- Điện Thư Phân Ưu Thượng Tọa Thích Nhuận Châu (Thành viên Tiểu Ban Phiên Dịch Chuyên Trách thuộc Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương GHPGVNTN)
- Điện Thư Phân Ưu Thượng Tọa Thích Chúc Hiền (Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa GHPGVNTN Hoa Kỳ) của GH Hoa Kỳ
- Điện Thư Phân Ưu Thượng Tọa Thích Chúc Hiền (Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa GHPGVNTN Hoa Kỳ)
- Cảm Niệm Ân Sư (Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Hạnh)
- Thơ: thành kính cung tiễn Ôn Quảng Hạnh, Khai Sơn & Viện Chủ Chùa Đức Sơn
- Thủ bút và thơ của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Hạnh
- Cung Tán Hành Trạng Hoà Thượng Bổn Sư thượng Quảng hạ Hạnh
- Đi là về ngày phương không (kính tiễn HT Thích Quảng Hạnh)
- Ngàn Năm Lòng Đất Giao Tình
- Gửi lại cho đời (cung kính tưởng niệm Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Hạnh)
- Ca khúc: Con Đường Tâm Thể do HT Quảng Hạnh sáng tác và trình bày
- …Sợ Lăng Nghiêm (Tùy bút tưởng niệm Hoà Thượng Thích Đồng Thiện)
- Ngài về Chốn Phật..!
Người Chơi Đẹp ngao du ngoài con số
Không trầm mình trong kiếp sống phù sinh
Chỉ đùa vui với thi ca văn tự
Đó là bài thơ Thay lời Tựa, mở đầu thi phẩm Tiếng vượn trầm của Người Chơi Đẹp (bút danh của HT Quảng Hạnh).
Tiếng vượn trầm hú vang lên tận trong rừng sâu thăm thẳm mà Thiền sư Tuệ Trung Thượng Sỹ đã nghe được từ gần ngàn năm trước:
“Nhân gian tận kiến thiên sơn điểu
Thùy thính cô viên đề xứ thâm?”
Thi sỹ Bùi Giáng gần ngàn năm sau cũng nghe ra ẩn mật:
“Nhân gian đều thấy ngàn non sáng
Ai lắng nghe ra tiếng vượn trầm?”
Nhân gian là người sống ở đời, đa số chỉ thích nhìn ngắm phong cảnh trời mây, non nước bên ngoài mà ít có ai, chịu lắng nghe tiếng vượn trầm trong rừng sâu thẳm, thâm u vắng lặng.
Ẩn ý Tuệ Trung Thượng Sỹ muốn nói, kẻ phàm phu, tục tử, chỉ thích chạy theo ngoại cảnh, có mấy ai chịu ngồi yên lại, quay về lắng nghe tiếng hát Chân Tâm, tiếng lòng chân thật, sâu xa nhất trong chính nội tâm mình?
Người nào làm chủ được tâm thức, không bị ngoại cảnh chi phối, biết tu tâm, dưỡng tánh thuần thục rồi thì vô ngại, không cần phải tránh né ngoại cảnh chi nữa, dù ở chốn phồn hoa náo nhiệt hay nơi rừng núi hoang vu đều là chỗ an tâm, bất cứ đâu cũng là đạo tràng thanh tịnh cả.
Là một thi nhân đã nghe được tiếng vượn trầm thâm thúy ấy, nên Người Chơi Đẹp tiếp tục ngao du, tự tại trên sóng nước phiêu bồng. Không trầm mình trong ảo ảnh, phù sinh.
Thênh thang, nhập cuộc đùa vui với thi ca, âm nhạc, văn chương và thích ngắm mây trời in dưới dòng sông, vào những đêm trăng sáng huyền mộng, lung linh xanh biếc huyền diệu...
