngược lại với tinh thần lời dạy nguyên thủy của đức Phật.

4. Đối với các kinh đại thừa vừa nêu trên, cũng nên tuyển chọn các phẩm kinh tiêu biểu chứ không cần giới thiệu toàn bộ các phẩm trong kinh.

Với cách chọn lọc này, bộ kinh thánh Đại thừa sẽ chiếm khoảng 1000 đến 1500 trang giấy.

Như vậy cả hai bộ kinh thánh Phật giáo nguyên thủy và đại thừa gộp lại sẽ chiếm khoảng 2000-2500 trang giấy. Nếu in trên giấy mỏng và tốt thì bộ kinh thánh chỉ cần chứa trong 2 tập, tập 1 là kinh thánh nguyên thủy và tập 2 là kinh thánh đại thừa. Tuy nhiên cách phân bổ số tập cũng có thể linh động, bằng cách chia đều mỗi tập 500 trang. Như vậy có tất cả là 5 tập, tập 1 và 2 thuộc kinh thánh nguyên thủy và 3 tập còn lại thuộc kinh thánh đại thừa. Nếu tính luôn bản nguyên tác Pali và Sanskrit thì số lượng tập của bộ kinh thánh Phật giáo có thể tăng lên gấp đôi.

IV. PHƯƠNG CÁCH TRÌNH BÀY BỘ KINH THÁNH PHẬT GIÁO

1. Cả hai tuyển tập kinh thánh nên được trình bày theo một trật tự từ thấp đến cao, từ nhân thừa đến Phật thừa. Không nên trình bày theo cấu trúc truyền thống là kinh luật luận, vì hai kho tàng luật luận đã được tỉnh lược khỏi tuyển tập kinh thánh này.

2. Nên đặt lại tựa đề của các bài kinh (trong trường hợp kinh điển Pali), các phẩm kinh (trong trường hợp kinh điển đại thừa), theo nội dung và chủ đề của chúng. Tuy nhiên phải ghi chú tên nguyên góc để giúp người đọc có thể đối chiếu khi cần thiết.

3. Đánh số thứ tự lại trật tự của các bài kinh, số đoạn một cách có hệ thống để tiện cho việc tham khảo. Số thứ tự được đánh theo từng bài kinh. Sang bài kinh khác thì số thứ tự được đánh lại từ đầu. Ví dụ đoạn thứ nhất của bài kinh thứ nhất được đánh số là 1: 1. Đoạn thứ ba của bài kinh thứ nhất được đánh số là 1: 3. Nếu chi tiết hơn, chúng ta có thể đánh dấu số trang cho chúng. Ví dụ nếu đoạn một của kinh thứ nhất đó nằm ở trang 3 thì ta ghi như sau: 1: 1 : 3. Tương tự nếu là đoạn thứ 3 của kinh thứ 2 thuộc trang 8 thì ta ghi như sau: 2 : 3 : 8.

4. Nên đặt chủ đề cho từng ý tưởng chính trong kinh. Các chủ đề chính được đánh dấu bằng một co chữ in lớn (ví dụ co 13) trong khi các ý tưởng nhỏ hay trực thuộc nên được đánh dấu bằng một co chữ in nhỏ hơn (ví dụ 11). Việc đặt chủ đề như trên sẽ giúp cho người đọc có được manh mối để ghi nhớ và suy tư lời Phật dạy trong khi tụng niệm.

5. Đối với các kinh nguyên thủy, nên tỉnh lược các đoạn trùng lập (vốn chỉ có giá trị trong truyền thống truyền miệng) bằng các ký hiệu mặc ước (ví dụ […]) để ý tứ của mạch văn được cô đọng và rõ ràng hơn. Ngoài ra, việc tỉnh lược này còn giúp tiết kiệm giấy mực hay nói khác hơn giảm bớt kinh phí ấn loát và phát hành.

6. Viết lại một cách ngắn gọn, cô đọng, đầy đủ nghĩa các đoạn mở đầu các bài kinh thành 1 hoặc 2 dòng, thay vì nửa trang giấy như nguyên tác. Miễn sao việc tỉnh lược đó hoàn toàn không ảnh hưởng đến nội dung chính của kinh là được. Tuy nhiên cũng nên có các ký hiệu cho biết đây là đoạn đã được biên tập ngắn lại.

V. PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC BIÊN SOẠN BỘ KINH THÁNH PHẬT GIÁO

1. Để bộ kinh thánh Phật giáo được sử dụng thống nhất trên khắp thế giới, ngôn ngữ của kinh thánh này phải được thể hiện qua ba thứ tiếng căn bản là Pali, Sanskrit và tiếng Anh. Nói cách khác, công việc biên tập trước nhất phải được tiến hành theo ngôn ngữ gốc của kinh điển. Đối với tuyển tập kinh thánh nguyên thủy, trước nhất phải được biên tập từ tiếng Pali. Đối với tuyển tập kinh thánh đại thừa, việc biên tập được thực hiện từ tiếng Sanskrit. Khi ấn bản la-tinh hóa của hai tuyển tập kinh thánh này hoàn tất, chúng ta tiến hành đến việc phiên dịch ra bản tiêu chuẩn tiếng Anh. Các nước Phật giáo trên khắp thế giới có thể tham khảo bản tiếng Anh trong khi phiên dịch hai ấn bản Pali và Sanskrit ra tiếng mẹ đẻ của mình. Nói dễ hiểu hơn, phần kinh thánh nguyên thủy được trình bày qua tiếng Pali đã la-tinh hóa, trong khi phần kinh thánh đại thừa được trình bày qua tiếng Sanskrit, như chính nguyên tác ngôn ngữ của chúng. Ấn bản tiếng Anh đính kèm là bản tham khảo đối chiếu cho các bản dịch ra tiếng mẹ đẻ của các dân tộc trên thế giới. Riêng chúng ta là người Việt Nam, thì bộ kinh thánh Phật giáo bao gồm 2 ấn bản, ấn bản nguyên bản Pàli và Sanskrit và ấn bản tiếng Việt. Ấn bản nguyên gốc để nhằm vào mục đích tra cứu, tham khảo. Ấn bản tiếng Việt là ấn bản chính mà các chùa, tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường và các gia đình Phật tử cần phải có ít nhất một bộ trong chùa hay trong nhà mình. Về lâu về dài, mỗi người con Phật dù tại gia hay xuất gia đều có trong tay một bộ kinh thánh Phật giáo đó.

2. Để thực hiện công việc biên tập trên, phải thành lập một ban biên tập gồm các vị cao tăng, danh tăng, cư sĩ có tâm huyết với Phật pháp và các học giả Phật giáo trên khắp thế giới. Thành viên của Ban biên tập này phải là những người đại diện cho tiếng nói của Phật giáo trong một nước. Do đó, các thành viên phải là người được đề cử của giáo hội Phật giáo trong một nước hay của một tổ chức Phật giáo nào đó hay của các trường đại học Phật giáo nổi tiếng trên thế giới.

3. Trước nhất, số lượng bài kinh cũng như các kinh của hai truyền thống được tuyển chọn vào bộ kinh thánh Phật giáo phải được thảo luận rộng rãi. Các ý kiến đóng góp của quần chúng tăng ni Phật tử trên khắp thế giới phải được tham khảo và nghiên cứu kỹ lưỡng, để hoàn thiện nội dung của bộ kinh thánh Phật giáo. Sau khi thống nhất về các bài kinh được tuyển chọn, ban biên tập tiến hành công tác biên tập, theo các tiêu chí nêu ở mục IV.

4. Một khi văn bản nguyên tác Pali và Sanskrit đã được biên tập và hệ thống hóa, bản dịch tiếng Anh cần được tiến hành tiếp theo sau. Sau đó, phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới, để các ban biên tập và phiên dịch địa phương trong một nước nào đó tiến hành dịch ra tiếng mẹ đẻ của mình, chẳng hạn như tiếng Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật, Liên Xô, Miến Điện, Thái, Tích Lan v.v…

5. Văn phong của các bản dịch kinh thánh Phật giáo phải là một loại văn phong thuần ngôn ngữ mẹ đẻ của từng dân tộc và quốc gia. Phong cách ngôn ngữ dịch thuật tuy có nhiều loại tùy theo trình độ, sở thích và phong cách riêng của người dịch, có thể chia thành 2 dạng chính: dạng ngôn ngữ tự giải thích và dạng ngôn ngữ tự điển. Dạng thứ nhất là phong cách chuyển ngữ văn bản kinh điển gốc sang tiếng được chuyển ngữ theo một văn phong thuần chất của người bản địa. Nghĩa là tự bản thân các từ ngữ thuật ngữ được diễn tả đã mang tính giải thích rõ ràng. Người đọc kinh điển không cần phải tra cứu các bộ tự điển Phật học để tìm hiểu ý nghĩa của chúng. Trái lại, dạng thứ hai là dạng sử dụng quá nhiều từ ngữ, thuật ngữ chuyên ngành Phật học, hoàn toàn xa lạ với quần chúng. Đây là loại văn dịch theo phong cách kinh viện, phải cần đến tự điển mới hiểu được ý nghĩa chứa đựng trong nó. Văn phong của bản dịch của kinh thánh Phật giáo phải là loại văn phong thuần ngôn ngữ mẹ đẻ, để giúp cho người Phật tử đọc hiểu dễ dàng và ứng dụng không trở ngại. Rõ ràng, để có một văn phong như vậy, ban biên dịch của từng nước trên thế giới phải cần đến sự nhuận văn của các văn gia và thi sĩ lỗi lạc trong mỗi nước, trước khi bản dịch được đem đi in ấn.