Điều đó, chứng tỏ thi nhân đã đạt đến cảnh giới tâm cảnh nhất như, thưởng thức được niềm an vui của thực tại bừng trổ ngát hương tâm nội:
Dọn đất ta ươm mầm
Cây xanh cùng với tâm
Đóa hoa Thực tại nở
An vui lên ngang tầm
Thực tại hiện tiền là một đóa hoa tuyệt mỹ, chỉ bừng trổ trong vườn tâm nội của mỗi người chúng ta mà thôi. Ở đây, nhà thơ đã bắt gặp Thực tại nhiệm mầu ấy, qua từng hơi thở của mình một nguồn năng lượng hân hoan, hỷ lạc, tràn đầy yêu thương muôn loài, vạn hữu:
Chuyện đời chuyện đạo vui rất vui
Vui thơm vui ngọt lại vui bùi
Vui qua hơi thở qua màu áo
Vui thắm hàng cây thắm nụ cười
Nụ cười, tiếng cười đại từ, đai bi của Tuệ Trung Thượng Sỹ, của Trần Nhân Tông bỗng vang lên trên tuyệt đỉnh ngàn trăng Yên Tử mà thi nhân nghe được, khi một đêm vạn đại dừng chân, nghỉ lại trên ngút ngàn cao xanh vời vợi đó:
Đêm nay trên Yên Tử
Trăng sáng soi cõi lòng
Người xưa về hiển hiện
Cùng rừng núi thong dong
Mây bay trên đỉnh núi
Như những cánh hoa rơi
Gió rừng vang tiếng nhạc
Hoa Yên đẹp tuyệt vời
Hoa Yên là một ngôi cổ tự trên núi rừng Yên Tử. Nơi phát xuất nguồn Thiền Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông khai sáng, cách đây gần cả ngàn năm.
Theo gót lữ phong trần, thi nhân lên đây, đứng nhìn bóng chiều tà và chợt thấy mình “huyền mặc” giữa bao la, bát ngát:
Ngàn năm lòng đất giao tình
Ngàn năm nhìn lại thấy mình thấy ta
Ngàn năm rớt bóng chiều tà
Ngàn năm huyền mặc thấy ta thấy mình
Huyền mặc là một trạng thái tâm linh tịch lặng, u huyền, vi diệu, tương ứng với tự tâm, tự tánh thanh tịnh, vốn có sẵn trong lòng nguyên sơ7 của mình rồi.
Khi thấy rõ được cõi giới đó, thì thi nhân nhập cuộc chịu chơi với tư cách một Người Chơi Đẹp giữa tồn sinh, giao lưu cùng nhân loại, đất trời:
Đêm lồng nguyệt động khơi vơi
Sao băng thung lũng một đời sương bay
Huyễn sinh tiếp nối tháng ngày
Nên thơ hơi thở tròn đầy giao lưu
Vì ý thức ngũ uẩn giai không, thân tứ đại huyễn sinh, huyễn hóa, cho nên nhà thơ “Nghe ta như huyễn nghe đời huyễn như” mà mở rộng lòng từ bao dung, thông cảm, đồng cảm với giới lang thang, văn nghệ sỹ thường lâm vào hoàn cảnh hiu hắt, tàn xiêu:
Không đau khổ lấy chi làm chất liệu
Không buồn thương sao nói chuyện con người
Không nghèo đói làm sao thi vị hóa
Lang thang, nghèo đói, buồn đau, sầu khổ... là những chất liệu cần thiết, để cho con người chúng ta lớn lên, nung nấu, cưu mang và sáng tạo, trở thành Bồ tát nghệ sỹ hay thành Thiền sư cũng đều do chúng ta quyết định hết cả. Tuy biết vậy nhưng thi nhân vẫn phát tâm đại nguyện thượng thừa:
Nguyện soi sáng trần gian bằng tuệ giác
Nguyện cứu đời bằng sữa ngọt yêu thương
Mang hành trang Lục độ bước lên đường
Để gieo rắc ánh vàng cho tất cả
Làm như thế đâu có gì vất vả
Sự ra đi như trái rụng ven rừng
Nhìn cuộc đời từng giây phút phế hưng
Như giấc mộng phù vân nhòa ảo ảnh
Vui hay khổ không có gì lẫn tránh
Vượt lên trên rồi thong thả vào đời
Nơi trần gian giống như một trò chơi
Dù Phật thánh hay gì gì cũng thế...
Mang hành trang Lục độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ đi vào cuộc tồn sinh để thắp lên ngọn lửa thương yêu, hiểu biết rồi vô tư từ biệt: "Sự ra đi như trái rụng ven rừng"...
Cõi trần thế hay cõi tạm phù du này, Người Chơi Đẹp xem như một trò chơi, chẳng có gì quan trọng hết, nên thi nhân cất bước lên đường về phương Vô trụ xứ, chẳng cần làm Phật, làm Thánh thần chi chi nữa cả. Người Chơi Đẹp ấy, chính là Thầy Quảng Hạnh thân yêu của chúng ta đây vậy.
Tâm Nhiên
(Ngũ Hành Sơn, 4. 10. 2024)
Gửi ý kiến của bạn