6. Bản dịch từ bản Pali và Sanskrit ra tiếng mẹ đẻ (hay tiếng địa phương) phải được các hội đồng đại diện của một nước phụ trách. Hội đồng đó có thể bao gồm các tu sĩ, cư sĩ và học giả Phật giáo lỗi lạc và tinh thông Phật pháp trong một nước.

7. Để bộ kinh thánh Phật giáo này có trong tay từng tu viện và gia đình Phật tử, Ban biên tập có thể vận động các tổ chức từ thiện Phật giáo trên khắp thế giới ủng hộ phần kinh phí ấn tống bộ kinh thánh Phật giáo. Ngoài ra, các đại diện của một nước cũng nên vận động ấn tống hay phát hành bộ kinh thánh Phật giáo trên tinh thần không lời không lỗ, để bạn đọc Phật giáo có thể mua dễ dàng. Giá ấn bản, nếu không phải ấn tống, nên bằng với giá chi phí ấn loát thực tế. Có như vậy thì mỗi tăng ni và gia đình Phật tử đều có thể có trong tay một bộ kinh thánh Phật giáo để đọc tụng và thực hành lời Phật dạy ở mỗi nơi và mọi lúc.

VI. THAY LỜI KẾT

Những điều được trình bày bên trên chỉ là nguyện vọng của cá nhân chúng tôi trong việc mong mỏi có một bộ kinh thánh Phật giáo thống nhất trên khắp thế giới. Nguyện vọng tuy chánh đáng nhưng việc thực hiện không phải là chuyện dễ dàng. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng công việc cần thiết này không phải không thực hiện được. Chúng tôi mong sao các nhà lãnh đạo Phật giáo, các nhân văn trí thức Phật giáo trên khắp thế giới lưu tâm nhiều hơn về vấn đề này, để sớm có ngày ngồi lại bên nhau phát thảo công trình biên tập một bộ kinh thánh Phật giáo trong vòng 2500 trang. Những điểm cần thảo luận chi tiết cho công trình này là:

- Những kinh điển nào cần được đưa vào trong bộ kinh thánh Phật giáo.

- Những phần nào nên được tỉnh lược và loại ra khỏi bộ kinh thánh Phật giáo.

- Phong cách trình bày lời Phật dạy một cách có hệ thống, từ thấp đến cao, để giúp cho người đọc dễ nhớ và ứng dụng vào trong cuộc sống.

- Văn phong của bản dịch phải đơn giản, phổ thông và quen thuộc với ngôn ngữ đời sống hằng ngày của từng quốc gia và dân tộc trên thế giới.

Được như vậy, người viết tin chắc rằng lời Phật dạy sẽ được nhiều người biết đến, sự ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống sẽ có nhiều lợi ích hơn, và do đó, cuộc sống con người hôm nay và mai sau sẽ an lạc và hạnh phúc hơn trong ánh sáng chánh pháp của đức Phật.

--- o0o ---


Chân thành cảm ơn Đại Đức Nhật Từ đã gởi tặng phiên bản điện tử tuyển tập này.

--- o0o ---

Vi tính: Hải Hạnh - Giác Định

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/03/2023(Xem: 3806)
Có phải bạn rất đỗi ngạc nhiên về tiêu đề của bài viết này? Có thể bạn nghĩ rằng chắc chắn có điều gì đó không ổn trong câu chuyện này, bởi vì lịch sử về cuộc đời của đức Phật xưa nay không hề thấy nói đến chuyện đức Phật đi tới Châu Âu và Châu Phi. Bạn nghĩ không sai. Không phải đức Phật bằng xương bằng thịt đã đến hai lục địa đó lúc Ngài còn tại thế. Nhưng đó là một câu chuyện vô cùng thú vị về một hiện tượng lịch sử đã được sử sách nói đến cách nay cả ngàn năm.
23/02/2023(Xem: 4159)
Hạnh phúc thay ngày Phật xuất gia Vì thương cứu độ cõi Ta Bà Đâu màng điện ngọc cùng châu báu! Nỡ đắm con xinh đến tháp ngà! Thử ngẫm ai hoài mà chẳng bệnh! (*) Xem chừng kẻ sống mãi không già! (*) Quần sanh chuốc nạn đều chưa rõ Pháp thế lưu tồn giúp khổ qua.
04/01/2023(Xem: 2017)
Trên hai mươi lăm thế kỷ đã trôi qua, kể từ đêm khuya ấy, một ánh Sao Mai âm thầm tỏa sáng trên bầu trời phương Đông, báo hiệu một bình minh hy vọng trước một kỷ nguyên mới của văn minh nhân loại, thời trục văn minh được khởi phát từ những nguồn minh triết Đông-Tây. Hai mươi lăm thế kỷ tiếp theo, dòng lịch sử nhân loại trôi đi trong máu lửa với những cuộc chiến khốc liệt tranh quyền thống trị thống nhất đất nước, tranh quyền bá chủ thế giới, cùng với những cuộc chiến tranh tôn giáo kéo dài hằng trăm năm, tranh quyền thống trị Thiên quốc trần gian.
26/12/2022(Xem: 2261)
Đặc biệt năm nay Ngày Phật Thành Đạo mùng 8 tháng 12 âm lịch lại đến trước ngày Tân niên 2023 đúng hai ngày tức là rơi vào ngày 30/12/2022 . Còn nhớ vào một sớm sao mai mọc cũng là lúc Ngài hoàn toàn chứng được Tam minh, thành tựu Chánh đẳng Chánh giác và thành Phật với danh hiệu Thích Ca Mâu Ni. Năm ấy Ngài 35 tuổi, ngày mùng 8 tháng Chạp năm 584 trước Tây lịch. Trộm nghĩ có lẽ ai đã là Phật Tử đều phải xem Lễ Thành Đạo là ngày lễ quan trọng nhất, long trọng nhất trong tất cả những ngày lễ khác. Vì sao vậy ?
21/12/2022(Xem: 2019)
Kính lạy Đức Thế Tôn, Hôm nay ngày cuối năm Trời mùa Đông giá lạnh Vạn vật như chuyển mình Bước sang mùa Xuân mới Ngày Thế Tôn thành Đạo Khắp Trời Người cùng vui
21/12/2022(Xem: 2708)
Khi Thái tử Sĩ-đạt-ta từ bỏ hoàng cung giữa đêm khuya, vượt thành, cắt tóc xuất gia, khoác áo sa-môn, trải qua những tháng năm dài lên đường tầm sư học đạo. Đầu tiên ngài đến với vị đạo sĩ thời danh là Alàràma Kàlàma. Không bao lâu, Ngài đã thâm nhập những áo nghĩa của thầy và thực tập thiền định đến cảnh giới Vô sở hữu xứ (Akincannayatana) là từng định thứ ba của cõi trời Vô sở hữu. Đây là dạng an định bằng một kỹ thuật trực giác, hay còn gọi là Thiền Cảm giác; còn định còn an lạc, hết định thì trở lại trạng thái đời thường. Không chứng ngộ được chân lý tối hậu về sự nhàm chán, lìa bỏ luyến ái vô minh, chấm dứt mọi đau khổ. Cũng như sự tỉnh thức mọi lúc mọi nơi để đạt đến Niết bàn tịch tịnh.
20/12/2022(Xem: 2213)
Kính lạy Đấng Thế Tôn Cho con nguồn diệu pháp Giữa trần gian rối loạn Với bao những khổ đau Khó nơi nào tránh được May thay có Tăng Đoàn Trưởng tử của Như Lai
20/12/2022(Xem: 1647)
Xuân vận hành giữa Hạ và Đông, nghĩa là hội tụ và hóa giải khí tiết giữa hai mùa. Chính những tố chất ấy, mùa Xuân xem là mùa đẹp nhất trong năm, ươm mầm cho muôn hoa đua nở, cây cối đâm chồi nảy lộc, vì thế người dân đi lễ chùa bẻ cành hái hoa để xin “lộc” đầu Xuân. Xuân bắt đầu được tính từ ngày 4 tháng 2 hoặc ngày 5 tháng 2 Dương lịch gọi là “lập Xuân”. Khí tiết đã âm ỷ từ Thiên tượng âm dương đất trời khi tinh cầu vận hành quanh thái dương hệ.
09/03/2022(Xem: 8105)
Gần 6 năm nay từ khi hiểu được phần nào Giáo pháp của Đức Thế Tôn qua sự giáo truyền của những bậc danh tăng VN thời hiện đại của thế kỷ 20 và 21 con vẫn thầm khấn nguyện vào những ngày đại lễ của Đức Phật và các vị Bồ Tát sẽ dùng những lời thơ, bài viết ngắn diễn tả được niềm tịnh tín bất động của con hầu có thể cúng dường đến quý Ngài. Phải nói thật bất tư nghì ...không biết nhờ Chư Thiên Hộ Pháp hộ trì chăng mà con đã được các bậc hiền trí giúp đỡ một cách thuận duyên trong những năm sau này.
09/01/2022(Xem: 6172)
Chúng con cung kính nghe rằng: Núi Tuyết tu nhơn, Khổ hạnh sáu năm quả mãn; Sao Mai ứng dạng, Hân hoan muôn đức công thành! Một Phật giáng sanh, Muôn loài hưởng phước! Nay có Tăng chúng, Và chư Phật tử chúng con.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]